You are on page 1of 36

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

VIỆN NGÂN HÀNG - TÀI CHÍNH


-------🖎🕮✍-------

QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG

Đề tài:
QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG

Nhóm sinh viên:


Nguyễn Thị Phương Chung 11190915
Ngô Phương Thảo 11218928
Mai Ngọc Uyên 11195675
Trần Ngọc Hà 11191589
Đỗ Trâm Huyền 11192435
Nguyễn Đồng Tuấn Nam 11193570

HÀ NỘI – T9/2022
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TÀI SẢN CÔNG THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG
1.1. Khái niệm
Theo khoản 2 Điều 4, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định:
“Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình
kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng
biển gắn với các công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung
cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm
công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ
tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế,
hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của
pháp luật (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng).”
Ví dụ:
● Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội)
● Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang)
● Đường cao tốc Bắc – Nam
● Cảng Hải Phòng
1.2. Đặc điểm
Tài sản công thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích cho toàn xã hội, do đó ngoài các
đặc điểm chung của tài sản công, tài sản công thuộc kết cấu hạ tầng còn có những đặc
điểm riêng sau đây:
- Thứ nhất, tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng tài sản
lại không được hưởng lợi trực tiếp từ tài sản mang lại, người được hưởng trực tiếp là
người được hưởng sự phục vụ từ tài sản.
- Thứ hai, tài sản công thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công
cộng tham gia phục vụ tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý
nhà nước, khoa học, giáo dục đào tạo.... là tài sản phục vụ chung cho toàn xã hội (khác
hẳn với tài sản công thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản công tại vào doanh
nghiệp và các tài sản công ở lĩnh vực khác)
- Thứ ba, tài sản công thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công
cộng tham gia nhiều lần vào quá trình sản xuất kinh doanh, hoạt động quốc phòng, an
ninh, quản lý nhà nước.... từng bộ phận giá trị tài sản bị hao mòn nhưng không bù đắp
được bằng tính khấu hao, vì giá trị hao mòn của tài sản chỉ góp phần tạo sự thuận lợi cho
các hoạt động kinh tế, xã hội...; không được tính trong giá trị của một sản phẩm hàng hoá,
dịch vụ cụ thể (trừ trường hợp tài sản công đó giao cho doanh nghiệp, hoặc do doanh
nghiệp bỏ vốn đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật ví dụ như: hạ tầng lưới
điện quốc gia, hạ tầng đường sắt,..)
1.3. Phạm vi tài sản
● Hệ thống các công trình giao thông vận tải
● Hệ thống công trình thủy lợi
● Hệ thống các công trình bưu chính viễn thông
● Hệ thống các công trình lưới điện quốc gia, công trình chiếu sáng, cấp thoát nước
● Các công trình văn hóa, thể dục, thể thao
● Các công trình kết cấu hạ tầng khác
1.4. Phân loại tài sản
Để thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng tài sản thuộc các công trình kết cấu hạ
tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng có hiệu quả, người ta thực hiện phân loại
tài sản như sau:
a) Dựa theo đặc điểm phục vụ xã hội của công trình, người ta chia các công trình
kết cấu hạ tầng làm 2 loại:
(1) Các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: hệ thống các công trình giao
thông, hệ thống các công trình thuỷ lợi, hệ thống các công trình bưu chính viễn
thông, hệ thống các công trình lưới điện, công trình chiếu sáng, cấp thoát nước, các
công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác.
(2) Các công trình kết cấu hạ tầng xã hội, bao gồm: hệ thống các công trình văn hoá,
di tích lịch sử, hệ thống các công trình thể dục, thể thao; hệ thống các công trình
kết cấu hạ tầng xã hội khác.
b) Dựa theo đặc điểm kỹ thuật, tính chất khai thác, sử dụng của công trình, người
ta chia các công trình kết cấu hạ tầng theo các chuyên ngành sau:
(1) Hệ thống các công trình giao thông vận tải, gồm: hệ thống các công trình giao
thông đường bộ, bao gồm: hệ thống cầu đường bộ, bên xe, nhà ga,... sau đó người
ta lại phân loại tiếp: hệ thống quốc lộ, hệ thống tỉnh lộ, hệ thống giao thông nông
thôn, hệ thống hạ tầng đô thị (giao thông); hệ thống các công trình giao thông
đường sắt, bao gồm: đường sắt, cầu hầm đường sắt, nhà ga, các công trình khác; hệ
thống các công trình giao thông hàng không, đường không, bao gồm: cảng hàng
không kể cả nhà ra sân bay, các công trình khác; hệ thống các công trình giao
thông đường biển, bao gồm: hệ thống các công trình giao thông trên biển, hệ thống
cảng biển: cảng biển do trung ương quản lý, cảng biển do địa phương quản lý, hệ
thống công trình khác; hệ thống các công trình giao thông đường thuỷ (sông), bao
gồm cả cảng sông và các công trình khác.
(2) Hệ thống các công trình thuỷ lợi, các công trình bưu chính viễn thông như đã phân
loại ở mục 1.3
(3) Hệ thống các công trình lưới điện quốc gia, chiếu sáng, cấp thoát nước, bao gồm:
hệ thống các công trình lưới điện quốc gia (hệ thống các công trình lưới điện đến
các tổ chức, hộ gia đình cá nhân dùng điện, chiếu sáng, cấp thoát nước ở đô thị) hệ
thống các công trình lưới điện chiếu sáng cấp thoát nước ở nông thôn; hệ thống các
công trình lưới điện chiếu sáng, cấp thoát nước tại các khu công nghiệp, khu kinh
tế, khu công nghệ cao và các khu vực khác.
(4) Hệ thống các công trình văn hoá, thể dục thể thao, bao gồm: hệ thống các công
trình văn hoá, di tích lịch sử do trung ương quản lý; hệ thống các công trình văn
hoá, di tích lịch sử do địa phương quản lý, hệ thống các công trình thể dục thể thao
do trung ương quản lý, hệ thống các công trình thể dục thể thao do địa phương
quản lý,...
(5) Hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng khác gồm: hệ thống công trình xử lý chất
thải rắn, chất thải lỏng công trình bảo vệ môi trường, hạ tầng du lịch...
1.5. Vị trí, vai trò của tài sản công thuộc kết cấu hạ tầng
Tài sản công thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng có
vị trí đặc biệt quan trọng của một quốc gia, là tài sản quốc gia, cơ sở vật chất kỹ thuật,
biểu hiện sức mạnh kinh tế, quốc phòng an ninh của đất nước, được tích lũy qua nhiều thế
hệ của một dân tộc, nhiều công trình là di sản báu vật của quốc gia. Tài sản kết cấu hạ
