You are on page 1of 5

ÔN TẬP LỊCH SỬ 9

BÀI 5:
1. Hãy nêu những nét nổi bật của tình hình Đông Nam Á từ sau năm 1945?
* Gợi ý trả lời:
- Sau năm 1945 và kéo dài nửa sau TK XX tình hình Đông Nam Á diễn ra phức tạp và căng thẳng. Các sự
kiện tiêu biểu là:
+ Nhân dân các nước Đông Nam Á đã nổi dậy giành chính quyền như: In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Lào
(1945). Sau đó đến giữa những năm 50 của TK XX, hầu hết các nước trong khu vực đã giành được độc lập.
- Từ những năm 50 trong bối cảnh “Chiến tranh lạnh” tình hình Đông Nam Á trở nên căng thẳng, chủ yếu
do sự can thiệp của Mĩ. Mĩ thành lập khối quân sự SEATO (1954), tiến hành cuộc chiến tranh xâm lượcViệt
Nam, Lào, Cam-pu-chia.
- Từ giữa những năm 50, các nước Đông Nam Á có sự phân hóa trong đường lối đối ngoại: một số nước
tham gia khối quân sự SEATO (Thái Lan, Phi – lip-pin), một số nước thi hành chính sách hòa bình, trung lập
(In-đô-nê-xi-a, Miến Điện).
2. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, khu vực Đông Nam Á có những biến đổi nào? Trong những biến
đổi đó biến đổi nào có ý nghĩa quan trọng nhất? Vì sao?
* Gợi ý trả lời:
– Biến đổi thứ nhất: Từ các nước thuộc địa, nửa thuộc địa trước chiến tranh thế giới thứ hai, đến nay Đông
Nam Á trở thành các nước độc lập.
– Biến đổi thứ hai: Sau khi giành độc lập các nước Đông Nam Á ra sức xây dựng , phát triển kinh tế – xã hội
và đạt được nhiều thành tựu to lớn như : Malaixia, Inđônêxia,Thái Lan (đặc biệt là Xin-ga-po)
– Biến đổi thứ ba: Cho đến nay các nước Đông Nam Á đều gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á
(ASEAN). Đó là một tổ chức liên minh chính trị - kinh tế của khu vực Đông Nam Á nhằm mục tiêu xây
dựng những mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các nước trong khu vực
* Trong các biến đổi trên biến đổi quan trọng nhất là: Cho đến nay các nước Đông Nam Á đều giành độc lập.
Đây là biến đổi to lớn nhất vì:
- Là biến đổi thân phận từ các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và lệ thuộc trở thành những nước độc lập. Nhờ
có biến đổi đó các nước Đông Nam Á mới có những điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế, xã
hội ngày càng phồn vinh
3. Hoàn cảnh ra đời, mục tiêu, nguyên tắc của tổ chức ASEAN?
* Gợi ý trả lời:
* Hoàn cảnh ra đời:
- Do yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nên các nước Đông Nam Á chủ trương thành lập 1 tổ
chức liên minh khu vực nhằm cùng nhau hợp tác phát triển, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của các cường
quốc bên ngoài đối với khu vực.
- Ngày 8- 8 -1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan)
với sự tham gia của 5 nước: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan.
* Mục tiêu của ASEAN: Phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước
thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khi vực.
* Nguyên tắc của ASEAN:
- Tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
- Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
- Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
- Hợp tác phát triển có kết quả.
BÀI 7:
1.Em hãy nêu những nét nổi bật của tình hình Mĩ la tinh từ sau năm 1945?
* Gợi ý trả lời:
- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, với ưu thế về kinh tế - quân sự, Mĩ đã tìm mọi cách để biến khu vực Mĩ
La- tinh thành "Sân sau" của mình. Không cam chịu cảnh áp bức, cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài của
nhân dân các nước Mỹ La-tinh lại bùng nổ và phát triển.
- Cách mạng Cuba thành công 1959, đã đánh dấu bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc
- Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cao trào đấu tranh bùng nổ mạnh mẽ, đấu tranh vũ trang diễn ra ở
nhiều nước, Mỹ La tinh trở thành "Đại lục núi lửa".
