You are on page 1of 11

ĐỀ 7

PHẦN CÂU NỘI DUNG ĐIỂM


Đọc ngữ liệu và thực hiện các yêu cầu: 3,0
1 Theo tác giả, nông dân lại là những người giữ được 0,5
cái tinh thần văn hóa là vì: nông dân, một là thể chất
mạnh mẽ, ăn mặc sơ sài, tuy nắng mưa dầu dãi mà ít
tật bệnh, nòi giống vẫn giữ được kiện toàn, hai là tinh
thần trong sạch nên đạo đức càng cao, những điều tệ
tập bại hoại cùng bao nhiêu tội ác vì khoái lạc chủ
nghĩa sinh ra, nông dân thường không nhiễm phải.
2 Ở đoạn (2), tác giả nói tới những công lao của người 1,0
nông dân là:
- Khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi
- Đánh nội thù
- Đánh ngoại xâm
ĐỌC 3 Thái độ của tác giả đối với người nông dân được thể 1,0
HIỂU hiện trong đoạn trích:
- Ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nông
dân
- Ca ngợi những công lao to lớn của người nông dân
4 Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có lý 0,5
giải thuyết phục. Tham khảo:
- Vừa đồng tình vừa không đồng tình.
+ Đồng tình vì nông dân có bản tính chất phác, cuộc
sống chưa bị tác động nhiều bởi vật chất nên còn giữ
được những nét đẹp đạo đức, những phong tục đẹp.
+ Không đồng tình vì ở thành thị không phải ai, ở đâu
cũng phong tục suy đồi; trong khi đó ở nông thôn vẫn
có những tập tục lạc hậu, phản nhân văn.
PHẦN Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn 2,0
LÀM văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị
VĂN về những giải pháp cần có để giữ gìn “thuần phong mỹ
tục” trong xã hội hiện đại.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn 0,25
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch,
quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 0,25
1 c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để
triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải 1,0
làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng
sau:
- Trước hết cần có sự am hiểu để xác định được những
gì là thuần phong mĩ tục.
- Cần ra sức tuyên truyền cho mọi người ý thức được
tầm quan trọng của việc giữ gìn những thuần phong mĩ
tục
- Cần có các chính sách văn hóa, pháp luật hợp lí để
bảo tồn, duy trì và phát huy những thuần phong mĩ
tục.
- Cần có biện pháp ngăn chặn, xử phạt những đối
tượng có hành vi phá hoại văn hóa.
v.v…
d. Chính tả, ngữ pháp 0,25
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo: 0,25
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách
diễn đạt mới mẻ.

Câu 2 (5,0 điểm)


Trong đoạn trích “Đất Nước”, trích trường ca “Mặt đường khát vọng”, nhà thơ Nguyễn Khoa
Điểm viết:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
[…]
Đất Nước có từ ngày đó…
(Trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr. 118)
Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó nhận xét về cái nhìn mới mẻ về đất nước được
thể hiện trong đoạn trích.
BÀI LÀM
A. MỞ BÀI
Raun Gamzatop từng quan niệm:
“Có lúc thơ như trái núi cao không thể tới
Có lúc thành cánh chim sà đậu xuống bàn tay”
Thơ, có lúc thật thâm sâu vời vợi, có lúc lại giản dị đến bất ngờ. Với Nguyễn Khoa Điềm,
thơ có lẽ bao gồm cả hai đặc tính đó, hay nói đúng hơn, sự thâm sâu của tư tưởng triết luận
trong thơ ông lại được bộc lộ ra bằng một hình thức ngôn từ vô cùng mộc mạc. Điều này được
thể hiện một cách thật rõ nét qua đoạn trích “Đất Nước”, rút từ trường ca “Mặt đường khát
vọng” của ông. Hình tượng Đất Nước, vốn là một đề tài lớn lao và khó bao quát, thế nhưng, qua
thơ ông, nó lại trở nên thân thương, gắn bó, như là những gì gần gũi nhất, hiển hiện trong cuộc
sinh hoạt hằng ngày của mỗi con người. Hãy cùng đi vào cảm nhận chín câu thơ sau đây, để làm
rõ cái nhìn mới mẻ ấy:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
(…)
Đất Nước có từ ngày đó…”.
B. THÂN BÀI
1. Khái quát tác giả, tác phẩm
Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng
chiến chống Mĩ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất trí tuệ, xúc cảm dồn nén và suy tư sâu lắng,
thể hiện tâm tư của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm rất
thành công với những sáng tác thơ về đề tài đất nước, tiêu biểu nhất là trường ca "Mặt đường
khát vọng", trong đó có đoạn trích "Đất Nước". Trường ca "Mặt đường khát vọng" được tác giả
hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô
thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông, đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống
đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Đoạn trích "Đất
nước" là phần đầu chương năm của bản trường ca "Mặt đường khát vọng". Đoạn trích là những
suy nghĩ của tác giả về đất nước được nhìn trên nhiều góc độ, với tư tưởng chủ đạo là "Đất
Nước của Nhân dân".
