You are on page 1of 5

1.

Nhân vật bé Thu


a) Bướng bỉnh, gan góc trong ứng xử:
- Khi chưa nhận anh Sáu là ba, bé Thu kiên quyết không chịu tác động từ bất cứ ai: dù
là sự giận dữ của mẹ, lời nhắc của bác:
Khi chưa công nhận ông Sáu là cha, bé Thu đã tự xác định cho mình một thái độ, một
cách ứng xử mà không chịu tác động của bất kì ai: sự giận dữ của mẹ, lời nhắc nhở của
bác Ba và cả những tình cảm, sự chăm sóc của ông Sáu đều không thể khiến bé Thu gọi
một tiếng “ba”. Khi má dọa đánh, bé Thu buộc phải gọi ông Sáu vô ăn cơm nhưng nó
lại nói trổng: “Vô ăn cơm!” hay “Cơm chín rồi!” Kể cả lúc rơi vào thế bí, tự nó không
thể nhắc được nồi cơm to để chắt nước, bé Thu cũng không có biểu hiện nào cho thấy
sự thân thiện: “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!” Bác ba nói mẫu, cháu phải gọi “Ba
chắt nước giùm con” nhưng Thu vẫn nhất quyết không gọi một tiếng ba. Bị dồn vào thế
bí, nó nhăn nhó muốn khóc nhưng tự lấy cái vá chắt nước chứ không chịu gọi ba: “Nó
loay hoay rồi nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì không
rõ”. Bác Ba cũng phải thốt lên “Con bé đáo để thật”. Những hành động và thái độ ấy đã
làm hiện lên trước mắt bạn đọc một cô bé vừa bướng bỉnh, vừa đáng yêu.
- Thu không chỉ không đón nhận mà còn phản ứng dữ dội với sự quan tâm, chăm sóc
mà ông Sáu dành cho nó:
Thu không chỉ không đón nhận mà còn phản ứng dữ dội với sự quan tâm, chăm sóc mà
ông Sáu dành cho nó. Giây phút gặp mặt, khi ông Sáu đã cúi khom người, dang rộng
vòng tay và cất tiếng gọi chỉ để mong đợi ôm nó vào lòng, bé Thu đã chạy vụt đi, kêu
thét lên gọi má. Song nếu ở giây phút gặp gỡ ấy, tiếng kêu thét và nét mặt tái đi của
Thu là phản ứng tự nhiên của đứa bé trước một người có nét mặt đáng sợ vì vết sẹo dài
thì sau đó, dù mọi người, nhất là người mẹ, đã nói với nó rằng ông Sáu là ba nó, nó vẫn
không chịu nhận. Trong bữa cơm, khi ông Sáu gắp cho nó cái trứng cá to vàng, nó đã
lấy đũa bất thần hất văng cái trứng ra khỏi chén cơm. Thái độ từ chối ấy của Thu thật
quyết liệt, thật bất ngờ. Bị ba đánh, bé Thu ngồi im, đầu cúi gằm rồi lẳng lặng gặp lại
cái trứng cá để vào chén, lẳng lặng đứng dậy khỏi mâm. Dường như khi ấy, Thu cũng
lờ mờ nhận ra mình có lỗi. Song trong con người nó sự bướng bỉnh vẫn thắng. Ra khỏi
mâm cơm nó xuống bếp, nhảy xuống xuồng, cố ý làm cho dây lòi tói khua rổn rảng,
khua thật to như để gây chú ý, khiến người khác phải quan tâm đến những việc nó làm.
Sự bướng bỉnh này của bé Thu có vẻ hơi thái quá song hoàn toàn có thể hiểu được.
Trong tâm trí của bé Thu chỉ có duy nhất một người cha đã chụp chung trong bức ảnh
với má – người cha không có vết sẹo. Đấy chính là lí do để Thu phản ứng dữ dội với
người cha có vết sẹo lạ lẫm kia.

