You are on page 1of 17

ĐA DẠNG VĂN HOÁ XỨ THANH Ở TRƯỜNG DỰ BỊ ĐẠI HỌC DÂN

TỘC SẦM SƠN GẮN VỚI TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO KHU VỰC
MIỀN NÚI, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
TS. Lê Lâm - TS. Trịnh Thị Hoa
Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn
Tóm tắt: Đa dạng văn hoá xứ Thanh là một biểu hiện sinh động cho sự giàu
đẹp của Tiểu vùng văn hoá xứ Thanh, đồng thời cũng là tài sản vô giá, góp phần làm
phong phú thêm kho tàng văn hoá dân tộc. Đa dạng văn hoá xứ Thanh ở trường Dự bị
Đại học Dân tộc Sầm Sơn là điểm nổi bật làm nên đặc trưng riêng cho không gian văn
hoá của nhà trường. Phát huy đa dạng văn hoá xứ Thanh gắn với tạo nguồn nhân lực
cho khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số là tư duy giáo dục dựa trên mối quan hệ
giữa sức mạnh văn hoá và vai trò con người, qua đó góp phần nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền núi,
vùng dân tộc thiểu số hiện nay.
Đặt vấn đề
Đa dạng văn hóa (ĐDVH) là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân
tộc. Lịch sử đã chứng minh, dân tộc nào giữ gìn được bản sắc của mình thì dân tộc đó
mãi mãi trường tồn. Do đó, bảo tồn và phát huy ĐDVH trong sự phát triển là nhu cầu
khách quan của tiến bộ xã hội và cũng là nguyện vọng thiêng liêng của mỗi dân tộc.
Trong dòng chảy chung của văn hoá dân tộc, ĐDVH xứ Thanh là một nguồn
riêng, khác biệt nhưng không dị biệt với bản sắc văn hoá dân tộc. Nguồn riêng ấy cần
được gìn giữ, phát huy để những sắc thái xứ Thanh tiếp tục lan toả, làm giàu đẹp hơn,
phong phú hơn cho dòng chung. Đặc biệt, trong giáo dục hiện nay, khi mà vấn đề đào
tạo, bồi dưỡng những tri thức với bản lĩnh của người Việt Nam, xem bản lĩnh văn hoá
bản địa là hạt nhân cơ bản, duy lý xuyên suốt quá trình giáo dục, thì phát huy ĐDVH
xứ Thanh trong nhà trường cần phải được quan tâm, coi trọng.
Trường Dự bị Đại học (DBĐH) Dân tộc Sầm Sơn là nơi tạo nguồn nhân lực cho
khu vực miền núi (MN), vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và tỉnh Thanh Hoá
nói riêng. Hằng năm, số lượng học sinh DTTS của Thanh Hoá tham gia học tập tại
trường đều có tỉ lệ cao nhất so với các tỉnh khác. Do vậy, phát huy ĐDVH xứ Thanh
gắn với tạo nguồn nhân lực cho khu vực MN, vùng DTTS có ý nghĩa quan trọng, góp
phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
cho khu vực MN, vùng DTTS hiện nay.
Nội dung
1. Khái quát về đa dạng văn hoá và đa dạng văn hoá xứ Thanh
1.1. Đa dạng văn hoá - Sức mạnh mềm trong phát triển đất nước
Nếu hiểu văn hoá là “tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí
tuệ và tình cảm của một xã hội hay một nhóm xã hội, và rằng, ngoài nghệ thuật và văn
học ra, văn hóa bao gồm cả những lối sống, những cách chung sống, những hệ thống
giá trị, những truyền thống và những tín ngưỡng” (1), thì đa dạng văn hóa có thể hiểu là
1
sự cùng tồn tại của nhiều nền văn hóa, nhiều dạng thức văn hoá và biểu đạt văn hóa
khác nhau ở các vùng, miền, cộng đồng, dân tộc trên thế giới. Trong cuốn Sự đa dạng
văn hoá và đối thoại giữa các nền văn hoá - Một góc nhìn từ Việt Nam, Nguyễn Xuân
Nam cho rằng: “Về thực chất, nói đến sự đa dạng văn hoá là nói đến sự đa dạng về bản
sắc, sắc thái văn hoá giữa các cộng đồng người từ nhỏ đến lớn. Có thể bàn tới sự đa
dạng văn hoá giữa các gia tộc, các nhóm xã hội, các tộc người… trong một quốc gia
dân tộc nào đó. Chẳng hạn những sắc thái văn hoá rất phong phú và đa dạng của 54 tộc
người ở nước ta” (2).
Trong bối cảnh hiện nay, đa dạng văn hóa được coi “là một nguồn trao đổi, cải
tiến và sáng tạo, sự đa dạng văn hóa đối với nhân loại cũng cần thiết như sự đa dạng
sinh học trong trật tự cơ thể sống. Với ý nghĩa đó, đa dạng văn hóa là di sản chung của
nhân loại và phải được thừa nhận và khẳng định vì lợi ích của các thế hệ ngày nay và
mai sau” (3). Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của Tổ
chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khẳng định: “Đa
dạng văn hóa tạo nên một thế giới phong phú và đa dạng, gia tăng các lựa chọn, nuôi
dưỡng khả năng và giá trị của con người, và vì vậy, đa dạng văn hóa là một động lực
thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia” (4). Từ
đây, có thể khẳng định, đa dạng văn hoá chính là sức mạnh mềm đối với sự phát triển
của mỗi quốc gia, dân tộc.
Sức mạnh mềm được hiểu là sức hấp dẫn, thu phục, khả năng ảnh hưởng, lôi
cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác thông qua các phương thức mang
tính phi cưỡng chế trong quan hệ quốc tế. Trong các nguồn lực của sức mạnh mềm,
văn hóa và sự đa dạng văn hoá chính là nguồn lực quan trọng nhất có sức hấp dẫn dài
lâu, có khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn mạnh mẽ của một quốc gia đối với các quốc gia
khác. Bằng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, bằng sức lôi cuốn của tư tưởng và
tâm lý, bằng các hình thức hấp dẫn trong giao lưu và đối thoại văn hóa…, các quốc gia
sẽ tạo nên sự thu hút của riêng mình, gây ảnh hưởng và xác định vai trò của mình
trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam là quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm.
Trong lịch sử phát triển của mình, các triều đại phong kiến Việt Nam đã sớm có ý thức
tạo lập và phát huy sức mạnh văn hóa của đất nước. Việt Nam đã đối mặt và chiến
thắng những kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế (sức mạnh cứng) lớn gấp
nhiều lần. Đó chính là biểu hiện của việc vận dụng sức mạnh mềm văn hóa của Việt
Nam. Các nhà nghiên cứu đã đề cập tới nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam,
từ đó cho rằng, tính đa dạng văn hóa - một trong những đặc điểm tiêu biểu của nền văn
hóa Việt Nam, là một cội nguồn quan trọng tạo nên sức sống, sức lôi cuốn của văn hoá
Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Nghị quyết Trung
ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc đã nhấn mạnh: “Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà

