You are on page 1of 41

CHUYÊN ĐỀ

PHONG CÁCH HỌC


VÀ ĐẶC ĐIỂM TU TỪ TIẾNG VIỆT
Người biên soạn: Th. S. Trịnh Đức Long
Trường CĐSP Đắk Lắk

BUÔN MA THUỘT 2011


CHƯƠNG I. DẪN LUẬN VỀ PHONG CÁCH HỌC

I. Phong cách học là gì?


1. Thuật ngữ
+ Thời Cổ đại người Hy Lạp dùng từ ”Stylos” để chỉ chiếc que dùng để viết.
+ Người Pháp sau này dùng từ “Style” ban đầu có nghĩa là nét chữ, sau đó chuyển nghĩa
thành bút pháp với những đặc điểm ngôn ngữ và văn thể. Cuối cùng có nghĩa là “Phong cách”
+ Trên thế giới, các ngôn ngữ như : Anh, Pháp, Nga, Ðức... đều lấy từ nguyên có nguồn gốc
ở tiếng Latin : Stylus ( Stilus ) nghĩa là phong cách - kết hợp với một hậu tố có nghĩa là ngành
học để tạo thành thuật ngữ phong cách học.
Ví dụ : Tiếng Pháp : Styl - istique;Tiếng Anh : Styl - istics; Tiếng Ðức : Styl - istik 
Tiếng Nga : CmuL - ucmuka
Ở Việt Nam trước đây, các nhà ngôn ngữ học thường dùng thuật ngữ Tu từ học. Ðiều này do
ảnh hưởng của tu từ học truyền thống. Về sau, do nhận thấy thuật ngữ phong cách học, một
mặt có cách cấu tạo tương đồng với thuật ngữ của nhiều ngôn ngữ, mặt khác, có khả năng gợi
lên sự liên tưởng đúng đến nội dung rất cơ bản của ngành khoa học này, nghiên cứu về phong
cách ngôn ngữ, nên các nhà ngôn ngữ học Việt Nam hiện nay đã dùng thống nhất thuật ngữ
phong cách học.
2. Phong cách học là gì?
Phong cách học là một ngành khoa học bộ phận của ngôn ngữ học khảo sát quy luật sử dụng
các phương tiện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của một ngôn ngữ để tạo nên những lời nói có
hiệu quả xét về phương diện cách thức biểu đạt bắt nguồn từ nhu cầu diễn đạt ý tưởng nhằm
đạt một mục đích nào đó trong giao tiếp.
II. Lịch sử hình thành phong cách học trên thế giới và Việt Nam
1. Trên thế giới
1.1. Phương Tây 
- Theo truyền thuyết, vào thế kỉ thứ V Tr.CN, ở đảo Sicie, hai nhà hùng biện là Corax và
Tisias đã sáng tạo ra môn Tu từ học, nghiên cứu hoạt động ngôn từ với tư cách là diễn từ. Sau
này, các nhà hùng biện Hi Lạp và La Mã dù có nhấn mạnh bộ phận này hay bộ phận khác của
tu từ học, nhưng về đại thể vẫn giữ lại những nét chung tiêu biểu. 
- Ðến thế kỉ thứ IV- III Tr.CN, một số triết gia Hi Lạp và La Mã như: Platon (428-347),
Democrite (460- 370), Aristote (384- 322)... đã hình thành môn học đặt tên là Rhêtorikê (Mĩ từ
pháp). Ðến thế kỉ thứ I Tr.CN, Virgile, nhà thơ La Mã, đề xuất ý kiến về sự phân chia các
phong cách diễn đạt. Nội dung của Mĩ từ pháp cổ đại gồm: Các phép mĩ từ (Figura) dùng
trong diễn đạt; Phong cách diễn đạt; Cơ cấu một bài văn. Mĩ từ pháp cổ đại đã có ảnh hưởng
lớn đến ngôn từ hùng biện, đến nghệ thuật viết văn thời cổ đại và sau này truyền đi khắp châu
Âu. 
- Ðầu thế kỉ XX, khoa học ngôn ngữ trên thế giới bước vào một thời kì mới, mở đầu bằng hệ
thống các luận điểm trong bài giảng của nhà ngôn ngữ học vĩ đại người Thụy Sĩ, Ferdinand de
Saussure (1857-1913). Ông đã đào tạo nên nhiều nhà ngôn ngữ học tài giỏi mà hai trong số đó
là Charles Bally và Alber Sechehaye.
- Năm 1908, Albert Sechehaye cho xuất bản cuốn Phong cách học và ngôn ngữ học lí thuyết.
Ông là người đầu tiên chỉ ra sự cần thiết phải xem phong cách học là một ngành độc lập của
khoa học ngữ văn. 
- Năm 1909, cuốn Khảo luận về phong cách học tiếng Pháp của Charles Bally ra đời; trong
đó tác giả đề cập những vấn đề về đối tượng, nội dung, phương pháp nghiên cứu của phong

2
cách học. Charles Bally được coi như là người đề xướng và khai sinh cho ngành phong cách
học ở nước Pháp nói riêng và trên thế giới nói chung. 
- Năm 1919, Leo Spilzer mở rộng sự quan tâm đến những thuộc tính phong cách của văn
bản, nhấn mạnh đến những luận điểm của Buffon Phong cách chính là con người và cho rằng
sự kiện phong cách bao gồm cả phần tư duy và phần tình cảm. Khuynh hướng này được mệnh
danh là phong cách mới. 
- Suốt nửa đầu thế kỉ, các nhà ngôn ngữ học trên thế giới quan tâm nhiều đến các vấn đề
ngôn ngữ học đại cương, lí luận âm vị học, lí luận ngữ pháp mà ít quan tâm đến phong cách
học và chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ vào nửa sau thế kỉ XX. 
1.2. Phương Ðông
- Vào thế kỉ thứ IV Tr .CN, Mặc Tử đã có những ý kiến bàn luận về sự biến hoá của lời nói
trong các văn cảnh khác nhau bằng khái niệm Thiên hành. Thực chất là bàn luận về sự hành
chức của các đơn vị ngôn ngữ trong thực tiễn nói năng. Thời Chiến Quốc, một số danh gia như
Huệ Thi, Công Tôn Long cũng có những luận bàn về mối quan hệ giữa tên gọi và sự vật. Dù
lập luận còn mang màu sắc ngụy biện nhưng họ đã dùng đến các biện pháp tu từ mà nay chúng
ta định danh là: so sánh, tương phản, ngoa dụ... 
- Cuối thời Chiến Quốc, Tuân Tử, một đại biểu xuất sắc của phái Nho gia đã có những phát
hiện mới khi bàn về tính ước lệ (quy ước) của tên gọi nói riêng và của ngôn ngữ nói chung:
Ước lệ đã thành thói quen thì bảo là đúng; khác với thói quen thì bảo là không đúng. Ðiều này
có liên quan đến khái niệm mà phong cách học dùng sau này, đó là khái niệm chuẩn mực. 
2. Ở Việt Nam
2.1. Trong các quyển Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Ðôn cho biết các nhà trí
thức Việt Nam như: Hoàng Ðức Lương (thế kỉ XV), Phùng Khắc Khoan (thế kỉ XVI), Lê Hữu
Kiều (thế kỉ XVIII)... đã có những ý kiến bàn luận về cách luyện văn, luyện câu, luyện chữ
nghĩa trong văn chương. 
2.2. Từ cuối thế kỉ XIX đến khoảng trước 1964, nhiều học giả đã nghiên cứu, khảo sát và
khái quát những vấn đề về ngữ pháp, ngữ âm, từ vựng của tiếng Việt như: Trương Vĩnh Ký,
Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm, Lê Văn Lý, Nguyễn Hiến Lê,... 
2.3. Năm 1964, quyển Giáo trình Việt ngữ ( tập III- phần Tu từ học ) của Ðinh Trọng Lạc ra
đời. Có thể xem giáo trình này đánh dấu sự xuất hiện thực sự của khoa học về phong cách học
ở Việt Nam. Từ đó đến nay, rất nhiều quyển giáo trình mới về phong cách học được xuất bản.
Tiêu biểu như : Phong cách học tiếng Việt (1982) của tập thể tác giả Cù Ðình Tú (chủ biên),
Lê Anh Hiền, Nguyễn Nguyên Trứ; Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt (1983) của
Cù Ðình Tú; Phong cách học tiếng Việt (1993) của Ðinh Trọng Lạc,...
III. Đối tượng nhiệm vụ của phong cách học
1. Đối tượng nghiên cứu của phong cách học
Trên những nét chung nhất, phong cách học được hiểu là khoa học nghiên cứu sự vận dụng
ngôn ngữ, nói khác đi, nó là khoa học về quy luật nói viết có hiệu lực. Sử dụng ngôn ngữ có
hiệu lực cao ở đây có nghĩa là: nói, viết đạt được tính chính xác cao, tính đúng đắn và tính
thẩm mĩ trong mọi phạm vi hoạt động của giao tiếp xã hội. Nói cách khác, ngôn ngữ được sử
dụng có hiệu quả cao là ngôn ngữ phải thực hiện được tất cả chức năng xã hội của nó. Do nhấn
mạnh về mặt này hay mặt khác đối với việc vận dụng ngôn ngữ mà các nhà nghiên cứu đã có
những quan điểm khác nhau về đối tượng nghiên cứu.
 1.1. Đối tượng nghiên cứu của phong cách học là yếu tố biểu cảm của ngôn ngữ: 
Người đề xướng quan điểm này là Charles Bally. Theo ông phong cách học nghiên cứu các
sự kiện biểu đạt của ngôn ngữ trên quan điểm nội dung biểu cảm của chúng, nghĩa là sự biểu
đạt các sự kiện tình cảm bằng ngôn ngữ và tác động của ngôn ngữ đối với tình cảm.
Nhà từ điển học Tây Ban Nha, H .Casares cũng tán thành quan điểm này: Sự nghiên cứu và
đánh giá các yếu tố đi kèm theo phần thông báo trung hòa - logic thuần trí tuệ là đối tượng của

3
phong cách học. Ông cho rằng Phong cách học có nhiệm vụ tách ra các yếu tố phi quan niệm,
đồng thời nghiên cứu các yếu tố phi quan niệm có trong biểu đạt.
*Nhận xét: Quan điểm của Charles Bally và những người ủng hộ quan điểm này là đúng
nhưng chưa đủ. Trong việc vận dụng ngôn ngữ, các yếu tố biểu cảm đóng một vai trò hết sức
quan trọng. Tài năng, sức hấp dẫn của người nói, người viết thể hiện một cách tập trung và rõ
nét trong việc vận dụng và sáng tạo các yếu tố biểu cảm. Thế nhưng trong giao tiếp, không
phải lúc nào các yếu tố biểu cảm cũng có thể có mặt.
Ví dụ: trong giao tiếp hành chính và khoa học không cần có sự tham gia của yếu tố biểu cảm
Cái quyết định tạo nên một lời nói có hiệu lực cao là ở chỗ lựa chọn các phương tiện ngôn
ngữ phù hợp với thực tế giao tiếp. Chính vì thế, quan điểm này không được các nhà ngôn ngữ
học Việt Nam ủng hộ. 
1.2. Đối tượng nghiên cứu phong cách học là các phong cách chức năng ngôn ngữ
Một số nhà ngôn ngữ học Tiệp Khắc như : Havranek, Jedlicka, Dolejel... xuất phát từ sự xác
định phạm trù chung nhất của phong cách học là phong cách ngôn ngữ, đã xem phong cách
ngôn ngữ là đối tượng của phong cách học. Havranek cho rằng: Nghiên cứu thể văn là công
việc khoa học về thể văn (phong cách) hoặc phong cách học . Còn Dolejel cho rằng phạm trù
chung quan trọng nhất là phong cách học. 
* Nhận xét: Trong giao tiếp, phong cách chức năng ngôn ngữ là một trong những tiêu chuẩn
để đánh giá tính chất đúng đắn, tính có hiệu lực cao của lời nói. Mỗi cá nhân trong quá trình
vận dụng ngôn ngữ, tự giác hay không tự giác đều phải theo một phong cách chức năng ngôn
ngữ nhất định. Do vậy quan điểm của các nhà ngôn ngữ học trên là có cơ sở nhưng cũng chưa
đủ. Phong cách chức năng ngôn ngữ phải là một trong những nội dung quan trọng của phong
cách học nhưng nếu xem đấy là nội dung duy nhất thì có phần cực đoan vì còn có vấn đề lựa
chọn và vận dụng các phương tiện ngôn ngữ biểu cảm cũng như cả các phương tiện ngôn ngữ
trung hoà. Thực tế trong giao tiếp đều thực hiện ở một phong cách chức năng ngôn ngữ nào
đó nhưng ta không thể rập khuôn theo một cách nói năng (dù thống nhất và phù hợp với PC)
nếu đối tượng, tình huống giao tiếp thay đổi. Mỗi phong cách chức năng ngôn ngữ cũng lại
tồn tại dưới những biến thể.
Ví dụ: Phong cách khẩu ngữ có khẩu ngữ văn hoá và khẩu ngữ thông tục ứng với những hoàn
cảnh, đối tượng và mục đích giao tiếp khác nhau. Do vậy quan điểm này cũng không được các
nhà ngôn ngữ học Việt Nam ủng hộ.
1.3. Đối tượng nghiên cứu phong cách học là quy luật lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ  
Một số nhà ngôn ngữ học Pháp và Liên Xô như: Julies, Maroujeau, K.Moren, R.G.Piotroski...
xem việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện biểu đạt của ngôn ngữ là đối tượng của phong
cách học. 
Moren viết phong cách học là ngành ngữ văn độc lập, nghiên cứu những nguyên tắc lựa chọn
và sử dụng các phương tiện ngôn ngữ nhằm biểu đạt một nội dung nhất định trong những hoàn
cảnh giao tiếp nhất định .
* Nhận xét: Trong ngôn ngữ cũng như trong lời nói, luôn luôn có khả năng tồn tại những biến
thể cùng nghĩa. Do vậy, trong giao tiếp chúng ta đều phải làm công việc lựa chọn các biến thể
cùng nghĩa:
- Lựa chọn các biến thể cùng nghĩa để nói hoặc viết khi phát tin. 
- Lựa chọn những biến thể cùng nghĩa để hiểu khi nhận tin. 
Lựa chọn là một hoạt động thường xuyên trong giao tiếp. Nội dung của sự lựa chọn là: lựa
chọn các yếu tố biểu cảm và không biểu cảm, lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ và phương
pháp diễn đạt phù hợp với phong cách. Sự lựa chọn cách nói, cách hiểu như trên thường diễn
ra trong tiềm thức, một cách tự nhiên và đôi khi nếu không để ý, ta không nhận ra điều đó.
Chỉ khi nào gặp phải trường hợp viết không ra ý, nói chẳng thành lời chúng ta mới thấy vấn đề
nói, viết không phải dễ dàng và việc lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ đễ diễn đạt thật quan
trọng biết bao. Thao tác lựa chọn này (cả thao tác kết hợp) diễn ra một cách trừu tượng. Trong
4
sáng tác văn chương, sự lựa chọn này rất quan trọng và bộc lộ rõ ràng hơn. Người nói càng
thành thạo thao tác lựa chọn bao nhiêu, càng tập hợp được nhiều đơn vị ngôn ngữ tương đồng
và dị biệt để lựa chọn thì hiệu quả diễn đạt của họ càng cao bấy nhiêu
Ở Việt Nam, quan điểm này được các nhà ngôn ngữ học ủng hộ. Thực tế giao tiếp cho ta thấy
khi vận dụng ngôn ngữ mỗi cá nhân đều bị chi phối bởi quy luật này. Người nói luôn phải suy
nghĩ đến điều kiện và hậu quả cũng như kết quả của lời nói mình. Kho tàng tục ngữ của ta có
rất nhiều câu nói về kinh nghiệm nói, viết .
Ví dụ:
- Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. 
- Ăn có nhai, nói có nghĩ. 
- Bút sa gà chết. 
Khi nói, viết cần phải suy nghĩ và trả lời các câu hỏi sau:
- Nói, viết cho ai nghe?  - Nói, viết về cái gì?  - Nói, viết để làm gì? 
- Nói, viết như thế nào?  - Nói, viết lúc nào? 
Có như thế mới có thể đạt hiệu quả cao khi giao tiếp. Và để trả lời các câu hỏi trên, chúng ta
phải lựa chọn ngôn từ cho phù hợp. Như thế, lựa chọn là hoạt động cơ bản nhất chi phối toàn
bộ quá trình vận dụng ngôn ngữ.
=> Đối tượng của phong cách học: Phong cách học là một bộ phận của ngôn ngữ học
nghiên cứu nguyên tắc, quy luật lựa chọn và hiệu quả lựa chọn, sử dụng toàn bộ các phương
tiện ngôn ngữ nhằm biểu hiện một nội dung tư tưởng tình cảm nhất định trong những phong
cách chức năng ngôn ngữ nhất định.
Lựa chọn để sử dụng các phương tiện ngôn ngữ đạt hiệu quả cao trong giao tiếp là một yêu
cầu tất yếu khi nói, viết. Khi lựa chọn sử dụng các phương tiện ngôn ngữ cần chú ý các thao
tác lựa chọn: 
- Xác định nội dung biểu đạt 
- Xác định phong cách lời nói 
- Liên hội những hình thức biểu đạt cùng nghĩa 
- Thử nghiệm và lựa chọn những hình thức biểu đạt cùng nghĩa cần thiết
- Kiểm tra lại văn bản hay phát ngôn đã lựa chọn 
2. Nhiệm vụ nghiên cứu của phong cách học
2.1. Chỉ ra khả năng và hiệu lực biểu đạt của các phương tiện ngôn ngữ trong từng phong
cách ngôn ngữ. 
2.2. Cách vận dụng các phương tiện ngôn ngữ để đạt hiệu quả cao trong giao tiếp, đúng
phong cách ngôn ngữ. 
Việc chỉ ra khả năng và hiệu lực biểu đạt của các phương tiện ngôn ngữ trong từng phong
cách chức năng ngôn ngữ là rất quan trọng. Các phương tiện ngôn ngữ bao giờ cũng tồn tại
dưới dạng lớn hơn một, tức dưới dạng những biến thể.
Ví dụ: âm vị có các âm tố thể hiện; ý nghĩa từ vựng có các từ cùng nghĩa thể hiện; ý nghĩa ngữ
pháp có các dạng thức thể hiện.
Trong thực tế giao tiếp có những cách nói cùng nghĩa xuất hiện rất linh động, đa dạng và
phong phú. Mỗi dạng biến thể này đều có những đặc điểm tu từ riêng đòi hỏi cần phải nắm rõ,
hiểu đúng. Có như thế mới vận dụng phù hợp trong từng phát ngôn cụ thể. 
Phong cách học có liên quan mật thiết đến những vấn đề sau : 
- Xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ, trong đó có chuẩn mực phong cách 
- Trau giồi ngôn ngữ
- Giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói dân tộc
IV. Phong cách học với chuẩn mực ngôn ngữ và chuẩn mực phong cách
1.Chuẩn mực ngôn ngữ 
1.1.Chuẩn mực ngôn ngữ là hệ thống các phương tiện biểu hiện tốt nhất, hợp lí nhất và được
mọi người thừa nhận, cùng sử dụng để giao tiếp với nhau trong một thời kỳ nhất định; trở
5
thành những quy ước ngôn ngữ trong xã hội. Chuẩn mực ngôn ngữ được thể hiện trong các
phạm vi: Phát âm, chữ viết, dùng từ và đặt câu.
 Ví dụ:
Chuẩn mực Không chuẩn mực
Phát âm Con trâu trắng nằm trong bụi tre Con tâu tắng nằm tong bụi te
Chính tả Rượu, tra cứu, năng suất, quyên góp Riệu, cha kíu, năng xuất. khuyên góp
Dùng từ Gội đầu, chẻ củi Rửa đầu, thái củi
Đặt câu Bằng nghệ thuật so sánh, tác giả đã làm nổi Với nghệ thuật so sánh của tác giả đã
bật sự hy sinh to lớn của những người mẹ làm nổi bật sự hy sinh to lớn của
Việt Nam những người mẹ Việt Nam