2. Cảm nhận đoạn thơ
Chín câu thơ này chính là suy nghĩ của tác giả về cội nguồn của Đất Nước. Ngay ở câu thơ
mở đầu, bằng giọng điệu tâm tình thủ thỉ, như lời kể chuyện bên tai, tác giả đã nói với ta một
chân lí vô cùng giản dị: Đất Nước đã ra đời từ rất xa xưa:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”
Khi ta lớn lên, từ khi ta có nhận thức về đất nước, thì ta thấy đất nước đã tồn tại. Cho dù “ta”
ở đây là ai, cho dù sự “lớn lên” ấy xẩy ra vào lúc nào, cho dù ta có quay ngược thời gian trở về
quá khứ bao nhiêu lâu chăng nữa, thì đất nước vẫn luôn là cái đã hiện diện từ trước. Nói như
vậy cũng có nghĩa là, từ khi ta có mặt trên đời, thì trong dòng máu của ta, trong miếng cơm ta
ăn, trong không khí ta thở, trong suy nghĩ, lời nói của ta, tất cả đều đã mặc nhiên thấm nhuộm
tinh thần đất nước.
Nói “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi” cũng để nhằm nhắc nhở mỗi người: Đất Nước là di
sản của người đi trước để lại cho ta, là xương máu của bao lớp tiền nhân đã đổ. Chúng ta là
người thừa hưởng, cho nên phải biết trân trọng và gìn giữ. Nói như Bác Hồ: “Các vua Hùng đã
có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Sau lời khẳng định nhẹ nhàng, giản dị mà thấm thía ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa ra
những luận giải về cội nguồn xa xưa của Đất Nước.
Đất Nước có nguồn cội xa xưa, vì nó đã xuất hiện ở trong những câu truyện cổ:
“Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể”
Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” là lời mở đầu quen thuộc của những câu chuyện cổ tích, một
thể loại truyện dân gian đã có từ rất lâu đời. Thế mà trong những câu chuyện xa xưa ấy đã có
bóng hình đất nước. Quả vậy, ở chuyện cổ tích, ta đã thấy được cái nếp sinh hoạt tự ngàn xưa
của làng xã Việt Nam; thấy được vẻ đẹp của con người Việt Nam: sự thông minh gan dạ, bản
tính lương thiện, cần cù, chịu thương chịu khó; thấy được những triết lý tốt đẹp cùng những ước
mơ cháy bỏng về một xã hội công bằng. Như vậy, trước khi chuyện cổ tích ra đời thì đất nước
đã tồn tại, nguồn gốc của đất nước còn xưa hơn cổ tích.
Đất Nước có cội nguồn xa xưa vì nó gắn liền với những tập tục văn hóa cổ truyền:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”
Nói “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu”, có nghĩa là từ khi có miếng trầu xuất hiện thì đồng
thời đất nước cũng được khai sinh. Thế nhưng tục ăn trầu xuất hiện tự bao giờ? Thật là khó để
xác định. Chỉ biết nó là một tập tục có từ rất lâu đời, lâu đời đến nỗi sự ra đời của nó chỉ được
biết đến qua sự tích: Sự tích trầu cau. Và do thế, một lần nữa, ta lại thấy được cái tính chất xa
xưa của cội nguồn đất nước.
Tuy nhiên, khi gắn đất nước với hình ảnh miếng trầu, Nguyễn Khoa Điềm còn có những
dụng ý khác. Thứ nhất, tục ăn trầu tuy ra đời từ xa xưa, nhưng đến bây giờ nó vẫn còn tồn tại:
“miếng trầu bây giờ bà ăn”. Như vậy, nếu nói đất nước ra đời cùng với miếng trầu, có nghĩa là,
trong mỗi giây mỗi phút, dù quá khứ hay hiện tại, đất nước vẫn không ngừng được sinh ra. Sự
ra đời của đất nước không phải là một sự kiện tĩnh tại, mà là một sự vận động không ngừng
trong suốt chiều dài lịch sử. Chừng nào mà người Việt còn giữ được những tập tục cổ truyền tốt
đẹp của cha ông, thì chừng đó đất nước vẫn không ngừng được sinh ra, được bồi đắp để ngày
càng hoàn thiện và lớn mạnh. Thứ hai, khi gắn đất nước với hình ảnh miếng trầu, Nguyễn Khoa
Điềm muốn ca ngợi một tập tục độc đáo, tốt đẹp của người Việt. Quả nhiên, ăn trầu là một thói
quen đặc biệt, và nó không còn đơn thuần là một thói quen sinh hoạt, mà đã trở thành văn hóa.
