You are on page 1of 53

Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

CHƯƠNG 1
Các khái niệm cơ bản: Nguyên tử
Danh mục
1.1. Tổng quan .......................................................................................................................................4
Hóa học vô cơ không phải một phân nhánh độc lập của hóa học hữu cơ ....................................4
Mục tiêu của Chương 1 và 2 .............................................................................................................4
1.2. Các hạt cơ bản của một nguyên tử ...............................................................................................4
1.3. Số hiệu nguyên tử, số khối và đồng vị ..........................................................................................5
Nuclide, số hiệu nguyên tử và số khối ..............................................................................................5
Khối lượng nguyên tử tương đối .......................................................................................................5
Đồng vị ................................................................................................................................................6
1.4. Những thành tựu của thuyết lượng tử sơ khởi .............................................................................8
Một số thành tựu của thuyết lượng tử cổ điển ................................................................................8
Áp dụng thuyết Bohr cho phổ nguyên tử hydrogen ...................................................................... 11
1.5. Giới thiệu về cơ học sóng ........................................................................................................... 12
Bản chất sóng của electron ........................................................................................................... 12
Nguyên lý bất định .......................................................................................................................... 12
Phương trình sóng Schrödinger ..................................................................................................... 13
1.6. Orbital nguyên tử ......................................................................................................................... 17
Các số lượng tử n, l và ml ............................................................................................................... 17
Phần bán kính của hàm sóng, R(r)................................................................................................. 18
Hàm phân phối theo bán kính, 4πr2R(r)2 ....................................................................................... 20
Phần góc của hàm sóng, A(θ,Φ) .................................................................................................... 22
Năng lượng orbital của một tiểu phân kiểu hydrogen .................................................................. 25
Kích thước của orbital .................................................................................................................... 26
Số lượng tử spin và số lượng tử từ ................................................................................................ 26
Trạng thái cơ bản của nguyên tử hydrogen .................................................................................. 27
1.7. Nguyên tử nhiều electron ........................................................................................................... 30
Nguyên tử helium: hệ hai electron ................................................................................................. 30
Cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản: dữ liệu thực nghiệm ......................................................... 31
Hiệu ứng xâm nhập và hiệu ứng chắn ........................................................................................... 34
1.8. Bảng tuần hoàn hóa học ............................................................................................................. 36
1.9. Nguyên lý vững bền..................................................................................................................... 39

1
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản .............................................................................................. 39


Điện tử hóa trị và điện tử lõi............................................................................................................ 40
Giản đồ cấu hình điện tử ................................................................................................................. 41
1.10. Năng lượng ion hóa và ái lực điện tử ....................................................................................... 42
Năng lượng ion hóa ......................................................................................................................... 42
Ái lực điện tử .................................................................................................................................... 46
Các khái niệm cần nhớ ....................................................................................................................... 47
Đọc thêm ............................................................................................................................................. 47
Hóa học năm nhất: các nguyên lý cơ bản...................................................................................... 47
Cơ học lượng tử cơ bản ................................................................................................................... 47
Năng lượng ion hóa và ái lực điện tử ............................................................................................. 48
Bài tập .................................................................................................................................................. 48
Mục lục bảng
Bảng 1.1. Tính chất của proton, electron và neutron. ........................................................................ 5
Bảng 1.2. Nghiệm của phương trình Schrödinger áp dụng cho nguyên tử hydrogen, xác định các
orbital nguyên tử 1s, 2s và 2p. Đối với mỗi biểu thức, khoảng cách r so với hạt nhân được tính
theo đơn vị nguyên tử. ........................................................................................................................ 19
Bảng 1.3. Cấu hình điện tử của một số nguyên tố (đến Z = 103) ở trạng thái cơ bản................... 33
Bảng 1.4. Tên đề xuất của IUPAC cho một số nhóm nguyên tố trong bảng tuần hoàn................ 37
Bảng 1.5. Biến thiên enthalpy ∆EAH(298 K) gần đúng của quá trình nhận electron của một số
nguyên tử hoặc anion. ........................................................................................................................ 46
Mục lục hình
Hình 1.1. Khối phổ đồ của (a) Ru và (b) S8; tỷ lệ khối lượng : điện tích là m/z và trong phổ đồ này,
z = 1. (c) Cấu trúc phân tử của S8. ....................................................................................................... 7
Hình 1.2. Giản đồ biểu diễn một phần phổ phát xạ của hydrogen, bao gồm các dãy Lyman, Balmer
và Paschen. Ảnh trong hình cho thấy những vạch màu hiện lên trong vùng khả kiến của phổ đồ,
lần lượt là 656,3 (đỏ), 486,1 (lục lam) và 434,0 nm (xanh dương). Các vạch mờ hơn không hiện lên
trong ảnh này. ........................................................................................................................................ 9
Hình 1.3. Một số bước chuyển năng lượng của dãy Lyman và Balmer trong phổ phát xạ của nguyên
tử hydrogen. ........................................................................................................................................ 10
Hình 1.4. Định nghĩa tọa độ cực (r,θ,Φ) của một điểm, được vẽ bằng màu hồng; r là tọa độ bán
kính còn θ và Φ là tọa độ góc (được tính bằng radian, rad). Các trục tọa độ Descartes (x, y và z)
cũng được minh họa. .......................................................................................................................... 14

2
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hình 1.5. Hai đồ thị phần bán kính của hàm sóng, R(r), với khoảng cách, r, so với hạt nhân, tương
ứng với hai AO (a) 1s và (b) 2s của hydrogen; hạt nhân nằm ở r = 0. Chúng khác nhau về cách chia
độ ở trục tung, nhưng giống nhau về cách chia trục hoành............................................................ 20
Hình 1.6. Đồ thị R(r) – r tương ứng với các AO 2p, 3p, 4p và 3d; hạt nhân nằm ở r = 0. ............... 20
Hình 1.7. Hàm phân phối theo bán kính của AO 1s, 2s và 3s của hydrogen. ................................ 21
Hình 1.8. Hàm phân phối theo bán kính của AO 3s, 3p và 3d của hydrogen................................. 22
Hình 1.9. Bề mặt ranh giới của phần góc tương ứng với AO 1s và 2p của hydrogen. Mặt phẳng nút
màu xám của AO 2pz nằm trên mặt phẳng xy. Đây được gọi là giản đồ ‘phác họa’ (‘cartoon’) dùng
để biểu diễn orbital, vì nó rất dễ vẽ nhưng bị đơn giản hóa quá mức; xem thêm Hình 1.10. ....... 23
Hình 1.10. Minh họa một AO s và bộ ba AO p suy biến. Thùy của orbital px được kéo dài theo trục
tọa độ tương ứng, giống với py và pz. Trên đây là các giản đồ ‘phác thảo’ cùng những hình ảnh
thực tế hơn của các orbital, được tạo ra bằng phần mềm Orbital Viewer (David Manthey,
www.orbitals.com/orb/ov.htm). Phần mềm này cũng sẽ được sử dụng xuyên suốt giáo trình. 24
Hình 1.11. Thiết diện của các AO (a) 1s (không có nút bán kính), (b) 2s (1 nút bán kính), (c) 3s (2
nút bán kính), (d) 2p (không có nút bán kính) và (e) 3p (1 nút bán kính) của hydrogen............... 24
Hình 1.12. Bộ năm AO d suy biến...................................................................................................... 25
Hình 1.13. Hàm phân phối theo bán kính, 4πr2R(r)2 của AO 1s, 2s và 2p của nguyên tử H. ........ 34
Hình 1.14. Bảng tuần hoàn hóa học hiện đại, trong đó, các nguyên tố được sắp xếp theo thứ tự
số proton (và electron). Sự phân nhóm đặt các nguyên tố có cùng số điện tử hóa trị vào cột dọc.
Theo đề xuất của IUPAC, các nhóm được đánh số từ 1 đến 18 (chữ số Ả Rập). Các hàng trong
bảng tuần hoàn được gọi là chu kỳ. Chu kỳ đầu tiên chỉ chứa H và He, nhưng tên gọi ‘chu kỳ thứ
nhất’ thường được dùng để chỉ dãy nguyên tố Li-Ne. Một cách chặt chẽ, dãy lanthanoid chỉ chứa
14 nguyên tố Ce-Lu, cũng như dãy actinoid chỉ chứa Th-Lr; tuy nhiên, các văn bản thường thêm
La và Ac lần lượt vào hai nhóm (xem Chương 27). ......................................................................... 38
Hình 1.15. Giản đồ biểu diễn cấu hình điện tử của O và Si ở trạng thái cơ bản. Tuy hai hình trên
minh họa đầy đủ cấu hình điện tử, ta thường chỉ biểu diễn các điện tử hóa trị. Với O, đó là electron
nằm ở mức 2s và 2p, còn với Si là 3s và 3p. .................................................................................... 41
Hình 1.16. Năng lượng ion hóa thứ nhất của một số nguyên tố (tính đến Rn).............................. 45
Hình 1.17. Đồ thị của bài tập 1.35. .................................................................................................... 51
Hình 1.18. Phổ phát xạ của natrium. Vạch phổ duy nhất trên phổ đồ có hai tín hiệu phát xạ rất gần
nhau là 589,0 và 589,6 nm. ................................................................................................................ 53

3
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

1.1. Tổng quan


Hóa học vô cơ không phải một phân nhánh độc lập của hóa học hữu cơ
Nếu hóa học hữu cơ được coi là ‘hóa học của carbon’ thì có thể xem hóa học vô cơ là hóa học
của mọi nguyên tố khác, ngoại trừ carbon. Định nghĩa này nói chung là đúng, nhưng tất nhiên, vẫn
có sự giao thoa giữa các phân ngành. Một sản phẩm tiêu biểu của hiện tượng này là hóa học
fullerene (xem Mục 14.4), nghiên cứu các dẫn xuất C60 (xem Hình 14.5) và C70; đây là chủ đề của
giải thưởng Nobel Hóa học 1996, được trao cho Giáo sư Sir Harry Kroto, Richard Smalley và
Robert Curl. Kiến thức về những chất như ống nano carbon và tấm graphene (xem Mục 28.8 và
28.9) thuộc về nhiều chuyên ngành, như hóa học hữu cơ và vô cơ, hóa lý, vật lý và khoa học vật
liệu.
Hóa học vô cơ không chỉ là ngành học về nguyên tố và hợp chất, mà còn về các tính chất vật lý.
Chẳng hạn, để hiểu được tại sao một số chất chỉ tan được trong một dung môi nhất định, ta sử
dụng các nguyên lý nhiệt động học. Để đề xuất một cơ chế phản ứng, ta áp dụng kiến thức về
động học phản ứng.
Sự giao thoa giữa hóa học vô cơ với hóa lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu
cấu trúc phân tử. Chẳng hạn, phương pháp nhiễu xạ tia X thường xuyên được sử dụng để xác định
sự phân bố trong không gian của một phân tử hay ion ở trạng thái rắn. Để nghiên cứu tính chất
của phân tử trong dung dịch, ta sử dụng các phương pháp vật lý như phổ cộng hưởng từ hạt nhân
(NMR); tính tương đương hay bất tương đương của một số hạt nhân nhất định trong thời gian đo
phổ sẽ giúp xác định phân tử ở trạng thái tĩnh hay động. Ứng dụng của các phương pháp vật lý
trong hóa học vô cơ được thảo luận trong Chương 4.
Mục tiêu của Chương 1 và 2
Trong Chương 1 và 2, ta điểm qua một số khái niệm cơ bản trong hóa học vô cơ. Chắc hẳn các
bạn ít nhiều đã học qua hầu hết những khái niệm này, do đó, mục tiêu của chúng tôi là cung cấp
điểm mốc cho mục đích ôn tập.
1.2. Các hạt cơ bản của một nguyên tử
Nguyên tử là đơn vị có thể tồn tại nhỏ nhất (trong đơn chất hoặc hợp chất) của một nguyên tố.
Hạt cơ bản của một nguyên tử bao gồm proton, electron và neutron.
Khối lượng của neutron và proton tương đối bằng nhau và cao hơn nhiều so với khối lượng của
electron (Bảng 1.1. Tính chất của proton, electron và neutron.Bảng 1.1). Proton có điện tích cùng
trị số nhưng trái dấu với electron âm điện, còn neutron không mang điện tích. Bất kỳ nguyên tử
của nguyên tố nào cũng có số proton bằng với số electron, do đó mang tính trung hòa điện. Hạt

4
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

nhân của một nguyên tử đều chứa proton và neutron (trừ hydrogen, chỉ chứa 1 proton, xem Mục
10.3), do đó tích điện dương. Electron chiếm vùng không gian bao quanh hạt nhân. Hạt nhân
chiếm hầu hết khối lượng của nguyên tử, nhưng thể tích của nó chỉ đóng góp một phần nhỏ. Cụ
thể, bán kính của hạt nhân vào khoảng 10–15 m, thấp hơn 105 lần so với nguyên tử. Do đó, tỉ trọng
của hạt nhân là rất lớn, cao hơn 1012 lần so với kim loại Pb.
Proton Electron Neutron
Điện tích (C) +1,602 × 10–19 –1,602 × 10–19 0
Trị số điện tích (điện tích tương đối) 1 –1 0
Khối lượng nghỉ (kg) 1,673 × 10–27 9,109 × 10–31 1,675 × 10–27
Khối lượng tương đối 1837 1 1839
Bảng 1.1. Tính chất của proton, electron và neutron.
Vật lý học có thể nghiên cứu các hạt nhỏ hơn nữa, nhưng các nhà hóa học chỉ quan tâm đến
proton, electron và neutron và coi chúng là những hạt cơ bản của một nguyên tử.
1.3. Số hiệu nguyên tử, số khối và đồng vị
Nuclide, số hiệu nguyên tử và số khối
Nuclide là một dạng nguyên tử nhất định có số hiệu nguyên tử (Z) đặc trưng, bằng với số proton
trong hạt nhân. Do nguyên tử mang tính trung hòa điện nên trị số này cũng đúng bằng số electron.
Số khối (A) của một nuclide là tổng số proton và neutron trong hạt nhân. Để biểu diễn một nuclide
(ký hiệu là E) cùng với số hiệu nguyên tử và số khối, ta viết:

Bài tập tự giải


Nguyên tử (a) 12C, (b) 19F, (c) 35Cl chứa bao nhiêu proton, electron và neutron? [Đáp án: (a) 6p, 6e
và 6n; (b) 9p, 9e và 10n; (c) 17p, 17e và 18n]

Khối lượng nguyên tử tương đối


Do electron có khối lượng không đáng kể nên khối lượng nguyên tử gần như chỉ phụ thuộc vào số
proton và neutron trong hạt nhân. Theo Bảng 1.1, khối lượng của một nguyên tử là một số rất nhỏ,
không nguyên. Do đó, để tiện lợi hơn, ta quy ước đơn vị nguyên tử khối (ký hiệu là u) là 1/12 lần
khối lượng của một nguyên tử 12C, có giá trị bằng 1,660 × 10–27 kg. Khối lượng nguyên tử tương

5
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

đối (Ar) từ đó được xác định dựa theo 12C = 12,0000. Khối lượng của proton và neutron cũng được
tính xấp xỉ bằng 1 u.
Đồng vị
Các nuclide của cùng một nguyên tố có thể có cùng số proton và electron, nhưng có thể khác
nhau về số khối, tức là khác biệt về số neutron. Chúng được gọi là đồng vị (xem Phụ lục 5). Một
số đồng vị có mặt trong tự nhiên, số khác được tổng hợp nhân tạo.
Những nguyên tố chỉ tồn tại một nuclide trong tự nhiên, bao gồm phosphorus (31P) và fluorine
(19F), được gọi là đơn luân (monotopic). Một số nguyên tố khác tồn tại trong tự nhiên dưới dạng
hỗn hợp đồng vị, chẳng hạn như C (12C và 13C) và O (16O, 17O và 18O). Do mỗi nguyên tố có một số
hiệu nguyên tử đặc trưng không đổi nên chỉ cần phân biệt các đồng vị bằng số khối của chúng.

Ví dụ 1.1: Khối lượng nguyên tử tương đối.


Tính giá trị Ar của chlorine trong tự nhiên nếu tỷ lệ đồng vị là 75,77% 35Cl và 24,23% 37Cl. Khối
lượng chính xác của 35Cl và 37Cl lần lượt là 34,97 và 36,97.

