You are on page 1of 19

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN


KHOA MÔI TRƯỜNG
--------

TIỂU LUẬN HỌC PHẦN


QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Giảng viên giảng dạy: TS. Đào Văn Hiền


TS. Lương Mai Ly
Sinh viên: Nguyễn Đình Phú
Lớp: K63 Công nghệ kỹ thuật môi trường

Hà Nội 2021
LỜI CẢM ƠN
Em xin phép được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Đào Văn Hiền
và TS. Lưu Mai Ly đã tạo điều kiện cho em thực hiện bài tiểu luận này.
Qua quá trình tìm hiểu và thực hiện bài tiểu luận em đã tìm hiểu được thêm
nhiều kiến thức về quản lý môi trường, biết được những ví dụ thực tế về áp
dụng quản lý môi trường trong đời sống.
Liên hệ chặt chẽ với kiến thức học được thông qua những bài học
các thầy cô giảng dạy, em đã phần nào hiểu hơn các lý thuyết trong môn
học và cách vận hành của môn học trong thực tế đời sống. Xin chân thành
cảm ơn thầy và cô đã luôn nhiệt huyết trong từng buổi học để truyền đạt
cho lớp những kiến thức cần thiết nhất.
Lời cuối cùng em xin chúc thầy và cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và
thành công trong sự nghiệp giảng dạy của mình!

