You are on page 1of 12

TÂM SINH LÝ GIỚI TÍNH TUỔI DẬY THÌ (11-14, 15 TUỔI)

1. Hiện tượng dậy thì

Dậy thì là quá trình thay đổi thể chất từ cơ thể một đứa bé trở thành cơ thể người lớn có
khả năng sinh sản. Trẻ có sự biến đổi rất quan trọng và rõ rệt về giới tính với những thay đổi
lớn về cơ thể và bắt đầu định hướng giới tính.
Tuổi dậy thì của các em nữ thường vào khoảng 12 - 14 tuổi, các em nam bắt đầu và kết
thúc chậm hơn các em gái khoảng 1,5 - 2 năm.

1.1. Biểu hiện về sinh lý

Giữa nam và nữ các em vẫn sẽ có những sự tương đồng trong quá trình thay đổi thể chất
và cả những sự khác biệt.

* Về mặt tương đồng:

- Sự hoạt động tổng hợp của các tuyến nội tiết quan trọng nhất (tuyến yên, tuyến giáp
trạng, tuyến thượng thận - hormone tăng trưởng và hormone sinh dục) tạo ra nhiều thay đổi
trong cơ thể trẻ, trong đó sự nhảy vọt về chiều cao, cân nặng và bắt đầu có nhu cầu tính dục ở
cả hai giới.
- Cơ thể phát triển: Chiều cao của các em tăng lên một cách đột ngột, hằng năm có thể
tăng từ 5 - 6 cm; Trọng lượng cơ thể hằng năm tăng từ 2,4 - 6 kg; tăng vòng ngực…là những
yếu tố đặc biệt trong sự phát triển thể chất của trẻ. Xương chân và tay chóng dài nhưng cơ
phát triển chậm hơn và lồng ngực phát triển chậm, nên đầu tuổi thiếu niên thường có thân
hình dài, hơi gầy và ít nhiều không cân đối. Sự phát triển cơ thể diễn ra không cân đối làm
cho các em lúng túng, vụng về, “lóng ngóng”.
- Sự phát triển của hệ tim - mạch cũng không cân đối : thể tích tim tăng nhanh, hoạt động
mạnh hơn nhưng đường kính phát triển chậm hơn. Điều này gây nên rối loạn tạm thời của hệ
tuần hoàn máu.
- Hoạt động thần kinh cấp cao của tuổi thiếu niên cũng có những nét riêng biệt như quá
trình hưng phấn chiếm ưu thế rõ rệt, dẫn đến thiếu niên không làm chủ được cảm xúc của
mình, không kiềm chế được xúc động mạnh. Các em dễ bị kích động, dễ bực tức, cáu gắt,
mất bình tĩnh… Phản xạ có điều kiện đối với những tính hiệu trực tiếp được hình thành
nhanh hơn những phản xạ có điều kiện đối với những tính hiệu từ ngữ. Do vậy, ngôn ngữ của
trẻ cũng thay đổi. Các em nói chậm hơn, hay “nhát gừng”, “cộc lốc”… Nhưng hiện tượng
này chỉ tạm thời, khoảng 15 tuổi trở lên hiện tượng này cân đối hơn.

* Về mặt khác biệt:

- Các bé gái:
+ Tuổi dậy thì được đánh dấu bằng sự xuất hiện của kinh nguyệt lần đầu tiên. Trước khi
xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên, ở cơ thể bé gái sẽ có một số thay đổi về sinh học và hình
thái học theo một trình tự khá nhất định. Đó là sự xuất hiện hiện hệ thống lông sinh dục và sự
phát triển của tuyến vú, được gọi chung là đặc điểm sinh dục thứ phát hay đặc điểm giới tính
phụ.
+ Sự thay đổi về vóc dáng: Trước khi hành kinh sẽ phát triển chiều cao rất nhanh, sau đó
sẽ chậm lại, cơ thể tập trung phát triển chiều ngang phát triển nhiều hơn trước với các đặc
tính riêng của nữ như: cơ thể tròn trặn dần, xương chậu rộng ra,...
- Các bé trai:
+ Tuổi dậy thì thường muộn hơn nữ nhưng rất nhanh sẽ cao hơn các bạn gái. Cơ thể phát
triển nhanh và có nhiều thay đổi: Từ một cậu bé cơ thể phát triển với những đặc điểm như
người trưởng thành, chiều cao tăng lên đáng kể, vai nở ra, bụng và hông thon lại, cơ bắp
nhiều lên trông thấy.
+ Sự phát triển về lông và râu, sự phát triển về cơ quan sinh dục, có yết hầu và vỡ giọng,
mộng tinh,...