Khối lượng nguyên tử tương đối của chlorine là trung bình cộng có trọng số (weighted mean, còn
gọi là số bình quân gia quyền) của số khối của hai đồng vị:
75,77 24,23
Ar = ( × 34,97) + ( × 36,97) = 35,45
100 100
Ví dụ 1.2:
Biết Ar của Cl là 35,45, khối lượng chính xác của 35Cl và 37Cl lần lượt là 34,97 và 36,97, hãy tính tỷ
lệ 35Cl : 37Cl trong một mẫu chlorine trích xuất từ tự nhiên.

Khối lượng nguyên tử tương đối là 35,45, đây cũng là trung bình có trọng số của số khối của hai
đồng vị. Gọi x là tỷ lệ 35Cl tồn tại trong mẫu chlorine từ tự nhiên:
x 100 – x
35,45 = ( × 34,97) + ( × 36,97) ↔ x = 76
100 100
Do đó, Cl trong tự nhiên chứa 76% 35Cl và 24% 37Cl. Tỷ lệ 35Cl : 37Cl = 76 : 24 = 3,2 : 1. Ta cũng cần
phải quan tâm đến chữ số có nghĩa. Nếu làm tròn đến 4 chữ số có nghĩa thì tỷ lệ mới sẽ là: 35Cl :
37Cl = 75,76 : 24,24 = 3,125 : 1.

Bài tập tự giải


1. Tính giá trị Ar của Cu trong tự nhiên nếu tỷ lệ đồng vị là 69,2% 63Cu và 30,8% 65Cu. Khối lượng
chính xác của 63Cu và 65Cu lần lượt là 62,93 và 64,93. [Đáp án: 63,5]
2. Tính giá trị Ar của Mg trong tự nhiên nếu tỷ lệ đồng vị là 78,99% 24Mg, 10,00% 25Mg và 11,01%
26Mg. Khối lượng chính xác của chúng lần lượt là 23,99, 24,99 và 25,98. [Đáp án: 24,31]

6
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Có thể tách đồng vị bằng phương pháp khối phổ. Hình 1.1a cho biết tỷ lệ phân bố đồng vị của Ru
trong tự nhiên. Hãy so sánh biểu đồ này (trong đó, tỷ lệ của đồng vị phổ biến nhất là mốc 100) với
các giá trị trong Phụ lục 5. Hình 1.1b là khối phổ đồ của phân tử S8, cấu trúc của nó được minh
họa trong Hình 1.1c; có 5 tín hiệu do sự tổ hợp đồng vị khác nhau của lưu huỳnh (xem thêm bài
tập 1.5 ở cuối chương).
Đồng vị của một nguyên tố có cùng số hiệu nguyên tử nhưng khác nhau về số khối.

Hình 1.1. Khối phổ đồ của (a) Ru và (b) S8; tỷ lệ khối lượng : điện tích
là m/z và trong phổ đồ này, z = 1. (c) Cấu trúc phân tử của S8.
Bài đọc 1.1: Đồng vị và dạng thù hình
Đừng nhầm lẫn đồng vị với dạng thù hình! Dạng thù hình là những dạng cấu trúc đơn chất khác
nhau của một nguyên tố. Lấy lưu huỳnh làm ví dụ, nguyên tố này có 4 đồng vị (cùng với độ phổ
biến trong tự nhiên) là 32S (95,02%), 33S (0,75%), 34S (4,21%) và 36S (0,02%), cùng với 3 dạng thù
hình tiêu biểu, bao gồm S6 (xem hình dưới) và S8 (Hình 1c) có cấu trúc vòng, cùng với Sx– ở dạng
mạch nhánh với độ dài biến thiên (polycatenasulfur).

Ủy ban Độ phổ biến Đồng vị và Khối lượng Nguyên tử (Commission on Isotopic Abundances and
Atomic Weights, www.ciaaw.org) của IUPAC là nơi chịu trách nhiệm cho việc định mức thành

7
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

phần đồng vị của nguyên tố. Sau lần tái bản gần đây nhất của cuốn sách này, nguyên tử khối của
một số nguyên tố đã được hiệu chỉnh1, thành ra phụ lục của chúng tôi có phần chỉnh sửa và cập
nhật. Những thay đổi quan trọng nhất là giá trị Ar của Zn (từ 65,409 đến 65,38, đảo ngược một
thay đổi từ 2001) và Ti (từ 47,90 đến 47,87).
1.4. Những thành tựu của thuyết lượng tử sơ khởi
Trong Mục 1.2, ta đã biết rằng electron trong một nguyên tử chiếm vùng không gian bao quanh
hạt nhân. Để xác định tính chất của nguyên tử, ion và phân tử, bao gồm các tương tác liên phân
tử và lực nội phân tử, ta cần phải thông hiểu về cấu trúc điện tử của các tiểu phân này. Không thể
đạt được điều đó mà không sử dụng thuyết lượng tử và cơ học sóng. Từ đây đến các mục tiếp
theo, ta sẽ ôn lại một số khái niệm quan trọng theo góc nhìn định tính. Để biết thêm chi tiết, bao
gồm bản chất toán học đằng sau đó, hãy tham khảo phần Đọc thêm của chương này.
Thuyết lượng tử có hai giai đoạn phát triển. Các mô hình sơ khai (1900-1925) xem electron là một
hạt, thành tựu lớn nhất của chúng trong hóa học vô cơ là xác định được phổ nguyên tử và cấu
hình điện tử. Sau này, electron cũng được coi là một sóng cơ học, tạo nền móng cho hóa học lập
thể, cũng như định lượng các tính chất của phân tử (chỉ đáng tin cậy với các tiểu phân chứa
nguyên tố nhẹ).
Hiện nay, không cần phải sử dụng thuyết lượng tử sơ khai, vì những kết quả của chúng cũng có
thể thu được bằng cơ học sóng; thật vậy, những công trình phức tạp của hóa lý thuyết luôn bỏ
qua những lý thuyết xưa cũ này. Tuy nhiên, hầu hết các nhà hóa học vẫn coi electron là hạt thay
vì sóng vì tính đơn giản và thuận tiện.
Một số thành tựu của thuyết lượng tử cổ điển
Đã có nhiều văn bản luận bàn đầy đủ về lịch sử phát triển thuyết lượng tử, do đó, chúng tôi chỉ
quan tâm đến một số tâm điểm của thuyết lượng tử cổ điển (nơi mà electron được coi là một
hạt).
Ở nhiệt độ thấp, bức xạ phát ra từ một vật thể nóng thường có năng lượng thấp và nằm trong
vùng hồng ngoại, nhưng khi tăng nhiệt độ, nó liên tiếp chuyển sang màu đỏ xỉn, đỏ tươi và trắng.
Hiện tượng này không được giải thích thành công cho đến năm 1901, khi Planck đề xuất rằng
năng lượng hấp thụ hay phát xạ chỉ có thể là bội số của lượng tử ∆E, đại lượng này liên hệ với tần
số ν của bức xạ theo phương trình 1.1.
∆E = hν (1.1)
c = λν (1.2)

1
J. Meija et al. (2016) Pure Appl. Chem., vol 88, p. 293 – ‘Isotopic compositions of the elements 2013’.

8
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hằng số tỷ lệ h được gọi là hằng số Planck (h = 6,626 × 10–34 J s). Đơn vị của E là J, của λ là m và
của ν là s–1 hay Hz. Hert (Hz) là đơn vị SI của tần số.
Tần số bức xạ cũng liên hệ với bước sóng λ theo phương trình 1.2, trong đó, c là tốc độ ánh sáng
trong chân không (c = 2,998 × 108 m s–1). Do đó, có thể viết lại phương trình 1.1 thành 1.3, miêu
tả mối quan hệ giữa năng lượng và bước sóng của bức xạ.
hc
∆E = (1.3)
λ
Trên cơ sở đó, Planck cũng đã tìm được mối liên hệ giữa cường độ tương đối2, bước sóng và nhiệt
độ. Phương trình này phù hợp với thực nghiệm, nhưng tương đối phức tạp và sẽ không được trình
bày ở đây.
Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của thuyết lượng tử sơ khai là phân tích phổ nguyên
tử hydrogen, dựa trên mô hình nguyên tử Rutherford-Bohr. Khi phóng điện qua một mẫu hydrogen,
các phân tử H2 sẽ bị phân ly thành nguyên tử, đồng thời electron trong một nguyên tử H bị kích
thích sẽ được chuyển lên các mức năng lượng cao hơn. Trong một thời gian ngắn, electron quay
trở lại các trạng thái thấp hơn và phát xạ năng lượng. Điều này tạo thành các vạch phổ trong phổ
phát xạ của hydrogen. Phổ đồ này (được minh họa một phần trong Hình 1.2) bao gồm những
vạch gián đoạn, tương ứng với các bước chuyển electron và có năng lượng gián đoạn.

Hình 1.2. Giản đồ biểu diễn một phần phổ phát xạ của hydrogen, bao gồm các dãy Lyman,
Balmer và Paschen. Ảnh trong hình cho thấy những vạch màu hiện lên trong vùng khả kiến
của phổ đồ, lần lượt là 656,3 (đỏ), 486,1 (lục lam) và 434,0 nm (xanh dương). Các vạch mờ
hơn không hiện lên trong ảnh này.

2
ND: Tiếng Anh là relative intensity, chính là relative abundance (độ phổ biến tương đối) trong khối phổ đồ.

9
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Năm 1885, Balmer chỉ ra rằng bước sóng của những vạch phổ trong vùng khả kiến của phổ
nguyên tử hydrogen có thể được tính theo phương trình 1.4. Trong đó, R là hằng số Rydberg của
hydrogen, R = 1,097 × 107 m–1 = 1,097 × 105 cm–1, ν̃ là số sóng (cm–1) và n là một số nguyên. Dãy
vạch phổ tương ứng còn được gọi là dãy Balmer.
1 1 1
ν= = R ( 2 – 2) (1.4)
λ 2 n
Các dãy vạch phổ khác nằm trong vùng tử ngoại (Lyman) và hồng ngoại (Paschen, Brackett và
Pfund). Mọi vạch phổ trong những dãy này đều có bước sóng tuân theo phương trình tổng quát
1.5, trong đó, n’ > n. Đối với dãy Lyman, Paschen, Brackett và Pfund, n lần lượt là 1, 3, 4 và 5. Một
số bước chuyển được phép của dãy Lyman và Balmer trong phổ phát xạ của nguyên tử hydrogen
được minh họa trong Hình 1.3. Chú ý thuật ngữ được phép, vì các bước chuyển này phải tuân theo
các quy tắc lọc lựa sẽ được trình bày trong Mục 20.7.
1 1 1
ν= = R ( 2 – 2) (1.5)
λ n n'

Hình 1.3. Một số bước chuyển năng lượng của dãy Lyman
và Balmer trong phổ phát xạ của nguyên tử hydrogen.

10
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Khi cung cấp năng lượng (dưới dạng nhiệt hoặc quang năng) cho một nguyên tử hay những tiểu
phân khác, một hoặc nhiều electron của chúng sẽ bị kích thích từ trạng thái cơ bản sang các
trạng thái có mức năng lượng cao hơn trong chốc lát, sau đó quay trở lại trạng thái ban đầu.
Quá trình này tạo ra phổ phát xạ.
Áp dụng thuyết Bohr cho phổ nguyên tử hydrogen
Vào năm 1913, Niels Bohr đã dung hòa thuyết lượng tử với vật lý cổ điển để nghiên cứu nguyên
tử hydrogen. Ông đề xuất hai tiên đề về electron:
1. Ở trạng thái dừng, năng lượng của electron là không đổi; những trạng thái này được đặc trưng
bởi quỹ đạo tròn quanh hạt nhân mà trong đó, electron có một momen động lượng mvr được tính
theo phương trình 1.6. Trong đó, số nguyên n được gọi là số lượng tử chính, m và v là khối lượng
và vận tốc của electron, r là bán kính quỹ đạo, h là hằng số Planck, h/2π có thể được viết tắt là ħ.
h
mνr = n ( ) (1.6)

2. Chỉ có sự hấp thụ hoặc phát xạ năng lượng khi có sự chuyển electron giữa hai trạng thái dừng,
biến thiên năng lượng lúc này được tính theo phương trình 1.7, trong đó n1 và n2 là các số lượng
tử chính lần lượt tương ứng với mức năng lượng En1 và En2 .
∆E = En2 – En1 = hν (1.7)
Khi áp dụng mô hình Bohr cho nguyên tử hydrogen, để quỹ đạo tròn của electron được duy trì, lực
hấp dẫn (với hạt nhân dương điện) và lực ly tâm tác dụng lên electron phải cân bằng nhau. Trên
cơ sở đó, bán kính của mỗi quỹ đạo tròn được phép có thể được xác định bằng phương trình 1.8.
Trong đó, εo = 8,854 × 10–12 F m–1 là hằng số điện môi tuyệt đối trong chân không (độ điện thẩm
chân không), me = 9,109 × 10–31 kg và e = 1,602 × 10–19 C lần lượt là khối lượng nghỉ và điện tích
của electron.
2
εo h n2
rn = (1.8)
πme e2
Việc thế n = 1 vào phương trình 1.8 sẽ cho ra bán kính quỹ đạo đầu tiên của nguyên tử H, bằng
5,293 × 10–11 m hay 52,93 pm. Giá trị này còn được gọi là bán kính Bohr của nguyên tử H và được
ký hiệu là a0.
Sự tăng số lượng tử chính từ n = 1 đến n = ∞ có ý nghĩa lớn. Điều này liên quan đến sự ion hóa
của nguyên tử (phương trình 1.9), do đó, năng lượng ion hóa IE có thể được tính bằng cách tổ hợp
các phương trình 1.5 và 1.7 thành 1.10. Giá trị IE được tính trên mỗi mol nguyên tử.

11
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

H(g) → H+(g) + e– (1.9)


hc 1 1
IE = E∞ – E1 = = hcR ( 2 – 2 ) = 2,179 ×10–18 J (1.10)
λ 1 ∞
Tính theo mol: IE = 2,179 x 10–18 J × 6,022 × 1023 mol–1 = 1,312 × 106 J mol–1 = 1312 kJ mol–1.
Tuy đơn vị SI của năng lượng là joule nhưng năng lượng ion hóa thường sử dụng đơn vị electron
volt3 (eV). Do đó, năng lượng ion hóa của hydrogen sẽ là 13,60 eV.
Một mol chất chứa 6,022 × 1023 số hạt của chất đó, đây được gọi là số Avogadro. L = 6,022 ×
1023 mol–1.
Tuy mô hình Bohr rất thành công đối với nguyên tử hydrogen nhưng để áp dụng nó với những tiểu
phân có nhiều hơn 1 electron, cần có nhiều hiệu chỉnh đáng kể. Bây giờ, ta tạm gác lại chủ đề này.
1.5. Giới thiệu về cơ học sóng
Bản chất sóng của electron
Thuyết lượng tử của bức xạ, do Max Planck và Albert Einstein đề xuất, coi ánh sáng là các hạt,
nhưng bản chất sóng của ánh sáng là không thể bác bỏ, dựa trên hiện tượng giao thoa và nhiễu
xạ. Năm 1924, Louis de Broglie chỉ ra rằng nếu ánh sáng được cấu thành từ các hạt nhưng vẫn
có tính chất của sóng thì điều tương tự cũng đúng với electron và các hạt khác. Hiện tượng này
được gọi là lưỡng tính sóng hạt. Phương trình de Broglie (1.11) kết hợp cơ học cổ điển với tính
chất sóng, cho thấy rằng một hạt có động lượng mv (m và v là khối lượng và vận tốc của hạt đó)
tương ứng với một bước sóng λ.
h
λ= (1.11)
mv
Có một hiện tượng vật lý rất thú vị, là một hệ quả của phương trình de Broglie, rằng khi electron
bị gia tốc đến vận tốc 6 × 106 m s–1 (bởi điện thế 100 V), nó sẽ có bước sóng vào khoảng 120 pm
và gây ra sự nhiễu xạ khi chiếu qua tinh thể. Hiện tượng này là cơ sở của phương pháp nhiễu xạ
điện tử sử dụng trong xác định cấu trúc hợp chất hóa học (xem Mục 4.10).
Nguyên lý bất định
Tính chất sóng của electron sinh ra một hệ quả quan trọng, cũng là một luận điểm của nguyên lý
bất định Heisenberg: không thể xác định đồng thời động lượng và vị trí của electron. Thay vào đó,
ta xác định xác suất tìm thấy nó trong một thể tích nhất định. Xác suất tìm thấy electron ở một
điểm trong không gian được xác định bằng hàm ψ2, trong đó ψ được gọi là hàm sóng, miêu tả
tính chất sóng của electron.