CÂU HỎI VÀ BÀI LÀM


Câu 1: Trình bày một/các vấn đề môi trường ở nơi em đang sinh
sống (cấp xã phường hoặc quận huyện), các giải pháp QLMT đang
được áp dụng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả
QLMT đối với (các) vấn đề nêu trên.
1. Giới thiệu tổng quan chung về địa phương (Quận Long Biên, thành
phố Hà Nội).
- Vị trí địa lý: Quận Long Biên là một quận nằm ở phía đông của thành
phố Hà Nội, trải dọc theo bờ sông Hồng.
 Phía tây giáp quận Tây Hồ, quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm và
quận Hai Bà Trưng với ranh giới tự nhiên là sông Hồng.
 Phía đông và phía nam giáp huyện Gia Lâm với ranh giới là sông
Đuống và quốc lộ 1A mới.
 Phía bắc giáp huyện Đông Anh với ranh giới là sông Đuống.
 Phía nam giáp quận Hoàng Mai với ranh giới là sông Hồng.
- Điều kiện tự nhiên: Quận được bao quanh bởi 2 con sống lớn là sông
Hồng và sông Đuống, ngoài ra còn có sông Nghĩa Trụ (một nhánh của sông
Hồng) với sông Cầu Bây chảy qua.
- Đơn vị hành chính: Quận gồm 14 phường: Ngọc Lâm, Gia Thụy, Bồ
Đề, Cự Khối, Đức Giang, Giang Biên, Long Biên, Ngọc Thụy, Thạch Bàn,
Phúc Lợi, Sài Đồng, Thượng Thanh, Việt Hưng, Phúc Đồng.
- Kinh tế xã hội:
Quận Long Biên chính thức được thành lập theo Nghị Định 132/2003
NĐ-CP và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004.
Từ khi thành lập đến nay, quận Long Biên luôn duy trì tốc độ tăng
trưởng kinh tế bình quân từ 15-21%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành
kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ. Tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm
73,39%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 26,5%; ngành nông nghiệp
chiếm 0,11%. Số doanh nghiệp trên địa bàn tăng gấp 13 lần so ngày đầu
thành lập. Thu ngân sách tăng gấp 46,6 lần (năm 2004 thu ngân sách đạt
237,4 tỷ đồng; đến năm 2020 đạt 11.072 tỷ đồng). Năm 2020, mặc dù bị ảnh
hưởng của đại dịch Covid-19, quận Long Biên vẫn hoàn thành toàn diện 16
chỉ tiêu, trong đó có chín chỉ tiêu vượt so với kế hoạch (nguồn: Báo Nhân
Dân).
Là quận đi đầu về phát triển hạ tầng, năm 2019, Long Biên tiếp tục đẩy
mạnh công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn. Trong đó, quận đã tổ chức khởi
công 35/35 dự án, hoàn thành đưa vào sử dụng 28/28 dự án, phê duyệt kế
hoạch đấu thầu 36/36 dự án. Đặc biệt, Long Biên đã tổ chức thành công 16
phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại 13 dự án. Giá trị trúng đấu giá đạt 1.088
tỷ đồng. Về giáo dục, quận đã hoàn thành 13/13 chỉ tiêu công tác thi đua năm
học 2018 - 2019, trong đó 12 chỉ tiêu được đánh giá xuất sắc; được Chủ tịch
UBND thành phố tặng cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua”. Trong
khi đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 92,26% (vượt 4,06% so với
kế hoạch giao). Quận cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu về phòng chống suy
dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi (6,0%). 14/14 phường tiếp tục duy trì đạt chuẩn
quốc gia về y tế (nguồn: Báo Hà Nội Mới)
Trên địa bàn quận có nhiều khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài
như khu công nghiệp kỹ thuật cao Sài Đồng B, khu công nghiệp Sài Đồng A,
khu công nghiệp Đài Tư.
2. Vấn đề môi trường tại địa phương (Ô nhiễm sông Cầu Bây).
Với sự phát triển kinh tế, hoạt động của các khu công nghiệp và gia
tăng dân số thì vấn đề môi trường tại địa bàn quận Long Biên đang ngày càng
đáng quan tâm hơn bao giờ hết. Điều kiện tự nhiên có nhiều con sông chảy
qua, trong đó có sông Cầu Bây chảy trong lòng quận Long Biên đang phải
hứng chịu ô nhiễm trầm trọng do là nơi chứa nước thải sinh hoạt trực tiếp của
hầu hết các hộ dân cư nằm cạnh dòng sông và nước thải của các KCN trên địa
bàn. Các kênh, nhánh phía thượng lưu của sông bắt nguồn từ các phường Gia
Thụy, Bồ Đề, Giang Biên, Việt Hưng thuộc quận Long Biên và có tổng chiều
dài khoảng 13km. Dù đang bị ô nhiễm nặng nề tuy nhiên nguồn nước tại sông
Cầu Bây vẫn được sử dụng cho việc tưới tiêu của các vùng canh tác nông
nghiệp trên địa bàn quận Long Biên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm
nông nghiệp cũng như sức khỏe của người dân sinh sống trên địa bàn quận.
Do đó việc xử lý ô nhiễm nước sông và đề xuất các biện pháp quản lý môi
trường giảm thiểu ô nhiễm cho sông Cầu Bây là vô cùng cần thiết.
3. Thực trạng ô nhiễm nước tại sông Cầu Bây.
Theo cảm quan thì có thể thấy rõ được rằng sông Câu Bây đang bị ô
nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối kinh khủng, đặc biệt vào những ngày mưa
thì mùi hôi còn nồng nặc hơn, nước sông có màu đen đục và thậm chí còn có
hiện tượng sủi bọt trắng.
Hình 1: Nước sông Cầu Bây đoạn gần nhà văn hóa tổ dân phố 7, phường Sài
Đồng, Long Biên, Hà Nội

Hình 2: Nước sông Cầu Bây đoạn bên cạnh chợ May 10
Hình 3: Nước sông Cầu Bây đoạn qua quốc lộ 5 (gần KCN Đài Tư)