1.2. Biểu hiện về tâm lý giới tính

Nhìn chung thì ở độ tuổi dậy thì, cả hai giới đều có những thay đổi chung như:
- Nhu cầu khẳng định bản thân: Cái tôi cao hơn, muốn được đối xử như người lớn.
- Trở nên nhạy cảm hơn.
- Tình bạn mở rộng và sâu sắc hơn, tạo khoảng cách với bố mẹ.
- Ý thức về giới tính trở nên rõ ràng hơn.
- Nhu cầu tính dục: Tò mò và thích khám phá về cơ quan sinh dục và có các hành vi liên
quan đến tính dục.
- Muốn thử thách bản thân.

* Các bé gái:

- Trưởng thành hơn trong suy nghĩ: Bắt đầu suy nghĩ như một người trưởng thành; thay
đổi về mặt nhận thức xã hội và sở thích cá nhân.
- Bắt đầu biết cách biểu hiện cá nhân tốt hơn: Điều này có nghĩa là các em có thể bày tỏ
tâm trạng vui hoặc buồn tốt hơn các bạn nam cùng tuổi. Ở tuổi dậy thì, các bạn nữ cũng phát
triển về tính tự giác trong các hoạt động cá nhân và bắt đầu có những nhận thức khác biệt về
giới tính.
- Dễ bị xúc động: Ở tuổi dậy thì, hormone được sản xuất mạnh mẽ và dẫn đến thay đổi về
mặt tâm trạng. Ngoài ra, nhiều người trở nên dễ tức giận hơn trước chu kỳ kinh nguyệt. Các
bé gái cũng trở nên yếu đuối và dễ khóc hơn mà không cần lý do.

- Trở nên nữ tính hơn: Ở tuổi dậy thì các bé gái thường có xu hướng thích làm đẹp, làm
tóc, trang điểm hoặc giảm cân.

- Bắt đầu có sự rung động: Ở tuổi dậy thì các bé gái thường dễ bị rung động và nhầm lẫn
giữa tình bạn và tình yêu.

* Các bé trai:

Ở tuổi dậy thì, nam giới thường có xu hướng trở nên trầm tính và ít nói hơn so với nữ giới.
Bên cạnh đó, tâm lý tuổi dậy thì ở nam có những thay đổi cụ thể như:
- Thích lãng mạn: Nam giới thường có xu hướng phát triển tình cảm cá nhân và bắt đầu có
bạn gái hoặc một mối quan hệ lãng mạn ngoài tình cảm bạn bè.
- Thay đổi tâm trạng: Hormone và những thay đổi trong não có thể dẫn đến những thay đổi
về tâm trạng. Nam giới đôi khi có thể có những lo lắng, buồn bã vô căn cứ.
- Lo lắng về thay đổi cơ thể: Lo lắng hay phấn khích về những thay đổi cơ thể là điều phổ
biến ở tuổi dậy thì của các bé nam.
- Không muốn tâm sự, tiếp xúc với cha mẹ: Bước vào tuổi dậy thì, nam sinh thường có xu
hướng tự khép kín bản thân và thích tự tìm hiểu về những thay đổi

2. Những băn khoăn của tuổi dậy thì

Câu hỏi 1:

Năm nay, em là nữ hiện đang học lớp 9 nhưng vẫn chưa có kinh nguyệt và cơ thể chưa
được phát triển như các bạn. Bạn bè em đều đã cao hơn và phát triển đầy đặn hơn em rất
nhiều. Điều này khiến em cảm thấy buồn và lo lắng. Từ đó mà em cũng trở nên kém tự tin,
đánh giá thấp bản thân hơn. Liệu có phải em đang gặp vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe?
Giải đáp:

Có thể thấy đây là tình trạng dậy thì muộn. Dậy thì muộn là khi không thấy những biểu
hiện dậy thì sau tuổi 15.
Ở con gái, trẻ tuổi dậy thì muộn được chẩn đoán nếu có một trong những triệu chứng sau:

- Không phát triển vú khi 12 đến 13 tuổi.

