You are on page 1of 90

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN THANH TIẾN

HỘI KÍN Ở NAM KỲ

CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2005


MỤC LỤC
MỤC LỤC ......................................................................................................................... 3
DẪN LUẬN ....................................................................................................................... 5

1. Lí do chọn đề tài ................................................................................................................... 5

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề: ................................................................................................. 6

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ..................................................................................... 10

4.Phương pháp nghiên cứu ................................................................................................... 12

5.Bố cục luận văn................................................................................................................... 12

CHƯƠNG 1: HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA CÁC HỘI KÍN Ở NAM KỲ ................ 13

1.1.Phong trào dân tộc ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ...................................... 13

1.1.1.Các phong trào đấu tranh vũ trang ............................................................................ 13

1.1.1.1.Khởi nghĩa Trương Định .................................................................................... 13

1.1.1.2.Khởi nghĩa Võ Duy Dương ................................................................................ 14

1.1.1.3.Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ......................................................................... 14

1.1.1.4.Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân .......................................................................... 15

1.1.2.Phong trào đấu tranh của các giáo phái yêu nước ..................................................... 16

1.1.2.1.Bửu Sơn Kỳ Hương và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa ............................................ 16

1.1.2.2.Hoạt động chông Pháp của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa ................................. 17

1.1.3.Phong trào Minh tân đầu thế kỷ XX .......................................................................... 18

1.2.Lưu dân người Hoa và sự du nhập hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ....................... 20

1.2.1.Sơ lược về lịch sử hội kín Thiên Địa hội ở Trung Quốc (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ
XIX) .................................................................................................................................... 20

1.2.2.Lưu dân người Hoa và sự du nhập các hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ. ............ 23

CHƯƠNG 2: HỘI KÍN Ở NAM KỲ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX ....... 27

3
2.1.Sự hình thành các hội kín của người Việt ...................................................................... 27

2.2.Thành phần tham gia, nguyên tắc tổ chức và lề lối hoạt động ..................................... 33

2.2.1.Thành phần tham gia ................................................................................................. 33

2.2.2.Nguyên tắc tổ chức và lề lối hoạt động ..................................................................... 37

2.3.Hoạt động chống Pháp của các hội kín .......................................................................... 44

CHƯƠNG 3: HỘI KÍN PHAN XÍCH LONG - MỘT ĐIỂN HÌNH CỦA HỘI KÍN
CHỐNG PHÁP Ở NAM KỲ.......................................................................................... 49

3.1.Sự ra đời và hoạt động của hội kín Phan Xích Long..................................................... 49

3.2.Cuộc khởi nghĩa năm 1913 ............................................................................................. 55

3.3.Các cuộc khởi nghĩa năm 1916 ....................................................................................... 63

KẾT LUẬN ..................................................................................................................... 71


CHÚ THÍCH ................................................................................................................... 77
PHỤ LỤC ........................................................................................................................ 80
PHỤ LỤC 2 ..................................................................................................................... 82
PHỤ LỤC 3 ..................................................................................................................... 83
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................. 88

TIẾNG VIỆT .......................................................................................................................... 88

TIẾNG ANH ........................................................................................................................... 89

TIẾNG PHÁP ........................................................................................................................ 89

TÀI LIỆU LƯU TRỮ - TRƯNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA II - TP. HỒ CHÍ MINH. . 90

4
DẪN LUẬN
1. Lí do chọn đề tài

Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ là một nội dung cơ bản
trong lịch sử Việt Nam cận đại. Nó phản ánh cuộc chiến đấu ngoan cường và đầy gian khổ của
nhân dân ta với một kẻ thù hùng mạnh đến từ phương Tây. Ngay từ khi Pháp nổ súng xâm
lược, phong trào đã bùng lên mạnh mẽ và kéo dài cho đến ngày đất nước giành lại nền độc lập,
tự chủ.

Trong lịch sử mấy mươi năm chống Pháp, cuộc đấu tranh của dân tộc ta đã trải qua nhiều
hình thức khác nhau. Bên cạnh đâu tranh vũ trang, phong trào yêu nước còn diễn ra dưới hình
thức tôn giáo, vận động duy tân, thành lập các hội kín, các đảng phái... Tuy hình thức không
giống nhau song mục đích cuối cùng của mọi phong trào đều nhằm đánh đuổi kẻ ngoại xâm,
giành lại độc lập cho dân tộc.

Nam Kỳ, vùng đất non trẻ của nước ta, là nơi sớm phất lên ngọn cờ chống Pháp xâm lược.
Tháng 2-1859, khi tàu chiến Pháp tấn công Gia Định, nhân dân ở đây đã sát cánh cùng với
quân triều đình trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành trì, thôn xóm. Sau đó, bất chấp việc triều
đình thỏa hiệp và cắt đất cho giặc, phong trào đấu tranh của nhân dân Lục tỉnh vẫn tiếp diễn.
Các cuộc đấu tranh ấy tập trung dưới sự lãnh đạo của những người anh hùng như Trương Định,
Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân... Tinh thần dũng cảm, quen mình vì
nước của những người "dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ" đã khiến cho giặc phải
lắm phen khốn đốn. Tuy nhiên, với ưu thế về vũ khí, lực lượng... quân Pháp đã lần lượt đàn áp
các cuộc khởi nghĩa. Nhiều vị thủ lĩnh bị chúng sát hại. Phong trào yêu nước tạm lắng xuống
một thời gian và dần dần chuyển sang những hình thức đấu tranh mới. Một trong những hình
thức đó là sự xuất hiện của các hội kín Thiên Địa hội vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Vào thập niên 80 của thế kỷ XIX, khi phong trào cần vương diễn ra ở miền Bắc và Trung
thì ở Nam Kỳ, các hội kín cũng đã xuất hiện. Lúc đầu các hội kín Thiên Địa hội đều là của
người Hoa. Dần dần, một số người Việt cũng tham gia vào tổ chức này. Không những thế, họ
còn tiến đến thành lập các hội riêng - mô phỏng theo các Thiên Địa hội của người Hoa - để

5
hoạt động chống Pháp. Tuy nhiên, cho đến cuối thế kỷ XIX, các hội kín của người dân Nam Kỳ
chưa xuất hiện nhiều và chưa có hoạt động gì nổi bật.

Bước sang đầu thế kỷ XX, các hội kín ở Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ và mang nội dung
dân tộc rõ rệt. Có thể nói, phong trào hội kín là sự tiếp nối tinh thần chống Pháp của nhân dân
Lục tỉnh hồi nửa sau thế kỷ XIX. Song, nó mang một hình thức hoàn toàn khác so với trước.
Trong hơn thập niên đầu thế kỷ XX, các hội kín đã đóng một vai trò nhất định trong phong trào
dân tộc ở nước ta.

Như vậy, khi nghiên cứu về lịch sử kháng Pháp của dân tộc ta, phong trào hội kín ở Nam
Kỳ là một vấn đề đáng được đi sâu tìm hiểu. Tại sao các hội kín xuất hiện chủ yếu ở Nam Kỳ,
nó có nguồn gốc từ đâu, tổ chức và hoạt động như thế nào, tư tưởng chủ đạo là gì, hoạt động
chống Pháp của các hội kín đưa đến kết quả ra sao... Việc giải quyết những vấn đề này sẽ góp
phần làm sáng tỏ thêm phần lịch sử kháng Pháp của nhân dân Nam Kỳ. Đồng thời, nghiên cứu
hội kín Nam Kỳ giúp tôi thấy được sự chuyển biến của phong trào yêu nước qua từng giai đoạn
khác nhau, thấy được sự phong phú của các hình thức đấu tranh chống ngoại xâm. Đây chính là
ý nghĩa khoa học của đề tài.

Cùng với việc giải quyết các vấn đề khoa học của đề tài, tôi cũng lưu ý đến khía cạnh
thực tiễn. Hiện nay, lịch sử vùng đất Nam Bộ còn khá nhiều "mảng trống" chưa được các nhà
nghiến cứu đề cập đến. Với đề tài "Hội kín ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX", tôi
mong muốn góp sức vào việc bổ khuyết phần nào những mảng còn trống đó. Đồng thời, tôi hy
vọng mình nhận thức rõ hơn về các hoạt động chống Pháp của nhân ta. Điều này sẽ có ý nghĩa
thiết thực đối với công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam cận đại trong nhà trường.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề:

Phong trào hội kín ở Nam Kỳ là một vấn đề đáng được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên,
cho đến nay, các sách chuyến khảo về vấn đề này rất ít.

Trong số các tác phẩm viết về phong trào hội kín, trước tiên phải kể đến cuốn Les
Sociétés Secrètes en terre d'An Nam của G.Coulet - tiến sĩ Văn khoa người Pháp (Sài Gòn,
1926). Như tên gọi của nó, cuốn sách của Coulet là công trình biến khảo về các hội kín ở Việt
Nam nửa sau thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX. Cần nói thêm rằng, danh từ hội

6
kín (dịch từ chữ Pháp Sociétés Secrètes = các hội bí mật) của Coulet dùng để chỉ tất cả các tổ
chức chống Pháp hoạt động bí mật. Do vậy trong tác phẩm của mình, Coulet không chỉ khảo
cứu về các hội kín theo kiểu Thiên Địa hội ở Nam Kỳ mà còn đề cập đến nhiều tổ chức bí mật
khác. Riêng về phong trào hội kín ở Nam Kỳ, Coulet đã tỏ ra rất công phu trong việc biên soạn.
Ông cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý về cách tổ chức, lề lối hoạt động, thành phần
tham gia... của các hội kín trên vùng đất này. Các tác giả về sau như Sơn Nam, Nguyễn Văn
Kiệm... khi nghiên cứu về hội kín ở Nam Kỳ đều trích dẫn tác phẩm của Coulet. Có thể nói,
đây là nguồn tư liệu có giá trị tham khảo cao, rất có ích đối với người nghiên cứu. Tuy nhiên,
bên cạnh những ưu điểm vừa nêu, tài liệu của Coulet cũng có một số hạn chế. Xuất phát từ
cách nhìn của một học giả thực dân, Coulet đã quy cho các cuộc khởi nghĩa chống Pháp là các
"hoạt động nổi loạn". Mặt khác, dường như Coulet quá nhấn mạnh yếu tố tôn giáo, thần bí
trong các hội kín. Do đó, ông chưa đánh giá đúng mức khía cạnh dân tộc của phong trào.

Sau Coulet, nhà văn Sơn Nam là người thứ hai dụng công tìm hiểu về phong trào hội kín
ở Nam Kỳ. Bài biên khảo của ông được in trong tập sách Miền Nam đầu thế kỷ XX - Thiên Địa
hội và cuộc Minh tân (Nxb Phù Sa, 1971; Nxb Trẻ tái bản năm 2003). Dựa vào các nguồn tư
liệu như Thian Ti Hiuoi, Association de Hung en Société du Ciel et de la Terre (tác giả Gustave
Schlegel, in ở Nam Dương năm 1866); Les Sociétés Secrètes en terre d'An Nam (G.Coulet - đã
dẫn ở trên)... Sơn Nam đã dựng lại lịch sử Thiên Địa hội Trung Hoa và phong trào Thiên Địa
hội ở Nam Kỳ Lục tỉnh. Ở phần lịch sử Thiên Địa hội, đáng chú ý hơn cả là những ghi chép
của tác giả về luật lệ, nghi thức, lời thề... của các Thiên Địa hội do người Hoa sáng lập. Qua
những tư liệu này, chúng ta có cơ sở để xét xem các hội kín của người Việt trên đất Nam kì đã
mô phỏng theo Thiên Địa hội Trung Hoa ở mức độ nào.

về phong trào Thiên Địa hội ở Nam Kỳ, Sơn Nam chủ yếu nêu ra một số hoạt động của
các hội kín, cả Việt lẫn Hoa. Các đoạn ghi chép của ông đều căn cứ trên nguồn tư liệu của
Coulet và một số tác giả khác như Việt Cúc, Nguyễn Văn Kiểm, Nguyễn Liên Phong... Ngoài
ra, ông còn đề cập đến một số nhân vật lãnh đạo các hội kín và những hành động đàn áp của
chính quyền thực dân. Qua bài biên khảo của mình, Sơn Nam đã nêu lên một số vấn đề cần tìm
hiểu thêm như: làm sao phân biệt Thiên Địa hội với các tổ chức đượm màu sắc tôn giáo khác?
Phải chăng hai giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa là biến thể của Thiên Địa
hội? ở phần cuối, ông có đưa ra một vài nhận xét về phong trào hội kín ở Nam Kỳ.

7
Có thể nói, bài viết của Sơn Nam đã giúp những người không tiếp cận được với các sách
tiếng Pháp có những hiểu biết nhất định về phong trào hội kín. Bên cạnh đó, những ý kiến nhận
xét và cách đặt vấn đề của ông cũng đáng để người đọc tham khảo. Tuy nhiên, đây chưa phải là
một công trình nghiên cứu đầy đủ về các hội kín ở Nam Kỳ. Sơn Nam chủ yếu "thuật" lại các
sự kiện bằng cách trích dẫn các nguồn tư liệu. Tác giả chưa trình bày vấn đề một cách có hệ
thống; chưa đặt nó trong bối cảnh của phong trào dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế
kỷ XX. Các vấn đề về tư tưởng, thành phần tham gia, tính chất của phong trào hội kín... cũng
chưa được tác giả làm rõ.

Tác giả thứ ba nghiên cứu về phong trào hội kín là cố PGS Nguyễn Văn Kiệm. Ông là
người chuyên nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam cận đại. Bài "Phong trào chống
Pháp của các hội kín ở Nam Kỳ" của ông đã được xuất bản trong sách Lịch Sử Việt Nam (đầu
thế kỷ XX đến 1918) Nxb Giáo dục, HN, 1972, quyển 3 - tập 2 và được in lại trong các sách
Lịch Sử Việt Nam 1897 -1918 (Nxb KHXH, HN, 1999); Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch
sử cận đại Việt Nam (tác giả Nguyễn Văn Kiệm, Nxb Văn hóa - Thông tin, HN, 2003).

Khác với Sơn Nam, PGS Nguyễn Văn Kiệm hầu như chỉ dẫn theo tài liệu của G.Coulet
khi viết về hội kín ở Nam Kỳ. Bài viết được ông trình bày theo một bố cục rõ ràng: nguồn gốc
và quá trình phát triển, thành phần tham gia, tư tưởng chủ đạo, hệ thống tổ chức và hoạt động
chống Pháp của các hội kín. Trong bài viết, PGS Nguyễn Văn Kiệm cho rằng chính sự cùng
khổ của người nông dân Nam Kỳ dưới ách bóc lột của thực dân Pháp và tình trạng thiếu vắng
lãnh đạo ở đây đã khiến cho nhiều hội kín ra đời. Cần lưu ý, các hội kín mà PGS Nguyễn Văn
Kiệm quan tâm tìm hiểu là do người Việt lập nên nhằm mục đích chống Pháp. Ông không đề
cập đến các Thiên Địa hội của người Hoa.

Xuất phát từ nội dung dân tộc của các hội kín ở Nam Kỳ, PGS Nguyễn Văn Kiệm khẳng
định tư tưởng chủ đạo của những người tham gia là tư tưởng yêu nước. Tư tưởng yêu nước ấy
chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của ý thức hệ phong kiến và mang nhiều yếu tố dị đoan, thần bí.

Về thành phần tham gia, dựa theo thông kê của G.Coulet, PGS Nguyễn Văn Kiệm khẳng
định nông dân là thành phần đông đảo nhất trong các hội kín. Kế đến là những người vô nghề
nghiệp (người nông dân bị bần cùng hóa phải bỏ nông thôn đi lưu tán). Ngoài ra, tham gia các

8
hội kín còn có dân nghèo thành thị, những người làm nghề phương thuật như thầy phù thủy,
thầy bói...

Với thành phần và tư tưởng như vậy, PGS Nguyễn Văn Kiệm cho rằng các hội kín Nam
Kỳ "là những tổ chức yếu nước và tương tế của nông dân". Trong đó, yêu nước là tính chất nổi
bật. Còn tính chất tương tế, nó chỉ đóng vai trò thứ yếu, phụ thuộc vào nội dung dân tộc.

Nhìn chung, bài viết của PGS Nguyễn Văn Kiệm đã trình bày những nội dung chủ yếu
nhất về phong trào hội kín (nguồn gốc xuất hiện, thành phần tham gia, tư tưởng, các hoạt động
yếu nước...). Ông cũng nêu lên một số nhận xét, đánh giá khá xác đáng về phong trào. Điều đó
giúp cho người đọc nắm được những kiến thức căn bản về một hình thức chống Pháp ở Nam
Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Tuy có những ưu điểm như vậy, nhưng bài viết của PGS Nguyễn Văn Kiệm vẫn chưa
thực sự là một công trình nghiên cứu có chiều sâu về hội kín Nam Kỳ. Người đọc chưa thấy có
sự phân tích, đối chiếu giữa các nguồn tư liệu, chưa thấy sự luận giải, so sánh giữa các quan
điểm khác nhau. Một số vấn đề như: các hội kín Nam Kỳ phải chăng là sự biến tướng từ Thiên
Địa hội của người Hoa, nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của phong trào hội kín, các hội kín có
thu hút được đại bộ phận nông dân Nam Kỳ tham gia hay không... cần được tìm hiểu thêm.

Một tác giả nữa quan tâm đến phong trào hội kín là GS Trần Văn Giàu. Trong tập một của
bộ sách ba tập Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, ông
đã dành một số trang đề cập đến vấn đề này. Theo GS Trần Văn Giàu, "... ở Việt Nam không
có Thiên Địa hội gốc Trung Quốc. Hội kín Nam Kỳ là một sản phẩm Việt Nam". Như vậy, khi
xem xét về nguồn gốc của hội kín, quan điểm của GS Trần Văn Giàu có phần khác với Sơn
Nam và PGS Nguyễn Văn Kiệm. Ở phần tư liệu, GS Trần Văn Giàu đã trích dẫn từ các sách:
Hội kín ở Trung Quốc và ở xứ An Nam của Dusson, La cité annamite của Briffaut, Les Sociétés
Secretès en terre d’Annam của Coulet. Trên cơ sở đó, ông đưa ra những nhận định về mục
đích, tư tưởng, thực lực... của các hội kín. Cách nhìn nhận của ông đối với phong trào hội kín
nhìn chung là tích cực. Song, do vấn đề chỉ được đề cập trong một số trang ít ỏi, tác giả chưa
thể làm sáng tỏ tất cả các mặt. Riêng nhận định của tác giả về nguồn gốc của các hội kín người
Việt, người viết cho rằng chưa thỏa đáng, cần được tìm hiểu kĩ hơn.

9
Ngoài các tài liệu nêu trên, phong trào hội kín Nam Kỳ còn ít nhiều được đề cập trong
một số sách khác. Có thể kể ra đây các tác phẩm như: Sài Gòn năm xưa (Vương Hồng sến),
Biên Hòa sử lược (Lương Văn Lựu), Gò Công cảnh cũ người xưa (Việt Cúc), Tân Châu xưa
(Nguyễn Văn Kiểm), Sài Gòn vang bóng (Phan Thứ Lang). Vương Hồng Sển chỉ nói về sự
kiện Phan Xích Long; Việt Cúc, Lương Văn Lựu, Nguyễn Văn Kiểm nhắc đến hội kín ở địa
phương mà họ gắn bó. Riêng Phan Thứ Lang, phần viết về hội kín của ông có bao quát hơn.
Ông đề cập đến hội kín của cả người Hoa lẫn người Việt. Ông nhận định Thiên Địa hội của
người Việt thực chất là "hội kín chống Pháp giành độc lập cho dân tộc".

Qua các sách vừa nêu, có thể thấy đó không phải là các tài liệu chuyên khảo về phong
trào hội kín. Các tác giả chỉ nói đến hội kín như là một sự kiện bên cạnh nhiều sự kiện khác mà
thôi. Mặc dù vậy, phần ghi chép của các tác giả cũng giúp cho người nghiên cứu bổ sung thêm
một ít tư liệu về các hội kín ở các địa phương.

Bên trên là các tài liệu liên quan đến phong trào hội kín ở Nam Kỳ. Có tài liệu khảo cứu
khá chi tiết, có tài liệu chỉ nói đến một cách sơ lược. Song, tất cả đều có ích đối với người
nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà các tác giả chưa nghiến cứu, lý giải một cách
sâu sắc. Ví dụ như mối liên hộ giữa Thiên Địa hội của người Hoa và hội kín của người Việt,
vai trò của các hội kín trong phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Hoạt động
chống Pháp bằng hình thức hội kín của người dân Nam Kỳ có thực sự đem lại những kết quả
đáng ghi nhận? Đây là những vấn đề mà người viết sẽ cố gắng làm rõ thêm khi tìm hiểu về
phong trào hội kín.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Khi nghiên cứu về một vấn đề lịch sử, việc xác định rõ đối tượng nghiên cứu và không
gian, thời gian xảy ra các sự kiện là điều cần thiết. Nó giúp người nghiến cứu đi đúng vào trọng
tâm vấn đề và tránh được sự lan man, dàn trải. Trong đề tài này, người viết xác định đối tượng
nghiên cứu là phong trào hội kín ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ở đây có một
câu hỏi đặt ra là: thế nào là "hội kín"?

Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Nxb Giáo dục, Trung tâm từ điển học Hà
Nội, 1994, trang 444) thì "Hội kín (là) tổ chức chính trị bí mật". Các tác giả mở ngoặc giải
thích thêm đây là "từ chính quyền thực dân Pháp trước kia dùng để gọi những tổ chức cách

10
mạng bí mật". Từ điển Từ và ngữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Lân (Nxb TP. Hồ Chí Minh,
2000, trang 870) giải thích: "Hội kín là tổ chức bí mật của những người chống đối chính
quyền".

Nếu hiểu hội kín là "các tổ chức cách mạng bí mật" hoặc "các tổ chức bí mật của những
người chống đối chính quyền" thì các hội, đảng như Duy Tân hội của Phan Bội Châu, hội Phục
Việt (tiền thân của Tân Việt Cách mạng đảng),Việt Nam Quốc dân đảng, Đảng cộng sản Đông
Dương (thời kỳ chưa hoạt động công khai)... đều là những hình thức hội kín.

Thực ra, hội kín (Sociétés Secrètes) là danh từ mà người Pháp cũng như các học giả
phương Tây dùng để gọi tất cả các hội đảng bí mật. Đây có thể là các hội đảng yêu nước của
người Việt Nam hoạt động chống chính quyền thực dân (trong đó có các hội kín ở Nam Kỳ).
Cũng có thể đây là các tổ chức vừa mang tính chất tương tế, vừa mang tính chất chính trị của
người Hoa (các Thiên Địa hội). Thậm chí, danh từ "Sociétés Secrètes" còn được họ dùng để chỉ
các tổ chức tội phạm nguy hiểm...

Đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam, danh từ hội kín thường được dùng để chỉ các "hội"
chống Pháp của người dân Nam Kỳ, được tổ chức phỏng theo Thiên Địa hội của Hoa kiều.
Ngoài ra, "hội kín" cũng được dùng để gọi các Thiên Địa hội do người Hoa thành lập với mục
đích và tôn chỉ khác với người Việt. Còn các tổ chức cách mạng khác, hầu như không có nhà
nghiên cứu nào gọi là "hội kín" cả.

Trong đề tài của mình, tôi cũng quan niệm "hội kín" là các hội chống Pháp bí mật của
người dân Nam Kỳ. Các hội này được tổ chức theo kiểu Thiến Địa hội của người Hoa. Đồng
thời, tôi cũng dùng từ "hội kín" để gọi các Thiên Địa hội do người Hoa thành lập và không có
mục đích chống chính quyền thực dân.

Cần nói thêm rằng, "hội kín" chỉ là danh từ gọi chung nhiều hội khác nhau. Còn bản thân
mỗi hội đều có tên gọi riêng (ví dụ: hội Thiên Địa, hội Phục Hưng, Nghĩa Hòa đường...).

Với quan niệm như trên, phạm vi nghiên cứu của đề tài này là các hội kín theo kiểu Thiên
Địa hội, được lập ra với mục đích chống Pháp của người dân Nam Kỳ. Bên cạnh đó người viết
cũng đề cập ở một mức độ nhất định đến các Thiên Địa hội của người Hoa. Việc làm này nhằm
thấy rõ phần nào mối tương quan (nếu có) giữa các hội kín của người Hoa và người Việt.

11
Ngoài hai hình thức tổ chức bí mật vừa nêu, các hội, đảng khác đều không thuộc phạm vi
nghiên cứu của đề tài.

Về mặt thời gian, các sự kiện được nghiên cứu đều diễn ra khoảng cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX. Ở đây, việc xác định mốc thời gian mở đầu và kết thúc chỉ mang tính tương đối. Vì
tính chất bí mật nên các hội kín hầu như không để lại tài liệu gì. Do đó rất khó xác định chính
xác thời điểm xuất hiện của chúng. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở để khẳng định rằng vào khoảng
cuối thế kỷ XIX, nhiều hội kín đã ra đời trên đất Nam Kỳ. Vì vậy, người viết chọn khoảng thời
gian này để mở đầu việc nghiên cứu. Về sự tan rã của các hội kín, cũng không xác định được
mốc thời gian cụ thể. Thế nhưng, có thể nhận thấy rằng sau cuộc khởi nghĩa đầu năm 1916, các
hội kín Nam Kỳ không có hoạt động gì đáng ghi nhận. Do vậy, người viết chọn mốc thời gian
này để kết thúc quá trình nghiên cứu của mình.

4.Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình thực hiện đề tài "Hội kín Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX", tôi
chủ yếu sử dụng hai phương pháp chính của ngành học là phương pháp lịch sử và phương pháp
lôgic. Các sự kiện trong phong trào hội kín được tái hiện theo trình tự thời gian và gắn liền với
một không gian cụ thể. Đồng thời, các sự kiện ấy cũng được đặt trong bối cảnh chung của
phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. Trên cơ sở đó, tôi rút ra những nét đặc trưng cũng như
bản chất của phong trào chống Pháp dưới hình thức hội kín trên đất Nam Kỳ.

Ngoài hai phương pháp nêu trên, tôi cũng ít nhiều sử dụng phương pháp so sánh lịch sử
trong quá trình nghiên cứu. Việc vận dụng phương pháp này nhằm tìm ra mối tương quan và
những dị biệt của phong trào hội kín với các phong trào yêu nước khác.

5.Bố cục luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, chú thích và tài liệu tham khảo, nội dung chính của
luận văn gồm có 88 trang, chia thành ba chương:

Chương 1: Hoàn cảnh ra đời của các hội kín ở Nam Kỳ

Chương 2: Hội kín ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Chương 3: Hội kín Phan Xích Long - một điển hình của hội kín chống Pháp ở Nam Kỳ

12
CHƯƠNG 1: HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA CÁC HỘI KÍN Ở NAM KỲ

1.1.Phong trào dân tộc ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

1.1.1.Các phong trào đấu tranh vũ trang

Vùng đất Nam Kỳ là nơi sớm nổ ra phong trào kháng Pháp của nhân dân ta. Ngay từ
những ngày đầu thực dân Pháp nổ súng vào thành Gia Định (2-1859), người dân nơi đây đã
đứng lên phối hợp với quân triều đình đánh trả kẻ xâm lược. Sau khi quân triều đình thất bại và
vua tôi nhà Nguyễn kí hòa ước với giặc (05-06-1862), phong trào đấu tranh vẫn tiếp tục dưới
sự lãnh đạo của các thủ lĩnh như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn
Hữu Huân... Tuy không giành được thắng lợi, nhưng các phong trào này đã gây cho giặc Pháp
không ít khó khăn, tổn thất. Đồng thời, nó thể hiện rõ lòng yêu nước và tinh thân bất khuất của
nhân dân Lục tỉnh trước kẻ xâm lược.

1.1.1.1.Khởi nghĩa Trương Định

Trương Định xuất thân trong một gia đình võ quan, quế gốc ở Bình Sơn - Quảng Ngãi.
Thời Thiệu Trị (1841-1847), ông theo cha vào Nam, cư ngụ ở Gia Định. Sang thời Tự Đức, do
có công chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền nên Trương Định được triều đình phong làm phó
quản cơ (từ giữa 1861 ông được phong làm Quản cơ). Tháng 2-1859, khi quân Pháp từ Đà
Nang kéo vào đánh Gia Định, ông đã mang cơ binh đồn điền của mình đến phối hợp với quân
triều đình chống giặc. Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (2-1861), Trương Định đem quân về
Tân Hòa (Gò Công). Tại đây, ông tích cực chiêu tập lực lượng và xây dựng căn cứ kháng
chiến.

Sau hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), triều đình Huế ra lệnh bãi binh và điều Trương
Định đi làm lãnh binh An Giang. Trước hai con đường phải lựa chọn: tuân lệnh triều đình hay
tiếp tục ở lại lãnh đạo phong trào kháng Pháp, ông đã lựa chọn con đường thứ hai. Thể theo
nguyện vọng của nhân dân và nghĩa quân, ông xưng là "Bình Tây đại nguyên soái". Dưới sự
chỉ huy của Trương Định, nghĩa quân đã chiến đấu rất ngoan cường với kẻ thù. Các trận đánh ở
đồn Rạch Tra, đồn Phước Hòa, Thuộc Nhiêu... đã khiến cho giặc Pháp phải vất vả đối phó. Tuy
nhiên, xét về tương quan lực lượng, nghĩa quân vẫn yếu hơn so với kẻ thù. Vì vậy, trước các

13
đợt tấn công của giặc, nghĩa quân ngày càng gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Tháng 8-1864, trong
một trận vây quét của Pháp, Trương Định trúng đạn và hi sinh.

1.1.1.2.Khởi nghĩa Võ Duy Dương

Từ năm 1861, khi nghĩa quân Trương Định hoạt động mạnh ở Gò Công thì trên vùng Ba
Giồng, lực lượng của Võ Duy Dương cũng tích cực chiến đấu.

Võ Duy Dương quê ở An Nhơn (Bình Định), sinh năm 1827. Theo sử nhà Nguyễn,
khoảng tháng 5-1861, Võ Duy Dương (Chánh bát phẩm thiên hộ) cùng một số người khác được
phái vào Nam chiêu mộ nghĩa quân ở các tỉnh Long - Tường - An - Hà.

Năm 1861, ông lập căn cứ chống Pháp ở Bình Cách (nay thuộc Chợ Gạo - Tiền Giang).
Trong thời gian này, ông đã liên hệ chặt chẽ với các thủ lĩnh nghĩa quân khác, đặc biệt là
Trương Định.