tầng là điều kiện cơ sở vật chất không thể thiếu của mỗi quốc gia để đảm bảo cho sự phát
triển của đất nước.
Với vị trí đặc biệt trên đây, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia lợi ích
công cộng giữ vai trò trọng yếu trên các mặt cơ bản sau đây:
1.5.1. Đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội
Tài sản công thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là
điều kiện cần thiết không thể thiếu của mỗi quốc gia, là cơ sở vật chất của quá trình phát
triển kinh tế - xã hội. Vì trước hết xét về mặt tư liệu sản xuất thì tài sản kết cấu hạ tầng là
một loại tư liệu sản xuất phục vụ chung sản xuất kinh doanh của tất cả các ngành kinh tế
quốc dân, thiếu nó hoặc chỉ cần các điều kiện phục vụ của nó thấp đi so với nhu cầu của
nền kinh tế thì sản xuất chậm phát triển mà các điều kiện về giao lưu hàng hoá thông tin
thị trường, cung cấp dịch vụ cũng bị “nghẽn mạch”. Điều kiện kết cấu hạ tầng tốt sẽ góp
phần cho sản xuất, lưu thông, dịch vụ thông tin thị trường,... được thuận lợi mà còn giảm
chi phí cho sản xuất, lưu thông. Tuy phần lớn các tài sản kết cấu hạ tầng không trực tiếp
tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, nhưng nó lại tham gia giải quyết những vấn
đề vĩ mô của nền kinh tế như phân bố lực lượng sản xuất, phân bố lao động và dân cư,
phân bố các nguồn lực của nền kinh tế, tạo môi trường vĩ mô cho tăng trưởng kinh tế. Đặc
biệt các công trình kết cấu hạ tầng thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh là cơ sở vật chất
cần thiết để bảo vệ quốc phòng an ninh của đất nước, điều kiện không thể thiếu của sự
phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. Một số công trình kết cấu hạ tầng còn là
phương tiện chuyển tải nguồn lực, phục vụ cho sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế
như hệ thống công trình lưới điện quốc gia, hệ thống dẫn dầu, dẫn khí, hệ thống công
trình thuỷ nóng... có thể nói các hệ thống công trình hạ tầng này đã tham gia trực tiếp vào
quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng trực tiếp phục vụ các
hoạt động xã hội góp phần phát triển các hoạt động xã hội như các công trình văn hoá, các
công trình thể dục thể thao,... Các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện... tuy
không trực tiếp phục vụ các hoạt động xã hội nhưng cũng không thể thiếu đối với các hoạt
động xã hội, góp phần giao lưu văn hoá xã hội, mở mang dân trí,... đặc biệt là mở mang
dân trí ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi cao, biên giới, hải
đảo,...
Tóm lại, các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
vừa có vai trò thực hiện phân bổ lực lượng sản xuất, phân bố lao động, phân bố dân cư,
góp phần phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế phát triển kinh tế - xã hội, vừa trực tiếp
tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vừa gián tiếp là điều kiện cần thiết
không thể thiếu được đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước.
1.5.2. Đối với quốc phòng, an ninh
Tài sản kết cấu hạ tầng là cơ sở vật chất, là điều kiện để bảo đảm quốc phòng, giữ
gìn an ninh, trật tự của đất nước, cụ thể như sau:
Tài sản kết cấu hạ tầng là những công trình quốc phòng, an ninh có vị trí then chốt
trong việc tạo ra hành lang bảo vệ quốc phòng an ninh của đất nước. Những công trình
kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, trên thực tế cũng là những
công trình phòng thủ đất nước, góp phần giữ gìn nền độc lập tự do của đất nước, giữ vững
an ninh, trật tự xã hội. Thực tế cho thấy những nước có tiềm lực quân sự mạnh đều có khả
năng ngăn chặn xâm lược từ bên ngoài, những nước mà lực lượng vũ trang yếu, cơ sở kết
cấu hạ tầng kém, nhất là các công trình phòng thủ đất nước thiếu và không đảm bảo độ
bền vững trong tình huống xảy ra chiến tranh lại thiếu vũ khí, khí tài hiện đại sẽ dễ bị các
nước đế quốc nhòm ngó, gây chiến tranh.
Tài sản công thuộc các công trình kết cấu hạ tầng, là cơ sở vật chất, điều kiện đảm
bảo cho các hoạt động nghiên cứu khoa học quốc phòng, huấn luyện, rèn luyện, giáo dục
và đào tạo lực lượng vũ trang... là cơ sở hoạt động văn hoá nghệ thuật, truyền thanh,
truyền hình, cơ sở hoạt động thể dục thể thao của lực lượng vũ trang, góp phần nâng cao
đời sống vật chất và tinh thần của lực lượng vũ trang nâng cao sức mạnh chiến đấu và bảo
vệ tổ quốc của lực lượng vũ trang.
1.5.3. Đối với đời sống con người
Tài sản công nói chung có vị trí, vai trò rất lớn và ý nghĩa nhiều mặt đối với đời
sống con người, tài sản thuộc các công trình kết cấu hạ tầng là điều kiện cơ sở vật chất
tăng thêm phúc lợi xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống con người cả về vật chất lẫn tinh
thần, cụ thể như sau:
- Tạo điều kiện cho mọi hoạt động đời sống của con người được diễn ra bình thường
và thuận lợi. Tài sản thuộc công trình kết cấu hạ tầng là điều kiện, cơ sở đảm bảo cho mọi
hoạt động về ăn, ở, đi lại, hội họp, học tập, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi,... của con người.
Những hoạt động này của đời sống xã hội không thể thiếu cơ sở vật chất là các công trình
kết cấu hạ tầng. Các công trình kết cấu hạ tầng được xây dựng tốt và đáp ứng được nhu
cầu của đời sống con người là điều kiện để cải thiện và nâng cao chất lượng các hoạt
động, nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Giao thông thuận lợi sẽ giảm thời gian
và chi phí cho việc đi lại, tạo điều kiện để con người tăng cường giao lưu học hỏi lẫn
nhau. Kết cấu hạ tầng lưới điện đảm bảo sẽ góp phần cung cấp điện cho sản xuất kinh
doanh và sinh hoạt của con người được ổn định và ngược lại. Hệ thống cấp thoát nước tốt
sẽ góp phần đảm bảo tránh được nóng, tránh được thiếu nước, tránh được ngập úng,...
- Góp phần nâng cao thể lực và trí tuệ của con người vì phần lớn những hoạt động
nhằm nâng cao thể lực và trí tuệ con người đều được diễn ra tại các cơ sở thể dục thể thao,
cơ sở hoạt động khoa học, cơ sở hoạt động văn hoá,... Những công trình kết cấu hạ tầng
xã hội còn là cầu nối góp phần gắn kết cộng đồng gắn kết chặt chẽ các dân tộc anh em
trong một quốc gia.
- Các công trình kết cấu hạ tầng xã hội thuộc các công trình văn hoá, di tích lịch sử
chẳng những là niềm tự hào của mỗi công dân về đất nước, về truyền thống của cả một
dân tộc mà còn là động lực tinh thần lớn lao có ý nghĩa đặc biệt khuyến khích họ vươn lên
trong lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu để góp phần của mình vào công cuộc phát
triển đất nước.

II. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG THUỘC KẾT
CẤU HẠ TẦNG

2.1. Quản lý về mặt hiện vật


Duy tu, bảo dưỡng tài sản: là thực hiện những công việc đảm bảo cho tài sản luôn
giữ được hình thái, kỹ thuật, tác dụng, khả năng phục vụ theo đúng thiết kế ban đầu khi
đưa tài sản vào sử dụng.
Duy tu, bảo dưỡng tài sản được thực hiện bằng hai hình thức cơ bản:
● Thường xuyên: là việc làm thường xuyên của người khai thác, sử dụng tài sản. Ví
dụ: công nhân thường xuyên kiểm tra đường, làm sạch đường..
● Định kỳ: mỗi một tài sản kết cấu hạ tầng đều có chu kỳ duy tu, bảo dưỡng toàn bộ
tài sản theo tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhất định.
Khai thác và sử dụng tài sản: là quá trình sử dụng công trình kết cấu hạ tầng dựa
trên tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng, mục đích phục vụ,...
Ví dụ: khi đưa một hệ thống kênh mương vào hoạt động thì những chỉ tiêu nó phải đảm
bảo là lượng nước tưới, tiêu và diện tích tưới, tiêu, ...
● Hình thức: Đặt hàng khai thác, đấu thầu, chỉ định thầu khai thác, ...
● Cơ quan quản lý tại Việt Nam: Các bộ, cục, tổng cục, các tập đoàn, công ty
● Nội dung quản lý khai thác sử dụng là quá trình duy tu bảo dưỡng tài sản
2.2. Quản lý tài chính đối với tài sản công thuộc kết cấu hạ tầng
2.2.1. Phạm vi quản lý tài chính
Quá trình khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng cũng đồng thời phải thực hiện
việc duy tu, bảo dưỡng tài sản; chi phí đảm bảo cho việc duy tu, bảo dưỡng tài sản thuộc
công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng tùy thuộc vào đặc
điểm khai thác, sử dụng của mỗi loại công trình; do đó phải thực hiện chế độ quản lý cho
phù hợp. Mặt chính của vấn đề khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng là sự phục vụ
phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đảm bảo hoạt động của đời sống
xã hội; do đó để bù đắp cho chi phí đầu tư xây dựng công trình, chi phí vận hành. Nhà
nước thực hiện một khoản thu vào tổ chức cá nhân hưởng lợi từ sự phục vụ của công trình
kết cấu hạ tầng như: phí giao thông, thủy lợi phí,... Tuy nhiên, cũng có trường hợp Nhà
nước không tổ chức việc thu phí mà thực hiện đấu thầu khai thác, khoán khai thác hoặc
cho thuê quyền khai thác,...Trong trường hợp này, người trúng thầu, được nhận khoán sẽ
tổ chức thu phí. Như vậy, trong suốt quá trình khai thác, sử dụng tài sản thuộc công trình
kết cấu hạ tầng, nhà nước phải thực hiện quản lý tài chính quá trình khai thác, sử dụng tài
sản đồng thời với quản lý là quá trình duy tu, bảo dưỡng tài sản, quá trình đó thuộc phạm
vi quản lý tài chính đối với tài sản công thuộc kết cấu hạ tầng
2.2.2. Nội dung quản lý tài chính công trình kết cấu hạ tầng
i. Hệ thống đường bộ
Căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về duy tu bảo dưỡng đường bộ
do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, trên cơ sở đó xác định mức chi cho công
tác duy tu bảo dưỡng. Hàng năm, cơ quan nhà nước chuyên ngành chịu trách nhiệm quản
lý đường bộ lập dự toán trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đã đưa vào dự
toán ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trên cơ sở
dự toán được duyệt, cơ quan nhà nước chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý đường bộ
tổ chức đấu thầu duy tu, bảo dưỡng hoặc quyết định chọn hoặc giao trách nhiệm cho tổ
chức thực hiện duy tu bảo dưỡng (việc cấp phát và quản lý kinh phí được thực hiện theo
quy định của pháp luật về NSNN)
Áp dụng đấu thầu khai thác công trình giao thông đường bộ là hình thức bán quyền
khai thác hoặc cho thuê quyền khai thác gắn với trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng đường bộ
trong một thời gian nhất định. Người trúng thầu khai thác phải thực hiện thu phí theo quy
định của Nhà nước, thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình theo quy định của NN.
ii. Hệ thống đê điều và công trình thủy lợi
Hàng năm, Nhà nước phải sử dụng tiền từ ngân sách và động viên nhân dân đóng
góp để đầu tư gia cố, tôn tạo, bồi đắp bảo dưỡng đê điều. Quản lý tài chính trong quá trình
này có thể chia thành 2 loại chủ yếu sau:
● Đối với nhiệm vụ thường xuyên: Quá trình này được thực hiện bởi 1 tổ chức hoạt
động như 1 doanh nghiệp công ích hoặc 1 đơn vị sự nghiệp. Nhà nước cấp kinh phí
cho họ để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, Nhà nước còn áp dụng hình thức đấu thầu,
người trúng thầu cũng phải thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Nhà nước
● Đối với nhiệm vụ không thường xuyên hoặc nhiệm vụ gia cố, bồi đắp, nâng cấp có
khối lượng công việc lớn: chi phí nhiều thì thực hiện theo quy định về quản lý đầu
tư xây dựng cơ bản, trong đó những phần việc có thể huy động sự đóng góp của
nhân dân thì Nhà nước đứng ra huy động nhân dân đóng góp
Ở Việt Nam, hệ thống công trình thủy lợi bao gồm: các công trình đầu mối, các
trạm bơm, hệ thống kênh mương,... Việc khai thác hệ thống các công trình thủy lợi và thu
thủy lợi phí, do tổ chức được giao khai thác đảm nhiệm. Quá trình khai thác công trình
thủy lơi cũng tương tự như khai thác công trình đường bộ: khai thác, sử dụng đồng thời
gắn với duy tu, bảo dưỡng.
iii. Hệ thống cảng (hàng không, cảng biển, cảng sông), nhà ga
Cũng bao gồm 2 nội dung: quản lý tài chính quá trình khai thác, sử dụng và quản
lý tài chính quá trình duy tu, bảo dưỡng công trình.
Để trang trải các chi phí vận hành công trình và các chi phí khác, Nhà nước thực
hiện thu các khoản phí. Ngoài các khoản phí, Nhà nước còn cho các tổ chức trực tiếp
quản lý công trình được thu một số khoản lệ phí đối với các hoạt động phục vụ trực tiếp
cho các đối tượng được hưởng sự phục vụ.
iv. Hệ thống công trình văn hóa, di tích lịch sử
Các tổ chức được giao trực tiếp quản lý các công trình này được ngân sách nhà
nước cấp kinh phí hoạt động như một số đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp công
ích của Nhà nước. Số phí (nếu có thu) mà họ thu được cũng dùng vào chi tiêu cho việc
quản lý công trình. Kinh phí mà Nhà nước cấp cho tổ chức bao gồm cả kinh phí duy tu,
bảo dưỡng thường xuyên; phần kinh phí này được lập dự toán theo nhu cầu hàng năm.
v. Hệ thống đường sắt, hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống hạ tầng bưu chính
viễn thông quốc gia
Quá trình khai thác, sử dụng các công trình này đều liên quan chặt chẽ đến hoạt
động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường sắt, sản xuất và cung
cấp điện, lĩnh vực bưu chính viễn thông. Trong quá trình khai thác, mọi chi phí đảm bảo
vận hành, chi phí về duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, các chi phí khác cho công trình đều
được tính vào chi phí của doanh nghiệp, tính vào giá trị của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
vi. Hệ thống các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung
Theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 4/5//2013 của Bộ Tài chính
quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập
trung thì trước hết những công trình đó phải là tài sản công, Nhà nước đại diện chủ sở
hữu. Công trình đó do đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, ủy ban nhân dân cấp xã
được cơ quan nhà nước có thẩm quyển giao quản lý toàn bộ hoặc một số công việc của
quá trình quản lý vận hành công trình. Pháp luật quy định cho thuê quyền khai thác công
trình hoặc chuyển nhượng công trình. Việc cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng
đều được thực hiện theo phương pháp đấu giá.
vii. Hệ thống các công trình cấp nước sạch đô thị, sản xuất và kinh doanh nhà
không phải là sản xuất nông nghiệp
Nhà nước giao cho các doanh nghiệp công ích, công ty TNHH một thành viên thực
hiện quản lý, khai thác công trình để cấp nước cho các đối tượng được phục vụ. Nhà nước
quy định giá bán nước, doanh nghiệp phải hạch toán đủ chi phí trong quá trình khai thác,
vận hành công trình, thu tiền nước đã cấp cho các tổ chức, cá nhân để bù đắp chi phí khai
thác, vận hành, bao gồm cả chi phí bảo hành, sửa chữa thường xuyên. Chi phí cải tạo,
nâng cấp, sửa chữa lớn hàng năm được ngân sách nhà nước cấp theo dự toán ngân sách đã
được phê duyệt.
Tài sản kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông vận tải nói riêng là
nền tảng vật chất có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi
quốc gia. Việc có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, thông suốt sẽ tạo tiền đề và là động
lực cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững.

PHẦN III. THỰC TRẠNG VIỆC QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG THUỘC KẾT CẤU
HẠ TẦNG TẠI VIỆT NAM
3.1. Hệ thống hạ tầng giao thông
3.1.1. Tổng quan về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông:
       Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và tập trung nhiều nguồn lực để
đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước với quy mô như sau:
- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có chiều dài khoảng 570.448 km (gồm 3 hệ
thống chính: 21.109 km quốc lộ do Trung ương quản lý; 583 km đường cao tốc đã đưa
vào khai thác, chưa kể các tuyến đường cao tốc đang xây dựng sẽ đưa vào khai thác trong
thời gian tới; 548.756 km hệ thống đường địa phương) và trên 28 ngàn cây cầu lớn nhỏ
các loại. Hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên nước ta hiện đang đảm
nhận khoảng 90% về vận tải hành khách và 70% về vận tải hàng hóa trong toàn bộ hệ
thống giao thông vận tải của cả nước.
- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có chiều dài khoảng 41.900 km;
trong đó, khoảng 26.600 km (chiếm 63,33%) đã được đưa vào quản lý, khai thác (bao
gồm đường thủy nội địa quốc gia và đường thủy nội địa địa phương), 3.200 km đường
thủy ven biển và hàng trăm cửa sông vịnh kín. Trên các tuyến đường thủy nội địa có 255
cảng thủy nội địa, 8.506 bến thủy nội địa, chủ yếu do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng,
khai thác, dựa vào điều kiện tự nhiên là chính và nhiều công trình phụ trợ.
- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt có chiều dài hơn 3.000 km, 287 ga, 1818
cầu lớn nhỏ, 39 hầm, 5.735 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt và các công trình
phụ trợ lớn. Mặc dù là phương thức vận tải có nhiều lợi thế, tuy nhiên trong thời gian qua,
hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt không được đầu tư phát triển mở rộng, mà còn bị thu
hẹp do tháo gỡ một số tuyến. Vì thế, năng lực vận tải hiện nay đạt rất thấp (chỉ đạt khoảng
4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa).
- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải có 44 cảng biển; 251 bến cảng với
87.549,6m dài cầu cảng; 41 tuyến luồng hàng hải vào cảng quốc gia công cộng và 10
tuyến luồng, luồng vào cảng chuyên dùng, 94 đèn biển và các công trình, thiết bị phụ trợ.
Trong tổng số 44 cảng biển, Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa 12 cảng biển và 29 cảng
biển do tư nhân đầu tư, chỉ còn 03 cảng biển (An Thới, Cái Mép - Thị Vải và Cái Lân) do
Nhà nước đầu tư, quản lý và khai thác.
- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng không gồm có 22 cảng hàng không, sân bay
(gồm 03 cảng hàng không quốc tế và 19 cảng hàng không nội địa). Các cảng hàng không,
sân bay được chia theo 03 khu vực: Bắc - Trung - Nam, mỗi khu vực có 01 cảng hàng
không quốc tế đóng vai trò trung tâm và các cảng hàng không nội địa vây quanh tạo thành
một Cụm cảng hàng không.
 
