You are on page 1of 7

Anh và Mỹ là hai quốc gia thuộc hai châu lục khác nhau nhưng cả hai đều

thuộc hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Common law. Common law là một trong
hai dòng họ pháp luật lớn nhất trên thế giới được bắt nguồn và áp dụng trên lãnh
thổ Anh, sau đó qua con đường bành trướng thuộc địa xuất hiện tại Mỹ. Tuy nhiên,
do đặc trưng của Mỹ là quốc gia đa tôn giáo, sắc tộc, văn hóa; cơ cấu lãnh thổ
được chia thành nhiều tiểu bang nên Mỹ đã có sự phát triển hệ thống pháp luật
mang bản sắc của riêng mình. Điều đó dẫn đến quá trình đào tạo và hành nghề luật
ở hai quốc gia này cũng có điểm tương đồng và khác biệt.
I. Những điểm tương đồng và khác biệt điển hình trong đào tạo luật của
Anh và Mỹ
1.1. Các điểm tương đồng
Thứ nhất, về học liệu ở Anh và Mỹ thì án lệ là nguồn luật chủ yếu để giải
quyết vụ án, vì vậy mà khi học các sinh viên đều chú trọng xem xét các bản án đã
có, những tình huống trên thực tế và phân tích chúng.
Thứ hai, về tuyển sinh đầu vào, yêu cầu về trình độ với sinh viên thi đầu vào
các trường đại học luật đều phải là sinh viên xuất sắc. Ở Anh, yêu cầu đối với các
sinh viên muốn theo học đại học luật là phải có điểm đầu vào đạt mức “A”. Vì vậy
thông thường những người có điểm thi như vậy là những người xuất sắc và có trình
độ nhận thức cao. Ở Mỹ, các khoa luật cũng tuyển chọn người vào học rất khắt
khe. Một số khoa luật chỉ chọn một người trong số năm hoặc mười người dự tuyển.
Thứ ba, thời gian học để được cấp bằng tương đương với bằng cử nhân luật ở
Anh và Mỹ đều là 3 năm.
Thứ tư, nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo đều có sự kết hợp giữa lý
thuyết và thực hành, tuy nhiên, mức độ kết hợp như thế nào thì ở hai quốc gia lại
có sự khác biệt.
1.2. Các điểm khác biệt
a) Đối tượng đào tạo
Tại Anh, đối tượng đào tạo luật là những người đã tốt nghiệp phổ thông,
không yêu cầu người đó phải có một bằng chuyên nghiệp nào. Ở Mỹ, đối tượng
đào tạo luật lại là những sinh viên đã tốt nghiệp đại học, phải có một bằng chuyên
nghiệp, không phân biệt đó là bằng về lĩnh vực nào.
b) Mục tiêu đào tạo
Ở Anh, hoạt động đào tạo luật có hai cấp độ đào tạo với mục tiêu nhằm trang
bị kiến thức khoa học pháp lý cho người học và để dạy nghề, trang bị kỹ năng làm
việc. Tuy nhiên hai cấp độ đào tạo này không đi kèm với nhau mà lại được phân ra
thành hai giai đoạn khác biệt, mỗi giai đoạn có yêu cầu, mục tiêu khác nhau: Với
mục tiêu trang bị kiến thức pháp lý, người học phải trải qua quá trình đào tạo ở bậc
đại học. Tuy nhiên sau khi hoàn thành khóa học và được cấp bằng cử nhân luật thì
người học chỉ có các kiến thức mang tính khoa học hàn lâm nghiên cứu, chưa thể
ra làm việc được. Nếu muốn làm việc tốt thì người học phải được đào tạo nghề
luật. Đó là quá trình dạy nghề luật và thuộc về chức năng của cơ sở đào tạo được
cấp phép của Đoàn luật sư hoặc Hội luật gia. Như vậy, ở Anh thì trong trường đại
học chủ yếu dạy kiến thức cơ bản về luật mà không chú trọng đào tạo kĩ năng làm
việc thực thụ như một luật sư.