- Các chính quyền độc tài phản động ở nhiều nước bị lật đổ, các chính phủ dân tộc dân chủ được thành lập,
trong đó nổi bật là các sự kiện ở Chi lê và Ni ca ra goa.
- Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, các nước Mỹ La tinh đã thu được những thành tựu quan
trọng
- Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế chính trị ở Mỹ La tinh gặp nhiều khó khăn, có lúc
căng thẳng.
2. Trình bày diễn biến, kết quả, ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng Cu-ba?
* Gợi ý trả lời:
* Diễn biến:
- 26-7-1953 Phi-đen-Cát-xtơ-rô cùng 135 thanh niên yêu nước tấn công pháo đài Môn-ca-đa mở đầu cho
cuộc khởi nghĩa vũ trang trên toàn đảo.
- Năm 1955 Phi-đen-Cát-xtơ-rô đã sang Mê-hi-cô hoạt động cách mạng. Phi-đen đã thành lập một tổ chức
cách mạng lấy tên là “Phong trào 26-7”.
- Tháng 11-1956 Phi-đen-Cát-xtơ-rô cùng 81 chiến sĩ yêu nước trở về nước trên con tàu “Gran-ma”
- Cuối năm 1958 các binh đoàn cách mạng do Phi-đen làm tổng chỉ huy đã liên tiếp mở các cuộc tấn công
* Kết quả: 1-1-1959 chế độ độc tài Ba-ti-xta sụp đổ. Cách mạng Cu-ba thắng lợi
* Ý nghĩa: Mở ra kỉ nguyên mới: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
- Là lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc, là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Tây bán cầu
BÀI 8:
1. Bằng những dẫn chứng (số liệu) cơ bản hãy chứng minh sự giàu mạnh của nước Mĩ sau chiến tranh
Thế giới thứ hai?
* Gợi ý trả lời:
- Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ trở thành nước giàu mạnh nhất, chiếm ưu thế tuyệt đối về mọi mặt
trong Thế giới tư bản.
* Về kinh tế:
- Trong những năm 1945 – 1950, Mĩ đạt được những kì tích về kinh tế:
+ Về công nghiệp: chiếm hơn 1 nửa sản lượng công nghiệp thế giới (56,7% - năm 1948).
+ Về nông nghiệp: sản lượng nông nghiệp của Mĩ gấp 2 lần sản lượng nông nghiệp của Anh, Pháp, Tây
Đức, I-ta-li-a và Nhật Bản cộng lại.
+ Về tài chính: Mĩ nắm giữ ¾ dự trữ vàng của thế giới.
+ Về quân sự: Mĩ có lực lượng mạnh nhất được trang bị các loại vũ khí hiện đại, giữ độc quyền về vũ khí
nguyên tử.
- Hai thập kỉ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ là trung tâm kinh tế - tài chính giàu mạnh nhất thế giới.
2. Giải thích vì sao nước Mĩ lại trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất Thế giới khi chiến tranh Thế
giới thứ hai kết thúc?
* Gợi ý trả lời:
* Nguyên nhân của sự phát triển kinh tế Mĩ:
- Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ không bị thiệt hại mà thu được nhiều lợi nhuận nhất, vì Mĩ được Đại
Tây Dương và Thái Bình Dương che chở. Do đó, đất nước không bị chiến tranh tàn phá.
- Đất nước được yên ổn sản xuất và bán vũ khí, hàng hóa cho các nước tham chiến, thu được 114 tỉ USD lợi
nhuận.
- Do đất nước không có chiến tranh nên thu hút được nhiều nhân tài, nhiều nhà khoa học trên Thế giới đến
sinh sống và làm việc.
- Tài nguyên phong phú, nhân công dồi dào.
- Thừa hưởng những thành tựu khoa học – kĩ thuật Thế giới. Áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng
khoa học – kĩ thuật vào sản xuất.
- Trình độ tập trung sản xuất và tư bản cao.
BÀI 10:
1.Hãy cho biết những mốc thời gian thành lập các tổ chức liên kết kinh tế ở khu vực Tây Âu?
