You are on page 1of 14

Mô hình xã hội về khuyết tật và áp dụng trong

công tác xã hội với người khuyết tật ở Việt Nam


TS Trần Văn Kham*

1. Dẫn nhập
Theo những đánh giá mới nhất, người khuyết tật trên thế giới chiếm khoảng
10% dân số và đa phần tập trung ở các nước đang phát triển 1. Ở Việt Nam, tỷ lệ
này chiếm khoảng 6.3%2. Mặc dù, điều kiện sống của xã hội có nhiều biến đổi
mạnh mẽ, ngày càng có nhiều sự đầu tư của xã hội đối với đời sống của người
khuyết tật, nhưng người khuyết tật vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và
thách thức trong cuộc sống, từ việc phải đối mặt với những thái độ kỳ thị, tới
thiếu các cơ hội để tự phát triển bản thân đến việc đối mặt với những rào cản về
cơ sở hạ tầng, giao thông, công trình công cộng, thông tin... cũng như các dịch
vụ xã hội mang tính chuyên môn trợ giúp cho người khuyết tật. Họ đang phải
đối mặt với hai thách thức lớn: Thực hiện chức năng về mặt sinh học và thực
hiện chức năng về mặt xã hội.

Giải đáp những rào cản đó là một chủ đề đang được các quốc gia quan tâm, tập
trung giải quyết từ nhiều góc độ, trong đó có cách tiếp cận từ công tác xã hội.
Các mô hình đem lại thành công cho cách tiếp cận này được biết đến như là việc
hướng đến hiểu vấn đề khuyết tật từ góc độ xã hội và hướng các dịch vụ xã hội
và mô hình trợ giúp xã hội cho người khuyết tật từ cách tiếp cận hòa nhập xã
hội. Đó chính là cách thuần túy tìm giải pháp cho các vấn đề của cá nhân của
người khuyết tật lồng ghép cùng việc tìm các giải pháp giải quyết vấn đề của xã

*
Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Email: khamtv@ussh.edu.vn
1
World Health Organisation & The World Bank 2011, World Report on Disability, World Health
Organisation Press, Geneva, pp.10-13.
2
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội 2009, Báo cáo tổng kết tình hình thi hành Pháp lệnh về người
tàn tật và các văn bản liên quan/ Report on implementing the Ordinance of PWD and related social
policies, MOLISA, Hanoi.
1
hội. Giảm rào cản xã hội là cách thức bền vững nhất đề nâng cao khả năng sống
độc lập và khả năng hòa nhập của người khuyết tật một cách toàn diện.

Hiện cách hiểu về vấn đề khuyết tật đang dần chuyển từ các mô hình cá nhân/y
tế sang cách nhìn xã hội và điều này có ảnh hưởng và tác động tích cực đến các
mô hình thực hành công tác xã hội đối với người khuyết tật 3. Bài viết này sẽ
nhấn mạnh đến các vấn đề về mô hình xã hội của khuyết tật và áp dụng của mô
hình này trong lĩnh vực công tác xã hội với người khuyết tật và những vấn đề
đặt ra đối với công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay.

2. Mô hình xã hội về khuyết tật


Trong những năm gần đây, các phong trào về khuyết tật và người khuyết tật
hướng đến nhìn nhận vấn đề khuyết tật ở góc độ xã hội với xuất phát điểm về
quyền được hòa nhập, được tôn trọng của trẻ khuyết tật và người khuyết tật
trong cuộc sống của cộng đồng. Ở cách nhìn này, khía cạnh khả năng, điểm
mạnh của người khuyết tật sẽ được nhìn nhận và đề cập, đó chính là những yếu
tố đề người khuyết tật và các hoạt động trợ giúp người khuyết tật vượt qua
những rào cản xã hội đang cản trở họ trong cuộc sống.

Mô hình này phân định hai quan niệm cơ bản trong nghiên cứu về khuyết tật:

 Thương tật: là sự thiếu hụt hoặc mất các chức năng thể chất hoặc tinh thần
trong thời gian dài hoặc tạm thời;

 Khuyết tật là sự thiếu hụt hoặc mất các cơ hội để tham gia vào cuộc sống
chung của cộng đồng, do thiếu hụt các chức năng về thể chất hoặc tinh
thần, để có được sự bình đẳng như những cá nhân khác4.