1.2. Chuẩn mực ngôn ngữ phụ thuộc vào lịch sử, nó thể hiện những quy luật lịch sử của sự
phát triển của ngôn ngữ cũng như những khuynh hướng phát triển tiêu biểu của thời đại.
Chuẩn mực ngôn ngữ là tập hợp những phương tiện ngôn ngữ phù hợp với yêu cầu của xã hội,
rút ra từ sự lựa chọn trong các yếu tố ngôn ngữ.
VD: Chánh trị – Chính trị (Biến thể ngữ âm)
1.3. Ðể lựa chọn tốt, tìm những yếu tố ngôn ngữ nhằm sử dụng phù hợp tất phải có sự so
sánh nên chuẩn mang tính chất so sánh. Vì thế, không có biến thể, không có sự lựa chọn biến
thể thì không có sự so sánh và chuẩn. Giải quyết vấn đề biến thể là công việc của chuẩn mực
ngôn ngữ. Chức năng của chuẩn chính là sự quy định và điều chỉnh cách sử dụng các biến thể
ngôn ngữ. Chuẩn mực ngôn ngữ chỉ trả lời câu hỏi dùng có đúng với ngôn ngữ văn hóa hay
không?. Chuẩn mực ngôn ngữ chỉ giải quyết vấn đề nên sử dụng các phương tiện ngôn ngữ
nào cho phù hợp với cái chung. Việc sử dụng ngôn ngữ như thế nào để đạt hiệu quả cao thì
chuẩn mực ngôn ngữ không bàn đến. 
2. Chuẩn mực phong cách:
2.1. Chuẩn mực phong cách là toàn bộ cách chỉ dẫn thể hiện tính quy luật bắt buộc ở một thời
kì nhất định của một ngôn ngữ sao cho phù hợp với phong cách của hoạt động lời nói và với
các kiểu và thể loại văn bản. Chuẩn mực phong cách gắn với phạm vi đặc trưng của hoạt động
lời nói, với một kiểu, một thể loại văn bản cụ thể. Chuẩn mực phong cách chỉ trả lời câu hỏi:
Dùng có phù hợp với ngữ cảnh hay hoàn cảnh này không ?
Ví dụ: Trong nói năng thân mật hàng ngày, dùng các từ như : Cây số, kí, cân, lạng, thước... là
phù hợp, nhưng trong phong cách khoa học chúng ta phải dùng: Kilomet, kilogam, mét,... 
2.2. Chuẩn mực phong cách không thủ tiêu mà lợi dụng các biến thể, quy định phạm vi sử
dụng cho từng biến thể để tận dụng khả năng diễn đạt của ngôn ngữ nhằm đáp ứng các yêu cầu
diễn đạt ngày càng đa dạng, phức tạp, tinh tế của trí tuệ và tình cảm của con người.
VD: Tiêu đề “Tràng giang” (thơ Huy Cận) biến âm của từ “trường giang”: sông dài)
2.3. Sự biểu đạt được đánh giá là tốt theo quan điểm phong cách học trước hết phải là sự biểu
đạt phù hợp với chuẩn mực ngôn ngữ trên các bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; sự biểu
đạt đó phải phù hợp với chuẩn mực phong cách chức năng ngôn ngữ. Không được mượn cớ
sáng tạo, bất chấp chuẩn mực, tạo nên những kiểu nói lập dị hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ
tiếng Việt
Vd: no cơm áo, cười thênh thênh, cặp mắt đĩnh ngộ, đẹp dã man...
* Lưu ý: Trong thực tế sáng tác văn chương ta thường bắt gặp những cách nói có vẻ lệch
chuẩn ngôn ngữ, nhưng đây là sự lệch chuẩn với dụng ý tu từ nhằm thể hiện ý đồ nghệ thuật
của tác giả; Ở những nhà văn tài hoa, hiện tượng lệch chuẩn thành công góp phần tạo nên sự
độc đáo về nghệ thuật.
Ví dụ: Một câu hỏi lớn. Không lời đáp ( Huy Cận)
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa (Xuân Diệu)
Một tiếng chim kêu sáng cả rừng (Khương Hữu Dụng)
V. Những khái niệm cơ bản của phong cách học
6
1. Ðặc điểm tu từ
1.1. Điểm khác biệt giữa hệ thống tín hiệu ngôn ngữ và hệ thống tín hiệu khác ở chỗ cùng
một đối tượng, một nội dung thông báo nhưng ngôn ngữ có nhiều cách diễn đạt khác nhau.
Nói cách khác, có nhiều hình thức biểu đạt cùng nghĩa để cùng chỉ một đối tượng, một thông
báo nào đó. Trước tình hình này, người phát ngôn hay người thu ngôn đều cần phải cân nhắc,
lựa chọn một hình thức biểu đạt nào đem lại hiệu quả tối ưu nhất. Nguyên nhân của hiện tượng
này là do: 
- Mỗi hình thức biểu đạt cùng nghĩa gắn với một cách thức nhìn nhận, một thái độ đánh giá
tình cảm nhất định. 
- Mỗi hình thức biểu đạt cùng nghĩa cũng lại gắn với một phạm vi nói, viết một phong
cách chức năng ngôn ngữ nhất định. 
Vd: Hiện tượng sử dụng các từ gần nghĩa mang màu sắc phong cách:
 Tặng: Sắc thái thân mật, chân tình
 Biếu: Sắc thái lễ phép, kính trọng
 Hiến: Sắc thái thiêng liêng ,cao cả
 Thí: Sắc thái xem thường, coi khinh
Mỗi từ được chọn lựa sử dụng cho phù hợp trong từng hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp khác nhau.
1.2. Khái niệm đặc điểm tu từ được rút ra từ hiện tượng biểu đạt cùng nghĩa nói trên. Ðặc
điểm tu từ là phần nội dung biểu hiện bổ sung của tín hiệu ngôn ngữ khi tồn tại dưới hình thức
biểu đạt cùng nghĩa (nội dung cơ sở). Phần này một mặt chỉ rõ thái độ đánh giá tình cảm của
đối tượng được nói đến, một mặt chỉ rõ chức năng phong cách của tín hiệu ngôn ngữ.  Có thể
thấy rõ điều này khi so sánh đặc điểm tu từ của các từ xưng hô trong những câu thơ sau: 
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa dùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường
( Việt Bắc - Tố Hữu) 

Tín hiệu Nội dung cơ sở Nội dung biểu hiện bổ sung (ngoài ý niệm)
ngôn ngữ (thuần ý niệm)
Sắc thái biểu cảm Màu sắc phong cách
BÁC Thành kính, một cách thân thiết, Khẩu ngữ dụng trong nhiều
Chủ tịch ruột thịt phạm vi
NGƯỜI Hồ Chí Minh với Thành kính một cách thiêng Gọt giũa dụng trong phạm vi
tư cách công dân liêng, cao cả trang nghiêm
ÔNG CỤ Kính trọng một cách bình dân, Lời nói thông dụng của đồng
mộc mạc bào Việt Bắc

2. Màu sắc phong cách: 


2.1. Ngôn ngữ là một hệ thống gồm nhiều nguyên tắc, quy luật và ước lệ mà những người
cùng sống chung trong một cộng đồng ngôn ngữ quy định. Do thói quen sử dụng trong quá
trình hành chức, mỗi đơn vị ngôn ngữ thường gắn với một hoặc vài phạm vi giao tiếp nào đó.
Chính những phạm vi được hình thành do thói quen mang tính truyền thống này mà các
phương tiện ngôn ngữ thu nhận cho mình cái dấu ấn riêng của môi trường nói vốn quen thuộc
với chúng. Dấu ấn về phạm vi sử dụng của các phương tiện ngôn ngữ được gọi là màu sắc
phong cách. Vậy màu sắc phong cách của đơn vị ngôn ngữ là nội dung biểu hiện bổ sung chỉ
rõ giá trị chức năng của đơn vị ngôn ngữ, gợi cho ta liên tưởng đến phong cách chức năng,
đến môi trường, phạm vi mà đơn vị ngôn ngữ thường được sử dụng. 
Ví dụ: Các đơn vị từ vựng như: Vác mặt, chí phải, bằng vai phải lứa, bằng anh bằng
em...thường xuất hiện trong phong cách khẩu ngữ tự nhiên mang màu sắc khẩu ngữ.
7
Các đơn vị từ vựng như: thừa lệnh, ủy quyền, quyết định, thực thi, đính kèm... thường xuất
hiện trong phong cách hành chính...
2.2. Màu sắc phong cách của các phương tiện ngôn ngữ thể hiện ở tất cả các cấp độ như:
Ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Căn cứ vào sự xuất hiện tự do hay hạn chế của các đơn vị ngôn
ngữ khi xuất hiện trong các phong cách chức năng ngôn ngữ mà người ta chia ra làm hai loại:
Ða phong cách và đơn phong cách.
- Đơn vị ngôn ngữ nào có khả năng xuất hiện trong tất cả các phong cách được gọi là đơn vị
có màu sắc đa phong cách.
- Ðơn vị ngôn ngữ nào chỉ xuất hiện ở một hoặc vài phong cách chức năng ngôn ngữ nhất
định được gọi là đơn vị có màu sắc đơn phong cách. 
Ví dụ: - Các từ: cha mẹ, to lớn, sông núi, cây cỏ, ... có phạm vi sử dụng khá rộng rãi, phù hợp
với nhiều phong cách ngôn ngữ, nên có màu sắc đa phong cách.
  - Các từ: phụ mẫu, vĩ đại, giang sơn, thảo mộc,... thường chỉ xuất hiện trong giao tiếp mang
tính nghi thức, nên có màu sắc đơn phong cách. 
3. Sắc thái biểu cảm : 
3.1. Trong quá trình nhận thức, con người luôn luôn bày tỏ sự đánh giá, nhận xét của mình
về các đối tượng được đề cập. Sự đánh giá nhận xét này có thể được thể hiện bằng các phương
tiện ngôn ngữ hoặc các phương tiện ngoài ngôn ngữ. Trong việc thể hiện thái độ đánh giá tình
cảm của mình bằng các phương tiện ngôn ngữ, không phải những đơn vị ngôn ngữ nào cũng
mang sắc thái biểu cảm như khái niệm này. Nếu sự thể hiện tình cảm bằng những từ định danh
tình cảm như : vui, buồn, yêu, ghét, đau đớn, phẫn nộ,... thì nó không tạo ra sắc thái biểu cảm
(expressive colouring) như khái niệm mà ta đề cập ở đây. Sắc thái biểu cảm là nội dung biểu
hiện bổ sung chỉ rõ thái độ đánh giá tình cảm của người nói đối với đối tượng được đề cập,
được nhận thức trong các đơn vị ngôn ngữ. 
Ví dụ: Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh (Lượm - Tố Hữu)
Sắc thái biểu cảm của đoạn thơ trên được thể hiện qua các thông tin bổ sung từ các từ láy:
loắt choắt, xinh xinh, thăn thoắt, nghênh nghênh biểu thị vẻ đẹp hồn nhiên trong sáng trẻ thơ
của chú bé liên lạc được thể hiện qua cái nhìn đầy âu yếm, thương yêu của tác giả.
3.2. Sắc thái biểu cảm có thẻ là khẳng định, dương tính (tôn vinh, ca ngợi, tán dương, tự
hào...). cũng có thể là phủ đinh, âm tính (chê bai, lên án, phẫn nộ, mỉa mai, giễu cợt...) có thể
biểu thị qua cách sử dụng từ ngữ, cấu trúc câu văn, giọng điệu ngôn ngữ...
Vd: Giọng văn giễu nhại trong “Số đỏ” mỉa mai đả kích xã hội thượng lưu”
“Còn lai lịch Phó Đoan kể ra nghe cũng hay hay. Hồi đương xuân bà bị lính Tây hiếp… Sau
cuộc hiếp trái phép đến ngày cuộc hiếp đúng luật, nghĩa là cuộc làm đám cưới. Người lính ấy
sau thành ông Phó Đoan. Ăn ở với nhau độ 10 năm, chết trung thành với nhà nước, chết
chung tình với vợ, chết như những người yêu vợ quá sức. Rồi bà lấy ông phán trẻ 2 năm sau
thì ông chồng nội hóa cũng lăn ra chết. Vì lẽ chưa ai thấy có 3 nhân tình, nên những ngọn
lưỡi rắn độc phao rằng những ngọn lửa tình do những kẻ chim bà không được đã khêu lên,
bà bắt ông phán phải rập tất cả. Bà chính chuyên đến nỗi chồng bà kiệt lực, cạn sức phải
trốn xuống suối vàng”
4. Phong cách chức năng ngôn ngữ
4.1. Phong cách chức năng ngôn ngữ
Đây là một trong những vấn đề trung tâm và là một phạm trù cơ bản nhất của phong cách
học. Đây là một dạng tồn tại của ngôn ngữ dân tộc được định hình thành những dạng nhất định
bởi quy luật lựa chọn và sử dụng các phương tiện biểu hiện do các nhân tố ngoài ngôn ngữ
(hoàn cảnh giao tiếp, đối tượng giao tiếp, mục đích giao tiếp, nội dung giao tiếp) chi phối và
quy định.
8
4.2. Những nhân tố tạo nên phong cách chức năng ngôn ngữ
Phong cách chức năng ngôn ngữ được tạo nên bởi hai nhân tố: nhân tố ngôn ngữ và nhân tố
ngoài ngôn ngữ. 
a. Nhân tố ngôn ngữ : Bao gồm các phương tiện ngôn ngữ như: ngữ âm, từ vựng, cú pháp.
Các yếu tố này giữ vai trò là phương tiện biểu hiện, tức làm rõ diện mạo, cụ thể hóa diện mạo
của phong cách chức năng ngôn ngữ. Chính nhờ các phương tiện này mà chúng ta có thể khảo
sát các đặc trưng diễn đạt và đặc điểm ngôn ngữ của từng phong cách. 
b. Nhân tố ngoài ngôn ngữ : Có rất nhiều các nhân tố chi phối việc lựa chọn các phương
tiện ngôn ngữ khi giao tiếp. Ví dụ như hoàn cảnh của người nói (viết) và người đọc (nghe);
hoàn cảnh xã hội; nói điều gì cho thích hợp; nói để làm gì và nhằm mục đích gì; tổ chức nội
dung và cách thức nói năng như thế nào cho thích hợp; thời điểm giao tiếp...Nói cách khác, khi
nói năng , chúng ta phải xử lí hàng loạt các vấn đề như: Phát ngôn cho ai? Tình huống phát
ngôn như thế nào? Phát ngôn về cái gì? Phát ngôn để làm gì? Phát ngôn như thế nào? Tuy
nhiên, chúng ta thấy có ba nhân tố quan trọng nhất chi phối việc chúng ta lựa chọn các phương
tiện ngôn ngữ khi giao tiếp và cũng chính từ ba nhân tố này (tất nhiên cùng cả những nhân tố
có liên quan khác) đã góp phần hình thành nên các phong cách chức năng ngôn ngữ.
Nhân tố ngoài ngôn ngữ bao gồm: Ðối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp và mục đích
giao tiếp. 
- Ðối tượng giao tiếp: Ðối tượng tham gia giao tiếp là nhân tố quan trọng nhất có tác dụng
quyết định đến việc lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ trong giao tiếp. Mỗi người trong giao
tiếp bao giờ cũng xuất hiện với một tư cách, một cương vị nhất định mà mối quan hệ gia đình
và xã hội đã quy định. Nói cho ai nghe ? Viết cho ai đọc ? Người nghe là ai ? Tâm tư tình cảm
thế nào, quan hệ với chúng ta ra sao? Trình độ học vấn, nghề nghiệp ?... Tất cả những điều đó
ta cần phải tìm hiểu khi tham gia giao tiếp, xác định rõ trước khi nói viết. Có như thế mới đạt
hiệu quả cao trong giao tiếp. 
VD: Tùy theo đối tượng giao tiếp mà tư lựa chọn đại từ nhân xưng cho phù hợp (Vai xã hội)
- Hoàn cảnh giao tiếp: Giao tiếp xã hội hiện nay thường được xuất hiện và tồn tại ở hai
dạng: giao tiếp theo nghi thức và giao tiếp không theo nghi thức. Hoàn cảnh theo nghi thức là
hoàn cảnh xã hội trong đó diễn ra hành vi giao tiếp bằng lời nói mang tính chất đúng đắn,
nghiêm túc, hoàn chỉnh. Hoàn cảnh không theo nghi thức là hoàn cảnh xã hội trong đó diễn ra
hành vi giao tiếp mang tính chất tự nhiên, thoải mái, đôi khi tùy tiện. Do hoàn cảnh giao tiếp
khác nhau nên có những phương tiện ngôn ngữ phù hợp cho mỗi dạng. Giao tiếp có hoàn cảnh
không theo nghi thức thì việc vận dụng các phương tiện ngôn ngữ không cần gọt giũa lắm, ít
chú ý hay có ý thức hướng tới chuẩn mực, thường tự do thoải mái trong phát âm, ít khi chuẩn
bị trước. Giao tiếp thuộc hoàn cảnh theo nghi thức thì việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ
có những yêu cầu và đòi hỏi ngược lại. 
VD: Sử dụng từ ngữ khi giao tiếp trong hội họp khác với trong sinh hoạt đời thường
- Mục đích giao tiếp: Mục đích là cái vạch ra làm đích nhằm đạt cho được trong hoạt động
có ý thức của con người. Mọi hành vi lời nói đều hướng tới một mục đích thực tiễn nhất định
và đều cần phải chọn một hình thức diễn đạt thích hợp. Cùng một nội dung giao tiếp nhưng
nếu xuất phát từ những mục đích giao tiếp khác nhau như: thông báo, trao đổi, tác động, chứng
minh, sai khiến hay thẩm mỹ... sẽ dẫn đến cách dùng từ, đặt câu và phương pháp diễn đạt khác
nhau. 
VD: Cách sử dụng từ ngữ trong văn bản hành chính khác với văn bản biểu cảm
4.3. Phong cách ngôn ngữ và lời nói cá nhân: 
- Trong nói năng, dù muốn hay không, mọi người đều nói, viết theo một phong cách ngôn
ngữ nhất định . Tuy nhiên, việc vận dụng đó còn tuỳ thuộc vào năng lực ngôn ngữ của mỗi
người, không phải ai cũng sử dụng phù hợp, đúng đắn, sâu sắc và tinh tế như nhau. Lời nói cá
nhân là kết quả của việc thực hiện phong cách ngôn ngữ của mỗi cá nhân ở trong thực tế. Lời

