You are on page 1of 1

Tiêu dùng xanh

Trong bối cảnh hiện nay, hàng loạt các vấn đề môi trường được phát hiện, con
người phải đối diện với rất nhiều vấn đề liên quan tới môi trường như biến đổi khí hậu, ô
nhiễm môi trường hay cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Xu hướng tiêu dùng xanh
đã trở thành xu hướng tiêu dùng của toàn nhân loại, là mối quan tâm của tất cả các quốc
gia trên thế giới. Mặc dù, thuật ngữ tiêu dùng xanh xuất hiện từ các nước phương Tây từ
những năm 1960 nhưng tại Việt nam thuật ngữ này mới bắt đầu được chú ý trong những
năm gần đây.
Tiêu dùng xanh là khái niệm được đưa ra sau khi việc sản xuất và tiêu dùng dựa vào
chủ yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến nhiều hệ quả như việc khai thác cạn kiệt
rừng, nguồn nước, nguồn thủy hải sản và mất dần tính đa dạng sinh học (Ngô Thị Duyên
và Phạm Thị Ngoan, 2019). Trong nghiên cứu của Jaiswal (2012), tiêu dùng xanh nói tới
sự sẵn sàng mua những sản phẩm thân thiện với hệ sinh thái, những sản phẩm mà thành
phần và cách thức sản xuất có tác động nhỏ nhất đến môi trường. Ngoài ra, tiêu dùng
xanh cũng được hiểu là quyết định mua hay không mua dựa trên tiêu chuẩn môi trường
và xã hội (Peattie, 2001). Một cách tiếp cận khác, tiêu dùng xanh cũng có thể gọi là tiêu
dùng có đạo đức, tiêu dùng bền vững, tiêu dùng có trách nhiệm, tiêu dùng có ý thức về
mặt sinh thái, tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường, tiêu dùng thân thiện với môi
trường, tiêu dùng vì môi trường (Antil, 1984). Theo cách tiếp cận của Rylander và Allen
(2001) thì tiêu dùng xanh có thể bao gồm nhiều hành vi khác nhau: trước khi mua, khi
thực hiện hành vi mua sắm, và thậm chí là cả sau khi mua. Khi doanh nghiệp nhìn nhận
các hành vi trong tiêu dùng xanh, cái mà họ quan tâm nhất có lẽ là hành vi mua sắm bởi
các doanh nghiệp đa phần mong muốn bán được nhiều sản phẩm và thu về lợi nhuận cao.
Trong nghiên cứu này, tiêu dùng xanh tập trung vào nghiên cứu hành vi mua các sản
phẩm xanh.

You might also like