You are on page 1of 5

Đề tài 5.

Thành tựu và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới
(1986-nay)?

Năm 1986, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đang phát triển mạnh, xu
thế đối thoại trên thế giới đang dần chuyển sang đối đầu. Đổi mới đã trở thành
xu thế của thời đại. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đều tiến hành cải tổ
sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việt Nam đang bị các đế quốc và thế lực
thù địch bao vây, cấm vận ở tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội. Lương thực,
thực phẩm , hàng tiêu dùng đều khan hiếm; lạm  phát tăng từ 300% năm 1985
lên hơn 774% năm 1986. Các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, vượt biên
trái phép diễn ra khá phổ biến. Đổi mới đã trở thành đòi hỏi bức thiết của tình
hình đất nước lúc bấy giờ. Cho đến nay, 37 năm đổi mới ở Việt Nam là giai
đoạn lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt về sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách
mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện và triệt để, là sự nghiệp cách mạng
to lớn mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thực hiện thành công. 

*Thành tựu trong sự nghiệp đổi mới 

1. Lĩnh vực kinh tế

Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh
chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở
thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình
quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991-1995 GDP bình quân đã tăng
gấp đôi, đạt 8,2%/năm. Các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao.
Giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm
2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là
một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đặc biệt, trong năm 2020,
trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy
thoái do tác động của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương
2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9 %/năm,
thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ
USD/năm, thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Các cân đối lớn
của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương
thực, lao động - việc làm,… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc
nền tảng kinh tế vĩ mô. Từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên
2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỷ lệ nghèo giảm
mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá).

Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu
theo chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ trên cả phương diện
kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái, thúc đẩy phát triển trên
nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa
học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh
và chủ động hội nhập quốc tế.

2. Lĩnh vực văn hoá

Văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Sự nghiệp xây dựng và phát
triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan
trọng. Sự chỉ đạo, quản lý văn hóa có tiến bộ. Nhận thức về văn hóa của các cấp,
các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng
phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều
chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành.

Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; công
nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều
phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực; phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn
mới” và các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa ….đã tạo môi
trường tốt để nuôi dưỡng, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc.  Xã hội
hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây
dựng các thiết chế văn hóa.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc đạt được những kết quả đáng trân
trọng, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới hoặc được xếp hạng
là di sản văn hóa quốc gia (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ
Bàng, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Hoàng thành Thăng Long,
Nhã nhạc cung đình Huế,  Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân
ca quan họ, Ca trù, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương,...) đã được giữ gìn, bảo
tồn, tôn tạo.

Về quản lý văn hóa có nhiều tiến bộ các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị đã
nhận thức rõ hơn trong việc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội,
xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quốc phòng - an ninh, đối ngoại với phát triển văn
hóa và xây dựng con người. Vì thế, những năm gần đây, vai trò của văn hóa góp
phần vào sự phát triển bền vững đã và đang được khẳng định ngày càng rõ hơn.

3. Lĩnh vực y tế

Y tế đạt nhiều tiến bộ lớn khi mức sống ngày càng cải thiện. Tỉ suất tử vong ở
trẻ sơ sinh giảm từ 32,6 năm 1993 xuống còn 16,7 năm 2020 (trên 1.000 trẻ
sinh). Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 năm 1990 lên 75,4 năm 2019, cao nhất
giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương. Chỉ số bao phủ
chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn trung bình khu vực và trung bình thế
giới. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2021, toàn quốc
có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH (chiếm 32% lực lượng lao động).
Trong đó có hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; gần 1,2 triệu người
tham gia BHXH tự nguyện; hơn 13 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp;
hơn 85 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 87,1% dân số).  

4. Lĩnh vực đời sống - xã hội 

“Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704. Với kết
quả này Việt Nam đã lọt vào danh sách các nước phát triển con người cao và
được xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ”. Chỉ số phát triển con người
vừa thể hiện tính nhân văn, vừa là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của
con người trên các phương diện: sức khỏe, tri thức và thu nhập. HDI giúp tạo ra
một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia, dựa vào năm tiêu chí:
1) con người là trung tâm của sự phát triển; 2) người dân là mục tiêu của sự phát
triển; 3) việc nâng cao vị thế của người dân (bao gồm cả sự hưởng thụ và cống
hiến); 4) chú trọng việc tạo lập sự bình đẳng cho người dân về mọi mặt (thí dụ
như tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch,...); 5) tạo cơ hội để lựa chọn tốt nhất
cho người dân về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa...”.

5. Lĩnh vực hoạt động đối ngoại 

Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về
hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã
gia nhập WTO, thiết lập được 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn
diện; có quan hệ ngoại giao, kinh tế với 190/200 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các
tổ chức quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các tổ
chức của Liên hợp quốc... đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và
vai trò ngày càng cao ở khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu
vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam
đã hoàn thành tốt cùng lúc cả ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Có thể khẳng
định, Việt Nam đã thực sự chủ động, tích cực tham gia hội nhập quốc tế với một
vị thế mới, bắt kịp với xu thế của thời đại. 

*Kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng

1. Về xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và cán bộ

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn
diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán
bộ; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của
Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống
chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng,
thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Nhà nước và
hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát
chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”,
tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất,
năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của
cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu,
nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương.

2. Về dân

Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc,
thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và
phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung
tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ
trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích
chính đáng của nhân dân. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào
nhân dân để xây dựng Đảng, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu
phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà
nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

3. Về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm
chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có
bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã
hội; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn
liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của hệ thống chính trị, giữ vững kỷ cương;
coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; thực hiện tốt sự phối, kết hợp
trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo
đột phá để phát triển.

4. Về thể chế và giải quyết các mối quan hệ

Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa
giữa kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới
chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm
định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa,
con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa
phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ
với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả
vai trò của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước.

5. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại


Chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không
được để bị động, bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình,
ổn định an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập
quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự
cường. Xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng
giềng; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Phát huy hiệu quả sức mạnh
tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có
hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất
nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sau 37 năm, chúng ta không chỉ đạt được thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch
sử, mà còn tiếp tục đẩy mạnh và phát triển với các nguồn lực phong phú. Hành
trình đổi mới với sự hài hòa giữa ý Ðảng với lòng dân đã và đang kết hợp cả ba
yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ðó là động lực lớn nhất, yếu tố cơ bản nhất
tạo nên thành công của sự nghiệp cao cả là xây dựng một Việt Nam dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Tài liệu tham khảo: 

Trung tướng Lương Đinh Hồng (2021). Thành tựu của công cuộc đổi mới tạo
niềm tin vững chắc. Truy cập lúc 18:47 ngày 19/03/2023 tại   
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/gia-tri-va-diem-moi-cua-nhung-bai-
hoc-kinh-nghiem-651482 

PGS, TS Nguyễn Viết Thông (2021). Giá trị và điểm mới của những bài học
kinh nghiệm. Truy cập lúc 21:47 ngày 19/03/2023 tại 
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/gia-tri-va-diem-moi-cua-nhung-bai-
hoc-kinh-nghiem-651482

GS. TS. Vũ Văn Hiền (2021). Ðánh giá tổng quát và bài học kinh nghiệm qua
35 năm đổi mới.  Truy cập lúc 20:47 ngày 19/03/2023 tại              
https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/danh-gia-tong-
quat-va-bai-hoc-kinh-nghiem-qua-35-nam-doi-moi-131519 

You might also like