You are on page 1of 9

SUY NIỆM CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Chủ đề: “Đường Thánh Giá – Con Đường Hy Vọng”


1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần
2. Lời dẫn
“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17).
Trước câu hỏi trào lên từ sâu thẳm tâm hồn, Đức Giêsu đã trả lời bằng chính việc bước đi trên
con đường Thập giá, để trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng và không bao giờ làm thất vọng. Hãy
nhìn xem thân thể Chúa đang quằn quại đau đớn nơi phận người khốn khổ, bệnh tật, đói khát.
Chính Ngài bị bỏ mặc trong nhục hình nơi những bất công, nơi phẩm giá và quyền sống của
con người bị chà đạp. Kính thưa cộng đoàn, Thiên Chúa đã đi vào vực thẳm của đau khổ, vào
những bất hạnh của thế giới này để cứu chuộc và biến đổi. Và cũng là để giải thoát mỗi người
chúng ta khỏi quyền lực của bóng tối, khỏi sự kiêu hãnh, khỏi sự phản kháng không để mình
được Thiên Chúa yêu thương
Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần soi sáng để khi cùng nhau suy niệm cuộc thương khó của Chúa
trên đường Thánh Giá, chúng con biết nhìn vào cõi lòng mình mà nhận ra sự yếu hèn, tội lỗi để
sám hối và không ngừng hoán cải. Xin gìn giữ giúp chúng con đừng để bị cướp mất niềm hy
vọng về một nhân loại mới, về trời mới và đất mới, nơi Ngài sẽ lau khô dòng lệ, sẽ không còn
khóc than, cũng chẳng còn đau khổ, bởi mọi sự sẽ qua đi, còn Tình Yêu tồn tại mãi mãi.
3. Hát: Thánh Giá Ngài
Thánh Giá Ngài là nguồn phúc vinh, Thánh giá Ngài là nguồn suối ân, Thánh giá Ngài là nguồn
cứu thoát. Thánh giá là nơi con trông cậy, Thánh giá là nơi con hy vọng, Thánh giá là chính
đường đời con.
ĐK: Xin Thánh Giá Ngài dẫn bước con đi, giữa cõi đời còn lắm gian nguy, Thánh Giá Ngài ngời
lên hy vọng, là hướng đường đời con luôn mãi. Xin Thánh Giá Ngài sưởi ấm tim con, giữa tháng
ngày lạnh giá đau thương, Thánh Giá Ngài gọi con trở về, về chính nguồn tình yêu thắm xinh.
• Trước mỗi chặng cộng đoàn quỳ, chủ sự xướng
– X: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.
– Đ: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.
• Lời Chúa – Suy niệm – Lời nguyện
• Chủ sự xướng
– X: Lạy Chúa xin thương xót chúng con
– Đ: Xin thương xót chúng con
– X: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu
– Đ: Và cho họ được lên thiên đàng

