You are on page 1of 141

1945-1954 – 9 năm khói lửa, sự thất bại của một chiến lược

Tô Vũ

Xin lưu ý độc giả: Những con số thắng lợi hay tổn thất của đôi bên trong các trận chiến nói trong
cuốn tài liệu này đều căn cứ vào các tài liệu của Pháp.

Ất Dậu 1945

Cứ mỗi lần năm Dậu trở lại là Tô Vũ tôi lại bùi ngùi, xót xa, tim se lại, nhớ tới năm Ất Dậu 1945,
với những biến cố xảy ra chỉ trong vài tháng mà làm thay đổi dòng lịch sử của đất nước, thay đổi vận mệnh
của dân tộc, ảnh hường đến tương lai toàn thể mấy chục triệu người dân Việt Nam.

Từ năm 1939, thế giới lâm vào cảnh đại chiến khủng khiếp do nhà độc tài Adolf Hitler cầm đầu
chế độ Đức quốc xã gây ra. Hitler mang quân xâm chiếm nước Ba Lan ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939, mở
màn cho đệ nhị thế chiến 1939-1945. Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Tháng 6 năm 1940, nước Ý do độc tài
Mussolini điều khiển tuyên chiến với Pháp và Anh. Đức xua quân chiếm Đan Mạch, Na Uy, Lục xâm bảo,
Hà Lan, Bỉ và tháng 6-1940, quân Đức tiến vào nước Pháp, ngày 14-6-40 chiếm Ba Lê. Thống chế Pétain ký
hoà ước với Đức và với Ý.

Tại Á châu, từ 1937, Nhật Bản xua quân xâm nhập Trung Hoa, chiếm đóng nhiều vùng trên toàn
thể lãnh thổ.

Thống chế Tưởng giới Thạch phải lui về Trùng Khánh, phía tây nam nước Tàu, gần biên giới
Miến Điện để đặt đại bản doanh kháng chiến chống Nhật.

Trung Hoa là đồng minh của phe tây phương tự do. Pháp cho Trung Hoa sử dụng hải cảng Hải
Phòng và đường xe lửa Hà Nội - Vân nam để chuyển vận lương thực và đạn dược khí giới của Tây phương
viện trợ tiếp tế cho quân đội Trùng Khánh,

Nhật Bản phản đối, yêu cầu Pháp chấm dứt việc chuyển đồ tiếp tế cho Trùng Khánh qua lãnh thổ
Bắc Việt.

Ngày 30-8-1940, Pháp (toàn quyền Decoux) thoả thuận chấm dứt việc chuyển vận đồ tiếp tế cho
Trùng Khánh qua địa phận Bắc Việt, ngược lại Nhật bản công nhận chủ quyền cai trị của Pháp ở Đông
Dương. Quân đội Nhật vào đóng ở Hải Phòng và ở các trọng điểm biên giới Hoa Việt để kiểm soát việc thi
hành thoả thuận 30-8-40.

Tình hình Đông Dương vẫn yên ổn, bom đạn trời Âu không lan rộng tới. Nhưng vì chiến tranh ở
Âu châu nên hàng hoá và nguyên liệu kỹ nghệ dùng để sản xuất không nhập cảng vào được nên nhiều hàng
hoá trở thành khan hiếm,

Nông dân bị hạn chế sản xuất lúa gạo, ruộng đất trồng lúa bắt phải trồng cây kỹ nghệ như cây đay,
cây gai, cây bông, cây thầu dầu để cung ứng cho Nhật dùng trong chiến tranh, nên ở miền Bắc, lúa gạo trở
nên thiếu hụt trầm trọng. Chính phủ Đông Dương lại thâu mua lúa gạo của nông dân để tiếp tế cho dân thành
thị và cho quân đội Nhật bản, và cũng để lập kho dự trữ cho quân đội Nhật và quân đội Pháp. Hồi đó dân
thành thị được phát phiếu tiếp tế để mua những thứ cần thiết như gạo, muối, đường, sữa, sà bông, diêm quẹt,
dầu hôi, vải sợi, v.v… Khổ sở nhất là dân nghèo vùng quê, thiếu ăn thiếu mặc, không được tiếp tế, không có
gì để ăn, có nhiều nơi bị chết đói cả nhà, cả làng.

Chính quyền Pháp Đông Dương sống chung hoà bình với quân đội Nhật một thời gian được gần
một năm. Đến ngày 29-7-1941 thì, sau một bức tối hậu thư gừi cho Toàn quyền Đông Dương (Jean Decoux),
quân đội Nhật tràn vào chiếm đóng toàn thể lãnh thổ.

Tuy vậy, sau ngày đó và từ 1941 đến 1944, cuộc sống chung gượng ép vẩn tiếp tục. Nhật Bản vẫn
công nhận chính quyền Pháp Đông Dương trong các việc cai trị, hành chánh, kinh tế, tài chánh, an ninh,
cảnh sát, và vẫn duy trì quân đội Pháp. Ngược lại chính quyền Pháp Đông Dương phải tiếp tế lương thực và
đóng góp chi phí cho quân đội Nhật chiếm đóng.

Ngoại trừ việc máy bay đồng minh của Mỹ thỉnh thoảng ném bom những mục tiêu quân sự Nhật,
những trục giao thông quan trọng, hải cảng, hải thuyền, đường hoả xa hay các cầu quan trọng, hay các căn cứ
quân sự Nhật, thì dân chúng vẫn sống yên ổn. Mỗi khi có máy bay Mỹ đến gần địa phận thì còi báo động nổi
lên, dân chúng vào các hầm trú ẩn tránh bom, khi hết báo động thì lại tiếp tục công việc bỏ dở.

Người dân Hà nội gần như sống ngoài lề chiến sự. Hồi bấy giờ những phương tiện truyền thông
còn ít ỏi, không tân tiến như bây giờ, dân chúng theo dõi tin tức chiến sự qua Radio Hanoi của Pháp, hay
radio BBC của Anh, mà cũng hiếm người có được đài radio để nghe tin. Đa số theo dõi chiến sự qua những
tờ báo địa phương không đầy đủ và tin tức chậm chạp, cho nên những tin đồn thường được phổ biến truyền
tai rộng rãi. Trong những lúc trà dư tửu hậu, câu chuyện thường xoay quanh những câu sấm Trạng Trình để
tiên đoán thời cuộc.

Một quyển Sấm Trạng Trình dầy khoảng mười trang đánh máy được sao chép truyền tay nhau.

Bốn câu sấm được nhiều người bình luận và tin tưởng hợp vào thời cuộc hồi đó là:

Long vĩ sà đầu khởi chiến tranh

Can qua xứ xứ khổ đao binh

Mã đề dương cước anh hùng tận

Thân dậu niên lai kiến thái bỉnh.

Cuối năm Rồng (thìn, 1940) đầu năm Rắn (tỵ, 1941) khởi sự chiến tranh

Chiến tranh lan tràn, nhiểu nước khổ vì binh đao

Cuối năm Ngựa (ngọ, 1942), cuối năm Dê (mùi, 1943), thì anh hùng tận.

(Vì anh hùng tận, nên) Năm Khỉ (thân 1944), năm Gà (dậu 1945) thấy thái bỉnh.

Cái lô-gíc này cũng có phần hợp lý: kẻ gây chiến chết thì chiến tranh chấm dứt.

Anh hùng đây phải luận là những người gây chiến mà người gây chiến đứng hàng đầu là Hitler.

Hitler tự tử chết ngày 30 tháng 4-1945 khi Berlin bị thất thủ. Một tuần lễ sau, mùng 8 tháng 5-
1945, Đức quốc xã đầu hàng.
Chỉ có một điều là câu sấm đã đoán sai năm chết của Hít Le, chắc vì khó đoán nên mới nói lưỡng
lự: mã đề, dương cước (1942, 1943) anh hùng tận, tức là không tiên đoán chính xác được cái năm chết của
Hít Le, nhưng cũng không quan trọng lắm, quan trọng là chiến tranh chấm dứt, câu sấm đó đã đoán đúng
năm chiến tranh chấm dứt, năm thấy thái bình là năm dậu, 1945.

Ở Á đông, tháng 8-1945 hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, ngày 6 và
ngày 9-8-1945, Nhật Bản đầu hàng ngày 15 tháng 8 -1945.

Câu sấm đã có từ thời nào?

Theo truyền thuyết thì câu sấm đó của cụ Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm (1481 - 1585). Cụ
Trạng tiên đoán chiến tranh 400 năm trước khi xảy ra Đệ nhị Thế chiến. Tiên đoán sự việc xẩy ra 400 năm
sau, có sai một hai năm cũng đã là giỏi quá rồi!

Trở lại tình hình Việt Nam năm ất dậu 1945.

Sự giao thiệp giữa quân đội Nhật và nhà cầm quyền Pháp Đông Dương hồi cuối năm 1944 trở nên
căng thẵng. Thái độ của Nhật trở nên cứng rắn. Nguyên do vì những sự thất trận của Nhật ở Thái bình
Dương, những sự phản công thắng lợi của Đồng Minh ở mặt trận Âu châu, những cuộc oanh tạc của máy bay
Mỹ càng ngày càng chính xác làm cho Nhật thiệt hại nhiều, Nhật cho rằng Pháp đã hướng dẫn Mỹ trong
những vụ oanh tạc và nghi ngờ Pháp sửa soạn đón Mac Arthur đổ bộ vào Đông Dương để ngả theo Mỹ
chống lại Nhật.

Cuối năm 1944, Nhật tăng cường quân số ở khắp nơi và yêu cầu Pháp phải trao cho Nhật những
phi công đồng minh nhảy dù xuống sau khi máy bay bị hạ. Đô đốc Decoux, toàn quyền Đông Dương, tuy
được chính phủ Vichy thân Đức là đồng minh của Nhật cử sang Đông Dương thay tướng Catroux, nhưng
Decoux vẫn liên lạc với kháng chiến của De Gaulle, nên trước đòi hỏi của Nhật ông đã từ chối.

Những sự xô xát giữa lính Pháp và lính Nhật ở ngoài đường phố càng ngày càng nhiều, lính Nhật
cố tình khiêu khích làm cho chính quyền Pháp Đông Dương lo ngại xảy ra những vụ đụng độ lớn lao.

Tại soái phủ Sài gòn, hồi 20 giờ 30 đêm 9 tháng 3-1945, Đô đốc Toàn quyền Decoux tiếp Đại sứ
Nhật Bản, ông Matsumoto, trong phòng khách danh dự ở từng dưới điện Norodom. Sau những lời chào hỏi
xã giao lịch sự thông thường, đại sứ Matsumoto yêu cầu Pháp tăng tiếp tế thực phẩm cho quân đội Nhật. Hai
bên đàm luận về thông điệp truyền thanh của tướng De Gaulle và đề cập đến trường hợp quân đội Đồng
Minh đổ bộ vào Đông Dương.

Đột nhiên đại sứ Matsumoto nghiêm giọng yêu cầu Đô Đốc Decoux phải đặt toàn thể quân đội
Pháp dưới quyền chỉ huy Nhật nghĩa là sáp nhập quân đội Pháp vào quân đội Nhật để chống Anh Mỹ và
Đồng Minh. Đô đốc Decoux được nửa giờ để suy nghĩ câu trả lời, nếu từ chối thì quân đội Nhật sẽ tức khắc
tấn công khắp nơi, Decoux phải chịu trách nhiệm về những hậu quả.

Decoux biết rằng từ chối là tự sát, nhưng vì danh dự ông đã khẳng khái trả lời ngay là không thể
chấp nhận được.

Đúng 21 giờ ngày 9-3-1945, đô đốc Decoux bị một tiểu đội lính Nhật dẫn ra khỏi soái phủ cùng
với tướng Delsuc, tư lệnh sư đoàn Nam Kỳ-Căm bốt, đưa lên giam giữ tại vùng rừng cao su Lộc Ninh, giữa
những tiếng súng nổ liên hồi của quân Nhật
Cùng lúc đó khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam quân Nhật tấn công vào các đồn lính Pháp.

Tại Hà Nội, 20 giờ tối ngày 9-3-45, các doanh trại Nhật mở lớn cổng, xe cam nhông chở đầy binh
lính với những vải xanh đỏ buộc ở cánh tay hay quàng cổ, đổ ra các ngả đường bao chung quanh thành Hà
Nội. Súng liên thanh dàn tại các ngã ba, ngã tư, đồng loạt nổ liên hồi. Kèn báo động trong thành nổi lên, dân
chúng chạy vội về nhà đóng chặt cửa.

Tại cửa Bắc, cửa Đông và cửa Nam, lính Nhật trèo lên gác nhả dân, bắn vào trong thành.

20 giờ 20 một loạt đại bác bắn vào trong thành làm một số lính Pháp đầu tiên chết hay bị thương.

20 giờ 40 Nhật xung phong nhiều đợt vào Cửa Đông nhưng bị đẩy lui.

24 giờ. Một mảng tường thành bị đại bác Nhật bắn sập. Quân Nhật xung phong vào, nhưng bị liên
thanh và đại bác làm chết nhiều không lọt vào trong thành được.

2giờ 30 sáng 10-3 một nhóm quân Nhật lọt được vào thành nhưng lại bị đánh bật ra.

Tới 5 giờ sáng (10-3), sau đợt pháo kích dữ dội, Nhật chiếm được bót gác Cửa Đông, căn cứ chỉ
huy Tiểu đoàn 9 Bộ binh thuôc địa.

7giờ 30, Thủy quân lục chiến và Tiểu đoàn 4 pháo binh thuộc địa sử dụng 3 thiết giáp và 3 thiết xa
có gắn đại liên phản công nhưng bị chận lại, 3 thiết giáp bị phá huỹ.

13giờ30, đạn dược bắt đầu cạn, đạn trái phá còn một ít. Lính Pháp kéo mấy khẩu đại bác nạp đạn
bắn thẳng vào quân Nhật, nhưng họ đã bị bắn ngã gục.

15giờ45 ngày 10-3-45, tướng Tư lệnh Pháp ở Bắc kỳ ra lệnh cho binh sĩ hạ khí giới, tướng
Massimi đầu hàng với điều kiện tiếp nhận theo quân cách.

Sau 19 giờ chiến đãu, quân Pháp chết 250 người trong có 10 sĩ quan, 261 người bị thương. Tổn
thất Nhật cũng xấp xỉ số đó.

Sau ngày 9-3-45, ba nước Việt, Căm bốt, Lào đều tuyên bố độc lập gia nhập Khối thịnh vượng
chung Đại Đông Á của Nhật Bổn.

Ngày 11-3-45, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố tại Huế “ Những hiệp ước Việt Nam ký kết với Pháp
hồi cuối thế kỷ 19 đã trở nên vô hiệu, Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập gồm ba kỳ Bắc, Trung, Nam

Nạn đói hoành hành ở miền bắc Việt Nam làm một triệu người chết. Mặc dầu những sự cố gắng
của các tư nhân và các cơ quan từ thiện, của chính phủ Trần Trọng Kim, sự cứu trợ như muối bỏ bể.

Dân thành thị không bị thiếu thốn nhờ chính sách thẻ tiếp tế, nhưng dân miền quê thì khổ sở, thiếu
ăn, thiếu mặc. Nhiều nhà chết đói cả nhà, nhiều làng chết đói cả làng. Dân đói kéo lên các thị thành để hành
khất, xin ăn, hình ảnh những người đói, chân tay gầy guộc, không còn thịt, chỉ còn da bọc xương như những
que củi, như những bộ xương người lưu động, chậm chạp lang thang vô định để xin ăn, trẻ con bơ vơ, số
người chết đói hàng ngày lên rất nhiều. Cơ quan Vệ sinh thành phố mỗi ngày kéo xe bò đi nhặt xác, chất đầy
lên xe đổ xuống những hố lớn đã đào sẵn ở ngoài thành phố, rắc vôi bột lên rồi lấp đất. Trong khi đó gạo tiếp
tế cho quân đội Nhật, bao lớn bao nhỏ chồng chất trên các xe bò, nối đuôi trên đường phố. Thỉnh thoảng
cũng có người liều chết xông ra lấy dao rạch bao cho gạo chảy xuống đường rồi xúm nhau vào quét.
Trong khi đó, ở miền nam luá gạo thừa thãi, việc chuyển vận lúa gạo từ Nam ra Bắc không thể
thực hiện được. Tàu thủy từ Sài gòn ra Hải Phòng đều bị máy bay đánh đắm, xe lửa từ Sài gòn ra Hà Nội đều
bị máy bay oanh tạc, hơn nữa nhiều cầu trúng bom bị sập, xe lửa chỉ chạy được từng khúc. Lúa miền Nam
thừa thãi phải dùng lúa đốt lò nhà máy điện Chợ Quán thay thế than Hòn Gai không thể chở vào Sài gòn
được.

Ngày 17 tháng 4-1945 cụ Trần Trọng Kim trình diện nội các gồm 11 vị:

Trần Trọng Kim, thủ tướng

Trần Đình Nam, y sĩ, bộ Nội vụ

Trần Văn Chương, luật sư, Bộ Ngoại giao

Trịnh Đình Thảo, luật sư, bộ Tư pháp

Hoàng Xuân Hãn, giáo sư, bộ Giáo dục

Vũ Văn Hiền, luật sư, bộ Tài chánh

Phan Anh, luật sư, bộ Thanh niên

Lưu văn Lang, kỹ sư, bộ Công chính

Vũ Ngọc Anh, bác sĩ, bộ Y tế

Hồ Bá Khanh, bác sĩ, bộ Kinh tế

Nguyễn hữu Thi, y sĩ, bộ Tiếp tế

Mở đầu bài tuyên cáo với quốc dân cụ Trần Trọng Kim nói: “Ngày 25 tháng 2 năm Ất Dậu tức là
ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Đại Nhật Bản đã đánh đổ chủ quyền người Pháp trong toàn hạt
Đông Dương. Sau đó đức Kim Thượng đã tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Đồng thời thủ tướngKoiso báo
cáo rằng nước Nhật không tham vọng nước ta “ (…)

Chính phủ chọn bài Đăng Đàn làm quốc thiều, cờ Quẻ Ly làm quốc kỳ, Việt Nam là quốc hiệu và
chủ trương chính sách “ Dân vi quỷ”.

Ông Phan Kế Toại, một vị quan lại cũ, được cử làm Khâm sai Bắc Bộ.

Đầu tháng 8, cụ Trần Trọng Kim ra Hà Nội để điều đình với Tổng Tư lệnh Nhật là ông Tsuchi
Hashi Yuitsi để thâu hồi lại ba nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn thể Nam Bộ vẫn còn do
Nhật chiếm giữ. Cuộc điều đình tốt đẹp, Nhật trao trả ba thành phố và toàn thể Nam bộ, ngoại trừ sở Công an
và sở Hoả xa. Nhật nhận giúp tổ chức Bảo an đoàn và viện trợ 2.000 súng trường và đạn dược.

Khi cụ Trần Trọng Kim ra Hà nội thì tình hình ở Bắc Bộ không được yên ổn. Sự hoạt động của
Việt Minh làm ông Phan Kế Toại sợ hãi xin từ chức. Cụ Kim mời ông Nguyễn Tường Long thay thế, nhưng
ông Long đang bị bệnh. Cụ mời bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, ông Chữ nhận lời rồi hôm sau lại từ chối. Lúc bấy
giờ cụ Kim chưa hiểu rõ phong trào Việt Minh ra sao nên cụ nhờ con trai ông Phan kế Toại là một thanh niên
đang hoạt động trong Mặt trận Việt Minh dàn xếp cho cụ gặp gỡ với một đại diện của Mặt trận. Trong cuộc
gặp gỡ với một cán bộ trẻ, cụ mời phong trào Việt Minh hợp tác để tranh đấu dành độc lập một cách ôn hoà,
nhưng cán bộ Việt Minh từ chối, nói Việt Minh có thể làm lấy được việc đó một cách mạnh mẽ và chắc chắn
thành công không cần phải hợp tác với ai.

Trở về Huế, cụ Trần Trọng Kim đệ đơn xin từ chức, Bảo Đại chấp thuận nhưng giữ cụ lại để xử lý
cho đến khi thành lập được nội các mới.

Ngày 15 tháng 8-1945 Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 17-8-45, vua Bảo Đại kêu gọi các cường quốc Mỹ Anh Pháp bảo đảm nền độc lập của Việt
Nam.

Tại Hà Nội, một cuộc biểu tình được tổ chức ở công trường Nhà Hát Lớn lúc 15 giờ ngày 17-8-45
để hoan hô chính phủ thâu hồi được chủ quyền lãnh thổ. Đoàn người đi biểu tình thật đông đảo, k éo dài khắp
đường Paul Bert, đường Hàng Khay, đường Hàng Trống. Dân chúng tới xem đứng nghẹt hai bên lề đường.
Trên ban-công Nhà Hát Lớn và chung quanh công trường, cờ Quẻ Ly bay phấp phới, quốc thiều Đăng Đàn
trổi dậy. Ban nhạc Bảo An cử bài Tiếng gọi Thanh Niên tức là bài Tiếng gọi Sinh Viên của Lưu Hữu Phước,
sau dùng làm Quốc ca ở Miền Nam VN. Rừng người ồn ào, những tiếng hoan hô “ Việt Nam độc lập muôn
năm “ rầm rộ trong loa phóng thanh mắc dài chung quanh công trường.

Một đại diện ban tổ chức đọc diễn văn khai mạc. Bỗng nhiên một người chạy tới giật mi-crô lên
tiếng hô hào “ Đả đảo phát xít Nhật”, “Đả đảo đế quốc”, “Hoan hô Mặt trận giải phóng”, “Hoan hô Việt Nam
độc lập đồng minh hội (tức là Việt Minh), “Hoan hô Việt Nam độc lập”. Cùng lúc ấy có một người trèo lên
nóc nhà Hát Lớn, buông xuống một lá cờ lớn, màu đỏ giữa có ngôi sao năm cánh màu vàng, lá cờ của đảng
Việt Minh lần đầu tiên công chúng nhìn thấy. Các công chức và công chúng dự cuộc biểu tình xôn xao nhớn
nhác trước sự thay đổi bất ngờ, một vài tiếng súng lục đì đẹt nổ thị uy, tiếp theo những tiếng hoan hô hưởng
ứng của các cán bộ tuyên truyền võ trang đứng xen lẫn rải rác giữa đám người biểu tình, vừa hoan hô vừa giơ
nắm tay lên cao. Môt vài xấp truyền đơn được tung ra và những lá cờ đỏ sao vàng nhỏ được vài người phất
giữa đám biểu tình.

Tiếng mi-crô hô hào đoàn đi tuần hành theo sự hướng dẫn của các cán bộ, thỉnh thoảng lại hô lên
những khẩu hiệu mới lạ.

Một đoàn biểu tình khác khoảng vài trăm người ồn ào kéo đến Bắc Bộ phủ, xông vào phía trong,
đập phá cửa kính và đồ đạc, lùng bắt ông Khâm sai Phan Kế Toại nhưng không bắt được, rồi họ rút ra khỏi
Bắc Bộ phủ. Lính Bảo An gác Bắc Bộ phủ cũng như lính Nhật Bản gác Ngân Hàng Đông Dương ở trước mặt
không phản ứng. Bảo an và lính Nhật không nổ một phát súng nào.

Khâm sai Phan Kế Toại đánh điện vào Huế trình bầy tự sự và xin rút lui.

Bắc Bộ phủ giao cho một Uỷ ban Nhân dân nắm quyền hành.

Thế là cuộc nổi dậy cướp chính quyền của Việt Minh xảy ra êm đẹp không một phát súng nổ,
không môt phản ứng của nhân dân cũng như của nhà cầm quyền hồi đó. Quân đội Nhật trong tinh trạng bại
trận khoanh tay đứng nhìn không can thiệp.

VIệc cướp chính quyền lan rộng tới Toà Đô Chính, tới các nha sở và các tỉnh. Đốc lý Hà nội nhã
nhặn trao quyền hành. Các quan phủ, huyện, các quan tỉnh im lặng rút lui, trốn tránh sự bắt bớ.
Trong khi đó, nước sông Hồng Hà lên cao xấp mí bờ đê. Sở Thuỷ nông báo động số 3. Khắp dọc
đê dân chúng được điều động để canh đê và lấp những lỗ thẩm hà. Đêm đêm tiếng trống canh đê đánh liên
hồi. Trong những ngày Việt Minh cướp chính quyền các nơi, thì đê Đông Lao thuộc địa phận phủ Hoài đức,
tỉnh Hà đông, bị vỡ. Đông Lao là đê nhỏ, nước tràn ngập các cánh đồng phủ Hoài Đức, huyện Hoàn Long,
huyện Thanh trì, con đường số 6 nối liền Hà Nội-Hà đông bị ngập một khúc mấy cây số trước khi tới tỉnh lỵ,
những con đường thấp phía bờ sông Hà nội cũng bị ngập.

Tại Huế, tối 22-8-45, vua Bảo Đại nhận được điện tín của các đoàn thể thanh niên và trí thức yêu
cầu vua thoái vị nhường cho chính phủ cách mạng Việt Minh lên cầm quyền.

(coi chú thích ở cuối bài điện văn Việt Minh gửi vua Bảo Đại và lễ thoái vị do Bảo Đại viết).

Ngày 23-8-45, Việt Minh biểu tình tại Huế, chiếm các công sở.

Nội các họp bàn liên miên, người bàn rút lui, kẻ bàn chống cự.

Cố vấn Nhật nói với thủ tướng Trần Trọng Kim rằng Nhật vẫn còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến
khi Đồng minh đến thay thế, nếu chính phủ có lời yêu cầu Nhật giúp thì quân đội Nhật có thể tái lập trật tự,
nhưng cụ Kim từ chối.

Cụ Kim hỏi ý kiến Trung Uý Phan Tử Lăng trách nhiệm về Thanh niên và Bảo an ở Huế, thì
Trung Uý Lăng nói không thể trông cậy ở các lực lượng đó được vì thanh niên và lính Bảo an, lính Hộ thành
nhiều người đã ngả theo Việt Minh cả rồi. Trong tình thế đó, trong tay không có một lực lượng nào, nhân dân
cũng rời bỏ, cụ Kim trình bầy lẽ hơn thiệt với nhà Vua.

Ngày 25 tháng 8-1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và, trước phái đoàn Việt Minh từ Hà Nội
vào gồm Trần Huy Liệu, Nguyển Lương Bắng, và Cù Huy Cận, tại lầu Kiến Trung, vua Bảo Đại đọc chiếu
thoái vị, trao ấn kiếm cho phái đoàn tiếp nhận, để trở thành công dân Vĩnh Thuỵ.

Về sau, khi cụ Kim gặp ông Bão Đại ở Hương Cảng, ngày mùng 3 tháng 8 năm 1946, cụ kể rằng:
“Hôm sau tôi gặp ông Bảo Đại, lời đầu tiên ông nói với tôi: “Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn”

Ngày 28-8-1945, danh sách chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà (Việt Minh) được công bố,
gồm 15 người:

- Hồ Chí Minh chủ tịch, Bộ trưởng Ngoại giao,

- Võ Nguyên Giáp, Nội vụ, phó Bộ Quốc phòng,

- Chu văn Tấn bộ trưởng Quốc phòng,

- Trần Huy Liệu bộ truởng Thông tin Tuyên truyền,

- Phạm Văn Đồng bộ trưởng Tài chánh,

- Cù huy Cận Uỷ viên không giữ Bộ nào,

ngoài ra có những bộ giao cho những người không trong đảng Việt Minh.

Ngày 2 tháng 9-1945, tại vườn hoa Ba Đình cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ tiếng Anh, Việt, Pháp,
treo khắp nơi, Hồ Chí Minh ra mắt dân chúng, đọc bản Tuyên ngôn độc lập:
“Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Trời cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm
được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc (…)

Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách Mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về
quyền lợi

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được” (…)

Sau bản Tuyên ngôn Độc Lập là lễ giới thiệu các Bộ trưởng trong chính phủ và kết thúc bằng
những lời thề:

“Chúng tôi toàn thể nhân dân việt Nam xin thề: Ủng hộ chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ
cộng hoà

Ủng hộ Hồ chủ tịch

Xin thề cùng chính phủ giữ vững nền đôc lập cho Tổ quốc, dù phải chết cũng cam lòng.

Chúng tôi xin thề, nếu Pháp xâm lược trở lại thì: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho
Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp”.

Hội nghị Postdam từ ngày 17-7-1945 đến 2-8-45 quyết định cắt Đông Dương ra làm hai khu vực
giải giới quân Nhật, lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới. Sở dĩ như vậy là vì Đông Dương ở vào hai khu vực hành
quân chống Nhật dưới quyền Tổng tư lệnh Mac Arthur. Phía bắc vĩ tuyến 16 thuộc khu vực hành quân của
Chỉ Huy Tây Nam Thái Bình Dương (South West Pacific Command) hay là (China Theater) do quân đội Tàu
đảm nhiệm có cố vấn Mỹ, mới đầu là tướng Stilwell, về sau là tướng Wedemeyer. Phía nam vĩ tuyến 16
thuộc khu vực hành quân của chỉ huy Đông Nam Á (South East Asia Command) gồm Ấn Độ, Mã Lai, Nam
Dương, Miến Điện, Tích Lan và nam Đông Dương, do quân đội Anh đảm nhiệm dưới quyền chỉ huy của Đô
đốc Mountbatten. Vì vậy khi Nhật đầu hàng, việc giải giới Nhật đương nhiên do quân đội Tàu đảm nhiệm ở
phía bắc vĩ tuyến 16 và quân đội Anh ở phía nam vĩ tuyến 16.

Quân đội Trung hoa kéo vào Bắc kỳ do hai ngả Vân Nam và Quảng Tây dưới quyền thống lĩnh
của Thượng tướng Lư Hán. Tám sư đoàn thuộc các quân đoàn 53, 93 và 60 tổng số 80 ngàn quân, một phần
là quân đội chính quy trung ương, một phần là quân đội địa phương Quảng Đông, Quảng Tây. Ngoài số lính,
còn có 50 ngàn mã phu và cu ly đi theo để phục dịch quân đội. Tất cả ùn ùn kéo vào Bắc Việt. Tướng tá lính
và lính chánh quy đi quân xa của Mỹ, lính chánh quy thì quân trang theo Mỹ, mũ sắt, giầy da. Lính địa
phương thì quân trang áo nhồi bông, chân quấn sà cạp, đi bộ hoặc cưỡi lừa ngựa. 50 ngàn mã phu và cu-li
gồng gánh nồi niêu xoong chảo, người thì đi chân đất, kẻ thì đi dép, đầu đội nón mây đan, nhiều người ốm
đau, chân phù thủng, kéo lê lết trên đường, mặt bủng da chì, thiếu ăn, bệnh hoạn.

Ngày 12-9-45, số quân Tàu đầu tiên vào Hà Nội, đặt bộ Tổng tham mưu Đệ nhất Phương diện
Quân của Thượng tướng Lư Hán tại Hà Nội.

Ngày 28-9-45, tướng Lư Hán ra thông cáo như sau:


“Theo lệnh của Chỉ huy tối cao quân lực Đồng Minh, Thượng Tướng chỉ huy trưởng Đệ nhất
Phương diện Quân Trung Hoa nhập Việt để giải giới và hồi hương quân Nhật Bản tại miền bắc 16 độ vĩ
tuyến.

Quân Trung Hoa không có mục đích xâm chiếm Việt Nam mà chỉ đến với tư cách bạn để giữ trật
tự và tái lập hoà bình.

Quân đội Trung Hoa tạm kiểm soát các công sở dân sự và quân sự. Tất cả các công chức phải tiếp
tục công việc như cũ (…)

Ký tên: Thượng Tướng Lư Hán, Chỉ huy trưởng các lực lượng Trung Hoa chiếm đóng.

Hà Nội ngày 28 tháng 9 năm 1945.

Nhập Việt cùng với quân đội Tàu là các nhà cách mạng Việt Nam đã hoạt động từ lâu ở bên Tàu
như cụ Nguyễn Hải Thần, ông Vũ Hồng Khanh, ông Nguyễn Tường Tam thuộc các đảng Việt Nam Cách
mệnh đảng (gọi tắt là Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân đảng (gọi tắt là Việt quốc). Tháp tùng các ông có
những đảng viên võ trang.

Về phương diện chính trị và an ninh chung thì quân đội Trung Hoa không công nhận chính phủ
Việt Minh, nhưng họ vẫn phải liên lạc với chính phủ Việt Minh để giải quyết những vấn đề tiếp tế và trật tự
hàng ngày.

Các tướng Tàu vào Việt Nam thuộc nhiều phe khác nhau. Lư Hán thuộc phe Vân Nam, Chu Phúc
Thảnh, phe Trủng Khánh, Tiêu Văn, một phó tướng, thuộc phe Quảng Tây của tướng Trương Phát Khuê.
Tiêu Văn nắm vai trò quan trọng trong việc chính trị Việt Nam. Ông ta là chỉ huy cơ quan “Việt Nam Cách
mạng Chỉ đạo thất” của tướng Trương, nên ông ta được giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề chính trị nội
bộ Việt Nam. Tiêu Văn được chỉ thị thành lập một chính phủ thân Trung Hoa do các đảng viên Việt Nam
Cách mệnh đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng tham gia điều khiển.

Khi tới Hà Nội, Tiêu Văn rất bực mình thấy Việt Minh đã nhanh tay nắm chính quyền, nên Tiêu
Văn từ chối không nhận căn biệt thự lớn gần hồ Bẩy Mẫu do chính phủ Việt Minh mời đến ở. Tiêu Văn đến
ngụ tại nhà một Bang trưởng ở phố Cửa Đông. Hồ Chí Minh biết Tiêu Văn giữ một vai trò quan trọng nên
tìm cách mua chuộc. Vài hôm sau Hồ Chí Minh thân hành đến nhà vị Bang trưởng ở Cửa Đông để ra mắt
Tiêu Văn trình bầy lẽ hơn thiệt.

Trong khi đó các ông Nguyễn Hãi Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam hàng ngày phát
truyển đơn và phát các tờ báo Việt Nam, Thiết Thực, Liên Hiệp, mà các ông xuất bản và hàng ngày phát
thanh ở một biệt thự góc đường Quan Thánh - Hàng Bún đả kích mạnh mẽ chính phủ Việt Minh, kể tội Hồ
Chí Minh phản bội thoả hiệp Liễu Châu, đòi chính phủ Việt Minh phải từ chức nếu không sẽ lật đổ bắng võ
lực v.v…

Trong tình hình đó, quân đội Tàu lại gây ra một nguy cơ kinh tế khốc hại. Hồi đó Tàu có hai loại
tiền giấy, một là tiền Quốc Tệ, mất hết giá không còn giá trị gì, hai là tiền Quan Kim, cũng đang mất giá.
Quân đội Tàu mang những mớ tiền giấy đó sang Việt Nam bắt phải chấp nhận với hối suất ép buộc là một
đồng bạc Việt Nam ăn 30 đồng tiền Quốc Tệ và một đồng rưỡi Việt Nam ăn một đồng Quan Kim. Thực tế,
trên thị trường thì một đồng VN ăn 5 đồng Quan Kim, hay một đồng Vn ăn 100 đồng Quốc tệ. Quân đội Tàu
vung tiền mất giá ra đổi, mua thực phẩm, ăn sài thoả thích và mua các châu báu, quý kim mang về Tàu. Giới
buôn bán khuynh gia bại sản vì tiền Tàu mỗi ngày mỗi mất giá, đến khi quân Tàu rút về nước, họ chỉ còn giữ
được một mớ giấy lộn không biết kêu vào đâu.

Mặt khác, vỉ chưa in được giấy bạc để chi tiêu, chính phủ Việt Minh kêu gọi dân đóng góp. Chính
phủ tổ chức khắp nơi một Tuần Lễ Vàng để lập Quỹ Độc Lập. Trong một tuần lễ từ ngày 11-9-45, thâu được
20 triệu đồng bạc và 370 ki lô vàng.

Nhiều tin đồn về số phận 370 ký vàng này. Người ta đồn có những khay vàng, tẩu hút thuốc
phiện, tiêm, móc, đèn hút thuốc phiện, đúc bằng vàng để tặng cho các tướng Tàu, nhất là Tiêu Văn mà cụ
Nguyễn Hải Thần đã lên tiếng trong một buổi mít tinh, công khai tố giác Tiêu Văn ăn hối lộ để bênh vực
chình phủ Việt Minh và bỏ rơi các đảng phái cách mạng.

Dân chúng còn bị một đòn kinh tế nữa. Số là, mặc dầu vật đổi sao rời, hết Pháp, đến Nhật, đến
chinh phủ Trần Trọng Kim, đến Việt Minh, đến Tàu, nhà Băng Đông Dương (Banque d'Indochine) vẫn đứng
vững như bàn thạch vì lẽ ngân hàng này là một ngân hàng phát hành tiền tệ cho khắp Đông Dương. Thời
Nhật Bản nắm quyền, từ 9-3-45 đến 15-9-45, ngày Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng, quân đội Nhật ra lệnh cho
Ngân hàng Đông Dương phát hành loại giấy 500 đồng in hình Rồng Vàng và Rồng Xanh. Giấy bạc in tại nhà
in Ideo của Pháp tại Hà Nội nên thô sơ không được tinh vi như giấy bạc in ở Pháp hay ở Mỹ, cho nên đã có
nhiều giấy giả được tung ra. Khi quân đội Tàu mang tiền Quốc Tệ và tiền Quan Kim đến nhà băng đổi tiền,
họ bắt nhà băng phải theo hối suất do họ đặt ra, nghĩa là một quan kim ăn một đồng rưỡi VN, 1 đồng VN ăn
30 quốc tệ. Lẽ tất nhiên tiền Rồng Vàng, Rồng xanh được mang ra đổi cho họ, cả hai bên, Tàu và Tây, đều có
lợi vì tiền giấy lộn nọ đổi cho giấy lộn kia để mua đồ, chỉ có nhân dân VN là bị thiệt thòi.

Ngày 6-9-1945 tướng Gracey của Anh quốc vào Sài gòn chỉ huy sư đoàn 20 của Anh, gồm các
lính Gourkha, đầu cuốn khăn, gốc Katmandou xứ Népal (bắc Ấn độ), tiến vào tước khí giới quân Nhật. Pháp
điều đình để thay thế Anh sau khi Anh hết nhiệm vụ giải giới quân Nhật nên bấy giờ Pháp đã thắng thế ở
miền nam Đông Dương. Tướng Leclerc trở lại Sài gòn ngày 5-10-45,

Pháp biết rằng các tướng Tàu đã cất giữ nhiều tiền 500 Rồng Vàng, Rồng Xanh, nên Ngân hàng
Đông Dương ra lệnh đổi tiền giấy 500 trong một thời hạn rất ngắn, lấy cớ là phải thâu hồi gấp vì có quá
nhiều tiền giả, quá hạn không đổi thì loại tiền đó không còn giá trị.

Quân đội Tàu phản đối.

Dân chúng xếp hàng trước cửa nhà băng để đổi tiền.

Ngày 26-11-45, nhiều tiếng súng nổ, nhiều người dân đứng xếp hàng đổi tiền bị thiệt mạng. Ngân
hàng vội vã đóng cửa. Chính phủ Việt Minh phản đối, dân chúng sôi sục đòi biểu tình để phản đối Pháp.
Tướng Pháp Salan sợ to chuyện, vội vàng nhờ tướng Mỹ Gallagher là cố vấn quân sự của chính phủ Tàu can
thiệp. Quân Tàu cho là Pháp có lỗi. Lư Hán ra thông cáo đóng cửa ngân hàng, ngưng việc đổi tiền và cho
quân lính đến canh giữ ngân hàng.

Phong trào tẩy chay Pháp nổi lên và những cuộc biểu tỉnh lớn chống Pháp được dự định vào ngày
chôn cất các nạn nhân. Đài phát thanh Bạch Mai của chính phủ Việt Minh phát nhiều bài chống Pháp.
Tướng Salan chỉ huy quân đội Pháp ở Băc Việt lo ngại không thể bảo vệ được an ninh cho Pháp
kiều ở Hà Nội, nên phải nhờ đến Lư Hán và tướng Gallagher can thiệp với chính phủ Việt Minh để chấm dứt
những vụ biểu tình và những bài phát thanh chống Pháp. Ngày 7-12-45, Pháp điều đình với Tàu về vụ tiền
500, các tướng Tàu đều hả dạ vì không bị thua thiệt gì cả, Ngân hàng Đông Dương lại mở cửa để tiếp tục đổi
tiền cho dân chúng. Dân chúng bị thiệt hại rất nhiều, giấy bạc 500 Con Rồng càng ngày càng mất giá, nhiều
người không thể xếp hàng được phải bán cho những người buôn tiền với giá còn một nửa. Dân chúng ở vùng
xa không biết tin tức lúc biết thì đã quá hạn tiền không tiêu được, đành ngậm đắng nuốt cay.

Trong tình trạng lộn sộn đó, Việt Minh dùng chính sách mềm dẻo với quân Tàu, mua chuộc các sĩ
quan từ cấp cao như Lư Hán, Tiêu Văn đến các cấp nhỏ, nhượng bộ quân Tàu và nhượng bộ các đảng phái
quốc gia thân Tàu. Việt Minh cho rằng Tàu không là địch thủ đáng sợ, chỉ phải chịu đựng trong thời gian
ngắn Tàu giải giới quân Nhật mà thôi. Pháp mới là địch thủ đáng lo ngại hơn. Hơn nữa Việt Minh phải cố
nhường nhịn để củng cố lực lượng, nếu có sự đụng chạm lớn xẩy ra thì phần thiệt về Việt Minh, phần lợi về
các đảng phái. Việt Minh lo ngại một cuộc đảo chính, nên Hồ Chí Minh không dám ngủ ở Bắc Bộ phủ mà
mỗi đêm đều thay đổi chỗ ngủ, khi thì ngủ ở làng Bưởi, khi thì ngủ ở số 8 phố Bờ Hồ, khi thì ngủ ở Ngã tư
sở

Quân đội Tàu thì không dám dùng sức mạnh lật đổ chính phủ Việt Minh vì sợ mang tiếng với thế
giới là mang danh Đồng minh đi xâm lăng, hơn nữa Lư Hán và Tiêu Văn đã nhận được hối lộ nhiều nên
không muốn gây rắc rối, hờ hững việc lật Việt Minh ra ngoài chính quyền để đưa các đảng phái chính trị
quốc gia vào thay thế.

Vì vậy mà Tiêu Văn nghĩ cách hoà giải cả đôi bên Việt Minh và quốc gia. Tiêu Văn đề nghị thành
lập một chính phủ liên hiệp gồm hai phe, Việt Minh, và các đảng phái. Việt Minh hoan hỉ nhận giải pháp.
Các đảng quốc gia được thoả mãn một phần nào nên cũng chấp nhận. Cuối tháng 11-1945, các Việt Minh và
các đảng phái quốc gia thoả thuận chấm dứt đả kích lẫn nhau để thành lập một chính phủ Liên hiệp lâm thời,
tổ chức cuộc Tổng tuyển cử và tổ chức thống nhất quân đội.

Ngày mùng một tháng giêng 1946 (1-1-46) Chính phủ lâm thời ra mắt tại Nhà Hát Lớn Hà Nội,
gồm 12 vị:

- Hồ Chí Minh (Việt Minh), Chủ tịch

- Nguyễn hải Thần (VNCMĐMH), Phó chủ tịch

- Huỳnh thúc Kháng (Trung lập), Bộ Nội Vụ

- Phan Anh (Trung lập), Bộ Quốc phòng

- Lê văn Hiến (Việt Minh), Bộ trưởng Tài chánh

- Đặng thái Mai (Việt Minh), Bộ trưởng Giáo dục

- Vũ đình Hoè (Dân chủ), Bộ trưởng Tư pháp

- Trần đăng Khoa, Bộ Giao thông (Dân chủ)

- Nguyễn Tường Tam (Đại Việt dân chính, VNCMĐMH), Bộ Ngoại giao

- Chu bá Phượng (VNQĐD), Bộ Kinh tế


- Trương đình Chi (VNCMĐMH), Bộ Xã hội

- Bồ xuân Luật (VNCMĐMH), Bộ Canh nông

Ngày 6 tháng 1-1946 tiến hành cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc. Một cuộc tổng tuyển cử toàn quốc
mà sự tổ chức, ứng cử, tranh cử, bỏ phiếu chỉ có 5 ngày, thật là một phép lạ?

Theo tuyên bố của chính phủ Việt Minh thì cuộc tổng tuyển cử được tổ chức khắp nơi Trung Nam
Bắc, ngay cả tại các nơi đang có chiến sự với Pháp ở Nam Bộ và Trung bộ.

Có 333 đại biểu được bầu vào Quốc hội. Các đảng phái không ra ứng cừ nên không có đại biểu
dân cử.

8 giờ sáng ngày 2 tháng 3-1946, 300 đại biểu đã có mặt tại nhà Hát lớn Hà Nội. 33 đại biểu Nam
bộ không ra họp kịp. Hồ Chí Minh và các Bộ trưởng trong chính phủ Liên hiệp lâm thời tới, Phó chủ tịch
Nguyễn hải Thân cáo ốm không tới dự.

Đại biểu cao niên nhất là Ngô Tử Hạ và đại biểu trẻ tuổi nhất là Nguyễn đình Thi chào đón chính
phủ. Hồ Chí Minh tuyên bố khai mạc Quốc hội và đề nghị mở rộng thêm 70 ghế dành cho đại biểu các đảng
phái. Các đại biểu vỗ tay hoan nghênh. Bấy giờ 70 vị đại biểu của các đảng phái mới tiến vào những ghế
trống dành riêng cho họ.

Hồ Chí Minh tường trình kết quả những kết quả mà Chính phủ lâm thời đã làm trong mấy tháng
qua, rồi tuyên bố Chinh phủ lâm thời từ chức, giao quyền cho Quốc hội cử một chính phủ mới.

Đại diện Quốc hội tuyên bố chấp thuận việc từ chức của Chính phủ lâm thời và đề cử Hồ Chi
Minh và Nguyển hải Thần làm Chủ tịch và Phó chủ tịch, thành lập chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Liền
sau đó Hồ Chí Minh giới thiệu thành phần chính phủ mới, cũng là những thành phần của chính phủ lâm thời
ra mắt ngày 1-1-46.

Sau đó Hồ Chí Minh giới thiệu Uỷ ban Kháng chiến toàn quốc do Võ Nguyên Giáp cầm đầu, và
Cố vấn đoàn do Vĩnh Thuỵ cầm đầu.

Quốc hội thành lập một ban thường trực do Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban và đề cử một Uỷ ban
dự thảo hiến pháp. Đến 1 giờ trưa thì chấm dứt buổi họp.

* Ất Dậu 1945 kết thúc bằng một liên minh giả tạo giữa Việt Minh (Việt Minh) và các đảng phái
quốc gia, chẳng bao lâu thì Liên minh tan rã.

* Ất Dậu 1945, đất nước bị ngoại bang giày xéo, nào Tây, nào Tàu, nào Nhật, nào Ăng lê,

* Ất Dậu 1945, một triệu người dân chết đói, chết chẳng được một lời thương xót, một lời cầu
nguyện, chết trong lãng quên, chết giữa những cuộc tranh chấp quyền hành. Một triệu dân nghèo bỏ mình, có
khi cả gia đình, có khi cả làng, vì những lệnh ác độc của những kẻ cầm quyền, một triệu người Việt chết uất
ức, tức tưởi, căm hờn, chết không biết vì sao mà chết.

* Ất Dậu 1945 chấm dứt vương quyền nhà Nguyển, 143 năm kể từ 1802 vua Gia Long lên ngôi,
hay 387 năm kể từ năm 1558 chúa Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) vào trấn thủ Thuận Hoá.

* Ất Dậu 1945 vô hiệu hoá những hiệp ước 1862, 1874, 1884 mà VN buộc phải ký nhượng thực
dân Pháp lãnh thổ miền Nam làm thuộc địa và đặt Bắc kỳ làm xứ bảo hộ. Điều 15 hiệp ước 1884 có nói:
“Nước Pháp cam kết bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Đức Vua An Nam và bảo vệ Đức Vua An Nam chống
ngoại xâm hay chống các cuộc nổi loạn”. Pháp đã không giữ được điều cam kết đó trước cuộc đảo chính 9-3-
45 của Nhật bổn nên ngày 11-3-45 Bảo Đại mới có lý do pháp lý tuyên bố huỷ bỏ các hiệp ước ký cuối thế
kỷ 19 giữa VN và Pháp.

* Ất Dậu 1945 khởi thủy cho sự áp đặt một chủ nghĩa ngoại lai, chủ nghĩa cộng sản phong kiến,
lỗi thời, lạc hậu, cổ hủ như thời trung cổ

* Ất Dậu 1945 khởi thủy cho cuộc chiến Việt Pháp 1946-1954, kết cục bằng hiệp định Genève
chia đôi đất nước

Ất Dậu 2005

60 năm, từ 1945 tới 2005.

Ngày nay thế giới đã tiến bộ trong nhiều lãnh vực, khoa học, tư tưởng, tự do, nhân quyền. Mục
tiêu tranh đấu không còn là tranh đấu giai cấp của thế kỷ 19, thế kỷ 20. Chiến tranh chiếm đất đai làm thuộc
địa đã lỗi thời không còn là chiến tranh chiếm thuộc địa của thực dân thế kỷ 18, 19. Cai trị bằng áp bức, nô lệ
hoá dân của độc tài, phát xít, cộng sản Sô viết cũng đã lỗi thời.

Thế giới ngày nay đã tiến tới một nền văn minh mới, một nền kinh tế toàn cầu với những phát
minh tân tiến tối tân, những phương tiện truyền thông nhanh chóng, chớp nhoáng, của internet, email, dân trí
đã tiến bộ khắp nơi, ngay cả dưới chế độ độc tài cộng sản. Chính sách sở trường của chế độ cộng sản là bưng
bít những hành động cấm đoán, bắt bớ giam cầm, đàn áp những người đòi tự do nhân quyền, không còn có
thể che đậy thế giới bên ngoài được nữa. Chế độ cộng sản lỗi thời đang đi đến cáo chung. Còn chờ đợi gì nữa
mà cộng sản VN vẫn cấm đoán giam cầm những người đòi sử dụng quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do
thông tin, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do phát biểu ý kiến, những quyền mà Hồ chi Minh đã công nhận và
đọc trong bản tuyên ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình Hà Nội: “Tất cả mọi người sinh ra
đều bình đẳng. Trời cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được…”

Sau khi Việt Minh cướp chính quyền ờ Hà Nội, Khâm sai Phan Kế Toại điện tín vào Huế báo cáo
với chính phủ Trần Trọng Kim tình hình ở Hà Nội và xin từ chức. Tiếp theo là điện tín của đoàn thể Thanh
niên và Trí thức yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị để nhường quyền cho chính phủ cách mạng.

Vua Bảo Đại kể (bằng chữ Pháp) giai đoạn này trong sách Le Dragon d'Annam, Ed Plon, 1980,
trang 118 tới 121 như sau:

“Tối 22-8-1945 ông chủ sự sở Giây thép Huế mang vào cung trao cho tôi một bức điện tín vừa
nhận được, có nội dung như sau:

“Trước nguyẽn vọng của toàn dân sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh để giữ vững nền độc lập quốc
gia, chúng tôi trân trọng yêu cầu Nhà Vua hãy làm một hành động lịch sử bằng cách trao lại quyền hành cho
toàn dân “

Tôi gửi điện tín trả lời Uỷ ban những người ái quốc ở Hà nội như sau:

“Đáp lời kêu gọi của Uỷ ban, tôi sẵn sàng thoái vị. Trong giờ phút quyết định này của lịch sử,
đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh để thực hiện sự đoàn kết. Tôi yêu cầu
những vị lãnh đạo của Uỷ ban đến Huế càng sờm càng tốt để chuyển giao quyền hành”.
Sáng ngày 25-8-1945, hai người đại diện tới hoàng cung. Hai người này là đại diện đảng Độc Lập
Đồng Minh Hội ở Hà Nội cử vào Huế. Trần Huy Liệu, trưởng phái đoàn cũng là Phó chủ tịch của Uỷ ban là
một người nhỏ bé, ăn mặc xoàng xĩnh, đeo kính dâm để che cặp mắt lác xệch.

Cù Huy Cận, người đồng hành với Trần Huy Liệu, cũng không có gì đặc biệt. Tôi hơi thất vọng.

Trần Huy Liệu đưa ra một tờ giấy uỷ quyền không đọc rõ tên người ký, trịnh trọng nói: “Chúng
tôi lấy làm vinh dự được chủ tịch Uỷ ban giải phóng Hồ Chí Minh, nhân danh toàn thể dân Việt Nam, cử
chúng tôi tới nhận quyền hành mà Nhà Vua trao lại cho Uỷ ban”.

Lần đầu tiên tôi nghe thấy nói tới chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đưa tờ chiếu thoái vị ra.

Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đọc, bàn riêng với nhau mấy câu, rồi quay về phía tôi, Trần Huy
Liệu nói:

- Thay mặt toàn dân Việt Nam, chúng tôi chấp nhận tờ chiếu thoái vị này. Chúng tôi đề nghị với
Nhà Vua tổ chức một buổi lễ ngắn để Nhà Vua tuyên đọc bản chiếu thoái vị.

Buổi chiều hôm đó, khoảng vài ngàn người được huy động gấp đến cửa Ngọ Môn, tôi mặc triều
phục đọc tờ chiếu cuối cùng đề ngày 25 tháng 8-1945. tuyên bố thoái vị.

Trong bầu không khí không thoải mái, tôi vội đưa chiếc quốc ấn, biểu hiệu vương quyền, cho
Trần huy Liệu, mà tôi có cảm tưởng ông ta đang sống trong một cảnh tượng vượt thời gian.

Tôi lui vào nội cung.

Dân chúng yên lặng tản mác (…)

Ngày 23 tháng 8-1945, Việt Minh biểu tình tại Huế, chiếm các công sở.

Nội các Trần Trọng Kim họp bàn liên miên, người bàn rút lui, người bàn chống cự. Cố vấn Nhật
liên lạc với cụ Trần Trọng Kim, nói với cụ rằng Nhật vẫn còn trách nhiệm giữ trật tự, nếu chính phủ yêu cầu
Nhật giúp thì quân đội Nhật có thể tái lập trật tự. Cụ Trần Trọng Kim từ chối.

Ngày 25-8-45, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị.

Vua Bảo Đại viết hai tờ chiếu thoái vị, một gửi cho quốc dân, một gửi cho hoàng tộc.

Trong tờ Chiếu gửi quốc dân vua Bảo Đại tuyên bố:

Việt Nam Hoàng đế ban chiếu:

Hạnh phúc của dân Việt Nam

Độc lập của nước Việt Nam.

tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hy sinh hết cả mọi phương diện và cũng vì phương diện ấy nên Trẫm
muốn sự hy sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.

Xét thấy điều bổ ích cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày
22 tháng 8 vừa rồi rằng: Trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.
Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc Bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi
Quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện
cho người lợi dụng.

Cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh vào sinh ra tử trong gần 400
năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hoá tới Hà Tiên.

Mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy
tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường
quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính phủ dân chủ cộng hoà.

Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều này:

1) Đối với Tông Miếu và Lăng Tẩm, chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể

2) Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi theo sát
phong trào dân chúng, Trẫm mong chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hoà xử trí để những phần tử ấy cũng có thể
giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ Dân chù cộng hoà nước ta xây đắp ở trên sự đoàn kết
của toàn thể quốc dân.

3) Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết cả các giai cấp, các đảng phái cho đến cả người Hoàng phái
cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng
vì lòng quyến luyến Trẫm và Hoàng gia mà sinh chia rẽ.

Còn về phần Trẫm, sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay Trẫm
lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh
nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa.

Việt Nam độc lập muôn năm!

Dân chủ cộng hoà muôn năm!

Chiếu thứ hai gửi bà con trong Hoàng tộc:

Việt Nam Hoàng đế ban chiếu cho bà con trong Hoàng tộc:

Kề từ ngày Đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế vào trấn ở Thuận Hoá đến nay là 388 năm.

Trong non 4 thế kỷ, Liệt Thánh chúng ta trước đã trải qua biết bao nhiêu sự gian lao nguy hiểm vì
nước vì dân mới truyền ngôi lại cho Trẫm được đến ngày nay.

Cái gia tài quý báu di truyền đã gần 400 năm ấy, nay trong giây phút Trẫm bỏ hết cá. Bà con trong
Hoàng tộc ai mới nghe cũng phải đau dón ngậm ngùi.

Song Trẫm biết rằng, đó chỉ là một cái cảm tình thoáng qua trong chốc lát mà thôi chớ bà con ai
cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét gần thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định lấy ba chữ “ Dân
Vi Quý “ làm một khẩu hiệu của chính thể mới, sau khi đã tuyên bố:

“Để hạnh phúc dân lên trên ngai vàng”

“Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ “
nay Trẫm quyết định thoái vị để giao vận mệnh quốc gia lại cho một chính phủ có đủ điều kiện
huy động hết thẩy lực lượng của toàn quốc mà giữ vững nền độc lập của nước, hạnh phúc cho dân.

“Độc Lập Của Nước, Hạnh Phúc Của Dân “ vì tám chữ đó mà trong 80 năm qua biết mấy mươi
ngàn vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa, trong lao đen ngục tối.

Đối với sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt sĩ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, Trẫm cho
sự thoái vị của Trẫm là thường.

Vậy Trẫm chắc rằng, bà con trong Hoàng tộc sau khi nghe lời Chiếu thoái vị, ai ai cũng vui lòng
để nợ nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ chính phủ dân chủ, giữ
vững nền độc lập cho Tổ quốc. Thế mới là mõt cách chân chính cao thượng giữ chữ Trung với Trẩm và chự
Hiếu với Liệt Thánh.

Việt Nam độc lập muôn năm!

Dân chủ cộng hoà muôn năm!

Sau khi thoái vị, Việt Minh đưa vua Bảo Đại ra Hà Nội, phong cho chức Cố vấn tối cao của nước
Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Cụ Trần Trọng Kim thuê nhà ở Vĩ Dạ, Huế, mấy tháng sau cũng cùng gia đình ra ở Hà Nội.

Thế là chấm dứt một giai đoạn lịch sử.

Cụ TrầnTrọng Kim tuy là một học giả uyên bác, tác phong đạo đức, nhưng cụ không phải là một
chính trị gia, làm việc thật thà, không có tinh toán mưu mô chính trị, nên trong thời gian bị đưa đẩy về cầm
quyền chính, cụ bị mang tiếng là thân Nhật. Thực ra thì cụ vô tình làm một lá bài của Nhật Bổn, dự bị từ lâu
dùng cụ trong một giai đoạn. Nếu Nhật Bãn không bị thất trận ngay, cụ Kim có thì giờ nhiều, chắc cũng có
thể làm được một vài cải cách sâu rộng ích quốc lợi dân, nhưng dầu sao cụ Kim cũng được nhiều người mến
phục vì tài học uyên thâm của cụ chứ không phải vì tài chính trị, điều khiển quốc gia trong một giai đoạn
ngắn ngủi nhỏ nhoi.

Tại cả hai miền giải giới quân đội Nhật, miền Bắc và miền Nam vĩ tuyến 16, quân đội Pháp không
được Đồng Minh giao trách nhiệm gì, nhưng chính phủ Pháp cho rằng toàn thể lãnh thổ Đông Dương vẫn là
đất thuộc địa và bảo hộ của Pháp như trước ngày 9-3-45. vì vậy, ngày 8-12-1943, tướng De Gaulle đã lên
tiếng tại Alger về sự cần thiết tái lập chù quyền của Pháp tại Đông Dương.

Từ trước, tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung quốc, quân đội Đồng minh đã đặt
những cơ quan quân sự và ngoại giao.

- Mỹ đặt tại đó các cơ quan đầu não chiến tranh như CCC (Chinese Combat Command), AGAS
(Air Ground Aid Services), OSS (Office of Strategic Services, cơ quan tình báo) và Tư lệnh không quân Sư
đoàn 14 của Mỹ.

Vì vậy, nhân một cuộc giúp đỡ Trung uý phi công Mỹ tên là Shaw hỏng máy bay phải nhảy dù
xuống khu vục Cao Bằng hồi cuối năm 1944, Việt Minh đã chính thức liên lạc được với quân đội Mỹ ờ Côn
Minh. Khoảng tháng 2-1945, Hồ Chí Minh tới Côn Minh và Quảng Tây gặp đại tá Helliwell, Giám đốc sở
tỉnh báo OSS của Mỹ ở Hoa Nam. HCMinh nhận giúp đỡ những phi công bị nạn, nhảy dù xuống vùng Việt
bắc, ngược lại Mỹ nhận thả dù thuốc men và khí giới nhẹ để giúp Việt Minh chống Nhật.

- Quân đội Trung Hoa đặt tại đó Bộ Tham Mưu tối cao.

- Anh quốc đặt một lãnh sự quán và một phái đoàn quân sự.

- Pháp quốc đặt một lãnh sự quán và một phái đoàn quân sự do Trung tá Jean Roger Sainteny cầm
đầu từ 1943. Phái đoàn này là một trong hai phái đoàn quân sự của Pháp ở Á châu, phái đoàn thứ hai đặt ờ
Calcutta, Ấn độ. Cả hai phái đoàn có nhiệm vụ liên lạc giữa Pháp và Đồng minh.

Phái đoàn Sainteny cũng được gọi là phái đoàn số 3, có nhiệm vụ quan trọng là:

- liên lạc với người Pháp ở Đông Dương,

- thâu thập các tin tức và chuyển đến các cơ sở tình báo của đồng minh,

- đưa sang Trung quốc những người Pháp trốn tránh Nhật, hay những người Pháp không chịu hợp
tác vói chính phủ Vichy (là chính phủ thân Đức quốc xã ở Pháp)

- tổ chức những sự cứu giúp những phi công Hoa Kỳ bị nạn trên không phận Đông Dương

- liên lạc với những phần tử bản xứ Đông Dương kháng Nhật.

Ngày 15-8-1945 khi quân đội Nhật đầu hàng thì ông Sainteny quyết định trở về Hà Nội ngay để tỏ
sự hiện diện của Pháp, nhưng khi ông yêu cầu Mỹ giúp cho phương tiện chuyển vận thì ông không được đáp
ứng thoả mãn. Dịp may mắn đến cho ông ta là ngày 17-8-45, một máy bay DC-3 của Pháp đến Côn Minh.
Sainteny điều đình với viên phi công tên là Fulachier chở ông về Hà nội. Fulachier đồng ý nhưng máy bay
không được quân đội Trung Hoa ở Côn Minh cho phép cất cánh. Mãi đến ngày 22-8-45 máy bay mới được
phép rời khỏi Côn Minh trực chỉ phi trường Gia Lâm. 13giờ 30 máy bay bay thấp, lượn vòng quanh Hà Nội.
Sainteny thấy toàn thể thành phố đỏ rực với cờ, chung quanh thành phố thì trắng xoá với làn nước bạc của
sông Hồng tràn vào vì vỡ đê. Sainteny tính nếu phi trường Gia Lâm không sử dụng được, máy bay không
đáp xuống phi đạo được, thì ông ta sẽ nhảy dù xuống, nhưng phi cơ đã đáp xuống an toàn vô sự. Từ máy bay
xuống, Sainteny bị quân Nhật thẩm vấn, lúc đó quân Nhật còn có bổn phận canh gác phi trường. Sau đó
Sainteny và ba người tuỳ tùng được đưa về Hà nội bằng xe hơi. Theo lời yêu cầu của ông, họ đưa tới khách
san Métropole là nơi có nhiều người Pháp trú ngụ. Dọc đường vào Hà Nội, Sainteny gặp thiếu tá Patti,
trưởng phái đoàn Mỹ. Patti lên cùng xe hơi vào Hà Nội. Trên xe, Patti báo cho Sainteny biết là người Pháp sẽ
gặp nhiều khó khăn trong sự giao thiệp với Việt Minh.