Lý do ô nhiễm là vì phải tiếp nhận một lượng nước thải lớn chưa qua
xử lý đến từ các hoạt động sinh hoạt của người dân, chợ, dịch vụ của các khu
dân cư. Nhưng nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường nặng nhất là từ nước
thải của các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp hai bên sông xả ra. Các
khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều thì lượng nước thải ngày càng
tăng, nguồn nước càng ô nhiễm nặng.
Mỗi ngày, sông Cầu Bây tiếp nhận khoảng 3.141m3 nước thải khu dân
cư qua 26 điểm xả chính. Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 2.826m3,
nước thải chăn nuôi khoảng 15m3, nước thải sản xuất khoảng 300m3
(Nguồn: Báo Tin Tức – TTXVN).
Hầu hết quận Long Biên (trừ khu vực ngoài đê) bị bao bọc bởi đê của
sông Hồng và sông Đuống nên toàn bộ nước thải chủ yếu đều phải dồn về
sông Cầu Bây. Nước thải của hệ thống các khu công nghiệp lớn trong khu
vực quận như khu công nghiệp Sài Đồng A và B, Khu công nghiệp Đài Tư,
nhiều nhà máy khác như May 10, Kho Xăng Dầu khu vực I, May Đức Giang,
Hóa Chất Đức Giang,… cũng được xả thải vào lưu vực sông Cầu Bây. Vì hầu
như tại các địa điểm xả thải nước sông đều có màu đen nên việc quan trắc
kiểm tra xem nước thải từ các điểm xả thải có được xử lý đạt tiêu chuẩn
không là vô cùng khó khăn.
Theo dữ liệu của Viện Nước Tưới Tiêu & Môi Trường có tất cả 5 điểm
lấy mẫu nước sông Cầu Bây trong khu vực quận Long Biên.
Bảng 1: Mô tả vị trí lấy nước sông Cầu Bây
Điểm Vị trí Đặc điểm của mẫu
lấy mẫu nước
1 Kênh dẫn nước thải chạy dọc được
- Màu sắc đen đục
Quốc Lộ 5, phường Sài Đồng, quận
- Mùi hôi thối
Long Biên Hà Nội
2 Sông Cầu bây gần cửa xả KCN Đài Tư,
- Màu sắc đen đục
phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà
- Mùi hôi thối
Nội
3 Hồ nước thải trong khu dân cư gần
- Màu sắc đen đục
trường THCS Sài Đồng, phường Sài
- Mùi hôi thối
Đồng, quận Long Biên, Hà Nội
4 Sông Cầu Bây gần cửa xả KCN Sài
- Màu sắc đen đục
Đồng A, phường Sài Đồng, quận Long
- Mùi hôi thối
Biên, Hà Nội
5 Cửa xả kênh dẫn nước thải từ khu đô
- Màu sắc đen đục
thị Việt Hưng, phường Việt Hưng,
- Mùi hôi thối
quận Long Biên, Hà Nội
Bảng 2: Kết quả phân tích mẫu nước từ các điểm đã lấy mẫu
Qua kết quả phân tích ở trên ta có thể thấy gần như là toàn bộ các
thông số ô nhiễm đều vượt quá quy chuẩn cho phép theo QCVN 08:2008
BTNMT. Cụ thể thì:
- BOD5: Tại điểm 1 phát hiện ở nồng độ cao nhất, vượt mức quy
chuẩn cho phép tới 11,8 lần, càng lên dần phía thượng nguồn thì
chỉ số ô nhiễm giảm dần tuy nhiên vẫn vượt xa mức quy chuẩn
cho phép.
- COD: Nồng độ cũng vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép rất nhiều
lần ở tất cả các điểm lấy mẫu, nồng độ COD giảm dần khi tiến về
phía thượng nguồn.
- SS: Nồng độ của chất rắn lơ lửng tại các điểm lấy mẫu cũng cho
thấy kết quả vượt quá mức quy chuẩn cho phép, gây nên độ đục
của nước sông cao.
- Phát hiện thấy nhiều chất ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp
ở nước sông Cầu Bây, đặc biệt là nồng độ Crom (VI) vượt qua
quy chuẩn cho phép hàng chục lần, Crom (VI) được biết đến là
chất gây ung thư. Điều này chứng tỏ rằng nước thải tại các KCN
xả thải ra sông chưa được kiểm soát chặt chẽ.
- Nồng độ các chất ô nhiễm có xu hướng tăng dần từ thượng lưu
đến hạ lưu chứng tỏ nước thải sinh hoạt đã tích tụ trong dòng
sông và làm ô nhiễm nặng nề nguồn nước. Nơi phải chịu hậu quả
ô nhiễm nặng nề nhất là các vùng dưới hạ lưu.
4. Các giải pháp QLMT đang được áp dụng.
Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề của sông Cầu Bây, UBND TP. Hà
Nội đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND quận Long Biên, huyện Gia Lâm
tăng cường công tác quản lý nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường
sông Cầu Bây. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Sở TN&MT,
UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm đã tăng cường giám sát,
thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về BVMT và quản lý tài
nguyên nước theo thẩm quyền tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra
việc chấp hành pháp luật về quản lý tài nguyên nước và BVMT đối với 30 cơ
sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động xả thải vào lưu vực sông
(LVS) Cầu Bây; UBND quận Long Biên đã kiểm tra 667 cơ sở; UBND huyện
Gia Lâm kiểm tra 53 cơ sở. Theo các kết quả kiểm tra, các cơ sở sản xuất,
kinh doanh xả thải vào LVS đã đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải
(XLNT). Tuy nhiên, tại một số cơ sở, việc vận hành, bảo dưỡng hệ thống
XLNT còn mang tính chất đối phó. Các cơ sở chưa quan tâm đến chất lượng
nước thải sau khi xử lý, nên còn hiện tượng xả nước thải vượt quá quy chuẩn
cho phép ra môi trường. Đoàn kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính và yêu
cầu thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định. (Nguồn: Tạp chí môi
trường)
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn lực đầu tư xử lý ô nhiễm sông Cầu Bây,
ngày 28/7/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5015/QĐ-
UBND phê duyệt đề xuất Dự án hệ thống thu gom và XLNT lưu vực Long
Biên của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền (Công ty
Phú Điền). Theo đó, Công ty sẽ xây dựng hệ thống thu gom toàn bộ nước thải
trên các lưu vực Long Biên 2, Long Biên 3 thuộc địa bàn các phường Giang
Biên, Việt Hưng, Phúc Đồng, Phúc Lợi, Sài Đồng, Đức Giang, Ngọc Lâm, Bồ
Đề, Gia Thụy, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối (quận Long Biên). Đồng thời,
Công ty sẽ triển khai xây dựng Nhà máy XLNT Phúc Đồng (quận Long
Biên), với diện tích là 1,68 ha, công suất là 31.500 m³/ngày, đêm; Nhà máy
XLNT An Lạc (Thạch Bàn, huyện Gia Lâm), diện tích 3,9 ha, công suất
29.600 m³/ngày, đêm. Dự kiến đến năm 2020, 2 nhà máy trên sẽ hoàn thành
xây dựng và đi vào hoạt động, giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm trên địa bàn
quận Long Biên, cũng như cải thiện chất lượng môi trường nước sông Cầu
Bây (Nguồn: Tạp chí môi trường)
Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu các Sở, ngành liên quan giám sát
chặt chẽ việc vận hành hệ thống XLNT của khu công nghiệp (KCN) Sài Đồng
B, KCN Hà Nội - Đài Tư, Cụm công nghiệp (CCN) Thực phẩm Hapro và
tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc đầu tư xây dựng hệ thống xử
lý nước thải tại các CCN trên LVS Cầu Bây, đảm bảo xử lý đạt Quy chuẩn kỹ
thuật nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Mặt khác, TP cũng
sẽ lắp đặt trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động trên sông Cầu Bây tại
Trạm bơm Am, thuộc thôn Ngọc Động (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) (Nguồn:
Tạp chí môi trường).
5. Đề xuất giải pháp, nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.
Với tình trạng ô nhiễm nặng nề của nước sông Cầu Bây, bản thân em
cũng là người dân sinh sống tại khu vực gần con sông này vẫn thấy rằng tình
trạng ô nhiễm vẫn đang diễn ra mặc dù UBND thành phố Hà Nội và các Sở,