Nhìn bề ngoài, cách cư xử của Thu không thể không khiến người khác ngạc nhiên, bực
bội. Nhưng ở sâu bên trong, đó lại là biểu hiện của tính cách kiên định, thẳng thắn, có
lập trường rõ rằng – nó rất thống nhất với tính cách cứng cỏi, ngoan cường của một cô
giao liên sau này.
b. Sâu sắc, mạnh mẽ trong tình cảm
- Khi được bà ngoại giải thích → chuyển biến rõ rệt trong cảm xúc → giằng co trong
lòng:
-Sau khi được bà ngoại giải thích rằng vết sẹo trên mặt ba nó có khi đi đánh Tây bị Tây
bắn bị thương, bé Thu bắt đầu có những chuyển biến rõ rệt trong cảm xúc và thái độ. Ở
nhà bà ngoại đêm ấy, nó trăn trở, lăn lộn, có lúc thở dài như người lớn. Sáng hôm sau,
Thu tự theo bà ngoại đi về nhà. Chứng kiến cảnh mọi người vây quanh, chuẩn bị cho ba
nó lên đường, mặt Thu sầm lại, buồn rầu, đôi mắt đầy vẻ ưu tư, nghĩ ngợi. Có lẽ lúc ấy,
trong lòng bé Thu đang diễn ra sự giằng co giữa việc nhận ba theo nhu cầu tình cảm
của chính mình với việc tiếp tục giữ khoảng cách vì đã trót cự tuyệt tình cảm của ba.
Nó vẫn cố giữ thái độ im lặng dù đôi mắt mênh mông đã bất chợt xôn xao khi bắt gặp
cái nhìn trìu mến, buồn rầu của ông Sáu.
- Khi ba sắp lên đường → bộc phát tình cảm mạnh mẽ, tiếng thét gọi ba như vỡ tung từ
đáy lòng, cố hôn và giữ ba bằng đôi tay yếu ớt của mình:
Khi ông Sáu cất tiếng chào nó để lên đường, bé Thu đã ở vào tình thế buộc phải lựa
chọn: hoặc nhận ba, hoặc không biết bao giờ mới gặp lại ba lần nữa vì ba nó đang sắp
đi xa. Trong tình thế ấy, khát vọng về tình cha con đã bật trào không thể kìm giữ, bật
trào như một tất yếu của trái tim giàu tình cảm: cùng với tiếng thét gọi ba như xé ruột,
như vỡ tung từ đáy lòng là những cử chỉ cuống quýt và lời nói khẩn thiết. Thu ôm ba,
hôn ba cũng khắp, nó ghì lấy ba bằng cả cơ thể bé bỏng và tất cả sức lực của mình. Cả
cánh tay, đôi chân và thân hình con bé đều rung động, run rẩy mạnh mẽ trong cơn chấn
động của tình cảm. Tình yêu thương ba kìm nén bấy lâu khi đã được khơi mạch đã trào
dâng lên như sóng dồn, như gió cuốn khiến toàn thân bé Thu run rẩy, đến cả làn tóc tơ
sau ót con bé cũng “dựng đứng lên”.
Khao khát duy nhất “ba ở nhà với con”.
- Dặn ba mua chiếc lược ngà - muốn có một món quà, một kỉ vật từ ba:
Khao khát lớn nhất của bé Thu là “ba ở nhà với con”. Xa ba từ khi chưa đầy 1 tuổi,
chưa từng được ba ôm vào lòng, dắt đi chơi, chưa từng nhận của ba dù chỉ một món quà
bé nhỏ, chưa có bất kì điều gì để bé Thu cảm nhận về sự hiện diện của ba trong cuộc
sống của mình. Thế nhưng, tất cả những điều đó chẳng đáng để gì với điều Thu đang
có: được ôm ba trong tay, được cất tiếng gọi ba như bao đứa bé khác. Mong muốn ba ở
nhà, ba đừng đi nữa là tất yếu của nhu cầu tình cảm trong lòng em. Nhu cầu ấy, tình
cảm ấy mạnh mẽ đến mức làm chấn động tâm can mọi người: bác Ba thấy khó thở như
có bàn tay ai nắm lấy trái tim, bà con xung quanh có người không cầm được nước mắt.
Thì ra tình yêu thương cha sâu sắc của bé Thu bấy lâu nay vẫn bị đè nén bởi sự non nớt,
ngây ngô. Khi ta hiểu ra thì lại càng thương em nhiều hơn.

2. Nhân vật ông Sáu

a. Sự khát khao đoàn viên

- Khi thoáng thấy bóng dáng con, ông Sáu không kìm nổi xúc động:
+ Vội nhảy lên bờ và bước về phía con khi xuồng chưa cập bến
+ Nét mặt và cử chỉ xúc động mạnh mẽ
Khi thoáng thấy bóng dáng con, ông Sáu không kìm nổi xúc động. Vội nhảy lên bờ và
bước về phía con khi xuồng chưa cập bến. Khi ấy, vết thẹo dài bên má phải đỏ ửng lên
giần giật, trông rất dễ sợ. Ông bước những bước dài về phía con, “vừa bước, vừa khom
người đưa tay chờ đón con, giọng lặp bặp run run”. Dường như nỗi khát khao tình phụ
tử và niềm hạnh phúc được gặp con đã làm chấn động cả tâm hồn ông Sáu, khiến ông
như bị cuốn theo những cảm xúc của mình.
- Trước biểu hiện sợ hãi, khước từ của con gái, ông Sáu vừa bất ngờ, thất vọng, đau
đớn.
Trước biểu hiện sợ hãi, khước từ của con gái, ông Sáu vừa bất ngờ, thất vọng, đau đớn.
Nỗi đau dường như rút kiệt sức lực của ông: ông đứng sững, mặt sầm lại và hai tay
buông xuống như bị gãy. Sự hụt hẫng, thất vọng của ông Sáu được miêu tả một cách
tinh tế qua những cử chỉ của ông. Tác giả không để nhân vật cất tiếng song người đọc
vẫn cảm nhận được rất cụ thể

