You are on page 1of 4

BÀI 16

THUỐC ĐIỀU TRỊ THIẾU MÁU


Mục tiêu:
1. Trình bày được vai trò của sắt đối với cơ thể, dược động học, chỉ định,
chống chỉ định và tác dụng không mong muốn của sắt.
2. Kể được tên các thuốc sử dụng trong điều trị thiếu máu.
3. Nhận biết và hướng dẫn sử dụng được các thuốc có trong bài.

Nội dung chính:


1. Đại cương
1.1. Khái niệm thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu, huyết sắc tố hoặc cả
hai dưới mức bình thường so với người cùng tuổi và cùng giới khỏe mạnh.
1.2. Nguyên nhân thiếu máu
Có nhiều nguyên nhân: thiếu máu cấp tính (sau chấn thương, phẫu
thuật), thiếu máu mạn tính (loét dạ dày – tá tràng, nhiễm giun móc, suy tủy...)
2. Các thuốc điều trị thiếu máu
2.1. Sắt
2.1.1. Vai trò và nhu cầu của sắt với cơ thể
Sắt hàng ngày cung cấp cho cơ thể chủ yếu từ các thức ăn như: gan,
tim, trứng, thịt nạc, giá đậu, hoa quả.
Cơ thể người trưởng thành chứa khoảng 3 – 5 gam sắt, có trong hồng
cầu, cơ (myoglobulin), một số enzym và dự trữ trong một số mô như gan,
lách, tủy, xương...
Ở người bình thường, nhu cầu sắt hàng ngày khoảng 0,5 – 1 mg trong
24 giờ. Ở người hành kinh, nhu cầu sắt cao hơn khoảng 1 – 2 mg, khi mang
thai, nhu cầu sắt khoảng 5 – 6 mg trong 24 giờ.
Khi thiếu hụt sắt, cơ thể không chỉ có thay đổi sự tạo mầu, mà còn thay
đổi chức năng của nhiều enzym quan trọng. Do vậy, bổ sung sắt là biện pháp
rất quan trọng để điều trị thiếu máu nhược sắc.
2.1.2. Dược động học của sắt trong cơ thể
- Ở dạ dày: sắt từ nguồn thức ăn có thể ở dạng ion Fe 2+ hoặc Fe3+. Fe2+
được hấp thụ dễ dàng qua niêm mạc dạ dày, ruột; còn Fe 3+ sẽ kết hợp với
albumin niêm mạc đường tiêu hóa, nên không hấp thu được. Muốn hấp thu
được, Fe3+ phải được chuyển thành Fe2+ nhờ tác dụng của HCl ở dạ dày.
- Tại ruột: Fe2+ được gắn với một albumin ở tế bào niêm mạc ruột là
apoferritin để tạo thành ferritin đi vào máu. Apoferritin là chất mang sắt, có
nhiệm vụ đưa sắt vào máu xong quay trở lại niêm mạc ruột để vận chuyển
tiếp sắt. Khi cơ thể thiết sắt thì số lượng apoferritin tăng lên để làm nhiệm vụ
hấp thu sắt và ngược lại. Một số chất như vitamin C, protein có chứa nhóm –
SH làm Fe3+ chuyển thành Fe2+ dễ hấp thu, nhưng có một số chất cản trở sự
hấp thu như: phosphat, acid nucleic, acid phytic.
- Trong máu: ferritin giải phóng sắt và sắt được gắn với β –
glycoprotein, chất vận chuyển sắt đặc hiệu gọi là transferring. Thông qua
transferring, sắt được chuyển đến các mô như tủy xương, có một phần ở dạng
dự trữ còn một phần để tạo ra hồng cầu và các enzym.
- Trong mô: sắt đi vào trong tế bào nhờ transferrtin receptor ở màng tế
bào. Sắt được chuyển vào trong nội bào để tham gia cấu trúc của hem trong
hồng cầu, sắc tố trong cơ và cấu trúc các enzym... Khi lượng sắt trong cơ thể
tăng cao, thì số lượng transferritin receptor giảm xuống và tăng dạng dự trữ
sắt lên (ferritin) và tăng thải trừ sắt qua phân, mồ hôi và nước tiểu.
2.1.3. Chỉ định
- Cơ thể kém hấp thu sắt: Cắt đoạn dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày,
viêm ruột mạn...
- Thiếu máu nhược sắc do thiếu sắt: rong kinh, trĩ, giun móc.
- Người mang thai, thời kỳ cho con bú khi thiếu máu do thiếu sắt.
2.1.4. Chống chỉ định
- Mẫn cảm với sắt.
- Thiếu máu tan máu, nhiễm mô hemosiderin.
