You are on page 1of 8

ĐẶC ĐIỂM TRẺ SƠ SINH ĐỦ THÁNG VÀ CÁCH CHĂM SÓC

HÀNH CHÍNH:
1. Tên môn học: Nhi khoa.
2. Bài giảng: Lý thuyết.
3. Đối tượng: Sinh viên Y4 + Chuyên tu Y3.
4. Thời gian: 1 tiết.
5. Địa điểm: Giảng đường.

MỤC TIÊU:
1. Nêu được các biểu hiện bên ngoài của trẻ sơ sinh đủ tháng khỏe mạnh.
2. Trình bày được đặc điểm sinh lý của một số cơ quan.
3. Trình bày được những hiện tượng sinh lý thường gặp.
4. Trình bày được cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đủ tháng.

NỘI DUNG:
1. ĐỊNH NGHĨA:
Thời kỳ sơ sinh bắt đầu từ lúc sinh đến 28 ngày tuổi, là giai đoạn chuyển tiếp
cực kỳ quan trọng, đòi hỏi trẻ phải thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung.
Trẻ sơ sinh đủ tháng là trẻ được sinh trong khoảng từ 37 – 42 tuần tuổi thai
( 278 + 15 ngày), tuổi thai được tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng của người mẹ.
Đây là giai đoạn đầu đời ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này của trẻ. Vì
vậy, cần hiểu rõ các đặc điểm sinh lý, bệnh lý trong thời kỳ này để có thể chăm sóc và
điều trị đúng cách.
* Bệnh lý thường gặp trong thời kì sơ sinh:
- Sơ sinh sớm: là giai đoạn ở tuần đầu sau đẻ, các bệnh có thể gặp thường liên quan
tới người mẹ và cuộc đẻ, bệnh do thiếu trưởng thành các hệ thống cơ quan hoặc do dị
tật.
Ví dụ: suy hô hấp do bệnh màng trong, sang chấn sản khoa, ngạt lúc sinh, hạ thân
nhiệt, hạ đường huyết,…
- Sơ sinh muộn: xuất hiện vào ba tuần sau đẻ, bệnh thường do nuôi dưỡng chăm sóc
kém và môi trường gây ra.
Trẻ sơ sinh có thể đủ tháng, thiếu tháng, già tháng, thiếu cân. Mỗi trẻ có biểu hiện
bệnh lý và cách chăm sóc, nuôi dưỡng khác nhau.
2. ĐẶC ĐIỂM BÊN NGOÀI CỦA TRẺ SƠ SINH ĐỦ THÁNG KHỎE MẠNH:
- Cân nặng: >2500 gram (theo WHO).
- Chiều dài: > 45 cm (theo WHO).
- Vòng đầu: 32 - 34 cm, lớn hơn vòng ngực 1 - 2 cm.
- Thóp: hai thóp còn mở, thóp trước khoảng 2,5 - 3 cm, kín khi trẻ 15 - 18 tháng ( sớm
nhất là 12 tháng). Đường liên khớp đỉnh kín dần trong tháng đầu, thóp sau thường kín
trong 3 tháng đầu.
- Da: hồng hào, mềm mại, ít lông tơ. Lớp mỡ dưới da phát triển toàn thân, có cục mỡ
Bichard. Không thấy rõ các mạch máu dưới da.
- Tóc: mềm, dài > 2cm.
- Móng chi dài chùm các ngón.
- Vú: vòng sắc tố vú khoảng 10 mm, núm vú nổi lên > 2mm.
- Sinh dục ngoài đã phát triển đầy đủ: Trẻ trai tinh hoàn nằm trong hạ nang, trẻ gái
môi lớn trùm kín môi bé và âm vật.
- Trẻ nằm, các chi trong tư thế gấp.
- Trẻ khóc to, vận động tốt, các phản xạ bẩm sinh dương tính: phản xạ bú, Moro,
Robinson (cầm nắm), bước đi tự động.
- Tỷ lệ các phần cơ thể: đầu to (1/4 chiều dài), lưng thẳng, dài (45% chiều dài), các chi
ngắn, chi trên và chi dưới gần như bằng nhau (1/3 chiều dài cơ thể).
