You are on page 1of 21

HỌC VIỆN TƯ PHÁP

KHOA ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ CÔNG CHỨNG VIÊN


VÀ CÁC CHỨC DANH KHÁC
˜˜{™™

BÁO CÁO KẾT THÚC HỌC PHẦN


KỸ NĂNG CHUNG VỀ CÔNG CHỨNG

Chuyên đề: Những kỹ năng công chứng viên cần


sử dụng để việc nhận dạng chữ viết, chữ ký, con
dấu trong giấy tờ tài liệu
Họ và tên: VÕ THỊ THU HIỀN
Sinh ngày 04 tháng 10 năm 1997
Số báo danh: 022
Lớp: CCV23.2B

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 3 năm 2020


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 2

NỘI DUNG...................................................................................................................3

A. TỔNG QUAN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ GIẤY TỜ TÀI LIỆU
TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG..................................................................4

B. CÁCH THỨC NHẬN DIỆN CHỮ VIẾT, CHỮ KÝ, CON DẤU ĐỐI VỚI
GIẤY TỜ TÀI LIỆU TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG................................5

I. Nhận dạng chữ viết...........................................................................................5

II. Nhận dạng chữ ký.............................................................................................8

III. Nhận dạng con dấu, hình dấu giả trong giấy tờ, tài liệu.................................10

C. KỸ NĂNG NHẬN DIỆN MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN CHỮ
VIẾT, CHỮ KÝ, CON DẤU ĐỐI VỚI GIẤY TỜ TÀI LIỆU TRONG HOẠT
ĐỘNG CÔNG CHỨNG...........................................................................................13

I. Nhận dạng tài liệu bị tẩy xóa..........................................................................13

II. Nhận dạng tài liệu bị thay ảnh, ghép ảnh, thay trang......................................14

III. Nhận dạng phôi, mẫu giấy giả........................................................................15

D. GIẢI PHÁP ĐỂ CÔNG CHỨNG VIÊN PHÁT HIỆN GIẤY TỜ GIẢ.............16

1. Đối với tổ chức hành nghề công chứng..........................................................16

2. Đối với công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng..................17

3. Đối với Sở Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền liên quan:.......................19

KẾT LUẬN.................................................................................................................20

Báo cáo kết thúc CC2 Page 2


MỞ ĐẦU

Trong những năm gần đây hoạt động công chứng ngày càng phát triển. Cùng với
sự tăng nhanh về số lượng hợp đồng, giao dịch được công chứng, chứng thực thì tình
trạng giả mạo đặc biệt là việc giả mạo về chữ viết, chữ ký, con dấu đối với giấy tờ tài
liệu trong hoạt động công chứng, chứng thực đang là vấn nạn nghiêm trọng mang tính
thời sự xảy ra trong phạm vi cả nước. Số vụ việc đã phát hiện hoặc tiềm ẩn dấu hiệu
giả mạo ngày càng tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Rất nhiều vụ việc đã
để lại những hậu quả hết sức nặng nề, điều này ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã
hội, tạo tâm lý lo lắng, bất an cho công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng,
doanh nghiệp và người dân.
Khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014 quy định “Công chứng là việc công
chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp
pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng,
giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ,
văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt
(sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá
nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 5 Luật
công chứng 2014 cũng quy định “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị
chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không
phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”. Như vậy, với vai trò
quan trọng của mình như đã nêu, công chứng là một hoạt động quan trọng, một thể chế
không thể thiếu được của Nhà nước pháp quyền. Bằng hoạt động công chứng của
mình, công chứng viên góp phần đảm bảo an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, kinh
doanh, thương mại và các quan hệ xã hội khác, phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng
cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc xác định chính xác các yếu tố về chủ thể, sự
hợp pháp của các loại giấy tờ mà người yêu cầu cung cấp là kỹ năng cơ bản và quan
trọng của công chứng viên trong quá trình hành nghề, là cơ sở để công chứng viên
chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch để hình thành nên một
văn bản công chứng hoàn chỉnh.
Khi đã xảy ra tranh chấp, một loạt các vấn đề phát sinh mà hậu quả của nó chính
là việc làm mất thời gian, chi phí, gây tổn hại đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức
tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch đồng thời gây mất ổn định trong xã hội. Và hơn
thế nữa là ảnh hưởng uy tín và có thể dẫn đến hậu quả lớn cho công chứng viên. Với
chức năng tham gia vào quá trình thỏa thuận, giao kết các hợp đồng, giao dịch, công
chứng viên có trách nhiệm giúp các bên tham gia giao kết thể hiện ý chí của mình một
cách vô tư, khách quan, đúng pháp luật, giải quyết các xung đột về mặt lợi ích giữa các
chủ thể này, qua đó loại bỏ những nguyên nhân gây ra tranh chấp. Chính vì thế, nhu
cầu hình thành và phát triển một thiết chế pháp luật tích cực nói chung và yêu cầu
công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ

Báo cáo kết thúc CC2 Page 3


năng trong việc nhận diện đúng chữ viết, chữ ký, con dấu nói riêng để có thể phòng
ngừa, ngăn chặn tranh chấp phát sinh trong giao lưu dân sự, kinh tế và thương mại như
đã nêu trên là một đòi hỏi khách quan, cần thiết. Có như vậy, công chứng viên mới có
thể đảm bảo an toàn pháp lý cho bản thân và chính giao dịch mà mình công chứng.

NỘI DUNG

A. TỔNG QUAN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ GIẤY TỜ TÀI
LIỆU TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG
Công chứng được coi là một nghề cao quý bởi hoạt động công chứng bảo đảm
tính an toàn pháp lý, ngăn ngừa tranh chấp, giảm thiểu rủi ro cho các hợp đồng giao
dịch, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân,
tổ chức. Khi đi công chứng, chứng thực người yêu cầu phải xuất trình bản chính các
giấy tờ để thực hiện các giao dịch theo mong muốn, các loại giấy tờ có thể kể đến đó
là:
 Giấy tờ tuỳ thân của người yêu cầu công chứng: chứng minh nhân dân,
căn cước công dân, hộ chiếu, chứng minh quân đội…. Giấy tờ tuỳ thân là giấy
tờ dùng để xác định đặc điểm và nhận dạng nhân thân của một con người.
Trong hoạt động công chứng, giấy tờ tuỳ thân giúp công chứng viên xác định,
nhận dạng đúng chủ thể tham gia hợp đồng, giao dịch.
 Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng: Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở
và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận đăng ký xe (ô tô, mô tô, xe
máy) … thông qua việc xem xét các loại giấy tờ này công chứng viên có thể
xác định chủ thể có quyền đối với tài sản.
 Giấy tờ khác có liên quan tới hợp đồng giao dịch: Giấy xác nhận tình
trạng hôn nhân, Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy khai sinh, Giấy chứng tử, Hợp
đồng uỷ quyền, Văn bản thoả thuận tài sản riêng vợ chồng …
“Bản chính” là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp
lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác
nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để chứng thực bản sao như: các
văn bằng, chứng chỉ, Bảng điểm, Giấy chứng nhận tốt nghiệp, hợp đồng, văn bản …
Tại Khoản 2 Điều 7 Luật công chứng 2014 nghiêm cấm cá nhân, tổ chức sử
dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xoá, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công
chứng.
Nghị định 110/2013/NĐ-CP và Nghị định 67/2015/NĐ-CP cũng quy định mức
xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cố ý sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để
thực hiện hợp đồng giao dịch “2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối
với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo
để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch. 3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng
đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, văn bản hoặc giả mạo, thuê

Báo cáo kết thúc CC2 Page 4


hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp
đồng, giao dịch; làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch” (Điều 2 Nghị
định 67/2015/NĐ-CP).
Về trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định các tội danh và hình
phạt tương ứng đối với từng tội danh “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ
Luật Hình sự)”, “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 175 Bộ Luật Hình
sự), “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu
giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 175 Bộ Luật Hình sự).

