You are on page 1of 5

PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

Raxun Gamzatop từng nói:"Cái tâm nhờ cái tài mà cháy lên, cái tài nhờ cái
tâm mà tỏa sáng." Câu nói này làm ta có những liên tưởng rất tự nhiên về vở kịch
"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm này chính là sự kết
hợp hài hòa giữa cái "tâm" của một nghệ sĩ chân chính, cái "tài" của một nhà soạn
kịch xuất sắc. Chính sự kết hợp ấy đã làm nên ánh sáng của tác phẩm. Ta nhận
thấy rằng nguồn ánh sáng diệu kỳ ấy tập trung nhất ở cảnh VII và màn kết của vở
kịch. Thông qua nhân vật hồn Trương Ba trong đoạn trích, nhà văn cũng bộc lộ
nhiều thông điệp có ý nghĩa.
Lưu Quang Vũ là một gương mặt tiêu biểu trong nền văn học, nghệ thuật
Việt Nam hiện đại những năm 80, thế kỷ 20. Khát vọng được tham dự trực tiếp vào
dòng chảy Cuộc Đời, ca ngợi cái thiện, lên án cái ác, hoàn thiện cuộc đời và con
người, tất cả những điều đó làm nên cảm hứng sáng tạo trong người nghệ sĩ ấy.
"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (1981) là tác phẩm xuất sắc của Lưu Quang Vũ. Từ
cái kết của tích truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã mở đầu tác phẩm của mình
bằng những vấn đề mới. Đó là mâu thuẫn giữa hồn và xác, giữa cái bên ngoài và
điều bên trong. Trong cảnh VII và màn kết của vở kịch, khi xung đột được đẩy lên
đỉnh điểm, nút thắt được siết chặt đến cao độ và cũng là lúc người đọc thấu hiểu
nhất bi kịch mang tên: "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". (Phần giới thiệu TP và
tóm tắt có thể thay thế bằng đoạn cuối phần tiểu dẫn trang 143)
Truyện dân gian gây kịch tính sau khi Hồn Trương Ba nhập vào xác anh
hàng thịt dẫn tới "vụ tranh chấp" chồng của hai bà vợ phải đưa ra xử, bà Trương
Ba thắng kiện được đưa chồng về. Lưu Quang Vũ khai thác tình huống kịch bắt
đầu ở chỗ kết thúc của tích truyện dân gian. Khi Hồn Trương Ba được sống "hợp
pháp" trong xác anh hàng thịt, mọi sự càng trở nên rắc rối, éo le để rồi cuối cùng
đau khổ, tuyệt vọng khiến Hồn Trương Ba không chịu nổi phải cầu xin Đế Thích
cho mình được chết hẳn.
Trương Ba vốn là một người làm vườn, hiền lành lương thiện, có đời sống
thanh cao nhã nhặn, lại có tài chơi cờ, nên được người thân, con cháu, và cả những
người trong làng rất mực quý trọng. Nhưng khi bắt chết oan, để được tiếp tục tồn
tại, Trương Ba chấp nhận sống chung trong thân xác anh hàng thịt. Nghịch lý này
đã tạo ra hoàn cảnh bi kịch. Rõ ràng, đây chính là cái giá mà Trương Ba phải trả
cho sự tồn tại của mình. Và như thế, hàng loạt câu hỏi được đề ra. Liệu rằng, khi
hoàn cảnh sống thay đổi, con người có thể giữ được phẩm chất tốt đẹp của mình?
Nếu cố gắng sống bằng việc đánh đổi tất cả, con người có hạnh phúc hay không?
Và cuối cùng, con người sẽ ra sao nếu không còn là chính mình? Và như vậy, tên
của bi kịch đã được hé mở. Đó là bi kịch đánh mất chính mình.
"Xác hàng thịt" chính là sự cụ thể hóa cho bi kịch này. Hắn là đại diện cho
sự dung tục. Dẫu có "âm u đui mù" nhưng có sức sai khiến ghê gớm. Và đáng sợ
nhất, Hắn đưa ra lý lẽ ti tiện về "trò chơi tâm hồn" để thuyết phục kẻ khác. Xác
khuyên Trương Ba đổ lỗi cho thể xác để thỏa mãn thân xác và thanh thản tâm hồn.
Một tâm hồn cao khiết như Trương Ba phải sống trong thân xác của một kẻ phàm
phu tục tử làm ta nhớ tới câu nói của Nguyễn Tuân: "Ông trời nhiều khi chơi ác,
đem đầy ải những điều tốt đẹp vào giữa một lũ cặn bã, và những người có tấm lòng
tốt lại phải ăn đời ở kiếp với lũ người quay quắt". Chính điều này đã tạo ra bi kịch
đau đớn vì tâm hồn Trương Ba không thể nào sống hòa hợp được với thể xác thô
lỗ, phũ phàng của anh hàng thịt và ông còn gây ra cho người thân của mình bao
nhiêu đau khổ.