3
Electron volt là một đơn vị phi SI, có giá trị gần bằng 1,60218 × 10–19 J; để chuyển đổi đơn vị eV và kJ mol–1, cần sử
dụng số Avogadro. 1 eV = 96,4853 ≈ 96,5 kJ mol–1.

12
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Phương trình sóng Schrödinger


Hàm sóng lại được xác định bằng phương trình sóng Schrödinger bằng cách giải chính xác hoặc
gần đúng. Chỉ có thể giải chính xác phương trình Schrödinger cho tiểu phân chứa một hạt nhân
và chỉ một electron (ví dụ như 1H, 4He+), hay còn gọi là hệ kiểu hydrogen.
Một nguyên tử hay ion kiểu hydrogen chứa một hạt nhân và chỉ một electron.
Phương trình sóng Schrödinger có thể được biểu diễn dưới nhiều dạng thức. Trong Bài đọc 1.2,
ta sẽ ứng dụng nó để khảo sát chuyển động của hạt trong hộp thế 1 chiều. 1.12 là một dạng thức
của phương trình Schrödinger, áp dụng cho chuyển động theo phương x. Trong đó, m, E và V lần
lượt là khối lượng, năng lượng toàn phần và thế năng của hạt.
2
d ψ 8π2 m
+ (E – V)ψ = 0 (1.12)
dx2 h
2

Tất nhiên, trên thực tế, electron chuyển động trong không gian ba chiều, do đó 1.13 là dạng thức
phù hợp hơn.
∂2 ψ ∂2 ψ ∂2 ψ 8π2 m
+ + + (E – V)ψ = 0 (1.13)
∂x2 ∂y2 ∂z2 h
2

Ta không cần phải giải phương trình này, tuy nhiên, nó sẽ rất hữu ích khi xét trên hệ tọa độ cầu
(Hình 1.4). Đối với nghiệm của phương trình sóng, ta quan tâm đến phần bán kính R(r) và phần
góc A(θ,Φ) của hàm sóng, chúng được biểu diễn trong phương trình 1.144.
ψDescartes(x,y,z) ≡ ψbán kính(r)ψgóc(θ,Φ) = R(r)A(θ,Φ) (1.14)
Tổng kết lại, sau khi giải được phương trình sóng, kết quả thu được là gì?
– Hàm sóng ψ là nghiệm của phương trình Schrödinger, miêu tả chuyển động của electron trong
một vùng không gian được gọi là orbital nguyên tử.
– Ta có thể xác định giá trị năng lượng tương ứng với mỗi hàm sóng.
– Sự lượng tử hóa năng lượng là một hệ quả tự nhiên của phương trình Schrödinger (xem Bài đọc
1.2).
Hàm sóng ψ là một hàm toán học chứa đựng thông tin cụ thể về chuyển động của một electron.
Một hàm sóng nguyên tử ψ bao gồm thành phần bán kính R(r) và thành phần góc A(θ,Φ). Vùng
không gian được định nghĩa bởi một hàm sóng được gọi là orbital nguyên tử.

4
Thành phần bán kính trong phương trình này phụ thuộc vào các số lượng tử n và l, còn thành phần góc phụ thuộc
vào l và ml. Do đó, nên viết lại chúng thành Rn,l (r) và Al,m (θ,Φ).
l

13
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hình 1.4. Định nghĩa tọa độ cực (r,θ,Φ) của một điểm, được vẽ bằng màu hồng;
r là tọa độ bán kính còn θ và Φ là tọa độ góc (được tính bằng radian, rad).
Các trục tọa độ Descartes (x, y và z) cũng được minh họa.
Bài tập tự giải
Xét một hạt dao động điều hòa đơn giản kiểu sóng trong không gian 1 chiều, với sự truyền sóng
dọc theo trục x. Phương trình tổng quát của sóng này là (A là biên độ sóng):
2πx
ψ = A sin
λ
1. Tính dψ/dx, từ đó cho thấy rằng:
2
d ψ 4π2
= – ψ
dx2 λ
2

2. Tìm mối liên hệ giữa động năng KE của hạt với m, h và λ bằng phương trình de Broglie (1.11).
3. Phương trình thu được trong câu (2) chỉ được áp dụng cho hạt chuyển động trong không gian
có thế năng V không đổi, lúc đó, hạt này được xem như chỉ có động năng KE. Nếu thế năng thay
đổi thì năng lượng toàn phần của hạt sẽ là E = KE + V. Trên cơ sở này, cùng với những kết quả thu
được từ hai phần trước, hãy giải phương trình Schrödinger cho hạt trong hộp thế 1 chiều.

14
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Bài đọc 1.2: Hạt trong hộp thế


Trong phần này, ta khảo sát hạt trong hộp thế 1 chiều và cho thấy lượng tử hóa là một hệ quả
của phương trình Schrödinger. Phương trình sóng của chuyển động của hạt này là:
2
d ψ 8π2 m
+ (E – V)ψ = 0
dx2 h
2

Đối với một hệ biết trước V và m, từ phương trình trên, ta có thể tính được E (năng lượng được
phép của hạt) và ψ (hàm sóng). Bản thân hàm sóng không có ý nghĩa vật lý, nhưng ψ2 liên hệ
với xác suất tìm thấy hạt. Do đó, ψ phải có một số tính chất sau:
– Hữu hạn với mọi giá trị x.
– Đơn trị, nghĩa là tương ứng với mỗi giá trị x chỉ tồn tại một giá trị ψ.
– Liên tục, nghĩa là ψ và dψ/dx phải biến thiên liên tục theo x.
Xét một hạt dao động điều hòa đơn giản kiểu sóng trong không gian 1 chiều, tức là ta có thể
chỉnh sự truyền sóng dọc theo trục x (hoặc có thể chọn bất kỳ trục nào khác). Ta tiếp tục giới
hạn chuyển động của nó trong một hộp thế có chiều rộng a. Trong này không có lực nào tác
dụng lên vi hạt, do đó thế năng V bằng không. Khi đặt V = 0, ta đã hạn chế x trong khoảng 0 ≤ x
≤ a, tức là hạt không thể thoát ra khỏi hộp. Trong khi đó, năng lượng toàn phần E phải luôn
dương và không vô hạn. Giới hạn cuối cùng cần xét đến là điều kiện biên của hạt trong hộp thế:
ψ bằng không khi x = 0 và x = a. Viết lại phương trình Schrödinger cho hạt trong hộp thế 1 chiều:
2
d ψ 8π2 mE
= – ψ
dx2 h
2

Ta có thể đơn giản hóa biểu thức trên như sau:


2 2
d ψ 2 2 8π mE
= –k ψ trong đó k =
dx2 h
2

Đây là một phương trình vi phân bậc 2 đơn giản, với nghiệm tổng quát là:
ψ = A sin kx + B cos kx
Trong đó, A và B là hằng số tích phân. Khi x = 0, sin kx = 0 và cos kx = 1; do đó, ψ = B khi x = 0.
Tuy nhiên, theo điều kiện biên, ψ = 0 khi x = 0, điều đó chỉ có thể xảy ra nếu B = 0. Thêm nữa, do
ψ = 0 khi x = a nên ta có thể viết lại biểu thức trên như sau:
ψ = A sin ka = 0
Do xác suất ψ2 của hạt tại các điểm nằm giữa x = 0 và x = a không thể bằng 0 (tức là phải tìm
thấy hạt ở đâu đó trong hộp thế), A không thể bằng 0, do đó phương trình trên chỉ đúng khi:
ka = nπ

15
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Trong đó, n = 1, 2, 3 …; tất nhiên, n không thể bằng 0, vì như thế, ψ2 sẽ bằng 0, đồng nghĩa với
việc vi hạt này không còn nằm trong hộp.
Kết hợp hai phương trình trên, ta có:
nπx
ψ = A sin
a
Ta cũng có:
2 2 2
k h n2 h
E= 2 =
8π m 8ma2
Điều này có nghĩa là việc đặt ra các giới hạn cho ψ ở đầu bài dẫn đến sự lượng tử hóa năng
lượng, với khoảng cách giữa các mức được xác định bằng m và a.
Từ đó, có thể miêu tả chuyển động của vi hạt bằng các sóng hình sin, hình dưới đây minh họa
3 sóng như thế. Các hàm sóng ψ1, ψ2 và ψ3 lần lượt có bước sóng a/2, a và 3a/2. Mỗi sóng
trong giản đồ có biên độ bằng không tại điểm gốc (a = 0); các điểm mà ở đó ψ = 0 được gọi là
nút. Đối với vi hạt có khối lượng m, sự tách mức năng lượng tỷ lệ với n2, đồng nghĩa với việc các
mức này không cách đều nhau.

16
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

1.6. Orbital nguyên tử


Các số lượng tử n, l và ml
Một orbital5 nguyên tử (từ nay sẽ ký hiệu là AO – atomic orbital) được đặc trưng bởi ba số lượng
tử. Số lượng tử chính, n, đã được giới thiệu ở mô hình Bohr của nguyên tử hydrogen. Đây là một
số nguyên dương có giá trị nằm trong giới hạn 1 ≤ x ≤ ∞. Các giá trị được phép của n được xác
định sau khi giải được phần bán kính của hàm sóng.
Hai số lượng tử còn lại, l và ml được xác định bởi phần góc của hàm sóng. l được gọi là số lượng
tử orbital6 và có thể có các giá trị 0, 1, 2 … đến (n – 1). Đại lượng này xác định hình dạng của AO
và momen động lượng orbital của electron. Giá trị số lượng tử từ, ml, cho biết sự định hướng trong
không gian của orbital và có giá trị nguyên từ +l đến –l.
AO được chia thành nhiều loại dựa trên hình dạng và tính đối xứng. Có bốn loại thường gặp nhất
là s, p, d và f, với giá trị l tương ứng lần lượt là 0, 1, 2 và 3. Mỗi AO được định danh bằng các giá
trị n và l, chẳng hạn như 1s, 2s, 2p, 3s, 3p, 3d, 4s, 4p, 4d, 4f …

Ví dụ 1.3: Các số lượng tử – orbital nguyên tử.


Hãy viết các giá trị được phép của l và ml khi số lượng tử chính n là 2, đồng thời xác định số AO
có thể có với n = 2.

Với n = 2, giá trị được phép của l là 0 hoặc 1. Với l = 0, giá trị được phép của ml là 0. Với l = 1, giá
trị được phép của ml là –1, 0 và +1. Mỗi bộ ba số lượng tử xác định một AO, do đó, với n = 2, có
thể có bốn AO với bộ số lượng tử như sau:
n=2 l=0 ml = 0
n=2 l=1 ml = –1
n=2 l=1 ml = 0
n=2 l=1 ml = +1
Bài tập tự giải
1. Nếu ml có các giá trị –1, 0 và +1, xác định giá trị tương ứng của l. [Đáp án: l = 1]
2. Nếu l có các giá trị 0, 1, 2 và 3, xác định giá trị tương ứng của n. [Đáp án: n = 4]
3. Đối với n = 1, l và ml có thể có các giá trị nào? [Đáp án: l = 0, ml = 0]
4. Hoàn thiện các bộ số lượng tử sau: [Đáp án: (a) 0; (b) –1, 0 và +1]
(a) n = 4, l = 0, ml = …;
(b) n = 3, l = 1, ml = …

5
ND: Có thể dịch là “vân đạo”. Đôi khi tôi sẽ sử dụng cách dịch này để tránh sự lặp từ.
6
ND: Chính là “số lượng tử phụ” (second quantum number).

17
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Ví dụ 1.4: Các số lượng tử – loại orbital


Sử dụng các quy tắc giới hạn giá trị số lượng tử n và l, cho biết các loại AO có thể có với n = 1, 2
và 3.

Với n = 1, l = 0. AO duy nhất của n = 1 là 1s.


Với n = 2, l = 0 hoặc 1. Các AO tương ứng với n = 2 là 2s và 2p.
Với n = 3, l = 0, 1 hoặc 2. Các AO tương ứng với n = 3 là 3s, 3p và 3d.

Bài tập tự giải


1. Viết các loại AO có thể có của n = 4. [Đáp án: 4s, 4p, 4d, 4f]
2. AO nào có n = 4 và l = 2? [Đáp án: 4d]
3. Cho biết bộ ba số lượng tử của AO 2s. [Đáp án: n = 2, l = 0, ml = 0]
4. Hai AO 3s và 5s phân biệt bởi số lượng tử nào? [Đáp án: n]

Bây giờ, ta sẽ tìm hiểu thêm về số lượng tử ml. Đối với orbital s, l = 0 và ml chỉ có thể bằng 0, có
nghĩa là ứng với bất kỳ giá trị n, chỉ có 1 orbital s tương ứng; nó được gọi là suy biến bậc 1. Với
orbital p, l = 1, do đó có thể có 3 giá trị ml: +1, 0 và –1. Ứng với mỗi giá trị n ≥ 2 sẽ có 3 orbital p,
bộ ba này được gọi là suy biến bậc 3. Tương tự như thế, orbital d (l = 2) sẽ có 5 giá trị ml: +2, +1,
0, –1 và –2. Với mỗi giá trị n ≥ 3 sẽ có 5 orbital d, chúng được gọi là suy biến bậc 5. Bạn dễ dàng
suy ra được với một giá trị n (n ≥ 4) sẽ có 7 orbital f suy biến.
Các orbital suy biến có mức năng lượng bằng nhau.
Phần bán kính của hàm sóng, R(r)
Dạng thức toán học của một số hàm sóng của nguyên tử H được liệt kê trong Bảng 1.2. Hình 1.5
minh họa 2 đồ thị của phần bán kính R(r) với khoảng cách r so với hạt nhân, tương ứng với AO 1s
và 2s của hydrogen, còn Hình 1.6 minh họa các đồ thị R(r) – r của AO 2p, 3p, 3p và 3d; hạt nhân
nằm ở r = 0.
Từ Bảng 1.2, ta thấy rằng phần bán kính của các hàm sóng phân rã theo cấp số nhân khi r tăng,
nhưng sự phân rã diễn ra chậm hơn với n = 2 so với n = 1. Điều đó có nghĩa là khi n càng tăng,
electron càng có nhiều khả năng ở xa hạt nhân. Sự phân rã theo cấp số nhân thể hiện rõ rệt ở
Hình 1.5a. Từ các đồ thị phần bán kính của hàm sóng trong Hình 1.5 và Hình 1.6, ta rút ra được
những kết luận sau:
– AO s có một giá trị R(r) hữu hạn ở hạt nhân.
– Đối với các AO khác ngoài s, R(r) = 0 ở hạt nhân.
– Đối với orbital 1s, R(r) luôn dương; đối với orbital đầu tiên của mỗi loại (2p, 3d, 4f), R(r) luôn
dương ở bất cứ đâu ngoại trừ điểm gốc.

18
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

– Đối với orbital thứ 2 của mỗi loại (2s, 3p, 4d, 5f), R(r) có thể âm hoặc dương, nhưng hàm sóng
chỉ trải qua 1 lần đổi dấu. Điểm mà R(r) = 0 (không bao gồm gốc tọa độ) được gọi là nút bán kính.
– Tương tự, đối với orbital thứ 3 của mỗi loại (3s, 4p, 5d, 6f), R(r) sẽ trải qua 2 lần đổi dấu, tức là
chúng có 2 nút bán kính.
AO n l ml Phần bán kính, R(r)7 Phần góc, A(θ,Φ)
1
1s 1 0 0 2e–r
2√π
1 1
2s 2 0 0 (2 – r)e–r/2
2√2 2√π
1 √3 ( sin θ cos Φ)
2px 2 1 +1 re–r/2
2√6 2√π
1 √3 ( cos θ)
2pz 2 1 0 re–r/2
2√6 2√π
1 √3 ( sin θ cos Φ)
2py 2 1 –1 re–r/2
2√6 2√π
Bảng 1.2. Nghiệm của phương trình Schrödinger áp dụng cho nguyên tử
hydrogen, xác định các orbital nguyên tử 1s, 2s và 2p. Đối với mỗi biểu thức,
khoảng cách r so với hạt nhân được tính theo đơn vị nguyên tử.
Nút bán kính8:
Orbital ns có (n – 1) nút bán kính.
Orbital np có (n – 2) nút bán kính.
Orbital nd có (n – 3) nút bán kính.
Orbital nf có (n – 4) nút bán kính.

