You are on page 1of 10

Trong văn chương, tình bạn được xem là chủ đề gợi nhiều cảm hứng đối

với các thi nhân. Ta hơn một lần xúc động trước tình bạn tri kỉ giữa Bá
Nha, Tử Kì cùng nhau hòa hợp trong tiếng nhạc, tình cảm gắn bó thủy
chung giữa Lí Bạch và Mạnh Hạo Nhiên trong cảnh đưa tiễn đầy nước
mắt ở lầu Hoàng Hạc.
Văn học trung đại Việt Nam cũng có những mối tình tri âm như thế,
trong đó phải kể đến tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê.
“Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến là bài thơ đặc sắc đầy hóm
hỉnh nhưng chứa đựng tình bạn đậm đà, thắm thiết.
Nguyễn Khuyến quê ở Hà Nam, được mệnh danh “Tam nguyên yên đổ”
và là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Bài thơ “bạn đến chơi nhà”
được sáng tác sau khi Nguyễn Khuyến về quê ở ẩn ca ngợi tình bạn đậm
đà, trong sáng, chân thành vượt lên trên mọi thứ vật chất tầm thường của
thi nhân với người bạn của mình. Mở đầu bài thơ là lời reo vui chào mời
đầy phấn khởi, hồ hởi của tác giả khi bạn đến thăm nhà: “Đã bấy lâu
nay, bác tới nhà”
Trạng ngữ chỉ thời gian “đã bấy lâu nay” để nói về khoảng thời gian dài
nhà thơ không được gặp lại bạn, nó như một tiếng reo vui để khỏa lấp
nỗi nhớ nhung sau bao lâu xa cách. Đại từ xưng hô “bác” giản dị tự
nhiên thể hiện thái độ thân mật, gần gũi, niềm nở của nhà thơ đối với
bạn của mình. Người tri kỉ được gặp lại có ai không vui mừng khôn xiết,
chỉ một câu chào tự nhiên thôi cũng đủ cho thấy niềm sung sướng , hạnh
phúc vô hạn của Nguyễn Khuyến khi được bạn đến thăm.
Sau lời chào mời thân thiết ấy, ngỡ rằng sẽ là mâm cao cỗ đầy, không ít
nhất cũng sẽ là vài ba món thịnh soạn để đón khách quý nhưng thực tế
lại không có gì. Chủ nhà bỗng chuyển sang giọng lúng túng khi nói về
gia cảnh mình:
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta!”
Với cách nói đầy hóm hỉnh, Nguyễn Khuyến đã cường điệu hóa những
cái không có: Ông cũng muốn có một mâm cơm thịnh soạn để tiếp đón
bạn nhưng chẳng may trẻ không có nhà, không có ai để sai bảo mà chợ
thì ở xa ông không thể tự đến đó. Lúc này, nhà chủ lại bắt đầu nghĩ đến
những món ăn cây nhà lá vườn sẵn có để thiết đãi bạn, nhưng trớ trêu
thay nhà có cá nhưng ao sâu nước lớn không thể câu được, nhà có gà
nhưng vườn rộng rào thưa không thể đuổi bắt, có cải, có cà, có bầu, có
