You are on page 1of 11

GIỚI THIỆU NỘI SOI TIÊU HÓA

1. Hành chính:
1.1. Tên bài giảng: GIỚI THIỆU NỘI SOI TIÊU HÓA
1.2. Đối tượng: Bác sĩ CKI nội tổng quát
1.3. Số lượng:
1.4. Thời gian: 2 tiết
1.5. Địa điểm: Giảng đường
1.6. Giảng viên: Ts. Bs Huỳnh Hiếu Tâm
1.7. Bộ môn: Nội tổng quát
2. Mục tiêu:
1. Hiểu được nguyên lý nội soi tiêu hóa.
2. Nắm được các ứng dụng của nội soi tiêu hóa.
3. Chỉ định nội soi đúng trong các trường hợp bệnh lý
đường tiêu hóa.
NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. ĐẠI CƯƠNG
Nội soi đóng một vai trò quan trọng trong y học, đặc biệt nội soi tiêu hóa
lại càng đóng vai trò quan trọng hơn, không thể thiếu được trong chẩn đoán và
điều trị một số bệnh lý tiêu hóa.
Nội soi tiêu hóa đã từng bước phát triển từ phương tiện thô sơ đến hiện đại
nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Trong những thập niên 30
đến 60 của thế kỷ trước, nội soi tiêu hóa có phát triển nhưng hầu hết chỉ giúp ích
cho việc chẩn đoán một số bệnh lý tiêu hóa thông thường. Từ năm 1970 đến nay
nội soi tiêu hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ có thể chẩn đoán được một số bệnh
lý từ đơn giản đến phức tạp đặc biệt trong chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư đường
tiêu hóa góp phần tầm soát, cãi thiện khả năng sinh tồn và có thể điều trị khỏi
bệnh lý ác tính này. Bên cạnh những tiến bộ trong chẩn đoán, nội soi tiêu hóa đã
được ứng dụng trong điều trị những bệnh lý tiêu hóa thường gặp như cắt polyp
ống tiêu hóa qua nội soi, cầm máu qua nội soi, gắp sỏi qua nội soi mật tụy ngược
dòng, mở thông dạ dày nuôi ăn qua nội soi ... và gần đây với kỹ thuật cắt hớt niêm
mạc dạ dày trong điều trị ung thư sớm của dạ dày.
2. SƠ LƯỢC VỀ SỰ PHÁT TRIỂN NỘI SOI TIÊU HÓA ỐNG MỀM
Trên thế giới, nội soi tiêu hóa bằng ống soi mềm đã được ứng dụng rất sớm
và ngày càng phát triển vượt bậc trong những năm gần đây nhờ sự tiến bộ của
khoa học kỹ thuật. Có thể tóm tắt sơ lược sự phát triển nội soi ống mềm trên thế
giới qua các giai đoạn:
1932 Wolf, Schindler, Lange đã trình bày và sử dụng lần đầu tiên đèn soi
dạ dày nửa cứng nửa mềm.
1958 Hirschowitz sử dụng ống soi mềm hoàn toàn, mở ra một thời đại phát
triển mới cho ngành nội soi.
1970 nội soi can thiệp cắt polyp, soi đại tràng ống mềm.
1973 Kawai, Classen lần đầu tiên cắt cơ vòng Oddi
1979 Soehendra đặt dẫn lưu đường mật.
1980 siêu âm nội soi
1983 nội soi video
Đầu thế kỷ XXI có một số phương pháp nội soi đặc biệt được áp
dụng như nội soi viên nang, nội soi sử dụng ánh sáng dải hẹp (NBI : Narrow
Band Imaging), nội soi có kết hợp với laser (CEM : Confocal endomicroscopy),