3
Z 2
7
Trên thực tế, đối với AO 1s, công thức của R(r) phải là 2 ( ) e–Zr/a0 , nhưng với nguyên tử hydrogen, Z = 1 và a0 = 1
a0
đơn vị nguyên tử. Các biểu thức cũng được đơn giản hóa theo đó.
8
ND: Một cách tổng quát, orbital n có (n – l – 1) nút bán kính. Ta cũng có khái niệm “nút góc”.

19
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hình 1.5. Hai đồ thị phần bán kính của hàm sóng, R(r), với khoảng cách, r, so với hạt nhân,
tương ứng với hai AO (a) 1s và (b) 2s của hydrogen; hạt nhân nằm ở r = 0. Chúng khác nhau
về cách chia độ ở trục tung, nhưng giống nhau về cách chia trục hoành.

Hình 1.6. Đồ thị R(r) – r tương ứng với các AO 2p, 3p, 4p và 3d; hạt nhân nằm ở r = 0.
Hàm phân phối theo bán kính, 4πr2R(r)2
Giờ đây, hãy tìm cách biểu diễn AO trong không gian 3 chiều. Để miêu tả trạng thái của electron
trong nguyên tử một cách hiệu quả, ta sử dụng giá trị xác suất tìm thấy electron trong một thể
tích. Hàm ψ2 (xem Bài đọc 1.3) tỷ lệ với mật độ xác suất của electron ở một điểm trong không
gian. Bằng việc xét các giá trị ψ2 ở các điểm quanh hạt nhân, ta có thể xác định một thể tích không

20
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

gian mà trong đó, xác suất tìm thấy electron là rất cao, chẳng hạn như 95%. Đây chính là ý nghĩa
vật lý của AO, do ψ2 cũng liên hệ với các thành phần bán kính R(r)2 và thành phần góc A(θ,Φ)2.
Bài đọc 1.3: Ký hiệu và sự chuẩn hóa của ψ2
Ký hiệu ψ2 tuy không còn xa lạ với độc giả, nhưng nó nên được viết chặt chẽ là ψψ*, trong đó ψ*
là số phức liên hợp của ψ. Theo phương x, xác suất tìm thấy electron trong khoảng x đến (x +
dx) tỷ lệ với ψ(x)ψ*(x)dx. Trong không gian ba chiều, xác suất tìm thấy electron trong thể tích
dτ là ψ(x)ψ*(x)dτ. Phần bán kính trong đó là R(r)R*(r).
Trong các tính toán, ta phải đảm bảo rằng electron luôn được tìm thấy (mà không biến mất!),
điều này được thực hiện bằng việc chuẩn hóa hàm sóng. Có nghĩa là, xác suất tìm thấy electron
trên toàn không gian phải là 1. Biểu thức toán học của sự chuẩn hóa này là:

∫ ψ2 dτ = 1 hay chính xác hơn: ∫ ψψ* dτ = 1

Trước tiên, hãy xem xét thành phần bán kính. Một phương pháp hữu dụng để khảo sát mật độ xác
suất là vẽ đồ thị của hàm phân phối theo bán kính (radial distribution function) (phương trình 1.15),
điều này cho phép chúng ta hình dung vùng không gian có thể tìm thấy electron.
Hàm phân phối theo bán kính = 4πr2R(r)2 (1.15)
Đồ thị hàm phân phối theo bán kính của AO 1s, 2s và 3s của hydrogen được minh họa trong Hình
1.7. Tương tự, Hình 1.8 khảo sát đồ thị đối với orbital 3s, 3p và 3d. Mỗi hàm đều có giá trị bằng 0
ở hạt nhân (r = 0). Hàm này phụ thuộc vào R(r)2 nên luôn có giá trị dương, khác với R(r). Mỗi đồ
thị 4πr2R(r)2 đều có ít nhất một cực đại, tương ứng với nơi có xác suất tìm thấy electron cao nhất.
Nơi mà 4πr2R(r)2 = 0 (trừ r = 0) là các nút bán kính.

Hình 1.7. Hàm phân phối theo bán kính của AO 1s, 2s và 3s của hydrogen.

21
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hình 1.8. Hàm phân phối theo bán kính của AO 3s, 3p và 3d của hydrogen.
Phần góc của hàm sóng, A(θ,Φ)
Ta tiếp tục khảo sát phần góc của hàm sóng, A(θ,Φ), đối với các AO khác nhau. Thành phần này
không phụ thuộc vào số lượng tử chính, như đã thấy trong Bảng 1.2 với n = 1 và 2. Hơn nữa, với
orbital s, A(θ,Φ) không phụ thuộc vào các góc θ, Φ và là hằng số. Do đó, orbital này có tính đối
xứng cầu quanh hạt nhân. Ta đã biết orbital p có tính suy biến bậc 3; chúng được ký hiệu là px, py
và pz. Cũng từ Bảng 1.2, ta thấy rằng phần góc của hàm sóng pz không phụ thuộc vào Φ. Orbital
này có thể được biểu diễn dưới dạng hai khối cầu (tiếp xúc ở gốc tọa độ)9 có tâm nằm trên trục
z. Đối với orbital px và py, A(θ,Φ) phụ thuộc vào cả hai góc θ, Φ; chúng đồng dạng với pz nhưng
phân bố trên trục x và y.
Tuy rằng không thể phủ nhận bản chất toán học của hàm sóng, hầu hết các nhà hóa học đều ưu
tiên miêu tả orbital bằng hình ảnh thay vì những hàm số trên. Bề mặt ranh giới của các orbital s
và p được minh họa trong Hình 1.9. Việc ký hiệu các thùy orbital khác màu là rất quan trọng. Bề
mặt ranh giới của orbital s có một hằng pha (constant phase), tức là biên độ của hàm sóng tương

9
Để nhấn mạnh rằng Φ là một hàm liên tục, chúng tôi đã mở rộng bề mặt ranh giới khi biểu diễn orbital so với hạt
nhân, nhưng điều này không hoàn toàn đúng với orbital p nếu chúng ta đang xét vùng không gian có ≈95% xác suất
tìm thấy electron.

22
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

ứng với bề mặt ranh giới này có dấu không đổi. Đối với orbital p, lấy orbital pz để minh họa, ta thấy
có một sự chuyển pha so với bề mặt ranh giới, xảy ra ở mặt phẳng nút. Biên độ của hàm sóng
tương ứng có thể dương hoặc âm, được phân biệt bằng các dấu + và –, hoặc bằng các màu khác
nhau.

Hình 1.9. Bề mặt ranh giới của phần góc tương ứng với AO 1s và 2p của hydrogen. Mặt phẳng
nút màu xám của AO 2pz nằm trên mặt phẳng xy. Đây được gọi là giản đồ ‘phác họa’ (‘cartoon’)
dùng để biểu diễn orbital, vì nó rất dễ vẽ nhưng bị đơn giản hóa quá mức; xem thêm Hình 1.10.
Cũng như hàm số 4πr2R(r)2 biểu diễn xác suất tìm thấy electron trong một khoảng cách r so với
hạt nhân, ta cần tìm một hàm phụ thuộc vào A(θ,Φ)2 để biểu diễn xác suất theo θ và Φ. Đối với
orbital s, việc lấy bình phương A(θ,Φ) sẽ không làm thay đổi tính đối xứng cầu, do đó bề mặt ranh
giới của AO s trong Hình 1.10 là giống với Hình 1.9. Tuy nhiên, đối với orbital p, sự chuyển đổi từ
A(θ,Φ) đến A(θ,Φ)2 sẽ làm thay đổi hình dạng của các thùy, như đã minh họa trong Hình 1.10.
Điều này làm các dấu (+ hoặc –) biến mất, nhưng trên thực tế, các nhà hóa học vẫn phân biệt các
thùy orbital bằng dấu hoặc màu sắc (xem Hình 1.10), vì việc phân định dấu của hàm sóng khi
chúng xen phủ với nhau trong sự tạo thành liên kết là rất quan trọng (xem Mục 2.3). Các nút bán
kính được giới thiệu từ Hình 1.7 và Hình 1.8 có thể được quan sát qua thiết diện (mặt cắt) của các
AO (Hình 1.11).

23
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hình 1.10. Minh họa một AO s và bộ ba AO p suy biến. Thùy của orbital px được kéo dài theo
trục tọa độ tương ứng, giống với py và pz. Trên đây là các giản đồ ‘phác thảo’ cùng những hình
ảnh thực tế hơn của các orbital, được tạo ra bằng phần mềm Orbital Viewer (David Manthey,
www.orbitals.com/orb/ov.htm). Phần mềm này cũng sẽ được sử dụng xuyên suốt giáo trình.

Hình 1.11. Thiết diện của các AO (a) 1s (không có nút bán kính), (b) 2s (1 nút bán kính),
(c) 3s (2 nút bán kính), (d) 2p (không có nút bán kính) và (e) 3p (1 nút bán kính) của hydrogen.

24
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hình 1.12 minh họa bề mặt ranh giới của 5 orbital d. Ta sẽ không xét đến mặt toán học của những
hàm sóng này mà chỉ biểu diễn các orbital bằng hình ảnh. Mỗi orbital d có chứa 2 mặt phẳng nút,
bạn hãy tự xác định vị trí của chúng trong mỗi trường hợp. Ta sẽ khảo sát kỹ càng hơn về orbital
d trong Chương 19 và 20, cùng với orbital f ở Chương 27.

Hình 1.12. Bộ năm AO d suy biến.


Năng lượng orbital của một tiểu phân kiểu hydrogen
Ngoài thông tin về hàm sóng, nghiệm của phương trình Schrödinger còn cho biết năng lượng
orbital E (mức năng lượng), phương trình 1.16 cho biết sự phụ thuộc của E vào số lượng tử chính
đối với tiểu phân kiểu hydrogen. Trong đó, Z là số hiệu nguyên tử. Đối với nguyên tử H, Z = 1, nhưng
với ion He+ kiểu hydrogen chẳng hạn, Z = 2. Mà E phụ thuộc vào Z2 nên từ H sang He+, năng lượng
orbital giảm đáng kể.
kZ2 –1
E=– , k = 1,312 × 103 kJ mol (1.16)
n2
So sánh hai phương trình 1.16 và 1.10, ta thấy rằng hằng số k trong 1.16 bằng với năng lượng ion
hóa của nguyên tử H, hay k = hcR (R là hằng số Rydberg).
Ứng với mỗi giá trị n chỉ có một giá trị năng lượng, với tiểu phân kiểu hydrogen, mọi AO có cùng
số lượng tử chính (chẳng hạn như 3s, 3p và 3d) đều suy biến. Do đó, từ phương trình 1.16, ta thấy
các mức năng lượng orbital xích lại gần nhau hơn khi n tăng. Đây cũng là một tính chất tổng quát
với các nguyên tử khác.

25
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Bài tập tự giải


Cho biết 1 eV = 96,485 kJ mol–1.
1. Chứng minh năng lượng của orbital 2s và 2p của nguyên tử hydrogen đều là –328 kJ mol–1.
2. Chứng minh năng lượng của orbital 3s của nguyên tử hydrogen là –1,51 eV.
3. Năng lượng của một orbital ns của hydrogen là –13,6 eV. Chứng minh n = 1.
4. Xác định năng lượng (kJ mol–1) của orbital 1s của ion He+, đồng thời so sánh kết quả với năng
lượng AO 1s của H. [Đáp án: –5248 kJ mol–1 với He+; –1312 kJ mol–1 với H]

Kích thước của orbital


Các orbital khác số n nhưng cùng số l và ml (chẳng hạn như 1s, 2s, 3s, 4s …) của một nguyên tử
chỉ khác nhau về kích thước tương đối (phạm vi không gian). Giá trị n càng tăng thì orbital càng
lớn, nhưng đây không phải mối quan hệ tuyến tính. Kích thước tương đối của orbital 1s, 2s và 3s
cùng với 2p và 3p được minh họa trong Hình 1.11. Sự tăng kích thước cũng khiến một orbital bị
khuếch tán nhiều hơn.
Số lượng tử spin và số lượng tử từ
Trước khi điền electron vào AO, ta phải xác định thêm hai số lượng tử. Trong mô hình cổ điển,
electron được cho là có trục tự quay và tạo ra momen động lượng spin cùng với momen động
lượng orbital (xem Bài đọc 1.4). Số lượng tử spin, s, xác định độ lớn của momen động lượng spin
của electron và có giá trị là 1/210. Momen động lượng là một đại lượng vector, có hướng được
xác định bằng số lượng tử từ spin, ms, có giá trị là +1/2 hoặc –1/2.
Nếu một AO được đặc trưng bởi bộ ba số lượng tử thì một electron trong AO sẽ có bốn số lượng
tử đặc trưng: n, l, ml và ms. Do chỉ có hai giá trị ms nên một orbital chỉ có thể chứa 2 electron.
Một orbital được điền đầy (bão hòa) khi chứa đủ hai electron có spin ghép cặp, một electron có
ms = +1/2 và electron còn lại có ms = –1/2.
Bài tập tự giải
Để giải các bài tập này, tham khảo thêm Bài đọc 1.4.
1. Bạn hiểu thuật ngữ ‘momen động lượng orbital của electron trong vân đạo’ như thế nào?
2. Giải thích tại sao viết ‘số lượng tử s = ±1/2’ là sai.
3. Đối với orbital s, l = 0. Giải thích tại sao điều này gây liên tưởng đến một quan niệm cổ điển,
rằng electron trong orbital s không di chuyển quanh hạt nhân.

10
ND: Ở mức độ cơ bản, số lượng tử spin thường được ký hiệu là ms, còn s không được nhắc đến do giá trị ½ của nó
là không đổi với electron. Tuy nhiên, ở cấp độ cao hơn, khi chúng ta làm quen với các toán tử trong cơ học lượng tử,
ta ký hiệu số lượng tử spin là s, còn ms là số lượng tử từ spin.

26
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

4. Xét orbital có giá trị ml = +1, 0 và –1, cho biết ý nghĩa vật lý của số lượng tử ml.
5. Chứng minh rằng với electron trong orbital 2s, số lượng tử j chỉ có thể có giá trị 1/2.
6. Chứng minh rằng với electron trong orbital 2p, số lượng tử j chỉ có thể có giá trị 3/2 hoặc 1/2.
7. Đối với một electron p chuyển động tròn quanh một trục theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược
chiều kim đồng hồ, giá trị ml là +1 hoặc –1. Vậy, electron p có ml = 0 sẽ có tính chất gì?

Ví dụ 1.5: Các số lượng tử – điện tử trong một orbital nguyên tử


Viết hai bộ số lượng tử có thể có của một electron trong AO 2s. Ý nghĩa vật lý của những bộ số
đặc trưng này là gì?

AO 2s được đặc trưng bởi bộ số lượng tử n = 2, l = 0, ml = 0. Electron trong AO 2s có thể có 1 trong


2 bộ bốn số lượng tử sau: n = 2, l = 0, ml = 0, ms = +1/2 hoặc n = 2, l = 0, ml = 0, ms = –1/2. Nếu
orbital này được điền đầy, một electron sẽ có ms = +1/2 và electron còn lại có ms = –1/2, tức là
cả 2 ghép cặp spin với nhau.

