You are on page 1of 3

REVIEW SÁCH “TUỔI THƠ DỮ DỘI”

Phùng Quán là cây bút tiêu biểu của thơ văn Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống
Pháp. Suốt cuộc đời ông đã luôn trung thành với cách mạng, với lý tưởng Đảng: đi theo
Vệ quốc đoàn từ thuở thiếu thời, trở thành người chiến sĩ anh dũng, phụng sự nhân dân.
Chính những năm tháng kháng chiến gian khổ cùng với những người bạn đồng chí thời
niên thiếu đã giúp ông xây dựng được tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội” nhằm giúp người đọc
thấu được cái khó, cái gian khổ mà ông cha ta đã phải trải qua. Những tình tiết, những
nhân vật trong truyện không phải do ông tự tạo, tự đặt, mà đều là những người thật, việc
thật mà ông đã chứng kiến, đã trải qua hay nói cách khác, tác phẩm như một cuốn nhật ký
của ông.

Đọc tác phẩm mới thấy được tuổi thơ của tôi so với tuổi thơ của Lượm-sứt, của Vịnh-sưa,
của Quỳnh sơn ca, của Tư-dát, của Mừng… còn sung sướng hơn gấp trăm, gấp ngàn lần.
Những người lính thiếu niên trinh sát chỉ mới ở độ tuổi 13-14, cái độ tuổi mà đáng lẽ ra
các em phải đang được học, được vui chơi, ấy thế mà lại phải trải qua một thời kỳ “tuổi
thơ dữ dội”. Những gương mặt hồn nhiên vô tư ấy đã phải sớm chứng kiến cảnh máu me,
chết chóc. Các em không còn là những cậu bé suốt ngày rong chơi nghịch ngợm nữa, mà
là những chiến sĩ, những người lính thực thụ không ngại xông ra chiến trường. Có những
người chiến sĩ nhỏ tuổi đã phải sống mãi ở cái tuổi 13, tuổi 14, các em gửi máu, gửi thịt
của mình trên mảnh đất quê hương với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Khi vừa nghe tin ngày mai sẽ là ngày ra quân đầu tiên của đội “Thiếu niên trinh sát”, các
em đã không lo sợ mà trái lại “các em lột mũ, tung tới tấp lên trần nhà, vừa nhảy như choi
choi vừa vỗ tay hoan hô đến muốn vỡ cả ngôi lầu doanh trại” và các em hát: “Ra đi ra đi
thà chết không lui…” khiến đội trưởng không khỏi vui mừng và xúc động khi thấy những
chú lính chì của ông lại náo nức, tự tin đến thế, tin rằng dù có gian khổ hiểm nghèo đến
đâu các em cũng sẽ làm đúng với những lời các em vừa hát. Mấy ai có ngờ, cả tôi cũng
thế trước thái độ thờ ơ trước cái chết mà các em chưa một lần biết “chiến trường” là thế
nào.

Vịnh-sưa, tổ trưởng đoàn thiếu niên trinh sát, là người được tín nhiệm nhất. Từ nhỏ, em
đã phải chịu sự hành hạ, đánh đập dã man từ người cô của mình nên có lẽ vì vậy em ở
trong đội là người kỷ luật nghiêm minh, quy củ nề nếp nhất. Nhưng trong trận đánh đầu
tiên em lại là người đầu tiên hy sinh, người chiến sĩ ra đi khi chỉ mới 14 tuổi. Cái chết của
em mới thật đẹp. Em lấy thân mình buộc vào cột thép thu lôi, ngang giữa bụng gửi bức
điện: “Một kho xăng, đạn lớn ngay phía sau ngôi lầu tôi đứng. Yêu cầu bắn!”, bức điện
mà em đã phải đổi bằng cả cuộc đời mười bốn tuổi của em.
“Thân hình trần trụi, nhỏ bé mà lẫm liệt của người chiến sĩ thiếu niên đứng chon von trên
đầu bọn giặc nước cùng với cây cột thép thu lôi mỗi lúc càng thêm lộ rực rỡ trên cái nền
đỏ chói chang dữ dội ấy, tưởng như chính lửa đã tạc khắc nên…”. Khi viết những lời này,
tôi nghĩ tác giả hay những người đồng đội khác (lần đầu họ phải chứng kiến đồng đội
mình hy sinh) cảm thấy rất tự hào về cái chết mà Vịnh đã đặt cược của đời mình cho Tổ
quốc, về tư thế lẫm liệt của em lúc chết và là động lực, tạo sự căm thù để họ tiến lên phía
trước, đẩy lùi giặc ngoại xâm.
Đến chương thứ hai “Ba lần vượt ngục”, tôi không thể nào tin nổi người đã ba lần vượt
ngục không phải là một chiến sĩ đã từng nhiều lần ra chiến trường lớn, không phải một
người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm mà là một thiếu niên chỉ mới mười bốn tuổi… Lượm-
sứt!