nội soi ngã mũi. Với những phương pháp mới này đã giúp chuyên ngành nội soi
phát triển vượt bậc trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị.
Tại Việt Nam, các tỉnh thành khu vực phía Bắc vào khoảng 1964- 1965 đã
bắt đầu sử dụng ống soi nửa cứng nửa mềm tại Quân y viện 108. Cuối năm 1967
bệnh viện Bạch Mai sử dụng ống soi mềm từ nguồn viện trợ. Sau 1975, nguồn
viện trợ không còn nên nội soi tiêu hóa ở các tỉnh thành phía Bắc gần như tê liệt.
Hiện nay, nội soi dạ dày ống mềm đã có bước phát triển mới mang tính nhảy vọt,
nhiều bệnh viện ở Hà Nội và bệnh viện tỉnh đã được trang bị đèn soi dạ dày. Các
tỉnh thành phía Nam, trước năm 1975 nhiều bệnh viện đã được trang bị ống soi
mềm : Huế, Đà nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, sau năm 1975 các máy cũ đều
hỏng không được phục hồi hoặc không có người sử dụng. Nhưng từ năm 1980
trở đi, nhiều bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh đã dần dần trang bị trở lại đèn
soi dạ dày, sau đó nhiều bệnh viện tỉnh, thành phố cũng được trang bị.
Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện là Cần Thơ, nội soi tiêu hóa đã có từ
1990 với máy nội soi fiberscope chủ yếu là nội soi dạ dày, đại tràng. Năm 1996
bắt đầu nội soi và điều trị các bệnh lý đường mật. Hiện nay, hầu hết các quận,
huyện đều được trang bị máy nội soi tiêu hóa ống mềm có video phục vụ cho nội
soi chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa.
3. CẤU TẠO MÁY NỘI SOI ỐNG MỀM
HỆ THỐNG MÁY NỘI SOI ỐNG MỀM
Một hệ thống máy nội soi ống mềm cơ bản bao gồm:
Màn hình chuyên dụng 14- 17- 20 inch.
Bộ phận vi xử lý
Nguồn sáng
Máy nội soi, hiện nay thông dụng là máy nội soi ống mềm video.
3.1. Hệ thống dẫn sáng:
Trong máy nội soi quy ước, ánh sáng truyền theo hai chiều:
Bó dẫn sáng từ nguồn sáng lạnh bên ngoài đến vật kính ở đầu ống soi, nằm
suốt chiều dài của máy.
Bó dẫn sáng về từ vật kính đến thị kính, chỉ có ở phần ống soi và thân máy.
Các sợi thủy tinh trong bó dẫn sáng về được sắp xếp theo một thứ tự nghiêm ngặt
nhằm tái hiện hình ảnh một cách trung thực. Bó dẫn sáng về rất quan trọng trong
máy nội soi và sự gãy các sợi quang học sẽ làm xuất hiện hiện các chấm đen
trong thị trường, sẽ tăng dần sau vài năm. Máy nội soi truyền hình không có bó
dẫn sáng về mà thay bằng một camera nhỏ ở đầu ống soi. Vì vậy chất lượng hình
ảnh ổn định và không bị suy giảm.
Hiện nay, thông dụng là các máy nội soi thế hệ video với bộ phận vi xử lý
nằm ở đầu ống soi sẽ xử lý hình ảnh rất tốt và trung thực không có những chấm
đen trên thị trường như máy nội soi sử dụng các sợi quang học.

