You are on page 1of 4

Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Chuyển đổi nông thôn Bài giảng 9

Niên khóa 2008-2009

Bài giảng 9
Nông nghiệp và phát triển bền vững

Dân số thế giới tiếp tục tăng trưởng và mức sống đang gia tăng đặc biệt ở châu Á. Cả
tăng trưởng dân số và thu nhập gia tăng đều làm tăng áp lực lên tài nguyên nông nghiệp.
Tổng diện tích đất canh tác và lượng nước cần cho sản xuất nông nghiệp vẫn đang tăng
nhưng với tốc độ chậm dần. Quan trọng hơn, khi các thành phố phát triển, đặc biệt ở
châu Á, vùng đất thủy lợi hàng đầu lại đang mất dần cho mục tiêu sử dụng công nghiệp
và nhà ở. Diện tích mới bổ sung cho trồng trọt thường không chất lượng bằng diện tích
đất cũ mất đi. Sự nóng ấm của trái đất có thể làm giảm diện tích đất hiện hữu cho nông
nghiệp và các mục tiêu khác, do đó tạo nhiều áp lực hơn lên các hệ thống sản xuất. Thay
đổi khí hậu cũng thường đưa đến những thay đổi không lường trước về lượng mưa và
những thay đổi khác, làm gián đoạn hệ sinh thái nông nghiệp, đặt biệt ở vùng nhiệt đới.
Chí phí năng lượng đang tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sử
dụng tài nguyên đất và nước khi nông dân phản ứng theo tín hiệu giá, họ sản xuất cây
trồng để làm nhiên liệu sinh học thay vì lương thực và thức ăn chăn nuôi.

Việc phân tích những vấn đề này càng khó khăn hơn trước sự khan hiếm số liệu về mô
thức sử dụng đất và nước hiện nay, và do thiếu sự thống nhất giữa các nhà khoa học về
tác động khả dĩ của sự thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách phải
nhận biết những vấn đề này để thúc đẩy an ninh lương thực và các hệ thống sản xuất bền
vững, đồng thời giảm rủi ro cho nông dân và người tiêu dùng.

Đất

David Ricardo giới thiệu ý tưởng suất sinh lợi biên giảm dần vào đầu thế kỷ 19. Trước
tiên nông dân sẽ canh tác trên vùng đất tốt nhất, vì suất sinh lợi cao nhất có sẵn trên vùng
đất màu mỡ nhất. Khi nhu cầu tăng lên, nông dân lại khai thác tiếp vùng đất kém màu
mỡ. Do đó chi phí sản xuất tấn lương thực cuối cùng sẽ cao hơn nhiều chi phí sản xuất
tấn đầu tiên.
Thế giới có khoảng 12,5 tỉ hectare đất, trong đó 10 tỉ không phù hợp cho sản xuất hoa
màu. Diện tích canh tác là khoảng 1,5 tỉ hectare, trong đó chỉ có 400 triệu hectare là có
thủy lợi hoặc phù hợp để làm thủy lợi. Phần diện tích trồng trọt còn lại được tưới nhờ
mưa. Diện tích đất sẵn sàng cho sản xuất là chưa tới một tỉ hectare. Phần lớn là đất rừng
và đồng cỏ, có chức năng sinh thái thiết yếu theo đúng hiện trạng của chúng. Phần diện
tích đất bổ sung này có rất ít ở châu Á, phần lớn thuộc về châu Phi và Mỹ Latin.

Sự mở rộng diện tích thu hoạch là kết quả của việc tăng mạnh mặt bằng trồng trọt, hay
đất nông nghiệp. Diện tích thu hoạch tăng khi vùng đất mới được đưa vào trồng trọt hay
khi một hoặc hai hoặc ba vụ thu hoạch đạt được trên vùng đất trước đây chỉ trồng một vụ.
Diện tích đất nông nghiệp vẫn đang tăng (sau thời kỳ suy giảm giữa thập niên 1990 do
cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á gây ra). Hơn nữa, diện tích đất có thủy lợi cũng
đang tăng. Điều thú vị trong bối cảnh này là châu Á chiếm phần lớn diện tích đất có thủy
lợi trên thế giới. Đây là một vấn đề vì sự tăng trưởng của các thành phố đang lấy đi một
số diện tích đất có thủy lợi và màu mỡ nhất khỏi sản xuất nông nghiệp. Năm 1980, 27%
dân số các nước châu Á sống ở thành phố. Con số này được cho là tăng gấp đôi đến

Jonathan Pincus 1
Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Chuyển đổi nông thôn Bài giảng 9
Niên khóa 2008-2009

2020. Hậu quả của sự mất đất thủy lợi tốt này là hoạt động thâm canh mùa màng ở Đông
Á bắt đầu giảm đi, theo ghi nhận của WB.