B. CÁCH THỨC NHẬN DIỆN CHỮ VIẾT, CHỮ KÝ, CON DẤU ĐỐI VỚI
GIẤY TỜ TÀI LIỆU TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

I. Nhận dạng chữ viết


1. Những dấu hiệu trong chữ viết Tiếng Việt
Chữ viết là một sản phẩm quan trọng trong quá trình tiến hóa phát triển của loài
người thông qua lao động. Chữ viết là những ký tự đường nét được quy ước, quy định
thống nhất và tương đối ổn định của một bộ phận người (dân tộc) có nền văn hóa riêng
làm phương tiện để tư duy, trao đổi và lưu trữ thông tin, phục vụ cho đời sống con
người và sự phát triển của xã hội.
- Dấu hiệu chung của chữ viết: là những dấu hiệu có tính chất tổng thể của
chữ viết trên bản viết. Căn cứ vào các đặc trưng của chuyển động viết được
phản ánh trên bản viết mà chú ý vào, bao gồm:
 Dấu hiệu trình bày bản viết: khoảng cách giữa các chữ đầu dòng so với
đường lề sau dấu chấm xuống dòng; hình dạng đường chân chữ: thẳng, không
thẳng, lượn sóng…; chiều hướng dòng chữ: hướng xiên lên trên, nằm ngang
hoặc xiên xuống; vị trí dấu phẩy, dấu chấm so với đường chân chữ: ở giữa, nằm
phía trên, nằm phía dưới .
 Dấu hiệu thể hiện mức độ điêu luyện chữ viết:
 Mức độ điêu luyện thấp: thường thể hiện ở những người có trình
độ học vấn thấp, mới học viết, nhịp độ chuyển động viết chậm; liên kết giữa
những ký tự kém, hoặc hầu như không liên kết.
 Mức độ điêu luyện trung bình: thường kết hợp các đường nét
không đều nhau, nhịp độ viết không đều, lúc nhanh lúc chậm.
 Mức độ điêu luyện cao: thể hiện nhịp độ chuyển động viết nhanh
kết hợp giữa các đường nét chính xác, ổn định, mức độ liên kết giữa các chữ
trong cùng một từ cao.
 Dấu hiệu thể hiện cấu trúc chuyển động viết:
 Chuyển động tạo góc (nhọn, tù..).
 Chuyển động cùng chiều hoặc ngược chiều kim đồng hồ.
 Trục chữ: độ nghiêng của chữ - nghiêng phải, nghiêng trái, không
nghiêng so với đường chân chữ.
 Mức độ liên kết các chữ trong một từ.

Báo cáo kết thúc CC2 Page 5


 Mức độ ấn bút: mức độ nông, sâu; mức độ ấn bút mạnh, trung
bình hoặc nhẹ. Có thể quan sát mặt phía sau chữ viết hoặc trên bề mặt những
trang giấy kế tiếp (kê đệm) thì sẽ phát hiện với những vết hằn, tùy theo mức độ
sâu nông của vết hằn mà đánh giá mức độ ấn bút khi viết.
- Dấu hiệu riêng của chữ viết: là những dấu hiệu hình thành trong quá
trình thực hiện các đường nét, ký hiệu viết. Dấu hiệu riêng thường có tính ổn
định, thể hiện sự cá biệt của chữ viết, dựa vào sự cá biệt này có thể phân biệt
được chữ viết của người này và người kia. Dấu hiệu riêng được chia thành các
nhóm sau:
 Nhóm hình dạng: thẳng, cong, lượn sóng, tạo góc, xoáy, quai.
 Chiều hướng chuyển động: từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên; từ trái
qua phải; từ phải qua trái; chuyển động cùng chiều hoặc ngược chiều kim đồng
hồ.
 Sự tương quan giữa các nét: là sự tương quan về độ lớn, độ rộng giữa
các nét thường và các nét quai, các nét xổ, các nét kết thúc.
 Mức độ liên kết: căn cứ vào điểm dừng bút nhằm chuyển sang thực hiện
nét viết khác để xác định mức độ liên kết giữa các nét: độ liên kết cao, trung
bình hoặc thấp.
 Số lượng đường nét là số lượng đường nét các chữ khi thực hiện viết so
với mẫu chữ tiêu chuẩn. Các dạng thường gặp là: đơn giản hóa đường nét (giảm
bớt đường nét so với chữ tiêu chuẩn), phức tạp hóa, viết thêm đường nét (số
lượng đường nét tăng so với mẫu chữ tiêu chuẩn, kể cả viết thêm đường nét
theo ý thích).
 Thứ tự thực hiện các nét: căn cứ vào điểm bắt đầu và kết thúc để xác
định thứ tự thực hiện các đường nét của chữ viết, cụ thể thứ tự thực hiện các
đường nét theo quy ước và thực hiện các đường nét ngược, sai so với quy ước.
 Sự phân bổ tương đối khi thực hiện viết các nét, bao gồm: vị trí điểm bắt
đầu và điểm kết thúc so với dòng kẻ ngang của giấy, vị trí các nét giao nhau so
với tiêu chuẩn, vị trí các chữ với nhau theo chiều ngang.
2. Một số thủ đoạn giả chữ viết
a. Thủ đoạn tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm hoặc bớt nội dung
- Tẩy xóa: để viết chữ tạo ra tài liệu theo yêu cầu
 Tẩy xóa bằng cơ học: dùng dụng cụ, phương tiện và lực cơ học để tẩy
xóa tài liệu chữ viết.
 Tẩy xóa bằng hóa học: dùng hóa chất để tẩy xóa tài liệu chữ viết
- Sửa chữa: hành vi thực hiện để thay nội dung tài liệu cũ thành nội dung
tài liệu mới phù hợp với yêu cầu. Bao gồm sửa chữa để:
 Thay đổi hoàn toàn nội dung tài liệu
 Thay đổi một phần tài liệu
- Dấu hiệu nhận biết: Có vết tẩy, xơ giấy, chữ nhòe mực, kích thước chữ
viết rộng, dài, cao không tương xứng nhau; có khoảng chen lẫn, khoảng trống

