You are on page 1of 6

Thâm Quyến được xem là hình mẫu của các đặc khu kinh tế Trung Quốc trong quá

khứ
và cả tương lai, với sự phát triển chóng mặt nhưng cũng tồn tại nhiều mặt trái.
Leo Houng vẫn nhớ mùi hương của Thâm Quyến vào năm 1974.
“Đó là mùi của đồng quê”, ông nói với Guardian. Năm 1974, Houng dừng lại ở Thâm
Quyến trên đường đến Hong Kong để chơi cello cho một dàn nhạc.
Khi đó, con đường gần ga tàu điện Phố Cũ mà Houng đang đứng gần như là tuyến giao
thông duy nhất trong khu vực, vỉa hè không được lát gạch và hàng quán thì thưa thớt nhỏ
bé. Giờ đây, nơi đó đã trở thành một giao lộ đông đúc ở trung tâm thành phố Thâm
Quyến (tức là "lạch nước sâu").
Khi đó, Thâm Quyến vẫn là một làng chài nghèo với khoảng 30.000 dân. Giờ đây, Thâm
Quyến là một siêu đô thị với 12 triệu dân, hơn 1.000 tòa nhà cao tầng, trong đó ít nhất
169 tòa cao trên 150 m. Không có gì bất ngờ khi mùi hương đồng cỏ mà ông Houng ngửi
được năm ấy đã được thay thế bằng mùi của các cao ốc văn phòng và cửa hàng đắt tiền.
Những người như ông Houng có thể thất vọng vì mùi hương “công nghiệp hóa” của
thành phố ngày nay. Đường sá đầy xe cộ len giữa những cao ốc màu xám trong một nơi
mà kiến trúc sư Rem Koolhaas hẳn sẽ gọi là “thành phố tầm thường”, cụm từ dùng để chỉ
những thành phố không có lịch sử. Lịch sử của Thâm Quyến mới chỉ có 40 năm và hầu
như mọi người không biết thành phố trông ra sao vào thập niên 1970.
Thế nhưng, 40 năm “chớp mắt” đó chính là sự thần kỳ của Thâm Quyến. Vào thập niên
1990, Thâm Quyến được miêu tả là một thành phố “mỗi ngày xây một cao ốc, 3 ngày làm
một đại lộ”. Năm 2016, GDP của thành phố đạt 294 tỷ USD, nhiều hơn cả Bồ Đào Nha
hoặc Ireland.
Thâm Quyến hiện là bến cảng bận rộn thứ 3 thế giới trong khi sàn chứng khoán ở thành
phố này lớn thứ 22 toàn cầu.
Trong khi Hong Kong, thành phố cách Thâm Quyến chỉ một con sông, đang chật vật với
nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngành tài chính, Thâm Quyến đã tìm ra con đường
riêng khi trở thành "thủ phủ công nghệ cao" của Trung Quốc. Thành phố này là nơi đặt
trụ sở của các “ông lớn” công nghệ như Huawei, Tencent, ZTE. Viện Gen Bắc Kinh, nơi
được chuyên san Nature gọi là “một thế lực trong nghiên cứu ADN”, cũng chuyển từ thủ
đô về Thâm Quyến để tìm kiếm một môi trường tốt hơn.
Thành phố này đầy người nhập cư, từ các lãnh đạo tập đoàn cao cấp, sinh viên mới ra
trường đến hàng triệu công nhân. Thâm Quyến, nơi chỉ có vài trường đại học nhỏ và
không thể sánh được với Bắc Kinh trên “bản đồ học thuật”, lại là nơi các cử nhân tốt
nghiệp ở thủ đô tìm về. Dân số chính thức của Thâm Quyến là gần 12 triệu, dù vậy người
ta ước tính còn khoảng 6 triệu lao động nhập cư đang sống ở đây.
Houng đứng giữa Thâm Quyến năm 2016 và ngậm ngùi nghĩ rằng ông không thể tìm
thấy ai biết được quá khứ của thành phố. Thế nhưng, ở mặt khác, mọi tầng lớp người, cả
giàu lẫn nghèo, cả trong và ngoài Trung Quốc, đều đang đổ đến Thâm Quyến để tìm
kiếm một tương lai.
Tất cả bắt đầu vào năm 1979, khi Thâm Quyến được chọn để trở thành đặc khu kinh tế
(SEZ) đầu tiên của một Trung Quốc vừa quyết định mở cửa với thế giới. Bộ luật về Đặc
khu Kinh tế năm 1980 định nghĩa đặc khu là “những khu vực mà các doanh nghiệp được
đối xử ưu đãi hơn các vùng khác về tỷ suất thuế và phạm vi hoạt động nhằm thu hút vốn
nước ngoài và công nghệ tiên tiến để phục vụ cho hiện đại hóa”.