3
Oliver, M 1996, Understanding disability: From theory to practice, Macmillan Press, London,
pp.24-25.
4
The United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific 2010, Disability at
glance 2010: A profile of 36 countries and areas in Asia and the Pacific, pp.8-9.
2
Trong thực tế vấn đề thương tật tồn tại và đôi khi gây ra những khó khăn trong
cuộc sống, nhưng những quan điểm ở mô hình này cho rằng những hình thức
phân biệt đối xử với người khuyết tật là do xã hội tạo nên, người khuyết tật là
chủ thể của nhiều vấn đề áp đặt của môi trường không khuyết tật đem lại. Người
khuyết tật thường có những cảm nhận về sự khác biệt của mình đối với xã hội.
Việc “chữa trị” những khác biệt này nằm ở phía tạo sự thay đổi của xã hội. Đây
là quan điểm hoàn toàn khác với mô hình y tế/cá nhân về vấn đề khuyết tật. Với
mô hình hiểu xã hội như vậy, việc giúp đỡ, “chữa trị” đối với người khuyết tật là
hoàn toàn có thể thực hiện và đem lại lợi ích cho mọi người trong xã hội. Trong
mô hình này, người khuyết tật là chủ thể tích cực trong việc hướng đến tạo sự
bình đẳng trong xã hội.

Thay đổi cách nhìn xã hội (nhận thức xã hội) về vấn đề khuyết tật là điều rất
quan trọng cho quá trình hòa nhập xã hội của người khuyết tật, đấy cũng là sự
khác biệt giữa hai mô hình xã hội và y tế về vấn đề khuyết tật. Mô hình xã hội
về khuyết tật rất có ý nghĩa cho các hệ thống giáo dục, hệ thống cung cấp dịch
vụ xã hội và trong đời sống cộng đồng. Các thái độ mang tính định kiến hướng
đến người khuyết tật cần được xóa bỏ từ chính các môi trường sơ cấp đó và
thông qua các tương tác trong cuộc sống giữa người khuyết tật và người không
khuyết tật.

Mô hình xã hội về khuyết tật được củng cố và được áp dụng trong các mô hình
thực hành công tác xã hội khi Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật
được thông qua (2006) và được nhiều quốc gia ký cam kết thực hiện, trong đó
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký cam kết thực hiện. Những
tranh luận và nghiên cứu gần đây có đưa ra mối quan hệ mật thiết giữa các Công
ước và công tác xã hội:

Chủ đề Công ước Công tác xã hội


Nhu cầu đạo Quyền, bình đẳng, tôn trọng cuộc sống, tự do, bình đẳng, không
đức hòa nhập phân biệt, đoàn kết, công bằng, hòa bình, quan
3
hệ với con người và môi trường
Sứ mệnh Hòa nhập, bình đẳng Đáp ứng nhu cầu, hòa nhập xã hội
và quyền công dân
Các chuẩn Các công cụ về nhân Các lý thuyết công tác xã hội và các quy điều
mực quyền đạo đức nghề
Các phương Biện hộ như là hoạt Các chính sách, chương trình, dịch vụ, dịch vụ
pháp động chính cho quá tiếp cận và các chương trình can thiệp trị liệu
trình thực hiện về khuyết tật
Các nguồn lực Quốc gia phê chuẩn Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức
Công ước
Hoạt động Các ngành luật, Công tác xã hội và chính sách xã hội
chuyên môn chính trị và xã hội