2
đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Tính đa dạng là một đặc điểm lâu đời
của nền văn hóa Việt Nam, hình thành từ đặc điểm tự nhiên và xã hội của đất nước. Từ
góc độ tộc người và văn hóa, Việt Nam giống như một Đông Nam Á thu nhỏ, bởi vì
trên lãnh thổ Việt Nam hiện tồn tại đầy đủ các đại diện của các nhóm ngôn ngữ - tộc
người (ngữ hệ và ngữ tộc) lớn của Đông Nam Á, như Nam Á (trong đó có Môn -
Khmer, Việt - Mường, Thái, Mông - Dao), Nam Đảo (Austronesien) và Hán - Tạng
(Tạng - Miến, Hán). Mỗi tộc người thường hình thành các nhóm địa phương, giữa
chúng có những khác biệt nhất định về thổ ngữ (phương ngữ), trang phục, phong tục
tập quán, nghi lễ. Tình trạng đó khiến cho tính đa dạng và phong phú của văn hóa tộc
người càng trở nên sống động và rõ rệt hơn. Từ góc độ văn hoá vùng, có thể phân
vùng văn hóa Việt Nam thành 7 vùng văn hóa lớn, trong mỗi vùng lại có thể phân chia
thành các tiểu vùng văn hóa nhỏ hơn, khoảng 23 tiểu vùng, bao gồm: vùng văn hóa
đồng bằng Bắc Bộ, vùng văn hóa Việt Bắc, vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi Thanh
- Nghệ, vùng văn hóa Bắc Trung Bộ, vùng văn hóa Nam Trung Bộ, vùng văn hóa
Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng văn hóa Nam Bộ. Có thể nói, chúng ta có một nền
văn hóa đa dạng và phong phú, đồng thời có một nền văn hóa chủ lưu làm cơ sở cho
các cộng đồng văn hóa dân tộc thiểu số, đó là văn hóa Việt. Điều này thúc đẩy sự phát
triển yếu tố nội sinh của dân tộc, đồng thời tạo nên sức mạnh đoàn kết giữa các cộng
đồng dân tộc anh em trong quá trình bảo vệ Tổ quốc. Nó cũng tạo ra sức hấp dẫn, sự
lôi cuốn, khả năng chinh phục của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể nói,
thông qua những cách thức độc đáo của “sức mạnh mềm”, đa dạng văn hóa Việt Nam
ngày càng làm sâu sắc hơn ý thức dân tộc - quốc gia, ngày càng làm rõ thêm lịch sử
dân tộc, giá trị thiêng liêng của độc lập và chủ quyền quốc gia.
1.2. Đa dạng văn hoá xứ Thanh - nguồn riêng giữa dòng chung
Nằm ở vị trí thuộc Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa là điểm kết nối giữa đồng bằng
Bắc Bộ rộng lớn với khu vực miền Trung dài và hẹp. Về địa chất, miền núi Thanh Hóa
là sự nối dài của Tây Bắc Bộ, còn đồng bằng thì lớn nhất Trung Bộ. Với địa hình núi
non chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh, một số mạch núi kế tiếp mạch núi vùng Tây Bắc chạy
sát ra biển, nên ở Thanh Hoá, cảnh quan đồng bằng, biển và rừng núi nối kết và cận kề
nhau hơn, làm tăng tính chất rừng và biển của đồng bằng, chứ không "xa rừng, nhạt
biển" như đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Về khí hậu, Thanh Hóa vừa có kiểu khí hậu của
miền Bắc lại vừa mang những hình thái khí hậu của miền Trung. Vì những đặc điểm
khá điển hình này, Thanh Hoá được ví "như là hình ảnh của đất nước Việt Nam thu
nhỏ" và trở thành mảnh đất có vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - văn hoá quan
trọng của Việt Nam. Nếu sông Hồng đã làm nên nền văn minh Việt phía Bắc thì sông
Mã xứ Thanh cũng góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ với nền văn hóa
Đông Sơn nổi tiếng. Đất “thang mộc”, đất “quân vương” và cũng từng là đất kinh kỳ
đã đem đến cho xứ Thanh sự ảnh hưởng và tiếp cận với chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn
giáo tín ngưỡng ở trong nước và bên ngoài, thể hiện rõ sắc thái văn hóa xứ Thanh -
nguồn riêng, hội tụ và lan tỏa vào dòng chảy chung là văn hóa Việt.

3
Những dấu tích được tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ học ghi nhận rằng: Mảnh
đất xứ Thanh là một trong những “cái nôi” của loài người. Ngay từ thuở “bình minh”,
dọc dài theo dòng chảy mang nặng phù sa màu mỡ của con sông Mã, sông Chu, loài
người đã tựu trung về đây để dựng xây nên xóm làng, từng bước thêu dệt nên diện
mạo văn hóa xứ Thanh. Quá trình định cư lâu dài của người Việt ở vùng đất Thanh
Hóa cùng những nét độc đáo của phức thể văn hóa núi, văn hóa đồng bằng, văn hóa
biển đã làm nên sự đa dạng, phong phú, tiêu biểu của “Tiểu vùng văn hóa xứ Thanh”.
Trước hết, Thanh Hoá đa dạng trong các sắc thái văn hoá tộc người. Thanh
Hoá là một tỉnh đa tộc người, ngoài người Kinh (Việt) sinh sống ở đồng bằng, còn có
các tộc người thiểu số khác, như Mường, Thái, Khơ Mú, Thổ, Mông, Dao, thuộc các
nhóm ngôn ngữ: Việt - Mường, Môn - Khơ me, Thái - Tày, Mông - Dao, tụ cư chủ yếu
ở miền núi, trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước,
Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như
Thanh. Các tộc người ngày nay sinh sống xen cài với nhau, nhưng lại thuộc các vùng
sinh thái tự nhiên khác nhau: Thái, Mường ở thung lũng; Thổ, Khơ mú ở rẻo giữa, còn
Mông ở rẻo cao. Trong sự phân vùng văn hoá này, thì vùng núi các dân tộc Thanh Hoá
và Nghệ An lại gần gũi hơn với vùng văn hoá Tây Bắc và miền núi Thanh Nghệ.
Thanh Hoá là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, nhưng chủ yếu có 07 dân tộc là
là Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú. Người Kinh chiếm phần lớn dân số
của tỉnh và có địa bàn phân bố rộng khắp tỉnh. Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có
trên 1 triệu cư dân sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS có trên 600.000 người. Trong
cộng đồng các DTTS ở Thanh Hóa, người Mường có số dân đông nhất, sinh sống tập
trung ở các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Bá Thước… Riêng ở Cẩm
Thủy, người Mường chiếm gần 60% dân số. Chiếm tỷ lệ dân số đông thứ 2 là người
Thái. Các dân tộc khác có dân số và địa bàn sống thu hẹp hơn, như người Khơ Mú chỉ
sống chủ yếu ở hai bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn và xã Suối Lách, xã Mường Chanh,
huyện Mường Lát. Mỗi dân tộc lại có nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần làm phong
phú, đa dạng kho tàng văn hóa xứ Thanh.
Thanh Hoá đa dạng trong các sắc thái văn hoá vùng. Văn hóa vùng (hay văn hóa
địa phương) là một thực thể văn hóa, hình thành và tồn tại trong một không gian lãnh
thổ nhất định, thể hiện qua một tập hợp các đặc trưng văn hóa về cách thức hoạt động
sản xuất; về ăn, mặc, ở, đi lại; về cách tổ chức xã hội cổ truyền và giao tiếp cộng đồng;
về tín ngưỡng, phong tục và lễ hội; về các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật; về vui chơi giải
trí; về các sắc thái tâm lý của cư dân,... từ đó có thể phân biệt với các đặc trưng văn hóa
của vùng khác. Những đặc trưng văn hóa đó hình thành và định hình trong quá trình lịch
sử lâu dài, do cư dân các dân tộc trong vùng thích ứng với cùng một điều kiện môi
trường, có sự tương đồng về trình độ phát triển xã hội, đặc biệt là giữa họ có mối quan
hệ giao lưu văn hóa mật thiết. Thanh Hoá có 27 đơn vị hành chính (gồm 02 thành phố;
02 thị xã và 23 huyện). Đặc biệt, miền núi và trung du chiếm 2/3 diện tích của tỉnh
Thanh Hóa bao gồm 11 huyện: Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá

4
Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy và Thạch Thành. Văn
hoá vùng của Thanh Hoá là sự giao thoa hài hoà của văn hóa núi, văn hóa đồng bằng,
văn hóa biển. Đặc biệt, văn hoá DTTS của 11 huyện miền núi Thanh Hoá mang nhiều
đặc sắc, góp phần thêu dệt nên bức tranh đa dạng văn hoá xứ Thanh.
Thanh Hoá đa dạng các biểu đạt văn hoá. Đi cùng với đa dạng sinh thái, đa
dạng dân tộc/tộc người, đa dạng vùng miền là sự đa dạng các biểu đạt văn hóa xứ
Thanh, thể hiện tập trung ở sự đa dạng của các loại hình văn hóa. Chính vẻ đẹp rực rỡ,
đặc sắc của văn hoá các dân tộc đã tạo nên sự hội tụ và định hình các giá trị văn hóa
vật thể, phi vật thể trong tiểu vùng văn hóa xứ Thanh.
Xứ Thanh là miền đất cổ, lưu giữ nhiều dấu ấn của lịch sử, văn hóa dân tộc.
Cách đây khoảng 6.000 năm đã có con người tối cổ sinh sống. Từ địa bàn rừng núi
(núi Đọ, hang Con Moong), tiến ra trước núi, kéo xuống đồng bằng (Đa Bút, Cồn Cổ
Ngựa), rồi chiếm lĩnh biển khơi (Gò Trũng, Hoa Lộc). Sang đầu thời đại kim khí,
thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hoá Đông
Sơn, Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hoá: Cồn
Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ tương đương với văn hoá Phùng Nguyên, Đồng
Đậu, Gò Mun ở lưu vực sông Hồng. Tiếp đó là nền văn minh Văn Lang cách đây hơn
2.000 năm, văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hóa với kỹ thuật chế tác đồ đồng và trống
đồng đạt tới đỉnh cao đã toả sáng rực rỡ trong đất nước của các vua Hùng. Thanh Hoá
cũng là một vùng đất lịch sử lâu đời. Có lẽ hiếm có vùng đất nào như Thanh Hoá lại có
đầy đủ những mốc nổi tiếng đánh dấu các giai đoạn lớn của lịch sử, từ tối cổ đến tận
ngày nay. Do vậy, thiên nhiên và văn hoá Xứ Thanh đều thấm đượm sắc màu lịch sử.
Vì thế, ta dễ dàng bắt gặp bất kỳ nơi đâu trên quê hương xứ Thanh sự đa dạng của các
loại hình văn hoá. Cụ thể như các di tích khảo cổ học; các di tích lịch sử; các di tích
tôn giáo, tín ngưỡng; hệ thống chợ phiên, chợ quê; hệ thống danh thắng; lễ hội dân
gian; các phong tục, nghi lễ liên quan đến vòng đời người; các phong tục, nghi lễ của
cộng đồng và đời sống văn hóa; văn hóa ẩm thực; sinh hoạt nghệ thuật; hệ thống tri
thức dân gian…
Bản sắc văn hóa xứ Thanh cũng chính là tài sản tinh thần chung, là nguồn sức
mạnh giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt để vươn lên
trong hành trình phát triển không ngừng. Nó sẽ là nguồn sức mạnh nội sinh cho phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá.
1.3. Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn - Môi trường giáo dục đa văn
hoá và sứ mệnh tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số
Đào tạo cán bộ cho khu vực miền núi, vùng DTTS là chủ trương mang tính
chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tạo sự ổn định và phát triển bền vững
đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Phải chú trọng đào tạo, bồi
dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi". Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước đã
có nhiều chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dành riêng cho khu vực miền núi, vùng
DTTS. Sự ra đời của các trường DBĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam

5
chính là một minh chứng sinh động cho điều này.
Thuộc loại hình trường chuyên biệt, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn
được thành lập theo Quyết định số 3885/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 24/07/2003 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện Quyết định số 1127/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ, từ ngày 26/9/2022, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn chuyển
đơn vị chủ quản từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Uỷ ban Dân tộc. Trường có
chức năng thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong việc tạo nguồn
đào tạo cán bộ cho miền núi, vùng dân tộc theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019:
“Nhà nước thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán
trú, trường dự bị đại học cho người học là người dân tộc thiểu số, người học thuộc gia
đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” [Điều
61].
Nhiệm vụ của nhà trường là tổ chức tuyển chọn, bổ túc kiến thức, bồi dưỡng
văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh dân tộc Kinh sống ở khu vực kinh tế -
xã hội đặc biệt khó khăn có đủ trình độ vào học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên
nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý, tổ chức đời sống vật chất,
tinh thần cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh; phối hợp với các tổ chức, cá
nhân và gia đình học sinh trong hoạt động giáo dục; giữ gìn và phát triển những di sản
văn hoá dân tộc; bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của xã
hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Đối tượng học sinh
của nhà trường là người DTTS, người Kinh sống ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn, đã tốt nghiệp THPT và chưa đủ điều kiện vào đại học. Sau một năm ôn tập,
củng cố kiến thức theo chương trình dự bị đại học, học sinh sẽ được xét chuyển vào
học tại các trường đại học, cao đẳng. Tuy không có chức năng đào tạo nhưng trường
DBĐH Dân tộc Sầm Sơn chính là nơi tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở giáo dục tiếp
tục chu trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trải qua 20 năm thành lập và phát triển, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm
Sơn đã trở thành đơn vị có uy tín, chất lượng cao trong giáo dục hệ dự bị đại học, đáp
ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền núi, vùng DTTS. Nhà trường đã
hoàn thành tốt nhiệm vụ xét tuyển và tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho hơn 11 nghìn
học sinh DTTS, giúp các em tự tin bước vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp
chuyên nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau. Các thế hệ học sinh sau khi tốt nghiệp
đại học, cao đẳng đã trở về miền núi công tác. Nhiều học sinh đã phấn đấu vươn lên
trong quá trình học tập, trở thành các nhà khoa học, nhà quản lý, đóng góp đáng kể vào
sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Với truyền thống giáo dục
nhiều năm qua, nhà trường vinh dự nhiều lần được nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, của Uỷ ban Dân tộc.
Là ngôi trường thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục
dân tộc, trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn chính là nơi hội tụ văn hoá của các vùng,
miền, các dân tộc trong cả nước. Chính vì thế, đa dạng văn hoá chính là nét đặc trưng

