You are on page 1of 5

KHÔNG GIA ĐÌNH

Cuộc nói chuyện của ba má nuôi về những phán quyết cho số phận của mình
vào tối hôm đó đã khiến cho cậu bé Remi “ngủ chập chờn trong nỗi ưu phiền và
sợ hãi.” Và điều gì đến rồi cũng sẽ đến, sáng hôm sau ông Barberin dẫn Remi đi
tới trại trẻ lạc. Nhưng một chút bất ngờ đã xảy ra, trên đường đi họ gặp cụ Vitalis
“một cụ già cao lớn, râu tóc bạc, mặc bộ quần áo kỳ quặc tôi chưa từng thấy bao
giờ.” , là một người diễn xiếc thú và hát rong trên đường, cụ đã ngỏ lời nhận nuôi
Remi, ông nói Remi “sẽ có cái may mắn được chu du trên đất nước Pháp và trên
mười nước khác nữa. Chú bé sẽ sống một cuộc đời tự do, chứ không phải lẽo
đẽo sau đuôi bò...” Nhưng dù có bị thuyết phục bằng lời lẽ nào đi chăng nữa thì
đối với cậu bé Remi tội nghiệp của chúng ta, việc phải rời xa người mẹ nuôi hiền
lành đáng kính không khác gì ác mộng “Chao ôi! Thưa ông, cháu van ông, xin
ông hãy để cháu ở lại với má Barberin.” Nhưng ai sẽ nghe em van xin đây, em
không có quyền quyết định trong việc này. Đáng thương biết bao khi cậu bé bị trao
đổi như một món hàng với 40phrang là cái giá quyết định.
Ngày rời đi, Remi thậm chí không được nói với má một lời nào. Đôi mắt cậu bé
đẫm lệ, cố van xin cụ Vitalis và ông Barberin chờ cho tới khi má Barberin trở về
nhưng vô vọng. Càng rời xa mảnh đất thân thuộc, Remi càng cảng thấy đau đớn,
tiếc nhớ và buồn tủi “Kìa chiếc xe cút kít, kìa cái cày làm bằng một cành cây vẹo,
kìa cái chuồng tôi nuôi thỏ khi nhà còn thỏ và kia là vườn tôi, cái vườn thân yêu
của tôi! Những bông hoa đáng thương của tôi, ai sẽ ngắm nhìn nó nở. Ai sẽ
chăm sóc những cây cúc vu của tôi? “ Và em nhìn thấy má Barberin, em “dùng
hết sức hét to lên: - Má ơi, má ơi! Nhưng tiếng tôi không bay xuống tới chỗ má,
cũng không thể át tiếng rì rầm của con suối. Nó bay mất trong khoảng không “.
Từ đây hành trình phiêu bạt của Remi bắt đầu.
Kể từ ngày bị ông bố nuôi bán cho cụ già Vitalis, cuộc đời cậu bé Remi bước sang
một trang mới, không còn được mẹ nuôi chiều chuộng, nâng niu mà đầy những vất
vả, khó khăn và chông gai. Remi cùng đoàn xiếc của cụ Vitalis đã đi khắp mọi
miền nước Anh và Pháp để biểu diễn, phục vụ “chư vị khán giả”, kiếm tiền sống
qua ngày. Các thành viên của đoàn xiếc gồm: một con chó xù trắng tên Capi, một
con chó cụp tai lông đen Zerbino, một con chó cái lông xám vẻ khôn ngoan và hiền
lành gọi là Dolce và chú khỉ Joli-Cœur vô cùng kháu khỉnh và ranh mãnh, cả đoàn
luôn cố gắng hết sức để biểu diễn những tiết mục hay nhất và đã rong ruổi gần như
khắp mọi nẻo đường, vùng đất.
Trong suốt cuộc hành trình dài cùng Remi, các bạn đọc sẽ luôn bất ngờ khi được
hồi tưởng theo những con đường dải hoa, được hòa mình cùng những sinh hoạt từ
nông thôn đến đô thị, những cánh đồng xanh đại ngàn, những con sông tuyệt đẹp
của đất nước Pháp xinh đẹp hay được khám phá một phần cuộc sống của xứ sở
sương mù nước Anh qua tài viết văn kinh điển của Hecto Malot, ông đã đặt cả
nước Pháp gọn gàng trên trang sách và mỗi câu chữ dều rung động một nỗi niềm
khao khát ôm trọn từng mảnh đất nên thơ. ”con sông chảy uyển chuyển vòng
quanh ngọn đồi, chúng tôi vừa bước chân tới. Bên kia sông, những mái nhà và
những gác chuông của một thành phố lớn rải rác khắp nơi, tít chân trời mờ
dạng...”, “Từng dãy dài bạch dương xếp thành hàng, dọc theo bờ sông, làm
thành một bức bình phong rậm rạp, màu xanh, nó chắn những tia nắng xiên
ngang của mặt trời, chỉ để lọt tới chỗ chúng tôi một thứ ánh sáng êm dịu đã
được sàng lọc qua các cành lá... mặt nước trải ra thành một lớp trong suốt để
thấy cả những viên đá cuội bóng loáng và những lá cỏ mịn màng như nhung ở
dưới đáy sông”.

