You are on page 1of 9

Câu 2: Trong tác phẩm “Tuỳ viên thi thoại”, Viên Mai – nhà lí luận phê bình

nổi tiếng của Trung Quốc thời Thanh cho rằng: “Kẻ làm thơ không được đánh
mất đi tấm lòng trẻ thơ’’. Anh, chị hiểu nhận định trên như thế nào ? Hãy phân
tích bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu để làm sáng tỏ nhận định đó.
Bài làm
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt

Một mật ngọt thành đòi vạn chuyến ong bay”

Đúng vậy, nhà thơ được coi là những “con ong” chăm chỉ làm việc, “đi hút mật
ngọt của đời” từ hiện thực đời sống để thể hiện tư tưởng, tình cảm và những
triết lý nhân sinh của mình. Qua những đứa con tinh thần này, người nghệ sĩ
khẳng định được cá tính riêng của mình cũng là để khẳng định sự tồn tại của cá
nhân. Nhưng cũng có những quy tắc dành riêng cho nhà thơ như trong tác phẩm
“Tuỳ viên thi thoại”, Viên Mai – nhà lí luận phê bình nổi tiếng của Trung Quốc
thời Thanh cho rằng: “Kẻ làm thơ không được đánh mất đi tấm lòng trẻ thơ’’.
Có thể nhận thấy rằng nhận định trên đã ngầm khẳng định được bản chất, đặc
trưng của thơ ca…

Cho đến nay đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về thơ. Trong Từ điển
văn học Nguyễn Xuân Nam cho rằng : “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản
ánh cuộc sống qua những tâm trạng, những cảm xúc dạt dào, những tưởng
tượng mạnh mẽ trong một ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu rõ
ràng”.Các tác giả Nhập môn văn học lại quan niệm “Thơ là bộc bạch cảm xúc
hoặc suy tư” . Xuân Diệu từng cho rằng “Thơ là lọc lấy tinh chất, là sự vật được
phản ánh vào tâm tình”. Còn các tác giả trong nhóm Xuân Thu nhã tập lại
khẳng định : “Thơ là cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu, cái hình
ảnh bất diệt của cõi vô cùng”… Có bao nhiêu người viết về thơ thì có bấy nhiêu
quan niệm khác nhau. Mỗi quan niệm đó đều xuất phát trên một số phương diện
nhất định của thơ để khái quát, cho nên đều cho ta một ý niệm về thơ. Nhưng có
thể hiểu một cách ngắn gọn, thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng nói của
tình cảm con người. Thuộc phương thức trữ tình, thơ lấy điểm tựa là sự bộc lộ
thế giới nội cảm của nhà thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim sĩ trước
cuộc đời. Cảm xúc đóng vai trò quyết định, là nguồn cội của mọi sáng tạo nghệ
thuật.

Cũng như văn học, thơ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Nhưng hình
tượng trong thơ không phải được xây dựng nên từ óc quan sát, chiều sâu nhận
thức, tư duy lô gic của lý trí mà nó gắn với cảm xúc, với tâm hồn. Thơ sinh ra từ
tình cảm: “Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim” (Đuybray).
Trong nhận định của Viên Mai, “kẻ làm thơ” chính là nhà thơ, người nghệ sĩ,
người thi sĩ, người sáng tác. Họ có nhiệm vụ là không được đánh mất “tâm hồn
trẻ thơ” là sự trong sáng, tinh khôi, chân thực, không dối trá, tò mò, ham hiểu
biết, và không thể thiếu sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Câu nói này ý nói nhà
thơ khi sáng tác cần viết ra những bài thơ tinh khôi, chân thực nhưng phải sáng
tạo. Từ đó nêu rộng hơn với tất cả mọi người, như một nhà thơ, khi làm một
việc gì đó cũng như làm thơ ko chỉ dùng cái đầu mà cần cả trái tim đầy tâm
huyết, sự tò mò và vẻ đẹp tinh khôi trong sáng của trẻ thơ mới tạo nên đc tuyệt
phẩm hoàn mĩ.
Đối tượng của văn học nói chung, thơ ca nói riêng là cuộc sống muôn
màu. Theo M. Gorki, “văn học là nhân học” có nghĩa là: văn học là khoa học về
con người. Trong bất kì thời đại nào, con người vẫn trở thành đối tượng trung
tâm của văn học. Các Mác cũng đã từng nói: “Lấy con người làm đối tượng
miêu tả chủ yếu, văn học có được một điểm tựa để nhìn ra toàn thế giới”.
Nhưng việc phản ánh đời sống không tách rời việc thể hiện tư tưởng, tình cảm:
“Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó
không phải là tiếng thét khổ đau hay một lời ca tụng hân hoan…” . Cũng như
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, đại ý: Văn học bao giờ cũng phải trả
lời câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Thực chất, mục đích cuối cùng của văn
học là viết cho con người nhằm giúp con người nhận thức, khám phá đời sống,
khái quát những vấn đề, những quy luật cơ bản của đời sống.

