You are on page 1of 13

I.

Hoàn cảnh lịch sử


Tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, đặc biệt là sự sụp đổ của chủ
nghĩa xã hội ở Đông Âu và sự khủng hoảng trầm trọng của Liên Xô. Chủ nghĩa xã hội
phải chịu sự tấn công từ nhiều phía từ các thế lực phản động quốc tế “hòng xoá sạch chủ
nghĩa xã hội hiện thực vào cuối thế kỷ này”1. Tại Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ VI
của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện và đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu
quan trọng: ổn định được tình hình chính trị trong nước, nền kinh tế có nhiều chuyển biến
tích cực, sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, quốc phòng được giữ
vững, an ninh quốc gia được đảm bảo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém và
khó khăn, đất nước chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, công cuộc đổi
mới còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề kinh tế, xã hội còn chưa được giải quyết. Trên cơ sở
đánh giá tình hình sau 4 năm đổi mới, Đại hội toàn quốc lần thứ VII được tổ chức để đề
ra phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu cho 5 năm tiếp theo. Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ VII, họp từ ngày 24 đến 27-6-1991, tại Hội trường ba Đình, Thủ
đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả
nước.
II. Nội dung Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII
1. Về kinh tế
Tiếp tục coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp
gắn với công nghiệp chế biến; phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông
thôn mới.
Tiếp tục xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế vùng phù hợp với
chiến lược chung của cả nước. Phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, khai
thác các nguồn lực tại chỗ, đồng thời chủ động mở rộng quan hệ phân công, hợp tác, liên
kết với các vùng khác trong nước và với nước ngoài. Có những chính sách và biện pháp
riêng đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh
tế. Phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế, vừa cạnh tranh vừa hợp tác, bổ sung
1
Đảng Cộng sản Việt Nam, Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng
cho nhau trong nền kinh tế quốc dân thống nhất. Vận hành nền kinh tế hàng hoá nhiều
thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo cơ chế thị trường có sự quản lý của
Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác.
Sắp xếp lại và củng cố các đơn vị kinh tế. Khẩn trương sắp xếp lại và đổi mới quản
lý kinh tế quốc doanh phát triển có hiệu quả. Tiếp tục đổi mới và kiện toàn kinh tế tập thể
theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng. Phát triển mạnh kinh tế gia đình bằng
nhiều hình thức. Phát triển kinh tế tư nhân theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước, đặc
biệt trong lĩnh vực sản xuất; hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư
bản nhà nước.
Đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô trọng yếu của Nhà nước. Tiếp
tục đổi mới và bổ sung hệ thống pháp luật kinh tế. Nâng cao chất lượng kế hoạch hoá nền
kinh tế quốc dân. Xây dựng chính sách tài chính quốc gia và thực hiện cải cách cơ bản tài
chính nhà nước theo hướng thúc đẩy khai thác tiềm năng thiên nhiên và của các tầng lớp
nhân dân. Tiếp tục đổi mới và bổ sung các luật thuế. Kiện toàn hệ thống thu thuế, chống
thất thu và lạm thu, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong công tác thuế. Phát triển đa dạng
và quản lý tốt các hình thức bảo hiểm. Tăng cường thanh tra tài chính, kiểm soát việc
chấp hành pháp lệnh kế toán - thống kê. Hệ thống ngân hàng thực hiện đúng chức năng
của ngân hàng nhà nước và ngân hàng kinh doanh. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ
thống kế toán, thống kê và thông tin kinh tế phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và
sản xuất kinh doanh.
Cải tiến công tác điều hành của Nhà nước về kinh tế theo hướng tăng cường phối
hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý, bảo đảm sự nhất quán trong các quyết định. Tăng
cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Tiếp tục phân định rõ quản lý nhà nước về kinh tế và
quản lý kinh doanh của các đơn vị cơ sở. Cải tiến phân cấp quản lý kinh tế giữa trung
ương và các cấp chính quyền địa phương.
