You are on page 1of 2

Giới thiệu:

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong
nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19-5-1890 ở làng
Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 2-9-1969
tại Hà Nội. Người sinh ra trong một gia đình: Bố là một nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân; mẹ
là nông dân; chị và anh đều tham gia chống Pháp và bị tù đày.
Phần ý chí nghị lực:
Ở Nguyễn Tất Thành, ý chí và nghị lực được hình thành, phát triển trong môi trường sống và điều
kiện, hoàn cảnh lịch sử của đất nước, từ những tố chất cá nhân của Người và thừa hưởng từ cha
mẹ, gia đình, quê hương. Người sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân
dân bị lầm than đói khổ. Quê hương Người là Nghệ An, vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền
thống yêu nước với những tên tuổi lớn như: Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Phan Đình
Phùng, Phan Bội Châu… Người xuất thân trong một gia đình nhà Nho nền nếp, mang những nét đặc
trưng của xã hội Việt Nam thời phong kiến. Cha của Người là ông Nguyễn Sinh Sắc đã đỗ Phó bảng
trong kỳ thi Hội năm 1901 nhưng nhiều năm liền trì hoãn việc làm quan bởi với ông: “Quan trường
thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (nghĩa là: Làm quan là nô lệ trong đám nô lệ, lại càng nô lệ hơn).
Mẹ của Người là bà Hoàng Thị Loan, một người phụ nữ Việt Nam điển hình, làm nghề nông và dệt
vải, tần tảo nuôi chồng con ăn học. Được nuôi dưỡng bởi những truyền thống tốt đẹp của quê
hương xứ Nghệ; của ý chí học tập và sự kiên nhẫn của người cha, của tâm hồn và tình cảm của
người mẹ hiền, Nguyễn Tất Thành và anh chị em của mình ngay từ khi còn nhỏ tuổi đã biết nói
những điều hay, làm những việc tốt, giàu lòng vị tha, nhân ái, chan hòa trong nghĩa cử đồng bào.

Bản thân Người, ngay từ thuở nhỏ đã có tố chất thông minh, ham học hỏi và thích khám phá những
điều mới lạ. Được cha gửi đến học chữ Hán với các thầy giáo có tư tưởng yêu nước tiến bộ, Nguyễn
Tất Thành dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt, bế tắc của các bậc cha chú trước cảnh nước mất
nhà tan. Lớn lên, càng tiếp cận với nền văn minh Pháp qua sách vở học ở nhà trường, Nguyễn Tất
Thành càng muốn tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của Tây Âu. Những điều thầy dạy ở trường khác
xa với cuộc sống, với thân phận của người dân mà Người phải chứng kiến hằng ngày. Rồi thực tiễn
thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí
hướng của Nguyễn Tất Thành, để rồi Người tự xác định mục đích cho hành động và định hướng
hoạt động của mình: Rời Tổ quốc, sang phương Tây tìm đường cứu nước, cứu dân. Như chính
Người đã xác nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Nga Osip Mandelstam năm 1923: “Khi tôi
độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng
tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm
quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy… Tôi quyết định
tìm cách đi ra nước ngoài”

Ý chí và nghị lực của Nguyễn Tất Thành còn thể hiện sâu sắc ở sự khắc phục những khó khăn, gian
khổ, không chỉ vượt qua khó khăn, gian khổ mà còn vượt qua cả những cám dỗ để vững vàng, kiên
định với lý tưởng, mục đích của mình. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, những năm còn
nhỏ Nguyễn Tất Thành đã trải qua cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Và nỗi đau mất mát lớn nhất
đầu tiên tác động đến tình cảm, ý chí và nghị lực trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành là vào năm 1900.
Mới 11 tuổi Người đã mất mẹ và em trai nhỏ, phải thay cha, thay anh chị, nhờ sự giúp đỡ của bà
con hàng xóm ở Huế để lo tang cho mẹ. Hoàn cảnh khó khăn cùng với nỗi đau và sự mất mát đã
tiếp thêm cho Nguyễn Tất Thành ý chí và nghị lực để vượt qua những thử thách, gian khổ trong
cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Người sau này.