mướp nhưng tất cả đều còn mới mọc.
Nhà thơ rất quý mến bạn, muốn tiếp đón bạn chu đáo, thịnh soạn nhưng
hoàn cảnh éo le của thực tại không cho phép ông làm điều đó. Đến cả
miếng trầu, nét đẹp văn hóa của người Việt để khởi đầu cho mọi câu
chuyện mà nhà chủ cũng không có nốt, ý thơ mở rộng như khẳng định
sự tuyệt đối cái không có.
Qua cách nói dí dỏm của nhà thơ, có vẻ như gia đình ông có rất nhiều
thứ nhưng thực chất lại chẳng có gì. Cách nói ấy vừa khéo léo trình bày
hoàn cảnh của mình để bạn có thể hiểu và cảm thông, cũng vừa là cách
để nhà thơ thi vị hóa cái nghèo, cái khó của mình, ông bằng lòng với
cuộc sống ấy, tuy khổ cực nhưng thanh thản, an nhiên.
Ông luôn yêu đời và trân trọng cuộc sống ấy. Với nhịp thơ 4/3 tạo âm
hưởng nhịp nhàng, khoan thai cùng phép liệt kê, đối lập, các tính từ, từ
phủ định đoạn thơ đã cho thấy cuộc sống nghèo mà sang của một bậc ẩn
sĩ, đồng thời cho thấy sự vui tươi, hóm hỉnh của một cuộc thiết đãi bạn
hiền thiếu thốn vật chất nhưng chan chứa tình cảm chân thành, thắm
thiết. Qua đoạn thơ, bức tranh làng quê Việt Nam hiện lên thật đẹp, thật
thanh bình, giản dị, gần gũi.
Đến câu thơ cuối, cảm xúc như lắng lại, mọi thứ vật chất lùi về chỉ còn
tình bạn tri kỉ chân thành sâu sắc lên ngôi: “Bác đến chơi đây ta với ta”.
Một lần nữa từ “bác” lại xuất hiện thể hiện niềm trân trọng, quý mến của
tác giả đối với vị khách đặc biệt của mình.
Bác từ phương xa tới đây, còn gì quý hơn, bác đến với tôi bằng tấm chân
tình, bằng lòng tri âm chứ đâu phải vì vật chất. Chính vì thế tình bạn
giữa nhà thơ và bạn hiền càng trở nên cao đẹp và thiêng liêng, tình bạn
vượt lên trên mọi thứ vật chất tầm thường. Chữ “ta” được nhắc lại hai
lần để nói về tôi, về bác, về hai chúng ta. Hai người khác nhau nhưng có
trái tim và tâm hồn cùng đồng điệu, hòa hợp như không còn khoảng
cách, hai ta mà là một. Câu thơ như một tiếng cười xòa hồn hậu để
khẳng định tình bạn trong sáng, đậm đà của hai người tri kỉ.
Trong bài thơ “bạn đến chơi nhà” bằng việc sáng tạo tình huống bất ngờ,
ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, giọng thơ hóm hỉnh nhà thơ đã cho người
đọc cảm nhận được về một tình bạn đẹp đáng quý, đáng trọng trong thi
ca Việt Nam. Tình bạn như thế cho đến thời đại ngày nay vẫn là một tấm
gương sáng, một bài học quý để cho chúng ta noi theo.