Miếng trầu gợi nhắc tình nghĩa vợ chồng anh em keo sơn gắn bó trong “Sự tích trầu cau”.
Miếng trầu là nét đẹp trong văn hóa giao tiếp: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu là lời
bày tỏ tình yêu của đôi trai gái: “Anh về cuốc đất trồng cau / cho em trồng ké dây trầu một bên /
Mai này trầu nọ lớn lên / Cau kia ra trái làm nên cửa nhà”. Miếng trầu cũng đánh dấu chuyện
hôn nhân, nên chồng nên vợ: “Miếng trầu nên dâu nhà người”. Như vậy, gắn sự hình thành đất
nước với hình ảnh miếng trầu, Nguyễn Khoa Điềm đã không chỉ nói được cái nguồn gốc xa xưa,
mà còn gợi ra cả một nếp sống văn hóa độc đáo và cao đẹp của dân tộc Việt.
Đất Nước, trong cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm, cũng như một con người, có sinh thành
và có lớn lên. Nếu đất nước bắt đầu với tập tục cổ truyền thì đất nước lớn mạnh cùng với quá
trình đấu tranh giữ nước:
“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Thứ nhất, câu thơ đã nói đến một trong những đặc điểm quan trọng của tiến trình lịch sử Việt
Nam: luôn phải đấu tranh để chống giặc ngoại xâm. Với vị thế ngã ba của Đông Nam Á, là mắt
xích quan trọng của nhiều con đường giao thương hàng hải, lại là mảnh đất có thiên nhiên trù
phú, nên không có gì ngạc nhiên khi từ xưa đến nay, Việt Nam luôn bị các thế lực bên ngoài
dòm ngó và xâm lấn. Chúng ta đã trải qua một ngàn năm đấu tranh chống giặc phương Bắc, gần
một trăm năm bị chiếm đóng bởi thực dân phương Tây, rồi lại trải qua hai mươi năm kháng
chiến để cuối cùng mới giành lại được hòa bình, độc lập. Đấu tranh giữ nước đã trở thành một
truyền thống lâu đời của con người Việt Nam, và khi nói đất nước lớn lên cùng với quá trình ấy,
cũng là đồng thời một lần nữa khẳng định nguồn gốc xa xưa của đất nước. Thứ hai, theo
Nguyễn Khoa Điềm, đấu tranh giữ nước chính là một hành động thể hiện sự hình thành và phát
triển của ý thức dân tộc. Do vậy, từ khi người dân Việt Nam có ý thức về việc phải cùng đứng
lên để bảo vệ mảnh đất linh thiêng của cha ông, đã “biết trồng tre mà đánh giặc” thì cũng chính
là lúc “Đất Nước lớn lên”. Thứ ba, câu thơ cũng hàm chứa trong nó một thái độ tự hào về phẩm
chất anh hùng của nhân dân ta. Hình ảnh cây tre ở đây, vừa gợi nhắc đến Thánh Gióng, người
anh hùng lớn lên giữa sự đùm bọc của nhân dân, là sự kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc, đã
nhổ tre đánh bại giặc Ân xâm lấn; vừa nói lên cái ý chí bền bỉ, dù phải trường kì kháng chiến
cũng không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù, không bao giờ chịu cúi đầu trước nỗi nhục
mất nước, như câu ca dao xưa mà ta vẫn thường nghe:
“Thù này nhớ để còn lâu
Trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què”.
Nguồn cội xa xưa của đất nước không chỉ thể hiện ở những tập tục lâu đời, ở truyền thống
đấu tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử, mà còn thể hiện ở những phẩm chất tốt đẹp của con
người Việt Nam trong cuộc sống thường ngày:
“Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng”
Bốn câu thơ nói lên hai phẩm chất đáng quý của người Việt: Thứ nhất, đó là đức tính chịu
thương chịu khó. Đất nước Việt Nam tuy trù phú, nhưng lại phải chịu lắm thiên tai. Thêm nữa,
nền nông nghiệp lúa nước khiến người dân phải phụ thuộc vào thời tiết, phải “trông trời trông
đất trông mây / trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Bởi vậy, để có được miếng ăn, họ
đã phải lao động chăm chỉ và vất vả. “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng”.
Thành ngữ “một nắng hai sương” kết hợp với phép liệt kê một loạt các động từ “xay, giã, dần,
sàng” cho thấy, để làm ra được hạt gạo nuôi sống con người, nhân dân đã phải đổ biết bao mồ
hôi, công sức. Quả là “một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”, quả là để có được một bát cơm đầy
thì “dẻo thơm một hạt” mà “đắng cay muôn phần”. Cũng chính vì sự vất vả ấy mà “Tóc mẹ thì
bới sau đầu”, một thói quen đem lại sự gọn gàng trong lao động, lâu dần đã trở thành một thói
quen thẩm mĩ của người Việt: thói quen bới tóc (“Tóc ngang lưng vừa chừng em bối / Để chi
dài bối rối lòng anh”). Thế nhưng, chính trong sự vất vả gian lao, người Việt lại hun đúc cho
mình cái bản tính trọng nghĩa trọng tình: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”.