9
nói cá nhân vừa bao hàm cái chung, phong cách ngôn ngữ, vừa chứa đựng cái riêng, do cá
nhân sử dụng.
- Phong cách chức năng ngôn ngữ là cái chung, cái trừu tượng tồn tại trong ý thức của mỗi
người, còn lời nói cá nhân là cái riêng, cái cụ thể tồn tại trong những phát ngôn cụ thể. Mối
quan hệ giữa phong cách chức năng ngôn ngữ và lời nói cá nhân là mối quan hệ giữa cái
chung và cái riêng, cái có tính logic và cái có tính lịch sử. Phong cách chức năng ngôn ngữ
không chỉ quy định lời nói cá nhân mà ngược lại nó còn được lời nói cá nhân nuôi dưỡng. Mỗi
biến đổi của phong cách chức năng ngôn ngữ đều bắt đầu từ lời nói cá nhân. Xét cho cùng,
mối quan hệ giữa phong cách chức năng ngôn ngữ và lời nói cá nhân được xây dựng và xác
định trên cơ sở của mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và lời nói.
VII. Các phương pháp phân tích và nghiên cứu phong cách học
1. Phép thế tu từ (Thử nghiệm tu từ)
Phép thế tu từ là cách thay đổi một vài từ trong câu, một vài câu trong đoạn văn có ý nghĩa
tượng trưng để làm nổi bật giá trị của những từ và câu dùng trong nguyên tác.
Vd: Xắn tay mở khóa động đào
Rẽ mây thông tỏ lối vào thiên thai (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
( Xắn tay bẻ cái hàng rào
Rẽ cây thông tỏ lối vào nhà Kim)
2. Phép đối chiếu - so sánh
Phép đối chiếu - so sánh là cách xếp đặt những sự kiện biểu đạt đồng nghĩa cạnh nhau để
làm nổi bật những giá trị của sự kiện được đối chiếu
Vd: Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám (Tố Hữu)
(Bóng thù hắc ám đã tan tác, mùa thu tháng Tám đã sáng lại)
3. Phép thống kê tu từ (phong cách học)
Phép thống kê là phương pháp được sử dụng trong nhiều ngành khoa học trong đó có thống
kê ngôn ngữ học. Phép thống kê tu từ là sự lựa chọn xếp đặt các đơn vị có nghĩa và màu sắc tu
từ để nhận diện một phong cách chức năng hay phong cách biểu đạt của một phong cách cá
nhân, từ đó đưa ra nhận xét về giá trị.
Vd: Để phân tích phong cách ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương, ta có thể thống kê tần số sử
dụng những đơn vị từ láy, từ tượng hình, tượng thanh xuất hiện ở cuối dòng thơ: Chín mõm
mòm, hõm hòm hom, vỗ phập phòm, rơi lõm bõm, trơ toen hoẻn... những màu sắc đậm, những
động từ chỉ hành động mạnh mẽ (vấn đề thi pháp ngôn từ).
4. Phép bình giá các giá trị (phân tích định tính)
Các phép thay thế, đối chiếu - so sánh hay thống kê tu từ học thường được sử dụng để nhận
diện một phong cách ngôn ngữ nhưng mục đích cuối cùng là phải đưa ra những phán đoán giá
trị (đặc biệt khi phân tích văn bản).
- Giá trị biểu đạt: dựa vào phép thế, đối chiếu so sánh, thống kê tu từ để khẳng định đây là
sự lựa chọn tối ưu các phương tiện của tiếng Việt. Giá trị biểu đạt trả lời câu hỏi: hay hoặc
không hay
- Giá trị sử dụng: dựa vào hoàn cảnh giao tiếp để sử dụng các phương tiện tu từ cho lời nói
có hiệu quả. Giá trị sử dụng trả lời câu hỏi: Hợp hay không hợp?.Khi viết thường đặt ra những
yêu cầu: Viết để làm gì? viết cho ai? viết như thế nào?. Những yêu cầu đó chính là cơ sở để
xác định tiêu chí sử dụng đạt hiệu quả.

 

10
Chương II. CÁC PHONG CÁCH CHỨC NĂNG TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI

A. Việc phân loại phong cách chức năng ngôn ngữ


1. Từ thời cổ đại Arixtốt cho đến thế kỷ XVIII giới nghiên cứu ngôn ngữ đã chú ý đến việc
phân loại phong cách ngôn ngữ thành 3 loại:
- Loại thượng đẳng : Ngôn ngữ quý tộc
- Loại trung đẳng: Ngôn ngữ bình dân
- Loại hạ đẳng : Ngôn ngữ hạ lưu
Tuy nhiên cách phân chia trên rất phiến diện, không phù hợp với tiếng Việt
2. Việc phân loại phong cách ngôn ngữ khá đa dạng, có thể dựa theo nhiều tiêu chí khác nhau:
2.1. Phân loại theo đặc điểm sinh lý
- Phong cách giới tính: Phong cách ngôn ngữ của nam giới và nữ giới
- Phong cách lứa tuổi: Phong cách ngôn ngữ người già, trung niên, trẻ em...
2.2. Phân loại theo quan điểm xã hội học
- Phong cách ngôn ngữ giai cấp: phong cách ngôn ngữ bình dân, quý tộc, nông dân, tư
sản..
- Phong cách ngôn ngữ nghề nghiệp: ngôn ngữ thợ thuyền, binh lính, học sinh
- Phong cách ngôn ngữ địa phương: ngôn ngữ thủ đô, tỉnh lẻ...
2.3. Phân loại theo quan điểm nghệ thuật học
Phong cách ngôn ngữ trữ tình, chính luận, phong cách tả thực, lãng mạn
Đây là tiêu chí phân loại tự nhiên không mang tính khoa học.
3. Sự phân loại phong cách có tầm quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn là dựa vào tiêu chí
chức năng xã hội của ngôn ngữ. Dựa trên tiêu chí này mới có thể cắt nghĩa vì sao khi sử dụng
ngôn ngữ phải tuân thủ theo những quy tắc nhất định.
B. Các phong cách tiếng Việt hiện đại
I. Phong cách khẩu ngữ
1. Khái niệm
1.1. Phong cách khẩu ngữ là phong cách được dùng trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày,
thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức. Giao tiếp ở đây thường với tư cách cá
nhân nhằm để trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè, hàng xóm, đồng
nghiệp, đồng hành,... 
1.2. Các dạng thức: Phong cách khẩu ngữ có các dạng thức biểu hiện như : chuyện trò, nhật
kí, thư từ. Trong đó chuyện trò thuộc hình thức hội thoại, nhật kí thuộc hình thức văn bản tự
thoại và thư từ thuộc hình thức văn bản cách thoại. Tuy nhiên, có thể thấy ở phong cách này,
dạng nói là dạng giao tiếp chủ yếu.
Ở dạng này tất cả những nét riêng trong sự thể hiện như: đặc trưng, đặc điểm ngôn ngữ
được bộc lộ rõ và hết sức tiêu biểu. Có điều cần phải chú ý là không phải dạng nói nào cũng
thuộc Phong cách khẩu ngữ. Chỉ có những lời nói (chuyện trò) trong giao tiếp mang tính
không nghi thức mới thuộc phong cách khẩu ngữ . Ở phong cách này người ta còn chia làm
hai dạng: Phong cách khẩu ngữ văn hoá và Phong cách khẩu ngữ thông tục. Ở mỗi dạng này
lại có sự thể hiện riêng cả về đặc trưng cũng như về đặc điểm ngôn ngữ. Do đó, mỗi phong
cách chức năng ngôn ngữ không phải là một khuôn mẫu khô cứng. 
2. Chức năng và đặc trưng phong cách khẩu ngữ
2.1. Chức năng
Phong cách khẩu ngữ thực hiện chức năng trao đổi tư tưởng tình cảm và chức năng tạo tiếp.
Những vấn đề mà phong cách khẩu ngữ đề cập không chỉ là những vấn đề cụ thể, đơn giản
11
trong đời sống tình cảm, sinh hoạt hàng ngày mà còn là những vấn đề trừu tượng, phức tạp
như chính trị xã hội, khoa học, nghệ thuật, triết học,... 
2.2. Ðặc trưng
a. Tính cá thể
Ðặc trưng này thể hiện ở chỗ khi giao tiếp, người nói bao giờ cũng thể hiện vẻ riêng về
thói quen ngôn ngữ của mình khi trao đổi, chuyện trò, tâm sự với người khác. Ngôn ngữ là
công cụ chung dùng để giao tiếp trong một cộng đồng nhưng ở mọi người có sự vận dụng và
thể hiện không giống nhau do nhiều nguyên nhân như: nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính, tâm lí,
tính cách, trình độ học vấn, văn hoá... Ðặc trưng này khiến cho sự thể hiện của phong cách
khẩu ngữ cực kì phong phú, phức tạp, đa dạng. 
Vd: trong lời nói sinh hoạt hàng ngày, mỗi người có giọng nói, cách diễn đạt, dùng từ theo
cách riêng của mình
b. Tính cụ thể:
Ở phong cách khẩu ngữ , những cách nói trừu tượng, chung chung tỏ ra không thích hợp.
Ðiều này do giao tiếp ở đây thường là giao tiếp hội thoại, sự tiếp nhận và phản hồi thông tin,
tình cảm cần phải tức thời và ngắn gọn. Ðặc trưng này đã giúp cho sự giao tiếp trong sinh hoạt
hàng ngày trở nên nhanh chóng, dễ dàng, ngay trong trường hợp phải đề cập đến những vấn đề
trừu tượng.
Ví dụ: 
Tôi cười nhạt: 
- Nghe anh nói, tôi nản quá. Như vậy cuộc kháng chiến của ta có lẽ đến hỏng à? Anh chộp lấy
câu của tôi, nhanh như một con mèo vồ con chuột: 
- Ấy đấy, tôi bi lắm. Cứ quan sát kĩ thì rất nản. Nhưng tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào Ông
Cụ. Tôi cho rằng cuộc Cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì
người lãnh đạo cừ. Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng
tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho Ông Cụ lắm. Anh tính tượng trưng
cho phong trào giải phóng cả một cái đệ tứ cường quốc là Ðại Pháp mà cũng chỉ có đến thằng
Ðờ Gôn. 
Tôi nhắc đến tên mấy nhân vật kháng chiến cũ của Pháp, còn đáng tiêu biểu bằng mấy Ðờ
Gôn. Anh lắc đầu: 
- Bằng thế nào được Hồ Chí Minh! 
Và anh tiếp: 
- Ông Cụ làm những việc nó cừ quá, đến nỗi tôi cứ cho rằng dù dân mình có tồi đi nữa, Ông
Cụ xoay quanh rồi cũng cứ độc lập như thường. Những cú như cú Hiệp định sơ bộ mồng 6
tháng 3 thì đến chính thằng Mĩ cũng phải lắc đầu: nó cho rằng không thể nào bịp Ông Già
nổi. Thằng Pháp thì nghĩa lí gì? Bệt lắm rồi. Không có thằng Mĩ xui thì làm gì Pháp dám trở
mặt phản Hiệp định mồng 6 tháng 3? Mình cho nó như vậy là đã phúc đời nhà nó rồi. Ðáng lẽ
nó phải làm chằng chằng lấy chứ?
(Đôi mắt - Nam Cao)
c. Tính cảm xúc
Ðặc trưng này gắn chặt với tính cụ thể. Khi giao tiếp người ta luôn luôn bộc lộ thái độ tư
tưởng, tình cảm của mình đối với đối tượng được nói đến. Những cách diễn đạt đầy màu sắc
tình cảm đã nảy sinh trực tiếp từ những tình huống cụ thể trong thực tế đời sống muôn màu
muôn vẻ. Chính thái độ, tình cảm, cảm xúc làm thành nội dung biểu hiện bổ sung của lời nói,
giúp người nghe có thể hiểu nhanh chóng, hiểu sâu sắc nội dung cơ bản và nhất là mục đích, ý
nghĩa của lời nói. 
Ví dụ:
Anh Mịch nhăn nhó nói: 
- Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, kẻo ông ấy
đánh chết. 
12
Ông Lí cau mặt, lắc đầu, giơ roi song to bằng ngón chân cái lên trời, dậm dọa:
- Kệ mày, theo lệnh quan, tao chiếu sổ đinh, thì lần này đến lượt mày rồi. 
- Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy, ông mà bắt con đi, thì ông Nghị ghét con, cả nhà con
khổ. 
- Thì mày hẹn làm ngày khác với ông ấy, không được à? 
- Ðối với ông Nghị, con là chỗ đầy tớ, con sợ lắm. Con không dám nói sai lời, vì là chỗ con
nhờ vả quanh năm. Nếu không, vợ con con chết đói. 
- Chết đói hay chết no, tao đây không biết, nhưng giấy quan đã sức, tao cứ phép tao làm. Ðứa
nào không tuân, để quan gắt, tao trình thì rũ tù. ( Nguyễn Công Hoan) 
3. Ðặc điểm sử dụng ngôn ngữ
3.1. Ngữ âm  
a. Khi nói năng người ta không có ý thức hướng tới chuẩn mực ngữ âm mà nói năng thoải
mái, không những trong phát âm mà cả trong điệu bộ cử chỉ. Chính vì đặc điểm này mà chúng
ta thấy phong cách khẩu ngữ tồn tại rất nhiều những biến thể ngữ âm.
b. Ngữ điệu trong phong cách khẩu ngữ mang dấu ấn riêng của cá nhân, có tính chất tự
nhiên, tự phát. Trong một số trường hợp, ngữ điệu là nội dung thông báo chính chứ không phải
là lời nói. 
Vd: Sự thay đổi giọng điệu thể hiện thái độ tình cảm của người nói
3.2. Từ ngữ: 
a. Ðặc điểm nổi bật nhất của phong cách khẩu ngữ là thường dùng những từ mang tính cụ
thể, giàu hình ảnh và sắc thái biểu cảm. Người ta thường dùng phép thế các từ gần nghĩa cho
nhau
Ví dụ:
- Chỉ hành động nói chứa đựng thái độ xấu: Giở giọng, mở miệng, quạc cái mồm
- Chỉ hành động gây chia rẽ, xích mích: đâm thọc, thầy dùi, đâm bị thóc chọc bị gạo
- Chỉ hành động đánh đau: Chẻ xác, no đòn, đánh ựa cơm, đánh sặc tiết, thượng cẳng chân
hạ cẳng tay
b. Khi gọi tên hàng ngày, người ta không thích dùng tên khai sinh vì cách gọi này thường
kém cụ thể, ít gợi cảm. Người ta tìm những cách đặt tên khác có khả năng gợi ra hình ảnh, đặc
điểm cụ thể riêng biệt thường có ở một cá nhân. 
Vd: Lão sứt môi, gã cổ vịt, thằng ba lé, lão tư râu...
c. Những từ biểu thị các nhu cầu vật chất và tinh thần thông thường (như ăn, ở, đi lại, học
hành, thể dục thể thao, chữa bệnh, mua bán, giao thiệp, vui chơi, giải trí, sinh hoạt trong gia
đình, trong làng xóm...) chiếm tỉ lệ lớn, có tần suất cao. 
d. Một số hiện tượng từ ngữ thường xuất hiện trong phong cách khẩu ngữ:
- Có một lớp từ chuyên dùng cho phong cách khẩu ngữ mà rất ít dùng ở các phong cách
khác. Ví dụ: Hết xảy, hết ý, số dách,tuyệt cú mèo, bỏ bố, bỏ mẹ, cút, chuồn... Những tiếng
tục, tiếng lóng (cớm, chôm, mẹ kiếp...) cũng chỉ dùng ở phong cách này. 
- Sử dụng nhiều từ láy và đặc biệt là láy tư. Ví dụ như: đỏng đa đỏng đảnh, nhí nha nhí
nhảnh, tầm bậy tầm bạ, lí la lí lắt... Có khi sử dụng kiểu láy chen như: khách đến thì ít mà
khứa đến thì nhiều. 
- Sử dụng cách nói tắt. Ví dụ: Nhân khẩu ( khẩu); chán nản ( nản); bi quan (bi). 
- Sử dụng những kết hợp không có quy tắc. Ví dụ: Ðẹp (đẹp mê hồn, đẹp mê li rụng rốn,
đẹp tàn canh giá lạnh, đẹp ve kêu, đẹp bá chấy...)
- Thường dùng những từ tượng thanh, tượng hình. 
- Thường dùng cách nói ví von, so sánh, chuyển nghĩa ẩn dụ hoặc hoán dụ.
 3.3. Cú pháp
- Cấu trúc cú pháp được sử dụng trong phong cách khẩu ngữ, câu đơn chiếm tỉ lệ lớn và có
tần suất cao. Ðặc biệt, câu gọi tên ( như: câu cảm thán, câu chào hỏi, ứng xử...) được sử dụng
nhiều. 
13
- Ðặc điểm nổi bật ở phong cách này là tồn tại hai xu hướng trái ngược nhau. Một mặt, khẩu
ngữ dùng kết cấu tỉnh lược, có khi tỉnh lược đến mức tối đa nói bằng sự để trống hoàn toàn,
mặt khác, dùng các kết cấu cú pháp có xen những yếu tố dư, lặp lại, có khi dư thừa một cách
dài dòng lủng củng. 
Ví dụ về cách nói có xen nhiều yếu tố dư: 
Bác Phô gái, dịu dàng, đặt cành cau lên bàn, ngồi xổm ở xó cửa, gãi tai, nói với ông Lí: 
- Lạy thầy, nhà con thì chưa cất cơn, mấy lại sợ thầy mắng chửi, nên không dám đến kêu. Lạy
thầy, quyền phép trong tay thầy, thầy tha cho nhà con, đừng bắt nhà con đi xem đá bóng vội. 
- Ồ, việc quan không phải như chuyện đàn bà của các chị! 
- Thì lạy thầy, thế này, làng ta thì đông, thầy cắt ai không được. Tại nhà con ốm yếu, nên xin
thầy hoãn cho đến lượt sau. 
- Ốm gần chết cũng phải đi. Lệnh quan như thế. Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi, thì người
ta đá bóng cho chó nó xem à? ( Nguyễn Công Hoan) 
3.4. Diễn đạt 
- Do được dùng trong sinh hoạt hàng ngày nên phong cách khẩu ngữ diễn đạt một cách tự
do, tuỳ tiện, phóng khoáng và phụ thuộc rất nhiều vào tâm lí, cảm hứng của người trong cuộc.
Khuynh hướng diễn đạt cơ bản của phong cách này là cụ thể hóa, biểu cảm hóa sự diễn đạt
Vd: Thở ra đằng tai, bở hơi tai : Mệt
Da bọc xương : gầy
- Phong cach khẩu ngữ được thực hiện trong hoàn cảnh giao tiếp trực tiếp, đề tài mang tính
tự phát, luôn thay đổi. Ðiều này dẫn đến tình trạng đề tài, đối tượng được đề cập trong phong
cách khẩu ngữ ít khi tập trung, đứt đoạn, ý nọ xọ ý kia, thiếu tính liên tục.
II. Phong cách khoa học
1. Khái niệm 
1.1.Phong cách khoa học được dùng trong lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa
học. Ðây là phong cách ngôn ngữ đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu. Khác
với phong cách khẩu ngữ, phong cách khoa học chỉ tồn tại chủ yếu ở môi trường của những
người làm khoa học chủ yếu xuất hiện ở dạng văn bản viết. 
1.2. Phong cách khoa học có ba biến thể: phong cách khoa học chuyên sâu, phong cách
khoa học giáo khoa và phong cách khoa học phổ cập. 
2. Chức năng và đặc trưng 
2.1. Chức năng
Phong cách khoa học có hai chức năng là: thông báo và chứng minh. Chính chức năng
chứng minh tạo nên sự khu biệt giữa Phong cách khoa học với các phong cách khác. Văn bản
khoa học không chỉ thuần thông báo nêu khái niệm về các sự kiện, sự vật tồn tại trong thực tế
khách quan mà còn phải chứng minh, làm tường minh ý nghĩa của các sự kiện ấy. 
2.2. Ðặc trưng
a. Tính trừu tượng khái quát
Mục đích của khoa học là phát hiện ra các quy luật tồn tại trong các sự vật, hiện tượng nên
phải thông qua trừu tượng hoá, khái quát hoá khi nhận thức và phản ánh hiện thực khách quan.
Trừu tượng hoá chính là con đường của nhận thức lí tính giúp ta thoát khỏi những nhận biết lẻ
tẻ, rời rạc ở giai đoạn cảm tính.
b. Tính logic:
Cách diễn đạt của phong cách khoa học phải biểu hiện năng lực tổng hợp của trí tuệ, phải
tuân theo quy tắc chặt chẽ từ tư duy logic hình thức đến tư duy logic biện chứng. Các nội dung
ý tưởng khoa học của người viết phải được sắp xếp trong mối quan hệ logic, tránh trùng lặp
hoặc mâu thuẫn; những khái quát, suy lí khoa học không được phủ định lại những tài liệu (cứ
liệu) làm cơ sở cho nó... 
Vd: "Sóng âm là những sóng cơ học dọc truyền trong môi trường vật chất, có tần số khoảng
16Hz -2000Hz và gây ra cảm giác âm thanh trong tai con người. Sóng âm vừa có đặc tính vật
14
lý, vừa có đặc tính sinh lý. Xét về đặc tích vật lý, sóng âm, sóng siêu âm, sóng hạ âm không
khác gì sóng cơ học khác. dặc tính sinh lý của sóng âm phụ thuộc cấu tạo tai của con
người"(vật lý lớp 12)