1
1. NƠI THỨ NHẤT: QUAN PHILATÔ LUẬN GIẾT ÐỨC CHÚA GIÊSU
Sống Sự Thật
➢ Lời Chúa: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị
xoá tên như đồ xấu xa” (Lc 6,22)
➢ Suy niệm: “Mọi người khen con, mà Chúa chê con, được ích gì? Mọi người nhạo cười con,
mà Chúa khen con, hạnh phúc cho con. Khi dân chúng kêu: "Xin tha Baraba!" Baraba vẫn là
kẻ trộm. Khi dân chúng la lối: "Hãy đóng đinh nó!" Chúa Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa vô tội”
(ĐHV, 103) Đức Giêsu lãnh một bản án oan khiên và cay nghiệt, Philatô đã gạt bỏ đi tiếng
lương tâm, dẫm đạp lên sự thật khi ông rửa tay như vô can trước sự bất công. Đứng trước
cảnh tượng này, chúng ta cũng cảm thấy nhói đau khi bắt gặp hình ảnh của chính mình nơi
sự giả dối của Philatô. Khi không dám hay không muốn nhìn nhận sự thật về bản thân, về
những góc khuất trong tâm hồn, khi ta né tránh sự thật vì muốn có được sự công nhận của
người khác. Cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và các việc đạo đức, khiến chúng ta cảm thấy
thờ ơ nguội lạnh và ngủ quên trong ý nghĩ không cần phải thay đổi. Chính điều đó dẫn đến
bất công và đau khổ cho biết bao người đang cần giúp đỡ.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con không thể cho người khác cái mà mình không có, không
thể canh tân người khác khi mình không đổi thay. Xin ánh sáng Thánh Giá Chúa chiếu rọi vào
tâm hồn chúng con, giúp chúng con dám đối diện với sự thật nơi bản thân mình, nhận ra
những yếu đuối mà hoán cải không ngừng, cùng can đảm làm chứng cho sự thật trong niềm
xác tín: “Mọi người khen con mà Chúa chê con, khốn cho con. Mọi người nhục mạ, vu cáo,
ghê gớm con, nhưng Chúa khen con, thì hạnh phúc cho con vì Nước Thiên đàng là của con”
(ĐHV, 102) Amen.
2. NƠI THỨ HAI: ĐỨC CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ
Từ bỏ mình
➢ Lời Chúa: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,
24)
➢ Suy niệm: “Thử thách gian khổ là "giấy phép theo Chúa" để hưởng hạnh phúc hân hoan với
Chúa: "Nếu ai muốn theo Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá và hãy theo
Ta" (ĐHV, 714) Chúa Giêsu đã từ bỏ ý riêng để thực thi thánh ý Chúa Cha. Muốn cùng đi
với Chúa, chúng ta không thể không bỏ mình, phải đưa mình ra khỏi trung tâm vũ trụ là sự
ích kỷ và từ chối tìm kiếm lợi ích riêng. Để chú ý đến những nhu cầu của người khác hơn là
nhu cầu của mình; dùng sức lực của mình để làm cho người khác hạnh phúc, như Người,
Đấng không bỏ dịp nào để an ủi và đem lại hy vọng cho những ai Người gặp.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con phó thác cho Chúa tất cả những ai chịu sỉ nhục và đau
khổ. Xin cho họ tìm thấy nơi Chúa sức mạnh để có thể vác thập giá hy vọng với Chúa. Chúng
con trao vào tay Chúa tất cả những ai lầm lạc, xin soi sáng cho họ tìm thấy sự thật và tình
yêu. Xin ban ơn thêm sức giúp chúng con can đảm cảm đón nhận những đau khổ trên đường
đời, như Chúa đã mang vào mình mọi khổ đau. Amen.

2
3. NƠI THỨ BA: ĐỨC CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT
Theo Chúa
➢ Lời Chúa: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để
đem bình an, nhưng để đem gươm giáo” (Mt 10, 34)
➢ Suy niệm: “Con run sợ: vấp ngã, khó khăn, hiểu lầm, công kích, sỉ nhục, tử hình... Con quên
Phúc Âm sao? Chúa Giêsu đã chịu tất cả. Cứ theo Ngài con sẽ phục sinh.” (ĐHV, 47) Dưới
sức nặng của thập giá, đòn roi, thời tiết khắc nghiệt và đám đông lớn tiếng nhục mạ, Chúa
Giêsu đã ngã xuống. Và Người hiểu rằng cần phải đứng lên để đi tiếp để mời gọi chúng ta:
Hãy đứng lên sau những vấp ngã. Cả nhân loại đã và đang ngụp lặn trong đại dương của
lối sống hưởng thụ và ích kỷ, các giá trị tâm linh được xem như hàng thứ yếu, sự gia tăng
điều kiện vật chất trong thế giới toàn cầu tỉ lệ thuận với chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá
nhân, chủ nghĩa tương đối lại tỉ lệ nghịch với đời sống đạo đức luân lý.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin nâng đỡ chúng con khi chúng con gục ngã, và xin dẫn đưa
tâm hồn lầm lạc của chúng con trở về với Sự Thật của Ngài. Xin đừng để lý trí con người, vốn
được Chúa tạo nên để phụng sự Chúa, tự cho phép mình thỏa mãn với những sự thật bất
toàn của khoa học và công nghệ mà không thao thức đặt những câu hỏi nền tảng về ý nghĩa
của cuộc sống con người (x. Porta Fidei, 12). Lạy Chúa, xin giúp chúng con mở lòng ra cho
tác động của Chúa Thánh Thần, để Ngài hướng dẫn chúng con đến Sự Thật trọn vẹn. Amen.