Trao đổi với Zing.vn, ông Guo Wanda, Giám đốc Viện Phát triển Trung Quốc (trụ sở tại
Thâm Quyến), nói rằng sự thành công của đặc khu này dựa trên cả chính sách của chính
quyền trung ương lúc ấy lẫn vị trí của nó.
“SEZ Thâm Quyến hình thành vào đầu thập niên 1980 khi Trung Quốc đang bắt đầu các
chính sách cải cách, mở cửa nền kinh tế. Thâm Quyến là một mô hình đặc biệt ở Trung
Quốc và cả thế giới, tất cả các chính sách mở cửa được áp dụng thử nghiệm ở Thâm
Quyến”, ông nói.
Vị chuyên gia cho biết việc Thâm Quyến là một thành phố ven biển, đồng thời nằm ngay
cạnh Hong Kong, trung tâm tài chính đồng thời là cảng biển lớn của thế giới, cũng là
những yếu tố quan trọng đưa đến sự thành công của SEZ này.
"Ban đầu, phần lớn đầu tư bên ngoài vào Thâm Quyến là đến từ Hong Kong. Hiện nay,
trong các ngành nghề công nghệ cao, lĩnh vực đang rất phát triển của Thâm Quyến, một
lượng lớn vốn và nhân lực cũng đến từ Hong Kong”, ông Guo lý giải.
Dù vậy, trong cuốn sách Learning From Shenzhen (tạm dịch: Bài học Thâm Quyến) với
hàng loạt các tiểu luận được các tác giả Mary Ann O’Donnell, Winnie Wong và Jonathan
Bach tuyển chọn, người ta thấy ý kiến cho rằng nhiều sáng kiến từ Thâm Quyến đã được
tiến hành trong hoàn cảnh khó khăn và luật lệ chỉ được thay đổi khi các ý tưởng được
thực hiện thành công.
Trong những năm 1980-1990, các công ty đã tận dụng các chính sách ưu đãi của Thâm
Quyến để mở công xưởng tại đây, thu hút một lượng lớn nhân công giá rẻ từ các vùng
nông thôn của Trung Quốc.

Ông Douglas Zhihua Zeng, nhà nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Thế giới, cho rằng sự
thành công của Thâm Quyến chính là công thức cải cách cho Trung Quốc. Với phần lớn
các nước đang phát triển, việc áp dụng cải cách kinh tế trên diện rộng là một điều khó
khăn. Vì vậy, họ dựa vào các SEZ trước, sau đó mở rộng ra. Đó là trọng tâm của mô hình
Đông Á.
“Những SEZ thành công sẽ là sự chứng minh hiệu quả và tạo ra sức lan tỏa cho phần còn
lại của cả nền kinh tế”, ông Zeng nói với Zing.vn.
Trong khi đó, ông Guo cho rằng Thâm Quyến không chỉ là hình mẫu cho các vùng khác
của Trung Quốc vào thời cải cách mà ngay cả hiện nay, khi đặc khu này thành công trong
việc chuyển dịch nền kinh tế từ phụ thuộc đầu tư sang các ngành nghề chất lượng cao và
có tính cải tiến. Trong năm 2016, 6 ngành chiến lược gồm công nghệ sinh học, công nghệ
thông tin, năng lượng mới, vật liệu mới, viễn thông và sáng tạo đã đạt 117 tỷ USD, tăng
10,5% và chiếm 40% tổng sản lượng GDP của Thâm Quyến.
“Trong thập niên 1980, Thâm Quyến là hình mẫu cho Trung Quốc về việc phát triển kinh
tế thị trường. Đến bây giờ, nó lại là điển hình của nền kinh tế định hướng công nghệ cao",
ông Guo nói, cho biết thêm rằng mô hình chủ yếu ở Trung Quốc hiện vẫn là kinh tế phụ
thuộc vào đầu tư.
"Chính phủ Trung Quốc muốn đưa Thâm Quyến đi theo hướng kinh tế cải tiến, công
nghệ cao. Tại Trung Quốc, đầu tư đóng góp đến hơn 50% GDP của cả nước, nhưng tỷ
trọng này ở Thâm Quyến là không đến 20% trong khi các ngành nghề công nghệ cao
đóng góp đến hơn 40%”, ông nói.
Hiện nay, Trung Quốc có 6 SEZ là Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Kashgar
và đảo Hải Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thành lập các "khu vực thương mại tự do"
(FTZ) gồm Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Phúc Kiến.