Tại Hà Nội, cờ đỏ sao vàng treo khắp nơi cùng với các biểu ngữ bằng các tiếng Việt, Anh, Pháp,
Trung Hoa. Dân chúng thấy lính Nhật đưa người Pháp vào Hà Nội cho là một sự khiêu khích, liền tụ họp
càng lúc càng đông đảo trước khách sạn Métropole để phản đối. Lính Nhật thấy vậy liền khuyên ông
Sainteny tìm nơi khác vắng vẻ để trú ngụ vì quân đội Nhật không có trách nhiệm bảo vệ ông ta. Sainteny yêu
cầu dẫn ông ta tới Phủ Toàn Quyền. Tại nơi đây, Sainteny liên lạc với kiều dân Pháp qua trung gian của
tướng Chamagne lúc bấy giờ Chamagne được tự do đi lại để tiếp tế cho Pháp kiều vì ông ta trông phụ trách
sở Quân nhu.Về sau Sainteny tổ chức lại những cơ sở nền móng cho các cơ quan hành chính sau này.

Lúc bấy giờ, tại nước Pháp, chính phủ lâm thời do tướng De Gaulle lãnh đạo dự tính đặt lại chủ
quyền Pháp ở Đông Dương. De Gaulle cử đại tướng Leclerc, một trong số những danh tướng Pháp đã chiến
đấu thắng Đức quốc, cầm đầu một đạo quân viễn chinh sang Đông Dương để tái chiếm lại thuộc địa này. Đô
đốc Thierry d'Argenlieu, một thầy tu dòng Carmes, cựu sĩ quan Hải quân thời đệ nhất thế chiến (1914-1918),
và là sĩ quan kháng chiến chống quân Đức cạnh tướng De Gaulle trong thời đệ nhị thế chiến (1939-1945),
được cử làm Cao Uỷ Đông Dương thay thế toàn quyền Decoux, có trách nhiệm thực hiện chương trình tái
chiếm. Ông Messmer được cử làm Uỷ viên chính phủ Pháp tại miền Bắc Việt Nam, ông Cédile làm Uỷ viên
chính phủ Pháp tại miền NamVN. Ngày 22-8-1945 hai ông được thả dù xuống, Cédile vào được tới Sài gòn
bình an vô sư, trái lại Messmer nhảy dù lạc xuống vùng Thái Nguyên bị Việt minh bắt cầmtù. Đến ngày 18-
10-1945, nhân ngày Tết Trung Thu, sự canh phòng lỏng lẻo, Messmer cùng với một nhân viên vô tuyến cùng
nhảy dù xuống với ông tên là Marmont, trốn thoát được, chạy bộ về Bắc Ninh nhờ quân đội Tàu đưa về Hà
Nội. Tới Hà Nội Messmer gặp Sainteny, nhưng chính phủ Pháp đã cử Sainteny làm Uỷ viên thay thế trong
khi ông Messmer bị cầm tù. Messmer vào Sài gòn rồi về Pháp, bẩy tháng sau ông trở lại Đông Dương cầm
đầu phái đoàn điều đình với Việt Minh ở Đà Lạt.

Về sau ông Messsmer làm Tổng trưởng Quốc phòng, năm1972 làm Thủ Tướng Chính phủ Pháp.

Trở lại việc Sainteny vào Hà nội ngày 22-8-1945.

Lúc bấy giờ Sainteny là Chỉ huy trưởng Phái đoàn quân sự số 5 đóng ở Côn Minh. Phái đoàn này
thuộc cơ quan DGER (Tổng nha nghiên cứu và Diếu tra) do Đại Tá Roos làm giám đốc. Sainteny có nhiệm
vụ liên lạc giữa chính phủ Pháp và các cơ quan quân sự Đồng minh khu Thái Bình dương, liên lạc với Pháp
kiều cư ngụ ở Đông Dương và giúp đỡ các phần tử kháng chiến chống Nhật. Khi vào Hà Nội Sainteny gặp
thiếu tá Patti, trên đường từ Gia Lâm sang Hà Nội. Patti là nhân viên phái bộ quân sự Mỹ vào Việt Nam cùng
với quân đội Trung Hoa để liên lạc với chính phủ Việt Minh và cũng để xem xét tình hình chính trị. Nguyên
lúc Việt Minh còn ở trong chiến khu Việt Bắc, cơ quan OSS của Mỹ đã thả dù khí giới nhẹ tiếp tế cho Việt
Minh để chống Nhật, ngược lại Việt Minh cho Mỹ những tin tức về quân đội Nhật và giúp đỡ những phi
công Mỹ mà máy bay bị hạ phải nhảy dù xuống vùng Việt Bắc. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã tới trụ
sở OSS ở Côn Minh gặp đại tá Helliwell yêu cầu trợ giúp khí giới, nhiều hình chụp cuộc gặp gỡ này đã được
Việt Minh phổ biến.

Phái bộ quân sự Mỹ đến Bắc việt gồm có:

- Thiếu tá Patti, chỉ huy ban Gián điệp OSS,

- Đại tá Nordlinger chỉ huy ban G5, phụ trách việc tìm kiếm những tù binh Mỹ và cơ quan
Airground Service điều tra về tội ác chiến tranh.

- Đại tá Farris phụ trách tìm xác những phi công mất tích.

Phái bộ Mỹ, nhất là Patti và Farris đều có thiện cảm với phong trào tranh thủ độc lập của Việt
Minh, phái bộ chống đối việc Pháp trở lại Đông Đương. Về sau phái bộ Mỹ thấy Việt Minh càng ngày càng
tỏ khuynh hướng cộng sãn, không thân Tây phương, nên phái bộ Mỹ thôi không tham dự những buổi họp
công khai với Việt Minh và thôi không tham gia những buổi mít tinh do Việt Minh tổ chức, dần dần phái bộ
rút hết nhân viên về Mỹ.

Như trong một đoạn trên đã nói, chính phủ De Gaulle dự định tái chiếm thuộc địa Đông Dương,
nên ngày 24-3-1945 chính phủ Pháp tuyên bố, đại ý như sau (nguyên văn bản tuyên bố đăng trong tờ Công
báo Pháp quốc ngày 25-03-45):
“(…) Chính phủ Pháp cho rằng các nước Đông Dương sẽ giữ một vai trò đặc biệt trong cộng đồng
Pháp quốc và sẽ được hưởng một nền tự đo tương đối, tuỳ theo khả năng và trình độ phát triển của họ, như
đã hứa trong bản Tuyên ngôn ngày 8-12-43 của Uỷ ban Giải phóng Quốc gia Pháp.

“(…) Chính phủ Pháp nghĩ cần phải định rõ ngay từ giờ thể chế của Đông Dương để áp dụng liền
ngay sau khi Đông Dương thoát khỏi sự chiếm đóng của quân địch.

“(…) Liên bang Đông Dương hợp với Pháp và các phần tử khác (tức là các thuộc địa khác) trong
cộng đồng, thành Liên Hiệp Pháp mà quyền lợi đối ngoại sẽ do Pháp đảm nhiệm. Đông Dương sẽ được tự do
trong khuôn khổ Liên Hiệp này.

“(…) Người dân Liên bang Đông Dương sẽ mang quốc tịch của Liên bang và đồng thời mang
quốc tịch Liên hiệp Pháp. Với danh nghĩa đó, họ có thể làm bất cứ công việc gì trong phạm vi Liên Hiệp
không phân biệt hay hạn chế gì cả. Những điều kiện tham dự vào các cơ quan Liên hiệp Pháp và thể chế
quốc tịch Liên hiệp Pháp sẽ được định rõ trong Hiến pháp của Liên Hiệp.

“(…) Đông Dương sẽ có một chính phủ Liên bang do Toàn quyền Đông Dương làm chủ tịch, các
bộ trưởng sẽ do chủ tịch chọn trong số người bản xứ hay người Pháp cư ngụ tại Đông Dương. Bên cạnh vị
Toàn quyền sẽ có một Hội đồng quốc gia gồm các nhân sĩ của Liên bang, có phận sự soạn thảo luật lệ và
pháp luật chung cho Liên bang. Một Quốc hội chung cho Liên bang được bầu do sự đầu phiếu thích hợp tuỳ
nghi mỗi nước. Quốc hội đặt những thứ thuế, dự thảo ngân sách và các luật lệ mà nền tảng là sự tự do báo
chí, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, nói chung là các tự do dân chủ. Mỗi nước trong Liên bang đều có chính
phủ riêng biệt, có quân đội hải lục không quân riêng biệt trong đó người bản xứ được đảm nhiệm những
trọng trách ngang hàng với người Pháp hoặc người của Liên hiệp Pháp.

Những cải cách xã hội và văn hoá cũng đưôc xúc tiến.

- Nền giáo dục cưỡng bách tới bực tiểu học và sẽ khuyếch trương mạnh cho bực trung học và bực
đại học (…)

- Công nhân sẽ được săn sóc để cải tạo đời sống (…)

- Kinh tế được tự trị để phát triển mạnh mẽ hầu tiến tới kỹ nghệ hoá và ngoại thương với các nước
lân bang, nhất là với nước Trung Hoa.

“(…) Như vậy Liên bang Đông Dương, trong chính sách Hoà bình cuả Liên Hiệp Pháp, được
hưởng một nền tự đo và một tổ chức cần thiết để phát triển tất cả các tài nguyên, có thể đảm nhiệm vai trò
của mình trong vùng Thái bình Dương”(…)

Bản tuyên bố này có lẽ đối với chính phủ De Gaulle là một sự cởi mở rộng lớn cho các dân tộc
Đông Dương là những dân tộc bị thống trị với những luật lệ kìm hãm hạn chế khắt khe, từ lâu không được
dự phần nhỏ vào việc định đoạt số phận của mình. Nay theo bản tuyên ngôn này, được tự do hơn, cởi mở
hơn, tuy rằng tự do cởi mở trong cái lồng Liên Bang và nếu lọt ra khỏi lồng thì được tự do trong cái nơm
Liên Hiệp úp trên cái lồng. Những người thảo ra bản tuyên ngôn đó, - những người “Pháp mớỉ hay là “Pháp
dân chủ (theo danh từ của Việt Minh hồi đó đặt hy vọng vào chính phủ và dântộc Pháp có một sự hiểu biết
sâu xa về nguyện vọng của dân tộc Việt Nam), - những người thảo ra bản Tuyên ngôn đó mặc dầu vừa có
kinh nghiệm bản thân về một sự chiếm đóng của một dân tộc khác ngay trên lãnh thổ nước mình, những
người đó lúc bấy giờ đã làm thất vọng dân tộc Việt Nam vô cùng. Những ý kiến của họ lạc hậu hàng chục
năm, giá họ đề nghị như vậy trong khoảng thời gian trước 1939 thì có thể được hoan nghênh và chấp nhận dễ
dàng.

Nhưng sự thực thì chính phủ và Quốc hội Pháp bấy giờ có ý tuởng tốt đẹp cởi mở thật sự cho
Đông Dương và các thuộc địa khác của Pháp không?

Sự thực thì Quốc hội Pháp bấy giờ chẳng tử tế gì với các dân tộc thuộc địa, họ phải thay đổi chiều
hướng trong việc cai trị các thuộc địa vì trong thời kỳ thế chiến các dân tộc thế giới đều nguyền rủa sự xâm
lăng của Đức, Ý và Nhật, nên phong trào giải phóng thuộc địa được các nước đồng minh Mỹ, Anh khởi
xướng. Hơn nữa các dân tộc bị thống trị không còn muốn chịu cảnh gông cùm nô lệ đều vùng dậy giành tự
do độc lập. Trong bản thông điệp ngày 4 tháng 7-1945, tổng thống Mỹ Truman khi đề cập đến Phi Luật Tân
là một thuộc địa của Mỹ, đã tuyên bố: “Hoa Ký đã tự rời bỏ chủ quyèn của mình về mọi phương diện trên
lãnh thổ Phi Luật Tân, ngoại trừ một vài căn cứ quân sự mà đôi bên sẽ thoả thuận sau. Tôi công nhận dân tộc
Phi là một dân tộc tự do có chính phủ riêng và tôi công nhận uy quyền chính phủ đó trên dân tộc Phi theo
hiến pháp hiện hành. “

Với một tinh thần tương tự, Anh quốc giải phóng các thuộc địa để họ trở thành những nước độc
lập tự ý giao hảo với Anh quốc trong phạm vi kinh tế, ngoại giao của nền Thịnh Vượng Chung. (The British
Commonwealth of Nations)

Một tài liệu về Miến Điện, cựu thuộc địa của Anh quốc, chứng minh tinh thần đó:

“Chính sách của Hoàng gia Anh vẫn là trả lại nền độc lập hoàn toàncho dân tộc Miến. Chính sách
này đã bị gián đoạn vì sự xâm nhập và sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản.

“Đến nay sự chiếm đóng chấm dứt nhưng nước Miến Điện bị tàn phá nhiều vì chiến tranh. Chính
phủ Hoàng gia Anh sẽ hết sức giúp Miến Điện xây dựng lại đất nước và phát triển hiến pháp để nước Miến
trở thành một quốc gia tự trị trong khối Thịnh Vượng Chung…”

Có lẽ chinh phủ và Quốc hội Pháp muốn theo kiểu Thịnh vượng Chung của Anh quốc cho các
thuộc địa tự trị trong Liên Hiệp Phàp, nhưng Anh quốc lại không đặt một hạn chế nào về lãnh thổ hay chính
trị, hay ngoại giao của các cựu thuộc địa mà chỉ có những liên lạc về kinh tế có lợi cho cả đôi bên, mà cả đôi
bên đều được tự do thoả thuận không bị ép buộc, các cựu thuộc địa một khi được tự trị, sẽ trở thành một
nước độc lập hoàn toàn có chủ quyển và có quyền rút khỏi khối Thinh Vượng Chung bất cứ lúc nào. Trái lại
Quốc hội Pháp còn hạn chế nhiều quá, hoặc là cũng vì nhu cầu tái thiết của Pháp, sau chiến tranh tài nguyên
bị kiệt quệ, phải trông mong vào các thuộc địa để kiến thiết, nên chính phủ và Quốc hội Pháp chỉ muốn cởi
mở một chút, cho tay này lại đòi tay kia, cho nên chính sách Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp
không đáp ứng với nguyện vọng của dân tộc Việt Nam hồi bấy giờ.

Sau khi quân đội Nhật đầu hàng, Đồng Minh chia Đông Dương ra làm hai phần, phia bắc vĩ tuyến
16 giao quân đội Trung Hoa nhiệm vụ giải giới quân Nhật, phía nam vĩ tuyến 16, giao quân đội Anh quốc
đảm nhiệm. Nước Pháp không được Đồng Minh giao cho nhiệm vụ gì ở Đông Dương. Chính phủ Pháp điều
đình với Anh quốc trả lại Pháp miền nam Đông Dương sau khi quân đội Anh chấm dứt nhiệm vụ giải giới.
Anh quốc đồng ý. Pháp cử một danh tướng đã từng chiến thắng quân đội Đức thời Đệ nhị thế chiến cầm đầu
một đoàn quân viễn chinh sang Đông Dương để tái chiếm thuộc địa này.
Tướng đó là tướng Leclerc, nổi tiếng với Sư đoàn 2 Thiết giáp (2è Division blindée) của ông.

Người trách nhiệm thực hiện chính sách trở lại Đông Dương là một vị văn quan. Thierry
d'Argenlieu, cựu đô đốc hải quân, cựu sĩ quan kháng chiến chống Đức quốc xã cạnh tướng De Gaulle, được
cử làm Cao Uỷ Pháp tại Đông Dương từ ngày 17-8-45 (tướng De Gaulle bao giờ cũng đặt quan văn trên
quan võ). Đô đốc Thierry d'Argenlieu, 56 tuổi, người nhỏ bé, là một thầy tu dòng Carmes, tên gọi là cha
Louis de Trinité. Ông là một người nói năng quả quyết, cẩn thận, chọn lọc từng câu nói, mỗi khi ông quyết
định việc gì thì khó mà lay chuyển. Tuy được cử giữ những trách nhiệm cao cấp dân sự nhưng ông ta vẫn
chủ lễ cầu Chúa ngay cả khi tới Đông Dương làm Cao uỷ ; người ta vẫn thấy ông hành lễ tại nhà nguyện
trong dinh Cao uỷ.

Thời đệ nhất thế chiến d'Argenlieu là một sĩ quan hải quân. Khi chiến tranh chấm dứt, ông trút bỏ
nhung y đi tu ở dòng Carmes, đến năm 1939 khi đệ nhị thế chiến xảy ra thì ông đang là cha bề trên của giáo
phận Paris. Ông được gọi tái ngũ với chức vụ đại uý hải quân. Sau khi tái ngũ được ít lâu, ông bị quân Đức
bắt làm tù binh tại Cherbourg. Ông trốn thoát trại giam và nhờ những người thuyền chài đưa ông sang
Londres để gia nhập kháng chiến sát cạnh tướng De Gaulle. Trong Lực lượng Kháng chiến của Pháp Tự do,
ông được giao nhiều trọng trách, nhất là trách nhiệm điều khiển Lực lượng Hải quân.

Năm 1945, khi chính phủ Pháp chấm dứt nhiệm vụ của Toàn quyền Đông Dương Decoux thì
chính phủ Pháp cử ông sang thay thế. Ông được lệnh tái lập chủ quyền theo tinh thần “Bản tuyên ngôn ngày
25-3-45”.

Điều cần thiết tiên khởi là ông phải tìm cách để quân Tàu rút khỏi miền Bắc. Ông được chỉ thị
thành lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị trong Liên bang Đông Dương, gồm những thành phần không quá khích,
không chống đối Pháp. Chính phủ Pháp quan niệm rằng Nam kỳ Tự trị sẽ là một kiểu mẫu điển hình cho sự
cởi mở của Pháp. Nhìn vào đó, dân tộc Đông Dương có thể tín nhiệm nước Pháp trong chính sách mới để
Pháp có thể tái lập chủ quyền một cách ôn hoà, không đổ máu.

Năm 1947, khi d'Argenlieu hết nhiệm chức ở Đông Dương, ông rút lui về nhà tu Avon gần
Fontainebleau và ở đó đến khi ông mất. Tất cả những việc ông làm trong thời kỳ nhậm chức Cao ủy Đông
Dương đã bị người đời khen chê không ít, nhưng ông không trả lời, không giải thích, mặc dầu ông có viết
hồi ký nhưng không in ra sách, ông chỉ nói với những người bạn của ông là: “Tôi làm việc theo bổn phận,
còn tuỳ Trời phán xét”.

Tướng Leclerc, tên thật là Philippe de Hautecloque, là một vị đại tướng trẻ tuổi. Ông đã gây nên
binh nghiệp tiếng tăm lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Đức tại Tchad, Libye và Tunisie trong những
năm 1940-1945. Năm 1944, ông đổ bộ vào đất Pháp ở Normandie và khi quân Đức thất trận, ông dẫn đầu Sư
đoàn thiết giáp số 2 vào tiếp thu thành phố Paris. Năm 1945, lúc ông 43 tuổi, ông được tướng De Gaulle phái
sang Đông Dương, cầm đầu đạo quân viễn chinh. Thực ra thì đạo quân này chưa có. Khi chính phủ Pháp dự
định tái chiếm Đông Đương, đoàn quân này được vội vàng thành lập, vá víu nhặt ở mỗi nơi một ít quân, để
đặt dưới quyền Leclerc:

- Một số xe half track, một số chiến xa nhẹ với những binh lính của đệ nhị Sư đoàn thiết giáp tách
rời ra do Massu cầm đầu tự ý xin gia nhập,

- Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9è DIC) do tướng Valluy cầm đầu đang đóng ở Đức,
-Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3 (3è DIC) do tướng Nyo cầm đầu, những đoàn quân ấy được
chuyển vận dần đần sang Đông Dương, vì tàu bè chuyên chở đang bị thiếu thốn, để lập thành đạo quân viễn
chinh.

Ngày 18-8-45, tướng Leclerc đáp máy bay quân sự từ phi trường Bourget (gần Ba Lê) trực chỉ
thành phố Kandy ở Tích Lan. Ngày 22-8-45, ông tới Kandy và đặt bản doanh tiền đồn tại đó. Tại nơi đây,
ông sáp nhập vào đạo quân viễn chinh, Tiểu đoàn 5 bộ binh thuộc địa đóng ở đó, thiết giáp hạm Richelieu,
một số tiểu đỉnh nhỏ và ra lệnh chuyển gấp sang Nam Kỳ.

Tại Sài gòn, ngày 2-9-45, một cuộc biểu tình lớn được tổ chức để mừng ngày chính phủ Việt
Minh ra mắt, tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội. Nhiều tiếng súng nổ vào đám biểu tình làm một số người bị
thương và thiệt mạng. Dân chúng sôi sục lùng tìm những người chủ mưu.

Ngày 6-9-45, tướng Gracey của Anh quốc đáp máy bay đến Sài gòn cùng với Sư đoàn 20, gồm
những lính cuốn khăn Gourkha, gốc ở Katmandou, xứ Népal (là một xứ nhỏ ở phía bắc Ấn độ). Gracey giao
cho quân đội Nhật nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố và ra lệnh cho dân chúng phải nộp võ khí. Theo bản
Thông cáo số 1 thì tướng Gracey xác nhận quyền duy trì trật tự của quân đội Anh quốc đã được Đồng Minh
cử đến Nam Việt Nam để giải giới và hồi hương quân đội Nhật. Dân chúng không được mang võ khí, những
người làm rối loạn trật tự có thể bị xử bắn.

Tướng Gracey phóng thích khoảng 1500 lính Pháp thuộc Trung đoàn 11 bộ binh thuộc địa và tái
trang bị khí gìới cho họ.

Ngày 12-9-45, trước sự hiện diện của đại biểu các nước Đồng minh và Pháp (nước Pháp do
Cédile đại diện), một buổi lễ tiếp nhận sự đầu hàng của 70.000 lính Nhật được cử hành long trọng tại Sài
gòn. Đô đốc Anh, Lord Mounbatten, tiếp nhận tận tay Đô đốc Nhật bản Terauchi, chỉ huy tối cao quân đội
Nhật ở Đông Dương, hai thanh bảo kiếm biểu hiệu sự quy hàng. Một trong hai thanh kiếm đó được rèn đúc
từ năm 1280 do tổ tiên của ông Terauchi truyền lại. Về sau đô đốc Mounbatten tặng Anh hoàng thanh bảo
kiếm này.

Ngày 22-9-45, Trung đoàn 11 bộ binh thuộc địa của Pháp đổ xô ra khắp nơi trong thành phố Sài
gòn, tái chiếm các cơ quan, các công sở và các đồn cảnh sát do Việt minh giữ, càn quét, bắt bớ, bắn chết một
số người dân.

Kiều dân Pháp đã được tái võ trang cũng phụ lực với lính Pháp để sửa soạn đặt lại nền cai trị của
Pháp trên Sài gòn và toàn thể Nam kỳ.

Ngày 23-9-45, lệnh kháng chiến do Nguyễn Bình chỉ huy được ban bố trên toàn thể lãnh thổ Nam
bộ. Nhân dân Sài gòn tổng đình công, bất hợp tác với Pháp. Chợ búa, tiệm buôn, xưởng máy đều đóng cửa.
Khắp nơi các chướng ngại vật được kéo ra chặn đường, dân chúng tổ chức tự vệ với những võ khí thô sơ sẵn
có như gậy tầm vông, mã tấu, súng trường của Nhật. Các đoàn thể Thanh niên Tiền phong được thành lập để
mọi người gia nhập, thôn quê vùng dậy cương quyết chiến đấu chống Pháp.

Cùng ngày đó, tại Sài gòn, khu gia cư Hérault Tân Định, nơi tập trung của những gia đình Pháp
kiều, một cuộc tàn sát đã xảy ra, nhiều Pháp kiều, lớn bé già trẻ, bị giết chết, trong số có một đại tá Mỹ tên là
Devey và một kiều dân người Anh.
Theo thoả hiệp Anh Pháp ký ngày 8-10-45, quân đội Anh được lệnh bất can thiệp vào nội bộ, nên
quân Anh không có phản ứng gì.

Sau đây là một đoạn trích thoả hiệp đó:

Thoả hiệp giữa hai chính phủ Anh Pháp về việc giao thiệp Anh Pháp tại Đông Dương:

Chương 1. - Thoả hiệp này liên quan đến việc cai trị và pháp chế tại Đông Dương và chỉ có giá trị
trong một thời gian ngắn. Mục đích thoả hiệp là điều hành những sự liên lạc giữa quân đội Anh và các nhà
chức trách Pháp tại Đông Dương trong thời gian quân đội Anh trú đóng tại nơi đó.

Điều 1 - Quân đội Anh đóng tại Đông Dương, phía nam vĩ tuyến 16, để cùng với người Pháp kiểm
soát việc quân đội Nhật đầu hàng, giải giới quân đội Nhật và giải phóng những tù binh chiến tranh bị Nhật
cầm tù.

Điều 2 - Quân đội Anh đóng tại những yếu điểm cần thiết để thi hành nhiệm vụ ấy. Trong những
khu vực đó, bộ chỉ huy quân đội Anh ban bố những biện pháp thích nghi cần thiết, nhưng những sự giao
thiệp giữa quân đội Anh và dân chúng thì phải qua trung gian của nền hành chính Pháp. Sự hiện diện của
quân đội Anh chỉ là tạm thời, sẽ chấm dứt khi hết nhiệm vụ. Việc rút quân Anh khỏi Đông Dương sẽ do Chỉ
huy tối cao quân đội Đồng minh định đoạt với sự đồng ý của Chỉ huy Lực lượng Pháp ở Đông Dương.

Điều 3 - Trên lãnh thổ Liên bang Đông Dương chỉ nhà chức trách Pháp mới có trách nhiệm về
việc cai trị và có tất cả các quyền hạn kể cả quyền hạn khi có thiết quân luật. Chức sự Pháp sẽ thoả mãn tất
cả những nhu cầu của quân đội Anh.

Điều 4-

Khoản 4-1 - Một nhân viên quân sự Pháp sẽ đại diện bộ Chỉ huy Pháp bên cạnh bộ Chỉ huy Anh.

Khoản 4-2 - Bộ Chỉ huy quân đội Anh sẽ hỏi ý kiến vị đại diện Pháp khi thực hành nhiệm vụ nói
ở điều 1. Quân đội Anh sẽ trách nhiệm một mình về việc hoàn tất nhiệm vụ ấy.

Khoản 4-3 -Bộ Chỉ huy Anh sẽ chỉ thị các đơn vị đồn trú tại Đông đương phải tôn trọng phong tục
và tập quán bản xứ, phải tôn trọng các hiệp ước ký kết giữa Pháp và các xứ bảo hộ và phải tỏ thái độ lịch sự
thích nghi đối với các nhà chức trách Pháp và chủ quyền Pháp.

Điều 5 -

Khoản 5-1 -Cao ủy Pháp toàn quyền xứ Đông Dương, hay vị đại diện khi Cao ủy vắng mặt, là Chỉ
huy tối cao quân lực Pháp ở Viển đông, sẽ điều hành chủ quyền dân sự trên toàn cõi Đông Dương

Khoản 5-2 - Tổ chức hành chánh nói ở điều 5 sẽ đảm bảo sự liên lạc giữa quân đội Anh và các
nhà chức trách dân sự Pháp vă sẽ tức khắc tiếp thâu những phần lãnh thổ thâu hồi (…)

Theo thoả hiệp này, quân đội Anh được đồn trú tại khu tam giác Sài gòn - Thủdầumột - Biênhoà.
Quân đội Pháp không được gia nhập khu vực này. Việt minh lợi dụng điều đó, mỗi khi cần thiết lại lẩn tránh
vào khu này.

Quân đội Anh tiếp tục giải giới và hồi hương quân Nhật đến trung tuần tháng 5-1946 thì hoàn tất
nhiệm vụ. Quân Anh rút xuống Vũng Tầu để hồi hương bằng đường thủy.
Ngày 5-10-1945, đại tướng Leclerc cùng bộ Tham mưu thu hẹp đáp máy bay xuống phi trường
Tân sơn nhất với tư cách là Tổng tư lệnh đoàn quân viễn chinh Pháp ở Viễn đông, và tạm quyền Cao uỷ Pháp
ở Đông Dương (vì Cao uỷ d'Argenlieu chưa tới Sài gòn). Ông đi thẳng tới dinh Norodom (bấy giờ gọi là phủ
soái), ở đó hàng ngàn Pháp kiều đã tụ họp để đón ông. Leclerc xuống xe, đi bộ vào giữa đám đông, mọi
người đổ xô lại để hoan hô ông ta. Ông bắt tay vài người, nói mấy lời an ủi và khích lệ, rồi ông vào tư dinh.

Trên bàn giấy trong văn phòng ông, một bản thống kê quân số Pháp hiện có mặt tại Nam kỳ được
đệ trình ông. Thống kê cho biết ông có thể sử dụng ngay được:

1- Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11 vừa được quân Anh giải thoát khỏi các trại giam của Nhật

2- Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 do Trung tá Rivier chỉ huy

3- Một số biệt kích dù của đại uý hải quân Ponchardier vừa được chuyển từ Tích lan tới.

Tổng cộng vài ngàn quân, con số thật ít ỏi, nhưng ông trông chờ quân tiếp viện đang trên đường
từ Pháp tới.

Ngày 12-10-46, Leclerc mở những cuộc hành quân nhỏ chung quanh Sài gòn - Chợlớn để nới
rộng kìm kẹp của Việt minh. Tuy nhiên sự an ninh vẫn chưa được vãn hồi trong thành phố, nhất là ban đêm
những sự bắt cóc và ám sát vẫn thường xảy ra.

Ông cho phỗ biến khắp nơi lời kêu gọi dân chúng, công chức, thanh niên và phụ nữ hợp tác với
quân đội Pháp, nguyên văn bản hiệu triệu như sau:

Hỡi người An nam!

Quân đội Pháp đến nơi đây để đánh đuổi quân khủng bố đạo tặc.

Dân chúng hãy hiểu rằng quân đội Pháp không phải là kẻ thù và hãy nói cho mọi người chung
quanh biết vậy. Quân đội Pháp sẽ giúp tái lập trật tự và hoà bình, sẽ che chở các gia đình và tài sản để dân
chúng có thể làm ăn trong trật tự và an ninh. Không ai nghĩ là đám dân lành phải trách nhiệm những hành
động sách nhiễu của một nhóm người gian ác đã lợi dụng dân chúng một cách tàn bạo.

Vì dân chúng An nam, nước Pháp trở lại gần họ để tiếp tục và mở mang công cuộc khởi sự từ 80
năm về trước, để tăng gia nguồn lợi của dân chúng, xây đắp đường mới, tân tạo các bệnh viện và học đường.

Vì quyền lợi của dân chúng mà quân Pháp hành động.

Các vị thân hào, công chức!

Các vị là đại diện của đám dân lành. Vì quyền lợi chung, khi quân đội Pháp tới, các vị hãy đọc
những bản cáo thị, giải thích và bắt dân chúng hãy tuân theo.

Các thanh niên nam nữ!

Những kẻ nào đã bị bắt buộc hay bị lừa dối lôi kéo hãy dứt bỏ những sự giết chóc mà nạn nhân đa
số là đồng bào mình nhiều hơn là người Pháp. Hãy rời bỏ bọn cầm đầu, trở về với gia đình, với làng mạc, với
công việc. Những sự phá rối trật tự chỉ đưa đến cảnh đói kém. Hãy trở về nuôi sống gia đình.

Các bà mẹ, các bà chị, các phụ nữ!


Các bà là những người giữ vững gia đinh. Hãy giữ lại những người trách nhiệm bảo vệ con cái các
bà, hãy gọi trở về những người đàn ông bị lôi kéo, bị lường gạt. Hãy cứu họ sống vì tính mạng họ rất quý giá
với các bà. Cuộc chiến sẽ rất ngắn. Hãy giữ họ đứng ngoài lề cuộc chiến và sự yên ổn sẽ trở lại với khắp mọi
người.

Lệnh của chúng tôi là: không trả thù những người thành thực, không thương hại những kẻ sát
nhân.

Ký tên: Tướng Leclerc.

Giữa tháng 10, Sư đoàn 2 thiết giáp tới Sài gòn và ngày 25-10 thì một cuộc hành quân do đại tá
Massu chỉ huy được tổ chức đại quy mô để tái chiếm các thành phố Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Gò
Công, tức là khu vực phía nam và đông nam Sài gòn.

Một toán quân đi bằng đường bộ từ Sài gòn xuống Mỹ Tho, nhưng vì đường sá và cầu cống bị phá
huỷ nhiều nơi nên toán quân đó đi hai ngày, đến chiều ngày 26 mới tới. Khi đoàn quân tới nơi thì Mỹ Tho đã
do quân biệt kích dù của đại uý hải quân Ponchardier cùng với một đại đội hải quân tiến chiếm bất ngờ sáng
ngày 25. Đoàn quân này của Ponchardier rời Mỹ tho xuống chiếm Vĩnh Long ngày 28-10 và Cần Thơ ngày
30-10. Tại khắp nơi quân Pháp không gặp sức chiến đấu kháng cự nào của Việt minh. Đến đầu tháng 11 thì
khu vực nam và đông nam Sài gòn bị Pháp chiếm trọn vẹn.

Khu vực được chia ra làm ba tiểu khu để bình định. Pháp xây các đồn bót tại các nơi trọng yếu,
tuyển dụng những người Việt nam làm lính pạc-ti-dăng (partisans) để phụ lực và lập những hội đồng xã tại
những làng mà Pháp chiếm đóng. Cuộc sống các làng được vãn hồi dần dần, nhưng sự an ninh chỉ có ban
ngày ở chung quanh những nơi có quân Pháp đóng bót đồn trú, còn ban đêm thì Việt minh vẫn làm chủ tình
thế, quân du kich phá đồn, bắt những người thân Pháp và phá hủy đường sá cầu cống.

Ngày 8-11-45, một cuộc hành quân về phía Tây Ninh để mở đường Sài gòn - Namvang đã gặp sức
kháng cự mãnh liệt của quân kháng chiến.

Khoảng trung tuần tháng 12, Pháp hành quân càn quét vùng Đức Hoà là một vùng sát nách với
Sài gòn, cửa ngõ vùng Đồng Tháp mười, nơi Nguyễn Bình chỉ huy cuộc kháng chiến.

Dần dần các đô thị khác và các trục giao thông quan trọng bị Pháp chiếm để tái lập cuộc bình
định, nhưng địa thế Nam bộ với nhiều kinh rạch, những làng mạc với nhà cửa ở rải rác, sự kháng chiến với
chiến thuật du kích, đã làm cho công cuộc bình định rất là khó khăn và chậm chạp.

Tại miền Trung, với chiến dịch Gaur, tướng Leclerc mang quân lên Đàlạt liên lạc được với số
1.300 kiều dân Pháp sống ở đó. Sư đoàn thuộc địa số 9 xuất quân từ Sài gòn, tiến chiếm Di Linh, chiếm
Đàlạt, xuống chiếm Phan Rang, rồi ra Nha Trang.

Trung đoàn thuộc địa số 5 do Trung tá Rivier chỉ huy cùng với đoàn quân thiết giáp của Massu
tiến chiếm Biên hoà, Ban mê thuột.

Ngày 20-1-46, quân đội Anh rút quân khỏi khu tam giác Sài gòn - Biên hoà - Thủ dầu một, quân
Pháp vào thay thế. Một cuộc hành quân rộng lớn để càn quét khu vực đó đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt
của lực lượng kháng chiến, nhất là tại Tân Uyên chiến tranh hết sức khốc liệt, dành nhau từng căn nhà một.
Tới tháng 2-1946 thì Nam bộ và miền nam Trung bộ bị Pháp tái chiếm hết nhưng chiến tranh du
kích vẫn tiếp diễn khắp nơi, mạnh yếu tuỳ theo từng vùng.

Tuy vậy Leclerc cũng cho là tạm yên, hướng hành động về phía bắc, Leclerc biết rằng không thể
dùng sức mạnh để tái chiếm miền bắc Việt nam được vì quân số dưới quyền ông lúc bấy giờ ít ỏi quá mà
dùng sức mạnh thì ngoài quân Việt minh lại còn có quân đội Tàu không thể tránh đụng chạm được, nên ông
nghĩ đến giải pháp hoà bình là điều đình cả với quân Tàu chiếm đóng và cả với Việt minh để họ cho quân
Pháp trở lại Bắc kỳ một cách êm thắm.

Tướng Salan được giao nhiệm vụ thực hiện hai nhiệm vụ đó.

Salan ở Pháp sang Việt Nam ngày 23-10-45, chính phủ Pháp đặt ông dưới quyền sử dụng của đô
đốc Cao ủy d'Argenlieu và đại tướng Leclerc.

Salan là một sĩ quan có nhiều kinh nghiệm ở Đông Dương vì lúc trẻ ông đã phục vụ nhiều nơi ở
các đồn trại miền thượng du và trung du Bắc kỳ, đặc biệt đồn Đình Lập và cũng ở tại miền bắc xứ Lào.

Tới Sài gòn, Salan được tướng Leclerc cử làm Chỉ huy trưởng các lực lượng Pháp ở Bắc kỳ và ở
Trung hoa, đại diện chính thức tướng Leclerc bên cạnh tướng Lư Hán là tướng Tàu chỉ huy trưởng các lực
lượng Trung hoa chiếm đóng miền bắc Đông Dương.

Nhiệm vụ chính của tướng Salan là sửa soạn cho Pháp trở lại Bắc kỳ với sự đồng ý của quân Tàu
để tránh sự đụng chạm.

Nhiệm vụ thứ hai là đưa số quân đội Pháp lưu vong ở bên Tàu về Bắc kỳ và sửa soạn cho số quân
mới ỡ Sài gòn nhập vào Bắc kỳ bằng đường biển, giữ an ninh cho kiều dân Pháp sống ở Hà nội.

Tóm lại Pháp muốn thương lượng để Tàu rút quân về nước, cho Pháp vào thay thế Tàu. Mặt khác,
Pháp điều đình với Việt minh trên một căn bản rộng rãi để Việt minh không ngăn cản việc Pháp trở lại Bắc
kỳ.

Ngày 1-11-45, tuớng Salan đáp máy bay quân sự từ Sài gòn ra Hà nội. Quân đội Tàu gác phi
trường Gia Lâm đã được thông báo trước nên đã cho phép phi cơ đáp xuống sân bay, Salan được rời khỏi phi
cơ mà không bị khám xét hay bị gây khó khăn gì.

Mấy sĩ quan Pháp đón Salan bằng xe hơi, đưa về trụ sở Ngân hàng Đông Dương là nơi trú ngụ
của Sainteny, uỳ viên Pháp quốc tại Bắc kỳ. Sainteny cử người dẫn Salan đến ở một biệt thự đường Carnot
(phố Cửa Bắc, Hà nội).

Ngày hôm sau, trung tá Le Porz là người dược Leclerc cử ra Hà nội tạm quyền, dẫn Salan bằng xe
hơi vào trong thành Hà nội để tiếp nhận nhiệm vụ.

Thành Hà nội là nơi mà từ trước đến giờ Pháp đã đặt các cơ quan quân sự và cũng là nơi đồn trú
của quân đội Pháp. Hiện có một số quân lính Pháp đang đóng tại trong thành Hà nội sau khi Nhật bản đầu
hàng, số quân này không có khí giới. Khi quân đội Trung Hoa nhập Hà nội thì họ cũng đặt bộ Chĩ huy ỡ
trong thành, một số lính Tàu vào đóng ở đó lẫn với số quân Pháp, hai bên ngăn bằng con đường từ cổng
chính vào, một bên là quân Pháp đóng, một bên là quân Tàu. Quân Tàu trang bị khí giới đầy đủ, cổng thành
có lính Tàu đứng gác khám xét người ra vào.
Khi Salan tới cổng thành thì lính Tàu gác cổng giơ súng chặn xe lại không cho vào. Salan cũng
chẳng biết nói thế nào đành cứ ngồi ỳ trên xe hơi với trung tá Le Porz. Chú lính Tàu xí xố một hồi, nghe trả
lời bằng tiếng Pháp chẳng hiểu ra sao, ngăn cản một lúc chẳng thấy công hiệu gì, chú đành phải đứng dẹp
sang một bên cho xe của Salan vào.

Công việc đầu tiên của tướng Salan là kiểm tra dân số Pháp kiều hiện cư ngụ ở Bắc kỳ lúc bấy
giờ, lo việc tiếp tế và lo giữ gìn an ninh cho họ.

Theo thống kê kiểm tra thì lúc bấy giờ tại Bắc kỳ có cả thẩy 17.611 Pháp kiều, già trẻ lớn bé, gồm
cả những người ngoại quốc mang quốc tịch Pháp, sống rải rác ở các thành phố như sau:

Hà nội 13.100 người, Hải Phòng 1.160 người, Namđịnh 160 người, Cẩmphả-Hòn gay 186 người,
Thanh hoá 76 người, Vinh 1.037 người, Huế 1.892 người.

Salan yêu cầu Leclerc tức tốc gửi ngay 100 tấn gạo từ Sài gòn ra Hà nội để tiếp tế cho Pháp kiều
và cho quân đội Tàu mà Pháp có nhiệm vụ phải tiếp tế.

Vấn đề giữ gìn an ninh thì Pháp vấp phải lệnh của quân đội Tàu cấm người Pháp không được
mang khí giới. Tuy vậy Pháp kiều và lính Pháp cũng trang bị ngầm dao, kiếm, chế tạo cốc-tay Môlôtốp và
mua ngầm súng ống của lính Tàu bán lậu, để phân phối cho những người có trách nhiệm bảo vệ an ninh
phòng khi cần dùng tới.

Việc kiểm tra các binh sĩ Pháp được trả tự do sau khi quân đội Nhật đầu hàng cho thấy những con
số sau đây:

Tại Hà nội, có tổng cộng khoảng 4400 quân số kể cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính.

Tại Hải Phòng có tổng cộng 230 quân số.

Tại Huế có tổng cộng 70 người.

Khí giới thì chẳng có gì, ngoài một ít súng đạn lấy được của quân đội Nhật, chẳng đáng là bao.

Về vấn đề y tế thì trông mong vào ba bác sĩ Montagné, Rivoalen và Flottes là những bác sĩ dân sự
ở Hà nội từ lâu năm, làm giáo sư tại trường thuốc Hà nội, đào tạo ra nhiều bác sĩ Việt nam.

Việc Hà nội tạm yên, tướng Salan yêu cầu thượng tướng Lư Hán cho ông ta sang Tàu để gặp các
binh sĩ Pháp đóng ở Vân Nam. Các binh sĩ này đã rút từ Bắc Kỳ sang Tàu hồi Nhật đảo chính ngày 9-3-45.
do tướng Sabattier và tướng Alessandri chỉ huy,

Ngày 7-11-45, được phép của Lư Hán, máy bay chở Salan rời Hà nội đáp xuống phi trường Mông
Tự. Cùng đi với Salan có thượng sĩ Vi văn Toàn làm thông ngôn. Vi vănToàn là người Thổ, con cháu của cựu
tổng đốc Vi văn Định.

Thăm trại Mông Tự xong, Salan đi xe hơi thăm trại Chao Pa và ngày hôm sau thăm trại Chí Bình.
Rời Chí Bình, Salan đáp máy bay đi Côn Minh nơi bộ Chỉ huy của Pháp đóng. Salan tổ chức lại bộ Chỉ huy,
cho hồi hương những sỉ quan bất lực hay bệnh hoạn, và ra lệnh trang bị khí giới quân trang mua tại chỗ,
chuẩn bị cho số quân này, khoảng 5.000 người, sẵn sàng trở về Bắc Kỳ vào đầu năm sau.
Ngày 10-11-45, Salan được thượng tướng Lư Hán, tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, tiếp kiến tại tư
dinh. Lư Hán hứa giúp quân Pháp hiện đóng ở Hà Nội và hứa sẽ cho phép quân lính Pháp hiện ở bên Tàu,
được rời khỏi Trung quốc về Bắc việt khi nào nhận được lệnh của Trung ương.

Ngày 12-11-45, Salan đáp máy bay về Hà nội và ngày 13-11- 45 tới Sài gòn. Salan tường trình với
Leclerc kết quả công việc làm. Leclerc đưa Salan vào Cao ủy phủ gặp Cao uỷ d'Argenlieu để nhận chỉ thị
mới. D'Argenlieu căn dặn Salan phải hết sức tránh những đụng chạm ở miền Bắc, vì Pháp không đủ sức để
trở lại Bắc kỳ bằng võ lực, Salan phải cố giải quyết các vấn để với số lượng quân kém cỏi hiện có.

Ngày 19-11-45, Salan trở lại Hà nội cùng với bà vợ để làm yên lòng các kiều dân Pháp đang sống
ở miền Bắc lúc bấy giờ.

Những cuộc điều đình với quân Tàu tiến triển khả quan. Một mặt Salan o bế Lư Hán và các tướng
tá Tàu đóng ở Bắc Việt, một mặt chính phủ Pháp điều đình với chính phũ Trung ương Tưởng giới Thạch hứa
hẹn những quyền lợi cho Tàu nếu Tàu rút quân để Pháp tiến vào Bắc Việt thay thế.

Ngày 14-12-45, tướng Lư Hán cùng với phụ tá là tướng Mã Anh thết tiệc Salan tại tư thất ở Hà
nội, nơi này trước là biệt thự của cựu Tổng đốc Hàđông Hoàng trọng Phu. Trong bữa tiệc hai bên tặng quà
nhau, Lư Hán tặng Salan một thanh kiếm cổ, Salan đọc thơ Lý Thái Bạch cho Lư Hán nghe, ngoài mặt hai
bên thật là tương đắc.

Pháp điều đình với Trung quốc để mang quân vào Bắc Kỳ thay thế quân Tàu

Ngày 22-12-45, Salan được lệnh của d'Argenlieu cử sang Trùng Khánh để điều đình với chính
phủ Trung ương Trung quốc cho quân Pháp đến Bắc Việt thay thế quân đội Tàu. Theo sự vụ lệnh số 96
RMP/1 ngày 19-12-45, Salan được cử sang Trùng Khánh để cùng với đại sứ Pháp và Tuỳ viên quân sự Pháp
ở đó, thương thuyết với chính phủ Trung hoa về những mục tiêu tham mưu liên quan đến việc quân đội
Trung hoa rút khỏi Đông Dương và quân đội Pháp tiến vào thay thế. Phụ tá tướng Salan là đại tá Crespin
trong bộ Tham mưu của Leclerc, đại uý Cartier Bresson và đại uý Kohler.

Theo những văn thư giữa Pháp và Trung hoa trao đổi trước ngày 5-1-46, là ngày Salan đáp máy
bay sang Côn Minh, thì tình trạng điều đình như sau:

1) Văn thư ngày 17-8-45 của Ngoại kiều phủ chính phủ Trung Hoa đồng ý cho quân đội Pháp trú
ngụ tại Trung Hoa được trở về Đông Dương.

2) Văn thư ngày 14-8-45 của Trung tướng Mỹ Wedemeyer, Tham mưu trưởng cạnh Thống chế
Tưởng giới Thạch cho biết là quân đội Pháp đồn trú trên lãnh thổ Trung hoa được phép rút về Đông Dương

3) Văn thư của tướng Pechkoff, đại diện tướng De Gaulle bên cạnh chính phủ Tưởng giới Thạch
cho biết, trong buổi diện kiến với Thống chế Tưởng Giới Thạch, Thống chế cho biết sẽ rút hết quân đội
Trung Hoa khỏi Đông Dương.

4) Văn thư ngày 4-1-46 yêu cầu quân đội Pháp trở lại xứ Lào để giữ trật tự thay thế cho Sư đoàn
bộ binh Trung Hoa rút khỏi Lào vào cuối tháng 1-1946.

Ngày 5-1-46, tại phi trường Côn Minh Salan đuợc đại sứ Pháp Meyrier, đại tá Crepin, đại tá
Legrand và trung tá Quillichini đón tiếp. Salan đi thăm các binh sĩ đồn trú tại Mông tự và Chao Pa, ra lệnh
cho các sĩ quan chuẩn bị sẵn sàng để trở về Bắc Việt và giao nhiệm vụ cho hai Pháp kiều dân sự là Boulet và
Bordier liên lạc với các dân tộc Thái để giúp đỡ và tiếp tế quân đội Pháp khi họ vượt biên giới Hoa Việt. Hai
người Pháp dân sự này đã sống ở Bắc Việt lâu năm, biết rõ xứ Thái, nhất là Bordier lại là con rể của Đèo Văn
Long là tù trưởng dân Thái ở Lai châu. Salan dự tính cho binh sĩ từ Vân Nam trở về Bắc Việt bằng đường
Phong thổ, Lai châu và Điện Biên Phủ, nghĩa là qua địa phận dân Thái trắng mà tù trưởng Đèo Văn Long và
em là Đèo văn Muôn là những người thân Pháp. Phía nam địa phận này là địa phận dân tộc Thái đen, tù
trưởng Bạc cầm Quy cũng là người thân Pháp

Ngày 7-1-46, Salan đáp máy bay quân sự Mỹ đi Trùng Khánh. Tại đây, tướng Tăng Khải Minh,
Giám đốc cơ quan tình báo của Bộ Tư lệnh hành quân tiếp Salan tại trụ sở của Uỷ ban Quân sự Trung Hoa.

Salan đưa ra những đề nghị sau đây:

1) Sư đoàn 93 Bộ binh Trung Hoa có thể khởi sự rút tức khắc khỏi xứ Lào. Những sự hạn chế và
những cấm đoán, những sự khiêu khích đối với quân đội Pháp đều phải chấm dứt. Phải trả lại khí giới tước
đoạt của binh sĩ Pháp dưới quyền đại tá Infeld

2) Quân đội Pháp tạm trú ở Trung hoa sẽ trở về Bắc kỳ theo hành trình Mường la, Phongthổ, Lai
châu. Chính phủ Trung ương chỉ thị cho các chức trách Vân nam để quân đội Pháp đi đường không bị khó
dễ.

3) Tại Hà nội, trước sự khiêu khích gia tăng càng ngày càng nhiều của quân cộng sản Việt minh,
5.000 quân Pháp phải được trang bị võ khí. Nếu Trung hoa đồng ý thì Pháp sẽ giữ kín việc võ trang này
không cho Việt minh biết.

4) Quân đội Trung hoa tạm giữ tù binh Nhật đến khi nào quân đội Pháp có thể thay thế.

5) Quân đội Pháp được sử dụng vĩnh viễn các phi trường ở miền bắc Đông Dương không cần phải
xin phép mỗi khi sử dụng. Pháp sẽ báo cho Trung hoa biết số hiệu của máy bay, tên tuổi phi hành đoàn, và
tên tuổi hành khách đáp trên máy bay đó.

Tướng Tăng Khải Minh hứa sẽ chuyển lên cấp trên những lời đề nghị của tướng Salan và sẽ cho
biết kết quả.

Salan nhờ tướng Carton de Wiart, đại diện thủ tướng Anh Winston Churchill cạnh chính phủ trung
ương Trung hoa, vận động với Tưởng giới Thạch chấp thuận cho những lời đề nghị trên

Mặt khác, đại sứ Meyrier cũng vận động với anh vợ Tưởng giới Thạch là nhà tỷ phú họ Tống để
nói dùm với Thống chế Tưởng giới Thạch.

Ngày 16-1-46, Salan được trả lời là quân đội Pháp được sử dụng không hạn chế trong thời gian
một tháng những phi trường ở miền bắc Đông Dương nhưng phải báo trước số hiệu các phi cơ sử dụng và
danh sách phi hành đoàn cho nhà chức trách quân sự Trung hoa.

Đồng thời tướng Cung là người thay thế tướng Tăng cũng báo cho biết là quân Pháp tạm trú tại
Trung hoa được phép trở lại Lào qua ngả Mường La, Phong thổ, Laichâu nhưng không được dừng lại đóng
quân ở những nơi đó, nghĩa là quân đội Pháp chỉ được đi qua địa phận Bắc kỳ để tiến vào xứ Ai Lao thôi chứ
không được đóng quân ở Bắc Kỳ.

Việc võ trang quân Pháp và kiều dân Pháp ở Hà nội thì không được chấp thuận.
Việc quân đội Tàu rút khỏi Đông Dương để cho quân đội Pháp vào thay thế thì đang đưọc xét tới.
Sự thực thì Tưởng giới Thạch đã quyết định rút quân rồi vì đang gặp khó khăn nội bộ. Sau khi quân Nhật thất
trận, Tưởng giới Thạch cần rất nhiều quân để tái chiếm những vùng quân Nhật rút lui và cũng để chống lại
quân cộng sản của Mao trạch Đông đang nổi lên chiếm ảnh hưởng trong mười một tỉnh. Quân trung ương đã
nhiều lần chạm súng với cộng quân và bị thất bại, buộc lòng Tưởng giới Thạch phải ký hiệp ước đình chiến
ngày 10-1-46, hai bên quốc cộng ngồi vào bàn hội nghị để hiệp thương về chính trị và kinh tế và cũng là để
có thời gian củng cố lực lượng.

Do đó sự rút quân ở Đông đương về là một điều cần thiết, Tưỏng giới Thạch đã quyết định mang
số quân chiếm đóng Đông Đương về nội địa Trung quốc trước sự yêu cầu của Pháp, nhưng lại vấp phải sự
phản đối của các tướng địa phương muốn kéo dài sự chiếm đóng để trục lợi. Các tướng này khi nghe tin
Trung ương dự định rút quân, đã ngày ngày gây những sự rắc rối bất an, đụng chạm giữa Việt minh và Tàu,
hoặc giữa Pháp và Tàu để lấy cớ giữ gìn an ninh trật tự, kéo dài việc chiếm đóng. Ngày 10 và ngày 11-12-45,
hơn 70 vụ đụng chạm giữa quân Tàu và quân Pháp, làm nhiều người bị thương. Báo chí Tàu ở Hà nội xé to
chuyện, những người Tàu bị bắt bớ và đánh đập ở Chợ Lớn (Sài gòn) đòi quân Tàu trả đũa quân Pháp. Các
truyền đơn in bằng 3 thứ tiếng Việt Pháp Hoa được tung ra ở Hà nội kêu gọi sự trả thù. Ngày 5-1- 46 một
kiều dân Pháp bị đả thương nặng. Ngày 9-1-46, ông Baylin làm tại Ngân hàng Đông Dương bị ám sát. Tại
Hải Phòng, trại lính Pháp Henri Rivière bị quân đội Tàu đến chiếm đóng, đuổi lính Pháp ra khỏi trại.

Một đại tá thuộc bộ Tham mưu Trùng Khánh đã thốt ra câu sau đây trong một cuộc gặp gỡ với
Salan:

“Thật là khó chịu cho chúng tôi phải trả lại Đông Dương cho các ông. Đã từ lâu, trong bao nhiêu
thế hệ, chúng tôi đã coi Đông Dương như một thuộc quốc, giống như Mông cổ, Tây tạng vậy!”

Ngày 26-1-46, Salan nhận được điện văn của tướng Hồ quý Trường, Tư lệnh quân Vân Nam
chuyển đến:

“Tôi trân trọng kính chuyển đến Trung tướng điện văn sau đây của Thống chế Tưởng giới Thạch:

Quân lực Pháp đóng ở Vân Nam được phép rời khỏi Trung Hoa để di chuyển sang xứ Ai Lao qua
đường Mường La. Các cấp quân dân chính phải tỏ thái độ hữu nghị và phải giúp đỡ quân đội Pháp khi di
chuyển trong địa phận Trung quốc. Ký tên: Thống chế Tưởng giới Thạch.

Tôi đã ra lệnh cho quân đoàn 5 không được cản trở việc chuyển quân của Trung Tướng, xin Trung
tướng cho biết rõ ngày chuyển quân và quân số là bao nhiêu? “

Nhận được điện văn này, Salan liền báo cáo cho Leclerc biết và trả lời cho tướng Lư Hán biết
quân số và ngày rút quân.

Ngày 22-1-46, một đoàn quân do Lepage chỉ huy bắt đầu chuyển quân.

Đoàn quân này gồm 178 người Pháp, 969 người Đông Dương, thuôc Trung đoàn 16 Bộ binh
thuộc địa.

Đoàn thứ hai do Droniou chỉ huy thuộc Trung đoàn 9 bộ binh thuộc địa chuyển quân ngày 4-2-46,
gồm 448 người Pháp, 398 người bản xứ.

Ngày 7-3-46, đoàn thứ 3 do Gaucher chỉ huy gồm 655 người Pháp, 328 người Đông Dương.
Bộ chỉ huy của Quillichini gồm 227 người Pháp, 358 người Đông Dương là đoàn quân rút lui sau
cùng.

Salan ra lệnh kỹ càng cho các đoàn quân phải hết sức tránh đụng độ với quân Tàu thuộc Sư đoàn
bộ binh 93 rút ở Ai Lao về, nếu cần thì phải dùng tiền hay thuốc phiện của nhà đoan mà mua chuộc.

Thế là chấm dứt cuộc điều đình rút quân Pháp khỏi Trung quốc.

Đến ngày 28-2-46, Pháp và Trung quốc ký hiệp ước tại Trùng Khánh, Trung quốc công nhận chủ
quyền Pháp tại Đông Dương, đồng ý rút quân về nước để Pháp tới thay thế trong khoảng thời gian từ ngày
mùng 1 đến ngày 15 tháng 3-1946, chậm lắm là đến cuối tháng 3-1946. Ngược lại Pháp trá lại Trung quốc
những tô giới Thượng Hải, Thiên Tân, Hán khẩu, Quảng châu Văn mà Pháp đã chiếm của Trung quốc theo
hiệp ước 1860, Pháp nhượng lại những đường hoả xa Vân nam nằm trong địa phận Trung quốc thuộc hệ
thống đường hoả xa Hà nội - Vân nam, Pháp thoả thuận cho Trung quốc được sử dụng hải cảng Hải Phòng
để chuyên chở hàng hoá miễn quan thuế xuyên qua lãnh thổ Bắc kỳ vào Vân Nam.

Thế là trong hai giai đoạn để đến mục tiêu là mang quân Pháp trở lại Bắc kỳ, Pháp đã đi được một
bước đường dài. Phần còn lại là điều đình với Việt Minh để quân Pháp đổ bộ lên Bắc việt thay thế quân Tàu
mà không có sự kháng cự của quân cộng sản Việt minh.

Pháp điều đình với Việt minh để mang quân đội trở lại Bắc việt

Việc điều đình với Việt minh vấp phải nhiều khó khăn.

De Gaulle, d'Argenlieu và phần đông các quan cai trị cũ vẫn muốn duy trì đế quốc với những
quyền lợi đặc biệt, điều đình với dân thuộc địa là một điều bất đắc dĩ mà họ cho là làm giảm uy tín của đế
quốc Pháp.

Theo đà tiến triển của thế giới sau đệ nhị thế chiến 1939-1945 và nhất là trước sự phản đối chính
sách đế quốc thuộc địa do nước Mỹ xướng xuất, chính phủ và Quốc hội Pháp cũng cởi mở chút đỉnh gọi là
“che mắt thế gian” (coi Tuyên ngôn 24-3-45 của De Gaulle trong bài 45--54 số 2), tưởng như vậy cũng là
cho quá nhiều làm gì mà dân thuộc địa chẳng hả hê chấp thuận. Hơn nữa, đoàn quân viễn chinh rầm rộ kéo
đến, với những binh hùng tướng mạnh, khí giới tối tân, thì mấy lúc mà chẳng chiếm lại được Đông Dương là
miếng đất béo bở nhất của đế quốc.

Nhưng những người được cử sang tại chỗ như Sainteny, Salan, Pignon và tướng Leclerc thì họ đã
nhận thấy ngay chính sách của De Gaulle là lạc hậu không phù hợp với tình thế ở Đông Dương nữa, nhất là
không phù hợp với tình thế ở Bắc việt. Những điều mắt thấy tai nghe đã làm cho Sainteny cũng như Leclerc
nhận thấy không thể dùng võ lực để tái chiếm Việt nam với số quân ít ỏi mà chính phủ Pháp gửi sang, ít ỏi vì
tình trạng kiệt quệ của Pháp sau chiến tranh không cho phép Pháp mang quân sang nhiều hơn nữa.

Ngay hồi tháng 8 năm 1945, Sainteny ở Việt Nam về Pháp, Sainteny đã trình bầy cho thống chế
Juin biết là muốn dùng võ lực tái chiếm Đông Dương thì ít nhất phải có 300.000 quân mà lực lượng quân
viễn chinh thì chỉ có 50.000, việc dùng võ lực không thể thành công được, chính phủ Pháp phải điều đình thì
mới có thể trở lại Đông Dương một cách êm thắm.

Leclerc cũng đồng ý như vậy.


Chiến thuật của Leclerc là chiếm đóng những vị trí chiến lược then chốt vững chắc ở Bắc việt làm
hậu thuẫn cho một giải pháp chính trị, loại quân Tàu ra khỏi Đông Dương rồi điều đình với một chính phủ
Việt nam nào đó thực sự mạnh, thay mặt cho toàn dân để giải quyết quyền lợi của cả đôi bên. Song song với
cuộc điều đình với Tàu, Leclerc hoạch định chương trình đổ bộ vào Bắc việt qua ngả sông Cửa Cấm, Hải
Phòng, vào những ngày 4, 5 hoặc 6 tháng 3-1946 hoặc chậm lắm là những ngày 16, 17, 18, là những ngày
mực nước thuỷ triều đủ cao cho tàu chiến có thể tiến vào cảng Hải Phòng được.

Những bất đồng ý giữa d'Argenlieu và Leclerc, Sainteny làm chậm cuộc điều đình với Việt minh.
Cho đến ngày 20-1-1946, chính phủ De Gaulle từ chức, Félix Gouin lên làm thủ tướng và Moutet làm bộ
trưởng thuộc địa, tân chính phủ nghiêng về phía lập trường Leclerc, làm cho giải pháp điều đình có điều kiện
tiến hành dễ dàng hơn trước.

Ngày 13-2-46, d'Argenlieu về Pháp để tường trình công việc với chính phủ mới (thủ tướng Gouin)
và để binh vực chủ trương của mình. Leclerc được cử tạm quyền Cao ủy.

Một mặt Leclerc thúc giục Salan điều đình gấp với Trung hoa để Trung hoa rút quân ở Bắc việt về
nước, một mặt điện về Pháp khuyến cáo chính phủ cho phép dùng danh từ “Độc lập” để hứa hẹn với Việt
minh thay thế danh từ “Tự do” dùng trong những cuộc điều đình để Việt minh chấp nhận cuộc đổ bộ của
Pháp vào Bắc việt mà không kháng cự, tránh đổ máu.

Về phía Việt minh thì lập trường từ trước vẫn là Độc lập và Thống nhất lãnh thổ trái với lập
trường Tự trị và Trưng cầu dân ý để thống nhất do Pháp đề ra.

Cuộc điều đình giữa Pháp và Việt minh cò cưa chẳng đi đến một kết quả nào cho đến ngày 6-3-46
là ngày Leclerc quyết định đổ bộ vào Hải Phòng.

Tin Pháp đổ bộ vào Hải Phòng làm Việt minh bất ngờ. Để tránh sự đổ vỡ và để kéo dài cho có
thời giờ tổ chức lực lượng, buổi chiều ngày 6-3-46 Hồ Chí Minh ký vội một Thoả ước sơ bộ. (Convention
préliminaire).

Đấy là những nét đại cương về lập trường của hai bên Pháp và Việt minh trước ngày 6-3-46 và
trước cuộc đàm phán sau này giữa Pháp và Việt minh.

Sau đây là diễn tiến cuộc đàm phán.

Trước hết, chúng ta hãy đi ngược dòng thời gian để xét thực lực của Việt minh từ lúc về Hà nội
cướp chính quyền đến lúc Leclerc đổ bộ lên Hải Phòng và diễn tiến các cuộc đàm phán Pháp -Việt minh ra
sao.

Khi Việt minh kéo về Hà nội, tháng 8 năm 1945, thì lực lượng võ trang của Việt minh gồm có:

1) vài chi đội quân Giải phóng (sau đổi tên là Vệ quốc đoàn) của Chu văn Tấn,

2) một lực lượng Tuyên truyền võ trang xung phong của Võ Nguyên Giáp,

3) một số cán bộ, một số tự vệ, một số du kích Ba Tơ.

