You are on page 1of 7

Đề bài: Anh/Chị hãy viết một bài luận để chia sẻ quan điểm/suy nghĩ/định

hướng nghề nghiệm của bản thân về lựa chọn trở thành một luật sư tốt hay một
luật sư thành công?

Mở bài
Xã hội ngày càng phát triển, mối quan hệ giữa công dân với công dân, giữa công
dân với các cơ quan, tổ chức và giữa các cơ quan, tổ chức với nhau càng ngày càng
phức tạp, đan xen, lồng ghép. Những mối quan hệ này nhiều khi phát sinh mâu thuẫn,
ảnh hưởng đến quyền lợi của mỗi bên. Luật sư là những cá nhân có chuyên môn cao
trong lĩnh vực hành nghề luật của mình, với niềm am hiểu pháp luật sâu rộng và kinh
nghiệm trong hoạt động pháp luật, từ đó có thể đưa ra những lời nguyên đúng đắn
nhằm gỡ bỏ những mâu thuẫn này, hoặc có thể trở thành người bảo vệ quyền, lợi ích
hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức có hiệu quả nhất tại Tòa án. Luật sư có chức
năng góp phần bảo vệ sự dân chủ trong thể chế nhà nước, bảo vệ công lý, giúp giảm
thiểu một phần các vụ án oan sai, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng trên cơ sở
các quy định của pháp luật, qua đó vị thế của luật sư trong xã hội cũng ngày càng được
nâng cao. Với chức năng nghề nghiệp, cũng như chức năng xã hội song song của
mình, Luật sư đóng góp vào việc xây dựng một xã hội ổn định hơn, trật tự hơn, nâng
cao nhận thức và ý thức về pháp luật trong người dân. Vì vậy, có thể cho rằng nghề
Luật sư là một nghề cao quý và vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại ngày nay.

Vậy nhưng, hiện nay đang tồn tại một quan điểm: “Một luật sư tốt chưa chắc đã
là luật sư thành công, và một luật sư thành công thì chưa chắc đã là một người luật sư
tốt.” Người viết xin được trình bày dưới đây suy nghĩ của mình về nhận định đó, đồng
thời đưa ra lựa chọn giữa luật sư tốt và luật sư thành công.

Thân bài

1. Những vấn đề khái quát


Theo quy định tại Điều 2 của Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2015,
“Luật sư” là người có đủ tiêu chuẩn luật sư, điều kiện hành nghề luật sư, thực hiện
dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng).
Tiêu chuẩn này được nêu tại Điều 10 của Luật này là “Công dân Việt Nam trung thành
với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử
nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có
sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”.
Quy định là như vậy, nhưng thực tế cho thấy không phải luật sư nào cũng có
được đầy đủ các tiêu chuẩn như trên. Một tiêu chuẩn gây nhiều tranh cãi nhất trong
việc đánh giá một người luật sư chính là “phẩm chất đạo đức” của họ. Quy tắc đạo đức
và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư đã được Hội đồng Luật sư toàn quốc Liên đoàn
Luật sư Việt Nam ban hành thông qua Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13 tháng
12 năm 2019. Theo đó, Luật sư buộc phải tuân thủ tuyệt đối những quy tắc ứng xử