4. NƠI THỨ BỐN: ĐỨC MẸ GẶP ĐỨC CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ
Sống bên Chúa
➢ Lời Chúa: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 35)
➢ Suy niệm: “Hãy nhờ Ðức Mẹ đưa con đến với Chúa Giêsu, con sẽ quen sống bên Chúa.”
(ĐHV, 240) Suốt cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu lúc nào cũng có sự hiện của Mẹ Maria.
Mẹ vui với niềm vui của Con, Mẹ xót xa với những đau khổ của Con. Sống bên Chúa Giêsu
ở đây và lúc này, đó là sự hiện diện trước mặt Chúa trọn vẹn cả ý thức và cả con người, tinh
thần lẫn thể xác, nghĩa là: tôi biết rõ, ý thức rõ việc mình đang làm giờ này, ở đây. Tôi đọc
kinh, tôi tham dự Thánh lễ, làm việc, nghỉ ngơi,…Ở với Chúa Giêsu để học với Ngài và sống
như Ngài đã sống. Và ở với Chúa để ta biết mình cần phải hy sinh, dấn thân và yêu mến
trong từng giây, từng phút. Sống bên Chúa, đó chính là phương thế giúp ta sống giây phút
hiện tại.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin cho từng người chúng con luôn biết mau mắn mở rộng tâm hồn
để đón nhận sự hiện diện tràn đầy và trọn vẹn của Chúa, để khi làm bất cứ việc gì, chúng con
làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời vì biết rằng chúng sẽ nhận
được phần thưởng Chúa ban, là chính Chúa.

3
5. NƠI THỨ NĂM: ÔNG SIMON VÁC CÂY THÁNH GIÁ
Sẵn sàng hy sinh
➢ Lời Chúa: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 38)
➢ Suy niệm: “Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa "bỏ mình vác thánh giá"
thì chưa "theo Thầy" được. Ðó là điều kiện tiên quyết.” (số 157) Cuộc gặp gỡ giữa Chúa
Giêsu và ông Simôn người Kyrênê diễn ra trong thinh lặng. Sự hy sinh của ông lại mở ra
cánh cửa đón nhận ân sủng Đức Tin. Cùng với Chúa Giêsu, cuộc đời mỗi người chúng ta là
của lễ hy sinh hằng ngày dâng lên Thiên Chúa. Hy sinh khởi sự từ việc đón nhận những
công việc rất nhỏ bé và hèn mọn trong âm thầm, những việc mà không ai muốn làm, nhưng
có giá trị lớn lao đối với Thiên Chúa, vì nó bắt nguồn từ một tâm hồn khiêm nhu chân thực.
“Người hy sinh biết rộng lượng trước khuyết điểm của người và nghiêm khắc trước khuyết
điểm của mình” (ĐHV, 169). Cuộc đời cao đẹp của mỗi người chúng ta được kết dệt nên từ
những hy sinh nhỏ bé như thế. “Không hy sinh nơi những việc nhỏ, ta sẽ đầu hàng trước
những hy sinh lớn lao.” Chính hy sinh mới nói lên được một tình yêu chân thành và sâu thẳm
đối với Chúa và tha nhân. Hy sinh là nhận về mình gai nhọn để trao cho người những cánh
hoa tươi.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, sức nặng của thập giá nhẹ đi rất nhiều khi chúng con biết hy
sinh vì nhau và nâng đỡ cho nhau. Xin ban cho chúng con ơn thánh và ánh sáng giúp chúng
con sẵn sàng hy sinh. Khi đó, chúng con hướng tâm hồn lên những điều cao cả, luôn sống
cởi mở và đến với tha nhân, cùng sẵn sàng đón nhận mọi sự lành cũng như dữ trong đời và
phó thác cho Chúa.