Tư tưởng, tình cảm trong thơ trước hết phải hồn nhiên, chân thực, tươi
mới: “kẻ làm thơ không được đánh mất đi tấm lòng trẻ thơ”. Phải chăng, từ bao
giờ người ta luôn bằng lòng với việc quan niệm: thi sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp và
chỉ đi tìm cái đẹp? Thơ luôn bắt nguồn từ một men say, một tia chớp lóe sáng,
một mạch nước ngầm âm ỉ từ bao giờ? Vì thế thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng từng tự
nhận xét “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi mất trí. Tôi phát điên”. Với ai kia, thơ tôn
sùng nghệ thuật trong sự thăng hoa của cảm xúc. Với ai kia, thơ là sự say đắm
trong một thế giới vô thức - thế giới của thi sĩ.

Sinh ra từ tâm hồn và trái tim con người, thơ đã trở thành tri âm của nhân
loại từ bao thế kỷ qua. Thơ là một phần của thế giới nội tâm, của đời sống tâm
linh con người. Yêu thơ và coi thơ như người bạn tri kỷ của mình, người ta đã
tìm cho thơ nhiều cách lý giải, định nghĩa. Ai đó đã từng coi thơ là “rượu của
quỷ sa tăng”, “thơ là địa hạt huyền bí và thần thánh”. Cũng có người cho rằng
“thơ là lửa”, “thơ là sự sung mãn của tình cảm mãnh liệt” (Ban zắc)

Nói đến Thơ, người đọc không quên thơ là cảm xúc, là tâm hồn. Trong
thơ, “tình là gốc” ( Bạch Cư Dị), thơ phải sinh ra từ sự thôi thúc mạnh mẽ của
tâm hồn. Đồng thời, cảm xúc trong thơ ở dạng tính chất chọn lọc. Ngôn ngữ thơ
hàm súc và đa nghĩa. “Thơ là rượu của thế gian” (Huy Trụ). Thơ thăng hoa và
xuất thần từ đống tài liệu thực tế, như một thanh kim loại sáng bóng được gạn ra
từ hàng tấn quặng ủ trong lòng đất bao nhiêu tháng năm…

Cây không thể thiếu gốc, thơ ca cũng không thể thiếu được cốt tủy của
riêng mình. Người cho thơ cái gốc cũng như kẻ đang ươm mầm hạt giống của
sự sống, cần phải có tâm hồn dạt dào, trù phú để thơ đâm chồi, bám rễ. Thơ ca
là sản phẩm của cảm xúc con người, chính vì thế mà tâm hồn người viết có
trong, có sáng, có phong phú dạt dào thì mới tạo nên được những bài thơ hay.
Tâm hồn con người ta không đơn thuần chỉ là những cảm xúc yêu, ghét, giận
hờn, nó còn là cảm quan, cách đánh giá và cái nhìn của mỗi người vào cuộc
sống này. Đặc biệt hơn nữa đối với người nghệ sĩ, đó còn là nơi khởi sự, xuất
phát của mỗi tác phẩm mà mình viết ra, là nền tảng để tạo nên cái gốc vững
chắc cho một tác phẩm nghệ thuật của mình. Khởi sự từ tâm hồn cũng đồng thời
là nơi soi chiếu và phản ánh tâm hồn nghệ sĩ đến với người đọc, thơ ca đòi hỏi
một nền tảng vững chắc bắt rễ từ cảm xúc chân thực, khách quan nhất của người
làm thơ.