3.1.2. Thực trạng quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông
          Ở Việt Nam, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản bao gồm: đường bộ, hàng
không, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa. Đây là những tài sản công có giá trị rất
lớn; thực hiện chức năng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Thế nhưng Luật
Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 (là văn bản luật cao nhất lần đầu tiên được
ban hành ở Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước) lại không có các quy định cụ
thể để điều chỉnh đối với nhóm tài sản này. Nhằm khắc phục, Luật Quản lý, sử dụng tài
sản công năm 2017 đã bổ sung chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng (trong đó
có hạ tầng giao thông), cụ thể:
Giai đoạn trước ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành
Giai đoạn này chưa có văn bản quy phạm pháp luật chung để quy định những nguyên tắc
thống nhất trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông dưới góc
độ một loại hình TSC (chỉ có lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại Nghị định số
10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ) nên cơ chế về quản lý, sử dụng các loại
tài sản kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế cụ thể:
- Việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông mới chỉ thông qua các văn bản
pháp luật chuyên ngành (luật và các văn bản dưới luật) do đó, mới chỉ quy định được một
số nội dung liên quan đến tài sản như: Khái niệm, phân loại, cơ quan quản lý, các yếu tố
vận hành về kỹ thuật mà chưa quy định cụ thể về: (i) Đối tượng được giao quản lý, đối
tượng sử dụng của tài sản; (ii) Hạch toán, kế toán; (iii) Các hình thức khai thác, xử lý tài
sản.
- Chưa có khung pháp lý đồng bộ, hoàn chỉnh để triển khai áp dụng các phương thức khai
thác tiên tiến có hiệu quả đối với loại tài sản này như cho thuê quyền khai thác tài sản,
chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản… Thực tế này, phần nào ảnh hưởng
tới việc xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này.
- Quy định hiện hành về việc bảo trì tài sản hiện nay vẫn thực hiện theo hình thức đặt
hàng, giao kế hoạch theo khối lượng, chưa bắt kịp với các phương thức tiên tiến như: Bảo
trì theo chất lượng đầu ra; đấu thầu bảo trì công khai minh bạch, đánh giá theo chất lượng
và tiết kiệm kinh phí.
Giai đoạn từ ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành
Những nội dung nguyên tắc và đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết
cấu hạ tầng (trong đó có hạ tầng giao thông) đã được quy định cụ thể trong Luật Quản lý,
sử dụng TSC. Đây là một bước tiến mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần tăng
cường quản lý chặt chẽ có hiệu quả hệ thống TSC là kết cấu hạ tầng giao thông, tạo nền
tảng phần thực hiện các đột phá chiến lược đã được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XI.
Cụ thể, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và 04 Nghị định quy định việc quản
lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải, hàng không, đường
thủy nội địa, đường sắt quốc gia (Nghị định số số 43/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018; Nghị
định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018; Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018;
Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018) đã tạo nên những cơ sở quan trọng sau:
- Tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước chủ động thực hiện quyền quản lý; có sự phân công,
phân cấp rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan; tách bạch chức năng quản lý
của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đổi mới phương thức bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng theo hướng ngoài phương thức
truyền thống là bảo trì theo khối lượng đã có thêm phương thức bảo trì theo tiêu chí chất
lượng thực hiện; đồng thời, quy định việc đấu thầu bảo trì tài sản, được đảm bảo công
khai, minh bạch và tăng hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước.
- Đổi mới phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng thu hút sự
tham gia của các thành phần, nhằm tăng cường hiệu quả khai thác như: Cho thuê quyền
khai thác tài sản; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản và khai thác quỹ đất
để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông; qua đó, khuyến khích đầu tư vào
lĩnh vực hạ tầng giao thông, tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển.
- Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông theo vòng đời tài sản (từ khi hình
thành đưa vào sử dụng, khai thác đến khi xử lý: thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản),
đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
Một số kết quả đạt được:
Đến nay, nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đạt được kết quả như
sau:
- Nguồn thu phí sử dụng đường bộ của Quỹ bảo trì đường bộ tăng dần qua các năm, cụ
thể: năm 2014 là 4.924 tỷ đồng; năm 2015 là 5.703 tỷ đồng; năm 2016 là 6.388 tỷ đồng;
năm 2017 là 7.174 tỷ đồng; năm 2018 là 8.003 tỷ đồng. Theo lộ trình, với nguồn thu phí
kết hợp với các phương thức bảo trì hiệu quả sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước
trong bố trí nguồn vốn phục vụ bảo trì.
- Thu phí sử dụng, tiền thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có xu hướng giảm dần qua
các năm, cụ thể: năm 2014 là 408 tỷ đồng; năm 2015 là 385 tỷ đồng; năm 2016 là 304 tỷ
đồng; năm 2017 là 309 tỷ đồng. Nguồn thu này chỉ bù đắp được khoảng 30% nhu cầu cần
thiết cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, còn lại ngân sách nhà nước
hàng năm phải cấp bổ sung.
- Thu phí nhượng quyền khai thác cảng vụ hàng không được đẩy mạnh và tăng dần qua
các năm, cụ thể: năm 2014: 185 tỷ đồng, năm 2015 là 224 tỷ đồng, năm 2016 là 278 tỷ
đồng; năm 2017 là 367 tỷ đồng; năm 2018 là 424 tỷ đồng. Thu phí bay qua vùng trời năm
2016 là 1.638 tỷ đồng; năm 2017 là 1.782 tỷ đồng; năm 2018 là 2.010 tỷ đồng. Thu giá
dịch vụ hạ cất cánh năm 2017 là 1.991 tỷ đồng, năm 2018 là 2.434 tỷ đồng.
- Thu phí cảng vụ đường thủy nội địa (phí trọng tải tàu sông, tàu biển; lệ phí ra vào tàu
sông, tàu biển) cơ bản ổn định, năm 2014 là 50 tỷ đồng, năm 2015 là 48 tỷ đồng, năm
2016 là 57 tỷ đồng, năm 2017 là 60 tỷ đồng, năm 2018 là 85 tỷ đồng.
- Thu phí đảm bảo hàng hải, phí hoa tiêu hàng hải và phí cảng vụ hàng hải cũng ghi nhận
sự chuyển biến như: năm 2014 là 1.953 tỷ đồng, năm 2015 là 2.324 tỷ đồng, năm 2016 là
2.915 tỷ đồng; năm 2017 là 2.348 tỷ đồng, năm 2018 là 2.574 tỷ đồng.

Giải pháp tăng cường công tác quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông
Kết quả đạt được về công tác quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông nêu trên
đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong xây dựng chính sách, chế độ và sự nỗ lực đầu
tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn
hẹp.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc lựa chọn mô hình quản lý, sử dụng như thế nào để
phát huy hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo phù hợp với điều
kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và điều kiện cụ thể của hệ thống kết cấu hạ tầng
giao thông là hết sức quan trọng. Đối với Việt Nam, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách
đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, việc tăng cường công tác quản lý, khai
thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đang là vấn đề quan trọng đặt ra khi xây dựng,
hoàn thiện cơ chế, chính sách và trong quá trình tổ chức thực hiện; khẳng định vai trò
quản lý của Nhà nước trên cả phương diện quản lý vĩ mô và nhà đầu tư đối với hạ tầng
giao thông.
Về quy hoạch tổng thể
Kết cấu hạ tầng giao thông không tồn tại độc lập mà nó tồn tại vì sự phát triển kinh tế - xã
hội, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài
sản phải gắn với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, lãnh thổ, đặc biệt quy hoạch tổng
thể tài sản kết cấu hạ tầng giao thông phải là một trong các giải pháp quan trọng.
Quy hoạch tổng thể để phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông cần phải theo hướng:
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, xây dựng các
quy hoạch phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ tài sản
kết cấu hạ tầng giao thông.
Về cơ chế, chính sách
Để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, cùng với
các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 và hướng dẫn tại 04 Nghị định của
Chính phủ thì trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và UBND cấp tỉnh phải tích cực rà
soát, phân loại tài sản để giao cho đối tượng quản lý phù hợp với quy định; đồng thời, Bộ
Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban
hành theo thẩm quyền đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện để
tăng cường công tác quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể:
- Trước mắt, Chính phủ xem xét ban hành ngay Nghị định thay thế Nghị định số
10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai
thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đảm bảo đồng bộ chính sách khi triển
khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC. Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải khẩn
trương ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định như: (i) Thông tư quy định chế độ kế
toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông; (ii) Quy định chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết
cấu hạ tầng giao thông.
- Trong thời gian tới, cần có sự tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thực hiện chính
sách đã ban hành để có hướng đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời; việc hoàn thiện cơ chế
đảm bảo tính thống nhất, tính phù hợp với đặc thù từng nhóm tài sản để việc quản lý được
chặt chẽ và có hiệu quả, phù hợp với mô hình quản lý theo xu hướng xã hội hóa là hết sức
cần thiết.
Về tổ chức bộ máy
Trong xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, việc đề ra giải pháp sắp xếp, tổ
chức bộ máy quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông lên một tầm cao mới, phù hợp với
xu thế phát triển hội nhập và phù hợp với thực tế của ngành hiện nay là một trong những
vấn đề đáng quan tâm, cấp bách hàng đầu. Bộ Giao thông Vận tải, UBND cấp tỉnh với vai
trò là cơ quan quản lý nhà nước về giao thông cần căn cứ quy định của chính sách và thực
tế của Ngành để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông
phù hợp, tinh gọn và hiệu quả.
Về tổ chức thực hiện và công tác thanh tra, kiểm tra
- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chính sách quản lý, sử dụng và
khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả
khai thác, sử dụng tài sản.
- Tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan,
tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, khai thác tài sản
kết cấu hạ tầng giao thông; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo hoạt
động giao thông an toàn và hiệu quả.    
 
3.1.3. Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trong
thời gian tới:
       Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) đã xác định Phát triển kết cấu hạ
tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh
xây dựng nông thôn mới là 1 trong 10 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh
tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng
cần:
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng
đồng bộ với một số công trình hiện đại.
- Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao
thông, năng lượng và hạ tầng số để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn cho phát triển,
tăng cường kết nối với khu vực và thế giới.
- Tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không,
đặc biệt là cảng hàng không trọng điểm. Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng
5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc -
Nam phía Đông. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng Cảng hàng
không quốc tế Nội Bài.
- Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển.
- Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn
đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
- Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng
không, cảng biển.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí
Minh, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng
giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và các vùng khó khăn
khác.