Thực lực chỉ có vậy, nhưng sau ngày cướp chính quyền, Việt minh tổ chức thanh niên thành các
đội tự vệ, dân quân, du kích, thêm vào đó có số lính Bảo an gia nhập. Các làng mạc, các khu phố đều tổ chức
lực lượng tự vệ.
Lực lượng này được Việt minh huấn luyện quân sự. Một trường dạy tự vệ được mở ở Hà nội đặt
tên là trường Tự vệ Hồ Chí Minh, do Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp huấn luyện, thỉnh thoảng Hồ Chí
Minh cũng có đến giảng. Các tự vệ học viên đều phải tự túc về khí giới, giáo mác, gậy, mã tấu, lưỡi lê, v.v…
Tự vệ Hà nội mua được nhiều súng ống của lính Nhật và lính Tàu bán lậu như tiểu liên Tôm-sơn, súng Pạc-
hoọc, bom ba càng, đại liên, súng săn, lưỡi lê, dao găm v.v… Chỉ riêng tự vệ chiến đấu thì được Việt minh
cung cấp cho võ khí và phải tập trung sống trong những trại lính như lính chính quy. Võ khí cung cấp, thí dụ
như võ khí trang bị Vệ quốc đoàn, là những võ khí táp nham, súng trường cả chục loại khác nhau, mút-cơ-
tông, anh-đô-si-noa, mát, súng săn, tờ-rông-blông bắn lựu đạn, mô-de, rơ-manh-tông, thất-cửu, của các nước
Pháp, Nhật, Anh, Mỹ, Nga, Tàu, Đức và cả những súng hoả mai, súng kíp, súng trường kiểu súng Phan đình
Phùng chế tạo thủ công tại các lò rèn, mỗi súng dùng một cỡ đạn khác nhau.

Tóm lại, thực lực Việt minh lúc bấy giờ chỉ có một số quân Vệ quốc, một số du kích, một số tuyên
truyền võ trang và các lực lượng tự vệ, dân quân du kích do dân chúng tự ý tổ chức. Tuy vậy Việt minh gây
rầm rộ phong trào, khí thế dân chúng lên cao độ, tự vệ thao diễn, đắp ụ canh phòng khắp nơi, các khu phố
các cổng làng, các ngã ba đường, các đầu cầu, không khí sẵn sàng chiến đấu sôi sục, làm bọn lính Tàu có cả
trăm ngàn quân và Pháp với 50 ngàn quân cũng phải e dè, không dám làm mạnh, phải tính cách điều đình.

Ngay từ những ngày đầu tháng 9-1945, sau khi đến Hà nội được hai tuần lễ, Sainteny đã cử một sĩ
quan phụ tá đến Bắc Bộ phủ để liên lạc với chính phủ Việt minh.

Hoàng minh Giám được Hồ Chí Minh cử ra để tiếp. Vị sĩ quan Pháp yêu cầu Việt minh cử một đại
diện đến gặp Sainteny.

Tại Tổng hành dinh quân đội Nhật bản là nơi tổ chức cuộc gặp gỡ, Hoàng minh Giám được
Sainteny cho biết ý định muốn trình bầy lập trường của chính phủ Pháp với chính phủ Việt minh. Hoàng
minh Giám đồng ý, hẹn ngày cho Sainteny đến Bắc Bộ phủ. Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và ban
thường vụ đảngViệt minh chỉ định tiếp Sainteny. Với một thái độ mềm mỏng, Sainteny trình bầy vói Giáp
lập trường của chính phủ Pháp, nội dung là những lời tuyên bố ngày 24-3-45 của tướng De Gaulle (Tự do
trong Liên bang Đông Dương và trong Liên hiệp Pháp v.v…) đã nói trong một chương trước (coi 45-54 bài
số 2).

Ngày 26-9-45, người phụ tá của Sainteny là Pignon, được Hồ Chí Minh tiếp tại Bắc Bộ phủ.
Pignon trình bầy lập trường của chính phủ Pháp muốn có một cuộc điều đình với chính phủ Việt minh.
Pignon nhắc đến thông điệp viết bằng tiếng Anh gồm 5 điểm mà đảng Việt minh (The Vietminh league) đã
gửi cho Sainteny đầu tháng 7-1945, nhưng Hồ Chí Minh giả bộ ngạc nhiên nói là đã quên hết những việc
trong thời kỳ ở chiến khu. Lẽ tất nhiên những yêu sách của một đảng khi còn chiến đấu ở rừng núi thì không
thể so sánh với những yêu sách của đảng ấy khi đã về thủ đô nắm quyền hành.

Ngày 15-10-45, Hồ Chí Minh tiếp Sainteny. Hai bên trao đổi lập trường, Hồ Chí Minh yêu cầu
Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt nam và công nhận chính phủ Việt minh trước khi có cuộc đàm
phán chính thức, ngược lại Sainteny yêu cầu Việt minh phải công nhận chủ quyền của Pháp tại Việt nam
trước khi nói đến thể chế chính trị. Hai bên giằng co nhau về danh từ “Độc lập” mà Việt minh thì muốn hiểu
là “Độc lập thực sự “ (indépendance), còn Pháp thì muốn hiểu là “Tự do” (liberté) trong Liên bang Đông
Dương và trong Liên hiệp Pháp.
Ngày 8-2-1946, theo lời yêu cầu của Salan, do Louis Caput chuyển, Hồ Chí Minh mời Salan đến
Bắc Bộ phủ để hội kiến.

Salan: Tôi có trách nhiệm về quân sự ở Bắc Việt. Cảm ơn ông ngày 2-2-46 đã đến bệnh viện
Lanessan thăm binh sĩ của tôi bị thương nằm điều trị ở đó

Hồ Chí Minh: Tôi là một người bạn trung thành của nước Pháp. Nhân dịp Tết Nguyên đán tôi rất
sung sướng được biểu lộ lòng thiện cảm của tôi đối với quý quốc.

Salan: Sau khi trở lại Hà nội, tôi được biết trong những ngày lộn xộn 10 và 11-1-46, nhiều người
An-nam đã che chở kiều dân Pháp khỏi sự cuồng nhiệt của dân chúng, thật là một dấu hiệu tốt đẹp.

Hồ Chí Minh: Trung tướng nói đúng. Phần lớn người Đông Dương không bài Pháp, chúng tôi rất
tiếc những sự việc xảy ra tại miền Nam và thái độ của người Pháp hàng ngày đã đào sâu hố chia rẽ giữa đôi
bên.

Salan: Cái hố chia rẽ này có thể lấp bằng rất nhanh chóng. Ông Chủ tịch có nghĩ nên để cho
chúng tôi lập lại trật tự và hoà bình ở đây không? Chúng tôi có những phương tiện quá đầy đủ. Tôi tin rằng
dân chúng quý quốc sẽ cảm ơn chủ tịch nếu để cho binh sĩ chúng tôi đổ bộ mà không gặp cản trở gì đáng
tiếc. Đó cũng là một hành động tự nhiên của vị chủ tịch một chánh phủ, chứng tỏ cho thế giới biết là có thể
kiểm soát binh sĩ của mình và đồng thời cũng tỏ cho thế giới biết uy quyền của một vị chủ tịch.

Hồ Chí Minh: Nếu tôi hành động như vậy thì tôi phản lại nước tôi.

Salan: Lập lại thịnh vượng cho dân trong sự tự do mà chắc chắn quý quốc sẽ được hưởng thì
chẳng phải là một hành động phản quốc.

Hồ Chí Minh: (…) Tôi được nghe nói tới nước “Pháp mới”, mong rằng nước Pháp mới đó tỏ cho
biết những cái mới lạ.

Salan: Đúng vậy! Nước Pháp mới sẵn sàng tỏ rõ. Thực sự thì ông muốn gì?

Hồ Chí Minh: (…) Chúng tôi muốn trao đổi nhiều về kinh tế, muốn giao thiệp rộng về văn hoá,
chúng tôi cần những chuyên viên, những người Pháp điều khiển trong mọi ngành, nhưng chúng tôi muốn làm
chủ chúng tôi.

Salan: Tuyên ngôn ngày 24-3-49 đã mang lại cho ông những thứ đó (Tuyên ngôn 24-3-45 của De
Gaulle, coi bài 45--54 số 2)

Hồ Chí Minh: Tuyên ngôn đó đã lạc hậu từ lâu rồi

Salan: Tôi vẫn nghĩ rằng ông không cản trở việc chúng tôi trở lại đây, chúng ta có thể thoả thuận
với nhau dễ dàng được. Quân đội chúng tôi sắp đổ bộ, chúng tôi rất mạnh, sao ông không muốn hiểu. (Hồ
Chí Minh tỏ vẻ rất xúc động khi nghe nói quân Pháp sắp đổ bộ).

Hồ Chí Minh: Nếu quân đội Pháp đổ bộ thì tôi không ngăn cản được, nhưng máu sẽ đổ, thật là bi
thảm, tôi không mong muốn như thế, đàn bà con trẻ Pháp sẽ bị giết chết. Tôi không thể ngăn cản dân chúng
được, thật là đáng tiếc.

Salan: Trung quốc có những ràng buộc với chúng tôi và với thế giới do hiệp ước Postdam, Trung
quốc phải tôn trọng hiệp ước đó.
Hồ Chí Minh: Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng tôi vẫn giữ vững lập trường là ngay cả thế giới
chống đối chúng tôi, chúng tôi cũng không thể chấp nhận trở thành nô lệ được. Nước Pháp là một nước tự
do, nước “Pháp mới” hãy dành sự tự do đó cho chúng tôi. (…)

Sau buổi hội kiến, ngày 10-2-46, Salan vào Sài gòn báo cáo với Leclerc và d'Argenlieu.

Mặc dầu nghe trình bầy lời lẽ hơn thiệt của Salan, d'Argenlieu vẫn cố chấp không hiểu cái nguy
cơ Việt minh. Đối với quân đội Tàu thì d'Argenlieu đồng ý dùng chính sách ngoại giao, nhưng đói với Việt
minh thì d'Argenlieu cho rằng Việt minh phải chấp nhận việc Pháp trở lại Bắc kỳ mà không có sự mặc cả
nào.

Ngày 15-2-46 d'Argenlieu về Pháp để trình bầy tình hình với chính phủ mới, chính phủ Félix
Faure, thay thế chính phủ De Gaulle từ chức ngày 20-1-46. Tướng Leclerc được tạm giữ quyền Cao uỷ Đông
Dương.

Leclerc gửi về Pháp cho Thống chế Juin bức điện văn sau đây:

“Những tin tức mới nhận được từ Hà nội xác nhận người Việt nam càng ngày càng sẵn sàng
nhượng bộ nếu họ được thoả mãn về danh từ “Độc lập”, nếu không thì một cuộc kháng chiến kiểu “kháng
chiến Pháp” sẽ bùng nổ, có thể kéo dài nhiều năm, làm cản trở mọi thực hiện chính trị, hành chính và làm
giảm uy thế của quân đội Pháp mới vừa tái lập. Tôi nhận thấy tình trạng hiện tại rất thuận tiện cho một lời
tuyên bố theo chiều hướng đó. Thật thế, nếu bốn tháng trước mà ta nhượng bộ về danh từ đó thì có thể coi
như ta đầu hàng vì bất lực, nhưng hiện nay ta đã tái lập chủ quyền ở Căm bốt, ở Nam kỳ và ở một phần
Trung kỳ và xứ Lào, và chúng ta sắp mạnh mẽ kéo đến cửa ngõ xứ Bắc kỳ, chúng ta có thể đường hoàng nói
chuyện và nhượng bộ.

Với danh từ “Độc lập” (indépendance) người An-nam chấp nhận những gì mà ta đề nghị dưới
danh từ “tự trị” (autonomie). Sự độc lập đó sẽ được nhượng bộ dần dần trong Liên hiệp Pháp, không những
cho Bắc Kỳ, Trung kỳ mà cho cả Nam kỳ, Lào và Cămbốt. Nếu danh từ đó được nói ra thì tôi chắc là phần
lớn vấn đề sẽ được giải quyết, người An nam được hãnh diện mà danh nghĩa và ảnh hưởng của chúng ta
không hề bị giảm bớt. Trên bình diện quốc tế, với sự thực hiện nhanh chóng cuộc bình định, chúng ta chứng
tỏ cho thế giới biết sự tiến bộ của chúng ta trong chính sách thuộc địa và tránh được việc đưa vấn đề Đông
Dương ra trước Liên hiệp quốc. Trái lại nếu người An-nam từ chối thì địa vị quốc tế của chúng ta không thể
bị chê trách được.

Tóm lại trước khi đổ bộ tôi cho rằng chính lúc này, tôi nhấn mạnh: chính lúc này, là lúc thuận tiện
nhất để có một tuyên bố rõ rệt của chính phủ trong đó có danh từ “Độc lập”

***

Ngày 16-2-46, Hồ Chí Minh cho biết sẵn sàng điều đình trên căn bản Việt nam độc lập, thống
nhất và gia nhập Liên hiệp Pháp, không nói đến Liên bang Đông Dương. Chính phủ Pháp trả lời sẵn sàng
công nhận Việt nam tự trị với điều kiện là Việt nam tiếp đón trong tình hữu nghị quân đội Pháp đổ bộ lên Bắc
việt thay thế quân đội Tàu, vấn đề Nam kỳ sẽ định đoạt bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Chính phủ Pháp
không dùng danh từ “Độc lập” mà Leclerc đã đề nghị.
Ngày 20-2-46, Tổng trưởng thuộc địa Moutet công bố tại Paris nội dung thoả hiệp sắp ký kết giữa
Pháp và Trung hoa, nhấn mạnh việc quân Pháp thay thế quân Tàu ở miền bắc Đông Dương. Hãng thông tấn
Reuters khi loan báo tin này đã bình luận là nếu Việt minh không chịu thoả thuận với Pháp thì Pháp bắt buộc
phải dùng đến võ lực.

Tại Hà nội, tin Pháp và Việt minh điều đình với nhau được tung ra thì VN quốc dân đảng và VN
cách mệnh đồng minh hội phản đối dữ dội. Những cuộc biểu tình hô hào đình công bãi thị nổi lên khắp nơi.
Tại các cửa ô vào thành phố, những người buôn bán mang hàng vào Hà nội đều bị chặn lại, xe buýt, xe ca, xe
điện đều bị ngăn cản. Các đoàn biểu tình xuất phát từ trụ sở Việt Quốc và Việt Cách ở đường Quan Thánh và
Ngũ xã với những biểu ngữ và khẩu hiệu “Đả đảo việt gian thân Pháp”, “Đả đảo chính phủ Hồ Chí Minh”,
“Thành lập chính phủ mới dưới quyền lãnh đạo của cố vấn Vĩnh Thuỵ”, rầm rộ kéo nhau đi trên những
đường phố đông đúc, qua bờ hồ, toà Thị chính, Bắc Bộ phủ rồi kéo đến trước cửa nhà của cố vấn Vĩnh Thuỵ
ở phố Trần hưng Đạo yêu cầu gặp cố vấn Vĩnh Thuỵ để mời ông ra lập chính phủ mới, Vĩnh Thuỵ tránh
không ra gặp.

Ngày 22-2-46, trong một cuộc phỏng vấn của các báo chí, Hồ Chí Minh lên án chính phủ Trung
hoa về việc ký kết hiệp ước với Pháp. Hồ Chí Minh đọc bản hiệu triệu hô hào dân chúng “chuẩn bị chiến đấu
trường kỳ, toàn dân, toàn diện, chống mọi kẻ thù ở trước mặt, sau lưng và cạnh nách.(…). Quân địch sắp tới
đâu thì dân vùng đó triệt để làm vườn không nhà trống, khiến quân địch không có thức ăn, không có chỗ ở,
không có đường đi mà phải tiêu hao mòn mỏi. Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn chiến đấu, lúc nào
cũng sẵn sàng mà không bao giờ do dự hoang mang (…)

Để giải thích việc Việt minh điều đình với Pháp, Tổng bộ Việt minh đăng trên báo Cứu quốc một
bản thông cáo chính thức: (Trích: Chúng ta có được hoàn toàn độc lập hay không là do sức chiến đấu của
chúng ta ở mặt trận (…) Lúc Pháp đang muốn điều đình là lúc chúng ta phải chiến đấu kịch liệt, càng phải
chuẩn bị chiến đấu cho đầy đủ để đòi hoàn toàn độc lập (…); chúng ta không từ chối một cuộc điều đình,
nhưng chúng ta quyết không nên để cho cuộc điều đình trở thành một kế hoãn binh có lợi cho quân địch.
Chúng ta quyết không để cho cuộc điều đình trở thành một bài hát ru ngủ chí phấn đấu của dân tộc (…) Vận
mệnh của dân tộc bao giờ cũng do sức chiến đấu của ta định đoạt (…)

Cơ quan tuyên truyền, các tự vệ và các thanh niên dùng loa đi đến các khu phố phổ biến và giải
thích thông cáo đó. Đồng thời Uỷ ban hành chính Hà Nội ra lệnh cho ngườì già và con trẻ tản cư ra khỏi
thành phố, các binh sĩ vệ quốc, tự vệ chiến đấu cũng được lệnh chuẩn bị sẵn sàng.

Trong khi đó, tại Sài gòn, tướng Leclerc quyết định chọn ngày 6-3-46 là ngày đổ bộ lên Bắc kỳ.
Leclerc ra lệnh sửa soạn tàu bè cùng quân lính để chuyển quân ra Hải Phòng. Leclerc điện về Pháp cho thống
chế Juin báo cáo quyết định đổ bộ, yêu cầu tướng Juin can thiệp với chính phủ xúc tiến gấp việc ký kết với
Trùng Khánh cùng là ngoại giao với chính phủ Trung Hoa để Trung Hoa chấp nhận ngày đổ bộ.

Leclerc báo cho Salan biết chương trình đổ bộ như sau:

(…) Nếu thoả hiệp Trùng Khánh được ký kết chiều ngày 27 hay chậm lắm sáng ngày 28-2-46 thì
cuộc đổ bộ lên Hải Phòng sẽ tiến hành ngày 6-3-46 để kịp con nước thủy triều. Nếu quá ngày đó thì trễ lắm
là ngày 10-3 phải ký kết để kịp con nước thuỷ triều sau (tức là ngày 15,16, 17 tháng 3).Cuộc đổ bộ sẽ không
ồ ạt, mà tiến hành dần dần, chậm chạp, bằng sà-lan. Ngày 10 hay ngày 11-3 là ngày chót.
Ngoại trừ việc tôi bị Paris cấm đoán, nếu không thì tôi sẽ tiến hành.

Điều đáng chú trọng là nếu đô đốc d'Argenlieu ở Pháp sang ngay bây giờ thì ông ta sẽ ngăn cản
tôi. Vậy trong khi ông ta vắng mặt, tôi sẽ hành động và lãnh trách nhiệm một mình (…)

Nhận được tin này Salan thúc giục Sainteny phải tiến hành gấp để đi đến thoả thuận với Hồ Chí
Minh vì ngày đổ bộ đã định, thời gian trờ nên cấp bách. Căn bản thoả thuận là quân Việt minh ở yên trong
trại, không nổ súng khi quân Pháp tới.

Ngày 25-2-46, Sainteny và Louis Caput gặp Hồ Chí Minh. Hai bên bàn cãi từng điểm một. Hồ
Chí Minh đồng ý nhiều điểm và nhấn mạnh đến việc đại diện ngoại giao của Việt nam ở ngoại quốc.

Ngày 26-2-46, chính phủ Việt minh phổ biển một thông cáo:

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội đàm với ông Sainteny, đại diện Pháp quốc về việc mở những cuộc
đàm phán chính thức giữa Việt nam và Pháp. Lập trường chính trị củaViệt nam là Độc lập và hợp tác với
Pháp. Lập trường của Pháp là công nhận quyền Việt nam có một chính phủ, một quân đội và một nền tài
chính riêng biệt, trong Liên hiệp Pháp (…)

Ngày 27-2-46, Sainteny gặp lại Hồ Chí Minh. Lần này Hồ Chí Minh thay đổi thái độ, tỏ vẻ yêu
sách nhiều hơn lần trước. Hồ Chí Minh biết là quân Pháp sắp đổ bộ đến nơi lên Bắc việt, nên muốn kéo dài
thời gian, Hồ Chí Minh bác bỏ việc trưng cầu dân ý ở Nam bộ lấy cớ rằng Nam bộ là lãnh thổ của Việt nam,
không phải bàn cãi gì về Nam bộ, Hồ Chí Minh bác bỏ việc quân Pháp trở lại Hà nội.

Ngày 27-2-46, Bộ quốc phòng và Bộ Ngoại giao Pháp đồng ý hoàn toàn về các điều khoản trong
thoả hiệp Pháp Hoa, chính phủ Pháp điện cho Đại sứ Jacques Meyrier ký kết thoả hiệp đó, và đến ngày 28-2-
46 thì thoả hiệp được hai bên ký kết với những điều khoản là Trung Hoa nhìn nhận chủ quyền Pháp ở Đông
Dương và cho phép quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16 trong thời gian từ
ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng 3-46, trễ lắm là đến ngày 31-3-46. Ngược lại, Pháp trả lại Trung quốc những
tô giới và nhượng những quyền lợi kinh tế cho Trung quốc tại Bắc việt.

Tin thoả hiệp Pháp Trung ký kết được loan ra thì tất cả các báo ở Hà nội đều nhất loạt phản đối.
Tờ Cứu quốc (cơ quan của đảng cộng sản VN) bình luận về những quyền lợi kinh tế mà Pháp dành cho
Trung hoa như sau:

(…) chỉ có chính phủ Việt nam mới đủ tư cách để định đoạt những quyền lợi này (…) Từ chỗ ký
hiệp ước đó đến chỗ thi hành hiệp ước, còn có dân tộc Việt nam đang chiến đấu (…) Không ai có quyền mặc
cả nền độc lập của Việt nam (…)

Không khí Hà nội sôi sục. Các lực lượng quân sự gần những chỗ đóng quân của Tàu và các nơi
quân Pháp có thể tiến đến đều được lệnh chuẩn bị chiến đấu. Cảnh sát được tăng cường ở các cửa ô vào Hà
nội. Tự vệ đục lỗ để đặt mìn vào các thân cây lớn và sửa soạn đánh đổ các cột đèn bê-tông, lật đổ các toa xe
điện để làm chướng ngại vật cản đường. Cầu Doumer, sau gọi là cầu Long Biên, cũng đặt mìn sẵn sàng phá
huỷ. Buổi tối ngày 27-2-46, súng nổ khắp nơi trong thành phố, nhất là tại khu Cửa Nam, nhưng không có
cuộc đụng chạm nào với Pháp hay với Tàu.

Sau khi thoả hiệp Pháp Trung được ký kết, Salan báo cho Lư Hán biết quân Pháp sẽ đổ bộ vào
những ngày đầu tháng 3-1946, Lư Hán trả lời phải chờ lệnh của Trung ương.
Salan điện cho Leclerc yêu cầu căn dặn lính đổ bộ vào Bắc việt cần thiết phải tôn trọng những
điều sau đây:

(…) phải hết sức tránh những sự đụng chạm với Trung hoa và An-nam. Không được làm mất mặt
quân Trung hoa bằng những thái độ khinh bỉ quân lính của họ. Phải tôn trọng cờ Trung hoa và cờ Việt minh,
và ngay cả những lá cờ thờ Thần linh của dân chúng. Các vị chỉ huy đơn vị phải nghe những lời khuyến cáo
của các sĩ quan liên lạc khuyến cáo về những thái độ đối với Việt minh và đối với dân chúng. Về phía Việt
minh, nếu họ ký kết thì quân lính của họ sẽ ở trong trại. Tại Hải Phòng, thiếu tá Aubinière sẽ túc trực để tiếp
đón quân đổ bộ, trung uý hải quân Legendre điều khiển phòng liên lạc Pháp Việt Hoa gồm có nhiều sĩ quan
liên lạc và nhiều thông dịch viên (…)

Ngày 1-3-1946 Salan gửi đến Hồ Chí Minh những đề nghị sau đây về quân sự:

(…) Lực lượng quân sự Pháp trở lại bắc Đông Dương gồm các phần tử trẻ tuổi thuộc mọi thành
phần giai cấp Pháp, do những sĩ quan và hạ sĩ quan có một tinh thần thượng võ chỉ huy. Họ đã dự phần vào
việc giải phóng đất Pháp và việc tiêu diệt quân đội Đức.

Họ trở lại đây với tâm trạng là sẽ tìm thấy những người bạn trong các dân tộc Đông Dương.

Lực lượng quân sự Pháp được tổ chức và trang bị theo lối Mỹ, tổng số khoảng 25.000 người.

Nhiệm vụ của họ là trình bầy bộ mặt thật của nước Pháp mới tại miền bắc Đông Dương. Ngoài ra,
do những hiệp ước quốc tế, họ có trách nhiệm canh giữ những lính Nhật, duy trì sự tự do vận chuyển và
thông tin, canh giữ các hải phận quân cảng.

Hơn nữa họ sẽ góp phần vào việc thành lập quân đội Việt nam.

Chương trình đóng quân của họ chưa thể xác định rõ rệt được vì còn tuỳ thuộc vào thời gian rút
quân của quân đội Trung hoa.

Tuy nhiên các trại quân đã được dự định ở những nơi sau đây: Hà nội, Hải Phòng, Hòn gay, Nam
định, Thanh hoá, Vinh, Huế, Tourane, Móng cáy, Lạngsơn, Cao bằng, Hà giang, Lào kay, Lai châu

Tại Hà nội thì đóng quân tại một vài công ốc.

Binh sĩ hiện đóng trong thành Hà nội sẽ được điều động tuỳ theo nhu cầu. Họ đã mãn hạn và đã ở
quá thời gian bắt buộc, họ sẽ được ưu tiên chuyển về Pháp, dần dần theo khả năng chuyên chở của chúng tôi.

Một cơ quan liên lạc và kiểm soát sẽ được thành lập.

Ký tên: Salan

Ngày 3-3-1946, Salan cho sĩ quan liên lạc với bộ chỉ huy Lư Hán. Lư Hán nói chưa nhận được
lệnh của Trung ương đồng ý cho lính Pháp đổ bộ.

Đột nhiên ngày 3-3-46, bộ Tổng tham mưu Trung hoa trở giọng. Đại tá Crépin đại diện của
Leclerc ở Trùng Khánh được thông báo là cuộc đổ bộ của Pháp lên Hải Phòng chỉ có thể thực hiện được nếu
có phép của tướng Mac Arthur hoặc phải có thoả thuận của Bộ chỉ huy tham mưu hỗn hợp Đồng minh mới
được đổ bộ.
Salan một mặt điện cho Crépin phải dàn xếp với Tàu, một mặt ra lệnh cho trung uý Legendre ở
Hải Phòng báo cho bộ Tham mưu quân Tàu đóng ở Hải Phòng biết là quân đội Pháp thi hành hiệp ước Pháp
Hoa sắp sửa đổ bộ.

Ngày 4-3-46 Crépin điện cho Salan biết là đã dàn xếp xong với Tàu, Salan cứ việc tiến hành cuộc
đổ bộ.

Cũng sáng ngày hôm đó, văn phòng tướng Lư Hán lại trả lời là chưa nhận được chỉ thị của Trung
ương, Salan tức giận tới gặp tướng Mã Anh để nói cho Mã Anh biết rằng mặc dầu Lư Hán chưa nhận đươc
lệnh, ngày 6-3-46 quân đội Pháp cũng vẫn đổ bộ vì hai chính phủ Pháp Hoa đã thoả thuận như vậy. Mã Anh
vẫn từ chối, nói là chưa nhận được chỉ thị của Trung ương. Đến 11 giờ sáng thì Mã Anh đổi giong, nói với
Salan là lệnh của Trung ương đã tới, thoả thuận cho quân Pháp đổ bộ vào ngày giờ đã định, mời Salan tới
họp tại dinh Puginier, tức dinh Toàn quyền cũ, vào hồi 10 giờ tối hôm đó để định các thể thức vể cuộc đổ bộ.

6 giờ 30 chiều, Salan cùng với Sainteny, Pignon, Caput đến gặp Hồ Chí Minh. Cuộc hội họp kéo
dài gần 4 tiếng đồng hồ, Hồ Chí Minh vẫn giữ vững lập trường: “Quý vị yêu cầu tôi cho phép quân đội của
quý vị đổ bộ lên Bắc việt, nếu tôi chấp nhận thì tôi phản lại nước tôi. Tôi không thể chấp nhận việc binh l ính
Pháp ở đây vĩnh viễn được, quý vị phải định rõ rệt một thời gian”.

Từ giã Hồ Chí Minh, Salan và Sainteny cùng các phụ tá là Trung tá Lecomte, trung tá Repiton
Préneuf, trung tá Le Porz và một vài sĩ quan khác dưới quyền Salan, cùng với một cha công giáo mặc binh
phục làm thông ngôn đến dinh Puginier họp với tướng Mã Anh, đại diện tướng Lư Hán. Ngoài Mã Anh có
hiện diện chín tướng Tàu khác.

Mã Anh khai mạc buổi họp tóm tắt những diều khoản trong hiệp ước Pháp Hoa liên can đến vấn
đề thay thế quân, và kết luận là Pháp phải bảo đảm an ninh cho kiều dân Trung hoa, gồm 500 ngàn người ở
rải rác khắp nơi trên địa phận bắc Đông Dương, trong những thị trấn cũng như trong các làng mạc, các vị chỉ
huy Pháp phải cam kết với nhà chức trách Trung hoa là sẽ bảo đảm an ninh cho những người đó.

Salan hứa sẽ chỉ thị cho lính Pháp che chở sinh mạng và của cải của kiều dân Trung hoa và Salan
ký nhận hết trách nhiệm nếu có sự gì đáng tiếc xảy ra trong lúc Pháp đổ bộ ngày 6-3-46, các tướng Tàu bấy
giờ mới an lòng.

Cuộc họp kéo dài suốt đêm, đến 5 giờ sáng ngày 5-3-46 mới chấm dứt.

Một Uỷ ban gồm trung tá Lecomte và Tham mưu trưởng quân đoàn 53 của Tàu được cử xuống
Hải Phòng ngay trong ngày để giải quyết tại chỗ những thể thức cho cuộc đổ bộ ngày hôm sau. 11 giờ họ ra
phi trường Gia Lâm để đáp máy bay đi Hải Phòng thì lúc 1 giờ trưa Lecomte bối rối và hối hả về gặp Salan
và báo cáo rằng: “Khi máy bay sắp cất cánh thì quân lính Trung hoa ngăn lại, bắt Lecomte và vị sĩ quan
Trung hoa xuống, đưa cho xem một công điện của Tổng chỉ huy quân đoàn 53 tại Trùng Khánh ra lệnh cho
ông ta không được thi hành”.

Salan báo cáo cho Leclerc biết sự việc. Leclerc lúc bấy giờ đang ở trên chiến hạm Emile Bertin
trên đường đi tới Hải Phòng cùng với các chiến hạm khác chở quân đổ bộ.
Sau đó Salan gặp tướng Mã Anh và tướng Chu Phúc Thành, Salan trách quân Trung hoa lộn sộn
và cho họ biết nhất định không thể hoãn cuộc đổ bộ đã định vào sáng ngày hôm sau được. Salan thoả thuận
với hai tướng Mã và Chu về thể thức đổ bộ như sau:

Sáng ngày 6-3-46, đoàn chiến hạm sẽ ngược sông Cửa Cấm đến đậu gần bến Sáu Kho, quân lính
Pháp ở trên tàu không xuống đất. Quân lính Trung hoa không được bắn vào quân Pháp. Tướng Mã và tướng
Chu sẽ ra lệnh cho các nhà trách nhiệm quân sự Tàu ở Hải Phòng biết chương trình như vậy để họ thi hành.

Cũng trong ngày 5-3-46, Uỷ ban Kháng chiến toàn quốc của Việt minh thành lập gồm có đại biểu
các đảng phái mà chủ tịch là Võ Nguyên Giáp kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Đồng bào hãy đứng lên chống giặc!

“Giờ nghiêm trọng của tổ quốc đã điểm!

“Uỷ ban toàn quốc kháng chiến gồm đủ đại biểu các đảng phái, có trách nhiệm thống nhất quân
đội, điều khiển quân dân xông ra giết giặc chống giữ bờ cõi cho Tổ quốc.

“Đồng bào hãy nhiệt liệt ủng hộ Uỷ ban, hãy sẵn sàng nghe theo mệnh lệnh của Uỷ ban để đem
thắng lợi cho quân dân giành thắng lợi choTổ quốc. (…)

Buổi tối hôm đó tướng Chu và tướng Mã đến gặp Hồ Chí Minh.

Hai vị tướng Tàu báo tin cho Hồ Chí Minh biết hạm đội Pháp đã vào tới vịnh Bắc kỳ, họ khuyên
Hồ Chí Minh không nên quá găng để chiến tranh xảy ra, nên ký thoả thuận với Pháp để quân Pháp vào thay
thế quân Trung hoa.

Trong buổi hội kiến này Hồ Chí Minh bút đàm với tướng Chu.

Bút tích bản bút đàm đó, những câu hỏi và trả lời của Hồ Chí Minh được dịch ra chữ Pháp. Sau
buổi hội kiến tướng Chu chuyển đến cho Salan bản dịch đó, nội dung như sau:

“Hôchiminh (…) Tôi sợ quân Pháp đánh lừa vì họ không chịu nhượng bộ gì cả (…)

“Hồ Chí Minh: (…) Nếu tôi thoả thuận thì phải có sự hiện diện củ a những nhà chức trách Đồng
minh (…)

“Hồ Chí Minh: (…) Tôi cho rằng về phía Trung hoa cũng có sự doạ dẫm (…)

“Hồ Chí Minh: (…)Tôi bằng lòng đàm phán lại với các đại diện Pháp trưa mai tại Bắc Bộ phủ.

Đây là những đề nghị của tôi:

Hồ Chí Minh: (Tôi) Sẽ thoả hiệp trên ba điểm chính sau đây, tôi biết rằng tôi sẽ thất bại trước sự
đổ bộ của Pháp, nhưng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu. ngay cả trong lúc điều đình tôi cũng vẫn sửa soạn.

Hồ Chí Minh: 1) Tôi đòi chính phủ Pháp phải công nhận chính phủ Việt nam là chính phủ của một
nước tự do, một nước có chính phủ, có Quốc hội, có nền tằi chính và có quân đội riêng biệt. Tất cả trong
Liên bang Đông Dương.

2) chính phủ Pháp sẽ yêu cầu chính phủ Việt nam chấp nhận một đạo quân Pháp gồm 15.000
người Pháp và 10.000 người Việt do chính phủ Việt nam chọn. Tổng số là 25.000 người.
3) quy chế Nam kỳ sẽ định đoạt bằng một cuộc bò phiếu của các người quốc gia Việt Nam

4) người Pháp phải yêu cầu một cuộc đình chiến tạm thời giữa Pháp và Việt Nam.

5) Những vấn đề khác sẽ được bàn cãi và giải quyết trong những cuộc hội kiến chính thức. “

Salan và Sainteny chấp nhận tất cả những đề nghị của Hồ Chí Minh và tức khắc viết một lá thư
cho Lư Hán, do một sĩ quan mang tay trao cho tướng Mã Anh:

Tôi hân hạnh báo tin Đại tướng biết ông Sainteny và tôi đã đồng ý chấp thuận những đề nghị của
ông Hồ Chí Minh do tướng Chu chuyển tới hồi 21 giờ 30 ngày 5-03-1946.

Một bản văn chính thức có ghi những đề nghị đó sẽ được chuyển đến ông Hồ Chí Minh vào hồi 7
giờ sáng ngày 6-3-46.

Sau khi ông Hồ Chí Minh thảo luận với các cộng sự viên cố vấn của ông, ông sẽ chính thức trả lời
chấp thuận cho ông Sainteny lúc 11 giờ cùng ngày. Chỉ từ lúc đó quân đội Pháp mới bắt đầu đổ bộ xuống Hải
Phòng và quân lính Pháp chỉ rời khỏi khu vực “đầu cầu” sau khi có thoà thuận với người An-nam về những
chi tiết di chuyển.

Tuy nhiên, để bộ chỉ huy Trung hoa có thì giờ truyền lệnh, quân đội Pháp chỉ bắt đầu đổ bộ vào
sáng ngày mùng bẩy (7-03-46).

Nửa đêm hôm đó Salan chuyển đến Leclerc trên tàu Emile Bertin bức điện văn của đại tá Crépin ở
Trùng khánh đánh sang lúc 10 giờ đêm:

“Tình hình ở Trùng Khánh rất là lộn sộn. Nha Âu châu sự vụ sáng nay nói với vị cố vấn toà đại sứ
của chúng ta rằng những cuộc hội đàm tham mưu chỉ được nối lại với điều kiện ngày đổ bộ của Pháp phải
được bàn định lại. Có lẽ họ bắt ta phải đổ bộ ở Trung kỳ chứ không được ở Bắc kỳ. Đồng thời Thứ trường
ngoại giao tuyên bố việc trở lại Bắc kỳ của chúng ta tuỳ thuộc sự chấp thuận của Mac Arthur và rất là dè dặt
về vấn đề ngày tháng”.

Đêm mùng 5 tháng 3-1946, hạm đội Pháp tới hải phận Hải Phòng.

Sáng sớm ngày 6-3-46, quân lính xuống những tàu nhỏ phẳng đáy, là những tàu của Mỹ dùng để
đổ bộ gọi tên tắt là LCI (Landing craft infantry). để vào sông Cửa Cấm, vì lòng sông Cửa Cấm có nhiều phù
sa nên tàu lớn, chiến hạm không vào được.

8 giờ 30 sáng, khi đoàn tàu LCI tiến vào gần bến thì súng liên thanh và đại bác từ hai bên bờ do
quân Tàu bắn ra liên hồi. Lính Pháp bị bất ngờ chết và bị thương nhiều. 20 phút sau, tướng Valluy ra lệnh
phản pháo, chiến hạm Triomphant bắn đại bác trở lại. Lính Tàu bị thương và chết nhiều, kho đạn của T àu bị
trúng đạn cháy lớn đạn nổ lung tung. Tới 10 giờ sáng, hai bên ngưng bắn, Phía Pháp bị chết 32, bị thương 40.

Tại Hà nội, lính Tàu được lệnh báo động, sửa soạn phòng thủ. Những ổ tác chiến được dựng lên,
giây kẽm gai kéo ra cản đường, xe cộ lưu thông bị khám xét.

Salan gặp các tướng Tàu để dàn xếp, hai bên đổ lỗi cho nhau đã gây sự trước. Cuối cùng tin ở Hải
Phòng lên cho biết, tướng Hoàng, Chỉ huy sư đoàn 130 đóng ở Hải Phòng là tướng thuộc quân đoàn 53 Mãn
châu, không chịu nhận lệnh của các tướng Vân nam, Mã, Chu, nên đã ra lệnh nổ súng. Sau cùng tướng
Hoàng nhận được lệnh của các cấp trên trực thuộc và, đến hai ngày sau, quân Pháp đuợc yên ổn đổ bộ
xuống. Cuộc đổ bộ chấm dứt hồi 17 giờ ngày 8-3-46, không có sự gì đáng tiếc xảy ra.

Sáng ngày 6-3-46, Sainteny đến Bắc Bộ phủ để gặp Hô chi Minh. hai bên đồng ý về danh từ
“quốc gia tự do” mà Hồ Chí Minh đề nghị, cùng là những điều khoản khác trong thoả ước sẽ được ký trong
ngày.

4 giờ chiều. Tại căn nhà số 38 đường Lý Thái Tổ, Hà nội, Thoả ước

sơ bộ được ký kết với sự chứng kiến của Tổng lãnh sự Anh, Trévor Wilson, tướng Chu phúc
Thành, đại uý Farris đại diện phái bộ Mỹ. Phía Pháp có Salan, Pignon và Sainteny, phía Việt nam có Hồ Chí
Minh, Vũ Hồng Khanh, Hoàng minh Giám và Nguyễn tường Tam.

Trong một căn phòng đơn giản không treo cờ, những bản thoả hiệp đặt sẵn trên một cái bàn lớn ở
giữa phòng.

Hoàng minh Giám đọc bản thoả hiệp bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Hồ Chí Minh và Vũ Hồng
Khanh đại diện Việt Nam, Sainteny đại diện Pháp ký vào bản Thoả ước (Convention préliminaire) và bản
Phụ ước (Accord annexe).

Lể ký kết chấm dứt hồi 5 giờ chiều. Hai bên ra cửa đứng chụp hình kỷ niệm, rồi trở lại căn phòng
uống sâm-banh, rượu mừng. Hồ Chí Minh

nâng ly rượu nói mấy câu mừng cho sự thành công và kết luận:

“Chúng tôi chưa được thoả mãn vì chưa được hoàn toàn độc lập, nhưng rồi chúng tôi cũng sẽ
giành được. Tôi hiểu rằng không có thể được tất cả trong một ngày”.

Sainteny mừng cho đôi bên Việt Pháp đã tránh được một cuộc chiến tranh.

Sau đây là những điều khoản trong bản Thoả uớc sơ bộ ngày 6-3-46:

1) Chính phủ Pháp công nhận nước Việt nam cộng hoà là một quốc gia tự do, có chính phũ, Quốc
hội, quân đội và tài chính riêng, dự vào Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Về vấn đề hợp nhất ba
kỳ, chính phủ Pháp cam kết công nhận những quyết định của dân chúng sau một cuộc trưng cầu dân ý.

2) Chính phủ Việt nam sẵn sàng đón tiếp thân hữu quân đội Pháp thi hành những thoả hiệp quốc
tế đến thay thế quân đội Trung hoa. Một phụ ước đính theo Thoả hiệp sơ bộ này định rõ những thể thức về
việc thay thế.

3) Những điều khoản trên có hiệu lực tức khắc.

Sau khi ký kết, hai bên phải lập tức đình chỉ những cuộc xung đột, quân hai bên ở đâu vẫn cứ
đóng ở đó và phải gây ra một không khí hoà hảo để mở cuộc thương thuyết chính thức theo tình thân thiện và
chân thật về những vấn đề sau đây:

a) ngoại giao của Việt nam với các nước ngoài

b) quy chế tương lai của Đông Dương

c) quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp ở Việt nam.

Hà nội, Sài gòn hay Ba lê có thể được chọn làm nơi đàm phán.
Phụ ước Thoả hiệp sơ bộ 6-3-46 (Accord annexe)

1) Quân đội thay thế gồm có:

1a) 10.000 lính Việt nam với sĩ quan Việt nam nhận mệnh lệnh của nhà chức trách quân sự Việt
nam

1b) 15.000 lính Pháp gồm có lính Pháp hiện đóng tại phía bắc vĩ tuyến 16 Việt nam. Số lính này
phải là lính Pháp ở chính quốc sang, ngoại trừ số lính có nhiệm vụ canh gác tù binh Nhật.

Toàn thể số quân lính đó sẽ đặt dưới quyền chỉ huy tối cao của Pháp, có các đại diện Việt nam
tham dự. Sự di chuyển, đồn trú và sử dụng số quân đó sẽ được định rõ trong một Hội nghị Tham mưu hỗn
hợp Việt Pháp họp ngay sau khi quân Pháp đổ bộ

Những Uỷ ban hỗn hợp được cử ra trên mọi cấp bực để gây tinh thần hợp tác thân hữu và làm
nhiệm vụ liên lạc giữa quân Pháp và quân VN.

2) Quân đội thay thế chia ra làm ba loại:

2a) những đơn vị có nhiệm vụ canh gác tù binh Nhật bổn

Những đơn vị này sẽ được rút về ngay sau khi hết nhiệm vụ nghĩa là khi tù binh đã hồi hương hết,
thời hạn tối đa là mười tháng.

2b) những đơn vị có đồng nhiệm vụ với quân đội Việt nam giữ gìn trật tự công cộng và an ninh
của lãnh thổ VN. Những đơn vị này hàng năm sẽ triệt hồi một phần năm và được thay thế bằng quân đội Việt
Nam, trong 5 năm sẽ thay thế hết.

2c) - những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ những cơ sở hải và không quân. Thời hạn sẽ chỉ định trong
các cuộc hội đàm sau.

3) Những nơi có cả quân Pháp và quân Việt cùng đóng quân thì ranh giới đồn trại sẽ được chỉ
định rõ rệt.

Chính phủ Pháp cam kết không được dùng tù bình Nhật trong những mục đích quân sự.

Nguyên văn bản chữ Pháp Thoả ước sơ bộ 6-3-1946

CONVENTION PRÉLIMINAIRE

Entre les Hautes parties ci-après désignées :

- le Gouvernement de la République Française, représenté par M. Sainteny, Délégué du Haut


commissaire de France, régulièrement mandaté par le Vice -Amiral d'Escadre Georges Thierry d'Argenlieu,
Haut Commissaire de France, Dépositaire des Pouvoirs de la République Française, d'une part,

- Et le Gouvernement de la République du Viet Nam représenté par son Président, M. Ho Chi


Minh, et le Délégué Spécial du Conseil des Ministres, M. Vu Hong Khanh, d'autre part,

il est convenu ce qui suit:

1- Le Gouvernement Français reconnait la République du Viet Nam comme un Etat libre ayant
son Gouvernement, son Parlement, son Armée et ses Finances, faisant partie de la Fédération Indochinoise et
de l'Union Française. En ce qui concerne la réunion des trois “ky” le Gouvernement français s'engage à
entériner les décisions prises par les populations consultées par référendum.

2. Le gouvernement du Vietnam se déclare prêt à accueiller amicalement l'armée française lorsque


conformément aux accords internationaux, elle relèvera les troupes chinoises. Un accord annexe joint à la
présente Convention préliminaire fixera les modalités selon lesquelles s'effectueront les opérations de relève.

3. Les stipulations ci-dessus formulées entreront immédiatement en vigueur. Aussitôt après


l'échange des signatures chacune des Hautes Parties contractantes prendra toutes mesures nécessaires pour
faire cesser sur-le-champ les hostilités, maintenir les troupes sur leurs positions respectives et créer le climat
favorable nécessaire à l'ouverture immédiate de négociations amicales et franches. Ces négociations
porteront notamment sur :

a) les relations diplomatiques du Vietnam avec les Etats étrangers

b) le statut futur de l'Indochine

c) les intérêts économiques et culturels français au Vietnam.

Hanoi, Saigon ou Paris pourront être choisis comme siège de la Conférence.

Accord annexe à la Convention Préliminaire

intervenue entre le Gouvernement de la Républi-que Française et le Gouvernement du Viet Nam.

Entre les Hautes Parties contractantes désignées à la Convention préliminaire, il est convenu ce
qui suit :

I- Les Forces de relève se composeront :

a) de dix mille vietnamiens (10.000), avec leur cadres vietnamiens, relevant des autorités
militaires du Viet Nam

b) de quinze mille (15.000) Français, y compris les Forces françaises résidant actuellement dans le
territoire du Viet Nam au Nord du 16è parallèle. Les dits éléments devront être composés uniquement de
Français d'origine métropolitaine, à l'exception de Troupes chargées de la garde des prisonniers Japonais.

L'ensemble de ces forces sera placé sous le Commandement Supérieur Français, assisté de
délégués Vietnamiens. La progression, l'implan-tation et l'utilisation de ces forces seront définis au cours
d'une Conférence d'Etat Major entre les représentants des Commandemens Français et Vietnamiens laquelle
se tiendra dès le débarquement des Unités Françaises.

Des Commissions mixtes seront crées à tous les échelons pour assurer dans un esprit d'amicale
collaboration, la liaison entre les Troupes françaises et les Troupes vietnamiennes.

2- Les éléments français des forces de relève seront répartis en trois catégories :

a) Les unités chargées d'assurer la garde des prisonniers de guerre japonais. Ces unités seront
rapatriées dès que leur mission sera devenue sans objet par suite de l'évacuation des prisonniers japonais, en
tout cas dans un délai maximum de dix mois.
b) les unités chargées d'assurer, en collaboration avec l'armée vietnamienne, le maintien de l'ordre
public et de la sécurité du territoire vietnamien. Ces unités seront relevées par cinquième, chaque année, par
l'Armée vietnamienne, cette relève étant donc effectivement réalisée dans un délai de cinq ans.

c) les Unités chargées de la Défense des bases navales et aériennes, la durée de la mission confiée
à ces Unités sera définie dans les Conférences ultérieures.

3) Dans les places où les Troupes françaises et vietnamiennes tiendront garnison, des zones de
cantonnement nettement délimitées, leur seront assignées.

4) Le Gouvernement français s'engage à ne pas utiliser les prisonniers japonais à des fins
militaires.

Fait à Hanoi le 6 Mars 1946

Signé : Sainteny

Signé : Hồ Chí Minh et Vũ Hồng Khanh

***

Tin Thoả ước sơ bộ đã được ký kết với Pháp tung ra làm dân chúng thủ đô hoang mang hết sức.
Lời thề không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không dẫn đường cho Pháp ngày 2-9-45, còn vang
dội trong tai mọi người, mà chỉ vài tháng sau việc quân Pháp trở lại đã được một thoả ước hợp thức hoá. Mặc
dầu Hồ Chí Minh đã khôn khéo kéo Vũ Hồng Khanh ký vào thoả ước, đảng viên VN Quốc dân đảng và VN
Cách mệnh đồng minh hội cũng sôi sục định tâm làm mạnh, nhất là thấy bị quân Tàu phản, gạt họ ra ngoài
để bắt tay với Pháp và với Việt minh.

Hồ Chí Minh mừng thầm trong bụng. Thoả ước sơ bộ là một mũi tên bắn trúng hai con mồi, vừa
đuổi được quân Tàu vừa gạt được các đảng phái quốc gia, Pháp là kẻ thù duy nhất còn lại thì sẽ tính kế sau.

Trước phản ứng mạnh của Quốc dân đảng và của VN cách mệnh đồng minh hội trên báo chí và
truyền đơn, tố cáo Việt minh là việt gian, là phản quốc, là thân Pháp v.v… Tổng bộ Việt minh lo ngại, vội
vàng tổ chức một buổi mít-tinh ngay ngày hôm sau 7-3-46 tại công trường Nhà hát lớn để giải thích thái độ
của họ. Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh lần lượt lên diễn đàn. Võ Nguyên Giáp giải thích: Chúng ta đã
chọn giải pháp điều đình để tạo nên những điều kiện thuận tiện cho cuộc chiến đấu dành Độc lập hoàn toàn
(…) Năm 1918, nước Nga đã ký hiệp ước Brest-Litowsk để chặn đường tiến quân của quân Đức và để củng
cố quân đội và chính trị trong thời gian ngưng chiến, chẳng phải do hiệp ước đó mà nước Nga đã trở thành
hùng mạnh đó không?

Hồ Chí Minh nói: Điều đình là khôn ngoan chiến đấu hiện giờ là ngu dại. Tại sao ta lại hy sinh
hàng trăm ngàn người trong khi nhờ điều đình ta có thể tiến tới độc lập, có thể trong 5 năm nữa (…)

Sau khi Hiệp ước sơ bộ được ký kết với Pháp, các đảng phái quốc gia VN Quốc dân đảng và VN
Cách mệnh đồng minh hội đều chưng hửng vì thấy quân Tàu bỏ rơi họ, sự hoạt động cũa họ giảm kém dần, ít
lâu sau cụ Nguyên hải Thần bỏ sang Tàu mặc lời yêu cầu của Tiêu Văn mời cụ ở lại làm việc. Cố vấn Vĩnh
Thuỵ cũng bị Việt minh tống đi nốt cho đỡ gai mắt. Việt minh lập một phái đoàn thân thiện với nước Tàu do
Vĩnh Thuỵ cầm đầu cùng mấy nhân viên Việt minh và Quốc dân đảng. Sang đến đất Tàu, Vĩnh Thuỵ được
Tưởng giới Thạch tiếp kiến, rồi mấy nhân viên tuỳ tùng bỏ rơi ông ở Trùng Khánh, ông phải vay tiền lộ phí
để đi đến Hương cảng. Ông ở đó đến khi Việt minh gửi thư cho ông bảo ông cứ ở bên Tàu đừng về Việt Nam
nữa. Đó là chuyện về sau.

****

Trở lại việc quân Pháp đổ bộ.

Trong một đoạn trên đã nói, tướng Hoàng chỉ huy sư đoàn 130 đóng

tại Hải Phòng, sau khi được trực lệnh của cấp trên và lệnh của tướng Lư Hán do tướng Mã Anh và
tướng Chu Phúc Thành chuyển đến, tướng Hoàng đã đồng ý để quân Pháp đổ bộ vào hồi 17 giờ ngày 7-3-46
mà không cản trờ. Võ Nguyên Giáp cũng ra lệnh cho tự vệ án binh bất động, vì vậy cuộc đổ bộ được êm đẹp
và đến chiều ngày 8-3 thì hoàn tất. Tướng Leclerc hả hê, nghỉ đêm trên tàu Sénégalais, điện cho Salan thu
xếp với Tàu và Việt minh cho đoàn quân Pháp tiến lên Hà nội càng sớm càng hay.

Ngày 14-3-46 Lư Hán ở Vân nam sang Hà nội báo cho Salan biết chính phủ Tàu đồng ý cho quân
đội Pháp có thể lên Hà nội ngày 17 hay 18 tháng 3, Việt minh cũng thoả thuận như vậy.

Leclerc liền báo cho Tàu và Việt minh biết, ngày 18-3 Leclerc sẽ cùng 1.200 binh sĩ thuộc Sư
đoàn 9 bộ binh thuộc địa, và một đơn vị cũa Đệ nhị Sư đoàn thiết giáp với 200 xe đủ loại từ Hải Phòng lên
Hà nội. Sẽ đóng quân tại trường Trung học Bảo Hộ cạnh Hồ Tây (tức là trường Bưởi cũ).

Đúng 12 giờ trưa ngày 18-3, đoàn quân của Leclerc tiến vào trong thành phố Hà nội. Tại Gia Lâm
các tướng Tàu đại dìện Lư Hán đón chào. Leclerc và tuỳ tùng gồm có Sainteny, Salan và tướng Valluy về trụ
sở của Uỷ viên Pháp Sainteny (Valluy lúc bấy giờ được cử làm Chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc việt thay thế
Salan). Nơi đây đông đủ các kiều dân Pháp tụ tập, với những lá cờ Pháp nhỏ cầm tay, để đón tiếp và hoan hô
tướng Leclerc. Sau khi tiếp xúc với kiều dân Pháp, Leclerc được đưa về nghỉ tại một biệt thự có một tiểu đội
Việt minh canh gác, tiểu đội này dã dàn chào Leclerc khi ông ta tới.

Buổi chiều cùng ngày, Leclerc đến thăm Lư Hán và sau đó thăm Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ phù, nơi
đây sâm-banh được mở để đãi khách. Leclerc rất hài lòng về Thoả ước sơ bộ và việc đổ bộ êm thắm nên báo
cáo cho tướng De Gaulle như sau:

(…) Thật vậy, mặc dầu có hiệp ước ký kết với Trung hoa ở Trùng khánh, tôi cũng nhận thấy là
nếu một cuộc giao tranh với Việt nam xảy ra thì quân Tàu sẽ tức khắc khai thác những sự khó khăn để ngăn
trở chúng ta không tái thu được Bắc việt.

(…) Như thế ngoài quân đội Tàu chúng ta sẽ vấp phải một sự nổi dậy chống chúng ta họặc là sẽ
thấy một xứ sở vô trật tự. Mặc dầu chúng ta chắc chắn đổ bộ lên Hải Phòng được, nhưng sự tái chinh phục
toàn thể Bắc kỳ hoặc một phần Bắc kỳ là một sự không thể thực hiện được.

(…) Vì các lẽ đó Thoả ước sơ bộ thật là tối quan trọng. Tôi xác nhận như vậy. Nhất là chính tôi đã
trình bầy cho ông Sainteny và tướng Salan sự cần thiết tối khẩn là các ông ấy phải giới thiệu cho tôi một
chính phủ An-nam ngày mà chúng ta đổ bộ.

(…) Nhờ thoả ước đó mà chúng ta có thể vào Hà nội không tốn một viên đạn, mặc dầu có sự
chống đối của quân đội Tàu. Nếu Thoả ước sơ bộ không được ký kết thì chúng ta sẽ phải chiến đấu với
Trung hoa với những sự khó khăn quốc tế và đối diện chúng ta là một xứ nổi loạn còn khó khăn cho chúng ta
hơn xứ Nam kỳ nhiều.
Vì những lẽ đó mà ngày 14-2-46 tôi đã điện về Pháp yêu cầu chính phủ cho phép dùng danh từ
“Độc lập” để tránh sự đổ vỡ quan trọng.

Chúng ta có thể nói là đã thắng ván đầu, còn lại chỉ là những vấn đề chính trị và điều đình. (…)

Ngày 22-3-46, một cuộc duyệt binh được tổ chức tại Đài chiến sĩ trận vong. Một tiểu đoàn lính
Việt minh cũng tham dự cùng với lính Pháp.

Ngày 24-3-46, Hồ chi Minh cùng Sainteny và Pignon đáp thuỷ phi cơ ra Vịnh Hạ long để gặp đô
đốc d'Argenlieu trên chiến hạm Emile Bertin từ Sài gòn mới ra. D'Argenlieu tiếp đón Hồ Chí Minh như một
quốc trưởng, hai người cùng duyệt hạm đội Pháp dàn chào trước chiến hạm Emile Bertin. Trong cuộc hội
kiến, d'Argenlieu báo cho Hồ Chí Minh biết là chính phủ Pháp mời chính phủ Việt nam cử phái đoàn sang
Paris để đàm phán theo điều khoản trong Thoả ước sơ bộ 6-3-46.

Cuộc điều đình với Tàu để quân đội Pháp thay thế dần dần ở các tỉnh được tiến hành một cách khả
quan. Ngày 28-3-46, Lư Hán và Salan ký kết một tờ tương thuận về thể thức thay thế.

Đến ngày 1-4-46 thì quân đội Pháp hoàn tất việc tiếp thu tại các nơi đây: Hà nội, Hải Phòng,
Huế,Tourane, Savannakhet, Thakhet, đang tiếp thu Vinh, và Nam định. Các khu vực miền thượng du và trung
du vẫn còn trong tay quân đội Tàu, ngoại trừ phi trường Điện Biên Phủ đã trao cho Pháp sử dụng. Kết quả
được nhanh chóng và tốt đẹp như vậy phần lớn cũng nhờ những quà cáp, châu báu, vàng bạc, thuốc phiện
tặng cho các tướng Tàu ở Việt nam nên kết quả mới được khả quan như vậy.

Trong một bức công hàm gửi cho tướng Salan, Lư Hán đã tỏ ý hài lòng về việc thay thế, Lư Hán
viết như sau:

Đệ nhất phương diện quân, Tư lệnh quan, Lục quân thượng tướng Lư Hán,

Dân quốc tam thập ngũ niên,tam nguyệt, nhị thập lục nhật

1) Trung Pháp tham mưu hiệp nghị nguyên văn dữ quý tư lệnh hoàn toàn đồng ý chi nguyên văn
chính thẩm chi đối chiếu trung, hiện Trung Pháp chính tiếp giao phòng vụ sự thực thượng dĩ căn cứ Trung
Pháp tham mưu hiệp nghị chi nguyên văn thực thi, ưng diệc định nhật kỳ, địa điểm, song phương phát xuất
đại biểu phụ trách, phụ Trung Pháp tham mưu hiệp nghị (tức giao phòng đại cương) nguyên văn, tắc hữu
hiệu chi thiêm tự dĩ hoàn thành Trung Pháp giao tiếp nhiệm vu.

2) Bản bộ phái xuất phụ trách Trung Pháp liên lạc sứ chi nhân viên, chính điệp trạch chung, lãnh
án hàm đạt

3) Tân sổ nhật lai, song phương tiếp giao phòng vụ chi hiện tượng, hiên cực vi lương hảo sung
phân chứng minh chi Trung Pháp hữu nghị chi tăng tiến thử do.

Quý đại biểu chỉ đạo Pháp quân hữu phương chi sở chí. Đắc chí tạ ý. Thử chi.

Pháp đại biểu Salan thiếu tướng.

Dịch đại ý:

“Thượng tướng Lư Hán, Tư lệnh lục quân dệ nhất phương diện, năm Dân quốc thứ 25, ngày 26
tháng 3
1) Hiện nay việc tiếp giao thì căn cứ vào bản hiệp nghị tham mưu Pháp Hoa mà thi hành. Nếu cần
thay đổi nhật kỳ và địa điểm, hai bên sẽ cử đại biểu để chóng hoàn thành việc tiếp giao.

2) Chúng tôi sẽ cử người phụ trách để liên lạc Trung Pháp, khi nào chọn xong sẽ có thư sau.

3) Mấy ngày gần đây việc tiếp giao được tốt đẹp, chứng minh tình hữu nghị Trung Pháp đuợc tăng
tiến, do sự thi hành có phương pháp của quý đại biểu.

Tôi gửi lời cảm tạ đến đại biểu Pháp là thiếu tướng Salan”

Ngày 3-4-46, giữa Salan, Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh, một bản thoả hiệp quân sự được
ký kết. Thoả hiệp mang tên là:

Thoả hiệp Hội nghị Tham mưu ngày 3-4-46. (Conférence d'Etat-major du 3-4-46)

Thoả hiệp sau đây, ký kết giữa:

- Một bên là tướng Salan, Đại diện quân sự của Cao uỷ Pháp quốc,

- Một bên là Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng tối cao
quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Thoả hiệp có mục đích xác định rõ những điều kiện thi hành về phương diện quân sự của Thoả
ước sơ bộ ngày 6-3-46 và Phụ ước.

Thoả hiệp này có tính cách tạm thời và chỉ có giá trị đến ngày kết thúc những cuộc thương thuyết
nói ở điều 3 của Thoả ước sơ bộ 6-3-46.

1. Những lực lượng thay thế (les forces de relève)

1.1. những lực lượng thay thế Việt Pháp gồm 10.000 người Việt và 15.000 người Pháp.

1.2. 10.000 người Việt lập thành quân ngũ, trong số đó có 5.000 người được võ trang trực thuộc
các cấp chỉ huy Việt nam, được đặt dưới quyền sử dụng của Chỉ huy tối cao Pháp có các đại diện Việt nam
phụ tá, tuỳ theo nhu cầu của sự thay thế.

Họ vẫn do chính phủ Việt nam kiểm soát.

1.3. Việc tối tân hoá võ khí và quân trang của họ cũng như những vấn đề hành chính, tiếp tế, với
sự giúp đỡ của nước Pháp, sẽ được nghiên cứu trong những cuộc đàm phán tổng quát.

1.4. Tổng số quân Pháp trên lãnh thổ Việt nam, bắc 16 độ vĩ tuyến, không được quá 15.000 người.

1.5. Lực lượng này gồm toàn người Pháp chính quốc. Những người Pháp khác chỉ được bổ dụng
vào nhiệm vụ canh giữ tù binh Nhật bản.

2. Việc đồn trú và phân phối các lực lượng

2.1. Quân đội Pháp

Quân số dự định cho việc canh giữ tù binh Nhật là 500 người.

Những đơn vị hợp tác với quân đội Việt nam để giữ trật tự công cộng và an ninh lãnh thổ Việt
nam và những đơn vị phòng thủ các căn cứ sẽ được đồn trú tại các nơi quy định theo bản phụ ước số 1 kèm
theo đây. Tổng số là 14.500 người.
2.2. Quân đội Việt nam

Việc đồn trú các lực lượng Việt nam thay thế được quy định theo bản phụ ước số 3 kèm theo đây:

2.3. Việc đồn trú các quân đội thay thế có thể được xét lại do sự thoả thuận chung của hai bên

2.4. Tại mỗi điểm đóng quân, đồn trại được đặt trong các thị trấn. Những cơ sở quân sự cũ, những
trại lính khố xanh cũ được ưu tiên chọn để sử dụng và phải được sửa soạn sẵn sàng.

Các bệnh nhân phải được điều trị tại các bệnh viện dân sự hay quân sự, sẽ do thoả thuận sau định
đoạt. Tiền chi phí thiết lập và điều hành sẽ được hai bên trả tuỳ theo quân số đồn trú và điều trị.

2.5. Theo nguyên tắc, quân nhân ngoài giờ làm việc bị cấm mang võ khí. Quy chế này sẽ được hai
bên bàn định tại mỗi thị trấn.

2.6. Những bãi tập và việc sử dụng các bãi đó sẽ do các chỉ huy địa phương quy định.

2.7. Những quân xa dùng trong việc liên lạc hay tiếp tế với tối đa là 4 người võ trang trên mỗi xe,
được tự do di chuyển giữa các đồn Pháp và Việt không cần phải có giấy thông hành. Số người võ trang
không được quá 60 người cho mỗi đoàn xe tiếp tế hay mỗi nhiệm vụ liên lạc. Quân đội thay thế mỗi bên sẽ
tự kiểm soát đoàn quân xa của mình. Những đơn vị kiểm soát hỗn hợp được phép xuất nhập các đồn kiểm
soát bất kể ngày giờ và các đồn này phải cho họ biết các tờ báo cáo về tình trạng lưu thông.Việc thành lập
các đồn kiểm soát sẽ do một tương thuận sau.