Các nội dung cơ bản của Công ước đã trở thành công cụ và định hướng cho cách
tiếp cận và xác định mô hình cho thực hành công tác xã hội với người khuyết
tật. Công ước đang hướng quyền của người khuyết tật từ khía cạnh dân sự, sang
khía cạnh quyền chính trị và cuối cùng đạt được quyền xã hội cho người khuyết
tật. Trong khi quyền dân sự nhấn mạnh đến khía cạnh công bằng về pháp luật,
khả năng pháp lý của các cá nhân và sự tự do tiêu cực, quyền chính trị nhấn
mạnh đến các vấn đề liên quan đến quyền tham gia chung vào đời sống xã hội,
các diễn đàn chính trị và sự trao quyền, còn quyền dân sự nhấn mạnh đến khía
cạnh nhà nước phúc lợi, các vấn đề pháp lý xã hội và sự tự do tích cực của cá
nhân. Cũng chính thông qua các khía cạnh này của Công ước và định hướng của
mô hình xã hội về khuyết tật, mô hình công tác xã hội khuyết tật được xây dựng
nhằm hướng đến thay đổi vị thế xã hội của người khuyết tật từ chỗ có được các
vị thế bảo trợ xã hội sang vị thế tham gia, từ quyền công dân thụ động sang chủ
động, từ sự tách biệt sang hòa nhập, từ vấn đề thiếu quyền lực sang được trao
quyền, từ việc có vị thế bất bình đẳng sang bình đẳng và từ vị thế bên lề xã hội
sang vị thế hòa nhập trong xã hội. Thông qua mô hình xã hội về khuyết tật,
người khuyết tật đã được nhìn nhận ở góc độ là người công dân toàn diện, có
đầy đủ quyền, khả năng, năng lực và trách nhiệm như những công dẫn khác
trong xã hội. Thực hiện được khía cạnh này, vai trò của các hoạt động công tác
xã hội và hệ thống chính sách xã hội đã được đặt ra. Đó cũng là những triển
4
vọng và thách thức cho công tác xã hội đối với người khuyết tật trong thời điểm
hiện nay.

3. Khái quát các mô hình và nguyên tắc trong công tác xã hội với người
khuyết tật

3.1. Ở lĩnh vực cá nhân (hay còn gọi là mô hình trực tiếp can thiệp với người
khuyết tật), các mô hình công tác thường được biết đến như: (a) các mô hình can
thiệp khủng hoảng, (b) mô hình trao quyền, mô hình biện hộ, (c) mô hình quản
lý ca và (d) mô hình kiến tạo xã hội. Các mô hình này hướng đến giải quyết các
vấn đề và các nhu cầu khác nhau ở các đối tượng thân chủ đa dạng. Nhân viên
xã hội ở các mô hình này cần xác định các vấn đề của thân chủ chứ không thuần
túy nhìn vào vấn đề khuyết tật của thân chủ, cách tiếp cận này sẽ có những tác
động và ảnh hưởng cụ thể đến việc chọn lựa các mô hình phù hợp. Các mô hình
được đề cập ở đây thường tạo ra được các phương thức tiếp cận để giải quyết
các vấn đề thường xuất hiện ở đối tượng thân chủ là người khuyết tật, đó có thể
là sự khủng hoảng, các nhu cầu cần trong khoảng thời gian dài, những áp bức
trong cuộc sống, sự tự trọng thấp, cũng như thiếu các điều kiện tiếp cận đến các
dịch vụ nhằm nâng cao đời sống của bản thân.

3.2. Các mô hình công tác xã hội ở cộng đồng người khuyết tật gồm có
(a) mô hình đánh giá nhu cầu của cộng đồng: Việc lượng giá các nhu cầu cộng
đồng là vấn đề hết sức quan trọng trong các hoạt động thực hành cộng đồng và
thường phải được triển khai đầu tiên trong tiến trình làm thay đổi vai trò của
cộng đồng. Lượng giá cộng đồng phải được thực hiện đúng thời điểm, kéo theo
các phương pháp khác và phù hợp với các thành viên của cộng đồng, cũng như
tạo được sự trợ giúp và sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng.

(b) mô hình nhóm tự lực: Đây là cách tiếp cận hữu ích trong quá trình làm việc
trực tiếp với cộng đồng người khuyết tật. Mô hình này đòi hỏi việc thu hút các

5
thành viên của cộng đồng vào các mô hình đồng trợ giúp. Vai trò của nhân viên
xã hội là người “ngoài cuộc”, mặc dù vậy trong nhiều trường hợp nhân viên xã
hội cũng có thể là thành viên đồng tham gia của cộng đồng. Điểm lưu ý cho
nhân viên xã hội là cần kiểm soát việc xung đột vai trò trong quá trình tham gia
và điều hành hoạt động của nhóm.

