You are on page 1of 5

TRƯỜNG THPT VŨNG TÀU ĐỀ ÔN LUYỆN GIỮA HỌC KÌ II - NGỮ VĂN LỚP 10

Năm học: 2023 - 2024


(Đề có 02 trang)
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề
……………………………………………….

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)


Đọc văn bản sau:
Công danh đã được hợp về nhàn,
Lành dữ âu chi(2) thế nghị(3) khen.
Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh(4)phát cỏ ương sen.
Kho thu phong nguyệt5), đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà(6) nặng vạy(7) then.
Bui(8)có một lòng trung lẫn(9) hiếu,
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.(10)
(Thuật hứng 24, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, 1976, tr. 418-419)
Chú thích:
(1) Hợp: Tiếng cổ có nghĩa là đáng, nên
(2) Âu chi: Lo chi
(3) Nghị: dị nghị ở đây hiểu là chê
(4) Đìa thanh: Đìa là vũng nước ngoài đồng. Thanh là trong
(5) Phong, nguyệt: gió, trăng
(6) Yên hà: Khói, ráng
(7) Vạy: oằn, cong. Nặng vạy then: chở nặng làm thang thuyền oằn xuống
(8) Bui: tiếng cổ, nghĩa là chỉ có
(9) Lẫn: (hoặc lễn, miễn): tiếng cổ nghĩa là với hoặc và
(10) Mài chăng khuyết… mài cũng không mòn, nhuộm cũng không đen. Ý nói lòng trung
hiếu bền vững

Thực hiện các yêu cầu:


Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Cảm xúc của nhân vật trữ tình được bày tỏ
trong hoàn cảnh nào?
Câu 3. Con người hiện ra với những hành động nào trong hai câu thơ:
Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen?
Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép đối trong hai câu thơ.
Kho thu phong nguyệt, đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
Câu 5. Anh/ chị có đồng tình với lối sống nhàn của tác giả trong bài thơ không? Vì sao?
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết 01 đoạn văn khoảng 150 chữ nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn
Nguyễn Trãi qua bài thơ.
Câu 2 (4,0 điểm)
Hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần
thiết phải có thái độ sống tích cực.

TRƯỜNG THPT VŨNG TÀU ĐỀ ÔN LUYỆN GIỮA HỌC KÌ II - NGỮ VĂN LỚP 10
Năm học: 2023 - 2024
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM
(Đáp án và hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

Phần Câu Nội dung Điểm


I ĐỌC HIỂU 4,0
1 Thất ngôn bát cú xen lục ngôn. 0,5
2 - Nhân vật trữ tình: tác giả/nhà thơ Nguyễn Trãi 0,5
- Cảm xúc được bày tỏ trong hoàn cảnh: NT về ở ẩn tại quê nhà.
3 Hành động của con người: vớt bèo, cấy muống, phát cỏ, ương sen. 1,0
4 - Phép đối trong hai câu: kho thu phong nguyệt >< thuyền chở yên hà; 1,0
đầy qua nóc >< nặng vạy then.
- Tác dụng: Tô đậm vẻ đẹp đa dạng, phong phú của thiên nhiên; thể
hiện tâm hồn thanh cao, ung dung, tự tại của nhà thơ. Ông hòa mình với
thiên nhiên, lấy nó làm nguồn vui sống và tận hưởng thiên nhiên một
cách say mê, hạnh phúc; Tạo sự cân xứng, hài hòa cho câu thơ.
5 Anh/ chị có đồng tình với lối sống nhàn của tác giả trong bài thơ không? 1,0
Vì sao?
- Đồng tình. Lí giải: quả thật ông chỉ “nhàn thân” khi đã không
còn lo việc quan, mà chỉ vui thú điền viên; nhưng ông không “nhàn
tâm”, vì tấm lòng của ông lúc nào cũng canh cánh, cũng vướng bận
một nỗi lo cho dân, cho nước. Tấm lòng “trung hiếu cũ” mà ông nói
đến trong bài thơ trên chính là ước mong được suốt đời đóng góp công
sức để trả nợ nước, đền ơn vua, báo hiếu với thân phụ của mình.
- Không đồng tình. Cần có sự lí giải

II VIẾT 6,0
1 Viết 01 đoạn văn khoảng 150 chữ nêu cảm nhận của anh/chị về 2,0
vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ trên.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn 0,25
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 150 chữ)
của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch,
quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi
trong bài thơ
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận 0,5
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là
một số gợi ý:

Vẻ đẹp tâm hồn thể hiện ở tâm thế thư thái, bỏ ngoài tai mọi thứ thị
phi, khen chê ở đời;
Vẻ đẹp tâm hồn thể hiện ở tình yêu thiên nhiên, ở những cảm nhận tinh
tế về vẻ đẹp của thiên nhiên;
Vẻ đẹp tâm hồn thể hiện ở tấm lòng trung hiếu trước sau không thay
đổi.
Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau: 0,5
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để
triển triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu,
phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt 0,25
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu
trong đoạn văn.
e. Sáng tạo 0,25
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
2 Hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của 4,0
bản thân về sự cần thiết phải có thái độ sống tích cực.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài 0,25
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sự cần thiết phải có thái độ sống tích 0,5
cực.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết 1,0
- Xác định được các ý chính của bài viết
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: suy nghĩ về sự cần thiết phải có thái
độ sống tích cực.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Thái độ sống tích cực: Thái độ chủ động trước cuộc sống, được biểu
hiện thông qua cách nhìn, cách nghĩ, cách hành động.
- Bàn luận về sự cần thiết phải có thái độ sống tích cực.
+ Thái độ sống tích cực là phẩm chất đáng quý của con người; Có ý
nghĩa quan trọng với tinh thần, dễ dàng vượt qua căng thẳng, stress;
Đem lại cho con người nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khi thấy cuộc
sống của mình được sự tự chủ, và biết vững vàng từ những trải nghiệm
cuộc sống; Thái độ sống tích cực giúp bạn tin tưởng vào những điều tốt
đẹp ở phía trước, từ đó có thêm động lực để cống hiến hết sức mình với
công việc hiện tại; Người có thái độ sống tích cực cơ hội thành công
trong cuộc sống sẽ cao hơn, tạo dựng được những thành quả từ chính
sức lực, trí tuệ của mình.
+ Những suy nghĩ tích cực sẽ giúp lan tỏa tích cực tới mọi người và
cộng đồng; Thái độ sống tích cực của cá nhân góp phần thúc đẩy xã hội
phát triển, tiến bộ.
- Mở rộng, liên hệ:
+ Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không có niềm
tin vào bản thân, bi quan, khi đứng trước khó khăn thử thách...
+ Những người như thế thường sống bi quan... thường gặp khó thành
công trong sự nghiệp.
- Bài học nhận thức và hành động
+ Cần nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn của thái độ sống tích cực nhất
là trong xu thế hội nhập của đất nước.
+ Cần học cách suy nghĩ tích cực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản
thân...
+ Tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi
dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ.
+ Xác định được mục tiêu sống, có ước mơ, hoài bão, dám phấn đấu
cho ước mơ, hoài bão dù phải đối diện với nhiều thử thách khó khăn.
+ Luôn có khát vọng vươn lên khẳng định bản thân và hoàn thiện mình,
luôn phấn đấu sống tốt, cho mình và cho mọi người.
*Khẳng định lại vấn đề.
Thái độ sống tích cực chính là tài sản có giá trị nhất mà mỗi người
đang có.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: 1,5
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá
nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để
triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu,
phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải
phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Diễn đạt 0,25
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo 0,5
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Tổng điểm 10,0

You might also like