3.2. Hệ thống thủy lợi


3.2.1. Thực trạng hiện nay
Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa
nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác
phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi. Theo số liệu thống kê đánh giá chưa đầy đủ, các công
trình thủy lợi đang được khai thác gồm: 5.656 hồ chứa; 8.512 đập dâng: 5.194 trạm bơm
điện, cống tưới tiêu các loại; 10.698 các công trình khác và trên 23.000 bờ bao ngăn lũ
đầu vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với hàng vạn km kênh mương và công
trình trên kênh.
Phát triển thuỷ lợi đã nhằm mục tiêu bảo vệ, khai thác và sử dụng tổng hợp nguồn
nước nhằm bảo vệ dân sinh, sản xuất và đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển tất cả các
ngành kinh tế xã hội. Sự nghiệp phát triển thuỷ lợi đã đạt được những thành tựu to lớn,
góp phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển của mọi ngành kinh tế - xã hội trong thời
gian qua và nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước, đặc biệt là phát triển sản xuất
lương thực.
Về tưới tiêu, cấp thoát nước: Cả nước có 75 hệ thống thủy lợi lớn, 800 hồ đập loại lớn và
vừa, hơn 3.500 hố có dung tích trên 1 triệu m3 nước và đập cao trên 10 m, hơn 5.000
cống tưới tiêu lớn, trên 10.000 trạm bơm lớn và vừa với tổng công suất bơm 24,8 triệu
m3/h, hàng vạn công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Các hệ thống có tổng năng lực tưới trực
tiếp cho 3,45 triệu ha, tạo nguồn cấp nước cho 1,13 triệu ha.
3.2.2. Những tồn tại, hạn chế
a) Hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi còn yếu kém
Mặc dù được đầu tư lớn nhưng công tác quản lý thủy lợi còn bộc lộ nhiều hạn chế, như:
- Hiệu quả quản lý thấp:
+ Công trình xuống cấp nhanh, sử dụng nước lãng phí.
+ Hệ thống tài chính yếu kém, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ ngân sách nhà nước, phương
thức cấp phát và nghiệm thu không dựa vào chất lượng dịch vụ tưới, tiêu.
+ Tổ chức thủy nông cơ sở thiếu bền vững; thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa nạo vét kênh
mương, dẫn đến công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh.
+ Quản lý an toàn hồ đập chưa được coi trọng đúng mức, nhiều hồ đập bị xuống cấp có
nguy cơ mất an toàn, tổ chức quản lý hồ đập (đặc biệt là hồ đập nhỏ)
- Cơ sở hạ tầng chậm được củng cố:
+ Hạ tầng thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình
tiên tiến hoặc khó chuyển đổi khi thay đổi cơ cấu cây trồng.
- Chất lượng nước ở nhiều hệ thống không đảm bảo, ảnh hưởng đến năng suất và chất
lượng sản phầm nông nghiệp, nhất là ở vùng ĐBSH và ĐBSCL.
b) Hệ thống thủy nông chưa đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp đa dạng và hiện
đại
- Hệ thống thủy nông chưa đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa, hiện đại hóa trong sản xuất
nông nghiệp:
Các hệ thống kênh mương nội đồng hiện nay chủ yếu là kênh đất, làm nhiệm vụ
tưới tiêu kết hợp, không có cống điều tiết, hệ thống bờ lô, bờ thửa thiếu, không đáp ứng
được nhu cầu giữ và ngăn nước. Trong khi đó, ở nhiều nơi việc chuyển đổi cây trồng diễn
ra mạnh mẽ, cây rau màu được đưa xuống ruộng lúa thay cây lúa. Tuy nhiên hệ thống
thuỷ nông của nước ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng hoá cây trồng, thâm
canh tăng vụ.
- Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước chưa được triển khai trên diện rộng
Hệ thống công trình thủy lợi được thiết kế chủ yếu tập trung cung cấp nước cho cây lúa,
phần lớn các cây trồng cạn chưa có tưới hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu, lãng phí
nước.
- Đầu tư hạ tầng thủy lợi cho phục vụ nuôi trồng thủy sản rất thấp, hệ thống thủy lợi chưa
đáp ứng yêu cầu nuôi trồng thủy sản. Chưa có quy hoạch khai thác nguồn nước (mặt,
ngầm), thống thủy lợi chưa đảm bảo cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, chưa quan tâm
đến giải pháp xử lý nước thải từ khui nuôi trồng thủy sản.
- Quản lý an toàn hồ đập còn nhiều bất cập: còn nhiều công trình hồ đập, nhất là các hồ
đập nhỏ có nguy cơ mất an toàn, chưa hình thành các tổ chức cộng đồng quản lý an toàn
hồ đập nhỏ.
1.3. Nguyên nhân
a) Nguyên nhân khách quan:
- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động bất lợi cho hệ thống thủy lợi
Công tác thủy lợi hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến thời tiết, khí hậu.
Việc quản lý khai thác công trình thủy lợi có thể chịu tác động lớn bởi hạn hán, lũ lụt,
xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra.
- Tác động bất lợi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội gây ra (suy giảm chất lượng
rừng, phát triển hồ chứa thượng nguồn, khai thác cát và lún ở vùng hạ du; phát triển cơ sở
hạ tầng đô thị, công nghiệp, giao thông cản trở thoát lũ...) tác động bất lợi cho hệ thống
công trình thủy lợi, đặc biệt hệ thống lấy nước dọc các sông lớn trên toàn quốc, hệ thống
thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long.
- Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đòi hỏi yêu cầu cao hơn về thủy lợi; yêu cầu tiêu,
thoát nước của nhiều khu vực tăng lên nhiều so với trước đây, nhu cầu nước cho sinh
hoạt, công nghiệp từ hệ thống công trình thủy lợi tăng, mức đảm bảo an toàn tăng. Các
công trình thủy lợi còn thiếu dẫn đến việc điều tiết giữa mùa mưa và mùa khô còn hạn chế
nên chưa đáp ứng được nhu cầu dùng nước của các hộ dùng nước.
- Tổ chức sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả sản xuất thấp khiến nông dân
chưa quan tâm nhiều đến thủy lợi.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi còn nhiều bất cập
+ Thiếu đầu tư tập trung và đồng bộ phục vụ đa mục tiêu, còn tình trạng rải đều nên công
trình thủy lợi chưa được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh đến mặt ruộng, các thiết bị phục
vụ cho quản lý khai thác bị thiếu thốn nghiêm trọng.
+ Các ngành sử dụng nước không theo quy hoạch đã làm nẩy sinh mâu thuẫn xung đột
giữa các đối tượng sử dụng nước.
- Quản lý thủy nông cơ sở chưa phát huy được vai trò chủ thể và quyết định của người
dân, sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương
+ Quản lý khai thác công trình thủy lợi chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế bao cấp, với
hình thức giao kế hoạch, theo cơ chế cấp phát - thanh toán không gắn với số lượng, chất
lượng sản phẩm nên việc hạch toán kinh tế chỉ mang tính hình thức, gây nên sự trì trệ, yếu
kém trong quản lý khai thác công trình thủy lợi.
+ Việc thành lập và hoạt động của tổ chức thủy nông cơ sở còn mang nặng tính áp đặt,
thiếu sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Đây là nguyên nhân quan trọng, cơ
bản nhất khiến nhiều tổ chức thiếu bền vững.
+ Mô hình tổ chức và cơ chế quản lý bất cập hiện nay đã hạn chế sự tham gia của các
thành phần kinh tế và người hưởng lợi trong quản lý khai thác công trình thủy lợi. Các tổ
chức thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là người dân chưa được tạo điều kiện, cơ
chế để tham gia.
- Khoa học công nghệ chưa bám sát yêu cầu sản xuất, thiếu động lực áp dụng khoa học
công nghệ vào sản xuất, nguồn nhân lực còn hạn chế
Khoa học công nghệ mặc dù được quan tâm đầu tư rất nhiều bằng nguồn lực trong
nước và quốc tế nhưng việc áp dụng và hiệu quả hạn chế:
+ Khoa học công nghệ chưa bám sát hoặc dự báo đúng nhu cầu thực tế, chậm áp dụng
công nghệ tiên tiến trong dự báo hạn, úng, xâm nhập mặn, hỗ trợ ra quyết định trong
phòng chống thiên tai; nguồn lực phân tán, dàn trải, năng lực công nghệ không được nâng
cao, không được đơn vị sản xuất chấp nhận.
+ Hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc ứng dụng, học tập kinh nghiệm quốc tế về quản lý
khai thác công trình thủy lợi còn thấp.
+ Việc nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo động lực, đổi mới công tác quản lý khai thác,
chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi chưa
được quan tâm đúng mức, nhất là kỹ thuật sử dụng nước tiết kiệm.
+ Công nghệ tiên tiến tưới tiết kiệm nước mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội so với
truyền thống, nhưng việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vẫn còn rất hạn chế.
Nguyên nhân là do cách tiếp cận chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch gắn với tưới tiết
kiệm nước, sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế; Cơ chế chính sách hỗ trợ cho
nông dân, doanh nghiệp thúc đẩy ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước chưa hoàn
thiện chưa tạo động lực; Công tác thông tin tuyên truyền về giải pháp tưới tiết kiệm nước,
công tác chuyển giao công nghệ còn thiếu và yếu.
- Nhận thức về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi còn hạn chế
+ Nhận thức của một số lãnh đạo quản lý và người dân chưa đúng, chưa đủ về các chính
sách hiện hành trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt là chính
sách miễn, giảm thủy lợi phí.
+ Tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước vẫn còn nặng nề, đặt nặng vấn đề đầu tư xây dựng công
trình, xem nhẹ quản lý, chưa khơi dậy và huy động được sức mạnh toàn dân, toàn xã hội
tham gia vào xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
+ Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng chưa được coi trọng.
II. Giải pháp xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng thủy lợi đáp ứng phát triển nền nông
nghiệp đa dạng và hiện đại
a) Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng
- Củng cố, phát triển thủy lợi nội đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới:
+ Nâng cấp cơ sở hạ tầng thuỷ lợi nội đồng, đáp ứng các phương thức canh tác tiên tiến
để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đáp ứng linh hoạt yêu
cầu của thị trường, nâng cao thu nhập của nông dân.
+ Với diện tích đất trồng lúa: Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, gắn với xây dựng
đường giao thông nội đồng, dồn điền, đổi thửa, san phẳng đồng ruộng để có thể áp dụng
các phương thức canh tác tiên tiến; tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, thúc đẩy cơ giới
hóa, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm
nước, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập của người dân.
+ Với diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc canh tác kết hợp: Cần nâng
cấp cơ sở hạ tầng thuỷ lợi nội đồng, để có thể áp dụng các phương thức canh tác tiên
tiến thích hợp.
- Củng cố, phát triển thủy lợi nội đồng theo hướng hiện đại hóa:
Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu cho sản
xuất nông nghiệp, kết cấu của công trình mặt ruộng phải tạo điều kiện chủ động tưới tiêu
và thuận lợi trong canh tác theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở áp dụng
KHCN cao, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
+ Thực hiện các giải pháp xử lý nước thải, ô nhiễm nguồn nước đảm bảo chất lượng nước
tưới cho nông nghiệp
b) Phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng thâm canh nuôi trồng thủy sản.
- Khu vực ven biển Trung bộ, Bắc bộ và các huyện đảo: Tiếp tục xây dựng các hồ chứa
theo quy hoạch, kết nối các hồ chứa để tạo nguồn nước, xây dựng các hệ thống dẫn nước
để cung cấp nước cho nông nghiệp và thủy sản; Tổ chức lại sản xuất, nuôi trồng thủy sản
tiết kiệm nước và xử lý nước sau nuôi; đảm bảo nguồn nước (mặn và ngọt) sạch, chủ
động để nuôi thủy sản theo quy trình công nghệ tiên tiến, năng suất cao và an toàn.
- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Áp dụng các giải pháp thủy lợi phục vụ cho
nuôi thủy sản bền vững: Đầu tư hạ tầng để lấy nước chủ động (mặn, ngọt), kết hợp với
phương pháp nuôi tiết kiệm nước và có xử lý nước đảm bảo môi trường nước cho các khu
vực nuôi thủy sản tập trung, nuôi công nghiệp.
c) Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai, bão, lũ, lụt, an toàn hồ đập.
- Các giải pháp chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu tổn thất,
bảo vệ an toàn cho dân cư, đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất trong điều kiện biến
đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai và an toàn đập thông qua việc hiện đại hóa
quản lý công trình và áp dụng công nghệ dự báo, cảnh báo giảm thiểu rủi ro, thiên tai.
d) Thành lập, củng cố các Tổ chức dùng nước quản lý công trình thủy lợi
- Củng cố thành lập tổ chức dùng nước quản lý hiệu quả, bền vững công trình thủy lợi gắn
với xây dựng nông thôn mới.