c. Tính chính xác - khách quan


Phong cách khoa học không được phép tạo ra sự khác biệt giữa cái biểu đạt và cái được biểu
đạt. Một văn bản khoa học chỉ có giá trị thực sự khi đưa đến người tiếp nhận những thông tin
chính xác về các phát hiện, phát minh khoa học. Muốn vậy, văn bản khoa học phải đảm bảo
tính một nghĩa. Nghĩa là nó không cho phép nhiều cách hiểu khác nhau hoặc hiểu một cách mơ
hồ. Chân lí khoa học luôn phụ thuộc vào các quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý thức
chủ quan của con người. Những từ ngữ biểu cảm, những ý kiến nhận định mang tính chủ quan
không thích hợp ở phong cách này. 
VD: vấn đề sử dụng thuật ngữ khoa học phải chính xác và nhất quán (Hình ảnh /Hình tượng)
d. Tính trí tuệ
Ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ của sự nhận thức trí tuệ, không dụng nạp yếu tố cảm xúc
truyền cảm. Ngôn ngữ khoa học tuyết phục người đọc bằng hệ thống các luận điểm, luận cứ và
lập luận bằng phương pháp tư duy chặt chẽ chứ không phải bằng cảm giác và sự rung động
của con tim.
3. Đặc điểm sử dụng ngôn ngữ  
3.1. Ngữ âm
Khi thông báo khoa học người ta thường có ý thức hướng đến chuẩn mực ngữ âm. Để tăng
thêm sức thuyết phục của sự lập luận, có thể sử dụng ngữ điệu nhằm nhấn mạnh các luận điểm
chính nhưng không được lạm dụng.
3.2. Từ ngữ: 
- Sử dụng nhiều và chính xác những thuật ngữ khoa học chuyên ngành, từ ngữ sử dụng
thường mang tính đơn nghĩa, hạn chế sử dụng từ ngữ tượng hình gợi tả. 
Vd: Ngữ âm, hình vị, âm tiết, hàm ngôn, nghĩa tường minh, biện pháp tu từ....
- Những từ ngữ trừu tượng, trung hòa về sắc thái biểu cảm xuất hiện với tần số cao luôn
thích hợp với sự diễn đạt của phong cách này. 
- Các đại từ nhân xưng ngôi thứ ba (người ta) và ngôi thứ nhất (ta, chúng ta, chúng tôi ) với
ý nghĩa khái quát được dùng nhiều. 
Ví dụ: Và như vậy, ta lại trở về với một cách hiểu xuất phát của từ phong cách mà không chỉ
là ngôn ngữ hay hoạt động ngôn ngữ nghệ thuật hay phi nghệ thuật v.v... đó là: những đặc
trưng hoạt động bằng lời nói được lặp đi lặp lại ở một người nào đó, ở một môi trường ngôn
ngữ hay một cộng đồng có khả năng khu biệt với những kiểu biểu đạt ngôn ngữ khác; nói cách
khác nó là tổng số của những dấu hiệu khu biệt của các sự kiện lời nói trong giao tiếp, phản
ánh một cấu trúc bên trong và một cơ chế hoạt động ngôn ngữ.
3.3. Cú pháp 
- Phong cách khoa học sử dụng các hình thức câu hoàn chỉnh, kết cấu câu chặt chẽ, rõ ràng
để đảm bảo yêu cầu chính xác, một nghĩa và tránh cách hiểu nước đôi nước ba. 
- Các phát ngôn hàm chứa nhiều lập luận khoa học, thể hiện chất lượng tư duy logic cao. 
- Câu điều kiện - hệ quả và câu ghép được sử dụng nhiều tươn đương với mệnh đề logic.
Nội dung của các phát ngôn đều minh xác. Sự liên hệ giữa các vế trong câu và giữa các phát
ngôn với nhau thể hiện những luận cứ khoa học chặt chẽ. Vì vậy, độ dư thừa trong các phát
ngôn nói chung là ít, mà cũng có thể nói là ít nhất, so với các phát ngôn khác. 
- Văn phong khoa học thường sử dụng những cấu trúc câu khuyết chủ ngữ, hoặc câu có chủ
ngữ không xác định. 
Vd: "Đánh giá một nền văn học cũng như đánh giá một trào lưu nghệ thuật không thể căn cứ
vào số lượng mà phải căn cứ vào chất lượng. Vì nghệ thuật chân chính không dung nạp những
cái bình thường và tầm thường" (Tạp chí văn học)
15
III. Phong cách thông tấn báo chí
1. Khái niệm
Phong cách thông tấn báo chí được dùng trong lĩnh vực thông tin của xã hội về tất cả những
vấn đề tin tức thời sự trên các lãnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, thể thao xảy ra trong đời
sống (Thông tấn: có nghĩa là thu thập và biên tập tin tức để cung cấp cho các nơi.) 
- Phong cách thông tấn báo chí có các loại: văn bản cung cấp tin tức, văn bản phản ánh công
luận và văn bản thông tin - quảng cáo. Phong cách thông tấn tồn tại cả ba dạng: dạng nói (kênh
nói được dùng ở các đài phát thanh); dạng hình và nói (kênh nói và hình được dùng ở đài
truyền hình); dạng viết ( kênh viết được dùng trên báo và tạp chí...). 
2. Chức năng và đặc trưng
2.1. Chức năng
Phong cách thông tấn báo chí có hai chức năng là thông báo và tác động. 
- Báo chí ra đời trước hết là do nhu cầu thông tin. Qua báo chí, người ta tiếp cận được nhanh
chóng các vấn đề thời sự mà mình quan tâm. Do đó, phong cách thông tấn trước tiên phải đáp
ứng được chức năng này.
- Báo chí còn đảm nhận một nhiệm vụ to lớn khác là tác động đến dư luận làm cho người
đọc, người nghe, người xem hiểu được bản chất của sự thật để phân biệt cái đúng cái sai, cái
thật, cái giả, cái nên ngợi ca, cái đáng phê phán để từ đó định hướng suy nghĩ và hành động
đúng. 
2.2. Ðặc trưng
a.Tính thời sự
Thông tin phải truyền đạt kịp thời, nhanh chóng. Chỉ có những thông tin mới mẻ, cần thiết
mới hấp dẫn người đọc, người nghe. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu trao đổi và tiếp nhận
thông tin của con người ngày càng lớn. Báo chí sẽ thoả mãn nhu cầu thông tin đó của con
người, nhưng đồng thời người ta đòi hỏi đấy phải là những thông tin kịp thời, nóng hổi.
b. Tính chân thực chính xác
Những thông tin báo chí cung cấp phải đảm bảo tính chính xác, tính chân thực. Người làm
báo không được xuyên tạc, bóp méo hiện thực cuộc sống, không được lồng ghép thiên kiến
chủ quan một cách tùy tiện trái với sự thật. Thông tin về sự việc hiện tượng phải cụ thể (Công
thức 6W (what, where, when, who, why, which)
  c. Tính chiến đấu
Báo chí là công cụ đấu tranh chính trị của một nhà nước, một đảng phái, một tổ chức. Tất cả
công việc thu thập và đưa tin đều phải phục vụ cho nhiệm vụ chính trị đó. Tính chiến đấu là
một yếu tố không thể thiếu được trong quá trình tạo nên sự ổn định và phát triển của xã hội
trên mặt trận chính trị tư tưởng. Ðấy chính là các cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới; giữa
cái tiến bộ và lạc hậu; giữa tích cực và tiêu cực...
"Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy"
(Hồ Chí Minh)
  d. Tính hấp dẫn:
Tin tức của báo, đài cần phải được trình bày và diễn đạt hấp dẫn để khêu gợi hứng thú của
người đọc, người nghe. Tính hấp dẫn được coi như là một trong những yếu tố quyết định sự
sinh tồn của một tờ báo, tạp chí hay các đài phát thanh, truyền hình. Ðiều này đòi hỏi ở hai
mặt: nội dung và hình thức. 
- Về nội dung: Thông tin phải luôn luôn cập nhật mới, đề tài phong phú đa dạng.
- Về hình thức: Ngôn ngữ phải có sức thu hút, lôi cuốn người đọc, đặc biệt là ở các tiêu đề. 
3. Ðặc điểm sử dụng ngôn ngữ  
3.1. Ngữ âm
Với các đài phát thanh và truyền hình trung ương, đòi hỏi khi đưa tin phải phát âm chuẩn
mực. Với các đài phát thanh và truyền hình của địa phương hoặc khu vực, có thể sử dụng một

16
cách có chừng mực một số biến thể phát âm thuộc một phương ngôn nào đó, nơi mà đài phủ
sóng (tuy nhiên không lạm dụng âm địa phương).