Cảnh khuya được biết đến là một bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn tứ
tuyệt Đường luật. Bài thơ được viết vào năm 1947, đây là thời kì đầu
của kháng chiến chống thực dân Pháp. Giữa hoàn cảnh thiếu thốn nơi
núi rừng Việt Bắc và những thứ thách ác liệt mà thực dân gây ra nhưng
Bác vẫn luôn lạc quan với phong thái ung dung. Bác vẫn dành cho mình
những phút giây thảnh thơi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên nơi
chiên khu. Bài thơ viết về đề tài thiên nhiên với chủ đề chính được làm
nổi bật chính là tình yêu thiên nhiên cùng nỗi lòng cao đẹp lo cho nước,
cho dân của vị lãnh tụ vĩ đại và đáng kính - Hồ Chí Minh.
Bác đã dùng tâm hồn của một thi sĩ để vẽ nên cảnh thiên nhiên núi rừng
trong đêm trăng. Người đọc như cũng lặng mình ngắm nhìn cảnh đẹp
đêm trăng Việt Bắc được gợi mở trong hai câu thơ đầu:
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa"
Âm thanh tiếng suối trong bài thơ được gợi ra thật mới mẻ bằng nghệ
thuật so sánh độc đáo. “Tiếng suối” được so sánh với “tiếng hát xa” gợi
cho ta một cảm giác thanh bình. Có lẽ nơi đây phải yên ắng lắm, mọi vật
chìm vào trong giấc ngủ rồi thì Bác mới có thể nghe được tiếng suối nơi
xa vọng về. Dưới tài năng và tâm hồn lãng mạn của Bác thì tiếng suối
nghe như tiếng hát ngọt ngào mà mẹ thiên nhiên đang dỗ dành những
đứa con của mình ngủ yên. Cảm nhận của người thi sĩ hết sức tinh tế,
trong trẻo thể hiện một tâm hồn thanh bạch, không vướng bụi. Tiếng
suối đêm khuya đã phá tan đi bầu không khí yên tĩnh. Đây chính là nghệ
thuật lấy động tả tĩnh, chỉ có âm thanh tiếng suối trong đêm khuya và
mọi vật đang chìm vào trong giấc ngủ, nơi chiến trường đầy bom đạn mà
vẫn có tiếng suối chảy du dương như vậy thật tuyệt vời biết bao. Nguyễn
Trãi- vị anh hùng dân tộc cũng đã có những vần thơ cảm nhận về tiếng
suối:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Cả Bác Hồ và Nguyễn Trãi tuy sống vào hai thời điểm khác nhau nhưng
cả hai lại có những cảm nhận rất tinh tế về âm thanh của tiếng suối vào
lúc đêm khuya. Sau âm thanh của tiếng suối ta thấy xuất hiện hình ảnh
của ánh trăng nơi chiến khu. Ta ấn tượng với cách sử dụng điệp từ
“lồng” của Bác khi được nhắc lại hai lần. Hình ảnh trăng, hoa, cây cổ
thụ quấn quýt, sinh động, tươi tắn gần gũi, hoà quyện như đưa người đọc
vào thế giới lung linh huyền ảo. Cảnh vật thật yên tinh, thơ mộng, sông
động, ấm áp gợi cảm giác gần gũi, thanh thản. Đối với Bác trăng là
người bạn tri âm, tri kỉ nên trước cảnh đẹp ấy Bác có biết bao nỗi xúc
động. Khi bị giam trong ngục tối, trước ánh trăng sáng tuyệt đẹp ngoài
cửa sổ Bác cũng viết nên những vần thơ rất hay:
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Với người có tâm hồn thanh cao đang tận hưởng những giây phút tuyệt
vời nơi núi rừng Việt Bắc, giữa bức tranh thiên nhiên chứa chan cảm xúc
như vậy, tâm trạng nhà thơ bỗng thả hồn theo trăng vì đêm nay Bác
không ngủ. Bác Hồ kính yêu không chỉ xúc động trước cảnh đẹp thiên
nhiên mà hai câu thơ cuối còn