- Không bắt đầu có kinh nguyệt trong vòng 3 năm kể từ khi ngực bắt đầu phát triển.

- Kinh nguyệt không xảy ra ở tuổi 15 (với sự hiện diện của các đặc điểm sinh dục thứ cấp
bình thường).

Ở con trai, dậy thì muộn được chẩn đoán nếu có một trong những triệu chứng sau:

- Tinh hoàn không phát triển trước 13 hoặc 14 tuổi.

- Cần hơn 4 năm từ khi bắt đầu phát triển và hoàn chỉnh của bộ phận sinh dục.

5 nguyên nhân thường gặp:

- Di truyền: Nguyên nhân đầu tiên cần nghĩ tới khi thấy trẻ dậy thì muộn là do gen di
truyền, khi trong gia đình có bố mẹ, cô dì chú, anh em, chị em, hoặc anh em họ (gần) chậm
dậy thì. Với trường hợp này thì không cần biện pháp can thiệp. Trẻ sẽ phát triển sau so với
bạn cùng tuổi và không ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển chung của cơ thể cũng như khả
năng sinh sản.

- Bệnh lý: Dậy thì muộn có thể là biểu hiện của sự chậm phát triển hoặc do nhiều rối loạn
di truyền. Một số người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, xơ nan , bệnh thận hoặc thậm
chí hen suyễn có thể bước vào tuổi dậy thì ở độ tuổi lớn hơn những bệnh này khiến cơ thể các
trẻ chậm phát triển.

- Vấn để ở tuyến yên: Dậy thì muộn cũng có thể xảy ra do các vấn đề ở tuyến yên hoặc
tuyến giáp. Những tuyến này tạo ra hormone quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của
cơ thể.

- Nguồn gốc từ tuyến sinh dục: Hội chứng Turner.

- Tổn thương buồng trứng sau khi điều trị thuốc hoặc tia xạ.
Thông thường, các bác sĩ không tìm thấy vấn đề cơ bản nào về thể chất. Hầu hết thanh
thiếu niên dậy thì muộn chỉ phát triển muộn hơn một chút so với mức trung bình và sẽ bắt
kịp. Do đó, các em dậy thì muộn không nên quá lo lắng hay tự ti về bản bản thân mình. Mỗi
cơ thể sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Nếu đã xem lại các nguyên nhân trên và vẫn còn lo
lắng thì các em có thể đến bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn. Nếu các bác sĩ phát hiện ra
vấn đề, họ có thể gửi trẻ đến gặp bác sĩ nội tiết nhi khoa , bác sĩ chuyên điều trị cho trẻ em và
thanh thiếu niên có vấn đề về tăng trưởng hoặc đến một chuyên gia khác để xét nghiệm hoặc
điều trị thêm.

Câu hỏi 2:

Em hiện đang trong giai đoạn dậy thì. Em nhận thấy trong khoảng thời gian này, mình
thường có mâu thuẫn và cãi nhau với ba mẹ. Dù em không muốn gây nhau với ba mẹ, nhưng
ba mẹ không hiểu ý em và cứ luôn áp đặt em, khi không đồng tình em lên tiếng và rồi lời qua
tiếng lại với gia đình. Điều đó có phải là xấu và em là một đứa con không ngoan không?

Giải đáp:

Ở độ tuổi dậy thì, cá tính của em sẽ thể hiện rất mạnh và dễ trở thành “phản nghịch” trong
mắt bố mẹ khi đưa ra những suy nghĩ, quan điểm riêng để chứng minh bản thân mình. Hiện
tượng em cãi cha mẹ thực chất là biểu hiện cho thấy em đang dần trở thành một cá thể độc
lập. Góc nhìn của em so với cha mẹ là hoàn toàn khác.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Virginia (Mỹ) đã tiến hành một cuộc khảo sát với
150 trẻ ở độ tuổi 13. Họ yêu cầu những đứa trẻ này mô tả lại cuộc xung đột với cha mẹ. Dựa
trên dữ liệu thu được, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những đứa trẻ hay cãi lại cha mẹ có thể
xử lý mâu thuẫn bên ngoài tốt hơn đứa trẻ chỉ biết im lặng hoặc không nói gì. Theo các nhà
tâm lý học, việc cãi nhau với ba mẹ không phải lỗi của trẻ, cũng không phải do cha mẹ hay xã
hội. Thực tế, nguyên nhân sâu xa là do nội tiết tố trong cơ thể trẻ đang "làm loạn" tác động
lên cảm xúc và tính cách. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự thay đổi tâm trạng và kiểu hành
vi của trẻ vị thành niên bị ảnh hưởng bởi mức độ nội tiết tố (hormone).

