You are on page 1of 20

TÌM HIỂU MỘT SỐ SƠ CẤP CỨU

I. Cách sơ cứu đúng khi bị bỏng


Bỏng là tình trạng tổn thương rất phổ biến. Bạn có thể bị bỏng vì nhiệt, lửa, tia cực
tím, ánh sáng, điện, hóa chất, nước sôi…

Bỏng có nhiều mức độ khác nhau, yêu cầu những cách chữa trị, chăm sóc khác nhau.

· Có ba mức độ bỏng

- Bỏng mức độ 1: Da bị đỏ, đau, sưng nhẹ. Vết bỏng trở thành màu trắng khi ấn lên và
da trên vết bỏng sẽ lột sau 1-2 ngày.

- Bỏng mức độ 2: Vết bỏng này dày hơn, rất đau và tạo mụn nước trên da. Da rất đỏ,
sưng nhiều, loang lổ.

- Bỏng mức độ 3: Gây tổn thương cho tất cả lớp da, da chuyển màu trắng hoặc cháy
xém. Vết bỏng có thể đau rất ít hoặc không đau vì dây thần kinh và mô da đã bị tổn
thương.

Thường thì vết bỏng mức độ 1 sẽ lành trong 3-6 ngày. Bỏng mức độ 2 lành trong
vòng ba tuần. Vết bỏng mức độ 3 cần thời gian dài mới lành.

Bạn nên đi khám bác sĩ khi vết bỏng mức độ 1 rộng hơn 6-10 cm, hoặc vết bỏng trên
mặt, ở những vị trí khớp quan trọng như vai hay đầu gối, bàn tay, bàn chân, phần kín...
Vết bỏng mức độ 3 cần được cấp cứu y khoa ngay lập tức.

· Các phương pháp sơ cứu khi bị bỏng

Bỏng mức độ 1: Ngâm phần bị bỏng vào nước lạnh ít nhất năm phút, nước lạnh làm
giảm sưng, hạ nhiệt khỏi vết bỏng. Sau đó, thoa vết bỏng bằng sản phẩm dưỡng da có
tác dụng bảo vệ, làm lành da như lô hội, thuốc mỡ kháng sinh.

Bạn có thể quấn vết thương bằng băng gạc lỏng để bảo vệ vùng bị thương. Cũng có
thể dùng thuốc giảm đau bán sẵn.

Bỏng mức độ 2: Nhúng vết bỏng vào nước ít nhất 15 phút. Nếu vết bỏng nhỏ, có thể
đắp vải ướt lạnh chừng vài phút mỗi ngày, sau đó thoa thuốc mỡ kháng sinh. Băng vết
bỏng bằng băng gạc khô không dính, thay băng mỗi ngày, rửa sạch tay rồi rửa vết
bỏng, thoa thuốc mỡ kháng sinh rồi băng lại.

Cùng với đó, bạn cần kiểm tra vết bỏng hàng ngày để xem có dấu hiệu bị viêm nhiễm
như sưng đau, đỏ hơn hay không. Tránh bóc da lột từ vết bỏng để tránh nhiễm trùng,
không gãi.

Vết bỏng sẽ trở nên nhạy cảm với ánh sáng tới chừng một năm, nên dùng kem chống
nắng khi ra ngoài.
Bỏng mức độ 3: Khi bị bỏng nặng, nên tới bệnh viện ngay lập tức. Tránh bất cứ vải
vóc, quần áo nào dính vào vết thương, không nhúng vết bỏng vào nước hay bất cứ loại
thuốc mỡ nào.

Nếu có thể, hãy nâng phần bị bỏng cao hơn tim, có thể băng phần bỏng bằng băng ẩm,
mát, sạch.

· Những điều không nên làm khi bị bỏng

Không nên thoa bơ hay dầu lên vết bỏng, không đặt băng, nước đá trực tiếp lên vết
bỏng mức độ 2 trở lên. Nếu vết bỏng kết vảy, không làm vỡ chúng khiến da càng tổn
thương hơn.

Khi bị bỏng điện, bỏng hóa chất thì nên tới bệnh viện ngay. Bỏng điện có thể gây tổn
thương nghiêm trọng tới nội tạng.

Bị bỏng hóa chất có thể xối thật nhiều nước mát để rửa, cởi bất cứ quần áo hay nữ
trang nào dính hóa chất, không đặt thứ gì lên vết thương, kể cả thuốc mỡ, vì chúng có
thể gây phản ứng hóa chất nặng hơn. Có thể băng vết bỏng với gạc khô, vô trùng.

II. Sơ cứu khi bị rắn cắn


Khi bị rắn độc cắn mà chúng ta không biết cách sơ cứu ban đầu và giữ được bình tĩnh
thì sẽ dẫn đến sự nguy hiểm đến tính mạng chỉ trong một thời gian ngắn. Chính vì thế
bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin hữu ích và cách sơ cứu khi bị
rắn cắn ngay tại cộng đồng.

1. Phân biệt rắn thường và rắn độc

- Dựa vào dấu răng

Nếu là rắn thường (rắn không độc) như: trăn, rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông
súng, rắn lục cườm... thì không có tuyến nọc và không có răng độc mà chỉ có răng
hàm, nên khi cắn để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng
trên vết cắn.

