You are on page 1of 5

Xử trí thế nào khi bạn có một đứa con "bướng bỉnh"?

Nhận diện

- Những đứa trẻ bướng bỉnh rất có nhu cầu được người khác lắng nghe và được công nhận, cho nên trẻ sẽ tìm cách
thu hút sự chú ý của cha mẹ thường xuyên. Trẻ thường có những cơn hờn (tantrum) nếu không được như ý và hay
tỏ ra hách dịch, thích điều khiển người khác.

Nếu cha mẹ phản ứng với sự nổi loạn và thiếu vâng lời của trẻ vị thành niên bằng cách nổi giận và thiếu kiềm chế,
trẻ có thể sẽ đáp lại bằng cách chống đối và vô lễ. Vậy phải làm gì khi trẻ không nghe lời và nổi loạn đây?

Xử trí với con thế nào?

1. Lắng nghe, không tranh cãi


Giao tiếp luôn có tính 2 chiều, nếu bạn muốn con nghe mình, mình hãy sẵn sàng nghe con trước. Với một
đứa trẻ bướng bỉnh thì sao? Đừng tiếp cận trực diện, hãy tiếp cận từ bên lề một cách bình tĩnh, thực tế và
không đối đầu.

2. Không ép con
Khi bị ép, con sẽ có xu xướng nổi loạn, làm mọi thứ không nên làm. Hãy kết nối với con, không ép buộc. Ví
dụ, ép một đứa trẻ đang xem TV đi ngủ ngay lập tức sẽ không có tác dụng. Thay vào đó bạn nên ngồi xuống
cùng con, tỏ ra là bạn thích thú với những gì con đang xem. Khi bạn tỏ ra quan tâm, con sẽ có phản ứng
trước yêu cầu, lời nói của bạn. Trẻ được kết nối với cha mẹ thường muốn hợp tác hơn.

3. Đưa cho con lựa chọn


Đưa ra quá nhiều lựa chọn có thể khiến con bị rối. Hãy giới hạn xuống con số 2 hay 3 lựa chọn bạn cho là
chấp nhận được và để tự con quyết định theo chính kiến riêng của mình.

4. Bố mẹ cần giữ bình tĩnh


Không dễ khi con đang khiến bạn muốn "nổi cơn điên" nhưng đó là việc nên làm nếu bạn mong dạy con bài
học về việc ai cũng cần hành động, hành xử theo những quy tắc nhất định.
Khi con không nghe lời, chống đối, bướng bỉnh, nổi loạn,… có thể khiến cha mẹ rất tức giận. Bất cứ khi nào
cảm thấy cảm xúc đang dâng lên, cha mẹ hãy nhớ rằng mình là tấm gương về hành vi cho con học tập. Mục
tiêu của cha mẹ không phải là để giành chiến thắng mà là để dạy cho trẻ bài học cuộc sống về trách nhiệm.
Hãy dừng lại nếu sự xung đột, giận dữ bắt đầu dâng cao ở bạn hoặc trẻ. Những hành động lúc nóng giận sẽ
khiến bạn hối tiếc về sau.
Thay vào đó, cha mẹ hãy từ chối tranh luận và chỉ đơn giản nói rằng mình cần thời gian để suy nghĩ. Đó là
một cách tốt để cha mẹ có thêm thời gian suy nghĩ về một cách xử trí thích hợp hơn
Hãy làm bất cứ điều gì bạn cho là có tác dụng giúp mình kiềm chế như ngồi thiền, tập vài động tác thể dục,
hay đi nghe nhạc nhẹ. Bật nhạc thư giãn trong nhà cũng có thể giúp cả con lấy lại bình tĩnh.

5. Tôn trọng con

Nếu một thanh thiếu niên nhìn thấy cha mẹ có thái độ thiếu tôn trọng, trẻ sẽ cho rằng hành động thiếu tôn
trọng của trẻ cũng là một hành vi thích hợp. Hãy nhớ rằng bạn là người trưởng thành và là hình mẫu mà
trẻ noi theo. Khi người lớn phản ứng lại trẻ bằng sự chế nhạo, lăng mạ, vũ lực, điều đó sẽ làm ảnh hưởng
đến mối quan hệ giữa họ và trẻ.