2. Về công nghiệp hóa
Đẩy mạnh chương trình hàng tiêu dùng và chương trình hàng xuất khẩu, đáp ứng
nhu cầu đa dạng, chất lượng ngày càng cao, phục vụ tốt tiêu dùng trong nước và xuất
khẩu, tăng thêm nhiều việc làm. Đa dạng hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối
ngoại. Cải tiến cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến, giảm tỷ
trọng xuất khẩu nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dầu mỏ, nông
sản, thuỷ sản. Sớm tạo được một số mặt hàng gia công, lắp ráp, chế biến có công nghệ
hiện đại, có sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Phát triển du lịch, vận tải hàng không, thông
tin, bưu điện quốc tế và các hoạt động dịch vụ thu ngoại tệ khác. Phát triển hợp tác quốc
tế trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Có chính sách thu hút tư bản nước
ngoài đầu tư vào nước ta, trước hết vào lĩnh vực sản xuất, dưới nhiều hình thức.
Phát triển một số ngành công nghiệp nặng nhằm phục vụ tốt ba chương trình kinh
tế, đồng thời tạo cơ sở cho những bước phát triển tiếp theo; coi trọng khai thác các tài
nguyên, góp phần tạo nguồn tích luỹ ban đầu. Đặc biệt chú trọng tăng nhanh sản lượng
khai thác dầu khí; phát triển điện lực; sắp xếp và đầu tư chiều sâu để phát triển ngành cơ
khí; phát triển công nghiệp điện tử - tin học; sớm xây dựng cơ sở lọc dầu, sản xuất phân
đạm; khai thác đá quý, boxit, đất hiếm…
Phát triển kết cấu hạ tầng, sớm khắc phục tình trạng xuống cấp, mở rộng và hiện
đại hoá có trọng điểm mạng lưới giao thông vận tải, chú trọng phát triển vận tải đường
biển, đường sông, đường sắt và hàng không quốc tế, phát triển giao thông nông thôn và
miền núi. Tiếp tục hiện đại hoá mạng bưu điện quốc tế và trong nước; phủ sóng phát
thanh và truyền hình khắp cả nước; phát triển ngành sản xuất thiết bị bưu điện.
3. Về văn hóa
Tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá Việt Nam, bảo tồn và phát huy
truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Vận động
toàn dân thực hiện lối sống cần, kiệm, văn minh, lịch sự. Phổ biến rộng rãi trong nhân
dân những kiến thức văn hoá cần thiết cho sản xuất và đời sống. Thực hiện nam nữ bình
đẳng, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ. Phát động phong trào quần chúng bài trừ mê tín dị đoan
và các tệ nạn xã hội khác.
Xây dựng gia đình văn hoá mới có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển lực
lượng sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống, thực hiện kế hoạch hoá dân số, giữ gìn và
phát huy những truyền thống đạo đức, văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nâng cao ý thức về
nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người. Kết hợp và phát huy vai trò của xã hội, các đoàn
thể, nhà trường, tập thể lao động và tập thể dân cư trong việc chăm lo bồi dưỡng tình
đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người mới và nền văn hoá mới.
Văn học, nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong nền văn hoá, gắn bó với đời
sống nhân dân và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Khuyến khích tự do sáng tạo
văn học, nghệ thuật vì sự hoàn thiện con người, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cao đẹp của
con người, đề cao tinh thần tự hào dân tộc, tự lực, tự cường, phấn đấu làm cho dân giàu,
nước mạnh, phê phán những thói hư tật xấu, cái độc ác, thấp hèn. Vừa coi trọng những đề
tài về truyền thống dân tộc, cách mạng và kháng chiến, vừa bám sát thực tiễn cuộc sống
hiện nay. Nâng cao chất lượng công tác lý luận, nghiên cứu, giới thiệu và phê bình văn
học, nghệ thuật; chọn lọc những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật tốt phổ biến
rộng rãi trong công chúng. Tạo điều kiện cho những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và
tư tưởng được xuất bản, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân lao động.
Nghiêm trị những người truyền bá và kinh doanh văn hoá phẩm phản động, đồi trụy;
chống văn hoá ngoại lai, không lành mạnh.
Phát triển sự nghiệp thông tin, báo chí, xuất bản theo hướng nâng cao chất lượng,
đáp ứng nhu cầu thông tin và nâng cao kiến thức văn hoá của nhân dân. Tăng đầu tư
phương tiện phát thanh, truyền hình, đưa thông tin đến mọi vùng của đất nước, đến phần
lớn các gia đình, nhất là ở nông thôn và miền núi. Coi trọng công tác tuyên truyền đối
ngoại. Quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, thông tin, báo chí, phim ảnh.
