You are on page 1of 4

Bài 8 : SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NÔNG NGHIỆP

I. NGÀNH TRỒNG TRỌT


*Dựa vào bảng 8.1, hãy nhận xét sự thay đổi tỉ trọng cây lương thực và cây công
nghiệp trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Sự thay đổi này nói lên điều gì?

Nhận xét sự thay đổi tỉ trọng cây lương thực và cây công nghiệp trong cơ cấu giá trị
sản xuất ngành trồng trọt : tăng tỉ trọng cây công nghiệp; giảm tỉ trọng cây lương thục
và các cây ăn quả, rau đậu.

- Tỉ trọng cây lương thực có xu hướng giảm nhẹ từ 67,1% (1990) xuống còn 60,8%
(2002), giảm 6,3%.

- Tỉ trọng cây công nghiệp tăng khá nhanh từ 13,5% (1990)  lên 22,7% (2002), tăng
gần 9,2%.

⟹ Sự thay đổi trên cho thấy cơ cấu ngành trồng trọt nước ta đang có sự thay đổi theo
hướng: giảm tỉ trọng cây lương thực; đẩy mạnh cây công nghiệp, đặc biệt các loại cây
công nghiệp lâu năm nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và
xuất khẩu, phá thế độc canh trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường.

*Dựa vào bảng 8.2 (trang 29 sgk Địa lí 9), hãy trình bày các thành tựu chủ yếu
trong sản xuất lúa thời kì 1980 – 2002.

Các thành tựu chủ yếu trong sản xuất lúa thời kì 1980 – 2002:

Nhìn chung diện tích, năng suất, sản lượng lúa và sản lượng lúa bình quân đầu người
đều tăng lên.

- Sản lượng lúa tăng nhanh nhất, tăng gấp 3 lần (từ 11,6 triệu tấn lên 34,4 triệu tấn).

- Năng suất lúa cũng tăng lên nhanh, gấp 2,2 lần (từ 20,8 tạ/ha lên 45,9  ttạ/ha).

- Sản lượng lúa bình quân đầu người tăng, gấp 1,9 lần (từ 217 tạ/ha lên 432 tạ/ha).

- Diện tích lúa cũng tăng 1,3 lần (từ 5600 nghìn ha lên 7504 nghìn ha).

    Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, Việt Nam đã trở thành quốc
gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

⟹ Có được thành tựu trên là nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản
xuất, tạo ra nhiều giống lúa mới năng suất cao, chống sâu bệnh, khắc phục hạn chế về
tự nhiên (chịu hạn, chịu rét, chịu mặn), phân bón tốt, dịch vụ nông nghiệp phát triển.
*Dựa vào bảng 8.3, hãy nêu sự phân bố các cây công nghiệp hàng năm và cây
công nghiệp lâu năm chủ yếu ở nước ta.

   - Cây công nghiệp hằng năm:

       + Lạc: Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

      + Đậu tương: Đông Nam Bộ, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông
Hồng, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

      + Mía: Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ,
Đông Nam Bộ.

       + Bông: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

       + Dâu tằm: Tây Nguyên.

       + Thuốc lá: Đông Nam Bộ.

   - Cây công nghiệp lâu năm

       + Cà phê: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

       + Cao su: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

     + Hồ tiêu: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ.

       + Điều: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ.

       + Dừa: Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ.

       + Chè: Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên.

*Kể tên một số loại cây ăn quả đặc trưng của Nam Bộ. Tại sao Nam Bộ lại trồng
được nhiều cây ăn quả có giá trị?

- Một số loại cây ăn quả đặc trưng của Nam Bộ: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,
mãng cầu, dứa…

- Nam Bộ trồng được nhiều cây ăn quả có giá trị vì:

+ Có khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, nắng nóng quanh năm thích hợp trồng cây ăn quả
có nguồn gốc nhiệt đới.
+ Đất xám phù sa cổ, đất feralit màu mỡ, phân bố trên các vùng đất rộng lớn ở Đông
Nam Bộ, ở đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi cho hình thành các vùng chuyên canh
cây ăn quả lớn.

 + Nguồn nước dồi dào (từ sông ngòi, kênh rạch, nước ngầm), đặc biệt ven các con
sông ở đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành các khu miệt vườn trù phú, nhiều loại
quả đặc sản.

+ Người dân có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây ăn quả.

II. NGÀNH CHĂN NUÔI

- Năm 2015, tổng số trâu cả nước: 2.524.000 con

*Xác định trên hình 8.2 các vùng chăn nuôi lợn chính. Vì sao lợn được nuôi nhiều
nhất ở đồng bằng sông Hồng?

Các vùng chăn nuôi lợn chính: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long

Lợn được nuôi nhiều nhất ở đồng bằng sông Hồng vì:

- Đây là vùng trọng điểm lương thực nên nguồn phụ phẩm thức ăn cho chăn nuôi lợn
lớn (ngô, sắn, lúa…).

- Ngoài ra, địa hình đồng bằng, khí hậu phù hợp, nguồn nước dồi dào…là điều kiện để
hình thành các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn.

- Thị trường tiêu thụ rộng lớn nhờ có dân cư đông đúc, tập trung với mật độ cao nhất
cả nước (đặc biệt là thị trường Hà Nội).

*Nhận xét và giải thích sự phân bố các vùng trồng lúa ở nước ta.

- Việt Nam là một trong những trung tâm xuất hiện sớm nghề trồng lúa ở Đông Nam
Á. Lúa được trồng trên khắp đất nước, nhưng tập trung nhiều nhất ở hai vùng trọng
điểm là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

  Ngoài ra, một số đồng bằng lớn ở miền Trung cũng phát triển cây lúa như: Thanh
Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

- Giải thích: đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điều kiện
để phát triển cây lúa nước.

+ Địa hình đồng bằng châu thổ rộng lớn, hình thành các vùng thâm canh với quy mô
lớn.
+ Đất phù sa màu mỡ do hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, sông Tiền – sông Hậu
bồi đắp.

+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, ổn định; nguồn nước sông ngòi ao hồ khá dồi dào
cung cấp đủ nguồn nước cho hoạt động canh tác.

+ Được ứng dụng nhiều thành tựu khoa học trong nông nghiệp: giống mới chịu hạn,
chịu mặn, chống sâu bệnh, cho năng suất cao…, phân bón, hệ thống thủy lợi…

+ Dân cư đông, lực lượng lao động dồi dào, người dân có kinh nghiệm trong canh tác,
thâm canh lúa nước.

+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn, đồng bằng sông Hồng là vùng dân cư đông nhất cả
nước, đồng bằng sông Cửu Long có dân đông, tiếp giáp với Đông Nam Bộ là vùng
dân cư đông đúc.

You might also like