Nếu ta không thể tăng diện tích đất trồng trọt và thâm canh cây trồng, thì phải tăng năng
suất đất. Cuộc cách mạng xanh đã không hẳn là cách mạng khi xét đến việc những tiến
bộ công nghệ phải mất một thời gian mới thực sự giúp các nhà nghiên cứu đưa ra những
phương thức hiệu quả chi phí để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp: kiến trúc sinh học của
cây trồng hiệu quả hơn, cây trồng nhạy hơn với đầu vào phân bón và nước; cây trồng
chịu hạn tốt hơn và ít bị nhiễm thuốc trừ sâu hơn; sự phát triển của các phương pháp sản
xuất phân bón hiệu quả chi phí; và sự đầu tư đại trà vào thủy lợi.

Ta có thể tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng năng suất cao không? Một chỉ báo tốt về sự thâm
canh là lượng phân bón trên một hectare. Sự gia tăng bón phân trên một hectare đang
diễn tiến theo chiều ngang ở thế giới đang phát triển, nhưng ở mức độ khác nhau. Nông
dân châu Á sử dụng khoảng 200kg/hectare, so với 10 hectare ở châu Phi. Lý do là công
nghệ thâm canh nông nghiệp đã tạo ra sự cộng hưởng giữa phân bón, nước và giống lúa
hiện đại. Khi không có đủ nước, giống lúa mới không thể trồng được, và không có các
giống lúa hiện đại phản ứng tốt với phân bón thì không có cơ sở để tăng bón phân. Đã có
một số tiến bộ trong việc phát triển giống lúa mì và bắp phù hợp với điều kiện châu Phi.
Nhưng những ràng buộc về tiềm năng thủy lợi châu Phi đã tạo ra những hạn chế lên tốc
độ tăng trưởng năng suất mà ta có thể kỳ vọng ở các nước này.

Nước
Nước là tài nguyên tái sinh vì nước hồ và sông được bổ sung theo qui trình tự nhiên. Tuy
nhiên, nước có thể trong một số trường hợp giống như tài nguyên không tái sinh. Nước
ngầm sẽ cạn kiệt khi nó bị rút nước nhanh hơn là lấp đầy. Ô nhiễm và các hình thức can
thiệp khác của con người, chẳng hạn sử dụng nước làm thủy lợi và tiêu dùng đô thị, có
thể làm giảm cung sẵn có mặc dù vẫn được bổ sung thông qua qui trình tự nhiên. Ở
nhiều nơi ở châu Á, tình trạng đất nhiễm mặn đã gia tăng do sử dụng thủy lợi quá mức ở
những vùng đất mà hệ thống cống rãnh không đầy đủ. Muối không thể trôi đi vì mực
nước ngầm dâng quá cao ở những vùng được tưới tiêu quá mức.

Tính cả thế giới thì nước không thiếu. Nước khan hiếm là do sự thay đổi lượng cung tự
nhiên theo thời gian và không gian, và do nhu cầu nước gia tăng. Nước khan hiếm ở
những thời điểm và địa điểm nhất định. Theo định nghĩa, cung nước không tăng, nhưng
dân số và thu nhập tăng. Khi con người giàu có hơn, họ sẽ sử dụng nhiều nước hơn, chủ
yếu vì những thay đổi trong khẩu phần ăn. Kết quả là lượng nước sẵn có trên mỗi đầu
người sẽ giảm ở phần lớn các nơi trên thế giới.

Sự khan hiếm nước được đo bằng tỉ số lượng nước rút đi trên lượng lấp đầy. Khi tỉ số
này đạt 0,4, thì một nước hay khu vực xem như khan hiếm nguồn nước. Khoảng 2,4 tỉ
người hiện đang sống ở những vùng thuộc loại thiếu nước. Miền bắc Trung Quốc, một
phần Nam Á, Trung Đông, miền Trung Tây và phía Tây Hoa Kỳ hiện đang bị thiếu nước.
trong vòng 20 năm, khoảng 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở những vùng thiếu nước. Những
vùng có mật độ dân số tăng nhanh và trữ lượng nước thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, ví
dụ Trung và Tây Á, và Bắc Phi.

Jonathan Pincus 2
Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Chuyển đổi nông thôn Bài giảng 9
Niên khóa 2008-2009

Sự khan hiếm nước liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, vốn chiếm 90% lượng
nước rút đi. Lượng nước sử dụng cho sinh hoạt so ra rất nhỏ. Nếu mỗi người cần khoảng
50 lít nước mỗi ngày để uống, nấu nướng, tắm giặt, thì nó chỉ chiếm 20 m3 nước mỗi
năm. Nhưng phải cần đến hàng ngàn lít nước mỗi ngày để sản xuất thực phẩm để ăn. Để
sản xuất một kg ngũ cốc phải mất một ngàn lít nước, hay một mét khối. Một kg thịt bò
cần hơn 10 m3 nước. Số thực phẩm này không nhất thiết được sản xuất trong nước, do
đó thương mại là một nhân tố trong sự khan hiếm nước. Thực phẩm dễ vận chuyển hơn
là nước.

