You are on page 1of 6

Thuyết minh về chiếc nón lá

“Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che”

Chiếc nón lá cứ như vậy mà trở thành hình ảnh quen thuộc nhất, gắn với người bà,
người mẹ, gắn với quê hương yêu dấu trong tiềm thức của mỗi người. Chiếc nón lá là nguồn
cảm hứng cho rất nhiều các tác phẩm thơ ca, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt mỗi
khi xa quê nhớ về.

Về nguồn gốc chiếc nón lá Việt Nam, không ai biết nón lá có từ bao giờ. Theo Từ điển
bách khoa Việt Nam (do Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam biên soạn) giải nghĩa
từ "nón" đã đưa ra nhận định: "Truyền thuyết Thánh Gióng đội nón sắt đánh giặc Ân cho
phép ta tin rằng nón có từ lâu đời trên đất Việt cổ và từ xa xưa, có thể bằng tàu lá, bằng lông
chim kết lại". Hay từ xưa, hình ảnh chiếc nón được tìm thấy thông qua hình được chạm khắc
trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh.

Làm nón là một nghề truyền thống nổi tiếng có từ rất lâu đời. Dù trải qua bao thăng
trầm, dịch chuyển của lịch sử nhưng nghề chằm nón đến nay vẫn còn được lưu giữ. Những
nơi lưu giữ loại hình truyền thống này ở nước ta như làng Đồng Di (Phú vang), làng Dạ Lê
(Hương Thủy) đặc biệt là làng nón Phủ Cam (Huế), và nón làng Chuông.

Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, “Lịch sử nón Việt qua nhiều giai đoạn, có những biến thiên,
từ nón hình tròn, nón tròn dẹt đến nón hình chóp. Về mặt tạo hình, hình chóp tạo khối vững
vàng trong không gian, nâng hiệu quả thẩm mỹ lên cao, nón có chiều sâu nên vừa che được
nắng mưa nhiều hơn lại vừa tạo sự gọn gàng, duyên dáng”. Chính vì tính hiệu quả của nón
hình chóp nên kiểu nón này là chọn lựa tối ưu và phổ biến nhất cho đến tận ngày nay.

Về cấu tạo, nón lá có hình chóp nhọn, bao gồm các bộ phận như vành nón, nan nón,
thân nón, dây nón. Vành nón làm từ thanh tre mảnh, uốn cong, có đường kính khoảng 40-
50cm, nan nón là những thanh tre nhỏ hơn, đường kính cũng nhỏ dần từ vành lên tới chóp.
Thân nón được phủ bằng những lớp lá khô, được xếp lớp và chằm cẩn thận để giúp người
dùng tránh mưa tránh nắng. Dây nón thường được làm bằng vải mềm hoặc lụa để đeo vào cổ
không gây cảm giác đau rát.

Để có thể tạo nên một chiếc nón lá hoàn chỉnh, quá trình làm nón thực chất cũng phải
trải qua nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ. Người làm nón có thể được ví như một nghệ nhân
thực thụ. Từ những nguyên liệu thô sơ, giản dị phổ biến ở vùng quê Việt Nam, những nghệ
1
nhân ấy đã có thể phù phép trở thành chiếc nón lá kỳ công, tinh xảo, không chỉ đáp ứng nhu
cầu sử dụng mà còn đáp ứng tính thưởng lãm nghệ thuật.

Bắt đầu quá trình làm nón là công đoạn chọn lá. Lá sử dụng để làm nón là loại lá dừa
thô hoặc lá cọ còn nguyên vẹn. Thông thường, lá cọ sẽ cho ra đời những chiếc nón tinh xảo,
đẹp mắt hơn. Lá cọ dùng làm nón phải là loại lá được lựa chọn tỉ mỉ, màu trắng xanh, đường
gân xanh rõ ràng, còn non vừa đúng chuẩn mà không phải quá già. Sau khi chọn được lá ưng
ý, người làm nón tiến hành sấy khô lá bằng bếp than, sau đó mang ra phơi dưới trời sương
khoảng độ từ hai đến bốn giờ để lá đạt được độ mềm, dai nhất định. Kết thúc công đoạn phơi
lá, người làm nón phải trải và ủi phẳng lá bằng một miếng gang hơ qua lửa nóng. Lá dùng
làm nón được cắt với độ dài đều nhau khoảng 50 cm.