Các SEZ được đánh giá là đã góp phần lớn vào việc thay đổi bộ mặt Trung Quốc sau hơn
40 năm cải cách mở cửa. Tuy nhiên, câu chuyện thành công của những thành phố như
Thâm Quyến không hoàn toàn chỉ có màu hồng. Bức tranh về các SEZ sẽ không hoàn
chỉnh nếu không nói đến các khía cạnh tiêu cực của mô hình, bao gồm sự thiếu cân đối
trong phát triển, vấn đề đầu cơ, mất đất và tình trạng bóc lột lao động.
Nếu xét ở góc độ hẹp là các chỉ số kinh tế, các SEZ của Trung Quốc vẫn không có được
kết quả tích cực như nhau ở mọi thời điểm. Trong giai đoạn đầu, các SEZ gặp nhiều khó
khăn do sự tràn ngập của các loại hàng hóa có giá trị sử dụng lâu dài (thâm nhập hợp
pháp lẫn bất hợp pháp) đe dọa ngành sản xuất địa phương, dẫn đến sự thiếu hụt ngoại hối
và nguy cơ gia tăng lạm phát.
Sau năm 1982, các SEZ mới được nhìn nhận tích cực hơn và được tuyên truyền rộng rãi
là hình mẫu cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, khi những vùng còn lại của Trung
Quốc bắt đầu tự do hóa, tính hấp dẫn của SEZ đã giảm. Các xu hướng đầu tư tỏ ra rất
nhạy cảm với những thay đổi về luật pháp và làn sóng tự do hóa ở những nơi khác.
Theo Business China, mô hình đầu tư tại các SEZ cũng khác nhau và chỉ Thâm Quyến
thực sự thành công. Trong suốt những năm 1980, Sán Đầu hầu như không thu hút được
đầu tư.
Vấn đề đầu cơ và mất đất là những mặt trái khác của SEZ. Khi chính phủ Trung Quốc ưu
ái các doanh nghiệp lớn, người nông dân không còn được đảm bảo quyền sử dụng đất,
đặc biệt là ở khu vực đô thị hóa và trong các SEZ. Không những vậy, dù có sự điều chỉnh
định kỳ về tiêu chuẩn bồi thường, tiền đền bù cho việc thu hồi đất nhìn chung thấp hơn
giá trị "thị trường" vốn cũng đã thấp.
"Cơn sốt đặc khu" cùng với sự đầu cơ bất động sản đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng
với đất canh tác tại Trung Quốc. SEZ Hải Nam là một ví dụ điển hình. Năm 1992,
Economist nhận định Hải Nam là "quả bóng đầu cơ lớn nhất thế giới"; "ai nấy ở Hải Nam
đều có tiền để đốt"; "không ai còn tính được số lượng tòa nhà văn phòng 30 và 40 tầng
được xây dựng".
Vào tháng 6/1998, Ngân hàng Phát triển Hải Nam, ngân hàng chính cho chính quyền tỉnh
vay, tuyên bố phá sản. Không lâu sau đó, Tập đoàn Đầu tư và Tín thác Quốc tế Quảng
Đông tại tỉnh Quảng Đông, nơi có SEZ Thâm Quyến, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Đây là vụ phá sản lớn nhất kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa.
Cho đến năm 1997, do lo ngại về những xu hướng này, chính quyền trung ương Trung
Quốc đã ban hành lệnh cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Sự thịnh vượng của Thâm Quyến và nhiều SEZ Trung Quốc còn được xây lên bằng tình
trạng bóc lột lao động tràn lan. Bức tranh u ám về đời sống công nhân ở các SEZ đã được
Leslie T. Chang, cựu phóng viên Wall Street Journal, phản ánh qua tiểu thuyết "Gái công
xưởng", tác phẩm đoạt giải của Hội Văn bút Mỹ (PEN) năm 2009 ở thể loại phi hư cấu
nghiên cứu.
Theo một điều tra năm 2003, ít nhất một nửa số công ty ở Thâm Quyến nợ lương nhân
viên và ít nhất 1/3 công nhân Trung Quốc nhận lương ít hơn mức lương tối thiểu. Tỷ lệ
lao động bỏ việc là trên 10%. Chỉ tính riêng năm 2006, giới công nhân ở Thâm Quyến đã
tiến hành hơn 10.000 cuộc đình công dù không có công đoàn độc lập nào. Quảng Đông
cũng là nơi có tỷ lệ tử vong trong giới công nhân rất cao.
Sau nhiều năm, mô hình phát triển cũng như những hệ lụy từ SEZ tại Trung Quốc trở
thành mối quan tâm rộng rãi. Năm 1996, Thủ tướng Lý Bằng tuyên bố các nhà đầu tư
nước ngoài và trong nước sẽ không còn có thể nhập khẩu nguyên liệu miễn thuế và không
được hưởng thuế suất thấp bất thường như vậy trong 5 năm tiếp theo. Điều này đồng
nghĩa với việc yếu tố "đặc biệt" của mô hình "đặc khu" bị loại bỏ.