(c) mô hình trao quyền: Mô hình này được dựa trên sự trao quyền trong nhóm
qua việc thúc đẩy các mối liên kết trợ giúp, các mối quan hệ liên cá nhân, và
những nỗ lực chung để tạo nên sự thay đổi. Nhân viên xã hội ở mô hình này
được biết đến như người điều phối viên và người tư vấn nhưng lại có thể thực
hiện vai trò lãnh đạo cộng đồng để phát triển và thúc đẩy quá trình phát triển của
nhóm. Trao quyền của một số thành viên của nhóm có thể có những tác động
đến các cá nhân khác và tạo động lực cho các cá nhân đó tham gia và thực hiện
các hành động của mình.

và (d) mô hình cộng đồng chức năng và hành động xã hội: Mô hình nay được
xây dựng dựa trên quan niệm cộng đồng lợi ích hơn là cộng đồng thuần túy về
mặt địa lý. Mục đích chính của mô hình này là giúp các thành viên tổ chức tiến
trình biện hộ để làm thay đổi các vấn đề liên quan đến sự bình đẳng và công
bằng chung5, 6.

Nhân viên xã hội ở các mô hình này nhằm hướng đến xác định các vấn đề
khuyết tật, đánh giá về các khía cạnh của cộng đồng, và trợ giúp các thành viên
của cộng đồng lập kế hoạch và thực hiện các hành động nhằm giải quyết các vấn
đề đó. Vai trò của nhân viên xã hội rất đa dạng, từ khía cạnh người chủ động,
người tổ chức hướng sang người thụ động hay người tư vấn và tạo nguồn lực,
người tạo được tiến trình thay đổi các chức năng vận hành của cộng đồng một
cách hiệu quả.
5
Rothman, JC 2002, Social work practice across disability, Allyn and Bacon, Michigan.
6
Mackelprang, RW & Salsgiver, RO 2009, Disability: A diversity model approach in human service
practice, Lyceum Books, Chicago
6
Ngoài hai nhóm các mô hình được đề cập trên đây là nhằm hướng đến những
thay đổi ở góc độ cá nhân và cộng đồng, ở nhiều quốc gia, các mô hình thực
hành nhằm thay đổi có tính hệ thống và tác động ở khía cạnh vĩ mô cũng được
đề cập. Đó là các mô hình liên quan đến tiến trình thay đổi ở bình diện vĩ mô
trên khía cạnh luật pháp, hệ thống chính sách và dịch vụ xã hội.

3.3. Các nguyên tắc thực hiện

Các mô hình này luôn được thực hiện dựa trên một số nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, nhân viên xã hội luôn phải thừa nhận quan điểm cho rằng thân chủ là
người luôn có khả năng, năng lực và có tiềm năng để phát triển. Khi một thân
chủ được xem là thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng sống, trách
nhiệm của nhân viên xã hội là phải hướng đến giúp thân chủ hướng đến đạt
được và tìm ra cách thức đạt được những điều đó. Nhân viên xã hội thường
xuyên phải lượng giá năng lực và khả năng của thân chủ để qua đó luôn tìm
cách để tối đa hóa những tiềm năng của họ.

Thứ hai, nhân viên xã hội trong lĩnh vực khuyết tật thường xuyên phải vượt qua
quan điểm cho rằng vấn đề khuyết tật nằm ở cá nhân người khuyết tật và rằng
người khuyết tật luôn phải thay đổi và cần được phù hợp trước khi họ thực hiện
được chức năng theo yêu cầu trong xã hội. Công tác xã hội khuyết tật luôn phản
đối quan điểm về bệnh học, khi lý giải về vấn đề khuyết tật.

Thứ ba, nhân viên xã hội luôn tin rằng mọi mô hình thực hành phải luôn cho
thấy khuyết tật là sản phẩn của xã hội do đó vấn đề quan tâm đầu tiên là sự can
thiệp phải được nhìn nhận trong bối cảnh xã hội cụ thể. Người khuyết tật tạo nên
một nhóm xã hội cụ thể với sự đóng góp và trải nghiệm nhất định đối với sự
phát triển của xã hội. Tuy nhiên, họ cũng là một nhóm thiểu số đang đối mặt
những rào cản xã hội như những nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội. Giải
pháp cho các vấn đề của người khuyết tật chính là ở khía cạnh tiếp cận vào các

7
nguồn lực và đời sống chung của xã hội. Các rào cản về môi trường, thái độ và
chính sách về vấn đề tham gia xã hội cần phải được xóa bỏ.