ban, ngành đã vào cuộc quyết liệt. Dù đã đề ra những kế hoạch nhằm khắc
phục và cải tạo chất lượng nước sông Cầu Bây tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa
cao vì đây là một việc làm khó liên quan đến nhiều lĩnh vực, cấp, ngành và
cần sự đầu tư lớn, vào cuộc xử lý quyết liệt hơn.
Để làm giảm sự ô nhiễm nặng nề của con sông sẽ cần có thời gian để
kiểm chứng hiệu quả của các giải pháp quản lý môi trường. Chính quyền,
những người có cấp, có quyền phải sát sao giải quyết từng bước, với các giải
pháp đồng bộ và có sự chung sức của tất cả mọi người đặc biệt là nhân dân
các địa phương trên địa bàn quận Long Biên nói riêng và toàn cụm Gia Lâm –
Long Biên nói chung, nơi có lưu vực sông Cầu Bây chảy qua.
Trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân là quan trọng nhất. Do vậy giải
pháp quản lý môi trường thiết thực nhất chính là tập trung và con người. Cần
phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân về những ảnh hưởng của ô
nhiễm nguồn nước sông Cầu Bây gây ra và hậu quả nghiêm trọng mà nó để
lại nếu không khắc phục. Cần phải làm cho người dân hiểu được giá trị mà
con sông mang lại, đó là đường dẫn thoát lũ khi mùa mưa bão đến, đó là
nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, cho những lượng thực mà chúng ta ăn
hằng ngày, liệu chúng ta có chấp nhận ăn những thực phẩm được tưới bằng
nguồn nước ô nhiễm này không? Khi được làm rõ về tầm quan trọng và giá trị
mà nguồn nước của con sông mang lại, hi vọng người dân sẽ hiểu ra vấn đề
và tránh làm ô nhiễm con sông, để lại hậu quả mà sau này chính họ và con
cháu của mình phải gánh chịu.
Đối tượng cần đẩy mạnh giáo dục để nhận ra việc ô nhiễm nặng nề của
dòng sông là vô cùng nguy hiểm đó chính là các học sinh đang trong độ tuổi
đi học, là thế hệ sau này tương lai của đất nước. Cần tổ chức thêm các chương
trình về bảo vệ môi trường trong các trường học, thậm chí nên có cả những
môn học giáo dục về môi trường cho các em, tổ chức các cuộc thi, phong trào
đẩy mạnh ý thức bảo vệ môi trường. Cha mẹ cũng nên biết ý thức làm gương
cho con cái để các em không học theo thói quen xấu này của những người đi
trước.
Cần áp dụng quyết liệt các hình thức xử phạt đối với những cá nhân vi
phạm các quy định bảo vệ môi trường dòng sông, tăng mức tiền xử phạt để
răn đe cho thấy được hậu quả của mình gây ra. Đối với các khu công nghiệp
thì cần phải quản lý chặt chẽ việc xả thải, thanh tra thường xuyên tình trạng
xả thải của các nhà máy, lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước tại các
nơi gần khu vực xả thải nhiều. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây
dựng hệ thống xử lý nước thải phù hợp với đặc thù sản xuất của mỗi ngành
bằng có thể là hỗ trợ họ trong kinh phí xây dựng để giảm đi áp lực tài chính
cho các doanh nghiệp hoặc đưa ra những ưu ái hơn trong hoạt động của doanh
nghiệp so với những doanh nghiệp khác không đầu tư xây dựng nhà máy xử
lý chất thải để kích thích sự những người làm kinh doanh chú trọng đầu tư
vào môi trường.
Mặc dù việc quản lý tốt môi trường chất lượng nước của khu vực sông
Cầu Bây nói riêng và các khu vực khác nói chung sẽ cần đầu tư rất nhiều tiền
của và công sức nhưng mỗi người hãy vì cuộc sống của chính mình, vì tương
lai của con em chúng ta mà bắt đầu thay đổi thói quen xấu, suy nghĩ tích cực
hơn và hành động bảo vệ môi trường. Mỗi sự cố gắng đến từ mỗi cá nhân dù
rất nhỏ thôi những em nghĩ theo thời gian tích lũy dần lại sẽ mang lại thành
quả to lớn mà chính chúng ta cũng không ngờ tới.