Rắn độc: có răng độc (hay răng khóa). Rắn độc có hai tuyến nọc và hai răng độc, do
đó khi cắn mổ từ trên xuống có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường
để lại hai dấu răng trên vết cắn.

2. Biểu hiện nhiễm độc

Rắn không độc cắn: phản ứng tại chỗ nhẹ, ít; phản ứng toàn thân không có.

Rắn độc (rắn hổ, rắn lục): nạn nhân sẽ tăng tiết đàm, sụp mi, mờ mắt, miệng há không
được, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu toàn thân, nôn ra máu…

3. Sơ cấp cứu bị rắn cắn


Các triệu chứng thường thể hiện rõ ngay sau khi bị rắn cắn, nên việc quan sát nạn
nhân là cực kỳ quan trọng.

- Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn; màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách
thức tấn công, tất cả đều hữu ích.

- Để nạn nhân nằm yên và trấn an họ; cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc độc
đến tim nhanh hơn.

- Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu .

- Nới lỏng quần áo của nạn nhân và nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức (nhẫn,
vòng) ở vùng bị cắn.

- Cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của nạn nhân, nếu thở nhanh > 30 lần/phút,
yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay.

- Nếu bệnh nhân bị hoại tử: rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên,
băng lại, rồi chuyển đi bệnh viện.

- Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng
nọc rắn đặc hiệu, vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ
đầu.

Tuy nhiên nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất
để được xử trí kịp thời. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để
bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.

- Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và
theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ
sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.

4. Những điều không làm khi bị rắn cắn

Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì:

+ Thứ nhất cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này
dễ hoại tử.

+ Thứ hai, khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về
tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc. Bệnh nhân có thể tử vong lập tức.

Không dùng miệng để hút chất độc ra khỏi vết cắn.

Không rạch da để mở vết cắn ra.

Tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh, đốt vết cắn và tuyệt đối không bôi hóa
chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn.
Cách tốt nhất sau khi bị rắn cắn là rửa sạch vết thương, băng quấn kín vết thương bình
thường để không tạo áp suất và gây bầm tím, hoặc băng nẹp giống như khi gãy chân
tay.

Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim,
nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

5. Phòng ngừa rắn cắn

- Cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, lũ lụt, mùa thu hoạch và ban đêm.

- Không đến gần nơi đống gạch vụn, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật.

- Đêm tối nên đi ủng, giày cao cổ và quần dài.

- Đội mũ rộng vành nếu đi trong rừng, khu vực nhiều cây cỏ.

- Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm.

- Không trêu chọc, sờ vào miệng rắn, kể cả rắn chết hay đầu rắn đã cắt rời.

III. Sơ cứu chảy máu không bị nhiễm trùng


Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng các vết thương bị chảy máu như: do đóng
đinh, giẫm đạp vật nhọn hoặc trong khi làm việc thiếu cẩn thận… Đặc biệt trong các
môi trường nguy hiểm thì nguy cơ xảy ra vết thương chảy máu càng cao hơn. Thông
thường y khoa chia thành 2 dạng phổ biến là chảy máu trong và chảy máu ngoài, nếu
không biết cách sơ cứu mỗi dạng có thể dẫn đến nhiều biến chứng rất nặng ảnh hưởng
xấu đến sức khỏe.

· Sơ cứu chảy máu ngoài:

Chảy máu ngoài là tình trạng mà bất kì ai cũng có thể gặp phải.

Cách nhận biết chảy máu ngoài

Chảy máu ngoài rất dễ nhận biết, đó có thể là khi bạn sơ ý để da bị những vết cắt như
đứt tay, trầy xước khi cạo râu, điều này vô tình đã làm các mạch máu dưới da bị tổn
thương gây chảy máu. Đôi khi việc chảy máu có lợi vì lượng máu chảy ra giúp làm
sạch vết thương. Tuy nhiên, chảy máu quá nhiều có thể khiến cơ thể bạn bị sốc.

Bạn không thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của một vết cắt hoặc vết thương bởi số
lượng máu chảy ra. Một số thương tích nghiêm trọng chảy máu rất ít. Mặt khác,
những vết cắt trên đầu, mặt và miệng có thể chảy rất nhiều máu bởi vì những vùng
này chứa khá nhiều mạch máu.

· Nguyên tắc sơ cứu chảy máu ngoài


1. Trường hợp vết thương nhẹ chảy máu ít

Trong nhiều trường hợp, các vết xước do cạo râu, vết thương do kim may có thể dẫn
đến tình trạng chảy máu. Đối với các thương tích nhẹ như vậy, bạn vẫn nên thực hiện
các biện pháp để cầm máu. Một chiếc băng cá nhân (băng dán vết thương) đã được
khử trùng và các tuýp thuốc có chứa chất neosporin khá hữu ích trong việc ngăn ngừa
nhiễm trùng và điều trị những vết thương nhẹ.

- Nguyên tắc sơ cứu:

Rửa tay sạch trước và sau khi sơ cứu chảy máu

Rửa vết thương bằng nước sạch, có thể rửa dưới vòi máy

Nếu là vết thương nhẹ như xước da chỉ có máu rỉ ra thì để hở cho khô. Nếu máu chảy
nhiều hơn thì đặt miếng gạc lên vết thương và băng lại hoặc dùng băng keo băng kín.

