You are on page 1of 10

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

CHƠI Ô ĂN QUAN – NGUYỄN PHAN CHÁNH

Nguyễn Thanh Tùng


Khoa Sư phạm Mỹ thuật
Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế

Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21 tháng 7 năm 1892, tại Thôn Tiền Bạt, Xã Trung
Tiết, Huyện Thạch Hà (Nay là Phường Tân Giang, Thành phố Hà Tĩnh). Thời niên thiếu,
được gia đình cho theo học chữ Nho và nghệ thuật thư pháp. Năm 14 tuổi, Nguyễn Phan
Chánh đã kiếm được tiền phụ giúp gia đình nhờ việc viết chữ, vẽ tranh thờ và tranh cuộn
bán tại các phiên chợ quê. Có lẽ, cùng với niềm đam mê nghệ thuật thư pháp, hình ảnh về
miền quê nghèo và cuộc sống vất vả ở nông thôn Việt Nam đã in dấu trong tâm trí của
Nguyễn Phan Chánh và trở thành đề tài xuyên suốt trong tất cả sáng tác của ông sau này.

Năm 1922, Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Ba, Huế
nhưng không theo nghề dạy học. Năm 1925, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật
Đông Dương khoá đầu tiên (1925 - 1930). Cùng vào học với ông năm đó còn có 07 sinh
viên khác, gồm: Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Công Văn Trung, George Khánh…
Năm 1928, ông bắt đầu sáng tác các tranh sơn dầu: “Mẹ bày cho con đan len”, “Hai vợ
chồng người nông dân trục lúa”…

Năm 1929, ông Hiệu trưởng Victor Tardieu đưa nghệ thuật vẽ tranh lụa vào giảng dạy
tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Với tinh thần ham học hỏi, tình yêu nghệ thuật
và tâm hồn thấm đẫm tính dân tộc, sự tiếp xúc những nguyên tác tranh lụa Trung Hoa, lụa
Nhật Bản đã khơi dậy trong Nguyễn Phan Chánh nguồn cảm hứng sâu sắc dòng nghệ thuật
Phương Đông này.

Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh sáng tác các tác phẩm lụa như: “Chơi ô ăn quan”, “Cô
gái rửa rau”, “Em bé cho chim ăn”, “Lên đồng”. Cũng năm này, tại triển lãm Paris-Pháp
một số tranh lụa của ông đã được Victor Tardieu mang về Pháp giới thiệu. Lần đầu tiên
công chúng Pháp biết đến tranh lụa Việt Nam qua bút pháp Nguyễn Phan Chánh. Họa báo
L'Illustration xuất bản ở Paris số Noel 1932 đã giới thiệu trang trọng 04 bức tranh này của
ông.

1
Năm 1933- 1938 ông tham gia bày tranh ở Địa ốc Ngân hàng Hà Nội và triển lãm cá
nhân lần thứ 1 (Hà Nội). Năm 1935, ông tham gia triển lãm do Hội Chấn hưng Mỹ thuật và
Kỹ nghệ (SADEAI) lần thứ 1 (Hà Nội). Năm 1938, ông tham gia triển lãm do SADEAI tổ
chức lần thứ 2 (Hà Nội), cũng trong năm này, ông tổ chức triểm lãm cá nhân lần thứ 2 (Hà
Nội) với các tác phẩm tiêu biểu: “Đôi chim bồ câu”, “Chăn trâu trong rừng”, “Đi chợ”,
“Tắm cho trâu”, “Đi lễ chùa”. Năm 1939, Nguyễn Phan Chánh gửi sang Pháp những tranh
cỡ lớn “Mùa đông đi cấy”, “Chim sổ lồng”, “Chị em đùa cá”, “Công chúa hoa dâm bụt”
cùng một số tác phẩm khác...Tranh lụa của ông cũng đã được trưng bày ở Milan (Ý)
năm 1934, ở San Francisco (Mỹ) năm 1937, ở Tokyo (Nhật Bản) năm 1940.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Phan Chánh trở về quê hương, là Uỷ viên thường
vụ Hội Văn hoá Cứu quốc của Tỉnh. Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh cổ động và áp phích về
đề tài chống thực dân. Trong thời gian này ông đã vẽ rất nhiều hình ảnh các lãnh tụ và các
chiến sĩ cộng sản: Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú.
Trong chín năm tham gia kháng chiến, ông vẽ tranh tuyên truyền cổ động: “Em bé tẩm dầu”
(1946), “Phá kho bom giặc” (1947), “Lội suối” (1949)…

