You are on page 1of 24

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

KHOA VĂN HỌC

VĂN HỌC SO SÁNH


HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ANH HÙNG ACHILLES 

VÀ NHỮNG SỰ VẬN ĐỘNG QUA CÁC THỜI KÌ VĂN HỌC

Giảng viên phụ trách: TS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm

Nhóm sinh viên thực hiện: Nhóm 1

STT HỌ VÀ TÊN MSSV


1 Nguyễn Bảo Ngân 1956010017
2 Nguyễn Thị Thu Hồng 1956010118
4 Tạ Thị Y Lê 1956010129
5 Trần Thị Mộng Tuyền 1956010182
6 Lữ Thị Hồng Trâm 1956010199

TP. HỒ CHÍ MINH – THÁNG 12 NĂM 2022

MỤC LỤC
I. MỞ ĐẦU.................................................................................................................... 4
1.1. Lý do lựa chọn đề tài..............................................................................................4
II. NỘI DUNG.............................................................................................................6
1. Khái quát quan điểm về hình tượng người anh hùng trong văn học Hy Lạp và
văn học hiện đại..............................................................................................................
6
2. So sánh hình tượng người anh hùng trong sử thi Iliad của Homer và tác phẩm
Trường ca Achilles của Madeline Miller.....................................................................7
2.1. Tóm tắt tác phẩm................................................................................................7
2.2. Thể loại................................................................................................................9
2.3. Ngôi kể...............................................................................................................12
2.4. Trình tự thời gian.............................................................................................13
2.5. Bút pháp trần thuật..........................................................................................17
3. Lý giải.................................................................................................................... 22
III. KẾT LUẬN...........................................................................................................23
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO......................................................................24
I. MỞ ĐẦU
1.1. Lý do lựa chọn đề tài
Văn học so sánh là thuật ngữ xuất hiện đầu tiên ở Pháp và mang tính mơ hồ,
bởi lẽ nó là ngành văn học luôn đi tìm dẫn chứng để phân tích, chứng minh trước
rồi mới có sự xuất hiện của khái niệm sau “Đây là một thuật ngữ mang tính tùy
tiện vì nó vốn mơ hồ - nhưng lại mang tính tất yếu, vì lẽ nó đã được sử dụng hàng
trăm năm nay [...] vốn là ngành văn học đã tồn tại trong những trạng thái mơ hồ
của những đối chiếu văn học trước khi khái niệm ra đời” (Nguyễn Thị Thanh Xuân
dịch, 2003, tr.11). Có lẽ vì sự phổ biến nên thuật ngữ này còn được mô phỏng lại
bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: “letteratura comparata (tiếng Ý), literatura
comparada (tiếng Tây Ban Nha), hikaku bungaku (tiếng Nhật). Trong tiếng Anh thì
viết comparative literature... vergleichende literraturwissenschaft (tiếng Đức),
vergelijkende literaturwetenschap (tiếng Hà Lan)” (Nguyễn Thị Thanh Xuân dịch,
2003, tr.11). Có thể nói “Văn học thế giới” (là khái niệm do Johann Wofgang
Goethe nhắc đến đầu tiên) là một bước đệm quan trọng của Văn học so sánh “Quan
niệm văn học thế giới thể hiện mong muốn của Geothe, cũng như các nhà lập
thuyết của chủ nghĩa Marx rằng tất cả các nền văn học dân tộc sẽ mở rộng giao lưu
với nhau, kết hợp thành một chỉnh thể thống nhất các bộ phận tương liên. Điều này
đã truyền cảm hứng cho những nghiên cứu đầu tiên của văn học so sánh và có ý
nghĩa to lớn đối với văn học so sánh về sau trên toàn thế giới” (Trần Thị Phương
Phương, 2019, tr.23) và mãi đến năm 1886, Văn học so sánh mới được chính thức
là một bộ môn độc lập “Đến năm 1886, một công trình tổng hợp đầu tiên về lịch sử
văn học thế giới của Macauly Posnett (Anh) xuất hiện với đầu đề Văn học so sánh
(Comparative Literature), đánh dấu sự hình thành chính thức của bộ môn văn học
so sánh với tính cách là một bộ môn độc lập” (Nguyễn Văn Dân, 1998, tr.15).
Với sự phổ biến và cần thiết, Văn học so sánh đã được đưa vào dạy ở
chương trình bậc đại học. Ở bộ môn Nhập môn Văn học so sánh, chúng tôi quyết
định chọn đề tài “So sánh hình tượng người anh hùng Achilles trong sử thi Iliad
của Homer và tác phẩm Trường ca Achilles của Madeline Miller” vì hai lí do. Thứ
nhất, chúng tôi thích cách xây dựng nhân vật của thời Hy Lạp, mặt khác chúng tôi
có cảm tình đặc biệt đối với nhân vật anh hùng Achilles mà Homer đã xây dựng
nên. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn có cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về hình
tượng người anh hùng Achilles. Chưa kể, văn học Hy Lạp là một nền văn học lớn,
có sức ảnh hưởng đến nhiều nền văn học lân cận cũng như các nền văn học thời kì
sau. Đồng thời, việc xây dựng hình tượng những nhân vật anh hùng cũng là một
kiểu nhân vật khá phổ biến trong nhiều nền văn học.
Bằng việc so sánh hình tượng nhân vật người anh hùng Achilles trong hai
tác phẩm sử thi Iliad và Trường ca Achilles thông qua việc sử dụng lý thuyết Văn
học so sánh, chúng tôi mong muốn sẽ thấy rõ sự ảnh hưởng, tiếp nối giữa các nền
văn học thông qua hình tượng nhân vật anh hùng trong hai tác phẩm này.
2. Mục đích so sánh
Văn học so sánh mang hai nền văn học khác nhau (hoặc văn học dân tộc với
văn học thế giới) ra để đối chiếu, từ đó xác định nguồn gốc, bản chất, sự kế thừa,
vay mượn,...mối tương quan giữa các nền văn học. Văn học so sánh nói chung
“Một mặt, bằng những quan sát nghiên cứu trên quy mô quốc tế, văn học so sánh
thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện và khách quan hơn tới những hiện tượng của văn
học dân tộc. Mặt khác, văn học so sánh trong khi tổng hợp những tư liệu của các
nền văn học các dân tộc đã tạo điều kiện xác định những quy luật phát triển trên
bình diện văn học thế giới, vươn tới sự tái tạo tiến trình phát triển văn học thế giới”
(Trần Thị Phương Phương, 2019, tr.11).
Trong bài nghiên cứu này, mục tiêu chính của tôi là tìm những điểm giống và
khác ở quan điểm về hình tượng nhân vật anh hùng ở thời Hy Lạp và thời hiện đại.
Từ đó, chúng tôi sẽ lý giải những đặc điểm giống và khác ở trường hợp nhân vật
Achilles trong hai tác phẩm sử thi Iliad và Trường ca Achilles để thấy rõ mối liên
hệ giữa hai nền văn học ấy.
II. NỘI DUNG
1. Khái quát quan điểm về hình tượng người anh hùng trong văn học Hy
Lạp và văn học hiện đại
Có một điều thú vị rằng văn học Hy Lạp, chặng đầu rực rỡ đã trở thành nền
tảng quan trọng cho sự phát triển của văn học các nước phương Tây sau này, lại
có những điểm tương quan trọng với văn học dân gian thuở sơ khai khác. Như
bất kì dân tộc nào trên thế giới, người Hy Lạp say xưa kể chuyện về thần linh
cũng như các anh hùng. Sự say xưa ấy được thể hiện qua tầm vóc đồ sộ của
Thần thoại Hy Lạp, qua các bộ sử thi lớn như Iliad và Odyssey. Đại diện cho
người Hy Lạp đương thời, Homer đã hết lời ca ngợi những chiến công hiển hách
của những người anh hùng vì nó hính là sự vinh quang, có ý nghĩa lớn lao, cao
cả thể hiện sức mạnh của tập thể, của con người thời đại đối diện với những lực
lượng thù địch và có tính chất quyết định đối với vận mệnh bộ lạc, là hình ảnh
đại diện và là ước mơ của cả tập thể.

