You are on page 1of 3

Đề bài: Viết một bài luận thuyết phục người khác từ bỏ quan niệm Phân biệt vùng miền ở

Việt Nam.
Mọi quốc gia đều có sự phong phú về sắc tộc, văn hoá, tập tục. Và Việt Nam cũng vậy, đất nước
ta có 54 dân tộc đồng bào trải dài khắp mọi miền đất nước, từ Bắc vào Nam, cùng nhau sinh sống và
xây dựng nên mảnh đất hình chữ S. Tuy vậy, sự đa dạng này cũng dẫn đến một vấn đề nhức nhối và
hoành hành trong xã hội ngày nay đó chính là quan niệm phân biệt vùng miền. Quan niệm độc hại
này đang ngày càng lan rộng trên đất nước chúng ta, cũng như trên các trang mạng Internet, gióng
lên một hồi chuông báo động, cảnh tỉnh mỗi người về mối nguy hiểm tiềm ẩn của nó, đòi hỏi mỗi
người con đất Việt cần phải đồng tâm hiệp lực, chung tay loại trừ.
Không có gì lạ khi con người chúng ta đặt ra sự khác biệt và ưu tiên giữa các khu vực địa lý,
thường được xác định bởi các yếu tố như địa lý, văn hóa, kinh tế hoặc xã hội vào các quan niệm và
hành vi của mình. Tuy vậy, điều này lại có thể bao gồm sự đánh giá, định kiến, hoặc đối xử không
công bằng dựa trên vùng miền mà một người hoặc nhóm người thuộc. Và quả vậy, quan niệm phân
biệt vùng miền thực sự là một vấn đề nhức nhối, đánh để chúng ta phải suy nghĩ.
Phân biệt vùng miền xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, từ những lời nói và hành động nhỏ
nhất tới những cái lớn hơn. Có thể kể đến như là bêu rếu, nói xấu hình ảnh vùng miền, chê bai ngôn
ngữ, phong tục tập quán, truyền thống của các vùng miền hoặc sử dụng các ngạn ngữ có yếu tố miệt
thị như “Bắc kỳ”, “Nam kỳ”, “ Bắc kỳ ăn quả cà na, ăn nhầm lựu đạn…” Đáng nói hơn, trong thời
đại mạng xã hội phát triển, nhiều người kích động làn sóng này bằng cách sử dụng các tài khoản
mạng xã hội để kêu gọi việc miệt thị vùng miền. Mới đây trên nền tảng Tiktok, vấn đề này lại được
rất nhiều người coi là “trend” khi bình luận “Parky” với tần suất cao. Được biết, vụ việc này bắt
nguồn từ một tài khoản Tiktok tên là “Vũ 21”, người này đăng tải nội dung so sánh môi trường làm
việc giữa Bắc và Nam có sự khác biệt lớn. Nội dung video không khác nào một “ngọn lửa” châm
ngòi cho “vấn nạn” phân biệt vùng miền.
Ngoài ra, do lãnh thổ đất nước trải dài trên nhiều vùng địa lý khác nhau, do yếu tố lịch sử, văn
hóa, sinh hoạt cộng đồng dẫn đến các vùng có nét văn hóa đặc sắc riêng. Và phân biệt vùng miền
cũng xuất phát từ những định kiến của cộng đồng. Có không ít thành phần trong xã hội tự coi mình
là thượng đẳng, cao quý hơn người khác cũng là lý do cho vấn nạn nhức nhối này.
Chúng tôi cho rằng nên từ bỏ quan niệm phân biệt vùng miền, vì trước hết, nó giúp ta tránh bị ảnh
hưởng tiêu cực từ những suy nghĩ hẹp hòi và định kiến. Giữ một quan niệm cụ thể về vùng miền có
thể hạn chế tầm nhìn của chúng ta, làm mất cơ hội để hiểu biết và đánh giá đúng đắn về sự đa dạng
xã hội. Đồng thời, quan niệm này cũng có thể tạo ra định kiến và phân biệt đối xử, gây ra sự chia rẽ
trong xã hội. Nếu giữ quan niệm về sự khác biệt vùng miền, chúng ta có thể phải đối mặt với stress
và căng thẳng do sự chia rẽ xã hội, từ sự cô lập và không hiểu biết về các cộng đồng khác nhau.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân mà còn gây khó khăn trong việc xây dựng mối
quan hệ xã hội và hợp tác. Bằng cách từ bỏ quan niệm phân biệt vùng miền, chúng ta tạo ra điều
kiện cho trải nghiệm đa dạng và sự hòa nhập. Điều này không chỉ mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo
trong cuộc sống hàng ngày mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển và hòa bình của cộng đồng
lớn hơn. Vậy thì tại sao, những người con đất Việt máu đỏ da vàng chúng ta lại không cùng chung
tay, xóa bỏ quan niệm tiêu cực này nhỉ?