Câu 2: Trình bày các công cụ QLMT có thể áp dụng trong quản lý
chất thải rắn sinh hoạt. Phân tích công cụ quản lý theo em là hiệu quả
nhất.

1. Khái niệm về công cụ quản lý môi trường.


Các công cụ quản lý môi trường có thể hiểu là các biện pháp và
phương tiện được sử dụng bởi các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ
quản lý môi trường. Các biện pháp và phương tiện này sẽ tác động vào đối
tượng được quản lý (ví dụ như các nhà máy, xí nghiệp có hoạt động sản
xuất gây ô nhiễm môi trường) nhằm đạt được các mục tiêu của việc quản lý
môi trường.
Có thể phân loại các công cụ quản lý môi trường theo bản chất của
mỗi công cụ.
- Công cụ pháp luật, chính sách: Bao gồm các văn bản về luật quốc
tế, luật quốc gia, các văn bản khác dưới luật như các nghị định hay tiêu
chuẩn, các kế hoạch, chính sách môi trường quốc gia. Một số các bộ luật đã
được ban hành và áp dụng để quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên
thiên nhiên như luật bảo vệ môi trường, luật tài nguyên nước, luật bảo vệ
và phát triển rừng, luật đất đai…
- Công cụ kỹ thuật, quản lý: Các công cụ kỹ thuật, quản lý được
thực hiện thông qua vai trò kiểm soát và giám sát của nhà nước về chất
lượng các thành phần môi trường, về sự hình thành và phân bố chất ô
nhiễm trong môi trường. Loại công cụ này bao gồm: Đánh giá tác động
môi trường, quan trắc môi trường, tái chế và xử lý chất thải…
- Công cụ kinh tế: Bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí đánh vào thu
nhập bằng tiền của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các công cụ kinh tế
được thực hiện đa dạng và linh hoạt dưới những hình thức như: Thuế môi
trường, nhãn sinh thái, côta ô nhiễm, phí môi trường, quỹ môi trường.
2. Các công cụ quản lý môi trường có thể áp dụng trong quản lý chất thải
rắn sinh hoạt.
- Chất thải rắn sinh hoạt:
Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải rắn phát
sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người. Theo đó, chất thải rắn sinh
hoạt được phân loại thành các loại quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định
38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, gồm các nhóm:
 Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả,
xác động vật);
 Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao
su, ni lông, thủy tinh);
 Nhóm còn lại.
Để quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt cần áp dụng linh hoạt và có hệ
thống các công cụ quản lý môi trường bao gồm cả ba công cụ đã được nêu
ở phần trên, mỗi công cụ sẽ có chức năng và vai trò khác nhau.
Cụ thể việc áp dụng công cụ pháp luật, chính sách vào việc quản lý
chất thải rắn sinh hoạt đã được cụ thể hóa bằng những văn bản luật pháp.
Trong Luật số: 72/2020/QH14 LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, đã có
riêng một mục nói về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nằm trong chương VI,
mục 2, từ điều 75 đến điều 80. Trong luật đã quy định rất cụ thể về việc
phân loại chất thải rắn sinh hoạt như nào, điểm tập kết chất thải, việc thu
gom vận chuyển và xử lý. Nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cá nhân, các
hộ gia đình cho tới các cấp cao hơn đều được quy định rõ ràng trong luật
nhằm đảm bảo một hệ thống quản lý chất thải rắn chặt chẽ và bảo vệ môi
trường.
Công cụ kỹ thuật quản lý cũng được áp dụng trong việc quản lý chất
thải rắn sinh hoạt, dưới đây là mô hình hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải
rắn sinh hoạt.