Cuộc sống mưu sinh vất vả, có lúc Remi đã phải ”mang những quần áo nặng
trịch nước mưa mà đi và thấy lạnh buốt đến xương”, có khi cả đoàn phải ngủ
ngoài chuồng ngựa hay vựa thóc bởi “Chẳng ai muốn chứa cái ông già trông như
người hành khất, lại lẽo đẽo dắt theo một thằng bé con và ba con chó, người và
vật đều lấm bùn be bét.” Trong hoàn cảnh cơ hàn ấy, nhà văn Hector Malot đã
lồng ghép vào đó những tình cảm, tình yêu thương quý giá nâng đỡ cảm xúc và
tâm hồn nhân vật chính vượt qua khó khăn. Đó là tình yêu thương, hơi ấm của cụ
Vitalis , cụ Vitalis giống như là cha em và em giống như là con của cụ, vì thế dù
có khó khăn, Rêmi vẫn rất hạnh phúc, em cảm thấy như mình đang được sống
trong một gia đình. Remi đã trở thành bạn với chú chó Capi trong đêm lạnh khi
người và chó sưởi ấm cho nhau:“Thỉnh thoảng con Capi lại đứng thẳng trên hai
chân sau và sủa vào mặt tôi hai ba tiếng. Tôi hiểu ý nghĩa của tiếng sủa ấy là thế
nào. Nó muốn nói:
- “Gắng lên! Gắng lên!”
Nó bảo tôi như vậy. Đó là một con chó rất thông minh cái gì cũng hiểu và biết
cách làm cho người ta hiểu mình.”
Trên con đường rong ruổi tứ phương, khi rảnh rỗi, cụ Vitalis thường dạy cho Rémi
những bài học bổ ích, nói với em về lịch sử, những điều mà em chưa từng được
nghe qua khi ở với má, bởi “Má có biết lịch sử là cái gì! Má sinh ra ở Chavanon
thì má lại chết ở đấy thôi. Trí óc của má không hề vượt ra quá tầm con mắt của
má. Và đối với con mắt của má thì vũ trụ nằm lọt trong cái vành chân trời trông
từ trên chóp núi Audouze”, cụ dạy em biết yêu động vật, biết diễn kịch, biết xem
bản đồ, từ cách đọc, cách viết, cách hát, cách chơi đàn đến những cách đối nhân xử
thế trong xã hội, cách sống yêu lao động, có kỷ luật và thật thà. Trường học của
Remi là trường đời, là cuộc sống lo ăn, lo ngủ từng ngày và thầy giáo chính là cụ
Vitalis người đã mang đến cho cậu những bài học cuộc sống vô giá, và trên hết, đã
hình thành nên nhân cách cao đẹp nơi Remi. “con cũng nên hiểu rằng nếu bây
giờ con đang ở bậc thang dưới cùng trong xã hội, nếu con quyết chí, con có thể
dần dần đạt một bậc cao hơn. Điều đó tùy thuộc hoàn cảnh một tý, còn tùy thuộc
ở con rất nhiều.”
Cụ Vitalis là một người hát rong nhưng luôn có dáng vẻ đạo mạo và đáng kính.
Cuộc đời của cụ cũng là một tấn những bi kịch liên tiếp. Cụ vốn là người từng
đứng trên nấc cao nhất của bậc thang xã hội đương thời, là danh ca nổi tiếng nhất
trong toàn cõi Italie, thậm chí còn quen biết của với nhà vua, nhưng sau này lại
chìm xuống tận đáy xã hội, phải làm nghề xiếc thú sống qua ngày. Cụ yêu thương
Remi và cả các con vật của mình, người thầy ấy đã cải hóa tầm nhìn của một cậu
bé thôn quê (xưa nay chỉ thấy người ta đánh mắng động vật), bằng những hình ảnh
đẹp khi chỉ bảo, dạy dỗ chú chó Capi, hay kiên nhẫn với chú khỉ mất tập trung Joli-
Cœur ”Chính những kẻ dạy người ta học lại học được nhiều điều. Ta đã cho
những con chó của ta bao nhiêu bài học, thì ngược lại, ta đã nhận của chúng
bấy nhiêu bài. Ta mở mang trí khôn cho chúng, chúng tu dưỡng tính tình cho
ta”. Thậm chí ông cụ còn là một người rất tâm lí khi ngày đầu mang Remi đi, ông
đã an ủi cậu bé rất nhiều “Cháu buồn lòng lắm đấy nhỉ? – Ông cụ nói tiếp – Ông
biết lắm và không giận cháu đâu!... cháu cũng cần phải suy nghĩ lại, má cháu
không thể giữ cháu trái ý với chồng được. Còn người chồng bà thì ông ta không
đến nỗi khắc nghiệt như cháu tưởng đâu! Ông ta không có gì để mà sống. Què
quặt, không lao động được nữa, không lẽ người ta chịu chết đói để nuôi cháu...