Tưởng tượng mà xem, nếu hiện tượng phân biệt vùng miền vẫn tiếp tục diễn ra thì sự đoàn kết
giữa các người dân vùng miền, các dân tộc sẽ dần yếu đi. Điều này làm ảnh hưởng đến công việc,
cuộc sống và mối quan hệ giữa các vùng miền và sẽ có hại đến sự phát triển của đất nước. VD: dịch
vụ giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền có thể sẽ bị ảnh hưởng, và sẽ tạo tác động
tiêu cực đến nền kinh tế phát triển xã hội và chính trị. Không chỉ dừng lại ở đó, phân biệt vùng miền
còn làm lan truyền tư tưởng sai lệch, làm thay đổi nhận thức của nhân dân đối với người của từng
miền. Điều này được phản ánh rất rõ thông qua mạng xã hội, khi mà hễ có những thước phim ngắn
có yếu tố bạo lực được quay lại ở một miền thì người xem, tức ám chỉ dân ta, thay vì lan truyền
thước phim ấy để nâng cao nhận thức thì họ lại nói xấu, chửi rủa và khuyên là nên tránh xa, và nó
cứ thế diễn ra.
Mặt khác, đối với những người bị phân biệt thì việc được đối xử công bằng sẽ giúp họ không còn
thấy tự ti, xấu hổ bởi chính gốc gác của mình. Ngoài ra, khi xã hội đã không còn suy xét đến quê
quán thì người mỗi cá nhân sẽ ngày càng có nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt với những người bị
phân biệt đối xử thì việc xây dựng mối quan hệ, công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó,
việc mỗi cá nhân có cho mình tư duy lành mạnh và cấp tiến cũng phần nào giảm bớt cho ta gánh
nặng về những nỗi lo khi gặp người khác với quê quán của mình, việc giữ một lối suy nghĩ thù địch
sẽ khiến ta không chỉ khó có thể giao lưu với người khác mà từ đó phạm vi tiếp cận những thử mới
sẽ ngày một bị hạn chế, đặc biệt trong xã hội mà dân trí đang ngày một được cải thiện thì những
người với tư duy thiển cận sẽ không được quý mến, trọng dụng hay thậm chí là bị bài xích.
Bên cạnh đó, việc từ bỏ quan niệm phân biệt vùng miền còn củng cố sự đoàn kết và tôn trọng lẫn
nhau trong cộng đồng, xã hội. Đoàn kết là nguồn gốc sức mạnh của đất nước ta. Nếu phân biệt vùng
miền tạo ra căng thẳng và xung đột xã hội, làm gia tăng sự chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa
nhân dân và chính quyền hoặc giữa các cộng đồng, thậm chí làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết và ổn
định xã hội; thì việc từ bỏ quan niệm phân biệt vùng miền sẽ giảm thiểu sự chống đối, xung đột
trong xã hội; đồng thời, xóa bỏ bức tường ngăn cách giữa con người với con người. Khi ấy, sự tôn
trọng, yêu thương, cảm thông và sẻ chia được lan tỏa trong cộng đồng, xã hội sẽ ngày một văn minh
hơn. Ngoài ra, việc từ bỏ phân biệt vùng miền còn mở rộng tiềm năng phát triển nền kinh tế quốc
gia. Nó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, bình ổn thị trường và đảm bảo sự bình
đẳng trong cơ hội việc làm cũng như đẩy mạnh việc hợp tác phát triển và tiến bộ chung giữa các
vùng miền. Có thể thấy, việc từ bỏ phân biệt vùng miền có tác động đáng kể đến sự bền vững của
quốc gia và trình độ phát triển của xã hội.
