You are on page 1of 5

ĐỊNH TÍNH FLAVONOID

1. ĐẠI CƯƠNG VỀ FLAVONOID


1.1. Định nghĩa
Flavonoid là một nhóm hợp chất tự nhiên lớn thường gặp trong thực vật, phần lớn
có màu vàng. Về cấu trúc hoá học, flavonoid có khung cơ bản kiểu C6–C3–C6 (2 vòng
benzen A và B nối với nhau qua một mạch 3 carbon) và được chia làm nhiều nhóm khác
nhau, ở đây không giới thiệu về cấu tạo của từng nhóm. Hầu hết flavonoid là các chất
phenolic.
1.2. Nguồn gốc
Cũng giống vitamin C, các flavonoid được khám phá bởi các nhà sinh hoá nổi tiếng
nhất của thế kỷ XX: Albert Szent-Gyorgyi (1893 – 1986). Ông nhận giải Nobel năm
1937 với những khám phá quan trọng về đặc tính của vitamin C và flavonoid.
1.3. Cấu trúc
Flavonoids là một chuỗi polyphenolic gồm 15 nguyên tử carbon và 2 vòng benzen
liên kết bởi một đường thẳng có 3 carbon. Khung này còn gọi là khung cơ bản theo kiểu
C6–C3–C6.

Về mặt sinh nguyên, người ta xem cấu trúc này gồm 2 phần:
- Phần phenylpropan (C6–C3 gồm vòng B + 3C): được sinh tổng hợp từ acid
shikimic.
- Phần C6 (vòng A) hay là C2+C2+C2: xuất phát từ 3 đơn vị acetat dẫn đến sự tạo
thành acid triacetic.
Trong đa số trường hợp, mạch 3 carbon đóng vòng với vòng A tạo nên dị vòng 6
cạch có oxy C. Ở một vài phân nhóm, dị vòng C có thể 5 cạnh hay mạch 3 carbon ở
dạng mở.
1.4. Phân loại
Flavonoid có cấu trúc mạch C6–C3–C6,đều có 2 vòng thơm.Tuỳ thuộc vào vị trí của
gốc aryl (vòng B) và các mức độ oxy hoá của mạch 3C mà flavonoid được phân thành
các nhóm sau:
- Euflavonoid: bắt nguồn từ cấu trúc của 2-phenylchromen-4-one (2-phenyl-1,4-
benzopyrone), bao gồm các nhóm: anthocyanidin, flavan, flavan 3-ol, flavan 4-ol, flavan
3,4-diol, flavanon, 3-hydroxy flavanon, flavon, flavonol, dihydrochalcon, chalcon,
auron.

- Isoflavonoid: bắt nguồn từ cấu trúc của 3-phenylchromen-4-one (3-phenyl-1,4-


benzopyrone), bao gồm nhiều nhóm khác nhau: isoflavan, isoflav-3-ene, isoflavan-4-ol,
isoflavanon, isoflavon, rotenoid, pterocarpan, coumestan, 3-arylcoumarin,
coumaronochromen, coumaronochromon, dihyroisochalcon, homo-isoflavon.

- Neoflavonoid: bắt nguồn từ cấu trúc của 4-phenylcoumarine (4-phenyl-1,2-


benzopyrone), chỉ có giới hạn trong một số loài thực vật, gồm các nhòm như: 4-aryl-
chroman, 4-aryl coumarin, dalbergion,…

- Biflavonoid và triflavonoid: từ 2 hay 3 flavonoid ngưng tụ với nhau tạo thành các
oligomer.
1.5. Tính chất
Các dẫn chất flavon có màu vàng rất nhạt có khi không màu (trường hợp các nhóm
–OH đã methyl hoá), flavonol vàng nhạt đến vàng, chalcon và auron vàng đậm đến đỏ
cam. Các chất thuôc nhóm isoflavon, flavanon, isoflavanon, flavanonol,
leucoanthocyanidin, flavan-3-ol do không có nối đôi liên hiệp giữa vòng B với nhóm
carbonyl nên không màu.
Các dẫn chất anthocyanidin thì màu thay đổi tuỳ theo pH của môi trường. Tuy nhiên
khi các flavonoid ở trong các bộ phận của cây thì còn phụ thuộc vào hỗn hợp với các
sắc tố khác.
Độ tan không giống nhau, thường flavonoid glycosid và flavonoid sulfat là những
hợp chất phân cực nên không tan hoặc ít tan trong dung môi hữu cơ, tan được trong
nước tốt nhất là cồn nườc. Các aglycon flavonoid thì tan được trong dung môi hữu cơ,
không tan trong nước. Các dẫn chất flavonoid có nhóm 7-hydroxy thường dễ tan trong
dung dịch kiềm loãng.