* Gợi ý trả lời:
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai không lâu, ở Tây Âu đã xuất hiện xu hướng liên kết kinh tế khu vực. Sự liên
kết ấy được biểu hiện:
- Tháng 4 – 1951, “Cộng đồng than – thép châu Âu” ra đời gồm 6 nước Pháp, CHLB Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà
Lan và Lúc-xăm-bua.
- Tháng 3 – 1957, “Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu”, sau đó là “Cộng đồng kinh tế châu Âu”
(EEC) được thành lập.
- Tháng 7 – 1967, ba cộng đồng trên sáp nhập lại thành Cộng đồng châu Âu (EC).
- Tháng 12 – 1991 Hội nghị Ma-xtrích quyết định Cộng đồng châu Âu mang tên gọi mới là “Liên minh Châu
Âu” (EU). Liên minh Châu Âu là 1 liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới, trở thành 1 trong 3 trung
tâm kinh tế thế giới.
- Năm 1999, số nước thành viên của EU là 15 và đến năm 2004 là 25 nước.
2. Vì sao các nước Tây Âu có xu hướng liên kết với nhau?
* Gợi ý trả lời:
- Có chung một nền văn minh, có nền kinh tế không cách biệt nhau lắm và từ lâu đã liên hệ mật thiết với
nhau. Sự hợp tác là cần thiết nhằm mở rộng thị trường, giúp các nước Tây Âu tin cậy nhau hơn về chính trị,
khắc phục những nghi kị, chia rẽ đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử.
- Từ năm 1950, sau khi đã hồi phục, nền kinh tế bắt đầu phát triển nhanh, các nước Tây Âu muốn thoát dần
sự lệ thuộc Mĩ. Nếu đứng riêng lẻ, các nước Tây Âu không thể đọ sức với Mĩ, họ cần liên kết để cạnh tranh
với các nước ngoài khu vực.
BÀI 11:
1. Nêu nhiệm vụ, vai trò của Liên Hợp Quốc? Em hãy nêu lên những việc làm của Liên Hợp Quốc giúp
nhân dân Việt Nam mà em biết?
* Gợi ý trả lời:
* Nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc:
- Duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
- Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các dân tộc.
- Thực hiện sự hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân đạo.
* Vai trò của Liên Hợp Quốc:
- Duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
- Đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
- Giúp đỡ các nước phát triển kinh tế, văn hóa,... nhất là đối với các nước Á, Phi, Mĩ La – tinh.
* Những việc làm của Liên Hợp Quốc giúp nhân dân Việt Nam mà em biết
- Từ khi Việt Nam tham gia tổ chức Liên Hợp Quốc (9 – 1977), quan hệ Việt Nam và Liên Hợp Quốc ngày
càng phát triển.
- Liên Hợp Quốc đã có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ nhân dân Việt Nam trên nhiều mặt: kinh tế, giáo
dục, môi trường, nhân đạo... thông qua các tổ chức của Liên Hợp Quốc có mặt ở Việt Nam: FAO (Tổ chức
lượng thực và nông nghiệp), UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc).
- Chăm sóc trẻ em, các bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ, tiêm chủng phòng dịch, đào tạo nguồn nhân lực, các
dự án trồng rừng, giúp các vùng bị thiên tai, ngăn chặn dịch AIDS,...
* Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) viện trợ khoảng 270 triệu USD, Quỹ nhi đồng Liên Hợp
Quốc (UNICEF) giúp khoảng 300 triệu USD, Qũy dân số thế giới (UNFPA) giúp 86 triệu USD, Tổ chức
lượng thực và nông nghiệp (FAO) giúp 76,7 triệu USD,...
2. Nêu các xu thế phát triển của Thế giới ngày nay? Nhiệm vụ to lớn nhất hiện nay của nhân dân ta là
gì?
* Gợi ý trả lời:
* Các xu thế phát triển của Thế giới ngày nay:
- Tình hình thế giới có nhiều biến chuyển và diễn ra theo các xu hướng như sau:
Một là: Xu thế hòa hoãn và hòa dịu trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn tránh xung đột trực tiếp, đối đầu
nhau. Vấn đề tranh chấp quốc tế ở nhiều khu vực được giải quyết bằng thương lượng hòa bình.