Kế tiếp, đến công đoạn chuốt vành nón. Thông thường, công đoạn này cần đến sức khoẻ
và sự nhanh nhẹn của những người thợ nam. Người này sử dụng một cây mác sắt, thực hiện
chuốt lần lượt từng nan tre có đường kính rất nhỏ (nhỉnh hơn một chút so với que tăm tre) để
các nan tre được tròn đều. Sau đó, uốn những nan tre đã chuốt thành các vòng tròn từ nhỏ
đến lớn, tròn vành vạnh và đều nhau theo tỷ lệ kích thước (thường có 16 nan tre cho một
chiếc nón). Những công việc này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình làm nón, có thể
quyết định sự thành công ban đầu khi định dạng khung nón. Vì vậy, nếu nan tre không đều
nhau thì phải thực hiện chuốt và uốn lại nhiều lần sao cho đạt đến một mức độ tiêu chuẩn
nhất định. Những vòng nan tre sau đó được đặt lên khung hình chóp để tiến hành xếp lá lên
khung. Công đoạn xếp lá đòi hỏi sự tỉ mỉ cao độ của người thợ làm nón. Các phiến lá xếp
chồng lên nhau phải theo một chiều, trình tự nhất định và canh chỉnh sao cho không bị thiếu
sót, dư thừa hay xô lệch.

Đặc biệt, nhắc đến chiếc nón lá không thể không nhắc đến một loại nón nổi tiếng đặc
trưng: nón bài thơ của xứ Huế. Nón bài thơ được làm kỳ công và tỉ mỉ hơn hẳn các loại nón lá
thông thường. Loại nón này rất mỏng, thanh thoát, nhẹ nhàng, được xếp chồng hai lớp lá với
nhau và có một bài thơ được khéo léo xếp chồng giữa hai lớp lá. Khi soi lá lên ánh nắng, hình
ảnh bài thơ hay các hình ảnh địa danh đặc trưng của Huế như chùa Thiên Mụ, tháp Bút, cầu
Tràng Tiền,…hiện lên một cách kỳ diệu. Đây quả thực là sự kỳ công sáng tạo của người nghệ
nhân.

Trở lại với quá trình làm nón lá, sau khi đã xếp các lớp lá đều khít chồng lên nhau,
người thực hiện bắt đầu công đoạn chằm nón. Công đoạn này chính là việc sử dụng sợi nylon
dẻo, dai, màu trắng trong suốt để chằm lên nhằm cố định lá và khung nón. Đường kim mũi
chỉ khi chằm nón phải đều tăm tắp và không được đứt đoạn hay xô lệch nhau gây mất thẩm

2
mỹ. Tại vòng nan thứ hai hoặc thứ ba từ dưới lên của chiếc nón, người thợ khâu thêm hai
vòng chỉ đối xứng với nhau để buộc quai nón. Khi hoàn tất các đường chỉ, tại chóp nón, thợ
làm nón đính thêm một mũi thêu chỉ bóng để chiếc nón đẹp mắt hơn.

Quai nón được làm bằng chất liệu mềm mại như vải lụa, nhung,…với các màu sắc rực
rỡ hay đằm thắm đều có, tạo nét duyên dáng cho người đội nón. Chiếc nón có thể được tạo
các đường thêu, hình thù đặc sắc như như hoa sen, hình ảnh các thiếu nữ,… trên mặt nón để
góp phần tăng tính bắt mắt. Ngày nay, nón lá không chỉ được thiết kế đơn sơ nhằm đảm bảo
nhu cầu sử dụng mà còn được chú trọng rất nhiều về tính thẩm mỹ, tăng thêm độ tinh xảo và
ấn tượng trong quá trình làm nón. Khi hoàn tất các công đoạn trên, người làm nón dùng dầu
bóng để phủ lên toàn bộ mặt ngoài nón, sau đó mang phơi dưới ánh nắng vừa phải để nón
bền đẹp trong quá trình sử dụng.