Sau hiệp định Genève - 1954, Nguyễn Phan Chánh trở về Hà Nội, ông sáng tác khá
nhiều. Hình ảnh những người nông dân trong tranh của ông được nhìn từ góc độ mới và một
thế giới quan mới. Từ năm 1955 đến những năm 1970 ông sáng tác các tác phẩm: “Trăng
tỏ”, “Trăng lu”, “Chiều về tắm cho con”, “Sau giờ trực chiến”, “Đi chống hạn”, “Đan mây”,
“Bữa cơm mùa thắng lợi”…

Với những thành tựu lớn trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Phan Chánh được mời
tham gia giảng dạy Mỹ thuật tại một số trường học, trong đó có Trường Bưởi, Trường Đại
học Mỹ thuật Hà Nội (1955). Bằng những kinh nghiệm và sự nhiệt huyết trong sáng tạo
nghệ thuật, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam sau này.

Tháng 8 và tháng 9 năm 1982, mừng thọ hoạ sĩ 90 tuổi, Bộ Văn hoá Việt Nam cùng
Bộ Văn hoá Tiệp Khắc, Bộ Văn hoá Hungary tổ chức triển lãm 47 tác phẩm trong các thời
kỳ sáng tác của Nguyễn Phan Chánh tại Praha, Bratislava, Budapest,...Tháng 7 năm 1983,
phòng tranh Nguyễn Phan Chánh được trưng bày tại Viện Bảo tàng Phương Đông
ở Moskva.

Nguyễn Phan Chánh mất năm 1984, được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch. Ông được
Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Lao động
hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất.
2
Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với
số lượng ước khoảng trên 170 tác phẩm. Ông được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa
hiện đại Việt Nam. Với những đóng góp to lớn và mang tính tiên phong của ông trong lịch
sử mỹ thuật Việt Nam, năm 1996, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải
thưởng Hồ Chí Minh.

Là một họa sĩ được đào tạo và tiếp nhận ảnh hưởng của nghệ thuật tạo hình phương
Tây trong việc xây dựng tác phẩm, nhưng nội dung, chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Phan
Chánh luôn thấm đượm tinh thần dân tộc, tâm hồn và tính cách Việt. Nguyễn Phan Chánh
dùng chất liệu lụa miêu tả và phản ánh hiện thực, khẳng định được phong cách cùng khuynh
hướng nghệ thuật của mình. Với cách nhìn sự việc vốn luôn hiện hữu trong sự đơn giản của
đời sống xã hội một cách minh triết, ông nhìn bằng tâm tưởng, kiếm tìm sự tinh tế, thấy
được những điều mà mắt người không thấy hoặc thờ ơ bỏ qua. Tranh ông mang một sắc thái
êm ả, thanh thản, bình dị, trữ tình, đẫm chất hồn quê dân dã...

Nguyễn Phan Chánh hay dùng chữ Nho trong các tác phẩm của ông. Trong tranh của
Nguyễn Phan Chánh thì hội họa mô tả đề tài của tranh, còn thi ca bộc lộ tâm tư của người
họa sĩ, đó cũng là một nét riêng, độc đáo trong tranh lụa của ông. Đôi khi, thơ trên tranh của
Nguyễn Phan Chánh còn mang một giá trị độc lập, không liên quan nhiều đến nội dung tác
phẩm, nhưng chất chứa cảm xúc và tâm trạng tác giả mà có thể ngôn ngữ tạo hình chưa
chuyển tải hết được.