Sự phát triển thai còn phụ thuộc các yếu tố nội sinh và ngoại sinh (di truyền, môi
trường, dinh dưỡng, dị tật, tuổi, tinh thần...) của người mẹ lúc có thai, thường con rạ
cân nặng lớn hơn con so, con trai lớn hơn con gái.
3. ĐẶC ĐIỀM SINH LÝ CỦA MỘT SỐ CƠ QUAN:
3.1. Hệ hô hấp :
Sau sinh trẻ chuyển từ môi trường nước sang môi trường cạn, do vậy trẻ xuất hiện
nhịp thở đầu tiên bằng tiếng khóc.
Trong 1-2 giờ đầu trẻ thở rất nhanh, không đều sau đó chậm dần và nhanh chóng
có nhịp thở ổn định ở mức 40-60 lần/ phút. Thỉnh thoảng có cơn ngưng thở ngắn 3 - 5
giây, có khi có co kéo nhẹ cơ hô hấp hoặc thở rên. Cơn ngưng thở sinh lý thường kéo
dài < 15” (do vỏ não chưa hoạt động tốt trong thời gian đầu sau sinh), cơn ngưng thở
là bệnh lý khi > 15” và/ hoặc kèm tím tái, chậm nhịp tim.
Phổi đàn hồi tốt, lồng ngực và bụng di động cùng chiều theo nhịp thở.
Tuy nhiên hô hấp của trẻ bị ảnh hưởng bởi thiếu oxy máu, toan hóa, lạnh,… do
vậy rất dễ bị rối loạn.Việc theo dõi nhịp thở rất quan trọng, nếu nhịp thở của trẻ ổn
định trong vòng 24 giờ đầu là tiên lượng tốt và ngược lại.
3.2. Hệ tim mạch :
Nhịp tim thường phụ thuộc nhịp thở nên không đều, thường nhanh và dao động,
trong những giờ đầu sau đẻ nhịp tim 140 - 160 nhịp/phút, sau ổn định dần còn 100 -
120 nhịp/ phút ở cuối thời kỳ sơ sinh. Vì vậy thường không đánh giá tiên lượng trẻ
bằng nhịp tim hoặc đếm mạch mà đếm nhịp thở là cần thiết.
Tim tương đối to, tỷ lệ tim ngực 0,5 - 0,55, trục chếch phải do thất phải to. Sau tim
nhỏ dần và chuyển sang trục trái trong thời kỳ nhũ nhi.
HA tối đa khoảng 50 - 70 mmHg.
Thành mạch có độ thấm cao và rất dễ vỡ do thiếu men carboxylic esterase nhất là
khi thiếu 02. Khi cơ thể bị thiếu Oxy, có hiện tượng co mạch ngoại biên để dồn máu
đến nuôi các cơ quan quý như não và tim, gây tình trạng thiếu máu ngoại biên (da,
ruột...). Vì vậy, trẻ bị ngạt dễ bị viêm ruột hoại tử, dễ xuất huyết. Ngược lại, nếu oxy
máu quá cao, Pa02 > l00 mmHg và kéo dài quá 24 giờ thì các mạch máu ở một số nơi
có thể bị co lại, nuôi dưỡng tế bào giảm gây tổn thương tế bào như vùng thần kinh thị,
tế bào võng mạc.
Số lượng hồng cầu, bạch cầu và Hematocrit cũng cao sau đẻ, sau giảm dần theo
tuổi. Các yếu tố đông máu tương đối đầy đủ nhưng yếu, vì vậy trẻ sơ sinh đủ tháng
khỏe mạnh cũng nên tiêm hoặc uống 1 - 2mg vitamin K.
3.3. Hệ thần kinh:
Hệ thần kinh bắt đầu phát triển từ tháng thứ 2 bào thai và chấm dứt lúc trẻ trưởng
thành, có đặc điểm :
- Thần kinh trong tình trạng hưng phấn dễ kích thích, đáp ứng lan tỏa.