6
nổi bật tạo nên môi trường giáo dục đa văn hoá cho nhà trường,
Phải nói đến đầu tiên là đa dạng về văn hoá tộc người. Theo thống kê trong thời
gian 20 năm bồi dưỡng dự bị đại học, đã có 31 tộc người có học sinh tham gia học tập
tại trường. Cụ thể qua bảng sau:
STT Dân tộc Số lượng Tỷ lệ %
1 Mường 5378 48.12
2 Thái 3380 30.24
3 Thổ 616 5.51
4 Ba Na 3 0.03
5 Dao 163 1.46
6 Khơ mú 38 0.34
7 Nùng 20 0.18
8 Tà Ôi (pacô, pahy) 635 5.68
9 Tày 57 0.51
10 Sán Dìu 2 0.02
11 Khmer 2 0.02
12 H'Mông 326 2.92
13 Ê Đê 5 0.04
14 Chăm 2 0.02
15 Bru-Vân Kiều 237 2.12
16 Cơ Tu 222 1.99
17 Ơ Đu 5 0.04
18 Pà Thẻn 1 0.01
19 Gia Rai 1 0.01
20 Hoa 8 0.07
21 Sán Chay 1 0.01
22 Kháng 1 0.01
23 Phù Lá 2 0.02
24 Lào 3 0.03
25 La Ha 1 0.01
26 Chứt (Sách) 41 0.37
27 Hà Nhì 2 0.02
28 Co 1 0.01
29 Hrê 1 0.01
30 Mán 2 0.02
31 Kinh 20 0.18
Tổng 11176 100
Từ bảng số liệu cho thấy, tộc người Mường có tỷ lệ đông nhất, có 5377 học
sinh, chiếm tỉ lệ 48.13% tổng số học sinh đã học tại trường. Người Mường tập trung
hầu hết ở các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Hoà Bình. Đứng thứ hai là tộc người Thái,
với 3378 học sinh, chiếm tỉ lệ 30.24%. Người Thái phần nhiều thuộc các tỉnh Thanh
Hoá, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên. Một số dân tộc cũng có số học sinh đông như Thổ,
Tà Ôi (pacô, pahy), H'Mông, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu. Bên cạnh các dân tộc có số dân
đông thì còn có các dân tộc rất ít người như Chứt (Sách), Ơ Đu, Pà Thẻn, La Ha. Sự
góp mặt của các dân tộc đã làm phong phú, đa dạng cho bức tranh tộc người của
trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn.
Thứ hai là đa dạng văn hoá vùng. Trong 20 năm thực hiện công tác giáo dục, đã