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
Đất nước đang bị giặc xâm lăng, biết bao người dân phải sống trong
cảnh lầm than nên Bác chưa thể ngủ được. Điệp ngữ “chưa ngủ” gợi lên
những ý tứ thật bất ngờ và sâu sắc, vừa khẳng định lại vẻ đẹp của đêm
trăng vừa nói được nỗi lo lắng cho vận mệnh dân tộc của Bác. Hai câu
thơ này đã cho ta thấy rõ hơn con người của Bác. Một con người tha
thiết yêu thiên nhiên nhưng đan cài trong đó là nỗi lo cho đất nước, cho
nhân dân. Đây chính là tấm lòng của vị lãnh tụ kính yêu. Bác dẫu có bận
bao nhiêu việc nhưng vẫn luôn dành thời gian quý báu của mình ra để
thưởng thức cảnh đẹp của thiên nhiên, có lẽ chính thiên nhiên là người
bạn tâm giao để Bác cảm thấy khuây khoả. Chính vì vậy, ta cảm thấy
rằng Bác là một người luôn biết hài hoà giữa công việc với thiên nhiên
và càng yêu thiên nhiên bao nhiêu thì trách nhiệm với công việc cũng
lớn hơn gấp bội. Đằng sau chân dung của Người khi ung dung tự tại
ngồi ngắm trăng là cả một nỗi khát khao về đất nước hoà bình, nhân dân
được hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc. Dường như trong tâm trí Bác
một câu hỏi vẫn luôn đau đáu: Bao giờ đất nước của mình mới bình yên
để con dân thoả sức ngắm trăng. Bác luôn dành tất cả sự yêu thương của
mình cho dân tộc ta, vì đất nước Bác có thể hi sinh tất cả. Tiếng gọi của
“nỗi nước nhà” luôn thao thức ở lòng Người đã bắt gặp tiếng suối trong
như tiếng hát của rừng núi thiên nhiên và hai âm thanh đó hòa hợp, ngân
dài, vang sâu suốt cả bài thơ.Rõ ràng là nhân sinh quan cách mạng đã
làm đẹp tình yêu của người chiến sĩ.
Có thể nói, trong bài thơ, cảnh và tình có mối tương quan mật thiết, đan
hòa. Cảm xúc về thiên nhiên đã chắp cánh cho tình yêu Tổ quốc được
bộc lộ, đó là sự đan xen của hai tâm hồn chiến sĩ – thi sĩ trong thơ Bác.
Qua đó, ta cũng hiểu Bác thật đúng là người có tâm hồn nhạy cảm,
phong thái ung dung và lac quan để từ đó càng thêm khâm phục, yêu
mến, biết ơn và tự hào về vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam.
Như vậy, chỉ qua 4 câu thơ ngắn gọn được viết theo thể thể thơ thất ngôn
tứ tuyệt đã dựng xây nên hình tượng Bác giao hoà giữa vẻ đẹp của người
chiến sĩ với thi sĩ. Với bút pháp miêu tả nhưng thiên về gợi sự hài hoà
của cảnh vật trong cảnh đã tạo nên vức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời.
Cách sử dụng từ ngữ giản dị mà giàu sức gợi kết hợp với biện pháp tu từ
so sánh, điệp ngữ đã giúp Cảnh khuya mãi vấn vương trong lòng độc giả
với tình yêu cao cả mà Bác dành cho đất nước, cho nhân dân.
Cảnh khuya là bài thơ tuyệt hay, là một trong những bài thơ trăng đẹp và
ấn tượng nhất của Bác. Giữa không gian núi rừng tràn ngập trong ánh
trăng nhưng Bác luôn lo nghĩ cho dân tộc ta. Đó chính là vẻ đẹp riêng
của bài thơ, là cảm hứng thiên nhiên đan cài với tình yêu nước sâu sắc.
Thương cho con dân, lo cho nước, yêu thiên nhiên là tất cả những gì ta
đáng ngưỡng mộ nhất ở vị lãng tụ vĩ đại của dân tộc. Đọc thơ Bác khiến
ta càng thêm yêu và biết ơn Người hơn bao giờ hết.