Người làm thơ không phải chỉ để cho mình đọc mà là để tìm sự đồng cảm
giữa những người tri âm tri ngộ. Vì thế mà những vần thơ có nổi bật, có bay
cao, bay xa mới dễ dàng tìm được tri kỷ. Và người làm thơ phải gửi vào đó tầm
nhìn cao rộng, để bài thơ vượt qua bước chuyển thời gian, năm tháng để trường
tồn và bất tử. Người làm thơ càng có tầm nhìn bao quát hướng ra sự sống và
biết thu hẹp, soi chiếu, chắt lọc điểm nhìn của mình vào những sự kiện nổi bật
giữa bộn bề cuộc sống thì tác phẩm nghệ thuật của họ càng có giá trị. Giữa cuộc
sống bộn bề, có rất nhiều sự việc diễn ra muôn hình vạn trạng. Người tầm
thường sẽ nhìn tất cả những gì có thể và cố gắng ghi nhớ tất cả. Nhưng thơ ca
không cần những thứ hỗn độn, xô bồ như thế. Tầm nhìn để đưa thơ vượt lên
phải có sự dịch chuyển, điều chỉnh linh hoạt, biết mở ra khi cần thiết và biết thu
hẹp lại để quay cận cảnh, để soi chiếu từng kiếp người. Có như vậy, vần thơ
mới trở nên sâu sắc, ý nghĩa và có sức lay động tâm hồn người đọc.
Như Sê – khốp đã nói: “Nhà văn chân chính là nhà nhân đạo từ trong cốt
tủy”. Mỗi tác phẩm thơ, đằng sau ngôn từ, hình ảnh, nội dung đều phải song
song tồn tại giá trị hiện thực và nhân đạo thì mới có sức sống lâu dài giữa cuộc
sống. Thứ thơ hay bằng lời lẽ nhưng vô cảm, lạnh lẽo chứng tỏ người làm thơ
không đặt mình vào trong cuộc sống, để cảm nhận được tất cả cay đắng, ngọt
bùi, niềm vui và nước mắt. “Thơ phát sinh từ trong lòng người” ( Lê Quý Đôn).
Quy luật của thế giới nội tâm chiếu ứng với những vòng sáng cảm xúc chân
thực, điển hình và mãnh liệt dội lên trên câu chữ. Người xưa nói thơ ưa đạm
không ưa nồng, nhưng là cái đạm sau khi đã nồng, thơ ưa phát không ưa xảo,
nhưng là cái phác sau khi xảo. Bởi vậy, tình sâu là sức đẩy bồn chứa bên trong
để tạo hồn cốt cho ngôn từ và cái thần của người làm thơ.