Báo cáo kết thúc CC2 Page 6


không hợp lý, trục chữ thay đổi, chữ có thể khác màu mực (phát quang), giấy bị
tẩy mỏng đi, độ bóng kém hơn so với những vị trí khác của tài liệu.
b. Thủ đoạn viết trá hình
Còn gọi là viết cố ý trá hình, bao gồm:
- Cố ý viết chữ trá hình, thay đổi hình dạng (có thể viết bằng tay không
thuận), lỗi văn, ngữ pháp, từ ngữ…của chúng, viết để che đậy hành vi phạm
pháp của mình.
- Cố ý viết chữ của người khác mà tự nghĩ ra để viết (không có mẫu chữ
viết để tập luyện theo)
- Cố ý viết theo dạng chữ của người khác nhằm đánh lạc hướng. Thông
thường có sự tập luyện theo mẫu chữ của người khác.
- Dấu hiệu nhận biết: dấu hiệu chung giống nhau, dấu hiệu cá biệt thì khác
nhau trường hợp viết theo chữ của người khác. Còn cố ý viết khác dạng chữ của
chính mình thì để lại nhiều dấu hiệu cá biệt dễ dàng nhận biết. Chú ý: người
viết chữ điêu luyện có thể giả viết chữ trình độ không điêu luyện; tuy nhiên
những người viết chữ trình độ không điêu luyện thì không bao giờ có thể làm
giả được chữ viết có trình độ điêu luyện.
c. Thủ đoạn cắt, dán, ghép tài liệu
Là thủ đoạn cắt, dán ghép chữ viết để hình thành tài liệu có nội dung theo yêu
cầu, bao gồm:
- Cắt, dán ghép toàn phần: lấy chữ viết thật của người cần lấy chữ viết, cắt
tách các chữ cái cần thiết của nhiều tài liệu rồi dán ghép thành tài liệu có nội
dung theo yêu cầu (tài liệu bất hợp pháp). Sau đó dùng biện pháp kỹ thuật (như
phương pháp photocopy) để xóa dấu vết cắt ghép.
- Cắt, dán ghép từng phần tài liệu: cắt chữ viết cần thiết rồi dán ghép vào
phần tài liệu sẵn có để tạo ra tài liệu cần thiết (tài liệu bất hợp pháp). Dùng các
biện pháp kỹ thuật (như phương pháp photocopy) để xóa dấu vết cắt ghép.
- Dấu hiệu nhận biết: khác nhau về sự tương quan độ lớn, chiều rộng giữa
các chữ, để lại dấu vết cắt ghép, trục chữ không ổn định; tại vị trí cắt, bóc, dán
ghép phát quang dưới ánh sáng tử ngoại khác biệt so với các vị trí khác trên tài
liệu.
d. Chữ viết tô đồ
Là thủ đoạn tạo ra tài liệu theo chữ viết có sẵn của người khác, thường dùng vào
việc nhân thành nhiều bản và đánh lạc hướng. Có thể tiến hành tô đồ:
- Theo vết hằn: tô theo mẫu chữ có sẵn, tạo vết hằn lên tờ giấy khác rồi
dùng bút mực tô theo vết hằn đó thành chữ.
- Theo giấy nến: tiến hành tô theo mẫu chữ có sẵn nên trên giấy nến; các
nét tô theo chữ mẫu qua giấy nến in lên giấy tạo thành bản chữ viết.
- Ánh sáng ngược: dùng ánh sáng chiếu ngược từ bản chữ mẫu đặt phía
dưới hoặc phía sau lên tờ giấy trắng cần viết tài liệu. Sau đó viết lên trực tiếp
theo bóng hình bản gốc tạo thành bản tài liệu cần dùng.

Báo cáo kết thúc CC2 Page 7


e. Chữ viết của các cặp song sinh
Có nhiều cặp song sinh có hình dạng chữ viết rất giống nhau vì cùng môi trường
học, cùng thầy cô dạy dỗ, cùng học tập và bắt chước lẫn nhau.
f. Dùng bút ma thuật để làm giả tài liệu
Bút ma thuật sử dụng chất liệu mực đặc biệt. Tùy theo chất liệu, nhiệt độ, độ ẩm,
tốc độ viết, chữ viết sẽ biến mất trong vòng 15 đến 02 ngày sau khi viết mà không để
lại bất kỳ dấu vết nào. Để hạn chế trường hợp này, công chứng viên nên cho người yêu
cầu công chứng viết bằng bút do văn phòng cung cấp trực tiếp tại tổ chức hành nghề
công chứng.

II. Nhận dạng chữ ký


Chữ ký là ký hiệu riêng biệt của một người trên cơ sở chữ viết và tư duy sáng
tạo các đường nét theo sở thích của mỗi người nhằm mục đích xác nhận và chịu trách
nhiệm về những vấn đề nội dung nêu trong tài liệu. Là sản phẩm do tập luyện tạo ra
trên cơ sở phản xạ có điều kiện, không phải do bẩm sinh mà có. Chữ ký có thể thay đổi
theo từng thời gian và do ý muốn của người ký, nhưng nó vẫn mang tính ổn định nhất
định và có tính đặc trưng của người tạo ra nó. Thực tiễn cho thấy bên cạnh việc giả
mạo chữ viết, con dấu, bọn tội phạm còn giả mạo cả chữ ký trong văn bản giấy tờ, tài
liệu để thực hiện mục đích của chúng, cho dù chúng hoàn toàn biết hành vi của mình
có thể bị xử lý mạnh theo Bộ luật Hình sự. Do vậy, việc nhận dạng chữ ký cũng phải
dựa trên các nguyên tắc và phương pháp của việc giám định chữ viết tay. Để nhận diện
chữ ký cần căn cứ vào các đặc điểm sau:
 Sự thể hiện các nét chữ ký
 Hướng chữ ký
 Tốc độ ký chữ ký
 Mức độ điêu luyện chữ ký
 Mức độ liên kết giữa các thành phần của chữ ký
 Nét gạch chân và các nét phụ khác, vv..
1. Dấu hiệu chung của chữ ký
Đó là những dấu hiệu về sự tương quan giữa vị trí của chữ ký so với các phần
khác có trong tài liệu.
- Dấu hiệu về hình dạng chung của chữ ký: dạng đọc được, dạng không
đọc được và dạng hỗn hợp; dấu vết, đặc điểm là các nét phụ gạch chân, gạch
ngang, nét kết thúc.
- Dấu hiệu thể hiện mức độ điêu luyện của chữ ký là mức độ hình thành
thói quen ký, phụ thuộc vào kỹ năng và tốc độ ký.
 Mức độ điêu luyện cao: mức độ liên kết cao và tốc độ chuyển
động nhanh.
 Mức độ điêu luyện trung bình: các nét chuyển động không ổn
định về kích thước, tốc độ trung bình, độ liên kết các nét trung bình.