Từ năm 1864, Võ Duy Dương tập trung xây dựng căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp
Mười. Sau cái chết của Trương Định (8-1864), Đồng Tháp Mười trở thành trung tâm kháng
chiến mới, thay thế căn cứ Gò Công. Bản thân Võ Duy Dương cũng trở thành người lãnh đạo
chủ yếu của phong trào kháng Pháp ở vùng Tiền Giang. Trong hơn hai năm (1864-1866) hoạt
động của nghĩa quân Võ Duy Dương ở vùng Đồng Tháp Mười đã khiến cho giặc Pháp phải lo
ngại. Vì vậy, chúng quyết định đánh một đòn mạnh để tiêu diệt trung tâm kháng chiến này.

Ngày 14-4-1866, quân giặc gồm khoảng 1.000 tên, có tàu chiến và đại bác yểm trợ, đồng
loạt tấn công Đồng Tháp Mười từ ba hướng. Sau những trận đấu ác liệt, đến ngày 18-4-1866,
Võ Duy Dương và nghĩa quân của ông đành để Đồng Tháp Mười lọt vào tay Pháp. Cuộc khởi
nghĩa thất bại. Tháng 10-1866, Võ Duy Dương lâm nạn và qua đời.

1.1.1.3.Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực (còn có tên là Nguyễn Văn Lịch) vốn là một ngư dân ở Tân An (Định
Tường). Ngay buổi đầu của phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ, ông đã đứng lên ứng nghĩa và
lập được nhiều chiến công. Trong đó, vang dội nhất là trận tấn công và đốt tàu Esperance của
Pháp trên sông Nhật Tảo, diễn ra vào ngày 10-12-1861. Đây là một chiến công lớn, làm nức
lòng người dân Lục tỉnh. Sau trận này, Nguyễn Trung Trực về Huế nhận chức Quản cơ do triều
đình phong tặng. Nhận chức xong, ông được cử về trấn thủ ở Hà Tiên. Khi Pháp chiếm ba tỉnh

14
Miền Tây (1867) Nguyễn Trung Trực vẫn ở lại Hà Tiên, lập căn cứ Hòn Chông để tiếp tục
kháng chiến.

Ngày 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân tấn công đồn Rạch Giá, gây
thiệt hại nặng cho giặc Pháp. Sau đó, khi Pháp kéo quân từ Vĩnh Long xuống chi viện cho Rạch
Giá, ông phải rút lực lượng ra Hòn Chông rồi rút ra Phú Quốc. Tháng 9-1868, Pháp kéo quân ra
Phú Quốc truy lùng nghĩa quân. Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân cố gắng kháng cự nhưng
vô hiệu. Cuối cùng, Nguyễn Trung Trực sa vào tay giặc. Chúng đưa ông về Sài Gòn để hỏi
cung. Ngày 27-10-1868, chúng đưa ông về xử tử tại Rạch Giá.

1.1.1.4.Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân

Cũng như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực... Nguyễn Hữu Huân là một
tên tuổi lớn trong phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ nửa sau thế kỷ XIX. Ông quê ở phủ Kiến
An, tỉnh Định Tường (nay thuộc Chợ Gạo - Tiền Giang). Năm 1852, ông đỗ đầu khoa thi
Hương tại Gia Định và ra làm quan cho nhà Nguyễn, về sau, ông được bổ chức giáo thụ phủ
Kiến An. Năm 1859, khi Pháp tấn công Gia Định, Nguyễn Hữu Huân đã mộ nghĩa dũng tham
gia chiến đấu bên cạnh quân đội triều đình. Sau hòa ước 1862, ông vẫn tiếp tục hoạt động
chống Pháp bên cạnh các thủ lĩnh Trương Định, Võ Duy Dương...

Tháng 7-1864, khi đang chiêu mộ lực lượng tại ba tỉnh Miền Tây, Nguyễn Hữu Huân bị
quan tỉnh An Giang bắt nộp cho Pháp. Ông bị giặc đày đi Cayenne (Nam Mỹ). Đến năm 1869,
ông được thả về nhưng phải chịu sự quản thúc của tên Việt gian Đỗ Hữu Phương. Mãi đến năm
1872, Nguyễn Hữu Huân mới trốn thoát và trở về vùng Mỹ Tho, Tân An. Tại đây, ông cùng Âu
Dương Lân và một số nhân sĩ Minh Hương tiếp tục khởi binh chống Pháp. Phong trào do ông
lãnh đạo lan ra khắp vùng Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn và được nhiều người hưởng ứng.

Tuy nhiên, tình hình lúc này rất bất lợi cho hoạt động của nghĩa quân (Lục tỉnh đã nằm
gọn trong tay Pháp, các phong trào kháng chiến lần lượt bị đàn áp...). Thêm vào đó, nghĩa quân
thiếu thốn khí giới, đạn dược... nên ngày càng suy yếu. Vì vậy, cuối năm 1874, khi Pháp tấn
công vào Bình Cách, nghĩa quân đã tan vỡ nhanh chóng. Sang năm 1875, thủ lĩnh Nguyễn Hữu
Huân bị giặc bắt và xử tử tại Mỹ Tho (19-5-1875). Cuộc khởi nghĩa thất bại hoàn toàn.

15
Mặc dù các phong trào vũ trang đều thất bại, nhưng không vì thế mà ngọn lửa đấu tranh
của nhân dân lụi tắt. Nó vẫn tiếp diễn dưới một hình thức khác, một hình thức mang đậm màu
sắc tôn giáo, thần bí. Lãnh đạo cuộc đấu tranh này là những nhà yêu nước thuộc các giáo phái
ra đời ở Nam Kỳ như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa...

1.1.2.Phong trào đấu tranh của các giáo phái yêu nước

1.1.2.1.Bửu Sơn Kỳ Hương và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa

Giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời ở Nam Kỳ vào giữa thế kỷ XIX. Người sáng lập và
truyền đạo là ông Đoàn Văn Huyên (1807-1856), quê ở làng Tòng Sơn, thuộc Cái Tàu Thượng,
Sa Đéc, Đồng Tháp. Năm 1849, Đoàn Văn Huyên đến làng Kiến Thạnh (miền Thất Sơn - An
Giang) giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành. Ông đã chữa bệnh cho người dân nơi đây bằng
pháp thuật và bùa chú [5, tr 47]. Đồng thời, ông bắt đầu khai mở một tôn giáo mới - một tôn
giáo mang những yếu tố Phật, Nho, Đạo kết hợp với việc dùng phương thuật. Đoàn Văn Huyên
gọi đạo của ông là Bửu Sơn Kỳ Hương. Nguyên lý căn bản của Bửu Sơn Kỳ Hương là Tu thân
học Phật và thực hiện đền đáp Tứ đại trọng ân gồm ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo
(Phật, Pháp, Tăng), ân đồng bào nhân loại [5, tr 52-53].

Chỉ sau một thời gian ngắn truyền đạo, Đoàn Văn Huyên đã thu được một số lượng tín đồ
khá lớn. Ông được các tín đồ tôn xưng là Đức Phật Thầy Tây An. Những người nhập đạo đều
được đức Phật Thầy phát cho một Lòng phái bằng giấy màu vàng trên có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ
Hương in bằng dấu triện son [5, tr 54].

Trong quá trình hành đạo, ngoài việc dạy cho tín đồ tu học và chữa bệnh cho mọi người,
Phật Thầy còn chú ý đến việc khẩn hoang. Sau khi Phật Thầy Tây An mất, các đệ tử đã tiếp nối
sự nghiệp truyền đạo cứu đời của ông. Không những thế, họ còn đứng lên gánh vác nhiệm vụ
đánh Pháp, giải phóng dân tộc. Hành động này hoàn toàn phù hợp với một trong những nguyên
lý căn bản của Bửu Sơn Kỳ Hương, đó là bổn phận đền đáp "ân đất nước". Đồng thời nó thể
hiện tinh thần yêu nước của các tín đồ trong giáo phái. Phong trào chống Pháp của Bửu Sơn Kỳ
Hương vào nửa cuối thế kỷ XIX được đánh dấu bằng cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Lãnh đạo của
cuộc khởi nghĩa này là Trần Văn Thành, một đệ tử thân tín của Phật Thầy Tây An. Trần Văn
Thành quê ở làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay
thuộc Châu Phú - An Giang). Dưới triều Thiệu Trị và Tự Đức, Ông đã từng giữ chức Chánh

16
quản cơ. Năm 1867, ông tổ chức lực lượng để khởi nghĩa chống Pháp. Những hoạt động đầu
tiên của nghĩa quân Trần Văn Thành là phá hoại bộ máy thống trị của thực dân ở An Giang"
[12, tr 87]. Đầu năm 1868, ông cùng nghĩa quân rút sâu vào cánh đồng Láng Linh hoang vu,
xây dựng tại rừng Bảy Thưa một hệ thống đồn lũy, tích trữ lương thực, rèn đúc vũ khí để sống
mái với quân thù. Đến năm 1872, Pháp phát hiện các hoạt động của nghĩa quân và chuẩn bị
đánh phá. Tháng 3-1873, Pháp đã mở một cuộc tấn công quy mô vào căn cứ Bảy Thưa. Trần
Văn Thành chỉ huy nghĩa binh kháng cự quyết liệt. Song, do hỏa lực của giặc quá mạnh, nghĩa
quân đành thúc thủ. Căn cứ Bảy Thưa bị Pháp phá tan, Trần Văn Thành mất tích.

Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, chính quyền thực dân ra nghị định
nghiêm cấm mọi người theo Đạo Lành (tức Bửu Sơn Kỳ Hương). Trước sự truy bức, khủng bố
của thực dân Pháp, tầm ảnh hưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương thu hẹp dần [5, tr 57-58].

Mặc dù vậy, phong trào kháng Pháp dưới hình thức tôn giáo vẫn tiếp diễn. Trong đó đáng
chú ý nhất là hoạt động của tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa -một giáo phái có nhiều nét tương
đồng với Bửu Sơn Kỳ Hương.

1.1.2.2.Hoạt động chông Pháp của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời vào khoảng năm 1867. Người lập đạo là Ngô Lợi (còn gọi là
Ngô Tự Lợi, Ngô Văn Lợi, ông Năm Thiếp). Ông sinh năm 1831 tại Kiến Hòa, Mỏ Cày, Bến
Tre và mất năm 1890 tại làng An Hòa (nay thuộc An Giang) [5, tr 58].

Tháng 05 năm 1867, Ngô Lợi chính thức truyền đạo và dạy nghi thức hành đạo cho dân
chúng. Cũng như Đức Phật Thầy Tây An trước kia, quá trình truyền đạo của Ngô Lợi gắn liền
với việc chữa bệnh cho mọi người bằng bùa chú. Ngoài ra, ông còn dẫn tín đồ đi khai hoang ở
núi Tượng (vùng Thất Sơn). Năm 1870, Ngô Lợi chính thức nhận danh hiệu Đức Bổn Sư và
thực hiện phát "Lòng phái" khi thu nhận tín đồ. Đạo của ông phát triển mạnh ở các tỉnh An
Giang, Kiên Giang, nhất là miền Thất Sơn (An Giang).

Cùng với việc truyền đạo, thu nhận tín đồ, Ngô Lợi còn tích cực chuẩn bị lực lượng để
chống Pháp. Năm 1878, Ngô Lợi đã tổ chức cuộc khởi nghĩa ở vùng Thuộc Nhiêu, Cai Lậy,
tỉnh Mỹ Tho. Hai người được ông phân công làm chánh, phó tướng trực tiếp chỉ huy cuộc khởi
nghĩa là Ong và Khả (không rõ họ). Theo ước đoán, lực lượng, khởi nghĩa lên đến sáu, bảy

17
trăm người... Vì kế hoạch sớm bại lộ, cuộc khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp đàn áp nhanh chóng.
Hai tướng Khả, Ong lần lượt bị bắt [5, tr 242]. Chính quyền thực dân ra lệnh truy nã Ngô Lợi.
Đồng thời chúng nhiều lần huy động lức lượng tấn công vào vùng núi Tượng - nơi được xem là
"thánh địa" của Tứ Ân Hiếu Nghĩa (trong khoảng thời gian 1881 -1888). Sự đàn áp của chính
quyền thực dân đã làm cho hoạt động của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa dần suy yếu. Sau cái
chết của Đức Bổn Sư Ngô Lợi (1890), phong trào kháng Pháp của giáo phái này xem như chấm
dứt.

Ngoài các phong trào đấu tranh mang màu sắc tôn giáo nêu trên, ở Nam Kỳ còn có các
cuộc khởi nghĩa của Lê Tấn Kế, Trần Bình ở Bà Động (Trà Vinh), Phan Công Hớn ở Hóc Môn
(Gia Định), các hoạt động chống Pháp dưới danh nghĩa cần Vương của Lê Công Chánh, Đào
Công Bửu...

Nhìn chung, các phong trào dân tộc ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX đều thất bại. Cùng
lúc, ở miền Bắc và miền Trung, ngọn cờ cần vương cũng bị Pháp bẻ gãy. Điều đó cho thấy
đường lối cứu nước theo khuôn mẫu phong kiến không còn phù hợp nữa. Sự lạc hậu về chính
trị, kinh tế, quân sự của đất nước đã khiến cho cuộc đấu tranh giải phóng giải phóng dân tộc
lâm vào bế tắc. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải đổi mới trên tất cả các mặt để đưa phong
trào yêu nước đi lên. Đầu thế kỷ XX, một số si phu tiến bộ đã nhận thức được tình hình này.
Họ đứng lên phát động phong trào duy tân trên khắp Bắc - Trung - Nam. Mục đích của phong
trào ngoài việc mở mang dân trí, chấn hưng thực nghiệp... còn nhằm vào việc hướng cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc đi theo tư tưởng mới - tư tưởng dân chủ tư sản.

1.1.3.Phong trào Minh tân đầu thế kỷ XX

Vào đầu thế kỷ XX, cũng như ở Bắc và Trung, phong trào duy tân ở Nam Kỳ đã diễn ra
khá sôi nổi. Phong trào ở đây gắn liền với vai trò của các nhân vật như Trần Chánh Chiếu
(Gilbert Chiếu), Nguyễn An Khương... Trong đó, vai trò quan trọng nhất thuộc về Trần Chánh
Chiếu. Ông là người tích cực ủng hộ phong trào Đông du của Phan Bội Châu. Đồng thời, ông
cũng là người đi đầu trong cuộc vận động duy tân ở miền Nam.

Trong quá trình vận động duy tân, Trần Chánh Chiếu đã kêu gọi mọi người hãy chú trọng
đến việc phát triển kỹ nghệ, mở mang thương mãi... Không dừng lại ở việc hô hào, cổ súy, ông
còn bắt tay vào hành động. Tháng 6 năm 1908, cùng với Nguyễn Thành Út, Trần Chánh Chiếu

18
đã thành lập Nam Kỳ Minh tân công nghệ xã. Đây là một công ty cổ phần, đặt trụ sở ở Mỹ
Tho. Công ty nêu rõ kế hoạch hoạt động là lập lò chỉ (máy kéo sợi bông vải), lò dệt, làm xà
phòng, thuộc da và làm đồ pha lê. Đồng thời, điều lệ của công ty cho biết sẽ dạy học sinh làm
nghề này. Ngoài Nam Kỳ Minh tân công nghệ, Trần Chánh Chiếu còn đứng ra quản lý Nam
trung khách sạn (tại Sài Gòn) và Minh tân khách sạn (tại Mỹ Tho).

Một nhân vật khác cũng có nhiều đóng góp cho phong trào Minh tân Nam Kỳ, đó là
Nguyễn An Khương. Ông đã lập ra Chiêu Nam lầu ở Sài Gòn, vừa làm tiệm bán cơm, vừa làm
khách sạn. Qua hành động này, ông kêu gọi đồng bào hãy mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh, đừng
để các nguồn lợi rơi hết vào tay Hoa kiêu và An kiểu.

Ngoài các hoạt động mở mang công thương nghiệp, những người khởi xướng phong trào
Minh tân cũng rất chú trọng đến lĩnh vực báo chí. Để cổ động cho phong trào, một tờ báo tiếng
Việt đã ra đời, lấy tên là Lục Tỉnh Tân Văn. Báo ra số đầu tiên vào ngày 14-11-1907, chủ bút là
Trần Chánh Chiếu (bút danh Trần Nhựt Thăng). Trong giai đoạn đầu (Ì 1-1907 đến 11-1908) tờ
báo công khai cổ súy cho hoạt động Minh tân.

Cũng như các cuộc đấu tranh hồi cuối thế kỷ XIX, phong trào Minh tân đã thể hiện rõ tinh
thần yêu nước của những người tham gia. Bản thân Trần Chánh Chiếu - yếu nhân của phong
trào - là người chủ trương "đánh đổ thực dân Pháp, thành lập chế độ quân chủ lập hiến" [14, tr
179]. Trụ sở của một số tổ chức công nghệ và thương mãi do những người khởi xướng cuộc
Minh tân lập ra là nơi hội họp với mục đích chính trị. Tờ Lục Tỉnh Tân Văn - cơ quan ngôn
luận của phong trào (từ số 1 đến số 50) thể hiện lập trường chống thực dân rõ rệt và cổ vũ
mạnh mẽ tinh thần dân tộc.

Tuy có mục tiếu hoạt động tích cực như vậy, nhưng phong trào Minh tân Nam Kỳ chỉ lôi
cuốn được tầng lớp trên của xã hội (địa chủ, thân hào, nhân sĩ...). Đối với giới nông dân và các
tầng lớp dân nghèo khác, phong trào chưa thu hút được họ. Do đó, phong trào thiếu đi sự ủng
hộ của một lực lượng xã hội đông đảo, có tinh thần chống Pháp cao.

Trong khi cuộc vận động Minh tân đang diễn ra sôi nổi thì tháng 10-1908, Gilbert Chiếu
bị chính quyền thực dân bắt. Sau sự kiện này, phong trào Minh tân ở Nam Kỳ lắng xuống dần
và không bao lâu thì kết thúc.

19
Ngoài các phong trào yêu nước nêu trên, người dân Nam Kỳ còn có một hình thức hoạt
động khác gây không ít khó khăn cho chính quyền thực dân: hoạt động của các hội kín. Đây là
các hội kín chống Pháp được tổ chức theo kiểu Thiên Địa hội của người Trung Hoa. Các hội
kín này bắt đầu hình thành trong những thập niên cuối thế kỷ XIX và hoạt động mạnh vào đầu
thế kỷ XX. So với phong trào Minh tân, phong trào hội kín Thiên Địa hội có sức hút mạnh mẽ
hơn đối với người nông dân.

1.2.Lưu dân người Hoa và sự du nhập hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ

1.2.1.Sơ lược về lịch sử hội kín Thiên Địa hội ở Trung Quốc (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ
XIX)

Các bang hội bí mật ở Trung Quốc (các nhà nghiên cứu phương Tây thường gọi là Hội
kín - Secret Society) có một lịch sử lâu đời. Đây là tổ chức của những người có xu hướng
chống lại sự kiểm soát, ràng buộc của chính quyền phong kiến. Hoạt động của các tổ chức này
rất đa dạng, tùy thuộc mục đích, tôn chỉ mà những người thành lập đề ra. Đối với các bang hội
mang tính chất chính ưị, việc lật đổ chính quyền hiện tại luôn là mục tiêu hàng đầu. Ở một số
bang hội khác, hoạt động của họ chỉ nhằm chống lại tình trạng bất công trong xã hội. Những
bang hội này thường làm những việc nghĩa hiệp như trừng trị bọn quan lại, địa chủ tàn ác, giúp
đỡ dân nghèo cô thế... Bên cạnh đó, cũng có những bang hội chuyên cướp bóc và tranh giành
địa vị cao thấp trong chốn giang hồ.

So với các hội kín khác trên đất Trung Quốc, Thiên Địa hội ra đời muộn hơn rất nhiều.
Phần đông các nhà nghiên cứu đều cho rằng tổ chức này được thành lập vào năm 1674 (năm
Khang Hy thứ 13 - nhà Thanh). Những người lập hội là các Tăng binh (militant Buddhist
monks) của Thiền viện Thiếu Lâm ở huyện Phổ Thiến, phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến [25, tr
5](1).

Sự kiện này bắt nguồn từ việc triều đình nhà Thanh thẳng tay đàn áp các nhà sư ở Thiền
viện Thiếu Lâm. Trước đó, do có công giúp triều đình đánh giặc, các nhà sư đã được vua
Khang Hy ban thưởng một số bảo vật và một cái ấn. Với cái ấn này, xem như họ đã được vua
trao cho một quyền lực không nhỏ. Trong khi đó, tại triều đình, có hai viên quan đang nuôi âm
mưu phản loạn. Chúng tỏ ra ghen tức khi thấy các nhà sư được trao nhiều quyền hành và e ngại
trước khả năng chiến đấu của họ. Vì vậy, hai tên rắp tâm lập kế hãm hại. Chúng sàm tấu với

20
nhà vua rằng các nhà sư đang âm mưu tạo phản. Lời tâu của chúng khiến Khang Hy vô cùng lo
lắng. Nhà vua phái ngay một đạo quân - do hai tên quan này chỉ huy - đến tấn công Thiền viện
Thiếu Lâm.

Nhờ sự giúp đỡ của một nhà sư (người này bị đuổi khỏi chùa vì không giữ giới luật, đã
phản bội lại sư môn) quân triều đình đã bí mật tiếp cận ngôi chùa. Lợi dụng lúc trời tối, họ phát
động tấn công. Ngôi chùa bị phóng hỏa và chỉ trong một thời gian ngắn, nó chìm trong ngọn
lửa ngút trời. Chỉ có mười tám nhà sư thoát khỏi ngọn lửa. Trong số này, có mười ba người
chết sau khi chiến đấu ác liệt với quân triều đình, chỉ năm người sống sót.

Năm vị sư sống sót đã bôn tẩu qua các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc để tránh sự truy quét của
quân Mãn Thanh. Một thời gian sau, họ tình cờ gặp một người tên là Trần Kim Nam. Đây là
một viên quan của triều đình, bị biếm chức vì đã chỉ trích cuộc tấn công lật lọng vào Thiền viện
Thiếu Lâm. Sau khi rời khỏi quan trường, ông đã sống như một nhà ẩn dật và dụng tâm nghiên
cứu những khía cạnh khó hiểu của đạo giáo. Tuy nhiên, ông vẫn ấp ủ tư tưởng chống lại nhà
Thanh và kiên nhẫn chờ đợi thời cơ để nổi lên. Trần Kim Nam đã mời các nhà sư ở lại với ông
tại một ngôi miếu nhỏ tên là Hồng Hoa Đường. Từ đây, họ tích cực tập hợp lực lượng để chống
lại nhà Thanh. Trong số người đến tham gia, có một thanh niên xưng danh là Chu Hồng Chu,
cháu nội của vua Sùng Trinh (vua cuối cùng của nhà Minh). Sự xuất hiện của Hồng Chu làm
mọi người thêm hăng hái và muốn khởi sự ngay.

Ngày 25 tháng 7 năm 1674, Trần Kim Nam và năm nhà sư đã tập hợp mọi người để thành
lập một hội bí mật với tôn chỉ "Phản Thanh phục Minh". Tất cả các thành viên trong hội thề kết
làm anh em, sinh tử có nhau. Tổ chức của họ có tên gọi là Thiên Địa hội. Ngoài ra, nó còn có
một số tên gọi khác như: Hồng hội, Tam Hoàng hội, Tam Hợp hội...[25, tr 1](2).

Sau khi thành lập, Thiên Địa hội đã có một vài trận đụng độ với quân lính của triều đình
nhưng không thành công. Trước tình hình đó, Trần Kim Nam đã triệu tập một cuộc họp bí mật
của hội để bàn định kế hoạch hoạt động trong thời gian kế tiếp. Ông khuyên mọi người hãy
kiên nhẫn và chỉ ra rằng thời cơ lật đổ nhà Thanh chưa chín muồi. Công việc trước mắt là phải
mở rộng cơ sở của hội ra khắp Trung Quốc. Qua đó, hội sẽ thu nạp thêm những người có tư
tưởng "Phản Thanh phục Minh". Trước khi phân tán lực lượng đi khắp nơi, năm phân đàn của

21
Thiên Địa hội được thành lập. Mỗi phân đàn do một trong năm vị sư chùa Thiếu Lâm phụ trách
[25, tr 8] (3).

Mặc dù ra đời từ thời Khang Hy, nhưng phải đến nửa sau thế kỷ XVIII, Thiên Địa hội
mới có những hoạt động gây được ảnh hưởng lớn. Vào năm 1787, người cầm đầu tổ chức
Thiên Địa hội ở Đài Loan là Lâm Sương Văn đã phát động một cuộc nổi dậy chống lại nhà
Thanh. Cuộc nổi dậy đã bị nhà Thanh đàn áp. Lâm Sương Văn bị bắt đem về Bắc Kinh và bị
xử tử. Tuy không thành công nhưng hoạt động của Lâm Sương Văn có tiếng vang khá xa.

Sang thế kỷ XIX, Thiên Địa hội vẫn tiếp tục là một tổ chức chống đối mạnh mẽ chính
quyền Mãn Thanh. Đáng chú ý là, vào năm 1900, tổ chức Thiên Địa hội do Cheng Pi Ch'en (?)
lãnh đạo đã tham gia Hưng Trung hội của Tôn Trung Sơn. Trong cuộc cách mạng Tân Hợi năm
1911 do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, Thiên Địa hội đã có đóng góp tích cực. Ngoài ra, tổ chức này
cũng hưởng ứng cuộc đấu tranh của quần chúng chống các nước đế quốc can thiệp vào nội tình
Trung Hoa.

Có thể nói, sự ra đời và phát triển của các hội kín Thiên Địa hội là một hiện tượng nổi bật
của xã hội Trung Quốc trong các thế kỷ XVII - XIX. Với khẩu hiệu "Phản Thanh phục Minh",
nó đã thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là dân nghèo. Tổ chức của
hội rất chặt chẽ. Các hội viên phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bí mật và kỷ luật mà người chỉ
huy đặt ra. Theo tài liệu do Schlelgel sưu tầm về hội kín Thiên Địa hội ở Indonesia thì tổ chức
này có 72 điều luật và 36 lời thề (4). Nội dung chủ yếu 72 điều luật và 36 lời thề bao gồm: các
hội viên phải trung thành với lý tưởng của hội; phải bảo vệ bí mật và không làm phương hại
đến hội; các thành viên phải bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau, không được lấn hiếp, hãm hại nhau;
không để cho quan quân xen vào chuyện của hội...

Ngoài các điều luật ra, hội kín Thiên Địa hội còn quy định một loạt các mật hiệu, tiếng
lóng mà các hội viên phải học thuộc. Mục đích của các quy định này là giúp cho các thành viên
nhận biết nhau và bảo vê bí mật của hội (5).

Về các nghi lễ thờ cúng, hội kín Thiên Địa hội chịu ảnh hưởng đậm nét từ Phật giáo, Đạo
giáo và các loại hình tín ngưỡng dân gian khác. Hội thường sử dụng bùa chú, phương thuật và
các lễ nghi mang tính thần bí trong quá trình hoạt động.

22
Bên cạnh các yếu tố Phật, Đạo, hội kín Thiên Địa hội còn mang ít nhiều tư tưởng Nho
giáo. Tư tưởng trung quân (trung thành với nhà Minh), hiếu nghĩa với cha mẹ, giữ chữ tín với
anh em... luôn được đề cao. về sau, khi biến tướng thành các tổ chức chuyên hoạt động phi
pháp, các hội kín đã từ bỏ hầu hết những lý tưởng tốt đẹp buổi ban đầu.

Trong quá trình phát triển, Thiên Địa hội đã dân mở rộng phạm vi hoạt động ra khỏi lãnh
thổ Trung Quốc. Vào các thế kỷ XVIII, XIX, tổ chức này đã theo chân lưu dân người Hoa du
nhập vào các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Philippin, Mã Lai... Trên vùng đất mới, khẩu
hiệu "Phản Thanh phục Minh" vẫn được Thiến Địa hội sử dụng nhưng bị mai một dần. Phần
lớn các hội chỉ hoạt động với mục đích tương tế. Thậm chí, có hội còn biến tướng thành các tổ
chức tội phạm và gây cho chính quyền sở tại mối lo ngại thường xuyên.

1.2.2.Lưu dân người Hoa và sự du nhập các hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ.

Việc người Hoa di cư và định cư ở Việt Nam có một lịch sử lâu đời. Từ những năm đầu
công nguyên, cùng với chính sách mở rộng lãnh thổ xuống phía nam của phong kiến Trung
Quốc, người Hoa đã bắt đầu di cư sang Việt Nam. Quá trình này diễn ra trong suốt nhiều thế
kỷ, khi ít khi nhiều, tuy vào tình hình Trung Hoa biến động hay ổn định. Trong những đớt di cư
của người Hoa sang nước ta, đợt di cư vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX là đáng kể nhất.

Vào thế kỷ XVII, khi Trung Quốc bị người Mãn Thanh thống trị, một số đông dân chúng
và các cựu thần nhà Minh đã rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống. Nơi họ tìm đến nhiều
nhất là các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cũng trong thời gian này, người Việt bắt
đầu đẩy mạnh các hoạt động khai phá vùng đất phương Nam (Nam Bộ ngày nay). Công cuộc
khai phá được chinh quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong khuyến khích và bảo trợ. Đối với
những lưu dân người Hoa, các Chúa Nguyễn cũng dung nạp và đưa họ vào mở mang vùng đất
mới. Sử nhà Nguyễn đã ghi lại trường hợp hai cựu thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần
Thượng Xuyên đem theo 3.000 người đến thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần (năm 1679). Chúa
Nguyễn đã thu nhận và cho họ vào khai phá vùng đất tương ứng với Mỹ Tho và Biên Hoa ngày
nay.

Sang thế kỷ XVIII, khi công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ được đẩy mạnh, các nhóm
người Hoa cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trên vùng đất còn hoang vu, người Hoa đã góp sức
với người Việt bạt rừng vỡ đất, tạo lập xóm làng. Không chỉ vậy, họ còn bắt tay vào hoạt động

23
thương mãi và lập nên các phố chợ nổi tiếng một thời như Cù Lao Phố, Mỹ Tho đại phố... Do
điều kiện sống trên vùng đất mới khai phá tương đối thuận lợi, phần lớn di dân người Hoa đã
chọn nơi đây làm chốn định cư. Họ quần tụ thành những cộng đồng đông đảo và ổn định. Hầu
như khắp vùng đất Nam Bộ, nơi nào cũng có người Hoa cư trú. Song, nơi họ tập trung đông
nhất là Sài Gòn, Chợ Lớn. Điều đáng chú ý là người Hoa ở Việt Nam (trừ người Minh Hương)
đều liên kết với nhau theo hình thức bang hội một cách chặt chẽ.