- Các trung tâm dưới vỏ và tủy hoạt động mạnh vì chưa có sự kiểm soát đầy đủ của vỏ
não. Vì thế trẻ thường vận động các chi với tốc độ nhanh, không định hướng, dễ giật
mình.
- Vỏ não rất ít nếp nhăn, số tế bào não nhiều, thể tích tế bào nhỏ, dây thần kinh ngắn,
ít phân nhánh và chưa Myeline hóa. Chính những đặc điểm này đã hình thành nên
phản xạ sơ sinh. Những hiện tượng này sẽ diễn biến ngược lại theo sự trưởng thành
của cơ thể.
- Chức năng chuyển hóa của tế bào cũng thay đổi: Glucose được chuyển hóa theo con
đường ái khí nhưng chưa đồng bộ : vùng tiểu não thay đổi sớm hơn vỏ.
Tính thấm đám rối mạch mạc cao nên Albumin máu dễ vào dịch não tủy, vì vậy
Albumin dịch não tủy ở trẻ sơ sinh cao hơn trẻ lớn và người lớn.
3.4. Hệ tiêu hóa :
Chức năng tiêu hóa còn kém vì men tiêu hóa còn rất ít.
Dung tích dạ dày nhỏ, nhu động dạ dày và ruột kém. Chức năng cơ vòng thực
quản dưới kém do đó dễ bị trào ngược dạ dày - thực quản.
Gan: chức năng chyển hóa chưa hoàn chỉnh, các men chuyển hóa chưa đầy đủ, vì
vậy trẻ dễ bị toan máu và hạ đường máu sớm. Trong bào thai gan trái to hơn gan phải,
sau sinh gan phải to hơn gan trái.
3.5. Hệ tiết niệu:
Trong những ngày đầu chức năng lọc và cô đặc nước tiểu kém nên ít thải các chất
điện giải, kể cả chất độc đối với cơ thể nên dễ có hiện tượng tăng K +, Na+ giả tạo. Tỷ
trọng nước tiểu thấp. Độ thẩm thấu nước tiểu thấp hơn so với trẻ lớn.
Thận không giữ nước. ( Khác với trẻ đẻ non).
3.6. Chuyển hóa các chất:
- Nước:
Tỉ lệ nước theo trọng lượng cơ thể ở trẻ sơ sinh cao hơn trẻ lớn, trẻ sơ sinh đủ
tháng: 77,3%, trẻ lớn: 68 - 70% .
Phân bố trong và ngoài tê bào cũng khác, tỷ lệ nước trong tế bào thường cao hơn
bên ngoài tế bào ở trẻ sơ sinh đủ tháng. Do đó trẻ mới đẻ bị mất nước hoặc ứ nước
cũng rất dễ biểu hiện trên lâm sàng như: ỉa chảy, suy hô hấp, đói ăn, nôn... khả năng
tiêu thụ nước của trẻ sơ sinh 10 - 15% trọng lượng cơ thể, lớn hơn người lớn ( 2- 4%)
do đó, cần chú ý cung cấp đủ nước cho trẻ.
- Các chất điện giải:
Fe, Ca, Phospho đều được mẹ cung cấp khi có thai, nhu cầu Ca, P ở trẻ cao. Ở trẻ
bú mẹ các chất điện giải như Fe, Calci, Phospho, Natri, Kali,…được cung cấp tương
đối đầy đủ sau khi ra đời, nhưng với trẻ đẻ non và ăn sữa ngoài thì phải chú ý cho tiêm
Protoxalat Fe (Fe ++) sau tháng thứ 1 và Vitamin D 2 do tỷ lệ các chất không sinh lý
và thiếu vitamin D để chuyển hóa.
Nếu rối loạn Ca, P kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tuyến phó giáp trạng.
Na+, K+ nhu cầu rất thấp, ở trẻ bú mẹ đã được cung cấp đầy đủ.
3.7. Các giác quan:
Nói chung 5 giác quan đều đã phát triển khá đầy đủ.
- Xúc giác : Là giác quan phát triển rất tốt, ngay từ tháng cuối của thai kỳ. Khi ra đời
giác quan này rất tốt, khi ta vuốt nhẹ trên lưng hoặc ngực trẻ sẽ thở sâu hơn, sờ vào mi
trẻ sẽ nhắm mắt lại.... Việc matxa- cho trẻ cũng góp phần kích thích phát triển xúc
giác.