2.8. Những thủy lộ cũng được áp dụng những điều kiện tương tự. Để tôn trọng một vài điều kiện
địa phương và cho tới khi an ninh chung được tái lập, mỗi khi di chuyển, bộ chỉ huy Pháp sẽ báo cho chính
phủ Việt nam biết trước và sẽ lưu ý đến những khuyến cáo của chính phủ Việt nam.

2.9. Những vấn đề hoả xa, bưu chính và truyền thanh sẽ do các cơ quan có thẩm quyền thoả thuận
sau.

3. Sự chuyển quân

Mỗi khi quân thay thế Việt hay Pháp di chuyển thì lệnh chuyển quân, sau khi có sự đồng ý của
cấp chỉ huy tối cao phái đoàn Việt nam, phải được thông báo cho phái đoàn này ít nhất 48 giờ trước. Lệnh
này ghi rõ ngày giờ, hành trình và thể thức di chuyển, chính phủ Việt nam thông tri cho dân chúng hay biết
để tránh những sự đáng tiếc có thể xảy ra.

Riêng tại những thị trấn cạnh biên giới, vì những khó khăn địa phương, quân đội Pháp phải chú
trọng đến những thể thức di chuyển do chính phủ Việt nam khuyến cáo.

Những sự di chuyển này không thể trái ngược với những điều khoản trong phụ ước số 2 và số 3.

4. Việc sử dụng quân đội

4.1. Tổ chức ban chỉ huy

Những lực lượng thay thế Việt-Pháp được đặt dưới quyền chỉ huy tối cao Pháp, có phái đoàn Việt
phụ tá do một sĩ quan cao cấp cầm đầu thường trực bên cạnh vị chỉ huy Pháp.
Những lệnh của vị chỉ huy tối cao cho các lực lượng thay thế Việt-Pháp đều có sự thoả thuận của
đại diện Việt nam. Những lệnh ban cho quân đội Việt nam thay thế đều có chữ ký phó thự của đại diện Việt
nam và do vị này truyền đi trong khoảng thời gian hữu ích.

4.2. - Trật tự và an ninh

Những lực lượng thay thế Việt-Pháp đặt dưới quyền chỉ huy tối cao của Pháp, có sự tham dự của
đại diện Việt nam, sẽ hợp tác với quân đội Việt nam để giữ gìn trật tự và an ninh trong những điều kiện sau
đây:

a) canh giữ thường trực những địa điểm trọng yếu do hai bên thoả thuận

b) kỷ luật nội bộ bằng những phương tiện riêng mà sự thi hành sẽ do thoả thuận chung

c) những nút chặn và tuần tiễu phụ lực cảnh sát địa phương được tổ chức theo sự yêu cầu của các
nhà chức trách Việt nam địa phương qua các tổ chức liên lạc thường trực hiện có.

d) vấn đề trách nhiệm của chỉ huy tối cao Pháp trong lãnh vực bảo vệ sinh mạng và tài sản các
kiều dân ngoại quốc sẽ được định đoạt do một nghi thức riêng biệt với chính phủ Việt nam

5. Sự liên lạc và kiểm soát

5.1. Một Uỷ ban hỗn hợp liên lạc và kiểm soát được thành lập. Trụ sở đặt tại Hà nội. Uỷ ban này
có nhiệm vụ kiểm soát sự thực thi trung thực những điều khoản của thoả ước này.

5.2. - Uỷ ban này sẽ dùng những phương pháp thuận lợi cho tình hữu nghị của hai quân đội và
làm tránh những sự hiểu lầm hay những sự đụng chạm xẩy ra.

5.3. Những uỷ ban hỗn hợp địa phương được thành lập giữa lực lượng thay thế Pháp và Việt tuỳ
theo nhu cầu tại các nơi có quân đồn trú.

Những Uỷ ban này nhận chỉ thị của Uỷ ban Hà Nội. Trong sự thi hành những chỉ thị đó, Uỷ ban
địa phương tuỳ thuộc Chỉ huy Pháp-Việt địa phương. Uỷ ban địa phương có nhiệm vụ dàn xếp những sự bất
đồng tại địa phương.

6- ĐÌNH CHIẾN

6.1. Thoả thuận việc gửi một Uỷ ban đình chiến tới Miền nam Trung bộ.

6.2. Dè dặt về vấn đề đình chiến ở Nam bộ.

Phụ ước số 1 Thoả hiệp hội nghị tham mưu ngày 3-4-46 (annexe No 1 à l'accord d'Etat Major du
3-4-46)

Việc đồn trú tạm thời quân đội Pháp.

Việc đóng quân này là tạm thời. Vấn đề căn cứ, vấn đề phân chia quân số giữa các căn cứ và các
điểm hậu cứ, vấn đề giảm quân hàng năm sẽ được nghiên cứu tại các hội nghị tổng quát.

Hà nội (gồm cả 1.000 quân tại căn cứ Không quân): 5.000 người,

Hải Phòng: 1750 người,

Hòn gay: 1.025 người,


Nam định: 825 người,

Huế: 825 người,

Tourane: 825 người,

Hải dương và Cầu Phú Lương, cầu Lai Khê: 650 người,

Điện Biên Phủ: 825 người,

Vùng biên giới: 2.775 người;

Chú thích: Việc phân chia những đồn trại giữa quân thay thế Pháp và Việt, và quân số tại mỗi nơi
trong vùng biên gìới sẽ được định đoạt sau. Các đồn biên giới là Móng cáy, Lạng sơn, Cao bằng, Hà giang,
LàoKay, Lai châu.

Làm tại Hà Nội ngày 3-4-1946

Ký tên: Salan, Võ Nguyên Giáp, Vũ Hồng Khanh.

******

Phụ ước số 2 Thoả hiệp Hội nghị Tham mưu ngày 3-4-46 (annexe No 2 à l'accord d'Etat Major du
3-4-46)

Việc đồn trú tạm thời quân đội Việt nam thay thế.

Việc đồn trú này là tạm thời. Vấn đề căn cứ, vấn đề phân chia quân số giữa các căn cứ và các
điểm hậu cứ, và vấn đề thay thế quân Pháp triệt thoái hàng năm về nước sẽ được nghiên cứu tại các hội nghị
tổng quát.

Hà nội: 952 người Hải dương: 904 người

Huế: 500 người Phủ lý: 500 người

Namđịnh: 500 Thái bình: 500 người

Thanh hoá: 684 Đông hà: 684

Đồng Hới: 220 Vinh: 904 người

Tourane: 904 Ninh Bình: 904 người

Việc phân chia những đồn trại giữa quân đội thay thế Pháp và Việt và quân số trong vùng biên
giới sẽ được định đoạt sau.

Các đồn biên giới là Móng cáy, Lạng sơn, Cao bằng, Hà Giang, Làokay, Lai châu.

Tại thành phố Vinh không có quân Pháp trú đóng mà có một Uỷ ban quân sự hỗn hợp có nhiệm
vụ liên lạc và kiểm soát.

Uỷ ban này sẽ đảm nhiệm việc điều hành không vận tại phi trường. Một đơn vị khoảng ba chục
(30) người để điều hành trạm hàng không sẽ được gửi tới tuỳ theo nhu cầu.

Làm tại Hà Nội ngày 3-4-46

Ký tên: Salan,Võ Nguyên Giáp,Vũ Hồng Khanh.


*******

Sự giao thiệp giữa hai bên Việt Pháp tiến hành khả quan. Về phương diện quân sự không xảy ra
một vụ đụng chạm đáng tiếc nào, nhưng về phương diện chính trị thì hai bên đều không được thoả mãn lắm.

Việt minh trách Pháp không giải quyết vấn đề thống nhất ba kỳ bằng sự trưng cầu dân ý ở Nam bộ
mà còn dự định thành lập một chính phủ Nam kỳ tự trị do đại tá Nguyễn Văn Xuân cầm đầu.

Pháp trách Việt minh không tôn trọng những điều ký kết trong Thoả ước sơ bộ 6-3-46 bằng việc
đả kích quân đội Pháp hàng ngày trên đài phát thanh và việc Hồ Chí Minh gửi một điện văn ngày 11-3-46
cho tổng thống Mỹ qua trung gian của phái bộ tìm xác những lính Đồng minh mất tích, trong đó Hô chi
Minh đã không nói rõ rệt về quy chế Việt nam trong Liên bang Đông Dương và trong Liên hiệp Pháp, chủ ý
đánh lừa Mỹ công nhận Việt nam là một nước tự do, không ràng buộc với Pháp.

Điện văn Hồ Chí Minh gửi tổng thống Mỹ:

“Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hà nội, gửi tổng thống Mỹ quốc,
Washington DC

Kính thưa tổng thống,

Tôi hân hạnh báo tin Ngài biết một Thoả ước sơ bộ đã được ký kết ngày 6-3-46 giữa những đại
diện nước Pháp và nước Việt nam. Do hiệp ước này, nước Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
là một nước tự do. Ngay sau khi ký kết hiệp ước, đã bắt đầu có những cuộc điều đình thành thực và thân hữu.

Nhân danh chính phủ và dân tộc Việt nam, tôi yêu cầu chính phủ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ công
nhận nước Việt nam dân chủ là một nước tự do. Chúng tôi tin chắc là những sự giao thiệp chính trị và kinh tế
thân thiện có thể thành lập giữa hai nước chúng ta trong tinh thần Hiến chương Liên hiệp quốc”.

*****

Việc giao thiệp Pháp Hoa cũng tiến hành khả quan. Quân đội Pháp thay thế quân đội Tàu dần dần
khắp nơi tuỳ theo nhịp rút quân về nước của Tàu. Ngoại trừ một việc đụng chạm ngày 28-4-46, còn thì
không có gì đáng tiếc. Việc đụng chạm đó xảy ra hồi 3 giờ chiều ngày 28-4-46. Nhân ngày lễ Phục sinh,
quân lính Pháp thả bộ rong chơi bên hồ Hoàn Kiếm và đường Tràng Tiền đông đảo. Một xe cam-nhông Tàu
đụng phải một xe cam-nhông Pháp. Lính quân cảnh đuợc gọi tới để lập biên bản. Trong lức đó có một xe gíp
(jeep) của Pháp chạy ngang qua, chẳng biết lính Pháp trên xe tỏ thái độ khiêu khích ra sao mà lính Tàu trên
xe cam-nhông bị đụng rút súng ra bắn chết sốp-phơ lái xe gíp Pháp. Đồng thời mấy xe cam nhông Tàu chạy
qua đó, thấy tiếng súng nổ tưởng đồng đội bị uy hiếp, liền đổ xuống bố trí và nổ súng liên hồi vào những
người đứng gần đó làm một số người qua đường bị trúng đạn chết, trong số có vài người lính Pháp. Một
chiến xa và vài xe háp-trắc do quân đội Pháp cử đến, đã nổ súng đại liên 12ly7 vào đám quân Tàu. QuânTàu
thấy yếu thế, liền rút lui và sau đó mọi việc được dàn xếp êm đẹp.

***

Đề sửa soạn cho những cuộc đàm phán chính thức họp ở Paris, một cuộc đàm phán sơ bộ được tổ
chức tại Đàlạt ngày 18-4-46. Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn tường Tam cầm đầu phái đoàn Việt nam gồm có
Võ Nguyên Giáp, Dương bạch Mai, Phan Anh v.v… Phái đoàn Pháp gồm có Max André, trưởng phái đoàn,
Fassy, Messmer, Salan v.v…
Hai phái đoàn gặp nhau tại phòng họp của trường Lycée Yersin Đàlạt. Ngay sáng ngày 18-4, trong
buổi họp đầu tiên đã xảy ra sự bất đồng ý kiến vì phái đoànViệt nam từ chối không dự một nghi lễ do Pháp
đặt ra. D'Argenlieu tuy không tham dự cuộc đàm phán nhưng cũng đến Đàlạt để ra chỉ thị cho các thành phần
của phái đoàn Pháp. Hôm khai mạc, d'Argenlieu muốn phái đoàn cả hai bên Việt Pháp phải đến tư dinh của
ông ta để trình diện. Phái đoàn Việt nam không đồng ý. Salan dàn xếp với Giáp và Tam, phái đoàn Việt nam
chấp thuận đến tư dinh d'Argenlieu để dùng bữa cơm trưa chứ không phải đến để trình diện, mọi việc được
xếp đặt êm đẹp.

Buổi họp ngày 19-4 định các chương trình, ngày giờ, địa điểm họp và các tiểu ban. Bắt đầu từ
ngày 20-4 thì các tiểu ban chia ra họp riêng với nhau ở khách sạn Langbian Palace. Các buổi họp thường kéo
dài, những cuộc đối thoại càng trở nên gay gắt, hai bên càng ngày càng bất đồng quan điểm.Vấn đề chính
quay chung quanh việc trưng cầu dân ý tại Nam bộ. Mặc dầu Thoả ước sơ bộ 6-3 đuợc ký kết, nhưng
d'Argenlieu không muốn sáp nhập Nam kỳ vào Trung Bắc kỳ, nghĩa là Pháp không muốn tổ chức trưng cầu
dân ý. Trong khi bàn luận, Pháp đã đưa ra lập luận Nam kỳ là đất đai của Pháp, việc sáp nhập vào Trung Bắc
kỳ phải có sự chấp thuận của Quốc hội Pháp, Nam kỳ cần phải đưọc tự trị như những lãnh thổ khác trong
Liên bang. Phía Việt nam thì trái lại cho rằng dân chúng khắp nơi Trung Nam Bắc đều vui mừng đồng ý
thống nhất ba kỳ làm một, việc trưng cầu dân ý chỉ là một hình thức mà thôi.

Điểm bất đồng quan trọng nữa là vấn đề giao thiệp trong tương lai giữa Pháp và Việt nam. Phía
Việt nam thì cho rằng Thoả ước sơ bộ 6-3 đã được ký kết giữa hai quốc gia có chủ quyền và hoàn toàn bình
đẳng, sự giao thiệp trong tương lai sẽ là sự giao hảo bình đẳng giữa hai quốc gia. Trái lại Pháp thì cho rằng
khi ký kết Thoả ước sơ bộ, tân quốc gia Việt nam đã chấp thuận tự đặt mình vào một khuôn khổ do Pháp chủ
động. Nhiều lời gay go, cay đắng đã thốt ra trong cuộc đối thoại giữa Dương bạch Mai, Võ Nguyên Giáp và
Messmer.

Đến ngày 11-5-46 thì hội nghị Đàlạt chấm dứt, hai bên không đồng ý đuợc một vấn đề gì, ngoại
trừ đồng ý việc tiếp tục cuộc đàm phán tại Paris.

Ngày 31-5-46, Hồ Chí Minh cùng phái đoàn Việt nam do Phạm Văn Đồng cầm đầu (đáng lẽ do bộ
trưởng ngoại giao Nguyễn tường Tam cầm đầu nhưng NTTam đã từ chối vào phút chót) cùng với Salan và
các sĩ quan Pháp khác, đại uý d'Arcy, đại uý Cartier Bresson, đại tá Tuttenges, tất cả là ba mươi người, đáp
hai máy bay Dakota sang Pháp. Võ Nguyên Giáp ở lại Hà nội không tham dự.

Vì tình hình chính trị tại Pháp đang bị khủng hoảng, Félix Gouin từ chức, chính phủ mới chưa
được thành lập nên nước Pháp không có chính phủ, phái đoàn Việt nam phải kéo dài hành trình, đỗ máy bay
nhiều nơi trên chặng đường, hơn mười ngày sau tức là ngày 12-6-46 mới tới nước Pháp. Máy bay đã đỗ tại
các chặng Rangoon (Miến điện), Calcutta, Chandernagor, Karachi (Ấn độ), Le Caire (Ai cập), Biskra
(Algérie) đến đâu phái đoàn cũng được nhà chức trách Pháp hay Anh tại địa phương đón tiếp. Hồ Chí Minh,
Salan cùng các nhân viên phái đoàn được dẫn đi thăm những nơi thắng cảnh như đền Tadj Mahal tại Ấn độ,
Kim tự Tháp tại Ai cập v.v…

Cuộc hành trình suýt bị đứt đoạn vì khi tới Le Caire Hồ Chí Minh nhận được tin ngày 1-8-46,
d'Argenlieu đã thành lập Namkỳ Quốc với một chính phủ Nam kỳ tự trị do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh cầm
đầu, đại tá Nguyễn Văn Xuân làm phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng. Hồ Chí Minh tức giận đòi
quay trở lại Hà nội không tiếp tục sang Pháp điều đình nữa, Salan phải giải thích, Hồ Chí Minh mới chịu tiếp
tục cuộc hành trình.

11 gìờ 30 ngày 12-6-46, hai máy bay chở phái đoàn đáp xuống phi trường Biarritz, thay vì xuống
phi trường Pau như đã dự định. Không một bóng người nào đến đón. Cả giờ đồng hồ sau, Lazari, phó thị
trưởng thành phố, được người coi phi trường báo cho biết, Lazari mang vài chiếc xe hơi đến đón đưa tất cả
về khách sạn Carlton, là một khách sạn hạng nhì ở Biarritz. Tại đây, phó quận trưởng Lamassoure đến chào
mừng phái đoàn và xin lỗi việc tiếp đón sơ suất vì chương trình thay đổi bất ngờ vào giờ chót nên không thể
xếp đặt kịp.

*****

Chính phủ Félix Gouin vẫn chưa được thay thế. Tình trạng chính trị nước Pháp vẫn còn bị lộn
xộn. Sau thế chiến, trong khi nước Pháp chờ đội một hiến pháp mới ra đời để giảỉ quyết những vấn đề khó
khăn, để ổn định những sự bấp bênh không vững chắc, thì những chính phủ yểu tử kế tiếp thay thế nhau vì
không giải quyết được tình hình. Vì những lẽ đó Hồ Chí Minh được đưa đến Biarritz là một thành phố du
ngoạn bên bờ Đại tây dương để nghỉ ngơi chờ chính phủ mới thành lập. Mấy ngày sau, Sainteny ở Paris
xuống thay thế Salan dẫn Hồ Chí Minh và phái đoàn đi du ngoạn các vùng chung quanh, câu cá ở biển và dự
các hội hè đình đám địa phương

*******

Đến ngày 22-6-46, sau khi chính phủ Bidault được thành lập, Hồ Chí Minh được đưa bằng máy
bay lên Paris. Hồi 4 giờ chiều, máy bay đáp xuống phi trường Le Bourget. Tại đây có Tổng trưởng thuộc địa
Marius Moutet, đại diện chính phủ Bidault, và một số người Việt sinh sống ở Pháp đứng đón. Phái đoàn
được đưa về trú ngụ tại khách sạn Royal Monceau, đại lộ Hoche, Paris.

Ngày 6-7-46 Hoà đàm Việt-Pháp chính thức khai mạc tại lâu đài Fontainebleau.

Về phía Pháp, trưởng phái đoàn là Max André, nghị viên hội đồng thành phố Ba lê. Nhân viên
phái đoàn gồm có nghị sĩ Juglas trong Phong trào dân chủ nhân dân (MRP), nghị sĩ Lozeray trong đảng công
sản, trung tướng Salan, đề đốc Barjot và một số công chức chuyên viên đã từng ở Việt nam.

Phía Việt nam có Phạm Văn Đồng, trưởng phái đoàn, Hoàng minh Giám, Nguyển mạnh Hà, Tạ
Quang Bửu, Dương bạch Mai và một số chuyên viên khác.

Khai mạc hội nghị, Max André đọc một bài diễn văn ngắn đại ý:

“Về phương diện chính trị chúng ta phải đặc biệt chung sức nhau, trong sự tôn trọng chủ quyền
của nhau, để xây dựng nền móng cho Liên bang Đông Dương đặt trong một Liên hiệp Pháp mới thoát thai
nhưng sẽ nắm một vai trò quan trọng trong tương lai quốc tế (…) chúng ta sẽ cùng nhau đặt khuôn khổ cho
một tổ chức quân sự để bảo vệ Liên hiệp Pháp tại Đông Dương.

Phạm Văn Đồng đáp như sau:

(…) Bổn phận chúng ta là phải thành thực nói ra những gì mà chúng ta nghĩ về hoà đàm
Fontainebleau này.
(…) Chúng ta hội họp ngày hôm nay đây là do những điều khoản của Thoả ước sơ bộ ngày 6-3-46
mà nước Pháp đã công nhận Việt nam là một nước tự do, chẳng phải vì ngẫu nhiên mà chúng ta gặp mặt
nhau ở đây.

(…) Đối với người Việt, những năm vừa qua gợi lại ba phần tư thế kỷ cố gắng tranh đấu để giành
lại sự giải phóng quốc gia, kể từ ngày mà nước Pháp ép buộc vua Tự Đức phải nhường cho Pháp những tỉnh
Nam kỳ trong khi chờ thôn tính nốt Trung và Bắc kỳ.

(…) Thoả ước sơ bộ 6-3 được ký kết.

Thưa quý vị, thật là buồn rầu mà chúng tôi phải trình bầy để quý vị biết rằng một vài điều khoản
trong thoả ước ấy đã không được các nhà chức trách Pháp ở Việt nam tôn trọng.

Trước hết chúng tôi phản đối, với sức lực có thể có của một dân tộc hai mươi triệu người vùng
dậy trong sự bảo vệ chân chính chống với sự chia cắt tổ quốc chúng tôi, chống với việc thành lập một nước
tự do Nam kỳ và sự công nhận chính phủ Nam kỳ quốc của những nhà cầm quyền Pháp ở Sài gòn.

Chúng tôi có bổn phận phải nói rằng việc đó chẳng làm dễ dàng việc đàm phán và sự thực hiện
một sự hoà hợp vĩnh viễn giữa nước Pháp và nước Việt nam.

Chúng tôi nhận thức rõ rệt địa vị của chúng tôi đối với nước Pháp trong Liên hiệp Pháp xây dựng
trên nền tảng tự do, bình đẳng và bác ái. Đó là quan niệm của chúng tôi về chính sách của nước Pháp mà
Ngài thủ tướng chính phủ Pháp Georges Bidault khả kính đã bảo đảm với chúng tôi.

Chính sách này là một chính sách hay vì chỉ có chính sách đó mới vừa có thể làm thoả mãn ước
nguyện sâu xa của dân tộc Việt nam vừa bảo đảm vững chắc trên những nền tảng mới quyền lợi và danh
tiếng của nước Pháp tại Viễn đông.

Thưa quý vị. Trong tinh thần đó, chúng tôi tới dự họp hội nghị này với hy vọng sẽ đạt được kết
quả tốt đẹp.

Sau ngày khai mạc hội nghị, các phái đoàn gặp nhau thường xuyên để bàn về những vấn đề liên
quan đến thể chế tương lai của Việt nam.

Cũng như lần họp tại Đàlạt, lập trường căn bản hai bên vẫn hoàn toàn tương phản, Việt minh thì
muốn lập những sự giao thiệp Việt Pháp trên bình diện quốc tế, bình đẳng, bình quyền, giữa một quốc gia
độc lập liên hiệp với một quốc gia độc lập khác. Trái lại Pháp vẫn giữ lập trường là sự giao thiệp Việt Pháp
chỉ là một vấn đề nội bộ, giữa một quốc gia tự trị nằm trong một Liên hiệp trong đó nước Pháp nắm quyền
chủ động.

Cho đến ngày 1-8-46 thì hội nghị coi như đổ vỡ vì tại Việt nam, sau khi thành lập Nam kỳ quốc và
chính phủ Nam kỳ tự trị, và sau khi mở những cuộc hành quân chiếm đóng Pleiku, Kontum, d'Argenlieu lại
triệu tập một hội nghị Đà Lạt thứ hai để bàn về thể chế Liên bang Đông Dương. Hội nghị Đà lạt thứ hai này
gồm các thành phần sau đây:

- Tướng Alessandri, đại diện Pháp làm chủ tịch

- Đại tá Xuân, đại diện Nam kỳ quốc

- Larrechière, đại diện Pháp kiều ở Nam kỳ


- Hoàng thân Tiao Savang đại diện nước Lào

- Tiêu Long, đại diện nước Căm bốt

- Các quan sát viên của Nam kỳ, Trung kỳ và các sắc tộc Mọi.

Phái đoàn Việt nam tại hội nghị Fontainebleau tuyên bố không tới họp hoà đàm nữa vì Pháp đã
không tôn trọng Thoả ước sơ bộ 6-3, trong khi cuộc đàm phán đang tiếp diễn ở Fontainebleau, chưa có kết
quả thì Pháp đã thành lập một Liên bang Đông Dương theo ý của Pháp,Việt nam cho hành động đó là một
phản bội.

Hai ngày sau, ngày 3-8-46, một cuộc phục kích xe tiếp tế quân đội Pháp ở Bắc ninh làm Pháp chết
12 người và bị thương 42 người, càng làm tăng thêm sự đổ vỡ hoà đàm. Tuy nhiên vẫn còn có những cuộc
gặp gỡ giữa đôi bên với thành phần giảm thiểu, mỗi bên chừng vài ba người, phía Pháp còn Pignon, Toral và
Gonou, phía Việt nam còn Phạm Văn Đồng, Phan Anh và Dương bạch Mai.

Đến ngày 6-9-46, hoà đàm chính thức chấm dứt bằng một thông cáo trong đó có tiên liệu cuộc
trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức khi nào không còn tình trạng bất an tại các nơi.

Phái đoàn Việt nam trở về nước, tuyên bố sẽ cố gắng thoả thuận hạn chế với các đại diện Pháp ở
Đông Dương và sẽ tỏ ý chí hợp tác với nước Pháp bằng những hành động.

Hồ Chí Minh ở lại Pháp. Từ trung tuần tháng tám, Hồ chi Minh rời khách sạn Royal Monceau về
ở một biệt thự của ông bà Raymond Aubrac ở Soisy-sous-Montmorency, ngoại ô bắc Paris, cùng với 11
người tuỳ tùng.

Sau khi phái đoàn Phạm Văn Đồng trở về nước, hàng ngày Hồ Chí Minh gặp bộ trưởng thuộc địa
Marius Moutet. Moutet thuộc đảng xã hội, quen biết Hồ Chí Minh từ năm 1914 lúc còn làm luật sư, cãi cho
Nguyễn ái Quốc và Phan chu Trinh trước toà án.

Hồ Chí Minh không muốn cắt đứt với nước Pháp, mà muốn mang một hứa hẹn về nước, nên ngày
nào cũng bàn bạc với Moutet để cuối cùng vào nửa đêm hôm 14-9-46, Hồ Chí Minh đến nhà riêng Moutet để
ký một Thông cáo chung và một Tạm ước (modus vivendi)

Thông cáo chung của Chính phủ cộng hoà Pháp quốc và Chính phủ dân chủ cộng hoà Việt nam
(déclaration conjointe du Gouvernement de la République Française et de la République démocratique du
Vietnam)

Chính phủ Pháp và Chính phủ dân chủ cộng hoà Việt nam, trong tinh thần tín nhiệm lẫn nhau,
quyết định tiếp tục chính sách hoà hợp và hợp tác, nói trong Thoả ước sơ bộ ngày 6-3-46 và được xác định
trong các hoà đàm Pháp Việt tại Dalat và tại Fontainebleau,

Tin tưởng rằng chính sách này đáp ứng với quyền lợi thường xuyên của hai quốc gia và những tập
truyền dân chủ của họ. Chiểu theo Thoả ước sơ bộ 6-3-46 vẫn còn giá trị, hai chính phủ cho rằng đã đến lúc
phải ghi thêm một bước tiến trong sự giao thiệp giữa nước Pháp và nước Việt nam, trong khi chờ đợi thời cơ
cho phép một thoả ước vĩnh viễn và đầy đủ.
Trong tinh thần thân hữu và thông cảm lẫn nhau, Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ Dân
chủ cộng hoà Việt nam đã ký kết một bản Tạm ước (Modus vivendi) để giải quyết tạm trong khuôn khổ
những thoả thuận hạn chế đã ký kết, những vấn đề chánh yếu về quyền lợi cấp thời đặt ra giữa hai nước.

Về vấn đề trưng cầu dân ý nói trong Thoả ước sơ bộ 6-3-46, hai chính phủ sẽ quyết định sau thể
thức và ngày thực hiện.

Hai chính phủ tin tưởng rằng những giải pháp ký kết trong Tạm ước này sẽ làm vãn hồi trong một
thời gian ngắn tình trạng ổn định và tín nhiệm để có thể tiếp tục những cuộc hoà đàm vĩnh viễn.

Hai chính phủ tin tưởng có thể mở lại vào khoảng tháng giêng năm 1947 những cuộc hoà đàm
vừa chấm dứt tại hội nghị Fontainebleau.

Làm tại Paris ngày 14-9-1946

Ký tên:Moutet và Hồ Chí Minh

*****

Tạm ước Pháp Việt (Modus vivendi) ngày 14-9-46

Điều 1 - Kiều dân Việt nam ở nước Pháp, kiều dân Pháp ở Việt nam được hưởng như dân bản xư
quyền tự do trú ngụ, lập nghiệp, tự do tư tưởng, giáo dục, thương mại, di chuyển, nói chung tất cả quyền tự
do dân chủ.

Điều 2 - Sản nghiệp của người Pháp, các xí nghiệp Pháp ở Việt nam không bị chi phối bởi một thể
chế nào gắt gao hơn thể chế áp dụng cho sản nghiệp và xí nghiệp của dân Việt nam, nhất là vấn đề thuế khoá
và luật lệ lao động.

Sự bình đẳng này cũng được áp dụng cho những người Việt nam sinh sống trên lãnh thổ Liên hiệp
Pháp.

Thế chế này chỉ thay đổi khi có sự thoả thuận của cả hai bên Pháp Việt.

Những tài sản, xí nghiệp Pháp bị chính phủ Việt nam tịch thâu đều phải trao trả lại cho sở hữu chủ
hay thừa kế cuả họ. Một Uỷ ban hỗn hợp sẽ được cử ra để định rõ thể thức trao trả.

Điều 3 - Để tái lập những sự liên lạc văn hoá, cả hai nước Pháp và Việt nam đều mong muốn mở
mang những trường học các cấp Pháp tự do hoạt động tại Việt nam. Học trình áp dụng là học trình chính thức
áp dụng ở nước Pháp. Một thoả hiệp riêng sẽ định rõ những nơi dành làm trường sở. Học sinh Việt nam được
theo học các trường này.

Kiều dân Pháp được tự do nghiên cứu khoa học, thành lập và điều hành các viện nghiên cứu trên
khắp lãnh thổ Việt nam. Kiều dân Việt nam cũng được hưởng chế độ đó trên đất Pháp.

Viện Pasteur được tái lập với những quyền lợi và tài sản sở hữu. Một uỷ ban hỗn hợp sẽ định rõ
thể thức.

Điều 4 - Chính phủ dân chủ cộng hoà sẽ ưu tiên gọi đến sự hợp tác của người Pháp mỗi khi cần
đến cố vấn hay chuyên viên. Chỉ khi nào người Pháp không thể cung ứng được nhân viên đòi hỏi thì quyền
ưu tiên mới mất.
Điều 5 - Sau khi vấn đề tiền tệ hiện tại được giải quyết thì chỉ có một loại tiền được lưu hành trên
lãnh thổ Việt nam và các lãnh thổ khác trong Liên bang Đông Dương.

Thứ tiền đó là đồng bạc Đông Dương do Đông Dương ngân hàng phát hành trong khi chờ đợi
thành lập một Viện phát hành.

Quy chế viện phát hành sẽ được nghiên cứu do một Uỷ ban hỗn hợp có đại diện của tất cả các
nước trong Liên bang. Uỷ ban có nhiệm vụ phối hợp tiền tệ và hối đoái. Đồng bạc Đông duơng nằm trong
khu vực đồng phật-lăng.

Điều 6 - Nước Việt nam hợp với các nước khác trong Liên bang Đông Dương thành một Liên
hiệp quan thuế. Do đó nội địa Liên bang không có hàng rào quan thuế, và một giá biểu quan thuế được áp
dụng khắp nơi cho sự xuất nhập lãnh thổ Đông Dương.

Một Uỷ ban phối hợp quan thuế và ngoại thương, có thể cũng là Uỷ ban tiền tệ và hối đoái, sẽ
nghiên cứu thể thức áp dụng cần thiết và sửa soạn tổ chức quan thuế Đông Dương.

Điều 7 - Một Uỷ ban hỗn hợp về giao thông nghiên cứu những biện pháp tái lập và khuyếch
trương sự giao thông giữa Việt nam và các nước khác trong Liên bang và với Liên hiệp Pháp, vận chuyển
bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không, cùng là việc liên lạc bằng bưu điện, điện thoại, điện tín và
vô tuyến điện.

Điều 8 - Trong khi chờ đợi thoả ước vĩnh viễn về việc ngoại giao của nước Việt nam với các nước
ngoài, một Uỷ ban hỗn hợp Việt Pháp định những thể thức đặt lãnh sự quán Việt nam tại các nước láng giềng
và sự giao thiệp của các lãnh sự quán đó với các lãnh sự ngoại quốc.

Điều 9 - Để có thể sớm tái lập tại Nam kỳ và nam Trung kỳ một nền an ninh trật tự công cộng tối
cần cho sự phát triển của tự do dân chủ và sự tái lập giao thương, hai chính phủ Việt Pháp, hiểu rõ những hậu
quả tốt đẹp do sự chấm dứt những hành động gây hấn và bạo tàn, đã quyết định những biện pháp sau đây:

9a) Những hành động gây hấn bạo tàn đưọc hai bên chấm dứt

9b) Bộ tham mưu hai bên Pháp Việt sẽ định rõ những điều khoản áp dụng và kiểm soát những
biện pháp đã được quyết định chung

9c) Những phạm nhân chính trị hiện bị giam giữ đều được trả tự do ngoại trừ những thường
phạm. Những người bị bắt giữ trong các cuộc hành quân cũng vậy. Chính phủ Việt nam cam kết những người
thân Pháp không bị truy tố hay áp chế. Ngược lại chính phủ Pháp cũng bảo đảm như vậy đối với những
người thân Việt nam.

9d) Sự hưởng thụ những tự do dân chủ nói ở điều thứ nhất được hai bên đảm bảo.

9e) Những sự tuyên truyền bất thân hữu được chấm dứt

9f) Chính phủ Pháp và Việt nam cộng tác trong việc vô hại hoá những kiều dân của những nước
cựu thù địch.

9g) Một nhân vật do chính phủ dân chủ cộng hoà Việt nam cử và được sự đồng ý của chính phủ
Pháp sẽ hoạt động bên cạnh vị Cao uỷ, tạo lập sự hợp tác cần thiết trong việc thi hành tạm ước này.
Điều 10 - Chính phủ cộng hoà Pháp và chính phủ dân chủ cộng hoà Việt nam sẽ cộng tác tìm tòi
những thoả thuận đặc biệt để siết chặt tình thân hữu và để sửa soạn cho một thoả hiệp chung vĩnh viễn. Cuộc
hoà đàm để tiến tới mục đích đó sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt, trễ lắm là tháng giêng năm 1947.

Điều 11 - Tạm ước này làm thành hai bản, những điều khoản trong đó có hiệu lực kể từ ngày 30
tháng mười 1946.

Làm tại Balê ngày 14 tháng chín năm1946

Thay mặt chính phủ lâm thời Cộng hoà Pháp quốc: Bộ trưởng bộ thuộc địa: ký tên Marius Moutet

Thay mặt chính phủ Dân chủ cộng hoà Việt nam: Chủ tịch chính phủ: ký tên Hồ Chí Minh.

****

Ngày 16-9-46, hai ngày sau khi ký tạm ước, Hồ Chí Minh rời Balê đáp tầu hoả xuống Mạc xây,
ngày 19-9-46 tới quân cảng Toulon, đáp tàu Dumont d'Urville của hải quân Pháp tiễn về nước.

Một tháng sau, ngày 18-10, tới Cam ranh, được Cao ủy d'Argenlieu tiếp trên soái hạm Suffren.

Sau cuộc hội kiến dài hai tiếng đồng hồ, Hồ Chí Minh yêu cầu các nhà báo có mặt trên soái hạm
Suffren góp phần xây dựng tinh thần hoà dịu êm đẹp giữa Pháp và Việt để hai bên thi hành đứng đắn tạm ước
14-9 ngõ hầu đi đến hoà đàm chính thức định vào tháng giêng năm sau. Hồ Chí Minh rời soái hạm Suffren
trở về tàu Dumont d'Urville. Hồi 4 giờ chiều, tàu d'Urville nhổ neo, ngày 20-10 về tới Hải Phòng.

Những gì bàn cãi trên tàu Suffren giữa hai bên đều không được tiết lộ.

Nhưng ngày hôm sau, ngày 19-9, d'Argenlieu đã gửi công dìện cho thủ tướng Pháp xác nhận rằng:
“Khả năng chính phủ Hà nội càng ngày càng tăng tiến, trái lại chúng ta càng ngày càng thụt lùi (…) Tôi nghĩ
rằng một hành động quân sự Việt minh có thể xảy ra, vì vậy chính phủ (Pháp) phải sửa soạn từ bây gìờ để
chống trả. Một sự phản ứng tức khắc tại Hà nội và tại Trung kỳ rất cần thiết. Đề đối phó với trường hợp này
tôi yêu cầu gửi gấp một sư đoàn viện binh mười ngàn (10.000) người vào khoảng tháng ba, ngoại trừ số
75.000 người đã dự định cho đoàn quân viễn chinh”.

***

Về tới Hà nội, Hồ Chí Minh giải thích như sau, trong một cuộc mít-tinh để làm an dịu lòng dân
chúng hoang mang về sự thất bại của hội nghị Fontainebleau:

Hồ Chí Minh nói:

“Tôi xin trình bầy để đồng bào rõ, chính phủ Pháp đã trịnh trọng đón tiếp tôi, dân chúng Pháp tỏ
ra rất thân thiện. Tôi đã nhân danh đồng bào cảm tạ họ.

Tôi sang Balê để giải quyết vấn đề Độc lập và Thống nhất của nước nhà. Tình trạng hiện thời của
nước Pháp không cho phép giải quyết được hai vấn đề ấy, chúng ta phải chờ đợi (…)

Những người Pháp tại nước Pháp đã tỏ ra thân thiện với chúng ta. Chúng ta cần phải đáp lại bằng
những hành động lịch sự đối với binh sĩ Pháp và thân thiện đối với kiều dân Pháp, để thế giới thấy rằng
chúng ta là một dân tộc văn minh.
(…)Tại Nam bộ, quân đội Việt và Pháp phải ngưng chiến đấu chống lẫn nhau (…) phải xoá bỏ sự
trả thù, phải đối xử tử tế với những người lạc hướng. Ai ai cũng yêu nước, nhưng có những người vì quyền
lợi riêng tư mù quáng làm quên hết những bổn phận. Đối vói những người lạc hướng trở lại với chúng ta,
chúng ta không dùng sức mạnh với họ (…)”

****

Tình trạng giao thiệp Việt Pháp càng ngày càng căng thẳng.

Tại miền bắc, Uỷ viên Sainteny về Pháp, tướng Valluy kiêm nhiệm chức vụ Uỷ viên. Tháng 7-
1946, Valluy vào Sài gòn thay Leclerc trong nhiệm vụ Chỉ huy tối cáo đoàn quân viễn chinh. Đại tá Crépin
thay thế Valluy ở Hà nội, đến tháng 8 thì tướng Morlière thay thế Crépin, chính thức trong nhiệm vụ Chỉ huy
quân đội Pháp tại miền bắc Đông Dương.

Tại miền Nam, tướng Nyo chỉ huy sư đoàn 3 bộ binh thuộc địa, đặt kiểm soát khắp lãnh thổ Nam
kỳ, Căm bốt và nam Trung kỳ. Nyo vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của Nguyễn Bình.

Sau khi Tạm ước 14-9 (modus vivendi) được ký kết, Pháp yêu cầu Việt minh ngưng chiến để thi
hành các điều khoản trong Tạm ước, Nguyễn Bình không chịu hạ khí giới để tập hợp, tiếp tục kháng chiến
trong vùng Đồng tháp.

Ngày 11-11-46, Việt minh gửi thủ tướng Pháp Bidault một phản kháng thư về việc Pháp đặt
phòng quan thuế ở Hải Phòng và kiểm soát ngoại thương của Việt nam, trái với các điều khoản trong Tạm
ước 14-9. Pháp trả lời, với tư cách chủ tịch Liên hiệp Pháp, Pháp có quyền kiểm soát những sự xuất nhập
cảng hàng hoá của các nước hội viên, nhất là các hàng hoá bị khả nghi là khí giới nhập cảng lậu.

Ngày 20-11-46, một tàu nhỏ tuần tiễu Pháp bắt giữ một thuyền đang cập bến để xuống hàng. Pháp
cho là thuyền đó chở đồ nhiên liệu và khí giới lậu thuế do quân Tàu chở vào Hải Phòng bán cho Việt minh.
Khi thấy lính Pháp bắt giữ chiếc thuyền đó, tự vệ Việt minh gác ở gần đấy liền nổ súng vào quân Pháp. Lính
Pháp nổ súng bắn trả lại. Liền sau đó khắp nơi trong thành phố, tự vệ nổ súng vào binh sĩ Pháp. Uỷ ban Liên
kiểm cố gắng dàn xếp. Tình hình lắng dịu.

Ngày 21-11-46, tướng Morlière và Việt minh cử một Uỷ ban từ Hà nội xuống Hải Phòng mang
lệnh cho hai bên ngưng chiến tại chỗ. Tình hình êm dịu trở lại.

Bất ngờ chiều ngày 21-11, đại tá Dèbes chỉ huy quân đội Pháp tại Hải Phòng nhận được điện văn
của tướng Valluy từ Sài gòn đánh ra, ra lệnh cho Dèbes phải: “loại hết quân Việt ra khỏi Hải Phòng”.

Morlière cũng nhận đuợc lệnh phải khai thác triệt để việc đụng độ này để mở rộng ảnh hưởng của
Pháp tại Hải Phòng.

Rõ ràng là Valluy muốn cắt đứt.

Morlière trả lời bằng công điện rằng:

“Muốn loại quân Việt ra khỏi Hải Phòng thì phải chiếm đóng thành phố, như vậy phải xoá bỏ
Thoả ước 6-3,và chiến tranh sẽ lan rộng khắp nơi có quân đội Pháp đồn trú tại Bắc kỳ. Nếu giữ chiến tranh
không lan rộng thì chúng ta vẫn còn có những bảo đảm vững chắc”.

Vài giờ sau, Morlière nhận được trả lời:


“Đứng trước những sự khiêu khích có tính toán, những sự cố gắng dàn xếp của Trung tướng thật
là đáng khen. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải cho những kẻ đánh lén ta một bài học đích đáng. Với những
phương tiện đặt dưới quyền Trung tướng, tôi yêu cầu Trung tướng hãy chiếm đóng Hải Phòng để bắt chính
phủ và quân đội Việt nam phải nhận lỗi (…)

Morlière chuyển lệnh của Valluy xuống Hải Phòng cho Dèbes thi hành. Dèbes là một sĩ quan rất
ghét người Việt. Dèbes cho rằng những cuộc điều đình với chính phủ Hà nội làm giảm giá trị và danh tiếng
của quân đội Pháp. Vì vậy, sáng ngày 23-11-46, đại tá Dèbes gửi tối hậu thư cho Uỷ ban Hải Phòng đòi quân
đội Việt minh và tự vệ phải rút hết ra khỏi khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng. Ba giờ đồng hồ sau,
Dèbes ra lệnh cho một đoàn quân thiết giáp tiến vào khu vực, bắn vào các nơi tình nghi có quân Việt minh
đóng.

Lúc bấy giờ là 10 giờ 5 phút sáng ngày 23 tháng 11-1946, tiếng trọng pháo đầu tiên mở màn cho
chiến tranh Pháp Việt nổ dồn trên bầu trời Bắc việt.

Khi gặp sức kháng cự của tự vệ, Dèbes yêu cầu hải quân trên các chiến hạm Dumont d'Urville,
Chevreuil, Savorgnan de Brazza, Suffren đậu ngoài khơi Cửa Cấm bắn đại bác vào khu vực. Dân chúng chạy
về phía Lạch Tray đã trúng đạn 152 ly của chiến hạm Suffren, rất nhiều dân bị thiệt mạng trong trận tấn công
này. Tự vệ và quân đội Việt minh kháng cự mãnh liệt, cuộc chiến đấu giành từng nhà từng khu phố, giữa
những đám cháy, giữa những khu nhà đổ nát. Đến ngày thứ ba, tức là ngày 29 thì tự vệ rút lui khỏi khu vực,
tiếng súng chấm dứt.

Valluy liền ra điều kiện cho Hà nội, cấm quân đội Việt minh và tự vệ không được trở lại khu vực
Hải Phòng.

Tại Hà nội, tình hình trở nên nghiêm trọng, tự vệ đắp chướng ngại vật tại khắp các ngả đường,
khắp nơi, trong nhà, ngoài lề đường, dân chúng đào hầm kháng chiến và hầm trú ẩn. Các công sở được lệnh
thuyên chuyển hồ sơ công văn ra khỏi thành phố đến nơi an toàn. Tự vệ võ trang và quân đội, sát khí đằng
đằng, canh gác và kiểm soát khắp nơi. Không khí sửa soạn chiến tranh bao trùm thành phố. Việt minh không
còn tin tưởng vào hiệu lực của Thoả ước sơ bộ 6-3-46 và Tạm ước 14-9-46 nữa, chuẩn bị sự đổ vỡ.

Tuy nhiên Hồ Chí Minh còn chút hy vọng cứu vãn hoà bình bằng một cuộc điều đình. Trả lời
phỏng vấn của France Presse, Hồ Chí Minh nói hoà bình có thể vãn hồi được nếu chính phủ Pháp và Cao ủy
Sài gòn mong muốn. Hồ Chí Minh hy vọng có thể nói chuyện với Sainteny vừa được chính phủ Pháp cấp tốc
gửi sang Hà nội. Trên báo chí và đài phát thanh, Hồ Chí Minh gửi điệp văn cho chính phủ Pháp yêu cầu trở
lại tình trạng trước ngày 20-11-46.

Mãi tới ngày 2-12-46, Sainteny mới tới Hà nội được, vì bị ngăn trở ở Sài gòn trong 6 ngày. Valluy
không muốn cho Sainteny gặp Hồ Chí Minh sớm vì chính sách của Valluy và của d'Argenlieu là làm dữ để
lấn áp.

Cuộc gặp gỡ Sainteny - Hồ Chí Minh diễn ra hồi 6 giờ chiều ngày 3-12, hai bên đều đồng ý tránh
chiến tranh. Sainteny điện về Pháp những lời đề nghị hoà bình, nhưng chẳng may nước Pháp lúc bấy giờ lại
bị khủng hoảng chính trị, chính phủ Bidault sụp đổ chỉ còn xử lý thường vụ chờ chính phủ khác thay thế nên
không ai có thẩm quyền quyết định.
Ngày12-12-46, Léon Blum được chỉ định thành lập chính phủ. Hồ Chí Minh hy vọng có thể cứu
vãn được hoà bình vì Léon Blum tuy thuộc đảng Xã hội nhưng quen biết nhiều với Hồ Chí Minh và có tư
tưởng khoáng đạt thành thật mong muốn trao trả độc lập cho Việt nam. Léon Blum thành lập chính phủ xong
liền cử Marius Moutet, bộ trường Hải ngoại sang Việt nam để gặp Hồ Chí Minh.

Hy vọng hoà bình đã trở về với mọi người.

Ngày 15-2 Hồ Chí Minh gửi một điện văn chúc mừng Léon Blum và đề nghị quân đội hai bên trở
về vị trí trước ngày 20-11-46, nhưng điện văn này đã bị Sài gòn hãm lại không chuyển ngay đi, mãi tới ngày
26-12 mới tới Paris thì đã chậm quá rồi vì ngày 20-12 chiến tranh đã bùng nổ ở Hà nội.

Sau vụ nổ súng ở Hải Phòng thì ở Hà nội những vụ đụng chạm Pháp Việt trở nên thường xuyên.

Ngày 17-12, một toán lính dù Pháp nổ súng ở khu phố Hàng Bún làm10 người Việt nam chết.
Lính Pháp dẹp các chướng ngại vật do tự vệ chặn tại các khu phố, hai bên lại chạm súng.

Ngày 10-12 thiếu tá Fonde, đại diện Pháp trong Uỷ ban Liên kiểm gặp Võ Nguyên Giáp yêu cầu
làm dịu tình hình, nhưng Võ Nguyên Giáp đã cứng rắn từ chối, cho rằngViệt nam đã nhượng bộ nhiều, Pháp
đã gây ra chiến tranh thì việc làm dịu tình hình là trách nhiệm của Pháp.

Chiều ngày 18-12, Pháp cho quân đến đóng tại trụ sở Đông Dương ngân hàng, đuổi lính Việt
minh canh gác thường xuyên ra khỏi trụ sở.

Pháp ra lệnh binh sĩ cấm trại hoàn toàn.

Trưa ngày 19-12, Sainteny nhận được một bức thư cuả Hồ Chí Minh, nội dung như sau:

Kính gửi ông Uỷ viên Pháp quốc và quý hữu,

Mấy ngày gần đây tình hình càng ngày càng căng thẳng. Thật là đáng tiếc. Trong khi chờ đợi
quyết định của chính phủ Pháp ở Ba lê,tôi yêu cầu quý hữu cùng với ông Giám tìm một giải pháp làm dịu
tình hình.

Xin ông Uỷ viên nhận nơi đây cảm tình thân hữu của tôi và nhờ ông chuyển lời chào kính mến
của tôi đến bà Sainteny. Ký tên Hồ Chí Minh:

Thấy tình hình có vẻ dịu bớt, tướng Morlière ra lệnh mở trại, nhưng đến 5 giờ chiều nhận được
mật báo một cuộc tấn công cấp tốc của Việt minh, Morlière lại phản lệnh, gọi hết các binh sĩ trở vào trại.

8 giờ tối ngày 19-12-46, một tiếng nổ dữ dội phát ra từ nhà máy điện Yên Phụ. Khắp nơi đèn điện
phụt tắt, Hà nội chìm đắm vào bóng tối, tiếng súng lớn nhỏ, súng liên thanh thi nhau khạc đạn lẫn tiếng lựu
đạn nổ liên hồi.

Morlière cử hai xe bọc sắt đến nhà Sainteny để đón vợ chồng Sainteny vào trú ở trong thành.
Chiếc xe đầu chở vợ Sainteny đi thoát, xe thứ hai chở Sainteny trúng phải mìn nổ ở đường Paul Bert, người
lái xe và 4 binh sĩ hộ tống bị thương nặng, Sainteny bắn tung lên rớt xuống đường mương, trúng 20 mảnh
mìn, được một xe thiết giáp khác tới cứu mạng về thành, về sau chữa khỏi, thoát chết.

Lính Pháp nổ súng phản ứng mãnh liệt. Sáng sớm hôm sau, Morlière cho quân tiến chiếm Bắc Bộ
phủ để bắt Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, nhưng hai người đã cùng Tổng bộ Việt minh thoát khỏi Hà nội
chạy về vùng Hà đông từ tối hôm trước. Quân lính canh giữ Bắc Bộ phủ chống cự mãnh liệt cho đến khi bị
tràn ngập.

Morlière cho quân tiến vào khu vực có đông Pháp kiều cư ngụ để bảo vệ họ, đến chiều ngày 20-
12 thì quân Pháp kiểm soát được khu vực này, tiếng súng chấm dứt tại nơi đó, nhưng hơn 300 kiều dân Pháp
đã bị Việt minh bắt dẫn khỏi nhà từ chiều hôm trước để làm con tin.

Khu buôn bán Hoa Việt, nằm trong tam giác giới hạn bởi sông Hồng hà, hồ Hoàn kiếm và thành
lính Pháp, vẫn còn nằm trong tay tự vệ, quân Pháp không dám tiến vào. Tự vệ giữ khu vực này đến ngày 18-
2-47 mới rút ra khỏi, bằng đường ven sông Hồng hà, dưới cầu Doumer, qua bãi Phúc xá.

Hồ Chí Minh ra khỏi Hà nội đêm hôm 19-12. Ngày 20-12, tại Hàđông, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn
quốc kháng chiến trên đài phát thanh, Võ Nguyên Giáp cũng ra lệnh cho quân đội kháng chiến chống Pháp.

*****

Chính phủ Léon Blum khẩn cấp cử Moutet sang Hà nội.

Hồ Chí Minh, sau khi gửi điện văn ngày 15-12-46 cho Moutet, vẫn hy vọng có thể dàn xếp bằng
điều đình, khi được tin Moutet tới Sài gòn, Hồ Chí Minh gửi thư chúc Giáng sinh và đề nghị Moutet đến gặp
để tìm cách vãn hồi hoà bình. Nhận được thư của Hồ Chí Minh, Moutet đồng ý gặp gỡ để nghiên cứu đề nghị
của Việt minh. Tại Sài gòn, d'Argenlieu trình bầy tình hình cho Moutet, cho rằng những lời đề nghị của Hồ
Chí Minh là giả dối, vì chiến sự do Việt minh gây ra, giải quyết vấn đề bằng đàm phán sẽ không có kết quả.

Tuy nhiên ngày 2-1-47, Moutet cũng đến Hà nội. Xe hơi chở Moutet đi qua thành phố bị bắn sẻ.
Moutet không việc gì nhưng đã tức khắc rời Hà nội đi Sài gòn, không tìm cách liên lạc với Hồ Chí Minh
nữa, mặc dầu đài phát thanh của Việt minh đặt tại Hàđông suốt ngày nhắc đi nhắc lại lời của Hồ Chí Minh đề
nghị gặp gở Moutet tức khắc. Về sau Việt minh cho là lính Pháp được lệnh của Sài gòn bắn vào xe của
Moutet để khủng bố tinh thần ông ta, và làm cho ông ta hiểu lầm những lời đề nghị gặp gỡ của Hồ Chí Minh.

Về tới Sài gòn, Moutet tuyên bố:

“Tôi có chứng cớ chắc chắn là Việt minh đã dự bị từ lâu cuộc khởi chiến ở Hà nội. Lập trường của
tôi bây giờ rất rõ rệt: cuộc nổ súng tối ngày 19-12 bắt buộc chúng ta phải trả lời bằng hành động quân sự.
Khi nào quân đội ta tái lập được trật tự, lúc bấy giờ mới có thể xét lại những vấn đề chính trị (…) Tôi sẽ trình
bầy để chính phủ hiểu rằng bộ Tư lệnh quân đội viễn chinh và các nhà chức trách tại đây đã hành động theo
đúng lệnh của chính phủ và đã chờ đến giờ phút cuối cùng mới hành động (…)”

Với lời tuyên bố của Moutet, hy vọng dàn xếp chiến tranh bằng hoà bình tiêu tan.

Cuộc chiến tranh tàn khốc bắt đầu trên giải đất Việt nam, kéo dài 8 năm, đến khi Pháp bị thất trận
tại Điện Biên Phủ, ký hiệp ước Genève 1954, chia đôi nước Việt nam, trao cho Việt minh phần đất ph ía bắc
vĩ tuyến 17.

*****

Trong khi Moutet đang ở Hà nội thì Leclerc cũng được chính phủ Pháp cử sang Việt nam để điều
tra về mặt quân sự. Léon Blum có ý định cử Leclerc thay thế d'Argenlieu trong chức vụ Cao uỷ Đông
Dương.
Rời Paris ngày 25-12, Leclerc tới Hà nội ngày 27-12-46. Tại đây, Leclerc triệt hồi tướng Morlière
về Pháp vì có sự khiếu nại của binh sĩ và của Pháp kiều. Leclerc cử đại tá Dèbes thay thế Morlière.

Đối với đề nghị hội kiến của Hồ Chí Minh, Leclerc rất hoan nghênh nhưng vì không có phận sự
và không có thẩm quyền nên Leclerc phải để Moutet giải quyết.

Ngày 9-1-47, Leclerc về Pháp phúc trình với chính phủ Blum. Trong bản phúc trình Leclerc đề
nghị một giải pháp chính trị:

“Điều đình với Việt minh trong một thế quân sự mạnh, với lực lượng 100 ngàn quân Pháp để yểm
trợ cuộc điều đình (Chú thích: Lực lượng toàn quân viễn chinh Pháp lúc đó khoảng 68.000 người phân tán
khắp nơi).

. Đề nghị này không được chính phủ Pháp chấp thuận.

Leclerc từ chối không nhận chức vụ Cao ủy Đông Dương sau một cuộc hội kiến sóng gió với
tướng De Gaulle.

Cùng một lúc với chiến sự bùng nổ ở Hà nội, cầu Lai Khê ở Hảidương, giữa đường Hà nội-Hải
Phòng, bị giật mìn sập khoảng 150 thước, lính Pháp giữ cầu bị tràn ngập.

Hải dương, Bắc ninh, Phủ lạng thương và Lạng sơn cũng đều bị tấn công nhưng quân Pháp đẩy
lui được. Nam định bị vây trong nhiều tuần lễ, mãi đến ngày 21-3-47 mới được giải vây. Tại thành phố Vinh,
binh sĩ Pháp đóng tại đó, khoảng vài chục người, bị bắt làm tù binh hết. Huế và Tourane cũng có nổ súng
nhưng không được bao lâu.

***

Sau khi rút ra khỏi Hà nội đêm hôm 19-12-46, chính phủ Việt minh và Tổng bộ rút về phía
Hàđông, rồi di chuyển về phía Tuyên quang, Việt bắc.

Việt minh ban bố lệnh tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, dân chúng các thị trấn phải tản
cư, phải tự phá huỷ nhà của mình không để nguyên vẹn cho quân Pháp sử dụng khi tiến tới.

*****

Tại Pháp, khoảng cuối tháng 1-1947, chính phủ Léon Blum đổ, Paul Ramadier thuộc đảng Xã hội
lên cầm quyền. Marius Moutet vẫn giữ chức Bộ trưởng thuộc địa, Paul Coste Floret giữ chức Bộ trưởng quốc
phòng.

Đầu tháng 3-47, Emile Bollaert, một văn quan thuộc ngành cai trị, được cử giữ chức vụ Cao uỷ
Đông Dương thay thế d'Argenlieu.

Trước khi sang Đông Dương nhậm chức, Bollaert nhận được chỉ thị của chính phủ Ramadier như
sau:

“Bài diễn văn ngày 24-3-1945 của tướng De Gaulle không còn hợp thời nữa vì nước Pháp có
những quyền lợi cần phải bảo vệ ở Đông Dương. Sau ngày đọc diễn văn đó, năm 1946, nước Pháp đã có hiến
pháp. Căn bản pháp chế mới này có những hậu quả về thể chế Đông Dương, nhưng nước Pháp không muốn
tái lập chủ quyền trên những lãnh thổ hải ngoại ở Á châu theo những hình thức xưa.
Nước Pháp không muốn can thiệp hay xen lấn vào chủ quyền nội bộ của các nước Đông Dương,
nhưng muốn rằng các nước đó:

1) chấp nhận Hiến chương Liên hiệp Pháp và tôn trọng những ràng buộc do sự chấp nhận đó tạo
ra.

2) tổ chức sự quản trị những quyền lợi chung

3) tôn trọng những quyền lợi của nước Pháp

Chúng ta không phản đối trên nguyên tắc một hình thức chính phũ nào miễn là dân chúng được
quyền phát biểu ý kiến.

Quân lực viễn chinh có nhiệm vụ:

1) tái lập và giữ an ninh để:

a) - cho dân chúng có thể tự do phát biểu ý kiến không bị đe doạ hay khủng bố

b) - Giữ vững các đồn trại và các đường giao thông chính cần thiết cho quyền lợi của Đông
Dương và Liên hiệp Pháp.

2) che chở các dân tộc thiểu số khỏi bị người An nam đồng hoá hay xâm nhập lãnh thổ

3) Giữ vững các căn cứ chính và các trọng điểm của chúng ta là:

- Saigon, Ô cấp và các phi trường thuộc hai nơi đó.

-Vịnh Cam ranh, Phan rang, Phan thiết, Nha trang và vùng Đalat, Banmêthuột

-Hải Phòng, Hòngay, Vịnh Hạlong

- Tiênyên, Đình lập, Lạng sơn

- Hà nội và các phi trường

- Xứ Thái với Laokay, Hàgiang, Caobằng

- những điểm chính dọc theo biên giới Thái, Miến và Trung Hoa

Đối với xứ Nam kỳ, nước Pháp tôn trọng các điều khoản trong Thoả ước ngày 6-3-46 với nguyên
tắc độc lập trong Liên hiệp Pháp. Trung cầu dân ý về việc sáp nhập hay không vào Trung Bắc kỳ sẽ được tổ
chức như đã hưá.

Đối với Trung và Bắc kỳ, tình trạng chiến tranh hiện thời do Hồ Chí Minh gây ra làm chính phủ
(Pháp) không có một chính sách cai trị nào rõ rệt.

Tình trạng càng kéo dài càng có lợi cho Việt minh, vậy phải khẩn cấp tìm lối thoát.

Đối với dân tộc thiểu số phải nâng đỡ và ủng hộ, nhất là tổ chức những lực lượng phụ thuộc dưới
quyền chỉ huy của các sĩ quan Pháp đã từng ở các vùng đó. Những lực lượng này có thể ngăn cản hữu hiệu
việc chuyên chở khí giới đạn dược từ Tàu qua biên giới Hoa việt. Việc chiếm đóng Laokay và Caobằng là
khẩn thiết”.
Chỉ thị này do thủ tướng Paul Ramadier, phó thủ tướng Maurice Thorez (Thorez thuộc đảng cộng
sản Pháp) và các bộ trưởng liên hệ Félix Gouin, Marius Moutet v.v… đồng ký tên.

Ngày 1-4-47, Bollaert tới Sài gòn cùng với các cộng sự viên thân cận là Pierre Messmer, (người
đã từng đại diện Pháp trong các cuộc đàm phán ở Đàlat và Fontainebleau. Về sau Messmer giữ nhiều chức
vụ Bộ trưởng và năm1972 được cử làm thủ tướng nước Pháp) và giáo sư Paul Mus thuộc phái bộ Sainteny đã
từng đàm phán nhiều lần với Hồ Chí Minh để đi đến Thoả ước sơ bộ 6-3-46. Bollaert đã từng kháng chiến
chống Đức và làm đại diện chính phủ lưu vong De Gaulle trong vùng Pháp bị Đức chiếm đóng. Messmer
cũng là người kháng chiến thuộc phe De Gaulle.

Bollaert chủ trương điều đình với Việt minh để chấm dứt chiến tranh, nhưng ông không thực hiện
được ý định riêng tư đó, vì trước khi sang Đông Dương nhậm chức, Bollaert đã bị áp lực của tướng De
Gaulle. De Gaulle chủ trương quốc gia cực đoan không chịu để mất một tấc đất nào của lãnh thổ đế quốc
Pháp.

De Gaulle cảnh cáo: “Kè nào làm mất một lãnh thổ Pháp, trước sau sẽ bị xử tội trước toà án tối
cao” vì vậy mọi đường lối thiên về việc trả đôc lập cho Việt nam đều bị chận lại.

Do đó, ngày 26-4-47, khi Hoàng minh Giám nhân danh bộ trưởng ngoại giao Việt minh gửi thông
điệp cho Bollaert đề nghị ngưng chiến để hoà đàm, Bollaert đã cử Paul Mus đến gặp Hồ Chí Minh với những
lời đề nghị của chính phủ Pháp mà Bollaert biết trước là không thể nào Việt minh chấp nhận được. Paul Mus
được một cán bộ cao cấp của Việt minh dẫn vào chiến khu Việt bắc gặp Hồ Chí Minh tại vùng Tuyên quang.

Paul Mus đưa đề nghị như sau:

“Việt minh phải hạ khí giới và dồn quân vào những nơi chỉ định và phải nộp cho Pháp những
người đang chiến đấu trong hàng ngũ Việt minh mà không phải là người Việt nam. Quân đội Pháp được tự
do chuyển vận trên khắp lãnh thổ. “

(Chú thích: Tức là một số lính Pháp, lính lê dương đào ngũ, một số lính Nhật bản. Sách Les
soldats blancs de HochiMinh, Edition Fayard 1973, tác giả Jacques Doyon viết về những lính Pháp đào ngũ
hợp tác với Vietminh chiến đấu chống Pháp trong hàng ngũ Việt minh)

Tóm lại, đề nghị này của chính phủ Pháp là một tối hậu thư buộc Việt minh đầu hàng. Việt minh
đã bác bỏ hoàn toàn tất cả những điều của chính phủ Pháp đưa ra. Đề nghị điều đình này là đề nghị chót của
hai bên Việt minh và Pháp, cho đến khi Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ phải ngồi vào bàn hội nghị ở
Genève.

