You are on page 1of 3

Nhà sử học Phan Huy Chú từng nhận xét từ ngữ, giọng thơ Nguyễn

Bỉnh Khiêm: “Văn chương ông tự nhiên, nói ra là thành không cần
gọt giũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị, đều có
quan hệ đến việc dạy đời”. Với tác phẩm chỉ độc một chữ “Nhàn”,
tác giả đã thể hiện cái thú nhàn đầy độc đáo của riêng mình qua
những dòng thơ cô đọng, hàm súc nhưng đầy tính triết lý, ý vị, để
lại cho người đọc bao suy ngẫm về cái nhìn đời thâm thúy và sâu xa
của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thoạt tiên, cái thú nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cái thú
nhàn về tâm thế.
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.”
Mở đầu bài thơ là câu thơ ngắt nhịp 2-3-2, gợi lên một nhịp sống
chậm rãi, bình lặng. Điệp từ “một” gắn liền với các dụng cụ lao
động quen thuộc vẽ nên một bức tranh thư thái, thuần hậu, một
cuộc sống đầy vui thú với công việc điền viên, dường như với tác giả
lao động là đang thưởng thức cái an nhàn thanh tao này. Từ “thơ
thẩn” đảo lên đầu câu tô đậm phong thái nhàn nhã, an nhiên, theo
sau là “dầu ai” thể hiện bản ngã thoát ly khỏi những cám dỗ, mê
hoặc của cuộc đời, thể hiện quan điểm sống riêng của Nguyễn Bỉnh
Khiêm.
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”
Cuộc sống thong dong, tĩnh lặng của ông kéo dài suốt bốn mùa
xuân, hạ, thu, đông với những thức, những thú hết sức bình dị. Lối
sống mở ra trong trang thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề khắc
khổ mà đạm bạc, thanh cao. Nó hòa hợp với thiên nhiên, thuận
theo lẽ tự nhiên, một cuộc sống mà có lẽ với ông là vô cùng giàu có
về vật chất, sung mãn, phong phú về tinh thần. Ông như đã hòa
vào một thể với thiên nhiên mà thuận theo đất trời. Cái nhàn trong
tâm thế đã khắc họa chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm với tình yêu
thiên nhiên tha thiết, mãnh liệt, trân trọng cuộc sống ung dung,
thanh đạm, nương theo tự nhiên để dị dưỡng tinh thần.
Thế nhưng, qua những câu thực và kết, ta càng hiểu rõ hơn triết lý
sống độc đáo, thấu cảm từ sâu trong tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm.
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.”
“Chốn lao xao” ở đây chỉ nơi vào luồn ra cúi, nịnh hót, bon chen,
chà đạp, thậm chí sát hại lẫn nhau. Biểu tượng “Nơi vắng vẻ” đối
lập lại là chốn yên bình, thanh thản, không ai cầu cạnh mình mà
mình cũng chẳng cầu cạnh ai. Trong triết lý dại – khôn này,
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn cho mình cách nói ngược mỉa mai
qua vẻ hóm hỉnh, để hàm chỉ rằng dại thực chất là khôn mà khôn
thực chất là dại.
“Dưới công danh đeo khổ nhục
Trong dại dột có phong lưu.”
Bằng trí tuệ mẫn tuyệt, ông thấu nhận sâu sắc lẽ đời với cái nhìn
uyên thâm, hiểu rõ sức mê hoặc của địa vị, danh vọng, tiền tài,
nhưng lại có bản lĩnh cứng cáp vượt lên những cám dỗ tầm thường
của vinh hoa, phú quý, thoát khỏi sự ganh đua để tâm hồn được an
nhiên, thanh thản.
“Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
Khung cảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm uống rượu thưởng thức cái nhàn
hạ của đời thể hiện sự coi thường, coi khinh của ông với phú quý,
vinh hoa. Dường như ông đã thoát ly khỏi cái phàm tục của cõi đời,
mang vẻ của một người ở thế cao hơn thờ ơ đảo mắt khinh rẻ cái
phù phiếm của cám dỗ tầm thường mà phút chốc chỉ tựa chiêm
bào. Đây cũng là phương thức bảo tồn chí hướng và nhân cách của
ông. Hai câu kết thật tô đậm vẻ đẹp trí tuệ bất phàm của một con
người thông tuệ, uyên thâm, hiểu được lẽ biến dịch, họa phúc của
đời. Nhà thơ đã biết nhìn phú quý, tiền tài chỉ là phù du, là một
giấc chiêm bao. Sự giàu có của Nguyễn Bỉnh Khiêm ấy là giàu có về
tâm hồn, tinh thần, là giá trị vượt lên sự đào thải của thời gian.
Qua bài thơ “Nhàn” với giọng thơ hàm súc, Nguyễn Bỉnh Khiêm
thể hiện thú nhàn độc đáo  mang chiều sâu thấu tình đạt lý để lại
nhiều suy ngẫm và bài học triết lý sâu xa cho người đọc. Lối sống
nhàn dật không chỉ trong tâm thế mà còn trong quan niệm nhân
sinh khắc họa chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm lồng trong một nhân
cách sống cao đẹp với tình yêu thiên nhiên tha thiết và khát khao
hòa mình vào thiên nhiên, với cái nhìn trí tuệ thấu cảm sự đời mà
vượt qua những cám dỗ tầm thường, phù du. Quan niệm của
Nguyễn Bỉnh Khiêm với thú nhàn đáng để người đời học tập, trân
trọng.

You might also like