Cảnh khuya đã cho ta thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, sâu
nặng. Cùng với đó là tấm lòng luôn lo nghĩ cho vận mệnh đất nước, dân
tộc. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và yếu tố hiện đại,
tạo nên nét đặc sắc cho tác phẩm
.

Thiên trường vãn vọng


Tình yêu quê hương đất nước là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong nền văn
học trung đại nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung. Tình yêu ấy
không chỉ thể hiện ở việc khẳng định chủ quyền dân tộc, niềm tự hào về
những chiến công và niềm hy vọng khát khao về một nền thái bình thịnh
trị vĩnh hằng. Mà tình yêu quê hương đất nước còn thể hiện thông qua
tình yêu của con người với vẻ đẹp của quê hương, gắn bó với quê
hương. Điều ấy đã nhiều lần được bộc lộ trong các tác phẩm thơ ca của
các tác giả nổi tiếng trong đó bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên
Trường trông ra của vua Trần Nhân Tông là một ví dụ điển hình.

Trần Nhân Tông (1258-1308), tên thật là Trần Khâm, là con trưởng của
vua Trần Thánh Tông. Ông là một vị vua yêu nước, anh hùng, khoan
hòa, nhân ái, đã cùng với vua cha tham gia chống lại hai cuộc xâm lược
của giặc Mông - Nguyên. Ngoài ra ông còn là một nhà văn hóa lớn, nhà
thơ tiêu biểu của thời Trần, năm 1299, Trần Nhân Tông về thiền tu ở
chùa Yên Tử, và trở thành vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên
Tử.

Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra được sáng tác vào dịp
Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở Thiên Trường (Nam Định ngày nay).
Bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Nhan đề "Thiên
Trường vãn vọng" cho chúng ta thấy được không gian, thời gian và vị trí
quan sát để tác giả thả hồn mình bộc lộ những cảm xúc sâu kín từ trong
tâm hồn tác giả. Không chỉ vậy nó còn thể hiện sự gắn bó, thân thuộc,
cảm giác yên bình thư thái, và vẻ đẹp bao quát của quê hương tác giả,
cho ta thấy một phần nội dung của tác phẩm chính là sự gắn bó tha thiết
với quê hương đất nước, niềm vui niềm sung sướng khi nhìn cảnh thanh
bình của đất nước.

"Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên


Bán vô bán hữu tịch dương biên"

Hai câu câu thơ đầu tiên đã dựng lên một bối cảnh không gian làng quê
được bao phủ bởi khói chiều, với mốc thời gian là buổi chiều buông.
Trong đó khoảng thời gian buổi chiều là một khoảng thời gian rất đắt giá
trong văn học trung đại, cũng như văn học nói chung. Nguyên do bởi nó
thường đem đến cho con người những cảm xúc đặc sắc, khơi gợi trong
tâm hồn những nỗi xúc động sâu sắc, đặc biệt là với những con người xa
quê cha đất tổ lâu ngày. Thường bóng chiều, hay hoàng hôn lịm tắt, mây
tím ráng chiều thường đem đến những nỗi buồn man mác trong lòng
người, thế nhưng khác với lẽ thường trong bài thơ Thiên trường vãn
vọng, buổi chiều tàn lại đem đến cho người đọc những xúc cảm mới lạ,
là sự an yên, bình lặng của cuộc sống nơi làng quê. Kết hợp với bóng
chiều chính là làn khói tỏa mờ, bao phủ trước xóm sau thôn, đó có thể là
sương khói do thời tiết, nhưng có lẽ trong tác phẩm này khói mà tác giả
muốn nhắc đến chính là thứ khói bếp màu xanh bốc lên từ bếp lửa của
những ngôi nhà trong thôn xóm. Ấy là ánh lửa nổi lên nấu bữa cơm
chiều của mỗi gia đình, đơn sơ giản dị nhưng lại mang lại cảm giác ấm
áp, thanh bình, thể hiện đời sống an cư lạc nghiệp của nhân dân, sau một
ngày lao động vất vả ta lại về quây quần bên bếp lửa nấu bữa cơm rau.
Như vậy có thể thấy rằng cảnh vật trong hai câu thơ đầu hiện lên là một
cảnh tĩnh, được bao phủ bởi bóng chiều và khói bếp, đem đến vẻ hư ảo,
nửa thực nửa hư, tạo nên cho con người cảm xúc lâng lâng, say đắm
lòng người. Từ đó có thể thấy thái độ của tác giả trước dáng vẻ của quê
hương chính là sự gắn bó, cảm nhận tinh tế, sâu sắc cùng với dáng vẻ
thư thái, tự tại trước không gian rộng lớn, giản dị của quê hương.