Bạn không nên chủ quan với những vết thương nhỏ, chỉ một vết cắt đôi khi có thể ảnh
hưởng tới các mạch máu. Nếu máu vẫn còn chảy sau 20 phút, bạn cần đến bệnh viện
ngay.

2. Trường hợp vết thương chảy máu khẩn cấp

Những vết thương do các loài động vật gây ra hay bị những vật nhọn đâm sâu hoặc
vết thương chảy máu liên tục từ 15 đến 20 phút sau khi sơ cứu thường là những
trường hợp chảy máu khẩn cấp.

Khi một người bị chảy máu rất nhiều, hãy theo dõi các triệu chứng của sốc. Nếu các
nạn nhân có các biểu hiện như da lạnh, da bị sưng, nhịp tim suy yếu và mất ý thức thì
rất có thể nạn nhân sẽ bị sốc vì mất máu. Ngay cả trong trường hợp lượng máu chảy ra
chỉ ở mức trung bình thì người bị chảy máu vẫn có thể cảm thấy lâng lâng hoặc buồn
nôn.

- Nguyên tắc sơ cứu:

Rửa tay trước và sau khi sơ cứu chảy máu

Xác định vị trí nơi chảy máu để xử lý đúng phương pháp

Nói nạn nhân hoặc nhân viên cấp cứu dùng các ngón tay ép chặt lên hai mép vết
thương ít nhất 5 – 10 phút để cầm máu.

Đặt nạn nhân nằm xuống. Nếu vết thương ở tay hay chân, gác tay hoặc chân lên cao
hơn so với tim đồng thời tay bạn vẫn ép chặt vết thương để cầm máu. Điều này sẽ
giúp máu lưu thông đến các cơ quan quan trọng trong khi bạn chờ đợi để được giúp
đỡ.

Phủ vết thương bằng miếng gạc sạch rồi băng lại, đừng băng chặt quá làm tắc nghẽn
lưu thông máu.
Kiểm tra lại, nếu thấy máu còn chảy thấm qua lớp băng thì đặt thêm miếng gạc nữa rồi
băng phủ lên, không được tháo lớp băng lần đầu ra.

Nếu băng ở các chi, phải thường xuyên kiểm tra các ngón xem màu da có hồng và có
ấm không, nếu da các ngón tím tái và lạnh thì phải nới lỏng băng để máu lưu thông.

Nếu có dấu hiệu sốc như xanh tái, mệt, lạnh, nhớp nháp mồ hôi thì phải chống sốc.

· Sơ cứu chảy máu trong:

Chảy máu trong được định nghĩa là tình trạng chảy máu không quan sát được từ bên
ngoài cơ thể.

· Cách nhận biết chảy máu trong

Chảy máu trong thường khó phát hiện hơn so với chảy máu ngoài và nếu để lâu thì có
thể xảy ra những biến chứng rất nguy hiểm. Vì vậy khi xảy ra tai nạn, trước tiên bạn
cần xác định rõ xem nạn nhân chảy có bị máu trong hay không để kịp thời xử lý.
Thường thì người bị xuất huyết trong sẽ có các biểu hiện như nôn ói, dịch nôn, đờm…

Vết thương ở các vùng bụng và ngực thường khá nghiêm trọng vì các cơ quan nội
tạng bị ảnh hưởng, có thể gây ra chảy máu bên trong cũng như sốc. Các vết thương ở
ngực và bụng được coi là trường hợp khẩn cấp và nên đưa đến các trạm y tế gần nhất
càng sớm càng tốt, nhất là khi nạn nhân có các triệu chứng sốc như chóng mặt, yếu
đuối, da nhợt nhạt và lạnh, khó thở, tăng nhịp tim…

· Nguyên tắc sơ cứu chảy máu trong

Trong trường hợp này, người bệnh cần được đặt ở tư thế thoải mái tránh việc di
chuyển và đụng chạm đến vết thương. Không được bôi thuốc hoặc chất sát trùng trực
tiếp lên vết thương. Sau đó, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để tránh các
trường biến chứng nặng hơn có thể xảy ra.

Trước khi bắt đầu sơ cứu thương tích, bạn nên xác định mức độ nghiêm trọng của vết
thương một cách cẩn thận. Có một số tình huống mà bạn không nên thực hiện bất kỳ
loại sơ cứu nào cả. Sau khi vết thương đã được sơ cứu và băng bó cẩn thận, bạn cần
theo dõi để đảm bảo rằng vết thương đang dần lành lại và tránh tình trạng nhiễm
trùng. Một chất dịch hoặc mủ chảy ra từ vết thương đôi khi có thể là dấu hiệu của
nhiễm trùng. Bạn cần đi khám ngay nếu thấy cơ thể bị sốt hoặc bắt đầu thấy đau nhức
khi chạm vào vết thương.

Các vết thương chảy máu có thể để lại hậu quả rất lớn nếu không xử lý kịp thời và
đúng cách. Với những bước sơ cứu khi bị chảy máu trên đây, hy vọng bạn đã có được
những kiến thức cần thiết cho mình để xử lý trong những tình huống tai nạn khẩn cấp.

IV. Kỹ thuật sơ cứu gãy xương


· Gãy xương do chấn thương chia làm hai loại

Chấn thương trực tiếp: xương bị gãy ở ngay nơi lực gây chấn thương tác động, thường
gặp trong tai nạn giao thông do bánh xe ô tô, xe máy,

Chấn thương gián tiếp: gãy xương ở xa nơi tác động của lực gây chấn thương.