Ở Mỹ, có sự khác biệt lớn so với ở Anh, đào tạo luật là đào tạo sau đại học
nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức hành nghề luật. Sinh viên được đào
tạo trong trường để có thể ra làm việc được ngay. Giáo viên đào tạo sinh viên
thành các luật sư có khả năng thắng kiện trong thực tế hơn là chỉ nghiên cứu suông
về luật. Nguyên nhân là do Mỹ đào tạo cử nhân luật kết hợp với đào tạo nghề để
sinh viên khi ra trường có thể làm việc được ngay. Các trường đào tạo luật ở Mỹ
chủ yếu dạy sinh viên cách tìm hiểu pháp luật, để từ đó sinh viên áp dụng một cách
chủ động các kiến thức trong nhà trường với kiến thức từ thực tiễn.
c) Nội dung đào tạo, học liệu
-Về học liệu: Các học liệu ở Anh không chỉ gồm những bản án thực tế mà còn
bao gồm những giáo trình về các môn khoa học đại cương và các môn về lý luận
pháp luật. Các trường luật của Mỹ lại không có giáo trình trình bày về khoa học
luật mà chỉ dựa vào những bản án, những tình huống trên thực tế.
-Về phương pháp đào tạo:
+Tại Anh, các môn học chủ yếu được giảng dạy dưới dạng thuyết trình, thảo
luận và phù đạo. Sinh viên đưa ra câu hỏi và giải quyết thắc mắc của mình. Các
sinh viên được khuyến khích tham gia diễn án và thảo luận để rèn kĩ năng lập luận
rõ ràng, thuyết phục. Ngoài ra còn phương pháp truyền thống: Phương pháp thuyết
giảng các kiến thức lý luận.
+Tại Mỹ lại chú trọng phương pháp tình huống. Các nguyên tắc pháp lí chung
không được trình bày qua những bài giảng lý thuyết trừu tượng mà được rút ra từ
việc nghiên cứu những tình huống được đưa ra thảo luận trên lớp. Các bài tập thực
hành chủ yếu về giải quyết án và cách phân tích chi tiết các phán quyết dưới hình
thức trao đổi, hội thoại giữa giáo viên và sinh viên (phương pháp Socratic). Ngoài
ra còn phương pháp đặt sinh viên vào công việc thực sự và họ học luật bằng cách
xử lý các tình huống thực tế đó (phương pháp thực hành luật). Tuy nhiên, phương
pháp phổ biến nhất vẫn là phương pháp Socratic truyền thống.
- Về công tác giảng dạy: Cả hai đều chú trọng đến giải quyết các tình huống
cụ thể, nhưng người Mỹ chú ý đến các tình huống thực tiễn hơn. Phương pháp đào
tạo khác nhau do yêu cầu đào tạo khác nhau, trong khi ở Anh chỉ yêu cầu hiểu biết
về luật ở bậc đại học thì người Mỹ lại yêu cầu cao hơn là phải đủ kĩ năng để giải
quyết vụ việc thực tế, phù hợp với xã hội đa dạng, phức tạp và luôn thay đổi.
d) Đào tạo nghề luật
Tại Anh, đào tạo nghề luật có sự tách biệt hoàn toàn với giai đoạn đào tạo cử
nhân cả về thời gian, chương trình, học liệu... Do có quy trình đào tạo khác nhau
nên ở Anh hình thành 2 nghề luật: Luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Ở Mỹ do
không chia thành luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng nên khi đào tạo luật cũng
không có sự phân chia, tất cả đều được đào tạo chung tại trường đại học. Tạo
những điểm khác biệt trong hành nghề luật ở Anh và Mỹ.