1
trong mối quan hệ với đồng nghiệp, với khách hàng, với cơ quan nhà nước và một số
ứng xử cụ thể khác. Mặc dù vậy, trên thực tế, không ít trường hợp Luật sư vẫn cố tình
vi phạm những quy tắc này, ví dụ những hành vi có thể kể đến sau đây:
Không tôn trọng đồng nghiệp
Quy tắc Ứng xử và Đạo đức Nghề nghiệp Luật sư yêu cầu Luật sư phải thể hiện
sự tôn trọng và hợp tác đối với đồng nghiệp. Thực tế, không ít Luật sư không kiểm
soát được bản thân, chỉ trỏ đồng nghiệp ngay tại phiên tòa vì quyền lợi đối nghịch.
Thậm chí, trong quá trình tư vấn, làm việc với khách hàng, một số Luật sư còn dùng
lời lẽ khiếm nhã, sai sự thật nói về đồng nghiệp để giành giật khách hàng cũng như xúi
giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện
nay, Luật sư lợi dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết có nội dung liên quan đến
vụ việc đang được giải quyết và bình luận theo chiều hướng tiêu cực để hạ thấp uy tín,
năng lực của Luật sư đối thủ, cũng như để khẳng định năng lực của chính bản thân
mình. Bên cạnh đó, phạm vi ảnh hưởng của vấn đề này đôi khi không chỉ dừng lại ở
Việt Nam, mà nhiều Luật sư còn cố tình nói xấu, nói sai sự thật về đồng nghiệp của
mình ở những diễn đàn quốc tế, như Trung tâm Trọng tài Quốc tế.
Không chỉ thế, Luật sư còn cố tình không tuân theo quy trình tố tụng, cản trở
Luật sư đối thủ tiếp cận hồ sơ, tài liệu của vụ việc. Cụ thể theo quy định Bộ luật Tố
tụng Dân sự Việt Nam, khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ
phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp
của đương sự khác. Tuy nhiên, Luật sư vẫn cố tình không tuân theo quy định này, chỉ
đến khi có phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải,
Luật sư đối thủ mới biết được sự tồn tại của những tài liệu này, dẫn đến bị động trong
việc phản biện, phải yêu cầu Tòa án cho thêm thời gian để nghiên cứu hồ sơ, làm cho
thời gian giải quyết vụ việc bị kéo dài. Những thủ thuật này vi phạm Quy tắc Ứng xử
và Đạo đức Nghề nghiệp Luật sư, tuy nhiên, xử lý như thế nào là vấn đề mà Nhà nước
và xã hội quan tâm.1
Sử dụng mánh khoé, chiêu trò để lợi dụng lỗ hổng của pháp luật
Luật sư là những người am hiểu pháp luật. Tuy nhiên, việc vận dụng kiến thức
pháp luật để thực hiện sứ mệnh cao quý chính là “kỹ năng”, mà lạm dụng kiến thức
pháp luật để chạy theo lợi ích vật chất trở thành “tiểu xảo, chiêu trò” trong giới Luật
sư.
Nói về công tác quản lý nhà nước về Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Lê Thành
Long từng giải trình với Thủ tướng Chính phủ như sau: “Ở ta, có một số ít Luật sư vi
phạm pháp luật đã đành, còn đương nhiên bỏ qua các quy tắc đạo đức – điều rất thiêng
liêng của hành nghề”. 2 Ông Long cũng cho biết ở các nước, quy định của pháp luật về
Luật sư chỉ là một phần, việc tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề của Luật sư còn cao
hơn cả luật.