· Gãy xương bệnh lý có hai loại chính

Do xương bị bệnh rồi gãy như u nang xương, viêm xương, loạn sản xương.

Người bệnh bị ung thư ở các tổ chức khác nhưng di căn vào xương làm cho

xương yếu đi và có thể gãy khi có động chạm nhẹ.

· Phân loại gãy xương

Gãy xương kín: là gãy xương mà ổ gãy không thông với bên ngoài.

Gãy xương hở: là gãy xương mà ổ gãy thông với bên ngoài. Gãy hở nguy hiểm hơn
gãy kín vì nguy cơ nhiễm trùng cao.

Cho dù là gãy xương kín hay gãy xương hở thì công tác sơ cứu gãy xương cũng phải
được tiến hành nhanh chóng chính xác tại nơi xảy ra tai nạn nhằm mục đích:

Giúp người bệnh đỡ đau, phòng ngừa sốc do chấn thương.

Giảm bớt nguy cơ gây tổn thương thêm mạch máu, thần kinh, cơ, da do gãy xương
gây nên.

Phòng ngừa gãy xương kín biến thành gãy xương hở di lệch.

· Trong trường hợp gãy xương hở, cố định gãy xương kết hợp với xử lý vết
thương phần mềm tốt còn có tác dụng phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Gãy cột sống luôn được xếp là một chấn thương nặng. Trong khi khám và sơ cứu
tuyệt đối không cho di chuyển mạnh nạn nhân, không cho nạn nhân ngồi dậy. Sơ cứu
gãy xương cột sống phải luôn có người chỉ huy, người này luôn đứng ở phía trên đầu
nạn nhân để giữ thẳng đầu và cổ nạn nhân cho đến khi bất động xong. Trong gãy cột
sống cổ, nhất là đoạn cao, nếu sơ cứu không tốt sẽ gây tử vong tức khắc vì bị kích
thích hành não.

Xương đùi là xương dài nhất cơ thể, nằm trong khu có nhiều cơ, mạch máu, thần kinh
lớn, vì vậy nếu không xử trí kịp thời và đúng kỹ thuật, nạn nhân có thể chết do sốc do
chảy máu hoặc do đau.

· Nguyên tắc khi bất động gãy xương


Khi sơ cứu nạn nhân bị gãy xương người điều dưỡng cần phải tiến hành cố định
xương gãy. Để việc cố định xương gãy hiệu quả cần phải tuân thủ một số nguyên tắc
sau:

Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nguy hiểm.

Nẹp được sử dụng để cố định xương gãy phải đủ dài để đủ bất động chắc khớp trên và
dưới ổ gãy.

Buộc dây cố định nẹp phải trên chỗ gãy, dưới chỗ gãy, khớp trên và khớp dưới chỗ
gãy.

Không nên cố cởi quần áo nạn nhân, nếu cần phải bộc lộ vết thương thì cắt quần áo
theo đường chỉ (nếu phải cởi thì cởi bên lành trước).

Không đặt trực tiếp nẹp vào da nạn nhân. Các mấu lồi đầu xương, vùng tỳ đè phải có
lót bông rồi mới đặt nẹp.

· Trường hợp gãy xương kín

Bất động xương gãy (chi) theo tư thế cơ năng (đối với chi dưới duỗi gối ở tư thế 170°
- 180°, đối với chi trên gấp khuỷu 90°).

Cố định nhẹ nhàng, cẩn thận, phải có người phụ kéo nắn chi liên tục cho tới khi cố
định xong.

· Trường hợp gãy hở, gãy nội khớp

Phải bất động theo tư thê gãy, không kéo nắn. Kết hợp xử trí vết thương phần mềm.
Nếu có tổn thương mạch máu phải cầm máu trước khi bất động..

Sau khi cố định xong: đối với chi trên dùng băng tam giác treo đỡ tay lên cổ. Đối với
chi dưới buộc hai chi vào nhau.

· Quy trình kỹ thuật cố định gãy xương cẳng tay

Đánh giá tình trạng toàn thân:

- Lấy dấu hiệu sinh tồn, xác định vị trí gãy xương.

- Chuẩn bị nạn nhân:

Để nạn nhân nằm hay ngồi theo tư thế thuận lợi.

Giải thích nạn nhân về kỹ thuật sẽ tiến hành.

Bộc lộ chi tổn thương.

- Chuẩn bị dụng cụ:


Hai nẹp gỗ: nẹp ngoài dài từ quá khuỷu tay đến đầu ngón tay, nẹp trong từ nếp gấp
khuỷu tay đến lòng bàn tay, dày 0,5 -1 cm.

Bông, gạc tốt nhat la bông mỡ.

Băng cuộn, một băng tam giác.

Hộp thuốc chống sốc.

- Người phụ đứng phía trước nạn nhân đỡ trên và dưới ổ gãy:

Một tay đỡ khuỷu, một tay nắm lấy bàn tay của nạn nhân kéo nhẹ theo trục của chi.

- Người chính đặt nep:

Nẹp thứ nhất ở mặt trước cẳng tay từ khuỷu đến khớp ngón bàn.

Nẹp thứ hai đặt ở mặt sau cẳng tay, đối xứng với nẹp thứ nhất.

- Độn bông:

Độn bông vào các đầu nẹp và vùng tỳ đè.