Nhà nước có chính sách đúng đối với các loại sản phẩm văn hoá khác nhau; quan
tâm thích đáng đào tạo nhân tài, chăm sóc các nhà văn hoá, các văn nghệ sĩ, các nhà báo
có nhiều cống hiến; bồi dưỡng phẩm chất chính trị, lý luận, nghiệp vụ cho cán bộ lãnh
đạo, quản lý trong các lĩnh vực này. Sắp xếp lại tổ chức và cải tiến công tác quản lý nhà
nước đối với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin, báo chí, xuất bản. Đổi mới
phương thức hoạt động của các đơn vị văn hoá, nghệ thuật.
4. Về đối ngoại
Nhiệm vụ đối ngoại bao trùm trong thời gian tới là giữ vững hoà bình, mở rộng
quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng lợi ích của nhân dân ta, góp phần tích cực vào
cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến
bộ xã hội.
Nhạy bén nhận thức được những diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc trong quan
hệ quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trên thế giới để có những chủ
trương đối ngoại phù hợp. Coi trọng vận dụng bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, yếu tố truyền thống với yếu tố
hiện đại để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Chủ trương hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt
chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình.
Trước sau như một tăng cường đoàn kết và hợp tác với Liên Xô, đổi mới phương
thức và nâng cao hiệu quả hợp tác Việt - Xô nhằm đáp ứng lợi ích của mỗi nước.
Không ngừng củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết và hữu nghị đặc biệt giữa Đảng
và nhân dân ta với Đảng và nhân dân Lào, Campuchia. Đổi mới phương thức hợp tác,
chú trọng hiệu quả theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích
chính đáng của nhau.
Thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, từng bước mở rộng
sự hợp tác Việt - Trung, giải quyết những vấn đề tồn tại giữa hai nước thông qua thương
lượng hoà bình.
Củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác cùng có lợi và bình đẳng với Cuba và
các nước xã hội chủ nghĩa khác. Tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản và công
nhân, góp phần tích cực vào sự đoàn kết và hợp tác, đấu tranh vì những mục tiêu chung.
Đoàn kết với các lực lượng đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã
hội, sẵn sàng thiết lập và mở rộng quan hệ với các đảng xã hội - dân chủ, các phong trào
dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Phát triển quan hệ đoàn kết, tin cậy và nâng cao hiệu quả hợp tác nhiều mặt với
Ấn Độ. Tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước đang phát triển khác. Tích cực góp phần
củng cố và tăng cường Phong trào Không liên kết.
Phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ở Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình
Dương. Mở rộng sự hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các nước Bắc Âu, Tây Âu, Nhật
Bản và các nước phát triển khác. Thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ với Hoa
Kỳ.
III. Bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện đổi mới
Một là, phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới, kết
hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với sự linh hoạt trong sách lược,
nhạy cảm nắm bắt cái mới. Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta. Đổi
mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được
thực hiện có kết quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những
hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Chính vì vậy, phải giữ vững tư duy độc lập và
sáng tạo trong việc đề ra đường lối đổi mới phù hợp với đặc điểm tình hình của nước ta,
đáp ứng đúng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân ta. Coi trọng học tập, tham khảo kinh
nghiệm của thế giới, nhưng không lúc nào được giáo điều, sao chép máy móc cách làm
của nước ngoài. Các chủ trương đổi mới đều phải nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng chủ
nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, đều phải lấy kết quả xây dựng chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam để kiểm nghiệm.
Điều kiện cốt yếu để công cuộc đổi mới giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa và
đi đến thành công là trong quá trình đổi mới Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ
nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội.
Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhưng phải có bước đi, hình thức và
cách làm phù hợp. Thực tiễn cho thấy đổi mới là cuộc cách mạng sâu sắc trên tất cả các
lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên từng lĩnh vực, nội dung đổi mới cũng bao gồm nhiều
mặt: từ đổi mới quan niệm đến đổi mới cơ chế, chính sách tổ chức, cán bộ, phong cách và
lề lối làm việc. Phải tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi cấp
bách của nhân dân về đời sống, việc làm và các nhu cầu xã hội khác, xây dựng cơ sở vật
chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, coi đó là điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi
đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới
tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy ngày càng tốt quyền
làm chủ và năng lực sáng tạo của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá,
xã hội.
