You are on page 1of 2

Họ và tên: Nguyễn Hằng Hà

Lớp: 10 Văn
Trường: Trung học Phổ thông Chuyên Hùng Vương

Điểm: Lời phê của thầy cô giáo:

Đề bài
Viết bài luận giới thiệu về một thể loại nghệ thuật truyền thống của Phú Thọ.
Bài làm:
 Trải qua hàng nghìn năm, từ những buổi đầu ra đời là hình thức nghi lễ hát thờ Vua đến
nay, hát Xoan đã trở thành di sản độc đáo và là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng
riêng của người dân Phú Thọ. Từ đời này sang đời khác, nhân dân tại các làng Xoan đã
gìn giữ, bảo tồn các giá trị đặc sắc, độc đáo của hát Xoan.
Hát xoan là di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho vùng Đất Tổ Hùng Vương. Là loại
hình dân ca nghi lễ, phong tục được biết đến với các tên gọi khác như hát cửa đình hay
“Khúc môn đình”. Hát Xoan là hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Ca nhạc, hát, múa phục vụ
nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng.
Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nghệ thuật hát Xoan chính thức xuất hiện từ thế kỷ
15 vào thời Hậu Lê. Bởi ca từ của Xoan rất giống với văn chương, phong cách sử dụng
ngôn từ của thời này với thể thất ngôn, vừa xen kẽ những câu 6 tiếng.
Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát
ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát
đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa
có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có
những giọng duyên dáng, trữ tình.

Trong hát Xoan, múa và hát luôn song hành với nhau, điệu múa được dùng để  minh họa
cho lời hát. Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có
tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Tiếp theo là
phần hát cách (còn gọi là quả cách). Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân
gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát
trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình
múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: Hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ,
gài huê, hát đúm, đánh cá... Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát
lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.
 
Ban đầu hát Xoan chủ yếu để biểu diễn trước bàn thờ để thần linh phù hộ. Nhưng với sự
phát triển mạnh mẽ không ngừng, chúng nhanh chóng mở ra các không gian lớn hơn tại
các sân đình, chùa với số lượng người tham gia rất lớn. Nội dung của các bài Xoan cũng
ngày càng trở nên phong phú hơn từ lối hát giao duyên nam nữ, phú, lý, ghẹo,… thêm cả
phần trò chơi để thu hút người tham gia diễn xướng. Giờ đây vào các buổi hát Xoan đầu
năm sẽ không chỉ có các nghệ nghệ nhân biểu diễn mà chính những khách đến thờ cúng
cũng có thể tham gia vào buổi hát Xoan.

Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban
liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali -
Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa
phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, từ thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn
Lang; 1.000 năm Bắc thuộc; thời đại phong kiến Việt Nam tự chủ; chế độ phong kiến suy
tàn; thời Pháp thuộc; đế quốc Mỹ xâm lược đến chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hát
Xoan vẫn tồn tại và đang hiện diện với nghệ thuật đặc sắc riêng biệt: Hát thờ Vua Hùng,
vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật tiêu biểu thời đại Hùng Vương; hát trước cửa đình và
hát vào mùa xuân; hát lễ và hát đám. Nét đặc sắc hơn cả của Hát Xoan là khi múa có hát
và ngược lại khi hát có múa trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da.
 

You might also like