- Cố định nẹp:

Dùng băng cuộn cố định hai nẹp vối nhau theo thứ tự: trên chỗ gãy, dưới chỗ gãy, bàn
tay, khuỷu(nếu cần).

- Đỡ tay nạn nhân:

Để cẳng tay nhân nạn nhân gấp 90° so với cánh tay, dùng băng cuộn đỡ cẳng tay nạn
nhân vòng qua cổ nạn nhân.

- Đánh giá:

Kiểm tra nhiệt độ bàn tay, màu sắc ngón tay.

· Quy trình kỹ thuật cố định gãy hai xương cánh tay

- Đánh giá tổn thương và tình trạng toàn thân:

Lấy dấu hiệu sinh tồn, khám thực thể, xác định vị trí xương gãy.

- Chuẩn bị nạn nhân:

Để Nạn nhân nằm hay ngồi theo tư thế thuận lợi.

Bộc lộ chi tổn thương.

Quan sát và đánh giá tình trạng chi tổn thương.


- Chuẩn bị dụng cụ:

Hai nẹp dài từ quá vai đến khuỷu tay và dải từ dưới hố nách đến quá nếp gấp khuỷu
tay.

Bông, gạc tốt nhất là bông mỡ, băng cuộn.

Hộp thuốc chống sốc.

- Người phụ:

Đứng đối diện với nạn nhân một tay đỡ khuỷu, một tay đỡ cánh tay sát hõm nách và
kéo nhẹ nhàng theo trục của cánh tay. Đỡ cẳng tay vuông góc với cánh tay.

Người chính đặt hai nẹp ở hai mặt trước và sau cánh tay:

Một nẹp ngoài đi từ quá vai đến quá khuỷu tay, một nẹp trong đi từ hõm nách đến quá
khuỷu tay.

- Độn bông:

Độn bông vào các đầu nẹp và vùng tỳ đè.

- Cố định nẹp:

Dùng băng cuộn để cố định hai nẹp với nhau và đảm bảo đủ chắc, vị trí: một dây trên
ổ gãy, một dây dưới ổ gãy.

- Đỡ tay nạn nhân:

Dùng băng cuộn hoặc băng treo vòng qua cổ nạn nhân để treo tay nạn nhân ở tư thế
cẳng tay gấp 90°, bàn tay cao hơn khuỷu tay và ủp vào thân mình.

- Đánh giá:

Kiểm tra tuần hoàn đầu bàn tay và đầu chì.

· Quy trình kỹ thuật cố định gãy hai xương cẳng chân

- Đánh giá tổn thương và tình trạng toàn thân:

Khám thực thể; lấy dấu hiệu sinh tổn; xác định vị trí xương gãy.

- Chuẩn bị dụng cụ:

Hai nẹp kích thước 80 - 130cm, rộng 8 - 10cm, dày 1cm.

Bông, gạc tốt nhất là bông mỡ, gạc sạch.

Băng cuộn.
- Chuẩn bị nạn nhân:

Để nạn nhân nằm.

Bộc lộ chi tổn thương.

Quan sát và đánh giá tình trạng chí tổn thương

- Người phụ thứ nhất:

Ngồi bên nạn nhân {phía bên lành), luồn hai tay nâng đỡ chi nạn nhân (phía trên và
dưới chỗ gãy).

- Người phụ thứ hai:

Ngồi ở phía bàn chân của nạn nhân. Một tay đỡ gót chân gãy của nạn nhân và kéo nhẹ
nhàng theo trục của chi, tay kia nắm bàn chân nạn nhân hơi đẩy về phía đùi để bàn
chân vuông góc với cẳng chân, mắt luôn theo dõi sắc mặt nạn nhân.

- Người chính:

Đặt hai nẹp ở mặt trong và mặt ngoài chi gãy.

Nẹp ngoài từ mào chậu đến quá gót.

Nẹp trong từ bẹn đến quá gót.

- Độn bông:

Độn bông vào hai đầu nẹp và các đầu xương cả phía trong và ngoài của chi.

- Cố định:

Cố định hai nẹp với nhau ỏ các vị trí và đảm bảo đủ chắc theo thứ tự:

Trên ổ gãy.

Dưới ổ gãy.

Trên khớp gối khoảng 3-5 cm.

Băng số 8 sát cổ chân.

Cố định hai chi với nhau bằng một dải ở cổ chân, một dải ỏ chính khớp gối.

- Kiểm tra tuần hoàn:

Kiểm tra nhiệt độ, cảm giác bàn chân và màu sắc ngón chân .

· Quy trình kỹ thuật cố định gãy xương đùi


- Đánh giá tổn thương và tình trạng toàn thân:

Lấy dấu hiệu sinh tồn.

Khám thực thể, tìm các tổn thương phối hợp.

- Chuẩn bị dụng cụ:

Ba nẹp kích thước 8 - 30cm, rộng 8 - 10cm, dày 1cm.

Bông, gạc tốt nhất là bông mỡ, gạc sạch.

Băng cuộn hoặc băng vải.

- Chuẩn bị nạn nhân:

Để nạn nhân nằm.

Bộc lộ chi tổn thương.

Quan sát và đánh giá tình trạng chi tổn thương .