Quá trình tạo ra chiếc nón lá có vẻ kỳ công và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cao của người
làm nghề. Song, người làm nón lành nghề là những người có đôi tay thoăn thoắt, nhanh
nhạy, khiến chúng ta hết sức ngưỡng mộ khi có thể tạo ra một chiếc nón với khoảng thời gian
ngắn. Khách du lịch thập phương khi dừng chân tại những địa điểm làng nghề làm nón cũng
tỏ vẻ rất thích thú khi tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình này. Nghề làm nón bên cạnh
những ngành nghề thủ công khác vẫn còn được lưu truyền và thật may mắn vì vẫn chưa hề có
dấu hiệu mai một theo thời gian.

Khắp chốn làng quê non nước Việt Nam, có thể nói nơi nào cũng có thể bắt gặp hình
ảnh của quen thuộc chiếc nón lá. Chiếc nón vốn là vật dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của
người dân quê trong lao động sản xuất cũng như đời sống hằng ngày. Khắp các nẻo đường
làng, hình ảnh những người phụ nữ tảo tần vai quẩy đôi quang gánh, đầu đội chiếc nón lá cất
lên tiếng rao hàng đã trở thành một hình ảnh đẹp. Nón lá trở thành người bạn đồng hành của
người dân lao động. Nón lá giúp che mưa, che nắng. Nón lá tựa một chiếc quạt mang làn gió
mát lành mỗi buổi trưa oi ả ngoài đồng. Những nữ sinh duyên dáng khi xưa với tà áo dài tinh
khôi bước đi, tay che nghiêng chiếc nón lá bài thơ bên dòng sông Hương thơ mộng là hình
thượng khơi nguồn cảm xúc cho biết bao văn nhân, thi sĩ. Nón lá là biểu trưng thể hiện nét
đẹp duyên dáng, dịu dàng, e lệ của người con gái Việt; nét tảo tần của bao người phụ nữ Việt
dãi nắng dầm sương. Chiếc nón lá xuất hiện nhiều hơn trong các tác phẩm văn nghệ, các bài
múa ca ngợi nét đẹp truyền thống non nước, con người Việt Nam.
Để có thể phát huy hết vẻ đẹp của nón lá và giữ công dụng nón trong thời gian lâu nhất
có thể, người sử dụng phải có những cách thức bảo quản nón lá đúng cách. Nón lá không nên
được dùng để đi vào trời mưa, thay vào đó nên sử dụng ô để thay thế, bởi chất liệu lá khi tiếp

3
xúc với nước sẽ ảnh hưởng đến độ bền đẹp của nón. Người sử dụng cần hạn chế dùng nón để
quạt vè dễ gây móp méo, cong vành nón gây mất thẩm mỹ. Sau khi sử dụng, nên cất giữ, treo
nón ở nơi bóng râm, tránh để nơi ánh nắng trực tiếp sẽ gây nóng giòn, hư hỏng chiếc nón.

Nón lá trải qua bao đời vẫn đồng hành cùng người Việt. Chiếc nón lá không chỉ là vật
dụng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân quê Việt Nam mà ngày này đã trở thành
một món quà lưu niệm độc đáo cho khách du lịch nhằm lưu giữ kỉ niệm khi đặt chân đến
mảnh đất hiếu khách, nồng ấm tình người và dồi dào bản sắc dân tộc này. Những người con
xa quê khi nhìn thấy hình ảnh chiếc nón lá bỗng dưng lại có thể nhớ đến Việt Nam thân
thương, nhớ về nơi quê nhà quen thuộc cất giữ bao tình cảm chân thành nồng hậu. Trong
tương lai, hy vọng rằng hình ảnh chiếc nón lá vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống vốn có
mà không hề bị pha tạp hay mai một để ngày càng vươn xa hơn, quảng bá cho thế giới về nét
đẹp dân tộc Việt, trở thành một nét văn hoá đặc trưng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào khi
nhớ đến đều có thể hãnh diện tự hào.
4
HÌNH ẢNH LIÊN QUAN ĐẾN NÓN LÁ
5

You might also like