Đó là lý do mà đọc sử thi Hy Lạp, ta có thể phần nào thấy được quan niệm
của người Hy Lạp nghĩ về người anh hùng của họ. Trước hết, những người anh
hùng được người Hy Lạp người ca phần lớn là người anh hùng của chiến trận.
Họ thích kể về những chiến binh anh dũng, vĩ đại của dân tộc mình. Đó là những
người anh hùng tran đầy lí tưởng và sức sống, nhiệt tình sôi nổi cùng khát vọng
lập chiến công giành vinh quang với ý nghĩa lớn lao đại diện cho sức mạnh của
bộ lạc. Biểu hiện rõ qua những câu nói đầu môi của các anh hùng trong Iliad
“Lập chiến công để lưu danh muôn thuở”, “để tên tuổi ghi lại muôn đời”. Tính
tập thể còn thể hiện ở nhân vật Hecto qua cuộc đối thoại khi anh chia tay vợ ra
chiến trận “việc binh đao là phận sự của những nam nhi sinh trưởng ở Iliông này
và trước hết đó là phận sự của ta” hay ở Achilles là con người thể hiện cao đẹp
nhất và đầy đủ với quan niệm lí tưởng về người anh hùng lúc bấy giờ, Achilles
là một dũng tướng có sức mạnh phi thường với cơ thể bất khả chiến bại cùng
những chiến công hiển hách. Tuy vậy, họ cũng trọng những người uyên bác, trí
tuệ, thông thái mà đại diện tiêu biểu là Odyssey, người được ca ngợi với cụm từ
định danh là “muôn vàn trí xảo”.

Tựu trung, hình tượng người anh hùng mà thời Hy Lạp ưa thích là những
con người vượt lên trên lẽ thường. Sự vượt thoát ấy thể hiện qua gốc gác thần
linh như Achilles, hoặc những người dám có những quyết định táo bạo, dũng
cảm, sẵn sàng làm mọi thứ để tìm đến chân lý như Oedipus. Họ như những con
người khổng lồ bao hàm tất cả những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc mình.

Trong khi đó, ở văn học hiện đại thì mọi người lại có một cách nghĩ khác.
Các nhà văn lớn, thậm chí là hầu hết người đọc có xu hướng chấp nhận một người
anh hùng phức tạp hơn. Vẫn là một người có chiến công hiển hách, làm được điều
phi thường nhưng để bộc lộ đầy đủ và sắc nét phẩm chất anh hùng của anh ta thì
người ấy trước hết phải là người. Đó phải là một con người hoàn chỉnh, có quá khứ
để lý giải cho những hành động ở thực tại, có khuyết điểm về ngoại hình hoặc tính
cách, biết yêu thương nhưng cũng biết căm thù. Quan niệm ấy phổ biến ở cả
phương Đông lẫn phương Tây. Chúng phổ biến đến độ ta có thể bắt gặp ở trong
các vũ trụ phim siêu anh hùng đình đám, với những anh hùng không hoàn hảo,
hoặc bắt gặp trong những tác phẩm văn học thời hiện đại của Việt Nam như ông
tướng trong tác phẩm Tướng về hưu của tác giả Nguyễn Huy Thiệp hay người yêu
đầu tiên của Quỳ trong tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà
văn Nguyễn Minh Châu.
2. So sánh hình tượng người anh hùng trong sử thi Iliad của Homer và tác
phẩm Trường ca Achilles của Madeline Miller
2.1. Tóm tắt tác phẩm.
Sử thi Iliad kể về cơn thịnh nộ của Achilles, tập trung vào khoảng năm mươi
ngày cuối cùng của cuộc chiến thành Troy. Mở đầu sử thi là bối cảnh dịch bệnh
hạch tràn lan do con của Latôn và Dớt ban xuống vì Cridet - tư tế phụng thờ thần
bị Agammemnông lăng mạ. Để giải quyết dịch bệnh, Agamemnông miễn cưỡng
trả lại con gái cho Cridet và giành chiến lợi phẩm mà Achilles có được nên
Achilles nổi giận và quyết từ bỏ không tham gia chiến đấu. Cho đến khi con người
của Nexto lỗi lạc bước lại gần Achilles và báo cho chàng một tin đau lòng rằng
Patơrôclơ (người bạn chí thiết của Achilees) chết rồi, Achilles đau buồn khôn xiết
và cơn thịnh nộ của Achilles cũng bắt đầu từ đây, chàng nói “con không giết được
Hecto trước tiên, để trả thù cho Patơrôclơ, con của Mênôêtiôt, chết vì tay hắn, thì
lòng con chẳng thiết sống làm gì, con chẳng thiết ở với người đời nữa” (tr.85).
Achilles quyết định tham chiến, chàng xông lên giữa quân Troy, gầm thét vang
trời, lòng đầy dũng cảm. Thoạt tiên, Achilles hạ Iphichiông anh dũng, sau đó
Achilles đâm xuyên qua mũ trụ má bằng đồng, trúng vào thái dương Đêmôlêông -
một tướng can trường, tiếp đó là Hippôđamat, Đriôp, Đêmucôt, Laoôgnôt,
Đacnanôt, Trôt,... và cả Pôliđo đều bị Achilles đánh bại tàn khốc. Cuối cùng,
Achilles giao chiến với Hecto, dùng cây lao đâm xuyên họng Hecto, Hecto chết
dần. Cha của Hecto đã đến trại của Achilles để xin nhận xác con về. Kết thúc sử thi
là đám tang long trọng của Hecto.
Trong khi đó, Trường ca Achilles lại viết về bi kịch của số phận cá nhân, mà
cụ thể nhất là những trắc trở trong mối tình đồng giới của Achilles và Patroclus.
Câu chuyện bắt đầu từ khi nhân vật Patroclus còn trẻ. Vốn là con trai của vua
Menoitius, nhưng do vô tình giết chết một cậu bé khác mà anh đã bị trục xuất khỏi
quê hương. Sau khi bị trục xuất, Patroclus nương náu tại cung điện của Peleus, nơi
cậu được nuôi dạy cùng Achilles. Thế là cuộc gặp gỡ định mệnh cũng đến, hai
người có vẻ chưa quen nên còn đề phòng, ganh tị, nhưng sau đó họ trở nên thân
thiết hơn. Tình bạn đó bị chặt đứt bởi Achilles phải lên núi để theo học Chiron. Sự
chia cắt này đã khiến cho một người chỉ biết chấp nhận số phận an bày như
Patroclus cũng muốn vùng lên, Achilles cũng có tình cảm đặc biệt với Patroclus
nên hai người luôn dành thời gian để gặp nhau, vượt qua khó khăn, dần tình bạn
trong họ đã chuyển thành tình yêu. Hạnh phúc chưa đươc bao lâu, chiến tranh nổ ra
tại thành Troy. Cả hai người đều quyết định tham chiến, nhưng do bị xúc phạm nên
Achilles không tham chiến. Nhìn binh lính khổ sở, đau thương, Patroclus mượn áo
gisp của Achilles để giả danh chàng tham chiến. Kết hoạch giả danh thất bại,
Patroclus chết dưới tay của Hector. Biết tin Patroclus chết, Achilles đau đớn, quyết
tham chiến để trả thù, chàng điên cuồng giết người, cuối cùng chàng đã hạ xác
được Hector. Cha của Hector đến chỗ Achilles xin nhận xác con về. Kết thúc
chuyện là Achilles bị chết bởi mũi tên của Paris, tro cốt chàng được để chung bình
với Patroclus.
2.2. Thể loại.
Điểm quan trọng đầu tiên cần chú ý khi so sánh hai tác phẩm là sử thi Iliad
thuộc thể loại sử thi, trong khi Trường ca Achilles là tiểu thuyết. Điều này tác động
rất lớn đến nội dung mà hai tác phẩm này kể lại. Trong khi sử thi Iliad là một bản
anh hùng ca, ca ngợi cuộc chiến đấu giữa người Hy Lạp và người thành Troy,
Trường ca Achilles lại là một câu chuyện kể về số phận của cá nhân, một câu
chuyện rất riêng tư của người anh hùng và bạn đồng hành của cậu.

