You are on page 1of 3

Đề 1:

PHẦN I. ĐỌC- HIỂU ( 6,0 điểm)


Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Khi tôi lên tám hay chín tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét.
Một buổi tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà
dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than.
Tôi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng mà lên tiếng hay
không.
Nhưng cha tôi chủ động ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở
trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe
mẹ xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với
mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà”.
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy
không. Cha khoác tay qua vai tôi và nói: “Mẹ con đã làm việc vất vả cả ngày và rất mệt. Một lát
bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho
người khác không? Những lời chê bai, trách móc cay nghiệt đấy”. Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó,
cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ
trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được ngày sinh nhật hay ngày kỉ niệm như
một số người khác. Điều mà cha học được qua những năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai
sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất
để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi
để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy
cảm thông với những người chưa làm được điều đó”.
(Nguồn: Quà tặng cuộc sống)
Khoanh tròn vào một phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (Từ câu 1 đến câu 3)
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào ?
A.Tự sự. B. Miêu tả. C. Biểu cảm. D. Nghị luận.
Câu 2. Truyện được kể từ ngôi thứ mấy?
A.Nhất . B. Hai. C. Ba. D. Bốn.
Câu 3: Phép tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “...Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy,
không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than” , là:
A.Nhân hóa B. So sánh C. Điệp ngữ D. Ẩn dụ
Câu 4: Trong các câu văn sau có mấy số từ: “..Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không
phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai
nhận ra điều bất thường của chúng mà lên tiếng hay không”
A.Một B. Hai C. Ba D. Bốn
Câu 5: Các phó từ có trong đoạn văn: “...Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm
thông với những người chưa làm được điều đó”, là:
A.Hãy, với, chưa, được B. Hãy, và, những, được C. Và, với, những, được D. Hãy, những, chưa,
được
Câu 6: Trong câu văn: “...Đêm đó, tôi đến bên chúc cha ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông
thích bánh mì cháy không..”, thành phần nào được mỏ rộng:
A.Trạng ngữ, chủ ngữ C. Chủ ngữ, vị ngữ
B. Trạng ngữ, vị ngữ D. Trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ
Câu 7. Câu nói: “Mẹ con đã làm việc vất vả cả ngày và rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể
làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời
chê bai, trách móc cay nghiệt đấy”, có ý nghĩa gì?
A. Thể hiện sự yêu thương, trân trọng người vợ; biết ơn, cảm thông cho những việc vợ làm cho
mình dù nó không hoàn hảo.
B. Thể hiện sự biết ơn, cảm thông cho những việc vợ làm cho mình dù nó không hoàn hảo.
C. Thể hiện sự cảm thông cho những việc vợ làm cho mình dù nó không hoàn hảo.
D. Thể hiện sự yêu thương, trân trọng người vợ.
Câu 8: Vẻ đẹp nhân vật người bố được khắc họa qua các phương diên:
A. Hành động, ngoại hình, lời nói, mối quan hệ với NV khác
B. Hành động, ngoại hình, suy nghĩ, mối quan hệ với nhân vật khác
C. Hành động, lời nói, suy nghĩ, mối quan hệ với nhân vật khác
D. Hành động, suy nghĩ, mối quan hệ với nhân vật khác
Câu 9: Nếu em là người con trong câu chuyện trên, em sẽ nói gì với mẹ? ( Trả lời bằng một đoạn
văn không quá 5 câu)
Câu 10. Thông điệp ý nghĩa em rút ra từ câu chuyện?
Đề 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Từng sợi rét cứ mặc nhiên len lỏi trong gió rồi mơn man hắt nhẹ mái tóc ngang vai của cô
nàng đỏng đảnh trong chiếc áo dạ đỏ rực giữa chiều muộn. Rét luồn trong từng ô cửa, xét nét
nhìn những bước chân con người đang vội vã dưới  làn mưa phùn bất chợt thoáng qua. Áo ai
bỗng thấm ướt bất chợt… Cái nhíu mày bất chợt… Tiếng xuýt xoa bất chợt… Thèm một bàn tay
ấm áp bất chợt… Mùa đông bao giờ vẫn thế, thả heo may và luôn như muốn nhắc nhở trái tim
rằng … một mình lạnh lắm!
     Đông đã về! Đông về dường như chưa bao giờ báo trước. Mới hôm qua nắng còn tắt dần mà
sáng ra đã thấy đông về gõ cửa rồi đĩnh đạc ngồi ngay trước hiên nhà. Đông về ta thấy buốt hơn
nghe tiếng trở người nặng nề của những cụ già đang gồng mình với những thử thách của tháng
năm. Đông về khi những tiếng ho đêm của trẻ con dày hơn khiến mẹ giật thót giữa giấc ngủ muộn.