- Thính giác: Phát triển tốt, khi có tiếng động trẻ sẽ giật mình, hoặc qua phản xạ
Moro. Trẻ có thể nghe được tiếng hát ru. Nếu phản xạ Moro âm tính cần theo dõi điếc
bẩm sinh.
- Khứu giác: Trẻ có phản ứng lại những mùi khó chịu như khi có mùi hắc trẻ sẽ hắt
hơi hoặc vận động mạnh lên, dần dần trẻ sẽ phân biệt được hơi của mẹ hoặc mùi sữa
mẹ.
- Vị giác: cũng phát triển tuy chưa hoàn thiện như trẻ lớn, nhưng trẻ phân biệt được vị
ngọt ưa thích, nên khi quen sữa mẹ có trẻ không ăn sữa bò hoặc ngược lại. Nhưng trẻ
chỉ có động tác nuốt vào hoặc nôn, nên cho trẻ uống thuốc dễ hơn trẻ nhũ nhi.
-Thị giác: Là giác quan kém phát triển hơn cả. Trẻ sơ sinh có nhãn cầu to hơn các lứa
tuổi khác so với tỷ lệ mặt, nhưng thần kinh thị chưa phát triển, trẻ nhìn không định
hướng, có thể lác nhẹ. Tuyến nước mắt chưa phát triển, do đó trẻ khóc nhưng không
có nước mắt.
4. NHỮNG HIỆN TƯỢNG SINH LÝ THƯỜNG GẶP:
4.1. Vàng da sinh lý:
Xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau đẻ, kéo dài 7-10 ngày thì hết.
Hiện tượng này chỉ thoáng qua, không cần điều trị gì, nên cho trẻ bú mẹ sớm và đầy
đủ. Khi trẻ có vàng da cần theo dõi hàng ngày, nếu màu vàng tăng nhanh, vàng mắt
hoặc vàng sớm (trước ngày thứ 3), thì đó là bệnh lý, cần khuyên bà mẹ đưa trẻ đến cơ
sở y tế để điều trị ngay.
4.2. Sụt cân sinh lý:
Thường xuất hiện từ ngày thứ 2-3 sau đẻ tới ngày thứ 10 - 12 thì hết. Sụt cân
sinh lý có các đặc điểm:
- Sụt cân dưới 10% cân nặng khi đẻ.
- Không có hiện tượng bệnh lý: sốt, khó thở, tiêu chảy, nôn, bỏ bú... và phục hồi
nhanh.
- Nguyên nhân sụt cân do:
+ Mất nước vô hình hoặc hữu hình qua hơi thở, qua da, các chất dịch, nước tiểu, thải
phân su... trong khi trẻ chưa bú được nhiều.
4.3. Biến động sinh dục:
Dù trai hay gái sau khi sinh, trẻ có ít nhiều nội tiết tố của mẹ truyền qua cho
nhau thai, vì vậy tuyến vú của trẻ có hiện tựợng sưng to, không đỏ, hơi chắc như hạch,
có sữa non. Chỉ cần giữ sạch không cần điều trị gì các hiện tượng trên sẽ hết sau 10 -
15 ngày. Tuyệt đốỉ không được nặn sữa ở vú vì sẽ gây áp xe.
Các bé gái có thể thấy ra vài giọt máu ở cửa mình, không nhiều và không xuất
huyết ở nơi khác. Hiện tượng này gọi là kinh non, xuất hiện trong 1 0 - 1 2 ngày đầu
sau sinh. Chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ tránh nhiễm khuẩn.
* Một số hiện tượng khác: rối loạn thân nhiệt, hạ đường huyết nhẹ trước đây có gặp
nhưng do biết cách chăm sóc trẻ tốt sau đẻ và cho ăn sớm nên không còn hiện tượng
đói lạnh nữa.
5. CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG TRẺ ĐỦ THÁNG:
5.1. Nguyên tắc căn bản:
- Vô khuẩn : Rửa tay vô trùng, mặc áo choàng sạch, ống nghe sạch, đeo khẩu trang,
găng tay sạch khi chăm sóc từng em bé.
- Giữ ẩm cho trẻ.
- Dinh dưỡng đúng : nuôi con bằng sữa mẹ sớm, hoàn toàn, cữ bú đầu từ 30 phút sau
sanh. Cho trẻ bú theo nhu cầu, tư thế ngậm bắt vú đúng. Không dùng bình sữa, núm
vú cao su cho trẻ bú. Không dùng các thức uống khác.
- Tiêm chủng : Tiêm bắp Vitamin K 1mg sau sanh. BCG , bại liệt uống, Viêm gan siêu
vi B lúc sanh.
- Theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm nhằm điều trị tốt trẻ sơ sinh bệnh,
chuyển viện an toàn.
5.2. Chăm sóc khác:
Bé và mẹ cần được nằm trong phòng sạch, thoáng khí và có ánh sáng mặt trời.
- Tằm bé: Tắm bé trong phòng kín, tránh gió lùa, nên tắm bé vào thời gian ấm áp
trong ngày. Có thể tắm bé từ giờ thứ 24 sau sinh.
- Thay tã: Thay tã ngay mỗi khi ướt, dơ. Nên dùng tã bằng loại vải thấm tốt (cotton..),
giặt sạch bằng xà phòng rồi phơi nắng (nên ủi lại sau đó).
- Chăm sóc rốn: Chăm sóc rốn 1 lần/ngày, lau bằng dung dịch povidine sau khi tắm bé
và khi rốn bị dây bẩn. Không để rốn ướt, dây bẩn. Có thể tháo kẹp rốn sau giờ thứ 24
sau sinh. Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng rốn: Rỉ dịch hay máu, hôi, da quanh chân
rốn tấy đỏ, dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân trong giai đoạn muộn.
Nên mở băng rốn sớm, nếu có điều kiện nên để hờ cho rốn mau khô.
Sau khi rốn rụng vẫn nên lau rốn hằng ngày sau khi tắm, không để rốn ướt bẩn.
- Quần áo: Bằng sợi bông mềm, sạch sẽ, mặc đủ ấm, tránh để hạ thân nhiệt hoặc quá
nóng trẻ sẽ không ngủ ngon giấc,
- Mắt: Nhỏ mắt hàng ngày và sau khi tắm, ít nhất 1 tuần sau đẻ, nhỏ bằng dung dịch
Chloramphenicol 4% nhất là trẻ đẻ bằng đường dưới và ở những bà mẹ bị nhiễm
khuẩn đường sinh dục.
- Lưỡi: đối với trẻ ăn sữa bột, sau mỗi bữa bú nên cho trẻ uống ít nước sôi để nguội,
hoặc lau lưỡi bằng tăm bông thấm nước muối sinh lý. Theo dân gian, có thể lau lưỡi
bằng mật ong, nước rau ngót... để tránh tưa.
Lưỡi tưa là trên mặt lưỡi phủ một lớp trắng dầy hơn sữa cặn. Phải dùng
Nystatin lau lưỡi sớm, để lâu trẻ sẽ bỏ bú, có thể gây ỉa chảy, viêm phổi do nấm.
- Thuốc : không dùng thuốc gì khác ngoài tiêm BCG và Vitamin K1 lúc mới sinh.
Nếu trẻ được nuôi sữa bột hoàn toàn thì dùng thêm Vitamin D sớm từ tuần thứ 2 ,
uống mỗi ngày 1500-2000 đơn vị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bài giảng Nhi Khoa tập 1, Bộ môn Nhi trường Đại Học Y Hà Nội, nhà xuất bản Y
học, năm 2013.

2. Bài giảng Nhi khoa tập 1, Bộ môn Nhi trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ chí
Minh, nhà xuất bản Y Học chi nhánh TP HCM, năm 2013.

3. Kế hoạch bài giảng bộ môn Nhi.Dự án Việt Nam - Hà Lan 2007.


4. Children’s Diseases.
5. Nelson texbook 2006.

You might also like