Tình trạng chiến tranh kéo dài không phân thắng bại. Quân đội Pháp giữ vững tại các thành phố
vùng đồng bằng, đóng đồn bót trên những trục lộ giao thông quan trọng quanh các thị trấn nhưng tại các làng
mạc và các vùng hẻo lánh, và khắp vùng trung, thượng du Bắc kỳ, trung, thượng du Trung kỳ vẫn thuộc vùng
kiểm soát của Việt minh.

Để thi hành chỉ thị của chính phủ Pháp, Bollaert và Valluy thực hành những kế hoạch lớn về quân
sự và về chính trị.

Giải pháp Bảo Đại


Về chính trị, Bollaert kiếm một người đối thoại để tìm cách giải quyết âm thầm theo tinh thần chỉ
thị của chính phủ Pháp.

Tại miền Nam, có chính phủ Nam kỳ quốc do bác sĩ Nguyễn Văn Hoạch làm thủ tướng, sau khi
bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tự sát. Nhưng bác sĩ Hoạch chỉ hữu ích trong việc giải quyết những vấn đề địa
phương thuộc phạm vi Nam kỳ. Tại miền Trung và miền Bắc, tuy có những cựu quan lại, cựu công chức ra
nhận chức vụ trong các Hội đồng An dân, nhưng không có một nhân vật nào khả dĩ thay thế Hồ Chí Minh để
đối thoại với Chính phủ Pháp được, còn Hồ Chí Minh thì chính phủ Pháp, đúng hơn là các bộ trưởng thuộc
phe De Gaulle trong chính phũ Pháp, đã loại ra khỏi cuộc đàm phán, nên chính phủ Pháp và Bollaert có ý
định nếu không tìm được ai thì mời cựu hoàng Bảo Đại về nước để đàm phán. Dầu sao cựu hoàng vẫn còn có
uy thế trong dân chúng vùng quốc gia do Pháp chiếm đóng, và điều đình với Bảo Đại thì không gay go lắm.

Tháng ba 1947, cựu hoàng Bảo Đại được chính phủ Pháp dò xét ý định. Cousseau, một quan cai
trị Pháp ở Đông Dương lâu năm, cựu giám đốc Nha chính trị, được cử tới gặp Bảo Đại ở Hồng Kông để
thăm dò ý kiến. Bảo Đại và cụ Trần Trọng Kim tiếp Cousseau, đưa ra những đề nghị để Cousseau chuyển về
Pháp:

1) Thống nhất Việt Nam gồm ba kỳ và dân tộc thiểu số

2) Việt Nam hoàn toàn tự trị. Pháp không được can thiệp vào vấn đề nội bộ.

3) Bỏ Liên bang Đông Dương và định rõ vị trí Việt Nam trong Liên hiệp Pháp.

4) Việt Nam có quân đội riêng.

5) Việt Nam có tài chính riêng.

6) Pháp định rõ thời gian trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam.

7) Việt Nam có quyền liên lạc ngoại giao với các nước Á đông

Sự việc xảy ra tới đó cho tới cuối tháng 8 năm 1946.

Sau nhiều lần gặp gỡ, Pháp và Bảo Đại vẫn chưa có một thoả thuận nào. Chính phủ Pháp vẫn còn
chút lưỡng lự vì mặc dù giải pháp Bảo Đại hấp dẫn nhưng điều đình với Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến
cuộc mà không phải trả giá đắt thì vẫn hơn. Đó cũng là hai thái độ đối lập giữa các phe phái trong chính phủ
Pháp. Các bộ trưởng thuộc phe Phong trào cộng hoà bình dân (MRP) thì bênh vực giải pháp Bảo Đại, còn
phe Xã hội thì không muốn, hoặc có điều đình với Bảo Đại thì phải điều đình cả với Hồ Chí Minh và các
nhân vật Việt nam khác nữa.

Trong tình trạng đó, ngày 10-9-1947 tại thị xã Hà Đông, một thị xã đổ nát do kế hoạch tiêu thổ
kháng chiến, vườn không nhà trống của Việt minh, Hà Đông cách Hà nội 11 cây số về phía tây và cũng là
ranh giới khu chiếm đóng của Pháp lúc bấy giờ, trên một khán đài đặt tại vườn hoa thị xã, Bollaert đọc một
bài diễn văn chính trị quan trọng.

Bài diễn văn này nguyên thủy được Bollaert viết để gửi đến Hồ Chí Minh những lời đề nghị hoà
bình dự định đọc ngày 15-8-47, nhưng chính phủ Pháp hoãn ngày đọc lại để xem xét và gọt giũa thay đổi
hoàn toàn, thành ra những lời lẽ trong bài diễn văn đó trở thành ác cảm với Việt minh, mục đích làm cho Việt
minh không thể chấp nhận được, mà trái lại mở đường cho Bảo Đại.
Sau đây là một đoạn trích:

(…) Nước Pháp không theo đuổi mục đích chiếm đóng hoặc tái chiếm và cũng không tìm cách cai
trị trực tiếp hay gián tiếp. Nước Pháp sẵn sàng trao cho các chính phủ xứng đáng quyền điều khiển guồng
máy công cộng và hứa sẽ giúp họ những nhân sự, công chức hay chuyên viên, mà họ cần thiết. Mỗi dân tộc
Đông Dương sẽ tự tìm những điều kiện sinh hoạt hợp với cá tính của mình. Họ sẽ tự tổ chức những cơ quan
đại diện, cơ quan tư pháp, tài chính, giáo dục và y tế riêng của họ mà không có sự xen chân vào của nước
Pháp. Như vậy các dân tộc Đông Dương tự nắm lấy vận mệnh và tương lai của mình và chúng tôi thành thực
cầu mong những điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho họ.

(…) Tôi yêu cầu tất cả những năng lực lành mạnh hãy hợp tác với nhau trong những cơ cấu chính
quyền để sự giao thiệp Việt Pháp trở nên dễ dàng. Tôi yêu cầu tất cả hãy đồng thanh trả lời những lời đề nghị
của nước Pháp để tỏ sự trưởng thành chính trị của mình.

Tôi ngỏ lời kêu gọi tối hậu này tới tất cả các gia đình chính trị, tất cả các gia đình tinh thần và tất
cả các gia đình xã hội. Tất cả các nhà ái quốc không phân biệt mầu sắc hãy can đảm tuyên bố lập trường
chính trị của mình và nhận phần trách nhiệm kiến thiết đất nước. Nền móng của các nước trẻ liên kết càng
lớn, nền tự trị càng vững chắc và hoà bình càng trường cửu. Những kẻ khởi hấn ngày 19 tháng 12 đã mất tín
nhiệm (…) hoà bình không thể vãn hội do một đảng duy nhất (…)

(…) Những đề nghị này là một đề nghị bất khả phân, một là nhận cả hai là không (…)

Phản ứng về bài diễn văn này, Hoàng minh Giám tuyên bố trên đài phát thanh Việt minh là bài
diễn văn rỗng tuyếch không có ý nghĩa gì thực tế.

Tại Hồng Kông, sau khi gặp Cousseau và trung tá Reynaud do Bollaert cử sang, Bảo Đại cử người
về nước tiếp xúc với các nhân vật chính trị. Một hội nghị gồm 40 nhân sĩ thuộc các đảng phái quốc gia mọi
khuynh hướng, ở trong nước và ở ngoài nước, đáp lời mời của Bảo Đại, tới Hồng Kông họp để nghiên cứu
tình hình. Có mặt có các ông Nguyễn hải Thần (Việt nam cách mệnh đồng minh hội), Trần Văn Tuyên tức
Trần Côn (Quốc gia thanh niên đoàn), Nguyễn tường Long tức Nguyễn phúc Vân (Đảng Dân chính), Lưu
đức Trung (Vận động dân chúng), Nghiêm xuân Việt (Đại Việt), Nguyễn tường Tam tức Trần quốc Lập
(Quốc dân đảng),Vũ kim Thành (Việt tam quân quân trưởng), các đại diện các tôn giáo và đảng phái trong
nước: Cao đài, Hoà hảo, Dân xã, Công giáo, Mặt trận quốc gia thống nhất toàn quốc, Mặt trận bình dân Nam
kỳ, Khối quốc gia liên hiệp ở miền Trung, Khối quốc gia liên hiệp xã nông lao công đại chúng và các vị nhân
sĩ không đảng phái như ông Trần Văn Lý chủ tịch hội đồng chấp chánh ở Trung kỳ, các vị quan lại triều đình
cũ như cụ Trần thanh Đạt, Lương văn Phúc, Hà xuân Hải, các ông Nguyển bá Chính, Nguyễn Văn Tâm, Trần
ngọc Liễng, Trương vĩnh Tống, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn bảo Toàn, Cung giũ Nguyên, v.v…

Ngày 10-9-47, sau khi nghe bài diễn văn của Bollaert, Hội nghị trên gửi một điện văn cho Bollaert
bác bỏ những đề nghị của ông ta vì không đáp được đúng nguyện vọng của Việt Nam, một mặt hội nghị gửi
một kiến nghị yêu cầu Bảo đại đứng ra lãnh đạo quốc gia để tranh đấu với Pháp.

Kiến nghị có đoạn trích sau đây:

(…) Mặc đầu bài diễn văn của ông Bollaert có tính cách một tối hậu thư đối với dân tộc Việt
Nam, những điều kiện đề nghị không làm thoả mãn nguyện vọng độc lập thống nhất của dân tộc Việt Nam,
toàn thể hội nghị cũng thỉnh cầu đức Bảo Đại nguyên Hoàng đế đứng lên thay mặt nước Việt Nam để cùng
chính phủ Pháp tìm một con đường hoà bình, hội nghị triệt để ủng hộ Ngài trong sứ mạng đó.

(…) Chúng tôi tin rằng những cuộc thương nghị với quyền uy của Ngài sẽ vãn hồi và duy trì hoà
bình, quyền lợi chánh đáng của hai dân tộc liên kết với nhau trên nền tảng công lý và bình đẳng trong khuôn
khổ Liên hiệp Pháp mà quy chế sẽ do hai bên bàn định (…)

Sau khi nhận được lời yêu cầu đứng ra thương thuyết với Pháp, ngày 8-9-47 Bảo Đại công bố bản
Tuyên ngôn gián tiếp trả lời Bollaert là sẵn sàng liên lạc với các nhà chức sự Pháp để xét những lời đề nghị
của họ về vấn đề độc lập và thống nhất Việt nam.

Nguyên văn bản Tuyên ngôn như sau:

“Quốc dân đồng bào!

Vì muốn tránh cuộc đổ máu của đồng bào nên tôi đã từ bỏ ngai vàng cùa các đấng Tiên đế. Các
người đã muốn giao phó số mạng cho những người cầm quyền mới, tôi đã tự ý rút lui ngôi báu, lưu vong
nước ngoài để khỏi làm chướng ngại vật một cuộc thí nghiệm chánh trị mà các người tưởng sẽ mang lại hạnh
phúc cho các người.

Ở chốn tha hương này tôi vẫn theo dõi những biến chuyển lịch sử ghê gớm gần đây của nước nhà,
một đôi khi lòng hy vọng, xong biết bao khi lòng ngao ngán buồn thương!

Hy vọng của các người tôi đâu có lạ.

Ngày nay tôi đã nghe tiếng kêu la, gọi cứu thảm thiết của các người tuy có một chế độ độc tài cố
bịt mồm lấp miệng các người. Các người đã phải tỏ cho tôi hay những nỗi lầm than của các người, để báo
cáo cho tôi biết những tai hoạ mà nước Việt nam thân mến của chúng ta đã phải chịu trong hai năm kinh
nghiệm chế độ chính trị độc tài của những người nắm quyền mới của các người.

Thế là giấc mộng hạnh phúc của các người mà mọi tuyên truyền khéo léo, một lý thuyết mới đã
làm nẩy nở trong lòng các người nay đã tan tành.

Trong cảnh điêu linh, các người đã đến cầu xin tôi lấy uy tín của tôi để vãn hồi hoà bình đối ngoại
thì hoà bình trong an ninh trật tự, trong đất nước đang bị chiến tranh tàn phá và đẫm máu vì cuộc huynh đệ
tương tàn. Vì người đại diện của nước Pháp ở Việt nam là cao uỷ Bollaert đã yêu cầu các người chỉ định
những nhân vật có uy tín đối với các người. Nay các người thỉnh cầu tôi đứng lên thay mặt các người đứng
lên đàm phán với nước Pháp.

Tôi chấp nhận lời thỉnh cầu của các người, chịu đảm nhận sứ mạng của các người phó thác cho tôi
và sẵn sàng tiếp xúc với các nhà chức trách Pháp.

Tôi sẽ cùng họ xem xét một cách khách quan những lời đề nghị mà nước Pháp đã đưa ra.

Tôi muốn thực hiện nguyện vọng Độc lập và Thống nhất của các người, ký kết những hiệp định
với bảo đảm hỗ tương, và có thể xác định với các người rằng lý tưởng mà các người đã theo đưổi trong một
cuộc kháng chiến oanh liệt nay đã đạt được rồi.
Được thế rồi tôi sẽ lấy uy tín của tôi để dàn xếp cuộc tranh chấp giữa các người.Vì rằng khi chúng
ta đã đạt tới mục đích rồi không còn một lẽ gì ngăn cản chúng ta lập lại hoà bình nguồn gốc của an ninh,
thạnh vượng.

Hoà bình mà tôi sẽ cho các người, tôi muốn duy trì cho các người được hưởng lâu dài.

Năm tháng sẽ làm dịu bớt những ý tưởng cuồng nhiệt. Rồi hết thảy mọi người Việt nam sẽ một
lòng, một chí xây dựng giang sơn gấm vóc của chúng ta trên những nền tảng mới, dùng những sanh lực tiềm
tàng trong những thuần phong mỹ tục cổ truyền của tổ phụ”.

Cuộc hành quân Léa

Về mặt quân sự, tướng Salan lại được chính phủ Pháp cử sang Bắc kỳ thay thế đại tá Dèbes trong
chức vụ Chỉ huy quân lực Pháp ở Bắc Đông Dương. Tướng Valluy vẫn giữ chức Chỉ huy tối cao quân đội
viễn chinh thay thế Leclerc từ hồi tháng 6-1946. Valluy và Salan nghiên cứu một cuộc hành quân đại quy mô
vào vùng Việt Bắc mục đích phá vỡ các tổ chức quân sự dân sự của Việt minh, lùng bắt chính phủ Hồ Chí
Minh và đặt các căn cứ kiểm soát vùng biên gìới Hoa Việt để chặn đường liên lạc tiếp tế cho Việt minh của
Trung Quốc lúc bấy gìờ đang có thế mạnh ở Hoa Bắc.

Cuộc hành quân mệnh danh là LÉA, lấy tên một ngọn đèo cao 1362 thước trên đường thuộc địa số
3 giữa Bắc Kạn và Cao Bằng, được nghiên cứu và sửa soạn nhiều ngày trước.

Ngày 7 tháng 10-1947 tướng Salan ra lệnh tiến quân ba mặt.

- Một đạo quân nhảy dù dưới quyền chỉ huy của đại tá Sauvagnac đáp xuống thị xã Bắc Kạn
chiếm đóng các công sở, nhà thương, kho bạc, nhà máy đèn v.v… Việt minh bị bất ngờ không kịp phản ứng.

- Một đạo bộ binh do đại tá Beaufre chỉ huy, tiến từ Lạng Sơn dọc theo đường thuộc địa số 4 tiến
qua Đồng đăng, Na Chàm, Thất Khê, Đông Khê tới Cao Bằng ngày 12 tháng 10, rồi từ Cao Bằng dọc theo
đường thuộc địa số 3bis xuống Bắc Kạn.

- Một đạo thuỷ quân dưới quyền chỉ huy của đại tá Communal theo đường thủy ngược sông Đà
giang, sông Gầm tiến chiếm Phủ Đoan ngày 12, chiếm Tuyên Quang ngày 13 và Chiêm Hoá ngày 17 tháng
10.

Khắp nơi Việt minh đều bị bất ngờ không có phản ứng, quân Pháp phá huỷ nhiều cơ sở và các kho
khí giới đạn dược.

Tại Bắc Kạn, cánh quân Sauvagnac giải thoát được nhiều người Việt quốc gia bị Việt minh bắt
giam cầm tù, trong số có Phạm Văn Bính,về sau, hồi 1952, trở thành Thủ hiến Bắc việt.

Sau khi chiếm được Bắc Kạn, từ ngày 19-11 đến ngày 14-12-47 quân Pháp hành quân vùng tứ
giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phủ lạng Thương - Việt Trì, nơi trú đóng của các cơ quan chính phủ Việt
minh, phá vỡ đài phát thanh, bắt được máy in giấy bạc, nhiều dụng cụ khí giới đủ loại, súng cá nhân, súng tự
động và đại bác, bắt 1.000 tù binh, giải thoát các con tin người Pháp, chiếm lại được mỏ kẽm Tĩnh túc (Cao
bằng) và mỏ chì (Tuyên quang) và suýt bắt được toàn bộ đầu não của Việt minh. (Về sau có một tin nói rằng:
“Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp nấp sau một bụi cây khi quân Pháp đi tới, Giáp tưởng sẽ bị bắt, may mà
quân Pháp đi qua không trông thấy nên hai người thoát được”).
Quân Pháp thiệt hại khá nhiều, nhất là bộ binh của đại tá Beaufre. Qua cơn bất ngờ lúc đầu, Việt
minh tổ chức các ổ phục kích trên đường thuộc địa số 4 (RC4) Lạng Sơn - Cao Bằng, đánh các đoàn công-
voa và các đồn bót do Pháp đặt rải rác để giữ trục giao thông đó.

Thiệt hại của Pháp trong cuộc hành quân LÉA ước khoảng 700 người vừa thiệt mạng, vừa bị bắt
cầm tù và bị thương(1)

Tại Pháp, chính phủ Ramadier bị đổ. Ngày 24-11-47, Robert Schuman thuộc phong trào Cộng hoà
bình dân (MRP) lên làm thủ tướng, Coste Floret (MRP) giữ bộ Pháp quốc hải ngoại.

Sau khi nhậm chức, bộ trưởng Coste Floret liên lạc với Bảo Đại để xúc tiến “Giải pháp Bảo Đại”.
Một cuộc gặp gỡ giữa Bảo Đại và cao uỷ Bollaert được tổ chức để hai bên trao đổi lập trường.

Ngày 7-12-47, tại Vịnh Hạ Long, Bảo Đại ra điều kiện với Bollaert là chỉ nhận đứng ra thương
thuyết với Pháp trên căn bản Việt Nam độc lập và thống nhất, ngược lại Bảo Đại chấp nhận Việt nam gia
nhập Liên hiệp Pháp và bảo đảm những quyền lợi Pháp trong mọi lãnh vực ở Việt Nam.

Sau ngày đó Cựu hoàng trở về Hồng kông, Bollaert trở về Pháp trình bầy cho chính phủ biết lập
trường chính thức của Bảo Đại. Trong khi đó các chính khách Việt Nam tới tấp bay tới Hồng Kông để yết
kiến Cựu hoàng bầy mưu hiến kế.

Để làm yên lòng Bảo Đại, ngày 19-12-47, thủ tướng Nam kỳ quốc, Nguyễn Văn Xuân cùng một
phái đoàn các nhân vật có tên tuổi ở Nam kỳ cũng bay sang Hồng Kông gặp Bảo Đại để xác nhận ý muốn
sáp nhập Nam kỳ vào Việt Nam thống nhất và mời Bảo Đại về nước chấp chánh.

Ít lâu sau, Bảo Đại sang Âu châu để tiếp tục đàm phán với Pháp. Bollaert tới gặp Bảo Đại ở
Genève.

Trở về Hồng Kông, ngày 25-5-48 Bảo Đại cử Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập Chánh
phủ trung ương lâm thời để cai trị cả ba kỳ trung, nam, bắc và để đại diện Việt Nam trong các cuộc thương
thuyết với chính phủ Pháp.

Ngày 5-6-48, tại vịnh Hạ Long, Cao uỷ Bollaert thay mặt chính phủ Pháp ký với thủ tướngXuân,
trước sự hiện diện của Bảo Đại, một tạm ước dùng làm căn bản cho những cuộc đàm phán chính thức về sau,
theo đó nước Pháp long trọng nhìn nhận nước Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp.

Sau khi tạm ước được ký kết, Bảo Đại rời Hồng kông sang Pháp trú ngụ lấy cớ chữa bệnh.

Ít lâu sau, chính phủ Pháp sốt ruột thấy Bảo Đại ở lâu không về Việt Nam trực tiếp tham chính để
điều đình với Việt minh chấm dứt chiến tranh, chính phủ Pháp có ý giục Bảo Đại, nhưng Cựu hoàng cho biết
chỉ về khi nào Nam kỳ được chính thức sáp nhập vàoViệt nam, nghĩa là Việt Nam được thống nhất và khi
nào Tạm ước Hạ Long được thay thế bằng một hiệp ước chính thức.

Tháng 7-1948, chính phủ Schuman đổ. André Marie thuộc đảng Xã hội lên nắm quyền.

Trong Quốc hội nước Pháp lúc bấy giờ có nhiều khuynh hướng chính trị trái ngược nhau, phe thì
thiên về giải pháp Bảo Đại, phe thực dân thì muốn giữ nguyên Nam kỳ quốc để thủ lợi, do đó khó dung hoà
được một giải pháp chính trị tại Đông Dương. Mặt khác chiến tranh làm hao tổn công quỹ nước Pháp mà
không mang lại thắng lợi gì rõ rệt, năm 1948 tốn gần 90 tỷ quan, nền tài chính Pháp lại không dồi dào gì mà
nước Pháp lại đang cần tiền để kiến thiết xứ sở.

Tại Trung Hoa thì quân cộng sản Tàu thắng thế mạnh, đang tràn xuống miền Nam chẳng mấy lúc
mà tới biên giới Hoa Việt bắt tay với Việt minh, khiếnViệt minh càng thêm sức mạnh, được viện trợ vũ khí
đạn dược và chiến cụ của Tàu.

Trong tình hình đó, nếu không giải quyết mau lẹ vấn đề chính trị thì càng ngày càng thất lợi cho
Pháp, nên sau khi chính phủ Queuille (Xã hội) lên cầm quyền vào tháng 9-1948 thì cao ủy Bollaert được gọi
về Pháp. Chính phủ Queuille quyết định hướng về giải pháp Bảo Đại, cử Pignon sang thay thế Bollaert.

Thoả hiệp Élysées ngày 8-3-49 giữa Vincent Auriol và Bảo Đại

Ngày 8-3 năm 1949, tại điện Élysées một thoả hiệp được trao đổi giữa tổng thống Pháp Vincent
Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại

Nguyên văn bản thoả hiệp như sau (bản dịch):

Balê ngày 8 tháng 3 năm 1949

Tổng thống Cộng hoà, Chủ tịch Liên hiệp Pháp

Kính gửi Hoàng đế Bảo Đại

Thưa Hoàng thượng.

Về vấn đề thống nhất và độc lập của Việt Nam, Ngài đã tỏ ý muốn có một sự minh xác những
nguyên tắc đã được đề ra trong bản Tuyên ngôn chung ngày 5-6-48 tại vịnh Hạ Long giữa Cao ủy Pháp tại
Đông Dương, Emile Bollaert, và thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân, Thủ tuớngChính phủ trung ương lâm thời
Việt Nam, trước sự hiện diện của Hoàng thượng.

Ý muốn này cũng là ý muốn của chính phủ Pháp. Sau khi thương nghị giữa các Bộ trưởng, chính
phủ đã yêu cầu tôi với tư cách Chủ tịch Liên hiệp Pháp trao đổi với Hoàng thượng những văn kiện để tiến tới
một thoả hiệp xác định những nguyên tắc của bản Tuyên ngôn chung ngày 5-6 (2) để thi hành.

Chính phủ của Hoàng thượng một mặt sẽ thoả thuận với vị Cao ủy Pháp ở Đông Dương về những
điều khoản đặc biệt hay tạm thời quy định sự giao thiệp giữa Liên hiệp Pháp và Việt Nam cho tới khi hoà
bình và trật tự được tái lập, phù hợp với những nguyên tắc đề ra sau đây, trong văn kiện này và phù hợp với
tình trạng hiện tại; mặt khác xếp đặt với vị đại diện Pháp và những chính phủ Lào và Căm bốt những sự thoả
thuận cần thiết thể theo văn kiện này.

Trên những văn bản và với những điều kiện đó, tôi nhân danh chính phủ Cộng hoà Pháp quốc xác
nhận sự thoả thuận của tôi về những điều khoản sau đây (dịch tóm tắt):

I - Thống nhất nước Việt Nam

Mặc dầu những hiệp ước cũ vẫn còn có hiệu lực, nước Pháp long trọng xác nhận không phản đối
việc xứ Nam kỳ gia nhập nước Việt nam do các lãnh thổ Tonkin, Annam và Cochinchine hợp thành.

Nhưng sự sáp nhập xứ Nam kỳ vào Việt nam chỉ được coi như chính thức sau khi có sự trưng cầu
tự do ý kiến của dân chúng hoặc của đại diện xứ đó.
(…) Chính phủ Pháp từ bỏ quyền của mình trên những thành phố Hà nội, Hải Phòng và Tourane
mà quy chế đặc biệt đã được các vua thời trước chấp nhận.

(…) Đối với các dân tộc không phải là Việt Nam sống trên lãnh thổ Việt Nam mà từ trước vẫn
thuộc về Cương thổ Hoàng triều thì sẽ có những bản quy chế đặc biệt thoả thuận giữa chính phủ Việt Nam và
nước Pháp.

II Vấn đề ngoại giao

Việt Nam sẽ theo đuổi một chánh sách ngoại giao phù hợp với chính sách của Liên hiệp Pháp.

Các đại diện ngoại quốc tới Việt Nam sẽ được uỷ nhiệm với chủ tịch Liên hiệp Pháp và với Hoàng
đế Việt Nam.

Uỷ nhiệm thư của các trưởng phái đoàn ngoại giaoViệt Nam mà chính phủ Việt Nam đề cử với sự
thoả thuận của chính phủ Cộng hoà Pháp do chủ tịch Liên hiệp Pháp ký có Hoàng đế Việt Nam phó thự.

Những nước mà Việt Nam đặt liên lạc ngoại giao sẽ được chỉ định sau với sự thoả thuận của chính
phủ Pháp

Việt Nam chỉ ký kết những thoả ước với nước ngoài khi mà những điều kiện đã được Pháp xem
xét trước và có sự thoả thuận trước của chính phủ Pháp.

(…) Chính phủ Cộng hoà Pháp cam kết ủng hộ Việt Nam gia nhâp Liên hiệp quốc khi đủ điều
kiện.

III. Vấn đề quân sự

Nước Việt Nam có quân đội riêng với nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh trong nước, bảo vệ xứ sở
với sự giúp sức của quân lực Liên hiệp Pháp.

Quân đội Việt Nam cũng góp phần bảo vệ biên giới Liện hiệp Pháp chống ngoại thù.

Quân số quân đội Việt Nam và quân số quân đội Liên hiệp Pháp trú đóng ở Việt Nam sẽ được
định trong một bản thoả ước riêng với mức độ có thể dùng hữu hiệu trong thời chiến để chống giữ lãnh thổ
Việt Nam và Liên hiệp Pháp.

Quân đội Việt Nam gồm những binh sĩ người Việt Nam ; các huấn luyện viên, các cố vấn kỹ thuật
người Pháp sẽ đặt dưới quyền sử dụng củaViệt Nam.

Các sĩ quan Việt Nam được huấn luyện trong các trường võ bị Việt Nam và có thể được tiếp nhận
trong các trường Pháp không phân biệt chủng tộc. Để làm dễ dàng sự hợp tác trong thời chiến, sự tổ chức
quân đội Việt Nam sẽ tương tự như sự tổ chức quân đội Liên hiệp Pháp.

Quân đội Việt Nam sẽ do ngân sách Việt nam đài thọ. Chính phủ Việt nam sẽ đặt mua chiến cụ
qua chính phủ Pháp.

(…) Quân đội Liên hiệp Pháp sẽ trú đóng tại các căn cứ do một thoả hiệp riêng chỉ định, quân đội
Liên hiệp Pháp được quyền di chuyển tự do giữa các căn cứ của mình. Theo nguyên tắc hợp tác hoàn toàn
trong Liên hiệp Pháp, quân đội Liên hiệp Pháp gồm cả phần tử lính Việt nam mà sự tuyển mộ sẽ định rõ
trong một thoả hiệp riêng.
(…) Một Uỷ ban quân sự thường trực gồm các sĩ quan tham mưu của hai quân đội được thành lập
để nghiên cứu các kế hoạch phòng thủ chung và hợp tác quân sự giữa hai bên.

(…) Trong thời chiến, toàn thể quân đội Việt Nam và Liên hiệp Pháp được đặt chung dưới quyền
chỉ huy của Uỷ ban quân sự mà Tư lệnh sẽ là một sĩ quan Pháp có một Tham mưu trưỏng phụ tá.

IV - Chủ quyền quốc nội

Chính phủ Việt Nam có hoàn toàn chủ quyền nội trị. Chính phủ Việt Nam sẽ ký kết với vị Cao uỷ
Pháp ở Đông Dương những thoả hiệp đặc biệt hay tạm thời và thể thức trao trả Việt Nam những quyền hành
do Pháp nắm giữ từ trước.

Mỗi khi cần tới cố vấn hay chuyên viên hay kỹ thuật gia trong các ngành, chính phủ Việt Nam
giành quyền ưu tiên cho các công dân Liên hiệp Pháp. Chỉ khi nào nước Pháp không cung ứng được thì
quyền ưu tiên đó mới mất (…)

V - Vấn đề tư pháp

Nước Việt Nam có chủ quyền đầy đủ về tư pháp (…)

(…) Tuy nhiên trong những vụ xử những người Pháp thì luật nước Pháp được áp dụng, còn như
đối với những người ngoại quốc khác thì luật Việt Nam được áp dụng (…)

VI - Vấn đề văn hoá

Nước Pháp được tự do mở trường công hay tư bậc tiểu học và trung học dạy theo chương trình áp
dụng ở Pháp, tuy nhiên phải bắt buộc có môn văn học sử Việt Nam. Học sinh Việt Nam được tự do theo học
các trường đó.

Tiếng Pháp được giảng dậy ở các trường Trung học Việt Nam với số giờ đủ cho sinh viên Việt
Nam có thể theo học trường đại học Pháp được.

Một thoả hiệp sẽ định rõ sự tương đương giữa văn bằng Pháp và Việt Nam.

Việt Nam có toàn quyền tổ chức bậc đại học.

(…) Tiếp theo là những điều khoản liên quan đến trường Bác cổ Viễn đông, viện Pasteur, nha Thư
viện và Lưu trữ.(…)

VII- Vấn đề tài chính và kinh tế

Những người Việt Nam ở Pháp hay ở trên các lãnh thổ khác trong Liên hiệp Pháp cũng giống như
những người Pháp hay công dân Liên hiệp Pháp ở Việt Nam

được hưởng ngang quyền cư trú như dân bản xứ. Họ được tự do đi lại buôn bán sinh sống.

Cơ sở tư nhân Pháp ở Việt Nam được hưởng cùng một quy chế, nhất là vấn đề thuế khoá và luật
lao động, ngược lại cơ sở Việt Nam ở Pháp cũng vậy.

Những tài sản cũa những người dân Liên hiệp Pháp đã bị mất hồi tháng 3-1945 đều được trao trả
lại cho họ trong tình trạng hiện tại.
Tư bản Pháp được tự do đầu tư ở Việt Nam nhưng phải theo luật lệ của Việt Nam. Chính phủ Việt
Nam

có chủ quyền về tài chánh của mình, Việt Nam tự thành lập và điều khiển ngân sách.

Việt Nam ở trong khối Liên hiệp tiền tệ với các nước khác ở Đông Dương.

Viện phát hành Đông Dương sẽ phát hành một đồng bạc có giá trị chung cho cả ba quốc gia. Đồng
bạc Đông Dương thuộc khu vực đồng quan. Hối suất giữa đồng quan và đồng bạc sẽ không bất-di-dịch mà
thay đổi tuỳ theo tình trạng kinh tế. Tuy nhiên hối suất chỉ thay đổi sau khi có sự hội ý của các nước Liên kết
Đông Dương.

Viện hối đoái Đông Dương sẻ kiểm soát việc trao đổi tiền bạc.

Nước Việt Nam hợp với các nước khác ở Đông Dương thành một Liên hiệp quan thuế. Giữa các
nước đó không có hàng rào quan thuế, hàng hoá khi qua biên giới chung không phải nộp một khoản thuế nào
(…)

Một hội nghị giữa các nước Đông Dương sẽ được tổ chức để bàn về các cơ quan chung như
truyền tin, di cư, ngoại thương, quan thuế, ngân khố và chương trình trang bị.

Những thoả hiệp sẽ được ký kết ở Sài gòn giữa vị Cao ủy Đông Dương và Hoàng thượng và sẽ thi
hành ngay sau khi ký kết.

Bản Tuyên ngôn chung ngày 5 tháng 6 và bản văn kiện này cùng những bản thoả ước phụ, ký về
sau, sẽ được trình Quốc hội Pháp duyệt y và những cơ quan có thẩm quyền Việt Nam xét để tạo thành văn
kiện quy định ở điều 61 Hiến pháp Cộng hoà Pháp. Chính phủ Pháp và tôi tin tưởng rằng sự thi hành mau
chóng những điều khoản trên đây sẽ góp phần hữu hiệu vào việc tái lập hoà bình ở nước Việt nam, một nước
tự do liên kết trong bình đẳng và hữu nghị với nước Pháp.

Xin Hoàng thượng nhận nơi đây lòng kính trọng của tôi.

Ký tên: Vincent Auriol

***

Cựu Hoàng Bảo Đại cũng viết một bức thư mà nội dung tương tự y hệt bức thư trên gửi cho tổng
thống Pháp, xác nhận những điều khoản hai bên thoả thuận.

Nguyên văn bức thư như sau:

Thư ngày 8-3-49 của Bảo Đại gửi Vincent Auriol

Ba lê ngày 8 tháng 3 năm 1949

Hoàng đế Bảo Đại

Kính gửi tổng thống Cộng hoà Pháp quốc, Chủ tịch Liên hiệp Pháp,

Thưa Chủ tịch

Tôi hân hạnh báo tin Ngài biết tôi đã nhận được bức thư đề ngày hôm nay mà nội dung như sau:

I - Thống nhất Việt Nam (… nhắc lại nội dung thư cuả TT Pháp…)
II - Vấn đề ngoại giao (… nhắc lại nội dung thư cuả TT Pháp…)

III - Vấn đề quân sự (… nhắc lại nội dung thư cuả TT Pháp…)

IV - Chủ quyền quốc nội (… nhắc lại nội dung thư cuả TT Pháp…)

V - Vấn đề tư pháp (… nhắc lại nội dung thư cuả TT Pháp…)

VI - Vấn đề văn hoá (… nhắc lại nội dung thư cuả TT Pháp…)

VII - Vấn đề tài chánh kinh tế (… nhắc lại nội dung thư cuả TT Pháp…)

(Chú thích: Tất cả bẩy vấn đề đều nhắc lại y hệt bản văn trên của tổng thống Vincent Auriol gửi
cho Bảo Đại).

Tôi hân hạnh phúc đáp Ngài biết tôi hoàn toàn thoả thuận về các điều khoản và nội dung của bức
thư ấy.

Tôi tin tưởng rằng sự thi hành những điều khoản trong thư đó với một tinh thần tin tưởng và hiểu
biết lẫn nhau sẽ tái lập nhanh chóng hoà bình ở Việt Nam.

Tôi cũng tin chắc rằng nước Việt Nam từ nay trở đi liên kết khắng khít với nước Pháp trong sự
thống nhất và bình đẳng, sẽ góp phần hữu hiệu vào sự thịnh vượng và sự hùng cường của nước Pháp.

Xin ông Chủ tịch nhận nơi đây lòng kính trọng của tôi.

Ký tên: Bảo Đại

Để giải thích vào thư trên, tổng thống Pháp gửi một bức thư nữa cho Bảo Đại, thư cũng đề ngày 8
tháng 3-1949, nguyên văn như sau:

Thư ngày 8-3-49 của Vincent Auriol gửi Bảo Đại

Balê, ngày 8 tháng 3 năm 1949

Tổng thống Cộng hoà Pháp quốc, Chủ tịch Liên hiệp Pháp

Kính gửi Hoàng đế Bảo Đại

Thưa Hoàng thượng,

Như đã được quyết định trong những sự hoà đàm về thoả ước Pháp Việt ký tại Paris ngày 8-3-49,
tôi hân hạnh minh xác với Hoàng thượng trong bức thư này những điều mà Hoàng thượng muốn biết rõ về
vài điểm đặc biệt.

1 - Thống nhất Việt Nam

1-1 - Việc sáp nhập Nam kỳ vào lãnh thổ Việt Nam sẽ theo các thể thức sau đây:

- Quốc hội Pháp đầu phiếu một đạo luật thành lập một Quốc hội đại diện lãnh thổ Nam kỳ, dự
định ở điều 77 trong Hiến pháp, có nhiệm vụ cho ý kiến về sự thay đổi quy chế lãnh thổ đó.

- Quốc hội Nam kỳ đầu phiếu về sự thay đổi quy chế và sự sáp nhập Nam kỳ vào lãnh thổ Việt
Nam.
- Quốc hội Pháp đầu phiếu luật dự định trong điều 77 Hiến pháp Pháp quốc công nhận sự hay đổi
quy chế Nam kỳ. Quốc hội Pháp sẽ họp khẩn cấp sau khi Quốc hội Nam kỳ đầu phiếu.

1-2 - Chính phủ Pháp thoả thuận về những quy chế đặc biệt giành cho những dân tộc không phải
Việt Nam mà sống trên lãnh thổ Việt Nam (…)

2 - Vấn đề ngoại giao

2-1 - Số người đại diện Việt Nam trong Thượng hội đồng Liên hiệp Pháp sẽ được quy định sau,
với sự thoả thuận của chính phủ Việt Nam.

2-2 - Chính phủ Pháp đồng ý để Việt Nam gửi tức khắc đại diện ngoại giao đến các nước sau đây:
Toà thánh Vatican, Trung Hoa, Thái lan.

Nếu vì những biến chuyển mới đây ở Trung Hoa mà Việt Nam muốn đặt đại diện ở một nước
khác, Chính phủ Pháp thấy không có gì cản trở để thay thế nước Trung Hoa bằng nước Ấn độ.

Tất cả những sự thay đổi trong điều khoản này phải được sự thoả thuận trước của chính phủ Pháp.

2.3 - Các nhà đại diện ngoại giao Việt Nam, trực thuộc phái bộ ngoại giao Pháp, sẽ do chính phủ
Pháp uỷ nhiệm do sự đề cử của chính phủ Việt Nam

Họ chỉ đặc biệt coi về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Họ có thể liên lạc với chính phủ Việt
Nam qua trung gian của Trưởng phái bộ ngoại giao Pháp và tiếng Pháp được sử dụng chính thức.

24 - Những điều khoàn này cũng áp dụng cho những lãnh sự Việt Nam ở những nước không có
đại diện ngoại giao Việt Nam. Những vị đó hoạt động dưới sự điều động của đại diện ngoại giao Pháp

2.5 - Trong những cuộc điều đình giữa Việt Nam với nước ngoài để ký những thoả hiệp liên quan
đến quyền lợi riêng của Việt Nam, sự “liên lạc” với Phái đoàn ngoại giao Pháp gồm có sự thành lập bắt buộc
những phái đoàn hỗn hợp Việt Pháp, và trong mỗi trường hợp, tuy rằng phái đoàn Việt Nam vẫn được tự do
hành động và chịu hoàn toàn trách nhiệm, sự thiết lập một hệ thống thông tin giữa hai phái đoàn để nếu
trường hợp xảy ra, cơ quan ngoại giao Liên hiệp Pháp có thể ủng hộ phái đoàn Việt Nam trong tất cả những
sự khó khăn hay những sự bất ngờ trầm trọng có thể xảy ra trong lúc điều đình.

Tôi xin Hoàng thượng nhận nơi đây lòng kính trọng của tôi.

Ký tên: Vincent Auriol

Cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nam kỳ vào Việt Nam

Ngày 10 tháng 4-1949, một cuộc bầu cử hạn chế gồm 700 cử tri Pháp và 1.000 cử tri Việt Nam đề
cử một Quốc hội Nam kỳ gồm 16 nghị sĩ Pháp và 48 nghị sĩ Việt Nam. Cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp
nhập Nam kỳ vào lãnh thổ Việt Nam được tổ chức ngày 23-4-49, Quốc hội Nam kỳ đại diện toàn dân đồng
thanh biểu quyết sáp nhập xứ Nam kỳ vào lãnh thổ Việt Nam.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý này làm Bảo Đại hài lòng và ngày 24 tháng 4-1949, cựu hoàng đáp
máy bay về nước, đến ngày 28 thi tới Đà lạt.

Ngày 3-6-49, Quốc hội Pháp chấp nhận việc sáp nhập Nam kỳ vào lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 14-6-49, tại toà Đô sảnh Sài gòn, Bảo Đaị và Cao ủy Pignon ký những văn kiện chính thức
hợp thức hoá tiền ước Élysées. Nhân dịp đó Bảo Đại nhận quyền điều khiển chính phủ, hiệu triệu quốc dân,
hứa cải tiến xứ sở trên mọi phương diện và kêu gọi mọi người phụng sự quốc gia.

Trở lại vấn đề quân sự.

Sau cuộc hành quân lớn kết thúc cuối năm 1947, thì đầu tháng 2-1948 tướng Valluy từ chức xin
về Pháp, Bollaert cử tướng Salan quyền chỉ huy trưởng các lực lượng Pháp ở Đông Dương.

Tại Bắc kỳ, đại tá Gonnet tạm thay tướng Salan. Tại Nam kỳ tướng Boyer de la Tour thay thế
tướng Nyo. Tại Trung kỳ tướng Le Bris và tướng Lorillot chỉ huy trung và nam Trung kỳ.

Quân lực Pháp đầu năm 1948, trên toàn thể Đông Dương lên tới 110.000 người, gồm 62 tiểu đoàn
bộ binh, các đội thiết giáp, pháo thủ, 25 toán lính địa phương và giáo phái, 3 tiểu đoàn nhảy dù, 32 tiểu đoàn
địa phương, 6 tiểu đoàn đặc biệt Lào Thái, 8 tiểu đoàn Lê dương, 6 tiểu đoàn Sê-nê-ga-le, 13 tiểu đoàn Bắc
phi. Không quân gồm 45 máy bay chuyên chở trong số có 20 chiếc bị hư không bay được, 30 máy bay
Spitfire trong số có 12 chiếc bị hư, 50 chiếc máy bay Morane trong số có 20 chiếc bị hư, trực thăng không có
chiếc nào.

Sự thiệt hại về nhân mạng từ lúc khởi sự chiến tranh là 9.200 người chết, 19.000 người bị thương.

Tháng 5 năm 1948, tướng Blaizot được chính thức cử giữ chức Chỉ huy trưởng các lực lượng viễn
chinh Pháp, thực thụ thay thế tướng Valluy, tướng Salan về Pháp, tướng Chanson được cử giữ chức chỉ huy ở
Bắc kỳ.

Suốt năm 1948 đến tháng 9 năm 1950 chiến cuộc không có gì sôi động, không có một hành quân
nào quan trọng của Pháp cũng như không có một cuộc phản công nào quan trọng của Việt minh. Pháp chú
trọng đặt các đồn bót kiểm soát các vùng đất đai và trục giao thông đã chiếm được và tổ chức các lính phụ
lực bản xứ hay các giáo phái ở Nam kỳ để bình định các vùng nông thôn. Tuy nhiên ngoại trừ các thành phố
và thị trấn lớn mà sự hiện diện của Việt minh không lộ liễu, còn thì tại các làng mạc, xã, quận, ảnh hưởng
của Pháp chỉ có tại chung quanh các đồn bót kể từ lúc mặt trời mọc, còn từ lúc mặt trời lặn thì lại thuộc về
Việt minh.

Những sự đánh phá đồn bót, những sự phục kích, chạm súng, ám sát lẻ tẻ xảy ra hàng ngày.

Việc tiết lộ tờ trình tối mật của tướng REVERS

Trong thời gian này, tại Pháp xảy ra một sự tiết lộ bí mật quân sự liên quan đến các cấp chỉ huy
quân sự cao cấp của Pháp làm lung lay nền tảng đệ tứ Cộng hoà Pháp.

Tháng 5 năm 1949, đại tướng 5 sao Revers được thủ tướng Queuille đặc cử sang Đông Dương để
nghiên cứu tình hình. Đại tướng Revers là Tổng tham mưu trưởng lục quân Pháp, vừa được đại diện nước
Pháp ký kết thoả ước Bắc Đại tây dương ngày 24-8-48. Revers chưa bao giờ làm việc ở Đông Dương hay ở
các thuộc địa khác.

Ngày 16-5-49, máy bay chở Revers đáp xuống Saigon. Trong 5 tuần lễ liền, Revers đi khắp nơi,
gặp các nhân vật cao cấp quân và dân sự Pháp cũng như đại diện các nước Việt Miên Lào. Đến ngày 17-6-49
thì kết thúc cuộc điều tra, ngày 21-6-49 Revers về tới Pháp.
Ngày 29-6-49, Revers làm xong bản tường trình, đề nghị nhiều biện pháp quan trọng đối với
nhiều vấn đề đã nghiên cứu. Bản tường trình được in mật, in khẩn cấp ngày đêm, do An ninh quân đội bảo
vệ, in thành 50 bản có đánh số thứ tự và được xếp vào hạng tài liệu quốc gia Tối Mật (Ultra Secret). Ngày 4-
7-49, hồi 16 giờ thì in xong. Revers gửi 33 bản cho các nơi liên hệ, giữ lại 3 bản trong văn phòng, cất gửi 14
bản còn lại trong một cơ quan cẩn mật có canh gác.

Ngày 15-7-49, Revers đưa cho tướng Mast mượn bản số 27 giữ trong văn phòng. Tướng Mast là
Giám đốc trường Cao đẳng quốc phòng, tướng Mast trả lại ngày 27-7-49.

Nội dung bản tường trình của Revers nói những gì?

“Đối với đoàn quân viễn chinh, Revers nhận thấy đoàn quân này không được huấn luyện và chuẩn
bị chống chiến tranh du kích, Revers đề nghị phải có nhiều chuyên viên để huấn luyện chiến thuật chống du
kích.

“Về vấn đề chỉ huy, Revers nhận xét sự bất hoà thường xảy ra giữa vị Cao uỹ và vị Chỉ huy quân
viễn chinh (bất hoà giữa Leclerc và d'Argenlieu, bất hoà giữa Valluy và Bollaert), không kể trường hợp “tréo
cẳng ngỗng” đặc biệt giữa Cao ủy Pignon và tướng Blaizot (Năm 1946, Blaizot là tướng chỉ huy một đạo
quân Pháp đóng ở Ấn độ, Pignon lúc bấy giờ làm dưới quyền Blaizot. Năm1949, Pignon được cử giữ chức
Cao uỹ Pháp ở Đông Dương. Blaizot lại là chỉ huy trưởng đoàn quân viễn chinh Pháp, thành ra Blaizot bị đặt
dưới quyền Pignon và phải nhận chĩ thị của Pignon). Revers đề nghị, để cho công việc tiến hành hữu hiệu,
chính phủ cử một nhân vật quân sự vừa kiêm chức Cao uỹ vừa giữ chức Chỉ huy đoàn quân viễn chinh, nhân
vật này sẽ do Bộ trưởng bộ Quốc gia liên kết đề cử ra.

“Về vấn đề quân số thì không thể tăng quân số cho đoàn quân viễn chinh được nhưng sẽ tăng tiếp
tế quân cụ và khí giới đạn dược (do Mỹ viện trợ) và tăng viện những cơ quan an ninh đặc biệt về phản gián.

“Vấn đề chiến lược thì thu hẹp lãnh thổ chiếm đóng, tận dụng tối đa lực lượng hiện có ỡ Bắc việt,
giữ vững vòng đai an ninh. Mở những cuộc hành quân trong vùng lãnh thổ thu hẹp, với những lực lượng đặc
biệt, để chiếm lại những đất đai đã bị Việt minh xâm nhập.

“Vấn đề điều đình với Việt nam thì tìm những người quốc gia chống cộng để điều đình. Giải pháp
Bảo đại chỉ là một giải pháp thí nghiệm, nhưng chế độ Bảo đại là một chế độ ung thối với sự tham nhũng,
những sự buôn lậu đồng bạc, buôn lậu giấy phép nhập cảng, những vụ gá chứa cờ bạc đĩ điếm (3).

Revers chỉ trích thái độ Pháp hay thay đổi làm nhiều người có thiện chí nghi ngờ nên không thật
tình hợp tác”.

Đó là tóm tắt những vấn đề chính của tờ trình tối mật của Revers.

Diễn tiến việc tiết lộ

Một tháng sau ngày Revers gửi tờ tường trình lên chính phủ Pháp, ngày 27-8-49, bộ Tư lệnh Pháp
ở Đông Dương bắt đuợc luồng sóng điện ra-đi-ô VNA2 phát thanh từ vùng Rangoon, Miến Điện và do đài
Phát thanh Tiếng nói VN của Việt minh truyền đi nguyên văn tờ trình đó. Bộ Tư lệnh Đông Dương khẩn báo
cho Coste Floret và chính phủ Pháp.

Ngày 17-9-49, trên một xe buýt tại nhà ga xe lửa Lyon ở Paris, một quân nhân Pháp và hai người
Việt nam đánh lộn. Cảnh sát dẫn cả ba người về bót để điều tra.
Trong cái cập xách tay của một người Việt nam tên là Đ. Đ. khai là sinh viên Việt nam tại Pháp,
cảnh sát khám thấy bản sao nguyên văn tờ trình tối mật của Revers. Cảnh sát báo động các cơ quan an ninh
và phản gián. Trong cuộc thẩm vấn, Đ. Đ. khai những tài liệu nhận được do hoạ sĩ M. đưa cho. M. khai do V.
một người thuộc hoàng tộc đưa cho. V. khai do Trần Ngọc Danh đại diện Việt minh ở Pháp đưa cho.

Ngày 20-9-49, ban phản gián tới khám xét trụ sở đại diện Việt minh tại Pháp tìm thấy 3 bản tường
trình Revers đánh máy và 38 bản in rô-nê-ô tờ tường trình tối mật Revers, cuốn sổ chi tiêu, cuốn sổ ghi các
địa chỉ và cuốn chi phiếu ngân hàng. Cuốn sổ chi tiêu ghi những số tiền lớn đã đưa cho nhiều người Pháp
trong giới chính trị và kinh doanh. Hoàng Văn Cơ người trách nhiệm cơ quan đại diện Việt minh tại Pháp
khai một người Pháp tên là P. đã trao cho y bản tường trình tối mật Revers ngày 19-7-49 tại nhà tướng Mast
sau bữa cơm do tướng Mast thết đãi. Hoàng văn Cơ gửi về Việt nam một bản tường trình đánh máy và sắp
sửa gửi các bản in rô-nê-ô cho các cơ quan Việt minh.

Trong cuộc thẩm vấn, P. xác nhận có trao cho Hoàng văn Cơ bản tường trình mật Revers tại nhà
tướng Mast và có nhận tiền của Cơ trao cho ba lần tổng cộng 2 triệu rưởi quan Pháp. Số tiền này, P. đưa cho
tướng Mast một triệu để vận động làm Cao uỷ Pháp tại Đông Dương, trao cho tướng Revers cũng một triệu
quan Pháp để chi phí tiếp tân với mục đích trên, và 500 ngàn quan Pháp cho L.T. để thù lao trong những
cuộc vận động cùng trong một mục đích.

Khám nhà P. Thấy một hồ sơ liên hệ tới tướng Mast gồm thư từ, điện tín Mast gửi cho P, một hồ
sơ đề tên Hồ sơ Revers gồm thư từ Revers viết cho P, chứng cớ sự giao thiệp thân mật giữa P. và hai vị tướng
đó.

Tuy cuộc điều tra của ban phản gián với những chứng cớ rõ rệt như vậy, nhưng chỉ hai ngày sau
khi bị giữ để thẩm vấn, Cơ và P. đều được trả tự do, trao trả các tài liệu tịch thu cho các đương sự, không một
ai bị truy tố ra toà án.

Vài ngày sau Tổng trưởng Ramadier ra thông cáo không coi những giấy tờ tiết lộ là bí mật quốc
phòng, toà án không thụ lý vì vô cớ, các bị can được chính thức trả tự do.

Câu chuyện tiết lộ đó xẹp lại cho đến tháng giêng năm 1950 thì lại bùng trở lại do tờ báo Mỹ,
Times, khơi ra ngày 16-12-49 trong một bài đả kích Revers một cách tàn nhẫn. Quốc hội Pháp cử một Uỷ
ban điều tra. Ngày 23-11-50, Quốc hội họp phiên khoáng đại. Uỷ ban điều tra xác nhận rằng những tài liệu
tiết lộ đó (Tường trình mật Revers) là những tài liệu tối mật và quan trọng cho quốc phòng, tuy nhiên tổng
trưởng Ramadier đã hành động đúng vì lợi ích và bí mật quốc gia, nhưng có những sự sai lầm về thể thức
hành chính.

Những số tiền P. đưa cho Mast không có chứng cớ, hai tướng Mast và Revers không bị liên can
nhưng cũng bị chính phủ cho về hưu non sau khi ra khai trình tại Hội đồng tối cao quân lực.

Trở lại vấn đề quân sự ở Đông Dương.

Sau khi tướng Revers điều tra tình hình trở về Pháp thì ngày 30-6-49, tướng Blaizot Chỉ huy
trưởng đoàn quân viễn chinh ra lệnh tổ chức chặt chẽ phòng vệ biên giới Hoa việt nhất là vùng Móng Cáy và
Thất Khê,và sửa soạn cho quân lính triệt thoái khỏi Cao Bằng và Đông Khê, cuộc triệt thoái dự định khởi sự
ngày 19-9 và phải chấm dứt trước ngày 10-10-49.
Cuộc triệt thoái chưa khời sự thì ngày 10-9-49 tướng Blaizot bị triệu hồi về Pháp, tướng
Carpentier sang thay thế trong chức vụ Chỉ huy trưởng đoàn quân viễn chinh.

Carpentier không áp dụng chiến lược của Blaizot và của Revers.

Carpentier và Alessandri (Alessandri là tướng phụ trách quân sự Bắc kỳ) đều đồng ý giữ quân ở
Cao Bằng, Đông Khê, không rút lui, và tiếp tục công cuộc bình định những phần lãnh thổ khác do Pháp kiểm
soát.

Thời gian này,Việt minh đang chuẩn bị các đơn vị lớn cỡ sư đoàn nên Việt minh án binh bất động,
tình hình quân sự khắp nơi được yên tịnh. Quân số Pháp được tăng lên tới 190.000 người, kể cả phụ lực.
Cộng với quân đội mới thành lập của các quốc gia liên kết Việt, Miên, Lào khoảng 125.000 người thì tổng số
quân ở Đông Dương vào đầu năm 1950 lên tới 315.000 người.

Về khí giới thì Mỹ viện trợ 48 máy bay khu trục, 8 máy bay vận tải, các tàu nhỏ đổ bộ, quân trang
và võ khí cá nhân đủ trang bị 12 tiểu đoàn Việt nam.

Đường thuộc địa số 4 (RC4) bỏ ngỏ

Tình hình yên tĩnh cho đến ngày 17-9-50, đồn Đông Khê bị mất. Pháp thiệt hại 350 lính Lê dương
giữ đồn và mất nhiều khí giới. Đoàn quân Pháp do đại tá Charton chỉ huy rút lui khỏi Cao Bằng bị huỷ diệt.
Lạng Sơn bỏ chạy không kịp mang theo đạn dược khí giới, tinh thần quân đội Pháp khắp nơi suy sụp đến nỗi
có những toan tính bỏ cả Hà nội.

Đường thuộc địa số 4 (RC4) từ Lạng Sơn lên Cao Bằng được Pháp chiếm đóng trong cuộc hành
quân LÉA hồi tháng 10-1947 để giữ vùng biên giới Hoa Việt. Từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, đường dài 116 cây
số xuyên qua rừng rậm núi cao, Pháp đặt những đồn lớn ở các thị trấn như Lạng sơn, Đồng Đăng, Na Chàm,
Thất Khê, Na ra, Đông Khê, và Cao Bằng, và những đồn nhỏ rải rác chung quanh.

- Cao Bằng có 3 tiểu đoàn vừa Lê dương vừa Marocco và nhiều lính phụ lực bản xứ do đại tá
Charton phụ trách, trực thuộc bộ chỉ huy vùng đặt tại Lạng Sơn do đại tá Constans chỉ huy.

- Lạng Sơn có 5 tiểu đoàn lính Pháp, thiết giáp, trọng pháo và nhiều lính phụ lực bản xứ.

- Đông Khê ở cách Cao Bằng 30 cây số phía đông nam, có hai đại đội Lê dương canh giữ dưới
quyền của hai đại uý Vollaire và Allioux

- Thất Khê ở cách Đông Khê khoảng 20 cây số có một đại đội trấn giữ.

- Na Chàm có một đại đội do Đại uý Mattéi và trung uý Aluzot chỉ huy.

Sáng sớm ngày 16-9-50, đồn Đông Khê liên tiếp bị pháo kích bằng trọng pháo. Đại uý Vollaire
điện về Cao bằng yêu cầu không quân yểm trợ. Charton chuyển lời yêu cầu về Lạng Sơn cho Đại tá Constans
nhưng thời tiết xấu quá phi cơ không cất cánh được. Charton muốn gửi quân tiếp viện xuống Đông Khê giải
vây nhưng Constans không đồng ý, Đông Khê bị bỏ mặc không được tiếp cứu. Sáng sớm ngày 17-9-50,
Charton cũng gửi một đại đội Lê dương từ Cao Bằng xuống Đông Khê để thăm dò, đại đội này đi được
khoảng 15 cây số thì Charton nhận được báo cáo cuối cùng của Đông Khê cho biết khoảng 1.500 quân Việt
minh đang tấn công vào đồn và quân phòng thủ đã tử trận gần hết, đồn sắp bị mất vào tay quân địch. Ít phút
sau radio Đông Khê im bặt, Đông Khê đã bị tràn ngập, 350 lính Lê dương tử trận, đạn dược khí giới bị mất
nhiều vô số kể, chỉ có 9 người thoát chết băng rừng lội suối 9 ngày sau mới tới được Thất Khê (cách 20 cây
số) quần áo tả tơi, đói khát, kiệt lực.

Bộ chỉ huy Bắc kỳ và tướng Alessandri lo ngại. Một đạo quân gồm ba tiểu đoàn lính ta-bo và lính
Marocco do trung tá Lepage chỉ huy được gửi lên Thất Khê, một tiểu đoàn nhảy dù do đại uý Jean Pierre và
trung uý Faulque được thả xuống Thất Khê để tiếp viện và chặn giữ Việt minh khỏi tràn xuống Lạng sơn.

Carpentier và Alessandri bàn tính rút quân khỏi Cao bằng. Một kế hoạch rút quân được nghiên
cứu:

- Charton theo ngả đường thuộc địa số 4 rút từ Cao bằng về Đông Khê,

- Lepage từ Thất khê lên tái chiếm Đông khê rồi cả hai cùng rút về Lạng Sơn,

- Đồng Đăng, Na Chàm cũng rút về Lạng sơn

- Đường thuộc địa số 4 (RC4) bỏ ngỏ.

Kế hoạch được giũ bí mật tuyệt đối.

Lệnh triệt thoái chỉ ban bố mấy giờ đồng hồ trước khi thi hành để khỏi tiết lộ, sợ Việt minh đánh
chặn cuộc rút quân. Để tránh sự nghi ngờ của Việt minh, sau khi Đông Khê thất thủ, Carpentier và Alessandri
liên tiếp đáp máy bay xuống Cao Bằng để làm yên lòng dân chúng và binh sĩ. Ngay cả Charton chỉ huy Cao
Bằng cũng không được biết kế hoạch rút lui.

Ngày 30-9-50, Lepage được lệnh từ Thất Khê lên tái chiếm Đông Khê và phải hoàn tất nhiệm vụ
trước 12 giờ trưa ngày 2-10-50. Cánh quân Lepage gồm tiểu đoàn pháo thủ 8 Marocco do thiếu tá Arnaud chỉ
huy, tiểu đoàn 11 lính Ta-bo do thiếu tá Delcros chỉ huy, tiểu đoàn 1 lính Ta-bo do đại uý Feaugas chỉ huy, và
tiểu đoàn dù số 1 BEP do đại uý Jean Pierre chỉ huy.

Sáng sớm ngày 2-10-50, Lepage chuyển quân.

Tiểu đoàn dù đi tiền phong, đến đồn Na-pa hiện bỏ trống, cách Đông Khê khoảng 6 cây số thì
chạm địch. Cả chục tiểu đoàn Việt minh đợi quân dù xuống lòng chảo mới ở trên các ngọn đồi và từ đồn Na-
pa nổ súng xuống. Trọng pháo, liên thanh, moọc-chi-ê nổ liên hồi vào đầu quân nhảy dù. Ngay những phút
đầu, tiểu đoàn dù đã thiệt hại một phần ba nhân mạng. Lepage vội vàng ra lệnh ngưng tiến, ra lệnh cho quân
dù còn lại cố cầm chân quân Việt minh để Lepage tìm đường khác xuyên qua rừng.

Ngay lúc đó thì Lepage nhận được lệnh viết từ máy bay thả xuống hủy bỏ lệnh tái chiếm Đông
Khê. Lepage phải đi tiếp viện đoàn quân của Charton từ Cao bằng xuống. Lepage dẫn quân vào rừng, tránh
đường số 4 và tránh xa Đông Khê, để tiến lên phía Cao Bằng. Quân Lepage xuyên rừng xuyên núi tiến về
phia tây bắc, bị quân Việt minh đuổi theo sát hại, ba ngày sau Lepage tới lòng chảo Cốc Xá, cách 5 cây số về
phía tây nam Đông khê, mới liên lạc được với toán quân Charton ở Cao Bằng xuống và hẹn gặp nhau ở Cốc
Xá.

Trong lúc đó tiểu đoàn dù bị sát hại nặng nề, còn khoảng 300 người đói rách, lẩn trốn quânViệt
minh,và cũng được lệnh tới Cốc Xá để họp với Lepage.

Charton rời Cao Bằng đêm 2-10-50. Trưa hôm đó, ra lệnh phá huỷ hết các kho trại, các khí giới
nặng không mang theo được và những điểm chiến lược quan trọng trong thành phố Cao bằng được ban bố.

Dân chúng khoảng 15 ngàn người được thông báo là ai muốn rút lui theo đo àn quân Pháp thì cho
theo. Nửa đêm 2-10-50 tất cả đoàn quân trú phòng khoảng 15 ngàn binh sĩ cộng vói 15 ngàn dân chúng, một
phần do xe cam-nhông chở, một phần đi bộ, bắt đầu di tản. Đoàn công-voa dài 3 cây số, di chuyển chậm
chạp, hai ngày sau, ngày 4-10 mới đi được khoảng 17 cây số.

Lúc bấy giờ Charton được tin đoàn quân Lepage ở phía dướí lên đang bị đánh và phải bỏ đường
số 4, xuyên rừng để lên gặp Charton.

Charton ra lệnh hủy bỏ các thứ nặng cồng kềnh, bỏ tất cả xe cam-nhông, trọng pháo, bỏ đạn dược,
quân nhu, lương thực v.v… chỉ mang theo hai ngày lương thực, băng rừng xuống mạn tây nam để gặp đoàn
quân Lepage. Tất cả đồ đạc của đám dân sự, phần lớn là người Tàu, người Thổ đen, cũng bị đốt hết để cho
nhẹ. Charton truyền lệnh ai đi chậm không theo kịp thì bị bỏ lại. Charton cho quân theo con đường mòn song
song với đường thuộc địa RC4, từ Nam Nang, cách Cao bằng 17 cây số, qua Na Luông, Quang Liệt, tránh
Đông Khê, đi về phia Thất Khê. Hai ngày sau, ngày 6-10 đoàn quân Charton tới Cốc Xá là điểm hẹn gặp với
quân của Le Page. Dọc đường, nhiều người dân bị bỏ lại, 15 ngàn binh sĩ thì còn nguyên vẹn, chưa chạm
súng với Việt minh lần nào.

