You are on page 1of 7

BÀI THAM KHẢO (10H1)

* Thơ
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về đoạn
thơ sau:
Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong.
(Trích Xuân về, Nguyễn Bính, Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB Văn học, 2003)
BÀI LÀM
Mùa xuân – xuân của đất trời, xuân của lòng người – luôn khơi nguồn cảm hứng bất tận cho
các thi sĩ (tổng – dẫn dắt). Không ngoại lệ, nhà thơ Nguyễn Bính cũng phải lòng với mùa xuân (giới
thiệu tác giả). Vì luôn có hẹn với mùa xuân trên các trang thơ, áng văn nên ông được mệnh danh là
“thi sĩ của mùa xuân”. Và đoạn 1 trong bài “Xuân về” đã đưa đến cho người đọc một bức tranh xuân
vừa mộc mạc, dung dị lại vừa tình tứ, đắm say qua lăng kính độc đáo của tác giả (giới thiệu tác phẩm,
đoạn thơ). Những tín hiệu mùa xuân xuất hiện ở cả thiên nhiên và con người: “gió đông”, “màu má
gái chưa chồng”, “đôi mắt trong”. Nhịp thơ 4/3, phép điệp từ “với”, “hàng xóm”, “mắt” tạo sự nhấn
âm, luyến láy (nghệ thuật). Đó là khoảnh khắc mùa xuân về thật trong trẻo, tinh khôi, tươi mát. Là làn
gió mang hơi thở của biển từ phương đông đưa đến. Là nét ửng hồng trên gò má của cô gái thanh tân
tràn đầy sắc xuân. Là cô hàng xóm bâng khuâng ngắm những xao động khẽ của mùa xuân, trời xuân
qua đôi mắt trong veo, thật thơ, thật mộng. Xuân về điểm tô cho cô gái thêm trẻ trung, xinh đẹp hay
chính nét đẹp của cô đã tạo nên ý vị cho mùa xuân? (nội dung) Đoạn thơ thú vị nhất là câu “Bên hiên
hàng xóm, cô hàng xóm”. 7 chữ nhưng kiệm lời vì từ “hàng xóm” đã được lặp lại. Chẳng cần hoa mĩ,
cầu kì, câu thơ rất duyên dáng khi người đọc phát hiện thấy người đẹp ở rất gần với thi nhân, cứ ngây
thơ lơ đãng nhìn trời, thi nhân cũng cứ hữu ý ngắm cô (xoáy vào những ấn tượng sâu sắc của bản
thân). Bước đi của mùa xuân thật nhẹ, khẽ nhưng cũng rất đỗi huyền hoặc, tình tứ, nồng nàn. Ở đó
gắn kết con người với thiên nhiên và hé lộ giao cảm, rung động thầm kín khe khẽ của con người với
con người. Tất cả tạo nên bức tranh đẹp và lòng người cũng có những xuyến xao, rung động trước
bước đi của thời gian, của thiên nhiên và neo đâu nơi vẻ đẹp thuần khiết của người con gái (nâng cao,
mở rộng). Đoạn thơ ngắn gọn 7 chữ nhưng dung chứa nhiều xúc cảm đẹp của thi sĩ, lan tỏa đến người
đọc những giá trị thẩm mĩ, giá trị nhân văn sâu sắc (hợp – kết).
 Đoạn văn viết theo trình tự tổng phân hợp

CÁCH PHÂN TÍCH THƠ:


