You are on page 1of 3

Hà Nội

Vãn dâng hoa qua bước thời gian

Tháng Năm, hay còn gọi là tháng kính Đức Bà đã đi sâu vào văn hóa của giáo dân Việt. Chẳng thế mà có
câu ca “Tháng Hai ngắm đứng, Tháng Ba ra mùa/ Tháng Tư tập trống, rước Hoa”. Tháng Tư ở đây được
tính theo lịch Âm, trùng vào tháng Năm Tây lịch. Ở vùng Bắc Bộ Việt Nam, truyền thống dâng hoa kính
Đức Mẹ đã có từ những ngày rất xa xưa. Từ những năm 1852, dưới thời vua Tự Đức đã có những bài
Vãn dâng hoa do cụ Cử Phạm Trạch Thiện thuộc giáo xứ Cổ Ra, Bùi Chu biên soạn (Theo nghiên cứu của
Lê Đình Bảng). Người Việt xưa vốn yêu ca hát nên văn hóa ấy cũng thấm nhuầnvào đời sống đức tin.
Hơn hết là những bài vãn dâng hoa, một niềm yêu kính Đức Mẹ giữa sự hòa quyện của Thi, Vũ, Nhạc.

Vãn Dâng hoa cổ… dài

Vào khoảng năm 1970, nhạc sĩ Trần Văn Luân thuộc giáo xứ Nhà thờ Lớn Hà Nội đã ghi âm lại các bài vãn
dâng hoa cổ theo nguyện vọng của cố ĐHY Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Với lo ngại bị mai một nét đẹp
dâng hoa, ĐHY đã quy tụ các nhóm chị em lớn tuổi (khoảng 60 - 70) để hát lại những bài vãn xưa. Những
bộ vãn cổ do nhạc sĩ Luân chép lại lời và nhạc được in trong tập Thánh ca 2 và 3 Địa phận Hà Nội.

Theo nhạc sĩ, đội hình và động tác dâng hoa cổ không khác gì nhiều so với ngày nay. Về hình thức thì các
con hoa dâng nhuần nhụy hơn bây giờ. Những động tác như xuyến chân, động tác tay thì khá tỉ mỉ. Còn
về mặt âm nhạc, vãn dâng hoa cổ dựa trên làn điệu mang âm hưởng dân ca phía Bắc, đôi nét thì theo
hướng chèo cổ. Giai điệu thì khúc thức không thật rõ ràng với lời thơ lục bát. Các từ trong bài lặp lại,
gieo vần, phối nhạc và được kéo dài ở đuôi câu. Thời gian cho mỗi cuộc dâng hoa lên đến hơn nửa giờ
đồng hồ.

Thời gian sau khi vãn dâng hoa cổ được khôi phục lại và tìm cho mình chỗ đứng trong sinh hoạt đức tin
thì ĐHY lại đặt vấn đề với nhạc sĩ Luân. Vì lý do vãn dâng hoa cổ kéo dài khiến giới trẻ không đủ kiên
nhẫn để tham dự. Có những đoạn nhạc trong bài ngân dài và lặp lại nhiều lần với các nguyên âm như i,
a, ư,… Cùng với đó, tư tưởng và từ ngữ trong các bài vãn cổ đã không còn được mới mẻ. Nhiều từ như
‘mọn mày’, ‘bồ liễu’, ‘nơm quỉ’… khiến người nghe không hiểu ý tứ trong bài dâng hoa. Vì thế cho nên
việc xây dựng bộ vãn dâng hoa mới là rất cần thiết. Yêu cầu mà ĐHY đưa ra là bộ dâng hoa phải có giai
điệu dân tộc, lời súc tích và gọn gàng nhưng nói lên được những nhân đức và lòng tôn kính đức hạnh
của Mẹ Maria.

Cách tân vãn dâng hoa cổ

Trong hai năm chuẩn bị, vợ của nhạc sĩ Trần Văn Luân là cô Maria Lưu Ngọc Vinh đã sáng tác bộ dâng
hoa mới. Trong suốt hành trình xây dựng, nhạc sĩ Trần Văn Luân là người sửa sang và chắp bút lại cho
các bộ vãn dâng hoa của vợ mình. Bộ đầu tay là Vãn dâng hoa 5 sắc (vãn Mân Côi), chính thức được đưa
vào sử dụng năm 1980 Năm đó, sau khi kết thúc kỳ họp Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Hà Nội, các
giám mục cũng tham dự giờ dâng hoa kính Đức Mẹ. Bộ vãn dâng hoa mới đã chinh phục nhiều người với
lời lẽ đơn sơ, khúc triết mang tư tưởng Hy vọng của ĐHY Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận. Hơn thế,
bộ vãn được xây dựng có hệ thống với bài ca mở đầu, dâng các sắc hoa, bài hát có nhiều đội hình khác
nhau. Về âm nhạc, bộ vãn được viết trên làn điệu dân ca thuộc nhiều vùng miền từ Bắc tới Nam khác
nhau. Thời lượng cho những buổi dâng hoa là khoảng 20 phút.