Từ đầu thế kỷ XIX trở đi, làn sóng di cư của người Hoa sang nước ta vẫn tiếp tục. Các
vua nhà Nguyễn như Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức đều có những chính sách mềm mỏng đối
với Hoa kiều. Thể theo nguyện vọng của những người Hoa có công trạng với triều đình, vua
Gia Long đã cải tổ lại các bang hội và cho thành lập bảy bang là Phúc Kiến, Phúc Châu, Triều
Châu, Quảng Châu, Quế Châu, Lôi Châu, và Hải Nam. Khi Lục tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay Pháp,
các bang hội của Hoa Kiều có một số thay đổi. Tuy nhiên, không có xáo trộn gì lớn trong các tổ
chức này [21, tr 21].

Trong quá trình nhập cư vào Việt Nam, người Hoa đã đem theo những yếu tố văn hoa, tín
ngưỡng của dân tộc họ. Ở đâu có cộng đồng Hoa kiều là ở đó mọc lên chùa miếu, hội quán với
những nét rất riêng. Họ luôn có ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa của riêng mình, không để nó hòa
tan vào nền văn hoa bản địa. Ngoài văn hóa, tín ngưỡng, di dân người Hoa còn du nhập vào
nước ta các tổ chức mang tính chất tôn giáo hoặc chính trị. Trong đó, đáng kể nhất là các hội
kín Thiến Địa hội. Đây là tổ chức có ảnh hưởng khá đậm nét đối với hoạt động chống Pháp của
người dân Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Như đã trình bày, Việt Nam là nơi di dân người Hoa đến định cư từ rất sớm. Trong các
thế kỷ XVIII, XIX, họ chủ yếu đến làm ăn sinh sống tại vùng đất Nam Kỳ. Phần đông trong số
này là những người có tư tưởng "Phản Thanh phục Minh". Vì vậy, hội kín Thiên Địa hội - một
tổ chức phản Thanh có quy mô nhất miền Hoa Nam - có mặt ở Nam Kỳ là điều dễ hiểu. Các
thành viên của Thiên Địa hội đã hòa vào dòng người di cư để đến miền Nam nước ta vào
khoảng nửa sau thế kỷ XIX. Theo ý kiến và tài liệu của Emile Puech (Chủ tỉnh Hà Tiên, người
từng ở Long Xuyên đàn áp cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa) thì Thiên Địa hội đã có từ trước khi
Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây [15, tr 94]. Nếu thông tin này chính xác thì có thể khẳng định
rằng, Thiên Địa hội của người Hoa đã xuất hiện ở Nam Kỳ trước năm 1867. Đến năm 1875,

24
thực dân Pháp đã bắt được vài nhóm Thiên Địa hội, trước tiên là vụ Trương Đế Điển. Nhân vật
này là người Triều Châu, ở tại Biên Hòa, thuộc nhóm Nghĩa Hòa công ty [15, tr 92]. Trong báo
cáo gởi Giám đốc nội vụ ngày 21-4-1875, viên Chủ tỉnh Chợ Lớn cho biết có hai ông bang
(thuộc bang Triều Châu) đã tố cáo một lãnh tụ Thiên Địa hội tên Tsiao Sen(?) đang hoạt động
tại Chợ Lớn, cưỡng bách giới Hoa kiều ở địa phương phải gia nhập [15, tr 93-94]. Ở Sóc
Trăng, từ năm 1877 chính quyền cũng nhận ra sự hoạt động của Thiên Địa hội. Từ những năm
80 của thế kỷ XIX trở đi, các hội kín Thiên Địa hội xuất hiện ngày càng nhiều ở Nam Kỳ. Hoạt
động của các hội kín này khiến chính quyền thực dân lo ngại. Vì vậy, chúng đã đưa ra nhiều
biện pháp đối phó. Ngày 1-9-1882, Bộ Thuộc địa Pháp đã ra một công văn "Chuẩn y các biện
pháp nghiêm khắc đối với hội kín có tên Thiên Địa hội" [17, tr 120]. Tuy nhiên các hội kín vẫn
tiếp tục hoạt động mạnh và không ngừng thu nạp thêm thành viên mới. Báo cáo của các viên
chức người Việt ở địa phương gởi cho các Chủ tỉnh, rồi báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ gởi
Toàn quyền Đông Dương... đã xác thực điều này. Xin được dẫn ra đây một vài trường hợp cụ
thể.

Ngày 26-7-1894, ở Gò Công, viên phó quản Phạm Văn Ký đã có tờ bẩm gởi Chủ tỉnh về
việc một số Hoa kiều đến địa phương này để "xúi giục" mọi người vào hội kín. Dựa vào tin tức
do Chung Lộc và Châu Nhữ (bang trưởng và bang phó bang Quảng Đông ở Gò Công) cung
cấp, Phạm Văn Ký cho biết: có ba người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn là Lý Quế, Lê Hớn và Long
Phi đã đến trú tại nhà Trần Chiêu (cũng là một người Hoa). Một hôm, ba người này đến nhà
các người Hoa là Thái Tường, Quản Đăng và Diệp Hữu để xúi giục việc thu nạp họ vào hội kín
Thiên Địa hội. Tuy nhiên, Thái, Quản, Diệp đều từ chối và đi báo cho bang trưởng và bang phó
biết. Sau đó, Lý Quế, Lê Hớn, Long Phi và Diệp Hữu đã bị bắt.

Ngày 15-11-1894, trong báo cáo gởi Toàn quyền Đông Dương về vụ Lý Quế, Lê Hớn,
Thống đốc Nam Kỳ nêu ý kiến "Tôi nghĩ rằng trước khi trục xuất hai tên này ra khởi thuộc địa,
nên đày chúng ra nhà tù Côn Đảo để cách ly chúng trong thời hạn năm năm. Nếu trục xuất
ngay về Trung Hoa thì chúng có thể bắt mối để trở lại Nam Kỳ " [32].

Cũng trong năm này, một nhóm người Hoa đã đến Rạch Giá để lập hội kín tên là "Đệ
huynh". Báo cáo của Xã trưởng xã Vĩnh Thanh Vân cho biết nhóm này có năm người Quảng
Đông là Phùng Trác, Mạc Táo, Trần Nhâm, Thôi Hiền và Trương Hương. Họ đến nhà một

25
người Hoa ở Rạch Giá tên là Khứu Diệu để bàn định việc lập hội. Xã trưởng Vĩnh Thanh Vân
cùng với viên phó quản sỏi đã đem lính đến vây bắt được cả năm người. Trong khi khám xét,
họ thu được một lá bùa và hai tấm giấy hồng đào ghi tên 15 người Hoa khác. Vụ việc được
chính quyền thực dân điều tra tỉ mỉ. Ngày 15-5-1894, một viên chức chịu trách nhiệm điều tra
vụ này đã gởi cho Chủ tỉnh Rạch Giá một bản báo cáo (cuối bản báo cáo ghi là Le Huyện và kí
tên không rõ). Ông ta cho rằng hội "Đệ huynh" là một tổ chức phạm pháp cần trấn áp ngay.
Còn trong bản báo cáo gởi Thống đốc Nam Kỳ (25-6-1894) về hội kín "Đệ huynh", viên Chủ
tỉnh Rạch Giá đã viết "Ngay từ đầu tôi đã đoán (hội kín) đó là Thiên Địa hội". Viên Chủ tỉnh đề
nghị đày Phùng Trác và Lợi Toàn (theo các quan chức thực dân, đây là hai người đầu sỏ) ra
Côn Đảo hai năm và trục xuất khỏi thuộc địa [30], [31].

Nhìn chung, từ những thập niên cuối thế kỷ XIX, hội kín Thiên Địa hội đã theo chân Hoa
kiều có mặt nhiều nơi ở Nam Kỳ. Từ các tỉnh miền Đông như Biên Hòa, Chợ Lớn, Gia Định
cho đến các tỉnh miền Tây như Gò Công, Rạch Giá, Sóc Trăng... nơi nào cũng có cơ sở của
Thiên Địa hội. Số người Hoa định cư đông đảo khắp Nam Kỳ là điều kiện thuận lợi để các tổ
chức này hình thành và phát triển. Trên đất Nam Kỳ, các hội kín không chỉ theo đuổi lý tưởng
"Phản Thanh phục Minh" như các phong trào ở Trung Quốc. Chúng cũng không đơn thuần là
các tổ chức tương tế của cộng đồng Hoa kiều. Điều đó thể hiện rất rõ qua các hoạt động phức
tạp của hội cũng như biện pháp đối phó của chính quyền thực dân.

Trong quá trình hoạt động, các hội kín của người Hoa đã thu hút khá đông người Việt
tham gia. Sau đó, người Việt tách ra thành lập các tổ chức riêng. Họ thay khẩu hiệu "Phản
Thanh phục Minh" bằng khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam". Như vậy, bối cảnh Nam Kỳ những
năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tạo điền kiện cho sự xuất hiện các hội kín của người
Việt. Với mục tiếu "Phản Pháp phục Nam", các tổ chức này thực sự trở thành một hình thức
đấu tranh cứu nước mới của người dân nơi đây.

26
CHƯƠNG 2: HỘI KÍN Ở NAM KỲ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ
XX

2.1.Sự hình thành các hội kín của người Việt

Từ những năm 80 của thế kỷ XIX, phong trào dân tộc ở Nam Kỳ lâm vào tình trạng khó
khăn, bế tắc. Trước đó, các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn
Hữu Huân... đều lần lượt thất bại. Kế đến phong trào chống Pháp của các giáo phái Bửu Sơn
Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng tan rã trước sự đàn áp của chính quyền thực dân. Giữa
thập kỷ 80, những người theo Đạo Phật Đường có phát động một cuộc nổi dậy (đầu năm 1885).
Song, cuộc nổi dậy của họ (đốt khám lớn Sài Gòn và giết gia đình Đốc Phủ Ca ở Hóc Môn) chỉ
là sự biểu hiện tinh thần bất khuất của người dân mất nước ưước kẻ thù xâm lược. Nó không
phải là dấu hiệu cho thấy phong trào dân tộc đang phục hồi và phát triển.

Trong bối cảnh đó, các hội kín Thiên Địa hội của Hoa kiều đã xuất hiện và hoạt động
ngày càng mạnh ở Nam Kỳ. Nếu như ở Trung Quốc, Thiến Địa hội chống lại quyền thống trị
của triều đình Mãn Thanh thì ở Nam Kỳ, họ cũng chống lại sự kiểm soát của thực dân Pháp.
Đây chính là đặc điểm nổi bật của các hội kín Trung Hoa: họ luôn hoạt động ngoài vòng pháp
luật và đối lập với nhà cầm quyền. Tất nhiên, không thể xem hành động chống chính quyền
thực dân của Thiên Địa hội là do ý thức dân tộc. Người Hoa ở Việt Nam (trừ số người đã Việt
hóa) phần đông vẫn hướng về cố quốc của họ. Đối với nơi đang sống, họ chủ yếu gắn bó về
mặt kinh tế và rất ít dính líu đến lĩnh vực chính trị. Do vậy, hành động phản kháng của các
Thiên Địa hội trước chính quyền thực dân nếu có, là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi thiết thân
của cộng đồng người Hoa. Ở đây, chúng ta không loại trừ khả năng một số Thiên Địa hội của
Hoa kiều tham gia vào phong trào kháng Pháp của người Việt. Tuy nhiên, số này có lẽ không
nhiều. Ngoài ra, có không ít hội kín đi vào con đường hoạt động phi pháp (cướp bóc, tống tiền,
đe dọa cuộc sống của người dân lương thiện...). Ngay cả các bang hội người Hoa cũng không
có thiện cảm với các hội kín loại này. Nhiều khi, các bang trưởng đã lên tiếng tố giác với chính
quyền về hoạt động của các thành viên Thiên Địa hội. Chính vì vậy, thực dân Pháp có lí do để
xem các hội kín là nơi tập hợp những kẻ bất hảo và thẳng tay trấn áp.

27
Mặc dù các Thiên Địa hội của Hoa kiều hoạt động khá phức tạp, nhưng thái độ chống đối
chính quyền thực dân của họ đã khiến cho người Việt chú ý. Lúc này (cuối thế kỷ XIX) phong
trào kháng Pháp do các sĩ phu hoặc các giáo phái khởi xướng đã lần hồi tan rã. Người dân Nam
Kỳ lại chưa thể tìm ra một hình thức đấu tranh mới. Sang đầu thế kỷ XX, phong trào Minh tân
ở Nam Kỳ diễn ra sôi nổi. Song, nó chỉ ảnh hưởng đến các tầng lớp dân cư ở thành thị. Đối với
đại đa số cư dân ở nông thôn, nó hầu như không có mấy tác động. Trước tình hình đó, người
dân Nam Kỳ đã hướng đến các tổ chức Thiên Địa hội. "Họ đã tìm thấy ở các hội kín do Hoa
kiều du nhập một hình thức hoạt động phù hợp với hoàn cảnh của mình và chừng mực nào có
thể giải quyết được tình cảm yêu nước thiết tha, niềm căm hờn sâu sắc kẻ cướp nước. Hình
thức hoạt động thần bí của các hội kín lại rất phù hợp với đức tính can trường, ưa mạo hiểm,
thích thuật số của người Nam Kỳ lúc ấy." [22, tr 334]. Hơn nữa, "kỷ luật khắt khe về nội bộ của
hội vẫn không xa lạ với kỷ luật giang hồ của đám dân khẩn hoang nơi đồng cỏ" [14, tr 126]. Vì
vậy, người dân Nam Kỳ, nhất là dân lưu tán và dân nghèo thành thị, đã xin vào hội kín rất
đông.

Về thời điểm người Việt gia nhập các Thiên Địa hội, không có tài liệu nào xác định một
cách cụ thể. Sở dĩ có tình trạng này là do cách thức hoạt động bí mật của các hội kín. Theo tài
liệu của Sơn Nam, vào năm 1882, khi tình hình Bắc Kỳ sôi động thì thực dân ở Nam Kỳ phát
giác nhiều người Việt gia nhập Thiên Địa hội. Ông dẫn ra một vài trường hợp như: ở Sa Đéc,
một người tên là Phạm Văn Ngoạn (còn có tên là Chí) bị bắt vì đã hoạt động cho hội kín. ở rạch
Cái Đôi (Vĩnh Long) một thầy thuốc tên Tòng theo Thiên Địa hội dưới quyền chỉ huy của một
Hoa kiều tên là Trần Ngãi. Khi Nguyễn Văn Nở - một người đến từ Mỹ Tho - xin gia nhập, ông
Tòng đã phong cho Nở chức đốc binh! Tháng tư năm này, Pháp đã bắt 22 người tham gia hội
kín và đày ra Côn Đảo. Trong số đó, chỉ có hai người Minh Hương, còn lại là người Việt [15, tr
101].

Ở Sóc Trăng, theo báo cáo của viên Cai tổng Định Chí (tháng 5-1882) thì tất cả 18 làng
trong tổng gồm Hoa kiều, người Minh Hương và người Việt đều theo Thiên Địa hội. Ở cần
Thơ, Chủ tỉnh Nicolai trong một báo cáo (gởi Thống đốc Nam Kỳ?) cho biết Thiên Địa hội đã
được thành lập ở tất cả các làng trong tỉnh. Viên Chủ tỉnh còn nói thêm: "Ngay trong lễ gia
nhập, hội viên thề nguyền sẽ khởi loạn. Đầu mối của phong trào là từ trên Chợ Lớn phát triển
xuống chớ không phải từ dưới Sóc Trăng. Và nếu không đề phòng thì trong hai năm tới ở Nam

28
Kỳ sẽ có một chính phủ bí mật, có thể gây nhiều rắc rối nghiêm trọng cho nhà nước" [Dẫn
theo: 15, tr 102].

Cũng trong năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ đã báo cáo với Bộ Hải quân và Thuộc địa:
"Trước kia (ở Nam Kỳ) đã có Thiên Địa hội nhưng giờ đây lan tràn, kết nạp người Việt lẫn
người Cao Miên. Họ dùng thủ đoạn mua chuộc bằng tiền bạc, tương trợ người nghèo, ai không
gia nhập thì bị hăm dọa. Luật lệ quá dễ dãi với họ..." [Dẫn theo: 15, tr 103].

Viên Thống đốc đề nghị "Tốt hơn hết là chú trọng tới khu vực xa xôi khó kiểm soát mà
Thiên Địa hội dựa vào để hoạt động, đó là vùng Sóc trăng, Cà Mau rộng cỡ 12.000 cây số
vuông tức là 1/5 của Nam Kỳ, nên lập một tỉnh mới gọi là tỉnh Bạc Liêu" [15, tr 103].

Những tài liệu bên trên đều được Sơn Nam lấy từ Nha Văn khố Sài Gòn (cũ). Do đó,
chúng có độ tin cậy nhất định. Căn cứ vào các tài liệu này, có thể khẳng định rằng từ đầu thập
niên 80 của thế kỷ XIX (thậm chí sớm hơn) người Việt đã gia nhập vào các Thiên Địa hội của
Hoa kiều. Từ trung tâm ở Chợ Lớn (nơi có số người Hoa đông nhất Nam Kỳ), phong trào lan ra
nhiều tỉnh, cả miền Đông và miền Tây. Ở các địa phương này, người Việt gia nhập hội kín rất
đông. Sự tham gia của người Việt đã làm cho các hội kín Thiên Địa hội không còn là tổ chức
của riêng cộng đồng Hoa kiều nữa. Tình hình đó đã khiến bọn thực dân, từ Chủ tỉnh cho đến
Thống đốc, hết sức lo ngại. Vì vậy, chúng đã gia tăng các biện pháp đề phòng và cấm đoán. Ở
đây, có một câu hỏi đặt ra là: tại sao Thiên Địa hội của Hoa kiều lại thu nạp hội viên người Việt
(và cả người Cao Miên)? Như chúng ta đã biết, các bang hội người Hoa thường hoạt động khép
kín. Họ không dễ gì thu nhận những người vốn không phải là đồng bào của họ. Do vậy, trường
hợp người Việt tham gia vào hội kín người Hoa là một điều khá đặc biệt. Rõ ràng, với số dân
hết sức đông đảo và định cư gần khắp Nam Kỳ, cộng đồng người Hoa đã có mối liến hệ gần
gũi với người Việt. Cho dù lợi ích không hoàn toàn giống nhau, song cả Hoa lẫn Việt đều đang
nằm dưới ách thống trị của thực dân. Trong số người Hoa di cư sang Việt Nam, không ít người
đã chứng kiến cảnh các nước đế quốc phương Tây dùng vũ lực xâm phạm chủ quyền Trung
Quốc. Cho nên, giống như người Việt, họ cũng có lòng căm thù đối với "bọn Tây dương". Mối
đồng cảm giữa hai cộng đồng Hoa - Việt bắt nguồn từ đây. Đó là một trong những điều kiện để
người Hoa và người Việt có thể đứng chung trong một tổ chức. Mặt khác, việc thu nạp người
Việt vào Thiên Địa hội sẽ giúp tổ chức này mở rộng cơ sở xã hội ra ngoài cộng đồng người

29
Hoa. Lực lượng của hội vì thế sẽ được tăng cường và có mặt ở khắp nơi. Điều đó sẽ làm cho
quá trình hoạt động của hội gặp nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, không phải lúc nào người Việt cũng tự nguyện gia
nhập hội kín. Như đã đề cập ở trên, trong số các Thiên Địa hội của Hoa kiều, có không ít hội đã
đi vào con đường phạm pháp. Chúng trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với người dân
lương thiện. Để mở rộng thế lực và tạo thêm vây cánh, các hội kín phạm pháp hay ép buộc
người dân, cả Việt lẫn Hoa, phải theo chúng. Có như vậy, chúng mới gây được ảnh hưởng và
đủ sức tranh chấp địa bàn hoạt động với các tổ chức khác. Khẩu hiệu chống Pháp của hội - nếu
có - chỉ nhằm che mắt mọi người. Từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XIX, các Thiên Địa hội loại
này đã hoành hành nhiều nơi ở Nam Kỳ.Ví dụ như ở Sóc Trăng và các tỉnh lân cận, các tay
"anh chị" của Thiên Địa hội "xuất hiện từng toán ba bốn chục người để đốt nhà, cướp giựt, ăn
cắp lúa bó vừa gặt xong. Đây là việc làm nhất cử lưỡng tiện của họ: vừa có tiền xài, vừa hăm
doa được những người chưa chịu theo hội" [15, tr 100]. ở Bạc Liêu, "có hai Thiên Địa hội hoạt
động mạnh và gây rối hơn hết là hội Nghĩa Hưng kèo (cờ) xanh và hội Nghĩa Hòa, kèo vàng.
Hai hội tranh đua giành giựt ảnh hưởng quyền lợi với nhau, thường gây ra những trận ẩu đả
chém lộn đổ máu làm mất an ninh cho dân chúng... "[Dẫn theo: 14, tr 132]

Ở Gò Công, các Thiên Địa hội "dùng bạo lực và bè đảng, ép buộc dân chúng phải theo
làm vây cánh cho đổng, để dễ bề hành động... Chúng rêu rao rằng hễ ai đi báo với Tây thì sẽ bị
điều tra và xử tử liền. Bởi thế, dân chúng phải vào đảng và nộp tiền cho yên thân" [2, tr 148-
149]. Do tình hình này mà trong một phúc trình về an ninh năm 1882, viên Giám đốc nội vụ đã
báo động với Thống đốc Nam Kỳ rằng Hoa kiều đang tuyển mộ, ép buộc người Việt vào Thiên
Địa hội [15, ư 102].

Những hoạt động phi pháp của một số hội kín đã làm cho không ít người nhìn tổ chức này
với ánh mắt đầy ác cảm. Chính quyền thực dân thì "có lý do để đàn áp, không phân biệt những
người thủ lợi riêng tư và những người chống Pháp. Những phong trào Thiên Địa hội chống
Pháp thường bị những phần tử lưng chừng, cầu an nghi ngờ vì thực dân Pháp nhồi sọ, gây dư
luận rằng Thiên Địa hội là bọn du côn, vô nghề nghiệp. Thực dân đồng hoa chính trị phạm với
thường phạm" [14, tr 133].

30
Mặc dù có sự tồn tại của các Thiên Địa hội biến chất như vậy, nhưng không vì thế mà
phong trào hội kín mất đi ý nghĩa tích cực. Phần đông các hội kín, nhất là những hội có người
Việt tham gia, đều hướng đến mục tiêu tốt đẹp.

Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, các hội kín có sự tham gia của người Hoa lẫn người
Việt vẫn tiếp tục xuất hiện. Trong bức thư đầu thú và cáo giác gởi Thống đốc Nam Kỳ (19-11-
1901), một thành viên của Thiên Địa hội ở Gia Định đã viết: "Từ hai năm nay, người An Nam
và một số người Hoa đã lập một hội kín với hai chi bộ: một chi bộ ở đại lộ Charner và ở Chợ
Lớn, chi bộ thứ hai thuộc địa bàn từ Thủ Thiêm và Giồng Ông Tố đến Trương Lộc. Hội kín
mang tên Thiên - Địa - Hội - Sơn... Dân ở các tổng An Bình, An Thành và Bình Trị Trung
tham gia hội kín rất đông... nhiều người Hoa (cả cha lẫn con) đã tham gia hội kín này " [17, tri
15-116]. Thông tin đó chứng tỏ các hội kín Hoa - Việt tồn tại khá lâu. Tuy nhiên, các tổ chức
này dường như không có hoạt động nào gây được tiếng vang. Có lẽ, họ chỉ dừng lại ở việc
tương trợ hoặc chống lại sự ức hiếp của bọn cường hào ác bá. Họ chưa khuấy động được một
phong trào chống Pháp sâu rộng.

Trong quá trình tham gia các Thiên Địa hội, người dân Nam Kỳ đã học được cách tổ chức
và lề lối hoạt động. Trên cơ sở đó, họ bắt đẩu thành lập các hội kín riêng. Tuy nhiên, người
Việt vẫn duy trì phần lớn lễ nghi và tục lệ trong hội kín của Hoa kiều. Ví dụ: người Việt cũng
trích máu ăn thề và đốt bùa chú trong lễ kết nạp thành viên mới, các hội viên cũng nhận biết
nhau bằng một loạt các ám hiệu và mật khẩu... Song, ở các hội kín của người Việt, khẩu hiệu
"Phản Thanh phục Minh" được thay bằng khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam". Đây là tiếu chí rõ
ràng nhất để phân biệt hội kín của Hoa kiều và hội kín của người Việt Nam. Đồng thời, khẩu
hiệu này còn cho thấy tính chất dân tộc của các hội kín ở Nam Kỳ. Nó chứng tỏ người dân nơi
đây lập hội kín là nhằm tập hợp lực lượng để đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Phan
Thứ Lang nhận xét: "Với tôn chỉ hoạt động không giống như của người Hoa, nghĩa là không có
tinh thần phản Thanh phục Minh... mục tiếu chính trị của chi hội Thiến Địa hội người Việt
nhằm vào một đối tượng khác: người Pháp, và hội này thực chất là hội kín chống Pháp giành
độc lập cho dân tộc..." [10, tr 188]. Nhà văn Sơn Nam cũng có nhận định tương tự "Người Việt
Nam... đã mô phỏng theo tổ chức Thiên Địa hội, nhằm mục đích đánh đổ ách thống trị của thực
dân Pháp, tái lập chế độ quân chủ, như là hơi thở sau cùng của phong trào cần vương" [14, tr
100].

31
Theo PGS Nguyễn Văn Kiệm, những hội kín mang nội dung dân tộc của người Việt xuất
hiện nhiều ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ XX. Năm 1911, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp và
Phan Phát Sanh lập hội kín ở Chợ Lớn; Võ Văn Quới lập hội kín ở Tháp Mười (Nhóm này là
chi nhánh của hội kín Năm Cường đã hình thành trước đó). Tháng 8 năm 1914, Nguyễn Văn
Trước tức Tư Mắt lập hội kín có chi nhánh ở Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Bạc Liêu. Tháng
12 năm 1915, Huỳnh Văn Sanh lập hội kín Phục Hưng (còn có tên là hội Lương Hữu) ở Mỹ
Tho rồi "truyền phép" cho Huỳnh Phát Đạt lập hội kín Duy Tân. Ngày 14-2-1916, Phan Văn
Châu tức Chánh Châu lập hội kín ở Chánh Hưng, Chợ Lớn. Cũng từ tháng 2-1916 trở đi xuất
hiện các nhóm hội kín của Lê Văn Khanh tức Tư Khanh ở Bến Tre, của Phan Thanh Lợi ở Tân
Phước (Gia Định), hội kín Nghĩa Hóa của Trần Văn Phong và Huỳnh Công Ý ở Thơi Sơn (Mỹ
Tho), hội Thiên Địa của Nguyễn Văn Hay tức Bếp Hay ở Suối Trà và Phú Lộ, hội Ái Chưởng
của Trần Văn Học ở Sa Đéc, hội Nhị Bình của Nguyễn Văn Chánh ở Mỹ Tho, hội Phục Hưng
ở Long Hương, Nghĩa Hòa ở Mỹ Lợi, hội Lương Hữu của Lê Văn Nghi ở Ấn Hòa (Long
Xuyên)... Mỗi hội kín có ít nhất vài chục người, có hội đông tới 300 người [22, tr 334-335].

Ở tỉnh Biên Hòa, hội kín của người Việt cũng phát triển mạnh. Ông Lương Văn Lựu (tác
giả của Biên Hòa sử lược) cho biết: một số đông các anh tay chị, hảo hớn ở nông thôn võ nghệ
tinh thong, đầy lòng hào hiệp, không nặng tình cảm gia đình, kết hợp nhau thành một đảng, lấy
hiệu danh riêng là "Lâm Trung Trại". Đứng ra sáng lập có các ông Năm Hi, Tư Hổ, Ba Hầu,
Bảy Đen, Hai Lựu, Sáu Huyền... Trại Lâm Trung đặt căn cứ tại núi Gò Mọi, thuộc xã Thiện
Tân... Đảng (này) nuôi dưỡng tinh thần quật khởi của nhân dân để đợi thời cơ [13, tr 192].

Ở Tân Châu (An Giang), các ông Nguyễn Tấn Cư, Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Văn
Hớn... thầm tuyên truyền để thâu nhận hội viên lập ra "Kèo Vàng" (Kèo Vàng ở đây là tên gọi
của hội kín Thiên Địa hội - TG). Họ lấy Miều hội (ở ấp Long Châu, xã Long Phú) làm trụ sở
trá hình hầu mật nghị chống Pháp [7, tr 112]. ở vùng Rạch Gói (Cần Thơ) hội kín cũng phát
triển khá mạnh. Tháng 5-1909, chính quyền thực dân phát hiện có từ 300 đến 400 người gia
nhập hội [16, tr 314].

Theo thống kê của sở Mật thám Đông Dương, trong thời gian diễn ra chiến tranh thế giới
thứ nhất, ở Nam Kỳ có từ 70 đến 80 hội kín [22, tr 335]. Có thể nói, trong những năm đầu thế
kỷ XX, ngoài phong trào Minh Tân, hoạt động của các hội kín là hiện tượng nổi bật nhất ở

32
miền Nam nước ta. Việc xuất hiện nhiều hội kín chứng tỏ người Việt rất ưa chuộng hình thức
tổ chức này. Những người lập hội, ngoài mục đích tương trợ, bảo vệ nhau, còn hướng đến mục
đích xa hơn là giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, sự ra đời của hàng loạt hội kín ở Nam Kỳ
mang một ý nghĩa tích cực. Nó phản ánh tinh thần bất khuất của người dân nơi đây trước kẻ
ngoại xâm. Đồng thời, nó cho thấy họ sẩn sàng sử dụng mọi hình thức đấu tranh để chống lại
kẻ xâm lược.