Bài tập tự giải


1. Viết hai bộ số lượng tử có thể có của một electron trong AO 3s. [Đáp án: n = 3, l = 0, ml = 0, ms
= +1/2 hoặc n = 3, l = 0, ml = 0, ms = –1/2]
2. Một electron có bộ số lượng tử n = 2, l = 1, ml = 0, ms = +1/2 hoặc ms = –1/2 sẽ nằm ở AO nào?
[Đáp án: 2p]
3. Một electron có bộ số lượng tử n = 4, l = 1, ml = 0, ms = +1/2 sẽ nằm trên AO 4s, 4p hay 4d?
[Đáp án: 4p]
4. Viết bộ số lượng tử miêu tả electron trong AO 5s. Bộ số này sẽ thay đổi như thế nào nếu xét
electron thứ hai trong cùng orbital? [Đáp án: n = 5, l = 0, ml = 0, ms = +1/2 hoặc –1/2]

Trạng thái cơ bản của nguyên tử hydrogen


Cho đến nay, ta đã thảo luận về các AO của hydrogen và xác suất tìm thấy electron trong các AO
khác nhau. Trạng thái thuận lợi nhất về mặt năng lượng (bền nhất) của nguyên tử H là trạng thái
cơ bản, trong đó, electron duy nhất của nó nằm ở AO 1s (có năng lượng thấp nhất). Từ đó, điện
tử có thể bị kích thích lên các orbital có mức năng lượng cao hơn (xem Mục 1.4), tạo thành các
trạng thái kích thích.
Ký hiệu của cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản của nguyên tử hydrogen là 1s1, cho biết điện
tử duy nhất của nó nằm ở AO 1s.

27
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Bài đọc 1.4: Momen động lượng, số lượng tử trong, j, và sự ghép cặp spin – quỹ đạo
Số lượng tử l không chỉ xác định hình dạng của AO mà còn cả momen động lượng orbital tương
ứng với 1 electron trong AO đó.
h
Momen động lượng orbital = [√l(l + 1)]

Theo quan niệm cổ điển, điện tử quay quanh một trục đi qua hạt nhân, chiều quay của vi hạt
định hướng cho momen động lượng orbital. Ngược chiều với vector này là một momen từ tỉ lệ
về độ lớn.

Điện tử không có momen động lượng orbital trong AO s (l = 0), nhưng có momen động lượng

√l(l + 1) (h/2π) ở AO p (l = 1) và tương tự như thế. Vector momen động lượng orbital có (2l + 1)
hướng khả thi trong không gian, tương ứng với (2l + 1) giá trị có thể có của ml với mỗi giá trị l.
Xét thành phần của momen động lượng orbital dọc theo trục z; nó sẽ có các giá trị khác nhau
tùy thuộc vào hướng của vector động lượng. Độ lớn của thành phần z này thực tế là ml(h/2π).
Như vậy, electron trong AO d (l = 2) có momen động lượng orbital là √6 (h/2π), nhưng thành
phần z của vector này có thể có các giá trị +2(h/2π), +(h/2π), 0, –(h/2π) hoặc –2(h/2π), điều
này được minh họa trong hình bên.
Các orbital trong cùng một phân lớp n,l là suy biến, trừ khi đặt nguyên tử vào một từ trường. Khi
xác định bất kỳ hướng của từ trường, chẳng hạn như phương z, electron trong các orbital d khác
nhau sẽ tương tác với từ trường theo mức độ không giống nhau, do thành phần z của các vector
động lượng tương ứng của chúng có giá trị khác nhau (từ đó sinh ra các vector momen từ
orbital).

28
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Electron cũng có momen động lượng spin, sinh ra từ sự tự quay của nó. Độ lớn của momen này
được tính bằng công thức sau (trong đó, s là số lượng tử spin):
h
Momen động lượng spin = [√s(s + 1)]

Trục tự quay của electron định hướng vector momen động lượng spin, nhưng chúng ta chỉ quan
tâm đến thành phần z của vector này, bằng với ms(h/2π). Mà ms chỉ có thể là +1/2 hoặc –1/2
nên vector momen động lượng spin chỉ có thể có hai hướng, tương ứng với hai thành phần z có
độ lớn +1/2(h/2π) hoặc –1/2(h/2π).
Tổng momen động lượng của electron bao gồm phần orbital và phần spin.
h
Tổng momen động lượng = [√j(j + 1)]

Trong đó, j được gọi là số lượng tử nội11 (inner quantum number); j có thể nhận các giá trị |l + s|
hoặc |l – s|, tức là |l + 1/2| hoặc |l – 1/2|. Dấu ‘| |’ là ký hiệu của mô đun (trị tuyệt đối), cho thấy
các đại lượng trên phải mang giá trị dương. Xét l = 0, j chỉ có thể là 1/2, vì |0 + 1/2| = |0 – 1/2| =

11
ND: Còn có thể dịch là “số lượng tử tổng động lượng”.

29
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

1/2. Lúc này, electron không có momen động lượng orbital và có tổng momen động lượng là
h
[√s(s + 1)] 2π, tức là j = s. Như vậy, thành phần z của tổng vector momen động lượng sẽ là

j(h/2π) và có (2j + 1) hướng trong không gian.


Đối với electron ở orbital np, j có thể là 3/2 hoặc 1/2, năng lượng tương ứng với mỗi giá trị j khác
nhau cũng không bằng nhau. Chẳng hạn, trong phổ phát xạ của natrium, sự chuyển mức năng
lượng từ 3p3/2 và 3p1/2 đến 3s1/2 sẽ không tương đương nhau, gây ra hiện tượng ghép cặp spin
– quỹ đạo là nguồn gốc của vạch màu vàng đậm chẻ đôi (doublet) trong phổ nguyên tử natrium
(xem Hình 1.18). Cấu trúc của các vạch phổ khác cũng có nguồn gốc tương tự, nhưng số vạch
quan sát được còn phụ thuộc vào hiệu năng lượng giữa các mức chỉ khác nhau về giá trị j, cũng
như khả năng phân giải của phổ kế. Hiệu năng lượng giữa các mức có ∆j = 1 (hằng số ghép cặp
spin – quỹ đạo, λ) tăng theo số hiệu nguyên tử; chẳng hạn, ∆E giữa hai mức 3p3/2 và 3p1/2 của
Li, Na và Cs lần lượt là 0,23, 11,4 và 370 cm–1.
1.7. Nguyên tử nhiều electron
Nguyên tử helium: hệ hai electron
Các phần trước chủ yếu khảo sát về các tiểu phân kiểu hydrogen, những hệ chỉ chứa một electron
và có năng lượng phụ thuộc vào n và Z (phương trình 1.16). Phổ nguyên tử của những tiểu phân
này chỉ chứa một số vạch tương ứng với những sự thay đổi n (Hình 1.3). Đây cũng là những hệ
duy nhất có thể giải chính xác phương trình Schrödinger.
Hệ tối giản tiếp theo là He (Z = 2), nguyên tử này có 2 electron nên cần xét đến 3 tương tác tĩnh
điện:
– Lực hút giữa electron (1) với hạt nhân.
– Lực hút giữa electron (2) với hạt nhân.
– Lực đẩy giữa 2 electron.
Tổng các tương tác là năng lượng của hệ.
Ở trạng thái cơ bản, 2 electron của nguyên tử He có ms = +1/2 và –1/2 định xứ ở AO 1s, tạo nên
cấu hình điện tử 1s2. Đối với mọi nguyên tử, trừ tiểu phân kiểu hydrogen, orbital có cùng số lượng
tử chính n nhưng khác số lượng tử phụ l là không suy biến. Nếu 1 trong 2 electron 1s2 bị kích thích
lên orbital có n = 2, tùy thuộc vào đó là AO 2s hay 2p mà năng lượng của hệ sẽ khác biệt, vì trong
mỗi trường hợp, tương tác tĩnh điện giữa hai electron và hạt nhân là khác nhau. Tuy nhiên, ba AO
2p không phân biệt về mặt năng lượng. Tương tự, nếu kích thích electron đến orbital có n = 3, hệ
sẽ có năng lượng khác nhau tùy vào đó là AO 3s, 3p hay 3d, nhưng hãy nhớ rằng 3 AO 3p và 5 AO

30
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

3d vẫn là suy biến. Việc các electron chuyển về các trạng thái năng lượng thấp hơn hoặc trạng
thái cơ bản sẽ tạo ra phổ phát xạ của He, phổ đồ này chứa nhiều vạch hơn H.
Để tìm được hàm sóng và năng lượng của các AO của He, không thể giải chính xác phương trình
Schrödinger mà chỉ có thể sử dụng các phương pháp gần đúng. Vấn đề này càng khó khăn hơn
đối với các nguyên tử chứa nhiều hơn 2 electron.
Trong một nguyên tử nhiều electron, các orbital cùng giá trị n nhưng khác giá trị l không suy
biến.
Cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản: dữ liệu thực nghiệm
Ta tiếp tục khảo sát cấu hình điện tử của một số nguyên tố trong Bảng 1.3. Đây là những dữ liệu
thực nghiệm, hầu hết thu được từ sự phân tích phổ nguyên tử là một phương pháp phức tạp.
Cấu hình điện tử của H và He ở trạng thái cơ bản lần lượt là 1s1 và 1s2. AO 1s của He đã bão hòa,
do đó cấu hình của nó còn được ký hiệu là [He]. Với hai nguyên tố tiếp theo, Li và Be, electron điền
vào AO 2s, từ B đến Ne, electron tiếp tục điền vào AO 2p, tạo ra các cấu hình điện tử [He]2s22pm
(m = 1-6) Khi m = 6, mức năng lượng (hay lớp) có n = 2 đã được điền đầy, do đó cấu hình của Ne
còn được viết là [Ne]. Tương tự như thế, electron tiếp tục điền vào các AO 3s và 3p của các nguyên
tố từ Na đến Ar, nguyên tố cuối cùng trong dãy có cấu hình điện tử [Ne]3s23p6 hay [Ar].
Đối với K và Ca, electron điền vào AO 4s, do đó Ca có cấu hình điện tử [Ar]4s2. Đến đây có một sự
thay đổi về khuynh hướng. Trong 10 nguyên tố kế tiếp (Sc đến Zn), electron được điền vào AO 3d,
chẳng hạn như Zn có cấu hình điện tử 4s23d10. Có một số trường hợp đặc biệt (xem Bảng 1.3)
mà chúng ta sẽ quay trở lại sau. Từ Ga đến Kr, điện tử điền vào AO 4p, chẳng hạn như cấu hình
của Kr là [Ar]4s23d104p6 hay [Kr].
Từ Rb đến Xe, xu hướng điền electron vào AO là giống với dãy K – Kr, đồng thời sinh ra một số
trường hợp bất thường khi phân bố electron vào các AO s và d (xem Bảng 1.3).
Các nguyên tố Cs đến Rn bắt đầu xuất hiện orbital f; Cs, Ba và La vẫn có cấu hình tương tự với Rb,
Sr và Y, nhưng sau đó, bắt đầu xuất hiện sự bất thường với các nguyên tố lanthanoid (xem Chương
27)12. Cerium có cấu hình [Xe]4f16s26s1, 7 orbital f lần lượt được điền đầy cho đến Lu có cấu hình
[Xe]4f146s25d1. Theo Bảng 1.3, electron thường không điền vào AO 5d của nguyên tố lanthanoid.
Sau Lu, các electron kế tiếp điền vào các orbital 5d còn lại (Hf đến Hg), sau đó là 6p, nguyên tố
cuối cùng sẽ là Rn có cấu hình điện tử [Xe]4f146s25d106p6 hay [Rn]. Bảng 1.3 cũng cho thấy một
số điểm bất thường về cấu hình điện tử của nguyên tố nhóm d.

12
IUPAC đề xuất ưu tiên sử dụng danh pháp lanthanoid và actinoid thay cho lanthanide và actinide, vì hậu tố ‘-ide’
thường được dùng để định danh anion. Tuy nhiên, những cái tên lanthanide và actinide vẫn thường được sử dụng.

31
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Từ francium (Fr), sự điền electron xảy ra tương tự với dãy Cs-Rn, nhưng dãy nguyên tố này chưa
được hoàn thiện, vì một số nguyên tố nặng quá kém bền và không thể được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Các nguyên tố actinoid bao gồm các kim loại từ Th đến Lr, nhưng các nghiên cứu thường tính cả
Ac (xem Chương 27).
Từ Bảng 1.3, ta thấy rõ rằng không một dãy nguyên tố nào thể hiện được chính xác khuynh hướng
điền electron vào các AO. Tuy nhiên, có thể dùng thứ tự gần đúng về mức năng lượng tương đối
của các orbital trong nguyên tử trung hòa như sau: 1s < 2s < 2p < 3s < 3p < 4s < 3d < 4p < 5s < 4d
< 5p < 6s < 5d ≈ 4f < 6p < 7s < 6d ≈ 5f. Như vậy, các orbital khác nhau có năng lượng càng gần
nhau khi n càng tăng, nhưng năng lượng tương đối của chúng thay đổi đáng kể trong ion (xem
Mục 19.2)
Z Nguyên tố Cấu hình điện tử Z Nguyên tố Cấu hình điện tử
1 H 1s1 53 I [Kr]5s24d105p5
2 He 1s2 = [He] 54 Xe [Kr]5s24d105p6 = [Xe]
3 Li [He]2s1 55 Cs [Xe]6s1
4 Be [He]2s2 56 Ba [Xe]6s2
5 B [He]2s22p1 57 La [Xe]6s25d1
6 C [He]2s22p2 58 Ce [Xe]4f16s25d1
7 N [He]2s22p3 59 Pr [Xe]4f36s2
8 O [He]2s22p4 60 Nd [Xe]4f46s2
9 F [He]2s22p5 61 Pm [Xe]4f56s2
10 Ne [He]2s22p6 = [Ne] 62 Sm [Xe]4f66s2
11 Na [Ne]3s1 63 Eu [Xe]4f76s2
12 Mg [Ne]3s2 64 Gd [Xe]4f76s25d1
13 Al [Ne]3s23p1 65 Tb [Xe]4f96s2
14 Si [Ne]3s23p2 66 Dy [Xe]4f106s2
15 P [Ne]3s23p3 67 Ho [Xe]4f116s2
16 S [Ne]3s23p4 68 Er [Xe]4f126s2
17 Cl [Ne]3s23p5 69 Tm [Xe]4f136s2
18 Ar [Ne]3s23p6 = [Ar] 70 Yb [Xe]4f146s2
19 K [Ar]4s1 71 Lu [Xe]4f146s25d1
20 Ca [Ar]4s2 72 Hf [Xe]4f146s25d2
21 Sc [Ar]4s23d1 73 Ta [Xe]4f146s25d3

32
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

22 Ti [Ar]4s23d2 74 W [Xe]4f146s25d4
23 V [Ar]4s23d3 75 Re [Xe]4f146s25d5
24 Cr [Ar]4s13d5 76 Os [Xe]4f146s25d6
25 Mn [Ar]4s23d5 77 Ir [Xe]4f146s25d7
26 Fe [Ar]4s23d6 78 Pt [Xe]4f146s15d9
27 Co [Ar]4s23d7 79 Au [Xe]4f146s15d10
28 Ni [Ar]4s23d8 80 Hg [Xe]4f146s25d10
29 Cu [Ar]4s13d10 81 Tl [Xe]4f146s25d106p1
30 Zn [Ar]4s23d10 82 Pb [Xe]4f146s25d106p2
31 Ga [Ar]4s23d104p1 83 Bi [Xe]4f146s25d106p3
32 Ge [Ar]4s23d104p2 84 Po [Xe]4f146s25d106p4
33 As [Ar]4s23d104p3 85 At [Xe]4f146s25d106p5
34 Se [Ar]4s23d104p4 86 Rn [Xe]4f146s25d106p6 = [Rn]
35 Br [Ar]4s23d104p5 87 Fr [Rn]7s1
36 Kr [Ar]4s23d104p6 = [Kr] 88 Ra [Rn]7s2
37 Rb [Kr]5s1 89 Ac [Rn]6d17s2
38 Sr [Kr]5s2 90 Th [Rn]6d27s2
39 Y [Kr]5s24d1 91 Pa [Rn]5f27s26d1
40 Zr [Kr]5s24d2 92 U [Rn]5f37s26d1
41 Nb [Kr]5s14d4 93 Np [Rn]5f47s26d1
42 Mo [Kr]5s14d5 94 Pu [Rn]5f67s2
43 Tc [Kr]5s24d5 95 Am [Rn]5f77s2
44 Ru [Kr]5s14d7 96 Cm [Rn]5f77s26d1
45 Rh [Kr]5s14d8 97 Bk [Rn]5f97s2
46 Pd [Kr]5s04d10 98 Cf [Rn]5f107s2
47 Ag [Kr]5s14d10 99 Es [Rn]5f117s2
48 Cd [Kr]5s24d10 100 Fm [Rn]5f127s2
49 In [Kr]5s24d105p1 101 Md [Rn]5f137s2
50 Sn [Kr]5s24d105p2 102 No [Rn]5f147s2
51 Sb [Kr]5s24d105p3 103 Lr [Rn]5f147s26d1
52 Te [Kr]5s24d105p4
Bảng 1.3. Cấu hình điện tử của một số nguyên tố (đến Z = 103) ở trạng thái cơ bản.