Cả cuộc hành trình 30 năm tiếp theo đó, Nguyễn Tất Thành phải đối mặt và vượt qua muôn vàn khó
khăn thử thách. Những ngày khó khăn, cực nhọc đầu tiên đó là những ngày Người làm phụ bếp trên
tàu Latouche Tréville: Mỗi ngày phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, tối
đốt lửa trong các lò, đi khuân than, xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá... Công việc khá nặng nhọc
vì dưới bếp rất nóng và trong hầm rất rét, nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những
bậc thang trong khi tàu tròng trành, thậm chí có lần suýt chết đuối vì biển nổi sóng to... Nhiều lúc
tưởng chừng như Người không vượt qua nổi thử thách đầu tiên. Nhưng ý chí và nghị lực kiên
cường, càng gian khổ, khó khăn sức chịu đựng của Người ngày càng rắn rỏi. Công việc quen dần, nỗi
vất vả như lùi lại phía sau mỗi hải lý con tàu vượt qua. Những năm tháng đặt chân đến Anh, Pháp,
Mỹ, Nguyễn Tất Thành tiếp tục trải qua những tháng ngày lao động gian khổ với nhiều nghề vất vả
khó khăn để kiếm sống và nuôi chí lớn tìm con đường cứu nước.

Những ngày trên đất nước Mỹ (năm 1912), Nguyễn Tất Thành làm thuê ở quận Brooklyn (ngoại vi
thành phố New York) rồi làm thợ bánh và phụ giúp đầu bếp nấu những món ăn Pháp ở khách sạn
Omni Parker House (Boston). Tại nước Anh (năm 1913), Người từng làm các công việc nặng nhọc
như cào tuyết ở trường học, đốt lò ở hầm, làm phụ bếp ở khách sạn Drayton Court, làm dọn dẹp và
rửa bát đĩa ở khách sạn Carlton trước khi được đầu bếp huyền thoại người Pháp Escosffier chuyển
Người lên khu vực làm bánh và “truyền nghề” cho để Người có số lương cao hơn và có thì giờ hơn
để học tiếng Anh. Những ngày trở lại Pháp (năm 1917) cuộc sống hết sức khó khăn, Nguyễn Tất
Thành làm thuê cho một cửa hàng ảnh, công việc bấp bênh, thu nhập thấp. Người còn làm nhiều
nghề khác như: Làm đồ giả cổ, vẽ quạt, lọ hoa, chao đèn… Mùa đông giá rét, mỗi buổi sáng trước
khi đi làm, Người đều để một viên gạch vào bếp lò của bà chủ nhà. Đến chiều, Người lại lấy viên
gạch ra, bọc trong những tờ báo cũ rồi để trên giường cho đỡ rét. Ăn uống thiếu thốn cùng với lao
động và hoạt động vất vả, sức khoẻ của Nguyễn Tất Thành giảm sút, nhưng nhờ vào ý chí nghị lực
rèn luyện Người đã vượt qua những khó khăn về sức khoẻ để tiếp tục tham gia vào những hoạt
động chính trị.

Không chỉ gặp khó khăn, thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống, mà trong cuộc hành trình suốt 30
năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành luôn bị kẻ thù rình rập, theo dõi, giám sát, hăm
dọa và tìm mọi thủ đoạn hãm hại. Bản án tử hình vắng mặt (năm 1929) và những ngày bị thực dân
Anh bắt giam tại Nhà ngục Victoria, Hồng Kông (năm 1931) mà Người đã trải qua và tất cả những
khó khăn gian khổ đó không làm Nguyễn Tất Thành chùn bước. Ngược lại, những thử thách đó càng
tiếp thêm cho Người nghị lực, ý chí và sức mạnh để cổ vũ Người vượt qua, kiên định lập trường của
mình là tìm con đường cứu nước cho nhân dân Việt Nam. Dù chịu cảnh tù đày nghiệt ngã trong dãy
xà lim “bề rộng chỉ vừa một người nằm xiên xiên” nhưng sau này khi viết lại những năm tháng ấy,
Người chỉ nói đến tâm tư của mình “khi bị bắt giam, trong tâm trạng chỉ có một điều là lo, không
phải là lo cho số phận của mình sau này sẽ ra sao… lo là lo những công việc mình làm xong, ai sẽ tiếp
tục làm thay?”.

Phần Bài học cho con người:

Có thể nói, ý chí và nghị lực là tố chất rất quan trọng đối với mỗi một con người, giúp con người xác
định mục đích và đưa ra những quyết định cho hướng hoạt động của mình và giúp con người vượt
qua những khó khăn, thử thách nhằm đạt được mục đích. Ở Nguyễn Tất Thành ý chí và nghị lực
mang tính nhân văn sâu sắc và được thể hiện ở một tầm cao mới, định hướng cho lý tưởng, cho
mục đích cao cả trọn cuộc đời của Người: “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn
tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, giúp Người vượt qua tất cả
những khó khăn gian khổ trong hành trình suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

You might also like