6. NƠI THỨ SÁU: BÀ VERONICA TRAO KHĂN CHO ÐỨC CHÚA GIÊSU LỌT MẶT
Tìm gặp Chúa
➢ Lời Chúa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và
hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 37)
➢ Suy niệm: Chúa Giêsu là tất cả của con: là cùng đích các ý hướng, là lý do các quyết định,
là động lực các tình cảm, là gương mẫu các hành động của con. (Số 235) Bà Vêrônica tìm
Chúa giữa đám đông. Bà tìm, và cuối cùng bà đã gặp Chúa. Trong khi nỗi đau khổ lên cao,
bà muốn xoa dịu bằng cách lấy khăn lau mặt Chúa. Một cử chỉ bé nhỏ, nhưng diễn tả tất cả
tấm lòng yêu mến và đức tin. Đức tin dẫn ta đến chỗ nhìn nhận Chúa là sự sống và là tất
cả của chúng ta. Vì thế, phải hít thở Thiên Chúa như hít thở không khí, nghĩa là phải cầu
nguyện không ngừng. Cầu nguyện đem lại sức sống, niềm hy vọng và bình an cho tâm hồn
giữa cuộc đời đầy những đau thương và bất trắc. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn
văn Thuận chịu 13 năm tù đầy, trong tình trạng hầu như tuyệt vọng hoàn toàn, nhưng nhờ
đời sống cầu nguyện liên lỉ, lắng nghe và trò chuyện với Chúa đã giúp ngài có được niềm hy

4
vọng và được thêm sức, để sau này, ngài trở thành chứng nhân của niềm hy vọng lớn lao
không tàn lụi ngay cả trong những đêm tối của cô đơn.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa! Tất cả chỉ là trống rỗng nếu không có Chúa ở trong con. Mọi cái chỉ
là hư vô nếu con không ở trong Chúa. Ai sẽ cứu độ con ngoài một mình Chúa? Mỗi ngày xin
cho con biết đặt mình bên cạnh Chúa, được sống với Chúa, được nhìn ngắm Chúa, được lắng
nghe tiếng Chúa, được gặp gỡ Chúa, và được chìm sâu trong Chúa, Đấng cứu độ con. Amen.

7. NƠI THỨ BẢY: ÐỨC CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ HAI
Hiến dâng
➢ Lời Chúa: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì
nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24)
➢ Suy niệm: Mỗi dịp hiến mình trong ngày không phải là một khổ đau, mất mát, nhưng là một
đề nghị của Chúa để con được lớn lên. (ĐHV, 610) Dưới sức nặng của cây thập giá, Chúa
Giêsu ngã xuống đất một lần nữa. Trong mắt người đời, Ngài đã ngã quỵ và đã chết trong
thất bại. Ngày nay dưới áp lực của sự ác lan tràn trong xã hội, len lỏi vào tận cấm địa của
niềm tin, cũng đã làm cho các bạn trẻ phải vấp ngã. Như Đức Giêsu đã đứng lên để tiến
bước. Đức Thánh Cha cũng không ngừng mời gọi các bạn trẻ: “Hãy trỗi dậy, phục hồi năng
lực nội tâm, phục hồi sự hăng say, niềm hy vọng và lòng quảng đại, để tiếp tục dấn bước theo
Chúa trong mọi hoàn cảnh… Các con đừng đánh mất tuổi thanh xuân của mình, đừng ngắm
nhìn cuộc sống từ ban công. Các con đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành, và đừng
sống cả cuộc đời mình trước màn hình”.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đứng trước cơn khủng hoảng về các giá trị luân lý, đạo đức và
đang có nguy cơ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Xin cho các bạn trẻ luôn duy trì được
sức sống sáng tạo, lòng nhiệt thành dấn thân cho Lời Chúa, cho lý tưởng hiến dâng, với lòng
chân thành mong mỏi phục vụ.