Tác phẩm “Em bé cho chim ăn”-1931 Tác phẩm “Người bán ốc”-1929

Nông thôn và người nông dân Việt Nam là mảng đề tài lớn xuyên suốt các tác phẩm
của Nguyễn Phan Chánh, mối tình cố hữu của người nghệ sĩ với hình tượng nghệ thuật là
3
những con người lao động bình dị trong đời sống xã hội. Nhà nghiên cứu Thái Bá Vân viết:
“Nguyễn Phan Chánh ca ngợi cuộc sống của họ, làm đẹp tâm hồn họ, lấy họ làm trung tâm
cho thẩm mỹ của mình, đó là lý tưởng mà suốt đời ông theo đuổi”.

Phương thức chọn nhân vật của Nguyễn Phan Chánh thể hiện rõ tính cách và tâm hồn
của ông. Ông thường tập trung vẽ phụ nữ, trẻ em với những cảnh sinh hoạt thường nhật của
họ, “Chơi ô ăn quan”, “Em bé cho chim ăn”, “Đi cày”, “Đi cấy”, “Rửa rau cầu ao”, "Lên
đồng”, “Trốn tìm”, “Chim sổ lồng”, “Chị em đùa cá”… là những tác phẩm nổi tiếng, sống
mãi với thời gian.

Trong các chất liệu như sơn dầu, sơn mài, bột màu… người nghệ sĩ có thể mặc sức thả
bút theo dòng xúc cảm mạnh mẽ, tuôn trào. Riêng tranh lụa, người nghệ sĩ thường phải lắng
lòng để chuyển tải cảm xúc, vì thế cảm hứng sáng tạo thường diễn ra chậm rãi, nhẹ nhàng.
Ngoài đức tính kiên nhẫn, cần cù còn phải có một thái độ nghiêm cẩn, tỉ mỉ, cầu kỳ trong
từng nét vẽ, tìm đến sự rung động trong cách diễn tả, cách loang màu, chồng màu… Nguyễn
Phan Chánh là bậc thầy về lĩnh vực này, tranh của ông nền nã với những gam màu nâu đen,
vàng đất, xám nhẹ thấm đẫm chất lụa. Ông đặc biệt chú ý đến đến cách làm dịu tan hình thể
trên nền mặt phẳng lụa, tính khái quát cao. Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong tranh của ông
điêu luyện đến độ tạo cảm giác như có sự chuyển động giữa đối tượng và nền, ngăn bởi
những nét buông mảnh, thanh thoát, lung linh, lắng đọng và cảm xúc, mềm mại và mơ
màng... Trong tạp chí L’Illustration (số 4608 ra ngày 27.6.1931 tại Paris), Jean Gallotti đã
ca ngợi Nguyễn Phan Chánh: “...Sự hài hòa của bố cục, đôi khi cái duyên dáng của các
khuôn mặt, và luôn luôn là cái thi vị thấm đậm của đời sống Viễn Đông, sự lan tỏa của một
tâm hồn khác với tâm hồn chúng ta, mà chúng ta thấy rất gần gũi do một sự cảm thông trong
tình yêu cái đẹp, chúng ta bị bao phủ bằng một sự huyền diệu...”.

Tác phẩm “Chơi ô ăn quan” là một trong những mẫu mực của hội họa Việt Nam, cũng
Thái Bá Vân trong bài viết “Nguyễn Phan Chánh và Chơi ô ăn quan” (Tạp chí của Hội Mỹ
Thuật - Thành Phố HCM, số 6, tháng 12,1992) - “Chơi ô ăn quan” mang phẩm chất cổ điển,
ổn định, thăng bằng, hoàn thiện, nó không gợn một xáo động bất yên nào giữa tình cảm và
lý trí, sự cô đọng và đầy đủ nhất tâm chất và tinh thần của Nguyễn Phan Chánh. Qua “Chơi
ô ăn quan” Nguyễn Phan Chánh tỏ ra bình tĩnh, đường hoàng và tự trọng. Ông biết mình là
ai, gam màu nâu đậm đà, thô mộc kia là làng quê của ông; những hình vẽ kín đáo, chừng
mực kia là cử chỉ giữ gìn nét văn hóa Việt; đường nét, hình ảnh giản dị kia là cách ứng xử
giản đơn, thành thật, khiêm tốn của ông …