- Người phụ thứ nhất ngồi phía dưới chân nạn nhân:

Một tay đỡ gót chân nạn nhân và kéo theo tư thế thẳng trục. Một tay nắm bàn chân
nạn nhân hơi đẩy ngược về đùi sao cho bàn chân vuông góc với cẳng chân. Mắt tuôn
quan sát sắc mặt nạn nhân.

- Người phụ thứ hai ngồi phía bên chi lành:

Luồn hai tay nâng đỡ chi nạn nhân (phía trên và dưới chỗ gãy) và đỡ nẹp.

Người chính đặt hai nẹp phía mặt trong và mặt ngoài của đùi:

Nẹp trong từ bẹn đến quá gót.

Nẹp ngoài tử hố nách đến quá gót.

- Độn bông:

Độn bông vào hai đầu nẹp và mấu lồi của xương cả phía trong và phía ngoài.

- Cố định:

Dùng băng cuộn hoặc dây vải để cố định hai nẹp với nhau theo thứ tự:

Trên ổ gãy.

Dưới ổ gãy.

Dưới khớp gối -1/3 dưới cẳng chân.


Ngang mào chậu, ngang ngực.

Băng số 8 để giữ bàn chân vuông góc với cẳng chân.

3 dây để cố định hai chân vào với nhau ở các vị trí: cổ chân, gối, sát bẹn.

- Trường hợp ba nẹp:

+ Hai người phụ:

Quỳ sát bên cạnh nạn nhân giúp nạn nhân nằm hơi nghiêng sang bên lành và nằm lại
tư thế ban đầu sau khi đã đặt nẹp xong. Sau đó, mỗi người về vị trí và làm nhiệm vụ
như trường hợp đặt hai nẹp.

+ Người chính đặt nẹp:

Đặt nẹp thứ nhất từ sau xương bả vai đến quá gót chân.

Nẹp thứ hai từ hõm nách đến quá gót chân.

Nẹp thứ ba từ bẹn đến quá gót chân.

- Độn bông:

Độn bông vào hai đầu nẹp và mấu lồi của xương cả phía trong và phía ngoài và phía
sau (xương bả vai).

- Cố định:

Dùng băng cuộn hoặc dây vải để cố định hai nẹp với nhau theo thứ tự:

Trên ổ gãy.

Dưới ổ gãy.

Dưới khớp gối.

1/3 dưới cẳng chân.

Ngang mào chậu, ngang ngực.

Băng số 8 để' giữ bàn chân vuông góc với cẳng chân .

- Kiểm tra tuần hoàn:

Kiểm tra nhiệt độ, cảm giác và màu sắc ngón chân.

- Chuyển nạn nhân tới bệnh viện:

Nhanh chóng, nhẹ nhàng.


· Quy trình kỹ thuật cố định gãy cột sống cổ

- Chuẩn bị:

Ván cứng.

Tám cuộn băng to bản.

Gối, màn.

Bộ chống sốc.

- Chuẩn bị nạn nhân:

Giải thích cho nạn nhân kỹ thuật sẽ tiến hành.

- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên ván cứng:

Người thứ nhất quỳ phía trên đầu nạn nhân luồn hai tay giữ đầu và vai nạn nhân.

Người thứ hai luồn hai tay dưới lưng và thắt lưng.

Người thứ ba luổn hai tay dưới đùi và cẳng chân.

Nâng nạn nhân lên và đặt trên ván cứng.

- Đánh giá nạn nhân:

Lấy dấu hiệu sinh tổn.

Khám thực thể đánh giá các tổn thương phối hợp.

- Người chính:

Giữ đầu nạn nhân.

Người phụ cố định nạn nhân vào cáng:

Dùng 8 cuộn băng để cố định nạn nhân vào ván cứng ở các vị trí: trán; qua hàm trên,
qua ngực, qua hông, qua đùi, qua khớp gối, qua cẳng chân, băng hai bàn chân.

- Chèn người:

Dùng gối mềm chèn hai bên cổ nạn nhân.

- Chuyển nạn nhân đến bệnh viện:

Nhanh chóng, nhẹ nhàng bằng các phương tiện sẵn có.

· Quy trình kỹ thuật cố định gãy cột sống lưng - thắt lưng
- Chuẩn bị:

Ván cứng.

5 cuộn băng to bản.

Gối, màn hay chăn mỏng.

Bộ chống sốc.

- Chuẩn bị nạn nhân:

Giải thích cho nạn nhân kỹ thuật sẽ tiến hành .

Đặt nạn nhân nằm ngửa trên ván cứng.

Người thứ nhất luồn hai tay giữ đầu và vai nạn nhân.

Người thứ hai giữ lưng và thắt lưng.

Người thứ ba luồn hai tay dưới đùi và cẳng chân.

Nâng nạn nhân lên và đạt trên ván cứng.

- Đánh giá nạn nhân:

Lấy dấu hiệu sinh tổn.

Khám thực thể đánh giá các tổn thương phối hợp.

- Người phụ thứ nhất:

Giữ đầu nạn nhân.

- Người phụ thứ hai:

Đỡ hai chân sao cho bàn chân đứng và vuông góc với cẳng chân.

Người chính cố định nạn nhân vào cáng:

Dùng năm cuộn băng để cố định nạn nhân vào cáng hoặc cố định hai chi của nạn nhân
vào nhau ở các vị trí: hông, đùi, đầu gối, cẳng chân và bàn chân .