Sử thi là một thể loại văn học dân gian, xuất hiện vào thời kì bình minh của
các nền văn học, khi thần thoại đã dần mất đi và câu chuyện của những người anh
hùng được sinh ra để lấp đầy khoảng trống đó. Đây thường là những bài ca ca ngợi
các anh hùng, bài ca lịch sử gắn liền với sự kiện  lịch sử dân tộc trong một thời kì
nhất định. Đồng thời, thể loại này cũng là sản phẩm tinh thần của thời kì bước
ngoặt dân nhân để bước vào thời đại văn minh hơn.
Vì đặc trưng của sử thi là sự bao quát, đại diện cho tiếng nói chung của một
cộng đồng, một dân tộc nên nó có tính chất khách quan. Trở lại với sử thi Iliad - là
bản anh hùng ca chiến trận được viết bằng thể loại sử thi nên chắc chắn thể loại
này đã có những quy định, những ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung của tác phẩm,
để phù hợp với đặc trưng của thể loại. Như trong tác phẩm Iliad, đặc trưng của sử
thi có sự tương tác, chi phối hầu như toàn bộ các ngóc ngách của tác phẩm. Đặc
trưng đầu tiên của sử thi chi phối nội dung tác phẩm là hệ đề tài. Thông thường, sử
thi tái hiện các biến cố lịch sử (sự tồn vong của các bộ lạc, các cộng đồng dân cư
thời cổ đại), người anh hùng luôn chiến đấu vì bộ lạc. Chức năng của sử thi là tập
trung thể hiện tính chất cộng đồng, trở thành tiếng nói đặc biệt của cộng đồng. Mà
trong tác phẩm Iliad, hình tượng Hecto, Achilles... được sử thi xây dựng với đặc
điểm là chưa miêu tả rõ nét cá tính nhân vật, đồng thời còn ca ngợi phẩm chất anh
hùng, phẩm chất đạo đức: trách nhiệm với bạn hữu, thủy chung... được thể hiện
qua Achilles là chính, xây dựng lí tưởng chủ nghĩa anh hùng tập thể. Sử thi trong
Iliad miêu tả các sự kiện vốn đã thuộc về quá khứ hoàn toàn. Thế nên, nó mang
giọng điệu hùng tráng, trang nghiêm, cổ điển. Giai điệu bao trùm sử thi là chất thơ
tráng lệ trên một khung xương tự sự giàu kịch tính. Đặc biệt trong sử thi, người
anh hùng được so sánh với các hình ảnh thiên nhiên (Achilles “chạy nhanh như
gió”, “như con chim ưng nhanh nhất loài chim”... hoặc được so với  các loài mãnh
thú hung hiểm, mạnh bậc nhất “sư tử hung hăng, tàn bạo”, “con cá kình hung bạo”
hay Hector được ví, được so như “con lợn rừng hay con sư thử hiên ngang”... tạo
ra cái uy danh, sắc vóc mĩ lệ và trường tồn. Hình ảnh người anh hùng trong sử thi
Iliad vì thế mà nhuốm màu cảm quan của dân tộc.

Có thể nói, sử thi là hát chung để thể hiện khát vọng chung của một cộng
đồng. Thời kì sử thi Iliad ra đời là thời hoàng kim của thể loại ấy, nên không có gì
khó hiểu khi tác phẩm được viết bằng thể loại này để rồi đặc điểm thể loại đã chi
phối rất nhiều đến toàn bộ chỉnh thể của sử thi.

Trong khi đó, Trường ca Achilles được viết bằng thể loại tiểu thuyết, một
thể loại văn xuôi có hư cấu. Thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc, tiểu thuyết
phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu
hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những
chủ đề xác định còn sử thi là những tác phẩm tự sự dân gian có quy mô
lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành
tráng, hào hùng để kể về một hay nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng
đồng của cư dân thời cổ đại.

Về cơ bản, Trường ca Achilles đã viết lại khá trung thực những diễn biến
trong sử thi Iliad, nên bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra những điểm giống nhau ở
những sự kiện xảy ra trong hai tác phẩm. Gần như không có sự thay đổi lớn, mối
quan hệ giữa các nhân vật và việc tham gia cuộc chiến đã được kể khá trung thực
với sử thi. Tuy nhiên, sự khác biệt của hai thể loại đã ảnh hưởng đến hai tác phẩm
trên các phương diện đề tài, nhân vật và giọng điệu. Về đề tài, Iliad kể về câu
chuyện chiến tranh hùng vĩ, trong khi Trường ca Achilles tập trung vào câu chuyện
riêng tư. Về nhân vật, ở Iliad, vẻ đẹp của nhân vật được bộc lộ chủ yếu thông qua
hành động thì ở Trường ca Achilles, nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải (hai
cậu bé Achilles và Patroclus có những cảm xúc yêu đương với nhau) mặc dù họ
cũng hành động (tham gia trận chiến thành Troy). Một ý nữa là giọng điệu của sử
thi rất trang trọng, tự hào còn giọng văn tiểu thuyết thì lại thân mật, tình cảm hơn.
Bên cạnh đó tiểu thuyết còn phân tích cặn kẽ các diễn biến tình cảm. Có thể thấy
những điều này trong mối tình đồng giới của hai nhân vật chính: Patroclus và
Achilles rằng họ gắn kết với nhau bằng thứ tình cảm không thể tách rời, thứ tình
cảm vượt lên trên cả tình bạn, tình tri kỉ đầy tính nhân văn. 