4
Chơi ô ăn quan – 1931 ( 62cmx58cm)
[Nguồn: redsvn.net › ve-dep-cua-nguoi-phu-nu-viet-trong-tranh-nguyen-phan-chanh]
Tác phẩm “Chơi ô ăn quan” miêu tả hình ảnh những đứa trẻ khoảng 13, 14 tuổi chăm
chú chơi một trò chơi phổ biến của dân gian Việt Nam một cách tự nhiên. Các nhân vật chít
khăn mỏ quạ, quần áo nâu sồng, vốn là trang phục đặc sắc vùng Kinh Bắc. Trên nền bức
tranh Nguyễn Phan Chánh viết một bài thơ chữ Hán, được dịch sang tiếng Việt như sau:

“Đương ngây thơ chưa quen gì mùi son phấn

Chỉ biết đua nhau đuổi bướm tranh hoa

Nhưng lại choán được màu xuân hơn nơi lầu son gác tía

Mà không học thói làm mây làm mưa trên núi Dương Đài...”

Tranh có bốn người chia làm hai nhóm: một cô bé khoảng hơn mười tuổi ngồi một
phía, ba cô ngồi phía còn lại. Cô bé nhỏ nhất mặc áo nâu, quần xanh đen, tay đang cầm xoan
đánh đầu. Em ngồi gần giữa, mặc áo xanh đậm quần trắng, là về phe cùng với em nhỏ nhất,
mắt đang rất tập trung nhìn bạn. Phe còn lại gồm hai cô bé có vẻ lớn tuổi hơn, một cô quàng
khăn mỏ quạ để hở một phần mặt và một cô chít khăn nâu cũng đang theo dõi cuộc chơi.

Xét về cấu trúc, có nhiều bài viết xác định đây là một cấu trúc chữ nhật hay hình
thang, điều này cũng dễ nhận thấy bởi các mối quan hệ và liên kết thị giác.

5
Cũng trên quan điểm này, nhìn vào chiều sâu không gian, cách bố trí nhân vật, khoảng
cách nhân vật, tuyến nhân vật…trong tranh, cùng tính hàn lâm khoa học mà Nguyễn Phan
chánh tiếp thu ở hội họa phương Tây trong việc xây dựng tác phẩm, người xem có thể nhận
ra một cấu trúc hình chóp cụt, mỗi nhân vật là một cạnh của khối chóp ấy, có thể nói đây là
một cấu trúc hết sức chắc chắn và chuẩn mực.

Trong tranh có 2 nhóm nhân vật, được bố trí lệch trục (bên 01 nhân vật, bên 03 nhân
vật) nhưng sự cân bằng về thị giác được điều phối hợp lý, ngay cả cách điều phối sắc nâu
trên y phục của các nhân vật cũng được chú trọng cân đối, thăng bằng.

6
Trong hồi ký của mình, Nguyễn Phan Chánh đã kể lại tỉ mỉ quá trình ông thực hiện
bức tranh này. Xin trích một đoạn nhỏ xung quanh việc ông thực hiện bức tranh: “Một lần,
thấy các em ngồi đánh ô ăn quan, tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Tôi vào nhờ bà mẹ
nói với cô con gái nho nhỏ xinh xinh ngồi cho tôi làm mẫu. Bố trí các cô này ngồi chơi là
vấn đề bố cục. Ít nhất phải có bốn người nhưng bốn người này hai phe. Tôi đặt một cô bé
khoảng chừng hơn mười tuổi ngồi một phía, còn ba cô ngồi về phía bên kia. Bố trí lệch như
thế mới phải, không để mỗi bên hai cô thành ra bố cục rời rạc. Làm thế nào để cho bốn cô
tập trung vào ô quan khi chơi... Tôi cho cô nhỏ nhất đánh đầu tiên...". (Nguyễn Phan Chánh,
Nhật kí những bức tranh– Nxb Kim Đồng, 2016).