cháu phải hiểu rằng cuộc đời thường là một trận chiến mà trong đó có phải
người ta muốn làm gì là làm được đâu”.
Những tưởng cuộc sống của Remi sẽ tiếp tục trôi qua yên bình như thế nhưng thật
không may, trong một lần đang biểu diễn ở nơi công cộng, viên cảnh sát bị con khỉ
Joli – Coeur chế giễu nên đã tức giận đánh Remi “chắc có lẽ cơn giận đã làm cho
viên cảnh sát mất lý trí. Hắn tưởng tôi kích thích con khỉ nên hắn vụt bước qua
chiếc thừng. Chỉ hai bước là hắn đến sát người tôi và tát tôi một cái lạng
người.”, cụ Vitalis đã không kìm chế được cự cãi lại. Ở phiên tòa, mặc dù không
hề đánh viên cảnh sát, nhưng cụ đã năm lần bảy lượt bị buộc cái tội mà mình
không phạm. Cụ phải vào tù hai tháng vì biểu diễn không phép và chống người thi
hành công vụ. Nhà văn đã qua sự việc trên phản ánh hiện thực xã hội Pháp lúc bấy
giờ là xã hội đồng tiền, những người có quyền, có tiền luôn đứng trên đầu mọi
người, bóp méo cả pháp luật.
Trong thời gian không có cụ Vitalis, Remi đã lần đầu tiên bơ vơ một mình và phải
lo lắng cho cả các con vật trong đoàn. Chính những thời điểm như thế này, ta mới
cảm thấy quý giá biết bao tình bạn không chỉ là giữa người với người mà còn là
người với loài vật, em cùng những con thú chia nhau những miếng bánh mì, cùng
nhau sẻ chia sự buồn khổ “Tôi nằm sấp, hai bàn tay úp vào mặt khóc tấm tức
không tài nào nín được. Bỗng tôi thấy một hơi thở âm ấm luồn qua tóc.... Đó là
con Capi, nó đã nghe thấy tôi khóc nên lại an ủi tôi... Thế là nó rên lên mấy
tiếng khe khẽ dường như nó cùng khóc với tôi”.
Khi đã sắp đói lả, Remi được bà Milligan – một phụ nữ người Anh – giúp đỡ khi
bà đang du ngoạn trên chiếc thuyền Thiên Nga cùng con trai tật nguyền của bà –
cậu bé Arthur. Remi được ở nơi tiện nghi “buồng tàu thủy mỹ lệ nhất, kỳ lạ nhất
mà trí tưởng tượng của trẻ con có thể ước mơ”. Lần đầu tiên cậu bé cảm nhận
được sự mềm mại, thơm tho của tấm vải lót giường và cũng là lần đầu tiên cậu bé
được nằm ngủ trên một chiếc giường êm ấm mà không phải lo nghĩ gì về bóng tối
đêm khuya. Nó khác hẳn với việc ngủ trên cỏ rơm hay tấm vải bằng sợi gai xù xì.
Em được ăn những bữa ăn thịnh soạn, được nô đùa cùng Arthur, được học cùng
với cậu bạn mới quen, được biểu diễn những tiết mục đàn hát mà mình học được từ
cụ Vitalis. Cuộc sống của Rémi lúc này bỗng trở nên tươi đẹp, không phải đi bộ
ròng rã, không phải chịu rét. Một cuộc sống nhàn hạ mà ai cũng muốn có. Đến
ngày cụ Vitalis mãn hạn tù, cả hai người đều muốn giữ Remi ở lại nhưng cụ Vitalis
không đồng ý, cụ yêu thương em và cụ mong rằng em đi với cụ sẽ học được nhiều
hơn là em ở lại “Tôi thương yêu thằng bé này và nó cũng thương yêu tôi. Tập
sống ở đời bên cạnh tôi gian khổ lắm, nhưng sẽ bổ ích cho nó hơn là cái vị trí tôi
tớ trá hình mà bà sẽ vô tình dành cho nó. Bà cho nó học tập, bà giáo dục nó, có
như vậy. Bà bồi dưỡng trí tuệ cho nó, cũng có như vậy. Nhưng bà không rèn
luyện tính khí cho nó được. Nó không thể là con bà được. Nó sẽ là con tôi. Sống
với tôi vẫn hơn là làm một thứ đồ chơi cho cậu con trai ốm yếu của bà, mặc dù
trông chú bé thật hiền lành và dễ yêu. Phần tôi, tôi cũng sẽ dạy nó học.”