7
có 23 tỉnh có học sinh tham gia học tập tại trường. 23 tỉnh là 23 không gian văn hoá
vùng với những đặc trưng riêng biệt, góp phần tạo nên sự đa dạng về sắc thái văn hoá
địa phương, từ đó đem đến vẻ đẹp muôn màu cho bức tranh văn hoá dân tộc ở trường
DBĐH Dân tộc Sầm Sơn.
STT Tỉnh Số lượng Tỷ lệ %
1 Hòa Bình 90 0.81
2 Cao Bằng 14 0.13
3 Lai Châu 5 0.04
4 Yên Bái 9 0.08
5 Thái Nguyên 2 0.02
6 Sơn La 47 0.42
7 Lạng Sơn 7 0.06
8 Tuyên Quang 5 0.04
9 Lào Cai 2 0.02
10 Bắc Giang 3 0.03
11 Hà Giang 3 0.03
12 Điện Biên 45 0.40
13 Bắc Kạn 9 0.08
14 Ninh Bình 352 3.15
15 Thanh Hoá 6838 61.18
16 Nghệ An 2574 23.03
17 Hà Tĩnh 8 0.07
18 Quảng Bình 43 0.38
19 Quảng Trị 315 2.82
20 Thừa Thiên - Huế 799 7.15
21 Gia Lai 3 0.03
22 Kon Tum 1 0.01
23 Quảng Ngãi 2 0.02
Tổng 11176 100
Theo số liệu thống kê từ bảng trên, Thanh Hoá là tỉnh có số lượng học sinh theo
học đông nhất, có 6838 em, chiếm tỉ lệ 61.18%. Đứng thứ hai là Nghệ An, có 2574
em, chiếm 23.03%. Các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Ninh Bình tuy không có
tỉ lệ cao như Thanh Hoá, Nghệ An nhưng cũng là những tỉnh có nhiều học sinh học tập
tại trường. Chiếm tỉ lệ ít trong tổng số học sinh tham gia học tập tại trường là các tỉnh
phía Bắc như Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Giang… và một số tỉnh
thuộc miền Trung như Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum. Có thể lý giải điều này từ
nhiều nguyên nhân như: Thanh Hoá là tỉnh đông dân, trong đó có tới 11 huyện miền
núi nên nhu cầu học tập của học sinh vùng DTTS cao; trường DBĐH Dân tộc Sầm
Sơn đặt trên địa bàn Thanh Hoá, thuận lợi về không gian nên phù hợp với việc lựa
chọn môi trường học tập của các em; trước đây, khu vực tuyển sinh của nhà trường là
07 tỉnh Bắc Trung bộ (gồm Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,
Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) nên học sinh thuộc các tỉnh Bắc Trung bộ đông hơn học
sinh khu vực phía Bắc.
Nhìn vào bức tranh tổng thể văn hoá vùng, có thể thấy, môi trường giáo dục của
trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn là sự hoà trộn của nhiều mảng màu văn hoá khác
8
nhau. Có vùng văn hóa Việt Bắc, vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi Thanh - Nghệ,
vùng văn hóa Bắc Trung Bộ, vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên. Đa dạng văn
hoá vùng đã làm nên sự đa dạng trong các biểu đạt văn hoá. Mỗi học sinh khi xuống
trường học tập đều mang trong mình một dấu ấn văn hoá của dân tộc mình, địa
phương mình. Từ trang phục, ngôn ngữ, lối sinh hoạt cho đến phong tục, tập quán và
những tri thức văn hoá dân gian tích luỹ qua quá trình sống. Do đó, trong tổ chức và
quản lý các hoạt động giáo dục cho học sinh, nhà trường cần phải quan tâm đến sự đa
dạng các sắc thái văn hoá, coi trọng việc giao lưu và đối thoại văn hoá, từ đó xây dựng
môi trường học tập trên tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân
tộc.
Lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống các trường DBĐH Dân tộc cho
thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện chiến lược về
tạo nguồn đào tạo cán bộ cho miền núi, khẳng định vai trò của các trường DBĐH Dân
tộc trong sự nghiệp giáo dục dân tộc. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội,
đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại tại khu vực miền núi, vùng DTTS nói
chung và khu vực miền núi, vùng DTTS tỉnh Thanh Hoá nói riêng, trường DBĐH Dân
tộc Sầm Sơn cần ý thức hơn nữa sứ mệnh lịch sử của mình trong tạo nguồn đào tạo
cán bộ, từ đó không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, linh hoạt trong tổ chức các
hình thức học tập, sáng tạo trong quản lý dạy học. Đặc biệt, cần phải phát huy sự đa
dạng của văn hoá trong tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường, gắn giáo dục
văn hoá với giáo dục kiến thức cho học sinh, nhằm tạo ra nguồn nhân lực không chỉ có
trình độ chuyên môn mà còn phải có nền tảng tri thức văn hoá, có bản lĩnh dân tộc, có
ý chí tự lực tự cường và khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh.
2. Đa dạng văn hoá xứ Thanh ở trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn
2.1. Những biểu hiện của đa dạng văn hoá xứ Thanh ở trường Dự bị Đại học
Dân tộc Sầm Sơn
2.1.1. Đa dạng văn hoá tộc người
Theo số liệu khảo sát ở trên, Thanh Hoá là tỉnh có số học sinh theo học cao
nhất. Điều này không chỉ tạo nên vẻ đẹp của Tiểu vùng văn hoá xứ Thanh trong bức
tranh văn hoá nhà trường mà còn khẳng định vai trò, vị trí của trường DBĐH Dân tộc
Sầm Sơn trong tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền núi, vùng DTTS tỉnh Thanh Hoá.
Thanh Hoá có 07 tộc người sinh sống, gồm Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông,
Dao, Khơ Mú. Khảo sát trong 20 năm, số tộc người có học sinh theo học tại trường cụ
thể như sau:
STT Dân tộc Số lượng Tỷ lệ %
1 Mường 5257 76.88
2 Thái 795 11.63
3 Thổ 559 8.17
4 H'mông 159 2.33
5 Dao 53 0.78
6 Kinh 15 0.21
Tổng 6838 100
9
Từ số liệu cho thấy, có 06 tộc người góp mặt trong bức tranh đa dạng văn hoá
tộc người của trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn. Trong đó, người Mường là dân tộc có
số học sinh đông nhất, 5257 em, chiếm tỉ lệ 76.88% tổng số học sinh Thanh Hoá đã
học tập tại trường. Người Mường sống tập trung chủ yếu ở các huyện Ngọc Lặc,
Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thuỷ và một số xã miền núi giáp ranh các huyện Triệu
Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Hà Trung. Tuy không có chữ viết riêng, song người
Mường tỉnh Thanh Hoá có kho tàng văn nghệ dân gian đậm đà bản sắc. Sau dân tộc
Mường là người Thái, có 795 em, chiếm 11.63% số học sinh Thanh Hoá đã học tập tại
trường. Thái đen và Thái trắng là 2 nhánh chính của người Thái tỉnh Thanh Hoá. Đồng
bào trong nhóm Thái trắng (Táy dọ) chủ yếu cư trú ở huyện Thường Xuân và 1 số xã
miền núi của huyện Như xuân, Triệu Sơn. Đồng bào nhóm Thái đen (Táy đăm) sinh
sống trên địa bàn miền núi vùng cao như: Quan Hoá, Bá Thước, Quan Sơn, Mường
Lát, Lang Chánh. Dân tộc Thái có kho tàng văn hóa lâu đời và đồ sộ trên mảnh đất xứ
Thanh. Các tộc người còn lại, Thổ, H’Mông, Dao tuy có số lượng học sinh theo học
thấp hơn nhưng đều là những DTTS có bản sắc văn hoá đặc trưng, góp phần tạo nên sự
đạng của văn hoá tộc người xứ Thanh trong môi trường học đường.
Các nghiên cứu cho rằng, văn hóa dân tộc/tộc người là nền tảng để nảy sinh ý
thức dân tộc/tộc người. Ý thức dân tộc/tộc người là những tình cảm, tâm lý tộc người,
thể hiện đặc điểm văn hóa của các dân tộc/tộc người khác nhau. Khi văn hóa dân
tộc/tộc người mai một thì ý thức dân tộc/tộc người mất đi và chính dân tộc/tộc người
đó cũng bị tàn lụi. Ý thức dân tộc/tộc người chân chính góp phần hình thành ý thức
quốc gia - dân tộc. Vì vậy, để tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho khu
vực miền núi, vùng DTTS tỉnh Thanh Hoá, không thể không quan tâm giáo dục việc
giữ gìn và phát huy đa dạng văn hoá tộc người xứ Thanh.
2.1.2. Đa dạng văn hoá vùng
Sự đa dạng của văn hoá xứ Thanh ở trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn còn được
thể hiện qua các sắc thái văn hoá vùng. Tính đến thời điểm hiện tại, có 17 huyện thuộc
tỉnh Thanh Hoá có học sinh là người DTTS, người Kinh theo học tại trường. Cụ thể:
STT Huyện Số lượng Tỷ lệ %
1 Cẩm Thuỷ 1776 25.97
2 Ngọc Lặc 1111 16.25
3 Thạch Thành 1054 15.41
4 Bá Thước 735 10.75
5 Như Xuân 524 7.67
6 Như Thanh 428 6.26
7 Thường Xuân 325 4.75
8 Lang Chánh 276 4.04
9 Mường Lát 194 2.84
10 Quan Sơn 157 2.29
11 Quan Hoá 154 2.25
12 Yên Định 53 0.78
13 Triệu Sơn 34 0.49
14 Thọ Xuân 10 0.15