Dòng chảy cuộc đời ngàn năm xưa vẫn thế, chỉ có những rung động sâu
xa mới trả lại cho chữ vẻ đẹp mới mẻ, độc đáo như lần đầu. Cái tâm là điểm
sáng trung tâm khơi nguồn cho ý thức trong thơ. Phải chú trọng đến quy cách
nhưng làm thơ gốc phải là tình cảm (Cao Bá Quát). Sáng tạo nghệ thuật xuất
phát từ chân tâm thực ý thì nhà thơ mới có thể nối liền những tư tưởng cảm xúc
của mình trong một từ “thơ” muôn đời. TÂM SÁNG - TÌNH SÂU chính là
mạch ngầm gắn kết một trái tim với triệu tâm hồn. Sức đồng cảm quảng đại và
mãnh liệt của thơ cững là ở chỗ đó . Bởi vậy mới nói, “Thơ là tiếng nói đầu tiên,
tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống” (Nguyễn Đình
Thi) - những rung động tươi mới, tinh khiết nhất của tâm hồn. Đây là một cơ sở
quan trọng cho sự sáng tạo những điều độc đáo, mới mẻ trong văn chương.
Trong thơ ca Việt Nam, đặc biệt ở phong trào Thơ mới, có thể coi Xuân
Diệu
là người tiên phong trong việc thực hiện yêu cầu này của thơ trữ tình. Ông là
nhà
thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”, vì đã “thoát xác” một cách trọn vẹn khỏi
hệ
thống ước lệ của thơ trung đại để lần đầu tiên nhìn cuộc đời bằng cặp mắt “xanh
non”, “biếc rờn”. Nhờ đó, ông phát hiện biết bao vẻ đẹp của cuộc sống trần thế,
một “thiên đường trên mặt đất” trong đó đẹp nhất là mùa xuân, tuổi trẻ và tình
yêu:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Từng câu từng chữ tưởng chừng như nằm bất động trên trang giấy những lại ẩn
chứa biết bao nhiêu cảm xúc của hồn thơ Xuân Diệu. Dường như lòng yêu đời,
yêu cuộc sống của ông đã biến cái ham muốn “tắt nắng”, “buộc gió” trở nên quá
táo bạo, đến độ lo âu trước sự thay đổi của đất trời, cảnh vật…muốn ôm tất cả,
muốn giữ lại tất cả thiên nhiên với vẻ đẹp vốn có của nó. Ước muốn níu giữ thời
gian, chặn vòng quay của vũ trụ, đảo ngược quy luật tự nhiên, phải chăng là ông
đang muốn đoạt quyền tạo hóa. Nhưng trong cái phi lí đó, vẫn có sự đáng yêu
của một tâm hồn lãng mạn yêu cuộc sống. Với ông, sống là cả một hạnh phúc
lớn lao, kỳ diệu, sống là tận hưởng và tận hiến. Nhưng làm sao cưỡng được quy
luật, làm sao có thể vĩnh viễn hóa được những thứ vốn ngắn ngủi mong manh
ấy? cái ham muốn lạ lùng kia đó hé mở cho chúng ta một lòng yêu bồng bột vô
bờ đối với cái thế giới thắm sắc đượm hương này. Càng hiểu rõ quy luật tuần
hoàn của tự nhiên, ông càng khắc khoải, băn khoăn, nhà thơ đã tỏ bày ham
muốn của mình để lưu giữ lại màu sắc, hương thơm của thiên nhiên, tạo vật, để
mùa xuân mãi mãi đẹp tươi, để con người mãi mãi được tận hưởng. Tình yêu
tha thiết đã nâng cảnh thi nhân bay bổng trong khát vọng của mình. Vì thế mà
Xuân Diệu, không lặng lẽ u buồn nhìn buổi chiều trôi đi, không khoanh tay tiếc
nuối thời hoàng kim của mùa xuân, tuổi trẻ. Chàng thi sĩ ấy đã bất tử hương
thơm, sắc nắng bằng những vẫn thơ, bằng những hành động phi thường. Ai đó
đã từng nói rằng thơ ca không phải là dòng sông êm cháy thanh bình, ấy là vão
táp nhiệt đới, là thác đổ, sóng trào.