Hình: Hệ thống nội soi thực quản- dạ dày – đại tràng


Độ sáng của máy nội soi tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
 Nguồn sáng: loại xenon cường độ khoảng 300W sáng hơn
bóng đèn halogen cường độ chỉ khoảng 150W.
 Tuổi thọ bóng đèn.
 Độ phân giải ánh sáng, tùy thuộc loai máy, độ phân giải càng
cao thì chất lượng ánh sáng càng tốt.
3.2. Đường dẫn hơi và nước:
Trên tay cầm của máy có hai nút điều khiển màu xanh và màu đỏ.
Nút màu xanh dùng để bơm hơi khi bịt lại và bơm nước để rửa mặt kính
khi ấn nút vào.
Nút màu đỏ để hút hơi và nước khi ấn nút vào.
Hơi được bơm ra từ nguồn sáng với nhiều mức độ khác nhau và rất cần
thiết để quan sát tổn thương. Số lượng hơi nên vừa đủ để quan sát, tránh bơm quá
căng gây khó chịu cho bệnh nhân. Dòng nước bơm ra rất nhỏ và chỉ dùng để rửa
mặt kính. Khi muốn rửa tổn thương phải dùng bơm nước trực tiếp qua kênh sinh
thiết.
Kênh sinh thiết (kênh thủ thuật)
Kênh sinh thiết có đường kính 2,8- 3,7mm. Cần chú ý các dụng cụ nội soi
(kim tiêm, kềm sinh thiết, lọng cắt polyp, rọ gắp dị vật...) phải phù hợp với kênh
sinh thiết.
Kênh sinh thiết dùng để đưa kềm sinh thiết hoặc các dụng cụ khác đến tổn
thương.
Dùng để bơm nước rửa tổn thương.
3.3. Cấu trúc của ống soi
Thường gồm các phần sau:
 Một hay hai đầu tận cùng của bó dẫn sáng tới.
 Một vật kính dẫn sáng về.
 Một hay hai miệng mở của van sinh thiết.
 Một chỗ gờ để bơm hơi và nước.
3.4. Các loại máy
Tùy theo hướng dẫn ánh sáng đèn, người ta chia làm 03 loại máy soi:
Máy nhìn thẳng: thường dùng trong chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa,
là loại máy thông dụng nhất.
Máy nhìn bên: thường dùng trong chẩ đoán và điều trị các bệnh lý của
đường mật, tụy.
Máy nhìn chếch: có thể dùng cho cả hai loại chỉ định trên.
Phần đầu ống soi có thể di động linh hoạt bằng cách điều khiển 2 vòng
xoay ở tay cầm của máy.
3.5. Đánh giá chức năng của một máy nội soi
3.5.1. Kích thước:
Chiều dài và đường kính ống soi, chiều dài các ống soi dạ dày thông thường
từ 925- 1025cm, các ống soi tá tràng thường dài hơn; ống soi đại tràng có chiều
dài từ 1300- 1600cm. Đường kính ống soi ở người lớn thay đổi từ 7,9- 13,2mm,
hiện nay ống soi dạ dày qua ngã mũi có đường kính nhỏ hơn chỉ còn 6mm.
Độ di động của đầu ống soi
Di động trên dưới, phải trái.
Mỗi máy có độ di động khác nhau. Đối với máy nội soi tiêu hóa trên thì
chuyển động lên trên thường chiếm ưu thế hơn.
3.5.2. Tầm nhìn
Thông thường từ 3- 100mm (5- 60mm đối với máy soi ngang). Nếu gần
hơn sẽ bị lóe sáng, nếu xa hơn sẽ tối không thể quan sát được.
Góc nhìn
Góc nhìn càng rộng hình ảnh càng lớn. Tuy nhiên, góc nhìn càng rộng sẽ
làm biến dạng ở ngoại vi. Góc nhìn thông thường là 1200 .
3.5.3. Cách sắp xếp các kênh
Đặc biệt quan trọng là tương quan giữa vật kính và miện kênh sinh thiết.
Nó xác định vị trí đi ra của các dụng cụ trên màn hình. Đối với máy nhìn thẳng
thường ở vị trí 7 giờ. Đối với máy nhìn ngang thường ở vị trí 2 giờ. Các tổ thương