“Ba lần vượt ngục”- cũng vì thế mà em được coi là Việt Minh hạng nặng. Bị tra tấn, đánh
đập nhưng em vẫn quyết không khai. Lúc được đưa đi vệ sinh em liền nghĩ cách tẩu thoát
lần thứ nhất sau đó em bị bắt lại trong lòng hơi uất ức. Đến lượt Sô-le tên chỉ huy mật
thám tàn bạo, thâm hiểm nhất “ra tay” hòng tìm được cách dụ dỗ được em. Hắn nói rất
ngọt, hứa với em đủ điều, vẽ ra một viễn cảnh tương lai thật đẹp mà ngay đến những
người lớn có khi còn bị khuất phục ngay nhưng tất cả đều vô hiệu với Lượm. Em đã tẩu
thoát lần hai ngay trong sở của tên “hung thần mũi lõ” này khiến bọn lính của hắn cũng
phải thầm trầm trồ khen ngợi Lượm. Cuối cùng bọn chúng phải đưa em đến lao Thừa
Phủ- nhà lao đã vào là không mong được ngày ra. Vào nhà lao Thừa Phủ, Lượm-sứt còn
phải đụng độ với băng Lép-sẹo, lũ này bị bắt vì tội ăn cắp vặt. Lượm với niềm kiêu hãnh
của một người Vệ quốc đoàn đã xả thân liều sống liều chết với Lép-sẹo, một tên móc túi
để bảo vệ Ngạnh luôn bị bọn chúng bắt nạt mặc dù thân hình và thể lực của Lượm so với
Lép-sẹo được ví như David và Goliath. Tuy vậy, Lượm với trái tim bao dung và không
còn là một đứa con nít nên em đã không để ý tới những lần Lép-sẹo cố ý gây thù với
mình mà đã cứu hắn trong lúc hắn bị bệnh nguy kịch sắp chết. Lép-sẹo cũng từ đó mà
thay đổi tính nết hẳn, không còn thói tự cao, tự đại và cuối cùng hắn giúp Lượm để cả hai
cùng vượt ngục.

Tác giả trong chương này đã khắc họa được chi tiết về sự tàn độc của bọn giặc. Chúng
coi những người tù không còn là người mà là súc vật, cả trăm người phải cùng ăn và sống
chung với phân và dòi! “Lượm cúi nhặt hai vắt cơm nằm lăn lóc cạnh cái thùng đi ỉa,
dính đầy đất và dâm dấm ướt.”, người chiến sĩ mới mười bốn tuổi đầu đã hiểu được cảnh
tù là như thế nào. Tôi càng thấy kinh tởm hơn với cái nhà “ba-ti-măng” mà bọn nó nhốt
những người tù và thầm cảm phục sự dũng cảm của Lượm khi đọc tới cảnh em cả gan
thọc tay xuống lỗ cầu tiêu moi hết những thứ mắc kẹt ra để có thể thông được. “Họ thấy
Lượm cởi trần, tấm lưng gầy giơ xương, đan dọc ngang những vết sẹo lằn roi, đang cúi
gập người trên vũng phân, dòi. Một cánh tay chống, phân ngập đến khuỷu tay, cánh tay
kia thọc sâu xuống lỗ cầu tiêu, phân lút đến nách, mặt và cằm gần chạm vào những tảng
phân lều bều” và có người đã ví cảnh tượng đó với người dũng sĩ thần thoại Hec-quyn
dọn phân rác trong chuồng ngựa ba nghìn con tích tụ trong suốt ba mươi năm. Đọc đến
đây, tôi nghĩ đến ngay cả bọn giặc cũng phải sợ em, em đã chứng minh lòng dũng cảm
của mình, không việc gì em không dám làm.

Khác hẳn với các chiến binh còn lại trong đội, Mừng là đứa em ngây thơ nhất, và chính
cái ngây thơ, quá trong sáng và hồn nhiên của em được đặt sai thời điểm. Em không biết
trong cuộc sống, và đặc biệt trong thời điểm chiến tranh, hoảng loạn những cái ác, xấu
xa, những âm mưu lọc lừa vẫn đang rình rập nên chính lòng tốt của em đã để em vĩnh
viễn sống mãi ở cái tuổi mười ba. Từ đầu tác phẩm, tôi thấy thương em nhất, em rất
nhanh nhẹn, là một cái bản đồ nói, ai nói gì cũng vâng lời, và còn rất thương mẹ, vậy mà
lại bị tất cả quay lưng với em, mọi người cho em là Việt-gian hạng nặng, một gián điệp
được đào tạo từ nhỏ chỉ vì em quá hâm mộ và bị Kim- một tên Việt-gian đích thực lừa.
Đọc đến lời em nói trước khi trút hơi thở cuối cùng như một lời dằn vặt: “Anh ơi, anh
đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!”, tôi thực sự khóc, khóc vì oán giận vì quá thương
em.

Vậy đó, có rất nhiều bài thơ, tác phẩm viết về những người lính trưởng thành, nhưng cảm
ơn Phùng Quán đã dành một thời gian khá lâu như vậy để viết về những người chiến sĩ
nhỏ tuổi, những người có công không ít trong cuộc kháng chiến. Từ mùi hôi thối rữa của
cầu tiêu, đến tiếng hát trong trẻo của Quỳnh- sơn ca trong bài hát “Sông Ô Lâu kháng
chiến” vẫn còn âm ĩ trong đầu tôi mãi mãi sau khi đã gấp cuốn sách này lại. Bác sĩ Thiền
đã đúng, chiến tranh nổ ra, bọn giặc xâm lược với mục đích chế ngự và dập tắt tinh thần
của dân tộc, nhưng nó đã không đạt được mục đích. Cuộc kháng chiến của đất nước như
quặng mỏ kim loại quý với một trữ lượng vô tận mà bấy lâu nằm sâu ẩn kín dưới các tầng
đất mà nhờ có cách mạng mới được chạm phải, làm giàu sang cho nòi giống. Biết bao
nhiêu thiếu niên đã sống và chết như những bậc anh hùng cái thế! Thật vậy, cuộc kháng
chiến không chỉ là điểm hội tụ của lòng yêu nước mà còn làm nảy sinh biết bao hình ảnh
đẹp, những hình ảnh đó sẽ không bao giờ phai nhòa dù có trải qua biết bao nhiêu thế hệ
đi nữa.

You might also like