You are on page 1of 3

1.

Hàng hóa là sản phẩm của lao động, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi,
mua bán. Hàng hóa có hai thuộc tính cơ bản là giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng là công dụng của
vật phẩm có thể thỏa mãn một hay nhiều nhu cầu của con người. Giá trị sử dụng do những thuộc tính tự
nhiên qui định nên là phạm trù vĩnh viễn và là vật mang giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi là một quan hệ về
số lượng, một tỷ lệ theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại
khác. Cơ sở trao đổi là việc mà mọi hàng hóa đều là sản phẩm của lao động xã hội. Vậy giá trị hàng hóa
là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.

Sở dĩ hàng hóa có hai thuộc tính là do lao động của người sản xuất ra hàng hóa có tính hai mặt đó là lao
động cụ thể và lao động trừu tượng. Lao động cụ thể là lao động có ích dưới một hình thức cụ thể. Lao
động cụ thể là một trong hai nhân tố tạo ra giá trị sử dụng. Lao động trừu tượng là sự tiêu hao sức lao
động, tiêu phí sức óc, sức bắp thịt của người sản xuất hàng hóa. Lao động trừu tượng là nhân tố duy
nhất tạo ra giá trị của hàng hóa. Trong quá trình sản xuất, lao động cụ thể của người sản xuất có vai trò
bảo tồn và di chuyển giá trị của tư liệu sản xuất vào sản phẩm, đây là bộ phận giá trị cũ trong sản phẩm
(c), còn lao động trừu tượng có vai trò làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm, đây là bộ phận giá trị mới
trong sản phẩm (v + m). Vậy giá trị hàng hóa gồm hai bộ phận là giá trị cũ và giá trị mới. Giá trị hàng hóa
được xét cả về mặt lượng và chất, chất do lao động trừu tượng quyết định, lượng được đo bởi thời gian
lao động xã hội cần thiết.

Ta có công thức chung của tư bản là T – H – T’ (Tiền – Hàng – Nhiều tiền hơn). C.Mác khẳng định: “Tư
bản không thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất
hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông”. Trong lưu thông, ngoài được dùng để
mua tư liệu sản xuất hàng hóa – giá trị cũ (c), lượng tiền ban đầu còn được dùng để mua một loại hàng
hóa đặc biệt là hàng hóa sức lao động. Sức lao động được xem là hàng hóa khi người lao động sử dụng
sức lao động của mình theo ý muốn và không có tư liệu sản xuất. Khi hàng hóa sức lao động xuất hiện thì
tiền trở thành tư bản. Hàng hóa sức lao động có hai thuộc tính là giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị hàng
hóa sức lao động do thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động quyết
định, được đo gián tiếp bằng giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để nuôi sống người công nhân
và gia đình họ (v). Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động chỉ thể hiện trong quá trình lao động của
người công nhân, khác với hàng hóa thông thường, nó có khả năng tạo giá trị mới lớn hơn giá trị sức lao
động (v + m), phần dôi ra (m) được gọi là giá trị thặng dư và bị nhà tư bản chiếm không. Quá trình sản
xuất tạo ra giá trị mới là một qui trình khép kín tách biệt với lưu thông. Về bản chất, các nhà tư bản bắt
công nhân phải làm việc nhiều hơn thời gian lao động tất yếu để bù đắp lại giá trị sức lao động, từ đó
tạo ra thời gian lao động thặng dư và giá trị thặng dư. Giả định để sản xuất 10 kg sợi, cần 10 kg bông giá
10 $; để biến số bông đó thành sợi, một công nhân phải lao động 6 giờ và hao mòn máy móc là 2 $; giá
trị sức lao động trong một ngày là 3 $; ngày lao động 12 giờ; trong một giờ tạo ra được một lượng giá trị
là 0.5 $; thời gian lao động cá biệt bằng với thời gian lao động xã hội cần thiết. Nếu nhà tư bản chỉ bắt
công nhân lao động trong 6 giờ thì phải chi 15 $ và thu về cũng chỉ 15 $. Như vậy, quá trình lao động chỉ
kéo dài đến cái điểm đủ bù đắp lại giá trị sức lao động, 6 giờ. Trong thực tế, nhà tư bản bắt công nhân
làm việc đủ 12 giờ thì chi phí sản xuất và giá trị sản phẩm mới, 20 kg sợi, đều bao gồm tiền bông 20 $,
hao mòn máy móc 4 $, điểm khác biệt là với 3 $ để mua sức lao động trong một ngày lại có thể tạo ra giá
trị mới là 6 $, 3 $ dôi ra chính là giá trị thặng dư sẽ bị nhà tư bản chiếm không. Có hai phương pháp sản
xuất giá trị thặng dư là tuyệt đối và tương đối. Sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối bằng cách kéo dài ngày
lao động của công nhân mà không thay đổi thời gian lao động tất yếu. Trong ví dụ trên, nhà tư bản có
thể bắt công nhân tăng ca lên 15 giờ mà vẫn trả 3 $, thời gian lao động thặng dư là 9 giờ. Sản xuất giá trị
thặng dư tương đối bằng cách rút ngắn thời gian lao động tất yếu để kéo dài một cách tương ứng thời
gian lao động thặng dư trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội mà không làm thay đổi độ dài ngày lao
động. Trong ví dụ, giả sử nhà tư bản cải thiện công nghệ để sản xuất được nhiều hơn, công nhân chỉ cần
3 giờ để tạo ra một lượng giá trị bằng với giá trị sức lao động của mình, vậy thời gian thặng dư là 9 giờ.