Sống trong hoàn cảnh đó, Trương Ba ngày một tha hoá. Trương Ba
không còn là Trương Ba có linh hồn cao khiết, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn,
hiền hậu, vui vẻ, tốt lành, hết lòng thương yêu vợ con, biết quan tâm đến những
người xung quanh … như trước kia. Mà thay vào đó là một Trương Ba bị cái xấu
tiêm nhiễm đã trở nên tha hóa, bạo lực, vô tâm, mất đi tiếng nói trong gia đình.
Trương Ba bị cái âm u, đui mù, cái tầm thường, dung tục của xác anh hàng thịt sai
khiến, lấn át, dụ dỗ, mua chuộc để rồi rơi vào tình cảnh “tuy hai mà một”. Nguyên
nhân là do sống chung với cái xấu, cái dung tục tầm thường thì sớm muộn gì tâm
hồn cũng bị vấy bẩn. Trương Ba phụ thuộc quá nhiều và thể xác, vào yếu tố vật
chất bên ngoài. Từ đây, thông điệp của Lưu Quang Vũ muốn gửi tới chúng ta là
khi phụ thuộc quá nhiều vào vật chất bên ngoài, ta sẽ có thể đánh mất mình. Đồng
thời, tác giả của muốn phê phán những kẻ ham muốn vật chất tầm thường mà trở
nên phàm phu, tục tử như lời nhắc nhở của Chế Lan Viên "để nuôi xác thân đem
làm thịt Tâm Hồn". Khi con người phải sống trong dung tục thì sớm hay muộn
những phẩm chất tốt đẹp cũng sẽ bị cái dung tục ngự trị, lấn át và tàn phá. Vì thế,
phải đấu tranh để loại bỏ sự dung tục, giả tạo để cuộc sống trở nên tươi sáng hơn,
đẹp đẽ và nhân văn hơn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch
ảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới
những giá trị tinh thần cao quý.

Bi kịch thứ hai nghiêm trọng hơn cả bi kịch tha hóa ấy chính là bi kịch
Trương Ba bị người thân chối bỏ. Còn gì đau đớn hơn, khi người ta sống lại với
một mong muốn là được nối tiếp những hạnh phúc còn dở dang với gia đình, thì ở
đây dường như sự sống lại kỳ dị của Trương Ba đã không chỉ đem lại đau khổ cho
chính bản thân ông mà còn là sự dằn vặt đối với chính những người thân xung
quanh ông. Và sự tha hoá khiếnTrương Ba trở nên đổi khác. Ông vụng về, thay đổi
cách sống, cách dạy con... Để cuối cùng người vợ của Trương Ba- một người phụ
nữ thấu hiểu và xót thương cho chồng, cảm thấy bất lực. Bà không thể thay đổi
việc chồng mình ngày càng hòa nhập vào thân xác anh hàng thịt. Người vợ vốn
yêu thương và thấu hiểu ông nhất, thế nhưng nay vì chán chường với cảnh chồng
thay đổi, với việc gia đình trở nên tan đàn xẻ nghé khi đứa con trai muốn bán cả
khu vườn đi để hành nghề bán thịt. Vợ Trương Ba chính vì những lẽ ấy đã quyết
định dứt áo ra đi để lòng được thanh thản, để không còn phải thấy cảnh trái ngang
ấy nữa. Còn người con dâu, một người sâu sắc cũng nhận ra Trương Ba "đổi khác
dần", “lệch lạc dần, nhòa mờ dần”. Người con dâu, dù không có mối quan hệ huyết
thống với Trương Ba, nhưng có lẽ cô là người có cái nhìn thấu đáo nhất trong bi
kịch này của gia đình. Cô đã nói ra những lời trong lòng rằng Trương Ba đã đổi
khác đi nhiều lắm, mọi thứ cứ như lệch lạc, nhoài dần đi, khiến cô không còn có
thể nhận ra người cha chồng hiền từ, nhân hậu và tốt lành trước kia nữa. Và cuối
cùng là cô cháu gái, nó vốn thương yêu và kính trọng Trương Ba hết mực, giờ lại
một mực chối bỏ không chịu nhận Trương Ba là ông nội. Nó đã đau đớn hét lên
rằng “Tôi không phải cháu ông”, rồi lạnh lùng chỉ ra rằng cái thân xác thô lỗ, vụng
về của ông đã làm gãy tiệt cái chồi non mới nhú, bàn chân to như cái xẻng kia đã
xéo nát hết cả mấy cây sâm quý mới mọc, rồi đôi tay giết heo đã làm hỏng luôn cả
cái diều mà cu Tị hằng yêu quý nhất,… Tất cả những điều ấy khiến một đứa trẻ
như cái Gái không thể nào chấp nhận được, nó không thể chấp nhận được có một
kẻ tự nhận là ông nội mình vào phá tan hết tất cả những gì mà ông nội nó đã từng
trân trọng như báu vật. Mà chung quy lại sự phản kháng, chối bỏ ấy của đứa trẻ
cũng chỉ xuất phát từ tấm lòng yêu thương ông tha thiết, nên nó không thể chấp
nhận một ai khác thay thế vị trí ấy. Trẻ con không dễ gì chấp nhận những thỏa hiệp
kỳ quặc của người lớn. Cho nên nó nói rằng Trương Ba chính là "lão đồ tể". Đây là
lời nói thẳng thắn và đau đớn nhất đối với Trương Ba. Đến đây Trương Ba cuối
cùng cũng đã bình tâm lại và nhận thức được một điều rằng sự tồn tại của bản thân
trong xác anh hàng thịt bắt đầu đã là một sai lầm và ông muốn kết thúc hết tất cả
những bi kịch này.