Điều này không đồng nghĩa là chúng tôi khích lệ các em hãy cãi nhau thường xuyên với
ba mẹ. Vì chúng tôi biết giai đoạn này các em có nhu cầu độc lập và nhu cầu khẳng định bản
thân dó đó chúng tôi khuyến khích các em đưa ra quan điểm của mình và biết nhìn nhận đâu
là đúng đâu là sai xem xét hành vi và hoạt động của mình có phù hợp với yêu cầu của gia
đình và xã hội để phát triển tốt hơn.

Câu hỏi 3:

Làm thế nào biết là mình đang yêu? Và làm thế nào để biết mình đã sẵn sàng để quan hệ?

Giải đáp:

Ở lứa tuổi này, nhìn chung, những xúc cảm của các em là trong sáng, là động lực thúc đẩy
các em tự hoàn thiện mình.
Ở các em gái thái độ quan tâm đến bạn thường thể hiện khá thụ động và kín đáo (làm
dáng hơn trước chú ý đến hình thức của mình hơn), các em thường che dấu tình cảm của
mình bằng cách tỏ vẻ thờ ơ, lãnh đạm với bạn trai.
Các em trai thể hiện thái độ này một cách công khai, ngang nhiên, có khi thô bạo (giật
tóc, giấu cặp…). Lúc đầu sự quan tâm của các em trai có tính chất tản mạn và biểu hiện bằng
phương thức đặc thù của trẻ con như xô đẩy, trêu chọc các em gái… để gây sự chú ý. Các em
gái nhiều khi rất bực, không hài lòng về những hành vi như thế của các em trai và khi các em
gái ý thức được thì không bực tức, giận dỗi các em trai. Về sau những quan hệ này được thay
đổi, mất tính trực tiếp, xuất hiện tính ngượng ngùng, e thẹn, nhút nhát… Ở một số em điều đó
được bộc lộ trực tiếp, còn một số khác thì được che đậy bằng thái độ thờ ơ giả tạo “khinh bỉ”
đối với người khác giới.
Đặc biệt khi có những rung động đầu đời, cả nam và nữ đều chú trọng vào ngoại hình,
cách ăn mặc và cách cư xử. Như nữ thì dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ hơn trước mặt đối
phương. Bạn nam thể hiện mình ga lăng hơn, người lớn hơn, trưởng thành hơn để có thể che
chở các bạn gái.
Tuy hành vi bên ngoài có thể khác nhau nhưng các em đều có hiện tượng tâm lí giống
nhau là các em chú ý nhiều đến bạn khác giới, mong bạn khác giới chú ý đến mình và ưa
thích. Đây có thể thấy là những rung động rất hồn nhiên và tự nhiên ở độ tuổi này.
Ở độ tuổi 11-15 này, các em luôn thích khám phá tò mò về cơ quan sinh dục và các hành
vi liên quan đến tính dục. Với bản tính tò mò, ham khám phá cùng với sự nhầm tưởng tình
yêu và chưa ý thức được hậu quả, khiến các em dễ hành động theo bản năng dẫn đến những
hậu quả đáng tiếc. Khi tò mò, các em sẽ tự tìm hiểu trên mạng hoặc nghe theo bạn bè. Nhưng
như vậy rất nguy hiểm vì có rất nhiều trang web có nội dung xấu, đòi trụy hay bạn bè xấu sẽ
dẫn đến những nhận thức lệch lạc về tình yêu và tình dục. Do đó, các em cần được trang bị
đầy đủ kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản từ cha mẹ, nhà trường và các chuyên gia về
lĩnh vực này. Các em cần cần nhận thức được hành động và hậu quả của việc “quan hệ” để có
thể đưa ra được quyết định đúng đắn. Tránh hành động thiếu kiến thức và mù quáng theo cảm
xúc mang đến những hậu quả đáng tiếc. Kết quả điều tra mới nhất của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục
và đào tạo phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan chuyên môn cho thấy tỉ lệ quan
hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi ở Việt Nam tăng gấp 2 lần trong 6 năm. Dẫn đến, tình trạng
nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên ở nước ta trong những năm gần đây có chiều hướng gia
tăng.