Tiểu thuyết thì nói về cái gì đó gần gũi hơn là sử thi. Sử thi mang vẻ bao
quát, đại diện. Ngoài ra đặc trưng của tiểu thuyết như tính văn xuôi, đa dạng sắc
thái thẩm mỹ, tính hư cấu, tính tính phản ánh toàn vẹn cuộc sống... cũng là yếu tố
làm nên sự khác nhau giữa hai thể loại tiểu thuyết và sử thi. Đồng thời nó cũng chi
phối đến nội dung của tác phẩm Trường ca Achilles.

2.3. Ngôi kể.


Sử thi Iliad đợc kể theo ngôi thứ 3, khi người  kể gọi các nhân vật bằng
chính tên của chúng (cụ, Phêbuyt – Apôlông, thần, họ, Asin... cụ thể hơn: “Thần
dừng chân cách xa các chiếc thuyền, bắn một mũi tên” (tr.7)).  Người kể tự giấu
mình đi như là không có mặt, nhưng thực ra có mặt ở khắp nơi. Với điểm nhìn bao
quát các sự việc và có thể kể một cách linh hoạt như vậy thì nội dung của tác phẩm
anh hùng ca trở nên khách quan nhất có thể. Mục đích của sử thi Iliad là kể về
cuộc chiến giữa các anh hùng thành Troy và Hy Lạp, nên chọn ngôi thứ 3 để kể sẽ
dễ bao quát, trung lập hơn. Với những tác phẩm mang tính thời đại, dân tộc như
vậy, chúng ta không thể dùng ngôi kể thứ hai hay thứ nhất được (quá chủ quan),
nên ngôi kể thứ 3 là hợp lí nhất, nó phù hợp với những câu chuyện mang tính tập
thể, chủ đề lịch sử, bao trùm. 

Ưu điểm lớn nhất của ngôi kể này là tính khách quan được thể hiện rõ, và
nhược điểm là thiếu đi tính chủ quan. Một mặt, nó làm rất tốt trong việc xây dựng
hình tượng người anh hùng Hy Lạp, nhất là Achilles - người mang vẻ đẹp hoàn mỹ
của thời cổ đại, hiện hữa vẻ đẹp tổng hòa các sức mạnh tinh thần và thể chất một
cách khách quan, đó là vẻ đẹp đại diện cho cộng đồng, đáng được tôn kính.
Achilles mang vẻ đẹp của một vị bán thần "hoàn hảo mạnh vô song”, “vô khuyết”:
“chạy nhanh như gió”, "Asin đâm lao xông lên như một con quỷ, sục sạo khắp
nơi,  đuổi theo chém giết mọi người làm máu chảy xuống đất đen như suối”... hay
mang vẻ đẹp “kiêu hãnh về sức khỏe” được ví như “con lợn rừng hay con sư tử
hiên ngang” như Hector... Có thể thấy, việc chọn ngôi kể ở ngôi thứ ba kết hợp với
việc dịch chuyển điểm nhìn linh hoạt, tạo cho tác phẩm của ông khung cảnh tráng
lệ của chiến trường mà nổi bật lên trên đó là hình tượng những người anh hùng
hoàn mỹ.

Trong khi đó, Trường câ Achilles được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể
xưng “tôi” kể lại trực tiếp những gì đã chứng kiến, trải qua, thể hiện tình cảm suy
nghĩ của mình. Sự độc đáo của quyển tiểu thuyết này là ở chỗ nó được kể bởi
Patroclus – bạn thân, tri kỉ, sau đó là người yêu của Achilles. Lời kể theo ngôi thứ
nhất của Patroclus khiến tác phẩm này mang một màu sắc rất đặc biệt, độc đáo so
với một câu chuyện thần thoại. Có thể thấy điều này ngay những câu đầu của tác
phẩm “Cha tôi là một vị vua”, “khi tôi năm tuổi”... và cả tác phẩm đều tồn tại rất
nhiều câu với dạng trần thuật như vậy. Ngôi kể thứ nhất có tác dụng là giúp người
đọc nắm bắt tâm trạng nhân vật sâu sắc, sinh động, chân thật và gần gũi. Từ đó,
nhân vật có thể bộc bạch trực tiếp, chân thực, cảm xúc nhân vật. Ngôi kể này có ưu
điểm là mang đậm tính chủ quan, nhưng lại thiếu tính khách quan. 

Có thể nói, việc dùng thể loại tiểu thuyết và ngôi kể thứ nhất để tạo nên tác
phẩm Trường ca Achilles, vừa mang nét hùng tráng vừa chứa chan nét “thơ” đậm
đặc... từ đó xây dựng nên hình tượng người anh hùng Achilles vừa đẹp đẽ, anh
dũng, lại có đời sống tình cảm hết sức sâu sắc với mối tình đồng giới cùng người
kể chuyện Patroclus. Với ngôi kể thứ nhất bởi Patrolus – nhân vật phụ, dường như
là vô danh trong mọi truyền thuyết về Achilles (chỉ có chi tiết: cái chết của anh
nguyên nhân dẫn đến bước ngoặt của cuộc chiến thành Troy) câu chuyện trở nên
thân thuộc, chi tiết, các mối quan hệ được tỉ mỉ hơn, đồng thời, cho ta thấy dụng ý
của tác giả khi để nhân vật Patroclus này kể chính câu chuyện tình của cuộc đời
anh và Achilles. Tóm lại, ta thấy một Achilles thật tình cảm, thật gần gũi, hào dũng
và đẹp đẽ qua ngôi kể thứ nhất mà tác giả cố ý xây dựng. Làm cho hình tượng
người anh hùng đến gần hơn với cuộc sống đời thường (biết yêu, biết giận dữ và
đau đớn).