Đặc biệt, đừng bao giờ làm bẽ mặt trẻ trước các bạn đồng trang lứa mà hãy nói chuyện riêng với trẻ. Cha
mẹ nên đợi cho đến khi các bạn của con rời đi và gọi trẻ ra khỏi phòng để nói chuyện thì sẽ tốt hơn. Và cuối
cùng, không nên so sánh trẻ với người khác tài giỏi hơn, điều đó khiến trẻ cảm thấy thấp kém và nảy sinh
tâm lý nổi loạn, chống đối để chứng tỏ mình

Hãy cho phép con tự làm một số việc. Bạn nên hết sức tránh "cám dỗ" làm hộ con. Đây cũng là cách bạn nói
với con rằng bạn tin tưởng bé.
Chỉ nói điều bạn nghĩ và làm đúng như những gì bạn nói. Làm gương cho con là điều quan trọng bởi con cái
bạn sẽ luôn nhìn theo bạn đấy.

Sau cùng, bọn trẻ cần có quy tắc và kỷ luật. Các con của chúng ta nên biết rằng sẽ có hậu quả, tốt hoặc xấu,
cho hành động của chúng. Cha mẹ nên chắc chắn rằng con nhận thức được đầy đủ về hậu quả của việc vi
phạm các quy tắc.

Hậu quả nên đến ngay lập tức, đặc biệt là đối với trẻ để các con có thể kết nối hành động của chúng với kết
quả luôn.

Phạt ngồi một mình, cắt giảm thời gian chơi hoặc thời gian xem TV và giao việc vặt có thể là một vài cách
thực thi kỷ luật. Cha mẹ cũng có thể sáng tạo thêm vài hậu quả khác dựa trên vấn đề cụ thể.

Nhưng bạn cần nhớ rằng mục đích cuối cùng không phải để trừng phạt con, mà là để con nhận ra rằng
hành vi của mình không đúng.

--------------------------------------------------------------------------------------------

Dành cho cha mẹ: 3 phút tạo nên sự kết nối mạnh mẽ với con
Nói đến các hoạt động kết nối với con cái, cha mẹ thường nghĩ ngay đến khoảng thời gian chơi hay dùng
bữa cùng con. Thực tế, việc tạo ra sự kết nối giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng ở nhiều mức độ: Tình
yêu, cảm giác an toàn, sự giao tiếp chỉ là một vài trong các mối liên kết được thiết lập...
Quan trọng không kém gì thời gian chơi hay thời gian dùng bữa cùng con, các nhà tâm lý cho rằng mối
liên kết giữa cha mẹ và các con còn xảy ra ngay cả trong khoảng thời gian rất ngắn - tầm 3 phút. Bạn đã
bao giờ nghe đến nguyên tắc 3 phút này chưa?

Nguyên tắc "3 phút"

Theo chuyên gia tâm lý Nataliya, người đứng đầu The Center of Work with Children and Youth, không nhiều
cha mẹ thực hiện nguyên tắc 3 phút quý giá này với con cái của họ.

Nguyên tắc nói rằng: Khi bạn trở về nhà, hãy tập trung hoàn toàn vào đứa con của bạn, trong ít nhất là 3
phút. Và bạn cần phải làm điều đó, hàng ngày.

Điều đơn giản nhưng rất có hiệu quả trong việc kết nối gia đình. Kiên trì theo nguyên tắc này, bạn sẽ cho con
cảm giác an toàn khi ở bên cha mẹ, niềm tin của đứa trẻ thậm chí sẽ theo chúng cho đến khi chúng bước vào
tuổi teen.

Nguyên tắc có thể áp dụng ngay cả khi bạn không ở trong nhà mà đang ở ngoài làm việc gì đó như đang đi
siêu thị.

3 phút kết nối - sử dụng sao cho đúng?

Trong 3 phút ở bên con này, hãy chắc chắn rằng tầm mắt của bạn và của con ngang nhau, có thể là bạn cùng
con ngồi trên ghế sofa, dưới sàn nhà, hoặc bạn ngồi xuống ngang tầm con đứng.

Thực hiện ngay khi đón con ở trường

Tại sao không, đây là thời điểm rất quan trọng, đã cả ngày nay con không nhìn thấy bạn rồi, hãy sử dụng
ngay 3 phút ấy để: Ôm con và dịu dàng hỏi con về một ngày ở trường, hỏi xem con đã làm gì, có chuyện gì
làm con vui nhất. Đừng coi thường tầm quan trọng của những cuộc chuyện trò nho nhỏ, bạn nên thật tập
trung vào những điều con nói để con có cảm giác mình đang được lắng nghe. Hãy chhứng tỏ bạn đang nghe
bằng cách hỏi thêm các câu hỏi thật cụ thể về những gì con vừa nói.