b. Lòng yêu thương, quan tâm con


- Trong những ngày ở nhà, luôn quan tâm, quanh quẩn bên con, mong đợi được nghe
tiếng gọi “ba”:
Trong những ngày ở nhà, ông Sáu luôn quanh quẩn bên con, quan tâm chăm sóc nó để
mong xóa đi khoảng cách trong lòng đứa con bé bỏng và chỉ mong được nghe nó gọi
một tiếng “ba”. Đó là khao khát giản dị mà thiêng liêng của tấm lòng người cha. Thế
nhưng, mọi cố gắng của ông đều thất bại: bé Thu kiên quyết không chịu gọi ba kể cả
trong những tình thế khó khăn cần người giúp đỡ, không đón nhận những cử chỉ chăm
sóc yêu thương của cha mình. Khi bé Thu không chịu gọi một tiếng ba dù mẹ nó đã
nhắc nhở, thậm chí quơ đũa dọa đánh, ông Sáu đã đau khổ đến mức không khóc được,
chỉ nhìn đứa con, khe khẽ lắc đầu và cười
- Khi tình thương không được đón nhận và bị từ chối, anh Sáu đã vung tay đánh bé
Thu (nếu không quá yêu con thì anh sẽ không tức giận đến thế) → nguyên nhân
cho sự hối hận về sau
Nhưng khi bé Thu hất văng cái trứng cá to vàng mà ông gắp cho con ra khỏi chén cơm
thì ông Sáu không kiềm chế được nữa. Nỗi thất vọng vì tình yêu thương không được
đón nhận, sự bất lực của người cha không có cách nào để xóa bỏ khoảng cách trong
lòng con đã khiến ông Sáu vung tay đánh con và hét lên “Sao mày cứng đầu quá vậy,
hả?”. Xét cho cùng, nếu ông Sáu không quá yêu con thì ông sẽ không tức giận đến thế.
Nếu ông không quá khao khát tình cha con thì ông cũng không thất vọng, xót xa đến
thế khi bị đứa con từ chối tình cảm của mình
- Tình thương con của ông lại bộc lộ trong giây phút chia tay.
Vì nhiệm vụ, ông Sáu phải lên đường khi chưa kịp xóa bỏ khoảng cách với đứa con gái
bé bỏng. Tình thương con của ông lại bộc lộ trong việc ông cố kìm nén nỗi khát khao
được ôm con vào lòng nên chỉ nhìn con với ánh mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Đó là ánh
mắt của người cha đã rộng lòng khoan dung cho đứa con bướng bỉnh, người cha tha
thiết yêu con và muốn bảo vệ con, tránh cho nó những cảm xúc mà nó không muốn có.
Có thể vì điều đó mà ngay cả lời chào ông cũng chỉ thốt lên khe khẽ như sợ con bé sẽ
phản ứng. Nhưng khi bé Thu nhận cha, tiếng “ba” thốt lên như xé ruột, sự cuống quýt,
cuồng nhiệt trong những cử chỉ thể hiện tình cảm yêu thương với ba, ông Sáu đã không
thể kìm được những giọt nước mắt xúc động và hạnh phúc, xót xa và yêu thương. Thế
nhưng ngay cả lúc ấy, ông vẫn phải nén lòng mình, giấu không cho con biết mình đã rơi
nước mắt để dỗ dành con. Tình yêu thương con của ông Sáu đã làm rung động lòng
người, nó cũng khiến hình ảnh ông Sáu trở thành một dấu ấn sâu đậm trong lòng người
đọc.