2.2.Thành phần tham gia, nguyên tắc tổ chức và lề lối hoạt động

2.2.1.Thành phần tham gia

Các phong trào đấu tranh hoặc nổi dậy chỉ có thể diễn ra khi thu hút được sự ủng hộ của
quần chúng. Phong trào nào càng có đống quần chúng tham gia, phong trào đó càng có điều
kiện phát triển sâu rộng và gây được ảnh hưởng lớn. số quần chúng ấy thường tập hợp xung
quanh một tổ chức lãnh đạo (đây có thể là một đảng cách mạng, một giáo phái hoặc một hội bí
mật...) để tranh đấu cho một mục tiếu nhất định. Tất nhiên, mục tiêu đó phải phù hợp với
nguyện vọng của số đông.

Ở Nam Kỳ, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào hội kín đã thu hút được sự
tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Theo thống kê của sở Mật thám Đông Dương,
vào thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Nam Kỳ có từ 70 đến 80 hội kín. về số
lượng hội viên, mỗi hội kín ít nhất có vài chục người. Thậm chí, hội của Nguyễn Văn Tiền
đông tới 300 người [22, tr 335]. Như vậy, với mục tiếu dân tộc (Phản Pháp phục Nam), phong
trào hội kín đã có một sức hút mạnh mẽ đối với người dân miền Nam nước ta. Ở đây, có một
vấn đề đặt ra là, số quần chúng đông đảo ấy thuộc những thành phần nào trong xã hội? Việc
tìm hiểu vấn đề này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tính chất của phong trào và phạm vi ảnh
hưởng của nó.

Theo Coulet, trong số in người của hội kín bị Pháp bắt vào năm 1913 thì có 68 người là
nông dân, 23 người làm công nhật, 13 người vô nghề nghiệp và 7 người đi buôn. ở hội kín Thơi
Sơn (Mỹ Tho) của Trần Văn Phong, trong số 35 người bị bắt thì có 24 nông dân, 3 người đi
buôn và 8 người làm công nhật [Dẫn lại: 14, tr 153].

33
PGS Nguyễn Văn Kiệm - dựa vào số liệu của Coulet - khẳng định nông dân là thành phần
tham gia đông nhất vào các hội kín ở Nam Kỳ. Ông cũng lưu ý thêm rằng, những người vô
nghề nghiệp trong hội thực ra cũng là nông dân. Họ bị chính sách bóc lột của thực dân và
phong kiến tay sai đẩy vào cảnh bần cùng, phải bỏ nông thôn đi lưu tán [22, tr 335- 336].

Sở dĩ hội kín lôi cuốn được đông đảo nông dân, trước hết là vì nó phù hợp với hoàn cảnh
của họ lúc bấy giờ. Những năm cuối thế kỷ XIX, các phong trào dân tộc ở Nam Kỳ đều thất
bại. Do vậy, người nông dân nơi đây đã lâm vào cảnh bế tắc trong đường lối cứu nước. Sang
đầu thế kỷ XX, cuộc vận động duy tân của sĩ phu cấp tiến lại không đến được với họ. Trong khi
đó, dưới ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp, người nông dân đã rơi vào tình trạng hết sức
khốn khổ. Khi chiến tranh thế giới nổ ra, đời sống của họ "lại càng bi đát hơn bởi chính sách
động viên (về nhân lực và tài lực - TG ) của Pháp." [22, tr 333]. Trong hoàn cảnh như vậy,
nông dân đã gia nhập vào các hội kín. Họ đã tìm thấy ở các tổ chức này một hình thức đấu
tranh mới, có thể giúp họ chống chọi với những khó khăn trước mắt. Song, điều quan trọng hơn
là mục tiêu cứu nước (phản Pháp phục Nam) mà các hội kín đề ra đã giúp người nông giải tỏa
được sự bức xúc trước thời cuộc. Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp hồi cuối thế
kỷ XIX, nhiệt tâm cứu nước của người nông dân vẫn không suy giảm. Họ vẫn nung nấu ý chí
vùng lên đánh đổ ách thống trị của chúng. Tuy nhiên, họ chưa tìm được một lối đi mới cho
phong trào dân tộc. Vì vậy, khi các hội kín xuất hiện, họ đã tích cực tham gia với niềm hy vọng
đây là một giải pháp cứu nước khả thi. Bên cạnh đó, tư tưởng và lề lối hoạt động của hội kín rất
gần gũi với nhận thức và tính cách của người dân Nam Bộ. vốn là những lưu dân đi khẩn
hoang, họ luôn phải đối mặt với những mối hiểm nguy trên vùng đất mới. Do vậy, họ luôn có ý
thức coi trọng và đề cao tinh thần tương thân tương ái. Họ cũng rất ưa thích những hành động
nghĩa hiệp theo kiểu "anh hùng hảo hán" (bênh vực người cô thế, giúp dân nghèo chống lại bọn
cường hào ác bá...). Vì thế, các hội kín, vốn hoạt động theo các nguyên tắc như "hoạn nạn
tương cứu", "sinh tử bất ly" có sức hấp dẫn rất lớn đối với người nông dân. Họ đã vào hội kín
để có điều kiện đánh Tây và giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Ngoài ra, đông đảo nông dân tham gia hội kín một phần là do yếu tố tôn giáo pha lẫn ma
thuật trong tổ chức này. Người nông dân (và cả các tầng lớp xã hội khác) vốn có niềm tin tôn
giáo rất sâu sắc. Trong lúc đường lối cứu nước đang khủng hoảng, cuộc sống thực tại thì đầy
rẫy khó khăn, thử thách, niềm tin ấy càng trở nên mạnh mẽ. Người dân đến với tôn giáo (và cả

34
các hình thức ma thuật) nhằm gởi gắm vào đó những ưu tư, ước muốn của mình. Họ hy vọng sẽ
được thần thánh tiếp thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh chống thực dân. Với tâm trạng như
vậy, họ dễ tin vào bùa chú và phép thuật của thầy chùa, thầy pháp. Họ "tin rằng thầy chùa, thầy
pháp có khả năng vẽ bùa bằng hương, bằng tay, bằng chân, đọc thần chú... thì trị được bệnh,
diệt được tà ma, tăng được sức mạnh... hộ mệnh khỏi bị dao chém đứt hay súng bắn chết, làm
cho kẻ địch không thấy mình tuy mình đứng trước mặt..." [3, tr 562]. Trong các hội kín, tư
tưởng tôn giáo, ma thuật rất đậm nét. Việc dùng bùa chú và thực hiện các nghi lễ thần bí diễn ra
thường xuyên thông qua vai trò của thầy chùa hoặc thầy phù thủy. Do đó, hội kín có sức hút rất
lớn đối với nông dân là điều hiển nhiên.

về phía những người lãnh đạo, họ đã dùng tư tưởng tôn giáo thần bí để tập hợp lực lượng.
Phan Xích Long từng tuyên bố với người dân rằng đánh Tây không cần vũ khí; khi ra trận,
nghĩa quân chỉ cần mặc quần áo trắng, đeo bùa thì sẽ không bị trúng đạn. cần nói thêm rằng,
đây cũng là cách tập hợp lực lượng của tất cả các phong trào dân tộc ở nước ta thời bấy giờ (trừ
phong trào duy tân). Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua phong trào của Kỳ Đồng - Mạc Đỉnh
Phúc và Vương Quốc Chính ở miền Bắc, của Võ Trứ - Trần Cao Vân ở miền Trung...). GS
Trần Văn Giàu đã đánh giá về tác dụng của yếu tố tôn giáo, ma thuật trong cuộc vận động cứu
nước như sau:

"Cái yếu tố cơ bản nhất đã động viên đông đảo đồng bào đứng lên khởi nghĩa là lòng yêu
nước chân thành, "tận trung báo quốc", nhưng không thể không kể đến tác dụng tinh thần của
ma thuật, bùa chú đối với đa số nhân dân còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Đạo giáo, Phật giáo
và nhiều tín ngưỡng khác... Tư tưởng thần bí đến thời kỳ lịch sử sau chiến tranh thế giới thứ
nhất sẽ trở thành một trở lực cho cách mạng, nhưng từ chiến tranh thế giới thứ nhất trở về
trước... nó còn là một đề nghị đáng kể về cách giành độc lập tự do." [3, tr 564-565].

Như vậy, trong phong ưào dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tư tưởng tôn giáo và
ma thuật đã có một vai trò nhất định. Giữa lúc đường lối cứu nước đang bế tắc, chính tư tưởng
này đã góp phần động viên người dân vùng dậy chống pháp, giành lại độc lập. Việc các hội kín
ở Nam Kỳ dùng tôn giáo, ma thuật để tập hợp quần chúng cũng không nằm ngoài bối cảnh lịch
sử đó.

35
Ngoài đa số nông dân, các tầng lớp dân nghèo thành thị (tiểu thương, thợ thủ công, công
nhân, những người làm nghề tự do...) cũng là một bộ phận đáng kể trong các hội kín. Bên cạnh
đó, không thể không nói đến sự góp mặt của sư sãi và những người làm nghề phương thuật như
thầy phù thủy, thầy ngãi, thầy bói. Những người này giữ vai trò thực hành lễ nghi, phương
thuật trong các hội kín. Thậm chí, một số thầy phù thủy, thầy pháp cũng là những người đứng
ra lập hội.

Có thể nói, trong phong trào hội kín Nam Kỳ, thầy phù thủy có một vai ưò khá nổi bật.
Coulet nhận định "không có hội kín nào lại không có thầy phù thủy. Thông thường, người sáng
lập hay người cầm đầu hội kín kiêm luôn pháp sư. Nếu không có thầy pháp thực sự thì người
nào đó trong hội kín phải thay thế để thực hiện các nghi lễ ma thuật" [28, tr 32].

Ngoài các tầng lớp nêu trên, ở một số hội kín còn có sự tham gia của các hào lý. Trong
bức thư đầu thú và tố giác gởi Thống đốc Nam Kỳ, một hội viên của hội kín Thiên - Địa - Hội -
Sơn ở Gia Định cho biết:

- Ở tổng An Bình, có chánh tổng, phó tổng, và năm thuộc viên tham gia hội kín.

- Ở tổng An Thành:

+ Làng Trương Lộc có chánh tổng, 2 thuộc viên, 1 hương cả, 1 hương thân (...)

+ Làng Tuy Thành có 1 hương cả, 1 hương thân.

+ Làng Long Tân có 1 hương chức.

+ Làng Phước Trương có một hương hội.

+ Làng Tân Điền có 1 hương cả, 1 hương sư [17, tr 116].

Trên địa bàn tổng Long Hưng Thượng (Chợ Lớn) hội kín có sự góp mặt của một số hội tề
làng Tân Nhựt như phó Cai tổng Lê Văn Giao, Hương tuần Trần Văn Khéo, Trần Văn Huê, Lê
Văn Chấn, Nguyễn Văn Lựu... Trong hội kín Phan Xích Long cũng có các hào lý như hương
chủ Trương văn Phước, hương sư Nguyễn Văn Tài, hương trưởng Nguyễn Văn Ngọ, xã trưởng
Đặng Tấn Sao... Tài liệu của Sơn Nam cho biết một Thiên Địa hội ở vùng Cần Thơ (thuộc về
Nghĩa Hòa Đoàn) "Chỉ trừ một số Huê kiều làm chánh chủ soái còn bao nhiêu đều là hương
chức (người Việt -TG)"[16, tr314].

36
Tuy tầng lớp hào lý có mặt trong các hội kín không nhiều, nhưng họ có vai trò khá lớn.
Chính họ là những người tích cực tham gia việc tổ chức, lãnh đạo và đóng góp nhiều tiền bạc
cho hội. Đồng thời, với cương vị đứng đầu các làng xã, họ đã tập hợp, lôi kéo được đông đảo
quần chúng tham gia vào hoạt động cứu nước.

Như vậy, thành phần tham gia hội kín ở Nam Kỳ không hoàn toàn thuần nhất. Song nhìn
chung, nông dân vẫn là lực lượng đông đảo nhất và là động lực chính trong các hoạt động của
hội. Có lẽ vì vậy mà một số nhà nghiên cứu lịch sử đã đánh giá "phong trào hội kín Nam Kỳ là
một trong những phong trào nông dân rộng lớn nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XX" [24, tr 176].

Thực ra, đây không đơn thuần là một phong trào nông dân với đầy đủ các đặc điểm của
nó như: chống vua quan phong kiến, đòi được chia ruộng đất... Với khẩu hiệu đấu tranh "Phản
Pháp phục Nam", chúng ta thấy các hội kín hướng đến mục tiêu giải phóng đất nước khỏi ách
đô hộ của người Pháp. Cho nên, xét về bản chất, phong trào hội kín là một phong trào dân tộc
đúng nghĩa.

Tóm lại, phong trào hội kín Nam Kỳ đã thu hút được sự tham gia của nông dân, dân
nghèo thành thị, các hào lý, sư sãi, thầy pháp... Trong đó, nông dân chiếm số lượng đông nhất.
Thành phần xã hội như vậy chứng tỏ phạm vi ảnh hưởng của phong trào khá rộng. Với đa số
hội viên là nông dân, các hội kín đã có một lực lượng chiến đấu ngoan cường và bền bỉ. Nếu
được tổ chức tốt, lực lượng này sẽ gây cho Pháp không ít khó khăn.

2.2.2.Nguyên tắc tổ chức và lề lối hoạt động

Đối với các hội, đảng hoạt động trong phong trào yêu nước, việc tổ chức luôn là một vấn
đề quan trọng. Sự tồn vong của chúng phụ thuộc rất lớn vào vấn đề này. Các đảng phái hoặc
các hội bí mật sẽ vững mạnh và có điều kiện phát triển nếu được tể chức bài bản, chặt chẽ.
Ngược lại, việc tổ chức lỏng lẻo, tùy tiện sẽ làm cho chúng khó đứng vững trước khó khăn và
dễ tan rã khi kẻ thù ra tay đàn áp. Bên cạnh vấn đề tổ chức, việc đặt ra nguyên tắc và lề lối hoạt
động của các hội, đảng cũng có tầm quan trọng không kém. Nếu nguyên tắc hoạt động và lề lối
hoạt động không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, các tổ chức này khó tránh khỏi nguy cơ thất
bại.

37
Ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các hội kín Thiên Địa hội của người Việt
được tổ chức như thế nào? Lề lối hoạt động ra sao? Cách thức tổ chức và hoạt động của các hội
kín có gì khác biệt so với các phong trào khác? Sự tan rã của phong trào hội kín có phải một
phần là do cách tổ chức và lề lối hoạt động không còn phù hợp với tình hình lúc bấy giờ?

Như đã trình bày trên (phần 1 chương 2) các hội kín người Việt ở Nam Kỳ vốn có nguồn
gốc từ các Thiên Địa hội của người Hoa. Do vậy cách tổ chức và hoạt động của hai bên có
nhiều nét giống nhau. Nói cách khác, hội kín của người Việt đã chịu ảnh hưởng rõ nét cách tổ
chức của các hội kín mà người Hoa du nhập vào Việt Nam. Mỗi hội kín đều có một một bộ
phận chỉ huy và điều hành công việc với các chức vụ (theo thứ bậc rõ ràng) như Đại ca (còn
được gọi là Vạn Đại Ca), Nhị ca, Tiên sanh, Tiên phong, Hồng côn, Tài phú, Thảo hài. Đại ca,
Nhị ca được gọi là anh Hai, anh Ba; Tiên sanh lo huấn luyện người mới vào hội, Tài phú là thư
ký, Thảo hài là thám báo. ở một vài hội, các chức vụ có khác. (Thí dụ chức Bạch phiến thay
cho chức Tài phú, có chức Chủ lư và phó Chủ lư lo về nghi lễ, Ngũ hổ lo về an ninh, Thiên lý
mã lo việc do thám). Ngoài ra, một số hội kín còn đặt các chức vụ chỉ huy các đạo binh như
sau:

- Cổ trưởng, chỉ huy từ 5 đến 49 hội viên.

- Bộ trưởng, chỉ huy từ 50 đến 100 hội viên.

- Thông thuộc, chỉ huy từ 100 đến 249 hội viên.

- Lãnh thuộc, chỉ huy từ 250 đến 500 hội viên.

- Tổng thuộc, chỉ huy từ 500 đến 1.250 hội viên.

- Đề đốc, chỉ huy từ 1.250 đến 12.500 hội viên

- Nguyên thuộc, chỉ huy từ 12.500 đến 37.000 hội viên.

Hội kín của Nguyễn Văn Hay (ở Thủ Dầu Một) còn có các chức chỉ huy quân sự như
Chúa đảng, Chánh soái, Phó soái, Ngũ hổ, Đốc binh, Khâm sai. Bản thân Phan Xích Long
(người lập hội kín ở Chợ Lớn) cũng xứng là Chánh nguyên soái [14, tr. 154-155].

Bên dưới các chức vụ chỉ huy, điều hành là các hội viên. Để trở thành hội viên, những
người xin gia nhập phải trải qua một nghi lễ kết nạp. Mỗi hội có nghi lễ kết nạp không hoàn

38
toàn giống nhau. Song, tất cả đều buộc người nháp hội phải ăn thề. Coulet đã mô tả lễ kết nạp
của một số hội kín như sau:

Ở hội Nhị Bình (Mỹ Tho) lễ kết nạp hội viên được tổ chức theo sáu bước. Trước bàn thờ,
hội viên cũ và mới đứng vòng quanh hội chủ. Mọi người rửa tay trong một chậu nước. Hội chủ
lạy bốn lạy. Hội viên mới cũng làm như vậy. Tiếp theo hội viên mới bưng một chén rượu quỳ
dâng lên đàn lạy ba lạy rồi đọc lời khấn. Cứ xong một đoạn, các hội viên có mặt giơ tay và
đứng im. Sau đó, tất cả những người có mặt sang một phòng khác trích máu ở tay vào chén
rượu. Hội chủ trở về đàn cầm chén rượu đọc lời răn, hội viên mới đọc lời thề. Mọi người lạy
bốn lạy và nhấp chung chén rượu máu, hội chủ nhấp trước.

Bước tiếp theo, mọi người dâng đồ cúng; hội chủ đọc lời thề trên giấy, các hội viên cũ và
mới đều thế rồi đốt.

Cuối cùng mọi người ăn cỗ chung kết thúc buổi lễ.

Ở hội kín Nghĩa Hòa (Mỹ Lợi - Mỹ Tho), nghi lễ nhập hội có phần đơn giản hơn. Những
người tổ chức cũng lập đàn, đặt nhiều loại bùa. Trên đàn có một bình hương, năm chén trà, một
ngọn nến, bánh trái... Chủ lễ thắp hương, đọc lời thề và hỏi những người xin vào hội:

"Anh đi đâu?"

Trả lời: "chúng tôi đến xin nhập hội". "Có thật thà không?"

- "Có".

"Có chính trực không?"

- "Có".

Tiếp đó, hội viên mới quỳ trước bàn. Chủ lễ trích máu ở ngón tay giữa bàn tay trái hòa
rượu uống chung.

Ở hội kín của Hồ Văn Dậu, lễ nhập hội diễn ra như sau:

Người ta lập một cái đàn và đặt len đó ba nén hương, ba chén rượu, một con dao sắc, ba
con ngựa, ba con chó, ba con lợn (tất cả các con vật đều làm bằng bột).

Sau đó, chủ lễ hỏi người xin nhập hội:

39
- Anh đi đâu?

- Tôi đi đầu quân, trả thù cho chúa, đền ơn cha mẹ, trả oán, trả hận cho anh em.

Hội viên mới cầm dao chĩa mũi nhọn vào cổ họng đọc lời thề, rồi chém đầu các con vật
làm bằng bột. Ở một số hội kín, cùng với lễ kết nạp còn có thêm lễ "trui" để thử thách hội viên
mới. Lễ trui có nhiều cách (bỏ than hồng vào lòng bàn tay hoặc vào chân, trích đầu ngón tay
cho chảy máu rồi viết chữ...) Người nào chịu trui giỏi được xem là anh hùng, ai không chịu
được thì bị loại [Dẫn theo: 22, tr. 340-341].

Nhìn chung, nghi lễ gia nhập của các hội kín ở Nam Kỳ đều ít nhiều mang tính ma thuật,
thần bí. Tuy có đôi chỗ khác biệt, nhưng đại để, nó giống với lễ kết nạp trong các Thiên Địa hội
của người Hoa (6).

Trong lễ gia nhập hội kín, điều đáng chú ý là nội dung lời thể của hội viên. GS Trần Văn
Giàu đã dịch một bản lời thề từ sách Le Sociétés Secrétès en terre d'Annam của G.Coulet như
sau:

Giữa bạn bè, phải giúp nhau làm cho hết nghĩa vụ, phải cứu nhau trong lúc khốn cùng.
Không bao giờ bỏ nhau, ngay cả trong cơn nguy biến.

Phải nghe lời thầy, yêu đất nước, nhớ tới vua, làm việc nghĩa. Nói năng phải lễ phép, ôn
tồn. Phải sửa chữa sai lầm. Không được say rượu. Đừng tham lam. Không bao giờ phản bội.
Không tranh chấp với láng giềng. Không ăn cắp. Không nói xấu người vắng mặt. Đừng nghĩ
một đường mà nói một nẻo. Đối với kẻ địch thì phải trả thù, đối với người ân thì phải đền
nghĩa. Dù nhà túng thiếu, vẫn phải là con hiếu; dẫu nước có loạn, vẫn phải là tôi trung. Không
sợ đương đầu với khó khăn mệt nhọc. Không sợ kẻ gian ác.

Nếu ta phải chết vì làm nghĩa vụ thì đó là anh hùng. Nếu phản phúc thì bị trời tru đất diệt,
bị chết cháy, bị chết chém, bị rắn cắn, bị chết vì đường tên mũi giáo, thịt nát xương tan... Thần
thánh sẽ phù trợ cho những ai góp sức giúp vua cứu nước, đánh đuổi giặc Tây, khôi phục nước
Nam... [3, tr. 571-572]. Qua bản tuyên thệ này, có thể thấy hội kín của người Việt đã hướng
đến hai mục tiêu chính: tương tế và cứu nước. Đây là những mục tiêu rất thiết thực, phù hợp
với nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, nội dung lời thề cũng chứng tỏ hội kín rất xem
trọng các giá trị đạo đức. Nó khuyên răn hội viên không được làm trái luân thường, đạo lý. Đặc

40
biệt các quy tắc đạo đức Nho giáo (ví dụ: làm tôi phải trung với vua) đã được nhấn mạnh. Điều
đó cho thấy trong cách thức tổ chức của hội kín, tư tưởng phong kiến còn rất đậm nét.

Cùng với việc yêu cầu hội viên ăn thề, hội kín cũng đặt ra điều lệ và buộc hội viên phải
tuân thủ. Ví dụ như điều lệ của hội kín mang tên Thiên - Địa - Hội - Sơn: "Dẫu sống chết cũng
không bỏ hội... Hội viên bị bắt, bị tù không được khai báo, làm trái sẽ có ngày phải đền tội."
[17, tr 116].

Quy định này thể hiện rõ tính răn đe đối với hội viên. Những ai đã vào hội thì phải tuyệt
đối trung thành và bảo vệ hội tới cùng. Kẻ nào phản bội và làm phương hại đến tổ chức sẽ bị
trừng phạt nghiêm khắc.

Ngoài những chi tiết vừa đề cập, cũng cần kể đến một vấn đề khác khi nói về cách tổ chức
các hội kín. Đó là việc các hội kín đã sử dụng cờ, bằng cấp, ấn và bùa như thế nào.

Theo Coulet, ở đất An Nam, hội kín không có cờ riêng. Khi thành lập, hội không chọn
một lá cờ để làm biểu tượng, vả lại, vì là hội kín, hội không muốn chọn cho mình một biểu
tượng khiến người ngoài có thể nhận ra. Tuy nhiên, khi tiến hành các hoạt động nổi dậy, hội
kín vẫn có cờ. Nói cách khác, cờ có ý nghĩa chủ yếu về mặt quân sự. Phan Xích Long từng
trưng cờ như là dấu hiệu chiêu tập những ai sẽ tham gia vào đạo quân của ông. Coulet cũng cho
rằng cờ thực chất là một lá bùa lớn và do thầy phù thủy của hội kín làm ra [28, tr 69-73].

Về bằng cấp (còn gọi là hồng tánh), Coulet dẫn lời khai của Võ Văn Quới (trưởng hội
Nghĩa Hòa ở Mỹ Lợi, Mỹ Tho) cho biết: "Vào năm 1911, một người tên Năm Cường, quê ở
Thơi Định (Vĩnh Long) đến nhà Võ Văn Quới và lưu lại một thời gian. Năm Cường cho biết đã
lập một hội kín tên Nghĩa Hòa ở Chợ Lách và mời Quới gia nhập. Võ Văn Quới nhận lời và
được phong làm người quản lý hội Nghĩa Hòa trong khu Kênh 27 và Tháp Mười. Nửa đầu
tháng 6 (âm lịch) năm 1916, Năm Cường quay lại và đưa cho Quới 25 mảnh vải trắng hình
vuông có dấu ấn màu đỏ và hình bát quái. Năm Cường giải thích mảnh vải này gọi là hồng
tánh. Để có hồng tánh, hội viên phải nộp hơn 3 đồng. Nó có ích trong mọi hoàn cảnh. Chẳng
hạn, người có hồng tánh bước vào nhà một hội viên khác và đưa nó ra, anh ta sẽ được đón tiếp
niềm nở." [28, tr. 174-175].

41
Như vậy, bằng cấp (hồng tánh) là một tín vật để các hội viên nhận biết và liên lạc với
nhau. Các hồng tánh này khá giống với các "Lòng phái" của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ
Ân Hiếu Nghĩa. Đinh Văn Hạnh cho biết "Về nghi thức gia nhập Thiên Địa hội không có điểm
tương tự Tứ Ân Hiếu Nghĩa... nhưng trên lá (lòng) phái có nhiều điểm giống nhau" [5, tr. 78].
Phải chăng giữa chúng có mối liên hệ nào đó?

Về bùa chú, tất cả các hội kín đều sử dụng. Hội viên được phát rất nhiều loại bùa để uống,
đeo hoặc để dán ở nhà. Họ được tuyên truyền rằng việc đeo bùa sẽ giúp tránh được tà ma, bệnh
tật, súng đạn bắn không chết... Rõ ràng, trong lúc chưa có điều kiện trang bị súng đạn cho
nghĩa quân, những ngươi lãnh đạo phải dùng bùa để cổ vũ nhân tâm. Bằng cách này, họ làm
cho nghĩa quân thêm vững tinh thần khi tiến hành các cuộc nổi dậy.

Ngoài cờ, bằng cấp và bùa chú, các hội kín còn có một vật khá đặc biệt, đó là chiếc ấn.
Coulet cho rằng, cùng với cờ, bùa, bằng cấp, ấn cũng là một thứ do thầy phù thủy làm ra.
Giống như các tổ chức yêu nước khác, hội kín cũng dùng ấn để đóng vào các loại bằng sắc, yết
thị... Trong phong trào hội kín, có lẽ chiếc ấn của Phan Xích Long là đáng chú ý nhất. Chiếc ấn
có hình đầu rồng trên cái ngừ, phía dưới có khắc dòng chữ "Đại Minh quốc, Phan Xích Long
hoàng đế, Thiên tứ ngọc tỉ". Với hình dạng và dòng chữ như vậy, rõ ràng chiếc ấn này là biểu
tượng quyền lực theo kiểu phong kiến.

Trong quá trình tổ chức, ngoài việc sắp đặt các chức chỉ huy, thu nhận hội viên... các hội
kín cũng rất quan tâm đến vấn đề tài chính. Để có kinh phí, các hội thường bày ra lạc quyên,
vận động hội viên và dân chúng đóng góp. Có hội còn phát hành trái phiếu để ghi lại khoản
đóng góp của các thành viên và hứa hẹn phong chức tước cho họ sau khi phục quốc (Người
góp từ 5-49 đồng sẽ được làm hương bộ, từ 50 đến 249 đồng được làm chủ quận...) [14, tr 155].
Nhìn chung, việc vận động tài chính thu được kết quả khá tốt. Người dân trên khắp các tỉnh đã
tích cực đóng góp tiền bạc cho hội. Ở hội kín Phan Xích Long, những người lãnh đạo đã quyên
góp được hàng chục ngàn đồng.

Về địa điểm hội họp, tổ chức các nghi lễ... hội kín thường chọn chùa, miếu hoặc những
nơi vắng vẻ để tránh sự theo dõi của chính quyền. Ví dụ ngôi chùa trên núi Voi (Kampot -
Campuchia) là nơi hội họp bí mật của hội kín Phan Xích Long. Đồng thời, đây cũng là nơi
chứa lương thực, khí giới... chuẩn bị cho các cuộc nổi dậy. Coulet nhận xét "cũng như các nhà

42
sư, chùa cũng có thể phục vụ cho các hội kín. Đó là nơi hội họp chắc chắn... Hơn nữa, một vài
ngôi chùa còn là biểu tượng huyền bí làm phấn khởi nghị lực của các hội viên..." [28, tr. 191].

Cùng với nguyên tấc tổ chức, các hội kín còn đặt ra lề lối hoạt động hết sức nghiêm mật.
Mỗi hội kín đều có hàng loạt mật hiệu để hội viên nhận diện hoặc trao đổi thông tin với nhau.
Ví dụ như mật hiệu của hội kín Thiên - Địa - Hội - Sơn ở Gia Định: bước qua cửa vào nhà thì
chân trái đi trước. Có ai đến xin lửa thì người cho lửa phải đưa điếu thuốc đang cháy dở ra,
nhưng đầu thuốc đang cháy phải quay về phía mình, dầu thuốc kia phải quay về phía người xin
lửa. Làm đúng những mật hiệu đó thì mới được tiếp nhận là thành viên của hội [17, tr. 18].
Ngoài nguyên tắc bảo mật, kỷ luật trong các hội kín cũng rất nghiêm minh. Hội viên không
được có những hành vi phi đạo đức hoặc làm trái với tôn chỉ của hội... Họ phải luôn giữ lòng
trung thành, sấn sàng sống chết với nhiệm vụ được giao. Nếu hội viên vi phạm kỷ luật của hội,
họ sẽ bị xử lí nghiêm khắc.

Trong quá trình hoạt động, mỗi hội kín đều có địa bàn riêng. Giữa các hội kín không có
một hệ thống chỉ huy thống nhất. Tuy nhiên, "các hội kín Nam Kỳ đều suy tôn Phan Xích Long
và Cường Để làm Vua nước Nam. Một số hội chủ như Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp tự
nhận là đại diện của hai vua để ra mệnh lệnh và được các hội kín chấp hành nghiêm chỉnh."
[22, tr. 342].