“Thương nhau bằng gừng cay muối mặn” có nghĩa là vì gian khó nên thương nhau, trong gian
khó lại càng thương nhau hơn. Thành ngữ “gừng cay muốn mặn” cũng thể hiện sự thủy chung
son sắt của tình người, càng khốn khó lại càng bền chặt, không thay lòng đổi dạ. Nó gợi ta nhớ
đến câu ca dao: “Tay bưng chén muối đĩa gừng / Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Nó
cũng gợi ta nhớ đến cách sống đặt tình nghĩa cao hơn vật chất: “Chồng em áo rách em thương /
Chồng người áo gấm xông hương mặc người”. Và gia đình được hình thành trên cơ sở của mối
tình bền chặt ấy:
“Cái kèo cái cột thành tên”
Trong khó khăn hoạn nạn, vì luôn bền tình nặng nghĩa, nên mới chung lưng đấu cật, đồng vợ
đồng chồng để xây dựng gia đình. Từ cái kèo, cái cột đơn sơ, một tổ ấm ra đời. Có thể nói, sự ra
đời của gia đình là một sự kiện rất xa xưa, mà đối với người Việt, gia đình cũng chính là đất
nước (nước nhà), cho nên, nguồn cội của đất nước cũng xa xưa như thế.
Câu thơ cuối cùng như một lời đúc kết, một lời khẳng định lại một lần nữa cội nguồn xa xưa
của đất nước:
“Đất Nước có từ ngày đó”.
“Ngày đó” chính là cái “ngày xửa ngày xưa”, ngày đất nước khai sinh với “miếng trầu bà
ăn”, ngày đất nước lớn lên “khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”, ngày cha mẹ trong gian
khó vẫn thương nhau để cùng nhau xây dựng gia đình. Câu thơ dùng đại từ phiếm chỉ “ngày
đó”, vừa mang ý nghĩa tổng kết, lại vừa gợi mở trong lòng người đọc biết bao suy ngẫm khôn
nguôi. Và bằng những cảm nhận riêng, những thấm thía riêng, mỗi con người sẽ có cho mình
một hình dung về Đất Nước.
3. Nghệ thuật
Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn thơ là ở việc sáng tạo những hình ảnh thơ hàm súc;
sử dụng linh hoạt các chất liệu văn hóa dân gian; dung lượng câu thơ thay đổi linh hoạt, dài
ngắn đan xen phù hợp với sự biến đổi của giọng điệu và cảm xúc; sự suy tư chiêm nghiệm được
bộc lộ qua chất trữ tình sâu lắng thiết tha. Tất cả đã góp phần làm nên nét đặc sắc cho đoạn thơ.
4. Nhận xét cái nhìn mới mẻ về đất nước:
Cái nhìn mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện ở việc ông có những lý giải riêng về cội
nguồn của đất nước. Đất nước bắt nguồn từ những diều bình dị, gần gũi trong đời sống của
người Việt Nam từ xa xưa: câu chuyện cổ tích “ngày xửa ngày xưa”, tục ăn trầu của người Việt
và truyện cổ tích trầu cau, thói quen búi tóc của những người phụ nữ Việt Nam, thói quen tâm
lí, truyền thống yêu thương của dân tộc. Như vậy, theo cái nhìn của tác giả, chính văn hóa dân
gian là nơi khai sinh ra đất nước. Cũng trong đoạn trích này, ta thấy Nguyễn Khoa Điềm nhìn
nhận đất nước như một con người. Đất Nước trưởng thành cùng quá trình lao động sản xuất “cái
kèo cái cột thành tên”, “một nắng hai sương”, quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Như
vậy, cội nguồn của đất nước được lí giải từ chiều sâu văn hóa, văn học, lịch sử và truyền thống
dân tộc.
C. KẾT BÀI
Chín câu thơ đầu của đoạn trích là một trong những đoạn thơ hay nhất của trường ca “Mặt
đường khát vọng”. Nó vừa thể hiện tài năng nghệ thuật, vừa thể hiện lòng yêu đất nước nồng
nàn, và đặc biệt là thể cái nhìn đầy mới mẻ, mang tính chất phát hiện của Nguyễn Khoa Điềm
về đất nước. Lời thơ mộc mạc giản dị, hình ảnh thơ vừa gần gũi dễ hiểu nhưng lại vẫn cao sâu,
đầy suy tưởng, đúng như R. Gamzatop từn nói: “Có lúc thơ như trái núi cao không thể tới / Có
khi thành cánh chim sà đậu xuống lòng tay”. Đoạn trích “Đất Nước” nói riêng và trường ca
“Mặt đường khát vọng” nói chung đã góp thêm một tiếng nói độc đáo làm nên sự thành công
của dòng thơ viết về đề tài đất nước, góp phần khắc sâu tư tưởng của thời đại mới: Tư tưởng
“Đất Nước của nhân dân”.