10
15 Hà Trung 4 0.06
16 Vĩnh Lộc 2 0.03
17 Bỉm Sơn 1 0.01
Tổng 6838 100
Cẩm Thuỷ là huyện có số học sinh đông nhất, 1776 em, chiếm tỉ lệ 25.97% tổng
số học sinh Thanh Hoá đã học tập tại trường. Điều này cũng dể hiểu, vì Cẩm Thủy là
huyện miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm
53,4%, dân tộc Dao 2,9%, còn lại là dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Sau Cẩm Thuỷ
là Ngọc Lặc và Thạch Thành, đây cũng là 2 huyện có tỉ lệ học sinh theo học đông. Bên
cạnh các vùng miền núi thấp thì có các vùng rẻo cao như Mường Lát, Quan Sơn, Quan
Hoá. Sự đa dạng về vùng, miền đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho không
gian văn hoá vùng ở trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn. Có thể nói, 17 huyện là 17 là
thực thể văn hóa, mang những đặc trưng riêng về ngôn ngữ, trang phục, cách thức giao
tiếp cộng đồng; về tín ngưỡng, phong tục và lễ hội; về các sinh hoạt văn hóa nghệ
thuật; về vui chơi giải trí; về các sắc thái tâm lý của cư dân...
2.2. Sự cần thiết phải phát huy đa dạng văn hoá xứ Thanh ở trường DBĐH
Dân tộc Sầm Sơn
Phát huy đa dạng văn hoá xứ Thanh ở trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn là cần
thiết.
Thứ nhất, tự thân đa dạng văn hoá xứ Thanh đã là mang một giá trị tinh thần
tốt đẹp, hoà điệu và toả sáng cùng hệ giá trị văn hoá của dân tộc. Do đó, đa dạng văn
hoá xứ Thanh cần phải được gìn giữ, phát huy trong thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là
với thế hệ trẻ Thanh Hoá – đối tượng học sinh chiếm tỉ lệ cao nhất của nhà trường.
Khởi phát từ “cái nôi” dân tộc, văn hóa xứ Thanh mang đầy đủ các đặc trưng của nền
văn hóa Việt Nam. Đó là nền văn hóa được hun đúc trong trường kỳ lịch sử đầy biến
động mà hình thành nên những phẩm chất cao đẹp là tinh thần yêu nước, ý chí tự
cường, tinh thần đoàn kết; ở lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đức tính cần
cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống của con người;
ở sự phong phú của đời sống văn hóa, gắn với sự đa dạng các di sản văn hóa vật thể và
phi vật thể... Đa dạng văn hoá xứ Thanh thực chất là nét đẹp của bản sắc xứ Thanh
được kết tinh ở hệ giá trị văn hóa dân tộc, thấm sâu vào mọi hoạt động vật chất, tinh
thần, phong tục, tập quán, sinh hoạt cá nhân, mang diện mạo, trí tuệ, tâm hồn, phong
cách của các dân tộc xứ Thanh. Những nét đẹp của bản sắc xứ Thanh cần được lan toả
trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam để những giá trị truyền thống bản địa không bị
hòa tan mà còn có cơ hội quảng bá, phát triển rộng khắp ở mọi không gian văn hoá
khác nhau.
Thứ hai, phát huy đa dạng văn hoá xứ Thanh là một nhiệm vụ giáo dục gắn với
thực hiện chủ trương dạy học của Bộ GD&ĐT. Theo Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT
về Quy định tổ chức hoạt động văn hoá của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo
dục; Công văn số 5977 của Bộ GD&ĐT năm 2008 về việc Hướng dẫn thực hiện nội
dung giáo dục địa phương cấp THCS và THPT, thì việc tổ chức các hoạt động văn hóa
11
và giáo dục văn hoá địa phương là nhiệm vụ của mỗi nhà trường, nhằm hình thành thói
quen, hoàn thiện nhân cách học sinh; tạo điều kiện để học sinh giao lưu, học hỏi, tiếp
thu giá trị văn hóa các vùng, miền; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng cảm thụ văn
hóa - nghệ thuật, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường;
điều chỉnh những hành vi ứng xử lệch lạc, thiếu chuẩn mực văn hóa của học sinh; ngăn
chặn các hành vi bạo lực, các tệ nạn xã hội, các hành vi trái với thuần phong mỹ tục,
truyền thống văn hóa Việt Nam. Trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn đặt trên địa bàn tỉnh
Thanh Hoá, vì thế, học sinh cần phải được học tập, tìm hiểu những giá trị về lịch sử,
văn hoá địa phương nơi trường đóng. Điều này không chỉ góp phần làm phong phú
nền tảng kiến thức văn hoá cho các em mà còn làm cho mọi sắc thái văn hoá xứ Thanh
được lan toả rộng hơn, khiến đa dạng văn hoá xứ Thanh trở thành “mã định danh” của
xứ Thanh.
Thứ ba, phát huy đa dạng văn hoá xứ Thanh chính là phát huy mối quan hệ
giữa sức mạnh văn hoá với tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền núi, vùng DTTS tỉnh
Thanh Hoá. Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh
Hoá đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Thanh Hóa là tỉnh có vị trí
chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc
với Bắc Trung Bộ. Xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở
thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành
tứ giác phát triển là trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa và cả nước nhằm hiện thực hoá
lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh Thanh Hóa” (). Để cụ thể hoá quan điểm chỉ
đạo của Đảng và thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2045 phải đưa Thanh Hóa trở
thành “tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của
cả nước” () thì vấn đề then chốt chính là nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc mọi lĩnh
vực. Nguồn nhân lực ấy cần có vốn tri thức hiện đại; có trình độ tay nghề cao và thành
thạo trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; có khả năng sáng tạo và phát minh khoa
học; biết tiếp thu và thích ứng nhanh với những biến đổi trong các lĩnh vực công nghệ
cao; có khả năng đưa ra các quyết sách tầm vĩ mô kịp thời và phù hợp nhất nhằm mục
tiêu đến năm 2045 phải đưa Thanh Hóa trở thành “ tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện
đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” như Nghị quyết 58 đã nêu. Một
điều rất quan trọng khác là nguồn nhân lực ấy phải có tính nhân văn cao cả, sâu sắc, có
phẩm chất đạo đức và nền tảng văn hóa vững chắc. Nguồn nhân lực như thế chỉ có thể
có được nhờ một hệ thống giáo dục đổi mới, tiên tiến, biết giữ gìn, kế thừa, phát huy
các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời biết chắt lọc một cách khôn
ngoan những tinh hoa của văn hóa nhân loại. Do vậy, muốn đảm bảo cho sự nghiệp
xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoa theo yêu cầu của Nghị quyết 58 thì phải coi
trọng văn hoá, đặc biệt là phải phát huy được sự đa dạng văn hoá xứ Thanh trong phát
triển nguồn nhân lực. Bởi, đa dạng văn hóa chính là khởi nguồn cho những tiềm năng
sáng tạo của con người; là động lực thúc đẩy phát triển, không chỉ tăng trưởng kinh tế,
mà còn làm phong phú hơn cuộc sống trí tuệ, tình cảm, đạo đức, tinh thần, nhân cách