2.4. Trình tự thời gian.

Việc xem xét sử thi Iliad và Trường ca Achilles trên phương diện thời gian
trần thuật mà cụ thể là trình tự thời gian (hay trật tự thời gian) sẽ phần nào luận
giải sự cảm thụ thời gian của tác giả trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, phản
ánh năng lực tư duy của người kể chuyện. Trên phông nền thời gian đó, hình tượng
nhân vật sẽ được tỏ rõ theo quan niệm, dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Mối liên hệ giữa trật tự thời gian của câu chuyện được kể (thời gian được
trần thuật) và trật tự của việc kể (thời gian trần thuật) được Genette – nhà cấu trúc
luận Pháp, đề cập trong lý thuyết thời gian (Diễn ngôn tự sự) đã cho thấy sự tham
gia của người kể chuyện trong việc thay đổi trình tự thời gian trần thuật theo dụng
ý nghệ thuật của họ. Nghĩa là, thời gian trần thuật (thời gian truyện) có thể không
tuân theo thời gian vật lí/thời gian biên niên (thời gian chuyện) của trình tự các sự
kiện mà ít nhiều có sự biến đổi, tái tạo và sắp xếp bởi người kể chuyện. Khoảng
cách tạo nên sự sai lệch thời gian đó được Genette gọi là thời sai (anachronies) và
được biểu hiện ở hai dạng cơ bản: đảo thuật/hồi cố (analepses) (các sự kiện vốn
xảy ra sau lại được kể trước thời điểm hiện tại) và dự thuật (prolepses) (kể trước
các sự kiện vốn diễn ra sau thời điểm hiện tại của câu chuyện). Ứng dụng lý thuyết
của G. Genette về trình tự thời gian trong việc nghiên cứu so sánh sử thi Iliad và
Trường ca Achilles, chúng tôi muốn làm rõ sự đặc sắc trong việc sắp xếp trật tự
thời gian trong hai tác phẩm và hiệu quả của nó trong việc khắc họa hình tượng
nhân vật anh hùng Achilles.
Như đã biết, sử thi Iliad ra đời vào khoảng thế kỉ VIII TCN, viết về sự kiện
năm cuối cùng của trận chiến tranh thành Troy và kết thúc ở lễ an táng của Hector
trong 12 ngày đình chiến. Với chủ đề chính là cơn thịnh nộ của chiến binh Achilles
và vua Agamemnon thuộc đội quân Hy Lạp. Trình tự thời gian trong sử thi Iliad đã
có sự đảo thuật, mở đầu tác phẩm là mối bất hòa giữa Achilles và Agamemnon
được nhắc tới qua lời ca cầu nữ thần thơ trong Ca khúc I: “Cơn thịnh nộ của
Achilles, con của Peles, cơn thịnh nộ của biết bao tai hại, đem đến cho quân Acai
biết bao thảm họa,… Ca đi, ca bắt đầu từ lúc người dòng giống của Atơrê, vua của
các chiến sĩ, và Achilles thần thánh, cùng nhau tranh cãi” (Iliad, tr7). Sau đó,
người kể chuyện mới quay ngược thời gian 10 ngày trước để lý giải nguyên nhân
gây nên cuộc tranh cãi gay gắt ấy. Cũng như sự kiện bệnh dịch hạch do thần
Apollon mang đến cho đội quân Hy Lạp được thông báo trước khi người kể
chuyện nhắc đến sự kiện Tư tế Chryses xin chuộc con gái là Chryseis bị
Agamemnon bắt giữ. Và vì không có trật tự cho khung thời gian trần thuật nên tác
giả có quyền tách sự kiện thành những đoạn độc lập hoàn chỉnh và tự do kể về nó ở
thì hiện tại. Ở Ca khúc III, trận giao tranh đặc biệt của Menelaus và Paris, sau khi
Menelaus hạ gục Paris thì thần Aphrodite đã cướp Paris về căn phòng của chàng.
Homer không tiếp tục sự kiện Menelaus đi tìm Paris mà thay vào đó kể sự kiện
thần Aphrodite đi tìm Helen và dẫn nàng đến bên Paris. Sau đó, tác giả mới nhắc
lại sự tức giận của Menelaus khi thấy địch thủ của mình trốn thoát (Iliad, tr60). Sự
sai lệch về thời gian có thể làm giãn tốc độ truyện kể và giúp người kể chuyện có
cơ hội miêu tả những sự kiện và nhân vật một cách tĩnh tại, khoan thai, chậm rãi, tỉ
mỉ và hoành tráng hơn. Như ở Ca khúc XVIII, sau khi Achilles khóc bạn và trong
tình thế khẩn trương, cấp bách, mong muốn được xông ra trận ngay thì tác giả lại
chậm rãi, khoan thai kéo dài thời gian bằng việc miêu tả cảnh Hephaistos từ lúc bắt
đầu rèn chiếc khiên đến những cảnh chạm khắc trên chiếc khiên vô cùng chi tiết và
sống động. Việc chêm xen sự kiện này như một đòn bẩy cho khoảnh khắc Achilles
trở lại chiến trường với dáng vẻ mạnh mẽ, uy dũng của một Aristos Achaion.

Nếu thời gian trần thuật của sử thi Iliad ngắn, tập trung vào giai đoạn cao
trào của cuộc chiến thì thời gian trần thuật trong Trường ca Achilles lại kéo dài,
mở rộng rất nhiều, Madeline Miller để nhân vật Tôi - Patroclus hồi tưởng gần như
toàn bộ cuộc đời từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, tham gia 10 năm chiến trận
cùng Achilles cho đến tận kết thúc sinh mệnh sang thế giới bên kia. Dù Madeline
Miller vẫn trung thành với thời gian, các sự kiện chính của cuộc chiến thành Troy,
cũng như tác phẩm của Homer, nhưng tác giả đã khéo léo thêm thắt những tình tiết
mới sao cho phù hợp với cuộc đời người anh hùng Achilles và cấu trúc lại thời
gian sao cho logic để mở đường cho hành trình đi vào khai thác thế giới nội tâm
của nhân vật Tôi và nhân vật trung tâm – Achilles.

Trình tự thời gian trần thuật của tác phẩm diễn tiến theo trật tự tuyến tính
qua những mảnh ký ức còn sót lại của nhân vật Tôi và được đánh dấu bởi những
mốc như “Khi tôi năm tuổi; Với tôi của năm chín tuổi; Ở tuổi mười ba; Đó là mùa
xuân, và chúng tôi mười lăm tuổi; Chúng tôi đã gần mười sáu;…Giờ chúng tôi đã
hai mươi bảy. Những cột mốc này đều có ý nghĩa trong việc định hình mối quan hệ
của nhân vật Tôi và Achilles. Đó là những hồi ức hướng nhân vật Tôi nhìn sâu vào
bên trong, làm sống dậy những kỉ niệm hạnh phúc và mê đắm cùng Achilles. Thời
gian vật lí mang tính miêu tả cũng được thể hiện qua từng đoạn ngắn với những
dấu hiệu như: chiều hôm ấy, ngày hôm sau, vào tuần thứ tư, một chiều nọ, vào cuối
hạ, về đêm, trong ánh chiều tà, mùa đông tới, xuân qua hạ tới,…

Thời gian trong Trường ca Achilles còn xuất hiện các dự thuật, tức kể trước
các sự kiện sẽ diễn ra sau đó. Như tiên đoán của thầy Chiron về cuộc chiến tranh
khi gửi tặng Achilles ngọn giáo dài mà thầy phải mất hàng tuần đẽo gọt từ khi
Achilles và Patroclus rời đi. Hay sự kiện Achilles sẽ là chiến binh giỏi nhất của thế
hệ này và cả mọi thế hệ sau được nhắc đi nhắc lại nhiều lần; kể cả lần dự thuật khi
Thetis nói với con trai: “Nếu con tới Troy, con sẽ không bao giờ trở lại. Con sẽ
chết trẻ ở đó” (Trường ca Achilles, tr148) và với Patroclus: “Ngươi sẽ chết sớm
thôi” (Trường ca Achilles, tr55). Việc sắp xếp những dự thuật này dù người đọc
biết trước kết quả nhưng điều khiến họ tò mò hơn là câu chuyện sẽ diễn ra thực tế
như thế nào.