 3.2. Từ ngữ 
- Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, từ ngữ được dùng trong phong cách
thông tấn trước hết phải là từ ngữ toàn dân, có tính thông dụng cao. Tuy nhiên, ở mỗi thể loại
có sự thể hiện khác nhau:
+ Từ ngữ trong các bản tin thời sự phần lớn là lớp từ ngữ chuyên dùng trong các hoạt
động của bộ máy Nhà nước và các đoàn thể.
Ví dụ: "Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, trong ngày làm việc thứ hai của chuyến thăm
Nhật Bản, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư
Ðảng, đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can, tiếp Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch
Ðảng Cộng sản Nhật Bản, lãnh đạo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Liên đoàn
các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN)" (Báo Nhân dân online).
+ Từ ngữ các mẫu quảng cáo thường là tên các hàng hoá, các từ chỉ địa danh, nhân
danh và các tính từ chỉ phẩm chất.
Ví dụ: Với đội ngũ Kiến trúc sư trong nước và nước ngoài nhiều kinh nghiệm trong thiết kế
văn phòng, thi công nội thất văn phòng, QualiDecor đến nay đã hoàn thành nhiều dự án thiết
kế văn phòng đạt chất lượng, thẩm mỹ hoàn hảo nhất, mang lại được nhiều sự hài lòng cho
khách hàng. Đến với chúng tôi, Quý khách hàng không chỉ hài lòng với chất lượng thiết kế văn
phòng, thi công văn phòng mà còn yên tâm với công việc lắp đặt và dịch vụ bảo hành, hậu mãi
sau đó.
Công ty Kiến trúc nội thất QualiDecor
Tên giao dịch quốc tế: QualiDecor Architect and Interior Company
Tên viết tắt: QUALIDECOR
Địa chỉ: 53-55 Khuat Duy Tien, Thanh Xuan, Hanoi
Văn phòng: 043-5539523- 0932327588
Website: www.noithatvanphong247.comwww.qualidecor.vn
+ Từ ngữ trong các bài phỏng vấn, phóng sự thì thường là những từ ngữ chuyên dùng
trong lĩnh vực được tiến hành phỏng vấn hay phóng sự.
Ví dụ:  * Hội đồng văn hoá khi giới thiệu ông với giải thưởng Rockefeller III đã đánh giá về
bảo tàng do ông làm giám đốc là một trong những bảo tàng có ấn tượng nhất trong loại hình
này ở châu Á. Thưa ông, về phiïa chủ quan mình, chữ ấn tượng này nên hiểu như thế nào? 
TS Nguyễn Văn Huy: Có lẽ trước hết vì bảo tàng này giới thiệu một cách bình đẳng 54
nền văn hoá của 54 dân tộc ở Việt Nam. Ðó là điều không phải ở đâu cũng làm được. Chủ thể
của những nền văn hoá này được tôn trọng trong các cách giới thiệu từng thành tố văn hoá.
Bảo tàng đã phản ánh một cách chân thật lịch sử, đời sống văn hoá và cuộc sống của các dân
tộc... ( Báo Tuổi trẻ CN ) 
- Từ ngữ dùng thường có màu sắc biểu cảm . Có xu hướng đi tìm cái mới trong ý nghĩa của
từ. Ðiều này bộc lộ những khả năng tìm tòi, phát hiện những năng lực tiềm tàng ẩn chứa trong
từ hoặc trong các kết hợp mới mẻ có tính năng động dễ đi vào lòng người.
Ví dụ: Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh, tội ác xuyên quốc gia, cuộc chiến chống bệnh tật đói
nghèo, quả bom dân số, chiến tranh lạnh, xa lộ thông tin, bùng nổ thông tin, cái chết trắng,
bên bờ vực phá sản, liên minh ma quỷ... 
3.3. Cú pháp 
- Cấu trúc cú pháp thường lặp đi lặp lại một số kiểu nhất định. Trong đó, quảng cáo thường
sử dụng câu đơn; bài đưa tin thường sử dụng nhiều câu ghép hoặc câu đơn có kết cấu phức
tạp; bài phỏng vấn phóng sự thì tùy lĩnh vực nó đi sâu mà cấu trúc cú pháp có thể đơn giản hay
phức tạp, nhưng thường là hay sử dụng nhiều câu ghép và câu phức tạp.

17
Ví dụ: Theo Kyodo, trong cuộc họp ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở
Okinawa ngày 23-7, Tổng thống Nga Vlađimia Putin và Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori đã
thoả thuận rằng ông Putin sẽ đi thăm Nhật Bản từ 3 đến 5-9 để có các cuộc hội đàm về kế
hoạch kí kết một hiệp ước hoà bình song phương. Nga và Nhật đã thiết lập quan hệ ngoại giao
vào năm 1956 nhưng chưa kí hiệp ước hoà bình vì còn bất đồng về chủ quyền quần đảo Kurin.
(Báo Tuổi trẻ ) 
- Thường theo những khuôn mẫu văn bản và công thức hành văn nhất định. Ðưa tin có
khuôn mẫu và công thức hành văn riêng; quảng cáo, phỏng vấn, phóng sự,...tuy khuôn mẫu
văn bản và công thức hành văn có khác nhau nhưng cũng đều có những quy định chuẩn về
những phương diện đó. 
- Trong các bài phóng sự điều tra, tiểu phẩm... những cấu trúc câu khẩu ngữ, câu trong
phong cách văn chương như: câu hỏi, câu cảm thán, câu chuyển đổi tình thái, câu tỉnh lược,
câu đảo trật tự các thành phần cú pháp cũng được khai thác sử dụng nhằm thực hiện chức năng
riêng của mỗi thể loại. 
IV. Phong cách hành chính
1. Khái niệm  
- Phong cách hành chính đuợc dùng trong hoạt động giao tiếp thuộc lĩnh vực hành chính.
Ðây là hoạt động giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước,
giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác. Phong cách hành chính thường tồn tại
dưới dạng văn bản viết.
- Phong cách hành chính thường dụng trong những dạng văn bản: Hiến pháp, luật, điều lệ,
nội quy, Bằng khen, văn bằng, giấy chứng nhận các loại,đơn từ, hợp đồng, hóa đơn, biên
nhận, tờ trình...
2. Chức năng và đặc trưng 
2.1. Chức năng
Phong cách hành chính có hai chức năng: thông báo và sai khiến. Chức năng thông báo
thể hiện rõ ở giấy tờ hành chính thông thường (văn bằng, chứng chỉ các loại, giấy khai sinh,
hoá đơn, hợp đồng...). Chức năng sai khiến bộc lộ rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật,
văn bản của cấp trên gởi cho cấp dưới, của nhà nước đối với nhân dân, của tập thể với các cá
nhân (nghị định, chỉ thị, thông báo, thông tư, chỉ thị, quyết định...). 
2.2. Ðặc trưng
a. Tính chính xác - minh bạch về pháp lý
Văn bản hành chính chỉ cho phép một cách hiểu. Nếu hiểu không thống nhất sẽ dẫn đến
việc thi hành các văn bản hành chính theo những cách khác nhau. Tính chính xác này đòi hỏi
từ dấu chấm câu đến từ ngữ, câu văn và kết cấu của văn bản. Nói cách khác, quan hệ giữa hình
thức và nội dung biểu đạt là quan hệ 1-1. Ðặc trưng này đòi hỏi người tạo lập văn bản không
được dùng các từ ngữ, các kiểu cấu trúc ngữ pháp mơ hồ. 
Vd: Quy chế thi phải chuẩn xác từng câu chữ, sử dụng dấu câu
b. Tính nghiêm túc- khách quan
Tính khách quan gắn với chuẩn mực luật pháp nhằm để diễn đạt tính chất xác nhận, khẳng
định của những tài liệu này. Văn bản hành chính thuộc loại giấy tờ có quan hệ đến thể chế
quốc gia, của xã hội có tổ chức cho nên sự diễn đạt ở đây phải luôn luôn thể hiện tính nghiêm
túc. Các văn bản như : hiến pháp, luật, quyết định, thông tư,... mang tính chất khuôn phép cao
cho nên không chấp nhận phong cách diễn đạt riêng của cá nhân. Ngay cả những văn bản hành
chính mang tính cá nhân cũng phải đảm bảo đặc trưng này. 
VD: Viết đơn khác với viết thư
c. Tính khuôn mẫu của nhà nước
Văn bản hành chính được soạn thảo theo những khuôn mẫu nhất định do nhà nước quy định.
Những khuôn mẫu này được gọi là thể thức văn bản hành chính. Thể thức đúng không những
làm cho văn bản được sử dụng có hiệu quả trong hoạt động hiện hành của các cơ quan mà còn
18
làm cho văn bản có giá trị bền vững về sau. Tính khuôn mẫu thể hiện qua những quy định về
cấu trúc văn bản, dùng từ, hình thức trình bày văn bản...
VD: Cấu trúc văn bản hành chính: Quyết định
d. Tính hiệu lực thực thi
Văn bản hành chính không phải nhằm mục đích thể hiện tình cảm mà sử dụng vào mục đích
thực thi quyền lực. Vì vậy văn bản không dung nạp yếu tố biểu cảm. Người viết không phải
nhân danh cá nhân để bộc bạch tình cảm mà nhân danh nhà nước để ban hành chủ trương,
nhân danh công dân để thực hiện quyền công dân đối với cơ quan nhà nước. Do vậy trong văn
bản thường xuất hiện những cụm từ như: Căn cứ vào, nay quyết định, yêu cầu thực hiện, đề
nghị, yêu cầu, mong được giải quyết...
3. Ðặc điểm sử dụng ngôn ngữ
3.1. Ngữ âm
Khi phát âm ở phong cách này phải hướng tới chuẩn mực ngữ âm, phát âm phải rõ ràng,
chính xác. Khác với các loại phong cách khác, khi tồn tại ở dạng nói, phong cách hành chính
không phải là sự trình bày, diễn đạt theo văn bản đã viết hoặc soạn đề cương mà là đọc lại.
Nghĩa là chúng không chịu một sự biến đổi nào bên trong. Ngữ điệu đọc hoàn toàn bị phụ
thuộc vào cấu trúc của nội dung văn bản. 
3.2. Từ ngữ
- Những từ ngữ xuất hiện nhiều ở phong cách này là lớp từ ngữ chuyên dùng trong các hoạt
động của bộ máy nhà nước và các đoàn thể, còn được gọi là từ hành chính. Loại từ này tạo nên
vẻ trang trọng, nghiêm túc, đảm bảo thể chế của sự diễn đạt hành chính. 
- Có khuynh hướng dùng những từ ngữ thật chính xác đứng về mặt nội dung và những từ
ngữ trung hoà hoặc những từ ngữ trang trọng đứng về mặt sắc thái biểu cảm. Những từ ngữ
này góp phần biểu thị tính chất thể chế nghiêm chỉnh của các giấy tờ và văn kiện hành chính. 
- Từ Hán Việt chiếm một tỉ lệ khá lớn.
Ví dụ
* Điều 1: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo.
(Trích hiến pháp nước CNXHCN Việt Nam)
3.3. Cú pháp 
- Dùng câu tường thuật là chủ yếu, các kiểu câu cảm thán , nghi vấn không thích hợp với
yêu cầu thông tin của phong cách này. 
- Câu văn hành chính không chấp nhận sự mơ hồ. Tính thống nhất và chặt chẽ của các văn
bản hành chính không cho phép sử dụng những câu trong đó quan hệ ngữ pháp giữa các thành
phần không rõ ràng khiến nội dung câu văn bị hiểu theo nhiều cách. 
- Câu văn hành chính không cho phép sự sáng tạo về ngôn ngữ của cá nhân, những yếu tố
cảm xúc của cá nhân. Do yêu cầu cao về sự thống nhất theo thể thức hành chính nên một số
văn bản hành chính viết theo mẫu đã quy định thống nhất. 
- Cú pháp của bất kỳ một quyết định hành chính nào cũng chỉ được trình bày trong một câu. 
V. Phong cách chính luận
1. Khái niệm 
- Phong cách chính luận dùng trong lĩnh vực chính trị xã hội. Người giao tiếp bày tỏ chính
kiến, bộc lộ công khai quan điểm chính trị, tư tưởng của mình đối với những vấn đề thời sự
chính trị xã hội đương đại.
- Phong cách chính luận thường sử dụng trong các dạng văn bản: Hịch, cáo, lời kêu gọi,
tuyên ngôn, báo cáo chính trị, xã luận bình luận trên báo chí phát thanh truyền hình.
2. Chức năng và đặc trưng
2.1. Chức năng

19
- Chức năng thông báo nhằm truyền đạt cho mọi người nhận thức đúng các vấn đề thời sự
chính trị xã hội, công bố chủ trương đường lối chính sách (đây là điểm giao thoa với phong
cách báo chí).
- Chức năng tác động nhằm tuyên truyền giáo dục, cổ vũ động viên mọi người hưởng ứng.
Hai chức năng trên có mối quan hệ mật thiết tác động qua lại ảnh hưởng nhau, thông báo đã
bao hàm mục đích tác động, việc tác động có hiệu quả nhờ vào sự thông báo tường minh chân
lý. Chính vì thực hiện các chức năng này mà ta thấy phong cách chính luận có điểm gặp gỡ
với phong cách thông tấn báo chí, phong cách khoa học và cả phong cách văn chương. 
2.2. Ðặc trưng
a. Tính bình giá công khai
Người nói, người viết bao giờ cũng bộc lộ công khai một cách rõ ràng trực tiếp quan điểm,
thái độ của mình đối vè những vấn đề chính trị xã hội. Ðây là đặc trưng khu biệt phong cách
chính luận với phong cách khoa học và phong cách văn chương. Nếu văn chương là bình giá
gián tiếp, khoa học là tránh sự thể hiện những yếu tố cảm tính chủ quan thì chính luận bao giờ
cũng bộc lộ trực tiếp quan điểm, thái độ của mình về một vấn đề thời sự của xã hội. Sự bình
giá này có thể là của cá nhân hoặc nhân danh một tổ chức, đoàn thể chính trị nào đó. 
b. Tính lập luận chặt chẽ
Ðể bày tỏ chính kiến, giải thích, thuyết phục và động viên mọi người tham gia vào việc giải
quyết những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước, sự diễn đạt ở phong cách này đòi hỏi có
tính chất lập thuyết. Nghĩa là phải bằng những lí lẽ đúng đắn, có căn cứ vững chắc, dựa trên cơ
sở những luận điểm, luận cứ khoa học mà đấu tranh, thuyết phục, động viên.
Tính lập luận chặt chẽ thể hiện ở việc khai thác những quan hệ chiều sâu giữa hình thức
ngôn ngữ và mục đích biểu đạt. Một văn bản chính luận hay thường là những văn bản chưá
đựng nhiều hàm ý sâu sắc, có sức chinh phục lòng người, có sức cuốn hút mãnh liệt.
Ví dụ: Nét sắc sảo trong cách lập luận của tuyên ngôn độc lập
c. Tính truyền cảm
Để thuyết phục người nghe, đọc, phong cách chính luận có tính truyền cảm mạnh mẽ, diễn
đạt hùng hồn, sinh động có sức hấp dẫn và đạt hiệu quả cao, thuyết phục cả bằng lí trí, cả bằng
tình cảm, đạo đức. Ðặc trưng này tạo nên sự khu biệt giữa phong cách chính luận với khoa
học, thông tấn và khiến phong cách này gần với phong cách văn chương. Trong văn bản chính
luận, chúng ta thường bắt gặp các biện pháp tu từ, những từ ngữ có đặc điểm tu từ cao nhằm
gây ấn tượng mạnh mẽ về mặt âm thanh và ý nghĩa. 
3. Ðặc điểm sử dụng ngôn ngữ
3.1. Ngữ âm
Có ý thức hướng tới chuẩn mực ngữ âm. Khi phát biểu trong hội nghị hoặc diễn thuyết trong
mít tinh, ngữ điệu được xem là phương tiện bổ sung để tăng thêm sức hấp dẫn, lôi cuốn người
nghe. 
3.2. Từ ngữ
- Ðặc điểm nổi bật nhất là sự có mặt của lớp từ chính trị, công cụ riêng của phong cách
chính luận. phong cách này đòi hỏi khi dùng từ chính trị phải luôn luôn tỏ rõ lập trường, quan
điểm và tình cảm cách mạng của mình.
Ví dụ:  "Ai dám bảo cuộc Cách mạng tháng Tám của ta là cuộc đảo chính? Ðảo chính là hai
bọn thống trị trong nước hất cẳng nhau. Bọn này quật đổ bọn kia để lập chính phủ mới, nhưng
căn bản chế độ cũ vẫn để nguyên. Ðằng này nhân dân bị áp bức nổi dậy tự giải phóng giành
chính quyền, sao gọi là đảo chính?" (Trường Chinh) 
- Từ ngữ đòi hỏi sự minh xác cao. Ðề tài được đưa ra bàn luận ở phong cách chính luận là
những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội cho nên khi cần thiết người ta phải dùng tất cả các
lớp từ ngữ có quan hệ đến đề tài này. 