3.3. Hệ thống điện


3.3.1. Thực trạng quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hệ thống điện
Thực hiện chủ trương “Điện phải đi trước một bước”, trong giai đoạn 2011-2020,
trên cơ sở thực tế và những dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ Công Thương đã
tham mưu xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt 02 Quy hoạch phát triển điện lực quốc
gia gồm Quy hoạch điện VII (Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 và Quy hoạch
điện VII hiệu chỉnh (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016) trong đó có nội dung
đầu tư hạ tầng cung cấp điện.
Theo đó, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng điện đã có sự phát triển mạnh mẽ và đã
đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng trên 10%/năm.
Nhiều công trình nguồn và lưới điện được hoàn thành kịp thời giúp tăng cường năng lực
cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Công tác đầu tư xây dựng của ngành điện cũng dần
có sự chuyển dịch từ việc đầu tư phát triển về chiều rộng để đảm bảo nhu cầu sử dụng
điện sang đầu tư theo chiều sâu để đảm bảo chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp
điện.
Cụ thể về nguồn điện, giai đoạn 2011-2015, ngành điện đã đưa vào vận hành khoảng 17
GW nguồn điện (bao gồm cả các nguồn thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo), đạt hơn
81% khối lượng được giao theo QHĐ VII, trong đó cao nhất là miền Trung đạt 95.9%,
miền Nam đạt thấp nhất với 62.7%.
Giai đoạn 2016-2020, do sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng mặt trời
vào các năm từ 2018-2020, nên xét trên tổng thể thì tổng công suất đặt của toàn bộ hệ
thống đạt tới 94% tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, các nguồn điện truyền thống (than, khí, thủy điện - chủ yếu là nhiệt điện than)
bị chậm tiến độ, chỉ đạt khoảng 60% so với kế hoạch. Công suất nguồn bị chậm khoảng
7.000 MW so với quy mô công suất trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Như vậy, tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt
khoảng gần 54.880 MW tăng trên 2,6 lần so với năm 2010 (năm 2010, tổng công suất
nguồn toàn hệ thống là 20.411 MW). Trong đó, nhiệt điện than chiếm 36%, thủy điện
chiếm 37%, tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu chiếm 16%, năng lượng tái tạo chiếm 10%,
nhập khẩu chiếm 1%. Tổng số nhà máy điện đang hoạt động là 160 (không bao gồm các
nhà máy thủy điện nhỏ và NLTT).
3.3.2. Những hạn chế còn tồn tại
Tuy nhiên, với nhu cầu điện sử dụng ngày càng cao, nguồn điện Việt Nam đang
gặp phải một số khó khăn nhất định. Thống kê cho thấy, năm 2020, công suất phụ tải đỉnh
đã đạt gần 40.000 MW, như vậy nguồn điện đã không còn nguồn dự phòng (năm 2015,
dự phòng đạt khoảng 20%).
Trong khi đó, nguồn thuỷ điện lớn đã được khai thác hết, tình hình thuỷ văn ngày
càng khó khăn, thiếu nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu; nguồn điện hạt nhân
đã dừng; nguồn nhiệt điện than bị hạn chế phát triển do yếu tố xã hội và môi trường, hơn
nữa nguồn nhiên liệu than cho phát điện cũng hạn chế, phải nhập khẩu. Một số dự án
nhiệt điện đang bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân; nguồn điện khí, điện dầu có giá
thành cao, tạo áp lực tăng giá điện; hiệu suất của các nhà máy điện ngày càng giảm;
nguồn NLTT dù có sự tăng trưởng cao trong 3 năm vừa qua nhưng cũng chỉ chiếm
khoảng 10% về công suất đặt và khoảng 6% về sản lượng điện. Đặc biệt NLTT ở Việt
Nam chỉ tập trung ở một số khu vực, phụ thuộc vào nhiều yếu tố thời tiết, thời gian huy
động hạn chế.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư nguồn điện, nguồn điện Việt
Nam ngày càng đa dạng. Tính đến hết năm 2019, nguồn điện của EVN chỉ chiếm 16%
tổng công suất nguồn điện. Tỷ trọng công suất nguồn điện thuộc sở hữu tư nhân đã lên tới
34%, cao nhất trong cơ cấu chủ sở hữu. Điều này cũng có thể gây khó khăn cho việc vận
hành hệ thống điện quốc gia cũng như đảm bảo an ninh năng lượng điện nếu không có
những giải pháp điều chỉnh, nhằm tránh tình trạng phụ thuộc.
Để đáp ứng nhu cầu truyền tải, phân phối điện, trong giai đoạn 2011-2019, hệ
thống lưới điện đã được đầu tư với khối lượng lớn, rộng khắp cả nước và có kết nối khu
vực, đáp ứng tốt yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và tăng cường
năng lực truyền tải, góp phần trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải kể cả những
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cải thiện chất lượng điện năng của toàn hệ thống.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến cuối năm 2019, tổng chiều dài
đường dây 500 kV là 8.496 km tăng 2,2 lần so với năm 2010 (3.890 km), chiều dài đường
dây 220-110 kV tăng 1,9 lần so với năm 2010 (từ 23.156 km lên 43.174 km); Dung lượng
trạm biến áp 500 kV tăng 2,84 lần (từ 12.000 MVA lên 34.050 MVA), dung lượng trạm
biến áp 220-110 kV tăng 2,82 lần (từ 48.833 MVA lên 137.850 MVA).
Trong giai đoạn 2016-2020, khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình
lưới điện 500-220 kV so với phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh đạt khá cao, đạt
khoảng 70%-90% so với yêu cầu quy hoạch. Trong đó có nhiều công trình lưới điện trọng
điểm cung cấp điện cho miền Nam, các thành phố lớn, các khu kinh tế trọng điểm đã
được đưa vào vận hành.
Mặc dù vậy, tình trạng chậm tiến độ của một số công trình 500-220 kV, các công
trình lưới điện phân phối vẫn diễn ra ở cả 3 miền. Nguyên nhân chung của việc không đạt
được mục tiêu chủ yếu là khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt
bằng (đơn giá đền bù, xác định nguồn gốc đất, địa phương chưa quyết liệt, một số người
dân chống đối); vướng mắc thỏa thuận vị trí dự án (quỹ đất, chồng lấn quy hoạch); vướng
mắc trong thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A; và các vướng
mắc mới phát sinh trong chuyển đổi đất rừng để thực hiện các dự án lưới điện truyền tải.
Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến
tiến độ triển khai các dự án lưới điện truyền tải.
Tương tự đối với các công trình lưới điện phân phối, do vướng về đền bù, giải
phóng mặt bằng (xác định nguồn gốc đất, chuyển đổi đất rừng, đơn giá đền bù, thủ tục
hành ….).
Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện nói chung vẫn chưa đảm bảo dự phòng theo tiêu chí N-1,
đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam nên trong các trường hợp sự cố nguồn, sự cố
lưới và phụ tải cao có thể dẫn đến quá tải cục bộ ở một số khu vực. Trong khi đó nguồn
vốn đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện cũng gặp khó khăn do nguồn lực tài chính hạn
chế, không còn bảo lãnh Chính phủ, các thủ tục vay vốn trong và ngoài nước ngày càng
phức tạp.
Có thể khẳng định, hạ tầng hệ thống điện có vai trò rất quan trọng trong việc phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của Bộ Công Thương cần
có sự chỉ đạo vào cuộc của các Bộ ngành địa phương, các Tập đoàn năng lượng và cả
người dân nhằm đảm bảo mục tiêu đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
3.3.3. Đề xuất một số giải pháp
Với vai trò, trách nhiệm của mình, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Công Thương
kiến nghị xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một
số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ
các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, hạn chế nguy cơ
thiếu điện trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Trong đó, đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới
5.000 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà
nước làm chủ đầu tư. Kiến nghị thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án này
thuộc về Thủ tướng Chính phủ; Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã
nằm trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị
cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay
Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.
Tiếp tục cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu
tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về
vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án
công nghiệp điện.
Đối với các dự án công nghiệp điện, kỹ thuật điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền
khả thi thì cho phép Chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực
hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh
giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả
thi.
Cho phép các dự án công nghiệp điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo
lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện thì
chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng chính phủ mà không phải
thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện toàn bộ các quy định pháp luật từ Đầu tư,
Đầu tư công, Xây dựng, Đấu thầu để đảm bảo các quy định có tính logic, thống nhất,
không mâu thuẫn, chồng chéo khi triển khai thực hiện; Rà soát, điều chỉnh Luật Quy
hoạch theo hướng ủy quyền cho các Bộ Quản lý ngành một số nội dung công việc trong
quá trình triển khai xây dựng và điều chỉnh các Quy hoạch ngành.
3.4. Hạ tầng số
3.4.1. Thực trạng hạ tầng số
3.4.1. Thực trạng hạ tầng số