- Chèn người:

Dùng gối mềm hoặc chăn chèn hai bên hông nạn nhân.

- Chuyển nạn nhân đến bệnh viện:

Nhanh chóng, nhẹ nhàng bằng các phương tiện sẵn có.
V. Cách sơ cứu cho người bị ngất (xỉu):
· Khi phát hiện có người bị ngất xỉu, đầu tiên cần tiến hành sơ cứu:

- Đặt bệnh nhân nằm đầu thấp hơn chân để tăng lượng máu nuôi dưỡng não

- Cho ngửi tinh dầu thơm

- Nới quần áo chật hoặc những chỗ thắt chặt khác.

- Ðể đầu quay sang một bên nhằm đề phòng tụt lưỡi vào cổ họng hoặc hít chất
nôn vào phổi.

- Nếu thân nhiệt thấp hơn bình thường thì cho đắp chăn ấm

- Gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện để xử trí tiếp theo và tìm nguyên
nhân có hướng điều trị tiếp tục.

VI. Cấp cứu nạn nhân đuối nước:


- Khi thấy một người đang hốt hoảng trên mặt nước hãy nhanh chóng thảy cho
họ bất cứ thứ gì có thể giúp họ bám vào và nổi lên được. Nếu chỉ có một mình và 2
tay không, nếu không phải là một nhân viên cấp cứu nhiều kinh nghiệm thì bơi ra
cứu nạn nhân là điều rất mạo hiểm dù là một tay bơi giỏi vì trong cơn hoảng loạn
cực độ, nạn nhân thường có khuynh hướng vùng vẫy, níu kéo rất chặt gây khó
khăn cho người cấp cứu và có nguy cơ làm chết đuối luôn cả hai. Nên ném cho nạn
nhân một phao nổi trước cho nạn nhân bám vào, sau đó mới cho nạn nhân bám vào
người cứu hộ.

- Sau khi đem nạn nhân lên bờ, hãy nhanh chóng gọi điện thoại số cấp cứu 115
và tiến hành làm hô hấp nhân tạo bằng phương pháp miệng qua miệng vì đó là
phương pháp hữu hiệu nhất. Não người sẽ bị tổn thương hoặc chết nếu nạn nhân
ngừng thở từ 4-6 phút.

- Với ngạt nước, sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng
nhất, quyết định đến sự sống còn và khả năng bị di chứng não của người bị nạn.

Bước 1: Xem xét hiện trường để đảm bảo không còn tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm

Bước 2: Đặt người nạn nhân lên chỗ bằng phẳng, rắn chắn

Bước 3: Móc các dị vật ảnh hưởng đến hô hấp trong miệng nạn nhân( nếu có)

Bước 4: Kiểm tra nhận thức của nạn nhân bằng cách

+ gọi, lắc vai


+ Kiểm tra ngực xem còn cử động thở không

+ Kiểm tra động mạch cảnh (ở cổ) trong 5-10s

Nếu nạn nhân đã ngừng thở thực hiện lập tức: Ép tim-Thổi ngạt:

- Cách ép tim:

Bước 1: Quỳ một bên nạn nhân

Bước 2: Đặt 2 bàn tay chồng lên nhau, các ngón tay đan xen vào nhau. Gót bàn tay
đặt lên hõm ngực( xương ức), 2 khuỷu tay luôn thẳng.

Bước 3: Dùng sức nặng cả người về phía trước, ấn ngực nạn nhân sâu 4-5cm. Động
tác liên tục, dứt khoát và nhịp nhàng.

Bước 4: Cứ 30 lần ép tim, thực hiện 2 lần thổi ngạt

- Cách thổi ngạt:

Bước 1: Đặt miếng vải mỏng, sạch lên miệng nạn nhân trước khi thổi ngạt

Bước 2: Dùng 1 tay giữ trán, 1 tay nâng cằm

Bước 3: Dùng tay giữ trán bóp mũi nạn nhân, tay còn lại đẩy hàm để miệng nạn nhân
mở ra

Bước 4: Hít hơi dài rồi cúi xuống áp miệng nạn nhân và thổi hết hơi vào

· Ấn ngực theo lứa tuổi:

- Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối
hai đầu vú 1 khoát ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).

- Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối
với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 khoát ngón tay.

- Phối hợp ép tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 10/1 (đối với trẻ ) hoặc 30/2 (đối với
người lớn). Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên
đường chuyển người bị nạn tới cơ sở y tế, cho đến khi tự thở lại được hoặc chắc
chắn đã chết.

- Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn. Nếu lồng ngực còn
di động tức là còn tự thở được, hãy đặt nằm ở tư thế an toàn, nghĩa là nằm nghiêng
một bên để nếu nôn ói thì chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài và không trào ngược vào
phổi, gây viêm phổi.

· Những sai lầm cần tránh


Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là
hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo
cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều
như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài
lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ
làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống.
Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.