Nếu ở sử thi Iliad, thời gian được trần thuật chưa được tác giả chú ý và
Homer chỉ dừng lại ở bình diện thời gian trần thuật thì sang Trường ca Achilles,
Madeline Miller đã kể chuyện tuân theo quy luật xa, gần và theo một trật tự thời
gian thay vì chỉ có những đoạn đảo thuật tạo thành những đoạn độc lập hoàn chỉnh
hay thời gian không được kể phối hợp như trong sử thi Iliad. Qua đó, Homer đã tỏ
rõ quan niệm về thời gian sử thi trong tâm thức người cổ đại: không có sự phân
biệt rạch ròi giữa thế giới thực đang tồn tại với thế giới thần linh và thời gian sử thi
mang tính chất hiện tại, việc tạo phối cảnh thời gian là không nhất thiết. Còn với
Madeline Miller, trình tự thời gian được phối cảnh và sắp xếp theo tuần tự nhằm
khai thác mọi bí ẩn của chiều sâu trong tâm hồn nhân vật. Suy cho cùng, thời gian
trần thuật trước hết là dụng ý nghệ thuật và phù hợp quan niệm của tác giả. Thời
gian sử thi Iliad cho phép nhà thơ đi sâu phân tích những xung đột dân tộc và tập
trung khắc họa nhân vật anh hùng trong chiến tranh, chiến đấu vì vinh quang, vì lợi
ích cộng đồng, thành bang. Còn thời gian trong Trường ca Achilles giúp Madeline
Miller được mở rộng biên độ cuộc đời nhân vật từ thuở hoa niên đến khi trưởng
thành và những biến chuyển tinh vi của cảm xúc và suy nghĩ, những giằng xé trong
tâm trạng của hai nhân vật được lột tả sâu sắc nhưng vẫn mang hơi thở của một
khúc ca về người anh hùng vĩ đại nhất Hy Lạp.

2.4. Bút pháp trần thuật.


Trong sử thi Iliad, khi kể chuyện, Homer hay dùng lối nhắc lại, lặp lại tình
tiết hay toàn bộ nội dung đã được nói đến nhằm giúp công chúng nắm bắt nội dung
câu chuyện. Phần vì trình tự thời gian trong trường ca đôi lúc đảo lệch, có những
đoạn tách khỏi thời gian trần thuật thì việc có những đoạn miêu tả nhắc lại sẽ giúp
người nghe dễ dàng theo dõi diễn biến tình tiết trong truyện mà không bị phân tâm
hay khó hiểu. Như ở Ca khúc I, mặc dù Homer đã lý giải nguyên nhân về việc
Achilles nổi cơn giận là do Agamemnon đã chà đạp tôn nghiêm và danh dự khi
cướp phần thưởng chiến thắng của mình là nàng Briseis, tuy nhiên, sau đó, Homer
đã nhắc lại tình tiết này lần nữa trong đoạn Achilles ngồi trên bờ cát và khẩn cầu
mẹ Thetis. Sau đó, đoạn Thetis đến gặp Zeus và xin giúp đỡ lại nhắc thêm lần nữa
sự kiện Agamemnon nhục mạ Achilles. Hay cùng là nghi lễ tế thần, dù trình tự các
nghi thức giống nhau nhưng mỗi lần nhắc đến, tác giả sẽ lặp lại nghi thức ấy như
một công thức có sẵn để tái hiện khung cảnh trang trọng trước lễ tế thần và không
khí tươi vui sau đó: “Sau khi cầu nguyện và tung lúa mạch chưa xay, họ kéo đầu
con vật hi sinh cho ngửa lên trời, chọc tiết và lột da. Họ chặt đùi, bọc vào hai lớp
mỡ… xếp thịt sống lên trên… Khi các đùi thịt đã cháy và họ ăn hết…xong đâu đấy,
họ dọn tiệc, ngồi lại cùng ăn… không ai thiếu phần vui hết thảy (Iliad, tr53).
Bên cạnh việc nhắc lại các tình tiết, tác giả còn lặp đi lặp lại nhiều tên nhân
vật hoặc đồ vật đính kèm định ngữ có chức năng như một tính từ nói lên đặc điểm
của nhân vật, đồ vật đó. Ví dụ Apollon bắn xa muôn dặm, Zeus gây sấm sét,
Achilles thần thánh chạy nhanh như gió, Athena đôi mắt cú mèo, Athena mắt sáng
long lanh, Aphrodite tóc vàng, Nữ thần Hera cánh tay trắng muốt, Briseis má đẹp,
Diomet dũng cảm… Thủ pháp này giúp người đọc nhanh chóng nhớ tên và dễ dàng
hình dung, phân biệt tính cách của hàng loạt anh hùng và thần linh mỗi khi xuất
hiện. Cách gọi tên từng nhân vật như vậy cũng tái hiện khía cạnh nào đó thuộc về
hơi thở, tinh thần Hy Lạp cổ đại; phù hợp với phông nền trận mạc, chiến tranh.
Một trong những nghệ thuật trần thuật đặc trưng trong sử thi Iliad nói riêng
và sử thi nói chung là lối văn so sánh mở rộng. Đây cũng có thể xem như phương
tiện diễn đạt cụ thể của con người từ thời cổ đại, mọi sự vật đều được nhận thức
bằng so sánh và vì so sánh là một nhu cầu tự nhiên của con người. Chẳng hạn ở Ca
khúc IV, có đoạn so sánh “Các đoàn quân Danaen xông ra chiến trường, từng từng
lớp lớp, chẳng khác gì những đợt sóng ngoài biển cả bị gió tây xô đẩy, dồn dập
đuổi nhau trên bờ biển âm vang” (Iliad, tr60). “Trong quân đội Troy, đông như
kiến, trái lại, binh sĩ la hét om sòm, chẳng khác gì hàng ngàn cừu cái trong mục
trường của một nhà giàu cho người ta vắt sữa trắng, và không ngớt kêu lên be be
khi nghe thấy tiếng cừu non” (Iliad, tr60). Từ một đối tượng cụ thể, nhà thơ đi tìm
một sự việc hay hình ảnh tương ứng, gần gũi và chêm xen việc miêu tả hình ảnh đó
thành một đoạn dài, sau đó mới quay trở về so sánh với đối tượng muốn miêu tả
lúc đầu. Thí dụ ở Ca khúc II “Thế là quân sĩ ào ào đổ đến, như những đàn ong
đông nghịt, từ một hốc đá bay ra, hết lớp này đến lớp khác, rồi tụm lại từng chùm,
lũ lượt bay về những đóa hoa xuân, đàn bay chỗ này, đàn bay chỗ nọ, từng bộ tộc
đông đúc cũng tuôn ra khỏi thuyền và các trại, trước bờ vịnh sâu, rồi nườm nượp
tiến về phía quảng trường” (Iliad, tr37). Ở đây, nhà thơ đã tỉ mẩn miêu tả đàn ong
đông nghịt và lũ lượt bay ra bay vào chỉ để làm rõ đối tượng đoàn quân Achaeans
đang tập trung ồ ạt trước quảng trường. Và đối tượng miêu tả có thể chỉ tương
quan về mặt bản chất phần nào đó mà không nhất thiết phải hoàn toàn giống với
đối tượng so sánh. 
Mục đích chính của sử thi Iliad là ca ngợi lý tưởng anh hùng với khát khao
chiến công vẻ vang cho cộng đồng nên khi miêu tả, nhà thơ đã dùng ngòi bút khi
hùng tráng, khi sôi nổi, kịch liệt để phác họa những trận chiến oanh liệt, từ đó làm
nổi bật hình tượng người anh hùng mang lý tưởng chiến đấu là vinh quang. Như
đoạn miêu tả cuộc tàn sát hung hãn của Achilles ở Ca khúc XX, “Achilles xông lên
giữa quân Troy, gầm thét vang trời, lòng đầy dũng cảm…Achilles tiến lại gần
Muliot, phóng lao vào tai y; mũi lao xuyên ra khỏi tai kia. Rồi cầm thanh gươm có
chuôi, Achilles bổ vào giữa đầu Eseclot, con của Acgieno. Cả thanh gươm liền
nóng rực lêm vì máu. Bóng chết đỏ ngầu phủ lên mắt Eseclot, và y đành khuất
phục số mệnh… Như một ngọn lửa thần kì bốc lên trong các thung lũng của một
ngọn núi khô, đốt cháy cây cối rậm rạp, rồi cuồn cuộn lan ra khắp nơi dưới sức
gió, Achilles cũng đâm lao xông lên như một con quỷ sục sạo khắp nơi, đuổi theo
chém giết mọi người…” (Iliad, tr106). Achilles hiện lên như chiến binh dũng mãnh,
biểu tượng của sức mạnh quân đội Hy Lạp. Hình tượng Achilles trong mối quan hệ
với thần linh lại càng tỏa ánh hào quang. Thần linh củng cố sức mạnh, giá trị của
người anh hùng; theo dõi và nâng đỡ họ vào những lúc nguy nan. Khi Achilles
xuất trận, Hera đã triệu tập Poseidon và Athena giúp đỡ chàng, Hephaestus rèn vũ
khí cho chàng đánh Hector, Zeus sai Athena xuống rỏ thần đơn để Achilles khỏi
đói, Athena đóng giả em của Hector giúp Achilles nắm chắc phần thắng… Có thể
thấy, thần linh luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ viên tướng họ muốn bảo vệ. Tuy
vậy, con người vẫn là hình tượng trung tâm trong mọi cuộc chiến, cuộc xung đột
và được tác giả xây dựng với đầy đủ năng lực, sức mạnh, tài năng và dũng mãnh
như một chiến binh thực thụ. 