Trong hai thập niên của thế kỷ XXI, kỹ thuật số đã và đang thâm nhập và có xu
hướng phát triển khá nhanh, tiếp cận hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam như
tài chính ngân hàng, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, thiết kế, sản xuất, cung ứng lao động,
giao thông vận tải, quản lý,... Có thể thấy, tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên
các hạ tầng nhất định thường được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số, giúp cho người tiêu
dùng, doanh nghiệp và Nhà nước tiết kiệm được chi phí và nâng cao năng suất, thúc đẩy
sự phát triển của các sản phẩm hàng hóa mới dựa trên nền tảng sáng tạo sẵn có.

Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT -
Information & Communication Technologies) đóng vai trò hết sức quan trọng. Ứng dụng
và phát triển ICT nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các
ngành Kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả
quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc dân, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân,
bảo đảm an ninh quốc phòng và tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự
nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chính phủ cũng xem việc ứng dụng ICT
là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy cải cách hành chính từ Trung ương đến các địa phương, vào
từng công đoạn trong công việc hành chính hàng ngày của mỗi một cán bộ, công chức tại
cơ quan hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và tác nghiệp của cơ
quan; Với sự quyết tâm phát triển Chính phủ điện tử hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt
Nam đã ưu tiên, chủ động đẩy mạnh sự phát triển của ngành ICT tại Việt Nam. 5G có thể
coi như hạ tầng của hạ tầng và sẽ là hạ tầng rất quan trọng của nền kinh tế số, xã hội số và
đô thị thông minh. Các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, MobiFone và VinGroup cũng
đang chủ động nghiên cứu và sản xuất thiết bị công nghệ quan trọng này.

Cụ thể, sau khi thử nghiệm kết nối lần đầu tiên trên mạng 5G tại Hà Nội vào trung
tuần tháng 5/2019, ngày 09/8/2019, Viettel phối hợp với đối tác Ericsson tiếp tục thử
nghiệm mạng 5G ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là thành quả quan trọng, có ý nghĩa lớn
khi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chủ động làm chủ công nghệ trong quá trình phát
triển, đón đầu công nghệ mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh
đó, các ngành dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến
cũng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Ngay trong ngày đầu, đã có 200 giao dịch thành công vượt ngoài sự mong đợi. Trong đợt
chống đại dịch Covid 19 vừa qua, kết quả thành công ngoài mong đợi khi không có ca tử
vong nào cho đến thời điểm hiện tại chính là nhờ sử dụng khám và hội chẩn trực tuyến
với sự tham gia của các chuyên gia y tế đầu ngành. Điều này đã giúp các ca bệnh nặng
qua được tình trạng nguy kịch, đồng thời được thế giới công nhận. Ở góc độ cơ quan quản
lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá việc các nhà mạng thử nghiệm mạng
5G là một bước đi quan trọng nhằm kiểm tra các vấn đề về kỹ thuật như vùng phủ, thiết
lập mạng lưới..., từ đó đưa ra sự tối ưu cho mạng lưới, chuẩn bị cho thương mại hóa sau
này. Như vậy để thấy rằng, việc các nhà mạng đầu tư 5G đóng vai trò rất quan trọng cho
sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng như mạnh dạn tiến sâu vào mảng công nghệ
tiên tiến nhất hiện nay nhằm rút ngắn khoảng cách công nghệ nước nhà với các nước tiên
tiến trên thế giới. Hệ thống quản lý hành chính điện tử kết nối 63 sở GDĐT và hơn 300
trường đại học, cao đẳng trên cả nước với Bộ GDĐT hoạt động thông suốt, ổn định, phát
huy hiệu quả tích cực. 
Về dạy - học, giáo viên toàn ngành được huy động tham gia, đóng góp chia sẻ học
liệu vào kho học liệu số toàn ngành; Trong giáo dục đại học, triển khai cơ chế đặc thù đào
tạo nhân lực CNTT, qua đó giúp các cơ sở đào tạo gia tăng cơ hội hợp tác với doanh
nghiệp, các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn lực của xã hội tham gia vào quá trình
đào tạo nhân lực CNTT, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng nhân lực ở các doanh nghiệp và
nhu cầu của xã hội.

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 95% các tổ chức tín dụng Việt
Nam đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp kỹ
thuật, công nghệ mới như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big
Data),... vào hoạt động cung ứng dịch vụ giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục, rút ngắn
thời gian cung ứng dịch vụ và hỗ trợ công tác đánh giá, phân loại khách hàng. Nhiều
nghiệp vụ được số hóa 100%, như: gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài
khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán - tài
chính,...

Hình 2: Thực trạng chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Việt Nam

Theo số liệu của NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2021, các chỉ số thanh toán không
dùng tiền mặt đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2020, như: tổng số
lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,84% về số lượng
và tăng 38,76% về giá trị, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 62,5% về số lượng
và 32,03% về giá trị, giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng 82,71% về số lượng
và 115,11% về giá trị, giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 79,93% về số lượng
và 164,85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Việc mở tài khoản thanh toán bằng
eKYC đã mang lại hiệu quả thiết thực, đem lại tiện ích cho khách hàng, tránh gặp mặt
trực tiếp trong bối cảnh Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp. Không chỉ hơn 80% giao
dịch của khách hàng ở MB được thực hiện trực tuyến mà hoạt động nội bộ ngân hàng này
còn đạt 100% không giấy tờ. Hay ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
(TPBank), trong 5 tháng đầu năm 2021, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ
ngân hàng trực tuyến đã tăng 87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhờ triển khai
thêm cả phương thức eKYC toàn diện trên App TPBank mà lượng khách hàng mở tài
khoản qua hình thức eKYC tăng 790% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng giao dịch trực
tuyến của ngân hàng này cũng tăng mạnh, hiện số lượng giao dịch trực tuyến tại TPBank
đã chiếm tới 92% tổng số lượng giao dịch của toàn ngân hàng.

