You are on page 1of 3

Đề 4: Phân tích khổ 1 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Bài làm
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
(“Tràng giang”- Huy Cận)
Vâng! Đó là những câu thơ đắm chìm trong bao nỗi sầu thảm thiết chống chất, trùng điệp
của chàng trai Huy Cận. Huy cận sinh năm 1919 mất năm 2005, tên khai sinh là Cù Huy
Cận, quê ở Hà Tĩnh. Thơ ông trước Cách mạng có giọng buồn não, vì vậy ông thường tìm
đến thiên nhiên để “vui chung vũ trụ nguôi sầu trần gian”. Xuất hiện lần đầu tiên trong thi
đàn văn chương, ta bắt gặp một giọng thơ mang nỗi sầu nhân thế của : “Một chiếc linh
hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu” (Lửa thiêng). Cách mạng tháng Tám thành công,
dường như đã đem tới một luồng gió mới cho hồn thơ Huy Cận. Những trang viết của
ông được tưới tẳm những hơi thở mới, những khát vọng mới, sự hòa hợp giữa con người
và thiên nhiên để tạo nên vẻ đẹp văn chương. Một trong những minh chứng tiêu biểu đó
chính là thi phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” được viết vào năm 1958. Đoạn thơ đầu trong
bài thơ ấy đã thể hiện rõ nét cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa.


Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi".

Bài thơ mở ra, cảnh vũ trụ dần đi vào giấc ngủ. Và giữa không gian huy hoàng,
tráng lệ ấy, đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, đem theo tất cả sự hăng hái và tưng bừng của
một đêm lao động:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa.


Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Mặt trời, rực rỡ như một quả cầu khổng lồ thả những tia nắng đỏ rực dệt lên mặt biển
xanh thẫm, nung cả đất, cả trời, cả đại dương mênh mông trong cái gam màu đỏ mạnh mẽ
và ấn tượng ấy. Thật nhanh! Hoàng hôn ùa xuống, lan rộng, xâm chiếm cả mặt biển bao
la, cẩn thận cài lại những then cửa sóng dập dềnh của căn nhà đại dương vĩ đại. Và trong
một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhỏ nhoi, màn đen sập mạnh, nhanh đến nỗi ta còn ngẩn ngơ
tự hỏi: vào lúc nào thế nhỉ? Chiều tà mới đây thôi mà bóng đem đã bao trùm vạn vật rồi.
Màn đêm lanh lẹ nhanh kéo theo cả những sợi nắng loang lổ nuối tiếc nằm vắt mình trên
bãi biển, thu lại, cuốn đi cả lớp lụa mỏng manh màu đỏ rực, chỉ trong giây lát, cả vũ trụ
dần im ắng chìm vào giấc ngủ sâu. Với các âm “cửa”, “lửa”, rồi lại “sập”, cảnh hoàng
hôn trên biển diễn ra thật nhanh, thật mạnh, đầy sự dứt khoát và đột ngột, bất ngờ. Và
trong trí tưởng tượng phong phú của Huy Cận, cảnh biển được phác họa ra, sao mà hoành
tráng đến thế, rạo rực khúc ca mặt trời đến thế, trong như một bức tranh lung linh sắc
màu và đầy ấn tượng. Hồn thơ ấy cũng rất khác cái hoàng hôn nhuộm đầy, ướt đẫm giọt
nước mắt đau thương, ai oán của kẻ xa quê:
“Buồn trong cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”.
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Tác giả đã miêu tả thiên nhiên một cách kì vĩ và tráng lệ, thể hiện bút pháp khoa trương
thật tài tình. Cùng với thủ pháp so sánh độc đáo, khiến người đọc bất ngờ, thú vị. Những
con sóng lăn tăn trên mặt biển như khép lại cánh cửa của ngày. Màn đêm biển cả mở ra,
sâu thẳm và huyền bí.
Trong không gian ấy, con người lại hiện lên với vẻ đẹp yêu đời, khỏe khoắn, hăng
say lao động:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.
Từ "lại" ở đây không phải là lần đầu tiên đoàn thuyền ra khơi mà đã rất nhiều lần và trở
nên quen thuộc. Một tư thế chủ động mạnh mẽ, đầy tin tưởng trong bài ca lao động tươi
vui. Nếu như nhịp thở ở hai câu đầu nhanh, mạnh và gấp, dồn dập thì nhịp thơ hai câu sau
được kéo giãn ra dần, nghe sao nhẹ nhàng và êm ái đến thế. Tiếng hát vút cao, cùng gió
khơi căng chiếc buồm lên. Tiếng hát say mê, yêu đời, tiếng hát hăng hái. Những người
lao động chân đất, hiền lành đã biến tiếng hát thành một sức mạnh diệu kì đưa đoàn
thuyền vượt lên muôn ngàn ngọn sóng, nâng bổng họ qua bao nổi khó khăn, vất vả, gian
truân. Cái khí thế lao động tưng bừng, nhộn nhịp, hòa chung với câu hát dân dã như tan
ra, theo dòng huyết quản đỏ tươi tuôn trào trong cơ thể, phơi phới, sung sướng trong khí
thế lao động sôi sục, ôm ấp một niềm hi vọng cháy bỏng, một niềm tin vững chắc. Đó
chính là khí thế của những con người mới đứng lên xây dựng đất nước.”. Chi tiết “câu hát
căng buồm cùng gió khơi” đầy lãng mạn, được gợi lên bằng sự liên tưởng độc đáo như
tiếng hát vang cao, vút xa cùng với gió căng cánh buồm đẩy những “con thuyền rẽ sóng
chạy ra khơi. Cả bài thơ tác giả đã sử dụng bốn từ “hát”, cho thấy bài ca lao động với
niềm tin yêu lạc quan.
Khép lại đoạn thơ, Huy Cận đã dựng lên hình tượng người lao động mới với
những vẻ đẹp đáng trân quý, với tầm vóc lớn lao trên cái nền thiên nhiên bao la, rộng lớn.
Đó là những con người với tâm hồn phóng khoáng, yêu lao động và ước mong có một
ngày đánh cá bội thu. Tinh thần hăng hái, niềm vui phơi phới trong lao động của đoàn
thuyền đánh cá cùng tâm thế thiên nhiêm, đất nước. Cùng với nghệ thuật so sánh, nhân
hóa, liên tưởng, tưởng tượng, độc đáo mới lạ, bút pháp khoa tương nhà thơ đã miêu tả
cảnh đẹp lộng lẫy, tráng lệ làm đoạn thơ mang ý nghĩa sâu sắc, đầy tính nghệ thuật. Qua
đó ta thấy đoạn thơ ấy chính là khúc tráng ca nhằm ngợi ca cuộc sống lao động tập thể
của người dân chài trong công cuộc xây dựng với tái thiết đất nước, đồng thời bộc lộ
niềm vui, niềm tự hào, lòng yêu nước của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên đất nước
giàu đẹp.
Có thể nói rằng, qua đoạn thơ bằng âm hưởng vừa khỏe khoắn sôi nổi vừa
phơi phới, bay bổng; cách gieo vần biến hóa linh hoạt (có sức mạnh của vần trắc, có sự
vang xa bay bổng của vần bằng) và bút pháp lãng mạn, Huy Cận đã khắc họa thành công
nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động
trong công cuộc chinh phục biển cả. Qua đó, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của tác giả
trước đất nước và cuộc sống.

You might also like