2. Những điểm tương đồng và khác biệt điển hình trong hành nghề luật
của Anh và Mỹ
2.1. Sự giống nhau trong hành nghề luật của Anh và Mỹ
Ở Mỹ và Anh, nghề luật sư đều là những nghề nghiệp danh giá vì đòi hỏi
nhiều trí tuệ và khả năng. Cả ở Anh và một số bang của Mỹ thì các luật sư chịu sự
quản lý của hội luật sư hoặc đoàn luật sư. Ở Anh luật sư tư vấn chịu sự quản lý của
Hội luật sư, luật sư tranh tụng chịu sự quản lý của Đoàn Luật sư của England và xứ
Wales. Còn ở Mỹ, khoảng một nửa số bang Mỹ đòi hỏi người hành nghề luật phải
là thành viên của đoàn luật sư bang mình. Tức là hội luật sư hay đoàn luật sư đại
diện cho lợi ích của các luật sư và ban bố quy chế cưỡng chế thi hành các quy chế
Luật sư ở Anh và Mỹ có thể hành nghề độc lập hoặc thành lập các công ty Luật.
Xuất phát từ đặc điểm hệ thống tranh tụng đối kháng nên các luật sư ở Anh hay ở
Mỹ luôn có sự cạnh tranh lớn và có vai trò chủ động, kết quả bản án phụ thuộc vào
tài tranh tụng của luật sư còn Tòa án chỉ đóng vai trò thụ động, trung lập, lựa chọn
lập luận và chứng cứ thuyết phục hơn để phán quyết.
2.2. Sự khác nhau trong hành nghề luật của Anh và Mỹ
a)Về điều kiện hành nghề luật sư
Ở Mỹ để được hành nghề luật sư thì nhất thiết phải có giấy phép hành nghề
tức là là phải tham gia khóa học nghề luật. Điều kiện tiên quyết để được tham gia
khóa học này là bắt buộc phải có bằng cử nhân luật và phải vượt qua được kỳ thi
do đoàn luật sư của một bang nào đó tổ chức và đánh gia theo ủy quyền của tòa án
tối cao bang đó.
Tuy nhiên ở Anh học viên có thể tham gia khóa học thực hành luật mà không
cần có bằng cử nhân luật của Anh Quốc, nhưng họ phải có một bằng đại học khác
và tham dự khóa học kéo dài 1 năm để lấy bằng Diplom về luật. Khác với Mỹ việc
trở thành luật sư ở Anh không nhất thiết phải do đoàn luật sư của bang. Mà được
đảm nhiệm bởi một số cơ sở đào tạo được luật gia chấp nhận mở lớp hành nghề
luật.
b) Phân loại luật sư
Trên cơ sở chương trình đào tạo ở Anh và Mỹ, thì ở Mỹ một luật sư thực hành
được gọi là “luật sư” (attorney) khi bào chữa, không có sự phân biệt giữa luật sư tư
vấn và luật sư tranh tụng (bào chữa).
Khác hẳn với Mỹ, ở Anh có sự phân biệt rõ ràng giữa luật sư tư vấn và luật sư
tranh tụng với chức năng hoàn toàn khác nhau. Phần lớn luật sự ở Anh là luật sư tư
vấn bất kỳ một tổ chức cá nhân nào cần đến sự trợ giúp hay tư vấn pháp luật đều
đến tìm luật sư tư vấn. Còn luật sư tranh tụng là các chuyên gia biện hộ có quyền
tham dự tất cả các phiên xử tại tất cả các tòa án và cơ quan tài phán. Luật sư tranh
tụng không được quyền liên hệ trực tiếp với khách hàng. Họ chỉ có thể tiếp nhận
với khách hàng sau khi được một luật sư tư vấn nào đó giới thiệu,
c) Về hoạt động
Mặc dù đều phát triển theo hướng chuyên môn hóa, nhưng sự chuyên môn
hóa ở Mỹ và Anh cũng có sự khác biệt. Ở Mỹ theo xu hướng chuyên môn hóa các
công ty luật đã chia thành nhiều nhóm và mỗi nhóm tập trung một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ các nhóm hành nghề tranh tụng, nhóm chuyên môn trong lĩnh vực thuế, luật
công ty, luật chống độc quyền, luật môi trường, luật dân sự... Còn ở Anh, các công
ty luật ở địa phương cung cấp dịch vụ trên các lĩnh vực luật gia đình, luật dân sự,
chứng thực chúc thư, giao dịch tài sản... Các công ty lớn ở thành phố thường
chuyên sâu vào luật công ty, luật thương mại, luật thuế luật ngân hàng, kiện tụng
dân sự hay luật lao động...
