You are on page 1of 5

PHÉP ĐỐI TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

*
Câu đối là các câu văn đi song song với nhau từng cặp.
Thí dụ:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh
*
Trong bài thơ Đường luật Thất ngôn bát cú, bắt buộc phải có đối với nhau giữa
các câu 3 và 4. câu 5 và 6.
Muốn câu đối chỉnh và cân, phép đối cần phải hội đủ 3 điều kiện:
-Đối thanh
-Đối ý
-Đối từ loại
*
1. ĐỐI THANH
-Bảng luật bằng:
BBTTBBT
TTBBTTB
-Bảng luật trắc
TTBBBTT
BBTTTBB
Chí ít là các chữ 2,4,6,7 phải theo đúng luật bằng trắc.
*
2. ĐỐI Ý
Ý câu trên và ý câu dưới, hoặc chống nhau, hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau.
Thí dụ:
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
*
3. ĐỐI TỪ LOẠI
Danh từ <-> Danh từ.
Danh từ riêng <-> Danh từ riêng. Danh từ chung <-> Danh từ chung
Tên người <-> Tên người.
Tên nước, Tên địa phương <-> Tên nước, Tên địa phương
*
Động từ <-> Động từ.
Trạng từ <-> Trạng từ.
*
Tính từ <-> Tính từ.
Tính từ có nhiều loại, nên:
Gợi hình <-> Gợi hình. Màu sắc <-> Màu sắc. Mùi vị <-> Mùi vị. Tượng thanh
<-> Tượng thanh. Số lượng <-> Số lượng.
*
Chữ nặng <-> Chữ nặng. Chữ nhẹ <-> Chữ nhẹ
Mùa tiết <-> Mùa tiết. Phương hướng <-> Phương hướng
*
Thành ngữ <-> Thành ngữ. Chuyên ngữ <-> Chuyên ngữ
Từ kép <-> Từ kép. Từ đơn <-> Từ đơn
Hán Việt <-> Hán Việt.
Nôm (thuần Việt) <-> Nôm (thuần Việt)
*
Hai cặp đối trong thơ Đường luật là tinh hoa của bài thơ. Nó là đặc điểm chính
để nhận biết một bài thơ Đường luật. Hai cặp đối này còn giúp đo lường trình
độ làm thơ Đường luật của tác giả.
Một bài thơ thất ngôn bát cú mà không có 2 cặp đối ở Thực và Luận thì không
phải là một bài thơ Đường luật.
ĐỐI NGẪU
TRONG THƠ ĐƯỜNG
***
ĐỐI NGẪU - LÀ MỘT VẺ ĐẸP ĐẶC SẮC, LÀ MỘT TRONG NHỮNG
ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ CỦA THƠ ĐƯỜNG LUẬT.

- Ý nghĩa triết học nêu trên còn thể hiện rõ ở phép đối ngẫu.
Trong một liên thơ (hai câu) được gọi là có đối, thì câu trước, nó như tung, câu
sau nó như hứng, nó nương vào nhau làm cho ý thơ thêm mạch lạc.
Vậy hèn chi, người ngàn xưa đã chả đưa đối ngẫu vào thể thơ này như một điều
bắt buộc.
*
Từ đầu thế kỷ trước, đối mặt với sự thắng thế của phong trào thơ mới, Vũ
Hoàng Chương, một nhà thơ thành danh, không nỡ bỏ hẳn thơ Luật Đường,
ông đã sáng tác nhiều bài thơ không đối, chỉ giữ lại có luật hạn câu, hạn chữ,
hạn vận, hạn bằng trắc. Vũ Hoàng Chương xem những bài thơ đó chỉ là một
thực nghiệm. Sau đó, song song với việc sáng tác thơ mới, ông còn sáng tác
nhiều bài thơ luật nghiêm chỉnh khác (như bài đa thủ “Giấc mơ tái tạo”).
*
Chúng ta nay một khi đã gửi hồn cho thể thơ luật Đường thì đừng có bao giờ
bực bội giữa khi đang có hồn thơ lai láng, lại bị nghẽn bởi hai cặp đối ở hai câu
thực, luận và nóng vội cho rằng: làm gì mà phải đối chặt chẽ vậy.
*
*
- Đối ngẫu trong thơ đường luật bát cú, thất ngôn, ngũ ngôn nói tổng quát là có
2 phép: Phép chỉnh đối và phép khoan đối.