Điều bạn không nên làm

Đừng tỏ ra sao nhãng trong 3 phút quan trọng này, vì nếu bạn đưa ra cho con thái độ cho thấy là chuyện của
bé không quan trọng, bé có thể cũng không còn thấy những trải nghiệm hàng ngày của mình là quan trọng
nữa đâu.

Các hoạt động khác gia tăng sự kết nối giữa cha mẹ và con cái
Cùng tham gia các hoạt động yêu thích
Chìa khóa là để bé biết rằng bạn thích chia sẻ thời gian bên con, chơi cùng con những trò con thích như thẻ
bài, nấu ăn, bóng rổ. Trong thời gian này bạn nên gác mọi chuyện lại, chỉ tập trung vào con và trò chơi mà bé
đang chơi cùng bạn.

Cho con biết con luôn có thể nói chuyện với bạn, và tin tưởng bạn
Không chỉ tập trung lắng nghe, hãy cho con thấy bạn rất hiểu con. Lợi ích lâu dài của việc này là khi lớn lên
con sẽ luôn nhìn bạn như một người ủng hộ đáng tin tưởng, đầy yêu thương, người con có thể chia sẻ mọi
vấn đề của tuổi teen rắc rối.
--------------------------------------------------------------------------------------

Ứng xử với trẻ bướng bỉnh tuổi dậy thì

"Tôi có con gái năm nay 13 tuổi. Tôi sai cháu làm gì nó cũng dùng dằng cãi lại bất kể đúng sai. Đi học về,
chưa kịp thay quần áo cháu đã chạy tót lên phòng, bật máy tính trước rồi mới lo đi tắm rửa, ăn cơm", chị
Hiền tâm sự.

Chia sẻ với VnExpress.net, chị Hiền (quận 3, TP HCM) nói: "Tôi thấy nuôi con giờ sao khổ quá. Con gái 13
tuổi của tôi hay cãi, sớm không học mà đêm nào cũng ngồi vào bàn ôn bài xong là gần nửa đêm".

Người mẹ cho biết cho biết chồng chị hay bực bội và la rầy con. Thay đổi được vài bữa rồi mọi thứ lại đâu
vào đấy. Chị ít khi lớn tiếng bắt con thế này thế nọ nhưng chỉ cần nói ra câu nào là con cãi lại ngay.

"Giờ cơm con gái hay mang bát vào phòng riêng để ăn. Tuổi này con đã bắt đầu có những mối giao tiếp khá
rộng bên ngoài, nhiều lúc tôi cảm thấy mình không thể quản lý nổi", chị Hiền băn khoăn.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Vũ Cẩm Vân cho rằng tâm trạng lo lắng của chị Hiền cũng là tâm sự
chung của rất nhiều bố mẹ đang có con bước vào tuổi dậy thì. Ở độ tuổi này, tâm sinh lý trẻ thay đổi rất
phức tạp, vui buồn thất thường, hay nóng nảy, cáu giận và cũng rất dễ tự ái, tổn thương. Cùng với sự phát
triển nhanh chóng của cơ thể, trẻ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chậm chạp và lười biếng hơn.

Đây cũng là thời gian mà trẻ thích khẳng định bản thân, muốn được bố mẹ tôn trọng và xem mình là người
lớn thực thụ. Vì thế nếu không hiểu hết được những khó khăn của lứa tuổi dậy thì thì giữa bố mẹ và trẻ dễ
xảy ra xung đột. Trẻ sẽ phản ứng bằng lời nói gay gắt, thái độ thách thức khi thường xuyên bị la mắng, chỉ
trích. Trẻ nghĩ rằng bố mẹ không hiểu và tôn trọng mình, vì thế cháu tự thiết lập cho mình không gian riêng,
tách rời bố mẹ và đồng thời tìm sự chia sẻ ở bạn bè.

Theo bà Vân, để tạo mối quan hệ gần gũi với con trong giai đoạn này, trước tiên cha mẹ cần có sự nhất quán
trong việc cư xử, trò chuyện với con. Bố mẹ hãy cùng thiết lập một kỷ luật chung về giờ giấc sinh hoạt cho
cả gia đình và là người đầu tiên tôn trọng, tuân thủ quy định đó. Kỷ luật này giúp rèn luyện để các con có
thói quen sinh hoạt, học tập đúng giờ.