3. Hiện tượng yêu sớm ở tuổi dậy thì

3.1. Nguyên nhân

Thứ nhất, tâm sinh lý của trẻ dậy thì đến tuổi phát triển những cảm xúc với người khác
giới. Tình cảm này là những rung động rất trong sáng, hồn nhiên và hoàn toàn tự nhiên của
các em. Tự ý thức đã phát triển khiến các em nhanh chóng nhận thức được những đặc điểm
giới tính của mình. Các em đã bắt đầu quan tâm lẫn nhau, ưa thích nhau, từ đó quan tâm đến
vẻ bề ngoài của mình. Lúc này, cơ thể của các em phát triển rất nhanh, ý thức về giới tính rất
rõ. Những dấu hiệu biến đổi trên cơ thể khiến các em tò mò muốn hiểu về chức năng của các
bộ phận, tò mò về vấn đề giới tính.
Nguyên nhân thứ hai là ảnh hưởng của việc theo bạn bè, thấy bạn có người yêu nên
muốn thử, với tinh thần "muốn bằng bạn bằng bè" kết hợp cùng với các ấn phẩm văn hóa đồi
trụy đang tràn lan trên mạng xã hội đã dẫn đến hiện trạng nhiều trẻ muốn thể nghiệm “mùi
vị” của tình yêu và gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Nguyên nhân thứ ba là tạo cảm giác mới. Ngày nay cuộc sống của học sinh trung học có
phần đơn điệu, chịu nhiều áp lực của gánh nặng học tập. Học sinh ngoài việc học ở trường,
học ở nhà, đi học thêm rất ít có cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa mà các em yêu
thích. Từ áp lực về học tập do thầy cô, trường lớp tác động, áp lực từ cha mẹ người lớn trong
gia đình cũng không nhỏ đối với các em. Lúc nào cũng phải học bài, thi phải đạt điểm cao...
đã đẩy các em đến chỗ mệt mỏi, thậm chí chán học. Và “yêu thử” là cách để các em tự giải
tỏa “sự chán chường”, một số em cho rằng yêu đương là cách để giải thoát...
Thứ tư, công nghệ thông tin phát triển đi kèm sự bùng nổ của mạng xã hội, nhất là với các
ứng dụng hẹn hò đã tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc sớm hơn, nhiều hơn, dễ dàng hơn các
thông tin về tình cảm lứa đôi và giới tính (chủ động và bị động) dẫn đến việc trẻ thích khám
phá, tìm tòi tri thức về đặc điểm bạn khác giới, tình cảm đối với bạn khác giới, tìm hiểu về sự
phát triển của cơ thể bản thân. Và đôi lúc học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông
tự ngộ nhận mình đang yêu. Tình yêu ở "tuổi học trò" xuất hiện.

3.2. Thực trạng

* Thực trạng 1: Yêu sớm dẫn đến quan hệ tình dục quá sớm

Theo khảo sát của Chương trình sức khỏe vị thành niên tại Việt Nam do Bộ Y tế, Tổ chức
Y tế thế giới (WHO) và Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện và công bố hôm 25-4, tỉ lệ học sinh
quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng lên: tỉ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi là 1,48%
năm 2013 và tăng lên 3,51% năm 2019.
Trong số học sinh đã từng quan hệ tình dục vào năm 2013, 47,4% không có sử dụng bao
cao su và 35,8% không sử dụng các phương pháp tránh thai khác. Số liệu này ở năm 2019 lần
lượt là 57,5% và 56%. (Kết quả bài báo cáo “Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại
Việt Nam năm 2019”).
Từ những số liệu trên, ta có thể thấy được việc quan hệ quá sớm đã và đang là một vấn đề
lớn, nhưng trên số liệu cũng đã cho thấy các em thiếu quan tâm đến việc quan hệ an toàn, kéo
theo đó là biết bao hậu quả khôn lường như mắc các bệnh “xã hội”, mang thai ngoài ý
muốn,...; và cũng từ đó kéo theo thực trạng nạo phá thai và sinh con ngoài ý muốn.