Đông cũng về trong giai điệu thiết thao của người đã đi xa vào cõi vô thực khiến ta thêm nhói
buốt: 
      “Dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lòng. Chút lá thu vàng đã rụng. Dường như
cũng bỏ ta đi…”(Phú Quang) 
      Đông lặng lẽ, đông âm thầm cứ mặc nhiên để người ta cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn. Tiếng rao
đêm “Bánh bao đây... Ai bao đây… Bao không…” rồi khuất xa trong màn đêm làm đông quánh
đặc và nghẹn đắng. Quơ vội mấy tờ tiền lẻ, gọi với theo mua một chiếc bánh bao nóng hổi như
một thói quen. Áp chiếc bánh vào má, hít hà mùi thơm của mẩu lá chuối xanh được cắt vuông vắn
dùng để giữ cho bánh không dính vào nhau khi đặt chúng vào trong nồi hấp. Một sự ấm áp dìu
dịu cứ len lỏi trong tim…
Ấm áp hay giá lạnh trong cuộc đời này suy cho cùng cũng chỉ có người trong cuộc mới có thể cắt
nghĩa được. Mùa đông lạnh nhưng cũng không thể lạnh bằng lòng người khi thờ ơ, tàn nhẫn.  Mọi
hạnh phúc có thể hóa đau thương bất chợt, ẩn giấu sau nụ cười cũng có khi là hàng ngàn giọt
nước mắt lặng lẽ rơi giữa đêm khuya. Đời cũng thật lạ… Đôi khi cái lạnh của mùa đông sẽ là liều
thuốc thử giúp ta dễ dàng nhận ra những điều ấm áp luôn được tồn tại xung quanh đâu đấy. 
      Đông rất lạnh nhưng ở được bên cạnh người mình thương dù chỉ trong ý nghĩ thôi cũng đủ
làm ta ấm lại. Mùa đông giá buốt nhưng bỗng thật ấm áp khi chúng ta tìm được nhau, tìm được
bến đỗ của cuộc đời mình, một yêu thương dù nhỏ bé nhưng cũng đủ làm tan băng giá. Tôi đang
bâng khuâng không biết rõ mình còn có thể đi đến những đâu trên thế giới và mong mỏi điều gì
trong thanh xuân của tuổi trẻ, của những ước mơ và hi vọng. Nhưng sau tất cả, tôi dám chắc
rằng: Hành trình tuyệt vời nhất, nơi sau cùng của trái tim mình đó là được trở về nhà, được trở về
lòng nhau và được trở về đúng nghĩa trái tim mình:  Đừng đóng chặt trái tim mình, hãy mở cửa
trái tim để biết rằng giữa mùa đông ấy, mình vẫn cảm thấy ấm áp.
   Phan Thị Hồng Cẩm
Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?
A.Thơ B. Truyện ngắn C. Nghị luận D. Tản văn
Câu 2: Đối tượng bộc lộ cảm xúc của văn bản là:
A.Thời tiết giao mùa B. Món ăn mùa Đông
C. Đất trời, con người vào Đông D. Đất trờ, con người vào xuân
Câu 3: Dòng nào dưới đây thể hiện đúng cảm xúc của tác giả
A. Áp chiếc bánh vào má, hít hà mùi thơm của mẩu lá chuối xanh được cắt vuông vắn dùng để
giữ cho bánh không dính vào nhau
B. Mùa đông bao giờ vẫn thế, thả heo may và luôn như muốn nhắc nhở trái tim rằng … một
mình lạnh lắm!
C. Rét luồn trong từng ô cửa, xét nét nhìn những bước chân con người đang vội vã dưới  làn
mưa phùn bất chợt thoáng qua
D. Tôi đang bâng khuâng không biết rõ mình còn có thể đi đến những đâu trên thế giới và
mong mỏi điều gì trong thanh xuân của tuổi trẻ
Câu 4: Câu văn: “...Mọi hạnh phúc có thể hóa đau thương bất chợt, ẩn giấu sau nụ cười cũng có
khi là hàng ngàn giọt nước mắt lặng lẽ rơi giữa đêm khuya...”, có mấy phó từ:
A.Một B. Hai C. Ba D. Bốn
Câu 5: Biện pháp tu từ nổi bật trong văn bản trên là:
A.Nhân hóa B. Điệp ngữ C. So sánh D. Ẩn dụ
Câu 6: Đoạn văn bản từ “Đông về ta thấy buốt hơn.....thêm nhói buốt”, thể hiện tâm trạng cảm
xúc gì của tác giả?
A.Nuối tiếc những kỉ niệm đã qua
B. Lắng nghe, trân trọng cuộc sống với niềm yêu thương
C. Xúc động trước những thanh âm của cuộc sống khi Đông về
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 7: Những liên tưởng, phát hiện riêng về mùa Đông của tác giả là:
A.Mang đến sự giá lạnh, rét buốt
B. Liều thuốc thử để nhận ra những điều ấm áp trong cuộc sống
C. Khiến con người cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo
D. Gợi nhắc hành trình của ước mơ và tuổi trẻ
Câu 8: Mục đích của văn bản trên là:
A.Khắc họa sự chuyển mùa và giãi bày tình cảm , suy ngẫm của người viết
B.Giãi bày tình cảm trước khung cảnh và con người mùa Đông
C. Từ đề tài mùa Đông, người viết bày tỏ tình yêu con người và niềm trân trọng cuộc sống
D. Từ đề tài mùa Đông, người viết bộc lộ những cảm xúc suy ngẫm về tình người trong cuộc sống
Câu 9: Câu văn: “....Hành trình tuyệt vời nhất, nơi sau cùng của trái tim mình đó là được trở về
nhà...” có nghĩa là gì? ( Trình bày bằng một đoạn văn không quá 5 dòng)
Câu 10: Thông điệp em rút ra từ văn bản là gì?
Phần II( 4 điểm): Viết bài văn biểu cảm về người hoặc sự việc
HS xem lại các đề:
*) Biểu cảm về người:
+ Biểu cảm về người thân: Bố, mẹ...
+ Biểu cảm về người gần gũi quanh em: Thầy cô giáo, bạn bè
+ Biểu cảm về một người truyền cảm hứng mà em mến mộ: Anh Phạm Quang Linh, thầy Nguyễn
Ngọc Ký
*) Biểu cảm về sự việc
- Biểu cảm về các sự việc em được tham gia: Lễ khai giảng, lễ tổng kết, hoạt động văn nghệ chào
mừng ngày 20/11
- Biểu cảm về một việc tốt mà em tham gia: Quyên góp ủng hộ đồng bào Kỳ Sơn ( Nghệ An) bị
thiên tại, lũ ống trong tháng 10/ 2022....

You might also like