1 https://plo.vn/plo/nen-hieu-dung-ve-an-bo-tui-46859.html
2 https://letranlaw.com/vi/insights/dao-duc-nghe-luat-su-tai-viet-nam/
2
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp trở
thành khuôn mẫu để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư. Để trở thành
Luật sư, bắt buộc phải trải qua khóa đào tạo về Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề
nghiệp Luật sư. Thực tế, đại đa số Luật sư đều hoạt động tích cực, tuân thủ Quy tắc
Đạo đức hành nghề và có những đóng góp to lớn cho ngành Tư pháp nước nhà.
Những luật sư này có thể được coi là “Luật sư tốt”, dung hoà giữa quyền và lợi
ích hợp pháp của khách hàng với yêu cầu của họ, và với quy định của pháp luật. Một
người luật sư tốt ngoài việc suy nghĩ đến lợi ích cá nhân của Luật sư, thì Luật sư còn
có những mục tiêu cao cả hơn là đóng góp cho xã hội, giúp cho xã hội ngày càng phát
triển, giúp cho công lý được thường xuyên thực thi, giúp cho người dân được hưởng
đầy đủ những quyền và lợi ích đúng đắn của mình. Mục đích này của họ được thể hiện
qua những hoạt động như tư vấn pháp luật và tham gia tranh tụng phù hợp với pháp
luật, cung cấp các hoạt động trợ giúp pháp lý, thường xuyên tham dự các buổi hội thảo
để chia sẻ kiến thức pháp luật giúp nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, cùng
nhiều hoạt động mang lại lợi ích tích cực khác.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận Luật sư chỉ chăm chút cho lợi ích cá
nhân, luồn lách các quy phạm về đạo đức để thu lợi nhuận mà không bị xử lý trách
nhiệm, vẫn giữ nguyên tư cách Luật sư.
Ví dụ, nhiều luật sư có hành vi sử dụng quan hệ cá nhân của mình để gây ảnh
hưởng cho quá trình giải quyết các vụ án. Cụ thể, thuật ngữ “án bỏ túi” là một thuật
ngữ đã tồn tại lâu đời, thể hiện thực tế một phần hiện trạng xét xử tại Việt Nam. “Có
thể xác định “án bỏ túi” là một thuật ngữ nhằm ám chỉ mọi quyết định của HĐXX đã
được định sẵn không phụ thuộc vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa; một bản
án có tính áp đặt từ trước, trái với quy định của pháp luật.” 3 Trong những vụ án này,
Luật sư thường sử dụng tiền của khách hàng và mối quan hệ cá nhân của mình để tác
động đến sự khách quan của việc giải quyết vụ án, có hành vi “khích lệ”, “vận động”
thẩm phán hoặc các bên Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát sao để có thể cố tình
đưa những tình tiết có lợi cho khách hàng của mình vào, và bỏ lọt những tình tiết bất
lợi, thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể làm đình chỉ vụ án bất hợp pháp, ảnh
hưởng thẩm phán đưa ra phán quyết theo mong muốn của khách hàng chứ không phải
dựa theo sự thật khách quan. Hay thậm chí có trường hợp, Luật sư còn dùng chính
những thủ đoạn này để “chèo kéo” khách hàng, tự nhận mình là người quen, thân thiết
với những người tiến hành tố tụng vụ án của khách hàng để lấy lòng tin và đưa ra
những yêu cầu quá đáng cho khách hàng về mặt tiền hợp đồng, hợp lý hoá bằng chi
tiêu “tặng quà” cho những người có chức vụ.
Luật sư góp phần bảo vệ công lý, nhưng một số Luật sư hiện nay thay vì cố gắng
bảo vệ khách hàng của mình đúng đắn, thì lại cho gợi ý, chỉ dẫn khách hàng làm
những hành vi trái pháp luật như chỉnh sửa giấy tờ, tài liệu không đúng thực tế để hợp
thức hóa chứng cứ, thuê, nhờ “người làm chứng” giả để tăng tính thuyết phục đối với
Hội đồng xét xử, hướng dẫn khách hàng khai sai để có lợi cho họ, làm thay đổi bản
chất sự việc, che dấu sự thật khách quan.