Như vậy, do cùng chung mục đích "Phản Pháp phục Nam", giữa các hội kín vẫn có mối
liên hệ với nhau. Song, mối liên hệ ấy không đủ sức gắn kết các tổ chức này thành một khối
thống nhất. Vì thế, phong trào không có được một sức mạnh tổng hợp, đủ sức lay chuyển bộ
máy cai trị của thực dân.

Nhìn chung, cách thức tổ chức và lề lối hoạt động của các hội kín tương đối chặt chẽ, có
kỷ luật. Hội viên luôn được giáo dục tinh thần yêu nước và tương thân tương ái. Đây là những
mặt tích cực, góp phần làm nên sức sống cho phong trào. Tuy nhiên, cách tổ chức của hội cũng
mang nhiều yếu tố thần bí. Hội quá thiên về việc dùng phương thuật và bùa chú. Đó là chưa kể,
các hội kín thường hoạt động theo kiểu phân tán, thiếu sự thống nhất, đồng bộ. Với những hạn
chế như vậy, phong trào yêu nước do hội phát động sẽ rất khó đi đến thành công.

43
2.3.Hoạt động chống Pháp của các hội kín

Tương tế và yêu nước là hai tính chất chủ yếu của các hội kín Nam Kỳ. Trong đó, tính
chất yêu nước (Phản Pháp phục Nam) có phần nổi bật hơn. Lời thề của hội kín Nhị Bình khi tổ
chức lễ kết nạp thành viên mới nêu rõ: "Chúng tôi xin thề... cùng nhau kết nghĩa tử sinh theo
đuổi mục đích đền nợ nước, trả thù nhà... thề giữ trọn lời nguyền, làm tròn nghĩa vụ và hết lòng
giúp rập nhà vua...". Hội viên hội Duy Tân thề: "Vì lợi ích của tổ quốc giúp vua lật đổ người
Pháp, phục hồi nước Nam...". Lời thề của hội viên hội Phục Hưng còn có đoạn tố cáo tội ác của
giặc Pháp: "Người Pháp chiếm nước ta bao nhiêu năm nay đã gây cho chúng ta nhiều tai họa.
Chúng đàn áp dân ta và cả vua ta... Cách thức cai trị và hình phạt ngày càng khắc nghiệt. Phong
tục ngày càng đồi bại. Trời đất đều đau lòng nhìn thấy nhân dân phải khốn cùng như thế. Vậy
nến ngày nay chúng ta thề cùng nhau một lòng cứu nước cứu dân". Hội Nghĩa Hòa ở Mỹ Lợi
(Mỹ Tho) thề: "Tham gia phong trào chống Pháp giành độc lập cho nước Nam". Hội Nghĩa
Hòa ở Thơi Sơn (Mỹ Tho) cũng thề: "Một lòng một dạ vì lợi ích đất nước, đánh Pháp phục
Nam" [Dẫn theo: 22, tr. 337].

Những lời thề của các hội viên bộc lộ rõ tư tưởng yêu nước. Điều đó đã chi phối mạnh mẽ
đến quá trình hoạt động của các hội kín. Bên cạnh hoạt động tương tế (cứu giúp nhau khi hoạn
nạn, cùng chống lại bọn cường hào ở thôn xã...), các hội kín đã tích cực tiến hành hoạt động
chống Pháp. Có lẽ vì vậy mà Coulet đưa ra nhận xét: "Hội kín, bản chất của nó không phải là tự
vệ mà là tấn công, tấn công mới là chủ yếu..." [Dẫn theo: 3, tr. 573]

Theo tài liệu của thực dân thì từ giữa năm 1883, hội kín "Thiên Địa hội đã bắt liên lạc với
một mưu đồ nổi dậy do một số quan lại, sĩ phu yêu nước vận động và đang nhen nhóm ở Nam
Kỳ" [17, tr. 120]. Báo cáo của Sở Cảnh sát an ninh Sài Gòn ngày 11-7-1883 cho biết: "Nhiều
người trong hội kín Thiên Địa hội ở Sóc Trăng (trong đó có người Hoa) đều đồng tình với các
quan lại cũ và hương chức ở trong hạt cùng nổi dậy". Cũng tại Sóc Trăng, một hương hào ở Bãi
Xâu đang chỉnh đốn lại hội kín Thiên Địa hội. Họ tính chuyện mua vũ khí về dấu trong đồng
tràm và tính chọn ngày tiêu diệt tất cả người Pháp trong tỉnh. Người ta đồn rằng: khi có hiệu
lệnh, bọn lính tập và lính khố đỏ sẽ hỗ trợ tích cực cho hội kín.

44
Một báo cáo khác của sở cảnh sát an ninh Sài Gòn đề ngày 23-11-1883 cho biết: có tin
đồn rằng người An Nam và người Hoa tham gia hội kín ở Trà Vinh và Sóc Trăng đang tụ tập
thành những toán đông người, có vũ trang, đi lại trên các sông lớn [17, tr. 120-121].

Các tư liệu trên cho thấy hoạt động chống Pháp của các hội kín đã bắt đầu từ cuối thế kỷ
XIX. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mới nhen nhóm, lẻ tẻ. Nguyên do là, các hội kín thực sự
mang nội dung "Phản Pháp phục Nam" của người Việt lúc này chưa xuất hiện nhiều. Hơn nữa,
trong những thập niên cuối thế kỷ XIX, phong trào yêu nước ở Nam Kỳ đang bị thực dân đàn
áp mạnh. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang đều lần lượt thất bại. Công cuộc kháng Pháp, giải
phóng dân tộc lâm vào cảnh bế tắc. Trước tình hình đó, rõ ràng các hội kín không có điều kiện
thuận lợi để tiến hành các cuộc nổi dậy với quy mô lớn. về phía chính quyền thực dân, họ chú ý
đến các hội kín theo kiểu Thiên Địa hội từ rất sớm. Ngay từ năm 1882, giới chức cao cấp của
thực dân đã ra công văn "Chuẩn y các biện pháp nghiêm khắc đối với Hội kín có tên Thiên Địa
hội". (Hội kín ở đây được hiểu là cả của người Hoa và người Việt).

Thế nhưng thực dân không triệt tiêu được ngay các tổ chức "chống chính quyền" này. Có
lẽ là do hội kín chưa nổi dậy mạnh mẽ nên chưa bộc lộ hết tổ chức và lực lượng. Mặt khác,
cách tổ chức và hoạt động bí mật của họ đã khiến cho thực dân không dễ ra tay trấn áp. Một hội
viên phản bội của hội kín Thiên - Địa - Hội - Sơn đã thú nhận việc truy bắt hội viên hoàn toàn
không dễ dàng vì "họ rất cẩn trọng, nhất là việc bảo mật sổ sách của hội" [17, tr. 117].

Bước sang đầu thế kỷ XX, hoạt động chống Pháp của hội kín trỗi dậy mạnh mẽ. Hàng
loạt hội xuất hiện trên khắp Nam Kỳ đã giương cao khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam". Vào
khoảng thời gian trước và trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), các cuộc đấu tranh
vũ trang của hội bắt đầu diễn ra ở nhiều nơi. Họ đứng lên tấn công bọn chức dịch gian ác,
chống lại việc chính quyền thực dân bắt lính. Không những thế, các hội kín còn có kế hoạch
bạo động giành chính quyền. Điển hình là kế hoạch tấn công vào Sài Gòn - Chợ Lớn của hội
kín Phan Xích Long. Đêm 23 rạng 24-3-1913, những người lãnh đạo của tổ chức này đã cho
đặt trái phá ở một số nơi trong châu thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Bốn ngày sau, khoảng 600 nông
dân mặc quần trắng, áo đen, bịt khăn xéo trắng tiến vào Chợ Lớn. Họ hi vọng sẽ được nhìn
thấy hoàng đế Phan Xích Long giáng trần để đánh đuổi người Pháp. Tuy nhiên, chính quyền
thực dân đã sớm phát hiện kế hoạch nổi dậy và ra tay đàn áp. Hàng trăm người bị chúng bắt

45
đem ra xét xử tại Tòa Đại hình Sài Gòn. Mặc dù cuộc nổi dậy của hội kín Phan Xích Long
không thành công, nhưng hành động của họ đã gây được tiếng vang lớn.

Cùng với các hoạt động trên, hội kín ở Nam Kỳ còn liên hệ với một số tổ chức yêu nước
khác. Tác giả Nguyễn Văn Kiệm cho biết: sau khi thành lập Việt Nam Quang Phục hội, Phan
Bội Châu đã cử Bùi Chi Nhuận về Nam Kỳ vận động các hội kín. Tháng 4-1913, sau vụ nghĩa
quân Phan Xích Long đột nhập vào Sài Gòn - Chợ Lớn, ông lại cử Cường Để về Nam Kỳ
quyên góp tài chính. Cường Để đã được các hội kín ủng hộ, suy tôn làm minh chủ và quyên
được hơn 20 vạn đồng [22, tr. 344].

Ngoài Việt Nam Quang Phục hội, dường như hội kín có liên hệ với các giáo phái yêu
nước. Khi đàn áp cuộc khởi năm 1916, Pháp đã thu được của nghĩa quân một lá cờ. Trên lá cờ
có dòng chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương, Thánh Minh Vương Phật". Ngay cả bùa mà nghĩa quân đeo
khi lâm trận cũng có dòng chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương". Những chi tiết vừa nêu cho phép chúng
ta nghĩ tới khả năng hội kín Thiên Địa hội và Bửu Sơn Kỳ Hương đã phối hợp với nhau trong
hoạt động cứu nước.

Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Là một nước tham chiến, thực dân Pháp
đã tăng cường bóc lột về kinh tế và bắt lính ở các thuộc địa để phục vụ cho chiến tranh. Ở Nam
Kỳ, các đợt bắt lính diễn ra ráo riết. Do vậy, hoạt động của các hội kín Nam Kỳ trong thời gian
này chủ yếu nhằm vào hai việc lớn: một là phá nhà ngục Sài Gòn cứu Phan Xích Long (bị bắt
ngay trước cuộc nổi dậy năm 1913) và tiếp tục kế hoạch giành chính quyền, hai là chống việc
bắt lính của thực dân Pháp.

Sau một thời gian chuẩn bị, đêm 14 rạng 15-2-1916, nghĩa quân do Nguyễn Hữu Trí chỉ
huy đã tấn công vào Sài Gòn. Cuộc tấn công này nhằm phá khám lớn giải cứu hoàng đế Phan
Xích Long và lật đổ người Pháp giành chính quyền. Cũng như năm 1913, cuộc khởi nghĩa lần
này bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp và thất bại.

Ngoài cuộc nổi dậy phá khám lớn Sài Gòn, các hội kín ở các địa phương cũng dấy lên
phong tào đấu tranh mạnh mẽ.

Ở Trà Vinh, từ 20-1-1916, nhiều làng có những cuộc vận động chống bắt lính. Ở Biến
Hòa, ngày 23-1, nông dân tổng Chánh Mỹ Trung phá các cuộc tuyển lính, đánh chức dịch và

46
lính cơ. Ở Bến Tre, khoảng 200 hội viên hội Nghĩa Hòa mang cờ, trống diễu hành và trừng trị
bọn nhà giàu gian ác. Ở Thủ Dầu Một, nhiều nông dân tụ tập để nổi dậy vào đêm 14-2 nhưng bị
Pháp đàn áp... [22, tr. 346].

Trong số 20 tỉnh của Nam Kỳ, có đến 13 tỉnh diễn ra các hoạt động nổi dậy. Nghĩa quân
được tập hợp nhanh chóng và rất có tổ chức, tấn công thực dân và tay sai bằng vũ khí thô sơ.
Những người nổi dậy "đểu có tinh thần chiến đấu cao, họ tin vào bùa phép, tin rằng sắp đổi đời,
tận thế... Khi xông trận mỗi chiến sĩ mang bùa trước ngực... để ngừa súng đạn đối phương" [14,
tr. 144].

Coulet nhận xét: "Những vụ mưu loạn ở Nam Kỳ năm 1916 cho thấy các hội kín muốn
chứng tỏ khả năng thực hiện một kế hoạch hoạt động chung, nhưng mỗi hội kín vẫn giữ được
bản sắc riêng của từng khu vực...

Có thể nói khắp nơi trên địa bàn Nam Kỳ đã diễn ra hoạt động rất có tổ chức của các hội
kín mà chính quyền Pháp chưa đánh giá thật đúng ảnh hưởng của nó để có biện pháp hữu
hiệu..." [28, tr. 19-21].

Lời nhận xét của nhà nghiên cứu Coulet cho thấy phong trào hội kín năm 1916 đã diễn ra
khá đồng bộ. Rõ ràng, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Giữa các hội kín hẳn đã có
liên hệ với nhau và thống nhất một hành động chung. Nhờ vậy, nó mới tạo nên sức mạnh khiến
cho chính quyền thực dân có phần bất ngờ và ứng phó một cách vất vả.

Các cuộc nổi dậy của các hội kín Nam Kỳ cuối cùng đều thất bại. Mặc dù vậy, họ đã góp
phần đáng kể vào phong trào dân tộc. Chỉ bằng giáo mác thô sơ, những người nông dân đã
dũng cảm đứng lên chống lại ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Họ đã làm cho bộ máy cai
trị của chúng không thể yên ổn. Hoạt động đấu tranh của các hội kín đã chứng tỏ rằng bất cứ
trong hoàn cảnh nào, nhân dân cũng sẵn sàng vùng dậy đánh đổ thực dân đế quốc, giành lại độc
lập, tự do.

Qua những nội dung đã trình bày ở trên, xin được rút ra một số nhận xét sau:

Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một phong trào yêu nước dưới hình
thức hội kín đã hình thành và phát triển ở nhiều tỉnh Nam Kỳ. Quá trình ấy gắn liền với hoàn

47
cảnh chính trị - xã hội, gắn liền với những bước thăng trầm của phong trào dân tộc trên vùng
đất này.

Các hội kín của người dân Nam Kỳ có nguồn gốc từ các Thiên Địa hội của người Hoa.
Đây là những hội kín "Phản Thanh phục Minh" ở Trung Quốc theo chân người Hoa di cư đến
nước ta. Từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi, các Thiên Địa hội xuất hiện ngày càng nhiều ở Nam Kỳ.
Trong quá trình hoạt động, chúng đã thu hút sự tham gia của một số đông người Việt. Sau đó
người Việt đã tách ra thành lập các tổ chức riêng trên cơ sở học tập cách tổ chức và lề lối sinh
hoạt của hội kín Hoa kiều.

Với khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam" các hội kín của người dân Nam Kỳ đã thể hiện tinh
thần yêu nước rõ rệt.

Cho đến đầu thế kỷ XX, các hội kín của người Việt đã xuất hiện ở khắp Nam Kỳ. Với
mục tiêu mang tính dân tộc, các tổ chức này là nơi phát sinh một phong trào yêu nước mới.
Khác với phong trào Minh tân vốn chỉ có ảnh hưởng ở thành thị, phong trào hội kín có sức hút
mạnh mẽ ở vùng nông thôn. Đồng thời, do cách thức hoạt động bí mật (giống Thiên Địa hội
của người Hoa), các hội kín cũng không có nhiều hoạt động "bề nổi". Vì vậy, chỉ đến khi các
hội kín phát động nổi dậy ở Sài Gòn và một số nơi khác, chính quyền thực dân mới nhận ra
rằng đây là một lực lượng yêu nước mà họ không thể xem thường.

48
CHƯƠNG 3: HỘI KÍN PHAN XÍCH LONG - MỘT ĐIỂN HÌNH CỦA
HỘI KÍN CHỐNG PHÁP Ở NAM KỲ

Trong phong trào hội kín Nam Kỳ, hội kín Phan Xích Long là tổ chức tiêu biểu nhất. Đây
là tổ chức có hoạt động trên nhiều tỉnh Nam Kỳ vang gây được ảnh hưởng lớn. Chính hội kín
này đã phát động hai cuộc nổi dậy chống chính quyền thực dân vào năm 1913 và 1916. Bản
thân Phan Xích Long được các hội kín khác ủng hộ và suy tôn làm hoàng đế nước Nam.

3.1.Sự ra đời và hoạt động của hội kín Phan Xích Long.

Hội kín Phan Xích Long được thành lập vào khoảng cuối năm 1911. Sự ra đời và hoạt
động của hội gắn liền với tên tuổi của ba nhân vật là Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí và
Nguyễn Văn Hiệp.

Phan Xích Long tên thật là Phan Phát Sanh (còn gọi là Lạc). Phan là con của một người
lính tuần thành tại Chợ Lớn tên là Núi. Không rõ Phan sinh năm nào, song căn cứ vào bản cáo
trạng của Tòa Đại hình Sài Gòn năm 1913 ghi rằng "Phan Phát Sanh niên canh 20 tuổi" [23, tr
li], chúng ta có thể đoán định ông sinh vào 1893. Tác giả Huê - Tam Ho Tai cho rằng có thể
Phan Xích Long là người gốc Hoa [26, tr. 69]. Theo tài liệu của Pháp thì khi còn ở Chợ Lớn,
Phan đã "bị Tòa tạp tụng xử phạt một lần về lỗi trái lệ làm thầy bói mà không xin phép quan
trên". Vì vậy, Phan bị cha đuổi ra khỏi nhà. Từ đó, Phan Xích Long rời Nam Kì, sang Cao
Miên và Xiêm. Trong khoảng thời gian trước năm 1911, Phan đã học tiếng "Chật" (tức tiếng
Hoa) và tiếng Xiêm ở vùng biên giới Xiêm - Cao Miên. Ngoài ra ông còn học phương thuật,
làm nghề thầy pháp và thạo cả nghề làm trái phá. Sau này, trong vụ án 1913, có người còn khai
rằng Phan Xích Long theo đạo tu tiên [23, tr. 9-11].

Tháng 7-1911, tại Tân Châu - Châu Đốc, Phan Xích Long đã gặp Nguyễn Hữu Trí (Hai
Trí) và Nguyễn Văn Hiệp. Trí và Hiệp vốn là dân làng Đa Phước - Chợ Lớn. Cả ba đã cùng bàn
định lập hội kín và khởi nghĩa chống Pháp. Sau lần gặp gỡ này, Phan "mặc áo thầy chùa và đi
du phương". Trí và Hiệp thì bắt tay vào xây dựng cơ sở cho phong trào. Hai người đã rước một
ông già tên là Nguyễn Văn Kế về nhà của Trí ở làng Đa Phước và tuyên bố đây là một vị "Phật
sống". Chưa được bao lâu, chức dịch làng Đa Phước đã bắt cả ba người nộp cho quan Tham

49
biện (có lẽ là Tham biện Chợ Lớn). Tuy nhiên, do không có chứng cớ buộc tội nên cả ba đã
được thả. Sau vụ này, ngày 15-11-1911 "Phật sống" được đưa về châu thành Chợ Lớn, ngụ ở
đường Thuận Kiều. Tại đây, Hai Trí đã dùng "Phật sống" để thu hút mọi người lui tới nhằm
quyên góp tiền bạc. Đồng thời đây cũng là nơi tụ họp của những người có chí hướng chống
Tây. Tài liệu của Pháp cho biết nơi ở của Phật sống "kẻ tới người lui, ra vào bái lạy, dâng bạc
cúng vàng"... là "nơi nhóm hội và lập bọn khởi nghĩa với nhau, đặng làm giặc cùng nhà nước
Lang Sa "[23, tr. 10].

Tháng 2-1912, "Phật sống" Nguyễn Văn Kế qua đời. Nhân cơ hội này, Nguyễn Hữu Trí
lập mưu nói rằng khi sắp lìa trần, "Phật sống" dạy phải tôn Phan Phát Sanh lên làm hoàng đế.
Hai Trí và Hiệp đã lãnh trách nhiệm qua Battambang (Campuchia) đón Phan Phát Sanh về Chợ
Lớn để lên ngôi. về phần Phan Phát Sanh, vào cuối năm 1911, Phan đã đến tỉnh cần Vọt (tỉnh
Kampot - Campuchia) và trú tại nhà một người tên Nhiêu. Sau đó, Phan cùng với vợ chồng
người này đến Battambang làm culi, rồi làm nghề chữa bệnh. Hai Trí và Hiệp đã qua đón Phan
tại Battambang rồi đưa Phan quay lại cần Vọt. Tháng 9-1912, Phan Phát Sanh trở về Chợ Lớn,
và ngụ tại đường Thuận Kiều. Chỗ Phan ở là một tiệm cho mướn xe máy đạp, cũng là nơi thờ
đức Phật sống. Ở đây, Phan được thiến hạ "tôn kính như thiên tử". Từ lúc này, Phan Phát Sanh
trở thành hoàng đế Phan Xích Long. Tháng 10-1912, Phan Xích Long đến ở tại một tửu quán
trên đường Bourdais (Sài Gòn) gọi là tiệm Nam Hòa Hiệp. Ngày 14-10, Phan Xích Long "ban
yến" tại đây và nhận "lễ vật dâng cống tới chừng sáu trăm đồng bạc" [23, tr.12]. Xong việc,
Phan trở lại cần Vọt, nơi Hai Trí đang xin đất dựng chùa để làm cơ sở cho hoạt động của hội
kín.

Như vậy, với vai trò tích cực của Phan Xích Long, Nguyễn Hữu trí, Nguyễn Văn Hiệp,
một hội kín chống Pháp đã xuất hiện ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Chúng ta không có tài liệu để biết
đích xác hội ra đời chính thức vào ngày tháng năm nào, tôn chỉ cụ thể ra sao... Song, căn cứ
vào các sự kiện vừa nêu trên, có thể khẳng định hội kín Phan Xích Long ra đời vào khoảng
tháng 11-12 năm 1911. Tuy không rõ tôn chỉ của hội, nhưng hoàn toàn có cơ sở khẳng định đây
là một tổ chức yêu nước. Mục đích của hội là đánh Pháp, khôi phục nước Nam. Bản yết thị của
hội kín Phan Xích Long dán khắp châu thành sài Gòn - Chợ Lớn năm 1913 viết: "Sẽ có một
người là chánh vị Vương, tên là Phan Xích Long sẽ ra đánh cùng người Lang sa và thắng
trận...". Cuối bản yết thị có lời kêu gọi "ta hãy dậy mà phục quốc" [23,tr. 7- 17].

50
Về mặt tổ chức, ngoài ba người khỏi đầu là Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn
Văn Hiệp, hội đã nhanh chóng thu nhận được nhiều người, trong đó có các nhân vật quan trọng
sau (theo thứ bậc):

Trương Văn Phước (hương chủ Phước), làm nghề thầy thuốc.

Cựu hương sư Nguyễn Văn Tài, ở làng Đại Nhựt, tỉnh Tân An. Ông có hai con trai là
Nguyễn Văn Tiền và Nguyễn Văn của cũng tham gia hội kín.

Nguyễn Văn Ngọ (hương trưởng Ngọ), người có vai trò quan trọng trong vụ nổi dậy đầu
năm 1913.

Nguyễn Văn Tâm (Tám Tâm), người có vai trò quan trong trong hoạt động của hội ở cân
Vọt.

Ngoài ra, còn phải kể đến các ten tuổi khác trong hội kín như: hai con trai của "Phật sống"
là Nguyễn Văn Mùa (Ba Mùa) và Nguyễn Văn Màng (Tư Màng), Tư Phát (chủ tiệm xe máy
đạp ở đường Thuận Kiều), Đặng Tấn Sao (Xã Sao - cựu xã trưởng làng Tân Trạch), Hứa Song
(Song Tởn), một Hoa kiều lập nghiệp ở làng Nhựt Tảo (Tân An)... [23, tr. 10-11]

Cũng như các hội kín khác trên đất Nam Kỳ, ngay khi mới ra đời, hội kín Phan Xích
Long đã mang đậm màu sắc thần bí. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hội đưa lên hình tượng
"Phật sống", tuyên truyền để mọi người tin vào bùa chú... Hương trưởng Nghẹ từng nói với
những người dân ủng hộ hội kín rằng: "Ai uống bùa vô thì đặng phép biến hình... mình có phép
chuyển gồng, đạn súng bắn không vô thịt, gươm đao đâm chẳng phung (thủng) da" và "hễ chư
quân khấn vái thì trời đất cho các vị thần tiên ra cầm binh xáp trận, giúp nghĩa sĩ khởi thắng
hiển vinh..." [23, tr. 8-13].

Bên cạnh tư tưởng thần bí, hội kín Phan Xích Long còn thể hiện rõ tư tưởng tôn quân.
Phan Xích Long tự xưng là thái tử, con của vua Hàm Nghi và luôn mang bên mình chiếc khánh
có chữ "Đông cung". Sau đó, Phan được người trong hội kín tôn lên làm hoàng đế với đầy đủ
áo, mão, gươm, ấn... Cây gươm của Phan có khắc dòng chữ "Tiên đả hôn quân, hậu trảm loạn
thần" (trước đánh hôn quân, sau chém loạn thần). Cái ấn có hình đầu rồng trên cái ngừ, phía
dưới khắc dòng chữ "Đại Minh quốc, Phan Xích Long hoàng đế, thiên tứ ngọc tỉ" (Trời ban ấn
ngọc cho hoàng đế Phan Xích Long nước Đại Minh). Ngoài ra Phan còn có cái khánh khắc tên

51
Phan Xích Long (Xích Long nghĩa là con rồng đỏ) và cái xuyến đeo tay. Ở phía ngoài chiếc
xuyến có dòng chữ "Đại Minh quốc, Phan Xích Long hoàng đế thống trị Trung Hoa". Phía
trong có hai chữ "Dân cống". Tất cả những món đồ này đều làm bằng vàng, trị giá đến "ba bốn
ngàn đồng bạc lớn". Chính Hai Trí và hương sư Tài đã đặt cho hai người thợ bạc là Võ Văn
Giàu và Năm Kiều làm các món đồ vàng ấy. Để tăng phần oai nghiêm cho hoàng đế, những
người chủ chốt ương hội còn bày ra việc cúng lễ. Chỗ Phan Xích Long ngồi được họ trang trí
đèn hoa rực rỡ. Khi mọi người vào lạy, thấy Phan ngự trên ngai vàng "hào quang sáng loáng,
sánh dường một vị ười sai xuống đánh cùng người Lang Sa mà lấy lại nước cho trăm họ được
nhờ" [23, tr. 9-14]. Rõ ràng, "hoàng đế" Phan Xích Long đã đã được thần thánh hóa nhằm mục
đích động viên người dân tham gia hoạt động cứu nước.

Ở đây có một điều đáng lưu ý là, tại sao cái ấn và xuyến đeo tay của Phan Xích Long lại
khắc dòng chữ "Đại Minh quốc...", "Phan Xích Long hoàng đế thống trị Trung Hoa"? Chúng ta
nhớ rằng, Phan đã xưng mình thuộc dòng dõi Hàm Nghi - một vị vua yêu nước của Việt Nam.
Vậy tại sao chữ trên ấn không phải là "Đại Nam quốc" hay "Việt Nam quốc"? Ba chữ "Đại
Minh quốc" khiến ta dễ liên tưởng đến Thiên Địa hội của người Hoa với tôn chỉ "Phản Thanh
phục Minh". Bản thân Phan Xích Long cũng có lúc nhận mình thuộc dòng dõi của vị vua lập
nên triều Minh [26, tr 69]. Phải chăng đây là cách che dấu mục đích thực sự của hội kín trước
chính quyền thực dân? Hay do được tổ chức theo kiểu Thiến Địa hội Trung Quốc nên hội kín
Phan Xích Long đã dùng luôn khẩu hiệu "Phản Thanh phục Minh" để làm lớp vỏ ngụy trang?
Trong bản trạng cáo xử vụ nổi dậy năm 1913, chính quyền thực dân đã nói về các hội kín Nam
Kỳ (tất nhiên có cả hội kín Phan Xích Long) như sau: "...thứ hội kín này kêu là Thiên Địa hội...
Những người mới vô hội phải bước ngang qua ngạch cửa Hồng môn, rồi mới thề nguyền kết
nghĩa kim lan, hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly, giữ cho trọn việc Phản Thanh phục Minh...
tại đây mà nói phản Thanh phải hiểu là chúng nó lo đuổi người Đại Pháp ra khỏi Đông
Dương..." [23, tr. 48]. Chúng tôi cho rằng đoạn tư liệu trích dẫn trên đã phần nào cắt nghĩa vì
sao trên ấn của Phan Xích Long khắc chữ "Đại Minh quốc...". Ba chữ này hoàn toàn không liên
quan đến mục đích thực sự của hội kín.

Mặc dù hình thức tổ chức của hội kín Phan Xích Long mang đầy màu sắc huyền bí,
nhưng hoạt động của nó hướng tới những mục tiêu rất thiết thực. Điều đó được chứng tỏ qua
công tác tuyên truyền, quyên góp tài chính, gây dựng cơ sở... của hội. Ngay sau cuộc gặp ở Tân

52
Châu (Châu Đốc) tháng 7-1911 với Hai Trí và Hiệp, Phan đã khoác áo nhà sư "đi du phương".
Việc Phan đi chu du các nơi chắc hẳn không ngoài mục đích tuyên truyền yêu nước. Dân chúng
ở các tỉnh Nam Kỳ và vùng biên giới Việt - Miên vốn có niềm tin tôn giáo sâu sắc và ưa
chuộng việc dùng bùa chú, thuật số. Vì vậy, họ rất kính trọng các sư sãi, thầy đạo. Với chiếc áo
nhà sư, Phan sẽ dễ tiếp xúc và thuyết phục họ tham gia hoạt động của hội kín. Không phải ngẫu
nhiên mà chính quyền thực dân đã quy kết hoạt động của Phan Xích Long vào tội "giả mạo qua
việc tu hành mà dối gạt dân chúng..." [23, tr. 10].

Trong khi Phan Xích Long đi tuyên truyền các nơi, Hai trí và Hiệp cũng tích cực tập hợp
quần chúng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Mặc dù hoạt động cách xa nhau, nhưng có lẽ giữa Phan Xích
Long và Hai Trí vẫn giữ mối liên lạc. Nếu không, làm sao Hai Trí biết Phan đang ở tại
Battambang để sang rước về lên ngôi theo "lời trăn trối của Phật sống"?