Madeline Miller đã kế thừa những thủ pháp nghệ thuật của Homer vào
trong trường ca của mình. Đặc biệt là thủ pháp so sánh, các đối tượng so sánh nối
dài và có thể chồng chất lên nhau nhằm phục vụ làm rõ đối tượng cần so sánh. Như
đoạn Patroclus hồi tưởng những lần gặp Achilles thuở nhỏ đều để lại ấn tượng sâu
sắc trong mắt chàng: “Tóc sáng bừng lên như mật ong dưới ánh nắng, và giữa
những sợi tóc nháy lên ánh vàng - là vương miện của một vị hoàng tử…Mi mắt
cậu mang màu của bầu trời lúc bình minh; cậu có mùi như mặt đất sau cơn mưa…
Da cậu mang màu sắc của dầu olive mới ép, và mượt mà như gỗ đánh xi, không có
những vảy ghẻ hay mụn nhọt thường xuất hiện trên người cả đám chúng tôi…
giọng nói trong trẻo, như mạch suối băng tan chảy…”. Hay đoạn so sánh âm thanh
tiếng đàn của Achilles: “Ngón tay cậu chạm lên dây đàn, và tất cả suy nghĩ trong
tôi đều bay biến. Âm thanh ấy thanh khiết và ngọt ngào như nước, tươi sáng như
những trái chanh. Nó không giống bất kì thứ âm nhạc nào tôi đã từng nghe trước
đây. Âm thanh ấy mang hơi ấm như ngọn lửa, mang màu sắc và sức nặng như ngà
voi đánh bóng. Nó cùng lúc kích thích và xoa dịu người ta. Vài lọn tóc xoà xuống
che trước mắt cậu khi cậu chơi đàn. Những sợi tóc mảnh mai như chính những dây
đàn kia, và tỏa sáng” (Trường ca Achilles, tr37). Việc sử dụng lối so sánh đã phần
nào hình tượng hóa ngoại hình và hành động nhân vật. Và bằng thứ ngôn ngữ thấm
đẫm chất thơ, hình tượng Achilles hiện lên thật đẹp, mềm mại, sống động. Achilles
không còn xuất hiện như một cỗ máy chiến đấu như trong Iliad mà còn có đời sống
thế tục với những hoạt cảnh đời thường. Phần đặc điểm rất người ấy được
Madeline Miller từ từ bóc tách và lột tả ngày một nhiều hơn, đặc biệt qua mối quan
hệ tình cảm với Patroclus. Tình yêu làm cho Achilles trở về đúng nghĩa con người.
Một tình yêu bình thường của những con người bình thường, có vui buồn, có đau
khổ, hạnh phúc, có ghen tuông, giận hờn. Tuy nhiên không vì lý do này mà hình
tượng anh hùng Achilles bị hạ thấp, trái lại, Achilles cho người đọc cảm giác thân
thuộc, gần gũi, đa diện hơn. Ngoài Achilles, các nhân vật anh hùng khác cũng
được chú ý khắc họa tính cách và hành động. Không còn xuất hiện dày đặc lối gọi
tên theo định danh nữa mà Madeline Miller để nhân vật Tôi định danh họ qua
những dòng hồi ức về quá khứ: “Agamemnon. Kí ức về bộ râu đen thui rậm rạp;
một người đàn ông trông ủ dột với đôi mắt nheo lại, cảnh giác. Odysseus. Vết sẹo
quanh bắp chân anh ta, hồng bóng lên như nướu răng. Ajax. To gấp đôi bất kì ai
trong phòng, với chiếc khiên khổng lồ bên người… (Trường ca Achilles, tr106).

Nhưng cái hay của Trường ca Achilles không chỉ là những kế thừa, học hỏi
từ tác phẩm sẵn có mà còn ở sự sáng tạo của Madeline Miller. Bằng trí tưởng
tượng phong phú và ngòi bút đầy tài năng của mình, Trường ca Achilles giúp
người đọc có thêm góc nhìn mới khi khai thác những khao khát, trải nghiệm yêu
đương của Achilles và Patroclus nhưng vẫn tuân thủ những sự kiện chính của cuộc
chiến thành Troy và cái bóng của sử thi Iliad. Nếu Achilles trong Iliad hiện lên với
ước mơ và khát vọng ra chiến trường lập chiến công và chiến lợi phẩm thì Achilles
trong Trường ca Achilles hiện lên với những góc khuất cuộc đời, được kể bằng lớp
ngôn từ thấm đẫm chất trữ tình, mộng mị hòa trong cái không khí khắc nghiệt nơi
chiến trường Troy. Vì vậy mà đọc Trường ca Achilles, ta sẽ vừa cảm nhận được độ
hoành tráng, hào hùng của chiến tranh; vừa được chứng kiến câu chuyện mang tính
cá nhân của hai nhân vật chính. Sự kết hợp hài hòa này vừa tô điểm khúc ca cuộc
đời anh hùng của Achilles, vừa khắc họa về chuyện tình đẹp đẽ với đầy đủ những
sắc thái, cung bậc cảm xúc. 