* Thực trạng 2: Nạo phá thai ở tuổi dậy thì

Theo thống kê của Bộ Y tế, tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên ở Việt Nam
trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Trong khoảng 1,2 - 1,4 triệu ca nạo phá
thai hằng năm, có tới 120.000 trường hợp là trẻ vị thành niên. Ở Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm
có 400 ca nạo phá thai ở lứa tuổi từ 11 - 18. (Số liệu năm 2005)
Do những nguyên nhân khác nhau, quan hệ tình dục sớm và tình trạng nạo, phá thai ở lứa
tuổi vị thành niên đang là vấn đề xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo báo
cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ
lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này 30% là
phụ nữ từ 15 - 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch
hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có 1,2 - 1,6 triệu ca nạo, phá thai, trong đó 20% ở
lứa tuổi vị thành niên. Thậm chí, có những sản phụ chỉ mới 12 - 13 tuổi, thời điểm mà cơ thể
các em còn chưa phát triển hoàn thiện.
Bác sĩ Đào Văn Thụ, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ
sản Trung ương chia sẻ, Trung tâm đã từng tiếp nhận những bé gái mới bước sang tuổi 13 và
mang thai 25 tuần tuổi. “Hiện nay giới trẻ có xu hướng quan hệ tình dục sớm. Một năm
chúng tôi tiếp nhận 30 - 35 cháu dưới tuổi 16 đến để xin bỏ thai”, bác sĩ Đào Văn Thụ cho
biết.
Ví dụ: Trường hợp em N.T.L., 14 tuổi ở H.Vĩnh Cửu đang là học sinh, được bố và dì đưa
đi phá thai. Do bố mẹ chia tay, em T. được phân ở với bố, bố lập gia đình mới. Khi nhìn thấy
cháu có những biểu hiện bất thường gặng hỏi thì mới biết cháu đã có bầu, gia đình đưa đi
khám thì thai nhi đã được 8 tuần tuổi, vì con còn quá nhỏ lại đang đi học nên gia đình quyết
định cho cháu phá bỏ thai.

* Thực trạng 3: Sinh con ngoài ý muốn

Và ngoài vấn đề nạo phá thai, trẻ khi yêu sớm nhưng yêu không đúng cách đã mang đến
nhiều hệ lụy như sinh con ngoài ý muốn. Vì không đủ kiến thức và không có nhận thức đúng
đắn về sinh nở nên đã sinh con một cách nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng mình và
của em bé. Điều đó cho thấy trẻ đang có nhận thức một cách lệch lạc về tước đi một sinh
mạng một cách thiếu trách nhiệm. Nếu "những chủ nhân tương lai của đất nước" có ý thức
kém như vậy và không có trách nhiệm như vậy thì xã hội trong tương lai sẽ đi về đâu.
Ví dụ 1: Trường hợp của em T.T.M.C (13 tuổi), có quan hệ tình cảm yêu đương với N.V.M
(16 tuổi) đã tự sinh con trong nhà vệ sinh. N.V.M đã quan hệ tình dục cùng với nữ sinh lớp 7
này dẫn đến mang thai và tự sinh con tại nhà tắm của gia đình ở thôn Hai, xã An Bá. Sau khi
sinh xong, gia đình đã đưa mẹ con cháu bé lên Trung tâm Y tế để theo dõi và chăm sóc sức
khỏe. Hiện tại N.V.M đã bị bắt vì tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi’.
Ví dụ 2: Năm 2012, nữ sinh N.P.Q.T 15 tuổi lớp 10 sinh con rồi vứt vào bụi cỏ. Vì lỡ
mang thai ngoài ý muốn với người bạn trai quen trên mạng, lại không hiểu biết về kiến thức
sinh sản, sợ gia đình biết chuyện, T tìm mọi cách che giấu. Đến ngày 10/11/2012, chờ cho ba
mẹ và mọi người đi làm hết, T lên gác tự sinh con, rồi mang con đi vứt ngoài bụi cỏ gần nhà.

