You are on page 1of 1

Sản phẩm xanh

Hiện nay, trong các tài liệu liên quan có khá nhiều quan điểm được đưa ra liên quan
đến sản phẩm xanh. Shamdasani và cộng sự (1993) đã định nghĩa sản phẩm xanh là sản
phẩm không gây ô nhiễm trái đất hoặc làm suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên và có
thể được tái chế hay bảo tồn. Hay sản phẩm xanh là những sản phẩm có kết cấu và bao bì
thân thiện môi trường; giảm các tác động tới môi trường (Elkington và Makower, 1988).
Nói cách khác, sản phẩm xanh đề cập đến các sản phẩm có sự kết hợp với các chiến lược
tái chế hoặc với các nội dung tái chế, giảm bao bì hay sử dụng vật liệu ít độc hại hơn để
giảm tác động đến môi trường tự nhiên. Trong một nghiên cứu khác, sản phẩm xanh có
thể hiểu là những sản phẩm có ít tác động tới môi trường (Janssen và Jager, 2002). Người
tiêu dùng biết đến sản phẩm xanh như một sản phẩm sinh thái hoặc sản phẩm thân thiện
với môi trường. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2009), các sản
phẩm xanh phản ánh những thứ đạt được trong việc ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu và
khắc phục các tác động môi trường có hại đối với nguồn nước, không khí và đất đai;
chúng được xem như một trong các giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến chất
thải, tiếng ồn và các tác hại xấu đối với hệ sinh thái. Hơn thế nữa sản phẩm xanh được tạo
ra cũng được coi là một con đường để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có lợi cho xã hội.
Một khái niệm sản phẩm xanh được tổng hợp lại là những sản phẩm (1) được tạo ra trên
cơ sở giảm thiểu lượng nguyên liệu sử dụng; (2) tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế,
nguyên liệu không độc hại; (3) không tiến hành các thử nghiệm trên động vật; (4) tốn ít
năng lượng để sản xuất; (5) tối thiểu hóa bao bì đóng gói (Nguyễn Vũ Hùng và cộng sự,
2015). Trong luận án này tác giả tiếp cận sản phẩm xanh theo khái niệm này với ba nhóm
sản phẩm sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thực phẩm xanh và sản phẩm tái chế.

You might also like