ĐỀ 8
PHẦN CÂU NỘI DUNG ĐIỂM
Đọc ngữ liệu và thực hiện các yêu cầu: 3,0
1 Thể thơ: Tự do 0,5
2 Bài thơ nói về sự kiện con chim sẻ nhỏ chết trong đêm 1,0
mưa bão.
3 Ý nghĩa của hai dòng thơ: 1,0
Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ
Tiếng lăn như đá lở trên ngàn.
- Nỗi ám ảnh về cái chết của con chim sẻ và tổ trứng
với những chú chim mãi mãi không được ra đời.
ĐỌC
- Thể hiện nỗi day dứt về sự vô tâm của mình đối với
HIỂU
cái chết của con chim sẻ.
- Đó cũng là sự tự nhắc nhở mình: cần phải biết sống
yêu thương nhiều hơn nữa.
4 Nhận xét về con người của nhân vật “tôi” trong bài 0,5
thơ:
- Đó là một con người giàu lòng trắc ẩn
- Đó cũng là một con người luôn biết tự vấn bản thân
để sống tốt hơn.
PHẦN Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn 2,0
LÀM văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị
VĂN về các giải pháp để chống lại căn bệnh vô cảm.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn 0,25


Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch,
quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 0,25
1 c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để
triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải 1,0
làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng
sau:
- Học cách cảm nhận, thấu hiểu cảm xúc của bản thân
cũng như của người khác.
- Sống yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với những
người xung quanh.
- Giúp mọi người nhận ra những dấu hiệu của căn
bệnh vô cảm để khắc phục.
- Tham gia nhiều vào các hoạt động tập thể, hoạt động
thiện nguyện để tăng tình đoàn kết, giao hảo với cộng
đồng.
v.v…
d. Chính tả, ngữ pháp 0,25
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo: 0,25
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách
diễn đạt mới mẻ.

Câu 2 (5,0 điểm)


Trong đoạn trích “Đất Nước”, trích trường ca “Mặt đường khát vọng”, nhà thơ Nguyễn Khoa
Điểm viết:
Đất là nơi anh đến trường
[…]
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.
(Trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr. 119)
Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó nhận xét về việc vận dụng chất liệu văn hóa dân
gian được thể hiện trong đoạn trích.
BÀI LÀM
A. MỞ BÀI
Mác-xen Pruxt cho rằng: “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất
mới mà cần một đôi mắt mới”. Đề tài đất nước là một “vùng đất” quen thuộc. Trước Nguyễn
Khoa Điềm, có rất nhiều nhà thơ tên tuổi đã khai thác đề tài này, và đã để lại cho đời những
đỉnh cao sừng sững thách thức thời gian. Lựa chọn cho mình đề tài đất nước để khởi sự viết
trường ca “Mặt đường khát vọng”, Nguyễn Khoa Điềm quả thực đã dấn thân vào một nhiệm vụ
khó khăn. Tuy nhiên, bằng một “đôi mắt mới”, dựa trên những chiêm nghiệm và suy tư độc đáo,
với việc sử dụng tài tình các chất liệu văn hóa dân gian, Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được cho
mình một cách nhìn riêng. Do vậy, hình tượng đất nước trong thơ ông không những không bị
chìm đi giữa vô số những tượng đài trước đó, mà còn trở thành một công trình độc đáo và riêng
biệt. Đoạn thơ sau đây là minh chứng tiêu biểu cho sự độc đáo và riêng biệt ấy:
“Đất là nơi anh đến trường
(…)
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”
B. THÂN BÀI
1. Khái quát tác giả, tác phẩm
Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng
chiến chống Mĩ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất trí tuệ, xúc cảm dồn nén và suy tư sâu lắng,
thể hiện tâm tư của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm rất
thành công với những sáng tác thơ về đề tài đất nước, tiêu biểu nhất là trường ca "Mặt đường
khát vọng", trong đó có đoạn trích "Đất Nước". Trường ca "Mặt đường khát vọng" được tác giả
hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô
thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông, đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống
đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Đoạn trích "Đất
nước" là phần đầu chương năm của bản trường ca "Mặt đường khát vọng". Đoạn trích là những
suy nghĩ của tác giả về đất nước được nhìn trên nhiều góc độ, với tư tưởng chủ đạo là "Đất
Nước của Nhân dân".