Trong bức tranh lụa khác có cùng chủ đề, bức tranh đề nguyên tiếng Pháp: “Le Jeu des
Cases Gagnantes” (Nguồn:https://www.invaluable.com/artist/chanh-nguyen-phan… )
Nguyễn Phan Chánh sử dụng bố cục, màu sắc hết sức cân xứng và thăng bằng qua trục dọc,
bố trí mỗi bên 2 nhân vật. Cả 4 nhân vật đều chăm chú vào khu vực giữa và phía dưới tranh.
So sánh 02 tác phẩm này chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy cấu trúc khác nhau của chúng.

“Le Jeu des Cases Gagnantes” Chơi ô ăn quan – 1931

Nguyễn Phan Chánh - (64 x 88 cm) Nguyễn Phan Chánh - (62cmx58cm)

Nhìn vào tác phẩm “Chơi ô ăn quan”, thị giác người xem có thể bị hút vào độ tương
phản sáng tối khá mạnh của cô bé, áo xanh đậm màu, quần trắng ở gần khu vực giữa tranh,
sát với điểm nhấn mạnh thị giác phía trên bên phải (H.1), do sự tương phản sáng tối và vị trí
của nhân vật. Tuy nhiên, nếu xét về nội dung trò chơi cùng với hướng nhìn của các nhân
vật, tất cả đang chăm chú nhìn về động tác của em bé góc trái, gần với điểm hút thị giác
phía trái, bên dưới (H.2). Có lẽ đây chính là trọng tâm mà tác giả muốn nhấn mạnh, tạo ấn
tượng về trò chơi, thu hút thị giác người xem .

7
H.1 H.2

Hình tượng nhân vật trong tranh là sự khéo léo kết hợp một cách hài hòa có chủ đích
giữa bố cục phương Tây và phong cách tạo hình phương Đông. Đây là sự kết tinh của
phương pháp sử dụng mảng hình lớn cùng đường nét mảnh, nhỏ, sự nghiên cứu hình thể với
cách thể hiện tả thực cùng sự tìm tòi sáng tạo, chắt lọc khái quát hình thể dựa trên những
nghiên cứu hình họa. Nguyễn Phan Chánh sử dụng mảng và nét để thể hiện thế giới khách
quan gợi tả và lấy những nét điển hình trên khuôn mặt, trang phục, cử chỉ, dáng điệu của trẻ
em nhưng vẫn cho người xem thấy được đầy đủ các đặc điểm và tính cách của từng nhân
vật, khai thác triệt để nét thuần khiết, ngây thơ, trong sáng của trẻ em nông thôn.

Hình ảnh bốn đứa trẻ, đầu chít khăn mỏ quạ nâu sồng, nếp quần lụa trắng, chăm chú
với trò chơi của mình một cách lặng lẽ, nhẹ nhàng và ấm áp. Tác giả muốn gửi tới người
xem thông điệp về sự giữ gìn những nét bình dị, trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ với một
trò chơi thấm đậm hồn xưa của dân tộc, phản ánh rõ snét sinh hoạt đời thường, sự thanh
bình, yên ả của làng quê Việt Nam.

Bức tranh không nhiều màu, chủ yếu là gam màu nâu trầm đặc trưng của màu sắc
trang phục vùng Kinh Bắc xưa, kết hợp với màu sáng ngà của nền lụa. Gam màu chủ đạo là
ấm nóng nhưng người xem vẫn thấy đâu đó có những mảng màu xanh lạnh đan xen, sự sắp
xếp màu sắc hài hòa, đậm nhạt, trung gian hết sức tinh tế và cân bằng trên mặt tranh. Trên
nền lụa sáng màu, người ta thấy hai màu nâu và đen, đan cài nhau một cách uyển chuyển,
tạo nên tiết điệu nhịp nhàng, mềm mại.