33
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hiệu ứng xâm nhập và hiệu ứng chắn


Tuy không thể tìm ra sự phụ thuộc tổng quát của năng lượng AO vào số hiệu nguyên tử sao cho
phù hợp với dữ liệu thực nghiệm trong Bảng 1.3, sẽ rất hữu ích khi xét đến hiệu ứng chắn giữa các
electron trong các AO khác nhau. Đồ thị hàm phân phối theo bán kính của các AO 1s, 2s và 2p
của nguyên tử H được minh họa trong Hình 1.13. Tuy ở gần hạt nhân, giá trị 4πr2R(r)2 của AO 1s
lớn hơn nhiều nhưng không thể bỏ qua các giá trị tương ứng của AO 2s và 2p. Ta nói rằng các AO
2s và 2p xâm nhập vào AO 1s. Các tính toán cho thấy hiệu ứng xâm nhập của AO 2s lớn hơn 2p.

Hình 1.13. Hàm phân phối theo bán kính, 4πr2R(r)2 của AO 1s, 2s và 2p của nguyên tử H.
Xét sự phân bố điện tử trong Li (Z = 3). Ở trạng thái cơ bản, AO 1s của nó đã bão hòa, còn electron
thứ 3 có thể điền vào AO 2s hoặc 2p. Ta thấy rằng hạt nhân của Li bị che chắn một phần bởi các
điện tử 1s, do đó sẽ tác dụng một điện tích hạt nhân hiệu dụng, Zeff, lên electron trong AO 2s hay
2p. Do AO 2p xâm nhập AO 1s kém hơn AO 2s (Hình 1.13) nên electron 2p bị chắn nhiều hơn
electron 2s. Do đó, sự điền electron vào AO 2s sẽ thuận lợi hơn về mặt năng lượng. Trên thực tế,
thay vì xét năng lượng của từng electron trong các AO, ta chỉ quan tâm đến năng lượng của các
orbital, chẳng hạn như trong trường hợp trên, E(2s) < E(2p). Tương tự như thế, ta có dãy E(3s) <
E(3p) < E(3d) và E(4s) < E(4p) < E(4d) < E(4f). Đối với các nguyên tố có số hiệu nguyên tử cao hơn,
các orbital cùng giá trị n gần nhau về mức năng lượng hơn, do đó càng khó dự đoán cấu hình điện
tử của trạng thái cơ bản. Bên cạnh đó, ta cũng đã bỏ qua tương tác giữa các electron trong cùng
một lớp. Để ước tính điện tích hạt nhân hiệu dụng tác dụng lên electron trong các AO khác nhau,
ta sử dụng một số quy tắc kinh nghiệm (quy tắc Slater) được trình bày trong Bài đọc 1.5.

34
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Bài đọc 1.5: Điện tích hạt nhân hiệu dụng và quy tắc Slater
Quy tắc Slater
Ta có thể sử dụng quy tắc Slater để ước tính điện tích hạt nhân hiệu dụng tác dụng lên electron
trong các AO khác nhau. Quy tắc này dựa trên các thực nghiệm kích thích điện tử và ion hóa,
từ đây có thể tính Zeff theo công thức sau:
Zeff = Z – S
Trong đó, Z = điện tích hạt nhân, Zeff = điện tích hạt nhân hiệu dụng, S = hằng số chắn. Giá trị S
lại có thể được tính bằng các quy tắc sau:
1. Viết cấu hình điện tử của nguyên tố theo đúng thứ tự và cách xếp nhóm như sau: (1s),
(2s,2p), (3s,3p), (3d), (4s,4p), (4d), (4f), (5s,5p) …
2. Electron được xét không bị chắn (không ảnh hưởng S) bởi các electron ở nhóm cao hơn.
3. Với một electron trong orbital ns hoặc np:
i) Mỗi electron trong cùng nhóm (ns,np) đóng góp S = 0,35.
ii) Mỗi electron trong lớp (n – 1) đóng góp S = 0,85.
iii) Mỗi electron từ lớp (n – 2) trở đi đóng góp S = 1,00.
4. Với một electron trong orbital nd hoặc nf:
i) Mỗi electron trong cùng nhóm (nd), (nf) đóng góp S = 0,35.
ii) Mỗi electron từ lớp (n – 1) trở đi đóng góp S = 1,00.
Ví dụ
Câu hỏi: Áp dụng quy tắc Slater, hãy chứng minh cấu hình điện tử của K theo thực nghiệm,
1s22s22p63s23p64s1, thuận lợi hơn cấu hình 1s22s22p63s23p63d1 về mặt năng lượng.
Đối với K, Z = 19.
Điện tích hạt nhân hiệu dụng tác dụng lên electron 4s trong cấu hình 1s22s22p63s23p64s1 là:
S = (8 × 0,85) + (10 × 1,00) = 16,8
Zeff = Z – S = 19 – 16,8 = 2,2
Điện tích hạt nhân hiệu dụng tác dụng lên electron 3d trong cấu hình 1s22s22p63s23p63d1 là:
S = 18 × 1,00 = 18,0
Zeff = Z – S = 19 – 18,0 = 1,0
Do đó, electron trong AO 4s (thay vì 3d) chịu điện tích hạt nhân hiệu dụng cao hơn (bền hơn về
mặt năng lượng). Do đó, cấu hình điện tử của K ở trạng thái cơ bản là 1s22s22p63s23p64s1.
So sánh quy tắc Slater với phương pháp Clementi-Raimondi

35
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Quy tắc Slater đã được sử dụng để ước tính năng lượng ion hóa, bán kính ion và độ âm điện.
Tuy nhiên, bằng việc ứng dụng trường tự hợp (self-consistent field, SCF), phương pháp Clementi-
Raimondi cho kết quả đáng tin cậy hơn về điện tích hạt nhân hiệu dụng, đồng thời xác định
được giá trị Zeff cao hơn với electron d. Dù vậy, vì tính đơn giản thuận tiện mà quy tắc Slater vẫn
được sử dụng rộng rãi trong các phép ước tính ‘mặt sau phong bì’13.

Bài tập tự giải


1. Áp dụng quy tắc Slater, chứng minh giá trị Zeff của electron 2s trong nguyên tử Be là 1,95.
2. Áp dụng quy tắc Slater, chứng minh giá trị Zeff của electron 2p trong nguyên tử F là 5,20.
3. Sử dụng quy tắc Slater để ước tính giá trị Zeff của electron (a) 4s và (b) 3d của nguyên tử V.
[Đáp án: (a) 3,30; (b) 4,30]
4. Sử dụng kết quả từ câu hỏi 3, giải thích tại sao cấu hình điện tử hóa trị của ion V+ có khả năng
là 3d34s1 hơn 3d24s2.

Đọc thêm
J.L. Reed (1999) J. Chem. Educ., vol. 76, p. 802 – ‘The genius of Slater’s rules’.
D. Tudela (1993) J. Chem. Educ., vol. 70, p. 956 – ‘Slater’s rules and electronic configurations’.
G. Wulfsberg (2000) Inorganic Chemistry, University Science Books, Sausalito, CA – Giáo trình
này trình bày kỹ càng hơn về quy tắc Slater và ứng dụng của nó, đặc biệt là trong việc tính toán
độ âm điện.
1.8. Bảng tuần hoàn hóa học
Lần lượt vào năm 1869 và 1870, Dmitri Mendeléev và Lothar Meyer đã phát biểu rằng tính chất
của các nguyên tố có thể được xem là hàm tuần hoàn của nguyên tử khối, đồng thời hiện thực hóa
ý tưởng của họ dưới dạng bảng tuần hoàn hóa học. Xuyên suốt tiến trình phát hiện nguyên tố mới,
nguyên bản của bảng tuần hoàn đã được bổ sung thêm rất nhiều và giờ đây, tính chất tuần hoàn
được công nhận là hệ quả của cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản. Hình 1.14 minh họa một bảng
tuần hoàn hóa học hiện đại, tập trung vào những dãy gồm 2, 6, 10 và 14 nguyên tố, được tạo nên
nhờ sự điền electron lần lượt vào các AO s, p, d và f. Do tính chất hóa học đặc trưng mà He được
xếp vào cùng nhóm với Ne, Ar, Kr, Xe và Rn như một ngoại lệ.
IUPAC (Liên minh Quốc tế về Hóa học Thuần túy và Ứng dụng) đã đề xuất đặt tên cho các dãy và
nhóm nguyên tố trong bảng tuần hoàn như sau14:

13
Phép tính mặt sau phong bì (back-of-the-envelope) là những phép tính nhẩm đơn giản, có thể được thực hiện trên
mặt sau phong bì hay một mảnh giấy nhỏ nói chung.
14
IUPAC: Nomenclature of Inorganic Chemistry (Recommendations 2005), N.G. Connelly & T. Damhus, RSC
Publishing, Cambridge.

36
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

– Có thể ký hiệu các dãy nguyên tố bằng các chữ cái s, p, d và f (Hình 1.14).
– Mọi nguyên tố (trừ H) trong nhóm 1, 2 và 13-18 được gọi là nguyên tố nhóm chính.
– Hai nguyên tố đầu tiên của mỗi nhóm (trừ nhóm 18) được gọi là nguyên tố tiêu biểu (typical
element).
– Các nguyên tố trong nhóm 3-12 (nguyên tố d) cũng thường được gọi là nguyên tố chuyển tiếp,
tuy nguyên tố nhóm 12 không thường được tính vào đây.
– Nguyên tố f đôi khi còn được gọi là nguyên tố nội chuyển tiếp (inner transition element).
Tên gọi khác của một số nhóm nguyên tố được liệt kê trong Bảng 1.4.
Số thứ tự nhóm Tên đề xuất
1 Kim loại kiềm
2 Kim loại kiềm thổ
15 Pnictogen
16 Chalcogen
17 Halogen
18 Khí hiếm
Bảng 1.4. Tên đề xuất của IUPAC cho một số nhóm nguyên tố trong bảng tuần hoàn.
Cuối năm 2015, IUPAC đã xác nhận sự phát hiện các nguyên tố có số hiệu nguyên tử 113, 115,
117 và 118 (xem Mục 27.5)15. Đến cuối 2016, số nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học đã đạt
đến con số 118.

15
Các công bố khoa học:
a) P.J. Karol và cộng sự (2003) Pure Appl. Chem., vol. 75, p. 1601 –‘On the claims for the discovery of elements 110,
111, 112, 114, 116 and 118’;
b) K. Tatsumi & J. Corish (2010) Pure Appl. Chem., vol. 82, p. 753 –‘Name and symbol of the element with atomic
number 112’;
c) R.C. Barber và cộng sự (2011) Pure Appl. Chem., vol. 83, p. 1485; đính chính: vol. 83, p. 1801–‘Discovery of the
elements with atomic numbers greater than or equal to 113’;
d) R.D. Loss & J. Corish (2012) Pure Appl. Chem., vol. 84, p. 1669 – ‘Names and symbols of the elements with atomic
numbers 114 and 116’;
e) P.J. Karol và cộng sự (2016) Pure Appl. Chem., vol. 88, p. 139 – ‘Discovery of the elements with atomic numbers
Z = 113, 115 and 117’;
f) P.J. Karol và cộng sự (2016) Pure Appl. Chem., vol. 88, p. 115–‘Discovery of the element with atomic number Z =
118 completing the 7th row of the periodic table’;
g) L. Öhrström & J. Reedijk (2016) Pure Appl. Chem., vol. 88, p. 1225 –‘Names and symbols of the elements with
atomic numbers 113, 115, 117 and 118’.

37
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hình 1.14. Bảng tuần hoàn hóa học hiện đại, trong đó, các nguyên tố được sắp xếp theo thứ tự số proton (và electron). Sự phân nhóm đặt các nguyên tố có
cùng số điện tử hóa trị vào cột dọc. Theo đề xuất của IUPAC, các nhóm được đánh số từ 1 đến 18 (chữ số Ả Rập). Các hàng trong bảng tuần hoàn được gọi là
chu kỳ. Chu kỳ đầu tiên chỉ chứa H và He, nhưng tên gọi ‘chu kỳ thứ nhất’ thường được dùng để chỉ dãy nguyên tố Li-Ne. Một cách chặt chẽ, dãy lanthanoid chỉ
chứa 14 nguyên tố Ce-Lu, cũng như dãy actinoid chỉ chứa Th-Lr; tuy nhiên, các văn bản thường thêm La và Ac lần lượt vào hai nhóm (xem Chương 27).
38
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

1.9. Nguyên lý vững bền


Cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản
Trong hai mục trước, ta đã khảo sát một số cấu hình điện tử theo thực nghiệm và thấy rằng sự
sắp xếp nguyên tố trong bảng tuần hoàn phụ thuộc vào số lượng và cách điền electron của chúng.
Để nghiên cứu hóa tính của một nguyên tử, ta phải xác định cấu hình điện tử của nó ở trạng thái
cơ bản, để làm được điều đó, ta sẽ tìm hiểu các nguyên lý vững bền (aufbau principle, aufbau nghĩa
là ‘xây dựng’ trong tiếng Đức), quy tắc Hund và nguyên lý loại trừ Pauli:
– Nguyên lý vững bền: Orbital được điền electron theo thứ tự mức năng lượng, orbital có năng
lượng thấp nhất được điền đầu tiên.
– Quy tắc Hund đầu tiên (thường gọi tắt là quy tắc Hund): Trong các orbital suy biến, không xảy
ra sự ghép cặp spin electron đến khi mỗi orbital đều chứa một electron; nói cách khác, điện tử
trong các orbital suy biến bán bão hòa có spin song song (cùng giá trị ms).
– Nguyên lý loại trừ Pauli: Hai electron trong cùng một nguyên tử không thể có cùng bộ số lượng
tử n, l, ml và ms; do đó, mỗi orbital chỉ có thể chứa tối đa hai electron có giá trị ms khác nhau (đối
spin, dẫn đến ghép cặp spin).

Ví dụ 1.6: Sử dụng nguyên lý vững bền


Xác định (có giải thích) cấu hình điện tử của (a) Be (Z = 4) và (b) P (Z = 15) ở trạng thái cơ bản.

Giá trị Z cho biêt số electron ở trạng thái cơ bản của nguyên lý. Thứ tự tăng dần mức năng lượng
của các AO như sau: 1s < 2s < 2p < 3s < 3p.
(a) Be có Z = 4. AO 1s có năng lượng thấp nhất sẽ chứa 2 electron (ghép cặp spin). 2 electron tiếp
theo (ghép cặp spin) được điền vào AO 2s. Do đó, cấu hình điện tử của Be ở trạng thái cơ bản là
1s22s2.
(b) P có Z = 15. AO 1s có năng lượng thấp nhất sẽ chứa 2 electron (ghép cặp spin). 2 electron
tiếp theo (ghép cặp spin) được điền vào AO 2s. 6 electron tiếp theo được điền vào 3 AO 2p suy
biến, mỗi AO chứa một cặp electron đối spin. 2 electron tiếp theo (ghép cặp spin) được điền vào
AO 3s. Theo quy tắc Hund, 3 electron còn lại lần lượt điền vào 3 AO 3p suy biến. Do đó, cấu hình
điện tử của Be ở trạng thái cơ bản là 1s22s22p63s23p3.

Bài tập tự giải


1. Trong ví dụ trên, nguyên lý loại trừ Pauli đã được sử dụng hay chưa?
2. 3 electron trong các AO 3p của P sẽ có số lượng tử spin hay giống hay khác nhau? [Đáp án:
giống nhau; spin song song]
3. Chứng minh cấu hình điện tử của O (Z = 8) là 1s22s22p4.

39
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

4. Xác định (có giải thích) số electron độc thân trong nguyên tử Al (Z = 13) ở trạng thái cơ bản.
[Đáp án: 1]

Ví dụ 1.7: Cấu hình điện tử của các nguyên tố khí hiếm ở trạng thái cơ bản
Số hiệu nguyên tử của He, Ne, Ar và Kr lần lượt là 2, 10, 18 và 36. Viết cấu hình điện tử của các
nguyên tố này ở trạng thái cơ bản và bình luận về sự giống hay khác nhau của chúng.