- Có 3 cách: bổ ngang (phân tích nội dung, nghệ thuật từng câu); bổ dọc (phân tích theo luận điểm,
hình ảnh, nội dung cả đoạn); hoặc kết hợp cả 2 (giống bài phân tích “Mùa xuân xanh” của Nguyễn
Bính trong sgk). Có thể phân tích tương quan từng câu như nhau hoặc phân tích đậm, nhạt (câu nào
ấn tượng, sâu sắc thì phân tích kĩ hơn).
- Chú ý trong quá trình phân tích phải trích đầy đủ dẫn chứng thơ, cho vào dấu ngoặc kép.
- Trình tự phân tích: nghệ thuật (ngôn ngữ, hình ảnh, thể thơ, giọng điệu, nhịp điệu, biện pháp tu từ)
-> rút ra nội dung -> rút ra tư tưởng, tình cảm của tác giả.
- Có thể thêm câu nói lí luận về thơ trong mở đoạn hoặc kết đoạn
- Chú ý đoạn văn theo trình tự mở đoạn – thân đoạn – kết đoạn với cách sắp xếp tổng – phân – hợp.
- Đoạn văn ngắn, thời gian ít nên phân phối làm cho hợp lí, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột hoặc
không hoàn thành bài. Đề quy định 200 chữ nhưng có thể nới đường biên ra 250 đến 300.
- Giữa các ý, câu phải có sự chuyển ý, liên kết nhịp nhàng, uyển chuyển.
- Sử dụng từ ngữ chính xác, hay, giàu hình ảnh, xúc cảm; tránh lỗi lặp từ, diễn đạt dài dòng, khó hiểu;
tránh diễn xuôi khổ thơ mà không phân tích.
* Truyện
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích chi tiết sau:
Bà Nữ Oa đau lòng thấy con cháu ngoi ngóp trong cảnh đất trời nghiêng ngửa tối tăm. Bà
nghĩ chỉ còn một cách vá lại vòm trời cho nguyên lành như cũ mới mong cứu được loài người. Nhưng
công việc vá trời đâu phải chuyện dễ, xưa nay đã có ai nghĩ đến, đừng nói dám làm! Chỉ vì thương
con mà ngày đêm bà không quản khó khăn, vất vả, một mình hì hục khuôn đất, đội đá ở khắp nơi về
để vá trời cho bằng được, kịp cứu đàn con.
Bà chọn đá ngũ sắc, chất lên thành núi, đốt lửa luyện đá thành keo rồi lần lượt vá hết các vết
thủng trên vòm trời. Bà lấy bốn chân lực lưỡng của con rùa khổng lồ đem dựng ở bốn phương trái
đất làm cột chống trời hết sức vững chãi. Vòm trời được nâng cao, ánh sáng trở lại chan hòa.
(Trích Nữ Oa vá trời – Truyện thần thoại Trung Quốc)
BÀI LÀM
Niềm tin ngây thơ với cách lí giải hồn nhiên, chất phác từ thời nguyên thủy khiến thể loại thần
thoại trở thành di sản văn học, văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc trưng đó được thể hiện rõ nét trong
truyện thần thoại Trung Quốc “Nữ Oa vá trời”. Trong tác phẩm, chi tiết Nữ Oa vá trời: “Bà Nữ Oa
đau lòng… ánh sáng trở lại chan hòa” đã kể về công việc vất vả nhưng rất đáng được ngợi ca, trân
trọng của bà (mở đoạn – tổng). Thiên chức của Nữ Oa là sinh ra loài người và đem đến cuộc sống
bình yên cho họ. Tuy nhiên, vì biến cố gãy cột chống trời mà bà phải nghĩ cách vá trời. Chi tiết “ngày
đêm bà không quản khó khăn, vất vả, một mình hì hục khuôn đất, đội đá ở khắp nơi về để vá trời cho
bằng được… chọn đá ngũ sắc, chất lên thành núi, đốt lửa luyện đá thành keo rồi lần lượt vá hết các
vết thủng trên vòm trời … lấy bốn chân lực lưỡng của con rùa khổng lồ đem dựng ở bốn phương trái
đất làm cột chống trời” là yếu tố kì ảo mà tác giả dân gian đã tưởng tượng ra nhằm kì vĩ hóa công
việc của Nữ Oa và lí giải nguồn gốc vũ trụ, hiện tượng tự nhiên. Qua chi tiết đó, ta thấy được công
việc vá trời thật khó khăn, gian nan; đồng thời cũng thấy được sự tỉ mỉ, công phu, kiên trì, nghị lực
của bà Nữ Oa. Bà làm công việc này bằng tình yêu, trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của mình đối với
các sinh linh bé nhỏ trong trời đất (phân tích chi tiết). Đây là chi tiết kì ảo tiêu biểu trong câu chuyện.
Nó tô đậm tính cách, hành động phi thường của vị thần Nữ Oa. Nó còn giúp giải thích về hiện tượng
tự nhiên như thiên tai bão lũ. Ngoài ra vai trò của chi tiết này nói riêng cũng như câu chuyện và thể
loại thần thoại nói chung đã thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên từ thuở bình minh của loài
người. Cách lí giải thú vị thông qua trí tưởng tượng bay cao bay xa, là “vẻ đẹp một đi không trở lại”
của người xưa. Nó là niềm tin hồn nhiên, chất phác, trong trẻo nhưng cũng phản ánh trí tuệ, bản lĩnh
của nhân dân khi không chịu khuất phục trước thiên nhiên kì bí, rộng lớn (nêu ý nghĩa của chi tiết)
(thân đoạn – phân). Vì thế, những chi tiết này từ xưa đến nay đều lấp lánh tỏa ra sức hấp dẫn, lôi cuốn
người đọc, người nghe (kết đoạn – hợp).
 Đoạn văn viết theo trình tự tổng phân hợp
CÁCH PHÂN TÍCH TRUYỆN:
- Đọc kĩ đề xem đề yêu cầu phân tích 1 chi tiết bắt buộc nào đó (đề trích dẫn) hoặc tự lựa chọn 1 chi
tiết kì ảo (đối với truyện dân gian như thần thoại, truyện cổ tích…) hoặc tự lựa chọn 1 yếu tố hấp dẫn
của truyện (với truyện dân gian nên là chi tiết kì ảo ngoài ra có thể là không gian, thời gian, sự kiện,
nhân vật; với truyện hiện đại có thể là nghệ thuật kể chuyện như tạo tình huống, sử dụng ngôn ngữ,
xây dựng độc thoại, đối thoại, xây dựng kết cấu; nghệ thuật khắc họa nhân vật như ngoại hình, nội
tâm, tính cách…). Chi tiết bắt buộc thì tập trung vào chi tiết đó. Chi tiết hoặc yếu tố được lựa chọn thì
nên chọn chi tiết/yếu tố tiêu biểu tùy đặc trưng thể loại.
- Chú ý trong quá trình phân tích phải trích đầy đủ dẫn chứng, cho vào dấu ngoặc kép.
- Trình tự phân tích:
+ Nêu hoặc giới thiệu chi tiết/yếu tố
+ Phân tích nội dung và nghệ thuật của chi tiết/yếu tố
+ Chỉ ra ý nghĩa của chi tiết/yếu tố (thường là tô đậm chủ đề truyện, khắc họa tính cách nhân vật, tạo
sự hấp dẫn cho câu chuyện. Nếu là thần thoại hoặc các thể loại truyện dân gian khác là lí giải nguồn
gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên.)
- Có thể thêm câu nói lí luận về truyện trong mở đoạn hoặc kết đoạn.
- Chú ý đoạn văn theo trình tự mở đoạn – thân đoạn – kết đoạn với cách sắp xếp tổng – phân – hợp.
- Đoạn văn ngắn, thời gian ít nên phân phối làm cho hợp lí, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột hoặc
không hoàn thành bài. Đề quy định 200 chữ nhưng có thể nới đường biên ra 250 đến 300.
- Giữa các ý, câu phải có sự chuyển ý, liên kết nhịp nhàng, uyển chuyển.
- Sử dụng từ ngữ chính xác, hay, giàu hình ảnh, xúc cảm; tránh lỗi lặp từ, diễn đạt dài dòng, khó hiểu;
tránh diễn xuôi chi tiết, đoạn văn trong đề.