3 https://plo.vn/phap-luat/xu-ly-nghiem-ls-vi-pham-phap-luat-dao-duc-nghe-nghiep-761832.html
3
Không ít trường hợp Luật sư sử dụng sự hiểu biết pháp luật của mình để đe doạ
khách hàng. Khách hàng khi tìm đến luật sư phần lớn là những người có hiểu biết về
pháp luật kém và đang rơi vào thế bất lợi, cần tìm lời khuyên, sự giúp đỡ. Thế nhưng,
thay vì thực tình giúp đỡ những khách hàng này thì Luật sư có ý định lợi dụng sự kém
hiểu biết của họ để mời kéo, dụ dỗ, thậm chí gây áp lực, tạo sức ép cho họ theo hướng
nếu họ không thuê Luật sư thì họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng, nặng nề.
Thậm chí, khi đã ký được hợp đồng, Luật sư còn cố tình tăng mức thù lao, chi phí hay
mưu cầu lợi bất chính khác từ khách hàng.
Ngoài những sai phạm trên, thực tế, Luật sư còn có thể mắc nhiều hành vi khác
mang tính chất vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, trừ khi vi phạm này của Luật
sư thể hiện rõ sự vi phạm pháp luật (ví dụ: phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo
BLHS khi Luật sư lừa khách hàng để chiếm lợi ích vật chất) thì đa số các trường hợp
vi phạm đạo đức nghề Luật sư đều rất khó xử lý. Bởi lẽ, mọi hành vi đều mơ hồ,
không rõ ràng, không có chứng cứ để xác định vi phạm. Nhất là các trường hợp Luật
sư vi phạm nhưng lại phù hợp với lợi ích khách hàng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ,
tạo điều kiện của khách hàng; khách hàng che dấu cho hành vi phạm tội của Luật sư để
tạo lợi ích cho mình. Hoặc Luật sư đưa ra những thông tin bịa đặt, phức tạp hóa vấn đề
để yêu cầu lợi ích từ khách hàng thì việc chứng minh Luật sư vi phạm đạo đức hầu
như là không thể. Đó là chưa kể, vì Luật sư có am hiểu về pháp luật, và cũng được đào
tạo để có tính cẩn trọng cao nên họ luôn biết cách thể hiện như thế nào để vi phạm của
mình không có cơ sở chứng minh và xử lý.
Chính vì vậy, hiện tại vẫn còn hiện hữu nhiều luật sư hành nghề với phẩm chất
đạo đức thấp như trên nhưng không có đủ căn cứ xử lý. Lợi dụng những tiêu cực tồn
tại trong bộ máy công quyền, trong xã hội, không ngần ngại phương pháp mà chỉ quan
tâm đến việc “đánh bóng tên tuổi” để đạt được mục đích cuối cùng là lợi nhuận tài
chính, không ít luật sư đã kiếm được khoản lợi không nhỏ từ hành vi trái đạo đức của
mình. Thậm chí, họ còn được trọng vọng là những luật sư thành công theo quan niệm
xã hội, vì họ (1) giúp khách hàng đạt được mục đích (dù không kể việc đạt được đó có
trái pháp luật hay không), (2) có thu nhập cao (dù có thể đó là thu nhập bất chính), (3)
có vị thế xã hội.
Quay lại nhận định đã nêu ở phần mở đầu “Một luật sư tốt chưa chắc đã là luật sư
thành công, và một luật sư thành công thì chưa chắc đã là một người luật sư tốt”, thì có
thể đánh giá đây là một nhận định chính xác.
Một người “luật sư tốt”, như đã phân tích ở trên, thì phải biết cân bằng giữa
mong muốn của khách hàng với quyền và lợi ích thực tế mà họ được pháp luật cho
phép hưởng, với sự thật khách quan. Nhưng đồng thời nếu vậy, không phải lúc nào
khách hàng của họ cũng hài lòng. Ngược lại, một người luật sư bất chấp dùng mọi thủ
đoạn để đạt được yêu cầu của khách hàng, dù cho các thủ đoạn đó có trái với đạo đức,
yêu cầu nghề nghiệp, thì lại dễ được khách hàng ưa thích hơn và có cơ hội được khách
hàng giới thiệu cao hơn. Từ đó, họ dễ thành công hơn những người “luật sư tốt”.
“Luật sư tốt” ngoài việc chỉ chăm chăm vào lợi ích tài chính thì mục đích của họ
còn to lớn và cao cả hơn nhiều, đó chính là mong muốn được hoàn thiện hệ thống pháp