Ba là, phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần phải đi đôi với tăng cường vai
trò quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội. Đổi mới về kinh tế, chuyển nền kinh tế
mang nặng tính tự cấp, tự túc với cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang nền
kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của
Nhà nước là hoàn toàn cần thiết để giải phóng và phát huy được các tiềm năng sản xuất
trong xã hội. Song thực tế cho thấy, bản thân nền kinh tế thị trường không phải là liều
thuốc vạn năng. Cùng với sự kích thích sản xuất phát triển, kinh tế thị trường cũng là môi
trường thuận lợi để nảy sinh và phát triển nhiều loại tệ nạn xã hội. Để hạn chế và khắc
phục những hậu quả tiêu cực ấy, giữ cho công cuộc đổi mới đi đúng hướng và phát huy
bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, Nhà nước phải thực hiện tốt vai trò quản lý về kinh
tế - xã hội bằng luật pháp, kế hoạch, chính sách, thông tin, tuyên truyền giáo dục và các
công cụ khác.
Bốn là, chúng ta khẳng định tiếp tục phát huy ngày càng sâu rộng nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa, nhưng để phát huy dân chủ đúng hướng và đạt kết quả thì quá trình đó
phải được lãnh đạo tốt, có bước đi vững chắc phù hợp với tình hình chính trị, xã hội nói
chung. Như vậy mới thực sự bảo đảm được quyền làm chủ của nhân dân, động viên toàn
dân hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Năm là, trong quá trình đổi mới, phải quan tâm dự báo tình hình, kịp thời phát
hiện và giải quyết đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh trên tinh thần kiên định thực hiện
đường lối đổi mới; tăng cường tổng kết thực tiễn và không ngừng hoàn chỉnh lý luận về
con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mỗi chủ trương, chính sách, biện pháp
kinh tế, xã hội, dù là đúng đắn nhất, thì trong quá trình thực hiện, bên cạnh mặt tích cực
là chủ yếu cũng thường có những hệ quả tiêu cực nhất định, những vấn đề mới nảy sinh,
cần phải dự kiến trước và theo dõi để chủ động ngăn ngừa, giải quyết tránh suy nghĩ đơn
giản, một chiều, đến khi thấy có vấn đề mới nảy sinh, có mặt tiêu cực mới xuất hiện thì
hoang mang, hốt hoảng. Không vì gặp khó khăn mà dao động và quay lại những cách làm
sai lầm cũ.
IV. Các Hội nghị trung ương Đảng bổ sung phát triển đường lối đổi mới
trong nhiệm kỳ Đại hội VII
Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm giải phóng lực
lượng sản xuất, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, bước đầu đem lại hiệu
quả rõ rệt trong cuộc sống, được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy
đầy đủ khả năng của các thành phần kinh tế, chưa xây dựng được những cơ sở vật chất -
kỹ thuật cần thiết để tạo bước phát triển nhanh của nền kinh tế quốc dân. Cơ sở hạ tầng
còn rất yếu kém, thiết bị máy móc và công nghệ của nhiều xí nghiệp rất lạc hậu, nhiều
tiềm năng trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chưa được khai thác tốt. Chống lạm
phát tuy đạt một số kết quả nhất định, nhưng đó chưa cơ bản, chưa vững chắc. Tệ tham
nhũng vẫn đang phát triển một cách nghiêm trọng.
Vì vậy, từ ngày 25-11 đến 4-12-1991, Hội nghị Trung ương 2 khóa VII đã bàn
về vấn đề kinh tế, xác định quan điểm, chủ trương thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và
việc sửa đổi Hiến pháp 1980, đưa ra các nhiệm vụ và phương hướng ổn định, phát triển
kinh tế - xã hội. Đồng thời Hội nghị cũng đưa ra những giải pháp để: ổn định tài chính -
tiền tệ, phát huy mạnh mẽ tiềm năng của các thành phần kinh tế, mở rộng và nâng cao
hiệu quả kinh tế đối ngoại; giải quyết việc làm và ổn định đời sống của người hưởng
lương và trợ cấp xã hội; cải cách hệ thống tổ chức và làm trong sạch bộ máy nhà nước,
nâng cao hiệu lực của pháp luật.