Nửa đêm 6 rạng ngày 7-10, khi hai đoàn quân sửa soạn rời Cốc Xá để di chuyển về Thất Khê thì
hoả lực trọng pháo, hoả lực đại và trung liên của 30.000 lính Việt minh nổi lên, liên hồi, tứ phía, tiếp theo là
những trận giáp chiến đánh sáp-la-cà. Lính Pháp bị bất ngờ và lại bị ở vị trí bất lợi, bị sát hại và bị bắt gần
hết. Bảy ngàn quân của Charton và Lepage chỉ còn khoảng 600 người đói khát, mệt lả, trốn thoát về Thất
Khê hai ngày sau (trong số đó, tiểu đoàn dù BEP số 1, hơn 1.000 người chỉ còn sống sót được 23 người).
Charton và Lepage bị bắt. Các sĩ quan khác bị bắt và tử trận hết chỉ thoát được có một mình đại
uý dù Jean Pierre (chỉ huy tiểu đoàn dù BEP số 1) chạy về được Thất Khê.

Bốn ngày sau, ngày 11-10, đến lượt Thất Khê rút lui bỏ nguyên vẹn đồn bót, súng ống đạn dược
cho quân địch. Tiểu đoàn 3 com-măng-đô đi chặn hậu để bảo vệ cuộc rút lui bị sát hại và bị bắt hết chỉ còn 5
người thoát được về Lạng Sơn.

Ngày 15-10, Na Chàm thất thủ sau một tuần chiến đấu. Đồng Đăng rút lui bỏ chạy.

Con đường thuộc địa số 4 từ Cao Bằng đến Lạng Sơn bị Việt minh chiếm trọn vẹn và quân trú
phòng Pháp đóng ờ Lạng Sơn cũng sửa soạn rút lui.

Tổng số thiệt hại Pháp trong gần hai tuần lễ tại đường thuộc địa số 4 (RC4) là 7.000 người lính
Pháp, lính lê-dương và lính Bắc phi, 1.000 lính pạc-ti-dăng, 2.000 súng đại liên, trung liên, 8.500 súng cá
nhân, 450 xe cam-nhông, 13 trọng pháo, 120 súng moọc-chi-ê, ba tiểu đội thiết giáp.

Tinh thần tướng sĩ Pháp suy sụp, không khí hoảng sợ lan tràn khắp nơi.

Đại tá Constans chỉ huy Lạng Sơn với 5 tiểu đoàn, đề nghị triệt thoái khỏi Lạng Sơn trước khi
Việt minh tới, để bảo vệ quân số và khí giới.

Hai tướng Alessandri và Carpentier chấp thuận.

Đêm 17 rạng ngày 18-10, Constans ra lệnh quân sĩ lên đường, hấp tấp chạy không kịp phá huỷ gì,
bỏ lại nguyên vẹn thành phố, doanh trại, kho quân nhu, đạn dược, thực phẩm, chỉ mang theo trọng pháo và
số xe cam-nhông chuyên chở.

Hai ngày sau, đoàn quân Constans về đến Chợ Chu, địa đầu của đồng bằng, rồi di chuyển về phía
Lục Nam, Phả Lại.

Sau đó, đoàn quân của đại tá Coste đóng ở Lao Kay cũng rút về phía Lai Châu vào đầu tháng 11-
1950.

***

Tin triệt thoái Cao bằng và đường thuộc địa số 4 (RC4) làm chính phủ và Quốc hội Pháp lo ngại
sợ hãi. Ngày 15-10-50, thủ tướng Pléven cử một phái đoàn gồm Bộ trưởng Liên kết Letourneau, tướng Juin
và tướng Valluy sang Đông Dương để điều tra.

Quốc hội họp phiên đặc biệt ngày 19-10-50.

Ngày 17-10-50, Bộ trưởng Letourneau và hai tướng Juin, Valluy tới Saigon. Phái đoàn được các
nhà chức trách quân sự tức tốc trình bầy tình hình đặc biệt ở Bắc Việt.

Letourneau huỷ bỏ lệnh triệt thoái khỏi Lạng Sơn, nhưng lệnh (của tướng Carpentier) tới Lạng
Sơn quá chậm, cuộc triệt thoái đã khởi sự từ tối hôm trước.

Phái đoàn Letourneau tới Hà nội giữa không khí chủ bại và hoảng sợ bao trùm khắp nơi. Những
tin đồn, do Việt minh phao lên, là Hồ Chí Minh hứa sẽ mang quân vào Hà nội ăn Tết (Tân mão 1951), làm
các công chức Pháp lo sợ, phải tản cư gia đình của họ vào Sài gòn. Các thương gia và các kỹ nghệ gia dạm
bán cửa hàng và các xưởng công nghệ. Hà nội tổ chức đề phòng trường hợp bị vây hãm. Đề nghị triệt thoái
Hà nội cũng được đệ trình phái đoàn.

Trước tình hình đó, để trấn an tinh thần binh sĩ và kiều dân Pháp, phái đoàn ra lệnh triệt để bảo vệ
miền đồng bằng Bắc việt, tổ chức các Đoàn quân lưu động để tiếp ứng những nơi bị vây hãm và cải tổ lại bộ
chỉ huy quân sự.

Tướng Marchand chỉ huy Hà nội và đại tá Constans chỉ huy Lạng sơn bị lột chức, tướng
Alessandri chỉ huy Bắc kỳ xin thuyên chuyển về Pháp, tướng Boyer de la Tour được cử thay thế tạm
Alessandri. Tướng Carpentier nhờ được sự che chở của tướng Juin nên không bị trừng phạt nhưng cũng bị
mất chức.

Phái đoàn Letourneau trở về Pháp tường trình với thủ tướng Pléven, đề nghị thay thế tướng
Carpentier và Cao uỷ Pignon. Đồng thời Quốc hội Pháp khuyến cáo chính phủ giao trách nhiệm cả quân sự
lẫn dân sự ở Đông Dương vào tay một vị chỉ huy duy nhất.

Chính phủ vội tìm người có đủ uy tín và khả năng để giao phó Đông Dương vào tay người đó.
Tướng Juin, tướng Koenig được mời nhưng đều từ chối, tướng De Lattre de Tassigny nhận lời.

De Lattre de Tassigny, 61 tuổi, đại tướng 5 sao, là một đại danh tướng của Pháp, từng chỉ huy Đệ
nhất quân đoàn, từng chiến thắng Đức trong đệ nhị thế chiến trên mặt trận Rhin và Danube. De Lattre tính
tình hách dịch, thích lễ nghi quân cách, hay trừng phạt gắt gao các sĩ quan cấp dưới về những lỗi nhỏ mọn,
hay giận dỗi, không vừa lòng việc gì thì để lộ ra mặt, thường hay khoe những chiến thắng cũ của mình.

Ngày 17-12-50, bộ trưởng Letourneau và De Lattre cùng đáp phi cơ tới Sài gòn với các cộng sự
viên mà De Lattre đã chọn như tướng Salan, tướng Cogny, đại tá Beaufre, cựu thống sứ Gautier, cựu quan cai
trị Aurillac v.v…

Sau lễ bàn giao do Letourneau chủ toạ, ngày hôm sau De Lattre nhận được báo cáo của tướng
Boyer de Latour ở Bắc kỳ báo cáo triệt thoái khỏi đồn Đình Lập, là một đồn quan trọng cách Lạng Sơn 40
cây số về phía đông nam, nằm giữa đường Lạng Sơn - Tiên Yên, ở ngã ba đường từ Phả Lại, Lục Nam, An
Châu lên, tức là một đồn chống giữ cửa ngõ đồng bằng Bắc việt.

De Lattre vội vã bay ra Hà Nội và ở luôn tại đó để trấn tĩnh nhân tâm và cải tổ lại qu ân đội, thay
đổi một loạt các sĩ quan cao cấp, tạo lập các Toán quân lưu động, mang quân từ miền Nam ra tiếp viện. De
Lattre chặn đứng việc triệt thoái khỏi Tiên Yên, Móng Cáy mà Boyer de Latour, thi hành chương trình của
tướng Carpentier để lại, định bỏ ngỏ cửa ngõ vào Hải Phòng cho Việt minh từ phía Lạng Sơn xuống.

Việt minh thất bại trận đánh Vĩnh Yên ngày 15-1-51

Ngày 15-1-51, Việt minh khởi sự chiến dịch Trần Hưng Đạo, tức là chiến dịch Thu đông 51,với
mục đích thực hiện lời hứa về Hà nội ăn Tết của Hồ Chí Minh. Mục tiêu của Việt minh là chiếm Vĩnh Yên
trước rồi chiếm Hà nội sau.

Việt minh tung 2 sư đoàn 308 và 304, khoảng 30 ngàn người, tiến vào Vĩnh Yên, chiếm đồn Bảo
Chúc về phía bắc Vĩnh Yên.

Salan bấy giờ giữ chức chỉ huy Bắc kỳ thay thế Boyer de Latour mà De Lattre cho về Pháp nghỉ.
Salan liền gửi các Toán quân lưu động do trung tá Vanuxem và đại tá Edon đến Vĩnh Yên để tiếp cứu, đồng
thời cho quân nhảy dù và quân thiết giáp tiếp viện. Không quân được lệnh dùng bom na-pam (napalm), lần
đầu tiên bom na-pam được sử dụng ờ Đông Dương.

Chiến sự tiếp diễn tại những ngọn đồi phía bắc Vĩnh Yên trong ba ngày liên tiếp. Việt minh thấy
không thắng lợi liền rút về mạn Tam Đảo, để lại 1.200 xác chết, 450 tù binh và vô số khí giới.

Pháp đã tung vào trận địa 12.000 người, bắn 50 ngàn phát súng ca-nông 105 ly, 200 ngàn phát
súng ca-nông 75, không quân xuất trận 250 lần ném bom na-pam. Pháp thiệt hại khoảng 600 người vừa chết,
vừa bị thương, vừa mất tích.()

Việt minh đã tưởng tinh thần quân đội Pháp suy sụp sẽ hoảng sợ bỏ chạy trước sự tiến quân của
họ như trận Đông Khê trên đường thuộc địa số 4 (RC4) nhưng không ngờ De Lattre sang đã làm thay đổi cục
diện, nếu vẫn còn tướng Carpentier và Cao ủy Pignon điều khiển thì chiến dịch Thu đông 51 có thể mang lại
thắng lợi cho Việt minh và Pháp có thể bỏ Hà nội để Việt minh vào ăn Tết như Hồ Chí Minh tuyên bố.

Tuy chặn được Việt minh trong trận Vĩnh Yên nhưng De Lattre rất lo ngại: khí giới, quân số, đồn
phòng thủ, tất cả đều thiếu thốn. De Lattre đặt kế hoạch, một mặt yêu cầu Mỹ viện trợ khí giới, một mặt xây
cất các đồn bê-tông thành vòng đai phòng thủ Hà nội và Hải Phòng. Về quân số thì quân tiếp viện Pháp
không đủ, mặc dầu De Lattre vừa được chính phủ Pháp “cho vay” 20.000 quân để lấp vào chỗ hổng thiếu
hụt, cần phải tiến hành gấp việc đào tạo quân đội Việt Nam để bổ xung quân số.

Salan được cử thay thế De Lattre phụ trách việc hành quân để De Lattre đi Pháp và đi Mỹ cầu
viện. Tướng De Linarès được cử giữ chức chỉ huy Bắc kỳ thay thế Salan.

Tình hình yên tĩnh trở lại khắp nơi, công cuộc xây cất các đồn bê-tông tiến hành gấp.

Tới hạ tuần tháng ba 1951 thì tin tức tình báo cho biết sư đoàn 308 Việt minh thấy xuất hiện tiến
về phía Đông Triều, Hòn Gay

Trận Mạo Khê 30-3-51

Ngày 24-3-51, Uông Bí cách Hải Phòng 20 cây số về phía tây bắc, bị tấn công. Đập nước cung
cấp nước ăn cho Hải Phòng bị phá huỷ, đường xe lửa Hà nội - Hải Phòng bị cắt nhiều nơi. Đêm 30-3 đồn
Mạo Khê bị tấn công. Đồn Mạo Khê bảo vệ mỏ than Đông Triều do một tiểu đoàn người Thổ trấn giữ, dưới
quyền chỉ huy của đại uý Vi văn Toàn

Suốt từ 3 giờ sáng đến trưa ngày hôm sau,Việt minh tấn công nhiều đợt nhưng nhờ không quân và
pháo binh can thiệp mạnh mẽ nên đồn vẫn giữ vững và đến 4 giờ chiều khi quân nhảy dù của đại tá Sizaire
tới cứu viện, Việt minh rút lui bỏ lại hơn 1.000 xác chết, 400 tù binh bị bắt giữ và bỏ lại rất nhiều khí giới cá
nhân. Pháp thiệt 600 người vừa chết vừa bị thương. Đại uý Toàn bị thương (Đại uý là người hồi tháng 11-45
làm thông ngôn cho Salan lúc Salan sang Tàu). De Lattre đích thân đến bệnh viện trao tặng huy chương Bắc
đẩu bội tinh.

Sau trận Mạo khê, De Lattre lợi dụng chiến thắng để thuyết phục Bảo Đại xúc tiến gấp việc thành
lập quân đội Việt nam. Ngày 19-4-51, De Lattre mời thủ tướng Trần Văn Hữu và các bộ trưởng trong chính
phủ Việt nam lên Vĩnh Yên để thị sát chiến trường.

Tại đây De Lattre đọc một bài diễn văn chính trị quan trọng, xác nhận ý chí giúp Việt nam hoàn
tất nền độc lập, ca ngợi Bảo Đại và chính phủ Trần Văn Hữu.
Bài diễn văn chính trị 19-4-51 của De Lattre và việc thành lập quân đội quốc gia Việt nam

Kính thưa Thủ tướng,

Thưa quý vị bộ trưởng,

(…) Trận Vĩnh yên là trận đánh đầu tiên của Việt minh ở đồng bằng. Say sưa với những chiến
thắng ở thượng du, quânViệt minh tràn xuống đồng bằng hy vọng với chiến thuật biển người làm tan vỡ hàng
rào phòng thủ mỏng manh của chúng ta, đè bẹp Đoàn quân lưu động mới thành lập của chúng ta, để tiến vào
Hà nội trước ngày Tết.

Thật là một trận đánh quyết liệt và gay go mà chúng ta phải đương đầu trong lúc đang tái tạo và
thiếu thốn quân số. Chúng ta đã chiến thắng vì chúng ta không có quyền thua, vì đó là tương lai của Việt
nam, còn hay mất (…)

Thưa Thủ tướng,

(…) Chiến thắng vừa qua đã mang lại đầy hy vọng cho Việt nam. Chiến thắng đó đã làm sáng tỏ
giá trị và hiệu quả của những binh sĩ quý quốc. Chiến tranh tàn ác này đã làm nổi bật lên những khả năng
quân sự đã bao lần tô điểm lịch sử quý quốc trong bao thế kỷ chiến đấu dành tự do độc lập.

(…) Những chiến sĩ quốc gia Việt nam nổi bật trong những trận Vĩnh Yên, Mạo Kkê, Bến Tam đã
làm tăng thêm lòng tin tưởng của tôi vào sự hùng cường của Việt nam trong tương lai, bởi vì những thanh
niên Việt nam ngày nay đặt dưới sự chỉ huy của người Pháp sẽ là những thanh niên phục vụ trong quân đội
Việt nam mai này. Những thanh niên đó đã chứng tỏ cho thế giới biết là quân cộng sản cuồng nhiệt không thể
giữ độc quyền can đảm và độc quyền thắng lợi. Sự mong muốn tha thiết của chúng ta là thấy những thanh
niên Việt nam càng ngày càng đông, từ khắp các làng mạc thành thị, tới gia nhập vào quân đội quốc gia đang
thành lập, đặt nặng giá trị của họ vào cán cân đấu tranh cho Tổ quốc.

(…) Nếu nước Pháp chấp nhận một sự cố gắng như vậy (- giúp thành lập quân đội Việt Nam-)
không phải chỉ vì những năm chúng ta đã cùng chung sống, - tôi cảm động nghĩ đến những người t ình
nguyện đã từ quý quốc, hai lần đến đất nước chúng tôi tử trận cạnh những người lính Pháp, - mà cũng vì sự
chắc chắn rằng chính phủ quý quốc dưới uy quyền lãnh đạo của Hoàng đế Bảo Đại đại diện cho một dân tộc
lành mạnh, quyết tâm từ chối sự nô lệ, và chính phủ đó đã cố gắng khắp nơi để làm vững chắc một lý tưởng
khả dĩ đoàn kết cả một dân tộc.

Thưa Thủ tướng

Người ta nói với tôi rằng một số người Việt nam cho rằng những lô-cốt đang xây cất là biểu hiệu
một sự chiếm đóng lâu dài của quân đội Pháp ở Việt nam.

Thưa Thủ tướng, không phải thế!

Tôi tới đây để kiện toàn nền độc lập của quý quốc chứ không phải để hạn chế. Quân đội Pháp tới
đây chỉ để chống giữ nền độc lập đó. Những đồn bót, lô-cốt phòng thủ xây dựng ngày nay sẽ được trao cho
quân đội Việt nam khi hùng mạnh. Những thắng lợi của quân đội chúng tôi ngày nay bảo đảm lãnh thổ của
quý vị đồng thời tạo lập quân đội quốc gia để ngày sau giữ vững mãi nền độc lập đó.
Chúng ta đừng mắc lừa kẻ địch đang tìm cách chia rẽ những sự cố gắng của chúng ta và đang
tuyên truyền là những quân nhân Pháp tới giúp đỡ quý vị chống khỏi sự nô lệ lại là những cản trở cho tự do
của quý vị.

(…) Bên kia làn ranh, chỉ cách nơi đây vài cây số, có những người dân đang đau khổ. Phần đông
họ bị kìm giữ dưới sự khủng bố, trái với ý muốn của họ. Cũng có một số người tin vào những sự tuyên
truyền dối trá và chọn một con đường không được tốt đẹp để thực hiện những nguyện vọng sâu xa của dân
tộc Việt nam.

(…) Những nguyện vọng đó, quý chính phủ dưới quyền lãnh đạo sáng suốt của Hoàng đế Bảo đại,
đã đề nghị một con đường khác để đạt tới. Quốc gia Việt nam đã tự do độc lập và có chủ quyền đầy đủ.
Trong khối những quốc gia dân chủ, quốc gia Việt nam có những liên kết thân hữu quý báu để trở thành một
quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc mai này một khi hoà bình trở lại.

Người Việt nam không thể không hiểu những điều đó và không thể không đoàn kết chung quanh
Hoàng đế và quý chính phủ để chiến đấu thực sự chống lại sự áp chế của nền độc tài.

***

Sau bài diễn văn Vĩnh Yên, Bảo Đại và chính phủ Hữu đồng ý với De Lattre xúc tiến việc thành
lập quân đội Việt nam. Lệnh động viên các sĩ quan trừ bị được ban bố, đại tá Nguyễn Văn Hinh được cử làm
thiếu tướng Tư lệnh Quân lực Việt nam. Trường sĩ quan Nam Định dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá
Cousteau và trường sĩ quan Đà Lạt dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Lefort, được mở để đào tạo các sĩ quan
Việt nam.

Tiểu đoàn Việt nam đầu tiên được thành lập với những sĩ quan và hạ sĩ quan chuyển từ Trung
đoàn 1 Khinh binh Pháp, trong đó có trung uý Bernard de Lattre chỉ huy một đại đội, Bernard là con trai
tướng De Lattre.

De Lattre mở những cuộc hành quân lớn, Méduse và Reptile, vào khu vực phía nam đường số 5,
vùng Kiến An, Ninh Giang, Kẻ Sặt, quân Việt minh bị thiệt hại nhiều.

Mặt trận Sông Đáy 29-5-51. Bernard de Lattre tử trận

Ngày 29-5-51, mặt trận Sông Đáy bùng nổ. Các đơn vị của 3 sư đoàn Việt minh 304, 308 và 320
dưới sự chỉ huy của Vương thừa Vũ, có những xạ thủ trọng pháo gốc người Đông Đức và Tiệp Khắc sang trợ
giúp Việt minh, bất ngờ tấn công vào Phủ Lý và Ninh Bình làm Pháp lúng túng.
Mặt trận Sông Đáy 29-5-51

Việt minh chuyển quân bí mật đến nỗi cơ quan tình báo Pháp ở Hà nội và đại tá Gambiez chỉ huy
khu vực đó đều không hay biết gì để đề phòng. Đây là trận lớn thứ ba của Việt minh đánh vào đồng bằng.
Mặt trận dài khoảng 100 cây số, trọng tâm là Ninh Bình.

Cuộc tấn công của Việt minh khởi sự đêm 28 rạng ngày 29-5-51. Sư đoàn 304 và sư đoàn 308 từ
phía tây tới, vượt qua sông Đáy, tấn công Phủ Lý và Ninh Bình. Trong lúc đó, 5.000 quân du kích địa
phương phục kích đoàn quân tiếp viện của Pháp trên đường thuộc địa số 10 từ Hà nội xuống. Sư đoàn Việt
minh 320 từ Thanh Hoá lên đánh mạn Ninh Bình rồi tạt sang đánh địa phận Phát Diệm. Trung đoàn 64 và 42
quấy rối mạn Nam Định và Thái Bình để cầm chân quân Pháp không sang mạn sông Đáy tiếp viện được.

Tới sáng ngày 30-5-51 thì vài đồn nhỏ của Pháp bị tràn ngập. Nhà thờ Ninh Bình bị Việt minh
chiếm sau khi một đoàn biệt kích Pháp 90 người chống giữ nơi đó bị tiêu diệt gần hết.

Tối 30 rạng ngày 1-6-51 Việt minh tấn công hai ngọn núi trong thị trấn Ninh bình. Trung uý
Bernard de Lattre con trai của tướng De Lattre, chỉ huy một đoàn khinh binh người Việt nam trấn giữ ngọn
núi phiá tây Ninh Bình, bị trúng đạn moọc-chi-ê tử trận. Chiến sự tiếp diễn trong 2 ngày đến khi quân tiếp
viện của De Linarès kéo đến phản công lại, Việt minh mới qua sông Đáy rút về phía núi.

Tướng De Lattre đau đớn đưa xác con về Pháp chôn cất tại một làng vùng Vendée.

Diễn văn của De Lattre tại trường Chasseloup Laubat, Saigon, kêu gọi thanh niênVN nhập
ngũ chống cộng

Tháng 7-1951, nhân ngày phát phần thưởng tất niên cho học sinh trường trung học Chasseloup
Laubat ở Sài gòn, De Lattre đọc một bài diển văn chính trị kêu gọi thanh niên Việt nam nhập ngũ chống
cộng.

De Lattre nói:

(…) Nếu các em là cộng sản, các em hãy đi theo hàng ngũ Việt minh, ở đó có những người đang
chiến đấu cho một nguyên nhân xấu. Nhưng nếu các em là những người quốc gia yêu nước, các em hãy
chiến đấu cho tổ quốc của các em, vì chiến tranh này là chiến tranh của các em. Các em hãy xây dựng quân
đội quốc gia để thay thế dần quân đội Pháp trong những nhiệm vụ chính mà họ đang đảm nhiệm ngày nay
(…)

Hỡi các thanh niên ưu tú của Việt nam mà tôi thương mến như các thanh niên của đất nước tôi, đã
đến lúc các em phải chống giữ tổ quốc của các em. Tôi tin tưởng rằng các em sẽ giữ vững được nước Việt
nam”.

****

Sau khi dự lễ ngày 14-7-51 tổ chức trọng thể tại Hà nội với sự hiện diện của Bảo Đại từ Đà Lạt ra
gắn huân chương đệ nhất đẳng cho De Lattre, De Lattre về Pháp chữa bệnh và sang Hoa Kỳ cầu viện khí
giới.

Ngày 14-9-51, De Lattre được tổng thống Truman, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và tướng
Collins Tổng Tham mưu quân lực Hoa Kỳ tiếp. De Lattre được Mỹ viện trợ cho rất nhiều chiến cụ và khí
giới: 9.000 súng tiểu liên, 500 đại liên, 5.000 xe chuyên chở đủ loại, 600 máy truyền tin và các xe chiến đấu,
máy bay, tàu hải quân, tàu sửa chữa v.v…

Tháng 10-1951, De Lattre trở lại Đông Dương.

Trong lúc De Lattre vắng mặt Việt nam thì nhiều biến chuyển đã xảy ra.

Tướng Chanson và Thủ hiến Thái lập Thành bị khủng bố “kamikaze” ám sát chết tại Sadec ngày
31-7-51

Ngày 31-7-51, tướng Chanson chỉ huy Nam kỳ và thủ hiến Nam kỳ Thái lập Thành bị ám sát chết
tại Sadec. Trong một buổi lễ ở Sadec, khi Chanson và Thái lập Thành vừa từ xe hơi b ước xuống để lên khán
đài thì có một người Việt nam mặc binh phục tiến lại gần, mở khoá giây thắt lưng, một tiếng nổ vang lên làm
người đó đứt đôi người, phía dưới tan nát, phía trên mình và đầu vẫn nguyên vẹn. Chanson bị các mảnh lựu
đạn ghim đầy đầu chết liền tại chỗ, Thái lập Thành cũng chết ngay. Môt đại tá Pháp tên là Verthanon bị trọng
thương.

Sau khi Chanson chết thì tướng Salan kiêm luôn chức vụ Uỷ viên chính phủ và Chỉ huy quân
Pháp tại Nam kỳ.

Trận Nghĩa Lộ ngày 2-10-51, Việt minh bị thất bại nặng

Tới hạ tuần tháng 9-1951, tin tình báo cho biết Việt minh đang chuyển quân về phía Nghĩa Lộ để
uy hiếp đồn đó. Nghĩa Lộ là một đồn cách đông bắc Sơn La khoảng 100 cây số v à cách Yên Báy khoảng 80
cây số về phía tây nam. Nghĩa Lộ nằm trong một thung lũng rộng lớn phì nhiêu có khoảng 40 ngàn dân, ngay
trên trục giao thông của Việt minh chuyển vận đồ tiếp tế từ bên Tàu viện trợ qua Cao Bằng, Tuyên Quang,
Yên Báy, Nghĩa Lộ, Sơn La, Điện Biên Phủ.

Việt minh mở chiến dịch Lý Thường Kiệt chủ đích nắm tất cả vùng tây bắc Bắc việt. Nghĩa Lộ là
trạm đầu và cũng là một vựa thóc.
Tới cuối tháng 9-51 thì tin chắc chắn cho biết là trung đoàn 141 và trung đoàn 209 thuộc sư đoàn
312 của Việt minh đã tiến tới Nam Muội cách Nghĩa Lộ khoảng 10 cây số về phía bắc. Trung đoàn 165 cũng
thuộc sư đoàn 312 đã tiến tới Ca Vinh cách Nghĩa Lộ 40 cây số về phía đông.

Nghĩa Lộ có một tiểu đoàn người Thái trấn giữ, khoảng chừng 1.000 binh sĩ, trong số đó có 150 sĩ
quan và hạ sĩ quan Pháp, cộng với 60 lính pạc-ti-dăng người Nùng. Ngày 2-10-51, khi Nghĩa Lộ bị uy hiếp
mạnh, một tiểu đoàn dù do đại uý Gauthier chỉ huy, được thả xuống Gia Hội cách Nghĩa Lộ 20 cây số về
phia bắc để tiếp viện.

Trận Nghĩa Lộ ngày 2-10-51

Nhiệm vụ tiểu đoàn này là phá rối trung đoàn 141 và 209 để cầm chân và làm giảm nhẹ áp lực của
Việt minh vào Nghĩa Lộ. Bốn giờ sáng ngày 3-10-51, trung đoàn 141 Việt minh khởi sự tấn công vào trung
tâm Nghĩa Lộ, đồn hạ, phía nam. Thiếu tá Girardin, trưởng đồn, tử trận, nhưng đồn vẫn giữ vững không bị
thất thủ sau nhiều đợt xung phong của Việt minh. Về phía bắc, tiểu đoàn dù của Gauthier bị đánh gắt phải rút
về giữ thế thủ ở đèo Gia Hội. Sáng ngày 4-10, một tiểu đoàn dù do đại uý Raffali chỉ huy được thả xuống
Gia Hội để phụ lực với Gauthier.

Suốt ngày 3 đến sáng ngày 4-10-51, Việt minh tấn công đồn Sơn Búc, cách Nghĩa Lộ khoảng 10
cây số phía đông nam, nhưng vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của đại uý Bes de Berc và lính Nùng, với sự
yểm trợ của không quân, nên 4 giờ sáng ngày 4-10 Việt minh rút lui.

Ngày 5-10-51,Việt minh lại tấn công vào Nghĩa Lộ, đồn nam. Sau 3 giờ tấn công vô hiệu, Việt
minh rút lui để lại nhiều xác chết. Sáng 6-10, một tiểu đoàn viện binh nữa được thả dù xuống Nghĩa Lộ và
sau khi tấn công Sơn Búc vô hiệu một lần nữa, tới ngày 8-10, Việt minh bỏ cuộc, rút lui hẳn khỏi Nghĩa Lộ.

Sự thiệt hại, theo con số của Pháp đưa ra, thì Việt minh thiệt hại khoảng 1.000 người chết, 2.500
người bị thương, phía Pháp khoảng 300 người chết, bị thương và mất tích, trong số có 11 sĩ quan.
***

23-10-1951, De Lattre trở lại Đông Dương sau 3 tháng vắng mặt. Tuy thắng lợi trong những trận
Vĩnh Yên, sông Đáy, Nghĩa Lộ, nhưng tại Pháp các nghị sĩ đã sầm sì chê trách De Lattre thụ động, không có
thế công mà chỉ chờ Việt minh tấn công rồi chống đỡ. Mặt khác cuộc bàn cãi sắp tới tại Quốc hội Pháp về dự
chi ngân sách chiến tranh Đông Dương làm chính phủ Pháp cần phải có một thắng lợi quân sự để hỗ trợ việc
chấp thuận nguyên vẹn, không xén bớt ngân sách do chính phủ đưa ra.

Những sự chi phí về chiến tranh Đông Dương càng ngày càng nặng và càng đào sâu túi tiền của
dân Pháp, hơn nữa, những chi phí đó còn vượt qua những chi phí kiến thiết mà nước Pháp đang cần.

Chi phí về chiến tranh Đông Dương Chi phí về kiến thiết xứ sở Pháp

1945 : 3 tỷ 2 phật lăng Pháp 1945 : 11,2 tỷ phật lăng Pháp

1946 : 27 tỷ 1946 : 37,5 tỷ

1947 : 53, 3 tỷ 1947 : 73,6 tỷ

1948 : 89,7 tỷ 1948 : 84,4 tỷ

1949 : 130, 4 tỷ 1949 : 114 tỷ

1950 : 201 tỷ 1950 : 117,5 tỷ

1951 : 308 tỷ 1951 : 137,9 tỷ

Do đó, De Lattre phải cần một hành động hiệu quả và một thắng lợi để có tiếng vang gây thiện
cảm ở Quốc hội Pháp.

Pháp tấn công Hoà Bình 9-11-51

De Lattre ra lệnh cho De Linarès và Salan tấn công vào Chợ Bến và Hoà Bình.

Sáng sớm ngày 9-11-51, dưới quyền chỉ huy của De Linarès, đoàn quân thiết giáp của đại tá De
Castries, toán quân biệt kích của đại tá Dodelier cùng với đoàn quân lưu động Mường của đại tá Vanuxem và
một tiểu đoàn dù nhẩy thẳng xuống trận địa, ba bốn mặt cùng tiến vào Chợ Bến.

Việt minh bị tấn công bất ngờ nên bị thiệt hại nhiều, bỏ chạy không giao chiến. Đến 5 giờ chiều
cùng ngày 9-11 thì Pháp kiểm soát được khắp vùng Chợ Bến, khoảng 100 cây số vuông
Bốn ngày sau, ngày 13-11-51, Salan đích thân điều khiển cuộc tiến chiếm Hoà Bình. Cũng nhảy
dù, cũng biệt kích và quân lưu động, như hôm tấn công vào Chợ Bến, Hoà Bình bị chiếm dễ dàng, không có
sự kháng cự của Việt Minh.

Đoàn xe thiết giáp và xe ủi đất do hai tiểu đoàn công binh điều khiển tiến theo đường số 6 từ Hà
Đông qua Xuân Mai tới Hoà Bình, dài khoảng 60 cây số, mở đường cho bộ binh.

Ngày 15-11-51, Salan tuyên bố Pháp kiểm soát được Hoà Bình, khoá cửa ngõ tiếp tế và giao
thông của Việt minh giữa đồng bằng và Việt Bắc.

Ba tuần lễ sau, Việt minh kéo các sư đoàn thiện chiến 304, 312 và 308 tới. Hai sư đoàn 304 và
312 có nhiệm vụ đánh các đoàn tiếp tế từ Hà nội lên trên đường thuộc địa số 6, hoặc bằng đường thủy trên
sông Hồng Hà. Sư đoàn 308 có nhiệm vụ đánh vào Hoà bình.

Đồn Tu Vũ bị Việt minh tấn công tối 10-12-51

Tối ngày 10-12, trung đoàn 88 Việt minh tấn công đồn Tu Vũ là một đồn phòng thủ vòng đai,
cách phía bắc Hoà Bình khoảng 10 cây số, do đại uý Levreur chỉ huy một tiểu đoàn Marocco trấn giữ.Bốn
khẩu trọng pháo 75 của Việt minh khởi sự lúc 21 giờ, bắn dữ dội vào đồn, tiếp theo là biển người tràn vào.

Những trận sáp la cà làm quân Pháp thiệt hại nhiều. Tới quá nửa đêm, khoảng 100 quân Marocco
cùng với hai chiến xa mở đường, bỏ đồn chạy ra ngoài, kêu trọng pháo ở Hoà Bình và ở các đồn lận cận bắn
tới. Hơn 4.000 trái đạn ca-nông đủ loại dội vào đồn Tu Vũ. Quân Việt minh bị thiệt hại nhiều, phải rút lui,
không chiếm được đồn. Sáng hôm sau khi quân Pháp trở lại Tu Vũ thì chung quanh đồn khoảng 200 xác chết
nằm la liệt khắp nơi ngoài vòng dào kẽm gai.

Ngày 29-12-51, trên đường thuộc địa số 6, một đại đội lê-dương bị phục kích bất ngờ làm chết
130 người trong số 200 người. Tin thiệt hại đó báo về Pháp trong lúc Quốc hội đang bàn cãi về ngân khoản
chiến phí ở Đông Dương làm những nghị sĩ chống chiến tranh lên diển đàn, tổng trưởng Letourneau bị đả
kích tơi bời. Trong số các nghị sỉ lên diễn đàn đả kích có cựu thủ tướng Daladier đề nghị Quốc hội ngưng
bàn cãi, rút hết quân Pháp ở Bắc kỳ vào Nam kỳ, rồi đưa vấn đề Đông Dương ra Hội đồng Liên hiệp quốc để
điều đình một cuộc ngưng chiến với Việt minh.

Tuy có nhiều sự phản đối nhưng hai ngày sau ngân sách cũng được Quốc hội chuẩn y, chi phí
chiến cuộc Đông Dương được chấp thuận.

De Lattre qua đời 12-12-51

Lúc bấy giờ bệnh tình của tướng De Lattre đã vô hy vọng cứu chữa. Từ nhiều tháng nay, De
Lattre bị ung thư chân. Công việc điều khiển Đông Dương, những hành trình qua Pháp và qua Mỹ để xin
viện trợ, sự đau buồn vì con chết trận đã làm De Lattre kiệt sức dần, bệnh tình càng ngày càng trầm trọng,
đến ngày 19-11-51, De Lattre về Pháp để vào bệnh viện giải phẫu. Ngày 7-12-51 De Lattre bất tỉnh, đến
ngày 12-12-51 thì từ trần. Chính phủ Pháp truy tặng chức Thống chế và làm lễ quốc táng.

***

Ngày 8-1-52, Salan được chính thức cử giữ chức vụ quyền Chỉ huy tối cao quân đội viễn chinh
thay De Lattre, tổng trưởng Letourneau được cử giữ chức vụ Cao uỷ, có cựu thống sứ Gautier phụ tá
Xóm Pheo bị tấn công ngày 8-1-52

Cũng ngày đó, trên đường thuộc địa số 6, Xóm Pheo, một tiền đồn cách 5 cây số về phía bắc Hoà
Bình do thiếu tá Roux và tiểu đoàn 2 Lê dương trấn giữ, bị trung đoàn 102 Việt minh tấn công. 50 khẩu trọng
pháo 75 và SKZ không giật của Việt minh nhả đạn vào đồn. Đến 1 giờ sáng thì Việt minh ùa lên dùng lựu
đạn và mìn, tràn vào các điểm phòng thủ.

700 phát trọng pháo 105 được các đồn Pháp bắn yểm trợ vào chung quanh đồn trong thời gian 15
phút Việt minh xung phong, cho đến lúc Việt minh tràn vào trong đồn và trận giáp la cà xảy ra, đến sáng thì
Việt minh rút lui bỏ lại nhiều xác chết và khí giới, Pháp thiệt hại nhiều.

Mặc dầu thất bại trong hai trận tấn công đồn Tu Vũ và Xóm Pheo,Việt minh cũng không rời bỏ
khu vực Hoà Bình. Một mặt, Việt minh dùng chiến thuật công đồn đả viện và thường xuyên uy hiếp các
đường tiếp tế thuỷ, bộ để cầm chân số lớn lính Pháp (riêng tại đường số 6, Pháp phải dùng tới 16 tiểu đoàn
để bảo vệ), một mặt Việt minh mở một mặt trận khác về phía Phát Diệm, với các sư đoàn 320, 326 làm Pháp
phải chia quân ra nhiều nơi, cạn hết quân dự trữ. Bộ chỉ huy Pháp lúng túng lo ngại.

Pháp rút quân khỏi Hoà Bình 22-2-52

Vì vậy, tối ngày 1-1-52, bộ Chỉ huy Pháp quyết định rút hết quân khỏi Hoà Bình và khỏi đường số
6.

Trung tá Ducourneau và đại tá Gilles chỉ huy cuộc triệt thoái. 7 giờ tối ngày 22-2-52, cuộc rút
quân khởi sự. Hơn 1.000 dân Mường, 20.000 binh sĩ cùng các chiến cụ đạn dược khí giới vượt qua sông Hoà
Bình, tiến về Hà nội bằng đường số 6. Sau hai ngày, ba đêm, đoàn quân về đến nơi yên ổn. Đoàn quân hậu
tập bị Việt minh chận đánh thiệt hại khoảng 300 người chết và bị thương. Bộ chỉ huy Pháp mừng rỡ với sự
tổn thất nhẹ nhàng như vậy.

Trận Hoà Bình kết thúc với kết quả như sau:

- Phía Pháp, 900 người chết và mất tích trong số có 33 sĩ quan, 2.300 bị thương trong số có 47 sĩ
quan

- Phía Việt minh, 3.400 chết, 300 bị bắt làm tù binh, khoảng 7.000 bị thương

Sau cuộc rút lui khỏi Hoà Bình, Pháp mở nhiều cuộc hành quân trong vùng đồng bằng để càn
quét. Chương trình của Salan và Letourneau là quét sạch quân Việt minh trong khu tam giác đồng bằng, xúc
tiến việc tổ chức quân đội quốc gia Việt nam với sự viện trợ của Mỹ, thành lập đoàn Quân thứ lưu động
(GAMO) để phối hợp với quân đội tổ chức an ninh xã hội các vùng đã được càn quét, rồi trao trả cho thủ
hiến Nguyễn Văn Tâm tổ chức hành chánh.

Tới cuối tháng giêng 1952,viện trợ Mỹ cặp bến Sài gòn đã lên tới 120.000 tấn chiến cụ, trong số
có 178 máy bay, 170 tàu thuỷ đủ loại, xe thiết giáp, đạn dược và dụng cụ truyền tin.

Chiến sự từ 16-2-52 tới 12-4-52

Từ ngày 16-2-53-2 đến ngày 12-4-52, trong vùng tứ giác Thái Bình, Nam Định, Phủ Lý, Hưng
Yên, Ninh Giang, 15 tiểu đoàn bộ binh Pháp hợp lực với hải quân và không quân lùng đánh các trung đoàn
48, 52, 64 thuộc sư đoàn 320 của Việt minh trong các cuộc hành quân Crachin, Ouragan, Amphibie,
Mercure, do tướng De Berchoux và tướng De Linarès chỉ huy. Theo thống kê của Pháp, thì:

- phía Việt minh bị thiệt hại hơn 2.000 người chết, hơn 5.000 bị bắt làm tù binh trong số có 50 sĩ
quan, hơn 4.000 bị thương.

- phía Pháp, 1.700 người chết, bị thương và mất tích.

Tiếp đó tướng Cogny với 15 tiểu đoàn trong các cuộc hành quân Porto, Polo, Turco ở vùng Bắc
Ninh, Hải Dương, chạm súng với trung đoàn 98 của Việt minh, gây tổn thất thiệt hại nặng cho trung đoàn
này Theo thống kê của Pháp:

- phía Việt minh, 900 chết trong có 10 sĩ quan, 1.200 tù binh (trong có 68 sĩ quan),

- phia Pháp: 60 chết, 260 bị thương và 30 mất tích

Việt minh tấn công lần thứ hai,Nghĩa Lộ bị thất thủ ngày 18-10-52

Sau vụ tấn công thất bại hồi tháng 10-1951,Việt minh vẫn không bỏ ý định chiếm Nghĩa Lộ là nút
chặn quan trọng trên đường tiếp tế vùng tây bắc Bắc việt, vì vậy tháng 10 năm 1952, Việt minh lại kéo các sư
đoàn thiện chiến 308 và 312 về khu vực đó. Thị trấn Nghĩa Lộ nằm giữa một thung lũng rộng lớn có đông
đúc dân cư và có hai đại đội trấn giữ, chia ra đồn thượng trên ngọn đồi cao nhòm xuống thị trấn và đồn hạ,
một đồn thấp nằm ngay trong thị trấn.

Ngày 4-10-52, sau khi nhận thấy những dấu hiệu hoạt động gia tăng của Việt minh trong vùng, bộ
Chì huy Pháp gửi toán quân Ta-bo đến Nghĩa Lộ để tăng cường. Ngày 14 và 15 những đồn bót nhỏ về phía
đông, ven sông Hồng Hà phải rút về Nghĩa Lộ vì áp lực gia tăng của Việt minh. Ngày 16-10 đồn Gia Hội ở
cách 20 cây số về phía bắc Nghĩa Lộ báo tin là bị cô lập.

Ngày 16-10 De Linarès vội thả một tiểu đoàn dù do đại tá Bigeard chỉ huy xuống đồn Tú Lệ, cách
Gia hộì 10 cây số về phia tây tức là cách Nghĩa Lộ 30 cây số. Tú Lệ là một đồn nhỏ có một tiểu đội lính Thái
trấn giữ nằm trên ngã ba đường, một đàng xuống Nghĩa Lộ (đông nam), một đàng về Sơn La (tây nam), một
đàng lên Than Uyên, Quỳnh Nhai (tây bắc).

5 giờ chiều ngày 17-10-52, tất cả hoả lực trọng pháo của sư đoàn 308 Việt minh đổ vào đồn Nghĩa
Lộ, tiếp theo là đoàn xung phong với súng SKZ và mìn, băng-ga-lo phá hàng rào, phá tường đồn, sau cùng là
biển người tràn vào những lỗ hổng đã phá được, rồi những trận giáp la-cà bằng dao găm, lưỡi lê cho đến lúc
đại đội Pháp và Thái trấn giữ, đồn thượng bị tiêu diệt hết. Đến nửa đêm, đồn hạ cũng bị tấn công theo chiến
thuật đó. 9 giờ sáng ngày 18-10, Việt minh hoàn toàn chiếm được hai đồn bảo vệ Nghĩa Lộ. Nghĩa Lộ bị thất
thủ.

Cuộc rút lui của đoàn quân Bigeard

Tại Tú Lệ, đại tá Bigeard được tin Nghĩa Lộ mất, nhận lệnh của Salan phải cùng với quân số tất
cả các đồn chung quanh tức khắc rút lui về phiá Nà Sản, là một đồn ở trên đường tỉnh lộ số 41 từ Hoà Bình
lên Lai Châu và cách Sơn La 10 cây số về phía đông nam. Nà Sản có một phi đạo lớn, máy bay Dakota có
thể đáp xuống được. Ngày 21-10-52, sau một đêm cầm cự mãnh liệt chống cuộc tấn công của Việt minh,
Bigeard cùng các lính các đồn chung quanh tụ tập tại Tú Lệ, triệt thoái khỏi đồn. Một gìờ trưa bắt đầu cuộc
hàng trình trực chỉ hướng tây, một cuộc hành trình vất vả, khủng khiếp.
3 giờ sáng ngày 22-10-52, đoàn quân Bigeard tới đồn Mường Chen là một đồn nhỏ ở giữa một
lòng chảo cách Tú Lệ 25 cây số có một trung đội phụ lực Thái dưới quyền thượng sĩ Peyrol trấn giữ. Việt
minh suốt ngày đuổi theo đánh bọc hậu làm thiệt hại nhiều, nay vẫn bám sát và lẩn quất trên những ngọn núi
chung quanh. Lính của Bigeard đã kiệt sức, hết cả lương thực và đạn dược, phải dừng chân ở Mường Chen
để nghỉ, lấy lại sức và chờ máy bay thả dù tiếp tế xuống. Nửa đêm hôm đó, nhờ đóng quân ở ngoài đồn và
nhờ lúc Việt minh đánh đồn Mường Chen, Bigeard vội chuyển quân đi thoát.

Ngày 22-10, hồi 9 giờ sáng, quân Bigeard tới được đồn Bản Y Tông cách Mường Chen 25 cây số.
Tại đây Bigeard gập đươc đoàn quân từ Nà Sản cùng tiểu đoàn 56 Việt nam đến tiếp đón nên Bigeard an toàn
rút về đến đồn Tà Bú rồi từ đó được xe cam-nhông đưa về Sơn La, Nà Sản, đáp máy bay về Hà nội.

Nà Sản thành tiền đồn

Sau khi thất bại ở Nghĩa Lộ, Salan quyết định tăng cường Nà Sản để chống trả với Việt Minh
trong vùng tây bắc và cũng để bảo vệ lãnh thổ dân tộc Thái đã từ lâu có những liên lạc trung thành với Pháp
mà Pháp không muốn rời bỏ.

Nà Sản là tên một làng Thái ở giữa một thung lũng dài 5 cây số, rộng 2 cây số, chung quanh có
núi đồi cao bao bọc, cách Hà nội 190 cây số theo đường thẳng, và cách khoảng 40 phút bằng máy bay. Dân
cư thưa thớt, toàn người Thái sống về nghề ruộng rẫy. Giữa lòng chảo Nà Sản có một phi đạo dài một cây số
dùng cho máy bay hai động cơ Dakota lên xuống được. Nà Sản cũng nằm trên tỉnh lộ số 41 nối liền Lai
Châu, Điện Biên qua Sơn La, Mộc Châu xuống Thanh Hoá hoặc sang Hoà Bình về Hà Nội, vì vậy vị trí Nà
Sản quan trọng trong việc tiếp tế bằng đường bộ cho khu vực Thái và trấn giữ vùng Thượng Lào.

Đầu tháng 11-1952, một cầu không vận ngày đêm hoạt động, chuyên chở các đồ tiếp tế đạn dược,
lương thực, xe ủi đất, hàng ngàn tấn giây kẽm gai và lừa ngựa từ Hà nội lên Nà Sản (lừa ngựa để chuyên chở
nước uống và tiếp tế lương thực đạn dược cho các đồn điểm tựa đóng trên núi). Hai đại đội công binh và
hàng ngàn phu phen phục dịch gấp rút xây đắp các đường hầm giao thông và trú ẩn, xây cất 30 điểm tựa
chung quanh lòng chảo, trên những ngọn đồi núi, để bảo vệ phi trường Nà Sản. Đại tá Gilles chỉ huy 8 tiểu
đoàn và 4 giàn trọng pháo 105, có nhiệm vụ bảo vệ Nà Sản.

Ngày 29-11-52, tiền quân Việt minh tiến gần đến Nà Sản để thử sức những tiền đồn Pháp ngoài
vòng đai. Không quân Pháp ném bom vào các điểm nghi ngờ có Việt minh trú ẩn. Salan lo ngại, gửi thêm hai
tiểu đoàn dù và 2 giàn trọng pháo 105 ly lên tăng cường, ra lệnh cho Gilles cố thủ không để mất điểm tựa
nào, cũng như không được để Việt minh tiến gần đến phi đạo dưới tầm trọng pháo.

Đêm 31-11 rạng ngày 1-12-52, Việt minh ồ ạt tấn công vào các điểm tựa phía đông bắc, đợt nọ
liên tiếp đợt kia xung phong chiếm được điểm tựa số 24 do trung uý Pipart phụ trách với một đại đội lính phụ
lực Thái và lính Marocco. Tới gần sáng nhờ trọng pháo và không quân yểm trợ, Gilles phản công với những
đơn vị dự trữ, Việt minh rút lui, Gilles lấy lại được đồn.

Đêm hôm sau 11 tiểu đoàn Việt minh ồ ạt tấn công vào hai đồn chính bảo vệ Nà Sản. Từ 9 giờ
đêm đến 7 giờ sáng, nhờ thời tiết tốt nên máy bay Pháp thả hoả châu chiếu sáng khắp trận địa, liên tiếp ném
bom và bắn liên thanh xuống vị trí Việt minh, đồng thời các giàn trọng pháo nhả đạn chung quanh đồn, ở
trong đồn thì lính cố sức cầm cự, Việt minh thiệt hại nhiều mà không chiếm được đồn. Đến sáng,Việt minh
rút lui bỏ lại nhiều khí giới và 500 xác chết chung quanh các hàng rào giây thép gai.
Những ngày sau,Việt minh biết là vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ, nếu tiếp tục tấn công thì thất
lợi, nên quânViệt minh rút lui khỏi Nà Sản không trở lại nữa.

Salan ăn mừng thắng trận, vui mừng với số quân ít ỏi (12 tiểu đoàn) mà đương đầu được với 3 sư
đoàn địch mà còn làm cho địch bị thiệt hại nặng nề.

Nà Sản được giữ vững đến tháng 8 năm 1953 thì tướng Navarre ra lệnh triệt thoái khỏi Nà Sản để
rút quân về Điện Biên Phủ, Navarre cho rằng với sự phòng thủ mạnh mẽ và hùng hậu hơn Nà Sản nếu Việt
minh chạm phải Điện Biên Phủ thì sẽ bị thảm bại chua cay hơn nhiều.

Trong khi Salan tăng cường phòng thủ Nà Sản đề phòng Việt minh kéo quân tới tấn công địa điểm
đó, thì đêm hôm17-11-05 Mộc Châu bị thất thủ.

Mộc Châu là một thị trấn ở cách Nà Sản 80 cây số về phía Nam, nằm trên đường hàng tỉnh số 41
từ Hoà Bình lên Sơn La, Lai Châu, trấn giữ con đường qua Xiêng khoảng xâm nhập xứ Lào. Mộc Châu có
một tiểu đoàn Marocco với quân phụ lực người Thái. Đêm 17 rạng ngày 18-11, đồn Mộc Châu bị tràn ngập
sau nhiều đợt tấn công của Việt minh, quân Pháp bỏ đồn rút qua rừng về phía Sầm Nưa.

Ngày 30-11-52, đồn Điện Biên Phủ cũng bị thất thủ.

Điện Biên Phủ là một thị trấn thuộc Quân thổ 4 mà Bộ chỉ huy đóng ở Lai Châu, nằm gần biên
giới Lào cách Lai Châu độ 90 cây số đường thẳng về phía tây nam và cách Sơn La cũng vào khoảng ấy về
phía tây, cách Hà nội khoảng 300 cây số. Điện Biên Phủ nằm giữa một thung lũng lòng chảo dài 15 cây số,
rộng 6 cây số, có một phi đạo máy bay Dakota có thể lên xuống được. Điện Biên Phủ có chừng 300 lính Thái
đặt dưới quyền một viên tri châu người Mường, Đèo văn Ban, và một tiểu đoàn lính Sê-nê-ga-le dưới quyền
thiếu tá Durand. Tiểu đoàn sê-nê-ga-le này vừa bị tiêu diệt trong một cuộc chạm súng với Việt minh gần Lai
châu.

Ngày 25-11, tiểu đoàn Lào do thiếu tá Sicard chỉ huy được gửi đến tăng cường. Ngày 29 Việt
minh tấn công, tiểu đoàn Lào và lính Thái bỏ chạy về phía Mường Khoa (Lào), Điện Biên Phủ bị Việt minh
chiếm trọn.

Đứng trước hai thất bại, Mộc Châu và Điện Biên Phủ, bộ Chỉ huy Pháp lo ngại Việt minh tấn công
vào xứ Lào, một mặt mở những cuộc hành quân phát xuất từ Nà Sản để đánh phá Việt minh trong việc tiếp tế
quân của họ và tập kích hậu quân của Việt minh, một mặt tăng cường Sầm Nưa là một thị trấn Lào gần Mộc
Châu và Điện Biên Phủ nhất.

Mặt khác vì nhu cầu nhân sự, bộ chỉ huy Pháp giao nhiều trách nhiệm cho Quân lực Việt nam
Cộng hoà trong vùng đồng bằng, mở các cuộc hành quân vào căn cứ Việt minh trong vùng Quy Nhơn để bớt
áp lực cho Pleiku và tổ chức đoàn biệt kích Mèo để phá rối Việt minh trong vùng Thuợng Lào.

Quân lực Việt nam Cộng hoà đầu năm 1953 lên tới 7 sư đoàn, khoảng 150.000 người cộng với
50.000 người phụ lực. Tại vùng đồng bằng, toàn tình Hưng Yên đặt dưới sự trách nhiệm của Quân lực Việt
nam Cộng hoà từ lâu đã tỏ ra khả năng chiến đấu xứng đáng với trách nhiệm giao phó. Tại các vùng Bùi
Chu, Phát Diệm, Việt minh đã bị thất bại nhiều trong những cuộc Việt minh tấn công.Với sự tín nhiệm đó và
trước nhu cầu cần phải tăng viện mặt Lào đang bị đe doạ, Salan rút quân ở đồng bằng Bắc việt và Nam việt
chuyển sang Lào, nên đầu năm 1953, Uỷ ban tối cao quân sự Pháp nhóm họp dưới sự chủ toạ của Quốc
trưởng Bảo Đại và tổng trưởng Letourneau, đồng thanh giao trách nhiệm cho bộ Chỉ huy quân lực Việt nam
cộng hoà trong việc bình định các tỉnh đã thâu hồi được trong miền đồng bằng. Bộ Tổng tham mưu quân lực
Viêt Nam Cộng hoà được mời tham dự trực tiếp các kế hoạch hành quân cho các chương trình quân sự liên
can đếnViệt nam.

Tại miền Trung, những cuộc chuyển quân của Việt minh trong vùng Quy Nhơn và áp lực vào An
khê, Pleiku, Kontum của 8 tiểu đoàn Việt minh xuất phát từ Liên khu 5, làm bộ Chỉ huy Pháp phải lo ngại và
tìm cách chống lại. Hai tiểu đoàn dù gửi đến tiếp viện được tướng Delange cho đóng ở An Khê. Biệt kích dù
(GCMA) (GCMA = groupement de commandos mixtes aéroportés) và 2.000 thuỷ quân lục chiến từ mẫu hạm
Arromanches đổ bộ vào Quy Nhơn ngày 29-1-53, chiếm Quy Nhơn rời từ đó xuất phát những cuộc hành
quân phối hợp với hai tiểu đoàn dù ở An Khê.

Việt minh rút khỏi khu vực. Áp lực vào Pleiku và Kontum giảm xuống. Ngày 6-2-53, quân đổ bộ
Pháp rút xuống tàu, mang theo 2.500 dân chúng bỏ vùngViệt minh tỵ nạn vào miền Nam.

Miền Thượng Lào - Luang Prabang - Cánh Đồng Chum

Tại miền Thượng Lào, Sầm Nưa là cửa ngõ từ tây bắc Bắc việt sang. Dân tộc Mèo tại đó chuyên
trồng thuốc phiện sinh sống một cách sung túc. Sầm Nưa cũng là tiền đồn của Cánh Đồng Chum và tiền đồn
của thủ đô Lào Vientian (Luang Prabang).

Nếu thu phục được dân tộc Mèo để chống Việt minh trong khu vực đó, thì cũng là một lực lượng
đáng kể, có thể gây rất nhiều khó khăn cho Việt minh. Đại tá Trinquier chỉ huy đoàn biệt kích dù hỗn hợp
GCMA thuộc cơ quan phản gián SDECE được giao trách nhiệm tổ chức lực lượng biệt kích Mèo tại khu vực
đó. Cơ quan này liền đề nghị với bộ Chỉ huy Pháp giao thiệp với Tù trưởng Mèo tên là Lý Phụng (Pháp gọi
là Toubi) để mua hết số thuốc phiện do dân Mèo sản xuất, chở vào Chợ Lớn bán lấy lời dùng để chi phí tổ
chức một toán quân biệt kích Mèo. Bộ chỉ huy Pháp thấy có lợi vì không phải bỏ tiền, mà mua chuộc được
Tù trưởng và cả ngàn tay súng phụ lực. Trước kia, nhà đoan Đông Dương vẫn mua tất cả sản lượng thuốc
phiện của dân Mèo về lọc, nấu thành chất lỏng, rồi đóng hộp bán cho dân nghiền dùng, nên viên tướng Chỉ
huy trưởng đồng ý cho cơ quan GCMA thực hiện chương trình đó. Những chuyến bay Dakota chở hàng tấn
thuốc phiện sống, đóng trong những thùng cũ đựng đạn dược, từ Cánh Đồng Chum bay tới Vũng Tàu,
chuyển bằng xe hơi lên Sài gòn giao cho người được Pháp uỷ nhiệm việc tiêu thụ. Sau đó nhờ những món
tiền lời, hơn một ngàn quân biệt kích Mèo được tổ chức, dưới quyền chỉ huy của đại uý dù Desfarges và
trung uý Brehier có các hạ sĩ quan Việt nam Cộng hoà phụ trách việc Truyền tin. Đoàn quân này được huấn
luyện và tổ chức thành từng toán 50 người hoặc 100 người, len lỏi trong rừng rậm tây bắc Bắc việt và
Thượng Lào, dùng chiến thuật du kích, gây nhiều khó khăn cho Việt minh. (Chú thích: Phần lớn toán quân
này bị bỏ rơi khi Pháp rút quân khỏi Bắc việt năm 1954).

Tới ngày 12-4-1953, trước áp lực mạnh của 8 tiểu đoàn Việt minh, quân Pháp triệt thoái khỏi đồn
Sầm Nưa rút về Cánh đồng Chum, ở cách 30 cây số về phía Nam

Cánh Đồng Chum (la Plaine des Jarres) dài khoảng 100 cây số thuộc về địa phận tỉnh Xiêng
Khoang, nằm trên cao độ 1200 mét, khí hậu mát mẻ, cây cỏ tươi tốt, có nhiều cây thông mọc, là xứ sở của
những người Mèo chuyên nghề trồng thuốc phiện.Trên cánh đồng có 6 nơi tụ hợp những chum. Cái chum
lớn nhất cao khoang ba thước, đường kính khoang trên hai thước, đã được đục, khoét, khắc từ nguyên một
khối đá tảng lớn ước lượng từ 2 tới 3 ngàn năm nay. Không ai biết lợi ích của những cái chum đó, có người
nói dùng trong việc thờ phụng thần linh. Các nhà khảo cổ tây phương cũng chưa xác định được lợi ích của
những cái chum đó.

(Photos Nathou et Nono)

Tiểu đoàn số 8 Lào trên đường rút lui khỏi Sầm Nưa bị Việt minh đuổi theo truy kích nên bị thiệt
hại rất nhiều, phải len lỏi trong rừng, mãi đến 8 ngày sau nhờ có một đại đội dù nhảy xuống tiếp cứu, 300
người sống sót mới thoát được về Cánh Đồng Chum. Một số khác được quân biệt kích Mèo giúp đỡ, cuối
cùng phân nửa số quân trú phòng tại Sầm Nưa thoát được, còn thì bị tử trận, hoặc bị bắt, hay đầu hàng.

Ít tuần sau, trước sức tiến của hai sư đoàn Việt minh 304 và 325, Pháp phải rút khỏi Xiêng
Khoang, lui về cố thủ ở Cánh đồng Chum và Vientian.

Bộ chỉ huy Pháp cho rằng xứ Lào đang bị Việt minh đe doạ xâm chiếm, quân Việt Minh đang tiến
vào xứ Lào, nên ngày 18-4 tướng Salan bay lên VạnTượng để trình bầy với Vua Lào tình trạng nguy ngập
của Luang Prabang, trước sức tiến công của quânViệt Minh. Hơn nữa, những người Mỹ đang du lịch tại
Vientian đã được di tản cấp tốc ngay khỏi thành phố bằng một máy bay nhỏ. Vua Lào nhất định không rời
khỏi kinh đô. Tướng Salan khi tới hoàng cung thì thấy Nhà Vua vẫn bình thản, không chút lo ngại, mặc dầu
các cận thần có trình với nhà Vua phải cấp tốc di tản hoàng gia ngay khỏi kinh đô, nhất là phải rời bức tượng
vàng đặc Prabang, là một quốc bảo. Nhà vua từ chối, nhất định không chịu rời khỏi kinh đô.

Ngày 24-4-51,thành phố Luang Prabang vắng tanh, chợ không họp, các cửa tiệm Tàu đều đóng
chặt. Đài phát thanh Bắc Kinh (Trung Quốc) loan báo Vientian sẽ bị chiếm chậm lắm trong một tuần lễ nữa,
ngày 1-5-53.

Thực sự thì quân đội Pháp rất ít ỏi ở Vientian để bảo vệ kinh đô, nếu có thể có thêm quân tiếp viện
khoảng 1 ngàn người được đưa tới, thì chẳng là bao nhiêu so với hai sư đoàn của Việt minh.

Người ta kể một giai thoại được truyền tụng ở xứ Lào thời bấy giờ:

Thái độ bình tĩnh của Nhà Vua và của tất cả mọi người trong hoàng gia, cũng như của đa số người
Lào làm nhiều người ngoại quốc bàn tán, nhiều người khâm phục lòng can đảm của nhà Vua vì ai cũng biết
rằng Nhà Vua vẫn công khai tỏ thái độ thân Pháp, nếu Việt minh tấn công Luang Prabang mà bắt được Nhà
Vua thì tính mạng của Nhà Vua coi như không được bảo đảm. Tuy nhiên, lễ rước tượng Phật Prabang và
tượng Rắn thần Nâga bảo vệ Kinh đô cũng được tổ chức trong thành phố với các lời tụng niệm của các nhà
sư và dân chúng đông đảo cầu xin phù hộ chống nạn xâm lăng Việt minh.

Mọi người đều bình tĩnh, tất cả đều tin vào lời tiên đoán của vị Hoà thượng già mù mắt sống trong
rừng, Hoà thượng Phou Sathou nói rằng: “Hoà thượng đã “nhìn” thấy bọn Phu keo (Việt minh) kéo quân tới
sông Nam Hou, nhưng Hoà thượng không “nhìn” thấy quân Việt minh qua sông để tiến về Luang Prabang”.

Cũng như trái với những tin đồn Việt minh kéo từ phía Nam lên Luang Probang “Hoà thượng
không”nhìn” thấy toán quân Viêt minh nào từ phía nam tiến lên Luang Prabang”.

Về sau người ta biết tin Việt minh từ phía Nam lên chỉ là tin đồn chứ không có quân Việt minh
nào kéo từ phiá nam lên thủ đô Vientian cả.

Lời tiên đoán của vị Hoà thượng mù đã đúng với sự thật.

Rồi một sự việc lạ lùng xảy ra.