II.Nguyên nhân của sự khác biệt giữa hai quốc gia Anh và Mỹ
Nước Mỹ ra đời là sự liên hiệp của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, người Anh đã
mang hệ thống pháp luật của mình đến với các thuộc địa này. Mặc dù có nguồn
gốc từ hệ thống pháp luật Anh nhưng từ sau năm 1776, khi Mỹ tuyên bố độc lập,
pháp luật Anh và Mỹ trở thành 2 hệ thống pháp luật độc lập và phát triển theo
những hướng khác nhau, kéo theo sự khác biệt nhất định trong hệ thống pháp luật
của 2 quốc gia kể cả đào tạo luật và nghề luật. Và nguyên nhân dẫn đến sự khác
biệt trên là do Anh là một quốc gia có dân cư gần như thuần nhất còn Mỹ lại là
nước có dân số chủ yếu là dân nhập cư, đa tôn giáo, đa sắc tộc đi cùng với lối sống
và đặc trưng về nền kinh tế xã hội cũng khác nhau, nên trong cách suy nghĩ và tư
duy pháp lý có những điểm khác biệt là điều tất yếu. Bên cạnh đó, nhà nước Mỹ
được tổ chức dưới dạng cộng hòa liên bang, trong đó các bang có chủ quyền độc
lập của riêng mình. Trên thực tế, sự độc lập này đã mất dần theo thời gian nhưng
với tư cách là một tực thi pháp lý, các bang này vẫn tồn tại riêng rẽ với hệ thống
chính phủ của riêng mình. Thực tiễn cho thấy trên nhiều lĩnh vực và với nhiều
người, pháp luật của bang quan trọng hơn pháp luật liên bang. Mỗi bang không chỉ
có chính phủ mà còn có cả hiến pháp riêng mặc dù hầu hết hiến pháp của các bang
được soạn thảo theo mô hình hiển pháp liên bang, với cùng cơ cấu tổ chức chính
phủ bang và những quyền dân sự cũng như quyền công dân tương tự nhau giữa các
bang.
Ở Mỹ, đào tạo luật là đào tạo sau đại học nhằm trang bị cho sinh viên những
kiến thức hành nghề luật. Do đó, Mỹ đào tạo cử nhân Luật kết hợp với đào tạo
nghề để sinh viên khi ra trường có thể làm được việc ngay. Các trường đào tạo luật
ở Mỹ chủ yếu dạy sinh viên cách tìm hiểu pháp luật để từ đó sinh viên áp dụng một
cách chủ động các kiến thức trong nhà trường với kiến thức trực tiễn.
Ở Anh chỉ yêu cầu hiểu biết về luật ở bậc đại học còn Mỹ lại yêu cầu cao hơn
là phải đủ kỹ năng để giải quyết vụ việc thực tế, phù hợp với xã hội đa dạng, phức
tạp và luôn thay đổi nên phương pháp đào tạo giữa hai nước có sự khác nhau. Mỹ
không chia thành luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng nên khi đào tạo luật cũng
không có sự phân chia mà đào tạo chung tại trường đại học.
KẾT LUẬN
Những sự tương đồng và khác biệt nêu trên giữa luật ở Anh và Mỹ bắt nguồn
từ hoàn cảnh thực tế của nền pháp lý ở mỗi nước. Tìm hiểu sự tương đồng và khác
biệt này đồng thời cũng giúp ta có cái nhìn toàn diện hơn về nền pháp lý của các
nước theo dòng họ Common law nói chung và ở Anh và Mỹ nói riêng./.

You might also like