Một năm sau Đại hội VII, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến lớn. Sự sụp đổ
của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Vấn đề về tình
hình thế giới và chính sách đối ngoại được đặt ra. Từ ngày 18 đến ngày 29-6-1992, Hội
nghị trung ương 3 khóa VII thảo luận ba vấn đề quan trọng:
- Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại,
- Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia,
- Đổi mới và chỉnh đốn Đảng.
Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, tích cực mở rộng hoạt động đối ngoại, đẩy lùi
thêm một bước chính sách bao vây, cô lập Việt Nam, góp phần bảo đảm cho đất nước
đứng vững và tiếp tục phát triển; chủ trương mở rộng, đa dạng hoá và đa phương hoá
quan hệ đối ngoại cả về chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học, kỹ thuật; cả về Đảng, Nhà
nước và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức phi chính phủ, trên nguyên tắc tôn trọng độc
lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình
đẳng và cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy những truyền thống
và bản sắc tốt đẹp của nền văn hoá dân tộc.
Từ ngày 4 đến ngày 14-1-1993, Hội nghị Trung ương 4 đã thảo luận và ra nghị
quyết về một số vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân, chuẩn bị hành trang cho nhân dân ta, đặc biệt cho thế hệ trẻ vững bước tiến vào thế
kỷ XXI. Đó là các Nghị quyết:
- Về một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt.
- Về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
- Về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân
dân.
- Về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.
- Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới.

Từ khi bắt đầu đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đạt được nhiều tiến bộ với những
kết quả đáng phấn khởi. Song về cơ bản, nông nghiệp nước ta vẫn còn lạc hậu so với các
nước trong khu vực và trên thế giới. Để giải quyết được thực trạng này, từ ngày 3 đến
ngày 10-6-1993, Hội nghị Trung ương 5 khóa VII đã bàn sâu về chính sách đối với
nông dân, nông nghiệp và nông thôn để đưa nông nghiệp và nông thôn tiến nhanh và
vững chắc hơn. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế -
xã hội nông thôn. Nghị quyết đã nêu lên thực trạng nông nghiệp, nông thôn nước ta qua
những năm đổi mới, mục tiêu và quan điểm tiếp tục đổi mới và phát triển nông nghiệp,
nông thôn cũng như phương hướng và giải pháp cụ thể, như:
- Đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
- Cải biến cơ cấu kinh tế nông thôn.
- Kiên trì và nhất quán thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần
vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (đổi mới kinh tế hợp tác xã,
phát huy vai trò tự chủ của kinh tế hộ xã viên, đổi mới hệ thống doanh nghiệp Nhà nước,
khuyến khích phát triển kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân)
- Thực hiện chính sách giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân.
- Đổi mới chính sách vĩ mô của Nhà nước (chính sách thị trường tiêu thụ nông sản
hàng hoá, chính sách đầu tư và tín dụng, chính sách thuế sử dụng đất và thuỷ lợi phí, đẩy
mạnh công tác khuyến nông, chính sách khoa học và công nghệ, chính sách xã hội nông
thôn, chính sách đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số)
Ngày 30-7-1994, Hội nghị Trung ương 7 đưa ra chủ trường về phát triển công
nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và
xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới. Mục tiêu lâu dài của công nghiệp hoá,
hiện đại hoá là cải biến nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất- kỹ thuật
hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát
triển của sức sản xuất, mức sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng - an ninh vững
chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Mang quan điểm công nghiệp
hoá, hiện đại hoá phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa, là sự nghiệp của toàn dân với
nền tảng là khoa học, công nghệ, Nghị quyết đã xác định cụ thể những chủ trương về:
- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản
- Công nghiệp hàng tiêu dùng
- Công nghiệp cơ khí và điện tử - tin học
- Các ngành công nghiệp sản xuất nguyên, nhiên, vật liệu
- Du lịch - dịch vụ
- Công nghiệp quốc phòng
- Kết cấu hạ tầng
- Công nghiệp hoá nông nghiệp và kinh tế nông thôn
- Phát triển đô thị
- Phát triển công nghiệp miền biển
- Phát triển khoa học - công nghệ
V. Kết quả đạt được
1. Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu chủ
yếu của kế hoạch 5 năm.