12
của mỗi cá nhân và cộng đồng.
2.3. Một số vấn đề đặt ra
Phát huy sự đạng của văn hoá xứ Thanh là cần thiết đối với học sinh trường
DBĐH Dân tộc Sầm Sơn. Tuy nhiên, cũng phải chú ý một số vấn đề sau:
Một là, phải tôn trọng sự đa dạng văn hoá của tất cả các dân tộc. Trong môi
trường giáo dục đa văn hoá, tôn trọng sự đa dạng là điều kiện quan trọng để có được
tình đoàn kết, hữu ái giữa các dân tộc; tôn trọng sự đa dạng cũng chính là tạo nên một
môi trường học tập phong phú và đa dạng, nuôi dưỡng khả năng và giá trị của con
người, tạo động lực thúc đẩy cho những sáng tạo văn hóa liên tục và bền vững. Tính
đa dạng văn hóa của các dân tộc không chỉ góp phần làm giàu kho tàng chung của văn
hóa Việt Nam trong môi trường học đường mà còn là nhân tố quan trọng để phát triển
toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Vì thế, cần tạo không gian học tập cho học
sinh được thể nghiệm các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với
các giá trị văn hoá của dân tộc khác, để dòng chảy văn hoá không ngừng được nuôi
dưỡng và lớn mạnh. Nhờ được tiếp xúc thường xuyên với các hoạt động văn hoá và
thông qua hoạt động văn hoá mà học sinh sẽ hiểu biết, gìn giữ sự đa dạng văn hoá của
dân tộc mình, đồng thời còn là người hiểu biết và tôn trọng đa dạng văn hoá của các
dân tộc anh em.
Hai là, tôn trọng sự đa dạng văn hoá xứ Thanh nhưng ko được phép độc tôn văn
hoá. Đa dạng văn hoá của dân tộc nào cũng đều là tài sản vô giá của dân tộc nhưng khi
ta tuyệt đối hóa bản sắc văn hoá của một dân tộc/tộc người nào đó thì dễ đẩy tới bệnh
hẹp hòi, vị kỷ trong ứng xử văn hoá; thậm chí khi bị các thế lực xấu lợi dụng, kích
động dễ chuyển hóa thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đi ngược lại lợi ích chung của
quốc gia - dân tộc và gây tổn hại đến chính lợi ích từng dân tộc/tộc người. Văn hóa các
tộc người đều bình đẳng, không thể phân biệt “văn hóa cao” và “văn hóa thấp”, không
nên coi văn hóa của tộc người nào đó là “lạc hậu”. Vì thế, không được phép độc tôn đa
dạng văn hoá xứ Thanh trong môi trường giáo dục đa văn hoá.
Ba là, nhất quán quan điểm xem đa dạng văn hoá thực sự là giá trị tinh thần cốt
lõi, là nền tảng cấu thành phẩm chất, đạo đức, năng lực, thái độ của học sinh, để từ đó
có định hướng cụ thể cho các hoạt động giáo dục trong nhà trường, đặc biệt là các hoạt
động giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống văn hoá, khơi dậy ý thức tự lực, tự
cường, xoá bỏ tâm lý tự ti văn hoá hay kỳ thị văn hoá. Nội dung và hình thức giáo dục
cần phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng học sinh, nhất là phải thường xuyên
cập nhật các tri thức về văn hoá dân tộc, chuyển hóa các tri thức đó thành nội dung
phù hợp qua từng chủ đề, chuyên đề khác nhau; đổi mới hình thức, phương pháp giáo
dục để quá trình dạy học không trở nên khô cứng, đơn điệu. Cần chú ý tới việc nêu
gương điển hình, các hoạt động giáo dục mang tính thực tế, gần gũi vì tâm lý chung
của học sinh trường DBĐH Dân tộc là yêu thích trực quan sinh động, có thiên hướng
thể hiện khả năng, năng lực sáng tạo thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động
tập thể.

13
3. Một số giải pháp phát huy đa dạng văn hoá xứ Thanh ở trường Dự bị
Đại học Dân tộc Sầm Sơn gắn với tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền núi, vùng
dân tộc thiểu số
3.1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về vai trò của đa
dạng văn hoá với tạo nguồn nhân lực khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số
Mục đích của tuyên truyền, nâng cao nhận thức là làm cho văn hóa thấm sâu
vào toàn bộ đời sống và hoạt động giáo dục, vào từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và
học sinh, vào mọi lĩnh vực và vị trí công tác, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, phong
phú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Thông qua Tuần sinh hoạt HS, SV đầu khóa, các buổi sinh hoạt Đoàn – Hội,
các buổi giao lưu, tọa đàm về văn hoá, nhà trường cần tăng cường công tác tuyền
truyền đến đội ngũ cán bộ, giảng viên và học sinh, giúp họ nâng cao nhận thức về vai
trò của văn hoá và phát huy đa dạng văn hoá trong tạo nguồn nhân lực. Tuyên truyền,
nâng cao nhận thức về đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của
các DTTS không trái với lợi ích chung của đất nước; kiên quyết chống tư tưởng kì thị,
chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm dân tộc, tôn
giáo. Tiếp tục khơi dậy ý thức tự lực, tự cường và phát huy truyền thống đoàn kết,
bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3.2. Đưa văn hoá xứ Thanh vào chương trình dạy học nhằm phát huy môi
trường học tập đa văn hoá
Với mục đích vừa bồi dưỡng phẩm chất, lý tưởng, nhân cách cho thế hệ trẻ,
giúp thế hệ trẻ hiểu và gắn bó trách nhiệm với các giá trị văn hoá bản địa, vừa làm
phong phú thêm nội dung chương trình học tập tại trường DBĐH, cần đưa nội dung
giáo dục văn hoá xứ Thanh vào chương trình bồi dưỡng dự bị đại học. Giải pháp này
có thể tiến hành theo các hướng sau đây:
- Lồng ghép nội dung giáo dục văn hoá xứ Thanh vào các môn Ngữ văn, Lịch
sử. Các bộ môn khoa học xã hội là mảnh đất mầu mỡ để nội dung giáo dục văn hoá xứ
Thanh có cơ hội được lan tỏa. Vì thế, các nhà trường cần tận dụng đặc điểm này để
lồng ghép các nội giáo dục văn hoá xứ Thanh cho học sinh, qua đó, bồi dưỡng, nâng
cao ý thức cho học sinh về bảo tồn và phát huy ĐDVH xứ Thanh. Có thể lồng ghép
nội dung giáo dục văn hoá xứ Thanh thông qua các chủ đề về Văn học địa phương,
Lịch sử địa phương. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, các nội dung lồng ghép phải phù hợp
với môn học, tránh gượng ép, khiên cưỡng hoặc không liên quan gì đến nhau sẽ dẫn
đến không mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực.
- Thiết kế nội dung giáo dục văn hoá xứ Thanh thành một chủ đề của bộ môn
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Giáo dục kỹ năng là môn học ngoại khóa trong
chương trình DBĐH. Nhà trường có thể tận dụng lợi thế về mục tiêu, tính chất của
môn học này để thiết kế nội dung giáo dục văn hoá xứ Thanh thành một chủ đề giảng
dạy cho học sinh. Cụ thể, cần vận dụng các giá trị văn hóa tiến bộ để hình thành quan