Hình 4: Mô hình hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải rắn sinh hoạt
( Nguồn: Forum của K15M
https://sites.google.com/site/htttmtnhomthaobinh/ )
Trong mô hình trên chất thải rắn sẽ được phân loại tại nguồn, phân ra
làm 2 loại là rác thực phẩm và các loại rác còn lại. Rác còn lại sẽ chở đến khu
phân loại ở khu liên hợp xử lý, ở đây rác sẽ được phân loại, loại tái chế được
sẽ đem tới cơ sở tái chế, loại còn lại thì đem đi chôn lấp. Đối với rác thực
phẩm, xe chở về khu phân loại nhà máy compost, tiến hành phân loại, rác
thực phẩm, tái chế và còn lại, sau đó rác hữu cơ đem đi làm compost, rác tái
chế đem tái chế và rác còn lại đem chôn lấp.
Kết hợp áp dụng công cụ chính sách, pháp luật và kỹ thuật quản lý sẽ
đem lại hiệu quả quản lý cao tuy nhiên để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý
và giúp quá trình quản lý chất rắn sinh hoạt được chặt chẽ và vận hành tốt
nhất. Ta cần áp dụng nốt công cụ quản lý còn lại đó chính là công cụ kinh tế.
Bởi lẽ ý thức của mỗi cá nhân sẽ không giống nhau, những hộ gia đình, các
khu dân cư sẽ không giống nhau. Có những người ý thức tốt sẽ thực hiện
nghiêm chỉnh các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của nhà nước và
chấp hành nghiêm chỉnh tuy nhiên những người có ý thức chưa tốt thì cần
phải có những biện pháp quản lý mềm dẻo, linh hoạt hơn và cụ thể ở đây là
công cụ quản kinh tế sẽ phát huy hiệu quả. Lúc này quy định về thuế, những
khoản phí sẽ ra đời, kèm với đó có thể là những hình thức phạt tiền đối với
những cá nhân có hành vi phát thải vượt quá mức cho phép. Công cụ này sẽ
có tình răn đe cao và vì đánh trực tiếp vào thu nhập của người dân nên mỗi cá
nhân sẽ cảm thấy áp lực lớn và dần thay đổi trong suy nghĩ để sống tối giản,
tiết kiệm, bớt tạo ra nhiều rác thải hơn.
3. Công cụ kinh tế trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Việc bảo vệ môi trường gắn liền với cuộc sống, ý thức và trách nhiệm
của mỗi con người. Với quá trình phát triển, đời sống ngày càng được nâng
cao, cũng như việc gia tăng dân số mạnh mẽ thì đáng buồn thay đi kèm với đó
là lượng rác thải sinh hoạt cũng tăng lên rất nhiều. Do vậy chỉ có thể là mỗi cá
nhân ý thức được hành động của mình mới có thể giúp cho việc quản lý chất
thải sinh hoạt trở nên hiệu quả hơn. Theo như đã phân tích ở trên thì công cụ
kinh tế là công cụ tác động trực tiếp vào nhận thức của từng cá nhân gây ô
nhiễm, giúp họ ý thức được rằng việc xả thải quá mức sẽ gây ảnh hưởng lớn
như nào và phải trả giá đắt cho hành động của mình ra làm sao. Như vậy có
thể nói công cụ kinh tế là công cụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả và
thiết thực nhất.
Công cụ kinh tế được áp dụng trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt
bao gồm có các khoản phí, đó là phí dịch vụ thu gom rác, phí dịch vụ vận
chuyển rác và phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trên thực tế công cụ quản lý
kinh tế và các mức phí đã được triển khai như thế nào? Hiệu quả ra sao? và
tại sao vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi chưa được giải quyết triệt để? Lấy
ví dụ về việc quy định mức phí thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt của
thành phố Hà Nội. Theo quyết định Số: 54/2016/QĐ-UBND thì phí dịch vụ
thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt là 6000 đồng/người/tháng ở các
phường và 3000 đồng/người/tháng ở các xã và thị trấn. Mức phí quy định như
vậy là quá thấp khiến cho người dân có xu hướng không để ý đến lượng rác
thải sinh hoạt mà mình tạo ra mỗi ngày, do chỉ phải trả một mức phí thấp như
vậy hàng tháng mà người ta có thể thoải mái tạo ra lượng chất thải rắn sinh
hoạt lớn dẫn đến việc ô nhiễm, gây mùi hôi thối nghiêm trọng.
Điển hình như vụ việc vào hồi tháng 10/2020 vừa rồi tại thành phố Hà
Nội, các xe rác chứa rác thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn thành phố