Thứ tư, nhân viên xã hội cần hiểu được lịch sử khuyết tật và vấn đề văn hóa của
khuyết tật. Người khuyết tật khác nhau có các vấn đề khuyết tật khác nhau
nhưng họ đều có điểm chung hơn là có những điểm khác biệt. Bởi vì họ cùng
trải nghiệm được những khó khăn trong xã hội, đó chính là vấn đề mà nhân viên
xã hội cần nhận thức và hiểu về quá trình những rào cản mà nhóm dân cư này
đang trải nghiệm. Hơn nữa, nhân viên xã hội cũng cần có cách hiểu và am tường
về vấn đề xây dựng chính sách, biện hộ chính sách trong vấn đề người khuyết
tật.

Thứ năm, mặc dù người khuyết tật đang phải đối mặt với những rào cản, nhân
viên xã hội cũng luôn phải tin rằng có nhiều điều đáng quan tâm trong cuộc sống
của người khuyết tật. Các mô hình thực hành phải xem xét khuyết tật là sự khác
biệt chứ không phải là vấn đề mất chức năng, rối loạn chức năng, nhân viên xã
hội cần nhìn thấy khía cạnh tích cực trong vấn đề khuyết tật: người khuyết tật
cũng luôn cảm thấy hài lòng với bản thân và cuộc sống của họ.

Thứ sáu, nhân viên xã hội cần tôn trọng các quyết định của thân chủ, nhất là giai
đoạn bắt đầu tiếp cận và can thiệp. Có thể thân chủ chấp nhận hoặc phản đối một
phần hay toàn bộ công việc, đó là vấn đề quyền kiểm soát cuộc sống của họ.
Điều quan trọng, nhân viên xã hội giúp người khuyết tật hiểu rõ đâu là điều tốt
nhất cho họ trong việc tự kiểm soát cuộc sống, tạo dựng cuộc sống độc lập…
Vấn đề đạo đức thực hành và đạo đức nghiên cứu luôn được đề cao trong các
hoạt động công tác xã hội, nhất là trong vấn đề khuyết tật và vấn đề trẻ em.7

Từ những vấn đề về mặt nguyên tắc như vậy, một tiến trình công tác xã hội với
người khuyết tật cũng bao gồm các nội dung sau như một tiến trình công tác xã

7
Trần Văn Kham, Công tác xã hội với người khuyết tật ở Úc: Cách tiếp cận hòa nhập, Bài viết tại hội
thảo về Đổi mới Công tác xã hội trong nền kinh tế thị trường, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội,
22/9/2011.
8
hội khác: Lượng giá-quá trình thu thập thông tin về thân chủ; Phác họa việc
lượng giá khía cạnh tâm lý xã hội; Xây dựng các mối quan hệ trợ giúp; Đánh
giá hiệu quả hoạt động can thiệp; Và đánh giá mức độ thay đổi của thân chủ và
kết thúc hoặc xác định các hoạt động tiếp theo8.

4. Xây dựng các mô hình công tác xã hội với người khuyết tật ở Việt Nam
hiện nay

Ở Việt Nam, theo báo cáo của Ban Điều phối các hoạt động trợ giúp người
khuyết tật và kết quả điều tra mức sống hộ gia đình (2006) và tổng điều tra dân
số và nhà ở (2009), hiện có khoảng 6.3% dân số Việt Nam là người khuyết tật.
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội từ thời kỳ đổi mới, sự quan tâm của
xã hội trên góc độ hệ thống chính sách xã hội và các hoạt động bảo trợ và hoạt
động xã hội ngày được quan tâm và đầu từ nhằm hướng đến nâng cao khả năng
hòa nhập xã hội cho người khuyết tật9. Mặc dù có những sự thay đổi rõ nét về
mặt hệ thống chính sách xã hội, hệ thống dịch vụ xã hội hướng đến trợ giúp
người khuyết tật, đời sống của người khuyết tật vẫn gặp nhiều hạn chế và rào
cản, từ góc độ nhận thức xã hội, đến rào cản về cơ sở hạ tầng xã hội, đến các
dịch vụ xã hội chuyên nghiệp, cũng như cơ hội phát triển và vấn đề việc làm.
Các nghiên cứu gần đây có chỉ rõ, nguyên nhân dẫn tới thực trạng của người
khuyết tật chưa có nhiều chuyển biến được thể hiện ở một số khía cạnh sau: (i)
nhận thức của xã hội về quan điểm khuyết tật, người khuyết tật còn nhiều hạn
chế, hiện cách hiểu về khuyết tật đã được tập trung nhiều ở mô hình xã hội thì
cách nhìn ở Việt Nam vẫn còn đề cập nhiều đến mô hình cá nhân/y tế; (ii) hệ
thống chính sách xã hội tương đối đầy đủ nhưng tính khả thi chưa cao do nguồn
lực hiện thực hóa (nguồn tài chính và nguồn nhân lực chuyên môn-đặc biệt là

