You are on page 1of 11

NHÓM 8

SỰ HIỂU BIẾT TÀI CHÍNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH


ĐẦU TƯ TƯ NHÂN TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

1. Tổng quan nghiên cứu


1.1. Nghiên cứu trong nước

Nguyễn Thị Mai Hương và cộng sự (2022) đã nghiên cứu về “Các nhân tố ảnh
hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư các nhân mới trên thị
trường chứng khoán Việt Nam”. Bài nghiên cứu thông qua thu thập số liệu khảo sát
từ 183 nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và ứng dụng
mô hình hồi quy đa biến, nghiên cứu đã xác định được các nhân tố: Thông tin thị
trường, Sự tự tin của cá nhân, Ý kiến của nhân viên tư vấn và Kết quả phân tích kỹ
thuật có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư mới trên thị
trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, sự tự tin cá nhân hay kết quả phân tích kỹ
thuật xuất phát từ kiến thức và tâm lý của nhà đầu tư, cần tìm hiểu thêm kiến thức về
kinh tế, tài chính, phương pháp đầu tư chứng khoán hiệu quả. Kết quả này cho thấy sự
hiểu biết về kiến thức tài chính có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tư nhân trên thị
trường chứng khoán. Bên cạnh những đóng góp, nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế.
Quyết định đầu tư chứng khoán còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện cá nhân như thu
nhập nhưng bài nghiên cứu vẫn chưa đề cập đến. Bên cạnh đó, tác giả chưa đưa ra
được các giải pháp để giúp các nhà đầu tư cá nhân đầu tư chứng khoán một cách hiệu
quả mà chỉ mới đề xuất một số giải pháp với các đơn vị quản lý thị trường chứng
khoán Việt Nam. Qua bài nghiên cứu, một số giải pháp được tác giả đưa ra như Nhà
đầu tư cá nhân mới nên tìm hiểu các khóa học hoặc tự nghiên cứu trau dồi thêm kiến
thức và cải thiện tâm lý vững vàng nhưng không quá tự tin trong quá trình đầu tư,
luôn có tâm thế phòng ngừa rủi ro và quản trị danh mục.

Tác giả Đỗ Hồng Nhung và Nguyễn Ngọc Hải Châu (2021) đã nghiên cứu về “Ảnh
hưởng của hiểu biết tài chính tới sự phát triển của Fintech ở Việt Nam”. Mục tiêu
là mối quan hệ giữa hiểu biết tài chính và ý định sử dụng các sản phẩm Fintech tại thị
trường Việt Nam, giúp người sử dụng xem xét, đánh giá và sử dụng các dịch vụ
Fintech vào đúng mục đích, thu được lợi ích; từ đó thúc đẩy phát triển đa dạng hoá các
dịch vụ Fintech, đặc biệt là ở khu vực Hà Nội và Việt Nam. Trong bài nghiên cứu, tác
giả sử dụng phương pháp định tính cũng như áp dụng linh hoạt mô hình chấp nhận
công nghệ (“Technology Acceptance Model” -TAM) và mô hình lý thuyết hành động
hợp lý (Theory of Reasoned Action-TRA) để làm rõ tình hình số liệu. Từ đó, bài
nghiên cứu đã rút ra những kết quả khác nhau. Đầu tiên đó là cho thấy thực trạng sử
dụng dịch vụ Fintech và thực trạng về hiểu biết tài chính của người dân trên địa bàn
Hà Nội để có thể kết luận rằng hiểu biết tài chính có vai trò và tầm quan trọng tới sự
phát triển của hệ thống tài chính và nền kinh tế. Sau đó tác giả đánh giá tác động của
hiểu biết tài chính đến sự phát triển của Fintech và rút ra kết luận rằng khi người dân
có kiến thức cần thiết về tài chính, có những hành vi và thái độ tích cực khi đưa ra
những quyết định về tài chính, sẽ có xu hướng tiếp cận đến các dịch vụ Fintech hơn.
Cuối cùng, bài nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường
tác động tích cực của hiểu biết tài chính tới sự phát triển của Fintech.