đã không được vận chuyển đưa đến nhà máy xử lý rác gây mùi hôi thối suốt
nhiều ngày liền, làm mất cảnh quan đô thị và nghiêm trọng nhất là gây ô
nhiễm môi trường do nước rỉ rác chảy ra từ các xe chở rác. Lý do của vụ việc
này là vào ngày 24/10, nhiều người dân thuộc xã Hồng Kỳ, xã Nam Sơn
(huyện Sóc Sơn) đã chặn đường vào 2 cổng của Khu xử lý chất thải rắn Nam
Sơn. Việc này khiến hàng chục xe chở rác không vào được điểm đổ, gây ùn ứ
rác thải trong nội thành (Nguồn: Báo Lao Động). Do phải xử lý một lượng rác
thải sinh hoạt vô cùng lớn đến từ thành phố Hà Nội mà nhà máy xử lý rác
Nam Sơn đã phải hoạt động hết công suất với rất nhiều lượt xe vận chuyển
rác ra vào nhà máy mỗi ngày, gây mùi hôi thối kinh khủng ảnh hưởng nghiêm
trọng đến đời sống của người dân quanh khu vực nhà máy làm cho họ không
chịu được và phải chặn đường xe rác như vậy. Nếu vấn đề xả thải lượng rác
sinh hoạt lớn như vậy không được giải quyết thì sẽ còn nhiều vụ việc tương tự
xảy ra và sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Như vậy việc áp dụng công cụ kinh
tế để quy định các mức phí như vậy là chưa hợp lý, chưa đánh giá đúng thực
trạng xả thải của mỗi người dân và chưa nâng cao được ý thức của mỗi người
trong việc bảo vệ môi trường. Đó chính là vấn đề mà công cụ được cho là
hiệu quả nhất này không phát huy tác dụng của nó. Như vậy để đem lại sự
công bằng cho mỗi người dân, và tác động mạnh vào ý thức xả thải của họ thì
cần phải nghiên cứu để tìm ra được giải pháp tính mức phí sao cho phù hợp,
công bằng và đem lại hiệu quả tốt nhất.
Mới đây thì vào ngày 17/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua
Luật Bảo vệ môi trường 2020 tại kỳ họp thứ 10. Theo Luật này, sắp tới phí
rác thải sinh hoạt được tính theo khối lượng, thay vì tính phí theo bình quân
đầu người như hiện nay. Điều này hứa hẹn sẽ là giải pháp hiệu quả để giảm
sự xả thải rác sinh hoạt vì theo như cách tính phí mới trong luật thì người nào
xả càng nhiều rác sẽ phải trả càng nhiều tiền.
Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật lần này cũng đưa ra quy định
đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom,
vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại
và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định và thông báo cơ quan có
thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật: việc này sẽ giúp thúc
đẩy người dân phải thực hiện đúng quy định về phân loại CTRSH tại nguồn
(Nguồn: theo Bộ Tài nguyên và Môi trường). Tuy nhiên bàn sâu hơn vào việc
đổi mới này cũng có rất nhiều những băn khoăn được chính người dân bày tỏ,
những câu hỏi được đặt ra như: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cân rác? Hộ
gia đình trực tiếp cân hay người thu gom rác làm việc này? Nếu là người thu
gom rác thì mỗi khi đi thu gom, người này phải mang theo một cái cân, vừa
thu gom rác, vừa cân rác để tính tiền? Còn hộ gia đình thì phải luôn "giữ rác"
trong nhà, đợi đến giờ đổ rác để mang ra cân? Việc thu phí rác thải theo kg sẽ
dễ dẫn đến tình trạng nhà này bỏ rác sang nhà kia, hoặc vứt rác ra nơi công
cộng để né phí. Ở các khu chung cư, do không có một khung giờ đổ rác cố
định và lượng rác thải xả ra quá lớn, nên việc tính rác theo cân cũng có nhiều
khó khăn… Rất nhiều những thắc mắc xoay quanh quy định mới này và để
quy định này đi vào thực tiễn, trong thời gian tới cần có nhiều văn bản hướng
dẫn thi hành của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và
Môi trường.
Như vậy có thể thấy mặc dù công cụ kinh tế có tác động trực tiếp tới tài
chính của người dân giúp họ nhận thức được cái giá phải trả cho việc xả thải
là nhiều như nào về mặt tiền bạc. Thế nhưng để công cụ được áp dụng một
cách hiệu quả nhất thì cần phải có thêm sự nghiên cứu để tìm các cách làm
khoa học đồng thời vẫn phải kết hợp chặt chẽ với các công cụ quản lý khác để
đem lại hiệu quả tốt nhất cho việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

You might also like