Qua lời nói đó của cụ Vitalis, có thể thấy tình yêu thương mà cụ dành cho Rémi
lớn lao như thế nào. Cụ muốn rèn luyện những đức tính tốt cho Rémi chứ không để
cậu vào nơi xa hoa, lộng lẫy mà ỷ lại vào người khác. Rémi với tâm hồn trẻ thơ em
mong muốn ở lại, nhưng em là một chú bé ngoan em hiểu rằng cụ Vitalis là chủ
của em, em cần phải theo cụ. Dù lúc đầu có buồn bã em cũng không than phiền,
Remi hiểu rằng cụ muốn điều tốt cho em. Thế là Rémi lại quay về con đường phiêu
bạt của mình. Cả đoàn xiếc khi này tiếp tục biểu diễn, tiếp tục theo gót chân cụ
Vitalis. Hành trình của Rémi khó khăn hơn khi phải lo ăn từng bữa, trời giá rét
trong đêm tuyết không có nơi trú chân. Một lần vì em ngủ quên nên 2 con Zerbino,
Dolce bị sói ăn thịt, nhưng cụ không trách mắng em mà chỉ lo lắng cho cuộc sống
của những người còn lại. Vào một ngày rét mướt, con Joli- Coeur vì căn bệnh viêm
phổi hoành hành mà cũng không qua khỏi, những nỗi đau, nỗi mất mát ngày càng
nhiều, rồi cũng đến ngày cụ Vitalis bất lực. Cụ dự định đưa em đến chỗ lão bầu trẻ
con Garroli, nhưng chứng kiến sự tàn nhẫn khi gã đánh đập những đứa con nít, cụ
không đành lòng. Cụ kéo em ra đi nhưng hai người không tiền, không thức ăn,
không nơi trú ngụ, trong đêm giá lạnh, sức lực của cụ bị hao mòn dần bởi không
gian và thời gian khắc nghiệt. Để rồi cụ chết. Chết đói, chết rét ngoài đường, trong
khi chỉ cần với tay ra gõ cửa thôi, người ta sẵn lòng cứu cụ khỏi cái chết. Cụ
Vitalis không tin rằng người dân Pari sẽ chào đón hai kẻ khố rách áo ôm đến ở nhờ
qua đêm. Cụ đã chết vì không tin vào lòng tốt của con người. “Ở nông thôn, ban
đêm ta có thể xin ngủ nhờ được, chứ quanh vùng Paris thì đừng hòng người ta
mở cửa cho chúng ta.” “Để cháu gõ của một nhà nào đấy thử xem ông nhé! -
Không nên. Người ta không mở cửa đâu!”. Thông qua đó, Hector Malo cũng đã
phần nào phản ảnh hiện thực xã hội đương thời ích kỉ, tàn nhẫn, thiếu tình thương,
đẩy con người ta đến bước đường cùng.
Đến đây,chúng ta lại nghĩ về bản thân những năm 8, 9 tuổi, bằng Rêmi, chúng ta
vẫn còn được cha mẹ chăm nom từng bữa ăn, giấc ngủ, không phải lao động hay
chịu bất cứ cực khổ gì. Nhưng trái ngược với chúng ta, tuổi thơ của cậu bé lại là
những tháng ngày rong ruổi trên khắp các nẻo đường nước Pháp để mua vui cho
thiên hạ. Thật là một cậu bé hiểu chuyện và nỗ lực biết bao nhiêu! Dù cực khổ
nhưng may mắn thay, bên cạnh Remi có cụ Vitalis và những con vật cũng chính là
những người bạn. Nhưng giờ đây cụ Vitalis cũng đã bỏ em mà đi, bên cạnh em chỉ
còn lại con Capi, từ đây Remi sẽ phải tự lực cánh sinh, bước tiếp cuộc đời sóng gió
bằng chính đôi chân mình và những hành trang mà em học được từ cụ Vitalis, tiếp
tục chuyến phiêu lưu tìm về với gia đình mình.

You might also like