Báo cáo kết thúc CC2 Page 8


 Mức độ điêu luyện thấp: nét chuyển động vụng về, các nét ô van
bị biến dạng, tốc độ chuyển động chậm, có nét run; có độ dừng bút vô lý.
- Dấu hiệu thể hiện cấu trúc chuyển động
 Cấu trúc chuyển động đơn giản: đường nét rõ ràng, dễ nhận biết
thứ tự các nét thực hiện.
 Dấu hiệu thể hiện cấu trúc phức tạp: hướng chuyển động thay đổi
liên tục; thứ tự thực hiện các đường nét khó xác định, các đường nét không rõ
ràng và khối lượng nét thường tăng so với quy ước.
- Dấu hiệu thể hiện hướng chuyển động của các đường nét: chuyển động
cùng chiều, ngược chiều kim đồng hồ, chuyển động hỗn hợp.
- Độ lớn đường nét theo chiều ngang và chiều cao.
- Mức độ ấn bút khi tiến hành kí chữ ký.
- Độ liên kết giữa các thành phần trong chữ ký
2. Các dấu hiệu riêng của chữ ký
Được xác định giống như dấu hiệu riêng của chữ viết, ngoài ra cần quan tâm các
đặc điểm đặc thù, đánh dấu, thói quen mà chỉ được xuất hiện trong chữ ký của đích
danh người ký mà thôi, cụ thể
- Dạng và hướng chuyển động của chữ ký:
 Dạng cong, tạo góc, chuyển động từ phải sang trái hoặc trái sang
phải, từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên, dạng tổng hợp. Xác định hình
dạng chung của chữ ký bằng cách nối điểm đầu với điểm cao nhất, điểm thấp
nhất, điểm cuối của chữ ký.
 Mức độ liên kết giữa các thành phần của chữ ký; các điểm chồng
nhau, cắt nhau với các thành phần khác trong chữ ký.
 Những dấu hiệu thể hiện tác động tâm lý, sinh lý: nét run rẩy,
không liên kết, tuổi tác, bệnh tật, giới tính..
3. Một số thủ đoạn làm giả chữ ký
a. Cố ý làm thay đổi chữ ký của mình
Là thủ đoạn giả mạo bằng cách ký khác chữ ký của mình có thể một phần hoặc
toàn phần chữ ký để nhằm mục đích không thừa nhận chữ ký đó (Ví dụ: Nhận tiền rồi
xong lại bảo là chưa nhận) Dạng chữ ký này có đặc điểm là: Tốc độ chuyển động
chậm chạp so với chữ ký thường sử dụng, có sự sai khác phần đầu và cuối chữ ký,
hình dáng nói chung hơi giống và trong chữ ký còn tồn tại nhiều đặc điểm riêng của
chữ ký thật.
b. Tạo ra chữ ký người khác (bắt chước)
Là thủ đoạn thủ phạm tự sáng tác ra chữ ký của người khác theo ý chủ quan của
mình. Trong trường hợp này ta có thể yêu cầu khách hàng ký chữ ký của khách hàng
để tìm ra những nét giống nét đã ký giả. Chữ ký được tạo ra bằng thủ đoạn này nói
chung đường nét tương đối tự nhiên, lưu loát. Song, rất nhiều đặc điểm từ hình dáng
chung đến các chi tiết đều khác chữ ký thật.
c. Ký giả theo mẫu có sẵn:

Báo cáo kết thúc CC2 Page 9


Thủ đoạn này có hai hình thức là tập cho quen để ký và nhìn ký.
- Chữ ký được luyện tập nhiều lần rồi mới ký có đặc điểm: Hình dáng
chung tương đối giống chữ ký thật, tốc độ chuyển động nhanh, một số đặc điểm
chung và riêng giống chữ ký thật. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những chi tiết khác
chữ ký thật ở chỗ: trục chữ, mối tương quan giữa các đường nét, đặc điểm liên
kết, hướng chuyển động phức tạp.
- Chữ ký được ký bằng cách nhìn để ký: nói chung dễ nhận dạng vì có
những đặc điểm: tốc độ chuyển động chậm chạp, đường nét run, gãy, gai, đậm,
có nhiều điểm dừng bút vô lý. Tuy vậy, độ lớn của chữ ký giả tương đối giống
chữ ký thật.
d. Ký giả theo trí nhớ
Dấu hiệu của loại tội phạm này là người ký đã từng quan sát chữ ký thật,
chưa có sự luyện tập, khi ký không có mẫu chữ ký thật để bắt chước. Đặc điểm
nhận dạng chữ ký này là tốc độ ký tương đối nhanh; Mức độ liên kết và độ điêu
luyện cao; Hình dáng chung có phần giống chữ ký thật. Tuy nhiên hướng
chuyển động khác với chữ ký thật, có nét thừa nét thiếu so với chữ ký thật.
Nhiều trường hợp nét bắt đầu và nét kết thúc khác nhau.
e. Tô, đồ và vẽ chữ ký
- Đồ tô lại chữ ký là thủ đoạn mà thủ phạm dựa trên cơ sở chữ ký thật rồi
dùng một số phương tiện để đồ tô lại chữ ký qua ánh sáng ngược hay giấy than
hoặc tô lại qua vết hằn trên tài liệu. Đồ tô lại chữ ký qua ánh sáng ngược là thủ
đoạn thủ phạm đặt tài liệu có chữ ký thật lên trên một tấm kính trong suốt, sau
đó đặt tài liệu cần có chữ ký lên trên, dùng ánh sáng ngược qua tấm kính chữ ký
thật phản chiếu trên tài liệu, sau đó dùng bút tô theo các đường nét chữ ký thật.
- Đồ tụ qua giấy than là thủ đoạn thủ phạm đặt tài liệu có chữ ký thật lên
trên tài liệu cần có chữ ký giả qua lớp giấy than, sau đó dùng bút chì hoặc que
nhọn đồ tô theo đường nét chữ ký thật.
- Thủ đoạn đồ tô chữ ký qua ánh sáng ngược hay giấy than thường để lại
các đặc điểm: Cấu tạo, hình dáng chung giống chữ ký thật; tốc độ ký chậm, nét
không trơn; mực ở các đường nét đều nhau, có chỗ dừng bút không tự nhiên;
Có nét đôi của nét đồ và nét tô lại, nếu đồ, tô qua giấy than thì có vết bẩn của
giấy than trên tài liệu… Có chữ ký bằng photo, in và cũng có hành vi nhờ ký
giả.
- Như vậy khi cần có chữ ký xác nhận tư cách của cá nhân rất cần thiết
phải ghi rõ họ tên dưới chữ ký để làm cơ sở so sánh và tham khảo giám định
chữ ký

III. Nhận dạng con dấu, hình dấu giả trong giấy tờ, tài liệu
1. Con dấu
a. Đặc điểm của con dấu

Báo cáo kết thúc CC2 Page 10


Là loại bản in đặc biệt dùng để in ra hình dấu trên tài liệu và những sản
phẩm khác với ý nghĩa pháp lý để chứng nhận. Theo tính chất con dấu được
chia thành;
- Con dấu ướt: là loại con dấu in cần sử dụng mực dấu.
- Con dấu khô: khi in không cần dùng mực dấu một cách trực tiếp
- Con dấu nổi: là loại con dấu dựa trên kỹ thuật ép in của một bộ con dấu
được cấu tạo có kích thước tương ứng nhưng hình thành hai loại bản in gồm:
một bản in lồi và một bản in lõm. Quá trình in là quá trình tác động của lực từ
bản in của con dấu làm biến dạng vật liệu in, tạo nên hình dấu nổi.
- Con dấu chìm: là loại con dấu có cấu tạo mặt in theo nguyên lý bản in
lồi.
b. Một số thủ đoạn làm giả con dấu và đặc điểm nhận biết
- Khắc con dấu giả: để tạo ra con dấu giả các đối tượng thường sử dụng
dao và các vật liệu khác nhau để khắc. Nhìn chung các cơ sở sản xuất dấu
chuyên nghiệp do những người khắc dấu giỏi đều được đăng ký, quản lý có
giấy phép sản xuất con dấu. Nếu những người này tạo ra con dấu giả thì rất khó
phát hiện loại hình dấu đó hơn là đối với người chưa quen khắc dấu.
 Đặc điểm nhận biết: hình ảnh là dấu đường nét thô, biến dạng,
thiết diện không đều nhau; Có sự sai lệch về kích thước, vị trí, đường nét các
chi tiết và hình ảnh. Kiểu chữ không chuẩn, kích thước, hình dáng các chữ và số
không thống nhất với nhau. Trục các chữ không hướng tâm. Nét chữ không
thẳng, các nét cong nhỏ bị gãy khúc. Đường nét chi tiết không liên tục; Có dấu
vết của dụng cụ khắc trạm. Bề mặt nét in có thể có dấu vết và đặc điểm của độ
bám mực của vật liệu dùng làm con dấu.
- Đúc con dấu (đúc rót) là phương pháp sử dụng những vật liệu thích hợp
đã được làm lỏng để rót vào khuân đúc được tạo ra từ con dấu thật để đúc thành
con dấu giả.
 Đặc điểm nhận biết: nét chữ to đậm không sắc gọn; bề mặt đường
nét có những chấm trắng do mặt in bị rỗ; các chi tiết nhỏ thể hiện không rõ
ràng; có các vết bẩn trong các nét góc hoặc nét oval; trên đường tròn của hình
dấu có những khuyết tật do quá trình đổ khuân tạo ra; có dấu vết của dụng cụ
khi tạo ra khuân đúc.
- Phương pháp chụp ảnh ăn mòn kim loại: là phương pháp chụp lại con
dấu thật và áp dụng kỹ thuật ăn mòn kim loại để tạo ra con dấu giả.
 Đặc điểm nhận biết: hình ảnh là dấu in của phương pháp in typo;
các chi tiết nhỏ thể hiện không rõ ràng; bề mặt các nét in không mịn; rìa mép
các nét in không thẳng; các nét góc thường tạo thành nét tròn; có thể có thêm
các dấu vết lạ và sự mất đi một số chi tiết do quá trình chụp ảnh ăn mòn kim
loại tạo nên.
- Phương pháp làm giả con dấu bằng bản in lưới: là quá trình chụp lại hình
dấu thật, sau đó tiến hành chế bản thành bản in lưới để in ra hình dấu giả.