Dưới đây chúng tôi xin được trao đổi về 2 phép đối này. Các ví dụ được nêu ra
để phân tích, chúng tôi lấy từ một số bài thơ đã in trong “Thơ Đường quê lụa”
tập 5, NXB Văn hóa Dân tộc, 2008.
*
PHÉP CHỈNH ĐỐI
Nguyễn Thu Hà, người trẻ tuổi nhất của CLB, trong bài “Duyên quê”, cặp thực,
đối như sau:
Anh nắm bàn tay thon ấm áp,
Em cười đôi mắt sáng long lanh.
Thật là chỉnh, thật là chính danh: anh với em, bàn tay với đôi mắt (Danh từ đối
với Danh từ), Thon với sáng (Tính từ đối với nhau), ấm áp với long lanh
(Trạng từ láy đối nhau). Hai câu thơ tình đằm thắm đến thế mà lại không thấy
lả lơi. Thu Hà đã huy động phép đối rất nghiêm để đạt hiệu quả.
*
Hạnh Anh (Đỗ Biện), trong bài “Đêm thu” câu 5,6 đối như sau:
Hoa cúc bâng khuâng ly rượu ngát
Hoa nhài thao thức chút hương phôi.
Cặp đối chính danh này rất nghiêm về thể thức, nhưng lại rất hào hoa.
*
Cụ Tạ Đăng Viên, ngoại 80, có bài “Tự thọ” rất hóm hỉnh, cụ có cặp luận:
Kính mắt gà đeo tròng chấp chới
Gậy càng cua chống bước lon ton.
Bằng hai câu đối chặt chẽ, như vẽ nên, như trông thấy một cụ đại thọ nhanh
nhảu hồn nhiên trước mắt ta.
"
PHÉP KHOAN ĐỐI
Để cho một chùm thơ, một tập thơ không bị đơn điệu về hình thức đối ngẫu,
người xưa đã đưa ra nhiều phép đối ngẫu linh hoạt hơn.
*
Phép lưu thủy đối:
Ví dụ:
Còn chăng lời hẹn bên trang sách,
Hay đã tàn theo ánh lửa đèn.
*
Theo quy tắc chiếu chữ thì hai câu này là bất đối. Nhưng lại xét: Hai câu thơ có
cấu trúc ngữ pháp giống nhau; mạch ý câu trên trôi chảy như nước, được tràn
sang câu dưới làm lọn nghĩa cho câu trên. Đó là phép Lưu thủy đối.
*
Tất cả các liên thơ mà câu trên bắt đầu bằng mấy chữ tương tự như: còn
chăng…, đã sinh…, bỗng dưng…, ứng với đầu câu dưới là các chữ tương tự
như: hay đã…, phải có…, để mà…, v.v. thì liên thơ đó đã theo phép đối nói
trên.
*
Phép tá tự đối:
Ví dụ:
Nghèo sạch, thanh danh nên gắng giữ
Giầu sang, khó tính chớ nên chơi.
*
Câu trên, “thanh danh” là danh từ, câu dưới “khó tính” là tính từ, xét thế thì quả
là bất đối. Nhưng nếu theo tiếng (không theo nghĩa thật), thì chữ “khó”, chữ
“thanh” lại là tính từ; Chữ “danh” và chữ “tính” lại là danh từ. Xét theo cách
này thì chúng lại đối chặt chẽ với nhau. Phép đối này người ta lợi dụng sự đồng
âm dị nghĩa để Tá tự đối (như: hai mái trống tung đành chịu dột/ tám giờ
chuông điểm phải nằm co – của Tú xương).
*
Phép số tự đối gắn với Tá tự đối
Ví dụ: Học bẩy nghề còn lo thất nghiệp
Làm ba vụ vẫn đói tư mùa.
*
Hơi tiếc, ở câu dưới viết: ba vụ đối với tư mùa, tuy là đúng có nội đối ở trong
câu, nhưng không hay bằng câu trên: bẩy cái nghề và thất (mất) cái nghiệp. Câu
dưới, nếu không vì luật bằng trắc, mà viết là: “Làm tư vụ vẫn đói tứ mùa”, thì
câu đối này được xếp vào hạng tuyệt diệu. Phép dối này được xem như là phép
số tự đối có kèm theo lối chơi chữ (có thể liên hệ đến: nhớ nước đau lòng con
cuốc cuốc - của bà Huyện Thanh Quan).