Nghiên cứu “Các nhân tố tác động tới ý định đầu tư chứng khoán phái sinh của
nhà đầu tư cá nhân: Trường hợp nghiên cứu tại Việt Nam” (2020) của PGS.TS
Phan Trần Trung Dũng đã chú trọng đến việc đánh giá các nhân tố quyết định tới ý
định hành vi tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh của các nhà đầu tư cá nhân trên
thị trường Việt Nam, giúp đưa ra những hiểu biết về động cơ, nhân tố thúc đẩy ý định
của nhà đầu tư, từ đó có thể đưa ra những biện pháp ứng xử, quản lý phù hợp. Trong
nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp PLS-SEM để đánh giá mối quan hệ giữa
các biến ban đầu của Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) là Thái độ, Chuẩn xã hội,
Nhận thức kiểm soát hành vi, cùng với các biến được mở rộng là Kinh nghiệm quá
khứ, Nhận thức rủi ro và Thông hiểu tài chính để giải thích ý định hành vi đầu tư
chứng khoán phái sinh tại Việt Nam. Bài viết cũng sử dụng phương pháp PLS-MGA
để đánh giá tác động của yếu tố nhân khẩu học Thu nhập tới sự khác biệt trong mối
quan hệ giữa các biến tiềm ẩn. Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết các biến trừ
Chuẩn xã hội đều có tác động có ý nghĩa thống kê tới ý định hành vi và phân tích
MGA cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong tác động của thông hiểu tài
chính giữa nhóm thu nhập cao và thu nhập thấp. Trong đó, Thông hiểu tài chính đem
lại hàm ý nghiên cứu về việc cần nâng cao mức độ thông hiểu tài chính để tăng cường
ý định đầu tư chứng khoán phái sinh ở các nhà đầu tư cá nhân tiềm năng. Nghiên cứu
cũng giới thiệu và gợi ý cho việc nghiên cứu về một vài biến tiềm ẩn khác trong tương
lai và mở rộng nghiên cứu thông qua việc đo lường Thông hiểu tài chính bằng cả 2
phương pháp.

Nguyễn Phương Anh (2021) đã nghiên cứu về “Hiệu quả hoạt động kinh doanh và
thực trạng của các công ty chứng khoán thành viên sở giao dịch chứng khoán tại
việt nam”. Bài nghiên cứu đã hệ thống hoá cơ sở lý luận về hiệu quả hoạt động kinh
doanh của công ty chứng khoán, đưa ra đánh giá về thực trạng của các công ty chứng
khoán thành viên Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam và nghiên cứu các yếu tố
ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán giai đoạn 2013-2019.
Nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp nghiên cứu thực tiễn dựa trên các số liệu
thực tế từ các công ty chứng khoán tại Việt Nam kết hợp với phương pháp nghiên cứu
định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thường sử dụng phương pháp phân tích dữ
liệu bảng truyền thống như hồi quy, sử dụng các mô hình nghiên cứu, từ đó tạo căn cứ
lựa chọn phương pháp nghiên cứu, mô hình và các biến nghiên cứu sao cho phù hợp
nhất với đặc thù của các CTCK. Tuy nhiên, chưa có công trình khoa học nào nghiên
cứu về hiệu quả hoạt động kinh doanh của CTCK thành viên Sở giao dịch chứng
khoán tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2019. Do đó sinh ra khoảng trống nghiên
cứu trong giai đoạn này. Bài nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp như Nâng
cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hệ thống công nghệ hiện
đại, năng lực quản trị rủi ro, tái cấu trúc công ty chứng khoán cho phù hợp với điều
kiện phát triển từng giai đoạn, nâng cao năng lực quản trị điều hành.