Một trong những vấn đề chính đặc biệt ở châu Á là nước sử dụng cho nông nghiệp được
cung cấp với giá rẻ, trong khoảng 20-50% chi phí biên cung cấp. Hơn nữa, giá nước
được căn cứ trên mỗi hectare thay vì khối lượng sử dụng. Nguyên do chủ yếu vì các nỗ
lực đo lượng nước sử dụng đều bất thành. Kết quả, nông dân không có động cơ để sử
dụng nước một cách kinh tế, hay để chuyển sang trồng các loại hoa màu ít sử dụng nước.
Ở một số nơi tại Ấn Độ, điện được cung cấp cho nông dân có trợ giá, nên nông dân có
động cơ sử dụng giếng đóng và bơm nước ngầm với tỉ lệ cao. Việc khai thác nước ngầm
đã tăng lên 400% từ 1960-1995 ở Ấn Độ. Ở nhiều nước, các tổ chức công có trách nhiệm
duy trì hệ thống thủy lợi cũng hoạt động yếu kém, kết quả là thất thoát trong tiêu tưới và
đặc biệt là thiếu đầu tư cho duy tu bảo trì (là vấn đề lớn ở Việt Nam).

Một cách được chứng minh gia tăng hiệu quả của hệ thống thủy lợi là chia người sử dụng
nước theo tổ nhóm. Thay vì dựa vào các sở ngành, nông dân được giao trách nhiệm quản
lý các khu vực khác nhau trong hệ thống. Những nhóm này có thể giúp quản lý mâu
thuẫn giữa người sử dụng thượng nguồn với phía cuối nguồn, là khu vực thường không
có đủ nước.

Thay đổi khí hậu

Ngành nông nghiệp nước đang phát triển nhạy cảm với những tác động tiêu cực của sự
nóng ấm trái đất hơn là ở các nước công nghiệp. Một phần lý do mang tính kinh tế hơn là
sinh thái. Các nước đang phát triển thường có ít khả năng thích ứng do hạn chế nguồn
lực. Đầu tư vào thủy lợi và nghiên cứu nông nghiệp để phát triển giống cây trồng mới có
thể bù trừ phần nào các tác động do khí hậu thay đổi. Nhiều nước nghèo, như ở châu Phi
cận Sahara thì thiếu nguồn lực và cả những thể chế cần thiết để thực hiện hoạt động đầu
tư này.

Tuy nhiên, các nước đang phát triển nhìn chung gánh chịu những tác động tiêu cực lớn
hơn các nước phát triển vì yếu tố tự nhiên. Do mức nhiệt độ cơ sở cao hơn nên sản lượng
ngũ cốc ở các nước nhiệt đới có khuynh hướng giảm. Sản lượng ở nhiều vùng ôn đới thật
sự tăng lên. Nhiều nước đang phát triển ở vùng nhiệt đới sẽ chịu rủi ro hạn hán và ngập
lụt lớn hơn khi nhiệt độ trái đất nóng lên. Những vùng đất thấp, gồm phần lớn
Bangladesh và ĐBSCL ở Việt Nam sẽ gánh chịu sự xâm thực của nước mặn vào nguồn
nước thủy lợi. Nhiệt độ cao và các đợt khí lạnh ít đi có thể dẫn đến số lượng côn trùng
nhiều hơn và nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn.

Jonathan Pincus 3
Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Chuyển đổi nông thôn Bài giảng 9
Niên khóa 2008-2009

Việc ước tính tác động nóng ấm của trái đất lên nông nghiệp là khá phức tạp. Mức độ
qui tụ CO2 cao hơn trong môi trường sẽ làm tăng sản lượng ở một số nơi vì các-bon là
phân bón tự nhiên. Chúng ta không chắc về qui mô của tác động sản lượng này. Ở
những nơi khác, các tác động này sẽ bù trừ bởi độ ẩm trong đất thấp hơn, nhiệt độ cao
hơn và mức độ hạn hán lũ lụt cao hơn. Không đủ dữ liệu để lập mô hình tác động thay
đổi khí hậu lên sản lượng hoa màu. Việc thay đổi mô thức khí hậu sẽ dẫn đến những thay
đổi về sử dụng và canh tác đất, theo đó sẽ có những vùng đất mới được đưa vào canh tác,
trong khi những vùng đất trước đây màu mỡ sẽ cho sản lượng ít đi hoặc không còn sử
dụng được. Mô thức thương mại và giá cả cũng sẽ thay đổi. Xu hướng cầu lương thực sẽ
thay đổi khi giá thay đổi và phản ứng trước sự tăng trưởng dân số. Với bản chất tương
tác phức tạp giữa thay đổi khí hậu và sản lượng lương thực, không có gì ngạc nhiên khi
các ước lượng về tác động nóng lên của trái đất đối với sản xuất và tiêu dùng là rất khác
nhau.

Tác động đối với Việt Nam sẽ nghiêm trọng do sản lượng cây trồng giảm đi và nước mặn
xâm thực ở ĐBSCL. Theo các ước tính của UNDP, nếu mực nước biển dâng cao 30cm
thì phạm vi xâm thực mặn là 10 km. Mực nước lên 1m sẽ tác động 11% dân số thế giới
và GDP giảm 10%.

Jonathan Pincus 4

You might also like