8
Bland, R, Renouf, N & Tullgren, A 2009, Social work practice in mental health, Allen&Unwin,
Sydney
9
Le Bach Duong, Khuat Thu Hong & Nguyen Duc Vinh 2008, People with disabilities in Vietnam:
Findings from a social survey at Thai Binh, Quang Nam, Da Nang and Dong Nai, National Political
Publishing House, Hanoi, pp.97-99.
9
nguồn nhân lực viên xã hội) còn nhiều hạn chế, và thiếu cơ chế vận hành; (iii) từ
những khó khăn chung về cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận và điều kiện xã hội,
người khuyết tật vẫn chưa được hưởng các mô hình trợ giúp xã hội và dịch vụ
xã hội mang tính chuyên môn điều này lại có tác động không tích cực trở lại quá
trình hòa nhập xã hội của người khuyết tật10.

Công tác xã hội là một hoạt động chuyên môn mới ở Việt Nam và là mô hình
hoạt động chuyên môn hiệu quả hướng đến trao quyền và nâng cao chất lượng
sống của các đối tượng yếu thế. Trong bối cảnh có sự thay đổi tích cực về mô
hình khuyết tật, cùng với sự ban hành Luật người khuyết tật (2010), định hướng
phát triển xã hội đến năm 2020 và đề án phát triển nghề công tác xã hội, công
tác xã hội Việt Nam nói chung và công tác xã hội với người khuyết tật nói riêng
đang đối mặt với những cơ hội và những thách thức rất lớn. Để phát triển công
tác xã hội với đối tượng khuyết tật ở Việt Nam, một số vấn đề được đặt ra như
sau:

Thứ nhất, cách hiểu xã hội về khuyết tật và tiếp cận hòa nhập cần được lồng
ghép vào quá trình xây dựng các chính sách dành cho người khuyết tật. Cách
tiếp cận này là định hướng tác động toàn diện về mặt xã hội cho người khuyết
tật và người không khuyết tật. Hiện nay, các chính sách ở Việt Nam liên quan
đến vấn đề người khuyết tật cũng như những đối tượng yếu thế đang tập trung
quá nhiều vào đối tượng cần tác đông mà ít quan tâm đến tác động vào các đối
tượng liên quan, vào điều kiện sống của xã hội. Hoặc có đề cập nhưng việc triển
khai thực hiện các chính sách không đồng bộ.

Thứ hai, việc quan tâm tạo nguồn nhân viên xã hội cần chú trọng nhiều hơn đến
khía cạnh kỹ năng và khía cạnh đạo đức nghề nghiệp. Hiện các chương trình đào
tạo ở các trường đại học đã có những môn học liên quan đến lĩnh vực khuyết tật,
tuy nhiên chưa hình thành có hệ thống về mặt nội dung đào tạo và thực hành,

10
Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam 2010, Báo cáo năm 2010 về hoạt động
hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam
10
nhất là thiếu các môn học và nội dung đề cập đến khía cạnh kỹ năng trong thực
hành công tác xã hội ở các lĩnh vực cụ thể. Đi cùng với việc đầu tư khía cạnh kỹ
năng trong vấn đề đào tạo công tác xã hội, vấn đề xây dựng hệ thống các chuẩn
mực thực hành và quy điều đạo đức trong thực hành công tác xã hội nói chung
và với đối tượng người khuyết tật nói riêng là điều rất cần thiết.

Thứ ba, xây dựng các mô hình, trung tâm công tác xã hội nói chung từ cấp cơ sở
là một định hướng cho việc hình thành hệ thống công tác xã hội chuyên nghiệp
ở Việt Nam. Cơ cấu của các mô hình này vừa có thể ở trong hệ thống quản lý
của nhà nước, vừa có thể nằm trong hệ thống các tổ chức phi chính phủ nhưng
tất cả đều hưởng những tác động trực tiếp và nằm trong sự vận hành của hệ
thống phúc lợi xã hội nói chung. Với đối tượng khuyết tật, nhà nước và hệ thống
an sinh xã hội cần phải đầu tư nguồn kinh phí tối đa cho sự vận hành các mô
hình thực hành cũng như điều tiết các nguồn lực từ tài trợ, hoạt động từ thiện và
đóng góp của xã hội.