Bài báo "Tác động của quyết định tài chính tới rủi ro tài chính của các DN niêm
yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam" trên trang web
thitruongtaichinhtiente.vn nhằm mục đích tìm hiểu tác động của quyết định tài chính
đến rủi ro tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt
Nam. Để đạt được mục tiêu này, tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích
tương quan giữa các biến. Bài báo sử dụng dữ liệu từ 100 doanh nghiệp niêm yết trên
sàn HoSE trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019. Tác giả sử dụng các chỉ số tài
chính như ROA, ROE, TĐT, TDSG, các chỉ số rủi ro tài chính như WACC,
EBITDA/TOAN, nợ vay/VCP và các quyết định tài chính như cổ tức, mua lại cổ
phiếu, phát hành cổ phiếu để đo lường tác động của quyết định tài chính đến rủi ro tài
chính của các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các quyết định tài chính có
tác động đến rủi ro tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng
khoán Việt Nam. Các quyết định như tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu mới, tăng
cường quản lý nợ xấu, tăng tỷ lệ trả cổ tức sẽ giúp giảm rủi ro tài chính của doanh
nghiệp. Tuy nhiên, việc mua lại cổ phiếu với giá cao hoặc trả lãi suất cao đều có tác
động tiêu cực đến rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài nghiên cứu này
còn một số hạn chế, bao gồm sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính, chỉ sử dụng dữ liệu
của các DN niêm yết trên sàn HOSE và không xem xét đến tác động của các yếu tố
bên ngoài như biến động thị trường. Để cải thiện, nghiên cứu có thể sử dụng các
phương pháp mô hình khác nhau để kiểm tra tính đúng đắn của kết quả, sử dụng dữ
liệu của nhiều sàn giao dịch khác nhau và đưa vào một số biến bên ngoài khác để phân
tích chi tiết hơn.

Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Diệp (2011) đã nghiên cứu về “Các yếu tố tài chính ảnh
hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân tại sàn giao dịch Thành
phố Hồ Chí Minh”. Mục đích của nghiên cứu này là xác định các yếu tố tài chính ảnh
hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân tại sàn giao dịch thành phố Hồ
Chí Minh, bằng cách sử dụng mô hình Binary Logistics, từ kết quả thu được đề xuất
một số gợi ý đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân và cả doanh nghiệp. Nghiên cứu này
cho thấy có nhiều yếu tố tác động đến nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng
khoán, ngoài tâm lý thì tài chính cũng là yếu tố chủ chốt. Phát hiện chính của nghiên
cứu là yếu tố tỷ lệ cổ tức có ảnh hưởng cao nhất đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư
cá nhân, sau đó là yếu tố thu nhập kỳ vọng, chính sách cổ tức, thị giá cổ phiếu. Bài
nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để nghiên cứu
yếu tố tài chính có ảnh hưởng như thế nào đối các nhà đầu tư dựa trên cơ sở lý thuyết
nền tảng là lý thuyết tài chính hành vi của Victor Ricciardi & Helen K.Simon, kết hợp
với nghiên cứu của Robert A. Nagy.

Bài nghiên cứu “Ảnh hưởng của chất lượng báo cáo tài chính và những vấn đề
công bố thông tin tài chính đến quyết định của nhà đầu tư tại các công ty niêm
yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” của tác giả Trần Hoàng Sỹ (2022) đã
cung cấp cho nhà đầu tư góc nhìn đa chiều, tổng quát để đánh giá một cách tin cậy
hơn về chất lượng báo cáo tài chính và công bố thông tin tài chính, từ đó giúp nhà đầu
tư dễ dàng đưa ra quyết định hơn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng nhu
cầu của người sử dụng thông tin, giảm thiểu bất cân xứng thông tin. Nghiên cứu thu
thập dữ liệu báo cáo thường niên của 610 công ty niêm yết trên Thị trường chứng
khoán Việt Nam giai đoạn 2015- 2020 (hai sàn HOSE và HNX ) và sử dụng các mô
hình hồi quy sử dụng dữ liệu bảng là Pooled OLS Regression Model, Fixed
Regression Model Effects (FEM) và Mô hình hồi quy hiệu ứng ngẫu nhiên (REM). Để
lựa chọn giữa REM, Pooled-OLS, tác giả đã sử dụng kiểm định Hausman (1978). Kết
quả cho thấy bằng cách kết hợp khung lý thuyết, lý thuyết đại diện và lý thuyết bất đối
xứng thông tin, nghiên cứu này cho thấy tác động của chất lượng báo cáo tài chính và
công bố thông tin đến việc đưa ra quyết định của nhà đầu tư. Dựa trên tác động của
chất lượng báo cáo tài chính, các quyết định đầu tư được đưa ra đối với các loại hình
doanh nghiệp theo quy mô từ góc độ của các nhà đầu tư bên ngoài. Và theo số liệu của
Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, thông tin tài chính được công bố cho đại đa số
các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam.