2. Cảm nhận đoạn thơ
Nếu ở chín câu thơ đầu, nhà thơ đi vào lí giải cội nguồn xa xưa của đất nước, để trả lời cho
câu hỏi: Đất Nước có từ bao giờ, thì ở mười ba câu thơ này, Nguyễn Khoa Điềm đi tìm câu trả
lời cho câu hỏi: Đất Nước là gì?
Điểm đầu tiên cần chú ý ở đoạn thơ này, đó chính là nghệ thuật chiết tự: tách “Đất Nước”
ra làm hai thành tố riêng biệt: “Đất” và “Nước”. Đất nước vốn là một khái niệm trừu tượng,
mơ hồ, nhưng khi tách ra, nó lại trở nên cụ thể, sinh động. Đất Nước cao xa vời vợi bỗng trở
nên gần gũi, dễ nắm bắt.
Tuy nhiên, sau khi chiết tự đất nước thành hai yếu tố đất và nước để xem xét lí giải, Nguyễn
Khoa Điềm lại tái kết hợp chúng thành một. Và khi tái kết hợp như vậy, cộng với việc lặp lại
cụm cấu trúc “Đất là… Nước là… Đất Nước là…”, ông đã làm cho người đọc nhận ra: đất nước
vừa rất riêng nhưng cũng rất chung, vừa cụ thể nhưng cũng vừa trừu tượng, vừa gần gũi nhưng
cũng vừa xa xôi. Hẳn ông muốn nhắn nhủ với chúng ta một điều rằng: đất nước là tất cả, đất
nước tồn tại ở khắp mọi nơi, từ sự vật nhỏ bé, bình thường cho đến những cái lớn lao vĩ đại. Đất
Nước vừa hiển hiện trong từng đối tượng riêng lẻ, nhưng đồng thời lại trọn vẹn hài hòa trong
một thể thống nhất không thể chia lìa.
Mười ba câu thơ này có ba tiểu đoạn, mỗi tiểu đoạn mở đầu bằng việc chiết tự đất nước
thành hai yếu tố riêng biệt: đất và nước, và kết thúc bằng việc tái kết hợp hai thành tố đó.
Ở tiểu đoạn thứ nhất, ông định nghĩa đất nước là những điều gần gũi, bình dị:
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
“Đất” và “Nước” trong hai câu thơ đầu hoàn toàn có thể hiểu theo nghĩa đen. “Đất” của con
đường đến trường, “nước” trên bến sông em tắm. Chúng ta đi trên đất và hòa mình trong nước,
đó là hai yếu tố không thể thiếu cho sự sống của mỗi con người. Tuy nhiên, khi gắn “đất” với
“nơi anh đến trường”, “nước” với “nơi em tắm”, nó còn gợi ra một sắc thái cảm xúc khác: đó là
lòng hoài niệm về những kí ức trong trẻo của tuổi thơ, là con đường đất giữa cánh đồng xanh
mát mà mỗi ngày anh đi học, là bến sông thanh bình mỗi đêm trăng em hòa mình tắm mát. Đất
Nước ở đây đã được đồng hóa với làng mạc, quê hương. Nó gợi ta nhớ đến những vần thơ tha
thiết của Đỗ Trung Quân, khi ông cũng đem đến cho ta một định nghĩa thật giản dị và cảm
động:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay”.
Ở hai câu sau, hai thành tố đất và nước lại được tái kết hợp thành đất nước:
“Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
Điều gì đã giúp gắn kết “đất” và “nước” để trở thành “đất nước”. Đó chính là tình yêu. Nếu ở
hai câu đầu, đất gắn với anh, nước gắn với em, thì giờ đây, khi hai đứa yêu nhau, như một lẽ tất
yếu, đất nước đã hài hòa làm một.
Đất nước, từ chỗ gợi lên hình ảnh của tuổi thơ, của quê hương, giờ kết tinh lại và thăng hoa
thành không gian riêng tư của tình yêu đôi lứa. Đó là không gian thấm đẫm hương vị ngọt ngào
say đắm của buổi đầu hò hẹn, là nơi chất chứa nỗi niềm nhung nhớ thiết tha bổi hổi của mối tình
đầu. Hình ảnh “em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” gợi ta nhớ đến tâm trạng nhớ nhung
đến nỗi đứng ngồi không yên, ra ngẩn vào ngơ của người con gái lần đầu tiên biết yêu đương:
“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai”.