Tới năm 1985, cô Maria Lưu Ngọc Vinh tiếp tục sáng tác bộ dâng hoa với 12 sắc là những nhân đức của
Đức Mẹ. Đây được cho là bộ vãn dâng hoa công phu nhất sau hơn hai năm miệt mài. Bộ vãn dâng hoa
này lấy chất liệu là dân ca các miền khác nhau chứ không dùng nguyên bản. Trong đó có những sắc hoa
thì dùng theo lối ngâm thơ cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Đặc biệt, bộ vãn dâng hoa đã đưa ra rất nhiều
sắc hoa mới và lạ để nêu bật nhân đức của Mẹ. Ví dụ như hoa thiên lý, hoa…

Win: Một đoạn nhạc trong bài vãn dâng hoa 12 sắc đã được dùng trong khi rước hài cốt Thánh Tử đạo
trong Lễ tuyên thánh 117 thánh tử đạo Việt Nam tại Vatican năm 1988. Chính ĐHY Trịnh Văn Căn là
người đem băng cassett của bộ dâng hoa giới thiệu cho ban tổ chức.

Bộ vãn riêng dành cho trẻ em

Sau hai bộ vãn dâng hoa 5 sắc và 12 sắc, cha chính Tông thuộc nhà thờ Lớn lại ngỏ lời với gia đình nhạc sĩ
Luân. Ngài mong muốn xây dựng một bộ vãn dâng hoa dành riêng cho trẻ em với lời lẽ mộc mạc, dễ
mến. Chính nét đơn sơ, đáng yêu đến vụng về của những đứa trẻ lớp 1 hoặc mẫu giáo sẽ khiến nhiều
người yêu mến và muốn tham dự giờ dâng hoa kính Đức Mẹ hơn. Ngay sau đó, cô Maria Lưu Ngọc Vinh
lại tiếp tục cho ra đời bộ dâng hoa kính Đức Mẹ dành riêng cho trẻ em nhưng cũng để kéo lòng sùng
kính của cả người lớn. Vẫn mang nét dân ca, lời thơ giản dị cùng đội ngũ con hoa là những em bé bước
đi chưa vững, tiếng hát còn ngọng nghịu, bộ vãn dâng hoa mới này đã in dấu ấn trong lòng người tham
dự giờ kính Đức Mẹ. Bộ vãn được in trong tập 4 Thánh ca Địa phận Hà Nội.

Tới năm 2016, cô Maria Lưu Ngọc Vinh lại tiếp tục sáng tác bộ dâng hoa mới về Lòng Chúa thương xót
nhằm vào dịp Năm Thánh. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau mà bộ vãn dâng hoa mới này chưa có
điều kiện in ấn.

Mỗi độ mùa hoa về, con cái của Mẹ lại dâng lên những tâm tình qua câu kinh, qua những điệu vũ, vần
thơ và bài hát. Cuộc sống với những vần xoay, chuyển rời khiến những vẻ đẹp truyền thống cần ‘xê dịch’
theo cho phù hợp. Nhưng, không vì thế mà xóa sổ những cái đẹp mang màu phong rêu. Song, chúng ta
cần tiếp nhận những cái hay để phát huy, đổi mới mà vẫn giữ được cái hồn xưa đọng lại.

Box 2: Mất nửa năm để ghi lại bộ vãn cổ

“Thời gian đó, mỗi tuần 1-2 lần, tôi lại ngồi với các chị lớn tuổi dưới Kẻ Sét (Làng Tám – Giáp Bát – Hà
Nội hiện nay) để ghi chép lại và hoàn thiện bộ vãn dâng hoa cổ. Tôi phải nghe đi nghe lại lời, định cao độ
và trường độ để ký âm. Sau đó thì phải đối chứng lại xem có đúng không. Thời gian ghi chép lại kéo dài
hơn nửa năm trời” – Nhạc sĩ Trần Văn Luân.

Ảnh 1: Ảnh dâng hoa do nhà báo Thông tấn xã AFP chụp năm 1980

Ảnh 2: Cô Maria Lưu Ngọc Vinh – tác giả của ba bộ vãn dâng hoa là người con thuộc gia đình có truyền
thống âm nhạc lâu đời tại Hà Nội. Cha của cô là nhạc sĩ Lưu Ngọc Phức, em trai của cố nhạc sĩ Lưu
Quang Duyệt – hiệu trưởng trường Nhạc đường học xá.

You might also like