Nghiên cứu “Tác động của các yếu tố hành vi đến quyết định và hiệu quả đầu tư
của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán TPHCM” (2020) của tác giả
Võ Thị Hiếu, Bùi Hữu Phước và Bùi Nhất Vương trên tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật chỉ
ra rằng những nhà đầu tư nam có kinh nghiệm đầu tư có khuynh hướng thu được hiệu
quả đầu tư cao hơn những nhà đầu tư nữ ít kinh nghiệm, và những nhà đầu tư càng lớn
tuổi có khuynh hướng đầu tư ít hiệu quả hơn các nhà đầu tư trẻ tuổi. Với phương pháp
phân tích hồi quy bội sử dụng phần mền SPSS 20.0 và phân tích tương quan, nghiên
cứu đã cho thấy rằng hiệu ứng mỏ neo, sự quá tự tin, khuynh hướng sẵn có, hiệu ứng
đám đông, tình huống điển hình đã ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư. Tuy
nhiên những yếu tố này lại làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó,
ta thấy nam giới có xu hướng tham gia thị trường chứng khoán nhiều hơn nữ giới và
các nhà đầu tư cá nhân có độ tuổi khá trẻ tập trung vào khoảng 26 – 35 tuổi. Tuy
nhiên, nghiên cứu còn một số hạn chế như kết quả mang tính đại diện chưa cao, chỉ
tập trung khảo sát các nhà đầu tư đề xuất, chỉ giải thích được 63,3% quyết định đầu tư
của 5 biến tài chính hành vi. Vì vậy, nghiên cứu tiếp theo cần sử dụng mẫu xác suất để
tăng tính đại diện, mở rộng các nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường và cần nghiên
cứu sâu hơn để tìm ra một số yếu tố tài chính hành vi khác ảnh hưởng đến quyết định
đầu tư.

Bài nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định đầu tư chứng khoán của nhà
đầu tư cá nhân tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19” (2022) của các tác
giả Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Hương Giang, Nguyễn Kim Anh, Đỗ Diệu Linh,
Trịnh Thành Đạt, và Mai Trung Hiếu đã phân tích ảnh hưởng của 8 nhân tố khác nhau
trong đó có Kiến thức tài chính đến quyết định đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư
cá nhân tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid - 19. Tổng thể nghiên cứu được
xác định là là tất cả những cá nhân quan tâm và có ý định đầu tư vào thị trường, hiện
đang sinh sống tại Việt Nam. Thông qua phương pháp lấy mẫu thuận tiện bằng bảng
câu hỏi trực tuyến với quy mô 600 phần tử, các tác giả đã thu thập được dữ liệu của
525 cá nhân có quan tâm. Mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) đã được sử dụng để
kiểm định các giả thuyết. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trong bối cảnh đại dịch,
những nhà đầu tư càng có kiến thức tài chính tốt lại càng không có ý định đầu tư, có
thể vì nhận thấy được sự rủi ro rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm
trọng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ tập trung vào nhóm đối
tượng là những cá nhân có quan tâm và ý định đầu tư. Do đó, nên tìm hiểu sâu hơn về
ý định đầu tư của những cá nhân đã đầu tư chứng khoán trong bối cảnh đại dịch, cũng
như nghiên cứu sâu hơn hành vi đầu tư thực tế của các nhà đầu tư cá nhân.