Như vậy, đất nước, từ chỗ chỉ là những yếu tố vật chất gắn liền với đời sống con người, đã
dần dần đi đến chỗ trở thành tâm tư, tình cảm; từ chỗ có thể tách bạch mà gọi tên, đến chỗ hoà
quyện, thấm đẫm, bao bọc lấy mọi sinh hoạt tinh thần. Đất Nước như vậy, đã tồn tại ở những
cõi miền sâu xa nhất, không thể nhạt phai. Đây là quả là một khám phá rất mới mẻ mà trước
Nguyễn Khoa Điềm, chưa ai nói được.
Nếu ở tiểu đoạn thứ nhất, Đất Nước được Nguyễn Khoa Điềm định nghĩa là những gì
gần gũi, bình dị, gắn với quê hương, với tình cảm riêng tư, thì ở tiểu đoạn thứ hai, đất nước
được mở rộng với chiều kích của non sông, gắn với tình cảm cộng đồng:
“Đất là nơi “con chim Phượng Hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”
Đất Nước lại một lần nữa được tách thành hai thành tố: “Đất” và “Nước”. Có điều, thay vì
gắn với không gian thân thuộc nhỏ hẹp là con đường đến trường, là nơi em tắm như ở tiểu đoạn
một, thì ở đây, “đất” được gắn với hình ảnh “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”,
“nước” được gắn với hình ảnh “con cá ngư ông móng nước biển khơi”. “Núi bạc”, “biển khơi”,
hai hình ảnh mở ra trước mắt chúng ta một không gian rộng lớn, kì vĩ, cho thấy chiều kích lớn
lao của non sông đất nước. Như vậy, phạm vi địa lí của đất nước không chỉ là quê hương với
con đường, bến sông quen thuộc, mà nó còn là những nơi mà có thể ta chưa đặt chân qua. Với
phạm vi rộng lớn như vậy, thì đất nước cũng không chỉ là anh, là em, mà còn là mọi con người,
dù miền núi hay miền biển, cùng chung sống trên dải đất hình chữ S này, dù có thể đó là những
con người mà ta chưa một lần gặp mặt.
Hình ảnh “con chim phượng hoàng bay về” và “con cá ngư ông móng nước’ còn mang một ý
nghĩa khác: đấy chính là quá trình di dân, đi khai hoang mở đất, đào sông lấn biển của người
Việt, để khai sinh ra những vùng đất mới, giúp mở mang bờ cõi nước nhà.
Ở hai câu thơ tiếp, dung lượng câu thơ bỗng nhiên thu ngắn lại, như một khoảng khắc
lắng lòng để chiêm nghiệm:
“Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông”
Những cuộc di dân ấy, quá trình mở mang bờ cõi ấy không chỉ diễn ra trong một khoảng thời
gian xác định, ở một nơi chốn xác định, mà nó diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử, với “thời
gian đằng đẵng”, trong cả một không gian rộng lớn: “không gian mênh mông”. Đất Nước đã lớn
lên bằng công sức của bao thế hệ, trải qua bao vất vả gian lao như thế.
Ở hai câu thơ cuối của tiểu đoạn này, “Đất” và “Nước” lại được tái kết hợp làm một:
“Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”
Như vậy, nếu ở tiểu đoạn đầu, “Đất Nước” kết tinh lại trong trong tình yêu đôi lứa, thì ở đây,
đất nước hội tụ trong tình cảm cộng đồng. Dù lên rừng, dù xuống biển, dù là người miền ngược
hay miền xuôi, chúng ta cũng đều là con dân của nước Việt. Trải qua bao sóng gió của thời
cuộc, trải qua bao lần li tán, tha hương, thì cuối cùng, chúng ta vẫn gặp nhau, vẫn “đoàn tụ”
trong một không gian duy nhất: đấy là đất nước Việt Nam. Dù ở đâu, chúng ta cũng vẫn là
người con của đất nước, có cùng một Tổ quốc để hướng về. Ý thơ gợi ta nhớ đến lời dặn dò tha
thiết của ông cha:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Ở tiểu đoạn cuối cùng, Nguyễn Khoa Điềm hướng cái nhìn của mình về quá khứ xa xăm,
để định nghĩa đất nước là cội nguồn cao quý, linh thiêng:
“Đất là nơi Chim về
Nước là nơi rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”.
Ở hai câu thơ đầu, Đất Nước lại tiếp tục được chiết tự thành hai yếu tố: Đất và Nước. Câu
thơ “Đất là nơi Chim về” gợi ra trong tâm thức người đọc hình ảnh giống chim Lạc cao quý,
biểu tượng của dân tộc Việt kiêu hãnh, bất khuất mà ta vẫn thấy xuất hiện trên mặt của những
chiếc trống đồng Đông Sơn. Nó còn gợi ta nhớ đến sự tích Âu Cơ dẫn năm mươi người con lên
núi. Nó cũng gợi nhắc câu thành ngữ “Đất lành chim đậu”, ca ngợi sự trù phú tốt tươi của mảnh
đất Việt Nam. Câu thơ “Nước là nơi Rồng ở” đưa ta về với huyền sử xa xăm, khi Lạc Long
Quân dẫn năm mươi người con xuống biển.