"Hơn bao giờ hết đây là giai đoạn mà trẻ rất cần sự thấu hiểu và thông cảm của bố mẹ", chuyên gia Cẩm
Vân nói. Theo bà, người lớn hãy cố gắng kiềm chế nóng giận trong những lúc con tỏ ra ngang bướng hoặc
tỏ thái độ thù nghịch. Đợi đến khi không khí lắng dịu, bố mẹ sẽ bình tĩnh ngồi lại và nhẹ nhàng, ân cần
nói chuyện với con trên nguyên tắc tôn trọng, đồng cảm. Người lớn cần nói để trẻ biết rằng "bố mẹ rất
hiểu và thông cảm với những khó khăn mà con đang trải qua", gợi mở để cháu chia sẻ những bực bội, khó
chịu trong lòng.

Bà Vân nhấn mạnh: "Có được sự đồng cảm từ bố mẹ, trẻ sẽ tin tưởng và dễ dàng tâm sự chuyện bạn bè,
trường lớp, những băn khoăn, lo lắng… Nhờ đó, dù không quản lý chặt chẽ thì bố mẹ vẫn có thể nắm bắt và
kịp thời định hướng, uốn nắn cho con. Hãy khéo léo và kiên nhẫn, qua giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, tâm lý
lứa tuổi trở nên ổn định, trẻ lại sẽ vui vẻ, hoạt bát và gần gũi với bố mẹ hơn".

----------------------------------------------------------

Dạy con tuổi teen

Đọc thư của anh chị, tôi thông cảm với những lo lắng của anh chị khi con cái hay cãi lại lời cha mẹ. Ai cũng
biết rằng nhiệm vụ của cha mẹ là dạy dỗ con cái học hành siêng năng, có ý thức và tác phong tốt, có lối sống
lành mạnh, có hành xử phù hợp với chuẩn mực xã hội, làm lợi ích bản thân và gia đình. Để giúp con cái có
chung nhận thức với cha mẹ và làm theo những gì cha mẹ dạy, có tinh thần “tự lập, tự chủ có trách nhiệm
với cuộc sống tương lai của bản thân," các bậc cha mẹ nên lưu ý một số điều sau đây:

Không thể hiện sự tức giận

Trong tình huống con cái không vâng lời, không làm theo lời khuyên tốt, là cha mẹ, ta không nên thể hiện
sự thất vọng và giận dữ. Tuyệt đối không dùng các biện pháp đánh đòn, trừng phạt, quát mắng, hăm dọa,
buộc con cái phải nghe lời. Càng buộc con cái làm theo ý mình do giận tức, ta càng cảm thấy mệt mỏi hơn
khi con cái trở nên ương bướng và lì lợm. “Giận mất khôn" là điều cha mẹ không nên quên. Không kiểm
soát được cảm xúc sẽ làm cha mẹ mất bình tĩnh. Sử dụng phương pháp hòa bình, không nên gây căng thẳng
cho cả hai bên.

Tránh sử dụng những câu nói: “Sao con hư hỏng quá", “Cái đồ hư hỏng," “Tao thật xấu hổ có đứa con như
mày," “Mày tệ lậu quá”,... Cần tìm ngôn ngữ mô tả nhẹ nhàng, lịch sự, để con cái nhận ra vấn đề. Biết khen
tặng, khích lệ, cỗ vũ, động viên, để con cái tăng cường sự tự tin, lạc quan, năng động, yêu đời. Trong các
tình huống con không vâng lời, cha mẹ nên tập hít thở thiền, không giận tức, điềm tĩnh, nhẹ nhàng, nhờ đó,
dễ hiểu và cảm thông với con cái. Thay vì gắt gỏng, cha mẹ hãy khéo đưa ra lời cảnh báo, đồng thời chỉ dẫn
thực tế một cách nhẹ nhàng, nhằm thúc đẩy con cái làm điều gì đó thực sự mang lại kết quả tích cực. Luôn
thể hiện tinh thần vui vẻ, cảm thông vốn sẽ khiến trẻ lắng nghe cha mẹ.

Không biến con cái thành chiến tuyến đối lập

Khi nghĩ con mình “nổi loạn”, bất tuân thượng lệnh, cha mẹ có khuynh hướng muốn “dẹp loạn” và vô tình
đẩy con cái thành kẻ đối lập. Khi con cái không chịu vào khuôn khổ, cha mẹ nghĩ mình như kẻ bị bại trận,
cảm thấy khổ đau. Trong tình huống cha mẹ buộc con cái nghe theo, con cái nghĩ cha mẹ “độc tài” vô cớ,
bắt nạt chúng làm những điều không đâu. Trong cuộc đối đầu giữa cha mẹ và con cái, chỉ có sự thất bại,
không có ai chiến thắng. Bên nào cũng khổ đau vì bên còn lại không hiểu được mình.