Từ sự ý thức cay đắng hoàn cảnh cũng như hậu quả bi kịch, Trương Ba dũng
cảm bước và cuộc chiến để tìm lại chính mình. Ông chìm đắm trong cuộc độc thoại
nội tâm. Để rồi Trương Ba nhận ra sự thắng thế đầy cay đắng của xác hàng thịt:"
Mày đã thắng rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ". Nhưng sau đó, Trương Ba
vẫn kháng cự một cách bướng bỉnh và đưa ra kết luận kiên cường: "ta không cần
cái cuộc sống do mày mang lại".
Cuộc độc thoại nội tâm đã dẫn dắt Trương Ba tới cuộc đối thoại với Đế
Thích. Trong phần kết của vở kịch ta lại thấy một Trương Ba mạnh mẽ và cố gắng
bảo vệ lấy cái tâm hồn cao khiết thánh thiện của mình, cũng như để giải thoát cho
tất cả mọi người khỏi cái bi kịch khởi nguồn từ ông. Câu nói “Không thể bên trong
một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”, chính là sự
thức tỉnh, ý thức sâu sắc của Trương Ba về việc con người ta không thể trong ngoài
bất nhất, mọi thứ khác xa nhau khi mà cố chắp vá lại chỉ trở thành những sự gán
ghép nực cười và vô lý, trở thành những nỗi đau, những bi kịch mà không ai có thể
tưởng tượng được.
Một chi tiết đắt giá khác của của vở kịch thể hiện được vẻ đẹp phẩm giá của
hồn Trương Ba ấy là việc Đế Thích gợi ý cho hồn Trương Ba nhập vào xác của cu
Tị, để sống một cuộc đời mới. Quả thực rằng việc được sống tiếp, được tận hưởng
hạnh phúc nhân gian hay là việc chết hẳn đối với Trương Ba cũng là một lựa chọn
vô cùng khó khăn. Tuy nhiên Trương Ba đã nhất quyết từ chối, đồng thời cầu xin
cho cu Tị được sống lại, còn mình thì chết hẳn, bởi lẽ bản thân ông thừa hiểu rằng
mình không thể lại tái diễn bi kịch thêm một lần nào nữa, không thể dẫm vào vết
xe đổ như với cái xác của anh hàng thịt nữa. Chính vì vậy thà chết hẳn để bảo toàn
được tâm hồn thanh khiết, cao đẹp của mình, đồng thời giành lấy một cơ hội sống
cho cu Tị mới là lựa chọn tốt nhất. Hành động ấy đã thể hiện được vẻ đẹp đạo đức,
cao thượng, và khao khát được hoàn thiện nhân cách của con người từ bao đời nay.
Tuy rằng Trương Ba rời đi, thế nhưng ông vẫn sống mãi trong tâm trí những người
ở lại, với những ấn tượng đẹp đẽ, tâm hồn thanh sạch, bao dung của ông sẽ được
con cháu hằng ghi nhớ, kính trọng.