2. CÁC PHẢN ỨNG ĐỊNH TÍNH


Dưới đây là một số phản ứng dùng để định tính chủ yếu với nhóm euflavonoid và
các isoflavonoid đơn giản.
2.1. Tác dụng của FeCl3
Tùy theo nhóm flavonoid và tùy theo số lượng vị trí nhóm OH trong phân tử mà cho
màu lục, xanh, nâu.
2.2. Tác dụng của kiềm
Nếu hơ một tổ chức thực vật như cánh hoa, nhát cắt của gỗ hoặc tờ giấy thấm có
nhỏ dịch chiết trên miệng lọ amoniac thì có màu vàng tăng lên tùy theo nồng độ
flavonoid và tùy theo nhóm flavonoid: flavon và flavonol cho màu vàng sáng;
anthocyanidin cho màu xanh dương; chalcon và auron có thể cho màu đỏ da cam. Một
số nhóm khác như flavan-3-ol, flavanon, isoflavon màu không thay đổi; tuy nhiên nếu
thực hiện trong ống nghiệm với dung dịch kiềm thì một số dẫn chất flavan-3-ol lại cho
màu vì dễ bị oxy hoá, còn flavanon dễ bị isomer hoá thành chalcon nên nếu để một lúc
lại cho màu vàng đậm đến đỏ.
2.3. Tác dụng của NaOH đậm đặc và đun nóng (phân hủy kiềm)
Đun flavonoid với dung dịch KOH 30% thì sẽ mở vòng C rồi dẫn đến tạo thành dẫn
chất acid thơm và dẫn chất phenol.
Tùy theo nhóm thế và vị trí thế vào vòng A và B mà có các dẫn chất acid thơm và
phenol khác nhau. Có thể xác định các dẫn chất này bằng phương pháp sắc ký đối chiếu
với chất mẫu, kết quả thu được dùng để góp phần biện luận cấu trúc. Ví dụ khi phân huỷ
chất chrysin thì thu được phloroglucin, acid benzoic.
2.4. Tác dụng của H2SO4 đậm đặc
Acid H2SO4 khi nhỏ lên các dẫn chất flavon, flavonol thì cho màu vàng đậm. Đối
với chalcon và auron cho màu đỏ, đỏ thắm, đỏ tươi. Flavanon cho màu đỏ cam rồi đỏ
thắm, có thể do chuyển flavanon thành chalcon.
2.5. Tác dụng của antimoin pentachlorid (Phản ứng Martini Bettolo)
SbCl5 trong CCl4 cho màu từ đỏ đến tím với chalcon, vàng đến vàng cam với flavon.
Dihydrochalcon thì mất nối đôi liên hợp giữa nhóm carbonyl và vòng B nên không cho
màu với SbCl5 hoặc với H2SO4.
2.6. Phản ứng cyanidin (Phản ứng Shinoda hay Willstater)
Đây là phản ứng khử hay được sử dụng nhất để tìm sự có mặt của các dẫn chất nhóm
flavonoid. Dung dịch flavonoid trong ethanol, thêm bột Mg rồi nhỏ từ từ HCl đậm đặc.
Sau 1 đến 2 phút sẽ có màu đỏ cam, đỏ thẩm hoặc đỏ tươi với các dẫn chất flavon,
flavonol, flavanonol, flavanon.
Màu sắc đôi khi có thể bị thay đổi tùy theo loại, số lượng, vị trí nhóm thế ví dụ các
dẫn chất methoxy flavon (Tangeretin, Nobiletin) thì âm tính.
Để phân biệt giữa flavonoid glycosid và aglycon của chúng, Bryant đem lắc dung
dịch có màu với octanol, nếu màu ở lớp dưới lên hết ở lớp octanol, chất thử là aglycon,
nếu lớp octanol không màu, chất thử là glycosid. Cũng cần lưu ý rằng các dẫn chất
xanthon ví dụ mangiferin (có trong lá xoài) cũng dương tính với thuốc thử cyanidin.
2.7. Tác dụng của chì acetat trung tính hoặc kiềm
Phản ứng thực hiện trên giấy thấm. Nhiều dẫn chất flavonoid tạo thành muối hoặc
phức có màu khi nhỏ thêm dung dịch chì acetat trung tính hoặc kiềm. Màu phụ thuộc
vào các dẫn chất flavonoid. Nếu tiến hành trong ống nghiệm, chì acetat kiềm cho tủa
màu với hầu hết các flavonoid có nhóm chức phenol còn chì acetat trung tính tạo tủa với
những dẫn chất có nhóm o-dihydroxyphenol.
2.8 Phản ứng ghép đôi với muối diazoni
Các dẫn chất flavonoid có nhóm –OH ở vị trí 7 có thể phản ứng với muối diazoni
để tạo thành chất màu azoic vàng cam đến đỏ.

You might also like