- Trẻ dưới 12 tuổi và người cao tuổi không được dùng viên sắt mà chỉ
dùng dạng siro hoặc thuốc giọt.
2.1.5. Tác dụng không mong muốn
- Khi dùng đường uống: kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa (lợm giọng,
buồn nôn, nôn...), táo bón.
- Dạng tiêm có thể gây nhức đầu, buồn nôn, nôn, sốt, đặc biệt khi tiêm
tĩnh mạch có thể gây shock kiểu phản vệ, cần phải tiêm tĩnh mạch chậm.
- Dùng sắt quá liều có thể gây tử vong. Khi có dấu hiệu ngộ độc: buồn
nôn, nôn, chảy máu dạ dày, tụt huyết áp cần định lượng sắt huyết thanh. Nếu
sắt huyết thanh cao (trên 500µg/100ml) thì dùng deferoxamin tiêm tĩnh mạch
liều tối đa không vượt quá 6g trong 24 giờ.
2.1.6. Chế phẩm và liều dùng
- Sắt gluconat (Gluconat ferreux, Cerrovon, Fergon) viên nén 0,3g.
- Sắt sulfat (Ferrosi sulfat, Feospan) viên nén bao phim, viên nang giải
phóng chậm 160mg, 200mg hoặc 325mg; dạng siro chứa 90mg sắt (II) sulfat
heptahydrat trong 5ml; thuốc giọt chứa 75mg sắt (II) sulfat heptahydrat trong
0,6ml dùng cho trẻ em. Ngoài ra, sắt (II) sulfat còn được dùng dưới dạng phối
hợp với acid folic, vitamin C, hỗn hợp vitamin B.
- Sắt oxalat (Feroxalat) viên nén 50mg.
Liều dùng trung bình cho người lớn 200mg/ ngày, hoặc 2 – 3mg/ kg/ 24
giờ.
Uống sau bữa ăn. Không dùng thuốc kèm với nước chè, các chất kiềm
và khi suy gan, suy thận.
- Sắt dextran, ống 100mg sắt (II)/2ml, ống 50mg sắt (II) trong 10ml.
Dùng tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm 1 – 2 ống/ ngày.
2.2. Vitamin B12
Xem bài vitamin
2.3. Acid folic
Xem bài vitamin
2.4. Các thuốc chống thiếu máu khác
2.4.1. Erythropoietin
Chủ yếu do tế bào cạnh cầu thận tiết ra có tác dụng kích thích tủy
xương sinh sản hồng cầu. Thuốc thường được dùng trong các trường hợp
thiếu máu do viêm thận, do tổn thương tủy xương hoặc do thiếu sắt. Ngoài ra
còn được dùng trong thiếu máu do AIDS, hỗ trợ điều trị thiếu máu do mất
máu sau phẫu thuật và do dùng thuốc chống ung thư.
Chế phẩm: epoetinalpha (Epogen, Eprex) lọ 2000, 4000 và 10000 IU.
Tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da 50 – 100 IU/ kg/ 24 giờ.
Ngoài ra còn có: đồng, cobalt clorid, vitamin B6, vitamin B2.
3. Nhận biết và hướng dẫn sử dụng các thuốc có trong bài
3.1. Sắt gluconat (Gluconat ferreux, Cerrovon, Fergon)
- Viên nén 0,3g.
3.2. Sắt sulfat (Ferrosi sulfat, Feospan)
- Viên nén bao phim, viên nang giải phóng chậm 160mg, 200mg hoặc
325mg;
- Siro 90mg sắt (II) sulfat heptahydrat/ 5ml;
- Thuốc giọt 75mg sắt (II) sulfat heptahydrat/ 0,6ml.
3.3. Sắt oxalat (Feroxalat)
- Viên nén 50mg.
3.4. Sắt dextran
- Ống 100mg sắt (II)/2ml, ống 50mg sắt (II) trong 10ml.
Tự lượng giá:
1. Trình bày vai trò của sắt đối với cơ thể, dược động học, chỉ định, chống chỉ
định và tác dụng không mong muốn, chế phẩm và liều dùng của sắt?
2. Kể tên các thuốc sử dụng trong điều trị thiếu máu đã học?
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế: Dược lý, tập I, tập II, NXB Y học, Hà Nội, 2014.
2. Đại học Y Hà Nội: Dược lý học, NXB Y học, Hà Nội, 2012.
3. Đại học Dược Hà Nội: Dược lâm sàng đại cương, NXB Y học, Hà Nội,
2014.
4. Đại học Dược Hà Nội: Dược lâm sàng điều trị, NXB Y học, Hà Nội, 2014.
5. Bộ Y tế: Thuốc và biệt dược, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2010
6. Bộ Y tế: Dược thư quốc gia, NXB Y học, Hà Nội, 2002.

You might also like