1.2. Nghiên cứu ngoài nước


Kashif Arif (2015) đã nghiên cứu về “Financial Literacy and other Factors
Influencing Individuals’ Investment Decision: Evidence from a Developing
Economy (Pakistan)”. Với mục đích kiểm tra mức độ hiểu biết về tài chính của các
nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán ở Pakistan và xem xét mối quan hệ
giữa hiểu biết tài chính và ảnh hưởng của các yếu tố khác. Bài nghiên cứu đã đưa ra 3
giả thuyết: Kiến thức tài chính của các nhà đầu tư Pakistan thấp hơn nhiều so với cần
thiết; Tuổi tác, giới tính, công việc, hoạt động nơi làm việc và trình độ học vấn ảnh
hưởng đến hiểu biết tài chính; Mối quan hệ giữa hiểu biết tài chính và quyết định đầu
tư. Các kết quả chỉ ra rằng sự hiểu biết về tài chính của các nhà đầu tư ở Pakistan
dưới mức trung bình. Có sự khác biệt về kiến ​thức tài chính giữa tuổi tác, giới tính,
hoạt động công việc và tình trạng hôn nhân. Cuối cùng, kết quả chỉ ra rằng có một tác
động tiêu cực đáng kể của hiểu biết về tài chính đối với tổng các nhân tố đầu tư. Yếu
tố ảnh hưởng lớn nhất là điều kiện tài chính và tình trạng công ty trong ngành công
nghiệp. Tuy nhiên bài nghiên cứu này vẫn còn rất nhiều lỗ hỏng. Thứ nhất, phạm vi
nghiên cứu chỉ giới hạn ở Sở giao dịch chứng khoán Karachi tại Pakistan với một mẫu
nhỏ. Thứ hai, Tác giả chỉ mới tập trung nghiên cứu về các yếu tố cá nhân như độ tuổi,
giới tính, trình độ học vấn,... mà chưa nghiên cứu các khía cạnh khác như thị trường
chứng khoán, yếu tố bên ngoài. Qua đó, tác giả đã đề ra một số giải pháp: Các bài
nghiên cứu trong tương lai có thể tiến hành khảo sát rộng hơn đối với toàn bộ công
dân Pakistan và mở rộng hơn đối với các thị trường chứng khoán của Pakistan chứ
không chỉ ở phạm vi một sở giao dịch chứng khoán Karachi.

Tác giả Yoshihiko Kadoya, Mostafa Saidur Rahis Khan và Naheed Rabbani đã thực
hiện một nghiên cứu về “Kiến thức tài chính có ảnh hưởng đến việc tham gia thị
trường chứng khoán không?” vào năm 2017. Mục tiêu của nghiên cứu này là kiểm
tra xem liệu hiểu biết về tài chính có ảnh hưởng đến lượng tham gia chứng khoán ở thị
trường Nhật Bản hay không sau khi kiểm soát trước đó các yếu tố đã biết. Tác giả sử
dụng kết hợp các mô hình hồi quy và phương pháp định tính, định lượng để rút ra kết
quả rằng hiểu biết về tài chính ảnh hưởng đáng kể, tác động đến đầu tư vào các tài
sản. Kết quả là sự hiểu biết tài chính có ảnh hưởng trong việc tham gia thị trường
chứng khoán sau khi kiểm soát các tác động bên ngoài như đặc điểm nhân khẩu học,
giới tính, trình trạng hôn nhân, độ tuổi, …Tuy nhiên, vì khảo sát trên diện lớn là Nhật
Bản nên số liệu còn lớn, không cụ thể và xét tới quá nhiều yếu tố bên ngoài.

Nghiên cứu “Ảnh hưởng của thái độ tài chính, hành vi tài chính, kiến thức tài
chính và các yếu tố nhân khẩu học đến hành vi quyết định đầu tư tài chính cá
nhân” (2021) của Wangi và Baskara được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của
thái độ tài chính, hành vi tài chính, kiến thức tài chính và các yếu tố nhân khẩu học xã
hội đối với quyết định đầu tư cá nhân. Các đối tượng được đề cập là tất cả những
người sống ở Thành phố Denpasar đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua BNI
Sekuritas. Trong nghiên cứu này, mẫu được lấy bởi phương pháp lấy mẫu phi xác suất,
cụ thể là lấy mẫu có mục đích nên mẫu trong nghiên cứu này là 200 người. Các kỹ
thuật phân tích dữ liệu sử dụng nhiều kỹ thuật phân tích hồi quy tuyến tính. Kết quả
cho thấy tài chính thái độ, hành vi tài chính, kiến thức tài chính và các yếu tố nhân
khẩu xã hội có tác động tích cực đến hành vi quyết định đầu tư cá nhân, trong đó, trình
độ hiểu biết về tài chính là yếu tố chi phối mạnh nhất ở nhận thức của người đầu tư.
Công chúng cần nhận ra rằng tầm quan trọng của thái độ tài chính, hành vi tài chính
và kiến thức tài chính trong việc quản lý quỹ bởi vì những yếu tố này là những yếu tố
chính trong thực hiện một khoản đầu tư sẽ hữu ích trong tương lai. Tuy nhiên nghiên
cứu vẫn chưa bao quát được hết các biến mang tính chất kinh nghiệm và dựa trên hành
vi có thể xảy ra, một trong số đó có thể là sự đáp ứng về mặt tài chính.