Báo cáo kết thúc CC2 Page 11


 Đặc điểm nhận biết: đường nét thô, nhòe, không sắc gọn; lượng
mực dày; không có vết hằn của các nét in trên giấy; mép rìa và các nét in có vết
loang của dầu trong mực in; bề mặt của các đường nét không mịn, bị ngắt
quãng; ngoài các nét in còn có các vết chấm của màu in nằm rải rác.
2. Hình dấu
Là dấu vết in phản ánh nội dung và cấu trúc mặt in của con dấu. Tương
ứng với loại con dấu, hình dấu cũng mang những thể loại tương tự.
a. Đặc điểm của hình dấu
- Dấu hiệu đặc điểm chung:
 Hình dạng hình dấu
 Nội dung hình dấu
 Bố cục hình dấu
 Kích thước hình dấu:
+ Đường kính vòng tròn ngoài cùng
+ Đường kính vòng tròn trong cùng
+ Độ lớn về mặt chiều cao chữ trục đứng
+ Độ lớn về mặt chiều rộng
+ Trục chữ có trục đứng gặp nhau ở tâm hình dấu
- Dấu hiệu đặc điểm riêng:
 Quản lý đánh dấu
 Đặc điểm sứt mẻ, mòn vẹt qua quá trình sử dụng
b. Một số thủ đoạn làm giả hình dấu và đặc điểm nhận biết
- Vẽ hình dấu không có hình dấu mẫu: thủ phạm tự tạo ra hình dấu trong
trường hợp không có hình dấu mẫu
 Đặc điểm nhận biết: nội dung sai lệch không đúng với tên gọi cơ
quan, đơn vị; có đặc điểm thể hiện phương pháp vẽ hình dấu như: đường nét
thô, thiết diện và phân bố mực không đều, ở tâm có vết thủng hoặc vết hằn, trục
các chữ không hướng tâm, có các nét sửa chữa, nét nổi, nét đôi, nét hở, có dấu
vết của dụng cụ vẽ ban đầu (vết chì, vết hằn, vết tẩy..).
- Vẽ hình dấu có hình dấu mẫu:
 Đặc điểm nhận biết: nội dung đúng như cơ quan, đơn vị cần giả
mạo; cấu trúc hình chung bị sai lệch; các đường nét phức tạp bị đơn giản hóa;
không thể hiện các chi tiết nhỏ hoặc thể hiện không đầy đủ; kích thước, hình
dạng của các chữ, các số giống nhau- không thống nhất với nhau; độ đậm nhạt,
trục chữ khác nhau
- Tô đồ hình dấu: có thể thực hiện qua nhiều cách khác nhau như qua ánh
sáng ngược, qua giấy than, vết hằn
 Đặc điểm nhận biết: hình dấu không phải là dấu in mà là các
đường nét vẽ; hình dấu nhìn chung giống dấu thật nhưng không thể hiện được
các chi tiết nhỏ; ở tâm không có dấu vết thủng; ngoài ra còn xuất hiện các đặc

Báo cáo kết thúc CC2 Page 12


điểm của phương pháp vẽ như: đường nét thô, run, không tự nhiên, mực phân
bố không đều, có các chi tiết thừa, thiếu..
- Sao chụp bằng phương pháp photocopy màu: là phương pháp dùng máy
photocopy màu để sao chụp lại hình dấu thật, tạo hình dấu giả
 Đặc điểm nhận biết: hình dạng, kích thước và màu sắc giống hình
dấu thật; lượng mực dày; bề mặt lớp mực không phẳng, dưới kính hiển vi phóng
đại có thể quan sát các hạt mực liên kết với nhau, mép rìa các đường nét thường
không liên tục. Cấu tạo đường nét thường bao gồm các hạt nhỏ của màu đỏ
hoặc các màu cơ bản xen lẫn nhau trên bề mặt giấy. Mực in không có dấu vết
hằn và dấu vết loang dầu của mực dấu. Vị trí xung quanh đường nét và các chi
tiết có các hạt mực nhỏ của màu, nằm rải rác trên bề mặt giấy trắng. Có thể xuất
hiện những dấu vết mực có kích thước lớn tạo thành các vết bẩn ở mặt giấy
cùng chiều với hình dấu được photocopy.

IV. KỸ NĂNG NHẬN DIỆN MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN
CHỮ VIẾT, CHỮ KÝ, CON DẤU ĐỐI VỚI GIẤY TỜ TÀI LIỆU
TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

I. Nhận dạng tài liệu bị tẩy xóa


Tài liệu bị tẩy xóa làm mất đi nội dung nguyên thủy và tạo ra những nội
dung mới phù hợp với nhu cầu sử dụng tài liệu. Tài liệu bị tẩy xóa bằng các
phương pháp sau đây:
1. Tẩy xóa cơ học
- Là làm mất đi những nội dung của tài liệu bằng cách sử dụng các dụng
cụ tẩy với phương pháp cơ học.
- Đặc điểm nhận biết:
 Cấu trúc bề mặt giấy bị phá hủy, tại các vị trí tẩy giấy mỏng đi,
không còn độ bóng, có độ sơ và độ thẩm thấu cao.
 Vị trí bị tẩy xóa có vết hằn của dụng cụ dùng để tẩy và vết hằn
của nét viết nguyên thủy. Nền ở vị trí tẩy bị phá hủy, kể cả các dòng kẻ của
giấy.
 Nét viết của nội dung mới thông thường bị nhòe và to đậm do
thẩm thấu.
 Vị trí, kích thước, bố cục của nội dung mới không hợp lý, thiếu tự
nhiên.
2. Tẩy xóa bằng hóa học
- Là phương pháp làm mất nội dung tài liệu dưới tác dụng của hóa chất.
- Đặc điểm nhận biết:
 Do tác động của hóa chất nên lớp keo trên bề mặt giấy tại vị trí
tẩy xóa bị phá hủy, giấy có độ xốp, giòn hơn so với khu vực không bị tẩy xóa
và có thể xuất hiện dấu vết rạn nứt.