8. NƠI THỨ TÁM: ÐỨC CHÚA GIÊSU ĐỨNG LẠI YÊN ỦI CON THÀNH GIÊSUSALEM.
Vui mừng và Hy Vọng
➢ Lời Chúa: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần
cầu nguyện” (Rm 12, 12)
➢ Suy niệm: Ðừng buồn phiền, hãy có cái nhìn siêu nhiên và con sẽ thấy mọi sự dưới khiá
cạnh mới (số 533) Trên đường Canvê, Chúa Giêsu đã gặp các phụ nữ Giêrusalem. Họ đang
khóc thương như thể đó là những đau khổ trong vô vọng. Tất cả những gì họ có thể thấy
nơi Thập giá là hai thanh gỗ tréo ngang, dấu hiệu của sự nguyền rủa (x. Đnl 21,23) Ngay
trong lúc đau đớn nhất, Chúa Giêsu chẳng nhìn vào những vết thương của mình nhưng nhìn
ra để cảm thương và chia sẻ nỗi đau của con người. Ngài trao sự sống mình như giá chuộc
cho nhiều người. Đó là sự xoa dịu cho những ai bị áp bức và ban an ủi những ai chịu thống
khổ. Ngài lau sạch nước mắt các phụ nữ và mở mắt cho họ nhận ra sự thật của mầu nhiệm
5
Vượt Qua. Hôm nay cũng thế, Giêsu vác thập giá đang gặp từng người để ban cho chúng ta
niềm hy vọng. Thập giá không từ một ai, quan trọng là chúng ta đón nhận và vác thập giá
với thái độ nào? Miễn cưỡng, cay đắng, buồn phiền? Hay một lòng vâng phục ý Chúa, đón
nhận, kiên nhẫn và cầu nguyện liên lỉ?
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì mỏng giòn yếu đuối nên chúng con hay từ chối hoặc nếu làm theo
thì chúng con cằn nhằn than vãn, đôi khi trách móc, buồn phiền hay đón nhận cách miễn
cưỡng. Xin cho chúng con biết học với Chúa bài học vâng phục ý Chúa Cha trọn vẹn như Mẹ
đã xin Vâng theo ý Chúa vậy, từ đó chúng con tiếp tục chia sẻ “vui mừng và hy vọng, u sầu
và lo âu của con người ngày nay.” Amen.

9. NƠI THỨ CHÍN: ÐỨC CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ BA.
Vững tin
➢ Lời Chúa: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14, 1)
➢ Suy niệm: Chúa Giêsu đến đâu cũng có một số người sống chết cho Ngài, và cũng có một
số người quyết giết chết Ngài. Sao con muốn mọi người yêu con? Sao nao núng khi có
người ghét con? (ĐHV, 692) Kể từ khoảnh khắc Nhập Thể, Chúa Giêsu mang lấy Thập giá
của đau khổ và tội lỗi nhân loại. Ngài đã mang vào mình bản tính con người một cách trọn
vẹn và vĩnh viễn, cho con người thấy rằng họ có thể chiến thắng cám dỗ từ bỏ, buông xuôi,
tuyệt vọng. Lần thứ ba, Chúa Giêsu ngã xuống dưới sức nặng của Thập giá, sức nặng của
tội lỗi chúng ta; và lần thứ ba, dù chỉ còn một chút hơi tàn sức kiệt, Ngài vẫn cố gượng dậy
để bước đến cùng cuộc hành trình, Ngài không để mình bị nghiền nát và đầu hàng trước
cám dỗ. Nhờ Đức Tin, chúng ta không còn mặc cảm thân phận tội lỗi, nhưng xác tín vào
tình Chúa yêu thương. Ngài là Cha nhân hậu, không bỏ rơi bất cứ ai kêu cầu.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa những con người đang ngụp lặn trong
vòng xoáy của tội lỗi, của trầm cảm, đêm đen nơi tâm hồn, xin cho họ nhận ra ánh sáng của
Chúa nơi các bí tích, các cử hành phụng vụ của Giáo Hội, và qua chính đời sống chứng tá của
các Kitô hữu. Hơn ai hết, họ là những người đang dường như bị lãng quên và loại trừ, nhưng
Chúa không bao giờ quên lãng họ, Ngài mang họ trong trái tim đầy yêu thương. Xin khơi lên
trong tâm hồn họ và tất cả chúng con niềm tin tưởng và khát vọng đổi mới trong Chúa Kitô.