Đang từ nhịp điệu gấp gáp của những dòng năm chữ, thì đột ngột tràn ra
trong những dòng tám chữ:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật,


Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,”
Một sự chuyển đổi rất đẹp của bài thơ, làm trái ra trước mắt người đọc một bức
tranh xuân tuyệt diệu. Qua cặp mắt “xanh non, biếc rờn” của Xuân Diệu, thiên
nhiên mùa xuân đã hiện lên thật đẹp, thật sống động, tràn đầy màu sắc, âm
thanh, ánh sáng. Trong cảm nhận độc đáo của XD trần gian là 1 bữa tiệc lớn
trên mặt đất, đầy những của ngon vật lạ chẳng phải tim đâu. Đó là cuộc sống
tươi tắn với bao nhiêu sắc màu cùng sự quyến rũ của hương vị: Cảnh vật thiên
nhiên gần gũi thân quen, có đủ: ong, bướm, hoa, lá, chim yến, chim anh, ánh
mặt trời rực rỡ. Đó là vẻ đẹp tinh khôi, nõn nà rực rỡ dạt dào nhựa sống của
mùa xuân: Tất cả đều mang vẽ đẹp của sự trẻ trung và sức sống. “Hoa” nở trên
nền “xanh rì” của đồng nội bao la, “lá” của “cành tơ” đầy sức trẻ và nhựa sống.
Cảm giác non tơ, mơm mởm ấy lại được tôn lên trong sự nghiệp vần “tơ phơ
phất” ở sau. Và như thế, cuộc sống hiện ra trong hình ảnh của một vườn địa
đàng, trong xúc cảm của một niềm vui trần thế. Giá trị nhân văn của những câu
thơ và cả bài thơ chính là ở đó.

Những câu thơ gợi hình dung về một con người đang mê man, đắm đuối,
cuống quýt trước mùa xuân đang trải ra cuộc đời. Đó không chỉ là 1 bức tranh
xuân, xuân sắc, xuân tình mà còn là cách để tác giả nói đến cái mê đắm về một
mùa xuân của tuổi trẻ, của tình yêu. Vì vậy, không có một loài vật nào khác
ngoài “ong bướm, yến anh”, bởi nó gợi ra vẻ lả lơi, tình tứ và “bướm lá ong lơi”
gợi ý niệm về mùa xuân và tình yêu. Khúc nhạc của tình yêu, và hơn thế, “của
tình si”, gợi nên sự mê đắm.

Xuân Diệu yêu bằng một tình yêu thiết tha say đắm cuộc sống trần thế
xung quanh. Ông phát hiện ra một bức tranh xuân đời đẹp đẽ, một bức tranh
thiên đường trần gian đầy ắp âm thanh ánh sáng. Bức tranh cuộc sống được nhà
thơ dựng lên vừa gần gũi vừa thân quen mượt mà đầy sức sống. Nhà thơ đã phát
hiện ra những vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên xung quanh mình và thổi vào thiên
nhiên một tình yêu rạo rực đắm say. Tất cả như sống dậy, si mê ngây ngất trước
ngòi bút của Xuân Diệu. Nói Xuân Diệu là một nhà thơ mới, quả không sai!
Nếu như trong thơ ca của những thi sĩ lãng mạn ngày xưa, thiên đường là chốn
bồng lai tiên cảnh, là nơi mây gió trăng hoa: Những năm tháng trước cách
mạng, vì bất mãn với thực tại nhiều nhà thơ lãng mạn đã biểu hiện cảm hứng
thoát li. Huy Cận bế tắc, Thế Lữ tìm nơi tiên cảnh thì trong quan niệm thơ của
Xuân Diệu, cuộc sống trần gian mới thực là nơi hạnh phúc nhất, là nơi xinh đẹp
và căng mọng nhựa sống nhất, là một thiên đường ngay trong tầm tay của mọi
người. Nói như Hoài Thanh: “Xuân Diệu đã đốt cành Bồng lai, xua ai nấy về hạ
giới”, Xuân Diệu muốn hưởng thụ nhwuxng thanh sắc của trần thế tuyệt đẹp.
Thế giới này được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách riêng. Nó bày ra như
một thiên đường trên mặt đất, như một bữa tiệc lớn của trần gian. Được cảm
nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, nên sự sống cũng
như một thế giới đầy xuân tình. Cái thiên đường sắc hương đó hiện ra trong
“Vội vàng” vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đương lúc lên hương, vừa
như một mâm tiệc với một thực đơn quyến rũ, lại như một người tình đầy đắm
say. Xuân Diệu cũng hưởng thụ theo một cách riêng, ấy là hưởng thụ thiên
nhiên như hưởng thụ ái tình, yêu thiên nhiên mà thực chất là tình tự với thiên
nhiên. Những hình ảnh này đã giúp người đọc thấm thía rằng: Thiên đường
không phải ở đâu xa, không phải ở một cõi mộng khuất nẻo nào mà ở ngay
xung quanh chúng ta, ở ngay trong cuộc đời thực, ở chính mặt đất, hương hoa
này. Trong đó đối với Xuân Diệu, thế giới trần gian này, đẹp nhất, hấp dẫn và
đáng yêu nhất vẫn là có con người, đặc biệt là con người giữa tuổi trẻ và tình
yêu.