Ngày 3-5-53, hai sư đoàn Việt minh đang chuyển quân bỗng ngừng lại không tiến nữa về phía
Luang Prabang mà chuyển hướng tiến về phía Sầm Nưa, Việt minh rút hết quân khỏi khu vực Thượng Lào,
thành ra không có một trận đánh nào xảy ra trên đất Lào. Cánh Đồng Chum và thành phố Vientian thoát khỏi
chiến sự.

Về sau, Pháp cho ra một giải thích. Tù binh Việt minh bị bắt đã khai là mưa nguồn lớn quá làm
cản trở sự giao thông, không chuyển kịp gạo muối được, nên quân Việt minh bị gián đoạn tiếp tế phải đi về
hướng Sầm Nưa.

Xin lưu ý độc giả: Những con số thắng lợi hay tổn thất của đôi bên trong các trận chiến nói trong
cuốn tài liệu này đều căn cứ vào các tài liệu của Pháp.

8.

Trước những chi phí nặng nề cho chiến cuộc Đông Dương và trước những đòi hỏi gia tăng viện
trợ về Không quân mà Bộ Chỉ huy Đông Dương yêu cầu tiếp viện gấp để áp dụng chiến thuật “lập căn cứ
địa-không như căn cứ Nà Sản, để cầm chân quân Việt minh”, chính phủ Pháp không đủ khả năng đáp ứng
cấp thời nên thủ tướngRéne Mayer chỉ thị cho vị Chỉ huy Đông Dương phải tự túc với những phương tiện
không quân sẵn có và phải thay đổi chiến thuật ở mạn xứ Thái để bảo vệ sinh mạng binh sĩ mà không cần giữ
đất đai.

Chính phủ Pháp đã hết sức chán nản trước chiến cuộc kéo dài năm này qua năm nọ làm hao tổn
ngân quỹ và làm chia rẽ nội bộ, đầu đề cho sự đối lập của các đảng phái chính trị.

Vì vậy ngày 8-5-53, tướng Navarre được cử sang Đông Dương giữ chức vụ Chỉ huy tối cao quân
lực viễn chinh Pháp thay thế tướng Salan với nhiệm vụ tìm một lối thoát cho Pháp rút khỏi Đông Dương mà
không mất mặt.

Henri Navarre là một đại tướng 5 sao, 55 tuổi, đang phụ trách nhiệm vụ Tham mưu trưởng cho
Thống tướng Juin ở cơ quan phòng thủ OTAN (Cơ quan Hiệp ước Bắc Đại tây dương). Navarre chưa hề
bước chân tới Đông Dương bao giờ, nên ngày 7-5-53 khi thủ tướngMayer mời Navarre giữ chức Chỉ huy
Đông Dương, Navarre đã từ chối, nhưng thủ tướngMayer khẩn khoản:

“(…) thủ tướngMayer nói:

- Việc Đại tướng không biết chút gì về Đông Dương cũng là một lý do để tôi cử đại tướng. Đại
tướng sẽ nhìn vấn đề bằng một cặp mắt mới mẻ “

- Nhưng, thưa Thủ tướng…

- Thôi mà Đại tướng! Tôi có cần nhắc Đại tướng là một quân nhân không có quyền từ chối một
nhiệm vụ giao phó, nhất là nhiệm vụ đó lại nguy hiểm. Chúng ta đang bị kẹt trong một ngõ cụt. Chúng ta
phải tìm một lối thoát danh dự cho nước Pháp, Đại tướng hãy giúp chúng tôi (…)”

***

Ngày 21-5-53, tướng Navarre có tướng Không quân Bodet và tướng Gambiez phụ tá, tới phi
trường Gia Lâm cùng với Tổng trưởng Letourneau.

Khi Navarre đặt chân tới Đông Dương thì nước Pháp lại không có thủ tướng, chính phủ Réne
Mayer bị đổ.

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 36 ngày, mãi đến ngày 26-6-53, Joseph Laniel mới được đủ
số phiếu để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị.

Navarre điều tra và nghiên cứu tình hình Đông Dương trong một tháng, rồi trở về Pháp tường
trình kết quả trước Hội đồng các Tham mưu trưởng do Thống chế Juin chủ toạ ngày 17-7-53. Ngày 24-7-53,
Navarre trình bầy kế hoạch trước Hội đồng quốc phòng do tổng thống Pháp chủ toạ.

Navarre yêu cầu Chính phủ Pháp:

1- Đặt một đường lối chính trị rõ rệt ở Đông Dương,

2- Quy định quyền hạn của Chỉ huy trưởng Đoàn quân viễn chinh (vì chính phủ Pháp mới đặt trên
đầu Navarre một Cao ủy dân sự là Dejean có quyền quyết định cả về dân sự lẫn quân sự).

3- Rút bớt quân đóng ở Pháp và ở Đức để chuyển sang Đông Dương.

4- Phát triển và tăng cường quân đội các Quốc gia Liên kết (Việt Miên Lào).

Navarre quyết định giữ vững vùng đồng bằng Bắc việt, mở những cuộc hành quân càn quét trong
vùng đó để mang lại an ninh, còn những vùng khác thì Navarre không có khả năng giữ vững.

Trả lời một câu hỏi, Navarre xác nhận nếu Việt minh đánh Thượng Lào thì Navarre không thể
đương đầu được, Navarre yêu cầu chính phủ ra chỉ thị rõ rệt nếu trường hợp đó xảy ra.

Những lời yêu cầu này của Navarre chẳng bao giờ được chính phủ Pháp trả lời cũng như đường
lối chính trị của Pháp ở Đông Dương chẳng bao giờ được đặt ra một cách rõ rệt.

Chính phủ Pháp nhìn những đòi hỏi tăng cường bằng con mắt chán nản, mọi người chỉ mong
chóng thoát ra khỏi Đông Dương nhưng chẳng biết thoát ra bằng cách nào.
Navarre trở lại Đông Dương với những lời hưá hẹn trong những đường lối mập mờ. Navarre kinh
hãi khi thấy kế hoạch bí mật của mình trình bầy trước Hội đồng Quốc phòng được báo France Observateur
ngày 30-7-53 nói tới trong bài “En un combat douteux” do ký giả Roger Stéphane viết, nhất là vấn đề phòng
thủ xứ Lào là một yếu điểm quan trọng của kế hoạch.

Tái lập căn cứ Điện Biên Phủ

Ba tháng sau, những tin tức cho biết sư đoàn 316 Việt minh tiến về phía tây bắc đe doạ Lai Châu,
các sư đoàn 308, 312 và sư đoàn pháo binh 351 tiến về phía Điện Biên Phủ, đe doạ Thượng Lào.

Navarre cử quân nhảy dù, do tướng Gilles chỉ huy, tái chiếm Điện Biên Phủ để lập căn cứ chặn
Việt minh và bảo vệ xứ Lào (chú thích: Điện Biên Phủ đã bị Việt minh chiếm ngày 30-11-52).

Ít ngày sau, ngày 5-12-53, Navarre bỏ căn cứ Lai Châu. Quân trú phòng Lai Châu được bốc bằng
máy bay đưa về Điện Biên Phủ để tăng cường.

Điện Biên Phủ là một thung lũng phì nhiêu, lớn hiếm có ở mạn tây bắc Bắc Việt. Dài 15 cây số,
rộng 5 cây số, giữa thung lũng có con sông Nam Un chảy qua cánh đồng do dân cư Thái cầy cấy. Sông Nam
Un chảy vào sông Nam Hu, rồi Nam Hu chảy vào sông Mê Kông trên đất Lào. Một phi đạo bỏ phế từ lâu, có
từ thời Nhật, nằm dọc theo sông Nam Un về phía bắc lòng chảo.

Điện Biên Phủ cách Hà nội 300 cây số về phía tây, cách Nà Sản 80 cây số về phía tây nam, cách
Lai Châu 80 cây số về phía nam. Chung quanh thung lũng Điện Biên Phủ là núi đồi trập trùng, ngọn cao
ngọn thấp bao quanh tứ phía, rừng già khắp nơi làm chỗ ẩn náu dễ dàng cho quân du kích. Cũng như Lai
Châu và Nà Sản (Nà Sản cũng đã bị triệt thoái từ tháng 8), Điện Biên Phủ là một điểm chiến lược bảo vệ
miền tây bắc xứ Lào và thủ đô Vientian (Luang Prabang). Vientian ở cách Điện Biên Phủ 200 cây số về phía
Nam.

Navarre và các tướng phụ tá như tướng Không quân Fay, đại tá Nicot, tướng Cogny đều hoàn toàn
đồng ý biến Điện Biên Phủ thành một căn cứ địa-không vững chắc để chống Việt minh. Navarre lý luận rằng
Điện Biên Phủ ở xa hậu cứ Việt minh ba, bốn trăm cây số, qua rừng rậm, núi cao, Việt minh không thể tiếp tế
nổi lương thực và khí giới đạn dược cho 4 sư đoàn được, nếu Việt minh tấn công Điện Biên Phủ thì giỏi lắm
chỉ một tuần lễ là phải rút lui vì cạn tiếp tế. Trái lại quân trú phòng Điện Biên Phủ sẽ được tiếp tế bằng máy
bay, trừ phi phi đạo bị phá huỷ do trọng pháo của Việt minh không còn sử dụng được nữa, trường hợp này
khó có thể xẩy ra được vì phi đạo ở quá tầm trọng pháo của Việt minh và nếu Việt minh mang được trọng
pháo tới gần thì tức khắc sẽ bị máy bay hay trọng pháo huỷ diệt ngay.

Ngày 20-11-53, từ hồi 11 giờ sáng, 63 chuyến máy bay Dakota thả 3.000 lính dù và chiến cụ
xuống thung lũng Điện Biên Phủ. Đại tá Bigeard và tiểu đoàn 6 Dù BPC, nhảy xuống điểm DZ (dropping
zone) tây bắc, đại tá Bréchignac và tiểu đoàn 2 dù thuộc trung đoàn 1 RCP nhảy xuống điểm DZ phía Nam
lòng chảo. Tiểu đoàn của Bigeard nhảy trúng khu vực Việt minh đang tập dượt nên bị Việt minh chống cự
mãnh liệt. Máy bay Pháp phải yểm trợ đến 4 giờ chiều Việt minh mới rút lui, bỏ lại 90 xác chết, Pháp thiệt
13 người chết, 40 bị thương.

Hai ngày sau, ngày 21 và 22-11-53, liên tiếp 3 tiểu đoàn Dù nữa được thả xuống cùng với một đại
đội pháo binh. Ngày 24-11, phi đạo được sửa chữa xong, phi cơ lại đáp xuống được.
Ngày 27-11-53, đại tá de Castries được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng căn cứ Điện Biên Phủ thay
tướng Gilles, người đã chỉ huy cuộc nhảy dù đầu tiên.

Các cơ quan của bộ Chỉ huy được đặt ngầm dưới đất, ở giữa lòng chảo, bên bờ sông Nam Un.
Phía trái bộ chỉ huy là bệnh viện và phi đạo dài hơn 1 cây số, nằm bên kia sông Nam Un. Một phi đạo phụ
được xây đắp. Trong thung lũng, 10 điểm tựa lớn bao vây bộ Chỉ huy và phi đạo. Các điểm tựa được đặt tên
bằng những tên phụ nữ Gabrielle (Bắc), Béatrice, Dominique (Đông), Éliane, Isabelle (Nam), Junon,
Claudine, Françoise (Tây), Huguette và Anne Marie.

Hàng ngàn tấn vật liệu, một đoàn chiến xa và trọng pháo, lương thực, đạn dược, giây kẽm gai
được máy bay hàng ngày đổ xuống ùn ùn. Kết cuộc thì các đồn bót, các công sự phòng thủ đều được hoàn
thành hoàn hảo. 12 tiểu đoàn dù tới nơi để đảm nhiệm việc phòng thủ kiên cố Điện Biên Phủ.

Navarre, Cogny và De Castries vững bụng, hài lòng.

****

Đoàn dân công tiếp tế bằng xe đạp

Đầu tháng 12-53, những tin tức tình báo và không ảnh do phi cơ do thám cho biết những sư đoàn
Việt minh đã xuất hiện gần Điện Biên Phủ. Hàng ngàn dân công với những đoàn xe đạp chở 250 ký mỗi
chiếc xe đạp,

600 xe cam-nhông Molotova chở 144 trọng pháo và súng phòng không, ống bắn hoả tiễn 6 nòng,
tất cả di chuyển ngày đêm không ngừng về phía Điện Biên Phủ, từ mạn biên giới Hoa Việt do viện trợ của
Trung Quốc đổ đến ồ ạt, trên con đường từ Lạng Sơn, Cao Bằng chuyển đến.

Những tin tức đó làm Navarre lo ngại, nhất là Hội nghị Berlin quyết định đưa vấn đề Tái lập hoà
bình ra bàn cãi tại hội nghị họp ở Genève ngày 26-4-54 với sự hiện diện của các nước liên hệ. Navarre lo
ngại Việt minh và Trung Quốc sẽ đặt cạn láng vào ván bài cuối cùng giành thắng lợi trên chiến trường để làm
hậu thuẫn cho cuộc đàm phán. Trong một bản tường trình do tướng không quân Bodet mang tay về Pháp
tường trình cho chính phủ Pháp, Navarre lần đầu tiên đã đề cập đến trường hợp thất bại ở Điện Biên Phủ như
sau:
“(…)Với những phương tiện mới của Việt minh mà những nguồn tin đứng đắn xác nhận, tôi
không thể bảo đảm chắc chắn sự thắng lợi được. Đây là một trận do Không quân định đoạt (…) Tôi yêu cầu
Chính phủ tăng cường gấp về Không quân và tôi xin lập lại, sẽ do Không quân mà chúng ta thắng hay bại
trong trận này (…) “

Mặc dầu lời kêu gọi tiếp viện khẩn thiết như vậy, nhưng Bodet cũng trở về tay không, không
mang lại cho Navarre một cứu viện nào, Navarre hết hy vọng.

Tuy nhiên những ngày kế tiếp đó, các nhân vật quan trọng thay phiên nhau đến Điện Biên Phủ để
thị sát. Tổng trưởng Quốc phòng Pléven, Bộ trưởng Chiến tranh Chevigné, Bộ trưởng Quốc gia Liên kết
Marc Jacquet, Đại tướng Ély, trong cuộc viếng thăm Điện Biên Phủ tất cả đều tỏ vẻ hài lòng vững bụng, mà
không một ai lo ngại nghĩ đến việc triệt thoái, duy chỉ có tướng Fay, Tham mưu trưởng Không quân của
Navarre khi tháp tùng Pléven trong cuộc viếng thăm đã trình bầy với Pléven rằng nên lợi dụng lúc Việt minh
chưa xiết chặt vòng vây, 2 phi đạo còn dùng dược, mà triệt thoái khỏi Điện Biên Phủ càng sớm càng tốt,
nhưng lời trình bày của Fay đã làm cho những người hiện diện lạnh lùng lãnh đạm, Cogny nhún vai khó
chịu. Sau này Pléven nói là tướng Fay đề nghị như vậy là lo ngại tới mùa mưa phi đạo bị ngập không sử
dụng được. Trở về Pháp, Pléven tường trình trước Quốc hội là trong cuộc viếng thăm Điện Biên Phủ ngày
19-2-54 Pléven nhận thấy những người bảo vệ căn cứ đó đều tỏ ra tin tưởng vào những phương tiện của căn
cứ không một ai nghĩ tới sự triệt thoái.

Tuy vậy những tin tức về tiếp tế của Việt minh làm Navarre càng ngày càng lo lắng: một trung
đoàn cao xạ phòng không Việt minh vừa vượt biên giới Hoa Việt tiến tới Điện Biên, từng đoàn vận tải
Molotova Nga viện trợ ngày đêm vận chuyển khí giới đạn dược đến vùng tây bắc.

Ngày 4-3-54, Navarre họp với bộ chỉ huy tại Điện Biên Phủ dự tính mang thêm ba tiểu đoàn nữa
đến để đặt thêm những điểm tựa mới, hy vọng với sự đề phòng mạnh mẽ đó Việt minh không tấn công ngay,
hoãn lại để nghiên cứu kế hoạch mới, có thể trong thời gian đó mùa mưa tới sẽ làm cản trở nhiều, Việt minh
sẽ bỏ ý định tấn công.

“Như vậy thì có thể rằng Việt minh không kéo tới nữa, De Castries nói.

- Chúng ta thúc đẩy cho chúng đến tấn công sớm để cho xong đi.

- Chắc chúng ta có giữ vững được không? Navarre hỏi.

- Sẽ gay go lắm, thưa Đại tướng, De Castries nói. Nhưng nếu Đại tướng gửi cho 2 hay 3 tiểu đoàn
nữa thì chắc giữ được.

- Cogny nói: chúng ta không nên làm cho Việt minh bỏ ý dịnh tấn công của họ. (…)

Trận Điện Biên Phủ

Cuộc tấn công chờ đợi từ bao ngày đã khởi sự hồi 17 giờ 15 ngày 13-3-54.

Đạn trọng pháo 105 ly của Việt Minh bắn liên hồi vào hai điểm tựa Gabrielle và Béatrice là hai
điểm xa nhất về phía bắc và đông bắc. Mọi người đều bị bất ngờ. Ngay đợt đầu, tại điểm Béatrice, thiếu tá
Pégaux và các sĩ quan phụ tá bị chết ngay vì đạn trúng hầm, còn sống sót có trung uý Vadot.
Trung tá Gaucher, phụ trách điểm bắc đang gọi dây nói hỏi tin thì đạn cũng trúng hầm, Gaucher bị
đứt một cánh tay, máu chảy xối xả, một lúc sau thì Gaucher chết. Một sĩ quan phụ tá cũng bị tử thương.

Trung tá Langlais, chỉ huy đoàn quân trừ bị, được De Castries cử đến thay thế Gaucher phụ trách
khu bắc và khu trung tâm.

Tại điểm tựa Béatrice (đông bắc) sau nhiều đợt pháo kích dữ dội, 6 tiểu đoàn Việt minh xung
phong ồ ạt. Quân quyết tử với những bộc pha cắm ở đầu các cây tre dài phá vỡ được nhiều nơi trên hàng dào
dây kẽm gai. 2 tiền đồn nhỏ thuộc Béatrice thất thủ,Việt minh chuyển về phiá bắc và phiá đông để uy hiếp
điểm Gabrielle và điểm Dominique.

Sáng ngày 14-3-54, trọng pháo Việt minh lại giội vào khu trung tâm, nơi có ban Chỉ huy trung
ương của Điện Biên Phủ.

Trên phi đạo, 3 phi cơ Bearcat bị phá hủy, đài kiểm soát không vận bị sập.

Tại bệnh viện, thương binh được chở đến tới tấp. Y sĩ thiếu tá Grauvin và các y sĩ phụ tá mổ xẻ,
khâu vá không ngớt tay. Máu dự trữ hết, thuốc trụ sinh cạn.

Đợt pháo kích đầu tiên làm bộ chỉ huy Pháp kinh sợ hiệu lực của trọng pháo địch. Phản ứng vô
hiệu của Pháp làm De Castries thấy rằng không thể dùng trọng pháo phản kích hay máy bay oanh tạc để huỷ
diệt trọng pháo địch được như trong kế hoạch phòng thủ đã dự định. Thiếu tá Piroth chỉ huy đơn vị trọng
pháo và thiết giáp của căn cứ, lúc trước bảo đảm là có thể diệt trọng pháo địch trong hai ngày, nay thất vọng
hết sức vì không biết địch ở chỗ nào mà phản kích. Piroth bỏ ăn ưống thất thểu bước vào hầm bộ Chỉ huy
trung ương gặp De Castries:

De Castries hỏi Piroh:

- Thiếu tá có biết trọng pháo Việt minh đặt ở đâu không?

- Có lẽ ở đây, Piroth trả lời, tay run run chỉ vào một điểm mơ hồ trên bản đồ

- Thiếu tá có thể khoá họng nó được không?

Hai ngày trước thì Piroth sẵn sàng trả lời là với trọng pháo 55 ly, ông ta có thể khoá họng được
bất cứ ổ pháo nào của địch, nhưng hôm nay thì khác. Hôm nay đứng trước sụ thật tàn khốc khủng khiếp,
Piroth cảm thấy bất lực. Ra khỏi hầm của Castries, Piroth gặp Langlais. Piroth như người mất hồn, nói:

- Tôi vừa nói với đại tá là chết hết cả, Trung tá ơi! Thật là lỗi tại tôi!

Năm phút sau, trở về hầm, Piroth rút khoá lựu đạn cho nổ tung tự tử chết.

Tin Piroth chết làm Castries lo ngại, nhất là tin tình báo mới nhất cho biết chung quanh Điện Biên
Phủ, Việt minh dự trữ sẵn sàng đạn trọng pháo 105 ly, đạn phòng không, trái phá 75 không giật, và đạn
moọc-chi-ê đủ cỡ.

Navarre và Cogny khi biết tin những sự thiệt hại, liền gửi quân tiếp viện đến Điện Biên Phủ.

Tiểu đoàn dù 5 Việt nam (quốc gia) dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Botello được thả xuống ngày
14-3 và hai ngày sau là tiểu đoàn dù số 6 BPC do thiếu tá Thomas chỉ huy.
Trưa ngày 14-3-54 trọng pháo Việt minh lại nã vào điểm tựa Gabrielle (Bắc) do tiểu đoàn 5 thuộc
trung đoàn An-giê-ri chống giữ. Việt minh kéo ca-nông 75 không giật đến gần bắn thẳng vào đồn. Bót chỉ
huy bị trúng đạn sập. Lính Việt minh từ các sườn đồi núi chung quanh đổ xô xuống.

4 giờ sáng ngày 15-3-54, sau khi kêu trọng pháo bắn vào địa điểm của mình thì điểm tựa
Gabrielle bị tràn ngập, thiếu tá chỉ huy đồn Macquenel và sĩ quan phụ tá bị Việt minh bắt cầm tù.

Sáng sớm ngày 15-3, tiểu đoàn dự trữ 1 BEP và tiểu đoàn 5 BPVN Việt nam, với 6 chiến xa, phản
công điểm tựa Gabrielle để cố giải thoát một đại đội còn kẹt ở một tiền đồn mà không hàng Việt minh.

Sau hai giờ xung phong dưới làn mưa đạn trọng pháo và moọc-chi-ê địch, đoàn quân phản công
không tiến quá được 1 cây số rưỡi mà đã bị thiệt hại nhiều phải rút lui bỏ cuộc.

Ngày 16 và 17-3, ba đại đội lính Thái đóng tại điểm tựa Anne Marie (tây bắc) trước uy hiếp của
địch sợ quá bỏ trốn hết bỏ ngỏ điểm tựa Anne Marie.

Ngày 26-3, phi đạo không còn sử dụng được nữa vì luôn luôn bị pháo kích và bị cao sạ phòng
không của Việt minh uy hiếp. Đã từ 10 ngày chỉ có một vài máy bay do những phi công cảm tử đáp đêm
xuống phi đạo không có đèn đóm gì báo hiệu. Ngày 26-3, chiếc máy bay chuyên chở cuối cùng chở 28
thương binh cất cánh được thoát, rồi từ đó đồ tiếp tế phải thả xuống bằng dù, một phần lớn lọt vào khu vực
Việt minh chiếm đóng.

Navarre hết hy vọng chống giữ nổi Điện Biên Phủ. Báo cáo của Cao ủy Dejean về đến Paris làm
tê tái chính phủ Pháp, như giội một chậu nước đá vào mọi người. Hội đồng Quốc phòng họp khẩn cấp. Trong
một bầu không khí vô trách nhiệm và mất tinh thần, các Tham mưu trưởng các binh chủng đều tuyên bố vô
khả năng tiếp viện để cứu giúp đoàn quân Điện Biên Phủ.

Từ ngày 30-3 đến ngày 5-4-54, Việt minh chiếm được các điểm tựa Dominique (Đông) và Éliane
(Đông nam)

Ngày 5-4, Navarre thả tiểu đoàn dù số 2 thuộc trung đoàn 1 RCP xuống tăng cường.

Ngày 9-4, đại tá Bigeard dùng súng phun lửa phản công chiếm lại được điểm tựa Éliane.

Ngày 1-5-54, sau 50 ngày bị vây hãm, lương thực và đạn dược đã cạn gần hết, dù tiếp tế thả
xuống thì lọt vào tay Việt minh một nửa, binh lính và sĩ quan mỏi mệt kiệt sức, ngày đêm chỉ lúc nào ngớt
tiếng pháo kích thì ngồi chợp mắt ngủ được một chút trong hầm. Xác chết xếp chồng chất đầy một hố giao
thông rồi lấp đất vùi lại sơ sài, mùi xú uế khắp nơi. Trong bệnh viện, giòi bọ bò ngổn ngang quanh các
thương binh nằm chật ních không có chổ len chân.

Navarre hết hy vọng thoát khỏi thất bại chỉ còn mong chờ Hội nghị Genève nhóm họp, may ra hai
bên đình chiến hoặc nếu không thì hy vọng vào sự can thiệp không quân của Mỹ.

***

De Castries được thăng chức Thiếu tướng, lon và sao được máy bay thả dù xuống.

Đã từ lâu, De Castries không ló mặt ra khỏi hầm, suốt ngày ngồi ôm máy truyền thanh liên lạc
liên tục với Hà nội, tiểu tiện vào trong các ông bơ. Thành ra, trên thực tế, trung tá Langlais là người chỉ huy
thực sự trong Điện Biên Phủ. Chính Langlais, trong lúc giao tranh, đã đến các điểm tựa để giữ vững tinh thần
binh sĩ, chính Langlais và Bigeard đã tổ chức lại các đơn vị, cử các sĩ quan thay thế các người thiệt mạng hay
không có khả năng, tổ chức các cuộc phòng thủ và các cuộc tấn công.

Tới ngày 1-5, một tiểu đoàn tiếp viện nữa được thả dù xuống.

Trận Điện Biên Phủ kết liễu

Đêm 6 rạng 7 tháng 5-1954, Việt minh pháo kích khắp nơi. Quân xung phong ồ ạt tiến vào các
điểm tựa, trận tấn công cuối cùng đã khởi diễn.

Đến chiều ngày 7-5-54 thì Việt minh vượt qua tất cả các điểm tựa còn lại, ngoại trừ điểm Isabelle
ở cực nam vẫn còn giữ vững.

Việt minh tiến vào Bộ Chỉ huy trung ương và Bệnh viện giải phẫu. Nơi đây các thương binh các
ngả kéo đến tràn ngập, chờ đợi đến lượt được săn sóc, xếp hàng dài hàng cây số ngoài cửa bệnh viện.

17 giờ ngày 7-5-54, Castries từ biệt Cogny và báo cáo huỷ diệt đài liên lạc vô tuyến.

Quân Việt minh tới cửa hầm.

De Castries từ dưới hầm bước lên, đầu đội mũ ca-lô đỏ, mặc sơ mi vén tay, ngực đeo một hàng
cuống mề-đay, mặt xanh mét, miệng hút thuốc, mắt hấp hay vì chói ánh sáng, lặng lẽ leo lên một chiếc xe gíp
do một tài xế Việt minh lái ra khỏi Điện Biên Phủ về cơ quan điều tra của Việt minh.

1 tiếng rưỡi đồng hồ sau, hồi 18 giờ 30, điểm tựa Isabelle bị cơn mưa trọng pháo giội vào, đại tá
Lalande cầm cự đến 1 giờ sáng ngày 8-5-54, thì đầu hàng cùng với 600 lính Lê dương.

Tiếng súng im khắp nơi.

Trận Điện Biên Phủ kết liễu.

Trong số 14.450 binh sĩ giữ Điện Biên Phủ, tức là quân số của 6 tiểu đoàn dù, 10 tiểu đoàn bộ
binh và vài đại đội tạp chủng khác thì có 1.500 người chết, 3.000 người bị thương và khoảng 10.000 bị bắt
cầm tù.

Việt minh dẫn đoàn tù binh đi bộ, từng toán 400 người, qua rừng qua núi, suốt 4 tháng trời mới
đến các trại giam ở vùng Thanh Hoá hay vùng biên giới Hoa Việt. Số người chết vì cực nhọc, bệnh tật và
thiếu thốn rất nhiều.

Sau khi Hiệp định Genève ký kết thì số tù binh đó được trao trả cho Pháp, trong số này có tướng
De Castries và toàn bộ Tham mưu, thả ngày 2-9-54.

***

Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 3-6-54, tướng Ély, Tổng Tham mưu trưởng quân lực Pháp
được cử sang Đông Dương giữ chức Cao Uỷ và Chỉ huy trưởng thay thế Dejean và Navarre.

Trước thắng lợi của Việt Minh, bộ Chỉ huy Pháp lo ngại Việt minh tấn công thẳng vào vùng đồng
bằng nên họ bàn tính kế hoạch rút quân khỏi Bắc kỳ để chuyển vào Nam kỳ cố thủ. Ély ra lệnh rút hết quân ở
Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Bùi Chu, Phát Diệm về giữ Hà nội và giữ trục giao thông Hà nội - Hải
Phòng.
Hàng trăm ngàn dân cư ở các vùng Pháp rút quân, bỏ hết cửa nhà gia sản tản cư lên Hà nội, để
cùng với dân cư các vùng khác, cả triệu người di cư khổng lồ vào miền Nam sau khi Hiệp định Genève ký
kết.

***

Đầu năm 1954, trước khi có cuộc bao vây Điện Biên Phủ, chính phủ Laniel đã được Quốc hội
chấp thuận cho tìm cách chấm dứt chiến tranh Đông Dương bằng một cuộc hoà đàm.

Hội nghị Tứ cường họp ở Berlin để giải quyết vấn đề Thống nhất nước Đức và vấn đề Phòng thủ
Âu châu, đã đồng ý chấp thuận lời đề nghị của đại biểu Pháp mời tất cả các nước đã tham dự chiến tranh
Triều Tiên và các phe liên hệ ở Đông Dương tới Genève họp bàn về Vấn đề Triều Tiên và Vấn đề Chấm dứt
chiến tranh ở Đông Dương. Ngày họp định vào ngày 26-4-54.

Tuy nhiên, trong chính phủ và trong Quốc hội Pháp vẫn có nhiều khuynh hướng đối chọi nhau về
vấn đề Đông Dương. Phe thì muốn điều đình với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ giúp đỡ toàn thể chiến phí hoặc Hoa Kỳ
trực tiếp tham chiến. Phe thì chủ trương đi với Nga để nhờ Nga đứng làm trung gian chấm dứt chiến tranh.
Có phe lại muốn điều đình thẳng với Việt Minh để chấm dứt chiến tranh và trung lập hoá Đông Dương. Phe
khác thì muốn viện trợ cho Trung Quốc đổi lấy sự can thiệp với Việt Minh để chấm dứt chiến tranh. Các chủ
trương đối chọi nhau, không có phe nào mạnh hơn phe nào, nên đường lối không có gì dứt khoát, mọi người
chờ chiều hướng chiến tranh diễn biến.

Khi chiến cuộc Điện Biên Phủ đến hồi khẩn cấp, Pháp thấy khí thế Việt minh lên cao, Laniel vội
vàng cử tướng Ély, Tham mưu trưởng quân lực Pháp, sang Mỹ cầu cứu.

Tổng tham mưu trưởng Mỹ, Đô đốc Radford đề nghị gửi 60 pháo đài bay B.29 từ Manille (Phi-
luật-tân) sang ném bom chung quanh Điện Biên Phủ vào các vị trí Việt minh, mỗi chuyến 450 tấn bom, cùng
với 150 phi cơ chiến đấu của Đệ thất hạm đội. Chính phủ Pháp vui mừng yêu cầu thực hiện gấp trước khi
Điện Biên Phủ nguy ngập, nhưng Radford đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của những nhân vật quan trọng
trong Quốc hội Mỹ nên việc gửi máy bay sang cứu Điện Biên Phủ không thành.

Quốc hội Mỹ phần thì ngờ vực mục đích chiến tranh của Pháp ở Đông Dương không muốn trực
tiếp nhúng tay vào sợ mang tiếng giúp một chiến tranh thuộc địa, phần thì lo ngại sa lầy vào một cuộc chiến
tranh kiểu Triều Tiên mà Mỹ vừa thoát khỏi.Vì vậy ngày 5-4-1954, ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles chính
thức trả lời thủ tướngLaniel là: “Mỹ không can thiệp bằng quân sự trong chiến cuộc Đông Dương theo hình
thức hiện tại”.

***

Trái lại, theo một nguồn tin khác, về việc Mỹ có ý định tham chiến giúp Pháp giải toả Điện Biên
Phủ, thì sự việc lại khác.

1) Ngày 23 mars 1954, tướng Ély tới Hoa thịnh Đốn cầu viện, được tổng thống Eisenhower tiếp
tại toà nhà Bạch -c với sự hiện diện của đô đốc Arthur Radford.

Eisenhower hoàn toàn đồng ý trợ giúp cho Navarre:

“Hoa kỳ viện trợ khẩn cấp những nhu cầu của tướng Navarre, đặc biệt tất cả những yêu cầu nào
có thể giúp chiến thắng trận Điện Biên Phủ”.
Eisenhower giao cho đô đốc Radford toàn quyền quyết định. Radford đề nghị với Ély một chương
trình trợ giúp đặt tên là “Chương trình Vautour “:

- 60 pháo đài bay B.29 căn cứ tại Phi luật tân, có 150 phi cơ chiến đấu bảo vệ, mỗi phi vụ sẽ đổ
xuống 450 tấn bom chung quanh Điện Biên Phủ và các căn cứ tiếp viện của Việt minh.

Tướng Ély và chính phủ Pháp từ chối không nhận đề nghị này (Theo sách “La république des
contra-dictions” édition Fayard).

2) Theo sách “ D'une résistance à l'autre “ (Presses du siècle), thủ tướng Pháp Bidault kể rằng:

Giữa tháng tư 1954, ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Pháp. Tôi (Bidault) tỏ ý lo ngại về tình trạng chiến
sự ở Điện Biên Phủ.

- Tôi nói với Foster Dulles rằng: Hoa kỳ đã tuyên bố công khai rằng Hoa Kỳ không chấp nhận
một sự bành trướng của cộng sản trong vùng, thì đây là một cơ hội cho Hoa Kỳ hành động hợp với chính
sách của Hoa Kỳ để chận đứng sự bành trướng của cộng sản. Hạm đội của Hoa Kỳ hiện đang ở vịnh Bắc kỳ
(Golfe du Tonkin). Nếu Hoa Ký ném bom chung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ thì có thể giúp cho quân
Pháp trú đóng tại đó thoát khỏi áp lực của Việt minh.

Foster Dulles không công khai trả lời đề nghị của tôi, nhưng ông ta đã nói riêng với tôi rằng:

- Nếu Hoa kỳ tặng Pháp hai trái bom nguyên tử, thì Thủ tưóng nghĩ sao?

- Không cần suy nghĩ lâu, tôi trả lời ngay: Thả bom nguyên tử vào khu Điện Biên Phủ thì cả quân
đội Pháp đồn trú trong đó cũng như quân Việt minh bao vây chung quanh đều bị thiệt hại. Nếu dùng bom đó
để ném vào những đường giao thông tiếp tế từ Trung Quốc sang thì có thể gây ra một cuộc chiến toàn diện.
Trong cả hai trường hợp, quân trú phòng ở Điện Biên Phủ sẽ không được hưởng chút gì.

Tôi từ chối lời đề nghị đó.

***

Hội nghị Genève

Nội các Laniel đổ, Mendès France được chọn làm Thủ tướng. Ngày 16-6-54, trước Quốc hội,
Mendès France cam kết giải quyết vấn đề chấm dứt chiến tranh Đông Dương trong thời hạn một tháng, nếu
tới ngày 20 tháng 7-54 không xong thì sẽ xin từ chức.

Chính phủ Pháp bấy giờ đã hết tin tưởng vào sự giúp đỡ của Mỹ, nhưng hai ngày trước ngày họp
hội nghị Genève ngoại trưởng Pháp Bidault còn cố điều đình với Foster Dulles để Mỹ can thiệp hòng vớt vát
được danh dự cho Pháp, nhưng Dulles từ chối.

Như vậy, khi tới Genève phó hội, các nhà ngoại giao Pháp đã ở trong tư thế bất lợi về mặt quân sự
và còn bị ràng buộc với lời cam kết của Mendès France, nên việc Pháp chấp nhận những điều kiện của đối
phương Việt minh đưa ra là một việc gần như bó buộc.

Ngày 8-5-54, phiên họp đầu tiên về chiến tranh Đông Dương khai mạc.

Có 9 phái đoàn tham dự là: Phái đoàn Anh do Eden cầm đầu, phái đoàn Mỹ do Foster Dulles, phái
đoàn Pháp do Bidault, phái đoàn Trung Quốc do Chu Ân Lai, phái đoàn Nga sô do Molotov, phái đoàn Việt
minh do Phạm Văn Đồng, phái đoàn Việt Nam (quốc gia) do Nguyễn Quốc Định và hai phái đoàn Lào, Cao
miên.

Trước giờ khai mạc hội nghị, tin Điện Biên Phủ thất thủ (7-5-54) đã được loan truyền đi, nên
trong bài diễn văn khai mạc, đại biểu Pháp đã đặt trọng vấn đề ngưng chiến trước vấn đề chính trị.

Bidault tách rời vấn đề Việt Nam ra khỏi vấn đề Lào và Cao miên. Bidault cho rằng tạiViệt nam
có cuộc nội chiến, còn tại Lào và Cao mên thì là một cuộc ngoại xâm.

Phạm Văn Đồng đưa ra một đề nghị 8 điểm để chấm dứt xung đột và muốn giải quyết chung cho
cả ba nước chứ không giải quyết riêng rẽ.

Sau cuộc họp khoáng đại, phái đoàn Pháp gặp riêng rẽ những phái đoàn Trung Quốc, Nga sô và
Việt minh để mặc cả.

Ngày 13-5-54, Việt minh chấp thuận cho Pháp di tản các thương binh ở Điện Biên Phủ về Hà nội
điều trị.

Để tỏ cho Nga, Trung Quốc và Việt minh biết ý chí muốn giải quyết vấn đề trong một tháng,
Mendès France ra lệnh cho đại biểu Pháp ở hội nghị Genève chỉ ký giao kèo thuê căn biệt thự Joli Port trên
bờ hồ Léman trong một tháng cho Phái đoàn Pháp ở.

Ngay từ đầu, Pháp đã đưa ra đề nghị chia đôi Việt nam thay vì giữ nguyên vẹn lãnh thổ và lập một
chính phủ Liên hiệp. Việt minh chấp nhận ngay ý kiến chia cắt và đưa ra những đề nghị về làn phân ranh.

Hai bên mặc cả với nhau, Pháp thì đề nghị ở vĩ tuyến 18, Việt minh thì đòi cắt ở vĩ tuyến 13. Ngày
9-7-54, Việt minh đề nghị hạ xuống vĩ tuyến 14, Pháp vẫn giữ vững vĩ tuyến 18. Ngày 13-7, Việt minh lại hạ
xuống vĩ tuyến 16 và đến ngày 19-7 thì hai bên thoả thuận chia cắt ở độ vĩ tuyến 17, phù hợp với ý kiến của
Anh và Mỹ.

Đứng trước những cuộc mặc cả âm thầm nguy hại cho Việt Nam, ngoại trưởng Trần Văn Đỗ,đại
diện Việt nam (quốc gia), chủ tịch phái đoàn (thay thế ông Nguyễn Quốc Định), ngày 19-7-54 đã chuyển đến
8 đại biểu của các nước họp hội nghị những lời đề nghị và phản kháng như sau:

(…) Những dự tính của Nga và Việt minh chấp thuận một cuộc chia cắt Việt nam thành hai vùng,
vùng bắc nhượng choViệt minh, mặc dầu trên nguyên tắc chỉ có tính cách tạm thời nhưng nó cũng sẽ gây ra
ảnh hưởng tương tự như ở Đức, Áo và Triều Tiên. Việc chia cắt đó không mang lại hoà bình tìm kiếm bởi vì
nó làm tổn thương đến tinh thần quốc gia của dân tộc và sẽ gây nên những sự náo loạn trên khắp lãnh thổ có
thể đe doạ nền hoà bình đã đạt được một cách đắt giá.

Trước khi bàn đến thể thức chia cắt mà hậu quả sẽ tai hại cho dân tộc Việt nam và cho hoà bình
thế giới, phái đoàn Việt nam đề nghị một cuộc ngưng bắn không phân ranh và không chia cắt. Đề nghị của
phái đoàn là:

1) Giữ nguyên vị trí hiện tại.

2) Tập hợp quân lính trong những vùng càng nhỏ càng tốt.

3) giải giới những binh lính không chính quy.


4) Sau một thời gian sẽ được quyết định sau, giải giới quân độiViệt minh và triệt thoái dần quân
đội ngoại quốc.

5) Liên hiệp quốc kiểm soát:

a) việc ngưng bắn.

b) việc tập hợp quân lính.

c) việc giải giới và triệt thoái quân đội ngoại quốc

e) tổng tuyển cử sê được tổ chức khi nào LHQ nhận thấy trật tự và uy quyền đã được hoàn toàn tái
lập.

(…) Phái đoàn Việt nam quốc gia đề nghị một buổi họp nghiên cứu về đề nghị ngưng bắn không
chia cắt lãnh thổ. Hoà hợp đề nghị của mình với đề nghị của những nước khác, phái đoàn Việt nam (quốc
gia) mong góp phần hữu hiệu vào việc tìm kiếm một nền hoà bình thật sự và trường cửu hợp với nguyện
vọng của dân tộc Việt Nam”.

Trưa ngày 20-7-54, thấy tình hình khẩn cấp ngoại trưởng Trần Văn Đỗ lại gửi tới 8 phái đoàn một
bản tuyên ngôn theo đó Việt nam (quốc gia) không chấp thuận một làn ranh giới làm mất phần phía bắc lãnh
thổ. Tuyên ngôn này còn yêu cầu có những biện pháp bảo vệ dân chúng không cộng sản và đòi quyền nhập
cảng khí giới để bảo vệ lãnh thổ.

Tuyên ngôn như sau (trích):

“(…) Trong trường hợp ngưng bắn mà không chia cắt lãnh thổ không được chấp thuận, và với
mục đích không làm chậm trễ cuộc tìm kiếm một giải pháp khác cho hoà bình, phái đoàn Việt Nam long
trọng lưu ý các phái đoàn khác về những điểm sau đây:

Thoả hiệp ngưng bắn được coi như một văn kiện hoàn toàn quân sự do vị Chỉ huy trưởng hoặc đại
diện hai bên ký kết, chỉ liên quan tới bộ Chỉ huy tối cao Pháp và Việt minh. Thoả hiệp đó dẫn đến những hậu
quả có hại cho tương lai Việt nam. Những hậu quả đó là việc rời bỏ đất đai, dân cư và các công sở. Quyền
hạn mà Quốc trưởng Việt Nam đã ủy cho vị Chỉ huy trưởng Pháp khi trước không có nghĩa là Việt nam phải
chịu những hậu quả trầm trọng như vậy.

1) Về vấn đề làn phân ranh phái đoàn Việt nam (quốc gia) tiếc không thể đồng ý giải pháp chia
cắt, tức là bỏ choViệt minh tất cả miền BắcViệt nam là một phần đất có đông dân cư. Việc nhượng bỏ đó có
hậu quả là không còn khả năng chống lại sự bành trướng của cộng sản trên phương diện quân sự và chính trị.
Nước Việt nam không thể bỏ rơi những người công giáo đã tỏ ý chí chống lại chế độ cộng sản”.

2) Vì vậy Phái đoàn Việt nam (quốc gia) yêu cầu phải hết sức tìm những biện pháp hữu hiệu để
che chở dân chúng không bị đặt dưới một chế độ nô lệ chính trị và tinh thần, và tìm những phương tiện để di
chuyển những đám dân chúng đó đến vùng không cộng sản nếu họ có lời yêu cầu.

3) Về quyền tổ chức sự tự vệ Việt nam, sự cấm đoán nhập cảng khí giới vào Việt nam sau đình
chiến chỉ làm lợi cho Việt minh vì không thể nào kiểm soát được họ nhập khí giới qua vùng biên giới rộng
lớn Hoa Việt. Trái lại việc cấm đoán đó sẽ làm nguy hại cho Việt nam chỉ trông mong vào đoàn quân viễn
chinh Pháp mà chính phủ Pháp lại tuyên bố sẵn sàng triệt thoái sớm.
Vi những lẽ trên, nước Việt nam không thể nào chấp nhận được việc chia cắt một phần quan trọng
lãnh thổ và dân cư của mình mà lại còn mất quyền tổ chức việc quốc phòng phù hợp với một nước độc lập và
có chủ quyền”.

Lời phản kháng và đề nghị của đại diện Việt nam (quốc gia) không được Hội nghị bàn cãi tới và
đến tối ngày hôm 20 rạng ngày 21-7-54, vào hồi 1 giờ sáng, thì một thoả hiệp ngưng bắn được ký kết giữa
đại tá Tạ Quang Bửu thay mặt Võ Nguyên Giáp và tướng Deltheil thay mặt tướng Ély, Cao ủy Pháp tại Đông
Dương.

Lễ ký kết diễn ra trong 7 phút đồng hồ tại một gian phòng nhỏ cạnh phòng Hội đồng, chung
quanh một cái bàn kính hình bầu dục trên có đặt một quả địa cầu tiêu biểu cho Liên hiệp quốc.

Hiện diện có đại sứ Jean Chauvel đại diện nước Pháp, đại tá Gilbert Monkton đại diện nước Anh,
trung tá John Devan đại diện Hoa Kỳ, 20 nhà nhiếp ảnh và quay phim, 30 ký giả. Đại diện Việt Nam (quốc
gia) không tham dự. Đại diện Pháp, tướng Deltheil ký trước, tiếp theo là đại diện Việt minh Tạ Quang Bửu.

Không có một bài diễn văn nào được đọc trước hay sau buổi lễ, không một cái bắt tay nào giữa
Deltheil và Tạ Quang Bửu.
Báo Le Journal d'Extrême Orient, xuất bản tại Saigon ngày 21 Juillet 1954 (Collection privée de
TV, Paris)

Báo Tia Sáng, xuất bản tại Hà Nội ngày 21-7-1954 (Collection privée de TV, Paris)
THOẢ HIỆP NGƯNG BẮN

Thoả hiệp ngưng bắn gồm 6 chương, tóm tắt như sau:

Chương 1. Đường phân ranh.

Đường phân ranh được ấn định theo sông Bến Hải, cách phía bắc quốc lộ số 9 chừng 20 cây số,
nằm trên vĩ tuyến 17. Lực lượng của hai phe đối chiến đã tập trung ở hai bên đường phân ranh này.

Có một khu vực tập hợp tại miền Bắc và nhiều khu vực ở miền Nam (3 hoặc 4 khu vực chính).
Các quân lực tập hợp trong các khu vực đó sẽ được triệt thoái dần trong thời hạn tối đa là 30 ngày. Sau đó cả
hai miền sẽ được đồng nhất.

Chương hai.

Chương hai liên hệ đến các thể thức ngưng bắn và vấn đề chuyển giao quyền hành chính dân sự.

Khoản 2 nói rõ rằng sẽ không có một cuộc trả thù nào đối với nhửng người hay những tổ chức có
hoạt động đối lập trong thời kỳ chiến đấu. Trong khoảng thời gian từ lúc thực thi thoả hiệp đến lúc quân đội
triệt thoái hết, mọi người đều được phép rời bỏ khu vực này sang khu vực khác. Cả hai phe sẽ không chấp
nhận một sự phá hoại hay xâm phạm đến tính mạng của bất cứ cá nhân nào.

Chương 3. Chương 3 đề cập đến việc cấm đem thêm quân đội, chiến cụ vào, cấm không được
thành lập các căn cứ quân sự mới, cấm nhượng các căn cứ cho ngoại quốc kể từ khi thi hành thoả hiệp.

Chương 4. Chương 4 liên quan tới các tù binh và thường dân bị giam giữ, thời hạn phóng thích.

Chương 5. Chương 5 liên quan đến những thể thức riêng.

Chương 6. Chương 6 nhằm vào việc kiểm soát và các điều khoản liên quan đến các Uỷ ban kiểm
soát quốc tế và hỗn hợp.

Cuộc ngưng bắn sẽ thi hành bắt đầu từ ngày 27-7-54 cho Bắc Việt, từ ngày 1-8-54 cho Trung Việt,
từ ngày 7-8-54 cho Nam Việt, từ ngày 6-8 và 7-8-54 cho Ai Lao và Cao Miên.

Ngày hôm sau, 21-7-54, trong buổi họp khoáng đại bế mạc Hội nghị Genève, một bản Tuyên
ngôn chung của các phái đoàn được tuyên bố. Bản Tuyên ngôn này không mang chữ ký của một phái đoàn
nào nhưng được sự thoả thuận của các phái đoàn Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ai Lao, Cao Miên và Việt
minh.

Phái đoàn Việt nam (quốc gia) và phái đoàn Hoa Kỳ không chấp thuận, vì vậy mà người ta nói là
Việt nam và Mỹ không ký thoả hiệp Genève, thực sự thì không có thoả hiệp viết trên giấy tờ và cũng không
có chữ ký nào của các phái đoàn phó hội.

Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ của phái đoàn Việt Nam (quốc gia) một lần nữa lại phản đối việc Hội
nghị không lưu ý những đề nghị của Việt Nam (quốc gia) là:

- Ngưng bắn mà không chia cắt lãnh thổ Việt Nam.

- Phi-quân-sự hoá và trung-lập-hoá các giáo sứ ở vùng đồng bằng Bắc Việt.

- Phản đối việc ký kết hấp tấp thoả hiệp ngưng bắn với những điều kiện đe doạ tương lai của Việt
Nam. Đại biểu Việt Nam (quốc gia) trách vị Chỉ huy trưởng Pháp ở Đông Dương, tướng Ély, đã lạm quyền
mà Quốc trưởng Việt nam trao cho để chỉ huy Quân lực Việt Nam, Ély đã ký kết với Việt minh những điều
thất lợi cho Việt Nam mà không có sự thoả thuận trước của chính phủ Việt Nam.

Đại biểu Mỹ, tướng Bedell Smith tuyên bố Mỹ ghi nhận sự thông tri các Hiệp ước ngưng bắn và
bản Tuyên ngôn chung, nhưng Mỹ không bị ràng buộc bởi những văn kiện đó. Mỹ sẽ không dùng sự đe doạ
để đòi thay đổi những điều khoản trong các văn kiện đó. Chính phủ Mỹ cho rằng những sự vi phạm các thoả
hiệp đó là một điều trầm trọng có tính cách đe doạ thực sự nền hoà bình và an ninh thế giới. Đối với thái độ
của chính phủ Việt nam (quốc gia) Mỹ tái xác nhận tôn trọng quyền tự quyết của mọi dân tộc, quyền từ chối
tham dự mọi hiệp ước trái với quyền định đoạt tương lai của họ.

Bản Tuyên Ngôn Chung

Bản Tuyên Ngôn Chung đề ngày 21-7-54 của các phái đoàn dự Hội nghị Genève về thoả hiệp
ngưng bắn

1- Hội nghị ghi nhận những thoả hiệp chấm dứt chiến sự ở Cao Miên, Ai Lao và Việt Nam. Sẽ tổ
chức việc quốc tế kiểm soát và giám thị sự thi hành những điều khoản trong đó.

2- Hội nghị vui mừng thấy chiến sự được chấm dứt ở Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao. Hội nghị tin
tưởng rằng việc thi hành những điều khoản ghi trong bản Tuyên ngôn chung này và trong những Thoả hiệp
ngưng chiến sẽ cho phép ba nước liên hệ từ nay trở đi có thể đảm nhiệm được vai tuồng của họ một cách
hoàn toàn độc lập và tự chủ trong Cộng đồng Hoà bình thế giới.

3- Hội nghị ghi nhận những lời tuyên bố của các chính phủ Cao Miên và Ai Lao và ý chí chấp
nhận những biện pháp cho phép tất cả các công dân được dự phần vào cộng đồng quốc gia, nhất là tham gia
các cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ diễn ra trong năm 1955, theo thể thức bỏ phiếu kín và với sự tôn trọng
những tự do căn bản, đúng như hiến pháp của các nước ấy đã định.

4 - Hội nghị ghi nhận những điều khoản trong thoả hiệp ngưng chiến ở Việt Nam ngăn cản sự gia
nhập quân đội hay khí giới đạn dược từ ngoại quốc tới. Hội nghị cũng ghi nhận những lời tuyên bố của các
chính phủ Ai Lao và Cao miên về quyết định của họ, chỉ yêu cầu ngoại quốc viện trợ quân sự hay huấn luyện
viên khi nào xét cần cho việc phòng thủ hữu hiệu nước họ mà thôi, và riêng về phần Ai Lao, trong các giới
hạn được ấn định trong thoả hiệp ngưng bắn liên quan đến họ.

5 - Hội nghị ghi nhận những điều khoản ngưng chiến ở Việt Nam theo đó không một căn cứ quân
sự nào của ngoại quốc có thể được thiết lập trong những khu vực tập hợp của hai phe và cả hai bên phải giữ
sao cho những khu vực tập hợp dành cho họ không thuộc một liên minh quân sự nào và không bị sử dụng để
mở lại chiến tranh hoặc dùng để làm nơi hoạt động cho một chính sách gây hấn.

Hội nghị cũng ghi nhận những lời tuyên bố của các chính phủ Ai Lao và Cao Miên theo đó những
nước này sẽ không tham gia một hiệp ước nào với các quốc gia khác, nếu hiệp ước gồm điều kiện phải tham
gia một Liên minh quân sự không thích hợp với những nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc, hay, về
phần Ai Lao, không phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định về ngừng chiến ở Ai Lao, hoặc là đặt các căn
cứ quân sự của các cường quốc trên lãnh thổ Ai Lao, Cao Miên khi mà nền an ninh của họ không bị đe doạ.
6 - Hội nghị nhận thấy rằng Hoà ước liên quan tới Việt Nam có mục đích cốt yếu để giải quyết
những vấn đề quân sự hầu chấm dứt chiến tranh và đường phân ranh quân sự là một đường ranh tạm thời
không thể nào được coi như một ranh giới chính trị hay lãnh thổ.

Hội nghị tỏ ý tin tưởng rằng việc thi hành những điều khoản của Thoả hiệp ngưng chiến sẽ tạo
nên những tiêu đề cần thiết để thực hiện việc giải quyết chính trị cho Việt Nam trong một tương lai gần đây.

7 - Hội nghị tuyên bố rằng, đối với Việt Nam, sự giải quyết những vấn đề chính trị trên căn bản
tôn trọng những nguyên tắc độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ làm cho dân tộc Việt Nam được
hưởng những tự do căn bản do các cơ cấu dân chủ bảo đảm, các cơ cấu này sẽ được thành lập sau cuộc Tổng
tuyển cử tự do với sự bỏ thăm kín.

Sau khi sự vãn hồi hoà bình đã có những tiến bộ khả quan và tất cả những điều kiện cần thiết đã
được đầy đủ để nguyện vọng quốc gia có thể được tự do phát biểu, những cuộc Tổng tuyển cử sẽ được khai
diễn trong tháng 7 năm 1956 dưới sự kiểm soát của một Uỷ ban quốc tế gồm có đại diện những quốc gia hội
viên Uỷ hội quốc tế kiểm soát dự liệu trong Thoả hiệp ngưng chiến.Về vấn đề này sẽ có những cuộc trao đổi
ý kiến giữa các nhà cầm quyền của hai miền kể từ ngày 20-7-1955.

8 - Những điều khoản trong Thoả hiệp ngưng chiến nhằm bảo đảm sự bảo vệ cá nhân và tài sản
phải được áp dụng một cách triệt để để cho mọi người ở Việt Nam được tự do chọn lựa nơi muốn cư ngụ.

9 - Các nhà cầm quyền ở hai khu vực Nam và Bắc Việt Nam cũng như ở Ai Lao và Cao Miên đều
không được chấp nhận sự trả thù cá nhân hay trả thù tập thể đối với những người hay thân nhân của những
người đã hợp tác với một trong hai phe trong thời kỳ chiến tranh, dưới bất cứ một hình thức nào,.

10- Hội nghị ghi nhận bản tuyên ngôn của chính phủ Cộng hoà Pháp theo đó Pháp sẵn sàng rút
quân khỏi các lãnh thổ Cao Miên, Ai Lao và Việt Nam theo lời yêu cầu của các chính phủ liên hệ và trong
những thời hạn sẽ được ấn định do sự thoả thuận của các phe, ngoại trừ trường hợp mà các phe đồng ý giữ
lại một số quân lính Pháp tại những địa điểm và trong một thời gian được ấn định sau.

11 - Hội nghị ghi nhận lời tuyên bố của Pháp là sẽ dựa vào sự tôn trọng nền độc lập và chủ quyền
cùng sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của các nước Cao Miên, Ai Lao và Việt Nam để giải quyết tất cả các
vấn đề liên quan đến sự tái lập và tăng cường hoà bình tại các nơi đó.

12 - Trong sự bang giao với Cao Miên, Ai Lao và Việt Nam, các nước tham dự hội nghị Genève
cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ và tránh mọi sự can thiệp vào nội bộ
của các nước đó.

13 - Những nước dự Hội nghị thoả thuận sẽ tham hỏi ý kiến nhau về mọi vấn đề đo Uỷ hội quốc
tế kiểm soát chuyển đạt để nghiên cứu những biện pháp cần thiết bảo đảm sự tôn trọng những thoả hiệp
ngưng chiến ở Cao Miên, Ai Lao và Việt Nam. (Hết)

Sau khi Thoả hiệp ngưng chiến được ký kết, mọi người tại Pháp đều thở phào nhẹ nhõm như vừa
cất được gánh nặng, Thoả hiệp Genève được coi như là một thành công rực rỡ.

Ngày 22-7-54, thủ tướng Mendès France đáp máy bay về Paris, được đón tiếp nồng nhiệt giữa
những tiếng hoan hô vang dậy của toàn thể thành phần chính phủ đi cùng với gia đình của họ đến phi trường
đón tiếp đông đảo.
Tại Quốc hội, Mendès France được chủ tịch Le Trocquer hết sức ca ngợi về kỳ công làm chấm
dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Mendès France lên diễn đàn hãnh diện nhắc đến lời hứa trước Quốc hội một tháng trước mà ông
ta đã thực hiện được.

“Tôi đã kết thúc được thoả hiệp đình chiến Đông Dương đúng như thời hạn tiên liệu… Vài ngày
nữa máu sẽ ngưng chảy và thế là dứt cơn ác mộng”.

***

Khrusev và Chu Ân Lai phát giác về thực lực của Việt minh hồi 1954(1)

Về sau, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nga sô, Nikita Khrusev, đã viết như sau về Hội nghị Genève,
trong tập hồi ký Khrusev Souvenirs, (bản dịch Pháp ngữ, édition Robert Laffont, 1971)

(…) Hồi đó chúng tôi (Nga sô) còn có những mối giao hảo tốt đẹp với đảng cộng sản Trung quốc.
Một cuộc họp sơ thảo trước ngày họp Hội nghị ở Genève đã được tổ chức ở Moscou. Chu Ân Lai đại diện
Trung quốc, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đại diện Việt Nam. Chúng tôi xét duyệt tình hình Việt Nam để
quyết định, tuỳ thế yếu mạnh của Việt nam, một thái độ chung ở Genève. Tình hình VN thật là trầm trọng.
Phong trào kháng chiến Việt Nam lúc bấy giờ sắp bị sụp đổ. Những người kháng chiến hy vọng Hội nghị
Genève mang lại một cuộc ngưng bắn để họ có thể giữ những phần đất đã chiếm được trong cuộc chiến đấu
chống Pháp. Pháp chiếm đóng Hà nội. Trên bản đồ ghi những đề nghị để giải quyết chiến sự, chúng tôi thấy
những phần đất Pháp chiếm đã ăn sâu vào lãnh thổ.

Sau một buổi họp tại Moscou, trong phòng Catherine, điện Kremlin, Chu Ân Lai kéo tôi
(Khrusev) bước ra xa để nói riêng với tôi rằng:

“Đồng chí Hồ Chí Minh nói với tôi (Chu Ân Lai) là tình hình ở Việt Nam đã thất vọng, nếu chúng
ta không đòi được ngưng bắn thì Việt Nam không còn có thể kháng cự chống Pháp lâu dài được nữa. Vì vậy
họ (Việt minh) định rút về phía biên giới Hoa Việt khi cần thiết và họ mong chúng tôi sẵn sàng mang quân
sang Việt Nam như khi trước chúng tôi đã mang quân sang Bắc Triều Tiên. Nói rõ là họ muốn chúng tôi giúp
họ đánh đuổi Pháp. Nhưng chúng tôi không thể nào thoả mãn lời yêu cầu ấy của đồng chí Hồ Chí Minh
được. Chúng tôi đã phải trả giá rất đắt chiến tranh ở Triều Tiên, chúng tôi đã thiệt hại nhiều sinh mạng ở
đó.Trong tình trạng hiện nay, chúng tôi không thể nào bước chân vào một cuộc xung đột mới nào nữa”.

Tôi (Khrusev) cũng có một lời yêu cầu với đồng chí Chu Ân Lai. Tôi nói: Cuộc chiến đấu hiện tại
quan hệ bực nhất, người Việt nam đã chiến đấu giỏi, người Pháp đã thiệt hại nhiều. Đồng chí không có lý nào
từ chối không giúp đỡ quân của đồng chí Hồ Chí Minh nếu họ phải rút về phía biên giới Hoa Việt. Trái lại
đồng chí hãy làm cho họ tin tưởng rằng đồng chí lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ khi nào họ cần tới, như thế
sẽ làm cho họ tăng tinh thần trong cuộc chiến đấu chống Pháp.

Chu Ân Lai đồng ý không nói cho đồng chí Hồ Chí Minh biết là Trung quốc không muốn tham dự
vào cuộc chiến chống Pháp trên lãnh thổ Việt nam.

Rồi một phép lạ đã xảy ra.


Trong khi đại biểu các nước tới Genève phó hội thì Việt minh thắng một trận lớn tại Điện Biên
Phủ.

Ngay từ phiên họp đầu, thủ tướng chính phủ Pháp, Mendès France, đã đề nghị ngay rút quân
xuống dưới vĩ tuyến 17. Thú thật rằng, khi hay tin đó chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên và sung sướng hết
sức. Chúng tôi chẳng bao giờ hi vọng được đến như thế.

Việc rút quân xuống dưới vĩ tuyến 17 là điều căn bản chúng tôi lợi dụng tối đa để đòi hỏi trong
cuộc điều đình. Chúng tôi đã chỉ thị cho các nhà đại diện ngoại giao của chúng tôi phải cứng rắn nêu lên việc
đó. Sau vài lần mặc cả, chúng tôi chấp thuận đề nghị của Mendès France, thế là Thoả hiệp được ký kết.
Chúng tôi đã củng cố được những thắng lợi của những người cộng sản Việt Nam.(…)

Nguyên văn chữ Pháp đoạn này:

Khrusev: (…) A l'époque, nous avions encore de bonnes relations avec le parti communiste
chinois. La Conférence de Genève fut précédée par une réunion préparatoire à Moscou. La Chine y était
présentée par Chou En Lai, le Vietnam par Ho chi Minh et par le Premier ministre Pham van Dong. Nous
arrêtâmes la position qui serait la nôtre à Genève compte tenu de la position au Vietnam. Cette situation était
grave. Le mouvement de résistance au Vietnam, était à la veille de s'effondrer. Les résistants espéraient que
la Conférence de Genève aboutirait à un cessez-le-feu qui leur permettrait de garder les positions acquises
par le peuple vietnamien dans sa lutte contre l'occupant français. Les Français tenaient Hanoi. Sur la carte
figurant nos propositions de règlement on voyait des enclaves correspondant aux positions enlevées et
occupées par les Français.

A l'issue d'une de ces séances dans la salle Catherine, au Kremlin, Chou En Lai me tira par la
manche pour m'entrainer à l'écart. Il dit: “Le camarade Ho chi Minh m'a dit que la situation au Vietnam est
désespérée, et que si nous n'obtenons pas un cessez-le-feu, les Vietnamiens ne pourront pas résister plus
longtemps aux Français (1).