c. Nỗi dằn vặt, day dứt khôn nguôi


- Lương tâm giày vò vì chỉ ở bên con những ngày ngắn ngủi nhưng không thể yêu
thương, nuông chiều con trọn vẹn:
Ông Sáu luôn mang nỗi dằn vặt, day dứt vì đã đánh con. Chắc chắn, bé Thu không hề
chú ý đến việc bị ba phát vào mông trong bữa cơm hôm ấy, nhưng với ông Sáu, nó lại
trở thành một sự giày vò thật khó giải tỏa. Điều đó cho thấy đối với ông Sáu, đứa con
vô cùng quan trọng, tình cảm với con cũng vô cùng quan trọng. Bởi thế ông mới phải
day dứt vì trong những ngày ngắn ngủi ở bên con, ông đã không thể yêu thương chiều
chuộng nó hết lòng. Đây quả thực là nỗi day dứt của một tấm lòng đầy yêu thương.
- Dồn hết tình yêu vào việc làm chiếc lược: thận trọng, tỉ mỉ, cố công - kỉ vật duy
nhất trao cho bé Thu:
Phút chia tay, bé Thu chỉ là nghe theo lời bà ngoại mà dặn ba mua cho cây lược. Thế
nhưng đối với ông Sáu, nguyện vọng của đứa con đã trở thành khát vọng, thành sự thôi
thúc trong lòng người cha bởi nó là mong ước đầu tiên, cũng là duy nhất. Khi có được
khúc ngà, ông Sáu đã vui sướng như một đứa trẻ được quà. Đó là niềm vui của người
cha yêu con khi có được cách để thể hiện tình yêu với nó.
Với ông Sáu, làm được cây lược cho con còn là cách để ông gỡ rối tâm trạng của mình,
để ông bù đắp lại việc đã lỡ đánh con trước đó. Với ông Sáu, cây lược đã trở thành hiện
thân niềm mong muốn của đứa con. Yêu con, ông Sáu đã dồn tình yêu ấy vào việc làm
cây lược: cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ, cố công như một người thợ bạc,
mỗi ngày cưa được một vài răng. Yêu con, ông Sau còn khắc tình yêu ấy vào chiếc lược
ngà. Cả cây lược và cả dòng chữ khắc trên đó đều là tâm huyết, tình cảm người cha
dành cho con gái. Nó đẹp đẽ đến mức khiến người bạn ông Sáu là bác Ba không thể
không bị cuốn hút theo: bác Ba thấy thích ngồi nhìn ông Sáu làm và thấy vui vui khi
bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Có thể nói, cây lược ngà đã kết tinh trong nó tình phụ tử
mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà sâu xa, kì diệu.
- Chỉ mong được gặp con để tặng chiếc lược nhưng bị giặc bắn → chỉ có thể yên
lòng ra đi khi trao tặng tay chiếc lược cho Bác Ba.
→ Anh Sáu có thể chết nhưng tình yêu con của anh là bất tử:
Khi cây lược được làm xong, ông Sáu càng mong được gặp con để trao tận tay cho nó
món quà quý giá. Thế nhưng số phận đã không cho ông cơ hội đó. Ông bị giặc bắn.
Trong giờ phút hấp hối, không đủ sức trăng trối điều gì, ông dốc hết tàn lực để móc cây
lược từ trong túi ra đưa cho người bạn thân và nhìn bạn bằng ánh mắt tha thiết đến mức
mãi sau này, với người bạn ấy, ánh mắt ông vẫn còn là một ám ảnh – ám ảnh về sự bất
tử của tình cha con. Ông Sáu có thể chết, nhưng tình yêu con của ông thì bất tử. Cây
lược của ông cần phải được trao lại cho đứa con gái như điều cuối cùng người cha ấy
có thể dành cho con mình.

III. TỔNG KẾT


1. Nội dung
Truyện diễn tả một cách cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp của cha con ông
Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Qua đó, tác giả khẳng định tình cảm cha con
là thứ tình cảm nhân bản bền vững, có thể tồn tại trong bất cứ hoàn cảnh nào đồng thời
cũng cho thấy những nỗi đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra cho cuộc sống con
người.
2. Nghệ thuật

- Xây dựng được một cốt truyện chặt chẽ, tạo ra những tình huống bất ngờ nhưng hợp
lý.
- Ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật, đặc biệt là tâm lí trẻ em, tinh tế và chính xác.
- Ngôn ngữ truyện: gần với khẩu ngữ và đậm màu sắc địa phương Nam Bộ.
- Ngôi kể: người kể chuyện là bác Ba, kể ngôi thứ nhất. Bác Ba là một người bạn thân
thiết của ông Sáu, là người chứng kiến câu chuyện và kể lại bằng sự đồng cảm chia sẻ
với các nhân vật, khiến cho nội dung kể vừa có tính khách quan vừa tăng độ tin cậy
thuyết phục người đọc.

You might also like