20
- Khi cần bày tỏ sự đánh giá tình cảm của mình một cách mạnh mẽ đối với các vấn đề nêu ra,
văn chính luận chọn lọc và sử dụng các đơn vị từ khẩu ngữ, bởi vì đây là lớp từ giàu sắc thái ý
nghĩa và sắc thái biểu cảm.
Ví dụ: "Ai nói mà không làm, ai chỉ nghị quyết suông, ai theo đuôi quần chúng, ai ỳ ra như
xe bò lên dốc, ai nhút nhát như bị quân thù bắt mất hồn, ai không dám hi sinh việc nhà cho
việc Ðảng, phải kíp sửa đổi mà tiến lên" (Trường Chinh)
3.3. Cú pháp
- Do phải thực hiện chức năng thông báo, chứng minh và tác động nên phong cách chính luận
dùng nhiều kiểu câu khác nhau: câu đơn, câu ghép, câu tường thuật, câu nghi vấn, câu cảm
thán. 
- Câu văn chính luận thường dài, có kết cấu tầng bậc làm cho tư tưởng nêu ra được xác định
chặt chẽ. 
- Ðể nhấn mạnh ý tưởng, gây sự chú ý ở người đọc, phong cách chính luận sử dụng nhiều lối
nói trùng điệp, phép điệp từ, điệp ngữ, các cách so sánh giàu tính liên tưởng và tương phản để
tăng cường độ tập trung thông tin và hiệu quả bình giá, phán xét.
Ví dụ:  "Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân
nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa."
(Hồ Chí Minh) 
"Ðổi mới là con đường duy nhất đúng đắn của Ðảng ta, của nhân dân ta, để vượt qua mọi
khó khăn to lớn, đi đến ổn định và phát triển. Ðổi mới tạo nên thế mới và sức lực mới, như
muà xuân làm bật dậy sức sinh sôi huyền diệu của thiên nhiên, đúng theo quy luật của sự phát
triển". (Báo Nhân dân) 
VI. Phong cách văn chương
1. Khái niệm
Phong cách văn chương (còn gọi là phong cách ngôn ngữ nghệ thuật) được dùng trong sáng
tác văn chương. Phong cách này là dạng tồn tại toàn vẹn và sáng chói nhất của ngôn ngữ toàn
dân. Phong cách văn chương không có giới hạn về đối tượng giao tiếp, không gian và thời gian
giao tiếp. 
2. Chức năng và đặc trưng 
2.1. Chức năng
a. Phong cách ngôn ngữ văn chương có ba chức năng: thông báo, tác động, thẩm mĩ. Việc
thực hiện chức năng của phong cách văn chương không bằng con đường trực tiếp mà bằng
con đường gián tiếp thông qua hình tượng văn chương. Các phương tiện ngôn ngữ được nhà
văn vận dụng một cách sáng tạo để xây dựng hình tượng.
b. Khái niệm chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ văn chương có thể nhận biết qua 2 mối quan
hệ:
- Qụan hệ giữa ngôn ngữ văn chương với hình tượng văn chương: Ngôn ngữ văn chương là
chất liệu, công cụ để xây dựng hình hượng văn chương (hình tượng nghệ thuật ngôn từ), ngôn
ngữ mang tính tạo hình biểu cảm
Vd: Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều (Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Những từ ngữ, hình ảnh: đồng quê chảy máu, thép gai đâm nát trời chiều phác họa hình
tượng đất nước thân thương bị kẻ thù tàn phá hủy diệt; khơi gợi lòng căm thù giặc sâu sắc.
- Quan hệ giữa ngôn ngữ văn chương với độc giả: Ngôn ngữ văn chương luôn tác động vào
độc giả, nó không chỉ mang ý nghĩa thông báo mà còn gợi nên những rung cảm thẩm mỹ mãnh
liệt trong tâm hồn độc giả khi tiếp nhận văn chương.
2.2. Ðặc trưng
a. Tính hệ thống cấu trúc

21
Tác phẩm văn chương là một cấu trúc, chỉnh thể nghệ thuật trọn vẹn. Các thành tố nội dung
tư tưởng, tình cảm,hình tượng và các thành tố ngôn ngữ diễn đạt chúng không những phụ
thuộc vào nhau mà còn phụ thuộc vào hệ thống nói chung.
Trong tác phẩm văn chương, có khi chỉ cần bỏ đi một từ hay thay bằng một từ khác là đủ
làm hỏng cả một câu thơ, phá tan nhạc điệu của nó, xoá sạch mối quan hệ của nó với hoàn
cảnh xung quanh. Từ nghệ thuật không sống đơn độc, tự nó, vì nó, từ nghệ thuật đứng trong
đội ngũ, nó góp phần mình vào các từ đồng đội khác. Tính cấu trúc là điều kiện của cái đẹp.
Một yếu tố ngôn ngữ chỉ có được ý nghĩa thẩm mĩ khi nằm trong tác phẩm. Chính là trên cái
nền văn bản phù hợp mà từ ngữ có thể thay đổi ý nghĩa: cũ kĩ hay mới mẻ, dịu dàng hay thâm
độc, trang trọng hay hài hước...Do vậy khi phân tích tác phẩm văn học cần chú ý đến tính hệ
thống, phải đặt các chi tiết, hình ảnh, từ ngữ... trong chỉnh thể tác phẩm để cắt nghĩa.
VD: Chi tiết bỏ quên cái áo trên cành hoa sen trong bài ca dao xin áo, chi tiết củi mội cành
khô lạc mấy dòng trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận...
b. Tính hình tượng
- Ngôn ngữ văn chương được xem là công cụ cơ bản để xây dựng hình tượng văn học.
Khi khảo sát, đánh giá ngôn ngữ văn chương phải xem xét ngôn ngữ ở đây đã góp phần xây
dựng và thể hiện hình tượng văn học như thế nào. Khi giao tiếp ở phong cách khẩu ngữ, người
ta có thể dùng những từ ngữ bóng bẩy, văn hoa, giàu hình ảnh và sắc thái biểu cảm nhưng hiệu
quả ở đây còn tuỳ thuộc vào người nói là ai, nói trong hoàn cảnh nào và vì mục đích gì. Giao
tiếp ở phong cách này, người phát ngôn có vai trò quyết định (VD: Miệng nhà quan có gang,
có thép; Vai mang túi bạc kè kè. Nói ấm nói ớ, người nghe ầm ầm).
Trong khi đó, ở phong cách văn chương, địa vị cao thấp, sang hèn của nhà văn nhà thơ
không đóng vai trò quyết định nhiều. Tính hình tượng của ngôn ngữ văn chương bắt nguồn từ
chỗ đó là ngôn ngữ của một chủ thể tư tưởng thẩm mĩ xã hội có tầm khái quát nhất định.
Chính vì thế ngôn ngữ văn chương dễ đi vào lòng người, nó trở thành ngôn ngữ của muôn
người. 
- Tính hình tượng trong phong cách văn chương thể hiện ở chỗ ngôn ngữ ở đây có khả năng
truyền đạt sự vận động, động tác nội tại của toàn bộ thế giới, cảnh vật, con người vào trong tác
phẩm. Ngôn ngữ trong phong cách khẩu ngữ cũng có khả năng này nhưng nó không là điều
bắt buộc. Trong văn chương, trái lại, đó là điều không thể thiếu. Ngôn ngữ văn chương phải
làm sống dậy các động tác, vận động đầy ý nghĩa của sự vật trong những thời khắc nhất định. 
Bất kỳ một phương tiện từ ngữ nào trong một văn cảnh nhất định đều có thể chuyển thành một
từ ngữ nghệ thuật, nếu có thêm một nét nghĩa bổ sung nào đó. 
Vd: Hình tượng sóng trong thơ Xuân Quỳnh
c.Tính cá thể hoá:
Tính cá thể hoá được hiểu là dấu ấn phong cách tác giả trong tác phẩm văn chương. Dấu ấn
phong cách tác giả là cái thuộc về đặc điểm bản thể, thuộc về điều kiện bắt buộc của ngôn ngữ
văn chương. Sêkhôp nói: Nếu tác giả nào không có lối nói riêng của mình thì người đó sẽ
không bao giờ là nhà văn cả. Lối nói riêng mà Sêkhôp gọi chính là phong cách tác giả. Xét về
mặt ngôn ngữ, phong cách tác giả thể hiện ở hai dấu hiệu: 
- Khuynh hướng ưa thích và sở trường sử dụng những loại phương tiện ngôn ngữ nào đó
của tác giả; 
- Sự sáng tạo ngôn ngữ của tác giả 
3. Ðặc điểm sử dụng ngôn ngữ
3.1. Ngữ âm
Trong phong cách, những yếu tố ngữ âm như: âm, thanh, ngữ điệu, tiết tấu, âm điệu rất quan
trọng. Có thể nói, tất cả những tiềm năng của ngữ âm tiếng Việt đều được vận dụng một cách
nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ về mặt ngữ âm của người đọc, người nghe. Hầu như
mọi biến thể của ngữ âm tiếng Việt đều được khai thác. 
Vd: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
22
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi" (Tây tiến – Quang Dũng)
“Tre giöõ laøng, giöõ nöôùc, giöõ maùi nhaø tranh, giöõ ñoàng luùa chín” (Theùp
Môùi)
2.2. Từ ngữ:
Từ ngữ trong phong cách văn chương rất đa dạng, gồm cả từ phổ thông và từ địa phương,
biệt ngữ; từ hiện đại và từ lịch sử, từ cổ; từ khiếm nhã và từ trang nhã. Từ trong sinh hoạt bình
thường chiếm tỉ lệ cao, song vẫn xuất hiện đủ các lớp từ văn hoá, kể cả thuật ngữ khoa học.
Nguyên nhân là tác phẩm văn chương có chức năng phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống
muôn màu muôn vẻ. Nhờ sử dụng toàn bộ các phương tiện biểu hiện mà phong cách văn
chương luôn luôn chuyển đổi, biến động, luôn luôn đa dạng mới mẻ trong cách phô diễn. 
Khảo sát nét độc đáo, đặc sắc khi sử dụng từ ngữ trong sáng tác văn chương của nhà văn
chính là tìm hiểu dấu hiệu phong cách nghệ thuật của nhà văn đó.
Nguyễn Đức Đạt:”Văn như con người của nó.Văn thâm hậu thì con người trầm mà tĩnh, văn
ôn nhu thì con người của nó khiêm mà hòa, văn cao khiết thì con người của nó đạm mà giản,
văn hùng hồn thì con người của nó cường mà nhanh, văn uyên sâu thì con người của nó thuần
tuý mà đúng đắn”
2.3. Cú pháp:
Phong cách văn chương sử dụng hầu như tất cả các kiểu cấu trúc câu. Song cấu trúc câu đơn
vẫn chiếm tỉ lệ cao. 
Phong cách văn chương thường sử dụng các loại câu mở rộng thành phần định ngữ, trạng
ngữ và các loại kết cấu tu từ như đảo ngữ, sóng đôi cú pháp, câu chuyển đổi tình thái...

 

23
Chương III. ĐẶC ĐIỂM TU TỪ CỦA CÁC LOẠI ĐƠN VỊ TRONG TIẾNG VIỆT
----------------
KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM TU TỪ CỦA TỪ NGỮ TIẾNG VIỆT

Khảo sát đặc điểm tu từ của từ ngữ tiếng Việt theo 2 hướng sau:
- Hướng thứ nhất: Khảo sát đặc điểm tu từ của những tập hợp từ ngữ được phân loại theo
bình diện phong cách (lấy phong cách làm điểm tựa để phân loại và miêu tả đặc điểm tu từ của
từ ngữ)
- Hướng thứ hai: Khảo sát đặc điểm tu từ của những tập hợp từ ngữ được phân loại theo quan
điểm ngữ pháp học, từ vựng học.
I. Khảo sát đặc điểm tu từ của những lớp từ ngữ được phân loại theo bình diện phong
cách
1. Từ ngữ đa phong cách
Tập hợp những từ ngữ được sử dụng chung cho tất cả các loại phong cách. từ ngữ đa phong
cách được phân bố trong phạm vi biểu thị sự vật, tính chất, hoạt động trạng thái quan hệ
1.1.Biểu thị sự vật
Hiện tượng tự nhiên (trời, đất, trăng, sao...); Động, thực vật: (Gà, chó, cỏ, cây...); Đồ vật
(bàn, ghế, xe cộ...); Đơn vị hành chính: (xã, huyện...)
1.2. Biểu thị tính chất
Màu sắc (trắng, đen, xanh); mùi vị (mặn, ngọt, chua, cay); kích thước (dài, ngắn nông,
sâu..); Hình dáng (vuông, tròn); Quy mô (to, nhỏ,béo, gầy); đánh giá (tốt, xấu, già, trẻ)
1.3. Biểu thị hoạt động
Vận động (đi, chạy, bay); tồn tại (sống, chết, mất, còn); hành động (làm, đánh, đóng. mở);
sinh hoạt tình cảm (nói, cười, khóa, vui, buồn)
1.4. Biểu thị trạng thái
Thời gian (đã, đang, sẽ); đồng thời (cũng, vẫn, cứ, còn); mức độ (rất, hơi, lắm)
1.5. Biểu thị quan hệ
Và, với, nhưng....
1.6. Các quán ngữ:
Tóm lại, ngoài ra, thật ra, sau cùng...
=> Từ ngữ đa phong cách có 3 đặc điểm:
- Dùng trong mọi phong cách tiếng việt
- Được mọi người trong xã hội quen biết và sử dụng
- Được dụng trong giai đoạn hiện nay.
2. Từ ngữ đơn phong cách
Từ ngữ sử dụng thích hợp với một loại phong cách ngôn ngữ nào đó
2.1. Từ khẩu ngữ tiếng Việt
- Từ khẩu ngữ được dùng chủ yếu cho phong cách tự nhiên phục vụ cho nhu cầu nói năng
sinh hoạt hàng ngày.
- Đặc trưng nổi bật nhất của từ khẩu ngữ là tính miêu tả chi tiết và cụ thể và luôn gắn liền
với cách nhìn nhận, thái độ đánh giá, tình cảm của người nói. từ khẩu ngữ giàu sắc thái biểu
cảm.
24
Nỏ mồm, dẻo miệng Nói nhiều
Ăn đòn Bị đánh
Bạo phổi Liều, không kiêng nể
Đàn ông đàn ang Nữ giới
Ăn cháo đái bát Vô ơn
Đâm thọc Gây mất đoàn kết
Ba cọc ba đồng Thu nhập thấp
- Một số kiểu cấu tạo khẩu ngữ:
+ Nguyên tắc cấu tạo chung của từ khẩu ngữ là thêm những yếu tố vào đơn vị từ đa phong
cách để tạo nên đơn vị mới - Từ khẩu ngữ
Vd: Ngon +ơ = ngon ơ; mốc + thếch = mốc thếch; cân + kéo = cân kéo; lo + méo mặt =lo
méo mặt..
+ Bớt yếu tố ở đơn vị nguyên là từ đa phong cách
Vd: Phê bình – phê, nhân khẩu – khẩu
+ Biển âm, biến nghĩa của đơn vị nguyên là từ đa phong cách
Vd: Vẫn – vưỡn; tất – tuốt;
Nện (đất, đá) – nện (cho một trận); bôi (phấn son) – bôi (việc)
- Từ khẩu ngữ rất cần thiết cho nhu cầu nói năng thân mật hàng ngày tạo nên sắc thái thân
mật, thể hiện thái độ tình cảm cuả người nói. Từ khẩu ngữ là công cụ lợi hại để nhà văn miêu
tả tái tạo cuộc sống, khắc họa tính cách nhân vật
Vd; "Lý Cựu bưng bát rượu kề gần môi và gật gật gù gù:
Đây qua cầu rồi, cứ việc chén cho đẫy. Thằng Mới đâu? ông bảo mày lấy thêm rượu làm
sao từ nãy đến giờ chưa thấy? Đừng láo, ông thì chẻ xác mày ra" (Ngô Tất Tố)
2.2. Từ ngữ khoa học
- Các ngành khoa học tự nhiên và xã hội ngoài việc sử dùng các từ ngữ đa phong cách làm
công cụ diễn đạt còn sử dụng một số lớp từ ngữ riêng để biểu thị khái niệm khoa học (thuật
ngữ khoa học)
Vd: hàm số, đạo hàm, tích phân (toán học); hàng hóa, lãi suất, giá trị thặng dư (kinh tế học)
- Từ ngữ khoa học là công cụ riêng của văn bản khoa học, mang tính đơn nghĩa, không hàm
chứa sắc thái biểu cảm.
2.3. Từ ngữ chính trị
- Những lớp từ ngữ thường được sử dụng trong văn bản chính luận, báo chí nhằm thực hiện
chức năng thông tin và tác động. Từ ngữ chính trị được phân bố trong các phạm vi sau:
+ Nói về sinh hoạt đoàn thể: Hội nghị, thảo luận, sơ kết, tổng kết, tham luận...
+ Nói về các tầng lớp xã hội, danh hiệu xã hội: Công nhân, nhân sĩ yêu nước, trí thức,
chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động.
+ Phong trào tổ chức chính trị: Đảng, cánh tả, các nước không liên kết, ba dòng thác cách
mạng..
+ Nói về hệ ý thức tư tưởng, đạo đức: Chủ nghĩa quốc tế vô sản, tinh thần làm chủ tập thể,
đạo đức cách mạng...
- Từ ngữ chính trị mang màu sắc phong cách chính luận góp phần tuyên truyền chính trị có
hiệu quả cao; mang sắc thái biểu cảm trung hòa.
2.4. Từ ngữ hành chính:
- Những lớp từ ngữ hành chính mang chức năng thông báo có tính pháp chế của phong cách
hành chính, những thể thức nghiêm chỉnh của hoạt động hành chính.
- Từ ngữ hành chính tiếng Việt bao gồm:
+ Tên các đơn vị tổ chức từ cơ sở đến trung ương, tên các chức vụ của tổ chức đó: Ủy ban
nhân dân tỉnh, quốc hội, Bộ giáo dục &đào tạo; Bộ trưởng, giám đốc, phó giáo sư…