4
luật, được góp phần thực thi công lý, là bảo vệ những người yếu thế sao cho họ nhận
được đúng quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chính vì mục đích vậy mà họ thực
hiện việc trợ giúp pháp lý đối với cả những trường hợp luật định và cả với những
khách hàng mà họ đánh giá hoàn cảnh là cần sự trợ giúp. Ví dụ, một người mẹ đơn
thân lớn tuổi, có thu nhập không ổn định, có một người con đã lấy chồng, chưa kịp có
cháu thì con đã không may chết, nhà đang ở thì lại là nhà của người con rể đứng tên
mua. Lúc này người con rể lại có ý định muốn cắt đứt quan hệ với mẹ vợ và đuổi bà ra
khỏi nhà. Tuy tại thời điểm trao đổi với Luật sư, người phụ nữ có đủ khả năng để chi
trả các chi phí để đảm bảo quyền lợi được có chỗ ở, nhưng việc chi trả đó sẽ gây ảnh
hưởng không nhỏ đến tài chính của mình. Luật sư xét thấy người phụ nữ này không
còn nơi nương tựa, nay thu nhập không ổn định, không biết sau khi đã được đảm bảo
về chỗ ở thì sẽ tiếp tục cuộc sống như thế nào, nên Luật sư đã quyết định hỗ trợ phần
lớn chi phí cho khách hàng. Đây là một hành động mang tính nhân văn, tốt đẹp, thể
hiện phẩm chất đạo đức cao quý của Luật sư. Tuy nhiên, lật lại vấn đề về tài chính, khi
thực hiện việc trợ giúp pháp lý như vậy thì Luật sư sẽ mất đi nhiều lợi ích về mặt của
cải và tiền bạc. Vì vậy, tuy họ luôn bận rộn hết sức mình làm tròn bổn phận là một
người luật sư nhưng lợi ích vật chất họ thu lại không được nhiều. Khả năng tài chính
chính là một trong những thước đo quan trọng của xã hội về sự thành công của một cá
nhân. Thế nên, người Luật sư trong trường hợp này có lẽ sẽ không được coi là thành
công bằng người Luật sư mà chỉ chú trọng đến lợi ích vật chất và lúc nào cũng mong
muốn thu lại được lợi nhuận lớn nhất cho mình, từ đó tích luỹ được nhiều của cải hơn.
Cuối cùng, về vị thế xã hội. Khi tạo được tiếng vang cho bản thân và thu thập
được một lượng của cải nhất định, cá nhân sẽ bắt đầu được xã hội trọng vọng và quan
niệm là một người có địa vị xã hội cao. Không thể phủ nhận rằng, giữa một người Luật
sư sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân vì những giá trị cao cả hơn (“Luật sư tốt”), và
một người Luật sư sẵn sàng từ bỏ các giá trị đạo đức để bằng mọi cách đạt được mục
tiêu mình mong muốn, thì người ở vế sau dễ “đánh bóng tên tuổi” và có thu nhập tốt
hơn, chính vì vậy được coi là thành công hơn.
Tựu chung lại, một người Luật sư tốt là một người có phẩm chất đạo đức tốt, có
mục đích cao hơn mục đích cá nhân của mình, tức là hướng đến những giá trị nội tâm;
còn một người Luật sư thành công lại thường được đánh giá bằng những giá trị ngoại
cảnh mà xã hội gán cho họ (danh tiếng, tiền bạc, địa vị xã hội), mà thường những
người Luật sư không từ thủ đoạn để đạt được mục đích cá nhân của mình sẽ dễ thoả
mãn những giá trị ngoại cảnh này hơn.

2. Lựa chọn giữa việc trở thành một luật sư tốt hay một luật sư thành
công
Có lẽ trong quá trình được đào tạo để trở thành Luật sư hay thậm chí trong cả quá
trình hành nghề luật sư sau này, mỗi người sẽ luôn cân nhắc giữa hai lựa chọn này.
Trong hoạt động hành nghề của Luật sư, không ít lần Luật sư sẽ phải đối mặt với
những cám dỗ về lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần và phải tự đưa ra quyết định liệu họ
sẽ đồng ý và tuân theo những cám dỗ đó, hay kiên quyết từ chối để giữ nguyên phẩm