Nếu như 4 câu thơ trên có vẻ như đã cân xứng, hoàn chỉnh rồi, thì câu thơ
thứ chín xuất hiện bằng ba chữ “và này đây”:

“Và nay đây ánh sáng chớp hàng mi”

như thể một người còn chưa thỏa, chưa muốn dừng lại, trong cảm xúc đầy tiếc
nuối muốn giãi bày cho hết niềm vui được sống. Nhưng đây không còn là
những hình sắc cụ thể như “lá, hoa, ong bướm” mà trừu tượng hơn là ánh sáng,
niềm vui, thời gian – những vật thể không hữu hình. Đó cũng là cách để nhà thơ
bộc lộ quan điểm thẩm mĩ mới mẻ và thú vị. Thơ xưa vẫn thường hướng tới cái
đẹp thiên nhiên là một chuẩn mực, thiên nhiên đã thôi không còn là chuẩn mực
của vẻ đepk trong quan niệm của Xuân Diệu. Vẻ đpẹ của thiên nhiên chỉ được
coi là đẹp khi mang dáng dấp của vẻ đẹp con người. Ánh sáng đẹp vì gợi ra liên
tưởng về “hàng mi” của một đôi mắt đẹp. Niềm vui đẹp vì gợi ra liên tưởng về
một vị thần, đại diện cho con người, cho hình ảnh giai nhân, mỹ nữ. Cảnh bình
minh đã được nhà thơ hình dung cảm nhận qua dáng vẻ của thiếu nũ “chớp hàng
mi” tỏa ra muôn luồng ánh sáng. Xuân Diệu đã có lần giải thích ý nghĩa của
hình ảnh này: “Mi của ánh sáng thật ra dài, tia của ánh sáng thật đượm, con mắt
điện quang thấu suốt muôn trùng”.

Và xúc cảm thẩm mĩ được nâng lên trong câu thơ về tháng giêng, gợi nên
vẻ đẹp của sự táo bạo, cuồng nhiệt, làm người đọc thơ phải sửng sốt. Cảnh vật
đầy hứa hẹn về tương lai, hạnh phúc. Với Xuân Diệu cuộc đời thật đáng yêu,
thú vị và hấp dẫn khiến lòng nhà thơ ham muốn, muốn nắm bắt và hưởng thụ:

“Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;


Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Nhưng có được sự so sánh ấy thì thời gian trừu tượng mới trở nên gần gũi, do
vậy mùa xuân hiện lên trong cảm xúc của một tâm hồn đang thèm khát tận
hưởng. Vẻ đẹp của mùa xuân như đã bị hoàn toàn chiếm hữu. Hình ảnh so sánh
ấy như một người đang đợi chờ, sẵn sàng dâng hiến cho tình yêu. Và hẳn phải
có một tình yêu thật nồng nàn với cuộc đời thì tác giả mới tạo ra được một hình
ảnh lạ kì đến thế. Xuân Diệu luôn bị ám ảnh bởi thời gian, luôn lo lắng bởi sự
chuyển động của tháng ngày, thời khắc. Bởi vậy bao giờ cũng có tâm trạng vội
vàng cuống quýt trước bước đi của thời gian, tiếc mùa xuân ngay khi ở mùa
xuân, tiếc tuổi trẻ ngay khi ở tuổi trẻ. Nhà thơ cảm thấy mùa xuân tràn đầy và
rất thực tế nên muốn tận gưởng vẻ đẹp của mùa xuân ngay khi nó đang đến chứ
không để nó trôi đi.
“Vội vàng” đã khẳng định một triết lý sống, một cách ứng xử nghệ thuật
của nhà thơ khi nhận ra rằng: Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn. Quan niệm
về thời gian độc đáo của Xuân Diệu đã đưa nhà thơ đến với một cách sống tích
cực – hãy hưởng thụ cuộc sống trên trần thế này, không việc gì phải đến với cõi
mộng, cõi tiên. Hãy đến với thiên đường lên mặt đất này. Qua quan niệm trên,
ta lại thấy hiện lên cái đẹp nhất, hấp dẫn nhất trên cõi đời mà nhà thơ khao khát
chính là tình yêu mùa xuân, yêu tuổi trẻ, yêu cuộc đời tha thiết như muốn sống
mãi trong tuổi trẻ, trong mùa xuân của cuộc đời.
Thơ không chỉ cần cảm xúc chân thành, hồn nhiên mà cần cả sự sâu sắc,
đầy tính chiêm nghiệm: yếu tố lí trí, tính triết lí trong thơ. Muốn thế, thi sĩ vừa
phải biết gắn bó với hiện thực, lắng nghe những thanh âm cuộc đời vừa phải
biết lắng nghe rung động trong chính mình. Tấm lòng trẻ thơ không chỉ cần với
người nghệ sĩ mà cũng rất cần thiết với người đọc để tạo nên sự đồng điệu, lan
tỏa trong quá trình tiếp nhận văn chương. Tác phẩm chính là cái cuối cùng, là
cái túi chứa đựng mọi cảm xúc, khát khao, suy cảm của nhà văn trước hiện thực
cuộc sống. Có những đêm mắt không ngủ và lòng rực sáng, tâm hồn nhà nghệ sĩ
dồn chứa những rung cảm mãnh liệt dẫn tới một nhu cầu: viết, viết và phải viết.
Thậm chí có nhà nghệ sĩ cảm thấy nếu không được viết thì có thể phát điên, có
thể chết hay tồn tại mà như đã chết nếu không được viết, không được thai nghén
những tác phẩm. Không có cảm xúc thì không có thơ. Cảm xúc tạo nên chất thơ
của thơ. Không ai làm thơ khi không có một nỗi cảm xúc nào đấy trước con
người, trước cuộc đời. Thơ là tiếng nói của cảm xúc, là sự rung động của nỗi
lòng. Nếu thiếu những điều này thì không có thơ. Cảm xúc thơ khác với cảm
xúc của văn xuôi. Cảm xúc văn xuôi dù mãnh liệt đến đâu vẫn mang tính khách
quan.

Như vậy, để có được những tác phẩm có giá trị lay động được tới trái tim
bạn đọc thì cần có một trái tim nóng bỏng, một tâm hồn nhạy cảm tinh tế;
những gì viết ra cần phải xuất phát từ tình cảm chân thật sâu sắc. Muốn vậy trái
tim người nghệ sĩ phải để ở giữa cuộc đời và vì cuộc đời. Độc giả khi thẩm bình
và hưởng thụ cái Đẹp của một tác phẩm văn học nói chung không nên nhìn vào
kết cấu đồ sộ, dung lượng hoành tráng của câu từ để vội vàng đánh giá mà phải
đi sâu tìm ra được cái mạch nguồn cảm xúc dạt dào mà sâu kín của thi nhân,
nắm được cái hạt ngọc mà người nghệ sĩ thai nghén gửi gắm. Có như thế mới có
thể bước vào địa hạt của cái Đẹp…

You might also like