3.3. Biện pháp giáo dục

Thứ nhất, để giúp trẻ có thể trưởng thành khỏe mạnh, cha mẹ, thầy cô giáo và xã hội cần
phải kết hợp với nhau. Đó chính là thực hiện tốt mối quan hệ ba môi trường giáo dục: gia
đình - nhà trường và xã hội; nhắm đúng vào thực tế của trẻ để tìm những biện pháp đề phòng
tích cực giúp trẻ thấy việc học tập là thích thú, là bổn phận của mình.
Thứ hai, cha mẹ nên làm bạn với trẻ và phải nắm vững các đặc điểm sinh lý giới tính và
tâm lý giới tính của trẻ ở những độ tuổi khác nhau; hiểu rõ nguyên tắc và phương pháp giáo
dục khi trẻ bước vào thời kỳ dậy thì. Thiết lập các mối quan hệ bình đẳng trong gia đình giữa
cha mẹ và con cái, từ đó tạo mối quan hệ thân tình để các em có thể tâm sự với cha mẹ những
vấn đề thầm kín, đồng thời làm người dẫn đường cho trẻ để yêu đúng, yêu lành mạnh.
Thứ ba, nhà trường phổ cập các kiến kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản thông
qua các chuyên đề, buổi hỏi - đáp hoặc các hoạt động ngoại khóa để nâng cao về kiến thức
giới tính cho trẻ, tránh những trường hợp đau lòng xảy ra như các ví dụ ở trên, giáo viên cần
tránh ngại ngùng, khó nói khi học sinh hỏi về các vấn đề liên quan đến vấn đề sinh lý ở độ
tuổi và sự phát triển về mọi mặt của các em, nhằm có những can thiệp như những lời khuyên
đúng đắn cho trẻ.

4. Kết luận sư phạm

4.1. Về giáo dục sức khỏe sinh sản

- Giáo dục những tri thức về sự dậy thì, về việc giữ gìn vệ sinh cho hệ cơ quan sinh dục,
đặc biệt là tri thức về cấu trúc và chức năng hoạt động của hệ cơ quan sinh dục, hiện tượng
kinh nguyệt, hiện tượng mộng tinh và di tinh, hiện tượng thủ dâm, sự phát triển bất bình
thường của hệ cơ quan sinh dục, các bệnh lí liên quan đến cơ quan sinh dục…
- Giáo dục về hoạt động tình dục, tác hại của hoạt động tình dục sớm, những bệnh lí tình
dục, bệnh tâm thần tình dục, hiện tượng đồng tính luyến ái, những dấu hiệu của hiện tượng
lạm dụng tìn dục và của các hành vi cưỡng dâm.
- Giáo dục kế hoạch hóa gia đình, trang bị các tri thức khoa học về các biện pháp tránh
thai, giúp cho các em nhận thức được hậu quả nguy hiểm của việc có thai sớm, việc nạo phá
thai.
- Giáo dục về nếp sống lành mạnh, văn hóa, văn minh. Giáo dục cho các em thấy sự nguy
hiểm của việc ăn chơi đua đòi, đọc các sách báo văn hóa phẩm đồi trụy, tác hại của ma túy,
thuốc lắc, bia rượu… và những lối sống ăn chơi sa đọa khác.
- Giáo dục trẻ biết tự tôn trọng cơ thể mình. Dạy cho các em biết người khác không được
động chạm vào mình, đặc biệt là các vùng riêng tư trên cơ thể. Dạy trẻ nhận diện những dấu
hiệu cảnh báo và biết lên tiếng khi cảm thấy không ổn.

4.2. Về định hướng giá trị tình bạn khác giới

- Giáo dục về tình bạn khác giới, về tình yêu trong sáng, cho trẻ đủ nhận thức để phân biệt
tình cảm của tình bạn khác giới và tình yêu. Trong trường hợp trẻ chưa hiểu rõ tình cảm của
mình và có ảnh hưởng nhất định đến chuyện học hành, cần phải thận trọng, tế nhị, khéo léo
khi giải quyết. Cần hướng dẫn, uốn nắn cho tình bạn giữa nam và nữ ở lứa tuổi này thật lành
mạnh, trong sáng và là động lực để giúp đỡ nhau trong học tập. Không nên can thiệp thô bạo,
dùng các biện pháp bạo lực, áp đặt đối với các em. - Giáo dục về sự tôn trọng đối với người
khác giới, sự trân trọng đối với tình bạn khác giới, tình yêu nam nữ. Đối với các bạn nam, cần
giáo dục thái độ tôn trọng và bảo vệ các bạn nữ.