Thứ tư, việc hình thành chính thức hội nhân viên xã hội, hội đào tạo công tác xã
hội là hết sức cần thiết. Đây là bộ máy định hướng các quy chuẩn nghề nghiệp,
đánh giá kỹ năng nghề nghiệp cho người làm công tác xã hội. Có bộ máy này,
vấn đề hoạt động công tác xã hội mới định hướng được tính chuyên nghiệp cũng
như có xây dựng được các cơ chế giúp công tác xã hội phát triển tốt hơn ở các
khía cạnh đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn.

5. Kết luận

Hiểu về vấn đề khuyết tật từ mô hình xã hội được xem như là cách nhìn hiện đại
về vấn đề khuyết tật, cách hiểu này hướng đến nhìn nhận những rào cản về mặt
môi trường xã hội, về điều kiện xã hội hơn là vấn đề của cá nhân người khuyết
tật. Cách hiểu này ngày càng được áp dụng phổ biến trong các mô hình thực
hành công tác xã hội đối với người khuyết tật, không chỉ các mô hình cá nhân
mà còn ở các mô hình nhóm, phát triển cộng đồng, vận động chính sách, xây

11
dựng và thực thi chính sách đối với người khuyết tật. Hiểu về người khuyết tật
từ mô hình xã hội cũng được nhìn nhận như một cách tiếp cận về mặt lý luận
cho các mô hình nghiên cứu và thực hành công tác xã hội hiện nay ở nhiều quốc
gia trên thế giới. Đây chính là cách tiếp cận hướng đến nâng cao hoà nhập xã
hội, sự phát triển mang tính toàn diện cho cá nhân và gia đình người khuyết tật
hiện nay, và cần được áp dụng một cách đa dạng và phù hợp trong việc đào tạo,
nghiên cứu, thực hành, cũng như phát triển nguồn nhân lực nhân viên công tác
xã hội ở Việt Nam hiện nay./.

Lời cảm ơn: Bài viết này là một phần trong đề tài nghiên cứu: Trải nghiệm của
trẻ khuyết tật vận động ở Hà Nội: Thực trạng và một số hướng tiếp cận can
thiệp (QX.14.38), do ĐHQG Hà Nội tài trợ.

Tài liệu tham khảo

12
Mô hình xã hội về khuyết tật và áp dụng trong

công tác xã hội với người khuyết tật ở Việt Nam

TS Trần Văn Kham*

Tóm tắt: Hiện người khuyết tật trên thế giới chiếm khoảng 10% dân số và tỷ lệ
này ở Việt Nam là khoảng 6.3%. Mặc dù, điều kiện sống của xã hội có nhiều
biến đổi mạnh mẽ, nhưng người khuyết tật vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó
khăn và thách thức để hướng tới cuộc sống hòa nhập. Thay đổi cách nhìn công
tác xã hội về khuyết tật có ảnh hưởng và tác động tích cực đến các mô hình thực
hành công tác xã hội đối với người khuyết tật. Bài viết này sẽ nhấn mạnh đến
các vấn đề về mô hình xã hội của khuyết tật và áp dụng của mô hình này trong
lĩnh vực công tác xã hội với người khuyết tật và những vấn đề đặt ra đối với
công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Khuyết tật, Mô hình xã hội, Việt Nam, Công tác xã hội với người
khuyết tật

*
Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Email: khamtv@ussh.edu.vn
13
Social model of disability and its applications in
social work with people with disabilities in Vietnam

Dr Tran Van Kham*

Abstract: It is stated that the rate of people with disabilities (PWD) accounts
around 10% of the world population, that ratio is estimated approximately at
6.3% in Vietnam. In spite of the dramatic social development, PWD still
experience the difficulties and challenges toward social inclusion. Changes on
the model of disability understanding from individual/medical to social one have
been making great impacts and contributions to the success of social work
practice with PWD. This paper focuses on the implications of social model of
disability, the brief review on models on social work practice with PWD, and
recommendations for the development of social work with PWD in Vietnam.

Key words: Disability, Social model of disability, Vietnam, Social Work with
People with Disabilities

*
University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University-Hanoi. Email:
khamtv@ussh.edu.vn
14

You might also like