Bài nghiên cứu "Financial Literacy and Stock Market Participation"(2011) được
thực hiện bởi tác giả Annamaria Lusardi và được đăng trên trang web của National
Bureau of Economic Research. Nghiên cứu này tập trung vào mối quan hệ giữa sự
hiểu biết về tài chính và việc tham gia vào thị trường chứng khoán. Trong nghiên cứu
này, tác giả đã sử dụng dữ liệu từ Bảng khảo sát Phát triển tài chính quốc tế để phân
tích mối liên hệ giữa sự hiểu biết về tài chính và việc đầu tư vào thị trường chứng
khoán. Các kết quả cho thấy rằng sự hiểu biết về tài chính có ảnh hưởng tích cực đến
việc tham gia vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, bài nghiên cứu cũng có một số
hạn chế. Trong đó, một số đặc điểm cá nhân khác như thu nhập, tuổi tác và giới tính
có thể ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào thị trường chứng khoán nhưng không
được xem xét trong nghiên cứu này. Hơn nữa, bài nghiên cứu chỉ tập trung vào sự hiểu
biết về tài chính và không đề cập đến các yếu tố khác như tâm lý học hay tình hình thị
trường cụ thể. Để giải quyết các hạn chế của nghiên cứu này, có thể tiến hành một
nghiên cứu chi tiết hơn về mối liên hệ giữa sự hiểu biết về tài chính và quyết định đầu
tư vào thị trường chứng khoán, bao gồm cả các yếu tố cá nhân khác nhau như thu
nhập, tuổi tác và giới tính. Nghiên cứu cũng có thể mở rộng phạm vi để xem xét các
yếu tố tâm lý học và tình hình thị trường cụ thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của
các nhà đầu tư.

Hassan Alaaraj và Ahmed Bakri (2020) đã nghiên cứu về “The Effect of Financial
Literacy on Investment Decision Making in Southern Lebanon”. Bài nghiên cứu
này cho thấy rằng kiến thức về tài chính sẽ là yếu tố then chốt để một nhà đầu tư có
thể xuống tiền thông minh ngay trên sàn chứng khoán. Nghiên cứu này sử dụng
phương pháp định lượng với phương pháp mô tả và kiểm định. Phương pháp thu thập
dữ liệu trong nghiên cứu này là sử dụng phương pháp khảo sát trong đó mẫu và dân số
được thực hiện thông qua một bảng câu hỏi để thu thập dữ liệu. Nghiên cứu này là để
xác định, khám phá và phân tích kiến thức tài chính trong việc xác định các quyết định
đầu tư. Từ đó chỉ ra kiến thức tài chính phù hợp là yếu tố quan trọng để một cá nhân
quyết định đầu tư.

Francisco Jareño và Loredana Negrut, đến từ trường Đại học Castilla-La Mancha, Tây
Ban Nha đã nghiên cứu về “US Stock Market And Macroeconomic Factors”
(2016). Bài viết này nhằm phân tích mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán Mỹ và
một số yếu tố kinh tế vĩ mô liên quan của Mỹ như tổng sản phẩm quốc nội, chỉ số giá
tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất dài hạn. Bằng cách
sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết, quá trình nghiên cứu và phân
tích vấn đề được tổng hợp lại một cách ngắn gọn, cụ thể với nội dung và bám sát vào
các thống kê thực tế của thị trường chứng khoán. Từ đó, ta thấy được mối quan hệ
giữa sự phát triển của giá thị trường chứng khoán Mỹ và các tỉ lệ (thất nghiệp, lãi
suất…), mối quan hệ này ảnh hưởng tiêu-tích cực với nhau và việc giảm giá thị trường
chứng khoán của Mỹ có thể đi kèm với sự gia tăng trong biến số kinh tế.
Sadeq J. Abul tác giả của nghiên cứu “Factors influencing Individual Investor
Behaviour: Evidence from the Kuwait Stock Exchange” (2019). Nghiên cứu này
điều tra tác động của các yếu tố tâm lý đến hành vi của nhà đầu tư đối với Kuwait
Stock Exchange (KSE). Bằng việc sử dụng phương pháp phân tích định tính và dựa
trên lý thuyết tài chính hành vi, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hiệu ứng đám đông,
sự lạc quan và tâm lý rủi ro có tác động đến quyết định của các nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu này là mẫu chỉ dựa trên các nhà đầu tư cá nhân và
không bao gồm các công ty thể chế. Sẽ rất hữu ích nếu tiến hành nghiên cứu sâu hơn
sử dụng một mẫu lớn hơn và bao gồm tất cả các loại nhà đầu tư. Hơn nữa, phân tích
trong nghiên cứu này được thực hiện bằng cách sử dụng phân tích tỷ lệ phần trăm của
câu trả lời của người hỏi, tuy nhiên, phân tích này có thể hiệu quả hơn nếu nó bao gồm
các công cụ tiên tiến như xác suất và các phương pháp phi xác suất, phân tích nghiêm
ngặt và các công cụ thực nghiệm như phân tích tương quan và hồi quy giữa các yếu tố.