Từ sử thi Iliad đến Trường ca Achilles, Madeline Miller đã thực sự làm


sống dậy hình tượng anh hùng Achilles qua lối kể vừa dồn dập, vừa tiết chế. Lắp
nối những mạch cảm xúc còn dang dở và viết tiếp câu chuyện phía sau về cuộc đời
Achilles mà sử thi Iliad đã bỏ ngỏ. Sức hấp dẫn trong quá trình trần thuật của
Madeline Miller vừa có những học hỏi từ Homer, cũng vừa là tài năng lột tả xuất
sắc của tác giả. Qua đó nhà văn làm mới một câu chuyện thần thoại quen thuộc
trên phông nền tiểu thuyết hiện đại, sử dụng lớp ngôn từ đầy chất thơ và được trau
chuốt tỉ mỉ, người đọc như được tham gia chứng kiến trực tiếp từng chặng đường
của nhân vật. Qua đó, có thể nói, sử thi Iliad của Homer đã khơi gợi cảm hứng
sáng tạo mãnh liệt cho Madeline Miller. Dấu vết của Homer trong Trường ca
Achilles khiến chúng ta tin rằng, sự ảnh hưởng của ông và sử thi Iliad sẽ còn tiếp
diễn trong hiện tại và tương lai. 

3. Lý giải
Lý do lớn nhất tạo nên những sự khác biệt giữa hai tác phẩm là thời gian.
Thời gian đã ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học, tạo ra những thể loại mới để
văn học tha hồ sáng tác. Thời gian cũng đã tạo ra những thay đổi lớn trong việc
tiếp nhận của độc giả, bởi quan niệm về người anh hùng ở thời Hy Lạp và hiện đại
chắc chắn khác nhau do sự khác biệt về hình thái kinh tế, xã hội giữa hai thời kì.
Thời xưa, khi năng lực sản xuất của con người có hạn, tập thể được coi trọng hơn
bao giờ hết, vì đoàn kết là điều kiện tất yếu để sinh tồn. Và những cuộc chiến tranh
nhằm mang lại vinh quang rực rỡ cho cộng đồng, dân tộc cũng như những vị anh
hùng kiệt xuất là ước mơ, là lý tưởng mà con người thời ấy luôn hướng tới. Trong
khi đó, ở thời hiện đại, khi năng lực sản xuất của loài người gia tăng nhanh chóng,
sự nối kết về cộng đồng cũng dần trở nên lỏng lẻo hơn. Đó là lý do mà một thể loại
chuyên kể về số phận cá nhân như tiểu thuyết lại được đông đảo người độc yêu
thích. Bởi giờ đây, hơn bao giờ hết, con người có nhu cầu nghe những câu chuyện
riêng tư, bởi thông qua đó, họ dễ dàng đào sâu vào nội tâm của chính mình. Đó là
lý do mà sử thi Iliad nhất định phải kể về câu chuyện của cộng đồng, còn Trường
ca Achilles chỉ kể về câu chuyện của những cá nhân cụ thể trong xã hội.
Bài so sánh này cũng đã thấy được mối liên hệ giữa hai tác phẩm. Rõ ràng,
Trường ca Achilles, một tác phẩm thuộc về nền văn học Mỹ đã có sự kế thừa một
câu chuyện của nền văn học Hy Lạp cổ xưa. Sở dĩ có ảnh hưởng ấy là vì một phần
lớn dân cư ở châu Mỹ hiện nay từng có gốc gác ở châu Âu. Cùng với quá trình
tranh giành đất đai của người bản địa, họ đã mang theo văn hóa châu Âu lẫn Hy
Lạp cổ đến vùng đất mới. Đó là lý do Trường ca Achilles tuy là một tác phẩm văn
học Mỹ, nhưng vẫn kể câu chuyện thuộc về sử thi của những người Hy Lạp cổ
xưa. Hiện tượng kể lại này đã thể hiện một nỗ lực truy tìm về những gốc gác cổ
của người hiện đại và quan trọng hơn hết là thể hiện sự kiến tạo của họ trên nền
quá khứ, bởi rốt cục, lý do để họ kể câu chuyện từ xa xưa ấy cũng là vì tìm ra một
lẽ sống cho thời kì hiện giờ.
III. KẾT LUẬN
Thông qua việc so sánh, đối chiếu hình tượng của hai tác phẩm sử thi Iliad
và Trường ca Achilles, nhóm đã chỉ ra được những điểm giống nhau trong diễn
biến của các sự kiện cũng như sự khác biệt về thể loại, ngôi kể, trình tự thời gian
và bút pháp trần thuật giữa hai tác phẩm. Đồng thời, nhóm cũng đã lý giải một
cách tương đối về nguồn gốc dẫn đến những sự khác biệt này. Đó là sự khác biệt
trong quan niệm về hình tượng người anh hùng, điều mà vốn dĩ là hệ quả do sự
khác biệt về kinh tế, chính trị, văn hóa của hai xã hội ở thời Hy Lạp và thời hiện
đại. Qua đó, nhóm hy vọng cung cấp cho các bạn một cách đọc, lý giải về hình
tượng người anh hùng Achilles.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, Nguyễn Đức Nam,
Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính & Phùng Văn Tửu, (2009), Văn học
phương Tây, NXB Giáo dục.

2. Iliad, Hôme, Phan Thị Miến dịch, Văn học, Hà Nội, 1983.

3. Lê Lưu Oanh, 2019, Lý thuyết về thời gian của G. Genette trong Diễn ngôn
tự sự, truy cập từ https://leluuoanh.wordpress.com/2019/02/23/ly-thuyet-ve-
thoi-gian-cua-g-genette-trong-dien-ngon-tu-su/
4. Madeline Miller, Jack Frogg, (2020), Trường ca Achilles, NXB Kim Đồng.
5. Nguyễn Phong Bình, (2014), Thời gian trần thuật trong tiểu thuyết viết về
đề tài chiến tranh của Erich Maria Remarque, tạp chí Khoa học ĐHSP
TPHCM. 
6. Nguyễn Văn Dân, (1998), Lý luận văn học so sánh, NXB Khoa học Xã hội.
7. Nguyễn Văn Khỏa, (2002), Anh hùng ca của Hô Me Rơ, NXB Văn học.
8. Ođixe, Hôme, Phan Thị Miến dịch, Văn học  Hà Nội, 1983. 
9. Phạm Ngọc Hiền, (07/12/2022), Những đặc điểm của thể loại tiểu thuyết sử
thi (Phạm Ngọc Hiền), truy cập tại http://phamngochien.com/nhung-dac-
diem-cua-the-loai-tieu-thuyet-su-thi-pham-ngoc-hien
10.Trần Thị Phương Phương, (2019), Giáo trình văn học so sánh, NXB Đại học
quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
11.Trần Thị Thuận, (17/4/2009), Huyền thoại chiến tranh Troy và những tiếng
đồng vọng của nó, Khoa Văn học, Tp.HCM. 

You might also like