25
+ Tên gọi các văn bản hành chính: hiến pháp, luật giáo dục, chỉ thị, nghị quyết, thông tư
liên bộ…
+ Các từ ngữ thuộc phong cách hành chính: kính gởi, kính chuyển, theo đề nghị, chịu trách
nhiệm thi hành…
- Từ ngữ hành chính gắn liền với phong cách hành chính thể hiện qua tính nghi thức, khuôn
phép, có thể chế; mang sắc thái biểu cảm.
VD: thể hiện tính trang trọng thường dùng các từ Hán Việt (Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam,
quý vị đại biểu…).
2.5. Từ ngữ văn chương
- Tiếng Việt có một số từ ngữ không phải là từ đa phong cách nhưng có phạm vi sử dụng
rộng trong nhiều phong cách như: khoa học, chính luận, hành chính, văn chương. Do phạm vi
sử dụng của chúng mang tính chất văn hóa - văn chương nên gọi chung là từ ngữ văn chương.
- Từ ngữ văn chương tiếng Việt được phân bố trong các phạm vi biểu thị sự vật, tính chất,
hoạt động như:
+ Biểu thị sự vật: tổ quốc, giang sơn, biên cương, thảo mộc. thanh niên…
+ Biểu thị tính chất: vinh quang, hạnh phúc, bất diệt, đôn hậu, đoan trang…
+ Biểu thị hoạt động: hy sinh, quan tâm, bảo vệ, chiến đấu…
- Từ ngữ văn chương mang tính thẩm mỹ thông qua sự gọt giũa sáng tạo của nhà văn.
II. Khảo sát đặc điểm tu từ của những lớp từ ngữ được phân loại theo quan điểm cú
pháp học và từ vựng học
1. Thành ngữ tiếng Việt
1.1. Khái quát:
- Theo truyền thống các nhà nghiên cứu văn học gọi thành ngữ là các tổ hợp từ cố định
trong tiếng Việt có chức năng gọi tên sự vật, tính chất, hành động…một cách có hình ảnh gợi
nên sự liên tưởng là thành ngữ.
+ Biểu thị sự vật: Con Rồng, cháu Tiên; trời yên biển lặng; sóng to gió lớn…
+ Biểu thị tính chất: chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, gan vàng dạ sắt…
+ Biểu thị hành động: nước đổ lá khoai, được voi đòi tiên, trăm voi không được bát nước
xáo….
- Thành ngữ tiếng Việt có nội dung hàm súc, hình thức diễn đạt đẹp đẽ, là viên ngọc quý
trong tiếng nói dân tộc.
1.2. Đặc điểm
- Màu sắc phong cách của thành ngữ tiếng Việt: Thành ngữ tiếng Việt thể hiện sắc thái đa
phong cách:
+ Thành ngữ đa phong cách: sông cạn núi mòn, ghi lòng tạc dạ, nhường cơm sẻ áo
+ Thành ngữ khẩu ngữ: đầu chày đít thớt, đầu cua tai nheo, mắt nhắm mắt mở
+ Thành ngữ gọt giũa: đồng tâm hiệp lực, tống cựu nghinh tân, đồng sàng dị mộng
- Sắc thái biểu cảm, trừu tượng khái quát (Hình ảnh “rừng vàng biển bạc” biểu thị sự giàu
có tàng ẩn của xứ sở Việt Nam)
2. Từ thuần Việt và từ Hán Việt có nghĩa tương dương
2.1. Sự khác nhau về từ thuần Việt và Hán Việt có nghĩa tương đương:

Các phương diện Từ Hán Việt Từ thuần Việt


Ý nghĩa trừu tượng, khái quát; tĩnh Ý nghĩa cụ thể; sinh động, gợi hình
Về sắc thái ý nghĩa tại, không gợi hình
- Phụ nữ, hạnh phúc, dao động - Đàn bà, sung sướng, ngả nghiêng
Gọt giũa; dùng trong phong cách Đa phong cách, dùng trong phong
Về màu sắc khoa học, hành chính, chính luận cách khẩu ngữ tự nhiên
phong cách - Sơn hà, phát biểu, tiểu tiện - núi sông, nói, đái
Dương tính; trang trọng thanh nhã, Âm tính; trung hòa, thân mật, khiếm
26
Về sắc thái biểu cảm cao quý nhã
- Hy sinh, tạ thế, hậu môn - chết, mất, lỗ đít
2.2. Các nhân tố tạo nên sự khác nhau về từ thuần Việt và Hán Việt có nghĩa tương đương:
+ Nhân tố xã hội - ngôn ngữ: Thời xa xưa Hán văn dùng trong công việc hành chính, tôn
giáo, giáo dục, sáng tác văn chương. Từ Hán Việt du nhập vào con đường sách vở, giáo huấn,
tuy nhiên sự đấu tranh cho vị trí và sự phát triển tiếng Việt là nguyên nhân chữ Nôm ra đời
gắn liền với hệ thống từ thuần Việt xuất hiện song hành tồn tại với từ Hán Việt.
+ Nhân tố thuần ngôn ngữ: Từ Hán Việt đi vào tiếng Việt chịu sự chi phối của vốn từ ngữ
sẵn có. Phần lớn từ Hán Việt tồn tại là những từ đa tiết (từ ghép) biểu thị khái niệm trừu tượng
khái quát, nhiều từ không có từ thuần Việt tương đương (độc lập, tự do, dân chủ, cộng sản, du
kích…). Nhiều từ ghép Hán Việt không có khả năng một mình lập thành các đơn vị ngôn ngữ
mới (thảo mộc, vĩ đại, giang sơn, tổ quốc…)
Vd: ta nói “thảo mộc” chứ không nói “cuốc thảo, đun mộc”; chỉ dùng “Khoa nhi” chứ không
nói “nhà giữ nhi, Quần áo nhi”; ta nói “ phi nước đại” chứ không nói “ quả bóng đại”.
3. Từ xưng hô trong tiếng Việt
3.1. So với các ngôn ngữ khác thì tiếng Việt có rất nhiều từ xưng hô, cách xưng hô khác
nhau tạo nên màu sắc phong cách, sắc thái biểu cảm khá tinh tế.
VD: Tiếng Anh: I (ngôi thứ nhất) - Tiếng Việt : tôi, tao, tớ, mình, anh, em, bác…
Trong tiếng Việt cách xưng hô luôn thay đổi tùy thuộc vào các mối quan hệ: quan hệ gia
đình (thân - sơ), quan hệ xã hội (trên - dưới), quan hệ đánh giá (trọng - khinh). Chính điều này
tạo nên việc sử dụng từ ngữ xưng hô có khác nhau.
3.2. Mô hình xưng hô thường gặp trong tiếng Việt
- Mô hình Tôi (chúng tôi) - Ông (hoặc từ chỉ quan hệ họ hàng hay chức vụ): ngôi thứ 1 là đại
từ “tôi”(chúng tôi) có màu sắc đa phong cách có sắc thái biểu cảm trung hòa. Ngôi thứ 2
không phải là đại từ nhân xưng mà là từ chỉ quan hệ họ hàng thân thuộc (ông, bà, chú,
thím…), từ chỉ chức vụ xã hội (thầy giáo, bác sĩ, thủ trưởng…) hoặc có khi kết hợp cả hai.
VD: Tôi rất mong thầy giáo giúp đỡ cháu học tập
- Mô hình cháu (chỉ quan hệ họ hàng) bác (chỉ quan hệ họ hàng): Cả ngôi thứ 1 và 2 đều chỉ
quan hệ họ hàng, tùy thuộc vào mối quan hệ họ hàng thân thuộc giữa ngôi thứ 1 và thứ 2 như
thế nào mà hình thành các cặp đại từ cho phù hợp (cháu - bác, chú - cháu, ông - cháu…). Mô
hình này mang sắc thái biểu cảm thân mật dương tính dùng trong phong cách khẩu ngữ tự
nhiên.
- Mô hình tao (chúng tao) – mày (chúng mày): Ngôi thứ 1 và ngôi thứ 2 đều là các đại từ
nhân xưng mang sắc thái biểu cảm thân mật có phần hơi suồng sã; hoặc có khi là đại từ nhân
xưng chỉ quan hệ họ hàng thân thuộc.
Vd: Chúng mày lại đây bà bảo.
- Mô hình mình - ta (thiếp - chàng): gồm những cặp từ xưng hô thường dành riêng cho phong
cách văn chương mang sắc thái biểu cảm dương tính thân mật.
4. Từ địa phương
Đây là những từ chỉ dùng trong phạm vi địa phương nhất định mang phong cách khẩu ngữ
địa phương thường sử dụng trong sáng tác văn học nhằm các mục đích sau:
- Dùng từ địa phương để bổ sung cho từ toàn dân trong trường hợp từ toàn dân thiếu phương
tiện miêu tả đúng với đối tượng.
- Dùng từ địa phương để nhấn mạnh vào tính chất riêng biệt về khu vực, địa bàn của hiện
tượng hoặc nhân vật được miêu tả.
VD: O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu (Tố Hữu)
- Dùng từ địa phương để tạo ra sự hòa hợp giữa tác giả và nhân vật địa phương
VD: Ai vô thành phố Hồ Chí Minh (Tố Hữu).
5. Từ lịch sử
27
Trong các từ cổ của tiếng Việt có những từ biểu thị sự vật hoặc khái niệm xưa, chúng đã
từng xuất hiện và sử dụng trong quá khứ. Sử dụng những từ này nhằm sống dậy không khí lịch
sử, gợi lại sự vật hiện tượng xa xưa.
VD: Đông đô, ba quân, dấy binh, hạ thần, bệ hạ, điện ngọc, mề đay
-----------------------

ÐẶC ĐIỂM TU TỪ CỦA CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ 

TỪ VỰNG - NGỮ NGHĨA TIẾNG VIỆT

A. Các biện pháp tu từ được cấu tạo theo quan hệ liên tưởng

Ðặc điểm chung của những biện pháp thuộc nhóm này là trong văn cảnh cụ thể, từ ngữ có
hiện tượng chuyển đổi ý nghĩa lâm thời. Tức là, nghĩa của từ ngữ vốn biểu thị đối tượng này
được lâm thời chuyển sang biểu thị đối tượng khác, dựa trên cơ sở của hai mối quan hệ liên
tưởng : liên tưởng tương đồng và logic khách quan. Mặc dù so sánh không phải là hiện tượng
chuyển nghĩa nhưng nó là cơ sở của nhiều biện pháp tu từ trong nhóm này.

I. So Sánh         

1. Khái niệm

   1.1. So sánh tu từ: là cách công khai đối chiếu hai hay nhiều đối tượng có một nét tương
đồng nào đó về hình thức bên ngoài hay tính chất bên trong để gợi ra hình ảnh cụ thể, những
cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người đọc, người nghe.

Ví dụ: Công cha như núi thái sơn         

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. ( Ca dao )

1.2. Phân biệt so sánh tu từ với so sánh luận lí: Dù đều là thao tác đối chiếu giữa hai hay nhiều
đối tượng với nhau nhưng hai loại so sánh này lại có sự khác nhau về chất. Nếu so sánh tu từ là sự đối
chiếu giữa các đối tượng khác loại thì so sánh luận lí là sự đối chiếu giữa các đối tượng cùng loại. Nếu
so sánh tu từ  nhằm mục đích gợi lên một cách hình ảnh đặc điểm giữa các đối tượng từ đó tạo nên xúc
cảm thẩm mĩ trong nhận thức của người tiếp nhận thì so sánh luận lí đơn thuần chỉ cho ta thấy sự
ngang bằng hay hơn kém giữa các đối tượng đấy mà thôi.Ví dụ :

So sánh tu từ So sánh luận lí

- Ðôi ta như lửa mới nhen  - Khôi đã cao bằng mẹ.

Như trăng mới mọc,như đèn mới khêu - Con hơn cha nhà có phúc.

    - Ðứt tay một chút chẳng đau - Nam học giỏi như Bắc.

Xa nhau một chút như dao cắt lòng.  

28
2. Cấu tạo

2.1. Về hình thức: Bao giờ cũng xuất hiện hai vế :

- Vế so sánh

- Vế được so sánh. 

Ở dạng thức đầy đủ nhất, so sánh tu từ  gồm có bốn yếu tố:

Vế so sánh (1) Cơ sở so sánh (2) Từ so sánh (3) Vế được so sánh (4)

Gái có chồng như gông đeo cổ

Áo chàng đỏ tựa ráng pha

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

Khi so sánh thường sử dụng những cách nói:

*A bao nhiêu B bấy nhiêu:

Qua đình ngả nón trông đình

Ðình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.  ( Ca dao)

* A là B : 

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn rã tiếng chim (Từ ấy – Tố Hữu)

* A ( ẩn từ so sánh) B:                                   

Ví dụ: Tấc đất, tấc vàng  

2.2.Về nội dung: Các đối tượng nằm trong hai vế là khác loại nhưng lại có nét tương đồng nào
đó, tạo thành cơ sở cho so sánh tu từ. Nếu nét giống nhau này thể hiện ra cụ thể bằng từ ngữ
(cơ sở giống nhau) thì ta có so sánh nổi; nếu nét giống nhau này không thể hiện ra cụ thể bằng
từ ngữ thì ta có so sánh chìm.

Ví dụ: Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

3. Chức năng

    So sánh tu từ có hai chức năng là nhận thức và biểu cảm. Biện pháp tu từ này được vận
dụng rộng rãi trong nhiều phong cách khác nhau như: khẩu ngữ, chính luận, thông tấn. Đặc
biệt trong sáng tác văn chương so sánh tạo nên giá trị gợi hình, gợi cảm. Việc diễn tả tình cảm
thế giới nội tâm con người thông qua cách so sánh tạo nên sắc thái tu từ cao.
29
Ví dụ: Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cách kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương (Chế Lan Viên)

II. Ẩn dụ tu từ    

1. Khái niệm

Ẩn dụ tu từ là cách lâm thời lấy tên gọi biểu thị đối tượng này để chỉ đối tượng kia dựa vào
nét tương đồng giữa hai đối tượng.

Ví dụ: Tưởng nước giếng sâu, nối sợi dây dài

Ai ngờ  giếng cạn, tiếc hoài sợi dây.  

  2. Cấu tạo

2.1. Hình thức: Ẩn dụ tu từ chỉ phô bày một đối tượng (đối tượng dùng để biểu thị) còn đối
tượng định nói đến (được biểu thị) thì dấu đi, ẩn đi, không phô ra như so sánh tu từ.

2.2. Nội dung: Ẩn dụ tu từ cũng giống như so sánh tu từ  (do đó người ta còn gọi là so sánh
ngầm), nghĩa là cần phải liên tưởng rút ra nét tương đồng giữa hai đối tượng. Những mối quan
hệ liên tưởng tương đồng thường được dùng để cấu tạo ẩn dụ tu từ là: tương đồng về màu sắc,
tương đồng về tính chất, tương đồng về trạng thái, tương đồng về hành động, tương đồng về
cơ cấu...

Ví dụ : Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể (Sóng – Xuân Quỳnh)

3. Chức năng 

 Ẩn dụ tu từ có hai chức năng: biểu cảm và nhận thức. Biện pháp tu từ này cũng được dùng
rộng rãi trong các phong cách chức năng tiếng Việt. Ẩn dụ tu từ gợi trong trí tưởng tượng
những hình ảnh mới lạ tạo ra những khả năng liên tưởng gắn liền với những ý nghĩa thâm
thúy.

Ví dụ : Hình tượng Sóng của Xuân Quỳnh mở ra trường liên tưởng về câu chuyện tình yêu
của người phụ nữ đầy lý thú

III. Nhân hoá        

1. Khái niệm

30
Nhân hoá là một biến thể của ẩn dụ tu từ, trong đó người ta lấy những từ ngữ biểu thị những
thuộc tính, hoạt động của người dùng để biểu thị hoạt động của đối tượng khác loại dựa trên
nét tương đồng về thuộc tính, về hoat động giữa người và đối tượng không phải là người.

Ví dụ: Những chị luá phất phơ bím tóc

Những cây tre bá vai nhau thì thầm đứng học

Ðàn cò trắng

Khiêng nắng qua sông.                ( Trần Ðăng Khoa )              

2. Cấu tạo

2.1.Hình thức

+ Dùng những từ chỉ tính chất, hoạt động của người để biểu thị những tính chất, hoạt động của
đối tượng không phải là người. Ví dụ:

Ðây những tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới thời gian

Những sông vắng lê mình trong bóng tối

Những tượng đài lở lói rỉ rên than.

                                                                                    ( Chế Lan Viên)

+ Xem đối tượng không phải là người như con người để tâm tình trò chuyện.

Ví dụ: Mình về rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già? (Tố Hữu)

2.2. Nội dung:  Dựa trên sự liên tưởng nhằm phát hiện ra nét giống nhau giữa đối tượng không
phải là người và người.          

3.Chức năng 

 Nhân hoá có hai chức năng: nhận thức và biểu cảm. Nhân hoá được dùng rộng rãi trong các
phong cách : khẩu ngữ, chính luận,văn chương. Nhân hóa làm cho sự vật trở nên có hồn hơn,
gần gũi với thế giới con người.

      * Ngoài ra còn có biện pháp vật hoá. Ðó là cách dùng các từ ngữ chỉ thuộc tính, hoạt động
của loài vật, đồ vật sang chỉ những thuộc tính và hoạt động của con người. Biện pháp này
thường được dùng trong khẩu ngữ và trong văn thơ châm biếm.

Ví dụ: Gái chính chuyên lấy được chín chồng


31
Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi,

Ai ngờ quang đứt lọ rơi

Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.  (Ca dao)  

IV. Phúng dụ   

1.Khái niệm

Phúng dụ là hệ thống những ẩn dụ, nhân hoá được sử dụng để biểu đạt một nội dung triết lí
hay bài học luân lí mà người nói không muốn trình bày trực tiếp         

Ví dụ: Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn    ( Ca dao )

2. Cấu tạo

2.1. Hình thức : Chỉ có một vế biểu hiện như ẩn dụ và nhân hoá.  

2.2. Nội dung: Ẩn dụ chỉ có một nghĩa. Phúng dụ bao giờ cũng được hiểu ở cả hai bình diện
nghĩa : ý nghĩa trực tiếp và ý nghĩa gián tiếp, trong đó ý nghĩa trực tiếp là phương tiện biểu đạt
còn ý nghĩa gián tiếp là mục đích biểu đạt. 

3. Chức năng 

Phúng dụ chủ yếu có chức năng nhận thức và được dùng trong phong cách văn chương. Khả
năng biểu hiện sâu sắc và thâm thúy những ý niệm về triết lí nhân sinh khiến cho phúng dụ có
thể tồn tại lâu dài với chúng ta. Viết theo lối phúng dụ là cách viết vừa triết lí lại vừa nghệ
thuật, vừa có tính hiện thực sâu sắc lại vừa mang tính truyền thống, nói điều quen thuộc mà ý
nghĩa thật sâu xa.