Trong 5 năm 1991-1995, nhịp độ tăng bình quân hăng năm về tổng sản phẩm
trong nước (GDP) đạt 8,2% (kế hoạch là 5,5 – 6,5%), về sản xuất công nghiệp là 13,3%,
sản xuất nông nghiệp 4,5%, kim ngạch xuất khẩu 20%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển
đổi: tỉ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP từ 22,6% năm 1990 đến 29,1% năm
1995; dịch vụ từ 39,6% lên 41,9%. Bắt đầu có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế. Vốn đầu tư
cơ bản toàn xã hội năm 1990 chiếm 15,8% GDP; năm 1995 là 27,4% (trong đó nguồn
đầu tư trong nước chiếm 16,7% GDP). Đến cuối năm 1995, tổng vốn đăng ký của các dự
án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt trên 19 tỉ USD, gần 1/3 đã được thực hiện. Lạm
phát từ mức 67,1% năm 1991 giảm xuống còn 12,7% năm 1995.
Hoạt động khoa học và công nghệ gắn bó hơn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã
hội, thích nghi dần với cơ chế thị trường.
Quan hệ sản xuất được điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của lực
lượng sản xuất. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường
có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng.
2. Tạo được một số chuyển biến tích cực về mặt xã hội.
Đời sống vật chất của phần lớn nhân dân được cải thiện. Số hộ có thu nhập trung
bình và số hộ giàu tăng lên, số hộ nghèo giảm. Mỗi năm thêm hơn 1 triệu lao động có
việc làm. Nhiều nhà ở và đường giao thông được nâng cấp và xây dựng mới ở cả nông
thôn và thành thị.
Trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên. Sự
nghiệp giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục
thể thao, thông tin đại chúng, công tác kế hoạch hóa gia đình và nhiều hoạt động xã hội
khác có những mặt phát triển và tiến bộ.
Người lao động được giải phóng khỏi ràng buộc của nhiều cơ chế không hợp lý,
phát huy được quyền làm chủ và tính năng động sáng tạo, chủ động hơn trong tìm việc
làm, tăng thu nhập, tham gia các sinh hoạt chung của cộng đồng xã hội.
Chủ trương đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với nước được toàn dân
hưởng ứng, phong trào xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động từ thiện ngày càng mở
rộng, đang trở thành một nét đẹp mới trong xã hội ta.
Lòng tin của nhân dân vào chế độ và tiền đồ của đát nước, vào Đảng và Nhà nước
được nâng lên.
3. Phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, phá thế bị bao vây cấm vận, tham gia
tích cực vào đời sống cộng đồng quốc tế.
Chúng ta đã triển khai tích cực và năng động đường lối đối ngoại độc lập tự chủ,
đa phương hóa, đa dạng hóa. Khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt
với Trung Quốc; tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt với Lào; xây dựng quan
hệ tốt với Campuchia; phát triển quan hệ với các nước trong khu vực, trở thành thành
viên đầy đủ của tổ chức ASEAN; củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với nhiều nước,
từng bước đổi mới quan hệ với Liên bang Nga, các nước trong Cộng đồng các quốc gia
độc lập và các nước Đông Âu; mở rộng quan hệ với các nước công nghiệp phát triển;
bình thường hóa quan hệ với Mỹ; thiết lập và mở rộng quan hệ với nhiều nước Nam Á,
Nam Thái Bình dương, Trung Đông, châu Phi và Mỹ latinh; mở rộng quan hệ với Phong
trào không liên kết, các tổ chức quốc tế và khu vực.
Đảng ta tiếp tục phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các đảng cộng sản và
công nhân, các phong trào độc lập dân tộc, các tổ chức và phong trào tiến bộ trên thế
giới; thiết lập quan hệ với các đảng cầm quyền ở một số nước. Mở rộng hoạt động đối
ngoại của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội. Phát triển quan hệ với các tổ chức phi
chính phủ trên thế giới.
Đến nay nước ta đã có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước, có quan hệ buôn bán
với trên 100 nước. Các công ty của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào
nước ta. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế dành cho ta viện trợ không hoàn lại hoặc cho
vay để phát triển.
Thành tựu trên lĩnh vực đối ngoại là một nhân tố quan trọng góp phần giữ vững
hòa bình, phá thế bị bao vây, cấm vận, cải thiện và nâng cao vị thế của nước ta trên thế
giới, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó cũng là sự
đóng góp tích cực của nhân ta vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình,
độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

You might also like