Sau một thời gian hoạt động, hội kín Phan Xích Long đã thu hút được một lực lượng đông
đảo. Lực lượng này bao gồm nông dân, dân nghèo thành thị và cả một số chức dịch ở làng xã.
Ngoài ra, hội kín còn có sự tham gia của một số Hoa kiều. Việc hội kín có đông người gia nhập
và ủng hộ cho thấy công cuộc vận động, tuyên truyền của những người sáng lập đã thu được
kết quả khả quan.

Song song với việc chiêu tập lực lượng, những người đứng đầu còn tích cực gây quỹ để
phục vụ cho hoạt động của hội. số tiền họ quyên được khá lớn, chủ yếu do các hội viên hoặc
dân chúng đóng góp. Khi xét nhà Tư Phát - một nhân vật quan trọng của hội kín - bọn thực dân
đã phát hiện cuốn sổ ghi lại tên và số tiền đóng góp cho hội của rất nhiều người. Tài liệu của
thực dân đã cho biết tên một số người mà chúng bắt được như sau:

- Tư Phát - thủ quỹ của hội và là người ghi cuốn sổ nói trên - góp một ngàn một trăm
đồng.

- Trương Văn Chước (cha Tư Phát) góp một ngàn đồng.

- Nguyễn Văn Tài (hương sư Tài) góp hai trăm đồng.

- Đặng Tấn Sao (Xã Sao) góp 280 đồng và một lượng 5 chỉ vàng.

- Nguyễn Văn Tâm (thuộc viên Tâm), cựu hội đồng địa tỉnh, góp 3.720 đồng.

... [23, tr 15-16].

53
Qua một vài trường hợp vừa nêu, chúng ta thấy số tiền các hội viên ủng hộ cho hội không
phải là nhỏ. Với nguồn kinh phí khá dồi dào, hội kín đã có điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh
các hoạt động như xây chùa, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực, may trang phục để hội viên
mặc khi nổi dậy... Trong đó, đáng chú ý nhất là việc hội kín dựng một ngôi chùa ở tỉnh Cần
Vọt (Kampot - Campuchia).

Ngày 01-10-1912, Nguyễn Hữu Trí đứng tên xin phép xây chùa ở Cần Vọt. ít lâu sau,
Phan Xích Long cũng có mặt tại đây để cùng lo việc xây cất. Chùa được xây trên sườn núi Voi,
cách tỉnh lỵ Cần Vọt 8 km. Phan Xích Long cũng xin một mảnh đất gần chùa, nhưng Công sứ
Pháp ở Cần Vọt không cho.

Ngôi chùa của hội kín Phan Xích Long thờ "Rồng Nam bất tử" (thần Nam Long) và có
hai bảng ghi: "Đền Bảo quốc" (bảo vệ tổ quốc) và "Đền được đế quyền phù hộ". Chùa được
xây dựng bằng ván nhẹ, sơ sài với số tiền là 1.000 đồng [29, tr. 12].

Hai Trí và Phan Xích Long xây chùa nhằm mục đích gì? Phải chăng là để phục vụ cho
nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh? Hoàn toàn không phải như vậy. Việc dựng chùa ở đây, trên thực
tế, là nhằm tạo ra một chỗ "đứng chân" lâu dài cho hoạt động cứu nước của hội kín. Đồng thời,
đây còn là "cái cớ" để người trong hội đi quyên tiền. Viên chưởng lí Michel đã nói về ngôi
chùa này trong bản trạng cáo xử vụ nổi dậy năm 1913: "Ngôi chùa này là một cái cớ để quyên
góp cho quỹ mưu phản. Đó cũng là nơi chờ đợi hay ẩn náu, là nơi tổ chức lễ tuyên thệ trung
thành" [28, tr. 187].

Coulet cho biết thêm: "chùa được xây ở một nơi gần như không thể đến được, phải leo
dốc 60°. Nó không giống như một ngôi chùa, nó chứa lương thực thực phẩm nhiều một cách
khác thường, nhiều quần áo trắng, giống như áo nông dân mặc... khi họ tụ tập về Chợ Lớn để
chờ hiệu lệnh làm loạn...". Ông đưa ra nhận định mang giọng điệu thực dân: "Chùa này...
không gì khác hơn một nơi bí mật để hội họp của các hội phản nghịch (chông chính quyên thực
dân - TG). Ở đó, Phan Phát Sanh mặc áo vàng (hoàng bào) để làm như vua đầu tiến của triều
Minh..." [28, tr. 189].

Có thể nói, ngôi chùa của Phan Xích Long trên núi Voi - tỉnh cần Vọt mang chức năng
"thế tục" nhiều hơn tôn giáo. Đây thực sự là "cơ quan đầu não" của hội kín với các chức năng
như: hội họp, tổ chức lễ tuyên thệ cho các hội viên (một hoạt động theo kiểu Thiên Địa hội).

54
Đây cũng là nơi các nghĩa sĩ ẩn mình đợi thời cơ hoặc tránh sự truy bắt của chính quyền thực
dân. Ngoài ra, như đã nói ở trên, chùa là lý do chính đáng để hội quyên tiền của dân chúng
khắp nơi. Tài liệu của Coulet cho biết: Hai Trí - người chủ trì việc này - đã thu được hơn
20.000 đồng tiền quyên góp cho việc dựng chùa. Sau đó, ông tiếp tục cho người đi quyên góp
để trang bị cho chùa những thứ quý giá. Ông thu được khoảng 10.000 đồng nữa, nhưng không
mua đồ đạc quý giá như đã tuyên bố [29, tr. 12]. Thông tin này chứng tỏ phần lớn số tiền thu
được không dùng vào mục đích tôn giáo. Vậy nó dùng vào việc gì? Chúng tôi cho rằng với các
khoản tiền quyên được, hội dùng cho việc trang trải cho việc đi lại, mua sắm lương thực, vũ
khí, quần áo... số lương thực thực phẩm "nhiều một cách khác thường" và số quần áo trữ trong
chùa, số vũ khí dùng trong cuộc nổi dậy năm 1913... là những minh chứng rõ rệt cho điều đó.

Tháng 3-1913, hội kín Phan Xích Long đã thực hiện một kế hoạch nổi dậy ngay tại Sài
Gòn - Chợ Lớn. Đây là hoạt động yêu nước có tiếng vang nhất ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Qua
cuộc nổi dậy này, hội kín đã bộ lộ rất rõ thực lực của mình. Đồng thời, nó cũng cho thấy một
phong trào yêu nước mang đậm màu sắc thần bí, sẽ đưa lại kết quả như thế nào.

3.2.Cuộc khởi nghĩa năm 1913

Tài liệu của thực dân Pháp cho biết: cuối tháng giêng năm 1913, một bà già mang đến cho
Phan Phát Sanh một tấm khánh có đề chữ "Phan Xích Long hoàng đế". Sau khi có được tấm
khánh, Phan lập tức rời cần Vọt trở về Sài Gòn - Chợ Lớn. về đến Nam Kỳ, Phan đã ngồi ghe
đi viếng các tỉnh trọn một tháng. Cùng đi với Phan có hương trưởng Ngọ. Sau đó, hương
trưởng Ngọ tách đi riêng để có thể đến đủ các nơi, còn Phan Xích Long thì đi tiếp với hương sư
Tài. Mục đích của chuyến đi là nhằm truyền lệnh cho nghĩa quân khắp nơi đợi ngày cùng nhau
nổi dậy [23, tr. 13].

Đoạn tư liệu vừa dẫn chứng tỏ phạm vi hoạt động của hội kín Phan Xích Long rất rộng
lớn. Nó bao gồm nhiều tỉnh Nam Kỳ. Việc Phan cùng hương trưởng Ngọ, hương sư Tài đi đến
các tỉnh này là để chuẩn bị lực lượng và vận động khởi nghĩa. Chi tiết "bà già mang cho Phan
tấm khánh" có lẽ do người trong hội tuyên truyền nhằm tăng vẻ thần bí và uy thế cho hoàng đế
Phan Xích Long. Nhờ đó, dân chúng ở các nơi càng thêm tin phục và làm theo hiệu lệnh của
Phan. Song song với việc chiêu tập lực lượng, các yếu nhân trong hội kín còn tích cực chuẩn bị
vũ khí cho nghĩa quân. Việc rèn gươm, làm trái phá... được tiến hành khẩn trương. Phan Xích

55
Long đã cho kiểu cây gươm và sai Hai Trí đưa cho một người thợ là Ngô Văn Đặng rèn. Đặng
đã rèn được tám chục cây gươm trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến trung tuần tháng 3-1913.
số gươm rèn xong được giao cho Hai Trí, hương chủ Phước, hương trưởng Ngọ và Tư Phát.

Về việc chế tạo trái phá, Phan Xích Long đã cùng với Tư Màng (Màng vốn là một người
thợ ở Ba Son) vẽ kiểu. Sau đó, Tư Màng được hội giao nhiệm vụ mướn người làm 18 cái vỏ để
ráp thành 9 trái hỏa lôi (hai vỏ ráp thành một ưái). Cuối tháng 12-1912 Tư Màng đã tìm được
người nhận làm công việc này. Đó là Nguyễn Văn Giàu (Tám Giàu), người có một trại thợ ở
làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định. Giàu đã nhận số tiền công là 330 đồng.

Thuốc súng dùng trong trái phá bao gồm diêm trộn với than, cũng do Phan Xích Long chỉ
cách làm. Hai người trong hội kín nhận nhiệm vụ này là Thầy Huế (Nguyễn Văn Tài) và hương
chủ Phước. Bảy Thập (em vợ hương chủ Phước) cũng có tham gia.

Khoảng trung tuần tháng 3-1913, vỏ trái phá được làm xong. Tám Giàu bỏ các miếng vỏ
ấy vào thùng thiếc (thứ thùng đựng dầu lửa) rồi cùng với Tư Màng chuyển đến nhà anh này.
Tại đây, Đặng Tấn Sao (Xã Sao) đã nhận lấy và cùng Hai Trí dùng xe bò đem đến Rạch Cát,
nơi ghe chở thuốc súng của Sao đã đợi sẵn. Công việc nạp thuốc súng và gắn chốt hột nổ vào
trái phá được tiến hành ngay trên ghe của Xã Sao. Ghe của hương trưởng Ngọ cũng có ở bên
cạnh để lo việc canh phòng và nấu ăn cho mọi người. Những người tham gia việc này gồm Hai
Trí, Phan Xích Long, Tư Màng cùng hai người chèo ghe là Đặng Văn Mão (Mười Mão) và
Nguyễn Văn cầu (gọi là Bảy - em ruột Hai Trí). Theo lời khai của Phan Xích Long với tòa án
thực dân thì chính anh "đã gắn chốt hột nổ vào trái phá trước hết để mọi người bắt chước làm
theo". Hai Trí, Tư Màng, Bảy và một người làm thợ ở Ba Son lo ráp trái phá. về sau, khi thu
được những trái phá của nghĩa quân, chính quyền thực dân đã cho người xem xét cẩn thận.
Viên quan ba Madec và kỹ sư Bussy - hai người phụ trách việc này -đã phúc bẩm với cấp trên
rằng: "mỗi một trái phá cân nổi từ 14-16 cân tây mà trong đó đã có 6 cân (Kilogrammes) thuốc
súng và một cân đạn miễn, các trái phá ấy là đồ hiểm nghèo, việc đặt trái phá ấy là một việc
mong lòng phạm tội trọng lắm". Viên quan ba Madec đánh giá: "người làm những trái (phá) ấy
còn non nớt tay nghề..." nhưng "nổ ra tại chỗ đông người ta thì sinh điều tai hại to".

56
Việc làm trái phá hoàn tất, ghe của Đặng Tấn Sao chở đi năm trái, còn ghe của hương
trưởng Ngọ chở đi bốn trái. "Từ nay, chư tướng ấm ức chờ tới lúc mà phát hành công sự, là
đêm 23 rạng 24 tháng 3 tây (nhằm đêm 16 rạng 17 tháng 2 An Nam)" [23, tr. 7-23].

Ngoài việc chế tạo vũ khí, người trong hội cũng rất chú ý đến vấn đề tuyên truyền nhằm
phát động nhân dân nổi dậy. Để kêu gọi nhân dân ứng nghĩa, hội kín đã in và dán yết thị ở
nhiều nơi (Chính quyền thực dân gọi là "vụ in và dán yết thị giục dân dậy ngụy"). Bản yết thị ở
Sài Gòn - Chợ Lớn viết: "Sẽ có người là Chánh vị vương tên là Phan Xích Long... ra đánh cùng
người Lang Sa và thắng trận, khuyên những người buôn bán ngoại quốc cùng dân ở chợ phải lo
trốn giặc, đem bạc giấy mà đổi lấy bạc đồng". Cuối mỗi bản yết thị đều có câu "ta hãy dậy mà
phục quốc" và in một bó cờ, đóng ấn hoàng đế [23, tr. 7-17].

Nội dung bản yết thị nêu trên do chính Phan Xích Long đặt ra và đưa cho Hai Trí hiệu
chỉnh. Hương chủ Phước thì lo làm khung gỗ để in chữ, hình cờ và ấn. Việc làm khuôn và in
yết thị được tiến hành ngay tại nhà của ông, với sự giúp đỡ của những người trong gia đình là
là Bảy Thập, Bảy Bót (em ruột hương chủ Phước), Chi và Sự (con trai).

Cuối cùng là việc làm bùa, vật không thể thiếu của những hội kín mang đậm màu sắc tôn
giáo, thần bí. Khi xét nhà Tư Phát ở Chợ Lớn, thực dân phát hiện có khuôn bằng cây để in bùa
phát cho nghĩa quân. Tại nhà của Đặng Tấn Sao thì có những lá bùa đề chữ "Ngọc hoàng".
Ngoài ra, chính quyền thực dân còn tìm thấy ở nhà Tư Phát có các đồ vật định dùng vào việc
khởi nghĩa như: mười lăm cây gươm mới rèn, một cây đao, một cây cờ lớn sắc xanh có hình
rồng đỏ, một cây cờ hai sắc (trắng và đỏ) ở giữa có hình ngôi sao trắng, một cờ vàng có bảy
ngôi sao và ba chữ Hán "Đại Minh quốc", nhiều áo lễ và sổ sách, bằng cấp. Trong đó có một
cuốn sổ ghi rằng mỗi tỉnh phải sắm cờ riêng dùng khi nổi dậy.

Giữa lúc cuộc nổi dậy đang được chuẩn bị gấp rút thì có hai sự biến bất lợi xảy ra. Đó là
việc Nguyễn Văn Hiệp và Phan Xích Long lần lượt sa vào tay Pháp. Trước tiên là vụ Nguyễn
Văn Hiệp. Ông bị Công sứ Pháp ở Cần Vọt bắt vào ngày 19-3-1913. Nguyên do của vụ này
như sau:

Tại châu thành cần Vọt, hội kín Phan Xích Long có mở một tiệm (bán hàng?) giao cho
Minh Ký (Nguyễn Văn Ký) quản lý. Đây là nơi dùng để "tiếp rước các vị hữu tâm đến tạm nghỉ
đặng lên cúng chùa" (tức chùa do Hai Trí và Phan Xích Long dựng trên núi Voi - TG). Vì Minh

57
Ký làm việc này không tốt nên hội đã giao cho Tám Tâm bốn trăm đồng để mở tiệm khác.
Minh Ký bất mãn, đem nội vụ của hội kín tố cáo với Công sứ Cần Vọt. Viên công sứ lập tức
cho lính nã tróc và bắt được Nguyễn Văn Hiệp khi ông đang ngồi xe hơi đi Nam Vang
(PnongPenh).

Ba ngày sau sự kiện trên, chiều ngày 22-3-1913, đến lượt Phan Xích Long bị Pháp bắt
ngay tại chợ Phan Thiết (Bình Thuận). Trước đó, vào ngày 19-3, Phan có mặt ở Chợ Lớn và
được "chư quân cúng tế ba ngày đêm". Rạng sáng 22, Phan đi xe lửa ra Phan Thiết. Tại đây
bọn cảnh sát thực dân đã nghi ngờ khi thấy Phan có giấy chứng nhận là dân làm mướn nhưng
lại xài nhiều tiền, mình đeo nhiều bộ đồ vàng. Vì vậy chúng đã bắt anh. Xét chỗ ở của Phan tại
khách sạn, cảnh sát còn phát hiện "nhiều món đồ sắc phục quý báu, lại có sách vở biên những
câu kinh tụng niệm đặng mà xuất trận, trong những câu kinh ấy có nói về An Nam quốc... và
hoàng đế Phan Xích Long. Còn trong nệm gối có nhiều món đồ vàng đặc khối: một cái khánh,
một cây gươm, một cái ấn hoàng đế" [23, tr. 6].

Hai sự kiện trên xảy ra liền nhau rõ ràng là dấu hiệu chẳng lành trước ngày khởi sự của
hội kín. Thậm chí kế hoạch của hội đã phân nào bị phá vỡ. Nên lưu ý, trong lúc Phan Xích
Long, Hai Trí... có mặt tại Sài Gòn -Chợ Lớn để chuẩn bị vũ khí, in yết thị, bùa... thì Hiệp vẫn
ở cần Vọt. Chúng ta có cơ sở để nghĩ rằng Nguyễn Văn Hiệp ở lại cần Vọt cũng nhằm mục
đích chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Ngôi chùa của hội kín trên núi Voi - Cần Vọt đã là nơi chứa
lương thực, quần áo cho nghĩa quân. Hơn nữa, theo tài liệu của Coulet thì "ủy ban Phan Xích
Long đã nói với các nhà cách mạng, các hội kín rằng phải dự trữ lương thực, vũ khí trong các
vùng lân cận chùa để sửa soạn cho cuộc nổi dậy" [29, tr. 12].

Đến trung tuần tháng 3-1913, Tám Tâm (Nguyễn Văn Tâm) cầm một phong thư từ Chợ
Lớn sang cần Vọt để báo cho Hiệp biết rằng "thời cơ cử động đã tới, phải phục binh trực chỉ
Sài Gòn - Chợ Lớn" [23, tr. 12]. Chi tiết "phải phục binh trực chỉ Sài Gòn - Chợ Lớn" cho phép
chúng ta nghĩ tới khả năng hội kín Phan Xích Long đã "ém" sấn một lực lượng ngay tại Cần
Vọt. Tài liệu của thực dân cũng ghi nhận ngôi chùa ở cần Vọt "là nơi để cho nghĩa sĩ nương
náu mà đợi thời biến" [23, tr. 12].

Tuy nhiên, kế hoạch đem binh về Sài Gòn - Chợ Lớn không thể thực hiện do Hiệp sớm
rơi vào tay Pháp. Đây là một tổn thất không nhỏ của hội kín trước giờ hành động.

58
Về phần Phan Xích Long, chúng tôi không đủ tài liệu để khẳng định chuyến đi Phan Thiết
của anh nhằm mục đích gì. Cũng không rõ Phan Thiết là nơi Phan định đến hay chỉ là nơi dừng
chân trước khi đi xa hơn? Phải chăng chuyến đi của Phan là nhằm tiếp tục tuyến truyền, kêu
gọi mọi người "hãy dậy mà phục quốc", ở Phan Thiết dường như hội kín của Phan Xích Long
không có cơ quan liên lạc nào. Bằng chứng là khi ra đến đây, Phan phải ở khách sạn.

Cũng như Nguyễn Văn Hiệp, sự kiện Phan Xích Long bị bắt đã ảnh hưởng tiêu cực đến
kế hoạch của hội kín. Bọn thực dân nhận định sở dĩ kế hoạch nổi dậy của hội thất bại là do "tên
Hiệp và tên Phan Phát Sanh bị bắt trước ngày chúng nó (chỉ nghĩa quân - TG) khởi sự" [23, tr.
32]. Mặc dù tình hình không còn thuận lợi nữa, nhưng những người chủ chốt khác trong hội
vẫn tiến hành khởi nghĩa. Đêm 23 rạng 24-3-1913, theo lệnh của Hai Trí, Đặng Tấn Sao cho
người chở năm trái hỏa lôi đến đậu tại cầu Ông Lãnh. Bản thân Sao thì ồ tại nhà Tư Phát nghe
Hai Trí chỉ vẽ cách đặt hỏa lôi rồi đến sau. Khoảng 11 giờ khuya, có năm người là Trương Văn
Chi, Nguyễn Văn Tài (còn gọi là Thầy Huế), Huỳnh Văn Tinh (Tư Tinh), Nguyễn Văn Thạnh
(Tám Thạnh) và Tư Màng đến lấy hỏa lôi. Mỗi người đều dùng một chiếc khăn bà lai rộng gói
trái hỏa lôi và đem đi đặt ở Sài Gòn. Trương Văn Chi đặt ở đường Kinh Lấp (nay là Nguyễn
Huệ). Thầy Huế đặt tại Chợ Đũi, phía dinh quan chánh lãnh binh (cách trại lính tập khoảng 30
mét), Huỳnh Văn Tình đặt ở vườn Ông Thượng, ngay tường rào dinh quan Chánh soái. Tám
Thạnh đặt tại ngã tư Tam Tòa nơi đường Mác Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và đường
Lagrandière (nay là Lí Tự Trọng) giao nhau. Riêng trái hỏa lôi của Tư Màng không rõ đặt ở
đâu. Ở Chợ Lớn, việc đặt hỏa lôi cũng được tiến hành trong đêm 23 rạng 24-3. Người phụ trách
phần việc ở đây là hương trưởng Ngọ. Theo sự sắp đặt của ông, bốn người là Nguyễn Văn
Thiệu, Phạm Văn Huân (Mười Huân), Nguyễn Đăng Hộ (Bộ Hộ) và Nguyễn Văn cân (phái
viên cần) đã dùng khăn bà lai gói hỏa lôi và đem vào Chợ Lớn. Nguyễn Văn Thiệu đặt hỏa lôi
gần Chợ Gạo, Mười Huân đặt tại chợ Bình Tây, Bộ Hộ đặt tại chợ giữa thành phố Chợ Lớn và
phái viên cần đặt ngay trước Tòa Bố.

Tuy nhiên, việc sắp đặt kể trên không đúng với hiệu lệnh của Phan Xích Long. Tài liệu
Pháp cho biết: kế hoạch của Phan là sai nghĩa quân, trong đêm 23 rạng 24-3, phải đem năm trái
hỏa lôi vào Sài Gòn và bốn trái vào Chợ Lớn ném cho nổ. Cũng nội trong đêm đó, nghĩa quân
phải hãm thành Chợ Lớn. Thế nhưng, như lời khai của Phan với tòa án thực dân, nghĩa quân đã
không tuân theo đúng mệnh lệnh. Họ chỉ đem trái phá đặt ở dưới đất chứ không dám ném. Việc

59
hãm thành Chợ Lớn cũng không diễn ra theo ý định của Phan [23, tr. 21-24]. Thông tin này cho
thấy phương án sử dụng trái phá của Phan táo bạo hơn so với những người khác. Hơn nữa, nếu
được thực hiện, nó dễ gây bất ngờ cho kẻ địch.

Cùng với việc đặt trái phá là việc dán yết thị kêu gọi mọi người nổi dậy. Người chủ trì
công việc này là hương chủ Phước. Khắp châu thành Sài Gòn - Chợ Lớn trái phá đặt ở đâu là
yết thị dán ở đó. Ngoài ra, yết thị còn được dán ở nhiều nơi khác. Hứa Song dán tại chùa
Quảng Đông và chùa Bảy Bang. Tiền và Của (con của hương sư Tài) dán tại chợ Quan Tập
(Tân Trụ - Tân An). Trần Văn An (người của Tư Phát) dán tại đường quan lộ trong châu thành
Chợ Lớn... Hầu như khắp các tỉnh Nam Kỳ ở đâu cũng có yết thị. Riêng các tỉnh Tân An, Gò
Công, Sóc Trăng, Mỹ Tho số yết thị nhiều hơn các nơi khác. Thậm chí hội còn mướn một
người Miên đem yết thị dán tại Nam Vang (PnôngPênh - Campuchia). số yết thị được dán khắp
nơi như vậy chứng tỏ hội kín muốn phát động một cuộc nổi dậy trên khắp Nam Kỳ. Tập thơ
"Phan Xích Long hoàng đế bị bắt"(Sài Gòn 1914) đã mô tả:

Tháng hai mười bảy bình minh,

Trái phá, văn hịch châu thành bỏ rơi.

Nghe ra rơi bỏ nhiều nơi,

Nhịp nhàng kỳ hẹn thiệt thời cũng hay.

Đều y một buổi một ngày,

Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Tây cũng là,

Nhiều nơi tờ hịch dán ra... [4, tr. 269]

Như vậy, hai ngày sau khi Phan Xích Long bị bắt, việc đặt trái phá và dán yết thị đã được
thực hiện. Theo kế hoạch, khi trái phá nổ "thì đó là hiệu lệnh để thừa lúc người Pháp kinh
hoàng, quân khởi nghĩa sẽ từ ngoại ô chạy vào nội thành cùng với một số người khác đã ém sẵn
bên trong, lãnh vũ khí đã chuẩn bị, xông lên giết giặc" [4, tr. 270].

Tuy nhiên, kế hoạch nổi dậy của hội kín đã sớm bại lộ. Ngay sáng 24-3, Pháp đã phát
hiện được các nơi đặt hỏa lôi và cho người tháo gỡ. Đồng thời, chúng cho quân bố phòng các
nơi. Bốn ngày sau, ngày 28-3-1913, gần sáu trăm nông dân thuộc hai tỉnh Chợ Lớn và Tân An

60
đã kéo vào thành phố Chợ Lớn. số nghĩa sĩ này đều mặc áo đen, quần trắng, bịt khăn xéo trắng
rút mối ở giữa trán để làm dấu hiệu riêng. Lúc trời rạng đông, họ đi từng tốp một, tay không
mang vũ khí, đi thẳng vào thành và có ý "trông đợi việc biến phi thường". Thực dân Pháp đã
cho lính đón bắt được hàng trăm người. Trong số này, có hai mươi lăm người đứng trước Tòa
Bố Chợ Lớn bị bắt trước tiên và đem cho Đốc phủ Nguyễn Tấn sử tra vấn. Số còn lại bị lính
bắt nộp cho quan tuân thành. Sau khi ưa hỏi, bọn thực dân biết rằng số nghĩa sĩ này được lệnh
phải đến Chợ Lớn đúng ngày 28-3 để "đánh Tây". Người ra lệnh cho họ là một thầy thuốc kiêm
thầy pháp ở làng Tân Trạch tỉnh Chợ Lớn. Trước khi đi họ được hương trưởng Ngọ đốt bùa
cho uống để "có phép biến hình" và "phép chuyển gồng" chống được súng đạn. Một số khác
khai rằng: họ vâng lời hương trưởng Ngọ đến Chợ Lớn để xem oai nhan hoàng đế Phan Xích
Long và đánh người Pháp...

Những lời khai của số người bị bắt đã cho thấy rõ mục đích họ kéo đến Chợ Lớn là để
làm gì.

Ngoài số nghĩa sĩ kể trên, thực dân Pháp còn bắt được một số nhân vật quan trọng trong
hội kín Phan Xích Long như: hương trưởng Ngọ, hương sư Tài, Tư Phát, Tám Tâm, Xã Sao...
Những yếu nhân khác của hội như Hai Trí, hương chủ Phước, Tư Màng may mắn trốn thoát.

Kế hoạch nổi dậy của hội kín thất bại nhanh chóng. Điều đó chứng tỏ lực lượng của hội
chưa đủ mạnh. Đồng thời, nó cũng cho thấy các yếu nhân của hội còn rất ấu trĩ về vấn đề khởi
nghĩa giành chính quyền, về phương pháp đấu tranh, về cách phát động quần chúng nổi dậy...
Chính vì thế họ chưa thực hiện được ý định lật đổ người Pháp ngay tại Sài Gòn -Chợ Lớn.

Tuy dễ dàng dập tắt cuộc nổi dậy, nhưng chính quyền thực dân vẫn xem đây là một âm
mứu lật đổ hết sức nghiêm trọng. Chúng cẩn thận lấy khẩu cung của tất cả những người bị bắt
để kết án. Ngày 05-11-1913, thực dân Pháp đưa Phan Xích Long, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn
Văn Ngọ, cùng các nghĩa sĩ khác ra xét xử tại Tòa Đại hình Sài Gòn. Tổng cộng có 104 người
bị chúng đưa ra tòa (số người bị thực dân kết tội "nổi loạn" là 111, nhưng chúng chỉ bắt được
104 người, bảy người còn lại trốn thoát). Chính quyền thực dân gọi đây là vụ án xử "một trăm
mười một người An Nam mưu mô làm nghịch cùng nhà nước Đại Pháp đang cai trị tại Nam
Kỳ, đặt trái phá tại Sài Gòn - Chợ Lớn, dán yết thị giục dân dậy ngụy khắp cả Nam Kỳ và Nam

61
Vang (Pnông Pênh)". Lời lẽ của quan chức thực dân đã gián tiếp xác nhận rằng chúng đang
khép tội những người yêu nước. Họ phải ra tòa chỉ vì muốn đánh đổ ách cai trị của ngoại bang.

Trước Tòa đại hình, những người đứng đầu cuộc nổi dậy đều tỏ rõ khí phách. Phan Xích
Long đàng hoàng thừa nhận việc đã làm. Nguyễn Văn Hiệp nói thẳng trước mặt viên quan Bồi
thẩm rằng ông rất ghét Pháp cai trị. Nếu có hỏa lôi trong tay, ông sẽ ném vào người Pháp, dù bị
hỏa lôi văng nhằm mà chết cũng cam lòng. Hương trưởng Ngọ cũng khẳng khái: "Chẳng quản
thân này còn mất, mai đây khởi nghĩa sẩn tâm". Thái độ cứng cỏi của Phan Xích Long, Nguyễn
Văn Hiệp, Nguyễn Văn Ngọ... cho thấy họ thực sự xả thân vì nghĩa lớn. Hành động của họ xuất
phát từ lòng căm thù sâu sắc giặc Tây và ý nguyện "khôi phục nước Nam". Do vậy, họ là
những người có chính nghĩa và đáng được kính trọng.

Sau năm ngày xét xử, đến chiều ngày 10-11-1913, Viên chưởng lý tại tòa là Gabriel
Michel đọc bản luận tội kết án. Y đế nghị tòa xử tử Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, hương
trưởng Ngọ, hương chủ Phước và biện giải: "Những người ấy chẳng đáng thương xót chút nào.
Vậy chớ chúng nó không phải là trọng tội hơn hết trong đám này hay sao? Chúng nó bày đặt
kiếm người phong lên làm ông Phật sống và tôn làm hoàng đế Phan Xích Long. Chúng nó
chẳng phải là những người sắp đặt đám tập lập này sao? Chúng nó chẳng phải là những người
đầu hết bày làm trái phá và đặt ra tại Chợ Lớn, Sài Gòn hay sao?" [23, tr. 48].