Ví dụ : Con cò chết rũ trên cây

Cò con mở lịch xem ngày làm ma

Cà cuống uống rượu la đà

Chim ri ríu rít bò ra lấy phần (ca dao)

V. Hoán dụ       

1. Khái niệm

  Hoán dụ là phương thức chuyển nghĩa bằng cách dùng một đặc điểm hay một nét tiêu biểu
nào đó của một đối tượng để gọi tên chính đối tượng đó dựa vào mối quan hệ liên tưởng logic
khách quan giữa hai đối tượng.

  Ví dụ: Aó chàm đưa buổi phân ly


32
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay .    (Việt Bắc - Tố Hữu )

2. Cấu tạo:

2.1. Hình thức: Giống ẩn dụ tu từ, hoán dụ tu từ chỉ có một vế biểu hiện, vế được biểu hiện
không phô ra. 

2.2. Nội dung: Nếu ẩn dụ dựa trên mối quan hệ liên tưởng về nét tương đồng thì hoán dụ dựa
vào mối quan hệ có thực, quan hệ tiếp cận. Một số mối quan hệ logic khách quan thường được
dùng để cấu tạo nên hoán dụ tu từ: 

- Quan hệ giữa cái cụ thể và cái trừu tượng

VD : Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ

Bắp chân đầu gối vẫn săn gân (Tố Hữu)

(Biểu thị tinh thần kháng chiến bền bỉ, dẻo dai)

- Quan hệ giữa bộ phận và toàn thể   

VD : Đầu xanh có tội tình chi

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi (Nguyễn Du)

- Quan hệ giữa cái chứa đựng và vật được chứa đựng

VD : Vì sao trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người Hồ Chí Minh (Tố Hữu)

Trái đất  (vật chứa đựng) biểu thị đồng bào, nhân loại (được chứa đựng)

- Quan hệ giữa chủ thể và vật sở thuộc (y phục, đồ dùng)

VD : Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn (Tố Hữu)

Đôi dép cũ (vật sở thuộc – đồ dùng quen thuộc của Bác biểu thị đức tính giản dị)

- Quan hệ giữa số lượng xác định và số lượng không xác định

VD : Cầu này cầu ái cầu ân

Một trăm con gái rửa chân cầu này (ca dao)

- Quan hệ giữa tên riêng và tính cách con người

VD : Con thằng Thiên lôi đâm lòi bụng vợ (Nam Cao)

(Thằng Thiên Lôi - Nhân vật trong truyện cổ biểu thị sự hung ác - tính cách)

3. Chức năng

33
Hoán dụ chủ yếu có chức năng nhận thức. Biện pháp tu từ này được dùng rộng rãi trong các
phong cách chức năng tiếng Việt. Hoán dụ tu từ sử dụng trong văn chương nhằm nhấn mạnh
đặc điểm của đối tượng khi miêu tả.

VI. Tượng trưng      

1. Khái niệm 

Tượng trưng là biện pháp tu từ biểu thị đối tượng định miêu tả bằng ước lệ có tính chất xã
hội. Người ta quy ước với nhau rằng từ này có thể được dùng để biểu thị một đối tượng khác
ngoài nội dung ngữ nghĩa thông thường của nó.

Ví dụ: Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Giữa trời vách đá cheo leo

Ai mà chịu rét thì trèo với thông.             ( Nguyễn Công Trứ )  

2 . Cấu tạo

2.1. Hình thức: Chỉ có một vế biểu hiện giống như ẩn dụ và hoán dụ tu từ.          

2.2. Nội dung: Ðược xây dựng trên cơ sở của mối quan hệ liên tưởng tương đồng và logic
khác quan. Về nguồn gốc tượng trưng được xây dựng từ các ẩn dụ hoặc hoán dụ tu từ  ; song
ẩn dụ và hoán dụ tu từ là phương tiện biểu đạt mang dấu ấn cá nhân khi tách khỏi văn cảnh nó
không còn giá trị nữa, còn tượng trưng mang tính ước lệ xã hội khi tách khỏi văn cảnh vẫn giữ
nguyên giá trị.

VD : Hình ảnh tùng, bách trong văn học Trung đại là tượng trưng ẩn dụ biểu thị cốt cách
người quân tử ; Hình ảnh búa liềm là tượng trưng hoán dụ biểu thị Đảng cộng sản

- Chênh vênh thẳng đuột bách tùng

Với hàng lau cỏ đứng cùng được sau.  ( Nguyễn Công Trứ)

- Ðứng lên thân cỏ thân rơm

Búa liềm đâu sợ súng gươm bạo tàn.             (Tố Hữu)

3.Chức năng 

 Tượng trưng chủ yếu có chức năng nhận thức và chủ yếu được dùng trong phong cách văn
chương góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng miêu tả tạo nên sự liên tưởng thâm thúy
trí tuệ.

B. Các biện pháp tu từ được cấu tạo theo quan hệ kết hợp

Ðặc điểm chung của những biện pháp thuộc nhóm này là trong văn cảnh cụ thể, nhờ cách
sắp xếp từ ngữ theo những mối quan hệ kết hợp nhất định mà có được nội dung biểu hiện bổ
sung. Sự đối lập giữa các hình thức kết hợp khác nhau nhằm cùng biểu hiện một thông báo cơ

34
sở là nguyên nhân sinh ra các cách tạo hình, gợi cảm của những biện pháp tu từ được cấu tạo
theo quan hệ kết hợp.   

I. Ðiệp ngữ

1.Khái niệm

Ðiệp ngữ  là biện pháp lặp đi lặp lại những từ ngữ nào đó nhằm mục đích mở rộng, nhấn
mạnh ý nghĩa hoặc gợi ra những cảm xúc trong lòng người đọc.

 Ví dụ:     Cũng cờ, cũng biển cũng cân đai

Cũng gọi ông nghè có kém ai.               ( Nguyễn Khuyến )

2.Hình thức cấu tạo 

   Có một số hình thức điệp như : điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ cách quãng.

2.1. Ðiệp ngữ nối tiếp:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai. (Chinh Phụ Ngâm- Ðặng Trần Côn)

2.2. Ðiệp ngữ cách quãng:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông, mưa xa khơi         (Tây Tiến- Quang Dũng)

3.Chức năng: 

 Ðiệp ngữ vừa có chức năng nhận thức và chức năng biểu cảm. Biện pháp này được dùng
rộng rãi trong các phong cách chức năng ngôn ngữ.  

 II. Phối hợp từ: (Đồng nghĩa kép)         

1. Khái niệm

Phối hợp từ (còn gọi là đồng nghĩa kép) là biện pháp tu từ trong đó người ta dùng phối hợp
nhiều từ ngữ cùng nghĩa hoặc gần nghĩa nhằm mục đích biểu hiện đầy đủ các phương diện
khác nhau của cùng một đối tượng hoặc cùng một nội dung trình bày.

Ví dụ:  Xoè bàn tay bấm đốt

Tính đã bốn năm ròng

35
Người ta bảo không trông

Ai cũng nhủ đừng mong

Riêng em thì em nhớ.          ( Thăm luá -Trần Hữu Thung )

2. Tác dụng

- Giúp lời văn thêm mạnh, làm cho sự biểu đạt tư tưởng tình cảm đầy đủ, chính xác.

- Thể hiện sự say sưa, nhiệt tình của lời nói, làm tăng thêm tính hùng hồn và hấp dẫn. Tuy
nhiên, nếu lạm dụng thì câu văn dễ trở nên nặng nề.     

3.Chức năng

Phối hợp từ có cả chức năng nhận thức và biểu cảm. Biện pháp này thường được dùng trong
phong cách văn chương và chính luận.   

III.Tiệm Tiến           

1. Khái niệm

Tiệm tiến là biện pháp tu từ dùng cách sắp xếp các lượng ngữ nghĩa có quan hệ gần gũi
nhau theo một trình tự từ nhỏ đếön lớn, từ nông đến sâu, từ nhẹ đến mạnh, từ phương diện này
đến phương diện kia, hoặc ngược lại trình tự đó. Kết quả là phần đi sau hơn hoặc kém phần đi
trước về nội dung ý nghĩa hoặc về sắc thái biểu cảm.

  Ví dụ: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng,
gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước.    ( Hồ Chí Minh)        

2. Tác dụng

Tiệm tiến có tác dụng tạo nên sự bất ngờ, gây một cảm xúc và một ấn tượng đặc biệt đối với
nội dung trình bày bởi vì sự miêu tả cứï tăng dần hoặc giảm dần theo những cung bậc mà
người ta không đoán trước được.

Ví dụ: Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân  Việt Nam,
không những là cái cẩm nang thần kì, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi
sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa
cộng sản ( Hồ Chí Minh)

3. Chức năng 

 Tiệm tiến có chức năng nhận thức và biểu cảm. Biện pháp này được dùng nhiều trong phong
cách chính luận và văn chương.

IV. Ðột giáng         

1. Khái niệm

 Ðột giáng là biện pháp tu từ gây sự chú ý vào một chi tiết nội dung bằng cách xếp đặt từ
ngữ, câu văn sao cho khi chuyển sang chi tiết này thì mạch trình bày bị chuyển đổi một cách
36
đột ngột. Biện pháp này gây nên cảm giác hụt hẫng đối với người tiếp nhận từ  đó tạo ra tiếng
cười châm biếm, đả kích.

     Ví dụ : Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh

Chong đèn huyện trưởng làm công việc

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình (Lai Tân – Hồ Chí Minh)

2. Chức năng

Ðột giáng có chức năng nhận thức và chức năng biểu cảm. Biện pháp này chủ yếu được
dùng trong thơ ca trào lộng, châm biếm, đả kích. Trong văn xuôi chúng ta thấy ít sử dụng biện
pháp này.  

V. Tương phản    

1. Khái niệm

Tương phản là biện pháp tu từ dùng các từ ngữ biểu thị những khái niệm đối lập nhau cùng
để xuất hiện trong một văn cảnh nhằm mục đích làm rõ hơn đặc điểm của đối tượng được
miêu tả.

Ví dụ: O du kích nhỏ giương cao súng

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi  đầu

Ra thế to gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu cứ phải mày râu. ( Tấm ảnh - Tố Hữu )

2. Chức năng  

Tương phản có chức năng nhận thức và biểu cảm. Biện pháp này được dùng nhiều trong các
phong cách : chính luận, thông tấn và văn chương .

 VI. Im lặng               

1. Khái niệm

  Im lặng (hay còn gọi là phép lặng) là biện pháp tu từ dùng sự biểu đạt bằng cách bỏ trống
(tín hiệu zêrô). Nhờ ngữ cảnh, nhờ những dòng chữ, những tiếng nói có mặt mà những dòng
chữ, những tiếng nói vắng mặt trở nên có nghĩa.( Trong chữ viết, phép lặng được thể hiện
bằng dấu ba chấm [...] )

   Ví dụ: Tay em cầm một bông hồng

Ðẹp tươi như thể... trắng trong như là ...

Sao anh như thấy thừa ra


37
Hoặc bông hồng ấy hoặc là chính em . ( Phạm Công Trứ )

2. Ðặc điểm : Im lặng thường được dùng trong hai trường hợp :

2.1. Diễn tả sự e thẹn, đau khổ, tiếc thương hay sự uất ức nghẹn ngào không nói ra được.

Ví dụ: Bác Dương ...thôi đã...thôi rồi...

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta!   (Nguyễn Khuyến)  

2.2. Dùng để châm biếm, đả kích

Ví dụ: Ðã mang tiết xuất gia

Lại đeo thói nguyệt hoa

Sự mô đâu có thế

...                 Ma!       ( Thơ Yết hậu) 

3. Chức năng: 

Im lặng có hai chức năng là nhận thức và biểu cảm. Biện pháp này thường được dùng trong
các phong cách : khẩu ngữ, văn chương...

VII. Khoa trương        

1. Khái niệm    

Khoa trương ( hay còn gọi là Ngoa dụ, phóng đại- Hyperbole) là biện pháp tu từ dùng sự
cường điệu quy mô, tính chất, mức độ,... của đối tượng được miêu tả so với cách biểu hiện
bình thường nhằm mục đích nhấn mạnh vào một bản chất nào đó của đối tượng được miêu tả.

     Ví dụ : Nhác trông thấy bóng anh đây

Ăn chín lạng hạt ớt thấy ngọt ngay như đường.    (  Ca dao)

2. Chức năng  

Khoa trương có hai chức năng là nhận thức và biểu cảm. Biện pháp này được dùng nhiều
trong các phong cách: khẩu ngữ, văn chương, thông tấn...

VIII. Nói giảm  

1. Khái niệm

 Nói giảm (còn được gọi là nhã ngữ hay khinh từ) là biện pháp tu từ dùng hình thức biểu đạt
giảm bớt mức độ hơn , nhẹ nhàng hơn, mềm mại hơn để thay thế cho sự biểu đạt bình thường
cần phải lảng tránh do những nguyên nhân của tình cảm. Nói giảm không có phương tiện riêng
mà thường được thực hiện thông qua các hình thức ẩn dụ hay hoán dụ tu từ.

    Ví dụ: Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh


38
Áo bào thay chiếu anh về đất

                  Sông Mã gầm lên khúc độc hành  (Tây Tiến - Quang Dũng)

Biện pháp tu từ này thường được dùng để nói về cái chết.          

2. Chức năng

Nói giảm có chức năng nhận thức và biểu cảm. Biện pháp này được dùng nhiều trong các
phong cách: khẩu ngữ, văn chương, chính luận...

IX. Chơi chữ        

1. Khái niệm

Chơi chữ  là biện pháp tu từ vận dụng linh hoạt các tiềm năng về ngữ âm , chữ viết, từ
vựng, ngữ pháp của tiếng Việt nhằm tạo nên phần tin khác loại tồn tại song song với phần tin
cơ sở. Phần tin khác loại này - tức lượng ngữ nghĩa mới là bất ngờ và về bản chất là không có
quan hệ phù hợp với phần tin cơ sở.

Ví dụ: Con công đi chùa làng kênh

Nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại.           ( Ca dao )

     Có nhiều hình thức chơi chữ: Chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm, chữ viết, từ vựng, cú
pháp...

- Dùng các phương tiện đồng âm:

Bà già đi chợ cầu Đông

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng

Thầy bói gieo quẻ nói rằng

Lợi thì có lợi nhưng răng không còn

- Dùng phương tiện đồng nghĩa:

Đi tu phật bắt ăn chay

Thịt chó ăn được thịt cầy thì không

- Dùng các từ tố Hán Việt và thuần Việt có yếu tố tương đương:

Da trắng vỗ bì bạch

Rừng sâu mưa lâm thâm

2 Chức năng 

Chơi chữ có cả hai chức năng nhận thức và biểu cảm. Biện pháp này thường được dùng để
châm biếm, đả kích hoặc để đùa vui thể hiện sự thâm thúy trí tuệ của người sử dụng. Nó
thường được dùng trong các phong cách như : khẩu ngữ, chính luận, văn chương.
39
 X. Nói lái      

1. Khái niệm

Nói lái là biện pháp tu từ dùng cách đánh tráo phụ âm đầu, vần và thanh điệu giữa hai hay
nhiều âm tiết để tạo nên những lượng ngữ nghĩa mới bất ngờ, nhằm mục đích châm biếm, đùa
vui. Ðây là hình thức chơi chữ đặc biệt của các ngôn ngữ phân tiết như tiếng Việt.

Ví dụ: Cam sành nhỏ lá thanh ương

Ngọt mật thanh đường nhắm lớ bớ anh

Thanh ương là tuổi mong chờ

Một mai nhái lặn chà quơ, quơ chà.        ( Ca dao )

      Về lí thuyết, khi có hai âm tiết ta đã có thể nói lái. Tuy nhiên, nói lái chỉ trở thành một biện
pháp nghệ thuật nếu nó đem đến cho ta một nội dung ngữ nghĩa mới bất ngờ.

Ví dụ: Vũ Như Cẩn àVẫn như cũ; Bùi Lan à Bàn lui...  

2. Chức năng

Nói lái có cả hai chức năng nhận thức và biểu cảm. Biện pháp này chủ yếu được dùng trong
phong cách khẩu ngữ và văn chương.  

XI. Dẫn ngữ- Tập Kiều          

1. Dẫn ngữ

1.1. Khái niệm

Dẫn ngữ là biện pháp dùng những điển cố, thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn hoặc thơ văn có
giá trị, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống ngôn ngữ và cuộc sống tinh thần của một tập thể
người nhằm thuyết minh một vấn đề mới, biểu hiện một tư tưởng, tình cảm mới, làm cho cách
kiến giải của người nói, người viết thêm sức thuyết phục.

Ví dụ: Thâm nghiêm kín cổng cao tường

Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

1.2. Chức năng   

Dẫn ngữ có chức năng nhận thức và biểu cảm. Biện pháp này được dùng trong các phong
cách chức năng khẩu ngữ , chính luận , văn chương...          

2. Tập Kiều

2.1.Khái niệm  

Tập Kiều là hình thức dẫn ngữ đặc biệt. Ở đây người ta sử dụng những ý hoặc lời trong
truyện Kiều, một tác phẩm mà mọi người Việt Nam đều quen biết, đều thuộc lòng ít nhiều để
tạo nên sắc thái Kiều trong sự biểu đạt của lời nói.

40
Ví dụ Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương

Dầu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng

Nhân tình nhắm mắt chưa xong

Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như (Tố Hữu)

2.2. Tác dụng

- Tạo nên màu sắc Kiều, không khí Kiều, sự đồng cảm giữa người nói và người nghe.

- Tạo nên sự dễ dàng thông hiểu, sự liên tưởng mạnh mẽ.

 2.3. Chức năng : Tập Kiều có chức năng nhận thức, chức năng biểu cảm và chủ yếu được
dùng trong phong cách văn chương.  

41

You might also like