Báo cáo kết thúc CC2 Page 13


 Màu sắc của giấy thường bị thay đổi và để lại vết loang ố, nhất là
giấy có chứa nhiều phân tử xenlulo.
 Nền in hoặc đường kẻ của tài liệu ở vị trí tẩy thường biến màu và
bị phá hủy, các chữ và các chi tiết bên cạnh cũng bị ảnh hưởng.
 Nếu sau khi tẩy xóa có viết thêm thêm nội dung thì phần viết
thêm thường đậm, nhòe mực
 Có dấu hiệu sự khác biệt về chữ viết, màu mực viết, dụng cụ viết.
3. Phương pháp phát hiện dấu hiệu tẩy xóa
- Kiểm tra tài liệu dưới ánh sáng tia tử ngoại theo các bước sóng phù hợp.
- Kiểm tra dưới các góc độ chiếu sáng khác nhau (ánh sáng xiên, ánh sáng
chiếu ngược...)
- Kiểm tra qua kính lọc màu (Filter). Quan sát dưới kính hiển vi và các
thiết bị có nguồn ánh sáng hồng ngoại, tử ngoại, laser...
- Sử dụng phương pháp thử hóa học nhanh: thẩm thấu huỳnh quang, sử
dụng máy quang phổ hồng,…

II. Nhận dạng tài liệu bị thay ảnh, ghép ảnh, thay trang
1. Tài liệu bị thay ảnh, ghép ảnh
- Thủ đoạn thay ảnh: tài liệu bị thay ảnh là hình thức thay ảnh của người
chủ sở hữu trong tài liệu bằng ảnh của người khác và được tiến hành với những
thủ đoạn khác nhau:
 Bóc ảnh gốc, thay ảnh mới đã có sẵn phần dấu nổi trên ảnh. Đặc
điểm nhận biết:
+ Bố cục, nội dung và hình thức phần dấu nổi trên ảnh và trên tài liệu
mâu thuẫn với nhau.
+ Đường viền, các chữ và chi tiết của phần dấu nổi trên ảnh và trên tài
liệu không khớp nhau.
+ Ảnh bị lệch so với khung hoặc vị trí ban đầu có dấu vết dán của ảnh
gốc. Có dấu vết tổn thương của nền giấy, nền in, đường khung khi bóc ảnh
gốc.
+ Ở vị trí tiếp giáp giữa các đường viền của dấu nổi trên ảnh và trên tài
liệu không có khoảng trống tự nhiên, các đường nét của dấu nổi trên tài liệu
kéo dài liên tục và chui xuống dưới ảnh
 Bóc ảnh, thay ảnh mới và tạo dấu nổi trên ảnh. Đặc điểm nhận
biết:
+ Trạng thái mới cũ của trang tài liệu và ảnh có sự mâu thuẫn.
+ Vị trí dán ảnh không khớp với dấu vết của hình ảnh gốc.
+ Có dấu vết tổn thương của nền giấy
+ Các chi tiết phần lồi của dấu nổi trên ảnh với các chi tiết thuộc phần
lõm của dấu nổi trên tài liệu không trùng khớp nhau.
 Bóc tách lớp bề mặt của ảnh mới đã có hình dấu nổi, dán lên ảnh
gốc hoặc đế của ảnh gốc. Đặc điểm nhận biết:

Báo cáo kết thúc CC2 Page 14


+ Nội dung, hình thức và bố cục của phần nổi trên ảnh và trên tài liệu
mâu thuẫn với nhau;
+ Đường viền các chữ và chi tiết của phần dấu nổi trên ảnh và trên tài
liệu không khớp nhau;
+ Ảnh bị lệch so với khung hoặc vị trí có dấu vết dán của ảnh gốc;
+ Có dấu vết tổn hại trên nền giấy;
+ Các cạnh của lớp bề mặt ảnh mới có dấu vết cắt ghép và sự sai lệch
so với ảnh gốc hoặc đế của ảnh gốc;
+ Bề mặt ảnh có những vết hằn hoặc rạn do khi bóc gây nên;
+ Có thể có sự phát quang khác nhau giữa hai lớp ảnh dán vào bằng
hai loại hồ dán không cùng loại.
2. Tài liệu bị thay trang
- Thủ đoạn thay trang tài liệu: dựa vào tài liệu sẵn có các đối tượng tiến
hành thay trang để đưa phần nội dung vào tài liệu với mục đích hợp pháp hóa
khi sử dụng.
- Đặc điểm nhận biết: khác nhau về trạng thái, màu sắc giữa các trang cũ
và trang mới thay như mức độ đậm nhạt cũ mới; khác nhau về vật liệu và dấu
vết khâu đóng: chỉ khâu, ghim đóng, sự sai lệch với dấu vết đóng trước. Nội
dung nguyên thủy của tài liệu với các phần mới đưa vào có sự mâu thuẫn. Thứ
tự hoặc số lượng các trang có thể không phù hợp bố cục của tài liệu thay đổi;
khác nhau về đặc điểm chữ viết, phương tiện viết và chất viết của những phần
nội dung có liên quan giữa trang cũ và trang mới thay.

III. Nhận dạng phôi, mẫu giấy giả


1. Phương pháp làm giả và cách nhận biết các loại bằng tốt nghiệp, chứng chỉ
bị làm giả
- Bằng tốt nghiệp giả được các đối tượng sản xuất bằng máy in màu kỹ
thuật số. Hình dấu trên bằng giả được in màu hoặc đóng dấu trực tiếp bằng con
dấu giả. Chữ ký được ký giả trực tiếp, in màu hoặc khắc dấu chữ ký đóng lên.
Trường hợp đối tượng dùng con dấu giả để đóng trên bằng giả, nếu nhìn bằng
mắt thường rất khó nhận biết so với việc làm giả hình dấu bằng phương pháp in
màu kỹ thuật số. Bên cạnh đó, tội phạm làm bằng tốt nghiệp giả còn sử dụng cả
tem giả có hình thức giống y chang tem chống giả Halogram khiến cho chiếc
bằng giả có hình thức không khác gì bằng thật.
- Đặc điểm nhận biết: có thể kiểm tra, phát hiện bằng tốt nghiệp giả thông
qua mã số hiệu in trên bằng. Mã số hiệu trên bằng tốt nghiệp thật được in bằng
phương pháp in ty-pô nên dùng tay sờ có cảm giác hơi gợn trên chi tiết in.
Trong khi đó, mã số hiệu trên bằng tốt nghiệp giả được tạo bằng phương pháp
in màu kỹ thuật số nên khi dùng tay kiểm tra không có cảm giác vết hằn, gợn
như in ty-pô.
2. Phương pháp làm giả và cách nhận biết giấy tờ chứng minh quyền sở hữu,
sử dụng tài sản bị làm giả