Đối với Nguyễn Văn Hiệp, hương sư Tài, Tư Phát, Xã Sao, Tám Tâm và Thầy Huế,
Michel đề nghị: "phải cho những người ấy biệt mất khỏi cõi Đông Dương trọn đời". Viên
chưởng lý cũng lưu ý tòa "phạt cho đáng tội" số người còn lại.

Hai giờ sáng ngày 13-11-1913, Tòa đại hình đã chính thức tuyên án. Trong số 104 người,
tòa tha bổng 54, còn 50 bị án phạt. Phan Xích Long, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Ngọ
(hương trưởng Ngọ) bị án khổ sai chung thân. Nguyễn Văn Tâm (Tám Tâm), Nguyễn Văn Tài
(hương sư Tài), Đặng Tấn Sao (Xã Sao) nhận hình phạt 20 năm khổ sai. số còn lại bị phạt từ 8
năm khổ sai trở xuống. Đáng chú ý là tòa án Pháp xử nặng những người đặt trái phá và rèn
gươm hơn những người làm công việc khác. Ngoài những người bị bắt, chính quyền thực dân
còn tuyên án vắng mặt bảy người. Trong đó có ba người bị xử khổ sai chung thân là Hai Trí,
hương chủ Phước và Tư Màng.

62
Những bản án nặng nề kể trên cho thấy thực dân Pháp mạnh tay với những người chống
lại chúng như thế nào. Bằng hành động trấn áp quyết liệt, chính quyền thực dân hi vọng sẽ làm
tan rã hoàn toàn hội kín Phan Xích Long. Đồng thời, chúng cũng tỏ rõ sự "răn đe" đối với các
phong trào yêu nước khác.

Tuy nhiên, trái với ý muốn của thực dân, hội kín Phan Xích Long không dễ bị tan rã. Với
vai trò của những người còn ở bên ngoài, nhất là Hai Trí, hội vẫn tồn tại và hoạt động. Điều
quan trọng hơn nữa là hội không từ bỏ mục tiêu "Phản Pháp phục Nam" của mình. Điều này sẽ
được chứng minh qua cuộc nổi dậy của hội kín vào tháng 2-1916.

3.3.Các cuộc khởi nghĩa năm 1916

Sau phiên tòa đại hình thángl 1-1913, chính quyền thực dân quyết định sẽ đày Phan Xích
Long đến Guyana. Tuy nhiên, con tàu chở Phan không thể rời cảng vì chiến tranh thế giới bùng
nổ.Thực dân đành phải đem anh giam ở khám lớn Sài Gòn. Theo Huê - Tam Ho Tai thì ở trong
khám, Phan Xích Long vẫn giữ mối liên hệ những người ủng hộ, đặc biệt là với Nguyễn Văn
Trước (biệt hiệu là Tư Mắt), người này vốn là đầu đảng của một nhóm giang hồ ở Sài Gòn và
có liên hệ với Thiên Địa hội [26,tr72].

Phan Xích Long liên hệ với những người ủng hộ bằng cách nào? Hoạt động này đưa đến
kết quả ra sao? Tác giả Huê - Tam Ho Tai không nói rõ. Song, điều dễ nhận thấy là việc Phan
bị giam ở Sài Gòn (chứ không phải là Guyana xa xôi) sẽ có ảnh hưởng tích cực đến phong trào
hội kín. Trong thời gian diễn ra thế chiến, các hội kín vẫn hướng về Phan Xích Long để tiến
hành các hoạt động yêu nước. Đỉnh cao của các hoạt động ấy là cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn
tháng 2-1916. Điều đáng nói là cuộc khởi nghĩa này vẫn do Nguyễn Hữu Trí - một yếu nhân
của hội kín Phan Xích Long - ưực tiếp chỉ huy.

Vào những năm 1914-1916, nước Pháp phải dồn mọi nỗ lực cho cuộc chiến tranh đang
diễn ra ác liệt ở châu Âu. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến, thực dân Pháp đã tăng cường vơ
vét sức người, sức của ở các thuộc địa. Trên vùng đất Nam Kỳ, chính sách bắt lính được tiến
hành ráo riết. Thêm vào đó, chúng còn buộc người dân phải gia tăng các khoản đóng góp. Tình
trạng nói trên đã khiến cho người dân Nam Kỳ, nhất là nông dân và dân nghèo thành thị, hết
sức bất bình, căm phẫn. Vì vậy, họ sẵn sàng tham gia phong trào chống Pháp do các hội kín
phát động.

63
Đầu năm 1916, tin quân Pháp đang bị vây hãm ở Verdun lan truyền khắp Nam Kỳ. Do
thông tin này mà một ngôi làng ở Gia Định đã từ chối nộp thuế. Họ hi vọng rằng chế độ cai trị
của Pháp sắp chấm dứt. Ở một số nơi khác, làn sóng chống đối cũng diễn ra mạnh mẽ. Tình
hình đó khiến cho một số người yêu nước nghĩ rằng cơ hội khởi nghĩa đã đến.

Đèn 14 rạng 15 tháng 2 năm 1916, cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở Sài Gòn. Vào khoảng 3
giờ sáng ngày 15-2-1916, 300 nghĩa quân do Nguyễn Hữu Trí chỉ huy, từ hàng chục chiếc
thuyền đậu dưới rạch cầu Ông Lãnh đã tiến vào nội đô. số nghĩa quân này mặc áo đen quần
trắng, cổ quấn khăn trắng, mỗi người có hai lá bùa một đeo ở cổ và một khâu ở ống tay áo. Vũ
khí của họ gồm có dao, giáo và kiếm (không có súng). Đặc biệt, nghĩa quân vẫn sử dụng lá cờ
của cuộc nổi dậy năm 1913.

Theo kế hoạch, nghĩa quân sẽ tấn công dinh Thống đốc cùng Khám lớn Sài Gòn. Mục tiêu
chính của họ là bắt viên Thống đốc và giải cứu Phan Xích Long. Nếu việc giải cứu thành công,
nghĩa quân sẽ đưa Phan Xích Long sang dinh nắm chính quyền, số tù nhân trong Khám lớn sau
khi được thả sẽ chạy xuống cầu Ông Lãnh lấy vũ khí. Tiếp theo, họ có nhiệm vụ phối hợp với
một lực lượng chờ sấn sau Sở thú để tiến đánh kho thuốc súng ở bờ rạch Thị Nghè. Thuốc súng
cháy là dấu hiệu để các toán quân tụ tập xung quanh Sài Gòn xông vào thành phố giết Tây,
giành lại chủ quyền.

Thực hiện kế hoạch trên, nghĩa quân đã chia thành ba toán, lặng lẽ tiến vào trung tâm
thành phố. Toán đi vào đường Mác Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) tấn công xe ô tô của
một số người Pháp, làm một người bị thương nặng. Đến đầu phố Canton và Mác Mahon, đoàn
người lại xung đột với một đội cảnh sát tuần tra làm hai tên bị thương. Phía nghĩa quân có hai
người bị bắn chết bằng súng lục.

Toán đi theo đường Bonar (nay là Lê Lợi) đã gặp hai toán kia và cùng kéo qua phố
Espagne (nay là Lê Thánh Tông) Tại đây, năm mươi nghĩa quân đã đến phá cổng sau dinh
Thống đốc. Không phá được, họ quay lại hợp sức với số người đang đánh Khám lớn. Mọi
người vừa đánh vừa hô vang "giết Tây", "chúng ta hãy giải thoát Đại ca" (Đại ca là danh xưng
của các Thiên Địa hội dành cho Phan Xích Long).

Sau một hồi tấn công, nghĩa quân vẫn không phá được Khám lớn. Trong khi đó, Pháp
cũng kịp thời đưa lực lượng đến để đối phó. Trước tình thế bất lợi, nghĩa quân đành phải rút lui

64
về phía cầu Ông Lãnh, để lại 8 xác chết và mấy người bị thương. Lính Pháp đuổi theo bắt được
rất nhiều người và thu được cả lá cờ của quân khởi nghĩa. Lực lượng nghĩa quân của các hội
kín ở Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Chợ Lớn đã tập hợp xung quanh Sài Gòn, không thấy
có hiệu lệnh như đã định, đều phải rút lui. Cuộc khởi nghĩa tháng 2-1916 ở Sài Gòn hoàn toàn
thất bại.

Phối hợp với cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn, các cuộc nổi dậy khác của hội kín cũng diễn ra
trên nhiều tỉnh của Nam Kỳ. Ở Thủ Dầu Một, thầy pháp Nguyễn Văn Mùi (người làng Bình
Sơn) ngày 14-2-1916 đã tập hợp 200 người tại một ngôi chùa để phân phát bùa và khí giới. Sau
đó, họ tấn công các nhà giàu ở Biên Hòa. ở Bến Tre, hội kín của Lê Văn Khanh đã tổ chức nổi
dậy trên toàn tỉnh, Ở Vinh Long, hội kín Nghĩa Hòa cầm đầu một cuộc biểu tình trước trụ sở
của Chủ tỉnh người Pháp... Thực dân Pháp đã thống kê, ưong 20 tỉnh của Nam Kỳ, có đến 13
tỉnh nổ ra các cuộc nổi dậy. Nông dân đã chiếm trụ sở làng, đốt giấy tờ, tuần hành thị uy... Tuy
nhiên, họ không chiếm được tỉnh lị nào. Sau khi cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn bị đàn áp, phong
trào ở các địa phương cũng dần dần lắng xuống.

So với lần nổi dậy vào năm 1913, cuộc khởi nghĩa tháng 2-1916 có quy mô hơn nhiều.
Không những thế, sự phối hợp giữa các địa phương cũng diễn ra đồng bộ hơn. Thực dân Pháp
cho rằng phong trào đấu tranh năm 1916 được đặt "dưới sự đôn đốc của một ý chí chắc chắn là
hết sức lớn lao, cùng một ngày, cùng một giờ, bằng những phương tiện và thủ đoạn giống nhau,
trên nhiều địa điểm và địa phương khác nhau, khắp cả xứ Nam Kỳ..." [Dẫn theo: 3, tr. 547].

Nhận xét trên chứng tỏ cuộc khởi nghĩa năm 1916 có sự chỉ huy thống nhất và được
chuẩn bị kĩ càng. Ở đây, có một câu hỏi đặt ra là, vai ưò chỉ huy và chuẩn bị cho cuộc khởi
nghĩa có hoàn toàn thuộc về Nguyễn Hữu Trí hay không?

Hiện nay, chúng tôi không có tư liệu về hoạt động của Hai Trí từ sau cuộc nổi dậy 1913
đến tháng 2-1916. Do vậy, chúng tôi không rõ vai trò của ông trong quá trình chuẩn bị cho
cuộc khởi nghĩa. Theo tài liệu của Coulet thì sự kiện tháng 2-1916 xuất phát từ một ngôi chùa
trên Núi cấm (vùng Thất Sơn - An Giang) và liên quan đến nhà sư Cao Văn Long (còn gọi là
Bảy Dỏ) quê ở Bến Tre (7). Chính Bảy Dỏ đã đứng ra lập chùa trên Núi Cấm bằng tiền riêng và
tiền quyên góp khắp Nam Kỳ. Ngôi chùa xây suốt trong mười năm mới xong. Coulet mô tả:

65
Đó là một ngôi chùa rộng mênh mông bằng gỗ, trên các cột gạch, có hình vuông, mỗi bề
khoang 30 mét, cao lo mét (từ đất lên nóc). Chỉ có một cửa ra vào bằng gỗ (chạm trổ) ở hướng
nam, không có cửa sổ. Do đó, bên trong chùa luôn chìm trong bóng tối mờ mờ. Ba mươi hai
bàn thờ đặt khắp nơi. Đối diện với cửa ra vào là một tượng Phật bằng xi măng cốt thép cao 4
mét, rộng 2 mét. Sau bàn thờ là một cửa trông ra sân nội bộ, chung quanh sân là các nhà phụ:
nhà bếp, nhà giặt... nhiều phòng chứa đủ loại lương thực thực phẩm, nhiều phòng nhỏ với
giường xếp và mùng, đây đó còn có nhiều giường xếp lớn có thể chứa hai hay ba trăm người...
Chùa này theo Bửu Sơn Kỳ Hương... [29, t. 10-11]. Qua mô tả của Coulet, chúng ta thấy đây là
một ngôi chùa kiên cố và kín đáo. Chủ nhân của ngôi chùa có vẻ luôn sấn sàng đón nhận rất
nhiều người (chùa có nhiều lương thực thực phẩm, nhiều phòng nhỏ với giường xếp...). Điều
này cho phép chúng ta nghĩ rằng đây chính là nơi tụ họp của những người yêu nước. Coulet
khẳng định: "Núi cấm là nơi tụ hội của một bộ tham mưu các nhà cách mạng" [29, tr. 11]. Tòa
án binh của Pháp - khi xét xử vụ nổi dậy tháng 2-1916 - cũng cho rằng "hiệu lệnh (khởi nghĩa)
xuất phát từ Núi Cấm" [3, tr. 547].

Nhìn chung, ngôi chùa trên Núi cấm có chức năng giống với ngôi chùa do Hai Trí xây
dựng trên núi Voi năm 1913. Điều đáng chú ý là, ngôi chùa này thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ
Hương - một giáo phái đã từng có hoạt động chống Pháp. Chủ nhân của nó (tức sư Bảy Dỏ) là
người có nhiều hoạt động trên khắp các tỉnh Nam Kỳ. Chính quyền thực dân nghi ngờ ông
tuyến truyền cho một "âm mưu dấy loạn". Không những thế, chúng còn cho rằng ông có liên
quan đến cuộc khởi nghĩa tháng 2-1916.

Tài liệu của Coulet cho biết về hoạt động của Bảy Dỏ như sau:

Ông không bao giờ ở Núi cấm quá một tuần. Ông thường đi nhiều nơi để hành nghề tu sĩ,
thầy thuốc hoặc để quyên tiền. Trong năm 1915, cảnh sát thấy ông xuất hiện ở Long Xuyên, Sa
Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Gò Công, Bà Rịa, Sài Gòn, Chợ Lớn, Sóc Trăng. Ông không bao giờ
ở nhà ai quá hai hay ba ngày. Bạn bè, tín đồ, thân chủ của ông thuộc mọi tầng lớp xã hội Việt
Nam hay Hoa kiều: có nhà ngân hàng, đại kỹ nghệ gia, phú nông, có công chức từ cao nhất đến
thấp nhất, có nông dân bình thường, công nhân nghèo, người chèo đò... ở đâu Bảy Dỏ cũng
được tiếp đón một cách vui vẻ và trân trọng...

66
Đêm 14 rạng 15-2-1916 xảy ra vụ tấn công Khám lớn Sài Gòn. Như là một sự ngẫu nhiên,
Bảy Dỏ đang ở Chợ Lớn - trung tâm của cuộc nổi dậy. Phối hợp với phong trào khởi nghĩa này,
nhiều cuộc nổi loạn (từ của Coulet - TG) diễn ra hầu khắp Nam Kỳ. Ở Bến Tre, người cầm đầu
nhóm Tư Khanh chỉ khởi sự sau khi hỏi ý kiến Bảy Dỏ. ở Vĩnh Long, sư Sáu Hiên bị bắt khi
đang gây rối loạn: đó là một người bạn của Bảy Dỏ điều khiển chùa Bửu Sơn Tự nằm dưới
chân Núi cấm... Ở Long Xuyên, một người tên Núi chỉ huy vụ việc (tức việc nổi dậy - TG).
Ông này có quan hệ trực tiếp với Bảy Dỏ, từng giữ Bảy Dỏ ở nhà ông ta và hôm. Ở Mỹ Tho,
bọn làm loạn (từ của Coulet) được sự thông đồng của một phó tổng. Ông này thường được Bảy
Dỏ khám bệnh. Cuối cùng, ở Châu Đốc, nhà sư chùa Phi Lai (mà Bảy Dỏ biết rất rõ) gây ra vụ
lộn xộn ở làng Vĩnh Tế [29, tr. 11]. Qua các mối quan hệ của Bảy Dỏ, có thể nói ông là một
người có uy tín rất lớn. Việc ông đi lại khắp Nam Kỳ có lẽ không ngoài mục đích vận động cứu
nước. Đối tượng vận động của ông là tất cả mọi người, bất kể họ thuộc tầng lớp xã hội nào.
Chính vì vậy mà thực dân Pháp đã chú tâm theo dõi và quy kết ông là "linh hồn của cuộc khởi
nghĩa năm 1916". Sau khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, chính quyền thực dân đã lùng bắt ông khắp
nơi.

Ngày 17-3-1917 (hơn một năm sau cuộc nổi dậy ở Nam Kỳ) Bảy Dỏ bị bắt tại Châu Đốc.
Thực dân đưa ông ra xét xử trước Hội đồng chiến tranh số 1 ở Nam Kỳ. Mặc dù không cọ đủ
bằng chứng, chúng vẫn phạt ông năm năm khổ sai. Coulet suy đoán: "ông ta (tức Bảy Dỏ - TG)
có một thế lực lớn lao đối với đồng bào ông ta đến độ chẳng nhân chứng nào dám nói sự thật...
Nếu ông ta không phải là linh hồn của âm mưu nổi loạn năm 1916 thì ông ta cũng là một nhân
viên liên lạc và tổ chức rất thông minh, năng động" [29, tr. 11].

Nhìn vào mối quan hệ của Bảy Dỏ với những người tổ chức các cuộc nổi dậy, có thể thấy
sự suy đoán của Coulet hoàn toàn có cơ sở. Chúng tôi cho rằng Bảy Dỏ thực sự đã tham gia
vào hoạt động yêu nước và nắm giữ một vai trò khá quan trọng. Có thể ông là người vận động
khởi nghĩa và cùng giữ vai trò chỉ huy với một người nào khác. Nhiều khả năng người đó là
Hai Trí.

Về phần Hai trí, ông chính là người đã trực tiếp chỉ huy vụ tấn công vào trung tâm Sài
Gòn. Đây là hoạt động quan trọng nhất trong toàn bộ kế hoạch khởi nghĩa của các hội kín. Điều
đó chứng tỏ ông có một vai trò không nhỏ đối với phong trào chống Pháp đầu năm 1916 ở Nam

67
Kỳ. Vào đêm nổ ra vụ tấn công Khám lớn, Bảy Dỏ đang ở Chợ Lớn. Cũng tại đây, toán quân
mạnh nhất do Hai Trí chỉ huy đã xuất phát [28, tr. 190].

Theo thiển ý, đó không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Nhiều khả năng Hai Trí và Bảy Dỏ
đã phối hợp hoạt động và cùng lên kế hoạch khởi nghĩa. Có thể cả hai đều giữ vai trò chủ chốt
trong phong trào nổi dậy năm 1916. Nếu như vậy thì Hai Trí đã có lên hệ với giáo phái Bửu
Sơn Kỳ Hương (mà Bảy Dỏ là người đại diện). Nói cách khác, Bửu Sơn Kỳ Hương và các hội
kín Thiên Địa hội đã kết hợp với nhau trong các hoạt động cứu nước.

Tài liệu của Pháp cho biết, lá bùa mà nghĩa quân đeo trong đêm 14 rạng 15-2-1916 trên
khắp Nam Kỳ có mang dòng chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương", (đây cũng là một trong nhiều tên gọi
của ngôi chùa do Bảy Dỏ xây dựng trên Núi cấm). Trên lá bùa còn có chữ kí "Mã Văn" (Coulet
cho rằng Mã Văn chính là Bảy Dỏ) [28, tr. 191].

Trong khi đó, các nghĩa sĩ khi tấn công Khám lớn cứu Phan Xích Long đều hô vang hai
chữ "Đại ca". Đây là danh xứng chỉ có trong các hội kín Thiên Địa hội. Đó là chưa kể các hội
kín Thiên Địa hội ở Gia Định, Bến Tre, Thủ Dầu Một... cũng đồng loạt nổi dậy phối hợp với
cuộc tấn công ở Sài Gòn.

Như vậy, có bằng chứng cho thấy Bửu Sơn Kỳ Hương và hội kín Thiên Địa hội đã phối
hợp hành động trong cuộc khởi nghĩa năm 1916. Huê - Tam Ho Tai cũng cho rằng "các cuộc
nổi dậy năm 1916 đã chứng tỏ phạm vi lan tỏa của tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương, chủ yếu ở
trong bộ phận chỉ huy của Thiên Địa hội. Điều này được xác nhận qua việc những người nổi
dậy đã sử dụng phổ biến bùa của Bửu Sơn Kỳ Hương" [26, tr. 74].

Trong bối cảnh Nam Kỳ lúc bấy giờ, việc Bửu Sơn Kỳ Hương và hội kín Thiên Địa hội
có liên hệ với nhau là điều dễ hiểu. Tư tưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương có đủ các yếu tố Nho,
Phật, Lão. Nó rất gần gũi với tư tưởng của các hội kín. Hơn nữa, cả hai đều là những tổ chức
yêu nước và cùng hoạt động trên một địa bàn. Vì vậy, họ có điều kiện thuận lợi để kết hợp với
nhau trong hoạt động chống Pháp. Chính nhờ sự kết hợp này mà phong trào yêu nước mới diễn
ra đồng loạt trên khắp các tỉnh Nam Kỳ vào đầu năm 1916.

Có thể nói, cuộc khởi nghĩa năm 1916 là hoạt động chống Pháp tiêu biểu của nhân dân
Nam Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ I. Tận dụng thời cơ Pháp đang tham chiến ở châu Âu,

68
các hội kín đã phát động nhân dân vùng dậy giành lại độc lập chủ quyền. Phong trào diễn ra
trên khắp các tỉnh và gây cho bọn thực dân không ít khó khăn. Tuy nhiên, do cách tổ chức còn
mang nhiều nhược điểm, thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi... cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Để
dập tắt ngọn lửa đấu tranh của người dân yêu nước, bọn thực dân đã thẳng tay đàn áp phong
trào. Những cuộc lùng sục bắt bớ diễn ra khắp nơi. Hàng ưăm người bị chúng bắt và đưa ra xét
xử tại Tòa án binh. Kết quả là, ngày 22-2-1916, 38 nghĩa sĩ, trong đó có Phan Xích Long và
Nguyễn Hữu Trí, bị thực dân xử tử ở Đồng Tập Trận. Ngày 16-3 chúng xử tử thêm 13 người
nữa. Tất cả 51 người đều bị đem chôn chung một huyệt tại "Đất Thánh Chà - (giữa đường Võ
Thị Sáu và chợ Tân Định hiện nay).

Sau đợt trấn áp này, phong trào hội kín Nam Kỳ bắt đầu lắng xuồng và dần dần tan rã.

Nhìn chung, sự ra đời của hội kín Phan Xích Long năm 1911 là sự kiện quan trọng trong
phong trào hội kín Nam Kỳ. Đây là một hội chống Pháp bí mật, được tổ chức chặt chẽ và quy
mô nhất trong số các hội kín.

Bản thân những người sáng lập có những biện pháp tuyên truyền rộng rãi và hữu hiệu. Vì
vậy, hội đã nhanh chóng phát huy ảnh hưởng và lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hội kín Phan Xích Long đã hai lần phát động nhân dân nổi
dậy nhằm đánh đổ thực dân, giành lại chủ quyền. Đây là hai cuộc nổi dậy có tiếng vang nhất ở
Nam Kỳ lúc bấy giờ. Với hai sự kiện này, có thể nói hội kín Phan Xích Long là một điển hình
trong phong trào hội kín chống Pháp những năm đầu thế kỷ XX.

Khi nói về hoạt động của hội kín Phan Xích Long, không thể không nhắc đến vai trò của
những người sáng lập và lãnh đạo. Đó là Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp.
Đây là những người đầu tiên gieo hạt giống gây dựng phong trào. Họ có công rất lớn trong quá
trình chuẩn bị về lực lượng, vũ khí... cho hoạt động nổi dậy của hội kín. Ngoài ra, còn phải kể
đến sự đóng góp tích cực của các hào lý như hương trưởng Ngọ, hương chủ Phước, hương sư
Tài, Xã Sao...

Giống như phần lớn các phong ưào yêu nước đầu thế kỷ XX, hội kín Phan Xích Long
cũng mang lớp vỏ thần bí ma thuật. Chưa kể, trong tổ chức này, tư tưởng phong kiến cũng còn

69
khá đậm nét. Điều đó khiến cho phương pháp đấu tranh của hội mang nhiều nhược điểm. Song,
đây là nhược điểm khó tránh khỏi của phong trào dân tộc trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ.

Tuy thất bại trong hoạt động chống Pháp nhưng hội kín Phan Xích Long đã có đóng góp
không nhỏ cho phong trào yêu nước. Hội kín đã phát động các cuộc nổi dậy giữa lúc thực dân
Pháp đang còn rất mạnh. Trước sự đàn áp của kẻ địch, những người cầm đầu cũng như các hội
viên đều thể hiện tinh thần bất khuất, không sợ hi sinh. Tinh thần đó là nguồn cổ vũ mạnh mẽ
đối với quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giành lại độc lập tự do
cho dân tộc.

70
KẾT LUẬN

Trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, phong trào chống Pháp
của người dân Nam Kỳ đã trải qua nhiều hình thức khác nhau. Lúc đầu, họ tập hợp dưới cờ
nghĩa của các thủ lĩnh Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân.
Tiếp đó, họ tham gia các phong trào mang màu sắc tôn giáo thần bí của Bửu Sơn Kỳ Hương,
Tứ Ân Hiếu Nghĩa... Sau khi các phong trào này tan rã, họ lại tiếp tục đấu tranh dưới sự lãnh
đạo của các hội kín theo kiểu Thiến Địa hội. Vào những năm đầu thế kỷ XX, hội kín là hình
thức chống Pháp phổ biến nhất ở Nam Kỳ. Điều đó đã làm cho phong trào yêu nước ở đây, bên
cạnh sự tương đồng với phong trào ở các nơi khác, vẫn mang một sắc thái riêng.

Xét về nguồn gốc, các hội kín Nam Kỳ được tổ chức theo kiểu Thiên Địa hội của người
Hoa. Điều này biểu hiện rất rõ qua các nghi lễ (như lễ ăn thề khi nhập hội) qua cách gọi tên
những người chỉ huy (như Đại ca, Nhị ca, Tiên sinh...), qua lề lối sinh hoạt và các quy tắc bảo
mật trong các hội kín. Tuy nhiên, tính chất của hai kiểu hội kín này hoàn toàn khác nhau. Thiên
Địa hội của người Hoa trung thành với tôn chỉ "Phản Thanh phục Minh" (dù chỉ còn là hình
thức). Trong khi đó, các hội kín Nam Kỳ lại nêu cao khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam". Như
vậy, người Việt chỉ phỏng theo Thiên Địa hội của người Hoa về mặt hình thức. Còn về nội
dung hoạt động, họ hướng đến mục tiêu chống Pháp, giải phóng dân tộc.

Với tôn chỉ "Phản Pháp phục Nam" phong trào hội kín Nam Kỳ đã thu hút được đông đảo
quần chúng tham gia. số quần chúng này bao gồm nông dân, dân nghèo thành thị, người làm
nghề tự do, sư sãi, thầy pháp và một số hào lý ở các thôn xã. Trong đó, nông dân chiếm tỷ lệ
cao nhất (80% trên tổng số). Do vậy, hoàn toàn thỏa đáng khi cho rằng nông dân là động lực
chính của phong trào hội kín chống Pháp. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ qua đóng góp của các
tầng lớp xã hội khác, nhất là sư sãi và hào lý ở các địa phương. Trên thực tế, các sư sãi và một
số hào lý có vai trò không nhỏ trong việc gây dựng phong trào. Họ là những người đứng ra tổ
chức, tuyên truyền và quyên góp tiền bạc... cho hoạt động của các hội kín. Cũng chính họ là
những người chuẩn bị kế hoạch và phát động các cuộc khởi nghĩa chống chính quyền thực dân.

Về mặt tư tưởng, phong trào hội kín Nam Kỳ thể hiện rõ tư tưởng yêu nước. Điều này
được chứng minh qua khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam" và lời thề một lòng cứu nước cứu dân

71
của những người gia nhập hội. Có thể nói, yếu nước là tư tưởng chủ đạo, nó quy định mục đích
và đối tượng đấu tranh của các hội kín. Đồng thời, nó làm cho các tổ chức này có một nội dung
dân tộc sâu sắc. Chính vì vậy, không thể xem phong trào hội kín là một phong trào nông dân
thuần túy. Trên thực tế, đây là một phong trào dân tộc, với mục tiêu đánh Pháp phục Nam hết
sức rõ ràng.

Ngoài tư tưởng yêu nước, tư tưởng phong kiến cũng còn rất đậm nét trong các hội kín.
Tất cả các hội viên đều thề sẽ "trung với vua" và "giúp vua lật đổ người Pháp, phục hồi nước
Nam". Thậm chí hội kín Phan Xích Long còn dựng lên hình tượng một vị hoàng đế (hoàng đế
Phan Xích Long) và được mọi người hết sức tôn kính.

Xét trong bối cảnh của phong trào yêu nước thời bấy giờ, chúng ta thấy tư tưởng phong
kiến đã không còn phù hợp. Từ cuối thế kỷ XIX, triều đình đã thất bại trong sứ mạng bảo vệ
đất nước trước sự xâm lược của thực dân Pháp. Phong trào cần vương do các sĩ phu, quan lại
lãnh đạo cũng không thành công. Tình hình đó làm cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lâm
vào cảnh bế tắc. Rõ ràng, ý thức hệ phong kiến đã tỏ ra lạc hậu, lỗi thời. Nó không thể giải
quyết được các nhiệm vụ mà lịch sử đã và đang đặt ra.

Sang đầu thế kỷ XX, một số sĩ phu cấp tiến đã tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản và vận
dụng vào công cuộc cứu nước. Động thái này đã bước đầu khai mở bế tắc cho phong trào giải
phóng dân tộc. Đồng thời, nó làm cho phong trào mang tính chất tiến bộ hơn so với trước.