Bài nghiên cứu “The Correlation between Education Level and Understanding of
Financial Literacy and its Effect on Investment Decisions in Capital Markets”
của Mochammad Rizaldy Insan Baihaqqy, Disman, Nugraha và Maya Sari (2020).
Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm mô tả mối tương quan giữa trình độ học vấn,
cũng như những hiểu biết về tài chính của các nhà đầu tư và quyết định đầu tư của họ
trên thị trường vốn. Các yếu tố hiểu biết về tài chính có thể giúp một nhà đầu tư dự
đoán nên thực hiện khoản đầu tư nào và xác định các bước đầu tư để tạo lợi nhuận
trong tương lai. Nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp mô tả định lượng, dữ liệu
được thu thập bằng cách phân phát bảng câu hỏi cho 108 nhà đầu tư là thành viên của
PT Bursa Efek Indonesia. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phương pháp phân tích
mô tả, tương quan và ANOVA. Kết quả của nghiên cứu cho thấy có một mối tương
quan đáng kể giữa trình độ học vấn và kiến thức về tài chính của nhà đầu tư, cũng như
giữa sự hiểu biết về tài chính và quyết định lựa chọn loại hình đầu tư trên thị trường
vốn. Hiểu biết về tài chính là một công cụ hữu ích để đưa ra các quyết định tài chính
sáng suốt, nhận được phúc lợi khi đến tuổi làm việc, phân bố tài chính thích hợp, từ đó
ảnh hưởng tích cực đến quyết định đầu tư trên thị trường vốn.
Bài nghiên cứu “Do Financial Literacy and Technology Affect Intention to Invest
in the Capital Market in the Early Pandemic Period?” (2021) của tác giả Nabila
Na'ma Aisa được thực hiện để nghiên cứu về tác động của hai yếu tố Kiến thức tài
chính và Công nghệ đầu tư tự động đến ý định đầu tư vào thị trường vốn. Các nhà
nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trực tuyến bằng bảng câu hỏi với đối tượng là sinh
viên các trường đại học hoặc cao đẳng ở tỉnh Yogyakarta. Trong bài nghiên cứu,
phương pháp lấy mẫu thuận tiện với quy mô 500 mẫu đã được sử dụng và qua đó thu
thập được dữ liệu từ 384 người trả lời khi mẫu nhận được từ tháng 7 đến tháng 8 năm
2020. Các nhà nghiên cứu đã áp dụng mô hình hồi quy bội và điều chỉnh cho phù hợp
với các biến hiện tại. Nhìn chung, kết quả phân tích đã ủng hộ các lý thuyết và nghiên
cứu thực nghiệm trước đó cho rằng sự hiểu biết về tài chính có tác động tích cực và
đáng kể đến ý định đầu tư vào thị trường vốn. Tuy nhiên, dường như nền tảng kinh tế
và tài chính của những người được hỏi không đủ để thể hiện sự hiểu biết về tài chính
tốt. Do đó, nên tiến hành những nghiên cứu sâu hơn liên quan đến một khu vực mẫu
lớn hơn với các nguồn gốc và độ tuổi khác nhau.

You might also like