Đế Thích muốn giúp Trương Ba vì một phần do quý mến Trương Ba, nhưng
hơn thế, Đế Thích muốn Trương Ba sống chỉ để khẳng định sự tồn tại của chính
mình. Nhận ra điều đó, Trương Ba mới buồn bã nói: "ông chỉ nghĩ đơn giản để tôi
được sống, còn sống như thế nào thì ông chẳng biết". Trú nhờ vào thân xác của
người khác chỉ dừng lại ở khái niệm tồn tại, đó không phải là cuộc sống. Đế Thích
là đại diện cho trí tuệ, quyền lực, nhưng cũng đại diện cho sự ích kỷ cá nhân. Và
như vậy thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm lại được hé lộ. Những người
có quyền lực ngoài việc tránh sai lầm cũng cần tránh xa sự vị kỷ, ham muốn hẹp
hòi của cá nhân. Ngoài ra, tác giả cũng muốn khẳng định rằng lòng tốt được đặt
không đúng lúc, đúng chỗ sẽ chẳng giúp được ai. Trái lại, nó còn để người khác
vào bi kịch cay đắng giống như câu nói của Thomas Fuller: "lòng tốt không đúng
chỗ sẽ chẳng được cảm ơn".
Một tâm hồn cao khiết như Trương Ba Không thể chấp nhận việc "một kẻ lẽ
ra phải chết từ lâu lại cứ mặc nhiên sống, trẻ khỏe, hưởng mọi thứ lộc trời". Qua
đây, tác giả muốn phê phán những kẻ ham sống, ham lợi lộc, chức vị mà tỏ ra trơ
trẽn, đáng khinh. Sự dũng cảm đối mặt với cái chết của Trương Ba đã làm cho Bi
kịch này trở nên lạc quan. Trương Ba chấp nhận chết còn hơn sống cuộc sống
trong thân xác kẻ khác mà phải đau khổ, dày vò và gây nhiều hệ lụy cho những
người thân yêu. Điều này cho thấy cái giá cho sự tồn tại còn đắt hơn cả cái chết.
Và như thế, thông điệp cuối cùng được hé mở: "phải định giá mọi điều ta định
đánh đổi". Đừng vì món lợi trước mắt mà khước từ những điều lớn lao với bản
thân. Ralph Quado Emason đã từng nói:" sống là chính mình giữa cuộc sống luôn
cố biến ta thành kẻ khác chính là thành tựu lớn nhất". Vì đã chạm tay vào thành
tựu ấy mà Trương Ba lại thấy mình trở lại như xưa: Trong sáng, thanh thản.
Người đọc người xem có thể nhận ra những ý nghĩa triết lí sâu sắc và thấm
thía qua hai lời thoại này. Thứ nhất, con người là một thể thống nhất hồn và xác
phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục tội
lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng
chỉ đổ tội cho thân xác không thể tự an ủi vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của
tâm hồn. Thứ hai, sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng đơn giản.
Khi sống nhờ sống gửi sống chắp vá khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật
vô nghĩa. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã
ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu đầy tính chất bi hài của mình thấm thía nỗi đau khổ
về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác đồng thời càng chứng tỏ quyết
tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước lúc Đế Thích xuất hiện. Qua màn đối
thoại có thể thấy tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp vừa
mạnh mẽ quyết liệt vừa kín đáo và sâu sắc về thời chúng ta đang sống. Tuy vậy chỉ
cần nhấn mạnh ở đây vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động trong cuộc đấu
tranh chống lại sự dung tục giả tạo để bảo vệ quyền được sống toàn vẹn hợp với lẽ
tự nhiên cùng sự hoàn thiện nhân cách. Chất thơ của kịch Lưu Quang Vũ cũng
được bộc lộ ở đây.
Đoạn trích nói riêng và vở kịch nói chung đã thành công trong việc
xây dựng mâu thuẫn, xung đột kịch gay gắt; Lưu Quang Vũ đã Sáng tạo lại
cốt truyện dân gian, dựng cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm, tạo hành
động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần phát triển tình
huống truyện ; Xây dựng nhiều ẩn dụ ; tính cách nhân vật sắc nét.
Đoạn trích ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của con người trong cuộc đấu tranh
chống lại sự dung tục, giả tạo, bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, tự nhiên.
Đồng thời cũng cho thấy tài năng, phong cách nghệ thuật của tác giả bộc lộ rõ
nét. Đó chính là khả năng quan sát, lựa chọn những mâu thuẫn, xung đột
trong đời sống để nâng lên tầm khái quát, có ý nghĩa sâu sắc.

Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt chấp nhận cái chết để linh hồn được
trong sạch và hoá thân vào các sự vật thân thương tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những
người thân yêu của mình. Cuộc sống lại tuần hoàn theo quy luật của muôn đời.
Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc
quan đồng thời truyền đi thông điệp về sự chiến thăng của cái Thiện cái Đẹp và của
sự sống đích thực.

You might also like