Báo cáo kết thúc CC2 Page 15


- Đối với giấy chứng nhận đăng ký xe:
 Mã số hiệu trên giấy tờ giả không được làm bằng phương pháp
đóng dấu trực tiếp; trong khi đó, mã trên giấy đăng ký xe thật là dấu đóng nên
thể hiện rõ dấu vết tràn mực ở mép.
 Phôi của đăng ký xe thật sẽ có sợi bảo vệ phát quang, trong khi
đăng ký giả không có.
 Phù hiệu công an ở đăng ký thật cũng sẽ phát quang dưới nguồn
sáng UV (đèn cực tím soi tiền giả được bán ở cửa hàng tạp hoá).
- Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)
 Sổ đỏ giả có phôi được sản xuất bằng phương pháp in màu kỹ
thuật số, hình dấu in màu kỹ thuật số, chữ ký trực tiếp bằng cách tập ký nhiều
lần cho thuần thục sau đó ký trực tiếp trên sổ đỏ giả nên nếu nhìn bằng mắt
thường thì chữ kỹ giả khá giống với chữ ký thật
 Sổ đỏ thật được in bằng phương pháp in ofset nên màu sắc sắc
nét, màu mực đồng màu trên cùng một chi tiết in. Còn sổ đỏ giả do in màu kỹ
thuật số nên chi tiết in không sắc nét, trên cùng một chi tiết in có nhiều hạt mực
có màu sắc khác nhau.
- Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài
sản khác gắn liền với đất (sổ hồng)
 Sổ hồng thật được in bằng phương pháp in ofset nên hoa văn trên
bề mặt sắc nét. Nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen được in offsé tram
và toàn bộ nội dung phần còn lại trên giấy được in laze đen trắng.
 Phần dấu nổi (ở góc dưới bên phải mặt trước sổ hồng) có mã số
hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi, được tạo ra bằng phương pháp
in ty-pô. Ở sổ hồng giả, mã số hiệu được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ
thuật số nên mã số hiệu thường bị đóng lệch so với hình dấu nổi.

V. GIẢI PHÁP ĐỂ CÔNG CHỨNG VIÊN PHÁT HIỆN GIẤY TỜ GIẢ

1. Đối với tổ chức hành nghề công chứng


- Các tổ chức hành nghề công chứng cần trang bị camera ở khắp các góc
để ghi lại hình ảnh làm bằng chứng khi phát sinh tranh chấp, trang bị máy quét
vân tay, kính lúp và các loại máy soi chiếu công nghệ cao… để hỗ trợ kiểm tra
giấy tờ. Tại thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên 20% tổ chức hành nghề công
chứng lắp đặt thiết bị công nghệ cao để soi chiếu các loại giấy tờ giả và hỗ trợ
công chứng viên trong quá trình làm việc. Một số văn phòng có thể kể đến như
Văn phòng công chứng Châu Á, Văn phòng công chứng Trung Tâm, Văn
phòng công chứng Mai Việt Cường và một số Phòng công chứng nhà nước.
- Khi tổ chức hành nghề công chứng phát hiện được các loại giấy tờ hồ sơ
được làm giả thì cần phối hợp với các cơ quan pháp luật để xử lý nhanh chóng
kịp thời tình trạng này và thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại
chúng.

Báo cáo kết thúc CC2 Page 16


- Các tổ chức hành nghề công chứng nói chung và công chứng viên nói
riêng khi phát hiện trường hợp giấy tờ giả thì nên lưu giữ lại bản sao chụp các
tài liệu này và chia sẻ trong nội bộ các tổ chức hành nghề công chứng trên địa
bàn nhằm tránh tình trạng không công chứng được ở văn phòng này thì chạy
sang công chứng ở văn phòng khác, hoặc cùng lúc tiến hành việc giả mạo giấy
tờ tại nhiều tổ chức hành nghề công chứng gây thiệt hại lớn.

2. Đối với công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng
- Bản thân các công chứng viên nên làm việc khách quan, đúng quy trình
để đảm bảo việc xem xét tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng được thực hiện
một cách tốt nhất. Hiện nay, tại nhiều tổ chức hành nghề công chứng do số
lượng khách hàng quá lớn nên một số công chứng viên chủ quan, giao toàn bộ
việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng cho nhân viên nghiệp vụ, bản thân
những người “giúp việc” cho công chứng viên thường hạn chế về kinh nghiệm
và kỹ năng, có thể để bị người yêu cầu công chứng qua mặt dễ dàng trong việc
cung cấp giấy tờ, tài liệu, từ đó tạo nên rủi ro tiềm ẩn cho công chứng viên.
- Căn cứ vào phương pháp giả mạo và đặc điểm nhận biết việc làm giả
chữ ký, con dấu, phôi giấy.. như đã nêu trên, khi tiếp nhận giấy tờ, tài liệu công
chứng viên nên xem xét kỹ tài liệu, sử dụng các biện pháp cơ học, lý tính
như sờ xem phần in nổi của giấy tờ; chao nghiêng trước ánh sáng để xem có nổi
dấu chìm hay không; quan sát kỹ chữ ký xem có dấu vết của lực tỳ ấn mạnh khi
ký hay không, độ điêu luyện của nét chữ; quan sát tâm, trục chữ, các dấu hiệu
chung riêng của từng loại chữ ký, con dấu nhằm nhận diện giấy tờ, tài liệu một
cách chính xác.
- Mỗi công chứng viên phải trau dồi kỹ năng xem xét con dấu, chữ ký
thật, trang bị cho mình những kiến thức nhất định để có cơ sở nhận biết:
 Thời điểm cấp các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền
sử dụng đất tương ứng và đặc điểm giấy chứng nhận theo từng thời kỳ:
+ Từ năm 2004 trở về trước: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; toàn bộ
nội dung các trang in offset nét, trang 2,3 hoa văn bảo vệ hình trống đồng màu
vàng nhạt được in offset tram.
+ Từ năm 2007 đến 22.10.2009: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và
quyền sử dụng đất ở; nội dung 4 trang được in ofset nét; quốc huy, hoa văn bảo
vệ hình trống đồng, hoa văn bông sen in offset tram, không dấu nổi.
+ Từ 22.10.2009 đến nay: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở
hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; nền hoa văn trống đồng màu hồng
cánh sen được in offset tram; nội dung “người được cấp giấy” góc dưới bên trái
trang 4 được in offset nét, toàn bộ phần còn lại về thông tin in laze đen trắng.
 Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo từng thời kỳ (Sở Xây
dựng, Sở Tài Nguyên Và Môi Trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh..).
 Thường xuyên cập nhật các mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban
hành;