quan sát được sẽ dễ dàng tiếp cận hơn ở các vị trí này.
4. ỨNG DỤNG CỦA NỘI SOI TIÊU HÓA
4.1. VỀ CHẨN ĐOÁN
 Nhìn và đánh giá trực tiếp tổn thương
 Sinh thiết, chụp ảnh, quay phim
 Chẩn đoán chính xác viêm thực quản, dạ dày, tá tràng
 chẩn đoán sớm nguyên nhân xuất huyết
 Chẩn đoán sớm bệnh lý đường mật, tụy
 Chẩn đoán sớm bệnh lý ác tính thực quản, dạ dày, tá tràng, đại tràng.
 Theo dõi kết quả điều trị; Nội soi chẩn đoán trong lúc phẫu thuật.
4.2. VỀ ĐIỀU TRỊ
 Lấy dị vật đường tiêu hóa trên
 Cầm máu qua nội soi (vỡ TMTQ, loét DDTT)
 Cắt polyp
 Mở thông dạ dày qua da
 Dẫn lưu nang giả tụy
 Dẫn lưu mật
 Lấy sỏi, tán sỏi ống mật chủ.
5. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
5.1. ĐƯỜNG TIÊU HÓA TRÊN
5.1.1. CHỈ ĐỊNH
Cấp cứu:
 Lấy dị vật thực quản ( hạt trái cây, vỉ thuốc, răng giả…)
 Xuất huyết tiêu hóa.
Có chuẩn bị:
 Các bệnh lý thực quản, dạ dày, tá tràng (viêm, loét, khối u, tăng áp
lực tĩnh mạch cửa…)
 Đau thượng vị mơ hồ
 Thiếu máu không rõ nguyên nhân
 Chụp mật tụy ngược dòng ngã nội soi
 Điều trị sỏi mật qua nội soi
 Mở thông dạ dày qua da
 Dẫn lưu nội nang giả tụy.
5.1.2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Cấp cứu
 Tình trạng sốc: XHTH muốn xác định vị trí thực quản hay dạ dày, tá
tràng phải thận trọng, có thể soi tại phòng mổ có tiền mê.
Có chuẩn bị:
 Suy tim nặng, nhồi máu cơ tim cấp
 Suy hô hấp nặng
 Suy kiệt nặng
 Dị tật cột sống thắt lưng nặng
 Chú ý lâm sàng còn có trường hợp rối loạn điện giải nặng, giảm tiểu
cầu nặng.
5.2. ĐẠI TRÀNG
5.2.1. CHỈ ĐỊNH
 Chảy máu, xuất huyết tiêu hóa dưới
 Táo bón kinh niên
 Tiêu chảy mạn tính
 U bướu ác tính
 Theo dõi sau phẫu thuật: cắt polyp hoặc cắt khối u.
5.2.2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Tuyệt đối:
 Suy hô hấp cấp
 Những trường hợp sốc
 Nghi ngờ bụng ngoại khoa.
Tương đối:
 Các viêm đại tràng giai đoạn cấp tính: viêm loét đại tràng, viêm đại
tràng nhiễm trùng, viêm đại tràng sau xạ trị, bệnh Crohn
 Nghi ngờ bụng ngoại khoa
 Bệnh nhân có thai.
6. CÁC TAI BIẾN THƯỜNG GẶP DO THỦ THUẬT NỘI SOI
6.1. ĐƯỜNG TIÊU HÓA TRÊN
 Sốc thuốc (xylocain)
 Ngưng thở do phản xạ
 Nhầm đường vào khí quản
 Chảy máu do va chạm
 Thủng thực quản, dạ dày, tá tràng
 Máy soi bị gập khi rút ra.
6.2. ĐẠI TRÀNG
 Do thuốc: ngưng tim, ngưng thở, tụt huyết áp
 Nhiễm trùng
 Thủng: để phòng ngừa cần thao tác đúng kỹ thuật và phải biết dừng
cuộc soi đúng lúc, chấp nhận thất bại.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH NỘI SOI

Hình 2. Nội soi siêu âm


Hình 3. Loét dạ dày

Hình 4. Chẩn đoán ung thư sớm dạ dày

Hình 5. Ung thư muộn dạ dày


Hình 6. Polyp đại tràng, ung thư đại tràng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nội soi tiêu hóa- điện tim (2005), Nhà xuất bản Y học
2. Nội soi tiêu hóa (2015), Nhà xuất bản Y học
3. Nội soi nâng cao (2015), giáo trình sau đại học, Nhà xuất bản Đại học
Huế
4. Endoscopy in practice (2011)

You might also like