10.NƠI THỨ MƯỜI: QUÂN DỮ LỘT ÁO ÐỨC CHÚA GIÊSU.


Trung tín
➢ Lời Chúa: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong
việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16, 10)
➢ Suy niệm: Không tránh tội nhẹ, con mến yêu Chúa ít quá. Con không đủ động lực nội tâm
để tiến trên đường Hy vọng. (ĐHV, 891) Nhớ lại mới ngày nào trên đường sứ vụ, biết bao
người bệnh hoạn tật nguyền, bị quỷ ám ước được sờ, được chạm vào vạt áo tình thương
của Chúa Giêsu. Vậy mà giờ đây, vì lòng tham, ích kỷ và hận thù mà quân lính nhẫn tâm lột
6
trần, sỉ nhục và hạ bệ nhân phẩm của Người. Trong thời đại mà chúng ta đang sống, khi
khoa học kỹ thật lên ngôi, cho con người được phát triển mọi mặt nhưng cũng lấy đi tình
liên đới giữa người với người. Khi ta sẵn sàng vạch trần, hạ nhục và bôi nhọ nhân phẩm của
người khác. Khi không còn cảm nhận được sự thôi thúc làm điều lành, tránh điều dữ; xem
thường luân lý, đạo đức; và dường như, lương tâm không còn cắn rứt nữa. Nghe theo tiếng
lương tâm là thực hiện lý tưởng cao đẹp nhất của đời người. Không chân thành với bản thân,
cũng là lúc con người đánh mất phẩm giá chính mình. “Ai đã chẳng hơn một lần “lường gạt
lương tâm”, điều quan trọng là ta có nhận ra những lỗi lầm mà lương tâm mách bảo, để kịp
thời sửa đổi hay không.
➢ Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu, xin ban Thánh Thần soi sáng giúp chúng con
biết ý thức tội mình cùng thân phận hư vô, xin lắng nghe nỗi khát khao của chúng con, là
những con người tội lỗi và yếu đuối: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh
tẩy” (Tv 50,1-2).

11.NƠI THỨ MƯỜI MỘT: QUÂN DỮ ĐÓNG ĐANH ÐỨC CHÚA GIÊSU.
Chết đi chính mình
➢ Lời Chúa: “Anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên
Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 6, 11)
➢ Suy niệm: Thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn của mình. Chịu đóng đinh vào
một thánh giá hẹp, con càng đau đớn hơn. Nếu thánh giá rộng con còn được thoải mái hơn
phần nào! (ĐHV, 520) Đôi tay uy quyền kia đã từng dẹp yên bão tố, đôi chân từng rảo khắp
làng mạc đi tìm chiên lạc, nay đã bị đóng chặt vào cây thập giá, khuôn mặt uy linh rạng ngời
trên núi Ta-bo nay gục xuống vì kiệt sức, lời nói quyền năng xưa từng phán để xua trừ ma
quỷ, nay thều thào tưởng chừng như vô vọng. Ngài đang lơ lửng giữa trời và đất, tranh đấu
giữa sống và chết. Con Thiên Chúa đã mang lấy hết mọi nỗi thống khổ, đau đớn của kiếp
người mà đóng vào thập giá. Chiêm ngắm Chúa trong giờ phút này, chúng ta hãy xin ơn can
đảm chết đi chính mình, cho những thói xấu, những nuông chiều vấp ngã, những cảm xúc
tự nhiên bóp nghẹt Thần Khí. Chết đi chính mình có khi là từ bỏ một định kiến hay tự ái, một
quyền lợi hay ảnh hưởng riêng, để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cái chết và những khổ đau luôn thách đố từng người chúng
con. Là con người thật, Chúa chung chia cái chết với phận người chúng con. Là Thiên Chúa
thật, Ngài cho chúng con thấy rằng cái chết đã mở ra sự sống vĩnh hằng. Xin đoái thương
thanh tẩy lương tâm chúng con khỏi những việc đưa tới sự chết, cho chúng con biết quyết tử
vì Chúa, hầu được thông phần những đau khổ của Người mà chiến thắng tội lỗi. Amen.