Báo cáo kết thúc CC2 Page 17


 Nhận biết kiểu “ số đóng”, kiểu “ số in”; Mã số của giấy chứng
nhận cũng có kiểu số to - nhỏ khác nhau, đậm-nhạt khác nhau, tùy theo thời
điểm; Hình con dấu, người có thẩm quyền ký ở từng giai đọan của một số cơ
quan cấp giấy;
 Đối với chứng minh nhân dân thì tùy từng thời điểm mà số chứng
minh nhân dân được in theo các phương pháp khác nhau, sử dụng màu khác
nhau: màu đen, màu đỏ, số đóng hoặc số in vi tính..
- Có thể thấy nếu công chứng viên nắm rõ được các đặc điểm cơ bản về
phương pháp in và các dấu hiệu nhận diện đối với từng loại tài liệu riêng biệt do
cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì khi xác định giấy tờ giả mạo sẽ dễ
dàng hơn rất nhiều.
- Mỗi công chứng viên trong quá trình hành nghề cũng cần trang bị cho
mình thư viện thông tin liên quan đến chữ ký mẫu của của cá nhân có thẩm
quyền đại diện cho cơ quan cấp giấy chứng nhận (chủ tịch, phó chủ tịch, giám
đốc, phó giám đốc..), các mẫu dấu nhằm so sánh, đối chiếu khi cần thiết.
- Khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, công chứng viên cũng cần so
sánh, đối chiếu thông tin trong các giấy tờ có khớp nhau không. Đối với những
hợp đồng giao dịch đã được xác lập để dẫn đến giao dịch sau (ví dụ như Hợp
đồng ủy quyền, Văn bản khai nhận di sản thừa kế, Văn bản thỏa thuận tài sản
riêng của vợ chồng…) thì công chứng viên có thể yêu cầu người yêu cầu công
chứng xuất trình các văn bản để đối chiếu hoặc kiểm tra để khớp với thông tin
trên giấy tờ của những giao dịch sau. Một số trường hợp mà hợp đồng trước đó
được thực hiện ở địa bàn tỉnh khác, không thể kiểm tra lịch sử giao dịch thì
công chứng viên có thể xác minh lại bằng cách gọi điện, email cho chính tổ
chức hành nghề đã chứng nhận hợp đồng để xác nhận lại tính xác thực của văn
bản. Việc này nhằm hạn chế tình trạng làm giả hợp đồng ủy quyền (giả con dấu,
số công chứng hoặc giả toàn bộ nội dung văn bản) ở tỉnh này sau đó sử dụng
hợp đồng để tiến hành việc mua bán tài sản ở tỉnh khác.
- Thực tế cho thấy, khi có sự giả mạo về hồ sơ, các đối tượng rất ít khi ký
tại trụ sở mà thường yêu cầu ký tại nhà riêng hoặc ngoài trụ sở tổ chức hành
nghề công chứng. Ngoài ra, đối tượng sử dụng giấy tờ giả mạo thường đến vào
thời điểm gần hết giờ làm việc, hoặc khi lượng khách hàng rất đông trong thời
gian cao điểm, sau đó hối thúc thực hiện nhanh việc công chứng hợp đồng, giao
dịch. Do đó, với những giao dịch ký ngoài trụ sở, các công chứng viên cần kiểm
tra rất kỹ lưỡng hồ sơ, đối chiếu bản chính, đối chiếu người theo các giấy tờ tùy
thân, nên giữ tâm lý vững vàng không nên vì sự hối thúc của khách hàng mà
xem xét qua loa giấy tờ.
- Theo khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng 2014, khi có căn cứ cho rằng hồ
sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, hoặc có sự nghi ngờ thì công chứng
viên có quyền “tiến hành xác minh”. Như vậy, bản thân công chứng viên và các
tổ chức hành nghề công chứng có thể làm công văn để đề nghị văn phòng đăng

Báo cáo kết thúc CC2 Page 18


ký quyền sử dụng đất, cơ quan tài nguyên môi trường xác minh tính xác thực
của các giấy tờ, tài liệu mà người yêu cầu công chứng cung cấp.

- Hiện nay các công chứng viên tại thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu dựa
vào các thông tin tại hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin công chứng hiện đang
được xây dựng và hoàn thiện. Đây được coi là kênh tham khảo thông tin tin
cậy, làm cơ sở cho việc phát hiện các trường hợp về giấy tờ giả mạo. Ví dụ:
cùng một thửa đất nhưng trên cổng thông tin dữ liệu công chứng có số vào sổ
cấp giấy chứng nhận, số tờ bản đồ khác với mô tả trên giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất mà người yêu cầu công chứng cung cấp thì công chứng viên có thể
đặt vấn đề nghi vấn về giấy tờ giả hoặc đã được chỉnh sửa một phần thông tin
về nội dung.

3. Đối với Sở Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền liên quan:


- Sở Tư Pháp quan tâm phối hợp với các cơ quan liên quan như Viện
Khoa học hình sự Bộ công an mở các lớp tập huấn về kỹ năng nhận diện giấy tờ
giả cho cán bộ làm công tác chứng thực, công chứng viên. Kịp thời đưa thông
tin về hồ sơ giả mạo, người giả mạo lên mạng ngăn chặn của Sở Tư pháp để
làm kênh thông tin tham khảo cho các tổ chức hành nghề công chứng.

- Được biết, hiện nay Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án liên thông giữa Tổ
chức hành nghề công chứng – Cơ quan Thuế - Văn phòng đăng ký đất đai. Nếu
Đề án này được thực hiện, chắc chắn sẽ góp phần hết sức quan trọng trong việc
hạn chế tình trạng lừa đảo, giả mạo. Do đó Bộ Tư Pháp cần triển khai xây dựng
đề án một cách nhanh chóng hơn nữa. Sớm kết nối hệ thống giữa các cơ quan
với nhau để nhanh chóng tra cứu, cung cấp thông tin về tài sản. Sớm có hệ
thống liên thông giữa cơ quan đăng ký cấp giấy với các tổ chức công chứng để
công chứng viên dễ dàng tra cứu, kiểm tra nguồn gốc tài sản và các giấy tờ
chứng nhận quyền sở hữu.

- Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận/huyện, tổ
chức hành nghề công chứng rà soát những bất cập về việc xử phạt vi phạm hành
chính đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định
mới.

- Xây dựng quy chế phối hợp trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm
như quy chế phối hợp trong việc trình báo, tố giác, cung cấp thông tin và tài
liệu liên quan giữa cơ quan công an, tổ chức hành nghề công chứng và cơ quan
chức năng để xử lý người vi phạm, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự đối với các vụ việc vi phạm. Đề nghị các cơ quan công an
hỗ trợ cho tổ chức hành nghề công chứng và nhân viên của tổ chức hành nghề
công chứng trong việc tiếp nhận nhanh gọn, kịp thời các thông tin, văn bản

Báo cáo kết thúc CC2 Page 19


trình báo và hồ sơ, tài liệu kèm theo. Quy chế đảm bảo đơn giản quá trình tiếp
nhận và xử lý kịp thời thông tin có hành vi vi phạm công chứng, chứng thực.       

- Cơ quan có thẩm quyền quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến trên
các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân về các thủ đoạn tinh vi,
đánh tráo giấy tờ, giả mạo chủ thể trong các giao dịch để người dân nâng cao ý
thức cảnh giác. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người
dân trong việc tố giác hành vi làm giả giấy tờ và cá nhân, tổ chức sử dụng bằng
cấp giả; đồng thời vận động gia đình, người thân không làm, sử dụng bằng cấp,
giấy tờ giả.

KẾT LUẬN

Trên đây là bài Báo cáo kết thúc Học phần Công chứng 2, lớp Đào tạo
nghề công chứng 23.2 đối với đề tài “Những kỹ năng công chứng viên cần sử
dụng để việc nhận dạng chữ viết, chữ ký, con dấu trong giấy tờ tài liệu” của tôi.
Trong quá trình thực hiện bài báo cáo, tôi đã tích cực nghiên cứu, tham khảo
các văn bản luật, tài liệu chuyên ngành, giáo trình và thực tế áp dụng pháp luật
đối với vấn đề nêu trên. Kính mong các thầy cô dành thời gian đánh giá và
hướng dẫn tôi để nội dung báo cáo được hoàn thiện hơn.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Báo cáo kết thúc CC2 Page 20


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
- Bộ luật dân sự 2005;
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật Công chứng 2014;
SÁCH, BÁO, TÀI LIỆU THAM KHẢO KHÁC
- Giáo trình kỹ năng hành nghề công chứng (Tập 2), Nhà xuất bản Tư pháp - Hà
Nội năm 2016
- Giáo trình kỹ năng hành nghề công chứng (Tập 3), Nhà xuất bản Tư pháp - Hà
Nội năm 2016
- Thư viện pháp luật
- http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=95942

Báo cáo kết thúc CC2 Page 21

You might also like