* Một số câu nói lí luận về thơ và truyện (có thể chọn lựa đưa vào đoạn văn nghị luận một cách
linh hoạt)
THƠ
1. “Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời” (Sóng Hồng)
2. “Thơ là thần hứng” (Platon)
3. “Thơ là ngọn lửa thần” (Đecgiavin)
4. “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật” (Bêlinxki)
5. “Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy” (Tố Hữu)
6. “Làm thơ là cân một phần nghìn milligram quặng chữ” (Maiacopxki)
7. “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi” (Lưu Trọng Lư)
8. “Thơ là chuyện đồng điệu” (Tố Hữu)
9. “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng)
10. “Thơ là tiếng gọi đàn” (Xuân Diệu)
11. “Thơ là tiếng nói của tri âm” (Tố Hữu)
12. “Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp)
13. “Thơ là thơ đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hồng)
14. “Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ” (Viên Mai)
15. “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” (Lê Quý Đôn)
TRUYỆN
1. “Một người nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo trong cốt tuỷ.” (Sê-khốp)
2. “Nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại.” (Ban-dắc)
3. “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá mới về nội dung.” (Lê-ô-nít Lê-ô-
nốp)
4. “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm.” (Pautôpxki)
5. “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học.” (Tố Hữu)
6. “Văn học là nhân học.” (M. Go-rơ-ki)
7. “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng
thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi
đó.” (Biêlinxki)
8. “Nhà văn phải là người đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người.”
(Nguyễn Minh Châu)
9. “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.” (Nguyễn Minh Châu)
10. “Văn học nằm ngoài các định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.” (Sê-
đrin)
11.  “Truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống” (Tô Hoài)
12.  "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ
thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than". (Nam Cao)
13. “Nếu tác giả không có lối đi riêng, thì người đó không bao giờ là nhà văn cả. Nếu anh không có
giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ” (Sê khốp)
14. “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” (Gorki)
15. "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn
chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng
tạo những cái gì chưa có..."  (Nam Cao)