Hình 3: Mức độ số hóa các nghiệp vụ ngân hàng

Trong khi đó, VIB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu về tăng trưởng số lượng thẻ tín
dụng và mức chi tiêu trên thẻ, cao gấp 2 lần so với trung bình của ngành Ngân hàng, thu
nhập ngoài lãi 6 tháng đầu năm 2021 của ngân hàng này tăng 41%. Tại Ngân hàng
Thương mại Cổ phần Bản Việt, ngay trong thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4
diễn biến phức tạp, ngân hàng này đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số mới Digimi, thay
thế ứng dụng cũ là Viet Capital Mobile Banking, cho phép khách hàng thực hiện nhiều
tính năng nổi trội, tiện ích mở thẻ tín dụng trực tiếp trên digibank.vietcapitalbank.com.vn
mà không cần đến ngân hàng; đồng thời, ngân hàng cũng triển khai gói tài khoản 0 phí...
nhằm hỗ trợ, thu hút người dùng. Kết quả cho thấy, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ
ngân hàng điện tử tăng trung bình 20%/tháng. Lượng khách hàng mở tài khoản thông qua
ứng dụng di động cũng tăng mạnh, tiền gửi trực tuyến tăng về số lượng và giá trị giao
dịch, trở thành kênh gửi tiết kiệm chính của nhiều khách hàng.

3.4.2. Đề xuất một số giải pháp

i. Đối với Chính phủ

Thứ nhất, Chính phủ cần sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp
yếu tố sinh trắc học và xác thực điện tử để khai thác dữ liệu nhằm thúc đẩy việc mở tài
khoản từ xa thông qua phương thức điện tử thuận tiện, an toàn và đảm bảo phòng, chống
rủi ro, góp phần giúp cho các ngành an tâm hơn khi triển khai công nghệ số và có cơ sở
để xử lý khi có tranh chấp với khách hàng. Thứ hai, cần chú trọng đầu tư phát triển cơ sở
hạ tầng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tạo ra môi trường kỹ thuật công nghệ hiện đại; tăng
cường học hỏi và chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến tạo tiền đề vững chắc để
cho các ngành phát triển những ứng dụng công nghệ mới. Thứ ba, phổ biến, tuyên truyền,
nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng và quyết tâm hợp lực thực
hiện chuyển đổi số trong toàn xã hội

ii. Đối với Ngành Ngân hàng

● Ngân hàng Nhà nước 

Thứ nhất, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động của ngân hàng. Đầu
tư vào công nghệ sẽ giúp cho các ngân hàng tự tin hơn để phát triển các dịch vụ nhằm đáp
ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt hoàn thiện và áp dụng khung thử nghiệm pháp lý
đối với phát triển công nghệ tài chính. Thứ hai, nắm bắt các cơ hội trong quan hệ hợp tác
quốc tế nhằm phát triển các quan hệ ngân hàng để thu hút và tận dụng các nguồn vốn đầu
tư, công nghệ thông tin từ các nước phát triển, trao đổi và chuyển giao công nghệ ngân
hàng. Có các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động thanh toán
không dùng tiền mặt phát triển, như: thu phí rút tiền, giảm thuế tiêu thụ đối với các hàng
hóa có giá trị lớn, xa xỉ phẩm,... nếu giao dịch qua POS. Thứ ba, NHNN cần sớm hoàn
thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày
22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy
định về thu thập, khai thác, xử lý dữ liệu trong ngành Ngân hàng; xây dựng và ban hành
Thông tư hướng dẫn về Open API trong lĩnh vực thanh toán.

● Ngân hàng thương mại

Thứ nhất, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao quy trình xử lý nghiệp
vụ, giao dịch, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nhằm đáp ứng nhu cầu nhanh gọn cho
khách hàng. Thứ hai, tăng cường quy định cũng như các biện pháp nhằm bảo mật thông
tin của khách hàng. Thứ ba, số hóa các công cụ làm việc: áp dụng các công cụ kỹ thuật số
để giúp thông tin dễ tiếp cận hơn trong toàn tổ chức, triển khai các công nghệ kỹ thuật số
tự phục vụ cho nhân viên, đối tác kinh doanh hoặc cả hai nhóm, tập trung vào công nghệ
trong hoạt động của ngân hàng. Thứ tư, nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi ngân
hàng số, phân bổ nguồn lưc phù hợp cho đầu tư công nghê ̣mới. Đẩy manh quá trình số
hóa ngân ̣ hàng và phát triển ngân hàng số thuần túy.

iii. Đối với giáo dục

Ngành GDĐT cần tập trung triển khai một số nội dung cụ thể sau:

● Tăng cường chất lượng công tác dự báo (nhờ công nghệ như Big data, AI,
Blockchain), hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng đi trước một bước. Trong đó
chú trọng chính sách hoàn thiện CSDL quản lý giáo dục, theo các quy định về chia
sẻ, khai thác dữ liệu; hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển hình thức
dạy - học trực tuyến qua mạng; chính sách quản lý các khóa học trực tuyến đảm
bảo chất lượng thông qua các quy định về điều kiện mở trường mở lớp, thẩm định
cấp phép nội dung, kèm theo chế tài phù hợp, tránh tình trạng mất kiểm soát, bảo
vệ quyền lợi chính đáng của người học.
● Thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo,
nghiên cứu khoa học) ở tất cả các cấp học, ngành học, môn học gắn với việc thẩm
định nội dung, kết nối, chia sẻ học liệu giữa các địa phương, nhà trường; hình
thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với quốc tế,
đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền;
tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và
hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
● Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo
môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình,
giáo viên giảng viên, học sinh sinh viên; phát triển các khóa học trực tuyến mở,
hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam; triển khai hệ thống học tập trực
tuyến dùng chung toàn ngành phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ dạy
học cho các vùng khó khăn. 
● Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng CNTT, an
toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển
đổi số.

IV: TÌNH HUỐNG THỰC TẾ

4.1. Tóm tắt tình huống:


“Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng
cơ sở hạ tầng của thành phố để đáp ứng nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp và
xứng tầm là trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hệ thống đường giao thông trong và ngoài thành phố không ngừng được mở rộng và xây
mới. Ngoài các tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố, Đà Nẵng còn có một số tuyến
đường mới để kết nối các vùng ven. Chạy suốt theo chiều dài thành phố, dòng sông Hàn
chia Đà Nẵng thành 2 nửa Đông – Tây. Với 09 cây cầu bắc ngang, hai bờ sông Hàn được
kết nối, giao thông thuận tiện hơn, kinh tế các vùng của thành phố ngày càng phát triển
đồng đều, các tiềm năng du lịch, kinh tế được thành phố khai thác.
Hạ tầng Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) của thành phố có quy mô khá
lớn và hiện đại. Đến năm 2020, hạ tầng CNTT-TT tại thành phố Đà Nẵng đã có những
bước phát triển vượt bậc, được mở rộng theo hướng dịch vụ đa dạng, phong phú với chất
lượng ngày càng cao.

Mạng lưới cung cấp nước của thành phố không ngừng được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng
nhu cầu phát triển của thành phố.

Nguồn điện dùng cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng được đảm bảo cung
cấp từ lưới điện quốc gia thông qua đường dây 500 KV Bắc - Nam và đồng thời cũng
được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế.”

Tài sản được đề cập đến trong tình huống: tài sản thuộc hạ tầng giao thông, mạng
lưới điện, hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng văn hóa, du lịch.

4.2. Vai trò của tài sản


● Tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triển du lịch, tạo cảnh quan, làm thay
đổi cơ bản diện mạo toàn nông thôn.
● Đáp ứng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, cũng như sẵn sàng cho việc
triển khai xây dựng phát triển nông thôn.
● Hệ thống thủy lợi được cải tạo và phục hồi, phục vụ mạnh mẽ cho việc sản xuất
nông nghiệp
● Hệ thống giáo dục được nâng cấp, phục vụ phát triển tri thức, từ đó phát triển kinh
tế - xã hội
● Xây dựng và nâng cấp hệ thống y tế, nâng cao sức khỏe người dân.
4.3. Trách nhiệm và thẩm quyền quản lý
● Chính Phủ Việt Nam và cơ quan các cấp của tỉnh Phú Thọ sẽ đảm nhận việc quản
lý, sử dụng.
● Cơ quan nhà nước đươc giao quản lý, sử dụng tài sản công hoặc cơ quan, đơn vị
quản lý vận hành tài sản công có trách nhiệm thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa
tài sản theo đúng chế độ, tiêu chuẩn.
● Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy
định hoặc phân cấp thẩm quyền quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ
thuật bảo dưỡng, sửa chữa áp dụng đối với tài sản công tại các cơ quan thuộc phạm
vi quản lý.
● Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở xây dựng và các đơn vị có liên quan.
● Những lưu ý trong quá trình triển khai: bên cạnh đẩy mạnh việc đầu tư và xây
dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế - du lịch thì việc chú trọng bảo vệ môi
trường cũng cần được quan tâm.
4.4. Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả
● Các vật liệu, công nghệ và thiết bị cần đầu tư, lựa chọn hiện đại, tiết kiệm năng
lượng, bảo đảm môi trường.
● Sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo hài hòa
giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu giữ gìn và xây
dựng môi trường sinh thái của thành phố xanh, sạch, trong lành, đáp ứng nhu cầu
thụ hưởng của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.

You might also like