Bởi lẽ đó, tại sao mỗi chúng ta không suy ngẫm lại, để chính bản thân mình có thể loại bỏ quan
niệm tiêu cực ấy nhỉ? Để từ bỏ quan niệm phân biệt vùng miền, trước hết, chúng ta cần mở rộng
kiến thức và hiểu biết về những đặc điểm đa dạng của các vùng miền. Bằng cách nắm vững thông
tin về văn hóa, lịch sử, và đặc trưng của mỗi khu vực, chúng ta có thể thấy rõ sự đa dạng và sự giàu
có của đất nước. Việc đọc sách, xem phim, và nghe nhạc từ các vùng miền khác nhau cũng là cách
hiệu quả để mở rộng tầm hiểu biết. Những trải nghiệm này không chỉ giúp chúng ta đối mặt với
những đặc trưng độc đáo của mỗi địa phương mà còn tạo ra cơ hội để xây dựng sự đồng cảm và sự
hiểu biết. Quan trọng nhất, chúng ta cần tham gia vào các sự kiện văn hóa, gặp gỡ và trò chuyện với
người dân đến từ các vùng miền khác nhau. Việc này giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ tích cực
và mở cửa trái tim trước sự đa dạng của cộng đồng. Bằng cách này, chúng ta có thể tạo nên một xã
hội đoàn kết và chấp nhận, từ bỏ những quan niệm hạn chế và phân biệt vùng miền để hướng tới
một tương lai hòa bình và đoàn kết.
Từ bỏ một quan niệm chưa bao giờ là một việc dễ dàng và việc từ bỏ phân biệt vùng miền cũng
vậy, bởi nó đã phần nào trở thành một định kiến của xã hội nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi
chúng ta chắc hẳn luôn có sự băn khoăn, trắc trở về những điểm khác biệt của các vùng miền, khu
vực khác; hay chúng ta vẫn tự hỏi rằng liệu việc từ bỏ này có nhận được sự đồng tình ủng hộ từ
những người xung quanh? Tuy vậy có một điều chắc chắn rằng Chính Phủ sẽ luôn ủng hộ việc từ bỏ
phân biệt vùng miền này. Không một nhà lãnh đạo nào muốn đất nước mình ngày càng tụt lại phía
sau các đất nước khác. Đất nước phát triển có sự đoàn kết của nhân dân và sự hòa thuận giữa cư dân
các vùng miền, vì thế việc từ bỏ phân biệt vùng miền luôn nằm trong điều kiện tiên quyết của Việt
Nam ta. Căn cứ theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) hành vi phân biệt, miệt thị vùng
miền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155) hay tội phá hoại
chính sách đoàn kết (Điều 116). Đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy thái độ tích cực của
Chính phủ nước ta. Sống và làm việc theo pháp luật là cách sống tốt đẹp nhất giúp xã hội phát triển.
Phân biệt vùng miền về cơ bản không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo Đức xã hội mà còn
thể hiện trình độ dân trí thấp, khả năng nhận thức không cao. Tin rằng xuất phát từ pháp luật việc từ
bỏ quan niệm phân biệt vùng miền ở Việt Nam sẽ nhận được sự đồng tình từ đông đảo các tầng lớp
nhân dân để góp phần giúp đất nước ngày thêm thịnh vượng, xã hội ngày một văn minh.
Tựu chung lại, phân biệt vùng miền luôn là “con mọt” trong xã hội hiện đại. Từ những sự kiện
lịch sử, nhận thức sai lệch từ thời xưa đã tạo thành nền móng cho việc miệt thị vùng miền. Thật
đáng buồn khi mà chính đồng bào ta, những người như ruột thịt trong gia đình lại quay sang kì thị,
xúc phạm đến văn hoá, lối sống của từng vùng miền như vậy. Vì thế, mỗi cá nhân phải tự nhận thức
được hậu quả khôn lường ra sao, tránh gây tổn thương, xung đột lẫn nhau và làm rạn nứt sự gắn kết
trong cộng đồng. Chính sự đoàn kết, yêu thương trong đồng bào mới làm nên đất nước Việt Nam
như ngày nay. Đã có biết bao nhiêu quốc gia xảy ra những cuộc chiến tranh đẫm máu bắt nguồn từ
việc phân biệt vùng miền, vậy nên, hãy chung tay loại trừ quan niệm xấu xí này để cùng nhau gây
dựng mảnh đất Việt Nam thành một nơi tràn ngập tình thân ái và sự gắn bó giữa con người với
nhau.

You might also like