*
Phép cú trung đối:
Ví dụ
Màn trời chiếu đất con người khổ
Nước vật thuyền xơ cá biển nghèo
*
Nếu câu trên, câu dưới cứ chiếu từng chữ lên nhau, thì hai câu này cũng bất
đối. Nhưng xét nội bộ từng câu, thì lại thấy: màn trời đối với chiếu đất; nước
vật đối với thuyền xơ; đuôi câu trên (con người khổ) đối rất chặt với đuôi câu
dưới (cá biển nghèo). Lấy câu có nội đối để đối nhau thì lại rất cân bằng. Đây
là cú trung đối.
*
Tuy nhiên còn một số phép đối khác chúng ta ít vận dụng
a) Lấy của đánh người, quân tệ nhỉ?
Xương gà da cóc, có đau không?
(Nguyễn Khuyến)
*
b) Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
(Hồ Xuân Hương)
*
c) Công đức tu hành, sư có lọng
Xu hào rủng rỉnh, mán ngồi xe.
(Tú Xương)
*
Nguyễn Khuyến cũng như nữ sỹ Xuân Hương đã tổ chức từ ngữ ở từng câu, để
câu nào cũng có tiểu đối, nhưng ta không xếp hai liên đối a,b nêu trên vào phép
Cú trung đối, vì ngoài phần có tiểu đối, trong từng câu còn có phần bất đối. Do
đó hai liên thơ a, b trên chúng ta quy vào phép Tựu cú đối.
*
Trong câu của Tú Xương, ông Tú đã đem cả hai cụm từ như hai thành ngữ để
chọi nhau: công đức tu hành chọi với xu hào rủng rỉnh. Mặt khác đuôi của từng
câu lại đối rất chặt với nhau: sư có lọng đối với mán ngồi xe. Phân tích đặc
điểm này để kết luận: đây cũng là phép Tựu cú đối như a và b. Cú trung đối và
Tựu cú đối, có dạng thức ngữ pháp của câu văn na ná như nhau, nên còn có tên
chung là Đương đối.
*
Phép giao cổ đối:
Cụ Trần Tuấn Ngọc, trong bài “Tự nhủ”, (Bạn và thơ là xuân – NXBVHDT,
Hà Nội 2004), có câu luận:
Chân bước vững, đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp, trúc vươn cao.
*
Đây chính là phép Giao cổ đối: chân bước vững đối chéo xuống với trúc vươn
cao, và rừng cây rậm rạp đối chéo lên với đường chiều khấp khểnh.
*
Phép bất đối chi đối:
Trong buổi lễ tế “Trận vong tướng sỹ” thế kỷ 19, quan tổng trấn Nguyễn Văn
Thành có sai trưng câu đối chữ Hán (nay dịch nghĩa) như sau:
Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
*
Câu trên lấy từ thơ Thôi Hiệu, bài Hoàng Hạc Lâu. Câu dưới lấy từ thơ Vương
Hàn, bài Lương Châu Từ.
Cái hay của đôi câu đối này là: Ghép hai câu thơ khác nhau của hai tác giả mà
câu đối vẫn hiệp chung một tình ý. Câu 1 có đại ý là cảm thán tình cảnh, câu
hai có đại ý là an ủi vong linh. Thật là quá hợp với nội dung Tế Trận Vong
Tướng Sỹ. Đây là phép bất đối chi đối, lấy cái không đối để đối, không lệ thuộc
vào mặt chữ mà chỉ chú trọng đến ý. Ý phải đối nhau, cấu trúc ngữ pháp phải
song song đồng dạng với nhau.
*
Những bậc cao niên khuyên rằng, nếu một khi ta chưa thật thạo về các phép
đối, thì chỉ nên sử dụng các phép chỉnh đối, lưu thủy đối, cú trung đối. Còn các
phép đối khác, chúng ta hãy chỉ làm quen, giúp chúng ta nhận biết được các
dạng thức đối khác nhau.
*
các phép đối thơ, dù ở dạng thức nào đều phải hội đủ 3 đặc điểm:
- Đối ý. Ý câu trên và câu dưới, hoặc chống nhau, hoặc bổ sung ý nghĩa cho
nhau.
- Đối thanh âm. Chí ít là các chữ nằm ở vị trí 2, 4, 6, 7 (Thơ thất ngôn) và 2, 4,
5 ( Thơ ngũ ngôn) nhất thiết phải tuân theo luật bằng trắc.
- Đối từ loại, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối với
tính từ. Phải nắm được các phép biến đổi từ loại ở các ngữ cảnh khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có phép đối không yêu cầu đối từ loại như theo phép chiếu
chữ, mà ở đó lại có sự xoay chiều để đối chéo cho nhau.

You might also like