"Mục đồng địch lý ngưu quy tận


Bạch lộ song song phi hạ điền"

Nếu như hai câu thơ đầu cảnh vật hiện lên là cảnh tĩnh, bóng chiều hòa
quyện cùng với làn khói hư ảo, thì đến hai câu thơ sau ta thấy tác giả đã
chuyển sang miêu tả cảnh vật và con người ở trạng thái động. Với sự
xuất hiện của hình ảnh mục đồng dắt trâu về và hình ảnh những con cò
trắng từng đôi từng một hạ cánh xuống cánh đồng. Bên cạnh đó còn có
âm thanh của tiếng sáo bảy lỗ, kết hợp với gam màu trắng muốt của
cánh cò. Từng hình ảnh, âm thanh, màu sắc kể trên đều là những thứ rất
đỗi thân thuộc với làng quê, đặc biệt hình ảnh con trâu lại là bằng chứng
sống cho sự thanh bình của đất nước, bởi con trâu là đầu cơ nghiệp, mà
trong bài thơ người ta có thể tưởng tượng ra dáng vẻ đủng đỉnh của
những chú trâu đang thủng thẳng chậm rãi bước về nhà cùng với lũ trẻ
mục đồng. Thể hiện vẻ yên bình, đất nước đã sạch bóng quân thù trở về
với dáng vẻ an yên, giản dị, đơn sơ và ấm áp. Bên cạnh đó hình ảnh từng
đôi cò trắng hạ xuống đồng chính là biểu trưng cho tình yêu đôi lứa, sự
sinh sôi nảy nở dòng giống của dân tộc, cũng như cuộc sống gia đình
hạnh phúc, vợ chồng sóng đôi cùng gây dựng tương lai cho quê hương
cho đất nước. Điều đó thể hiện sự phát triển vững bền của dân tộc xuất
phát từ chính những làng quê nhỏ bé, chân chất, bởi gia đình chính là tế
bào của xã hội. Tương tự bài thơ “Thiên Trường đãn vọng” của Trần
Nhân Tông, Bà Huyện Thanh Quan cũng đặt vị trí trung tâm trong bài
thơ “Chiều hôm nhớ nhà” là hình ảnh của những người lữ khách, những
ông chài, những mục tử:

“Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn

Ta có thể thấy , bà huyện Thanh Quan cũng miêu tả cảnh vật về chiều
nhưng lại mang nét buồn ,hiu quạnh khác với sự an nhiên trong bức
tranh chiều tà của phủ thiên trường. Hình ảnh người lữ khách bơ vơ ,
nhớ quê nhà được thể hiện rõ nét khi trông thấy mọi người tất bật trở về
nhà . Cùng một khung cảnh mà Bà Huyện Thanh quan và vua Trần Nhân
Tông lại đưa vào yếu tố biểu cảm khác nhau nhưng ta thấy họ đều có
điểm chung là tái hiện khung cảnh sinh hoạt thường ngày của làng quê
Việt Nam khi về chiều

Như vậy bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông dẫu chỉ
được xây dựng bằng những hình ảnh và từ ngữ dung dị, bình thường của
làng quê Việt Nam lúc bấy giờ. Thế nhưng sâu trong đó nó lại thể hiện
sâu sắc tình cảm gắn bó, thân thuộc, tấm lòng yêu quê hương đất nước,
khát khao cuộc sống hòa bình an yên cho nhân dân và nỗi lòng vui
sướng trước viễn cảnh thanh bình, trầm lắng của quê hương với khói
bếp, với đàn trâu, cánh cò của tác giả.
Bài tứ tuyệt "Thiên Trường vãn vọng" là một bức tranh quê đậm nhạt,
mờ sáng, rất đẹp và tràn đầy sức sống. Một bút pháp nghệ thuật cổ điển
tài hoa. Một tâm hồn thanh cao, yêu đời. Tình yêu thiên nhiên, yêu đồng
quê xứ sở đã được thể hiện bằng một số hình tượng đậm đà, ấm áp qua
những nét vẽ tinh tế, gợi hình, gợi cảm, giàu liên tưởng. Sử dụng lớp
ngôn ngữ giàu chất biểu cảm và hội họa tác giả đã vẻ lên bức tranh làng
quê trầm lặng mà không quạnh vắng. Bức tranh thiên nhiên, cuộc sống
thật đẹp đẽ, hài hòa, nên thơ. Qua bài thơ còn cho thấy tình yêu quê
hương sâu nặng của tác giả.

You might also like