BÀI THAM KHẢO (10T5)


* Thơ
Hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp
của mùa hạ trong đoạn thơ sau:
Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi.
(Mùa hạ, Thơ Xuân Quỳnh, Kiều Văn chủ biên, NXB Đồng Nai, 1997)

BÀI LÀM

Vẻ đẹp của mùa hạ được miêu tả đặc sắc qua đoạn thơ: “Đó là mùa của những tiếng chim
reo… Bước chân người bỗng mở những đường đi” trích bài thơ “Mùa hạ” của nữ sĩ Xuân Quỳnh (mở
đoạn – tổng). Bên cạnh mùa xuân, mùa thu luôn đem đến nguồn cảm hứng bất tận cho các thi sĩ thì
mùa hạ với nét đẹp riêng cũng đã tạo nên những bức tranh thiên nhiên rực rỡ, sinh động. Mở đầu
đoạn thơ, Xuân Quỳnh đã định nghĩa rất thú vị: “Đó là mùa của những tiếng chim reo”. Nhà thơ đã
đem đến cho mùa hạ tín hiệu đầu tiên rộn ràng, sôi động với âm thanh của muôn loài chim ca hát đón
hè về. Đó không chỉ là thanh âm của loài vật mà dường như còn là khúc nhạc của cuộc sống, sự náo
nức, hân hoan của lòng người (phân tích câu 1). Mùa hè còn được chạm khắc bằng những nét vẽ mộc
mạc của thiên nhiên cao rộng ngoài kia: “Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả” (chuyển ý). Không
gian thoáng đạt, rực rỡ, tươi vui với màu “xanh biếc” của bầu trời, màu vàng của ánh nắng chói chang
bao phủ khắp nơi. Đó là sắc xanh và màu nắng đặc trưng của mùa hè, khác hẳn với ánh nắng dịu nhẹ
của các mùa khác trong năm (phân tích câu 2). Từ góc nhìn xa, cao rộng, nhà thơ chuyển điểm nhìn
xuống thấp, gần gũi hơn: “Đất thành cây, mật trào lên vị quả” (chuyển ý). Từ mảnh đất, cây cối lớn
khôn, nở hoa kết trái, đem mật ngọt cho đời. Cách diễn đạt độc đáo “mật trào lên vị quả” thể hiện
niềm vui thích của nhà thơ khi thưởng ngoạn thiên nhiên, đón nhận những dư vị ngọt ngào của hoa
thơm quả ngọt đúng mùa (phân tích câu 3). Và từ đó nhà thơ chiêm nghiệm, triết lí sâu sắc trong
những bừng ngộ về cuộc sống: “Bước chân người bỗng mở những đường đi” (chuyển ý). Đó là bước
chân của con người, của tuổi trẻ trên những con đường mới, những hành trình mới, khám phá mới,
chân trời mới để trải nghiệm, để chạm ước mơ, để vượt lên chính mình (phân tích câu 4). Tôi chợt
nhớ đến câu nói của Lỗ Tấn: “Trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”
(thân đoạn – phân). Đoạn thơ khép lại với những xúc cảm tươi vui, chan hòa với thiên nhiên mùa hạ
và tình yêu, niềm nhiệt huyết, cống hiến với cuộc đời của nhà thơ (kết đoạn – hợp).