"Không thể đem vẻ hào nhoáng của những dự án đầu tư đi che đậy 100 sự xấu xí khác",
Zhao Xiao, nguyên là cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, từng phát biểu vào năm
2006.
Trên một chuyến tàu đêm từ quê nhà Trùng Khánh, Xie Lanyou là một trong rất nhiều
người đổ xô tới Hùng An cách đó 1.600 km hồi tháng 4. Vùng nông thôn với nhiều đầm
lầy chợt náo nhiệt lạ thường kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế
hoạch biến nơi đây trở thành đặc khu kinh tế mới của đất nước.
Hùng An tân khu được thành lập trên phạm vi 3 huyện Hùng, An Tân và Dung Thành
thuộc tỉnh Hà Bắc. Đồ họa: Nhân Lê.
Hùng An tân khu được quy hoạch trên phạm vi 3 huyện thuộc tỉnh Hà Bắc, nhưng nằm
gần Bắc Kinh và Thiên Tân, hai thành phố lớn nhất miền Bắc của Trung Quốc. Việc
thành lập đặc khu kinh tế mới nhằm giảm áp lực cho thủ đô Bắc Kinh cũng như thúc đẩy
nền kinh tế hướng tới dịch vụ và các ngành công nghệ cao. Theo Bloomberg, nếu chính
phủ Trung Quốc quyết tâm đầu tư, Hùng An có thể trở thành Thâm Quyến thứ hai, mở ra
những cơ hội ngoài sức tưởng tượng.
Bắc Kinh cho hay đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu sẽ gồm 100 km2 và cuối cùng mở rộng
lên tới 2.000 km2, tương tự diện tích Thâm Quyến, gấp 3 lần diện tích New York. Tân
Hoa xã gọi tham vọng của chính phủ là “chiến lược quan trọng trong thiên niên kỷ tới”
trong khi tập đoàn tài chính Morgan Stanley kỳ vọng Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 290
tỷ USD vào cơ sở hạ tầng khu vực này trong 15 năm đầu tiên.
Không cần quá nhiều thời gian để nhận ra rằng ông Tập đang muốn đi theo con đường
của Đặng Tiểu Bình, người được coi là đóng vai trò quyết định cho sự trỗi dậy và phát
triển của Thâm Quyến. Do đó, khả năng thành công của Hùng An phụ thuộc rất lớn vào
việc ông Tập liệu có rút ra được bài học từ những kinh nghiệm của Đặng Tiểu Bình.
Tuy nhiên, có thể thấy dự án thành phố tương lai ở Hùng An có sự khác biệt về bản chất
với các đặc khu kinh tế khác vốn được thành lập cách đây trên dưới 3 thập kỷ. Theo
Bloomberg, đây không phải một sự thử nghiệm để tìm ra cách thức phát triển đột phá cho
nền kinh tế Trung Quốc như Thượng Hải hay Thâm Quyến, mà chỉ đơn giản là một thành
phố được xây bằng các điều kiện thuận lợi nhất có thể để trở thành biểu tượng cho sự
giàu có mà Trung Quốc đang tự hào.

Để không bị đẩy khỏi tương lai xán lạn đó, Xie cho biết anh sẽ mở cửa hàng bán các món
chiên xào đặc sản Trùng Khánh. Người đàn ông 45 tuổi cũng không che giấu tham vọng
thuê mảnh đất rộng 600 m2 khác để mở nhà hàng và khách sạn trước khi kết hợp chúng
lại thành một chuỗi. Nếu thuận lợi, Xie sẽ chuyển cả gia đình tới đây khi các trường học
tốt được xây dựng.
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra băn khoăn về nguy cơ dự án Hùng An sẽ làm gia tăng nợ
công đang ngày càng phình rộng của Trung Quốc, cũng như gây ảnh hưởng tới các mục
tiêu mà chính phủ đặt ra về tăng trưởng kinh tế chậm nhưng bền vững và phân bổ vốn
thông minh. Năm ngoái, tổng số nợ của Trung Quốc tương đương 258% sản lượng kinh
tế, tăng từ 158% hồi năm 2005.

Dù thế nào, các nhà đầu tư vẫn cho thấy họ không muốn phí phạm thời gian. Hàng trăm
tay săn nhà đất bất ngờ kéo đến vùng nông thôn Hà Bắc sau khi có thông báo về dự án.
Truyền thông địa phương loan tin giá nhà đất đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vài giờ.

You might also like