VII. Sơ cấp cứu khi chảy máu cam


Chảy máu cam hay còn gọi là chảy máu mũi xảy ra khi các mạch máu mũi bị tổn
thương. Tổn thương này dẫn đến máu chảy ra từ bên trong mũi. Có rất nhiều nguyên
nhân dẫn đến chảy máu cam, một trong số đó là:
· Do các tổn thương nhẹ (ngoáy mũi, trầy xước mũi)
· Chấn thương mạnh do va đập trực tiếp vào mũi.
· Các bệnh do rối loạn đông máu hoặc cao huyết áp
· Lệch vách ngăn mũi
· Viêm đường hô hấp
· Dị vật: khi thấy chảy máu và mủ một bên mũi, cần nghĩ đến tình trạng có dị vật
ở đường thở.
· Không khí khô, độ ẩm thấp
· Một số trường hợp không rõ nguyên nhân, đột ngột tự chảy và tự dứt
Những sai lầm trong việc xử lý khi chảy máu cam
1. Ngửa đầu ra phía sau khi chảy máu cam:
Khi chảy máu cam, chúng ta thường được khuyên là hãy ngửa đầu ra sau, tuy nhiên
hành động này hoàn toàn sai lầm và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hành động ngửa
đầu ra sau khi bị chảy máu cam sẽ làm cho máu chảy ngược xuống cuống họng, từ đó
chạy qua lỗ thông khí và có thể gây sặc máu. Tình trạng có thể tệ hơn nếu bạn nuốt lại
phần máu cam chảy ra, khi xuống dạ dày nó sẽ gây ra các triệu chứng buồn nôn, ói
mửa.
Tuyệt đối không dùng tay để bịt lỗ mũi nhằm ngăn ngừa dừng máu, điều này khiến
máu chảy ra nhiều hơn cũng như nguy cơ chảy ngược vào cuống họng cao hơn.
2. Nhét bông, gạc vào mũi:
Khi chảy máu cam, nhiều người nghĩ ngay tới việc nhét bông, giấy ăn hay gạc vào
mũi vì nghĩ rằng việc làm này sẽ giúp cầm máu.
Tuy nhiên các bác sĩ không khuyến khích việc này, vì tất cả những vật liệu thông
thường đều không đảm bảo vô khuẩn, nhất là khi nó tiếp xúc trực tiếp với lớp niêm
mạc ở mũi. Nếu như vật dụng cầm máu không sạch có thể gây ra nhiễm trùng
3. Dùng nước muối quá nhiều:
Nhiều người cho rằng nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên sẽ làm ẩm niêm mạc mũi,
tránh khô mũi, ngăn chảy máu cam. Tuy nhiên quan niệm này không hề đúng, việc
nhỏ nước muối vào niêm mạc mũi không phải là một giải pháp lâu dài vì nó chỉ tức
thời làm ẩm mũi, về lâu dài nó còn khiến mũi khô hơn. Kể cả việc sử dụng các thiết bị
tạo ẩm chỉ là những giải pháp tình thế.
Hãy uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả để tăng cường chất xơ kết hợp các biện
pháp hỗ trợ bên ngoài kể trên sẽ giúp bạn và người thân tránh được chứng chảy máu
cam khó chịu.
· Các bước xử lý đúng khi bị chảy máu cam:

Bước 1: Bình tĩnh tìm 1 chỗ bằng phẳng để ngồi xuống

Bước 2: Hơi cúi đầu về phía trước, dùng ngón tay ấn chặt phần cánh mũi đang chảy
máu (nếu chỉ chảy 1 bên).

Bước 3: Dùng khăn giấy, bông sạch thấm phần máu chảy ra, tuyệt đối không đưa sâu
vào trong mũi
· Lưu ý: Nếu sau 10-15 phút, máu vẫn không ngừng chảy thì hãy đến bệnh viện
hoặc các cơ sở y tế ngay lập tức để được xử lí kịp thời.
· Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
- Chảy máu cam kéo dài hơn 20 phút; lượng máu chảy nhiều
- Chảy máu mũi xảy ra sau một chấn thương
- Cảm nhận hoặc nếm thấy máu trong cổ họng ngay cả khi máu đã ngừng chảy
- Chảy máu kèm các triệu chứng chóng mặt, sốt cao hoặc nôn
- Chảy máu thường xuyên
- Chảy máu sau khi sử dụng thuốc hoặc trong tình trạng sức khỏe không tốt

VIII. Sơ cấp cứu khi bị ngộ độc thực phẩm:


* Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn:

- Sơ cứu trước tiên phải làm cho người bệnh nôn hết thực phẩm đã sử dụng.

- Gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh, bằng cách cho bệnh nhân uống 100-200ml nước
sạch rồi dùng tăm bông, hoặc ống xông ngoáy họng, cúi thấp đầu nôn, tránh sặc vào
phổi.
- Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng
của than hoạt tính là hút các chất độc ngăn không cho chất độc thấm vào máu.

* Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện tiêu chảy:

- Không nên uống thuốc cầm tiêu chảy, cho bệnh nhân tiêu ra hết.

- Khi bệnh nhân có biểu hiện mất nước nên cho bệnh nhân uống oresol pha với 1 lít
nước hoặc nếu không có sẵn gói oresol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4
thìa cà phê đường trong 1 lít nước .

* Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện hôn mê, co giật...:

Sau khi sơ cứu bệnh nhân chưa có biểu hiện bình phục liền mà có dấu hiệu bệnh nặng
hơn hoặc biểu hiện hôn mê, co giật cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế
gần nhất để có những điều trị cần thiết.

LƯU Ý:

· Giữ và bảo quản lạnh thực phẩm nghi ngờ để gửi mẫu kiểm nghiệm tìm
nguyên nhân.

· Ngưng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc và cảnh báo
những người thân xung quanh không sử dụng.

You might also like