Như vậy, quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là tạo ra giá trị thặng dư nhờ bóc
lột sức lao động của công nhân.

2. Tôn giáo là một hiện tượng xã hội do con người tạo ra từ rất sớm, cơ bản từ các nguồn gốc kinh tế - xã
hội, nhận thức và tâm lý. Nó hoàn thiện và biến đổi cùng với sự biến đổi của những điều kiện kinh tế - xã
hội, văn hóa và chính trị. Bất cứ tôn giáo nào với hình thái phát triển đầy đủ đều bao gồm: ý thức tôn
giáo và hệ thống tổ chức tôn giáo cùng với những hoạt động mang tính chất nghi thức tín ngưỡng. Tôn
giáo là một hình thái ý thức xã hội phản ánh hư ảo vào đầu óc của con người. Về bản chất, nó phản ánh
sự bế tắc, bất lực của con người trước tự nhiên và xã hội, tuy nhiên, trong ý thức tôn giáo cũng chứa
đựng nhiều giá trị phù hợp với đạo đức và đạo lý của con người. Giải quyết vấn đề tôn giáo theo quan
điểm chủ nghĩa Mác – Leenin phải tuân thủ năm nguyên tắc.

Một là, những mặt tiêu cực của tôn giáo phải bị khắc phục, đẩy lùi và dần xoá bỏ hoàn toàn. Đây là một
nguyên tắc nhưng cũng là yêu cầu quan trọng nhất cần phải quán triệt trong công tác giải quyết vấn đề
tôn giáo của những người cộng sản. Chỉ có thế tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin - tư tưởng khoa học
chân chính, chủ đạo trong chủ nghĩa xã hội mới có thể đi sâu vào quần chúng nhân dân, mới tạo được
nền tảng cơ sở vững chắc cho công cuộc xây dựng xã hội mới.

Hai là, tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân. Vi phạm nguyên tắc này là cố tình
đẩy xã hội tới chỗ phân chia, đẩy những người theo đạo vào chỗ buộc phải chống lại chính quyền nhân
dân. Vi phạm nguyên tắc này cũng là đi ngược lại nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, vi phạm nghiêm trọng
tới quyền thiết yếu nhất của con người: quyền được tự do; và trong đó có quyền được tự do theo hay
không theo một tôn giáo. Chính quyền nhân dân nào vi phạm nguyên tắc này thì không còn là chính
quyền của nhân dân nữa, tổ chức đảng nào vi phạm nguyên tắc này thì không còn là đảng cộng sản. Bên
cạnh đó, cần phải không ngừng phát huy những giá trị tốt đẹp, tích cực của tín ngưỡng tôn giáo trong xã
hội xã hội chủ nghĩa; cần phải nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo của công
dân.

Ba là, không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mối liên hệ giữa người theo đạo và người
không theo đạo. Đó là yêu cầu hàng đầu để xây dựng đất nước và xã hội, nhưng cũng là một cách thức
quan trọng để những người theo đạo hoà nhập vào với cuộc sống tích cực của xã hội, để họ dần nhận ra
rằng cuộc sống hiện tại là quan trọng nhất, giúp họ chủ động tham gia vào các hoạt động xây dựng cuộc
sống ấm no, hạnh phúc; chứ không phải luôn trong trạng thái thụ động, tiêu cực vì chỉ quan tâm tới việc
sống sao bây giờ cho mai sau đến được với " cõi Niết bàn ".

Bốn là, phân biệt rõ hai mặt chính trị và tư tưởng trong vấn đề tôn giáo. Mặt tư tưởng thể hiện sự tín
ngưỡng trong tôn giáo. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục mặt này là việc làm thường
xuyên, lâu dài. Mặt chính trị là sự lợi dụng tôn giáo của những phần tử phản động nhằm chống lại sự
nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh loại bỏ mặt chính trị phản động trong
tôn giáo là nhiệm vụ thường xuyên, vừa khẩn trương, kiên quyết, vừa thận trọng và có sách lược phù
hợp với thực tế.

Năm là, phải có quan điểm lịch sử cụ thể khi giải quyết vấn đề tôn giáo. Trong mỗi thời kì khác nhau, vai
trò và sự tác động của từng tôn giáo đối với đời sống xã hội cũng khác nhau. Quan điểm, thái độ của các
giáo hội, giáo sĩ, giáo dân về các lĩnh vực, các vấn đề xã hội có sự khác biệt. Do đó nhà nước xã hội chủ
nghĩa cần phải có quan điểm và phương thức ứng xử phù hợp với từng trường hợp cụ thể khi giải quyết
các vấn đề tôn giáo.

You might also like