Theo nguyên lý vững bền, thứ tự tăng dần mức năng lượng của các AO là: 1s < 2s < 2p < 3s < 3p
< 4s < 3d < 4p. Cấu hình điện tử của các nguyên tố trên ở trạng thái cơ bản là:
He Z = 2 1s2
Ne Z = 10 1s22s22p6
Ar Z = 18 1s22s22p63s23p6
Kr Z = 36 1s22s22p63s23p64s23d104p6
Các nguyên tố Ne, Ar và Kr đều có cấu hình điện tử hóa trị ở trạng thái cơ bản là ns2np6. Helium
là trường hợp ngoại lệ, nhưng AO của nó vẫn được điền đầy; đây là tính chất đặc trưng của các
nguyên tố khí hiếm.

Bài tập tự giải


1. Giá trị Z của Li, Na, K và Rb lần lượt là 3, 11, 19 và 37. Viết cấu hình điện tử của các nguyên tố
này ở trạng thái cơ bản và bình luận về kết quả. [Đáp án: Tất cả đều có dạng [X]ns1, trong đó X là
một khí hiếm]
2. Cấu hình điện tử của O, S và Se (lần lượt có Z = 8, 16, 34) có gì giống nhau? Chỉ ra một nguyên
tố khác tương tự. [Đáp án: Tất cả đều có dạng [X]ns2np4, trong đó X là một khí hiếm; Te hoặc Po]
3. Chỉ ra hai nguyên tố có cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản có dạng tổng quát [X]ns2np1. [Đáp
án: Hai nguyên tố bất kỳ từ nhóm 13]

Điện tử hóa trị và điện tử lõi


Điện tử lõi nằm ở các mức lượng tử có năng lượng thấp hơn điện tử hóa trị. Tính chất hóa học
của một nguyên tố được xác định bởi điện tử hóa trị.
Cấu hình của các electron ngoài cùng hay điện tử hóa trị là rất quan trọng. Những vi hạt này xác
định tính chất hóa học của một nguyên tố. Electron điền vào các mức lượng tử có năng lượng
thấp hơn được gọi là điện tử lõi. Điện tử lõi có tác dụng chắn điện tử hóa trị, do đó, các điện tử
hóa trị chỉ bị tác dụng một điện tích hạt nhân hiệu dụng, Zeff. Đối với nguyên tố có số hiệu nguyên
tử thấp, có thể nhận biết dễ dàng hai loại electron này nhờ vào cấu hình điện tử ở trạng thái cơ
bản. Chẳng hạn, xét oxygen có cấu hình 1s22s22p4. Điện tử lõi của nó nằm trong AO 1s; 6 electron
có n = 2 chính là điện tử hóa trị.

40
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Giản đồ cấu hình điện tử


Những ký hiệu dùng để biểu diễn cấu hình điện tử trong các phần trước là rất thuận tiện và thường
gặp, nhưng đôi lúc sẽ rất hữu ích khi xác định đồng thời năng lượng tương đối giữa các điện tử.
Để làm được điều này, ta xây dựng giản đồ năng lượng của cấu hình điện tử, trong đó, electron
được biểu diễn bằng dấu mũi tên ↑ và ↓, hướng của chúng tương ứng với ms = +1/2 và –1/2. Hình
1.15 minh họa giản đồ mức năng lượng định tính của cấu hình điện tử của O và Si ở trạng thái cơ
bản.

Hình 1.15. Giản đồ biểu diễn cấu hình điện tử của O và Si ở trạng thái cơ bản.
Tuy hai hình trên minh họa đầy đủ cấu hình điện tử, ta thường chỉ biểu diễn các
điện tử hóa trị. Với O, đó là electron nằm ở mức 2s và 2p, còn với Si là 3s và 3p.
Ví dụ 1.8: Các số lượng tử của electron
Chứng minh rằng trong cấu hình của oxygen trong Hình 1.15, mỗi electron đều có một bộ bốn số
lượng tử đặc trưng.

Mỗi AO được xác định bởi bộ ba số lượng tử đặc trưng:


1s n=1 l=0 ml = 0
2s n=2 l=0 ml = 0
2p n=2 l=1 ml = –1
n=2 l=1 ml = 0
n=2 l=1 ml = +1
Hai electron trong cùng một AO phải có spin đối nhau để bộ số lượng tử của chúng là khác nhau.
Chẳng hạn, trong AO 1s, 1 electron có n = 1, l = 0, ml = 0 và ms = +1/2, còn electron còn lại, n = 1,
l = 0, ml = 0 và ms =–1/2.

41
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Bài tập tự giải


1. Chứng minh rằng trong cấu hình của B ở trạng thái cơ bản, 1s22s22p1, mỗi electron đều có một
bộ bốn số lượng tử đặc trưng.
2. Ở trạng thái cơ bản, N có cấu hình 1s22s22p3. Chứng minh rằng mỗi electron trong phân mức
2p đều có một bộ bốn số lượng tử đặc trưng.
3. Giải thích tại sao trong cấu hình điện tử của C ở trạng thái cơ bản, các electron 2p không thể
ghép cặp spin.

1.10. Năng lượng ion hóa và ái lực điện tử


Năng lượng ion hóa
Ta đã khảo sát năng lượng ion hóa của hydrogen (phương trình 1.9 và 1.10) ở Mục 1.4. Nguyên
tử H chỉ có một electron nên không có quá trình ion hóa nào khác xảy ra. Tuy nhiên, nguyên tử
nhiều electron có thể có nhiều giai đoạn ion hóa.
Năng lượng ion hóa thứ nhất, IE1, của một nguyên tử được định nghĩa là ‘biến thiên nội năng tại 0
K, ∆U(0 K), của quá trình bứt điện tử hóa trị đầu tiên ở pha khí’ (phương trình 1.17). Đơn vị của nó
thường là kJ mol–1 hoặc electron volt (eV).
X(g) → X(g)+ + e– (1.17)
Người ta thường áp dụng giá trị năng lượng ion hóa vào các tính toán nhiệt động học (chẳng
hạn như chu trình Born-Haber hay chu trình Hess), cũng như xác định biến thiên enthalpy tương
ứng, ∆H(298 K). Tuy nhiên, sự khác biệt giữa ∆H(298 K) với ∆U(0 K) là không đáng kể (xem Bài
đọc 1.6) nên giá trị IE có thể dùng trực tiếp trong các chu trình nhiệt động học, miễn là không
cần tính quá chính xác.
Năng lượng ion hóa thứ nhất (IE1) của một nguyên tử ở thể khí là biến thiên nội năng, ∆U, của
quá trình bứt điện tử hóa trị đầu tiên ở 0 K:
X(g) → X(g)+ + e–
Tuy nhiên, các chu trình nhiệt động học thường sử dụng biến thiên enthalpy tương ứng, ∆H, tại
298 K của quá trình trên: ∆H(298 K) ≈ ∆U(0 K).
Năng lượng ion hóa thứ hai, IE2, của một nguyên tử tương ứng với phương trình 1.18; tương đương
với quá trình ion hóa đầu tiên của ion X+. Phương trình 1.19 lại tương ứng với năng lượng ion hóa
thứ ba, IE3, của X, đồng thời các quá trình ion hóa kế tiếp cũng được định nghĩa tương tự, tất cả
đều được thực hiện trong pha khí.
X+(g) → X(g)2+ + e– (1.18)
X2+(g) → X(g)3+ + e– (1.19)

42
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Bài đọc 1.6: Mối quan hệ giữa ∆U với ∆H


Tại một nhiệt độ xác định, biến thiên nội năng, ∆U, và biến thiên enthalpy, ∆H, của một hệ liên
hệ với nhau theo phương trình sau:
∆U = ∆H – P∆V
Trong đó, P là áp suất và ∆V là biến thiên thể tích. Đại lượng P∆V là công sinh ra từ hệ, chẳng
hạn như khi hệ giãn nở so với môi trường và thoát khí. Thông thường, áp suất P của một phản
ứng hóa học là áp suất khí quyển (1 atm = 101300 Pa16, hay 1 bar = 105 Pa).
Về mặt tổng quát, công thực hiện hay nhận vào bởi hệ đều rất nhỏ so với biến thiên enthalpy,
do đó đại lượng P∆V là không đáng kể so với ∆U và ∆H. Do đó: ∆U(T K) ≈ ∆H(T K).
Tuy nhiên, trong Mục 1.10, ta đang xét hai nhiệt độ khác nhau và cho rằng: ∆U(0 K) ≈ ∆H(298
K). Để xác định sự phụ thuộc của ∆H vào nhiệt độ, ta áp dụng phương trình Kirchhoff, trong đó,
CP là nhiệt dung mol đẳng áp:
∂∆H
∆CP = ( )
∂T P

Dạng tích phân xác định (từ nhiệt độ 0 đến 298 K) của nó là:
298 298
∫ d(∆H)= ∫ ∆CP d(T)
0 0

Tiếp tục tích phân vế trái, thu được:


298
∆H(298 K) – ∆H(0 K)= ∫ ∆CP d(T)
0

Xét quá trình ion hóa của nguyên tử X:


X(g) → X(g)+ + e–
Xem X, X+ và e– đều là khí lý tưởng đơn nguyên tử, do đó, giá trị CP của chúng đều là 5/2 R (R là
hằng số khí, R = 8,314 × 10–3 kJ K–1 mol–1). Như vậy, quá trình trên có ∆CP cũng bằng 5/2 R. Ta
có:
298
5 5 × 8,314 × 10–3
∆H(298 K) – ∆H(0 K)= ∫ R d(T) = ( ) (298 – 0) = 6,2 kJ mol–1
0 2 2
Từ Phụ lục 8, ta thấy rằng giá trị này vẫn tương đối không đáng kể so với các năng lượng ion
hóa thường gặp.

16
ND: Áp suất khí quyển là 101325 Pa, nhưng nhiều khi vẫn được lấy gần đúng thành 1,013 × 105 Pa, đơn cử như
trong giáo trình Fundamentals of Physics (đã được Việt hóa với cái tên Cơ sở vật lý).

43
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Năng lượng ion hóa của một số nguyên tố được liệt kê trong Phụ lục 8. Hình 1.16 minh họa sự
biến thiên của giá trị IE1 như một đồ thị hàm số của Z. Từ đây, ta thấy rõ một số xu hướng đáng
nhớ (có thể được giải thích bằng cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản) như sau:
– Khí hiếm có IE1 cao. Trong khi đó, IE1 của nguyên tố nhóm 1 rất thấp.
– Tựu trung lại, dọc theo một chu kỳ, IE1 tăng dần. Tuy nhiên, xu hướng này bị phá vỡ khi chuyển
từ các nguyên tố nhóm 15 sang nhóm 16 tương ứng, hay từ nhóm 2 hoặc 12 sang nhóm 13 lân
cận.
– Các nguyên tố d có IE1 gần nhau.
Mỗi xu hướng đều có thể được giải thích bằng cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản:
– Các khí hiếm (trừ He) đều có cấu hình ns2np6 đặc biệt bền vững (xem Bài đọc 1.7), cần dùng
năng lượng lớn để bứt electron. Trong khi đó, quá trình ion hóa các nguyên tố nhóm 1 là bứt
electron từ AO ns bán bão hòa, tạo thành ion X+ có cấu hình của khí hiếm, do đó thuận lợi về mặt
năng lượng.
– Trên tổng thể, giá trị IE1 tăng dần dọc theo chu kỳ (chẳng hạn, từ Li đến Ne hoặc từ Na đến Ar)
do sự tăng Zeff. Tuy nhiên, từ Be (2s2) đến B (2s22p1) hoặc từ Mg (3s2) đến Al (3s23p1) có sự giảm
IE1. Điều này là do điện tử ngoài cùng của orbital np bị chắn bởi các electron ns2. Tương tự như
thế, IE1 của Ga (4s23d104p1) giảm so với Zn (4s23d10).
– Xu hướng giảm IE1 khi tăng Z cũng xảy ra khi chuyển từ N (2s22p3) sang O (2s22p4). Trong N,
ba electron p được điền vào 3 AO khác nhau, còn trong O, có 1 AO 2p bão hòa. Hai electron trong
đó có tương tác đẩy, do đó sự bứt 1 electron từ lớp vỏ hóa trị của O (từ AO 2p bão hòa) diễn ra
dễ dàng hơn so với N. Có một yếu tố đóng góp khác là năng lượng trao đổi (xem Bài đọc 1.7) của
quá trình ion hóa nguyên tử N.
– Xu hướng biến thiên IE của kim loại dãy d sẽ được thảo luận ở Mục 19.3.

Bài tập tự giải


Từ Hình 1.16, cho biết:
1. Vì sao có sự giảm IE1 từ K đến Rb?
2. Tại sao IE1 tăng từ Ga đến Kr?
3. Đề xuất tại sao chênh lệch về IE1 lại tăng dần theo dãy As-Se < P-S < N-O.
4. Tại sao IE1 của nguyên tố nhóm 1 giảm dần theo thứ tự Li > Na > K > Rb > Cs?

44
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hình 1.16. Năng lượng ion hóa thứ nhất của một số nguyên tố (tính đến Rn).
Bài đọc 1.7: Năng lượng trao đổi
Các lớp bão hòa và bán bão hòa thường được coi là có ‘tính bền đặc biệt’. Tuy nhiên, đây là một
cách nói dễ gây hiểu nhầm, vì ta phải xét năng lượng trao đổi (exchange energy)17 của cấu hình
cho trước. Đại lượng này chỉ có thể được tính bằng các phương pháp cơ học lượng tử nâng cao,
nhưng chúng tôi sẽ tóm lược những ý chính. Xét hai electron trong hai orbital khác nhau. Tương
tác đẩy giữa các vi hạt này sẽ lớn hơn khi chúng có spin đối nhau, so với trường hợp có spin
song song. Chẳng hạn, xét hai cấu hình p2:

Chênh lệch về mức năng lượng giữa hai cấu hình được gọi là năng lượng trao đổi, K. Đây chính
là yếu tố khiến cho cấu hình bên phải bền hơn bên trái.
Tổng năng lượng trao đổi là một hàm số của K (giá trị K phụ thuộc vào bản chất của nguyên tử
hay ion được xét):
N(N – 1)
Năng lượng trao đổi = ∑ K
2
Trong đó, N là số electron có spin song song.
Đọc thêm
A.B. Blake (1981) J. Chem. Educ., vol. 58, p. 393.
B.J. Duke (1978) Educ. Chem., vol. 15, p. 186.
D.M.P. Mingos (1998) Essential Trends in Inorganic Chemistry, OUP, Oxford, p. 14.

17
ND: Hoặc đầy đủ hơn (từ Wikipedia) là ‘năng lượng tương tác trao đổi’.

45
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Ái lực điện tử
Ái lực điện tử thứ nhất (EA1) là đối số của biến thiên nội năng (phương trình 1.20) của quá trình
nhận 1 electron của một nguyên tử ở thể khí (phương trình 1.21). Ái lực điện tử thứ hai là tương
ứng với phương trình 1.22. Cả hai quá trình đều được thực hiện ở pha khí.
EA = –∆U(0 K) (1.20)
Y(g) + e– → Y–(g) (1.21)
Y(g)– + e– → Y2–(g) (1.22)
Cũng như năng lượng ion hóa, sẽ thuận tiện hơn khi xét biến thiên enthalpy, ∆EAH, tương ứng với
mỗi quá trình 1.21 và 1.22. Ta xem ∆EAH(298 K) gần bằng ∆EAU(0 K). Một số giá trị biến thiên
enthalpy chọn lọc được liệt kê trong Bảng 1.5.
Quá trình ≈ ∆EAH/kJ mol–1
H(g) + e– → H–(g) –73
Li(g) + e– → Li–(g) –60
Na(g) + e– → Na–(g) –53
K(g) + e– → K–(g) –48
N(g) + e– → N–(g) ≈0
P(g) + e– → P–(g) –72
O(g) + e– → O–(g) –141
O–(g) + e– → O2–(g) +798
S(g) + e– → S–(g) –201
S–(g) + e– → S2–(g) +640
F(g) + e– → F–(g) –328
Cl(g) + e– → Cl–(g) –349
Br(g) + e– → Br–(g) –325
I(g) + e– → I–(g) –295
Bảng 1.5. Biến thiên enthalpy ∆EAH(298 K) gần đúng của
quá trình nhận electron của một số nguyên tử hoặc anion18.
Quá trình một nguyên tử nhận electron thường là tỏa nhiệt, lúc đó, electron được thêm vào gây ra
hai tương tác tĩnh điện khác nhau: tương tác đẩy với các điện tử hóa trị và tương tác hút với hạt
nhân. Ngược lại, khi anion nhận electron, tương tác đẩy trở nên ưu thế, do đó quá trình này mang
tính thu nhiệt (Bảng 1.5).