 Đoạn văn viết theo trình tự tổng phân hợp

CÁCH PHÂN TÍCH THƠ:


- Phân tích nội dung, nghệ thuật từng câu.
- Trình tự phân tích: nghệ thuật (ngôn ngữ, hình ảnh, thể thơ, giọng điệu, nhịp điệu, biện pháp tu từ)
-> rút ra nội dung -> rút ra tư tưởng, tình cảm của tác giả.
- Chú ý trong quá trình phân tích phải trích đầy đủ dẫn chứng thơ, cho vào dấu ngoặc kép.
- Chú ý đoạn văn theo trình tự mở đoạn – thân đoạn – kết đoạn với cách sắp xếp tổng – phân – hợp.
- Đoạn văn ngắn, thời gian ít nên phân phối làm cho hợp lí, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột hoặc
không hoàn thành bài. Đề quy định 200 chữ nhưng có thể nới đường biên ra 250.
- Giữa các ý, câu phải có sự chuyển ý, liên kết nhịp nhàng, uyển chuyển.
- Sử dụng từ ngữ chính xác, hay, giàu hình ảnh, xúc cảm; tránh lỗi lặp từ, diễn đạt dài dòng, khó hiểu;
tránh diễn xuôi khổ thơ mà không phân tích.

* Truyện
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá về một yếu tố làm nên sức hấp
dẫn của truyện kể “Chàng học trò và con chó đá”.
 Nếu là truyện dân gian như thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích… thì yếu tố hấp dẫn rất
nên lựa chọn chi tiết kì ảo.