Càng dùng vũ lực, buông lời trách cứ nhiều chừng nào thì cha mẹ chỉ tạo thêm hố sâu ngăn cách với con cái.
Do vậy, cha mẹ bằng mọi cách tạo bầu không khí hợp tác, để con cái hiểu được cha mẹ và nỗ lực thích ứng
với những ứng xử tốt đẹp và tích cực.

Đừng ép buộc con cái

Thay vì dùng quyền làm cha mẹ ép con cái làm theo ý muốn chủ quan của bản thân, các bậc cha mẹ nên
giúp các cháu hiểu và phân biệt được đâu là tốt - xấu, đúng - sai, tích cực - tiêu cực, khéo hướng dẫn như
“người chỉ đường" (Phật Thích Ca), chứ không đi thế con đường, hoặc ép người đi trên con đường, đang khi
người đi đường chưa hiểu được giá trị của sự đến đích. Khéo giải thích mọi thứ sẽ giúp cho con cái sẵn lòng
hợp tác. Cha mẹ càng hăm dọa chỉ làm cho con cái trở nên bướng bỉnh hơn thôi.

Thay vì ép uổng con cái làm những việc chúng không đam mê hay ưa thích, làm cha mẹ ta nên hướng dẫn
nhằm giúp đỡ con cái phát huy khả năng và trí sáng tạo về các lĩnh vực sở trường và yêu thích. Không biết
được tiềm năng và khả năng của con cái, càng ép uổng càng làm cho con cái khổ đau. Tham khảo ý kiến của
con cái khi cần thiết. Thậm chí có trường hợp nên khéo thương lượng với con cái để con cái ủng hộ và làm
theo lời khuyên đúng của cha mẹ.

Không quản lý con như tù nhân

Nếu việc trao cho con cái quá nhiều tự do theo kiểu “buông lỏng” con cái, không có thời gian quan tâm đến
con cái là một thiếu sót của cha mẹ, dẫn đến các thói hư tật xấu và lối sống tiêu cực ở con cái, thì quản lý
con cái quá chặt sẽ làm con cái nghĩ rằng chúng đang bị cha mẹ “cầm tù”. Từ đó, dẫn đến thái độ kháng cự
cha mẹ. Tuổi trẻ ngày nay thích tự do, thoải mái, tự chủ hơn. Môi trường sống, đối tượng giao lưu, sách báo
cần đọc, chương trình TV cần xem là những điều mà các bậc cha mẹ cần quan tâm, định hướng cho con cái
chọn lựa, để con cái “miễn nhiễm” với những cái xấu, cái bất toàn, cái tiêu cực trong cuộc sống.

Xóa khoảng cách giữa hai thế hệ

Con cái thời @ tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nhiều, hiểu biết và đa cảm hơn. Do đó, cần giúp
con cái tin tưởng và khai thác các tiềm năng, làm chủ cuộc sống bằng các sáng tạo và khám phá. Cha mẹ nên
dành nhiều thời gian hiểu con cái mình như thử nghe nhạc chúng thích, xem chương trình TV chúng đam
mê, đọc sách báo tuổi mới lớn, xem các blog tuổi trẻ,... cha mẹ dần dần hiểu được sự khác biệt giữa chúng
và ta.

Nhờ đó, những cái “chẳng thể hiểu nổi” và “phức tạp” của tổi teen sẽ được cha mẹ hiểu và thông cảm. Do
đó, dành quỹ thời gian cần thiết mỗi ngày để nô đùa và trò chuyện với con cái, rút ngắn khoảng cách tâm lý
giữa hai thế hệ. Bằng cách này, cha mẹ có thể tăng cường sự cảm thông thế hệ, không còn chênh lệch trong
ứng xử với con cái.

Ngoài ra, thể hiện sự thương yêu với con cái là điều không thể thiếu. Cách đơn giản nhất thể hiện sự thương
yêu con cái là nói lời thương yêu và sự chăm sóc. Bằng cách nói khéo, cha mẹ khẳng định với con cái rằng
thông điệp “Ba, mẹ rất thương con” hay “con đáng yêu của bố, mẹ” chính là tình thương đích thực của cha
mẹ dành cho chúng. Nhờ tắm mình trong những lời nói thể hiện sự quan tâm của cha mẹ, con cái sẽ vững
mạnh trong các nghịch cảnh và nhận ra rằng cha mẹ là điểm tựa tinh thần của chúng. Nhờ đó, chúng vâng
lời cha mẹ dạy hơn.

You might also like