Như vậy, theo lôgic của sự kiện mà xét thì rõ ràng, phong trào hội kín đã hướng theo một
tư tưởng không còn hợp thời. Nói cách khác, các hội kín đã vận dụng một đường lối đấu tranh
lạc hậu so với thời đại. Họ vẫn giương cao ngọn cờ phong kiến trong khi các sĩ phu cấp tiến đã
thay nó bằng ngọn cờ dân chủ tư sản. Tuy nhiên, điều đáng nói là ương phong trào hội kín,
ngọn cờ phong kiến vẫn lôi cuốn được quần chúng, đặc biệt là nông dân. Nó đã tập hợp được
một lực lượng đông đảo trên khắp Nam Kỳ và phát động được một phong trào đấu tranh sôi
nổi.

Sở dĩ có tình trạng này là do lúc bấy giờ, nông dân chưa được sự hướng dẫn của một giai
cấp tiến bộ. vốn giàu lòng yếu nước và có tinh thần đấu tranh bền bỉ, nông dân luôn sẵn sàng đi
theo các phong ưào có mục đích đánh Pháp, khôi phục Việt Nam. Thế nhưng, đầu thế kỷ XX,
cuộc vận động cứu nước của các sĩ phu theo khuynh hướng tư sản không đến được với họ.

72
Điều đó cũng có nghĩa là đại đa số nông dân vẫn đứng ngoài phong trào dân tộc - dân chủ do
các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo. Bản thân nông dân lại không có một hệ tư tưởng riêng. Họ không
còn cách nào khác là phải tiếp tục cứu nước theo đường lối phong kiến. Trong hoàn cảnh bế tắc
đó, nông dân đã đến với các hội kín Thiên Địa hội. Họ tham gia vào các tổ chức này để có điều
kiện tiếp tục cuộc đấu tranh chống thực dân. Đối với người nông dân, tư tưởng của hội kín lạc
hậu hay tiến bộ không phải là điều quan trọng, vả chăng, chưa chắc họ nhận thức ra vấn đề đó.
Điều họ quan tâm trước hết là mục tiếu hoạt động của hội kín có đáp ứng được nguyện vọng
cứu nước của họ hay không. Cho nên, khi ngọn cờ phong kiến của hội gắn thêm khẩu hiệu
"Phản Pháp phục Nam", nông dân liền hăng hái tham gia.

Bên cạnh tư tưởng phong kiến, phong trào hội kín còn mang đậm tư tưởng tôn giáo pha
lẫn ma thuật. Tất cả các hội kín đều có thầy phù thủy để thực hiện các nghi lễ thần bí. Bùa chú
được sử dụng rất phổ biến. Các hội viên luôn tin vào tiên thánh, quỷ thần, tin vào phép thần
thông biến hóa và những điều linh thiêng, dị đoan khác. Họ còn tin rằng khi lâm trận, thiên
binh thiên tướng sẽ hiển linh để giúp họ chiến thắng; bùa phép họ đeo trên người sẽ làm súng
đạn của Tây mất tác dụng. Ở đây, pháp thuật và bùa chú đa đóng vai trò của một thứ "vũ khí
tinh thần". Nó làm cho người nông dân tin vào sự phù hộ của một sức mạnh huyền bí, vô hình.
Niềm tin đó làm cho họ không còn e ngại trước súng trường và đại bác của thực dân Pháp. Họ
sẽ vững tâm hơn khi nổi dậy chống lại chúng bằng giáo mác thô sơ.

Đối với những người lãnh đạo phong trào, tư tưởng tôn giáo, ma thuật đã được dùng như
là một phương tiện để họ thực hiện mục đích cứu nước. Họ viện đến thiên binh thần tướng và
dùng bùa chú là nhằm động viên nghĩa quân xông lên giết giặc. Hiển nhiên, đó không phải là
một biện pháp hay. Song, trong hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ, họ cũng khó có thể làm khác.
Đây là lúc mà ngọn cờ cứu nước theo kiểu cũ đã thất bại, ngọn cờ mới thì đang còn ở phía
trước. Trong khi đó, những người yêu nước vẫn luôn nung nấu ý chí đánh Tây, giải phóng dân
tộc. Cho nên, họ đã sử dụng tôn giáo, ma thuật để tập hợp lực lượng chống Pháp. Tuy không
tránh khỏi mặt hạn chế, nhưng hành động của họ đã phần nào giải tỏa được tâm trạng bức xúc
của người dân mất nước. Vì thế, họ đã động viên được đông đảo quần chúng tham gia phong
trào đấu tranh giành độc lập.

73
Ở đây, cần nói thêm rằng, màu sắc phong kiến và tôn giáo, ma thuật không chỉ có trong
các hội kín. Cuối thế kỷ XIX đâu thế kỷ XX, hầu hết các phong trào chống Pháp ở nước ta đều
mang đậm màu sắc này. Tiêu biểu là các phong trào của Kỳ Đồng - Mạc Đỉnh Phúc và Vương
Quốc Chính ở Bắc Kỳ, của Võ Trứ và Trần Cao Vân ở Trung Kỳ, của giáo phái Bửu Sơn Kỳ
Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Nam Kỳ...

Giống như phong trào hội kín, các phong trào của Kỳ Đồng - Mạc Đỉnh Phúc, Vương
Quốc Chính cũng tôn người lên làm vua, cũng dựa vào uy tín của sư sãi, thầy pháp và tính linh
thiêng thần bí của chùa miếu để tuyên truyền cho hoạt động cứu nước. (Nhà sư Vương Quốc
Chính tôn Lý Thiếu Quân làm vua và truyền rằng đây là "ý trời"; Mạc Đĩnh Phúc thì nói mình
có phép thần thông làm cho súng của Pháp không nổ và cho quân đeo bùa khi ra trận...).

Như vậy, tư tưởng phong kiến và tôn giáo, ma thuật không phải là nét đặc trưng của
phong ưào hội kín Nam Kỳ. Nó thuộc về hiện trạng chung của phong trào chống Pháp (trừ
phong trào duy tân) ở nước ta thời bấy giờ.

Mặc dù có những hạn chế về mặt tư tưởng, về cách tổ chức hoạt động... nhưng các hội kín
vẫn phát động được một phong trào chống Pháp trên khắp Nam Kỳ. Phong trào diễn ra mạnh
nhất vào nửa đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XX. Dưới sự lãnh đạo của các hội kín, quần
chúng đã nổi dậy chông lại bọn cường hào ở xã thôn, chống lại các đợt bắt lính của chính
quyền thực dân. Không những thế, phong trào còn hướng hoạt động của mình vào mục tiêu cao
hơn: đó là khởi nghĩa giành chính quyền. Tiêu biểu cho hoạt động này là hai cuộc nổi dậy vào
các năm 1913 và 1916 của hội kín Phan Xích Long.

Tuy nhiên, trước sự đàn áp của thực dân Pháp, các cuộc nổi dậy đều lần lượt thất bại.
Nguyên nhân chủ yếu là do các hội kín còn mang nhiều nhược điểm về cách tổ chức, về đường
lối và phương pháp đấu tranh... Chưa kể, chính quyền thực dân lúc này đang còn mạnh, thời cơ
khởi nghĩa chưa đến... Điều đó chứng tỏ, khi chưa có sự lãnh đạo của một lực lượng tiến bộ,
quần chúng yêu nước khó có thể làm tròn nhiệm vụ đánh đổ thực dân, giải phóng dân tộc.

Tuy không thành công, nhưng phong trào hội kín ở Nam Kỳ vẫn có một ý nghĩa rất lớn
lao. Phong trào diễn ra trong bối cảnh đường lối cứu nước đang bế tắc. Thực dân Pháp thì đã
hoàn thành về cơ bản việc bình định quân sự ở nước ta. Hơn nữa, chúng cũng đã thiết lập xong
một bộ máy cai trị vững chắc. Đặc biệt, thực dân còn tổ chức được một lực lượng tay sai người

74
Việt đông đảo. Chúng đã dùng lực lượng này làm công cụ đàn áp các hoạt động nổi dậy. Trong
bối cảnh đen tối đó, lòng căm thù giặc và ý chí quật khởi của những người yếu nước vẫn sôi
sục. Họ luôn nung nấu quyết tâm vùng dậy đánh đổ ách cai trị của thực dân. Giữa lúc chưa tìm
ra ngọn cờ yêu nước mới, họ sấn sàng sử dụng các hình thức đấu tranh mang màu sắc phong
kiến và tôn giáo, ma thuật. Trong phong trào hội kín ở Nam Kỳ, nghĩa quân đã đeo bùa khi
đương đầu với quân lính thực dân. Niềm tin vào sức mạnh huyền bí đã làm cho họ vững tâm
chiến đấu với kẻ địch mạnh hơn gấp bội. Song, điều quan trọng hơn là tinh thần yêu nước của
những người tham gia phong trào. Chính tinh thần đó mới là động lực chính thúc đẩy họ xông
lên giết giặc bằng giáo mác thô sơ. Đây là khía cạnh mang nhiều ý nghĩa nhất trong phong trào
hội kín Nam Kỳ. Mặt khác, tuy thất bại, nhưng phong trào hội kín đã phát huy được truyền
thống bất khuất của dân tộc. Đồng thời, phong trào đã tiếp nối được tinh thần chống Pháp của
nhân dân Nam Kỳ từ thời Trương Định, Võ Duy Dương... Điều đó chứng tỏ ngọn lửa yêu nước
của nhân dân ta không bị kẻ thù dập tắt. Trong bối cảnh đầy khó khăn thử thách, ngọn lửa ấy
vẫn rực cháy và gây cho bọn thực dân không ít khó khăn.

Khi nói về phong trào hội kín Nam Kỳ, không thể không nhắc đến hội kín Phan Xích
Long. Đây là tổ chức có những hoạt động chống Pháp mạnh mẽ nhất. Không những thế, nó còn
có vai trò lôi kéo, tập hợp các tổ chức khác để cùng thực hiện mục tiếu chung là đánh đổ thực
dân, giành lại độc lập. Các nhân vật chủ chốt của hội kín này như Phan Xích Long, Nguyễn
Hữu Trí, là những người có đóng góp tích cực cho phong trào chống Pháp những năm đầu thế
kỷ XX.

Về nhân vật Phan Xích Long, với vai trò của một vị hoàng đế được thần thánh hóa, Phan
đã tạo được niềm tin đối với người dân. Họ tin rằng Phan là một người có phép thuật, được
Trời Phật sai xuống làm vua để đánh Pháp, khôi phục nước Nam. Vì vậy, họ tích cực tham gia
phong trào yêu nước do hội kín Phan Xích Long lãnh đạo. Ở đây, Phan đã làm tốt việc dùng
vương quyền kết hợp với thần quyền để chiêu tập lực lượng. Ngoài ra, Phan cũng là người đi
đầu trong việc chuẩn bị kế hoạch nổi dậy giành chính quyền vào năm 1913. Trong hoạt động
này, Phan đã thể hiện rõ vai trò của một thủ lĩnh.

Về phần Nguyễn Hữu Trí, ông là người đã sát cánh với Phan Xích Long từ những ngày
đầu gây dựng phong trào. Ông cũng là người tổ chức và chỉ huy hai cuộc nổi dậy vào các năm

75
1913 và 1916. cân lưu ý rằng, khi hai cuộc nổi dậy diễn ra, Phan Xích Long đang ngồi trong
nhà tù của Pháp. Nguyễn Hữu Trí gần như giữ vai trò của một lãnh tụ tối cao. Cho nên khi nói
đến hội kín Phan Xích Long, phải đặt Nguyễn Hữu Trí vào một vị trí xứng đáng.

Sau năm 1916, phong trào chống Pháp của các hội kín ở Nam Kỳ bắt đầu lắng xuống. Họ
không có hoạt động đáng kể nào nữa. Có thể nói, hội kín đã bắt đầu quá trình tan rã - sự tan rã
không tránh khỏi của một hình thức cứu nước theo kiểu cũ. Một nhà nghiên cứu phương Tây
từng nhận xét: "Hội kín là bất tử". Đối với trường hợp của các hội kín ở Nam Kỳ, nhận xét đó
có vẻ không hoàn toàn đúng. Ở đây, tinh thần yêu nước của người dân mới là bất tử. Họ luôn
sẩn sàng tham gia các phong trào yêu nước khi có sự phát động của các tổ chức cách mạng. Họ
sẽ phát huy được sức mạnh vốn có của mình nếu được sự hướng dẫn bởi một đường lối đấu
tranh khoa học, đúng đắn.

76
CHÚ THÍCH
(1)* Sơn Nam dẫn theo tài liệu của Gustave Schlegel cho biết hội kín Thiên Địa hội ra đời
vào năm 1734, dưới thời trị vì của vua Ưng Chính nhà Thanh [14, tr. 103].

* Trong tác phẩm Người Trung Hoa lưu lạc, Đào Hùng viết: "Theo truyền thuyết thì Tam
Hợp hội (một tên gọi khác của Thiên Địa hội - TG) ra đời từ thế kỷ XVII, khi người Mãn Châu
xâm chiếm Trung Hoa" [6, tr. 32-33].

Như vậy, về thời điểm ra đời của Thiên Địa hội, các tác giả ghi chép không nhất với nhau.
sở dĩ có tình trạng này là do tính chất bí mật của hội. Hầu như hội không để lại tài liệu gì về
lịch sử cũng như quá trình hoạt động.

(2)Theo quan niệm của triết học Trung Hoa, vũ trụ được tạo nên từ ba nhân tố Thiên - Địa
- Nhân. Một khi ba nhân tố này kết hợp với nhau, cuộc sống trên thế giới sẽ rất tốt đẹp. Chính
vì vậy, hội mới có tên là Tam Hợp hay Tam Hoàng (Thiên hoàng, Nhân hoàng và Địa hoàng).
Trong các nghi lễ bí mật của hội, ba nhân tố Thiên - Địa - Nhân được thể hiện bằng một tam
giác đều, mỗi cạnh tượng trưng cho một trong ba sức mạnh này. Còn tên gọi "Hồng hội" (hay
Hồng bang, Hồng môn) xuất phát từ tôn chỉ "Phản Thanh phục Minh" của những người sáng
lập (vua đầu tiên của nhà Minh đặt niên hiệu là "Hồng vũ"). Vì vậy, người trong hội gọi tên tổ
chức của mình là "Hồng" để tỏ ý trung thành với nhà Minh.

(3)Sơn Nam dẫn theo tài liệu của Gustave Schlegel cho biết năm người chỉ huy đầu tiên
(Ngũ tổ) của năm phân đàn là:

1. Hồ Đức Đế cai quản Tham Thiên Đường ở Hồ Nam.

2. Phương Đại Đồng cai quản Hồng Thuận Đường ở Quảng Đông.

3. Thái Đức Trung cai quản Thân Liên Đường ở Phúc Kiến.

4. Mã Siêu Hưng cai quản Gia Hộ Đường ở Vân Nam.

5. Lý Sắc Khai cai quản Hùng Hóa Đường ở Chiết Giang.

(4)Trong phần viết về Thiên Địa hội, Sơn Nam có dẫn 72 điều luật và 36 lời thề từ sách
của Gustave Schlegel [14, tr. 105-116].

77
(5)Để nhận biết nhau, hội viên của Thiên Địa hội (người Hoa) có một số tín hiệu qui ước
như:

Khi đưa tẩu thuốc mời nhau, người đưa cầm bằng ngón cái và ngón trỏ, đưa cả hai tay, hai
ngón cái hướng lên trên. Nếu người nhận cũng đưa hai tay đón lấy, và lấy ngón cái của mình ép
vào ngón cái của người kia, thì đúng là người trong hội. Khi được mời uống trà thì dùng ngón
cái và ngón trỏ cầm ngang miệng chén nâng lên còn ngón giữa thì để chạm trôn chén. Nếu thấy
chủ cũng nâng chén bằng động tác như vậy thì biết ngay là người cùng hội... Ngoài ra, người
trong hội cũng thường nói với nhau bằng tiếng lóng. Ví dụ: họ gọi quan lại là "cừu nhân", gọi
quân triều đình là "đại phong", gọi những người anh em trong hội là "hắc dạ bằng hữu"... [6, tr
35-36].

(6)Một người Mã Lai, thư ký của viên Thống đốc Anh ở Singapore đã thuật lại lễ gia
nhập hội kín Thiên Địa hội của người Hoa như sau:

Vị hương chủ bước ra chủ trì hành lễ, ông ngồi ưên một chiếc ngai đặt chính giữa sảnh.
Tám người kiếm tuốt trần đứng dàn hai bên... Vị hương chủ cất tiếng hỏi (người xin nhập hội):

- Ngươi là ai và từ đâu đến?

- Tại hạ tên là mo... cha mẹ tại hạ đã qua đời cả. Vị hương chủ hỏi tiếp:

- Ngươi đến đây làm gì?

- Tại hạ muốn gia nhập Tam Hợp hội, tức Thiên Địa hội để được cùng với các huynh đệ
đồng sinh đồng tử.

Vị hương chủ nói:

- Ngươi nói dối, lời nói của ngươi không thật từ trong lòng ngươi.

- Tại hạ xin thề rằng nói thật.

- Hãy thề đi.

Người xin nhập hội lấy một tờ sớ ra đốt cháy, rồi lầm rầm khấn. Sau khi làm xong việc
đó, vị hương chủ lại hỏi:

- Ngươi có biết luật của Hội không?

78
- Có, tại hạ biết. Tại hạ phải hứa duy trì tình máu mủ với các huynh đệ.

- Còn gì nữa?

- Không được tiết lộ bí mật của Hội cho bất cứ người nào ở ngoài, dù có phải hi sinh tính
mệnh.

- Đúng như thế ngươi có tán thành không?

- Tại hạ tán thành.

Một người phụ việc bưng ra trước bàn thờ một con dao và một bát rượu, trong đó những
người tham dự đã nhỏ vào vài giọt máu của mình. Người xin nhập hội giơ tay ra, người phụ
việc cứa một nhát vào ngón tay, máu chảy ra bát rượu. Vị hương chủ nói:

- Hãy uống bát rượu thề trước mặt thần chủ của chúng ta.

Người xin nhập hội bưng bát rượu lên uống một hơi, rồi chuyền cho người khác... Cuối
cùng vị hương chủ nói:

- Ngày mai ngươi hãy đến gặp vị Tiên phong để nhận cuốn sách hướng dẫn thực hành
nghi lễ và các tín hiệu nhận nhau giữa các anh em...

[6, tr. 20-21].

(7) Trong sách Les Sociétés secrètes en terre d’Annam, Coulet ghi "Cao Văn Long, biệt
danh là Bảy Dỏ" [28, tr 158]. Tuy nhiên, ưong bài viết "Bonzes, Pagodes et Sociétés secrètes
en Cochinchine" Coulet lại ghi "Cao Văn Long, biệt danh là Bảy Dô" [29, tr 10].

GS Trần Văn Giàu - có lẽ dựa vào cách ghi của Coulet trong sách Les Sociétés secrètes en
terre d’Annam - đã viết Bảy Dỏ thành Bảy Đỏ [3, tr. 547].

Nhà văn Sơn Nam - cũng dựa vào tài liệu của Coulet - viết Bảy Dỏ thành Bảy Do [14].

Trong luận văn, chúng tôi giữ nguyên cách viết trong sách Les Sociétés secrètes en terre
d’Annam của Coulet.

79
PHỤ LỤC
Báo cáo của Xã trưởng Nhan V Cao gởi Chủ tỉnh Rạch Giá ngày 1-5-1894

(Về nhóm người Hoa âm mưu lập hội kín Thiên Địa hội)

Nguyên văn:

Thanh Gian Tổng

Vĩnh Thanh Vân xã

Xã trưởng Nhan - V - Cao

Bẩm quan lớn

Nguyên làng tôi có nghe người ta nói rằng, có năm tên Quảng Đông, ở hạt Long Xuyên
và Sa Đéc, và Sài Gòn, mà vồ Rạch Giá ở tại tiệm bán thuốc, trên lầu của tên Khứu Diệu, mà
chúng nó đi vô trong dồng rủ người ta lập hội đặng đi ăn cướp trong hạt.

Vậy làng tôi và ông phó quản sỏi, và lính đến tại nhà tên Khứu Diệu mà vây nhà nó hồi ba
giờ khuya, ngày ... tháng 3, thì làng tồi kêu cửa mà vô bắt chúng nó. Khi đó chúng nó cũng còn
ở tại trên lầu tên Khứu Diệu, mà tên Khứu Diệu không có mặt ở nhà, có một mình vợ nó ở nhà
mà thôi. Vậy làng tôi và ông quản bắt năm tên Chẹt rồi thì xét nhà nó, và xét những cái rương,
và (xét) trong mình mấy tên chẹt ấy, thì có một cái rương của tên Phùng Trác, trong rương nó
xét có một cái thơ và một lá bùa, thì làng tôi coi trong thơ nói những chuyện ăn cướp tại Chợ
Lớn, còn lá bùa thì không biết là bùa gì, và trong túi áo của tên Phùng Trác có hai cái giấy hồng
đào, mà nó lấy nó quăng xuống dưới ván, thì làng tôi và ông quản đều ngó thấy mà bắt hai tấm
giấy đỏ mà coi, thì thấy trong giấy có biên tên những người Quảng Đông ở trong hạt và người
ở hạt Long Xuyên vô.

Nên làng tôi và ông quản phải bắt chúng nó và những các cái giây, và thơ, và bùa, giải
nạp cho quan lớn, xin quan lớn xét và kể tên chúng nó ra như sau này.

1.Phùng Trác

2.Mạc Táo

3.Trần Nhâm

80
4.Thôi Hiền

5.Trương Hương (*)

Mấy tên có biên trong tấm giấy đỏ kể tên ra như sau này

1.Diệp Quế 9.Sử Á Đa

2.Lư Đệ 10.Triệu Kiếm

3.Quan Thành 11.Khổng Xiều

4.Quan Dư Giai 12.Lưu Hỉ

5.Quan Hồng 13.Văng Tòng

6.Lợi Chánh (Toàn) 14.Thái Ả Quới

7.Châu Vĩnh 15.Lâm Ân

8.Lý Minh

Rạch Giá Le 1er Mai 1894

Le Phó quản Sỏi Le Maire

Nhan V Cao

(Ký tên và đóng dấu)

Le Hương Hào

Ngô Thạch

Nguồn: Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II-Tp. Hồ Chí Minh.

Ký hiệu tài liệu: Goucoch IA1/0515(5)

*Chúng tôi lược bớt một số chi tiết

81
PHỤ LỤC 2
Tờ bẩm của Phó quản Phạm Văn Ký gởi Chủ tỉnh Gò công ngày 26-7 1894 (Về một
nhóm người Hoa âm mưu lập hội kín Thiên Địa hội)

Nguyên văn:

Gò Công ngày 26-7-1894.

BẨM

Lạy quan lớn tôi làm tờ bẩm quan lớn (1) rõ, tôi lấy (lời) khai chánh ban (bang) Quảng
Đông Chung Lộc và phó ban Châu Nhữ, nó khai nói có tên Trần Chiêu, nó đem ba người Các
Chú (2) ở Sài Gòn - Chợ Lớn tên Lê Hớn và tên Lý Quế, với tên Long Phi, đi rủ tên Thái
Tường, cũng là (người) Quảng Đông và tên Diệp Hữu, đặng lập đạo Thiên Địa hội thì nó không
theo. Tôi lấy (lời) khai tên Diệp Hữu, nó khai nói tên Trần Chiêu, ba người ở Sài Gòn đi rủ nó
hai lần thì nó không chịu theo đạo Thiên Địa hội, nó đi nói với hai ông bang trưởng, và tên
Thái Tường, nó khai cũng nói tên Trần Chiêu, đem tên Lý Quế và tên Lê Hớn, với tên Long
Phi, đi rủ nó lập đạo Thiên Địa hội nó cũng không chịu theo nên nó với tên Diệp Hữu đi nói với
bang Lộc và phó ban, nên tôi lấy (lời) khai rồi bẩm quan lớn. Xét tên Trần Chiêu nó trốn còn
tên Lý Quế, tên Long Phi hỏi nó chối hoài (3).

Nay bẩm Phó quản Phạm Văn Ký bẩm Nguồn: Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia
li - TP Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu: Goucoch IA1/0515(10).

Chú thích:

(1)Chủ tỉnh Gò Công.

(2)Hoa Kiều.

(3) Phần trong ngoặc đơn do chúng tôi thêm vào.

82
PHỤ LỤC 3
Thống đốc Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương

v/v: Đày hai người Hoa Lê Hon và Ly Quê ra nhà tù Côn Đảo và trục xuất khỏi thuộc địa.

Lược dịch:

Sài Gòn, 15-11-1894

Ngày 24-8-1894, Chủ tỉnh Gò Công cho biết: đã đẫn hai tên Lê Hơn và Ly Quê về nhà tù
trung tâm (Khám lớn) về tội lôi kéo những người Hoa ở Gò Công tham gia một hội kín.

Chủ tỉnh Gò Công cũng đã gửi theo lời khai của các bang trưởng và bang phó Bang
Quảng Đông và kết quả điều tra về vụ này:

Một người Hoa ở Gò Công tên là Trần Chiêu (không có nghề nghiệp rõ ràng) đã chứa
chấp Lê Hon và Ly Quê đang có mưu đồ lôi kéo người Hoa trong hạt vào hội kín Thiên Địa
hội. Nhưng mưu đồ của chúng đã bị bại lộ ngay từ đầu; viên bang trưởng được tin đã lập tức
báo lên Chủ tỉnh.

Chủ tỉnh sai người đến nhà Trần Chiêu thì tên này đã bỏ trốn, chỉ bắt giữ được hai tên Lê
Hon và Ly Quê (...). Rất khó xác định lai lịch hai tên này, vì con mộc và chữ kí trong giấy
thông hành của chúng đều là giả mạo (...).

Tôi nghĩ rằng trước khi trục xuất hai tên này ra khỏi thuộc địa, nên đày chúng ra nhà tù
Côn Đảo để cách li chúng trong thời hạn năm năm; vì nếu trục xuất ngay về Trung Hoa thì
chúng lại có thể bắt mối để trở lại Nam Kỳ.

Nguồn: Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II – TP.Hồ Chí Minh.

Ký hiệu tài liệu: Goucoch IA1/0515(10).

Nguyên văn bằng tiếng Pháp.

PGS TS Nguyễn Phan Quang lược dịch.

83
84
85
86
87
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT

1.Nguyễn Thế Anh (1970), Việt Nam thời Pháp đô hộ, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn.

2.Việt Cúc (1999), Gò Công cảnh cũ người xưa, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

3.Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách
mạng Tháng Tám - tập 1: Ý thức hệ phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch
sử, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

4.Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Lê Trung Khá, Võ Sĩ Khải, Nguyễn Đình Đầu (1987),
Địa chí văn hoa thành phố Hồ Chí Minh (I. Lịch sử), Nxb TP. Hồ Chí Minh.

5.Đinh Văn Hạnh (1999), Đạo Tứ Ấn Hiếu Nghĩa của người Việt Nam Bộ (1867-1975),
Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

6.Đào Hùng (1987), Người Trung Hoa lưu lạc, sở văn hoa và thông tin Quảng Nam - Đà
Nấng xuất bản, Đà Nang.

7.Nguyễn Văn Kiềm, Huỳnh Minh (2003), Tân Châu xưa, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

8.Nguyễn Văn Kiệm (2003), "Phong trào chống Pháp của các hội kín ở Nam Kỳ", Góp
phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr 464-
480.

9.Vương Kim (1966), Bửu Sơn Kỳ Hương, Nxb Long Hoa, Sài Gòn.

10.Lý Nhân Phan Thứ Lang (2001), Sài Gòn vang bóng, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

11.Việt Lâm (1962), "Một ít tài liệu về cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long ở Nam Kỳ năm
1913", Nghiên cứu lịch sử, (38), tr. 19-30.

12.Trần Thị Thu Lương, Võ Thành Phương (1991), Khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873),
Nxb TP. Hồ Chí Minh.

13.Lương Văn Lựu (1972), Biên Hoa sử lược toàn biên, Tác giả xuất bản (không ghi nơi
xuất bản).

88
14.Sơn Nam (2003), Miền Nam đầu thế kỷ XX - Thiên Địa hội và cuộc Minh tân, Nxb
Trẻ TP. Hồ Chí Minh.

15.Sơn Nam (1997), Cá tính Miền Nam, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

16.Sơn Nam (2004), Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

17.Nguyễn Phan Quang (1998), "về hội kín Thiên Địa hội ở Gia Định năm 1901", Việt
Nam cận đại những sử liệu mới (tập 2), Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr. 113-121.

18.Nguyễn Phan Quang (2002), Kỳ Đồng Nguyễn Văn cẩm cuộc đời và thơ văn, Nxb
Văn Học, Hà Nội.

19.Vương Hồng Sển (1997), Sài Gòn năm xưa, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

20.Nguyên Thanh (1984), Thành phố bất khuất, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

21.Nguyễn Cẩm Thúy (2000), Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ (từ thế kỷ XVII
đến năm 1945), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

22.Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Viện sử học (1999), Lịch sử Việt
Nam 1897-1918, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

23.Truyện Phan Xích Long, Sài Gòn 1913.

24.Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2004), Lịch sử Việt Nam - tập li (1858-1945), Nxb
Khoa học Xã hội, Hà Nội.

TIẾNG ANH

25.Comber L.F. (1959), Chỉnese Secret Societies in Malaya - A Surveỵ of the Triad
Societyỷrom 1800 to 1900, NewYork.

26.Huê - Tam Ho Tai (1983), Millenarỉanism and Peasant Politics in VietNam, Harvard
University Massachusetts, London.

27.Man- D.G. (1971), Vỉetnamese anticolonialism 1885-1925, ưniversity of Caliíornia,


Berkeley, Los Angeles, London.

TIẾNG PHÁP

28.Coulet G. (1926), Les Socỉétés Secrètes en terre d'Annam, Sài Gòn.

89
29.Coulet G. (1928), "Bonzes, pagodes et Sociétés Secrètes en Cochinchine", Extréme-
Asỉe Revue Indochinoỉse Illusstrée, (25), p.7-13.

TÀI LIỆU LƯU TRỮ - TRƯNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA II - TP. HỒ CHÍ
MINH.

30.Internement à Poulo Condore des nommés Phung Trác et Loi Toan relatỉỷs à des actes
de rebellỉon et à laỷondation d'une Sociểtés Secrètes dans ưarondỉssement de Rạch Giá.

Kí hiệu: Goucoch IA/1/0515(5).

31.Affaire de la Sociétés Secrètes dite Đệ - Huynh. Kí hiệu: Goucoch IA/1/0515(5).

32.Rapport au Gouverneur Général -15-11-1894. Kí hiệu: Goucoch IA/1/0515(10).

90

You might also like