4.3. Về tình yêu cho trẻ dậy thì

- Thiết lập quan điểm lành mạnh về tình yêu cho trẻ. Thực hiện giáo dục giới tính toàn
diện cho trẻ, dạy trẻ biết giữ khoảng cách, tôn trọng đối phương và đưa ra những quyết định
sáng suốt, có trách nhiệm.
- Khi truyền đạt những tri thức về tình yêu và tình dục, cần nhấn mạnh đến những hậu quả
tai hại của việc yêu đương và “quan hệ” dễ dàng, bừa bãi, hậu quả của việc quan hệ tình dục
sớm, hậu quả của việc nạo phá thai, hậu quả của nếp sống sinh hoạt đồi trụy hoặc ăn chơi trác
táng, những thiệt thòi, khó khăn của con gái trong các “quan hệ” này để trẻ tránh xa việc
quan hệ tình dục sớm.

Danh sách thành viên nhóm "Bảo Trân"

1. Đỗ Vũ Xuân Anh - 48.01.614.003

2. Trần Thị Thanh Thanh - 48.01.614.069

3. Nguyễn Đỗ Mến Thương - 48.01.614.073

4. Trần Bảo Trân - 48.01.614.081

Tài liệu tham khảo

Gilbert Tordjman. (2002). Giới tính theo cuộc đời. Nhà xuất bản Phụ nữ.

Bùi Ngọc Oánh. (2006). Tâm lý học giới tính và giáo dục giới tính. Nhà xuất bản Giáo dục.

Lê Thanh An. (2011, November 18). Yêu sớm ở trẻ vị thành niên - câu hỏi cần lời giải đáp.

Báo Đồng Khởi Online.

https://baodongkhoi.vn/yeu-som-o-tre-vi-thanh-nien-cau-hoi-can-loi-giai-dap-181120

11-a31087.html
Phí Mai Chi. (2020, September 13). Dạy trẻ tuổi teen 'yêu đúng cách'. VnExpress.

https://vnexpress.net/day-tre-tuoi-teen-yeu-dung-cach-4158274.html

Vân Huyền. (2020, October 7). Dạy con biết tôn trọng cơ thể: Giáo dục sớm để con trẻ biết

tôn trọng bản thân. Báo giáo dục và thời đại.

https://giaoducthoidai.vn/day-con-biet-ton-trong-co-the-giao-duc-som-de-con-tre-biet

-ton-trong-ban-than-post540189.html

Dương Liễu. (2022, May 4). Trẻ vị thành niên quan hệ tình dục ngày càng sớm: Chuyên gia

nói gì? Báo Tuổi Trẻ.

https://tuoitre.vn/tre-vi-thanh-nien-quan-he-tinh-duc-ngay-cang-som-chuyen-gia-noi-

gi-20220429170056302.htm

Hà Thương. (2022, October 2). . Dạy con trẻ biết "yêu đúng cách" khi bước vào tuổi dậy thì.

Retrieved September 11, 2023, from

https://www.nguoiduatin.vn/day-con-tre-biet-yeu-ung-cach-khi-buoc-vao-tuoi-day-thi

-a597698.html

Vân Trường. (2023, February 16). Bắt khẩn cấp đối tượng khiến nữ sinh lớp 7 mang bầu, tự

sinh con ở Bắc Giang. Báo Lao Động.

https://laodong.vn/phap-luat/bat-khan-cap-doi-tuong-khien-nu-sinh-lop-7-mang-bau-t

u-sinh-con-o-bac-giang-1148499.ldo

Nguyễn Thị Hoàn. (2023, March 2). Nhiều hệ lụy từ việc nạo, phá thai ở trẻ vị thành niên.

Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam.

https://dangcongsan.vn/xa-hoi/nhieu-he-luy-tu-viec-nao-pha-thai-o-tre-vi-thanh-nien-

632566.html

Thanh Tú. (2023, August 15). Báo động nạn phá thai ở trẻ vị thành niên. dongnaicdc.vn.

http://dongnaicdc.vn/bao-dong-nan-pha-thai-o-tre-vi-thanh-nien

You might also like