7
12.NƠI THỨ MƯỜI HAI: ÐỨC CHÚA GIÊSU SINH THÌ TRÊN THÁNH GIÁ.
Yêu mến tận cùng
➢ Lời Chúa: "Ðức Giêsu đã yêu thương các kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, Ngài đã yêu
thương họ đến cùng" (Ga 13, 1)
➢ Suy niệm: Tận cùng ấy là Thánh giá. Hy sinh của con phải trọn vẹn, phải là lễ toàn thiêu,
nếu "con yêu mến đến tận cùng!" (ĐHV, 161) Tình Yêu Thiên Chúa gắn liền thập giá. Đứng
dưới chân thập giá Thầy Giêsu có Mẹ Maria và môn đệ Người thương. Hai bên là anh trộm
lành và tên trộm dữ. Xa xa là một nhóm người tin Chúa. Xung quanh là đám đông đang cười
chê. Có anh lính tuyên xưng tin nhận Chúa. Có anh lính lấy đòng đâm thủng trái tim Chúa.
Máu và nước tuôn chảy…Ngài đã yêu mến đến tận cùng, trọn vẹn, tột đỉnh. Con người có
tốt nhưng rất giới hạn. Con người có yêu nhưng rất mau cạn. Chỉ có Thiên Chúa mới yêu
đến cùng, đến thập giá, đến phục sinh, đến mãi mãi. Tình yêu đích thực luôn đòi hỏi phải
chấp nhận thương đau. Ngài thương yêu chúng ta, muốn cứu chuộc chúng ta, nhưng Ngài
cũng đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những “vết đau” để bàn tay Ngài nắm chặt mà kéo
lên khỏi nanh vuốt của sự dữ, và để kéo nhiều người lên.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã yêu chúng con đến tận cùng để cứu chúng con. Xin đốt lửa
mến nồng nàn nơi tâm hồn chúng con, để chúng con dám để cho “vết sẹo tình yêu của Thiên
Chúa” in đậm trên cuộc đời mình, để không phải chỉ chúng con được cứu thoát mà để cho
hàng muôn ức triệu anh chị em cũng được “kéo lên”.

13.NƠI THỨ MƯỜI BA: THÁO ĐANH CHÚA GIÊSU XUỐNG MÀ PHÓ Ở TAY ÐỨC MẸ.
Đón nhận đau khổ
➢ Lời Chúa: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên
Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18)
➢ Suy niệm: Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh giá, ôm choàng lấy Thánh giá và con
sẽ thinh lặng đứng vững như Ðức Mẹ. (ĐHV, 694) Điều con người thường tìm kiếm trong
cuộc sống là hạnh phúc chứ không phải đau khổ. Nhưng sẽ chẳng có một hạnh phúc nào
tròn đầy, đúng nghĩa và đích thực khi nó không đi qua cánh cửa của đau khổ. Sự khôn
ngoan và quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện ở chỗ: Ngài không cất đau khổ khỏi
cuộc sống của ta, nhưng đã biến nó thành duyên cớ để nhờ nó, ta được lớn lên hơn, được
bồi bổ hơn, được trưởng thành hơn. Thay vì là một mối đe dọa, đau khổ bỗng trở thành một
tiếng nói cảnh tỉnh Chúa dành cho ta, một nơi tôi luyện lòng tin, và là cơ hội để ta được trở
nên giống Đức Kitô chịu đau khổ. Sự chết không phải là tiếng nói sau cùng. Chết không
phải là hết, mà là tái sinh biến đổi, là mở ra một tương lai tươi sáng, khởi đầu của niềm hy
vọng, là khởi đầu của những ước mơ, như hạt giống gieo trong lòng đất, bị mục nát để nẩy
mầm, sinh hoa kết trái. Trong cuộc đời, khi gặp thập giá, nếu đi với Chúa con sẽ phục sinh,
nếu từ chối Chúa con sẽ đi vào hư vô, nếu tìm kiếm Chúa con sẽ gặp Ngài.