En conséquence, ils ont décidé de battre en retraite jusqu'à la frontière chinoise, si cela devient
nécessaire, et ils veulent que la Chine se tienne prête à envoyer des troupes au Vietnam, comme elle a déjà
fait pour la Corée du Nord. Autrement dit, les Vietnamiens veulent que nous les aidions à chasser les
Français. Or, il nous est parfaitement impossible d'accéder à cette demande du camarade Ho chi Minh. Nous
avons déjà perdu trop d'hommes en Corée où la guerre nous a couté cocoutéccccccté très chère. Nous ne
pouvons pas dans la situation présente, nous lancer dans un nouveau conflit.

Je fis à mon tour une requête au camarade Chou En Lai: “La lutte qui se déroule en ce moment est
de première importance, dis-je, et les Vietnamiens se battent bien. Les Français subissent de lourdes pertes.
Vous n'avez aucune raison de dire à Ho chi Minh que vous lui refuserez votre aide si ses troupes doivent
reculer jusqu'à la frontière chinoise. Au contraire, laissez les croire que vous êtes prêts à le soutenir en cas de
besoin et cette idée permettrait aux Vietnamiens de redoubler d'énergie dans leur résistance contre les
Français”. Chou En Lai lui accepta de ne pas dire au camarade Ho Chi Minh que son pays ne voulait pas
entrer dans la guerre contre les Français en territoire vietnamien.

Puis le miracle eut lieu.


Au moment où les délégations arrivaient à Genève, les résistants vietnamiens remportaient une
grande victoire en s'emparant de la place forte Dien Bien Phu. Dès la première session de la conférence,
Pierre Mendès France, alors Chef du gouvernement français proposa de ramener les troupes de son pays en
deçà du 17è parallèle. J'avoue que la nouvelle, quand elle nous parvint, nous laissa bouche bée de
stupéfaction et de plaisir. Nous n'avions rien espéré de tel. Le retrait en deçà du 17è parallèle était en fait la
revendication maximum à partir de laquelle nous comptions négocier. Nous avons donné consigne à nos
diplomates d'en faire état dans le seul but d'affirmer d'entrée de jeu une position dure. Après quelques
discussions nous acceptâmes l'offre de Mendès France, et le traité fut signé. Nous avions réussi à consolider
les conquêtes des communistes vietnamiens.

“Khrusev Souvenirs” (Traduction en langue française, Edition Robert Laffont, 1971, pages 456-
457).

(1) Note de l'éditeur: Tout le monde, à l'Ouest, ignorait que la situation des Vietnamiens fut aussi
désespérée. (Chú thích của nhà xuất bản: Tất cả mọi người Âu tây đều không biết tình hình của Việt minh đã
thất vọng đến như thế).

***

Tại Hà nội, trước khi thoả hiệp ngưng bắn được ký kết, những tin tức về Hội nghị Genève đã làm
dân chúng hoang mang hết sức. Các cuộc biểu tình chống đối việc chia đôi đất nước, các kiến nghị phản đối,
được gửi đi khắp nơi trong và ngoài nước.

Ngày 11-7-1954, Uỷ ban Bảo vệ Bắc Việt được thành lập với Hoàng cơ Bình làm chủ tịch, Trần
trung Dung, Uỷ viên chính trị, thiếu tướng Nguyễn Văn Vận, Uỷ viên quân sự, với mục đích trấn tĩnh nhân
dân, tổ chức các lực luợng chính trị và chau dồi lực lượng quân sự”.

Trong cuộc họp báo ngày 16-7-54, chủ tịch Hoàng cơ Bình tuyên bố hài lòng vì, bằng những biểu
ngữ, những nhật lệnh ban bố, những cuộc thăm viếng khắp nơi, Uỷ ban đã gây được một niềm tin tưởng
trong dân chúng và tình trạng hoang mang lúc đầu đã tiêu tan.

Về mục tiêu chính trị thì “Uỷ ban đã gửi thông tư đi các công sở để xúc tiến việc chính trị hoá các
công chức (…) Các công chức ít nhất phải biết hát bài Quốc ca và học thêm những bài ca hùng dũng.Về mục
tiêu chau dồi lực lượng quân sự, sẽ đi đến thống nhất chỉ huy. Các lực lượng Quân đội quốc gia, Bảo chính
đoàn, Địa phương quân sẽ đặt dưới quyền Uỷ ban (…). Những lực lượng cảnh binh sẽ được quân sự hoá”.

“(…) Chương trình này là một chương trình đại quy mô, ít ra phải 6 tháng mới hoàn thành, Hà nội
sẽ được bảo vệ và nhất định được bảo vệ. Có thể tình thế ở Genève đưa đến cuộc ngưng bắn nhưng chính
phủ quốc gia không nhìn nhận sự kiện đó.

Về binh bị, chúng ta không yếu, về chính trị chúng ta tin tưởng ở vị lãnh đạo.

Dù sao với năng lực làm việc, với tổ chức lực lượng sẵn có, chúng ta có thể cầm chắc vận mệnh
trong tay (…)

Hướng về phía các phóng viên ngoại quốc, chủ tịch Hoàng cơ Bình yêu cầu các báo ngoại quốc
hãy: “tỏ cho các thủ đô dân chủ biết rằng dân thủ đô Hà nội quyết giữ vững tự do của họ (…)
Để bảo vệ Hà nội, Uỹ ban thành lập Trung đoàn Thủ đô gồm các lực lượng nội ngoại thành Hà nội
và Gia Lâm. Các Thanh niên Bảo vệ đoàn, Phụ nữ quốc gia đoàn, thiếu nữ quốc gia đoàn, các Uỷ ban bảo vệ
Tỉnh, Thị xã và Khu phố được lệnh thành lập. Uỷ ban ra lệnh cấm dân chúng từ 18 đến 50 tuổi không được
phép ra khỏi BắcViệt nếu không có giấy phép của Uỷ ban.

Ngày 21-7-1954, tin Ngưng bắn và Tản cư khỏi Bắc việt được truyền đi nhanh chóng. Dân chúng
thẫn thờ, lo ngại.

Quân đội Pháp được lệnh sửa soạn rút khỏi Hà Nội trong 80 ngày, khỏi Hải Dương trong 100
ngày và khỏi Hải Phòng trong 300 ngày.

Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ từ Genève đánh điện về xin từ chức, sau khi tức tưởi tuyên bố với các
báo chí như sau:

Phái đoàn Việt Nam đã không hay biết một tý gì về thoả hiệp ngưng chiến. Từ khi đến Genève,
phái đoàn không bao gìờ được hỏi ý kiến về điều kiện đình chiến, đường phân ranh và thời hạn Tổng tuyển
cử.

Tất cả nhưng vấn đề đó đều được thào luận ngoài Hội nghị, thành ra phái đoàn Việt Nam không
làm thế nào bầy tỏ được quan niệm của mình (…)

Ngày 23-7-1954,Tổng Đại lý Pháp ở Hà Nội, Jacques Compain, họp báo nói về vấn đề tản cư dân
chúng khỏi Bắc việt. Chính phủ Pháp nhận đài thọ tất cả chi phí chuyên chở bằng máy bay hay bằng tàu thuỷ
cho bất cứ ai muốn di cư vào NamVìệt.

Uỷ ban Bảo vệ Bắc Việt trong nhật lệnh số 2 ngày 22-7-54 kêu gọi “binh sĩ “ hơn lúc nào hết phải
bình tĩnh, tôn trong kỷ luật, tránh hết những hành động sôi nổi có hại, sẽ làm khó khăn cho đường lối chính
trị của Chính phủ. Gia đình các bạn sẽ được tản cư để tạm lánh đất Bắc đang lâm vào tình thế hiểm nghèo.
Đó chỉ là một tiên liệu khôn ngoan, chứ không có nghĩa là thoái triệt (…)

Ngày 22-7-54, thủ tướng chính phủ, ông Ngô đình Diệm từ Sài gòn công bố bản Tuyên ngôn:

“Một cuộc ngưng bắn ngoài chúng ta đặt vào cộng sản miền bắc nước Việt nam và hơn 4 tỉnh
Trung việt.

Để chống lại sự bất công đó, Chính phủ Quốc gia Việt nam, vừa được thành lập ngót hai tuần lễ
nay, đã vô cùng long trọng phản kháng, mặc dù chính phủ rất yêu chuộng hoà bình. Phái đoàn của chúng ta
tại Hội nghị Genève đã không ký tên dưới thoả ước đó vì chúng ta không có thể thừa nhận sự chiếm đoạt của
nước Trung hoa Xô-viết hoá do sự lừa dối của nước chư hầu Việt minh, quá nửa phần lảnh thổ quốc gia Việt
Nam. Chúng ta không thể ký nhận việc nô lệ hoá hàng mấy triệu đồng bào trung thành vời lý tưởng quốc gia
(…).

Đối với Việt nam đã bị khốc liệt đặt trước một việc đã rồi, thử chống lại bằng lối bạo động chỉ có
thể xô đẩy chúng ta vào một thảm hoạ và huỷ hoại mọi sự may mắn xây lại một ngày kia một nước tự do từ
Nam chí Bắc Việt nam.

Đồng bào!
Mặc dầu nỗi đau đớn, mặc dầu nỗi phẫn uất của chúng ta, chúng ta hãy bình tĩnh và đoàn kết để
tiếp đón các đồng bào tỵ nạn và lau khô dòng lệ của họ, trong khi bắt tay ngay vào việc tranh đấu hoà bình
và khó khăn, cuộc tranh đấu cuối cùng phải giải phóng đất nước của chúng ta khỏi mọi thống trị của ngoại
quốc dù dưới hình thức nào, cùng mọi sự áp bức”.

Ngày 28-4-0954, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Bắc việt lên tiếng hiệu triệu dân chúng di cư vào Nam

“(…) Đồng bào phải nhất quyết ra đi. Ở lại trong một thời gian không xa, đồng bào sẽ khốn khổ
về tinh thần cũng như về vật chất (…)

Một kế hoạch di cư được đặt ra và một Uỷ ban di cư được thành lập.

Toà Thị chính Hà nội đặt 10 địa điểm tại: nhà Vạn Bảo, nhà Thủy Tạ, trường Đỗ hữu Vị, trường
Thanh Quan v.v… để dân chúng đến ghi tên di cư. Trong hai ngày đầu (27 và 28-7-54), 60 ngàn người đã
đến ghi tên vào Nam, đến ngày 31-7-54 thì con số người ghi tên lên đến 12.268 người.

Ngày 27-7-54, thủ tướng Ngô đình Diệm đánh điện xin từ chức, nhưng quốc trưởng Bảo Đại yêu
cầu ông ở lại chức vụ.

Ngày 30-7-54, thủ tướng Ngô đình Diệm hiệu triệu dân chúng Bắc Việt và Bắc Trung Việt di cư
vào vùng tự do.

Ngày 5-8-1954 cầu hàng không Hà nội - Sài gòn bắt đầu hoạt động đại quy mô, mỗi ngày chở
1.500 người vào Nam. Số người di cư bằng đường thủy hàng ngày cũng tương đương con số đó.

Cuộc di cư khổng lồ tiếp diễn trong gần 10 tháng, một triệu người dân Bắc Việt bỏ cửa nhà làng
mạc di chuyển vào miền Nam để tránh nạn cộng sản.

***

Chiến tranh Pháp Việt khởi sự 8 năm trước chấm dứt.

Đó cũng là sự thất bại của một chiến lược.

Trong thờì gian 9 năm, các chính phủ Pháp khác nhau đã kế tiếp cử nhiều danh tướng sang Đông
Dương mà không gặt hái được kết quả mong muốn, trái lại đã làm mất Đông Dương. Tướng Raoul Salan viết
khi Hiệp định ngưng bắn được ký kết ở Genève: “Nous avons perdu l'Indochine, le plus beau fleuron de
l'empire”

(Tạm dịch: Chúng ta đã đánh mất Đông Dương, một thuộc địa đáng chú ý nhất của đế quốc Pháp),
viết trong tập “Mémoires: Fin d'un empire” (Hồi ký: Sự cáo chung của một đế quốc). Editions Presse de la
Cité 1971.

Sự thất bại ở Đông Duơng là khởi điểm cho sự tan rã đế quốc thuộc địa với những sự thiệt thòi
lớn lao cho nước Pháp,

Một nửa nước Việt nam rơi vào tay cộng sản.

Dân chúng phải gánh chịu chế độ độc tài, chủ nghĩa vật chất tam vô do bọn Việt minh nhập từ
Nga sô vào áp đặt lên đầu dân tộc. Dân chúng Việt nam phải gánh chịu những thống khổ, những đau đớn vật
chất và tinh thần, đau đớn đến tận cùng của tâm linh, những tàn phá huỷ hoại tận gốc nền văn hoá xã hội cổ
truyền Việt nam, cắt đứt những sợi dây thiêng liêng của nền đạo lý dân tộc, của tình nghĩa vợ chồng, cha con,
anh em, họ hàng thân thích, của giao thiệp giữa người với người. Chế độ vô nhân, vô luân cộng sản đạp đổ
nền tảng gia đình, phá huỷ nền tảng xã hội, và 20 năm sau, năm 1975, cộng sản áp đặt chế độ vật chất đó trên
toàn cõi Việt nam.

Trong lịch sử loài người, chẳng có một chế độ nào, chẳng có một chính quyền nào cai trị vĩnh
viễn một đất nước.

Chế độ cộng sản Việt minh cũng không thoát khỏi thông lệ đó. Chúng cai trị bằng chính sách cảnh
sát công an nên toàn dân oán thán, chẳng chóng thì chày thế nào cũng bị lật đổ để thay thế bằng một chế độ
dân chủ, nhân quyền, dân quyền, hoặc cũng do nội bộ chúng tranh giành quyền lợi, tự phá hoại, tự giày xéo
giết hại lẫn nhau đến tan vỡ.

Ngày ấy cũng chẳng bao xa!

Gương đảng cộng sản Nga sô còn kia!

Nước Việt Nam ngàn đời không bao giờ tha thứ, không bao giờ quên được mối hận cộng sản này!

(Hết)

Nội dung Hiệp ước Genève về Việt Nam (Bản dịch)

1. Đường phân ranh và khu giải giới

Điều 1. Một đường phân ranh quân sự tạm thời sẽ được ấn định. Quân đội hai bên sẽ theo đường
phân ranh đó mà tập hợp sau khi rút quân: quân đội Việt minh đóng ở phiá bắc đường phân ranh, quân đội
Liên hiệp Pháp đóng ở phía nam.

Theo các điều khoản ghi trong Bản Phụ Lục kèm theo Hiệp ước, đường phân ranh quân sự tạm
thời được ấn định rõ rệt như sau:

Đường phân ranh quân sự tạm thời: từ phía đông sang phía tây, lấy vàm sông Bến Hải làm đường
phân ranh. Sông Bến Hải tức là sông Cửa Tùng. Giòng sông này mang tên là sông Bao Thanh khi chảy qua
vùng núi, đến tận làng Bo-ho-Su, kế đó đi song song với làng Bo-ho-su cho đến biên giới Lào Việt.

Khu giải giới: hai bên đương sự sẽ thiết lập một khu giải giới.

Khu trái độn: Hai bên đường phân ranh, một khoảng tối đa là 5 cây số, dùng làm khu trái độn,
tránh mọi vụ đụng chạm có thể gây ra tái chiến.

Điều 2- Thời hạn cần thiết để thực hiện việc chuyển quân của hai bên tới các khu vực tập hợp ở
hai bên đường phân ranh quân sự tạm thời sẽ không quá ba trăm ngày kể từ ngày Hiệp ước bắt đầu thi hành.

Điều 3 - Trong trường hợp mà đường phân ranh quân sự tạm thời trùng với một con sông thì
ngành hàng giang dân sự của hai bên đều được đi lại trên đường sông đó.

Điều 4 - Làn phân ranh quân sự tạm thời giữa hai khu vực tập hợp được kéo dài ra hải phận bằng
một đường thẳng từ bờ biển tới ngoài khơi.
Quân đội Liên hiệp Pháp hiện đang đóng trên tất cả các đảo dọc bờ biển ở phía bắc đường phân
ranh này phải triệt thoái, cũng như quân đội Việt minh phải triệt thoái khỏi tất cả các đảo ở phía nam đường
phân ranh.

Điều 5 - Để tránh mọi sự rắc rối có thể gây ra tái chiến, toàn thể các lực lượng, quân nhu, quân
lương và quân cụ phải rút ra khỏi khu giải giới trong một kỳ hạn là hai mươi lăm ngày kể từ khi Hiệp ước
này bắt đầu được thi hành.

Điều 6 - Không một người nào, quân nhân hay thường dân, được vượt qua đường phân ranh quân
sự tạm thời nếu không được Uỷ ban Hỗn hợp cho phép.

Điều 7 - Không một người nào, quân nhân hay thường dân, được xâm nhập vào khu giải giới
ngoại trừ những người hữu trách về hành chính và về các Tổ chức cứu trợ hoặc những người đã được Uỷ hội
Hỗn hợp cho phép.

Điều 8 - Công việc hành chính và tổ chức cứu trợ trong vùng giải giới hai bên đường phân ranh
quân sự tạm thời, sẽ do bộ Tổng Tư lệnh của mỗi bên đảm nhiệm, bên nào trong khu vực của bên ấy.

Uỷ hội Hỗn hợp sẽ ấn định số lượng cảnh binh và việc võ trang cho các cảnh binh đó.

Điều 9 - Uỷ hội Hỗn hợp, các Nhóm Hỗn hợp của Uỷ hội, Uỷ hội Quốc tế và các Nhóm Thanh tra
của Uỷ hội Quốc tế đều được ra vào và đi lại tự do trong khu vực giải giới.

Chương II. Thể thức thi hành Hiệp ước

Điều 10 - Tư lệnh Lực lượng hai bên sẽ ra lệnh và kiểm soát việc đình chỉ cuộc chiến của tất cả
các lực lượng võ trang hải, lục, không quân đặt dưới quyền của họ.

Điều 11- Theo đúng nguyên tắc, cuộc chiến sẽ phải nhất tề đình chỉ cùng một lúc trên toàn thể
lãnh thổ Việt Nam, ở tất cả mọi khu chiến và đối với tất cả mọi lực lượng của hai bên.

Thể theo thời gian cần thiết để chuyển lệnh, lệnh ngưng chiến phải được thực hành hoàn toàn và
nhất tề cùng một lúc ở mỗi lãnh thổ, theo ngày giờ sau:

- Tại Bắc Việt: 8 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 27 juillet 1954 (27-7-1954)

- Tại Trung Việt: 8 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 1er Aoủt 1954 (1-8-54)

- Tại Nam Việt: 8 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 11 Aoủt 1954 (11-8-54)

Kể từ lúc thực hiện xong đình chiến ở Bắc Việt, hai bên cam kết sẽ:

- không phóng ra một cuộc hành quân đại quy mô nào trên toàn thể các chiến trường ở Đông
Dương,

- không điều động các không lực căn cứ ở Bắc Việt ra khỏi địa hạt đó.

- Hai bên cam kết sẽ thông báo cho nhau biết các kế hoạch chuyển quân từ một khu vực tập hợp
này sang khu vực tập hợp khác trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày Hiệp ước này bắt đầu được thi hành.

Điều 12 - Tất cả những cuộc hành quân và tất cả những cuộc chuyển quân phát xuất từ việc đình
chiến và từ việc thi hành sự tập hợp phải được tiến hành trong vòng trật tự và an ninh.
a) tháo gỡ mìn

b) trong thời gian từ lúc đình chiến đến lúc hoàn thành xong việc tập hợp của cả hai bên đường
phân ranh:

b1) các lực lượng của bên kia đương sự phải tạm thời triệt thoái khỏi các khu đóng quân tạm dành
cho bên này

b2) Khi các lực lượng của một bên đương sự rút lui bằng đường giao thông phải đi qua địa hạt
bên kia thì các lực luợng bên kia phải tạm thời rút lui cách mỗi bên đường giao thông đó 3 cây số, đồng thời
tránh gây trở ngại cho thường dân.

Điều 13 - Trong thời kỳ từ lúc ngưng chiến cho đến lúc hoàn thành cuộc chuyển dịch từ một khu
tập hợp này đến một khu tập hợp khác, các phi cơ dân sự và phi cơ vận tải phải bay dọc theo những hành
lang hàng không giữa các khu đóng quân tạm của quân đội Liên hiệp Pháp, ở một bên là phía bắc đường
phân ranh, một bên là biên cảnh Lào và khu tập hợp dành cho quân đội Pháp.

Biện pháp về chánh trị và hành chánh

Điều 14 - Dưới đây là những biện pháp về chính trị và hành chính trong hai khu tập hợp, bên này
và bên kia đường phân ranh quân sự tạm thời:

a) trong khi chờ đợi cuộc Tổng tuyển cử mang lại sự thống nhất cho VN, bên đương sự mà quân
đội tập hợp ở khu nào theo Hiệp ước quyết định, thì được đảm nhiệm việc hành chánh trong khu tập hợp đó.

b) khi theo chương trình tập hợp, có một lãnh thổ trực thuộc một bên phải chuyển giao cho bên
kia, thì bên đương sự đầu tiên vẫn đảm nhiệm việc hành chính cho đến ngày hoàn tất chuyển dịch khỏi lãnh
thổ để giao khu đó cho bên kia.

Kể từ ngày đó lãnh thổ đó được coi như đã chuyển giao cho bên kia và bên kia chịu lấy trách
nhiệm cai quản.

Nhiều biện pháp sẽ được hoạch định để tránh sự gián đoạn trong việc chuyển giao các trách
nhiệm. Về việc ấy, bên đương sự nào nhường trách nhiệm cho bên đối lập phải cho hay trước, bên đối lập
phải lo chuẩn bị những nhóm trông nom về hành chính và cảnh bị, để đảm nhận các trách nhiệm.

Các kỳ hạn về vấn đề này sẽ do Uỷ hội Quân sự tại Trung Giá ấn định. Cuộc chuyển giao trách
nhiệm sẽ xúc tiến liên tiếp trên từng phần lãnh thổ.

Việc chuyển giao quyền hành chính ở Hà nội và Hải Phòng cho đương cuộc của nước Việt Nam
dân chủ cộng hoà sẽ phải được hoàn tất đúng theo kỳ hạn đã ấn định cho hai thành phố đó trong điều 15 về
các cuộc chuyển giao quân sự.

Cấm trả thù

c) Mỗi bên đương sự cam kết không có hành động trả thù hay phân biệt nào đối với những cá
nhân hay những tổ chức đã hoạt động trong thời kỳ chiến tranh và cam kết đảm bảo các quyền tự do dân chủ
của họ

Chuyển dịch dân chúng


d) Trong giai đoạn từ lúc Hiệp ước này bắt đầu thi hành cho đến lúc cuộc chuyển dịch quân đội
được hoàn tất, trong trường hợp mà dân chúng ở một vùng dưới quyền kiểm soát của bên này muốn sang
sinh sống trong khu vực của bên kia, nhà cầm quyền trong vùng phải cho phép và giúp đỡ cuộc chuyển dịch
đó.

Tập hợp quân sự

Điều 15- Việc phân tách, triệt thoái và di chuyển quân đội, việc tiếp tế lương thực và quân dụng
phải thi hành theo những nguyên tắc sau đây:

Việc triệt thoái và di chuyển quân đội, việc tiếp tế lương thực và quân dụng của đôi bên phải hoàn
thành trong một thời hạn ba trăm ngày như đã ấn định ở điều khoản 2 trong Hiệp ước.

b) Việc triệt thoái phải được thi hành lần luợt trong mỗi lãnh thổ, từng khu vực, từng phân khu
hay từng tỉnh. Việc chuyển giao một khu vực tập hợp sẽ thi hành từng chặng mỗi tháng tuỳ theo quân số phải
di chuyển

c) Hai bên phải đảm bảo thi hành việc triệt thoái và di chuyển tất cả các lực lượng theo những
mục tiêu ấn định bởi Hiệp ước, không thừa nhận bất cứ hành vi thù nghịch nào có thể tạo ra trở ngại cho
những việc triệt thoái và di chuyển ấy.

Hai bên phải tận lực giúp đỡ lẫn nhau.

d) Hai bên không được chấp nhận bất cứ một sự hủy hoại nào hay phá hoại nào đối với tất cả tài
sản công cộng và không được xâm phạm đến tính mạng và tài sản của thường dân. Hai bên không được chấp
nhận bất cứ sự can thiệp nào vào nền hành chánh dân sự địa phương.

e) Uỷ hội Hỗn hợp và Uỷ hội Quốc tế canh chừng các biện pháp đảm bảo an ninh của những Lực
lượng trong lúc triệt thoái và di chuyển.

f) Uỷ hội Quân sự ở Trung Giá và Uỷ hội Hỗn hợp sẽ ấn định, với sự thoả thuận chung, những thể
thức cụ thể về việc phân tách các quân sĩ, sự triệt thoái và di chuyển quân đội, căn cứ vào những nguyên tắc
đã chỉ định ở trên và trong khuôn khổ ấn định sau đây:

1) Việc phân tách các quân sĩ gồm có:

2) -sự tập hợp tại chỗ những lực lượng võ trang bất cứ có tính cách nào,

3) những cuộc điều động để đi tới các khu vực tập hợp tạm thời chỉ định cho mỗi bên

4) những cuộc điều động triệt thoái tạm thời của mỗi bên phải chấm dứt trong một thời hạn không
vượt quá mười lăm ngày sau ngày thực hiện cuộc ngưng bắn.

Chương III. Cấm đưa viện binh vào lãnh thổ

Điều 16 - Ngay khi thi hành Hiệp ước này, cấm ngặt không được đưa vào Việt Nam viện binh và
nhân viên quân sự phụ trợ.

Chiểu theo những dự định kỹ thuật về việc thay quân, quân số các đơn vị thay thế không bao giờ
được nhiều hơn quân số tiểu đoàn hay quân số tương đương của không và hải quân. Việc thay thế sẽ cử hành
từng đơn vị một, những nơi quân chuyển qua sẽ được ấn định sau.
Uỷ hội Hỗn hợp và Uỷ hội Quốc tế phải được thông báo, trước khi khởi hành bất cứ cuộc điều
động nào, những cuộc điều động ấy sẽ do Uỷ hội Quốc tế kiểm soát, qua hoạt động của các đoàn thanh tra

Điều 17 - a) Ngay khi thi hành Hiệp ước này, cấm ngặt không được mang vào NamViệt bất cứ
viện binh nào, bất cứ thứ võ khí nào cùng là đạn dược và các thứ quân khí khác.

b) tuy nhiên quân dụng, võ khí và đạn dược đã bị huỷ hoại hay bị hư hao, cũ kỹ, sau khi chấm dứt
chiến tranh, có thể được thay thế bằng cùng số lượng, cùng kiểu và cùng đặc tính.

Chiểu theo những kỷ luật dự định về những nơi chuyển quân qua và những sự kiểm soát, thì
những kỷ luật dự định cũng tương tự như những dự định về sự thay thế quân đội.

Điều 18 - Ngay khi thi hành Hiệp ước này, cấm ngặt việc lập ra những căn cứ quân sự mới trên
toàn cõi Việt Nam.

Cấm không được dùng căn cứ ngoại quốc

Điều 19 - Ngay khi thi hành Hiệp ước này thì không một căn cứ quân sự của một nước ngoài nào
được thiết lập trong các khu tập hợp của hai bên.

Hai bên phải trông chừng để những khu tập hợp dành cho họ không được gia nhập vào bất cứ một
Liên minh quân sự nào và phải coi chừng các khu tập hợp đó không được dùng để làm nơi tập trận hay làm
căn cứ cho một chính sách xâm lăng.

Điều 20 - Các địa điểm cho quân đội thay thế đi qua và cho việc thay thế quân khí được ấn định
như sau:

- Khu phía Bắc con đường phân ranh tạm thời quân sự: Lào Kay, Lạng Sơn, Tiên Yên, Hải Phòng,
Vinh, Đồng Hới, Mường Sen

- Khu phía nam con đường phân ranh tạm thời quân sự: Tourane, Quy Nhơn, NhaTrang, Ba Ngòi,
Sài gòn, Cap Saint Jacques, Tân Châu.

Chương 4 Tù binh

Điều 21 - Cuộc phóng thích và hồi hương tất cả tù binh và thường dân do hai bên đương chiến
giam giữ trong lúc thi hành Hiệp ước này sẽ phải thi hành theo những điều kiện sau đây:

a) Tù binh và thường dân bị giam cầm, người Việt, người Pháp hay quốc tịch khác, bị bắt từ lúc
khởi chiến ở Việt Nam, trong các cuộc hành binh hay trong bất cứ trường hợp chiến tranh nào khác, trên
khắp lãnh thổ Việt Nam, sẽ được phóng thích trong một thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày thi hành thật sự
cuộc ngưng bắn trên mỗi chiến trường.

b) Để thông hiểu cùng nghĩa, danh từ “thường dân bị giam cầm” có nghĩa là tất cả những người
nào đã tham gia, trong mọi hình thức, trong việc tranh đấu bằng võ lực hay bằng chính trị giữa hai bên, mà bị
bắt và bị giam cầm ở phía bên này hay phía bên kia, trong thời kỳ chiến tranh.

c) Sự trao đổi tù binh chiến tranh hay thường dân bị giam cầm, bên này trao cho bên kia, nhà cầm
quyền hữu trách phải giúp họ trên mọi phương diện, để đưa họ về nguyên quán, hoặc nơi họ ở thường trực,
hoặc nơi họ muốn tới cư trú.
Chương 5. Những thể thức riêng

Điều 22. Tư lệnh Lực lượng hai bên sẽ giám thị những người làm việc đặt dưới quyền họ và
nghiêm trị người nào xâm phạm mọi điều kiện của Hiệp ước.

Điều 23 - Tư lệnh của mỗi bên phải cho nhân viên bên đối lập vào một nghĩa trang, với sự kiểm
soát quân sự, để lấy thi hài của quân sĩ tử trận, hoặc thi hài những tù binh, chết và được chôn tại đó.

Điều 24 - Hiệp ước này sẽ thi hành cho tất cả lực lượng võ trang của hai bên. Lực lượng võ trang
hai bên sẽ tôn trọng những khu vực giải giới và dầu dưới hình thức nào cũng sẽ không xuất phát một cuộc
hành quân phong toả ở Miền Nam. Theo ý nghĩa của điều khoản này danh từ khu vực gồm có biển, sông,
ngòi và không phận.

Điều 25 - Tư lệnh Lực lượng hai bên sẽ, tuỳ khả năng, giúp đỡ Uỷ ban Hỗn hợp, Uỷ ban Quốc tế
kiểm soát ngưng bắn và những đoàn Thanh tra kiểm soát trong khi thừa hành phận sự.

Điều 26 - Chi phí điều hành Uỷ ban Hỗn hợp, Uỷ ban Quốc tế và đoàn Thanh tra sẽ chia đồng đều
cho hai bên.

Điều 27 - Những người ký tên vào văn kiện này cam kết sẽ tôn trọng những thể thức của Hiệp
ước.

Chương VI - Kiểm soát

Điều 28 - Hai bên đều nhận trách nhiệm thi hành Hiệp ước ngưng chiến này.

Điều 29 - Một Uỷ ban Quốc tế sẽ được giao phó nhiệm vụ giám sát và kiểm soát việc thực thi
Hiệp ước này.

Điều 30 - Để có thể thi hành dễ dàng nhiệm vụ, một Uỷ ban Hỗn hợp sẽ được đặt ra tại Việt Nam.

Điều 31 - Uỷ ban Hỗn hợp gồm có một số bằng nhau nhân viên của hai bên.

Điều 32 - Các trưởng phái đoàn tại Uỷ ban Hỗn hợp sẽ thành lập nhiều Nhóm Hỗn hợp. Có bao
nhiêu Nhóm thì sẽ do một thoả hiệp chung của hai bên ấn định. Các Nhóm Hỗn hợp gồm có một số bằng
nhau sĩ quan của mỗi bên. Việc cắt đặt các nhóm đó trên đường phân ranh giữa các khu tập hợp sẽ do hai bên
thể theo trách vụ của Uỷ hội Hỗn hợp mà ấn định.

Điều 33 - Uỷ hội Hỗn hợp đảm nhiệm việc thi hành những điều khoản sau đây của Hiệp ước đình
chiến:

a) Nhất tề ngưng bắn trên lãnh thổ Việt nam đối với toàn thể các lực lượng võ trang chính quy và
không chánh quy của hai bên.

b) Tập hợp các lực lượng võ trang của hai bên

c) Tôn trọng các đường phân ranh giữa các khu tập hợp và các khu giải giới.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Uỷ hội sẽ giúp đỡ cho cà hai bên thi hành những điều khoản
đó, đảm nhiệm sự liên lạc giữa hai bên để thảo luận và tiến hành các kế hoạch thi hành các điều khoản đó, cố
gắng giải quyết những vụ tranh chấp có thể xảy ra giữa hai bên trong việc thi hành các điều khoản đó.
Điều 34 - Một Uỷ hội Quốc tế phụ trách việc giám thị và kiểm soát việc thi hành đình chiến ở Việt
nam đã được thành lập và gồm có đại diện của những nước Gia Nã Đại, Ấn độ, Ba Lan. Uỷ hội này do đại
diện của Ấn độ chủ toạ.

Điều 35 - Uỷ hội Quốc tế lập ra nhiều nhóm thanh tra tại chỗ hay lưu động gồm có một số sĩ quan
bằng số nhau do mỗi nước trong ba nước nói trên chỉ định.

Các nhóm tại chỗ sẽ đóng ở những nơi sau đây: Lao Kay, Lạng Sơn, Tiên Yên, Hải Phòng, Vinh,
Đồng Hới, Mường Sen, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Ba Ngòi, Sài gòn, Vũng Tàu, Tân Châu.

Các cứ điểm này, về sau có thể thay đổi nếu có lời yêu cầu của Uỷ hội Hỗn hợp hoặc của một
trong hai bên đương sự, hoặc ngay của Uỷ Hội Quốc tế hoặc bộ Tư lệnh mỗi bên yêu cầu.

Khu hoạt động của các nhóm lưu động là các vùng lân cận biên giới, vùng nội địa và vùng hải
phận Việt Nam, lân cận đường phân ranh giữa các khu tập hợp và các khu giải giới. Trong phạm vi những
khu đó, các nhóm lưu động có quyền đi lại tự do và được các nhà cầm quyền hành chính và quân sự địa
phương dành cho mọi sự dễ dàng để làm tròn sứ mạng.

Ngoài những khu hoạt động ấn định trên đây, các nhóm Lưu động có thể, - sau khi thoả hiệp với
bộ Tư lệnh, - đi lại tự do ở những nơi khác để thừa hành sứ mạng mà Hiệp ước này đã uỷ thác cho họ.

Điều 36 - Uỷ hội Quốc tế được uỷ nhiệm giám sát việc hai bên thi hành các điều khoản của Hiệp
ước. Về việc này Uỷ hội đảm nhiệm các trách vụ như kiểm soát, quan sát, thanh tra mọi việc liên quan đến
việc thi hành những điều khoản của Hiệp ước đình chiến.

Đại khái Uỷ hội phải:

a) kiểm soát các cuộc chuyển quân của hai bên trong khuôn khổ kế hoạch tập hợp.

b) giám thị các đường phân ranh giữa các khu tập hợp cùng các khu giải giới.

c) kiểm soát các cuộc phóng thích tù binh và thường dân bị giam giữ.

d) giám sát ở các hãng, các phi trường và ở tất cả các biên giới của Việt Nam, việc thi hành các
điều khoản của thoả hiệp đình chiến quy định việc đưa các lực lượng võ trang cá nhân, mọi thứ võ khí đạn
dược và chiến cụ vào trong nước.

Điều 37 - Hoặc tự động, hoặc theo lời yêu cầu của Uỷ hội Hỗn hợp hay của một trong hai bên
đương sự, Uỷ hội Quốc tế sẽ mở những cuộc điều tra cần thiết tại chỗ hay theo giấy tờ, trong kỳ hạn ngắn
nhất, do các nhóm Thanh tra làm trung gian.

Điều 38 - Các nhóm Thanh tra chuyển đạt đến Uỷ hội Quốc tế kết quả việc kiểm soát, điều tra và
quan sát của họ: ngoài ra họ còn làm những bản phúc trình riêng mà họ thấy cần phải làm hoặc do Uỷ Hội
yêu cầu họ làm. Trong trường họp có sự bất đồng ý kiến ngay trong các nhóm đó, các kết luận của mỗi nhân
viên sẽ được chuyển đạt lên Uỷ hội.

Thủ tục đầu phiếu

Điều 39 - Nếu một Thanh tra đoàn không thể giải quyết được những vụ lộn xộn hoặc nếu Thanh
tra đoàn cho rằng có sự vi phạm hay có nguy cơ hăm doạ vi phạm nghiêm trọng thì Uỷ hội Quốc tế phải xem
xét, nghiên cứu những mối tương quan và những quyết nghị của các Thanh tra đoàn rồi cho đôi bên biết
những biện pháp phải thi hành để giải quyết vụ lộn xộn hay để làm cho sự vi phạm phải chấm dứt hoặc làm
cho tiêu tan mối hăm doạ vi phạm.

Điều 40 - Khi Uỷ hội Hỗn hợp không thể thoả hiệp về vấn đề giải thích một điều khoản hay thẩm
định một sự kiện, thì Uỷ hội Quốc tế phải nghiên cứu cuộc tranh chấp. Những lời khuyến cáo của Uỷ hội
Quốc tế sẽ gửi thẳng cho đôi bên và thông tri cho Uỷ ban Hổn hợp biết.

Điều 41- Những lời khuyến cáo của Uỷ hội Quốc tế phải được chấp thuận với đa số uỷ viên, ngoại
trừ những điều khoản thuộc đề mục 41.

Trong trường hợp đồng phiếu, lá phiếu của vị chủ tịch được coi là ưu thế.

Uỷ hội Quốc tế có thể đưa ra những lời khuyến cáo đôi bên về các tu chỉnh án và về những văn
kiện bổ sung các điều khoản của Hiệp uớc Ngưng chiến để bảo đảm một sự thi hành có hiệu lực hơn. Những
lời khuyến cáo này phải được toàn thể uỷ viên chấp thuận.

Điều 42 - Khi có các vấn đề liên quan tới các sự vi phạm hay các mối hăm doạ vi phạm có thể gây
ra cuộc tái diễn chiến tranh như là:

42 a) các lực lượng võ trang của một bên từ chối không chịu thi hành các khu vực tập hợp quân
đội đã dự liệu.

b) các lực lượng võ trang của một bên vi phạm các khu vực tập hợp, các hải phận hay không phận
của bên kia.

Những quyết định của Uỷ hội quốc tế phải được toàn thể chấp thuận.

Điều 43 - Nếu một bên từ chối không chịu thi hành lời khuyến cáo của Uỷ hội Quốc tế, các phe
liên hệ hay chính Uỷ hội Quốc tế phải nhờ các nhân viên của Hội nghị Genève can thiệp.

Nếu Uỷ hội Quốc tế không đạt đến một thẩm định toàn thể trong những trường hợp đã quy định
tại điều 42, thì Uỷ hội Quốc tế chuyển đạt tới các nhân viên của Hội nghị Genève một bản báo cáo của phe
đa số và một hay nhiều bản báo cáo của phe thiểu số.

Uỷ hội Quốc tế yêu cầu các nhân viên của Hội nghị Genève can thiệp về mọi trở ngại mà Uỷ hội
gặp phải trong khi hoạt động.

Điều 44 - Uỷ hội Quốc tế được thành lập tại chỗ ngay sau khi ngừng chiến ở Đông Dương để có
thể hoàn thành những nhiệm vụ đã dự liệu tại đề mục 36.

Điều 45 - Uỷ hội Quốc tế giám thị và kiểm soát ở Việt Nam hợp tác hoạt động chặt chẽ với các
Uỷ hội giám sát và kiểm soát ở Cao Miên và ở Ai Lao.

Sự phối trí những hoạt động của ba Uỷ hội và những sự liên lạc giữa các Uỷ hội được bảo đảm do
sự trung gian của các Văn phòng của các Uỷ hội.

Điều 46 -Uỷ hội Quốc tế Giám sát và Kiểm soát ở Việt Nam sau khi hỏi ý kiến các Uỷ hội giám
thị và kiểm soát ở Cao Miên và ở Ai Lao có thể giảm bớt dần dần các hoạt động nếu tình hình ở Cao miên và
Ai Lao được tiến triển. Quyết định này phải được toàn thể chấp thuận.
Điều 47 - Tất cả các điều khoản, ngoại trừ đoạn ấn định trong điều 11, sẽ có hiệu lực kể từ ngày
21-7-54 hồi 2 giờ (giờ Genève)

Hiệp ước đình chiến ở Lào và Cao Miên

Về Hiệp ước đình chiến ở Ai Lao và Cao Miên, những điều khoản ấn định về việc triệt thoái quân
đội, việc cấm đưa viện binh và võ khí vào lãnh thổ, ấn định những khu tập hợp quân đội, kiểm soát đình
chiến và việc trao đổi tù binh cũng tương tự như những điều ấn định trong Hiệp ước đình chiến ở Việt nam.

Chỉ có mấy điểm sau đây là đáng chú ý:

Hai cơ sở quân sự Pháp ở Lào

Điều khoản thứ 8 ấn định như thế này:

Bộ Tư lệnh tối cao Pháp được duy trì trên lãnh thổ Ai Lao những nhân viên để trang bị cho 2 cơ
sở quân sự Pháp 1) ở Séno 2) ở trong thung lũng sông Cửu Long, tức trong tỉnh Vientiane. Quân số được duy
trì cho việc trang bị hai cơ sở quân sự ấy không được quá tổng số 2.500 người.

Điều thứ 17, những võ khí và nhân viên quân sự mới, có thể được đưa vào Ai Lao theo những địa
điểm sau đây: Luang Prabang, Xieng Khoang, Vientiane, Séno, Paksé, Tchépone,

Cao Miên và Ai Lao có thể gia nhập Minh ước Đông Nam Á không?

Sau khi các Hiệp ước ở Genève được chính thức công bố, các giới hữu quyền Pháp giải thích rõ
ràng thêm như sau:

Ai Lao và Cao Miên có quyền tham gia một Minh ước Phòng thủ ở Đông Nam Á với điều kiện là
những điều dự định trong Hiệp ước trù hoạch phải theo đúng với tinh thần Hiến chương Liên hiệp Quốc.

Trái lại Cao Miên và Ai Lao không có quyền cho phép thiết lập trên lãnh thổ mình các căn cứ
ngoại quốc, trừ khi nền an ninh quốc gia bị đe doạ. Trong trường hợp đó, hai chính phủ liên hệ phải xem xét
coi thật có sự đe doạ hay không?

Người ta được biết rằng một nước tham gia một Hiệp ước Phòng thủ không bắt buộc phải thiết lập
các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Thí dụ: Na Uy gia nhập Minh ước Bắc Đại Tây Dương, không vì
thế mà Na Uy phải cho ngoại quốc thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Tóm lại mọi việc đều tuỳ
ở hình thức Minh ước mà người ta trù tính thành lập.

Việt Nam không được gia nhập Liên minh quân sự nào

Về vấn đề Việt Nam, có sự giải thích rõ rằng hai khu vực do cuộc tập hợp quân đội tạo ra sẽ
không thể tham gia bất cứ một cuộc Liên minh quân sự năo. Điều này không có tiên liệu gì đến quy chế
tương lai của Quốc gia Việt Nam sau khi được thống nhất trở lại. Quốc gia Việt Nam thống nhất ấy sẽ được
trọn quyền chọn lựa chính sách của mình. Còn về việc quân đội Pháp có mặt hiện thời ở Việt Nam, chánh
phủ Quốc Gia Việt Nam vẫn có quyền tự do chọn lựa việc quân đội ấy ở lại Việt Nam hay đòi họ hồi hương
về Pháp.

Hết

______________________
Phần phụ lục

1) Danh sách các Chỉ huy trưởng quân 4) Các Cao Uỷ Pháp ở Đông Dương
đội viển chinh Pháp tại Đông Dương
1) Tướng Leclerc từ 05-1945 đến 06-1946 1) Thierry d'Argenlieu từ 09-1945 đến 03-1947
2) Tướng Valluy từ 06-1946 đến 02-1948 2) Emile Bollaert từ 03-1947 đến 10-1948
3) Tướng Salan từ 02-1948 đến 04-1948 3) Léon Pignon từ 10-1948 đến 12-1950
4) Tướng Blaizot từ 04-1948 đến 09-1949 4) De Lattre de Tassigny từ 12-1950 đến 01-1952
5) Tướng Carpentier từ 09-1949 đến 12-1950 5) Letourneau từ 02-1952 đến 06-1953
6) De Lattre de Tassigny từ 12-1950 đến 01-1952 6) Maurice Dejean từ 06-1953 đến 07-1954
7) Tướng Salan từ 01-1952 đến 05-1953 7) Ély từ 07-1954 đến 06-1955
8) Tướng Navarre từ 05-1953 đến 07-1954
9) Tướng Ély từ 07-1954 đến 06-1955
10) Tướng Jacquo từ 06-1955 đến 02-1956

2) Các Tướng chỉ huy quân đội Pháp tại 5) Các Chánh phủ Quốc gia Việt nam
Bắc việt 1947 –1954

1) Tướng Salan từ 05-1947 đến


02-1948 1) Bảo Đại từ 01-07-49 đến 22-01-48
2) Tướng Chanson từ 08-1948 đến 09-1949 2) Nguyễn phan Long 22-01-48 đến 06-05-50
3) Tướng Alessandri từ 09-1949 đến 11-1950 3) Trần văn Hữu 06-05-50 đến 21-02-51
4) Tướng De Linarès từ 02-1951 đến 05-1953 4) Trần văn Hữu 21-02-51 đến 07-03-52
5) Tướng Cogny từ 06-1953 đến 10-1954 5) Trần văn Hữu 07-03-52 đến 25-06-52
6) Nguyễn văn Tâm 25-06-52 đến 08-01-53
7) Nguyễn văn Tâm 08-01-53 đến 11-01-54
8) Bửu Lộc 11-01-54 đến 07-07-54
9) Ngô đình Diệm 07-07-54 đến 01-11-63

3) Các Tướng chỉ huy quân đội Pháp tại


Nam Việt

1) Tướng Nyo từ 12-1946 đến 02-1948


2) Boyer de la Tour từ 02-1948 đến 09-1949
3) Tướng Chanson từ 09-1949 đến 07-1951
4) Tướng Bondis từ 09-1951 đến 06-1953

6) Quân số Quân lực Pháp và Quân đội quốc gia Liên kết (Việt-Miên-Lào)
Ngày 1-1-1946 53.000 người Ngày 1-1-1950 165.432 chính quy, 37.000
phụ lực

Ngày 1-1-1947 68.000 người Ngày 1-1-1951 159.213 người, 42.004


q.đ.q.g. Liên kết (trong số có 36.562 VN)

Ngày 1-1-1948 70.000 người Ngày 1-1-1952 200.993 người Gồm :


69.513 Pháp, 20.082 Lê dương, 52.323 Phi châu,
59.075 bản xứ, và 42.000 Q.đ.q.g. Liên kết và 50.000
phụ lực

Ngày 1-4-1948 110.245 người Gồm: Ngày 1-1-1953 190.000 người, 55.000 phụ
61.343 Pháp và Lê dương, 11.233 Bắc Phi, 3.768 Sê- lực, 175.000 Q.đ.q.g. Liên kết, 50.000 phụ lực
nê-ga-le, 33.901 bản xứ

Ngày 1-1-1949 122.000 chính quy, 55.000 Ngày 1-1-1954 : 204.000 người, 55.000
phụ lực phụ lực - 257.067 Q.đ.q.g. Liên kết (trong số đó có :
170.424 Việt Nam, 46.882 :phụ lực VN, 20.245 Lào,
16.642 Cao Miên,2.874 phụ lực Miên)

TÓM TẮT SỰ KIỆN QUAN TRỌNG TỪ 1945 ĐẾN 1954

1945

T 0 Nhật Bản tấn công quân đội Pháp tại Đông Dương.
háng 3 9
1 Bảo Đại tuyên bố Việt Nam Độc lập Thống nhất.
1
2 Chính phủ De Gaulle tuyên bố chính sách Pháp đối với Đông Dương.
4
T 1 Nội các Trần Trọng Kim trình diện. Tuyên cáo của Nội các Trần Trọng Kim.
háng 4 7
T 0 Đức quốc Xã đầu hàng ở Âu Châu
háng 5 7
T 0 Trái bom nguyên tử đầu tiên nổ ở Hiroshima.
háng 8 6
0 Trái bom nguyên tử thứ hai nổ ở Nagasaki.
8
Nội các Trần Trọng Kim từ chức.
1 Nhật Bản đầu hàng.
5
1 d'Argenlieu được cử làm Cao Uỷ Pháp ở Đông Dương thay đô đốc Toàn
6 quyền Decoux
Leclerc, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp.
1 Bảo Đại kêu gọi Anh Mỹ Pháp bảo đảm nền Độc lập của Việt Nam
7
Biểu tình tại nhà Hát Lớn Hà Nội.

Việt minh cướp cuộc biểu tình và cướp chính quyền

Khâm sai Phan Kế Toại từ chức.


2 Sainteny tới Hà Nội.
2
2 Bảo Đại thoái vị, trao ấn cho đại diện Việt minh
5
2 Việt minh tuyên bố thành phần chính phủ.
8

T 0 Chính phủ Việt minh ra mắt công chúng tại Vườn hoa Ba Đình - Tuyên
háng 9 2 ngôn Độc lập.

Sainteny trình bầy lập trường Pháp với Việt minh


1 Tuần lễ Vàng.
1
1 Quân tiền phong Trung hoa tới Hà nội
2
Quân tiền phong Pháp vào Sài gòn

Tướng Gracey và quân đội Anh vào Sài gòn - Lễ tiếp nhận Nhật đầu hàng ở
Sài gòn.
2 Lính Pháp tái chiếm các công sở ở Sài gòn
2
2 Nguyễn Bình tuyên bố lệnh kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ
3

T 0 Tướng Leclerc tới Sài gòn.


háng 10 5
0 Thoả hiệp Anh Pháp quy định việc giao thiệp Anh Pháp ở Đông Dương.
8
2 Ở Pháp, trưng cầu dân ý và bầu Quốc hội Lập hiến.
1
2 Salan tới Sài gòn phụ tá tướng Leclerc.
3
T 0 Tướng Salan sang Trung Hoa điều đình việc chuyển quân đội Pháp trú ẩn ở
háng 11 7 bên Tàu từ tháng 3-1945 về Việt Nam
2 De Gaulle lập chính phủ lần thứ hai.
1
1946

T 0 Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt minh ra mắt tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.
háng 01 1
0 Việt minh tổ chức tổng tuyển cử.
6
2 De Gaulle từ chức. Félix Gouin lập chính phủ.
0
2 Quân đội Pháp trú ẩn ở Trung Hoa từ tháng 3-45 bắt đầu rút về Đông
9 Dương.
T 0 Salan hội kiến Hồ Chí Minh.
háng 02 8
Cuộc điều đình Pháp - Việt minh.
2 Thoả hiệp Pháp Hoa. Quân đội Pháp vào Bắc Việt thay thế quân đội Trung
8 Hoa giải giới quân Nhật.
T 0 Quốc hội Việt minh họp lần đầu tiên. Chính phủ Việt minh Liên hiệp kháng
háng 03 2 chiến ra mắt
0 Quân đội Pháp đổ bộ vào Hải Phòng. Chạm súng giữa quân đội Trung hoa
6 và Pháp.

Pháp và Việt minh ký kết Thoả ước Sơ bộ 6-3-46.


1 Bảo Đại đáp máy bay di Côn Minh, Trùng khánh.
6
1 Leclerc dẫn quân Pháp từ Hải Phòng lên Hà nội.
8
2 Hồ Chí Minh gặp d'Argenlieu ở Vịnh Hạ Long.
4
T 0 Salan,Võ Nguyên Giáp, Vũ Hồng Khanh ký thoả hiệp quân sự.
háng 04 3
1 Đàm phán Sơ bộ họp tại Đà Lạt.
8
T 3 Hồ Chí Minh và phái đoàn sang Pháp họp Hội nghị Fontainebleau.
háng 05 1
T Leclerc về Pháp, Valluy thay thế
háng 06
0 D'Argenlieu thành lập Cộng hoà Nam kỳ Tự trị do Bác sĩ Nguyễn Văn
1 Thinh làm Thủ tướng.
1 Phái đoàn Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng tới Pháp tại phi trường Biarritz.
2
1 Bidault thành lập chính phủ thay Félix Gouin.
9
T 0 Khai mạc Hội nghị Fontainebleau.
háng 07 6
T 0 D'Argenlieu triệu tập Hội nghị Liên bang Đông Dương tại Đà Lạt.
háng 08 1
T 0 Hội nghị Fontainebleau chấm dứt không có kết quả
háng 09 6
Phái đoàn Việt minh về nước, Hồ Chí Minh ở lại.
1 Hồ Chí Minh ký Tạm Ước vớì Moutet.
4
1 Hồ Chí Minh đáp tàu Dumont Durville về nước
6
T 1 Hồ Chí Minh gặp d'Argenlieu tại Cam Ranh.
háng 10 8
2 Hồ Chí Minh về tới Hải Phòng
0
T 1 Tuyển cử Quốc hội Pháp.
háng 11 0
2 Chạm súng ở Hải Phòng giữa Pháp và Việt minh.
0
2 Đại tá Dèbes gửi tối hậu thư, tiến đánh Hải Phòng.
3
Tiếng súng trọng pháo đầu tiên nổ trên đất Bắc Việt mở màn cho chiến tranh
Pháp -Việt minh
T 0 Sainteny tới Hà Nội dàn xếp.
háng 12 2
1 Léon Blum lập chính phủ thay Bidault.
2
1 Hồ Chí Minh đề nghị ngưng chiến
5
1 Chiến tranh bùng nổ tại Hà Nội, dân chúng tản cư
9
1947

T 0 Moutet tới Hà nội, xe hơi bị bắn sẻ, bỏ về Sài gòn không gặp Hồ Chí Minh.
háng 01 2 Hy vọng hoà bình tiêu tan.
1 Vincent Auriol được bầu làm tổng thống Đệ Tứ Cộng hoà Pháp
8
2 Paul Ramadier lập chánh phủ thay Léon Blum
8
T 0 Bollaert được cử làm Cao Uỷ Đông Dương thay d'Argenlieu.
háng 03 5
Cousseau tiếp xúc với Bảo Đại ở Hồng Kông.
T 2 Hoàng minh Giám đề nghị ngưng chiến.
háng 04 6
Paul Mus chuyển đề nghị của Pháp gửi Hồ Chí Minh.
T 1 Bollaert đọc bài diễn văn chính trị tại Hà Đông
háng 09 0
1 Cựu hoàng Bảo Đại tuyên ngôn tại Hồng Kông.
8
T 0 Pháp khởi sự hành quân LÉA tại tam giácThái Nguyên, Lạng Sơn, Cao
háng 10 7 Bằng.
T 2 Schuman lập chánh phủ thay thế Ramadier
háng 11 4
Paul Coste Floret giữ chức Bộ trưởng Hải ngoại
T 0 Gặp gỡ Bảo Đại - Bollaert tại Vịnh Hạ Long
háng 12 7
1 Nguyễn Văn Xuân, thủ tướng Cộng hoà Nam kỳ quốc, sang Hồng Kông gặp
9 Bảo Đại.
2 Ai Lao và Cao miên gia nhập Liên hiệp Pháp
3
1948

T Tướng Blaizot được cử làm Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương
háng 05 thay tướngValluy.
2 Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân lập Chính phủ Lâm thời Trung ương Việt
5 nam do ủy nhiệm của Bảo Đại
T 0 Thoả hiệp Hạ Long ký kết giữa Bollaert và Nguyễn Văn Xuân. Pháp công
háng 06 5 nhận Việt Nam độc lập và Liên kết với Pháp
T 2 André Marie lập chính phủ thay thế Schuman. Paul Coste Floret vẫn giữ Bộ
háng 07 8 Hải Ngoại.
T 1 Henri Queuille lập chính phủ thay André Marie. Paul Coste Floret vẫn giữ
háng 09 1 Bộ Hải Ngoại.
T 2 Léon Pignon được cử giữ chức Cao Uỷ Đông Dương thay Bollaert
háng 10 0
1949

T Quân Trung Quốc tiến vào thủ đô Bắc Kinh.


háng 01
T 0 Trao đổi văn thư giữa Bảo Đại và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol, công
háng 03 8 nhận Việt Nam độc lập, gia nhập Liên hiệp Pháp
T 1 Bầu Quốc hội Cộng hoà Nam kỳ Quốc
háng 04 0
2 Trưng cầu dân ý về việc Nam kỳ Quốc sáp nhập vào Việt Nam
3
2 Bảo Đại từ Pháp về tới Đà Lạt
8
T 1 Tướng Revers sang Việt Nam điều tra
háng 05 6
T 0 Quốc hội Pháp chấp thuận việc Nam Kỳ sáp nhập vào Việt Nam.
háng 06 3
1 Bảo Đại và Pignon ký văn kiện chính thức tại Sài gòn
4
T 0 Bảo Đại thành lập chánh phủ.
háng 07 1

T 2 Đài phát thanh Việt minh tiết lộ tờ trình Revers. Vụ gián điệp vỡ lở.
háng 08 7
T 1 Tướng Carpentier thay thế tướng Blaizot.
háng 09 0
T 2 Georges Bidault lập chính phủ thay Queuille. Letourneau giữ chức Bộ
háng 10 8 trưởng bộ Hải ngoại.
T Một số quân quốc gia Trung Hoa vượt biên giới Hoa Việt sang Đông Dương
háng 12 tỵ nạn.
1950

T Liên Xô, Trung Quốc công nhận chính phủ HCMinh. Hoa kỳ, Anh quốc
háng 01 công nhận chính phủ Bảo Đại.
2 Quốc hội Pháp duyệt y các thoả ước ký kết với Việt nam, Lào và Cămbốt.
0 VN trở thành quốc gia Liên kết với Pháp
2 Nguyễn Phan Long thành lập chính phủ.
2
Tháng 05 06 Trần Văn Hữu thành lập chánh phủ thay Nguyễn phan Long.
Tháng 06 *** Chiến tranh Triều Tiên khởi diễn.

Tháng 07 *** Pléven lập chính phủ thay Bidault. Letourneau giữ chức Bộ
trưởng các Quốc gia Liên kết
Tháng 09 17 Đông Khê thất thủ
Tháng 10 *** Pháp thất trận lớn ở đường RC4. Pháp bỏ Cao Bằng, mất Thất
Khê, mất Na Chàm, bỏ Lạng Sơn.

Không khí chủ bại bao trùm Hà Nội.


17 Thống chế Juin và Letourneau tới Saigon điều tra

Tháng 12 17 De Lattre de Tassigny tới Sài gòn nhậm chức Cao Uỷ kiêm
Tổng Tư lệnh Pháp tại Đông Dương

1951

T 1 Trận Vĩnh Yên,Việt minh thất bại.


háng 01 5

T 0 Queuille lập chính phủ thay Pléven. Letourneau vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ
háng 03 8 Quốc gia Liên Kết
T 2 Trận sông Đáy. Trung uý Bernard de Lattre tử trận
háng 05 9
T De Lattre hiệu triệu thanh niên VN nhập ngũ.
háng 07
3 Chanson và Thái Lập Thành bị ám sát tại Sadec.
1
T Pléven lập chính phủ lần thứ hai, thay chính phủ Queuille.
háng 08
T 2 De Lattre sang Mỹ cầu viện.
háng 09 3

T 0 Trận Nghĩa Lộ. Việt minh thất bại


háng 10 2
2 De Lattre trở lại Đông Dương
3
T 0 Pháp tấn công Hoà Bình và Chợ Bến
háng 11 9
1 De Lattre về Pháp chữa bệnh
9
1952

T 0 Salan quyền Tổng Tư lệnh Pháp ở Đông Dương.


háng 01 6
1 De Lattre chết vì bệnh tại Paris. Được truy tặng chức Thống chế.
2
1 Edgar Faure lập chính phủ thay Pléven
7
T 2 Pháp triệt thoái khỏi Hoà Bình
háng 02 2
T 0 Pinay lập chính phủ thay Edgar Faure.
háng 03 6

T 0 Salan được cử làm Tổng Tư lệnh Pháp ở Đông Dương. Bộ trưởng


háng 04 1 Letourneau kiêm chức Cao uỷ Pháp.

T 2 Nguyễn Văn Tâm lập chính phủ thay Trần Văn Hữu.
háng 06 5

T 1 Nghĩa Lộ thất thủ. Pháp rút quân về Nà Sản.


háng 10 8

T 3 Tấn công Nà Sản,Việt minh thất bại.


háng 11 1
1953

T 0 Mayer lập chính phủ thay Pinay.


háng 01 8
T 1 Pháp triệt thoái khỏi Sầm Nưa.
háng 04 2

T 0 Navarre, Tổng Tư lệnh Pháp ở Đông Dương. Salan về Pháp. Cogny thay De
háng 05 8 Linarès chỉ huy miền Bắc

T 2 Laniel lập chính phủ thay Mayer. Chính phủ Laniel nhìn nhận nền độc lập
háng 06 6 của các quốc gia Liên kết
T 0 Dejean, Cao Uỷ Pháp ở Đông Dương
háng 07 3
2 Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt.
7
T 0 Pháp triệt thoái khỏi Nà Sản.
háng 08 7
T 2 Khởi sự thiết lập căn cứ địa-không Điện Biên Phủ.
háng 11 0

T 0 Pháp triệt thoái khỏi Lai Châu


háng 12 7
2 tổng thống Coty đắc cử, thay T.T. Vincent Auriol.
3
1954

T Hành quân Atlante tại An Khê và Pleiku


háng 01
1 Bửu Lộc lập chính phủ thay Nguyễn Văn Tâm.
2
2 Hội nghị Tứ cường ở Berlin quyết định tháng 4-54 họp Hội nghị Genève về
5 Triều Tiên và Đông Dương
T 0 Uỷ ban quốc phòng cử Pléven và Ély sang Đông Dương điều tra.
háng 02 5
T Thảo luận lớn tại Quốc hội Pháp về Đông Dương. Chính phủ ngả về giải
háng 03 pháp điều đình.
1 Việt minh tấn công đầu tiên vào các điểm tựa tại Điện Biên Phủ.
3
T 2 Hội nghị Genève bàn về chiến tranh Đông Dương khai mạc.
háng 04 6
T 0 Điện Biên Phủ thất thủ
háng 05 7
1 Quốc hội Pháp họp về vấn đề Đông Dương.
1
1 Ély và Salan được cử sang Đông Dương để điều tra
5
2 Pháp rút quân ở miền nam đồng bằng Bắc Việt về Hà nội và Hải Phòng
9
T 0 Tướng Ély được cử làm Cao Uỷ Đông Dương kiêm Tổng Tư lệnh quân đội
háng 06 3 Pháp thay thế Dejean và Navarre. Tướng Salan làm phụ tá quân sự.
1 Bảo Đại cử Ngô đình Diệm lập chính phủ thay Bửu Lộc. Bảo Đại sang Pháp
6 ở Cannes.
1 Mendès France lập chính phủ thay Laniel. Mendès France tuyên bố giải
6 quyết chiến tranh Đông Dương trong thời hạn một tháng.
T 2 Ký kết Thoả hiệp Ngưng bắn tại Hội nghị Genève
háng 07 1
2 Uỷ ban Bảo vệ Bắc Việt kêu gọi di cư vào Nam.
8
3 thủ tướng Ngô đình Diệm hiệu triệu di cư.
0
T 0 Cầu hàng không Hà nội - Sài gòn chở dân tỵ nạn vào Nam hoạt động mạnh
háng 08 5 đại quy mô.
1 Uỷ hội Quốc Tế tới Hà Nội.
0
T 2 Tướng Salan từ chức. Tướng Jacquot thay thế.
háng 09 0
T 0 Pháp rút khỏi Hà nội
háng 10 9

HẾT
1
Những con số tổn thất của hai bên trong những trận đánh kể ra trong suốt tập tài liệu “45-54 chín
năm khói lửa” đều căn cứ vào những con số do nhà chức trách quân sự Pháp đưa ra.
2
Tạm ước ký ngày 5-6-48 tại Vịnh Hạ Long giữa Bollaert và Nguyễn Văn Xuân
3
Trung tâm du hí Đại thế Giới ở Chợ lớn là một trung tâm được chính quyền thời bấy giờ cho phép
mở hợp pháp, công khai đánh bạc và chứa gái mại dâm.

You might also like