5
chất đạo đức của mình. Tuy về lý thuyết, một người Luật sư luôn cần phải giữ vững
lập trường của mình và không có hành vi vi phạm Bộ Quy tắc, nhưng thực tế đời sống
phát triển ngày càng phức tạp, tỷ lệ cạnh tranh cao, môi trường làm việc khốc liệt
khiến nhiều Luật sư cũng nao núng khi phải đưa ra những lựa chọn ảnh hưởng trực
tiếp đến khả năng tài chính của mình.
Cá nhân người viết thì có góc nhìn như sau: Kể cả trong những thời khắc khó
khăn, khốn cùng, phẩm chất đạo đức của mỗi người, và đặc biệt là của Luật sư, sẽ luôn
là một giá trị quý giá mang tính cốt lõi. Khi đánh đổi phẩm chất đạo đức của mình với
những lợi ích vật chất, tinh thần, chính bản thân người Luật sư sẽ cảm thấy xấu hổ,
mất tự tin khi đối diện với chính mình, luôn luôn phải sống trong sự dằn vặt, lo sợ rằng
bản chất thiếu đạo đức của mình sẽ bị xã hội phát hiện. Kể cả khi những Luật sư đó tự
cao, cho rằng vì mình có khả năng, mình có tài nên mới có thể hành xử một cách
“thông minh", “khôn khéo” và đem lại được nhiều lợi ích như thế thì khi những hành
vi sai phạm của họ bị phát giác, họ sẽ bị những người đồng nghiệp của mình, những cơ
quan có thẩm quyền, liên đoàn luật sư phản đối; sẽ bị dư luận xã hội lên án, và khi đó
họ sẽ mất hết những giá trị họ đã dày công xây dựng và sẽ bị gắn mác là “Luật sư suy
đồi về đạo đức” suốt thời gian hành nghề.
Ngược lại, khi một người Luật sư có thể giữ vững phẩm chất đạo đức của mình,
biết từ chối những cám dỗ đời thường thì chính bản thân họ sẽ luôn có một sự tự tin
rằng mình đang làm theo lẽ phải. Sự tự tin này sẽ giúp họ vượt qua rất nhiều khó khăn
trong cuộc sống, cùng lúc sẽ giúp họ trở nên tự hào hơn về những thành quả họ đạt
được vì đó là thành quả công minh, chính đáng mà vì chính sức lực của họ, họ đã gặt
hái được. Đồng thời, họ sẽ được gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trọng vọng vì luôn thể
hiện bản chất đạo đức tốt của mình - một giá trị cũng luôn được xã hội nhắc đến và đề
cao. Đặc thù của nghề luật sư là phải đối mặt với rất nhiều tiêu cực của xã hội, nên khi
họ tin rằng mình không làm gì sai phạm với chuẩn mực đạo đức, quy định pháp luật
thì chính họ cũng sẽ cảm thấy thanh thản, ít bị ảnh hưởng bởi tính chất công việc của
họ.
Chính vì những lẽ trên, người viết cho rằng, tuy những lợi ích về mặt vật chất
như tiền bạc hay tinh thần như danh tiếng và nhận định xã hội là vô cùng hấp dẫn,
nhưng việc chạy theo các giá trị xã hội mà bất chấp sử dụng phương pháp bất chính,
thủ đoạn manh nha sẽ dễ dẫn đến ra hậu quả nghiêm trọng cho chính mình. Thay vào
đó, việc tập trung vào các giá trị nội tại của bản thân, với niềm tin và sự lạc quan rằng
mình là một con người sống và hành nghề có đạo đức phù hợp hơn với quan niệm
sống của người viết. Vì vậy, nếu phải lựa chọn giữa việc là một luật sư tốt và nhận
được ít lợi ích hơn, và một luật sư thành công mà lại phải đánh đổi giá trị đạo đức của
mình, thì người viết lựa chọn làm một người luật sư tốt.

Kết luận
Mỗi xã hội để được công bằng, dân chủ văn đều cần tồn tại một hệ thống pháp
luật chặt chẽ đảm bảo công lý được thực thi. Nhưng để pháp luật đi vào đời sống, được
tôn trọng thì cần có đội ngũ những người làm nghề luật và những người bảo vệ pháp

6
luật. Cũng như bao ngành nghề khác, những người hành nghề luật cũng có những giá
trị đạo đức chung của xã hội và giá trị đạo đức riêng đặc thù với ngành của mình. Đó
chính là những quy tắc ứng xử mà các tổ chức, liên đoàn, cơ quan đã tự đặt ra để yêu
cầu những thành viên của chúng phải tuân thủ. Chất lượng luật sư của Việt Nam tuy
trong những năm gần đây có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn tồn tại một số luật sư đang
có dấu hiệu suy thoái đạo đức nghiêm trọng, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để lấy được lợi
ích cá nhân về phía mình. Một nghịch lý được đặt ra là thực tế, những luật sư này đôi
khi có thể được coi là thành công hơn những người luật sư tốt. Tuy nhiên, một sự thật
không thể phủ nhận, quyết định lựa chọn để trở thành một luật sư tốt, có giá trị phẩm
chất đạo đức cao sẽ luôn là quyết định đúng đắn nhất.

You might also like