14
hệ và lối ứng xử văn hóa cho học sinh, như giáo dục lối ứng xử hòa hợp, thân thiện
trong môi trường học tập và sinh hoạt; giáo dục thái độ sống theo tinh thần cao đẹp
(yêu đất nước, yêu đồng bào; sống thành kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; sống bao
dung, nhân ái với mọi người xung quanh; sống đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau); giáo dục
kỹ năng sống phù hợp với môi trường, điều kiện sinh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng
vùng, miền, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, lỗi thời.
- Đa dạng hóa các hoạt động văn hoá cho học sinh: Có thể lựa chọn hoạt động
ngoại khoá như tổ chức giao lưu văn hóa xứ Thanh và văn hoá các dân tộc; tham quan,
tìm hiểu thực tế tại các bản làng Thanh Hoá; xây dựng không gian Lễ hội xứ Thanh…;
hoạt động trải nghiệm sáng tạo như Hội thi Tìm hiểu văn hóa xứ Thanh, Hội diễn trang
phục các dân tộc, Hội thi văn nghệ và trò chơi dân gian xứ Thanh, tổ chức Ngày hội
văn hoá các dân tộc…
3.4. Phát huy đa dạng văn hoá xứ Thanh trong mối quan hệ thống nhất và
hài hoà với các nền văn hoá khác
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đa dạng và thống nhất văn hoá; đa dạng và hài
hoà văn hoá trong tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh là nội dung quan trọng
của phát huy đa dạng văn hoá xứ Thanh ở trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn. Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định bản sắc văn hóa dân tộc bao gồm
những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc chung sống trên đất
nước Việt Nam được vun đắp qua hàng nghìn nǎm lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng
nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia
đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính
cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...
Sắc thái văn hóa xứ Thanh là hình thức biểu hiện riêng có của nền văn hóa xứ Thanh.
Nếu như bản sắc văn hóa (cái chung) là cái tương đồng, đồng quy, thì sắc thái văn hóa
xứ Thanh (cái riêng) là cái khác biệt, cái đa dạng. Các sắc thái văn hóa tuy khác nhau
nhưng đều xoay quanh một trục nhất định là bản sắc văn hóa, cùng tạo nên tính thống
nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Với văn hóa Việt Nam, bản sắc được
biểu hiện sâu sắc nhất ở tinh thần yêu nước, được thăng hoa thành lý tưởng, lẽ sống; ở
ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết; ở lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa
tình, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối
sống... Đặc biệt, cốt lõi của nền văn hóa ấy là luôn lấy sứ mệnh của lịch sử dân tộc -
độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, làm sứ mệnh lịch sử của mình. Do đó, khi phát huy
đa dạng văn hoá xứ Thanh cần lưu ý phát huy sự đa dạng trong mối quan hệ thống
nhất của văn hoá dân tộc. Mặt khác, trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn là môi trường
giáo dục đa văn hoá, vì vậy, phát huy đa dạng văn hoá xứ Thanh còn phải lưu ý đến
mối quan hệ giữa tính đa dạng và sự hài hoà với các nền văn hoá khác trong nhà
trường, làm sao để văn hoá của mọi dân tộc phải luôn được tôn trọng. Từ yêu cầu của
hai mối quan hệ trên đây, đòi hỏi nhà trường phải cân nhắc kỹ càng khi thiết kế các

15
hoạt động học tập gắn với đa dạng văn hoá xứ Thanh.
3.4. Xây dựng môi trường đối thoại văn hoá trên tinh thần bình đẳng, đoàn
kết các dân tộc
Từ xưa tới nay, đối thoại giữa các nền văn hóa là điều kiện tiên quyết để từng
nhóm người, từng dân tộc bộc lộ và phát huy hết những năng lực sáng tạo độc đáo của
mình trong quá trình tạo ra các giá trị mới về vật chất cũng như tinh thần. Toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế đang tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc giữa các nền văn hóa
trên thế giới, nguy cơ đồng dạng hóa các giá trị văn hóa theo một khuôn mẫu. Trong
bối cảnh đó, đối thoại giữa các nền văn hóa trở thành yêu cầu quan trọng bậc nhất để
hướng tới sự phát triển bền vững. Nhận thức sâu sắc điều này để khi phát huy đa dạng
văn hoá xứ Thanh, nhà trường cần tạọ ra các hoạt động giáo dục mà ở đó luôn đảm
bảo sự đối thoại, giao lưu, trao đổi giữa văn hoá xứ Thanh với văn hoá với các vùng,
miền, các tộc người đang có tại trường. Bởi, để có được sự bình đẳng và tôn trọng đa
dạng văn hóa, cần bảo đảm công bằng về cơ hội cho mọi học sinh, bảo đảm quyền cá
nhân, quyền được hưởng lợi ích học tập khi học sinh tham gia các hoạt động văn hóa.
Điều này sẽ tạo nên sự gắn kết giữa các cộng đồng dân tộc Việt Nam trong môi trường
học đường.
Kết luận
Khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân
tộc trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta chỉ rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết
cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới
và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa
truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và
phi vật thể” [4].
Phát huy ĐDVH xứ Thanh là chiến lược phát triển bền vững tỉnh Thanh Hoá, là
nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất. Bằng
con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất và tinh thần, các kinh
nghiệm hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập
quán… của các tộc người, các vùng miền xứ Thanh được lưu truyền, bảo tồn, vận
hành nối liền các thế hệ. Giáo dục giúp học sinh hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn
hoá dân tộc, tôn trọng, giữ gìn và phát huy ĐDVH của dân tộc mình, tôn trọng ĐDVH
của các dân tộc anh em.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. UNESCO, Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa, 2001.
2. UNESCO, Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa,
2005.
3. Phạm Xuân Nam, Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa - một góc
nhìn từ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.

16
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021.
5. Bộ Chính trị, Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh
Hoá đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
6. Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII, Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện
chính sách, pháp luật trong đào tạo, sử dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức người dân tộc thiểu số đến năm 2013”, H.2014.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung
ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1998.
8. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị:
Văn hóa và phát triển, Nxb Lý luận chính trị, H.2018.
9. Mai Công Khanh, Quản lý dạy học ở trường Dự bị Đại học dân tộc: Quan điểm và
giải pháp, Nxb Giáo dục Việt Nam, H.2013.
10. Phạm Hồng Quang, Tổ chức dạy học cho học sinh dân tộc, miền núi. Nxb Đại học
Sư phạm, H.2003.

Thông tin về tác giả


TS. Lê Lâm
SĐT 0915679273
Email: laml.dbdhss@moet.edu.vn
TS. Trịnh Thị Hoa
SĐT: 0978728979
Email: trinhthanhhoa78@gmail.com.

17

You might also like