You are on page 1of 6

NHỮNG SẮC THÁI RỰC RỠ CỦA VĂN HOÁ

VIỆT
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc mang một bản sắc riêng
thể hiện qua văn hoá ẩm thực, nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng
tôn giáo, tổ chức xã hội, văn học nghệ thuật, trang phục... Đó là những dấu
hiệu để nhận biết nhau, giúp hiểu biết về nhau. Trong số đó trang phục truyền
thống là một biểu trưng văn hoá phản ánh sinh động phong tục, tập quán, vẻ
đẹp và bản sắc riêng của mỗi dân tộc trên mỗi vùng miền đất nước. Trang
phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam gắn liền cùng quá trình dài
lao động, sáng tạo chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của từng tộc
người.

Mỗi bộ trang phục của mỗi dân tộc thể hiện bản sắc riêng qua việc tạo dáng,
trang trí họa tiết trên đó. Cách tạo dáng trang phục của phụ nữ ở mỗi dân tộc
cũng khác nhau. Hoa văn trang trí trên trang phục phản ánh sinh động môi
trường sống, lòng yêu thiên nhiên, quê hương, con người… là cơ sở để thẩm
định giá trị về sự đảm đang, tài năng khéo léo của người phụ nữ dân tộc đó.
Những hoa văn trên trang phục tác động đến thị hiếu, tình cảm, thói quen của
phụ nữ, đem lại niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống và lao động.
 Trang phục truyền thống trong lễ cưới của người Dao Đỏ.

Trong các vùng văn hóa không thể không kể đến không gian văn hoá rộng lớn
trải dài khắp đất nước của những lễ hội truyền thống, được tổ chức hàng năm
tại mỗi ngôi làng, nhằm tưởng nhớ tới các vị anh hùng có công với đất nước,
với làng xã, biểu đạt sâu sắc tinh thần gắn kết cộng đồng, đời sống, tín
ngưỡng, bản sắc văn hóa của mỗi ngôi làng Việt.

Theo thống kê, nước ta có trên 6.000 lễ hội dân gian, lưu giữ nhiều tầng lớp
văn hóa tín ngưỡng, ẩn chứa hệ tư tưởng đạo lý và triết học. Trong số đó có
các lễ hội tiêu biểu như: Hội Gióng, Lễ hội Đống Đa, Lễ hội Cổ Loa, Hội
Chùa Thầy, hội Thổi cơm thi làng Thi Cấm…

Nội dung các hội làng thường gắn với tục thờ cúng vị thành hoàng làng, quá
trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động vui chơi, giúp người dân gắn bó với
nhau về tinh thần, có trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều lễ hội phản ánh tinh
thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Đồng thời
phản ánh đậm nét vai trò của nhân dân - những người sáng tạo, kế thừa và trao
truyền các sáng tạo văn hóa vật thể, phi vật thể, chủ nhân chân chính của loại
hình di sản này.

Hội Gióng một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian
Việt Nam, một hình tượng đẹp đẽ, hào hùng nhất trong kho tàng truyền
thuyết Việt. Sức hấp dẫn Hội Gióng trước hết là ý nghĩa giáo dục lòng yêu
nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của
dân tộc Việt Nam.

Nghi thức đá bát trong Hội Gióng, làng Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội).

Hiện nay, các sản phẩm văn hoá tinh thần gắn bó với cộng đồng các dân tộc,
mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc dân tộc, đang được
sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành quản lý, thể hiện qua việc tích cực tái
tạo và lưu truyền các tinh hoa di sản văn hoá cho thế hệ tiếp nối bằng nhiều
hình thức như truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Các di sản văn hóa phi vật thể như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian;
nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền
thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian được cộng đồng xã hội
nhìn nhận là tài sản văn hoá có ý nghĩa trọng yếu, là nền tảng của văn hoá
truyền thống Việt Nam, động lực để gìn giữ bản sắc Việt Nam trước những
nền văn minh thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế.

Mới đây, Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu
số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
phê duyệt nhằm: Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc
thiểu số, đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu”
góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam;
Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các
dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục
truyền thống các dân tộc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cũng vừa ban hành Quyết
định số 805/QĐ-BVHTTDL về việc Xây dựng bộ ảnh chuyên đề "Sắc màu
các dân tộc Việt Nam", nhằm phản ánh những nét văn hóa đặc trưng về tập
quán sinh hoạt, trang phục truyền thống, hoạt động tín ngưỡng, lễ hội v.v…
của mỗi dân tộc anh em đã làm nên bức tranh văn hóa Việt Nam đặc sắc.
Những nét đẹp độc đáo ấy là niềm tự hào của mỗi dân tộc nói riêng, của Việt
Nam nói chung, được bạn bè quốc tế trân trọng, quan tâm và yêu thích.

Lễ rước truyền thống của nhân dân hai thôn Đình Cả và Lộ Bao (xã Nội Duệ,
huyện Tiên Du, Bắc Ninh) - một nghi lễ có ý nghĩa tâm linh được tổ chức đều
đặn hằng năm, gắn liền với dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất quan họ.

Nhận thức Đảng ta về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước
đã xác định rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động
lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh
tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với
các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Văn hóa ngày càng
được đề cao trong các mối quan hệ xã hội, các lĩnh vực hoạt động, xây dựng
văn hoá con người ở thời kỳ mới. Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng xác định:
Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Ðảng là then chốt; xây dựng
văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần.
Việt Nam đất nước của cộng đồng 54 dân tộc anh em, trong dòng chảy của
lịch sử, dù một dân tộc đã cư trú ở Việt Nam hàng nghìn năm hay mới vài ba
trăm năm, dù có những dân tộc hàng triệu người, có dân tộc chỉ vài trăm
người, nhưng mỗi dân tộc đều gắn bó số phận mình với lịch sử chung của các
dân tộc trong nước. Đứng trước những thử thách sống còn, thiên tai, địch hoạ
xảy ra với đất nước, càng làm các dân tộc xích lại gần nhau hơn, đoàn kết
nhau để chống chọi, tồn tại và phát triển. Trải qua quá trình đó, các dân tộc coi
nhau như anh em một nhà, chung đúc một truyền thống đoàn kết bền vững,
cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xứng đáng với lời Bác Hồ đã căn dặn trong thư gửi Đại hội các
dân tộc thiểu số: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán,
Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số
khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng
ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của
chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung
lực lượng lại để giữ vững quyền tự chủ của chúng ta”.

You might also like