BÀI LÀM
“Chàng học trò và con chó đá” là truyện dân gian được dệt nên từ trí tuệ sắc sảo của người
bình dân xưa. Câu chuyện hấp dẫn người đọc, người nghe từ yếu tố kì ảo được xây dựng quanh nhân
vật đặc biệt – con chó đá (mở đoạn – tổng). Tác giả dân gian đã tưởng tượng con chó đá này biết chào
hỏi, biết vui mừng, nói chuyện và đặc biệt là đoán định số mệnh của con người. Nó đoán được người
học trò khóa thi đó sẽ đỗ nên chào mừng, kính trọng khi anh ta đi qua. Nhưng sau đó vì người cha
hống hách, lên mặt với mọi người nên con chó báo là năm đó anh không đỗ, nó không chào anh ta,
xem anh như những học trò bình thường khác. Người học trò không nản chí, vẫn học hành chăm chỉ;
người cha cũng tu thân dưỡng tính nên 3 năm sau con chó lại mừng rỡ, báo rằng anh học trò sẽ đậu
khóa thi này. Chi tiết kì ảo tiêu biểu đó đã tạo nên sự kì thú, hấp dẫn cho câu chuyện; dẫn dắt trí
tưởng tượng của mọi người bay cao bay xa để từ đó gửi gắm những thông điệp. Con chó đá là vật
quen thuộc được dựng ở đền đình, chùa chiền để trang trí, trông giữ và thờ cúng. Trong câu chuyện
này, con chó đá chính là hiện thân cho lực lượng siêu nhiên. Những nhân vật, lực lượng đó thường
gặp trong các truyện kể dân gian. Lực lượng đó sẽ hiện ra đúng lúc để giúp đỡ người hiền hoặc
khuyên răn, giáo dục con người những đạo lí tốt đẹp. Chi tiết này còn hấp dẫn người đọc, người nghe
vì mọi hành động và tiên đoán của con chó đá đều ngầm thể hiện thái độ, thông điệp và khát vọng của
nhân dân ta ngày xưa. Đó là những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, lời khuyên răn chân thành, sự cảnh tỉnh
đúng lúc để con người học được những điều hay lẽ phải ở đời. Câu chuyện có tính giáo dục cao
nhưng được chuyển tải qua những chi tiết, sự việc giản dị nhưng không kém phần bất ngờ, lí thú.
Điều đó làm nên sức hấp dẫn của những truyện kể dân gian – kho tàng quý giá của mỗi dân tộc (thân
đoạn – phân). Con người từ xưa đến nay vẫn luôn soi mình trong những câu chuyện kể để tìm thấy
những giá trị tinh thần đáng quý (kết đoạn – hợp).
 Đoạn văn viết theo trình tự tổng phân hợp
CÁCH PHÂN TÍCH TRUYỆN:
- Đọc kĩ đề xem đề yêu cầu phân tích 1 chi tiết bắt buộc nào đó (đề trích dẫn) hoặc tự lựa chọn 1 chi
tiết kì ảo (đối với truyện dân gian như thần thoại, truyện cổ tích…) hoặc tự lựa chọn 1 yếu tố hấp dẫn
của truyện (với truyện dân gian nên là chi tiết kì ảo ngoài ra có thể là không gian, thời gian, sự kiện,
nhân vật; với truyện hiện đại có thể là nghệ thuật kể chuyện như tạo tình huống, sử dụng ngôn ngữ,
xây dựng độc thoại, đối thoại, xây dựng kết cấu; nghệ thuật khắc họa nhân vật như ngoại hình, nội
tâm, tính cách…). Chi tiết bắt buộc thì tập trung vào chi tiết đó. Chi tiết hoặc yếu tố được lựa chọn thì
nên chọn chi tiết/yếu tố tiêu biểu tùy đặc trưng thể loại.
- Chú ý trong quá trình phân tích phải trích đầy đủ dẫn chứng, cho vào dấu ngoặc kép.
- Trình tự phân tích:
+ Nêu hoặc giới thiệu chi tiết/yếu tố
+ Phân tích nội dung và nghệ thuật của chi tiết/yếu tố
+ Chỉ ra ý nghĩa của chi tiết/yếu tố (thường là tô đậm chủ đề truyện, khắc họa tính cách nhân vật, tạo
sự hấp dẫn cho câu chuyện. Nếu là thần thoại hoặc các thể loại truyện dân gian khác là lí giải nguồn
gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên.)
- Chú ý đoạn văn theo trình tự mở đoạn – thân đoạn – kết đoạn với cách sắp xếp tổng – phân – hợp.
- Đoạn văn ngắn, thời gian ít nên phân phối làm cho hợp lí, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột hoặc
không hoàn thành bài. Đề quy định 200 chữ nhưng có thể nới đường biên ra 250 đến 300.
- Giữa các ý, câu phải có sự chuyển ý, liên kết nhịp nhàng, uyển chuyển.
- Sử dụng từ ngữ chính xác, hay, giàu hình ảnh, xúc cảm; tránh lỗi lặp từ, diễn đạt dài dòng, khó hiểu;
tránh diễn xuôi chi tiết, đoạn văn trong đề.

You might also like