8
Khác với nghệ thuật phương Tây diễn tả không gian ánh sáng bằng luật phối cảnh. Tác
phẩm “Chơi ô ăn quan” không diễn tả trực tiếp ánh sáng, nhưng màu sắc của toàn bộ bức
tranh đã cho cảm giác về ánh sáng, đây là sắc độ tự thân của các sự vật mà không do ánh
sáng ngoại cảnh tác động. Sự bố trí màu sắc, đậm nhạt trên nền lụa sáng cùng với tính gợi
tả của hình khối đã tạo nên không gian lung linh, bàng bạc. Trong tranh và đâu đó người
xem vẫn cảm thấy hiện hữu cái “hồn” của tranh dân gian Việt Nam …

Cho đến nay, tác phẩm “Chơi ô ăn quan” nổi tiếng và trở thành một mẫu mực trong
sáng tạo nghệ thuật và danh họa Nguyễn Phan Chánh đã đi đến tận cùng nghệ thuật tranh
lụa Việt Nam. Sự thanh bạch và tính cách Việt xuyên suốt trong gia tài hội họa của ông như
một dấu tích tâm hồn dân tộc sẽ được nhiều thế hệ trân trọng gìn giữ.

Z.Kwecinska - nhà văn Ba Lan, nhận xét: “Xem tranh, chúng ta có cảm giác như
nghệ sĩ đang tâm sự những câu chuyện của đời mình. Ông như muốn chia sẻ những khát
vọng, hoài bão và tình yêu cuộc sống, con người. Mỗi bức tranh như một bài thơ. Tranh lụa
của Nguyễn Phan Chánh thật êm dịu, mát mẻ. Phải có một nghị lực phi thường, một sức

9
sống mạnh mẽ, họa sĩ mới giữ được sự bình thản, êm đềm ở một đất nước luôn có chiến
tranh”.

Nhà thơ Xuân Diệu: "Cái tài của Nguyễn Phan Chánh là biết kết hợp hai cái nhất nhì
của thiên hạ: chữ rồi mới đến tranh, nhưng nhiều bức tranh có chữ của ông đã đẩy tranh lên
hàng nhất rồi đến chữ, nhờ vậy mà tranh Nguyễn Phan Chánh ăn sâu vào lòng cả người trí
thức lẫn nông dân".

Để kết thúc bài viết, dưới đây là một câu chuyện về tác phẩm “Chơi ô ăn quan”:

Năm 1953, nhân một lần sang Paris, trong lúc lang thang dạo qua một vài cửa hàng
đồ cũ, nhà sưu tầm Đức Minh đã trông thấy một bức tranh đề xuất xứ Việt Nam. Đó chính
là bức “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh. Ông Đức Minh đã mua lại bức tranh
với giá chỉ bằng một chiếc máy ảnh Rollet - Flex. Bức tranh được đưa về Việt Nam trước
khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô.

Kháng chiến trở về, danh họa Nguyễn Phan Chánh rất đỗi vui mừng khi hay tin ông
Đức Minh đã tìm lại được “Chơi ô ăn quan”. Ông tìm đến nhà ông Đức Minh, ôm lấy ông
Minh tạ lòng tri ân.

Năm 1965, ông Đức Minh đề nghị nhượng toàn bộ số tranh mà ông sưu tầm được,
trong đó có “Chơi ô ăn quan”của Nguyễn Phan Chánh và “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô
Ngọc Vân cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với điều kiện phải lập gian trưng bày riêng gắn
với việc khẳng định xuất xứ các bức tranh là từ bộ sưu tập của ông hiến tặng Bảo tàng. Do
quan niệm thời bấy giờ (không chấp nhận yếu tố tư nhân, cho rằng làm như vậy là khẳng
định phương thức sở hữu của đối tượng tư sản) nên thiện nguyện của ông Đức Minh không
được thực hiện…(Danh họa Nguyễn Phan Chánh: Phải chăng lòng sạch bụi trần...
Nguồn:vnca.cand.com.vn › Tu-lieu-van-hoa…)

Sau nhiều sự biến đổi, thăng trầm của thời cuộc, số phận bức tranh “Chơi ô ăn quan”
hiện nay thế nào, hầu như các nhà nghiên cứu, các họa sĩ Việt Nam không ai được rõ. Từ
nhiều năm qua, những người yêu hội họa Việt Nam vẫn mong mỏi tìm kiếm thông tin về
các kiệt tác của Việt Nam với hy vọng rằng, những kiệt tác này sẽ sớm được trở lại với công
chúng ...

Huế, tháng 9/2019

10

You might also like