Hai là: Sự tan rã của trật tự hai cực I-an-ta và thế giới đang tiến tới xác lập một trật tự thế giới mới, đa cực,
nhiều trung tâm.
Ba là: Từ sau “Chiến tranh lạnh” và dưới tác động to lớn của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật, hầu hết
các nước đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm.
Bốn là: Tuy hòa bình được củng cố, nhưng từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, ở nhiều khu vực lại xảy ra
những vụ xung đột quân sự hoặc nội chiến giữa các phe phái (Liên bang Nam Tư cũ, châu Phi và một số
nước Trung Á…)
- Tuy nhiên, xu thế chung của thế giới ngày nay là hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển kinh tế vừa là thời
cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc khi bước vào thế kỉ XXI.
* Nhiệm vụ to lớn nhất hiện nay của nhân dân ta:
- Nắm bắt thời cơ vượt qua thách thức của xu hướng chuyển biến đó, giữ vững ổn định về chính trị.
- Nhiệm vụ của nhân dân ta là tập trung sức lực triển khai lực lượng sản xuất, làm ra nhiều của cải vật chất
để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
- Phải có sự tăng cường hợp tác để phát triển, phát triển các mối quan hệ song, phương đa phương với các
đối tác ổn định, hợp tác đa phương về quốc phòng và an ninh.
- Chú trọng đến phát triển kinh tế.
- Nâng cao cảnh giác để bảo vệ an ninh của đất nước, đấu tranh bảo vệ lãnh thổ chủ quyền biển đảo Việt
Nam.
- Chú ý đến vấn đề hòa nhập chứ không hòa tan để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.
BÀI 12:
1. Cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện nay đã và đang có những tác động như thế nào đối với
cuộc sống con người? Cơ hội và thách thức của Việt Nam trước sự phát triển của cuộc cách mạng
khoa học – kĩ thuật hiện nay?
* Gợi ý trả lời:
* Tác động tích cực:
- Cho phép con người thực hiện những bước nhảy vọt chưa từng thấy về sản xuất và năng suất lao động,
nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của con người, đưa loài người bước vào nền văn minh mới.
- Đưa tới những thay đổi lớn về cơ cấu dân cư lao động, tỉ lệ dân cư lao động trong nông nghiệp và công
nghiệp giảm dần, tỉ lệ dân cư lao động trong các ngành dịch vụ tăng lên.
* Tác động tiêu cực:
- Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật cũng đã đem lại những hậu quả tiêu cực (chủ yếu do con người tạo ra)
đó là: việc chế tạo các loại vũ khí, phương tiện quân sự có sức tàn phá và hủy diệt sự sống.
- Nạn ô nhiễm môi trường, nhiễm phóng xạ nguyên tử, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, dịch bệnh mới
cùng những đe dọa về đạo đức, an ninh xã hội đối với con người.
* Cơ hội và thách thức của Việt Nam trước sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện
nay:
- Cơ hội:
+ Với những thành tựu kì diệu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện nay. Việt Nam có cơ hội
giao lưu, học hỏi về nhiều lĩnh vực (kinh tế - xã hội, khoa học – kĩ thuật, trình độ quản lí...), từ đó có thể đi
tắt đón đầu ứng dụng những khoa học công nghệ tiên tiến nhất, qua đó rút ngắn khoảng cách kinh tế, khoa
học – kĩ thuật so với các nước trong khu vực và từng bước hội nhập với thế giới.
+ Cuộc cách mạng này cũng tạo ra một không gian rộng lớn để Việt Nam quảng bá về văn hóa, du lịch,
thu hút vốn đầu tư, tìm kiếm bạn hàng và thị trường, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc
tế.
- Thách thức:
+ Hiện nay cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn thấp, hành lang pháp lí chưa chặt chẽ, trình độ dân trí
thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế... Nếu không có chiến lược khôn khéo, rất có thể bị các nước
lớn thao túng về kinh tế, chính trị. Đồng thời cũng tạo ra nhiều nguy cơ đánh mất truyền thống, bản sắc văn
hóa dân tộc.

You might also like