8
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa, bình an đích thực chỉ có được nhờ hy sinh, được tôi luyện bằng thử
thách, và được lớn lên trong khuôn khổ thập giá. Xin ban ơn nâng đỡ giúp chúng con đón
nhận những cắt tỉa của Chúa với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu, để chúng con biết tận
dùng khoảnh khắc đen tối nơi cuộc đời như một phương thế tuyệt hảo để kết hiệp với Thiên
Chúa cách sâu sắc hơn.

14.NƠI THỨ MƯỜI BỐN: TÁNG XÁC ÐỨC CHÚA GIÊSU TRONG HANG ĐÁ.
Sống niềm Hy Vọng
➢ Lời Chúa: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2, 20)
➢ Suy niệm: “Kể từ hôm nay, từ nét mặt, cử chỉ con, từ sự thinh lặng, hành động con, từ quả
tim, tâm hồn con, từ lối sống, cách chết của con, phải toả ra ánh sáng Chúa hiện diện trong
con, qua những nơi con đi, và những người con gặp…” (ĐHV, 649) Chúa Giêsu để cho mình
được mai táng, cũng như Ngài đã để cho mình bị đóng đinh, cùng một thái độ phó thác,
hoàn toàn “trao nộp” vào tay con người và “hoàn toàn nên một” với họ, “ngay cả trong việc
ngủ yên trong mộ” (Thánh Gregory Narek). Để chấp nhận các khó khăn, các biến cố đớn
đau, sự chết, người ta phải có niềm hy vọng vững vàng và đức tin sống động. Tảng đá lấp
cửa mồ sẽ bị lật nhào và một sự sống mới sẽ vụt lên. Hãy sống niềm Hy Vọng, vì giờ đây ta
không còn là chính ta mà Chúa sống trong ta, Chúa cũng hiện diện nơi người khác, ngay
bên cạnh ta. Ánh sáng của chúng ta phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những
công việc tốt đẹp chúng ta làm, mà tôn vinh Thiên Chúa.
➢ Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành con cái của ánh sáng, không sợ hãi
bóng tối. Hôm nay chúng con cầu xin Chúa cho những ai đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời và cho
những ai đã đánh mất niềm hy vọng, để họ có thể nhận được ơn đức tin, và họ sẽ tin rằng
Chúa đã chiến thắng trên tội lỗi và sự chết. Ước gì mỗi người chúng con có thể thốt lên: “Ngày
hôm qua tôi chịu đóng đinh với Đức Kitô, hôm nay tôi được thông phần vinh quang với Người.
Ngày hôm qua tôi chết với Người, hôm nay tôi sống với Người. Ngày hôm qua tôi được mai
táng với Người. Hôm nay tôi sống lại với Người”. Amen

Lời nguyện kết thúc


Lạy Chúa Cha nhân từ, Chúa đã cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ. Xin đừng
bỏ rơi công trình tay Chúa tạo dựng, công trình mà vì nó Chúa đã không ngần ngại trao ban
Con duy nhất. Xin ánh sáng nơi mầu nhiệm Thập Giá luôn cháy sáng trong tâm hồn mỗi người
chúng con, ngọn đèn soi chiếu những niềm vui và đau khổ, những mệt nhọc và hy vọng, để
chúng con không lạc xa Chúa. Xin hướng những trái tim thương tích của chúng con về với trái
tim của Chúa, để chúng con trở nên dịu dàng và lấp đầy đau khổ bằng yêu thương. Xin soi sáng
để những người đối nghịch nhau nắm tay nhau, để họ cảm nhận sức mạnh của sự tha thứ, để
sự hoà hợp nảy sinh ở những nơi có hận thù. Xin giúp chúng con không bao giờ cư xử như kẻ
thù của thập giá Chúa Kitô, để chúng con có thể tham dự vào niềm vui phục sinh của Người.
Amen.
9

You might also like