18
Các bảng số liệu sẽ khác nhau tùy thuộc vào giá trị mà chúng cung cấp, EA hay ∆EAH, thế nên bạn cần phải chú ý.

46
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Các khái niệm cần nhớ


Chương này đã giới thiệu các khái niệm sau đây. Bạn còn nhớ hay là đã quên?
cấu hình điện tử
nguyên tử số sóng
ở trạng thái cơ bản
proton số Avogadro điện tích hạt nhân hiệu dụng
electron (điện tử) hàm sóng, ψ hiệu ứng chắn của electron
neutron tiểu phân kiểu hydrogen sự xâm nhập
hạt nhân số lượng tử chính, n sự chắn
protium số lượng tử orbital, l quy tắc Slater
nuclide số lượng tử từ, ml bảng tuần hoàn
số hiệu nguyên tử số lượng tử từ spin, ms nguyên lý vững bền
số khối suy biến quy tắc Hund
khối lượng nguyên tử tương đối hàm phân phối theo bán kính nguyên lý loại trừ Pauli
đồng vị phần bán kính của hàm sóng điện tử hóa trị
dạng thù hình phần góc của hàm sóng điện tử lõi
phổ phát xạ orbital nguyên tử (AO) năng lượng ion hóa
trạng thái cơ bản mặt phẳng nút ái lực điện tử
trạng thái kích thích nút bán kính
lượng tử
Đọc thêm
Hóa học năm nhất: các nguyên lý cơ bản
C.E. Housecroft & E.C. Constable (2010) Chemistry, tái bản lần 4, Prentice Hall, Harlow – Đây là
một giáo trình dễ đọc, bao quát các khái niệm cơ bản về hóa học vô cơ, hóa học hữu cơ và hóa lý
cần thiết khi đọc cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Giáo trình này cũng có ngân hàng câu hỏi
trắc nghiệm bổ sung và sách giải (Solutions Manual) ở www.pearsoned.co.uk/housecroft.
P. Atkins & J. de Paula (2012) The Elements of Physical Chemistry, tái bản lần 6, OUP, Oxford –
Đây là một giáo trình hữu ích về hóa lý.
Cơ học lượng tử cơ bản
P. Atkins & J .de Paula (2014) Atkins’ Physical Chemistry, tái bản lần 10, OUP, Oxford – Đây cũng
là một giáo trình hữu ích, cung cấp nền tảng về hóa lý.
D. O. Hayward (2002) Quantum Mechanics for Chemists, RSC Publishing, Cambridge – Đây là
giáo trình căn bản về cơ học lượng tử dành cho sinh viên đại học.

47
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Năng lượng ion hóa và ái lực điện tử


P.F. Lang & B.C. Smith (2003) J. Chem. Educ., vol. 80, p. 938 –‘Ionization energies of atoms and
atomic ions’.
D.M.P. Mingos (1998) Essential Trends in Inorganic Chemistry, OUP, Oxford – Giáo trình này khảo
sát kỹ càng xu hướng biến thiên năng lượng hoạt hóa và enthalpy của quá trình nhận electron
trong bảng tuần hoàn.
J.C. Wheeler (1997) J. Chem. Educ., vol. 74, p. 123 – ‘Electron affinities of the alkaline earth metals
and the sign convention for electron affinity’.
Bài tập
1.1. Chromium có 4 đồng vị, 50Cr, 52Cr, 53Cr và 54Cr. Mỗi đồng vị chứa bao nhiêu electron, proton
và neutron?
1.2. ‘Arsenic là nguyên tố đơn luân’ Nhận định này có nghĩa là sao? Từ Phụ lục 5, hãy liệt kê ba
nguyên tố đơn luân khác.
1.3. Sử dụng danh sách đồng vị phổ biến trong tự nhiên ở Phụ lục 5, xác định số electron, proton
và neutron của mỗi đồng vị của (a) Al, (b) Br và (c) Fe, đồng thời ký hiệu mỗi đồng vị sao
cho phù hợp.
1.4. Hydrogen có ba đồng vị, nhưng tritium (3H) là đồng vị phóng xạ, một mẫu hydrogen tự
nhiên chỉ chứa không quá 1 nguyên tử 3H trên 1017 nguyên tử. Từ Ar của hydrogen là 1,008,
tính tỷ lệ của protium, 1H, và deuterium, 2H (hoặc D), trong một mẫu hydrogen tự nhiên.
Hãy nêu rõ những giả định gần đúng. Giải thích tại sao đáp số của bạn lại không giống với
dữ liệu trong Phụ lục 5.
1.5. (a) Sử dụng dữ liệu từ Phụ lục 5, tính tỷ lệ phân bố đồng vị trong Hình 1.1b.
(b) Khối phổ đồ của S8 cũng cho tín hiệu ở các giá trị m/z thấp hơn. Dựa vào cấu trúc của
S8 trong Hình 1.1c, hãy đề xuất nguồn gốc của những tín hiệu thấp này.
1.6. Tính bước sóng tương ứng của các bức xạ điện từ có tần số (a) 3,0 × 1012 Hz, (b) 1,0 × 1018
Hz và (c) 5,0 × 1014 Hz. Từ Phụ lục 4, hãy định danh loại bức xạ của các bước sóng hay tần
số trên (ví dụ như vi sóng).
1.7. Xác định các bước chuyển n’ → n sau của phổ phát xạ nguyên tử hydrogen nằm trong dãy
Balmer, Lyman hay Paschen: (a) 3 → 1; (b) 3 → 2; (c) 4 → 3; (d) 4 → 2; (e) 5 → 1.
1.8. Tính năng lượng (đơn vị kJ mol–1 hoặc photon) của bước chuyển quang phổ có bước sóng
450 nm.

48
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

1.9. Dãy Balmer có bốn dải nằm ở 656,28, 486,13, 434,05 và 410,17 nm. Chứng minh rằng
những giá trị này đều thỏa mãn phương trình 1.4.
1.10. Sử dụng mô hình Bohr, xác định bán kính của quỹ đạo thứ 2 và 3 của nguyên tử hydrogen.
1.11. Khi tăng giá trị n, (a) năng lượng và (b) kích thước của AO ns sẽ thay đổi như thế nào?
1.12. Viết bộ số lượng tử đặc trưng của các AO sau: (a) 6s, (b) từng orbital trong số 5 AO 4d.
1.13. Ba AO 4p có giá trị (a) số lượng tử chính, (b) số lượng tử orbital và (c) số lượng tử từ giống
hay khác nhau? Viết một bộ số lượng tử cho mỗi AO 4p để minh họa cho câu trả lời.
1.14. Các orbital sau chứa bao nhiêu nút bán kính: (a) 2s; (b) 4s; (c) 3p; (d) 5d; (e) 1s; (f) 4p?
1.15. Bình luận về sự khác biệt giữa đồ thị R(r) – r với 4πr2R(r)2 – r đối với các AO sau của nguyên
tử H: (a) 1s; (b) 4s và (c) 3p.
1.16. Viết bộ số lượng tử đặc trưng của các AO sau: (a) 1s, (b) 4s và (c) 5s.
1.17. Viết 3 số lượng tử đặc trưng cho 3 AO 3p.
1.18. Có bao nhiêu AO có n = 4 và l = 3? Chúng có ký hiệu là gì? Viết bộ số lượng tử đặc trưng
của từng AO tương ứng.
1.19. Tiểu phân nào sau đây giống với hydrogen: (a) H+; (b) He+; (c) He–; (d) Li+; (e) Li2+?
1.20. (a) Đồ thị R(r) – r của AO 1s của He+ liệu có giống với nguyên tử H (Hình 1.5a)? [Gợi ý: nhìn
vào Bảng 1.2]
(b) Trên cùng một hệ trục tọa độ, hãy minh họa đồ thị hàm số 4πr2R(r)2 – r của H và He+.
1.21. Tính năng lượng AO 3s của nguyên tử H. [Gợi ý: phương trình 1.16] Năng lượng của AO 3p
và 3s của hydrogen giống hay khác nhau?
1.22. Bằng phương trình 1.16, tính năng lượng AO của hydrogen với n = 1, 2, 3, 4 và 5. Có thể
nhận xét như thế nào về khoảng cách giữa các mức năng lượng?
1.23. Viết 6 bộ số lượng tử của các electron trong 3 AO 5p suy biến. Cặp bộ số lượng tử nào là
của hai electron đối spin?
1.24. Sắp xếp các AO sau của một nguyên tử trung hòa X theo thứ tự năng lượng tương đối: 2s,
3s, 6s, 4p, 3p, 3d, 6p, 1s.
1.25. Sử dụng hiệu ứng chắn và hiệu ứng xâm nhập, giải thích tại sao cấu hình 1s22s1 của nguyên
tử Li ở trạng thái cơ bản bền hơn 1s22p1?
1.26. Viết cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản của mỗi nguyên tử sau, đồng thời xác định điện
tử lõi và điện tử hóa trị: (a) Na, (b) F, (c) N, (d) Sc.
1.27. Vẽ giản đồ mức năng lượng (xem Hình 1.15) của cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản của
các nguyên tử trong bài 1.26.

49
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

1.28. Viết cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản của boron, đồng thời viết bộ số lượng tử đặc trưng
của mỗi electron.
1.29. Viết (có giải thích) cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản của (a) Li, (b) O, (c) S, (d) Ca, (e) Ti,
(f) Al.
1.30. Vẽ giản đồ mức năng lượng của cấu hình điện tử hóa trị ở trạng thái cơ bản của (a) F, (b)
Al và (c) Mg.
1.31. Cấu hình điện tử ở trạng thái cơ bản của các nguyên tố nhóm 16 có dạng [X]ns2np4, trong
đó X là một nguyên tố nhóm 18. 4 electron ngoài cùng sẽ được phân bố như thế nào, theo
quy tắc gì?
1.32. (a) Viết phương trình hóa học tương ứng với giá trị IE4 của Sn. Quá trình này tỏa nhiệt hay
thu nhiệt?
(b) Quá trình tổng quát nào tương ứng với giá trị (IE1 + IE2 + IE3) của Al?
1.33. Bốn năng lượng ion hóa đầu tiên của một nguyên tử X lần lượt là 403, 2633, 3900 và 5080
kJ mol–1. Đề xuất nhóm của X trong bảng tuần hoàn và giải thích lựa chọn của bạn.
1.34. Từ Hình 1.16, xác định xu hướng biến thiên năng lượng ion hóa thứ nhất khi
(a) đi từ trên xuống dưới nhóm 1,
(b) đi từ trên xuống dưới nhóm 13,
(c) đi từ trái sang phải các nguyên tố d,
(d) đi từ trái sang phải các nguyên tố từ B đến Ne,
(e) đi từ Xe đến Cs,
(f) đi từ P đến S.
Giải thích các xu hướng này.
1.35. Hình 1.17 minh họa các giá trị IE1 của 10 nguyên tố đầu tiên.
(a) Xác định nguyên tố tương ứng với mỗi điểm.
(b) Giải thích xu hướng biến thiên.

50
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

Hình 1.17. Đồ thị của bài tập 1.35.


1.36. (a) Từ Bảng 1.5, xác định ∆H của quá trình sau: O(g) + 2e– → O2–(g).
(b) Bình luận về dấu và độ lớn của giá trị thu được trong phần (a), biết rằng các oxide kim
loại có mạng lưới tinh thể ion và bền nhiệt động.
1.37. Tại sao trong bảng tuần hoàn, kalium được đặt sau argon nhưng lại có khối lượng nguyên
tử tương đối thấp hơn?
1.38. Dữ liệu thực nghiệm nào cho thấy nguyên lý vững bền chỉ mang tính gần đúng?
1.39. Nối các khái niệm trong 2 danh sách 1 và 2 sao cho phù hợp.
Danh sách 1 Danh sách 2
S6 và S8 electron
19F và 31P proton
đồng vị của hydrogen pnictogen
12C và 13C nguyên tố d
ion hydrogen protium
nguyên tố nhóm 1 hạt cơ bản
đồng năng ms = ±1/2
hạt mang điện âm dạng thù hình
electron ghép cặp spin suy biến
electron, proton và neutron nguyên tố đơn luân
nguyên tố nhóm 15 kim loại kiềm
Cr, Mn, Fe đồng vị của một nguyên tố

51
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

1.40. Giải thích tại sao:


(a) Nguyên tố khí hiếm có năng lượng ion hóa cao.
(b) Biến thiên enthalpy của quá trình nhận electron thứ nhất và thứ hai của O lần lượt mang
dấu âm và dương.
(c) Ở trạng thái cơ bản, electron ngoài cùng của Li nằm ở AO 2s thay vì 2p.
1.41. Từ Phụ lục 8, vẽ đồ thị minh họa xu hướng biến thiên năng lượng ion hóa thứ 3 của các
nguyên tố từ Li đến Kr. So sánh đồ thị này với Hình 1.16 (có biện luận).
1.42. Quy ước về dấu của ái lực điện tử có thể làm người học hoang mang. Tại sao chúng tôi sử
dụng khái niệm ‘biến thiên enthalpy của sự nhận electron’ thay vì ‘ái lực điện tử’?
1.43. (a) Hình 1.9 có thể được hiệu chỉnh như thế nào để minh họa bề mặt ranh giới của hàm
sóng 2s và 2p của một tiểu phân một electron?
(b) ‘Xác suất tìm thấy electron của nguyên tử hydrogen ở trạng thái cơ bản với khoảng cách
r so với proton đạt cực đại khi r = 52,9 pm’ Tại sao nhận định này phù hợp với việc giá trị
R(r) đạt cực đại ở r = 0?
1.44. Ruthenium, osmium, rhodium, iridium, palladium và platinum (Hình 1.14) được gọi là kim
loại nhóm platinum. Những kim loại này chủ yếu được khai thác từ các mỏ khoáng sản ở
Nga, Canada và Nam Phi. Chúng là những xúc tác quan trọng trong việc kiểm soát ô nhiễm
không khí (chẳng hạn như trong các hệ thống chuyển đổi xúc tác) và trong sản xuất hóa
chất vô cơ và hữu cơ, cũng như có tính ứng dụng cao trong công nghiệp điện tử. Do đó,
các quốc gia lớn như Mỹ chủ trương nhập khẩu và tái chế các kim loại này. Bảng dưới đây
là khối lượng nhập khẩu của nước Mỹ vào năm 2013:
Kim loại Ru Os Rh Ir Pd Pt
Khối lượng nhập khẩu/kg 15300 77 11100 1720 83100 116000
Vẽ hai biểu đồ dạng thanh để minh họa những dữ liệu này, sử dụng khối lượng và logarithm
của khối lượng trên trục tung. Bình luận về ưu nhược điểm giữa hai biểu đồ.
1.45. Hình 1.18 minh họa phổ phát xạ của natrium. Ánh sáng từ đèn đường natrium áp suất thấp
phụ thuộc vào vạch phổ màu vàng sáng trong phổ đồ, thu được nhờ sự phóng điện. Tuy
hình dưới chỉ cho thấy một vạch phổ (xem tiêu đề của hình), nhưng theo hệ thống dữ liệu
từ Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (National Institute of Standards and Technology
– NIST), phổ phát xạ của natrium có đến 5888 vạch.
(a) Đề xuất ba lý do tại sao không thể nhìn thấy vạch nào khác trong Hình 1.18.

52
Housecroft, C. E.; Sharpe, A. G. (2018) Inorganic Chemistry, 5th ed. Phan Tại Tính Trí dịch và giới thiệu.

(b) Bước sóng của các vạch màu vàng trong Hình 1.18 rất gần với 589 pm. Tần số tương
ứng của nó là bao nhiêu?
(c) Đề xuất cách giải thích tổng quát về sự tạo thành dãy vạch phổ trong Hình 1.18.

Hình 1.18. Phổ phát xạ của natrium. Vạch phổ duy nhất trên phổ đồ
có hai tín hiệu phát xạ rất gần nhau là 589,0 và 589,6 nm.

53

You might also like