Tuy vậy, dù lên núi hay xuống biển, thì “Đất” và “Nước” vẫn là nơi cư ngụ của con Rồng
cháu Tiên, con Lạc cháu Hồng, của những con người có chung giòng giống cao quý. Ở đây, tuy
sự tái kết hợp hai thành tố đất và nước không trực tiếp xuất hiện, nhưng hai câu thơ “Lạc Long
Quân và Âu Cơ / Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng” đã thể hiện sự gắn kết đó. Dù có đi đâu về
đâu, lên núi hay xuống biển, chúng ta cũng vẫn là con cùng cha cùng mẹ, cùng chung một bọc,
cùng gọi nhau hai tiếng “đồng bào”. Như vậy, đến đây, theo Nguyễn Khoa Điềm, đất nước
không chỉ là kết tinh của tình yêu đôi lứa, của tình cảm cộng đồng, mà sâu sắc hơn, đất nước
còn là kết tinh của tình ruột thịt.
Nhìn lại toàn bộ đoạn thơ, ta thấy những lí giải về khái niệm đất nước đã ngày càng được
nâng lên tầm khái quát. Ở mỗi tiểu đoạn, đất nước được tách ra rồi dung hợp lại, được khám phá
từ cụ thể đến trừu tượng, từ vật chất đến tinh thần, để rồi qua cả ba tiểu đoạn, người đọc nhận ra,
đất nước vừa gần gũi lại vừa cao cả, vừa rất đỗi bình dị mà cũng thật thiêng liêng. Nhận thức ấy
khiến ta càng thêm yêu thương, gắn bó, lại vừa trân trọng, tự hào về đất nước của mình.
3. Nghệ thuật:
Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn thơ là ở việc vận dụng sáng tạo các chất liệu văn hóa
dân gian như thần thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca…; ở thể thơ tự do, biến đổi linh hoạt về
nhịp điệu; kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất chính luận và trữ tình; cách chiết tự rồi lại hợp nhất
khái niệm “Đất Nước” vừa giúp khơi sâu khái niệm, biến cái trừu tượng trở nên gần gũi, vừa
cho thấy đất nước là một thể hài hòa thống nhất không thể tách rời.
4. Nhận xét về việc vận dụng chất liệu văn hóa dân gian được thể hiện trong đoạn trích:
Có thể nói, qua đoạn trích trên, ta thấy Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng rất nhiều những chất
liệu văn hóa dân gian. Những chất liệu ấy vừa quen thuộc (gần gũi với cuộc sống của mỗi con
người Việt Nam) vừa mới lạ (với những sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn). Chất liệu dân gian được sử
dụng rất đa dạng, phong phú: có phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt; có ca dao, dân ca, tục
ngữ, truyền thuyết, cổ tích. Cách vận dụng những chất liệu ấy vào thơ cũng rất tài tình: khi thì
lấy nguyên vẹn, khi chỉ mượn ý mượn tứ để nhằm diễn tả suy nghĩ và cảm xúc của mình. Chất
liệu văn hóa dân gian được sử dụng đậm đặc đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của
đoạn trích, vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng. Hơn
nữa, có thể nói chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên một đặc
điểm trong tư duy nghệ thuật ở đoạn trích này.
C. KẾT BÀI
Bằng cái nhìn mới mẻ mang đầy tính phát hiện, bằng những chiêm nghiệm và suy tư vô cùng
sâu sắc, Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến cho ta một hình dung thật trọn vẹn và thấm thía về Đất
Nước. Với thể thơ tự do linh hoạt; giọng điệu lúc thủ thỉ nhẹ nhàng, lúc sôi nổi thiết tha; các
chất liệu văn hóa dân gian được vận dụng nhuần nhuyễn, mười ba câu thơ mà chúng ta vừa phân
tích nói riêng, và đoạn trích “Đất Nước” nói chung xứng đáng là một trong những bài ca bất tử
về đất nước, mà dù thời gian có đi qua, những giai điệu ấy vẫn sẽ mãi mãi làm thổn thức trái tim
của mọi người dân đất Việt. Và từ sự thổn thức ấy, trong mỗi con con người sẽ khởi phát niềm
tự hào mãnh liệt, tình yêu đất nước sục sôi, muôn đời đồng lòng đồng dạ, quyết đấu tranh đến
hơi thở cuối cùng để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng này. Đó cũng chính là điều mà nhà thơ
Nguyễn Khoa Điềm muốn nhắn gửi, như trong một đoạn thơ khác của trường ca “Mặt đường
khát vọng”, ông đã viết:
“Chẳng bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt!
Nguyện làm người xung kích của quê hương”.

You might also like